KHÔNG

Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa.
Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa.
Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa em ơi.
Tình đời thay trắng đổi đen. Tình đời còn lắm bon chen.
Tình đời còn lắm đam mê. Nên tình còn lắm ê chề.
Tình mình có nghĩa gì đâu. Tình mình đã lắm thương đau.
Tình mình gian dối cho nhau. Thôi đành hẹn lại kiếp sau.
Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa.
Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa.
Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa em ơi…

Nguyễn Ánh 9

***************

Có lẽ không người Việt nào sống ở Sài gòn vào những năm 1969-1970 mà không biết đến nhạc phẩm “Không” của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.  Bản nhạc ra đời như một câu trả lời cho thắc mắc của Khánh Ly: “Ông có còn thương người ấy?”  Người ấy là mối tình đầu khi nhạc sĩ mới 18 tuổi.  Hai người tình thơ trẻ bị cuốn vào niềm đam mê choáng váng và mãnh liệt.  Nhưng dường như là số phận, những mối tình quá đẹp, thường khó vẹn toàn.  Gia đình cô gái không đồng ý cho con mình yêu anh nhạc sĩ nghèo, sống lang bạt kỳ hồ.  Ngăn không được lòng đôi trẻ, cha mẹ cô dùng kế ly gián, gây nghi ngờ hờn giận cho hai người, rồi đưa cô gái sang Pháp sống, hòng ngăn cản mối tình “rồ dại” với chàng nhạc sĩ.

Năm 1965, người nhạc sĩ lập gia đình và tin tưởng những giông bão của mối tình đầu sẽ ngủ yên.  Nhưng thực tế, trái tim ông đã không còn cảm giác sau mối tình đầu, bởi tình yêu đã vĩnh viễn câm lặng.  Năm 1974, ông gặp lại người tình xưa khi cô về Sài Gòn, cô vẫn một mình, vẫn yêu ông và chẳng oán trách gì.  Đã lỡ làng, có xót xa thì cũng đành sống cho hết bi kịch một kiếp người.  Họ lại xa nhau, lần này là mãi mãi, để vùi chôn những dấu yêu xưa cũ vào đáy lòng mình, nhức buốt, cho tới hơi thở cuối cùng.

Ca khúc “Không” được Khánh Ly thu lần đầu trên đĩa nhựa Tình ca quê hương, và cũng chính nhạc phẩm “Không” đã đưa Elvis Phương “lên sao” ở thập kỷ 70, sau đó nổi tiếng đến mức công chúng gọi Nguyễn Ánh 9 là ông “Không.”

***************

Ở hải ngoại, tôi thường được nghe bài “Không” đã được hòa âm (remix) lại sau này với điệu nhạc Disco giật gân, nhanh vui, và dồn dập.  Trong đĩa video ca nhạc Asia, ca sĩ Mai Lệ Huyền đã lột tả tận chân chữ “không” của bài nhạc với khuôn mặt lạnh lùng, một cái ngoắt đầu quả quyết, cái khoát tay mạnh mẽ, đôi môi mím chặt, thêm với ánh mắt hờn căm của kẻ bị tình phụ.  Tất cả được phụ họa thêm bằng những pha ánh sáng trắng đen chớp tắt liên hồi, tiếng trống chát chúa từng nhịp một.  “Không,” dứt khoát là không!  Không còn yêu thương, luyến tiếc!  Cũng chẳng tiếc thương chi mối tình đã lắm thương đau.  Dù chẳng biết ai gian dối với ai?  Dù chẳng hiểu mối tình đang đẹp sao trở thành “có nghĩa gì đâu?”  Ai là kẻ bon chen và gây ra lắm ê chề?  Chẳng hiểu vì sao, người nghe chỉ cảm nhận được một âm điệu “không” dứt khoát và rõ ràng.  Một tiếng “không” chát chúa chói tai!  Một tiếng  “không” lạnh lùng bẽ bàng!  Không là không!  Trăm lần không, ngàn lần không!  Đừng hy vọng đợi chờ!  Đừng năn nỉ luyến lưu….  Nếu có chăng, chỉ là kiếp sau!  Nghe tiếng  “không” mạnh mẽ quyết liệt này, thì dù chưa muốn chia tay, dù còn vấn vương, người yêu cũng đành phải ngậm ngùi ra đi…

Trong một dịp tình cờ tôi được đọc một bài phỏng vấn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về tác phẩm “Không” bất hủ này.  Thật ngạc nhiên khi khám phá ra cả một tâm tư thầm kín của tác giả gởi gắm trong hồn thơ nốt nhạc.  Đó không phải là một chữ  “không” dứt khoát quyết liệt, bẽ bàng như người ta thường được nghe và hiểu sau này.  Bản nhạc nguyên thủy được soạn với điệu Slow Rock lả lướt, tình tứ du dương, tiếng nhạc réo rắt nhẹ nhàng, diễn tả một chữ  “không” đầy ẩn ý mời gọi.  Hiểu chữ  “không” này như thế nào, điều đó tùy thuộc vào độ rung cảm của tâm hồn và nhịp đập của con tim. Tim tôi và tim em, hai kẻ trong cuộc đã từng một thời yêu thương!  Với tác giả, đó là một chữ  “không” giận lẫy, đầy trách móc nhưng không dứt khoát.  Một chữ  “không” để hở!  Nói  “không” nhưng không phải là  “không!”  “Không” đó nhưng đầy hàm ý chờ đợi, đẩy em đi nhưng lại muốn kéo em về.  Mấy nốt cuối cùng của điệp khúc “tôi không còn yêu em nữa, em ơi…..” được kéo dài ra, luyến láy nói lên cái tâm tình xao xuyến chờ đợi, như dằng co, như muốn kéo áo người đừng đi.  Nếu tình đã gian dối, lắm thương đau, nhiều ê chề thì hẹn chi đến kiếp sau?  Mâu thuẫn!  Gian dối một kiếp, một đời chưa đủ hay sao?  Lúc giận nói thế, nhưng không phải thế!  Bởi còn yêu mới giận.  Nói “không” để lòng bớt đau, nói giận để lòng bớt thương, nói hận để lòng bớt nhớ!  Phủ định để tự khẳng định!  Người yêu có hiểu lòng kẻ nói “không?”  Người đi có hiểu lòng kẻ ở?  Nghĩa chữ “không” vời vợi đầy đau khổ, tuyệt vọng nhưng vẫn chờ đợi, oán trách nhưng vẫn yêu đậm sâu.  Ai kia nếu có hiểu mới gọi là yêu!

Chữ “không” huyền bí của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong ca khúc “Không” đã được thế hệ sau hòa âm lại, hiểu theo nghĩa trắng đen của thời đại, nhưng lại lệch lạc với tâm tình của tác giả gởi gắm trong đó.  Cả một con tim sôi sục yêu thương được diễn tả bằng giọng hờn giận nhẹ nhàng của điệu nhạc Slow Rock tình tứ, trách đó nhưng yêu đó, giận đấy nhưng vẫn đợi đây, đã được chuyển sang nhịp giật gân, dồn dập, như hối thúc người ta đi cho lẹ, như muốn thanh toán mối tình cho xong để còn tính chuyện khác.  Cả một trời ẩn ý được che dấu dưới chữ “không” ai oán não nùng, nào có ai thấu hiểu nỗi lòng của kẻ nói chữ “không” nếu không được nghe chính tác giả tâm sự?

***************

Chữ “không” huyền bí nhiều ý làm tôi liên tưởng đến chữ “không” của Thiên Chúa.  Thưở ban sơ, Ngài đã nói “không,” con người sẽ phải chết và đuổi ra khỏi vườn địa đàng sau khi loài người phạm tội bất tuân.  Nhưng sau đó, Con Một của Thiên Chúa lại chết để con người được sống.  Quả là một chữ “không” mâu thuẫn!  Một cái chết ô nhục khổ đau trên thập tự đồi Golgotha năm xưa của Chiên Thiên Chúa đã nói lên bao điều.  Không những thế, Người Con Một đó đã đến thế gian truyền rao một thông điệp về tình yêu thâm sâu vô biên của Thiên Chúa Cha.  Rằng Thiên Chúa đã yêu thương loài người đến nỗi đã ban Người Con Duy Nhất cho thế gian.  Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã dám thí mạng sống mình vì bằng hữu.  Ôi, một chữ “yêu” nhiệm mầu!  Một Thiên Chúa quyền năng sáng tạo muôn loài muôn vật từ hư không, nhưng lại bó tay “không” thể cứu chuộc con người, nếu “không” có sự hợp tác của con người.  Một chữ “không” khó hiểu!

Thật không dễ dàng để đối diện với chữ “không” phũ phàng của Đấng mà mình đã đặt trọn tin yêu!  Đã bao lần, Thiên Chúa nói “không” với tôi trong cuộc sống này, mỗi khi tôi xin nhưng không được, tìm nhưng không thấy, gõ cửa nhưng không được mở.  Tôi phải hiểu nghĩa chữ “không” này như thế nào đây?  Xin thành công chỉ gặp toàn thất bại, xin Chúa chữa lành bịnh tật thì thấy bịnh nặng thêm, xin hạnh phúc lại gặp toàn khổ đau.  Xin cho đường đời êm ả bên những đứa con ngoan hiền thì gia đình tan tác, con cái vô đạo nghĩa.  Tại sao và tại sao?  Ngay cả khi tôi xin những điều tốt lành cho phần hồn mình, và của những người thân thương, Thiên Chúa vẫn nói: “Không, chưa phải lúc!”

Thật không dễ dàng để thông hiểu chữ “không” đầy cay đắng của Thượng Đế quyền uy. Tôi cần phải nhìn lên thập giá Giêsu, ngước mặt lên trời cao để nhìn thẳng vào ánh mắt của Đấng đã nói “không,” để hiểu tâm tình của Ngài đằng sau chữ “không” đáng ghét kia.  Thiên Chúa cũng đã từng nói “không” với Người Con duy nhất của Ngài trong vườn Cây Dầu.  Ngài đã “không” cất chén đắng cho Giêsu nhưng Ngài ban thêm sức mạnh và nguồn an ủi thiêng liêng cho Giêsu.

Trong phút giây đối đầu với sự chết, Giêsu cũng đã từng có tâm tình bị bỏ rơi bởi Người Cha yêu dấu, nhưng Ngài đã không bỏ cuộc, và sau cùng Ngài đã chiến thắng.  Trong men cay chua chát của thất bại, lạ thay tôi nhận ra đức khiêm nhường trổ sinh hoa trái.  Trong thể xác ốm yếu bịnh hoạn, tôi thấy linh hồn mình tỉnh thức sống gần Chúa hơn.  Dãy dụa trong bể khổ, tôi thấy mình chán ghét thế gian hào nhoáng, lòng hướng về một hạnh phúc viên miễn hơn.  Đi trên đường đời gập ghềnh sóng gió, người mang đầy thương tích, tôi thấy mình bám chặt vào Chúa hơn, và ngỡ ngàng nhận ra đức tin, cậy, mến của mình sáng rực như bó đuốc trong đêm đen.  Phải chăng qua chén đắng của chữ “không,” Thiên Chúa đang dạy dỗ tôi nhiều điều.  Ngài giúp tôi lớn hơn trong đời sống thiêng liêng và mở mắt tâm hồn tôi để nhìn thấy được những điều cao cả thuộc về thượng giới hơn?

Có lẽ khi chữ “yêu” kết hợp với chữ “không” sẽ giúp người trong cuộc hiểu rõ nghĩa từ thâm sâu huyền nhiệm của chữ “không” hơn.  Tùy theo mức độ “yêu” để hiểu nghĩa chữ “không.”  “Không” đi một mình thì thuần túy chỉ là “không” đúng nghĩa trắng đen, chẳng cần phải “yêu” cũng có thể hiểu.  Nhưng “không” đi với hơi thở của con tim, với ánh mắt tha thiết yêu thương, với độ rung cảm của linh hồn, chữ “không” chắc hẳn không còn là “không” nữa.  Người trong cuộc sẽ hiểu tại sao Thiên Chúa lại nói “không” với mình, khi Thiên Chúa đã dám cho đi cái qúy nhất của Ngài.  Chắc hẳn phải có lý do ẩn khuất đằng sau chữ “không” đắng chát kia.  Nghĩa chữ “không” vời vợi khó hiểu!  Có lẽ cần phải “yêu” nhiều hơn nữa mới có thể hiểu được chữ “không” của Thiên Chúa Tình Yêu.

Phêrô và Giuđa, cả hai cùng theo Thầy ròng rã ba năm trời, trực tiếp nghe những lời giáo huấn từ miệng Thầy, hiểu rõ tấm lòng yêu thương vị tha của trái tim Thầy.  Đến giây phút thử thách, cả hai cùng phản bội tình yêu của người Thầy yêu dấu.  Một người bán Thày cho các tư tế, còn một thì leo lẻo chối Thày giữa đám đông.  Với tình yêu, sự phản bội nào cũng xấu xa như nhau.  Cuối con đường, cả hai đã hoà âm lại chữ “không” theo hai nghĩa khác nhau.  Giuđa hiểu rằng Thầy đã nói “không” với mình.  Thế là hết, là xong mối tình thầy trò ba năm!  Không còn con đường nào khác cho kẻ phản bội, và ông đã đi đến ngõ cụt của chữ “không” lối thoát đó bằng cái chết thắt cổ của mình.  Phêrô thì can đảm hơn để nhìn lên ánh mắt của Thầy, và đọc được một sứ điệp trái ngược.  “Không, cho dù con xấu xa phản bội, Thầy vẫn yêu thương con.  Không, đừng bỏ đi, con ơi!  Cho dù con vấp ngã chối Thầy, nhưng Tình Yêu chấp nhận cái tốt lẫn cái xấu.  Không, con phải đứng lên bằng chính đôi chân của mình!  Cho dù con phản bội nhưng Thầy vẫn thứ tha và chờ đợi… Không, con không được bỏ cuộc! Thầy và anh em vẫn cần con và mong con quay về….”  Thế là Phêrô cất bước trở lại với anh em, với sứ mạng Thầy đã giao phó, và cuối cùng đã chết vì người Thầy mình đã một thời chối bỏ.  Phải chăng vì Phêrô yêu Thầy hơn Giuđa yêu Thầy, nên ông hiểu nghĩa chữ “không” đúng với tâm tình của Thầy hơn?

Hai cách hiểu chữ “không” khác nhau dẫn đến hai kết cục khác nhau.  Dù hai cách hiểu hay nghìn cách hiểu, ý tưởng của tác giả cũng chỉ có một.  Thiên Chúa là Đấng trung thành với lời hứa, với những gì Ngài đã nói.  Ngài hằng mong muốn nhân loại nhìn lên cái chết ô nhục đau thương của Người Con Một trên thập giá, để hiểu cho đúng ý nghĩa yêu thương của trời cao, để mỗi khi gặp phải chữ “không” lạnh lùng trong cuộc sống thì đừng vội tuyệt vọng chán nản, đừng vội bỏ cuộc, và đừng bao giờ diễn dịch chữ “không” cao siêu nhiệm mầu của Thiên Chúa theo ý phàm tục riêng mình.  Tác giả Nguyễn Ánh 9 trong bài phỏng vấn đã kêu gọi ca sĩ khi trình bày nhạc phẩm “Không,” hãy tôn trọng tâm tình của người viết nhạc và linh hồn bài hát.  Ca sĩ là người dùng nghệ thuật âm nhạc, giọng hát, cách diễn đạt để lột tả cho trọn vẹn ý tưởng của tác giả gởi gắm trong ca khúc đó, chứ không phải phiên dịch lại theo ý mình.  Cùng là một thân phận nghệ sĩ, chắc hẳn Thiên Chúa cũng có một tâm tình như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.  Mong sao thế nhân hiểu cho đúng, diễn tả cho trọn cái tâm tình của Thiên Chúa gởi gắm trong những tác phẩm nghệ thuật của Ngài, mà đỉnh cao của những tác phẩm nghệ thuật đó chính là cây thánh giá cheo leo trên đồi Golgotha năm xưa, và Lời Yêu Thương được gói ghém trong cuốn Thánh Kinh.

ZZQua tình khúc “Không” của điệu Slow Rock, người nghe cảm nhận được nỗi đau, vị chát, men cay, và sự thất bại ê chề của người nói chữ “không,” hơn là kẻ được nghe chữ “không.”  Mâu thuẫn thay, tôi lại cảm nhận được nỗi tuyệt vọng cay đắng của người nghe chữ “không,” nhưng chưa bao giờ tôi thử tìm hiểu xem cõi lòng của Thiên Chúa ra sao, khi Ngài phải nói chữ “không” với tôi!  Đến bao giờ tôi mới hiểu được tâm sự của người nói chữ “không?”  Chẳng biết tôi có thể hiểu được hay không, khi tôi cứ mãi gục xuống trong cơn đau của mình?

***************

Lạy Thiên Chúa là Đấng thấu hiểu mọi sự, con viết bài này cho vơi bớt cơn đau, cho quên nỗi ưu phiền vì Chúa cũng đang nói “không” với con trong lúc này đây.  Linh hồn con đang bên bờ tuyệt vọng vì không hiểu sao Chúa cứ mãi nói “không!”  Con không muốn xin gì thêm nữa vì đã quá mỏi mệt, vì dư âm đắng nghét của chữ “không” vẫn còn đọng nơi đầu môi.  Con chỉ xin một điều duy nhất là cho con biết luôn cậy trông và phó thác vào tình yêu thẳm sâu nhiệm mầu của Chúa.  Gọi là nhiệm mầu vì đôi lúc con không hiểu được tình yêu đó.  Phần còn lại, Chúa muốn cho gì thì cho, vì Chúa đã trao ban Người Con duy nhất của Ngài cho con rồi thì chắc Chúa chẳng tiếc gì những thứ khác nữa. Amen!

Lang Thang Chiều Tím
October 2008

NỖI NIỀM DA-KÊU

 (Lc 19:1-10)

Da-kêu vội vã rảo bước trên con đường dắt ra trung tâm thành phố, ánh mắt sắc bén đánh một vòng xung quanh như đang tìm kiếm cái gì đó để định hướng cho bước chân.  Đôi tai ông vểnh lên nghe ngóng, cánh mũi to phập phồng lên xuống theo nhịp thở, như đang cố gắng tận dụng hết chức năng của mình để ngửi ra mùi vị mới lạ của thành phố Giê-ri-khô.  “A, đây rồi,” mắt ông nheo lên mừng rỡ. Một đám bụi mịt mờ xa xa cuối con đường lớn, cùng với tiếng người ồn ào xôn xao, khiến bước chân ông bẻ ngoắt tiến nhanh về hướng đó.

Giê-ri-khô, một thành phố nhộn nhịp trù phú nằm trong vùng thung lũng sông Gio-đan, mấy hôm nay đang sôi lên với bước chân viếng thăm của một vị ngôn sứ cùng với nhóm môn đệ Ngài.  Trước khi đặt chân vào thành phố giàu có này, vị ngôn sứ mang tên Giêsu đã chữa lành một người mù ngoài cổng thành, làm bao nhiêu phép lạ khác, và giảng dạy những điều mới mẻ về Tình Yêu, Nước Thiên Chúa, và những điều răn mới….  Phố xá hôm nay vắng tanh, hàng quán đóng cửa, người ta bỏ cả công việc đồng áng ùn ùn kéo nhau đi nghe Giêsu giảng dạy.

Hôm nay Da-kêu quyết phải gặp mặt cho được vị ngôn sứ này để xem thực hư ra sao, có đúng như lời thiên hạ đồn đãi hay không.  Những gì mà ông được nghe đồn thổi về Giêsu đã kích thích óc tò mò của ông.  Thật ra, cái mà thôi thúc ông phải thấy tận mắt con người bằng xương bằng thịt Giêsu, chính là câu chuyện truyền miệng gây xôn xao trong giới thu thuế mà ông là người thủ lãnh.  Đấng tự xưng là Con Người đến rao giảng như một Đấng Thiên Sai đầy quyền uy, lại thu nhận một đệ tử là tay thu thuế Lê-vi lợi hại.  Chưa hết, ông Giêsu ấy lại còn ngồi cùng bàn ăn uống với nhóm bạn bè ông, đám thu thuế sừng sỏ, và các cô gái làng chơi, những người mà dưới mắt dân chúng là tay sai ngoại bang, gian ác, và đầy tội lỗi.  Dĩ nhiên là trong buổi tiệc đó ông Giêsu bị nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư chống đối kịch liệt, nhưng ông ta vẫn tiếp tục ngồi ăn, còn mắng vào mặt những con người đạo đức giả hình đó nữa.  Hay lắm!  Khá lắm!  Câu chuyện này làm Da-kêu thích thú, và ông rất ngưỡng mộ trước hành động “ngang tàng” của vị ngôn sứ có một không hai này.  Chỉ tiếc là ông không có mặt trong buổi tiệc hôm đó!

***********************************

Đôi chân ngắn ngủn của ông chẳng mấy chốc bắt kịp đám đông.  Ông kinh ngạc mở to đôi mắt nhìn dòng thác người chen chúc xô đẩy.  Đúng là một đám đông khổng lồ di chuyển!  Ông không ngờ thiên hạ lại đi nghe ông Giêsu giảng đông đến thế.  Da-kêu không thấy gì hết, chỉ có người, hơi người, và bụi mịt mờ trong nắng chiều gay gắt.  Những cái lưng ướt đẫm mồ hôi quay lưng ngược về phía ông đang chầm chậm đi giựt lùi lại phía sau, vừa đi vừa gật gù cái đầu ra chiều đắc ý với những lời giảng dạy.

Ông len lỏi chạy vòng ra phía sau đám đông.  Cũng không thấy gì nốt!  Vẫn chỉ là những cái lưng di động tiến về phía trước, còn Giêsu thì lọt thỏm trong đám đông to lớn ấy.  Ngài vừa đi vừa giảng lớn tiếng, giọng nói hùng hồn truyền cảm làm ông càng thêm phấn chấn.  Da-kêu rướn người bám vào vai áo người đứng trước, ráng kiễng chân, ngướng cổ nhìn vào phía trung tâm vòng tròn.  Chẳng khá hơn tí nào!  Chỉ thấy toàn là bả vai, và đầu thiên hạ mà thôi.  Sực nhớ ra số vốn ít ỏi về thước tấc ngoại hình của mình, Da-kêu hạ chân xuống, và bực cái thân hình ngũ đoản đã không giúp ích gì được trong lúc này.  Ông hậm hực nhủ thầm: “Không thể dùng cách này được.”

Vài người trong đám đông nghe tiếng động phía sau bèn quay lại, họ bĩu môi dè bỉu khi nhận ra ông, một thủ lãnh của các tay thu thuế thường ngày rút rỉa tiền của họ bằng nhiều cách để nộp thuế cho Rô-ma, giờ đang đứng xớ rớ để nghe giảng về luân lý đạo đức.  Đâu đó vài tiếng xầm xì: “Đồ chó săn Rô-ma!”  Vài người khác thì nhẹ nhàng mỉa mai: “Đây không phải là chỗ của ông, xin mời ông đi chỗ khác dùm cho, chỗ của ông ở bên bọn lính Rô-ma, cạnh thùng tiền, và các cô gái điếm kia!”  Da-kêu nghẹn họng nuốt nước miếng, thấy ran rát ở cuống họng.  Ông buông xuôi hai tay, luống cuống ngại ngùng ngó lơ đi chỗ khác, tránh những cặp mắt soi mói khinh khi.  Vài người bạn thu thuế đang đứng lảng vảng gần đám đông, chạy lại kéo tay ông đi nơi khác.  Da-kêu hất tay họ ra.  Không, ông không chịu thua một cách dễ dàng như thế được!  Cái ông muốn là ông phải làm cho bằng được!  Ông bực tức nhìn đám đông cản đường đang vây lấy Giêsu và tự hỏi: “chẳng lẽ một con người đa mưu túc kế như mình mà lại chịu thua một cách dễ dàng như vậy sao?”

Da-kêu bỏ đám đông, và trước những cặp mắt ngơ ngác của bạn bè, ông chạy lên phía trước một lần nữa rồi đứng lại quan sát tình hình, và nhận định hướng di chuyển của đám đông.  Đầu óc nhiều mánh lới liên tục làm việc: “Muốn xem thấy mặt Giêsu phải cao hơn đám đông này,” ông nhủ thầm.  Thế là Da-kêu chạy ào ào về phía trước thật xa, dưới gốc một cây sung to rậm rạp, cành lá xum xuê mà ông đoán thế nào đám đông cũng phải đi ngang qua đây.  Ngồi trên cây sung này thì chắc chắn thế nào cũng thấy được mặt người mà ông ngưỡng mộ.

***********************************

Thế nhưng… vừa đặt chân lên thân cây chuẩn bị leo lên thì ông lại ngập ngừng bỏ xuống.  Da-kêu nhìn lại mình: bộ quần áo mắc tiền được đặt may ở bên Rô-ma, đai thắt lưng nạm vàng, đôi săng đan sang trọng chỉ giới nhà giàu mới dám tung tiền ra mua, tuổi tác, và ngôi vị nguời giàu có nhất nhì thành phố Giê-ri-khô thịnh vượng…. làm sao ông có thể ngồi thu lu trên cây sung như một đứa con nít, hay như một tên ăn trộm được?  Nếu chẳng may thiên hạ nhìn thấy thì chỉ có nước… độn thổ.  Lòng kiêu ngạo, tự ái, và sĩ diện… tất cả ở đâu ào ào tuôn tới như làn nước lũ làm cản bước chân ông.  Da-kêu lưỡng lự e ngại, đầu óc khôn lanh bắt đầu tính toán hơn thiệt: “Nếu giữ thể diện không làm cách này thì không còn cách nào khác, và ta sẽ mãi mãi không bao giờ được thấy mặt Giêsu!”

Nghĩ đến đó ông lại hăng hái leo lên.  Biết có ngày Giêsu trở lại thành phố này lần thứ hai hay không?  Con người đã biết chụp thời cơ để làm giàu, thì cũng không bao giờ để vuột mất cơ hội nào trong tay.  Ông ao ước được xem thấy mặt Giêsu, dù chỉ một thoáng cũng thoả lòng.  Ông quyết đạt cho được mục đích của mình bằng mọi cách, như đã không từ một thủ đoạn nào để làm giàu!  Chỉ cầu xin đừng ai thấy ông ngồi trên cây lúc này.  Da-kêu đưa tay kéo những tàn lá to để che thân thể tròn trĩnh, đang cố thu gọn mình lại trên cành cây cao.

Đúng như ông dự đoán, đám đông từ từ tiến về phía cây sung.  Ông hồi hộp chờ đợi, cặp mắt căng ra chăm chú dõi theo bóng dáng Giêsu thấp thoáng trong đoàn người đang từ từ rõ nét dần.  Đằng sau cái dáng dấp cao lớn phong trần là một bộ quần áo cũ dính đầy bụi đường, Giêsu với làn da rám nắng, nét mặt mệt mỏi của người đi xa chưa được nghỉ ngơi, khuôn mặt chữ điền đầy nét cương nghị với cái sóng mũi cao thẳng tắp vẫn không che dấu được nét nhân từ hiền hậu.  Cặp mắt sáng quắc nhìn thẳng vào người đối diện, như muốn nhìn xuyên đến đời sống tâm linh kín đáo bên trong đáy tâm hồn của mỗi người.  Ông xít xoa hả hê trong bụng, và sung sướng với nụ cười mãn nguyện.  Con người bằng xương bằng thịt của Giêsu thật sống động và mạnh mẽ, giọng nói trầm ấm lôi cuốn, thật khác nhiều lắm so với những gì ông đã tưởng tượng.

Ông nín thở!  Ô kìa, sao đám đông cứ chằm chằm nhắm về phía cây sung mà tiến đến.  Da-kêu biết Giêsu đi hướng nào thì đám đông bu quanh sẽ di chuyển về hướng đó, nhưng tại sao Ngài lại tiến thẳng về phía cây sung này thế nhỉ?  Ông đoán họ sẽ đi ngang qua cây sung thôi mà!  Chắc có lẽ Giêsu muốn ngồi nghỉ một lát dưới bóng mát của tàng cây sung này chăng?  Nếu đúng thế thì hạnh phúc cho ông quá!  Ông sẽ có nhiều thời gian hơn nữa để chiêm ngắm “vị ngôn sứ của các tay thu thuế” này cho thoả thích.  Chỉ có một điều lo lắng là nếu người ta nhìn thấy ông trên cành cây đang nhìn trộm Giêsu thì thật xấu hổ quá!  Đám đông càng đến gần, lòng ông càng hồi hộp lo sợ, mồ hôi toát ra như tắm.

ZZBỗng…. bước chân Giêsu dừng lại ngay phía dưới chỗ ông núp.  Ngài từ từ… ngước mặt nhìn lên… kéo theo hàng ngàn cặp mắt tò mò ngẩng cổ nhìn theo….  Ông chới với khi bị bắt gặp quả tang đang nhìn trộm!  Ngạc nhiên!  Xấu hổ!  Hoảng hốt!  Da-kêu luống cuống khi bất ngờ phải đối diện với hàng ngàn cặp mắt đang mở to trừng trừng nhìn ông như một quái vật.  Họ chẳng hiểu ông đang làm gì trên đó.  Ông nhắm mắt lại, mặt đỏ tía tai, hai tay bấu chặt vào cành cây như cố bám vào một nơi nương tựa.  Chẳng có đất đâu để mà độn thổ!  Chẳng cành lá nào che được khuôn mặt đang đổi nhiều sắc màu.  Rồi lại mở mắt ra đối diện với sự thật kinh hoàng, ông bặm môi bối rối chưa biết phải ứng xử ra sao trong hoàn cảnh trớ trêu này, tia mắt lúng túng ngượng ngùng của ông cuối cùng chạm vào ánh mắt khoan dung hiền dịu của Giêsu.

Một ngạc nhiên khác tiếp nối.  Cái gì thế nhỉ?  Một ánh mắt âu yếm cảm thông như trấn tĩnh bảo ông đừng sợ hãi!  Ông nhíu mày ngỡ ngàng tưởng mình nhìn lầm: không phải là một ánh mắt khinh bỉ mà ông thường gặp trong cuộc đời thu thuế, cũng chẳng phải là cái nhìn nghiêm khắc kết án của mấy vị Pharisêu đạo đức, càng không là một cặp mắt trách móc của Đấng có thẩm quyền xét xử.  Đó là tia nhìn bao dung của một người Cha nhân từ, quyện với nét hân hoan mừng rỡ của người mẹ, như muốn dang rộng cánh tay ôm vào lòng đứa con đi hoang mới về.  Cả một biển hồ mênh mông êm dịu chất chứa trong cái nhìn sâu lắng đầy tình thương của Đức Giêsu.  Da-kêu như muốn buông mình để ngụp lặn trong ánh mắt đó.  Đi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác, ông chỉ biết xoe tròn mắt nhìn Giêsu, miệng ú ớ không thành tiếng.

Một giọng nói trầm ấm quen thuộc vang lên phá tan bầu khí yên lặng ngột ngạt:

–     Này, Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông (Lc 19:5).

Tai ông ù lên, “phải ở lại nhà ông,” ông có nghe lộn không?  Ai bắt ông Giêsu này phải ở lại nhà ông, nhà của một người tội lỗi?  “Ông Giêsu này có biết mình là ai không nhỉ?” ông tự hỏi.  “À, mà ông ấy lại còn kêu đích danh tên của mình nữa chứ!”  Ông thấy lạnh người.  “Sao ông ta biết nhỉ?  Đúng là Đấng Thiên Sai rồi!”   Như vậy là ông không nghe lộn!  Trước niềm vui quá lớn lao, một niềm hạnh phúc không chờ mà đến, bất ngờ ông buông tay ra thả mình rơi xuống đất cái bịch trước sự kinh ngạc của mọi người.  Chẳng còn xấu hổ hay sĩ diện gì nữa, Da-kêu hổn hển chạy đến chụp lấy bàn tay Giêsu lắc lắc mạnh như ngầm hỏi: “Ngài không nói lộn chứ, thưa Ngài?”  Gương mặt Giêsu rạng rỡ niềm vui với một nụ cười nhân từ, ánh mắt trìu mến vẫn không rời xa ông, Ngài nhè nhẹ lắc đầu như ngầm xác nhận là ông không nghe lộn.

Da-kêu thở hắt ra, bao nhiêu hồi hộp sợ hãi tan theo mây khói.  Hai tay ông xiết chặt lấy bàn tay chai sạn của Giêsu xoa xoa rồi đưa lên môi hôn, rồi lại đặt xuống trước lồng ngực đang thổn thức như muốn cho Giêsu nghe nhịp đập của trái tim mình.  Mặt ngửa lên trời, cặp mắt ông nhắm lại để tận hưởng phút giây hạnh phúc bất ngờ mà ông tin rằng rồi sẽ không mong manh như ráng chiều xa xa.

Sau một phút ngỡ ngàng, đám đông bắt đầu lao xao trước hiện tượng lạ, một vị ngôn sứ nổi tiếng thánh thiện trong thiên hạ lại đang “tay bắt mặt mừng” một kẻ tội lỗi cũng nổi tiếng không kém.  Trông họ như một đôi bạn chí thân, đang tay trong tay mừng mừng tủi tủi sau một thời gian dài biệt ly.  Những tiếng xầm xì vang lên đó đây trong đám đông:

–     Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ (Lc 19:7).

Da-kêu vui không bút mực nào tả xiết, niềm vui lớn quá làm những lời ghen ghét tị nạnh như làn gió thoảng bên tai chẳng gây cho ông sự khó chịu nào.  Hơi ấm từ đôi tay của Giêsu truyền qua cho ông một sức mạnh vô hình, ông dạn dĩ đứng thẳng người, nhìn vào đám đông đang hậm hực, rồi quay sang Giêsu, ông kính cẩn cúi đầu thưa:

–     Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn (Lc 19:8).

Những cặp mắt trố ra nhìn ông kinh ngạc như tưởng nghe lầm, những tiếng xầm xì trước đây nghe rầm rì nho nhỏ, giờ bỗng náo động lên với những tiếng kêu thất thanh ngạc nhiên.  Cả đám đông bị chấn động!  Người này chuyền tai người kia lời tuyên bố bất hủ của kẻ giàu có nhất vùng.  Họ xô đẩy, chen lấn, đạp lên nhau để đứng gần hơn giữa hai người, để nghe cho rõ hơn, để thấy tận mắt cuộc gặp gỡ kỳ diệu nào đã biến đổi tâm hồn tay trùm thu thuế sừng sỏ nhất vùng đất Giê-ri-khô này.  Những khuôn mặt cau có ghen tị trước đây, giờ đổi sang nghi ngờ, rồi thoáng chốc lại chau mày suy tư như cố moi óc nhớ xem họ có phải là một trong những nạn nhân của ông không?

Da-kêu đưa mắt rộng lượng nhìn đám đông đầy yêu thương, những con người mới hôm qua còn xa lạ, nay bỗng trở nên thân thiết gần gũi.  Ông biết chứ, với câu tuyên bố xanh rờn đó, ông có thể bị phá sản như chơi.  Với hơn nửa đời người trong nghề thu thuế, những nạn nhân bị ông làm hại, hay chiếm đoạt tài sản không phải là ít.  Nhưng…. tất cả đều không là gì so với niềm vui được biết Đức Giêsu Con Thiên Chúa, được vinh dự đón tiếp Ngài vào ngôi nhà tội lỗi của ông, ngôi nhà mà chẳng một người Do Thái bình thường nào thèm đặt chân bước vô vì sợ liên lụy và ô uế.  Mặc dù Giêsu không hề đòi hỏi ông phải làm điều đó, nhưng ông tình nguyện từ bỏ những gì không chính đáng, tình nguyện sống theo những gì mà ông đã được nghe giảng dạy, như Ngài đã “tình nguyện” “phải” ở lại nhà ông đêm nay.

Chính ông cũng không ngờ cuộc gặp gỡ này đã biến đổi cuộc đời ông đến thế!  Da-kêu thấy lòng mình thật thanh thản nhẹ nhàng cho dù có thể bị tán gia bại sản.  Ông như người vừa được tự do, được giải thoát khỏi những thèm muốn của cải vật chất mà ông đã bỏ cả đời người để đeo đuổi.  Ông không ngờ, gặp không phải để mà gặp cho biết, nhưng gặp rồi để đi theo Đấng mà mình đã có duyên được gặp gỡ.  Mà làm sao có thể đi theo Ngài với những xiềng xích, những ràng buộc lòng thòng kéo trệ bước chân của người lữ hành được.

Ông hân hoan nắm tay Giêsu kéo đi về phía nhà mình như đứa con thơ tung tăng kéo tay người Cha đi chơi.  Đức Giêsu quay lại nói với đám đông đang vẫn còn đứng trân trân tại chỗ như chưa hết ngạc nhiên:

–     Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất (Lc 19:9-10).

Nắng đã tắt dần nơi cuối phố, đoàn người từ từ giải tán với những lời bàn tán xôn xao về biến cố bất ngờ vừa xảy đến cho thành phố Giê-ri-khô.  Họ ra về với những tâm trạng buồn vui khác nhau.  Biết bao con người cùng một diễm phúc được gặp gỡ Đức Giêsu hôm ấy, cùng nghe một bài giảng, cùng chứng kiến những phép lạ như nhau, nhưng có bao nhiêu tâm hồn thật sự đổi thay như Da-kêu??? Những chú chim hoảng hốt vỗ cánh bay lên cao như mang theo câu trả lời cho gió cho mây.

Lang Thang Chiều Tím
October 2007

HAI SẮC HOA TI GÔN

T.T.Kh

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người ấy với yêu thương

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương cát,
Tay vít dây hoa trắng lạnh lòng.

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài những lúc thấy tôi vui.
Bảo rằng “Hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng thế thôi.”

Thuở đó nào tôi có hiểu gì,
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: “Mầu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biết suy.”

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm
Trong một ngày vui, pháo nhuộm đường.

Từ đấy thu rồi, thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ?
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
“Người ấy” cho nên vẫn hững hờ.

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng một người.

Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhung hồng tựa trái tim tan vỡZZ
Và đỏ như màu máu thắm phai

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi,
Một mùa thu cũ rất xa xôi.
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu hoa đỏ rụng, chiều thu…
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.

Nếu biết rằng tôi đã có chồng,
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ,
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng  

********************************

Huyền thoại thi ca tiền chiến Việt Nam những năm 1937-1938 bỗng nổi cơn ba đào với bốn bài thơ ký tên T.T.Kh, rồi sau đó lặng lẽ tan vào cõi hư không, mặc cho dư luận ồn ào xôn xao.  Chất hưng phấn làm hoa ti gôn nở rộ một thời, được khai hoa nở nhụy bằng một câu chuyện “Hoa Ti Gôn” của ký giả Thanh Châu, đăng trên báo “Tiểu Thuyết Thứ Bảy,” xuất bản tại Hà Nội.  Là một truyện ngắn không có gì đặc sắc, nhưng nhẹ nhàng và bay bổng, “Hoa Ti Gôn” kể về một chuyện tình buồn giữa một chàng họa sĩ và một thiếu nữ gia đình thượng lưu.

Sau đó không lâu, tòa soạn nhận được một bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti Gôn,” ký tên T.T.Kh do một thiếu phụ trạc hai mươi, dáng bé nhỏ thùy mị, nét mặt u buồn mang đến.  Đó là lần đầu, và cũng là lần cuối người thiếu phụ nầy xuất hiện.  Câu chuyện “Hoa Ti Gôn” đã khơi lại mối tình xưa của người thiếu phụ (T.T.Kh.) với một chàng nghệ sĩ, cả hai đã qua một thời yêu thương hẹn hò dưới giàn hoa ti gôn.  Rồi chàng ra đi biền biệt không hẹn ngày về.  Nàng ở lại vâng lời mẹ cha, gạt nước mắt nên duyên cùng người khác – một người chồng luống tuổi – để rồi tan nát tâm tư, mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của thời quá khứ.  Bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn đã gây nên xúc động lớn trong lòng người yêu thơ, bởi những câu thơ quá da diết.  Sau bài thơ nầy, tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bẩy lại nhận được bằng đường bưu điện ba tác phẩm khác cũng mang tên T.T.Kh.  Đó là các bài “Bài Thơ Thứ Nhất,” “Bài Thơ Đan Áo” (riêng đăng ở Phụ Nữ Thời Đàm), và “Bài Thơ Cuối Cùng.”

Từ đó về sau, người ta không còn gặp thơ của T.T.Kh nữa.  Không ai hiểu tại sao bài “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” lại xuất hiện trước “Bài Thơ Thứ Nhất,” và cũng không hiểu tại sao tác giả lại lặng lẽ rời bỏ văn đàn không lời từ biệt, để lại trong lòng người yêu thơ bao nỗi niềm thương nhớ luyến tiếc.

********************************

Bảy mươi năm trôi qua, nhân gian tốn bao giấy mực để tìm hiểu T.T.Kh là ai.  Người thì đoán Trần Thị Khánh, một nữ sinh Hà nội, người yêu của Thâm Tâm, một nhà thơ Việt Nam nổi tiếng với bài Tống Biệt Hành.  Kẻ lại bảo là Nguyễn Bính, rồi em gái họ nhà thơ Tế Hanh.  Người khác đoan chắc đó là Trần Thị Vân Chung, người yêu nhà văn Thanh Châu, tác giả truyện ngắn Hoa Ti Gôn.  Ai đúng ai sai, làm sao biết được khi tác giả tiếp tục thinh lặng “sống hờ hết kiếp, trong duyên trái đời.”

Làm sao có thể dệt nên chuyện tình buồn nếu chỉ có một người?  Thế là dư luận đổ xô đi tìm “người ấy” của T.T.Kh để hỏi xem “người ấy có buồn không, có còn nghĩ tới loài hoa vỡ.”  Kẻ xầm xì nói đó là nhà thơ Thâm Tâm, người lại bảo là nhà văn Thanh Châu.  Nguyễn Bính, J. Leiba và bao nhiêu anh hùng thiên hạ khác nữa, cũng nhận T.T.Kh. là người yêu của mình!  Ai đúng ai sai, làm sao biết được khi loài hoa ti gôn chỉ nở một lần, hoa rụng mang theo niềm bí mật của người yêu hoa.

Làm sao có thể dệt nên chuyện tình ngang trái nếu không có người thứ ba, là kẻ có nợ nhưng không duyên, có nghĩa nhưng không tình?  Thế mà thiên hạ chẳng ai buồn tìm hiểu người chồng “nghiêm luống tuổi” là ai?  Báo chí chẳng tốn một giọt mực, không một lời phân ưu.  Chẳng ai buồn thắc mắc đến danh tính của kẻ chiến thắng, nhưng lại là chiến bại, kẻ “được” nhưng là “mất.”  Cũng như vợ mình, chân dung của ông vẫn là một ẩn số, nhưng là một ẩn số phụ bé nhỏ, không lối đáp trong nghi án văn học T.T.Kh.

ZZZBài thơ tình lãng mạn thời tiền chiến này đã đi sâu vào lòng tôi một thời.  Ngắm hoa ti gôn “sắc hồng tựa trái tim tan vỡ, và đỏ như màu máu thắm pha,” tôi ngậm ngùi xót thương người con gái bạc phận ôm mối tình dang dở lên xe hoa, theo lời mẹ cha nhắm mắt đưa chân sống “quang cảnh lạ, tháng năm dài, đêm đêm nằm tưởng ngày mai giật mình.”  Tôi cảm thông tâm tình cay đắng người thiếu phụ buồn, ngồi bên song cửa sổ miễn cưỡng “đan đi đan lại áo len cho chồng,” mà mắt cứ dõi nhìn phương xa.  Tôi thầm trách “người ấy” đã làm tan nát thêm cõi lòng người yêu khi mang “Bài Thơ Đan Áo nay rao bán, cho khắp người đời thóc mách xem.”  Xót xa, tiếc nuối… là những tình cảm lưu luyến dành cho hai nhân vật trai thanh gái tú, có duyên gặp gỡ nhưng không phận phu thê, đã dệt nên những áng thơ tình bất hủ cho nền văn chương Việt Nam!

Cũng như người đời, tôi chưa một lần thắc mắc tâm tư người chồng đi bên lề cuộc đời vợ mình ra sao.  Ông buồn hay vui khi đêm đêm nằm ôm cái xác không hồn, với cặp mắt ngơ ngác thất thần?  Ông nghĩ gì khi môi đụng làn môi băng giá?  Ông cảm thấy gì khi được vợ, nhưng không được trái tim của nàng?  Cho đến một ngày tình cờ đọc Kinh Thánh, tôi ngờ ngợ như đọc được nỗi niềm cay đắng của ông, một người đứng bên lề cuộc đời người yêu qua những dòng chữ chua chát “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7:6b).  Ôi, Thiên Chúa của tôi, Đấng tạo dựng nên muôn loài muôn vật, giàu sang và uy quyền, lại chia sẻ chung số phận hẩm hiu với người chồng già bạc phận trong “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” hay sao?  Tôi đã sống ra sao để Ngài phải thốt lên những lời ai oán ấy.

Từ “ngày vui pháo nhuộm đường” đó, cuộc sống tuy nhiều sầu muộn, tháng ngày đong đầy những chua cay, nhưng T.T.Kh. không hề có ý định chạy trốn cuộc sống, cũng chẳng dự định trốn theo người yêu.  Nàng “vẫn đi bên cạnh cuộc đời,” trong sự “ái ân lạt lẽo” của chồng, với một thái độ lạnh lùng, dửng dưng chấp nhận sự thật dù phũ phàng.  Tôi cũng thế, vẫn đi bên Thiên Chúa, vẫn thờ phượng Ngài, không có ý định bỏ đạo, càng không muốn chống đối Ngài.  Chỉ là một thái độ lạnh nhạt chấp nhận sự việc có Chúa bên đời như một tình cờ, như một sự ép đặt của mẹ cha.  Còn lòng tôi ư? Người thiếu phụ có chồng “vẫn giấu trong tim bóng một người,” chỉ một người thôi!  Còn tôi, thờ phượng Ngài đó nhưng che giấu trong tim biết bao bóng hình, những mộng mơ với thế gian phù phiếm, những toan tính cho tương lai, dù tương lai không thuộc về tôi, và bao dự định dang dở…  Những bóng hình đó không ngừng đeo đuổi tôi đến nhà thờ những ngày Chúa nhật dù chỉ một tiếng, vẫn hiện diện trong những lời kinh ro ro thuộc lòng dù chỉ vài phút.  Như một thiếu phụ đoan trang khép mình trong lễ giáo, tôi tuân giữ những luật buộc một cách máy móc, dâng Ngài những của lễ dư thừa trong nhăn nhó.  Nhưng linh hồn tôi, trái tim tôi, tâm trí tôi… dật dờ đâu rồi trong một cõi xa xăm nào đó!

Đi bên chồng nhưng lại hỏi “người ấy” có buồn không, đó là tâm trạng của người xưa.  Còn tôi hôm nay đi bên Ngài đó, nhưng vất vả lo toan cho những việc ở trần gian.  Miệng nói tôn kính Thiên Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự.  Nhưng bao sức lực, trí lực, tài năng, máu huyết của tuổi thanh xuân… tôi đã dâng hiến cho thế gian hết rồi, để mong tìm một chỗ đứng trong xã hội, một cuộc sống tiện nghi…  Còn chăng chỉ là cái xác mệt mỏi vô hồn trong lòng nhà thờ mỗi ngày Chúa nhật buồn.  Xa thật hai cõi lòng của tôi và Ngài!  Phải chăng những lời trách móc “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7:6b) là để chỉ tôi sao?

“Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời…, vẫn giấu trong tim…,” “vẫn đi” “vẫn giấu,” một sự ngoan cố đến lạ lùng của một phụ nữ yếu đuối.  Không có ý định từ chối cuộc sống và gia đình, nhưng cũng không có ý định chôn hình ảnh xưa cố quên để sống.  Nàng đã cố bám víu lấy nó như một thứ lương thực nuôi sống hiện tại.  Tôi thấy thấp thoáng hình ảnh mình trong sự cố chấp, bám dính quá khứ của người thiếu phụ.  Vẫn biết một ngày nào đó tôi sẽ phải rũ áo ra đi, không mang theo được gì, nhưng tôi vẫn ngoan cố xây đắp cho thật nhiều.  Vẫn biết đời sau mới là thiên thu vĩnh cửu, nhưng tôi chỉ chăm lo hạnh phúc hời hợt của vài thu chóng qua.  Phải chăng đó là oan trái của kiếp người?  Phải chăng con rắn ngày xưa vẫn tiếp tục cám dỗ trong lòng mỗi người mãi không thôi?  Người thiếu phụ đã bám lấy cả hai, và nàng đã phản bội cả hai: người yêu và chồng mà cuộc sống chỉ là “từng thu chết, từng thu chết.”  Kết quả cuộc sống của tôi có khá hơn không khi tôi cùng bám vào cả hai: Thiên Chúa và thế gian?

Còn gì xót xa não nùng cho bằng khi nghe những lời thở than của người vợ hiền “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, ái ân lạt lẽo của chồng tôi.”  Phải chăng đó cũng là những tiếng trách móc của tôi về sự “ái ân lạt lẽo” của Thiên Chúa?  Như một ông chồng già giàu có nhưng keo kiệt, uy quyền nhưng bủn xỉn, Ngài quay mặt làm ngơ trước những lời van xin thống thiết của tôi: cái xin không được, cái không xin lại cho, cái muốn được thì mất, cái mất lại được.  Ngài đã bỏ tôi chới với một mình trong khổ đau, mặc tôi ngụp lặn trong cô quạnh không lời ủi an.  Trong nỗi đau không tình cờ đó, Ngài tiếp tục thinh lặng, bí mật và khó hiểu… không một lời đáp trả.  Quả là lạt lẽo và vô tình làm sao!

Dù lời thơ ai oán, hồn thơ chất chứa niềm trách móc cam chịu của người vợ bị chồng “lạt lẽo, hờ hững,” nhưng tôi vẫn bắt gặp đâu đó một sự quảng đại nơi người chồng “nghiêm luống tuổi” môn đăng hộ đối.  “Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ, “người ấy” cho nên vẫn hững hờ.”  Chỉ là hững hờ thôi sao?  “Vẫn biết,” một sự khẳng định chắc chắn đến thế, nhưng không có cảnh đòi ly dị, không đuổi về nhà người vợ ngày qua đêm lại chỉ “thờ thẫn hồn eo hẹp” nhớ người xưa, không cưới năm thê bảy thiếp, không đánh đập hành hạ, mà cũng chẳng có chuyện “ông ăn chả bà ăn nem,”… không một hành động cụ thể nào cho sự trả thù.  Chỉ là một thái độ “hững hờ” của người quân tử!  Thái độ “hững hờ” hay nồng nàn, “lạt lẽo” hay sốt mến còn do thái độ cảm nhận của đối tượng nữa.  Tôi không thể nhìn thấy cuộc đời màu hồng khi đeo cặp kiếng đen.  Làm sao có thể tìm thấy một sự yêu đương nồng cháy khi “từ đấy thu rồi, thu lại thu, lòng tôi còn giá đến bao giờ?”  Ai có thể làm tan tảng băng nếu lối vô bị bít kín?  Ly nước đã đầy làm sao có thể rót thêm?  Làm sao có thể tìm được lòng sốt sắng yêu mến khi tôi đến với Thiên Chúa với tấm lòng giá băng, qua những nghi thức thờ phượng hời hợt bên ngoài, với trái tim đầy ắp những tham vọng thế gian, và cái đầu tính toán đầy những thành kiến.

Có đúng chăng sự “hững hờ” “lạt lẽo” của người chồng trong “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” là kết quả cách sống thờ ơ của người vợ?  Có sai không thái độ giận dữ của Thiên Chúa “Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi!  Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:15-16) là kết quả cách sống dở dở ương ương của tôi?  Tôi còn có sự tự do lựa chọn cho mình một lối sống, nhưng người con gái đất Việt bảy mươi năm về trước thì không.  Vậy tôi và nàng ai đáng thương, và đáng trách hơn?

Xuyên suốt bốn bài thơ của T.T.Kh, ngoài thái độ “hững hờ” “lạt lẽo” của người chồng, còn một thái độ tế nhị khác nữa, đó là sự chờ đợi!  Ông đã âm thầm đi bên cạnh cuộc đời vợ mình, để chờ đợi sự quay về của người vợ hiền, nếu không quay về vì yêu thương thì cũng xin vì bổn phận.  Qua ông, tôi bắt gặp hình ảnh chờ đợi của Thiên Chúa, Ngài đã kiên nhẫn đứng bên lề cuộc đời của những người đã chọn Ngài là Chúa, nhưng chỉ là môi miệng, để ngày qua tháng lại tiếp tục mòn mỏi trông chờ.  Một Thiên Chúa đầy quyền uy nhưng thật tội nghiệp vẫn lặng lẽ đứng đó, không một lời giải thích cho thái độ tưởng như hờ hững, lạt lẽo của mình, với đôi cánh tay giang rộng để chờ đợi không chỉ thân xác, không chỉ hình thức, không chỉ môi miệng, nhưng là một tình yêu đích thực từ trái tim, từ một cái xác có hồn, một sự dâng hiến trọn vẹn tuyệt vời của người yêu.

Ngược lại với sự quảng đại chờ đợi trong âm thầm nhẫn nhục của người chồng, là một sự phản bội tế nhị của “người ấy”:

“Chỉ có ba người đã đọc riêng
Bài Thơ Đan Áo của chồng em
Bài Thơ Đan Áo nay rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem.”
Là giết đời nhau đấy biết không? (Bài Thơ Cuối Cùng)

Bây giờ thì nàng đã rõ rồi tấm lòng yêu thương của người mà nàng hằng ấp ủ trong tim.  Trong khi người con gái “vườn Thanh” lo lắng “nếu biết ngày mai tôi lấy chồng, trời ơi, người ấy có buồn không,” với một niềm tin mạnh mẽ vào người yêu “nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ, người ấy ghi lòng vẫn nhớ em,” và nỗi khắc khoải mong chờ được tái ngộ dù chỉ trong mơ “tiếng lá thu khô xiết mặt hè, như tiếng chân người len lén đến.”  Thế mà người ấy lại nhẹ nhàng đem tình nàng “rao bán” trên mặt báo. “Bài Thơ Đan Áo” chỉ viết riêng cho chị, chia sẻ nỗi lòng u uất của người con gái lấy chồng phương xa, giờ còn đâu nữa những tâm tư thầm kín của người thiếu phụ khuê các.  Người ta đã quên rồi lời hẹn xưa “cố quên đi nhé câm mà nín, đừng thở than bằng những giọng thơ.”  Người ta thương gì “một mảnh lòng tan vỡ,” xót xa gì “một tâm hồn héo,” tiếc gì một đóa “hoa tàn dấu xác xơ.”  Không ăn được thì đạp đổ!  Hạnh phúc của người yêu nào có nghĩa lý gì!  Thẳng tay, phũ phàng, và dứt khoát “lại chính là anh, anh của em” đó!  Đâu rồi một tâm hồn nghệ sĩ cao thượng?  Đâu rồi nét quân tử của người yêu hoa?  Chả trách nào tiếng chim trong lồng tắt lịm từ đó!

Hình ảnh “người ấy” phải chăng là hình ảnh của thế gian: đẹp đẽ, lãng mạn, nên thơ… khi tình đang mặn nồng, thưở “nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn.”  Nhưng khi lòng tôi thao thức với lời mời gọi thiêng liêng từ trong đáy tim, thì thế gian cố níu kéo bằng những dụ dỗ ngon ngọt, những hình ảnh phù phiếm, sự hưởng thụ thân xác.  Và khi tôi nhất quyết quay gót trở về với Thiên Chúa, thì bộ mặt thế gian biến đổi, với những gian trá mưu mô xảo quyệt, với hành động trả thù bỉ ổi, nhằm phơi bày tội lỗi thầm kín của tôi, cho dù làm thế “là giết đời nhau.” “Đời chỉ đẹp khi tình còn dang dở!”  Tình đã dang dở rồi đây, nhưng người trong cuộc có thấy đẹp hơn, thơ mộng hơn không, hay chỉ toàn cay đắng phũ phàng?

Thế gian là thế đấy!  Người tình là thế đó!  Mặc dù “oán hờn anh mỗi phút giây” nhưng lòng thì “giận anh không nỡ nhớ không thôi!”  Thiên Chúa có lẽ quá thấu hiểu sự yếu đuối mù quáng của con người, nên hai chữ TỈNH THỨC được lập đi lập lại nhiều lần trong giáo huấn của Ngài, và ân sủng từ trời cao không ngừng tuôn đổ, để giúp con người biết lựa chọn, và sống với sự chọn lựa của mình một cách sáng suốt.

Chuyện tình nào rồi cũng có đoạn kết, mối tình tay ba nào cũng phải kết thúc bằng sự lựa chọn.  Như “Người chồng Người tình” không thể cùng song hành với nhau trong cuộc sống “Người vợ,” thì Thiên Chúa cũng không thể cùng đồng hành với thế gian trong trái tim, và linh hồn một người.  Tôi đang ở đâu trong mối tình tay ba giữa “Thiên Chúa – Thế gian – và Tôi?”  Tôi sẽ chọn lựa ai, chỉ một trong hai?  Và sẽ sống với thái độ nào trong sự tự do lựa chọn đó?

Lang Thang Chiều Tím
August 2007

 

CUỘC HẸN BẤT NGỜ

 (Lc 7:36-50)

Ngôi nhà khang trang nằm cuối con đường lớn duới hai dàn thiên lý với bóng mát giăng đầy lối đi hôm nay bỗng tưng bừng náo nhiệt khác thường.  Gia nhân kẻ ra người vô tất bật chuẩn bị cho bữa tiệc thịnh soạn tiếp đón những bậc vị vọng trong vùng tối nay.  Chủ nhân Simon là một vị Biệt phái (Pharisee) nổi tiếng đạo đức khắt khe, giữ mình nghiêm nhặt những luật lệ tỉ mỉ.  Với kiến thức uyên thâm về Kinh Thánh cộng thêm sự hiểu biết về giáo huấn Moses, ông đã từng được mời giảng dạy nhiều lần ở đền thờ Giêrusalem trong những ngày lễ lớn.  Ngoài địa vị một người lãnh đạo tinh thần được mọi người kính nể, chủ nhân cũng là một người khá giả với tiền dư bạc để, với hàng chục tôi tớ phục dịch trong nhà.

Mặt trời chiếu chênh chếnh về hướng Tây, các người Biệt phái và kinh sư với những tua áo dài lụng thụng, mặt mày nghiêm trang đạo mạo bắt đầu lục đục kéo đến.  Theo phong tục Do Thái thời ấy, chủ nhân thường để vài chum nước trước cửa để đầy tớ hoặc chủ nhà rửa chân cho khách tùy theo lòng hiếu khách của gia chủ.  Trong một bữa tiệc trang trọng như đêm nay, được mời đến dự tiệc là một vinh dự lớn lao cho khách được mời nên Simon thiết nghĩ – chủ nhân không cần phải hạ mình làm công việc hèn kém đó.  Dân đen dễ mấy ai có được sự hân hạnh như thế?  Biết rõ điều này nên khách được mời chẳng ai dám trách móc hay kêu ca về thái độ đón tiếp của chủ nhân, trái lại họ còn ngẩng cao đầu hãnh diện trước những ánh mắt kính nể thèm muốn của đám gia nhân khi bước chân vào nhà.

Duy có một vị khách cao lớn vạm vỡ, dáng phong sương trong bộ quần áo cũ kỹ bám đầy bụi đường, khuôn mặt trầm ngâm lặng lẽ lách qua những khuôn mặt hớn hở đang đứng hàn huyên chờ rửa chân.  Một vài gia nhân tròn mắt ngạc nhiên khi nhận ra vị khách này.  Đó không ai khác hơn là vị ngôn sứ Giêsu mà họ thường thấy đám đông bu quanh mỗi khi Ngài xuất hiện.  Một con người đã làm ngả nghiêng đất trời Do Thái trong những tháng ngày gần đây bằng những giáo huấn đặc biệt và những phép lạ chưa từng thấy.  Một tôn sư (rabbi) đã từng gây náo động trong giới Biệt phái Kinh sư vì các hành vi thân thiện công khai với những kẻ tội lỗi, đàng điếm.  Vài gia nhân lăng xăng chạy đi lấy gàu múc nước và thau để rửa chân cho vị khách đặc biệt này.  Lạ thay, khách lắc đầu xua tay ra dấu không cần thiết rồi âm thầm bước vào bên trong.

Ngôi nhà giờ đã tràn đầy tiếng cười nói, tiếng người chào hỏi nhau, tiếng trò chuyện râm ran đó đây làm không khí thêm phần sôi nổi, hứa hẹn một buổi tiệc đầy hấp dẫn.  Sau khi khách đã an vị với tư thế nằm dài, đầu tựa vào gối bên những chiếc bàn, chủ nhân vẫn với khuôn mặt kênh kiệu cố hữu đi xung quanh nhà điều khiển gia nhân mang thức ăn lên cho khách.  Những chiếc bình rượu bắt đầu được rót ra mời khách, những chiếc ly được nâng lên hoà với lời chúc tụng chủ nhân vang lên rôm rả.

Bỗng có những tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng xô đẩy nhau từ phía cửa ngoài vang lên như tiếng người đang vật lộn chen lẫn những tiếng la hoảng hốt cắt ngang không khí vui vẻ buổi tiệc: “Ê… ê… đi đâu vậy?” … “bắt lấy nó,”… “tóm cổ nó”…

Cả phòng tiệc ngơ ngác hướng về phía cánh cửa không hiểu chuyện gì xảy ra.  Một vị khách đến trễ ư?  Sao mà đến một cách lộn xộn ồn ào đến thế!  Nhưng, cả chủ lẫn khách đều ồ lên một tiếng kinh ngạc khi thấy bóng dáng một phụ nữ xinh đẹp xuất hiện ngay ngưỡng cửa.  Nàng đứng đó, trong bộ quần áo đơn sơ mộc mạc của người thiếu nữ Xion, tay cầm bình bạch ngọc qúy, tay đưa lên vuốt lại mái tóc dài óng ả vừa mới bị xổ tung ra đang quyện bay trong gió chiều.  Hơi thở nàng dồn dập sợ hãi, cặp mắt to đen láy ẩn trên khuôn mặt kiều diễm xanh mét vẫn chưa hết vẻ hồi hộp, một vài vệt xước dài trên cánh tay trắng ngần do vết tích của cuộc xô xát vừa qua.  Một nam gia nhân tay cầm chiếc khăn voan choàng đầu vừa mới giật được từ dải tóc mây mượt mà đang lăm le tiến lên tính tóm cổ vị khách không mời mà tới này.  Chủ nhân bình tĩnh đưa tay ra dấu cho anh ta đứng lại.  Khách tuy không được mời nhưng đã lọt vào nhà trong thì để đích thân ông giải quyết.

Một vài tiếng kêu sửng sốt, mọi người bắt đầu ngồi lên khi nhận ra người phụ nữ này: một kỹ nữ nổi tiếng của thành phố.  Một con người tội lỗi trụy lạc bất cần đời: cô là kẻ thù của các bà có chồng, người tình công khai của những thanh niên sống buông thả, bạn tình trong bóng đêm của những tay đạo đức giả hình.  Không ai hiểu con người như vậy đến đây để làm gì giữa buổi tiệc chỉ toàn đàn ông đứng đắn đang bàn luận về những chuyện đạo đức.  Chủ nhân chậm rãi tiến đến trước mặt nàng, đứng khoanh tay giang chân áng lối vô, hất hàm gằn giọng từng tiếng một:

–     Cô tìm ai ở đây?

Vài khuôn mặt nghiêm trang đạo mạo bỗng giật mình đổi sắc khi nghe câu hỏi.  Cô gái không trả lời, ngướng cổ nhìn vào bên trong, đôi mắt dáo dác lo âu liếc một vòng quanh bàn tiệc như kiếm người thân quen, như đã hẹn hò với ai ở đây từ trước.  Khổ nỗi, người ấy không biết đến cuộc hẹn đêm nay!  Nàng sợ hãi không biết mình sẽ phải làm gì nếu không tìm được người mình hằng mong đợi mà nàng nghe nói sẽ đến đây, trong bữa tiệc cao sang trọng đại này.  Nàng nhủ thầm “Không biết những con cọp đói đạo đức kia sẽ làm gì mình nhỉ?  Chắc mình sẽ bị nhục mạ vì làm ô danh chốn thanh cao thánh thiện, có thể thêm một trận đòn nhừ tử cũng nên và bị tống cổ ra ngoài như một con chó con đi lộn chuồng.”  Nàng nuốt nưóc miếng một cách khó khăn.  Tình yêu đã ban cho nàng thêm sức mạnh phi thường, giúp nàng có thêm can đảm để tiếp tục tìm kiếm.

Ánh mắt nàng bỗng loé lên tia mừng vui khi bắt gặp vị khách đặc biệt đang nằm âm thầm cuối phòng.  Đây rồi, đây đúng là người mà nàng muốn tìm!  Nàng không trả lời chủ nhà, nhẹ nhàng lách mình lỏn qua khe hở chiếc áo đen lùng thùng của vị chủ nhân đáng kính, rồi luồn mình lách qua những chiếc ghế cái bàn, bước chân thoăn thoắt tiến về phía vị ngôn sứ.

Ngôn sứ Giêsu ngạc nhiên chống tay ngồi lên nhìn nàng, Ngài cũng không hiểu người phụ nữ xinh đẹp này muốn gì nơi mình.  Ngài ngơ ngác trước cuộc hẹn bất ngờ đêm nay.  Ánh mắt tuy có thoáng vẻ ngỡ ngàng nhưng ân cần săn đón không chút khinh khi miệt thị, Giêsu âu yếm nhìn nàng như ngầm hỏi: “Ta có thể giúp gì cho chị?”  Không lời trách móc hạch hỏi, cũng chẳng lời thăm hỏi khách sáo, bốn mắt lặng lẽ nhìn nhau như đã quen biết từ muôn kiếp trước.  Cả phòng tiệc im như tờ, mọi người nín thở chờ đợi, bao cặp mắt tò mò đổ dồn về phía cuối phòng.

Rồi như không chịu được trước cái nhìn rộng lượng bao dung của người đối diện, nàng bật lên tiếng nấc nghẹn ngào, gục xuống nức nở trên đôi chân lấm đầy bụi đường.  Đôi bờ vai mảnh mai rung lên từng hồi, hai dòng lệ nóng tuôn trào như suối đổ lên đôi bàn chân xa lạ.  Qua dòng lệ nhạt nhòa, quãng đời nhơ nhuốc như cuốn phim từ từ hiện lên trong tâm trí nàng.  Nàng thổn thức ăn năn.  Lần đầu tiên trong đời nàng qùy xuống khóc dưới chân một người đàn ông.  Lần đầu tiên trong đời nàng ý thức trọn vẹn cuộc đời tội lỗi sa đọa của mình.  Nàng không đủ can đảm để nhìn lên, cũng chẳng dám mở miệng xin tha thứ!  Hối hận trào dâng khi nàng, một kỹ nữ tiếng tăm, được chạm đến con người thánh thiện nhân từ này.  Giờ đây, nàng thật sự hối hận vì cuộc đời đã qua, nàng biết mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa khi sử dụng sắc đẹp trời ban để chống lại Ngài, làm ô uế phẩm giá chính mình và danh dự gia đình.  Nàng tự hỏi, có muộn màng không khi nàng muốn làm lại cuộc đời mới như lời rao giảng Tin Mừng của ngôn sứ Giêsu?  Có còn cánh cửa nào mở ra cho con người tội lỗi nhuốc nhơ như nàng nữa không?

Vị ngôn sứ ngồi lặng yên mặc cho những giọt lệ ăn năn đang chảy trên bàn chân mình mang theo những hạt bụi đường xa.  Ngài không rút chân về để bảo vệ phong tục của cha ông, không rút chân về để bảo vệ thân mình khỏi bị ô uế.  Ngài ngồi lặng thinh chịu đựng những cái nhìn toé lửa căm ghét của các vị kinh sư đạo đức.

ZZKhi dòng lệ ăn năn vơi dần, nàng kéo dải tóc mây như làn suối óng ánh, mái tóc ngày nào chỉ dùng để làm duyên, để bới tóc kiểu này mốt nọ giúp nàng thêm phần quyến rũ, khêu gợi thì nay lại được dùng như mảnh vải tơ xổ ra lau khô đôi chân trần, giúp nàng nói lên tấm lòng thương mến của mình với vị ngôn sứ mà nàng hằng kính yêu.  Nàng nâng niu lau nhẹ những giọt nước mắt còn đọng lại trên những vết trầy xước của đôi bàn chân chai sạm, rồi hai tay cung kính nhẹ đưa lên môi hôn.  Nước mắt lại tiếp tục lăn xuống trên khuôn mặt sám hối khi cặp môi tội lỗi được chạm vào thánh tích.  Nàng xúc động chiêm ngắm bàn chân vị ngôn sứ, đôi bàn chân khô cằn đầy những đường nứt ngắn dài toác miệng, những vết gai xước còn chưa khô màu máu như một minh họa cho đôi bàn chân lang thang quá nhiều.

Đặt bàn chân xuống, nàng lặng lẽ cầm lấy bình bạch ngọc qúy kính cẩn đổ lên chân Đức Giêsu, từng giọt dầu thơm hòa với dòng lệ nóng từ từ chảy xuống.  Nàng lấy tay nhè nhẹ xoa đều lên đôi chân Giêsu như một lời thì thầm xin tha thứ.  Rồi “xoảng….” một tiếng chát chúa vang lên, chiếc bình bạch ngọc quý giá vỡ tan nát.  Những gì đẹp đẽ, những gì quý giá giả tạo, những gì nàng đã một thời theo đuổi…. giờ không còn nữa, nàng như không muốn giữ lại vết tích của quãng đời đã qua.  Khi chiếc bình bị đập vỡ thì mùi dầu thơm trước đây chỉ thoang thoảng, giờ hương thơm nồng nực bay tỏa khắp phòng.

Những khuôn mặt hồi hộp căng thẳng trong phòng tiệc đang chờ đợi một màn kịch hấp dẫn xảy ra, giờ đây từ từ đổi qua thất vọng và khó chịu.  Sao một người tự xưng mình là Con Thiên Chúa lại để thân mình ra ô uế khi để một kỹ nữ chạm vào mình như thế kia nhỉ?  Bất mãn nhất có lẽ là chủ nhà.  Giá trị đạo đức của cha ông từ bao đời đã bị xúc phạm ngay trong ngôi nhà thánh thiện này.  Ông hậm hực nhủ thầm:

–     Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” (Lc 7:39)

Đức Giêsu như đọc thấu tư tưởng các ông, Ngài còn lạ gì hạng người giả hình này.  Nhẹ nhàng đưa mắt nhìn thẳng vào khuôn mặt cau có đầy vẻ bực tức, Ngài nói:

–     Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông.

Ông thưa:

–     Dạ xin thầy cứ nói:

Đức Giêsu khoan thai hỏi:

–     Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai.  Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” (Lc 7:41-42)

Đưa ánh mắt ngờ vực nhìn vị khách đặc biệt trong bữa tiệc tối nay, Simon nhíu mày suy nghĩ: không biết có cái bẫy nào giăng sẵn đằng sau câu hỏi đơn sơ này không?  Dù muốn hay không, dù chưa nghĩ ra câu trả lời thích hợp, ông vẫn phải trả lời.  Mọi người đang hồi hộp theo dõi cuộc đối thoại thú vị, ông đành ấp úng nói sự thật:

–     Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.

Ngôn sứ Giêsu cười nhẹ, khẳng định:

–     Ông xét đúng lắm!

Cúi nhìn xuống người phụ nữ tội lỗi nãy giờ vẫn ngồi nép dưới chân mình như đứa con nhỏ sợ hãi nép vào người mẹ tìm chỗ tựa nương, Ngài đưa mắt nhìn nàng đầy yêu thương quý trọng.  Đẹp quá hình ảnh một con chiên lạc tìm về với đàn, một kẻ tội lỗi sa đọa đi tìm sự tha thứ, hình ảnh mà Ngài tha thiết chờ mong kiếm tìm!  Ngẩng lên, bắt gặp khuôn mặt hống hách, cái nhìn hằn học chứa đầy sự ghen ghét của vị gia chủ đạo đức, Đức Giêsu khoan thai từng chữ:

–     Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.  Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi.  Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.  Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.  Còn ai được tha ít thì yêu mến ít (Lc 7:44-47).

Người kỹ nữ tròn xoe mắt ngước nhìn lên, tâm thần bị rúng động mạnh.  Sao vị ngôn sứ này hiểu rõ tâm can nàng?  Sao Ngài lại dám thẳng thắn phơi bày những điều thầm kín sâu sa tận đáy lòng nàng ở đây?  Lòng yêu mến của một con điếm thì có giá trị gì mà Ngài đề cao?  Lấm lét nhìn qua những khuôn mặt đạo đức xung quanh, nàng hồi hộp chờ đợi một sự bùng nổ chống đối.

Còn Simon tái mặt, người chao đảo đứng không vững.  Trước mặt bao người tiếng tăm đạo đức, cái ông Giêsu này lại dám so sánh ông, một thầy Biệt phái đạo hạnh mẫu mực, với một con điếm nổi tiếng trác táng ai cũng biết đến.  Chưa hết, trong cuộc so sánh bất cân xứng đó, ông bị hạ 3-0 một cách phũ phàng không chút xót thương, không một điểm vớt vát danh dự.  Đúng là không biết điều!  Ông lắp bắp tính nói vài lời nhưng… chỉ ú ớ được vài tiếng.  Biết nói gì bây giờ?

Đức Giêsu chẳng buồn nhìn đến con cọp đang bị thương gầm gừ đứng đó như một kẻ bại trận, Ngài cúi xuống đặt tay trên vai người phụ nữ đang run rẩy trong cuộc tranh luận mà bất ngờ nàng là kẻ chiến thắng.  Như không màng đến quá khứ tội lỗi của nàng, Ngài dịu dàng bảo:

–     Tội của chị đã được tha rồi (Lc 7:48).

Cả bàn tiệc láo nháo, bấy giờ không chỉ một con cọp bị tấn công mà câu nói đó đã làm hàng chục con cọp cao ngạo khác cùng bị thương tổn.  Tất cả gầm gừ ngồi bật dậy như muốn ăn tươi nuốt sống hai người, ánh mắt căm giận vì sự lộng ngôn của người mà họ chẳng rõ là ai.  Không hẹn mà gặp, tất cả cùng chung một hạch hỏi:

–     Ông này là ai mà lại tha được tội? (Lc 7:49)

Đức Giêsu phủi áo đứng dậy chẳng buồn giải thích hoặc dạy dỗ như Người vẫn thường làm với đám đông.  Ngài đưa tay nâng người phụ nữ tội lỗi đứng thẳng lên như trả lại cho nàng vị trí nhân cách của một con người mà nàng đã tự đánh mất lâu nay, như muốn khẳng định cho tất cả biết rằng phẩm giá của nàng không thua kém gì mấy vị đạo đức ở đây.  Nhẹ nhàng lau những giọt lệ còn đọng lại trên khuôn mặt xanh mét sợ hãi như người cha âu yếm chùi nước mắt con thơ, vị ngôn sứ đầy lòng xót thương cảm thấy mình có trách nhiệm phải bảo vệ con chiên lạc vừa tìm về đàn thoát khỏi hang cọp này.  Ngài dắt nàng đi qua những chiếc bàn ngổn ngang, bước qua những khuôn mặt đỏ tía đang gầm gừ tức tối.  Họ bình thản đi ra bên ngoài bỏ lại phiên chợ ồn ào sau lưng, bỏ lại dĩ vãng một thời đã qua!

Gió về đêm thổi thốc lên mát rượi làm tung dải tóc mây bay phất phơ trong gió.  Khí trời thanh khiết, những vì sao lung linh trên trời cao như đang nhảy múa chào đón bước chân trở về của đứa con lạc loài.  Đã đến giờ chia tay, vị ngôn sứ đã đưa nàng đi qua đoạn đường hiểm nguy nhất, giờ đến phiên nàng phải tự bước đi trên con đường nàng đã can đảm chọn để theo Ngài.  Con đường tuy hẹp đầy những chông gai thử thách, nhưng mang lại cho nàng niềm hạnh phúc ngọt ngào, cho nàng cảm nếm hương vị tình yêu thánh thiêng, giúp nàng sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, xứng đáng với lòng vị tha, và tình yêu của ngôn sứ Giêsu dành riêng cho nàng.

Dưới ánh trăng, nàng thấy hình ảnh mình lấp lánh phản chiếu trong ánh mắt yêu thương dịu hiền của vị ngôn sứ khả kính.  Nàng mỉm cười, nụ cười đầu tiên từ khi bước chân vào bàn tiệc, lòng tràn đầy tự tin yêu đời vì biết rằng từ đây nàng sẽ không còn cô đơn và lữ hành một mình nữa.  Nàng đã liều lĩnh không hẹn mà đến, Giêsu nhân hậu vẫn mở rộng vòng tay đón tiếp nàng cách nồng nhiệt, đã rộng lượng tha thứ cuộc đời đa truân lầm lỡ của nàng.  Giờ thì tạm chia tay đó nhưng nàng xin hẹn Ngài cuộc gặp mặt lần sau.  Ngày đó, Giêsu sẽ ra tận cổng nhà cha Ngài để đón nàng, sẽ trao tặng nàng món quà sự sống vĩnh cửu như lời Ngài đã hứa ban.

Giêsu cầm đôi bàn tay nhỏ bé trong lòng bàn tay mình như chúc lành cho nàng trong cuộc đời mới, như muốn truyền thêm cho nàng sức mạnh và lòng can đảm trên bước đường sắp đến.  Giọng Ngài trầm ấm dưới ánh trăng:

–     Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an! (Lc 7:50)

Nàng luyến tiếc bước đi, đầu ngoái lại tay đưa lên vẫy chào lần cuối người nàng kính yêu.  Giêsu mỉm cười nhân hậu đưa tay lên vẫy vẫy.  Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má, nàng xin ghi khắc mãi hình ảnh này trong tim, sẽ mang theo suốt đời lời chia tay cuối cùng “Chị hãy đi bình an!”  Gió thổi nhè nhẹ như lập lại bên tai lời chúc bình an của Đấng giàu lòng xót thương.

Lang Thang Chiều Tím
June 2007

 

 

CÁT BỤI

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi.

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày.

Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui.

Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay…

Trịnh Công Sơn

*********************************

ZZHàng năm Giáo Hội dành ra ngày thứ tư Lễ Tro để nhắc nhở con cái về thân phận con người.  Một ít tro được rắc lên đầu bôi lên trán, hai ngày giữ chay, bốn mươi ngày sống tinh thần Mùa Chay.  Lời mời gọi xám hối hãy xé lòng, đừng xé áo.  Lời nhắc nhở bố thí, cầu nguyện, cảnh giác những cơn cám dỗ trong cuộc sống….. một vài điều gọi là nhắc nhở phận người chóng nhớ mau quên.  Có là ai, có là gì… cũng phải tuân theo định luật tự nhiên!  Có bao nhiêu, có thế nào… rồi cũng xuôi tay chẳng mang được chi!

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng ưu tư khắc khoải về thân phận con người:  Là ai? Từ đâu đến?  Đi về đâu?  “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi?” ông nhận ra phận người đến từ bụi đất, mang kiếp sống mong manh vắn vỏi.  Hạt bụi nhỏ bé trong vũ trụ bao la, bất lực trước định luật tự nhiên của tạo hoá, bị lôi cuốn theo con tạo xoay vần cuộc sống.  Sau “một mai vươn hình hài lớn dậy” để sống kiếp cát bụi phù du tạm bợ, dù muốn hay không, chấp nhận hay chống đối, hạt bụi lại rũ áo ra đi về với thân phận bụi đất của mình.  “Để một mai tôi về làm cát bụi,” thế là hết, là xong một kiếp người.

Vẫn biết bụi đất một mai sẽ trở về với cát bụi.  Vẫn biết nơi đến, chốn về như nhau: tất cả chỉ là phù du, vô nghĩa.  Nhưng trong lòng ông, từ vực sâu nghe lời mời đã dậy” đang mong chờ một điều gì đó thâm sâu hơn, cao qúy hơn những gì tầm thường, đang cuốn hút hạt bụi xoay vòng trong cơn lốc đảo điên.  Hình như đôi tai tâm hồn ông đã nghe được lời mời gọi thiêng liêng nào đó.  À, thì ra cát bụi mệt nhoài sau những chuỗi ngày mặt trời soi một kiếp rong chơi,” sau những tháng năm hòa mình vào những tiếng động gõ nhịp không nguôi” của cuộc đời, sau bao nhiêu năm làm kiếp con người,” bỗng chợt nhận ra thiếu vắng một cái gì đó trong cuộc sống.  Hạt bụi nhỏ bé như pha lê được mặt trời soi sáng để rồi trái tim khát khao tin yêu thổn thức “xin úp mặt bùi ngùi, từng ngày qua mỏi ngóng tin vui.”

Là tin vui gì?  Ai có thể mang cho đến cho đất trời tin vui bất diệt?  Mỗi hạt bụi trong vũ trụ bao la đang chờ đợi một tin vui khác nhau.  Có hạt mong được chiếu sáng lấp lánh dù là hư ảo chớp nhoáng.  Hạt mong được tích lũy thêm những lớp đất cát phù du, dù bụi sẽ chẳng mang được chi khimột mai về làm cát bụi.”  Hạt khác thích cả đời rong chơi dưới ánh mặt trời.  Hạt lại thích hưởng thụ cho bõ kiếp phù sinh vắn vỏi.  Có hạt mong được nâng đỡ những hạt bụi khác mảnh mai yếu kém hơn.  Hạt lại mong cho đi chính mình để làm mem, làm muối ướp mặn cho đời.  Tin vui mà nhạc sĩ họ Trịnh, bạn và tôi đang mong chờ là tin vui gì?

Con Một Thiên Chúa đã từ bỏ vương quyền trên chốn trời cao, nhập thể làm người chỉ với một khát vọng duy nhất, là mang Tin Vui đến cho con người, cho những hạt bụi bé nhỏ dấu yêu.  Trong Ngài, bụi đất trở thành vô giá.  Với Ngài, đất bụi trở thành bất tử.  Nhờ Ngài, bụi đất nếm mùi thiên thu vĩnh cửu.  Nhưng, phũ phàng thay không phải tất cả hạt bụi đều chấp nhận Ngài!

Tin Vui dù muộn nhưng không bao giờ trễ.  Chẳng phải ai cũng được phúc đón nhận Tin Vui từ thưở bình minh.  Dòng đời ngược xuôi tuy vất vả nhưng hào nhoáng, tuy tạm bợ nhưng đầy hấp dẫn, tuy nhiều đau khổ nhưng không thiếu niềm vui giả tạo.  Không dễ gì mà cát bụi chấp nhận phận mình từ thưở mới vươn hình hài lớn dậy.”  Nhạc sĩ tài ba họ Trịnh đã đi sâu vào cuộc sống, khi ông kinh nghiệm bản thân từ từ đi qua ba giai đoạn của đời người:   Với thời trai trẻ hăng say yêu đời, dù biết phận mình là cát bụi, nhưng đó là tiếng hò reo mừng vui: Ôi cát bụi tuyệt vời!”   Cuộc sống dần trôi, với bao đắng cay chất đầy lên đôi vai gầy, mà ý nghĩa cuộc đời vẫn biệt tăm, ông buông một tiếng thở dài chán chườngÔi cát bụi mệt nhoài!”   Tiếp tục cuộc hành trình vô định của con người, sắp đến đích mà không biết nơi đến là đâu, kết thúc bài nhạc là một lời chua chát xuôi tay tuyệt vọng:Ôi cát bụi phận này!”

Con người, chỉ khi “chợt một chiều tóc trắng như vôi” mới giật mình nhìn lại mình, vội vàng đi tìm ý nghĩa cuộc sống.  Khi nhìn “lá úa trên cao rụng đầy” với “cụm rừng nào lá xác xơ cây” lòng người mới chùng xuống, băn khoăn lòng hỏi lòng, chiếc lá vàng kia đi về đâu?  Phận người có gì hơn một chiếc lá vàng, một hạt bụi không?  “Trăm năm vào chết một ngày,” đời người ky cóp, một ngày xuôi tay!

Mùa Chay gợi lại hình ảnh người Cha nhân lành trong ngụ ngôn đứa con hoang đàng, lúc nào cũng thấp thỏm trước ngõ, chờ mong đứa con đi xa trở về!  Muộn nhưng không bao giờ trễ!  Đừng để đến khi “vết mực nào xóa bỏ không hay…..” thì buồn thay cho một kiếp người!  Sống vô duyên, chết phận bạc!

********************************

 Lạy Chúa, trong Mùa Chay thánh này xin cho con cất bước trở về với Chúa khi còn có thời gian chuẩn bị.  Bốn mươi ngày Mùa Chay nhắc con nhớ đến những từ ngữ xa lạ:  ăn chay, bố thí, cầu nguyện.  Xin cho con biết cho đi một phần những gì con đang có, để giúp những hạt bụi khác cảm nếm hương vị tình yêu trong cuộc sống.  Xin giúp con một lần ăn chay với cả tâm hồn yêu thương, để nhìn ra được tình yêu của Thiên Chúa với thân phận bụi đất nghèo hèn.  Xin cho con biết tỉnh thức cầu nguyện để đừng bám vào những hạt bụi bọt bèo khác mà chỉ bám vào Đấng đã tạo thành con người từ cát bụi, Đấng đã truyền hơi thở mình vào bụi đất vô tri, để trở thành con người mang hình ảnh Ngài.  Hạt bụi bám vào Ngài chắc chắn sẽ không bị “vết mực nào xóa bỏ không hay…..” vào chốn hư không đời đời. 

Lạy Đấng Vĩnh Cửu, cuộc sống lúc bấy giờ sẽ không còn là phù du vô nghĩa, không còn là những tiếng kêu tuyệt vọng từ đáy vực sâu, mà là những tiếng kêu ngạc nhiên hoan lạc, những bản tình ca bất tận ca ngợi tình yêu Thiên Chúa bao la.  Ôi cát bụi tuyệt vời!  Ôi con người tuyệt vời!

Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8:5)

Lang Thang Chiều Tím
Mùa Chay 2007

LANG THANG CHIỀU TÍM

(x. Lc 23:39-43)

ZZHắn thường lang thang ra đây mỗi khi chiều tím dần buông trên khu Đồi Sọ hoang vắng, đầy mùi tử khí này.  Thường vào giờ đó chẳng còn ai dám lai vãng gần ngọn đồi ma quái, đã được binh lính La Mã sử dụng để thi hành án tử với các tội nhân Do Thái. Mùi xác chết sình lên chưa kịp đem chôn, tiếng quạ gọi nhau đi ăn đêm rúc lên từng hồi, quyện lẫn trong những tiếng côn trùng rả rích đó đây nghe thật rợn người.  Tên tướng cướp ngồi đó, lặng im chiêm ngắm cảnh hoàng hôn trên Đồi Sọ đang trải dài trên mấy cây thập tự xa xa.  Khi nào đến phiên hắn bị treo lên như đồng bọn?  Ngày nào sẽ là buổi hoàng hôn cuối cùng trong cuộc đời tướng cướp này?  Sau đó thì hắn sẽ đi đâu, về đâu?  Hắn tự hỏi và cũng như mọi khi: chẳng bao giờ có câu trả lời!

Dù chưa có câu trả lời nhưng hắn biết rồi cũng sẽ có một ngày đến phiên mình.  Đi đêm có ngày gặp ma.  Đã liều thân lao vào nghiệp trộm cướp để kiếm ăn, thì ai dám mơ về một mái ấm gia đình, bên bếp lửa hồng có vợ ngồi khâu áo, cạnh đám con đang í a í ới đọc bài.  Tuy không dám ước mơ, nhưng lòng tên gian phi cũng nao nao khi hình dung, mình đang ngồi trong khung cảnh gia đình hạnh phúc đó.  Đã nhiều lần hắn muốn dứt bỏ nghiệp chướng này để làm ăn sinh sống đàng hoàng, nhưng lại không đủ can đảm.  Biết làm gì khi quay lại đời sống hiền lương?  Xã hội có chấp nhận không?  Bạn bè xấu có buông tha không?  Bản thân hắn có chấp nhận một cuộc sống lương thiện đủ dùng, hay lòng còn mãi vấn vương lối sống buông thả với những đồng tiền dễ kiếm?  Và liệu rồi Thiên Chúa của cha ông có tha thứ cho quá khứ kinh tởm của một tên tướng cướp không?  Càng nhiều nghi vấn, bước chân càng ngập ngừng!  Nhớ đến những khuôn mặt đạo đức khó chịu của các thầy tư tế, các vị kinh sư, Pharisêu trong đền thờ Giêrusalem, với những tua áo dài lụng thụng, tay cầm bản văn nhịp nhịp đưa lên cao, như lúc nào cũng chực chờ hạ xuống kết án những người tội lỗi, hắn chợt rùng mình.  Nghiệp chướng này đường vào thì có, ngõ ra thì không.  Phóng lao đành phải theo lao thôi.  Hắn thở dài ngao ngán vì biết chẳng còn con đường nào khác cho một tên cướp muốn hoàn lương.

Rồi cái gì phải đến đã đến!  Tên gian phi và đồng bọn bị lính La Mã tóm cổ trong một vụ cướp của giết người.  Vài tên chạy thoát, hắn và một tên đàn em bị sa lưới, và bị kết án thập giá tử hình.  Răng đền răng, mắt đền mắt, mạng đền mạng!  Chẳng có gì là oan uổng, chẳng có gì để than thân trách phận cả!  Hắn chấp nhận bản án đó một cách bình thản chua chát.  Chỉ có chút ngạc nhiên hụt hẫng, vì tấm màn bi kịch cuộc đời hắn hạ hồi sớm quá, sớm hơn dự định.  Nhưng có hề chi, đã biết trước màn cuối của vở bi kịch sẽ phải là như thế, thì kết thúc sớm hay muộn có gì khác nhau đâu!

Lại một buổi hoàng hôn buồn bã buông xuống trên đồi Canvê như ngày nào.  Khác chăng là giờ đây tên cướp không còn lang thang trong chiều tím thơ mộng, để chiêm ngắm cảnh hoàng hôn dần buông nữa, mà đang đau đớn thoi thóp trên cây thập giá, đang đếm từng giây, từng phút cuối cùng cuộc đời mình.  Cảnh vật còn đó nhưng phận người đã đổi thay!  Câu hỏi: “Ngày nào sẽ là buổi hoàng hôn cuối cùng trong cuộc đời tôi?” giờ đã có câu trả lời.  Một câu trả lời chát chúa và phũ phàng!  Còn sau cái chết oan nghiệt này hắn sẽ đi về đâu?  Hắn vẫn không biết!

Mang thân phận tướng cướp, lúc no phủ phê, lúc đói quắt queo, không yêu ai và cũng chẳng ai dám yêu, không mái ấm gia đình, lúc nào cũng bị lương tâm dày vò bởi lối sống sa đọa tội lỗi, cuộc sống đầy ắp những hồi hộp lo âu không biết lúc nào sẽ bị bắt, bị giết thì cuộc sống đó nào có sướng gì?  Khi cất tiếng khóc chào đời, chẳng ai muốn mang thân phận một tên cướp, một con điếm, hay một thằng giết người?  Hắn không chọn cửa để sinh ra, chẳng qua là số phận hẩm hiu đẩy đưa, và hắn lại không đủ can đảm để dứt ra một khi đã bước chân vào.  Hắn đã khổ một đời rồi, hắn không muốn đời sau, nếu có, lại bị khổ ải trầm luân mãi thế.  Nghiệp chướng này mang một đời chưa đủ hay sao?

Thời gian tích tắc chậm chạp trôi! Rướn người hít lấy những hơi thở ngắn, rồi nặng nhọc thở dốc ra trên cây thập giá, mắt tên cướp lóe lên tia hy vọng héo hắt khi thấy ánh bình minh lấp ló nơi chân trời xa xa.  Hắn rùng mình thở phào nhẹ nhõm khi thoát khỏi bóng đêm tử thần.  Lại sống sót qua một đêm nữa!  Để làm gì cơ nhỉ?  Hắn không biết, nhưng sâu xa trong con tim nguội lạnh đang ngập tràn những hối hận ăn năn.  Tên cướp vẫn mong mỏi được sống, được có cơ hội làm lại cuộc đời.  Hắn không muốn chết trong tình trạng tâm hồn nhơ nhuốc thế này.  Hắn tiếc nuối, giá gì ngày đó hắn đủ mạnh dạn, giá gì ngày đó hắn gặp được một người nâng đỡ tinh thần, ban thêm cho hắn nghị lực và can đảm, giá gì ngày đó.…  Nhắm mắt thở dài xót thương cho thân phận mình, tên cướp cay đắng nhủ thầm: “Muộn mất rồi!”

Tiếng ồn ào la thét của đám đông từ dưới chân đồi đang ùn ùn tiến lên Đồi Sọ kéo hắn ra khỏi giấc mộng.  Là gì thế?  Tên gian phi chau mày tự hỏi.  Phải chăng lại một tên cướp khác sa lưới pháp luật?  Là đồng bọn hắn hay là người thuộc băng đảng khác?  Có bao nhiêu mạng người đổ máu trong vụ cướp đó mà kẻ bị bắt phải bị mang đi hành quyết thế này?  Hắn giật mình kinh hãi khi nhìn thấy bóng dáng quen quen, máu me be bét của người đang vác thập giá.  Cặp mắt lờ đờ mỏi mệt cố căng ra thật to để nhìn cho rõ hơn.  Là ông Giêsu sao?  Hắn không tin vào thị giác mình nữa.  Là vị Tiên Tri nhân từ đã từng làm bao phép lạ, trừ quỷ, và chữa lành bao bệnh tật đây sao?  Là Đấng Ngôn Sứ của dân tộc đã từng rao giảng về Nước Trời, về Tám Mối Phúc Thật mà giờ đây lại bị kết án tử hình như một tên cướp thế này hay sao?  Hắn còn lạ gì ông Giêsu này nữa.  Hắn cũng đã từng theo gót chân ông Giêsu này ngược xuôi khắp nẻo đường đất nước Do Thái mà.  Hắn không theo để nghe giảng dạy như đám đông, hay để xin làm môn đệ Người mà theo để… “làm ăn.”  Phải, ông Giêsu ở đâu thì kéo theo đám đông ở đó, và ở đâu có đám đông thì ở đó có cơ hội cho hắn làm ăn: móc túi, rạch bóp, cướp giật…

Nhưng… chẳng lẽ nào?  Tên cướp ngỡ ngàng nhìn đám đông dữ tợn đang chen lấn gào thét theo sau chân người tử tội Giêsu tạo nên một lớp bụi mịt mù.  Ngạc nhiên quá đi!  Những bàn tay đã từng đưa ra nhận bánh và cá trong buổi chiều tím bên bờ hồ Ga-li-lê hôm nào, giờ đang giận dữ nắm lại dứ dứ đưa lên cao, đòi giết cho bằng được người đã cho họ bánh ăn.  Những cái miệng mới hôm nao còn tung hô vạn tuế con Vua Đavít, giờ lại đang lớn tiếng thóa mạ sỉ nhục Người!  Những bước chân một thời theo đuổi kiếm tìm Giêsu để tìm về chân lý, giờ đang sục sạo săn đuổi bức tử Người đến cõi chết.  Những khuôn mặt đạo đức của các vị tư tế, kinh sư luôn miệng rao giảng về Mười Điều Răn chớ giết người, giờ đây lại thoả mãn hả hê, chiêm ngắm đối thủ đang lê lết ôm cây thập giá tiến lên Đồi Sọ lãnh án tử.  Thấp thoáng trong đám đông, có cả những người đã từng được ông Giêsu chữa lành nữa.  Lạ thật, tên cướp lắc đầu thở hắt ra, gian ác như hắn đến gần chết mà vẫn không hiểu nổi lòng người, và những con người thuộc thế giới lương thiện kia!

Sau khi đóng đinh Người vào thập giá như bao tử tội khác, thấy còn một khoảng cách khá xa giữa hai tên gian phi, binh lính La Mã cho dựng cây thập giá của tử tội Giêsu ở giữa.  Hắn không ngớt chăm chú quan sát người láng giềng mới.  Trông ông ta thật thểu não đáng thương!  Khuôn mặt ông phảng phất nét hiền lành thánh thiêng.  Thân thể trần truồng rách nát, máu me đầm đìa mà không một tiếng trách móc, không một lời kêu ca ai oán, tử tội Giêsu chỉ cúi đầu lặng câm giữa những tiếng la ó chửi rủa.  Hòa trong những tiếng cười nhạo báng đó, chợt tên cướp nhận ra được giọng cười ngạo nghễ, và tiếng nói đầy khinh bỉ giễu cợt của tên đồng bọn đang bị đóng đanh cạnh bên Giêsu:

–     “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23:39).

Hắn nghe mà giận quá!  Giận cái tên đàn em ngu lâu, đến giờ chết mà vẫn còn ngoan cố không nhìn thấy tội lỗi của mình, còn dám lớn tiếng xúc phạm đến Thiên Chúa.  Chưa bao giờ tên cướp thấy mình giận dữ như lúc này, bản chất vốn phóng khoáng rộng lượng với bạn bè em út, vậy mà đến gần giờ chết, hắn lại đùng đùng nổi giận với một thằng đã từng chia cơm sẻ áo khi sống, và cùng chung số phận lúc chết.  Hắn lớn tiếng mắng nó:

–     “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ sao?” (Lc 23:40).

Rồi tên cướp ngậm ngùi nhìn xuống thân thể đầy những vết roi đòn của mình đang bị treo tòng teng trên thập giá, hắn tự hỏi: Có oan không?  Không!  Chẳng oan uổng một tí nào cả.  Bàn tay này đã từng cướp của, dính máu người vô tội.  Trái tim này đã từng chai đá, đóng chặt cửa lòng trước những tiếng khóc lóc van xin của ZZnhững nạn nhân vô tội.  Đôi tai đã từng bưng bít trước những tiếng la hốt hoảng của họ.  Không!  Cả hai hình phạt dành cho hắn, và đồng bọn không oan uổng tí nào cả.  Rồi như một quan tòa trong phiên xử chung thẩm, mà bị cáo chính là mình, tên tướng cướp ngậm ngùi tuyên cáo:

–     “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, là xứng với việc chúng ta đã làm” (Lc 23:41).

Quay sang Giêsu, hắn thấy Ngài vẫn im lặng gục đầu trên thập giá mà không một lời oán than.  Loáng thoáng bên tai hắn còn vang vọng những lời cuối cùng của tử tội Giêsu khi bị quân lính La Mã đóng đinh vào thập giá:Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).  Cha ông Giêsu này là ai thế nhỉ?  Hắn không biết, cũng chẳng nhớ những gì ông Giêsu đã rao giảng, nhưng chắc Cha ông ta lớn lắm, và quyền phép lắm nên ông ta mới xin như thế.  Và câu nói ấy ắt phải xuất phát từ một tấm lòng nhân từ độ lượng, với một trái tim bao dung tha thứ.  Dưới nhãn quan của tên cướp, hắn chưa từng thấy ông Giêsu này làm một điều gì sai trái.  Có chăng là hắn từng chứng kiến bao phép lạ của Ngài, từng nghe những lời giáo huấn của Ngài.  Tiếc thay, lúc đó hắn lại quá mải mê với của cải phù du ở đời!  Tên cướp thấy những con người được mệnh danh là lương thiện sao ác tâm và vô lý quá!  Rồi vẫn như một quan tòa mà bị cáo giờ đây chính là Giêsu, tên gian phi mạnh dạn lớn tiếng tuyên bố:

–     “Người này không làm một điều gì sai trái cả!” (Lc 23:41).

Giọng tên cướp lạc đi giữa những tiếng la ó cười nhạo của đám đông.  Cho dù chẳng ai nghe tiếng hắn nói, cho dù cánh cửa tòa đã khép lại sau lưng, bản án trước đã có hiệu lực, cho dù tiếng nói của hắn chẳng cứu được người tử hình vô tội, nhưng hắn thấy mình có bổn phận cần phải lên tiếng.

Giêsu vẫn lặng im trước lời minh oan đó!  Đôi cánh tay đầy thương tích đang dang rộng trên thập giá phải gánh chịu những gì không do Ngài làm ra.  Những giọt máu ở đầu xuyên qua kẽ gai chảy dài xuống má.  Những vết thương toang hoắc há miệng để lòi cả da thịt bên trong.  Tên cướp xót xa thương cảm, chắc hẳn Ngài phải đau khổ lắm!  Nỗi đau thể xác cùng nỗi đau của tâm hồn hợp lại mà hành hạ Ngài.  Cùng là một thân phận tử tội như nhau, cùng một cách hành quyết giống nhau, nhưng hắn chỉ cảm thấy đau chứ không khổ!  Còn ông Giêsu này, trái tim chai lì của tên cướp chùng xuống như có ai bóp nghẹn, bỗng dưng hắn thấy thương người tử tội hiền lành này quá!  Ông ta có làm gì nên tội đâu!

Trong đầu hắn mang máng nhớ lại những gì Ngài đã giảng dạy: về Nước Thiên Chúa, về sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc viên mãn….  Hắn không hiểu gì cả, và cũng không nhớ rõ hết.  Mang thân phận tướng cướp, hắn biết mình chẳng xứng đáng để được hưởng bất cứ phần thưởng nào: ở đời này cũng như đời sau.  Nước của ông Giêsu ở đâu?  Hắn không biết.  Nơi Giêsu sẽ tới?  Hắn không rành.  Hạnh phúc là gì?  Hắn không có khái niệm.  Tên cướp chỉ ao ước được ở gần con người nhân hậu này, được là người láng giềng của Giêsu mãi mãi.  Hắn ngại ngùng lúng túng muốn xin một điều gì đó, nhưng chẳng biết lời mình xin có được chấp thuận hay không.  Thôi kệ, lấy hết can đảm hắn ấp úng thưa với Giêsu:

–     “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23:42).

Giêsu ngước mắt nhìn lên.  Bốn mắt bất ngờ chạm nhau, dù đã chuẩn bị nhưng tên cướp vẫn giật mình hoảng hốt vội quay phắt mặt đi tránh tia nhìn của Giêsu như mọi lần, mà không kịp nhận biết đó là tia nhìn giận dữ hay tha thứ.  Lòng hắn thổn thức xúc động, đã bao lần hắn trốn chạy ánh mắt của Giêsu rồi.  Chẳng lẽ trong những giây phút cuối đời này hắn cũng phải lẩn trốn ánh mắt đó nữa sao?  Giờ thì còn gì nữa đâu mà phải sợ hãi tránh né chứ?  Lòng nhủ lòng và lấy hết can đảm, hắn từ từ quay lại nhìn thẳng vào ánh mắt Giêsu, hồi hộp chờ đợi một lời từ chối, một tiếng quở mắng, hay một bản án khác.

Ánh mắt Giêsu vẫn còn đó như mòn mỏi đợi mong, đôi môi sưng to bầm dập như vẫn còn mấp máy với dư âm hai chữ “Ta khát!” (Ga 19:28).  Tên gian phi ngạc nhiên trợn to cặp mắt xếch khi bắt gặp ánh mắt âu yếm đầy yêu thương của Giêsu.  Ôi, cái nhìn sao ấm áp quá!  Cái nhìn tha thứ đầy lòng cảm thông, cái nhìn thấu suốt tâm can như muốn ôm trọn thân thể nhơ nhuốc của hắn vào lòng.  Ngọt ngào và êm dịu làm sao cái nhìn trìu mến của người cha nhân từ!  Trong ánh mắt đó, hắn thấy phản chiếu lại, không phải là hình ảnh một tên cướp hung hãn từng giết người, mà là hình ảnh một bé trai ngây thơ hồn nhiên đang ngủ vùi trong vòng tay người cha.  Chưa ai ban phát cho hắn cái nhìn như thế bao giờ!  Hắn lặng người ngất ngây!  Gió ngừng thổi, mây ngừng bay, đất trời như nín thở lặng im chiêm ngưỡng giây phút gặp gỡ của hai tâm hồn.

Không một tiếng hạch hỏi, không một lời kết án. Giêsu thấu hiểu tấm lòng hoang mang đầy những lo âu của hắn, Ngài nhân từ chớp mắt gật đầu, rồi bằng chút hơi tàn còn lại, Giêsu âu yếm nói:

–     “Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43).

Hai dòng lệ nóng trào ra khoé mắt, lăn dài trên khuôn mặt gân guốc chai lì của tên cướp.  Hắn khóc, những giọt lệ đầu tiên trong cuộc đời tướng cướp mà hắn đa mang.

Chẳng ai biết hắn chết lúc nào, trước hay sau Đấng Cứu Thế, chỉ biết những người tốt bụng khi xin hạ xác hắn đem chôn, người ta thấy khuôn mặt tên cướp thật bình thản hạnh phúc, đôi môi nhợt nhạt không che giấu được một nụ cười mãn nguyện, giọt lệ vẫn còn đọng lại nơi khoé mắt, lóng lánh như hạt kim cương trong nắng chiều dương.  Đôi ống chân bị đánh giập nát giờ thôi không còn lang thang trong chiều tím buồn nữa.  Đôi chân đó đã có nơi để về!  Thôi, xin giã từ những chiều tím lang thang vô định!

Lang Thang Chiều Tím
April 2006

 

CÁNH ÉN ĐẦU NĂM

ZZNgày đầu năm, trong vô số những lá thư chúc mừng năm mới của bạn bè gởi đến như những cánh én báo hiệu mùa Xuân, tôi xúc động đọc một e-mail chúc mừng năm mới của một người bạn với những hàng chữ đơn sơ như sau:

Ngày đầu của một năm mới, anh cầu chúc nhiều điều tốt đẹp đến với em.  LTCT ơi, hôm nay anh đã tìm được sự bình an trong tâm hồn, một ngày thật là hạnh phúc đối với anh trong tình yêu Chúa.  Cám ơn Chúa, cám ơn em!  Chúa ơi, con không còn phiền muộn và đau khổ trong căn bịnh ung thư của con nữa.  Lạy Chúa con vui vẻ yêu Chúa.

Thân mến,

Tôi nghẹn ngào đến rơi lệ, một tấm thiệp chúc mừng năm mới đẹp nhất trong năm!  Một cánh én tả tơi trong bầu trời đầu Xuân nhưng vẫn cố gắng tung bay để mang niềm vui đến cho đời.  Có lẽ năm sau, tôi sẽ không còn có cơ hội để nhận thiệp chúc tết của anh nữa.  Năm sau biết anh còn có cơ hội để tuyên xưng đức tin, tình yêu, và niềm hạnh phúc của mình trong ngày đầu năm như thế này hay không?  Anh sẽ ở đâu vào mùa Xuân năm sau?

“Lạy Chúa con vui vẻ yêu Chúa,” anh là người ngoại đạo, chưa được rửa tội, cũng không phải là người khoẻ mạnh để mà vui vẻ yêu đương trong lúc này.  Anh chỉ còn có vài tháng nữa thôi.  Bác sĩ nói anh còn sáu tháng nữa, đã ba tháng trôi qua rồi, và anh tiếp tục đếm từng tháng ngày đang vô tình trôi qua đời anh.  Căn bịnh ung thư ở giai đoạn cuối đã bắt đầu đau, lúc nhiều lúc ít, lúc mạnh lúc nhẹ, lúc có lúc không.  Thế mà không những anh đã cảm nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa, anh lại còn vui vẻ đáp trả lại tình yêu đó với một thân xác bịnh hoạn sắp đến hồi kết thúc.  Thế mà anh vẫn tìm được sự bình an trong tâm hồn vào ngày Tết dương lịch cuối cùng của đời mình.  Cánh én vẫn tiếp tục tung bay trong tiết trời đầu Xuân dưới cơn mưa âm u nặng hạt.

Không còn phiền muộn!  Không còn khổ đau dù rằng căn bịnh vẫn trơ trơ ra đó.  Tất cả chỉ còn lại sự bình an, một ngày đầu năm hạnh phúc, một niềm vui ngọt ngào trong tình yêu Thiên Chúa.  Tôi vui với niềm vui của anh trong ngày đầu năm, cầu xin Thiên Chúa nhân lành nâng đỡ và an ủi anh trong giai đoạn cam go này.  Anh đã gần về tới đích!  Trong giai đoạn cuối cùng này, đức tin non nớt vừa mới được vun trồng trong anh gặp nhiều chao đao thử thách từ cuộc sống.  Đức tin đó không những cần cho riêng anh để chống chỏi với sự tuyệt vọng trong tâm hồn, sự đau đớn của thể xác, mà đức tin đó còn cần để nâng đỡ những người thân của anh nữa.

Còn sống là còn ước mơ!  Anh đã và đang tiếp tục mơ ước, anh ước ao có thể sống thêm mười, hai mươi năm nữa, nhìn hai đứa con mũ áo xúng xính trong ngày ra trường, được dắt tay cô con gái trao lại cho chú rể trong ngày cưới, được ẵm bồng đứa cháu ngoại cất tiếng khóc oe oe chào đời….  Và bao nhiêu mơ ước đơn sơ khác nữa, biết có thành sự thật hay không?

Còn sống là còn hy vọng!  Anh và vợ đã bay về Việt Nam để chữa trị bằng thuốc Ta.  Trở lại quê hương sau hơn 30 năm xa cách, được tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh bên vỉa hè, được tận tay va chạm những vết đau của một kiếp người lầm than, tai nghe tâm tình của những em bé bụi đời ăn xin, bán vé số, em gái nhỏ bán hoa rong bên chợ Sài gòn…  Mỗi mảnh đời là một câu chuyện thương tâm khác nhau: nhà nghèo cha mẹ phải bán con cho người khác, mồ côi nên phải đi ăn xin….  Anh cho tiền em gái nhỏ bán hoa không dám lấy, vì có lấy tối về cũng bị lột sạch, em chỉ xin anh một tô phở ăn tại chỗ, và xin anh bảo lãnh qua Mỹ để thoát cảnh đánh đập của cha mẹ nuôi.  Anh ngậm ngùi xót thương!  Cũng là một kiếp người mà sao các em sống như không phải là người!  Ngày anh chết, con anh sẽ mang phận “mồ côi cha,” nhưng tương lai không đến nỗi đen tối mịt mờ.  Chúng có tiền của anh dành dụm bao lâu nay, có nhà, có xe anh để lại, có tiền bảo hiểm nhân thọ của anh, có tiền an sinh xã hội cho tới khi vào đại học.  Sau hết còn có người mẹ yêu thương chở che chúng hết lòng.  Hơn nhiều lắm so với những em bị cha mẹ ruột đem bán đi không biết ngày mai ra sao.  Hơn nhiều lắm so với những số phận hẩm hiu vất vưởng bên hè phố Sài gòn.

Vết thương thể xác vẫn còn đó nhưng vết thương tâm hồn đã lành.  Anh tạ ơn Chúa đã ban cho mình một cuộc sống quá đầy đủ và hạnh phúc so với những mảnh đời tang thương rách nát, mà anh được gặp gỡ trong thời gian qua.  Anh thấy gia đình mình may mắn quá, hạnh phúc quá!  Và anh nâng niu trân trọng niềm hạnh phúc đó từng phút, từng giây còn sót lại trong đời mình.

Còn sống ngày nào là còn có cơ hội sắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi dài!  Anh nói với tôi, anh đã dặn vợ khi anh chết nhớ chôn anh với cỗ tràng hạt, và cuốn Kinh Thánh mà tôi tặng cho anh.  Cỗ tràng hạt đó, chắc bây giờ đã bạc màu và mòn lắm rồi.  Ngày tôi tặng anh cỗ tràng hạt Mân Côi, tôi không mua một cỗ tràng hạt mới để tặng anh, nhưng tặng anh cỗ tràng hạt mà tôi đang sử dụng.  Một cỗ Mân côi “có hồn” đã thấm bao giọt nước mắt ăn năn trong những ngày đầu tôi mới trở về với Chúa.  Tôi trao lại cho anh, xin Đức Mẹ dẫn dắt anh từng bước, từng bước đến với Chúa.  Tôi biết tràng chuỗi Mân Côi đó giờ đây lại ướt đẫm những giọt nước mắt đau khổ của người chủ mới, được lần tới lần lui mỗi ngày, với những lời kinh giờ đã nhuần nhuyễn.  Cuốn Kinh Thánh ngày được cùng anh đi vào lòng đất, chắc cũng đã cũ mèm, và xoắn góc dù rằng tôi tặng anh cuốn mới.  Mỗi trang Kinh Thánh được lật qua là mỗi tâm tình được gói ghém trong đó, là những khúc mắc trăn trở, là những băn khoăn ưu tư không lời giải đáp.

Còn sống ngày nào là đức tin có cơ hội bị thử thách ngày đó!  Biết thế nên ngày ngày anh vẫn đến nhà thờ để tìm sự an ủi đỡ nâng, đến để tiếp tục nuôi dưỡng sự bình an trong tâm hồn mà anh đã tìm được trong ngày đầu năm.  Đến có khi chỉ để ngồi thinh lặng một mình chiêm ngắm ông Giêsu bị treo trên cây thập giá.  Và anh tìm thấy vài điểm tương đồng giữa anh và người tử tội Giêsu đó: cùng biết trước ngày giờ chết của mình, cùng sợ hãi trước cái chết đang từ từ tiến tới gần, cùng để lại một bà mẹ khóc con!  “Lá vàng khóc lá xanh rơi!”  Ôi, nếu mẹ có thể bịnh thay cho con!  Nếu mẹ có thể chết thay cho con được sống!  Anh hiểu thêm nỗi lòng của Mẹ Maria qua tâm trạng người mẹ ruột của mình.  Có lẽ những sự đồng điệu đó an ủi anh nhiều lắm.  Anh trao cho tôi bốn câu thơ mà anh đã làm dưới chân thập giá Chúa Giêsu:

Con qùy bên tượng Chúa,
Chắp hai tay nguyện cầu.
Sao đời con đau khổ,
Một linh hồn bơ vơ!

Lạy Cha, trong ngày đầu năm, xin cho ý Cha được thể hiện, không phải ý con mà cũng chẳng phải ý anh, để danh Cha được cả sáng.  Xin Cha nhân lành nâng đỡ đức tin, an ủi và xoa dịu vết thương lòng, cũng như thể xác của người anh em con trong những ngày thử thách cuối cùng này.

Lạy Cha là Thiên Chúa của con, đến bao giờ con mới có thể nói như anh, một người ngoại đạo đang chiến đấu với bịnh tật “Chúa ơi, con không còn phiền muộn và đau khổ trong cuộc sống khổ ải này nữa.  Con vui vẻ yêu Chúa?????”

Lang Thang Chiều Tím
Ngày đầu Xuân 2006

NỖI NIỀM GIUSE

(Mt 1:18-25)

Hành trình đức tin của mỗi người đến với Đấng Tối Cao không phải là một hành trình đơn giản, cho dù đó là Đại Thánh, Thánh Cả, hay Nữ Vương Các Thánh.

Mời bạn cùng tôi quay ngược bánh xe thời gian trở về thăm viếng một đất nước Do thái xa xăm, nghèo nàn, và lạc hậu với bao phong tục tập quán khắc nghiệt của cha ông để lại, cách đây hơn 2000 năm về trước.  Dân chúng đang sống trong cảnh lầm than, quằn quại rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo của đế quốc La Mã.  Đời sống tinh thần được xiết chặt dưới gọng kìm của bao lề luật tôn giáo khắt khe từ thời Môi-se, ngày qua ngày đã hun đúc họ lòng trông mong vào lời hứa của Đấng Tối Cao với cha ông họ!  Họ nóng lòng trông chờ một vị Cứu Tinh đến để lật đổ chế độ, giải thoát họ khỏi cảnh lầm than của kiếp người, và xây dựng lại một vương quốc Israel hùng cường ngày nào.  Họ háo hức trông mong một vị Thiên Sai, một Đấng Cứu Thế đã được Đức Chúa hứa ban, và được loan báo nhiều lần trong Kinh Thánh mang đến cho họ một ánh sáng mới trong đức tin.  Càng khổ họ càng ngóng trông, càng bị đàn áp họ càng khao khát chờ đợi, họ sống trong niềm hy vọng từ trời cao, họ mòn mỏi trông chờ như đất cằn mong mưa rào, như nai đang khát mơ thấy suối trong.

Cùng sống trong hơi thở chờ đợi của dân tộc mình, Giuse, một chàng thanh niên trai tráng sinh sống bằng nghề mộc với cha mẹ là ông bà Giacóp, tại một ngôi làng nhỏ hẻo lánh ít ai biết đến, làng Nazarét, miền Galilê.  Anh đến tuổi cập kê nhưng không muốn lập gia đình, anh muốn dâng trọn đời mình cho Thiên Chúa, Đấng mà anh, và cả dân tộc anh tôn thờ.  Anh vui mừng khi được gia đình sắp xếp cho thành hôn với Maria, người thiếu nữ đức hạnh hiền dịu mà ai gặp qua một lần cũng đều qúy mến, là người mà cả hai đã cùng nhau thề ước trọn đời đồng trinh dù phải sống bực vợ chồng trước mắt họ hàng và cha mẹ hai bên.

Ngày đính hôn đã đến, và qua đi trong niềm vui của gia đình hai họ, và sự hân hoan của cả thôn xóm.  Một mái nhà mới sẽ được mọc lên trong xóm nhỏ Nazarét thưa người này.  Quả là đẹp đôi!  Họ cầu xin Thiên Chúa chúc phúc cho cặp vợ chồng son trẻ thánh thiện.  Riêng Giuse, anh hoan hỉ chờ đợi ngày đón Maria về chung sống với gia đình.

Nhưng dòng đời không xuôi chảy êm đềm như mong ước!  Giuse bồn chồn bứt rứt với bao nỗi hoài nghi thắc mắc, khi nhìn thấy bụng nàng nhấp nhô dưới ánh mặt trời, sau lớp áo của cô thiếu nữ Sion đội nước.  Điều gì đã xảy ra?  Hạnh phúc lứa đôi chưa nắm bắt trong tay mà đã bị đe dọa rồi sao?  Sao nàng không nói?  Sao nàng không kể?  Maria thánh thiện của anh lại có thể như thế được sao?  Đâu rồi người thiếu nữ Sion đức hạnh mà anh trông chờ?  Bao câu hỏi, bao thắc mắc như thác lũ ào tới trong đầu anh.  Vẫn chỉ là những câu hỏi mà không có câu trả lời.

Ngược với Giuse đang sống trong cảnh dày vò đau khổ, Maria vui tươi, hồn nhiên, khuôn mặt rạng rỡ phản chiếu trong cặp mắt sáng to lóng lánh chan chứa niềm vui.  Đôi môi hồng chúm chím với nụ cười mãn nguyện sung sướng, đôi môi đó vẫn khép kín không một tiết lộ nào với Giuse.  Có những lúc tình cờ hai người đối mặt, bốn mắt giao nhau, Giuse hơi bối rối trước cái nhìn thẳng thắn, không trốn tránh e dè, không mắc cở của Maria.  Ánh mắt tuy có thấp thoáng vẻ âu lo nhưng không phải là ánh mắt ăn năn của kẻ có tội.  Nhìn Maria, ai cũng dễ dàng đoán được nàng là một người thiếu nữ hạnh phúc, đang sống trong tình yêu sung mãn, là người con gái đang yêu và được yêu.  Nhưng là tình yêu của ai?  Làm sao Giuse biết được!  Vẫn không có câu trả lời!

Giuse đau khổ cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa, Chúa muốn nói gì với anh qua biến cố này?  Chúa muốn anh làm gì trong tình trạng này?  Anh muốn sống theo thánh ý Chúa nhưng đâu là ý Chúa?  Anh chỉ thấy ý của anh, thật lớn và mạnh mẽ, phải khó khăn lắm anh mới giữ cho lòng khỏi sôi lên uất hận.  Không, anh không muốn trả thù, không muốn nàng bị ném đá như luật Môise đòi hỏi, anh không muốn a dua theo cá tính tự ái của một thanh niên mới lớn trong anh.  Nhưng anh cũng không muốn nhận một đứa con không phải của mình.  Anh không thể bao dung nhận đại được, làm thế anh sẽ có lỗi với cha mẹ tổ tiên, với dòng dõi quân vương Đavít của anh, đứa cháu đích tôn lại mang dòng máu ngoại tộc.  Anh tự hỏi, nếu anh nhắm mắt nhận đại thì… đứa bé kia sẽ giống ai nhỉ?  Anh hình dung cảnh hàng xóm đang xúm lại cười ngạo dèm pha, trong khi anh ôm ấp một đứa bé giống một người thanh niên nào đó trong làng.  Lòng anh rối rắm trăm đường, anh thấy tội mình thật lớn với dòng tộc Đavít lẫy lừng một thời!  Một dòng họ danh giá của Israel mà giờ đây anh lại muốn chấp nhận một đứa con hoang không cha vô dòng họ mình.

Không, không thể chấp nhận được, nhưng… nhưng nếu nàng thú tội, nếu nàng khóc lóc van xin tha thứ, nếu nàng xuống nước năn nỉ?  Lòng anh chùng xuống, bản tính nhân từ cố hữu trong anh lại át đi những lo âu suy nghĩ khi nãy, tâm trí anh bị giằng co đôi đường, trái tim anh bị chia đôi giữa hình ảnh Maria đang bị ném đá, và dòng tộc Đavít oai hùng bị bôi nhọ.  Anh thở dài ai oán, chắc anh đành mang tội với tổ tiên mà tha thứ cho nàng để cứu hai mạng người khỏi bị chết oan.  Ai mà chẳng một lần vấp ngã!  Lòng nhủ lòng như thế và anh chờ đợi…, chờ đợi một sự lên tiếng…  Nhưng ngày vẫn lặng lẽ trôi.  Mặt trời mọc rồi lại lặn, bình thản như không có gì xảy ra, vẫn không một lời giải thích!  Im lặng vẫn bao phủ Nazarét hiền hòa!

Thôi được, nàng đã không muốn nói thì anh cũng không muốn ép.  Sau những đêm trằn trọc mất ngủ, những ngày mò mẫm trong tăm tối của tâm hồn, sau những giờ cầu nguyện khổ sở để tìm thánh ý Chúa, anh đã quyết định.  Một quyết định dứt khoát!  Nàng đã thờ ơ trước sự bao dung của anh thì anh đành chịu thôi!  Anh tình ZZnguyện trả nàng về với niềm bí mật của nàng.  Anh không muốn tố cáo nàng!  Như một tên lính bại trận, anh chỉ muốn lặng lẽ rút lui khỏi chiến trường một cách kín đáo.  Anh chấp nhận mình thua và xin rút quân.  Nàng đã dám làm thì nàng đã có cách giải quyết của nàng.  Anh tôn trọng!

Hành trang đã sẵn ở góc nhà, màm đêm dần buông, anh mệt mỏi thiếp đi để lấy sức cho cuộc bỏ đi vào nửa đêm đã được định đoạt trước.  Trong giấc ngủ chập chờn, anh mơ thấy một thiên thần mặc phẩm phục trắng toát, hào quang rực rỡ chiếu sáng một góc nhà, khuôn mặt hiền hậu, ánh mắt âu yếm nhìn anh đầy yêu thương, và thoang thoảng bên tai anh một giọng trầm ấm vang lên: “Này ông Giuse, con cháu Đavit, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.  Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1: 20a-21).  Giuse choàng tỉnh bật dậy, anh hoàng hồn, hơi thở dồn dập, nhịp tim đập liên hồi, người anh toát mồ hôi lạnh, anh dụi mắt nhiều lần để tỉnh trí lại xem mình đang ở đâu.  Anh cắn vào tay một cái thật mạnh, và thấy nhói đau, bây giờ anh biết mình đã tỉnh, thực sự đã tỉnh, và ban nãy là một giấc mơ.  Ngoài kia, bóng tối dầy đặc phủ lên thôn làng, xa xa một vài tiếng côn trùng rỉ rả trong bóng đêm như xác nhận với anh không gian, và thời gian nơi anh đang ở.  Là mơ hay là thực vậy?  Là tiếng nói của thần lành hay thần dữ?  Có thực đó là tiếng nói của Thiên Chúa không, hay chỉ là một giấc mộng mị bình thường như bao giấc mộng khác.  Anh ôm đầu suy nghĩ và ôn lại giấc mơ, “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về!”  Anh rùng mình ớn lạnh, câu nói ấy đánh trúng vào yếu huyệt của anh, đó không phải là mối ưu tư hàng đầu của anh trong mấy ngày qua sao?  Anh thẫn thờ lặng lẽ gục đầu qùy xuống trong bóng đêm.

Bọc hành lý nho nhỏ được xếp gọn lại để dưới gầm giường, vài bộ quần áo vẫn để nguyên trong chiếc bọc chứ chưa được xếp lại vào ngăn tủ, chiếc bọc nằm gọn ghẽ trong một xó nhỏ như tiếp tục chờ đợi một cơ hội khác.  Mấy ngày qua, Giuse âm thầm sống trong trăn trở bối rối.  Anh hoang mang không biết phải làm gì, nên quyết định ra sao, không biết đâu là hư, đâu là thực.  Nếu đó là thánh ý Chúa, sao Ngài không hiện ra nói với anh rõ ràng như hai với hai là bốn, anh sẽ làm ngay không một thắc mắc chần chừ.  Sao Ngài không nói lúc anh đang tỉnh, đang ý thức, hoặc ngay lúc anh đang cầu nguyện mà lại là một tiếng nói trong chiêm bao?  Giấc mộng, bao nhiêu phần trăm là thực, bao nhiêu phần trăm là ảo ảnh?  Ai dám đảm bảo giấc mơ nào cũng đúng sự thực?  Chẳng phải đó là những chuyện làm anh suy nghĩ từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn, tối đến những việc đó phản ánh lại trong giấc ngủ thì cũng là chuyện thường tình thôi mà!  Anh tự nhủ mình như thế!  Nhưng anh lại áy náy khi nhìn về quá khứ của dân tộc, quả là có những giấc mộng xảy ra đúng với thực tế mà người giải mộng cũng là một người mang tên Giuse như anh.  Giuse trong Cựu Ước đã từng giải mộng cho Pharaôn ở Ai Cập với bảy con bò mập ăn bảy con bò ốm, tượng trưng cho bảy năm được mùa, và bảy năm mất mùa.  Nhờ đó Giuse đã cứu được cả dân tộc Ai cập, lẫn gia đình mình thoát khỏi nạn đói.  Tiếng gà gáy xa xa đầu làng báo hiệu một ngày mới bắt đầu kéo anh về với thực tại.  Ừ, nhưng thôn xóm nhỏ của anh không phải là không có mấy bà hàng xóm nhiều chuyện, vừa đi múc nước ở cái giếng đầu xóm vừa kháo cho nhau nghe những giấc mộng nhảm nhí của họ.  Nào là Thiên Chúa hiện ra với mình nói thế này thế kia, nào là mơ thấy tiên tri Êlia sống lại, có kẻ mạnh miệng hơn bảo là mơ thấy vị cứu tinh sắp đến giúp dân Do Thái thoát khỏi ách thống trị người La Mã, v.v… và bao nhiêu chuyện linh tinh khác nữa đã làm trò cười cho thiên hạ.  Anh không muốn mình là nạn nhân của những câu chuyện ngồi lê đôi mách đó!

Lòng anh rối rắm, anh không ngừng cầu nguyện, suy nghĩ và nhận định… nhưng ý Chúa vẫn mịt mùng trong bóng đêm, giấc mơ không trở lại lần thứ hai!  Càng cầu nguyện anh càng thấy chỉ có một con đường duy nhất để tìm ra thánh ý Chúa, đó chính là bền bỉ cầu nguyện, và cầu nguyện không ngừng.  Anh tiếp tục cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho anh biết phải làm gì, anh ao ước được làm theo ý Chúa, xin Chúa cho anh nhìn ra thánh ý Ngài thì anh sẽ không còn chần chờ gì nữa.

“Vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần,” tác giả bào thai lại là Chúa Thánh Thần?  Anh chưa nghe ai nói đến bao giờ, lịch sử dân tộc anh với bao điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm, nhưng chưa có ai mang thai rồi dám đổ thừa cho Chúa Thánh Thần.  Anh chợt chau mày suy nghĩ, nhưng đây đâu phải là những lời biện hộ từ miệng của Maria.  Cô đã không hề mở miệng nói một lời về bào thai mình đang mang. “Vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần,” đó là những lời từ miệng một vị thiên sứ mặc áo trắng trong giấc mộng kia mà!  Một người phụ nữ không cần đến đàn ông mà vẫn có thể mang thai, bào thai đó là do quyền năng Chúa Thánh Thần thì người mang thai vẫn là một cô gái đồng trinh, như vậy nàng vẫn là một trinh nữ.  Anh giật mình, thoang thoáng nhớ lại lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ mà anh đã được nghe lập đi lập lại nhiều lần trong hội đường những ngày Sabát: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1:23).

Anh choàng tỉnh, anh đang thức chứ không ngủ, nhưng anh lại thấy mình vừa thoát ra một cơn mơ dài.  Anh đã từ từ nhìn ra những mảng hình được ghép lại như một bức tranh.  Đúng rồi, Maria của anh không thể nào là một cô gái lăng loàn mất nết được, anh nhớ lại khuôn mặt của cô những ngày gần đây: vui tươi, trong sáng, thánh thiện, khuôn mặt của một người đầy ân sủng Thiên Chúa ở cùng.  Nàng là một người phụ nữ đạo hạnh tốt lành, “người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần,” “một trinh nữ sẽ thụ thai,” còn anh là dòng dõi Đavít, “Đấng Kitô được hứa ban xuất thân từ dòng dõi vua Đavít…”  Anh xụp xuống qùy phủ phục trước trời đất bao la như đang qùy trước tôn nhan Thiên Chúa Chí Thánh, và mắt nhắm lại không dám nghĩ tới những ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã dành cho anh.  Anh không ngờ mình là người được chọn, không bao giờ anh dám nghĩ đến Đấng Cứu Tinh mà cả dân tộc anh đang mòn mỏi mong chờ, lại được hạ sinh ngay trong gia đình anh, và anh sẽ là người nuôi nẫng ẵm bồng đứa bé.  “Vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ,” lời nói trong giấc mơ ngày nào lại vang lên rõ mồn một bên tai anh.  Anh thở hổn hển, không ngăn được nhịp đập dồn giã của con tim, anh vui sướng nhảy lên như một chú bé vừa bắt được quà.  Anh đã biết rồi, thánh ý Chúa là đây!  Anh nghe rồi, tiếng Chúa gọi anh trong đêm trường. “Lạy Chúa, xin thứ lỗi cho con vì đến bây giờ con mới nhận ra thánh ý Ngài,” anh lẩm nhẩm nói với Chúa và chạy ù sang nhà Maria.

Gặp nàng, anh nắm chặt lấy đôi bàn tay thon nhỏ đưa lên ngực mình, mắt ngước nhìn lên trời cao.  Anh ấp úng không nói được một tiếng, bây giờ anh đã hiểu tại sao lúc trước nàng im lặng không một lời giải thích.  Maria nhìn anh, nàng đã hiểu mọi sự dù không nghe một lời từ miệng anh, nàng vui sướng nắm chặt lấy tay anh như muốn cùng anh chia sẻ niềm hân hoan tận đáy lòng.  Nàng hiểu chứ, những ân huệ mà Thiên Chúa tuôn đổ xuống cho con người thì ngôn ngữ nào nói cho hết, bút mực nào tả cho xiết, sợi dây liên hệ mật thiết giữa Thiên Chúa với một con người là những gì riêng tư thầm kín nhất, khó mà chia sẻ cho người ngoại cuộc hiểu hết được.  Bốn mắt nhìn nhau chan chứa niềm vui, hai con tim hoà chung một nhịp đập, họ đã nhìn ra thánh ý Chúa muốn họ làm gì, họ nhận ra tình yêu và ân sủng quá bao la của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên gia đình bé nhỏ của họ, họ cùng nhau chúc tụng Thiên Chúa đã làm cho họ bao điều kỳ diệu.

Và anh vui sướng đón nàng về nhà mình.  Hai người vẫn giữ trọn lời nguyện ước ban đầu, mặc dù sống bên nhau nhưng họ gìn giữ cho nhau.  Sau đó không bao lâu, anh đưa nàng lên Bêlem, miền Giuđê là nguyên quán của dòng tộc Đavít anh, để kê khai tên tuổi theo chiếu chỉ của hoàng đế Au-gút-tô thời ấy.  Đêm đó, trên con đường tìm đến nhà trọ, anh hân hoan đón nhận người con trai do quyền năng Chúa Thánh Thần trao ban cho dân tộc anh, và cho cả nhân loại.  “Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” mà anh là người diễm phúc được chọn, để trở thành cha nuôi của đứa trẻ, để nuôi nấng bồng ẵm từ lúc còn sơ sinh, còn hạnh phúc nào hơn thế nữa!  Và anh đặt tên cho con trẻ là Giêsu như lời sứ thần áo trắng đã nói với anh trong giấc mơ đêm nào.

Lang Thang Chiều Tím
March 2005

 

TRÒ CHƠI KINH THÁNH

LTS: TRÒ CHƠI KINH THÁNH được mở đầu và đăng trên Maranatha-34 (báo điện tử).

Đây là một trò chơi, nhưng là một trò chơi rất nghiêm túc.  Vì là trò chơi Kinh Thánh, nên trước tiên chúng ta hãy đọc lại một đoạn Kinh Thánh.  Đoạn trích thư 1 Côrintô, chương 13, câu 4-7.

“Đức mến thì nhẫn nhục, đức mến thì hiền hậu, đức mến không ghen tuông, đức mến không vênh vang, đức mến không tự đắc, đức mến không làm điều bất chính, đức mến không tìm tư lợi, đức mến không nóng giận, đức mến không nuôi hận thù, đức mến không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng đức mến vui khi thấy điều chân thật.  Đức mến tha thứ tất cả, đức mến tin tưởng tất cả, đức mến hy vọng tất cả, đức mến chịu đựng tất cả.”

Hẳn bạn để ý rằng tôi lặp lại chữ ‘đức mến’ trước mỗi động từ, và in đậm lên.  Đó là điểm chính yếu của trò chơi.  Bây giờ ta vào cuộc nào.  Trò chơi này gồm hai giai đoạn.  Một dễ và một khá khó.  Hy vọng bạn thành công.

Giai đoạn 1: Bạn thay tất cả những chữ “đức mến” trong câu trên bằng “Chúa Kitô,” và đọc lại chầm chậm với hết lòng chân thành.  Đọc đi!  Dễ phải không?  Bạn đã thành công giai đoạn 1.

Giai đoạn 2: Bây giờ bạn thay tất cả những chữ “đức mến” trong câu trên bằng chính tên của bạn (có chữ lót càng tốt).  Bạn đọc lại với hết lòng chân thành như giai đoạn 1.  Khó hơn nhiều, phải không nào?

Nếu bạn thành công giai đoạn 2, nghĩa là đọc câu trên với lòng chân thật, thì bạn đã hiểu được vì sao Chúa dạy chúng ta: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán (Mt 7, 1).  Nhưng nếu không thành công thì cũng chẳng hề gì.  Bạn có suốt đời để đọc đi đọc lại cho đến khi thành công mà!

**************************************

Bạn đã đọc bài “Trò Chơi Kinh Thánh” ở báo điện tử Maranatha 34 chưa nhỉ?  Nếu chưa đọc thì nên đọc cho biết, nếu đã đọc mà chưa chơi thì thử “thời vận” trong những ngày đầu năm Ất Dậu xem sao.  Nếu chưa muốn chơi thì cũng nên “liếc mắt” qua một tí để giữ trong đầu, lúc cần có cái mà chơi, và nếu bạn đã chơi thử rồi thì kết quả ra sao thế?  Thắng hay bại?  Hơn hay thua?

Tình cờ một người bạn gởi cho tôi bài này, liếc sơ qua tôi thấy quá khó để mà chơi, đúng ra là một sự thách đố nên thôi, không dại gì đọc kỹ, tôi bèn cất đó để dành.  Rồi mấy ngày sau tôi đọc sơ lại một lần nữa trước khi xóa bỏ một số e-mail.  Thấy trò chơi này cũng hay hay vui vui, tôi theo chân tác giả cho tên mình vô đọc thử thì đọc không nổi, nuốt không vô, như bị nghẹn họng mặc dù bài rất ngắn, tôi lưu trữ lại để lúc khác đọc tiếp.  Đến tối trước khi đi ngủ, lấy bài này ra đọc lại lần nữa, tôi thế “Đức mến” bằng “Giêsu Kitô,” và đọc một cách dễ dàng trôi chảy.  Đó đích thực là những đức tính đáng yêu của Giêsu, đến lúc thế tên của chính mình vô thì tôi không nhịn được cười, phá ra cười lớn.  Tôi nhìn lên tượng Chúa nhân từ, và thành thật thú nhận với Chúa rằng con đọc không được Chúa ơi, ngượng miệng quá, mắc cỡ với Chúa và với chính mình.  Đó không phải là con, con không có những đức tính đó, tuy thế tôi cũng ráng liếc sơ qua một loạt các đức tính đó rồi gấp cuốn Kinh Thánh lại.

Hôm sau mẹ tôi và tôi đi lễ sớm, thánh lễ Việt Nam 8 giờ sáng ngày thứ Bảy vắng vẻ như những thánh lễ ngày thường khác với đa số người lớn tuổi.  Lòng nhà thờ rộng mênh mông, lác đác những cụ già ngồi rải rác trong nhà thờ.  Thánh lễ chưa bắt đầu, tôi liếc trước liếc sau rồi chọn ngồi ở hàng ghế giữa, không gần ai hết, vì tôi có cái tật xấu là hay ngồi bắt chéo chân lên nhau nên không dám ngồi gần các cụ lớn tuổi.  Đang ngồi thì một bác không già lắm khoảng 60 hơn một chút, ngồi ở hàng ghế phía sau chồm người lên khều khều lưng, chỉ chân tôi và nói:  “Cô hy sinh vì Chúa trong nhà thờ ngồi bỏ chân xuống đi!”  Tôi quay xuống và bắt gặp khuôn mặt khó chịu quen thuộc.  Bác này tôi biết quá, đây không phải là lần đầu bác bắt bẻ tôi như vậy.  Tôi hay đi lễ ngày thường ở đây, tuy không bao giờ nói chuyện với mấy bác lớn tuổi nhưng đa số họ biết mặt tôi, và tôi cũng biết mặt họ.  Với bác này, tôi có cảm tưởng tôi chướng mắt bác ta hay sao ấy, nên bác hay rình để kêu tôi ngồi bỏ chân xuống, hoặc kêu tôi lên ngồi ở mấy hàng ghế trên.  Có lần trong lúc đang sắp hàng lên rước lễ, bác đứng sau chồm người lên, đẩy tay tôi đi lên rước lễ lè lẹ.  Tôi đâu phải là con nít!  Đã biết tôi không có đức tính vâng lời mà cứ thử thách mãi!

Lần này tự nhiên máu nóng trong tôi bốc lên khi nghe bác nhắc nhở tôi như vậy, tôi đâu có lấy con trai bác mà tôi phải làm dâu bác nhỉ?  Tôi không ngồi bắt chân chữ ngũ, chỉ là bắt chéo chân lên nhau thì thất kính lắm hay sao?  Sao đi lễ bác không nhìn lên Chúa, nhìn bàn thờ, mà cứ chân tôi mà ngắm, mà soi coi tôi ngồi kiểu gì?  Nếu tôi thất kính với Chúa thì tôi đã không đi nhà thờ sáng sớm ngày thứ bảy, thà để nằm nướng trên giường thì sướng hơn vì Thánh lễ sáng thứ bảy không thay thế thánh lễ ngày Chúa nhật.  Tôi đâu có già như bác mà kêu tôi ngủ không được, hay không có việc gì làm nên đến nhà thờ để giết thì giờ.  Tôi nghĩ thầm trong bụng:  “Sao bác không hy sinh vì Chúa, trong nhà thờ chịu khó nhìn Chúa một chút đừng nhìn đi đâu hết!”

ZZTôi bực mình tính xách bóp đứng lên ra chỗ khác ngồi, thoát khỏi cặp mắt soi mói của bác này.  Tự dưng trong đầu tôi lại hiện ra mấy câu mà tối qua tôi đang đọc dang dở, Đức mến thì nhẫn nhục, đức mến thì hiền hậu…,” tôi chỉ nhớ có thế và một cách máy móc không tự chủ, tôi thế tên mình vô lẩm nhẩm: “LTCT thì nhẫn nhục, LTCT thì hiền hậu.”   Lạy Chúa, là con đó sao, con không tưởng tượng ra được!  Chậc… chậc…đã đọc được thì phải làm được, tôi thở dài bỏ bóp, bỏ chân xuống, nén lòng ngồi lại chỗ cũ.  Nhẫn nhục, hiền hậu thì không lý sự, không hơn thua phải trái đúng sai, hiền hậu với mọi người chứ không chỉ hiền với người hiền, dễ thương với người dễ thương mà thôi.  Tôi cười thầm trong lòng khi thấy tự dưng mình hiền như con chi chi, và nhẫn nhục chịu đựng quá!  Bạn bè tôi mà nghe kể chuyện chắc chúng ngạc nhiên lắm, vì họ biết tôi dữ bẩm sinh, ngang bướng, cứng đầu, lì lợm, khó bảo.  Cái gì đúng lý, hợp tình tôi mới nghe, ai đời ở bên Mỹ, thế kỷ 21 rồi mà còn có chuyện làm dâu mẹ chồng ngang hông như vậy nữa thì lạ thật!  Tôi thở dài ngao ngán, theo Chúa chua quá!  Mình không còn là mình nữa.  Ừ thôi, chịu vậy, thôi ráng làm dâu bà bác kia một chút đi.  Chắc bác nghĩ rằng bác có bổn phận phải răn dạy, sửa bảo những đứa ngồi không ngay ngắn trong nhà thờ để nhà Chúa tôn nghiêm hơn.  Cũng đúng thôi!

Thấy tôi ngồi im ngoan ngoãn nghe lời, có lẽ bà bác thích lắm, nên một chút sau lại khều khều lưng tôi, rồi đưa cuốn sách hát như thưởng công cho sự vâng lời của tôi.  Tôi cầm lấy mở sách ra hát.  Trong suốt thánh lễ, tôi cứ bị lo ra nhất là lúc chuẩn bị ngồi, tôi nhắc mình ngồi bỏ chân xuống, đằng sau có mẹ chồng, rồi lâu lâu cứ phải dòm chừng cái chân nếu không nó lại tự động trở về vị trí cũ.  Đến lúc cha dâng bánh rượu, tôi lại thấy khều khều sau lưng.  Giật mình tôi bỏ vội hai bàn chân xuống, tôi ý thức nên đã duỗi hai chân thẳng tắp ngay ngắn như nhà binh rồi, nhưng hai bàn chân thì dựng đứng lên, mỏi quá, chả lẽ như vậy cũng không được hay sao?  Tôi quay xuống thì bà bác chỉ chỉ vào cuốn sách hát, và hất đầu hàm ý bảo tôi giở sách ra hát đi, chứ ngồi đó mà mơ mộng gì nữa.  Tôi quay lên, mấy giây sau mới hiểu ý của bà bác, và phì cười vì thái độ của bác.  Sao bác ta dòm ngó tôi kỹ thế nhỉ?  Đi lễ, Chúa không nhìn mà cứ nhìn coi tôi đang làm cái gì, ngồi kiểu nào, có hát hay không.

Lạy Chúa, “Đức mến thì nhẫn nhục, đức mến thì hiền hậu…,” “LTCT thì nhẫn nhục, LTCT thì hiền hậu,” hôm nay con đọc được câu này, và chỉ tới đây thôi.  Còn ngày mai, ngày mốt, chắc chắn phải có ơn Chúa con mới đủ can đảm đọc tiếp được.  Nếu con đọc không được thì xin giữ đâu đó trong đầu con để lúc cần thì Chúa nhắc con, đúng như tác giả nói, con có suốt cả đời để đọc, đọc đi đọc lại cho đến khi con về với Chúa!  Đến lúc đó con không nhận ra con là ai nữa!

Lang Thang Chiều Tím
January 2005