NGƯỜI ĐÃ TRỖI DẬY RỒI

zzCó vẻ sau cái chết của Thầy Giêsu chẳng ai buồn nghĩ đến chuyện Thầy sẽ sống lại.

Các phụ nữ chỉ quan tâm đến việc xức xác Thầy.  Nhưng khi thấy ngôi mộ trống trơn, họ phân vân và bối rối không hiểu.

Là những Kitô hữu ngoan đạo, chúng ta thấy mình quá quen với chuyện Chúa phục sinh, đến độ coi đó là chuyện tự nhiên.  Chính vì thế ta không cảm được nỗi lo lắng, ngỡ ngàng của các phụ nữ và các môn đệ vào buổi sáng tinh mơ của ngày thứ nhất.

Các bà chẳng biết làm gì với số thuốc thơm đã chuẩn bị.  Cửa mộ đã mở toang, thi hài Thầy đâu còn.

Nếu sứ thần không hiện ra giải thích thì ngôi mộ trống vẫn là một bí ẩn khôn dò.

Khi các bà trở về kể lại cho Nhóm Mười Một những gì đã xảy ra ngoài mộ đá, các ông đã không tin, cho là chuyện lẩn thẩn.  Có lẽ họ nghĩ các phụ nữ là người yếu bóng vía.  Làm gì có chuyện sứ thần bảo là Thầy đã phục sinh!

Phêrô đứng lên chạy ra mộ (Lc 24,12).

Ông cũng thấy như các phụ nữ kể lại.  Nhưng ông chỉ kinh ngạc thôi, chứ không tin.

Quả thật tin Thầy đã sống lại là điều khó, dù Đức Giêsu đã báo trước nhiều lần về cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Các môn đệ chỉ nhớ được nửa đầu của lời loan báo.

Dường như nỗi đau quá lớn làm họ mau quên, vì thế sứ thần hiện ra là để nhắc cho họ nhớ (c.6), và họ đã nhớ lại những gì Ngài dạy (c.8).

Đức Giêsu phục sinh hiện ra cũng nhắc cho họ nhớ (c.44).

Về sau Thánh Thần cũng sẽ làm công việc này, đó là nhắc cho họ nhớ mọi lời Đức Giêsu đã nói (Ga 14,26).

Nhắc nhớ là nối quá khứ với hiện tại và tương lai.  Quá khứ bị ám ảnh bởi cái chết đau thương.  Chúng ta dễ bị sa lầy trong quá khứ u buồn, không còn khả năng để hy vọng và vui sống.

“Sao các bà lại tìm Người Sống ở nơi kẻ chết”.

Đức Giêsu đã mở tung cửa mộ vào sáng phục sinh.  Muốn gặp được Ngài, phải tìm Ngài ở ngoài phần mộ.  Kitô giáo không kết thúc bằng thập giá và phần mộ.

Đức Giêsu bây giờ là Đấng tràn trề sự sống mới.  Xác Ngài không còn nằm đó, nhưng đã chỗi dậy. Ngài vẫn đi với ta trên cùng một con đường.  Ngài đến khi cả đêm ta không được một con cá nhỏ.  Ngài ở lại nhà ta khi ta đóng cửa vì sợ hãi.

Chúng ta vẫn thường tìm sai địa chỉ của Ngài, bởi chúng ta không tin Ngài đã sống lại thật.  Nếu chúng ta tin Ngài là Sự Sống và là Nguồn Sống, cuộc đời chúng ta sẽ chẳng như xưa.

************************************

Lạy Chúa Giêsu phục sinh

Lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt, xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc, xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi, xin hãy đến và đứng giữa chúng con như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em, xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì, xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Trích trong “Manna”

 

 

CẦN GÌ CHÚA PHẢI CHẾT THAY

zzXin Chúa cho chúng con biết lấy tình thương nhỏ bé của mình để đáp trả Tình Thương vô bờ Chúa dành cho chúng con.

Có một số người phê phán: “Chúa Cha là người Cha tàn ác vì đã bắt người Con Một của mình phải chết đau thương trên thập giá.”

Một số ki-tô hữu khác cũng tự hỏi: “Tại sao Chúa Giê-su phải chịu chết bằng một cực hình hết sức khủng khiếp trên thập giá?  Nếu Thiên Chúa muốn tha thứ tội lỗi cho loài người thì Người cứ việc tuyên bố một lời là xong, cần chi phải nhọc công chết thay để đền tội loài người cách đau thương đến thế?  Thiên Chúa toàn năng thì làm gì mà chẳng được!  Có nhất thiết Ngôi Hai Thiên Chúa phải chịu khổ nạn hết sức đau thương mới có thể tha tội và cứu sống loài người được chăng?

****************************************

Thiên Chúa điều hành mọi vận hành trong vũ trụ bằng quy luật, y như ta điều hành mọi hoạt động của máy vi tính bằng một hệ điều hành.  Mọi sự trong hoàn vũ đều phải vận hành theo những quy luật bất di bất dịch mà Thiên Chúa đã “cài đặt” cho chúng.  Một trong những quy luật đó là: tội lỗi gây ra sự chết. Ai có tội thì người đó phải chết.

Quy luật nầy đã được tiên tri Ê-dê-ki-ên công bố từ ngàn xưa: “Ai phạm tội, người ấy phải chết” (Ê-dê-ki-ên 18,20)

Quy luật nầy lại được thánh Phao-lô lặp lại trong thư Rôma: “Chỉ vì một người mà tội lỗi đã đột nhập trần gian và tội lỗi gây nên cái chết” (Rm 5, 12),

“Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta là cái chết” (Rm 6, 23) và thư Galát:  “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy.  Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát”  (Galat 6,7)

Quy luật nầy cũng  được thánh Giacôbê nhắc lại: “dục vọng sinh ra tội lỗi; còn khi đã phạm tội thì sinh ra cái chết” (Gia-cô-bê 1, 15)

Tiếc thay, mọi người trên cõi đời nầy, từ tổ tông loài người là Ađam-Evà cho đến hết thảy con cháu sau nầy đều sa ngã phạm tội và chiếu theo luật thì đều phải chết.

Vốn là Đấng rất nhân lành và giàu lòng yêu thương, Thiên Chúa không thể chịu nổi khi loài người là con chí ái của Người đều lần lượt kẻ trước người sau sa vào cõi trầm luân không lối thoát!

Nhưng nếu con người phạm tội mà Thiên Chúa vẫn cứ tha bổng cho họ, để họ khỏi chết, thì như thế, Thiên Chúa lại phá bỏ quy luật mà Người đã ban hành.

Vậy làm sao cứu con người đã phạm tội thoát chết, mà vẫn tôn trọng quy luật đã ban hành?  Chỉ có cách là phải có người chết thay cho họ mà thôi.

Biện pháp chết thay:

Để thực hiện kế hoạch nầy, Ngôi Hai Thiên Chúa tình nguyện xuống thế làm người, trở thành “Anh Cả của mọi người”, trở thành vị Đại Diện xứng đáng nhất cho loài người.  Người trở nên “Chiên Thiên Chúa đến gánh tội trần gian”(Ga 1,29), mang lấy tội lỗi nhân loại nơi thân mình Người.  Những ai tin vào Chúa Ki-tô thì Người sẽ gánh lấy tội lỗi cho họ.

Thế là Đức Giê-su Ki-tô là “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Co 5, 21)

Và một khi Chúa Ki-tô gánh lấy tội lỗi vô vàn của chúng ta, Người trở thành con người mang đầy tội lỗi, nên Người phải chịu những cực hình hết sức đau thương cho cân xứng với tội lỗi lớn lao mà Người đã mang vào thân.

Và thế rồi, quy luật “ai có tội thì phải chết” cũng phải được thể hiện nơi Chúa Giê-su.  Người phải bị hành hình và xử tử vì tội lỗi chúng ta:

“Tội lỗi của chúng ta,
Chính Người đã mang vào thân thể
Mà đưa lên cây thập giá
Để một khi đã chết đối với tội,
Chúng ta sống cuộc đời công chính.
Vì Người phải mang những vết thương
Mà anh em đã được chữa lành. (1 Pr 2,21-24)

Thế là vì quá yêu thương loài người, Chúa Cha đã để cho Con Một Người mang lấy tội lỗi của họ, chịu đòn vọt, chịu khổ nạn vì họ, để nhờ đó, muôn người được cứu sống.

 ****************************************

Lạy Thiên Chúa Ngôi Hai ngàn trùng cao cả,

Chúa đã lấy Đời Chúa để đổi lấy cuộc đời chúng con.  Chúa đã hy sinh Mạng Sống Chúa để cứu lấy mạng sống hèn hạ của chúng con.

Xin cho chúng con biết dâng hiến mạng sống mỏng giòn của mình để đáp đền Mạng Sống cao siêu của Chúa; xin cho chúng con biết lấy tình thương nhỏ bé của mình để đáp trả Tình Thương vô bờ Chúa dành cho chúng con.

Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà

 

XIN RỬA SẠCH NHỮNG BẤT TRUNG, PHẢN BỘI

Sự bất trung và phản bội là những yếu đuối của bản tính con người.  Sự bất trung và phản bội cũng là cách sống của kẻ “ăn cháo đá bát,” của kẻ thiếu trách nhiệm với bản thân và gia đình.  Chúa Giêsu trong thân phận làm người, Ngài cũng nếm cảnh trần trụi của tình người thay trắng đổi đen, của sự vô ơn và phản bội của thế gian.  Ngài cũng hiểu nỗi đau của sự bị bỏ rơi, của sự vô ơn của kẻ Ngài đã từng thi ân.  Ngài đã từng tiếc nuối cho kẻ vì danh lợi thú mau qua mà bán rẻ nhân phẩm của mình, vì chút bổng lộc mà bán đứng anh em.  Ngài đã từng ước mơ: “thà nó đừng sinh ra thì hơn.”  Nhưng cuộc đời hôm qua và hôm nay vẫn còn đó những con người lòng chai dạ đá, đã bán đứng anh em, đã phản bội gia đình, đã bán rẻ phẩm giá của mình để đạt được danh lợi thú dơ bẩn ở đời.  Nước mắt của tình đời thay trắng đổi đen.  Nước mắt của sự cô đơn bị phản bội và bỏ rơi vẫn tồn tại trong kiếp người vốn dĩ là bể khổ, càng khổ thêm vì những người thân thiết nhất lại phản bội lẫn nhau.  Vợ chồng phản bội nhau.  Anh em chơi xấu nhau.  Đồng loại lừa dối nhau đó là những cách sống đang làm cho thế gian đã gian dối lại càng dối gian thêm.  Đó là cách sống đang giết chết tình người, đang gặm nhấm con tim của đồng loại.

zzThánh lễ hôm nay vẫn gọi là thánh lễ tiệc ly.  Vì nó gợi nhớ lại bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu và các môn sinh.  Tiệc chia tay đã buồn lại buồn thêm bởi sự ngăn cách tình người.  Một trong anh em sẽ phản bội.  Một trong anh em sẽ chối Thầy.  Và đêm nay anh em sẽ vấp phạm vì Thầy.  Quả thực là buổi chia tay thật buồn.  Buồn vì giờ chia tay đã gần.  Càng buồn hơn vì sự phản bội, bỏ rơi của các môn sinh.  Thế nhưng, tình yêu Chúa vẫn mãi mãi tín trung.  Ngài vẫn tiếp tục yêu họ cho đến cùng. Ngài đã thực hiện một dấu chỉ tuyệt vời của tình yêu thẳm sâu và lòng tha thứ bao dung qua hành vi rửa chân cho các môn sinh.  Một hành vi mà chẳng ai hiểu được.  Một hành vi mà Phêrô cảm thấy không ổn chút nào! “Không đời nào Thầy lại rửa chân cho con sao?”  Thế nhưng, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cúi xuống rửa chân cho các ông.  Ngài không nhằm rửa sạch bên ngoài mà là thanh tẩy cõi lòng các ông.  Ngài muốn rửa đi những lem lấm bụi đời, những toan tính trần thế.  Ngài muốn dùng tình yêu để thanh tẩy tâm hồn các ông mỗi ngày thêm mới, thêm đẹp hơn.  Ngài muốn thanh tẩy tâm hồn các ông khỏi những mưu đồ bất chính, những thói đời giả tạo, những kỳ vọng viễn vông.  Bao lâu nay các ông theo Chúa nhưng lại nuôi dưỡng tham vọng quyền bính và bổng lộc trần gian.  Sự tranh giành vị trí đã xảy ra.  Kẻ đòi ngồi bên tả.  Kẻ đòi ngồi bên hữu.  Một vương quốc mà chia rẽ thì đâu còn tồn tại.  Chúa rửa chân để các ông cũng sẽ rửa chân cho nhau.  Kẻ làm lớn hãy dùng tình yêu để phục vụ.  Hãy dùng tình yêu để hoán cải lòng người.  Hãy dùng tình yêu để sửa lỗi cho nhau.  Chính Chúa đã làm gương.  Dù biết rằng Giuđa phản bội.  Dù biết rằng Phêrô sẽ chối mình.  Dù biết rằng các môn đệ sẽ bỏ Thầy trong lúc gian nguy.  Việc Chúa làm lúc này để các ông mãi ghi khắc trong tim về tình yêu của Thầy.  Cho dù đôi chân của các ông có bước tới tận bùn sâu của lầm lỗi, Chúa vẫn tha thứ.  Chúa vẫn tiếp tục cúi xuống rửa sạch vết nhơ tội lỗi cho các ông.  Chúa vẫn cho các ông cơ hội để làm lại cuộc đời, vì tình yêu của Ngài là tình yêu thuỷ chung, sắt son vẹn tuyền.

Như vậy, bài học mà Chúa muốn dạy các môn sinh chính là: “Hãy yêu thương nhau.”  Một tình yêu tha thứ có thể rửa xoá đi những thù hận, có thể làm sạch mọi vết nhơ của hiểu lầm, bất trung và phản bội.  Một tình yêu khiêm cung thẳm sâu để có thể cúi xuống phục vụ những con người sẽ bỏ mặc mình trong gian nguy, sẽ chối bỏ mình trong hiểm nguy, sẽ bán đứng mình vì một chút bổng lộc trần gian. Thế mà, Thầy chí Thánh đã làm như vậy!  Ngài còn mời gọi chúng ta hãy noi gương Ngài mà “Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Yêu như Thầy là mặc lấy tâm tình của Thầy để có lòng bao dung, độ lượng với nhau, để có thể tha thứ và tha thứ mãi mãi khôn cùng.

Ước gì những nghĩa cử cao đẹp mà Thầy Chí Thánh Giêsu đã làm luôn tồn tại nơi gia đình Kitô hữu chúng ta.  Gia đình cần có lòng bao dung để tha thứ và đón nhận nhau.  Gia đình cần có sự khiêm tốn để có thể cúi xuống phục vụ những con người đang hành hạ mình, đang đầy đọa mình bởi thiếu trách nhiệm và đạo đức.  Gia đình cần có tình yêu phục vụ để rửa sạch những toan tính phản bội, những nhẹ dạ tội lỗi của các thành viên trong gia đình.

Ước gì từng người chúng ta đừng phản bội lẫn nhau chỉ vì những mối tình bất chính, những đam mê tội lỗi.  Ước gì mỗi người chúng ta biết sống cao đẹp qua đời sống trung tín, thuỷ chung.  Ước gì tình yêu như Thầy Giêsu sẽ làm cho các gia đình luôn ngập tràn niềm vui và hạnh phúc trong tình Chúa, tình người.  Amen!

Lm. Giuse Tạ duy Tuyền

 

TÌNH YÊU ĐÁP LẠI HẬN THÙ

zzLạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23,34)

Ngày Lễ Lá cho ta chứng kiến những đổi thay bất ngờ của cuộc đời và của lòng người.  Dân chúng vừa mới hân hoan cầm cành lá đón tiếp Chúa đã lập tức quay lại la ó kết án Chúa.  Chúa Giêsu vừa mới long trọng vào thành như một ông vua nay đã phải đứng trước toà Philatô như một tử tội.  Giuđa vừa ăn chung một bánh, uống chung một chén với Thầy đã vội vàng ra đi nộp Thầy.  Các môn đệ vừa mới ngồi đồng bạn với Thầy nay đã bỏ trốn.  Phêrô vừa mới hăng hái thề sống chết bên Thầy đã mau chóng hèn nhát chối Thầy.

Những biến cố dồn dập, những đợt sóng thù hận giận dữ dâng cao đến tột đỉnh như muốn nghiền nát Chúa Giêsu.  Nhưng Người vẫn luôn giữ được tâm hồn bình an thanh thản, thái độ quan tâm ân cần và trái tim chan chứa yêu thương.

Trước hết ta thấy Người thanh thản và chủ động bước vào cuộc Thương khó khi Người nói với các môn đệ: “Thầy ước ao dự bữa tiệc Vượt qua với các con.”  Trước cái chết ai cũng run sợ.  Nếu chết là hết thì cái chết thật là đáng sợ.  Nhưng với Chúa Giêsu, chết là về cùng Chúa Cha.  Người yêu mến Chúa Cha, khao khát kết hiệp với Chúa Cha, nên Người thanh thản bước vào cuộc khổ nạn để được về cùng Cha.

Quân lính hung hãn đến bắt Chúa Giêsu, nhưng Người vẫn hiền hoà không kháng cự.

Bị vây bọc trong bầu khí sát máu, Người vẫn cư xử với lòng nhân hậu khoan dung.  Không lo cho an nguy của bản thân, giữa lúc khó khăn khốn đốn vẫn mở rộng bàn tay nhân ái chữa lành vành tai bị đứt của người đày tớ vị thượng tế.

Khi Giuđa đến hôn mặt Chúa Giêsu, Người vẫn đối xử một cách lịch sự, tế nhị.  Đối lại tội phản nghịch tày trời, Người chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, hy vọng đánh thức lương tâm người học trò mê tiền mà đi đến phản bội.

Lúc đang xét xử, dù phải chịu nhục nhã cay đắng, Người vẫn quan tâm đưa mắt nhìn Phêrô.  Vị đại diện các môn đệ, sau khi chối Thầy, đã nhận được ánh mắt âm thầm của Thầy.  Ánh mắt hiền dịu mà đau khổ.  Ánh mắt trách móc thì ít mà tha thiết van xin thì nhiều.  Ánh mắt nhân từ tha thứ đã khiến Phêrô ray rứt khôn nguôi.

Trên đường lên Núi Sọ, dù vai phải mang cây Thánh Giá nặng nề, dù bản thân yếu mệt và tủi nhục, Người vẫn còn đứng lại an ủi những người phụ nữ khóc lóc, an ủi đám dân đã tố cáo, đã kết án Người.

Trên Thập Giá, lúc đớn đau đã thấm vào đến tận xương tuỷ, lúc sức lực đã cạn mòn, Người vẫn còn quan tâm lắng nghe người trộm lành.

Còn hơn thế nữa, Người tha thứ cho những sĩ quan, những binh lính đã hành hình Người.  Người không chỉ tha thứ mà còn cầu nguyện xin Chúa Cha tha cho tất cả mọi người có dính líu vào việc xử án Người.

Tình yêu thương của Người là làn ánh sáng xé tan bóng đêm thù hận, chiếu soi cả những người ghét ghen.  Tình yêu thương của Người giống như loài gỗ quý nhuốm cả hương thơm vào lưỡi búa đã đốn ngã nó.  Tình yêu của Người như đoá hoa sen.  Bùn lầy có dậy lên cũng không nhiễm được vào đoá hoa tinh khiết thánh thiện.  Tình yêu của Người là tình yêu nguyên tuyền không vẩn một chút oán hờn giận ghét, vượt lên trên tất cả những hận thù, nhỏ nhen, hèn nhát, phản bội.  Giữa những hung hãn tàn bạo, Người vẫn yêu thương.  Giữa những phản bội, Người vẫn tha thứ.  Tình yêu của Người đã thắng.

**********************************

Lạy Chúa Giêsu, khổ nạn Chúa chịu hôm xưa chắc chắn ít nhức nhối đau thương như khổ nạn mà Chúa đang chịu hiện nay.

Nỗi đau của Chúa càng tăng thêm vạn lần hơn khi chính con cái trong nhà lại trở thành những tên đao phủ, những người hành hình Chúa cách tàn bạo bằng vô vàn tội lỗi dưới mọi hình thức của mình.

Biết đến bao giờ chúng con mới cảm thương những đớn đau Chúa chịu do tội chúng con gây ra và biết rằng đã đến lúc phải dừng tay lại, không còn hành hình Chúa nữa?

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

TGM Ngô Quang Kiệt

 

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG KỲ DIỆU

Tên Giuse dễ khiến ta liên tưởng đến tổ phụ Giuse trong Cựu ước.  Vì thánh cả Giuse và tổ phụ Giuse không những có cùng tên mà còn đi trên cùng một con đường thiêng liêng.

Cuộc đời tổ phụ Giuse thật lạ lùng.  Là một trong 12 người con của tổ phụ Giacob.  Vì là con áp út, sinh ra trong lúc cha mẹ đã già, nên Giuse được cha mẹ yêu mến một cách đặc biệt.  Vì thế bị anh em ghen ghét và muốn giết đi.  Gặp cơ hội, các anh em bán Giuse cho lái buôn sang Ai cập.  Tại Ai cập ngài bị làm nô lệ, bị cáo gian và bị tống ngục.  Nhưng nhờ có thể giải nghĩa các giấc mơ, ngài được vua Ai cập phong làm tể tướng để cứu giúp dân.  Nhờ đó ngài cứu dân Ai cập khỏi nạn đói.  Khi đó bên Do thái cũng bị nạn đói, phải sang Ai cập mua thóc lúa, tổ phụ Giuse đã tha thứ, đón tiếp các anh em và cả cha già sang Ai cập.

Cuộc đời thánh cả Giuse cũng thật lạ lùng.  Sống đồng trinh nhưng đã vâng lệnh Chúa mà kết hôn với Đức Mẹ.  Muốn bỏ Đức Mẹ mà trốn đi, nhưng đã nghe lời Chúa trở lại nhận Đức Mẹ.  Sinh sống ở Nazareth nhưng phải về Belem mà khai hộ tịch.  Đang lúc xa nhà lại sinh con nên phải thiếu thốn.  Bị Hêrođê tìm giết nên phải đem Chúa Giêsu và Mẹ Maria trốn sang Ai cập.  Làm chủ gia đình nhưng hết tình phục vụ.  Làm cha nuôi Chúa Cứu Thế nhưng phải sống đời thợ thuyền vất vả.

zzĐường đời của các ngài đã có những kỳ diệu.  Nhưng con đường thiêng liêng của các ngài còn kỳ diệu hơn.  Đó là con đường vâng theo thánh ý Chúa.

Vâng theo thánh ý Chúa nên các ngài chấp nhận mọi hoàn cảnh.  Dù hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi, các ngài vẫn bình thản . Dù vất vả hay nhàn hạ, các ngài luôn bình tĩnh.  Dù ở địa vị lao động thợ thuyền hay quyền cao chức trọng, các ngài vẫn bình dân.  Dù gặp hoạn nạn hay gặp may mắn các ngài vẫn bình tâm.  Chấp nhận mọi hoàn cảnh Chúa gửi đến nên tâm hồn các ngài luôn bình an.

Vâng theo thánh ý Chúa nên các ngài đón nhận mọi người.  Tổ phụ Giuse đón nhận anh em dù anh em ghen ghét ngài.  Thánh Cả Giuse đón nhận Đức Mẹ dù không hiểu. Tổ phụ Giuse đón nhận cả quan lại lẫn thứ dân, cả phạm nhân lẫn vua chúa, không trừ một ai.  Thánh Giuse cũng đón nhận tất cả mọi người không phân biệt, không thù oán dù những người làm hại mình.  Tin rằng mọi người gặp trên đời đều do Chúa gửi đến.  Đón nhận tất cả để tha thứ tất cả, để hoán cải tất cả và để yêu thương tất cả.

Vâng theo thánh ý Chúa nên các ngài đã trở nên dụng cụ hữu hiệu trong tay Chúa.  Tổ phụ Giuse trở thành người cứu giúp dân chúng khỏi nạn đói kém, không chỉ dân Ai cập mà còn cả các dân nước chung quanh.  Nhất là đóng góp vào lịch sử cứu độ của Chúa đối với dân Chúa chọn.  Thánh Giuse đóng góp tích cực vào mầu nhiệm cứu chuộc khi trở thành bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, trở thành cha nuôi Chúa Cứu Thế, góp phần quan trọng làm cho công cuộc cứu độ của Chúa được thực hiện thành công.

Ngoan ngoãn để Chúa dẫn đi, nên Chúa đã đưa dẫn các ngài qua những nẻo đường mà các ngài không ngờ tới.  Nẻo đường có nhiều bóng tối nhưng cuối cùng dẫn đến ánh sáng.  Nẻo đường có nhiều gian khổ nhưng cuối cùng dẫn đến hạnh phúc.  Nẻo đường tưởng chừng thất bại nhưng dẫn đến thành công. Nhìn vào cuộc đời các ngài ta thấy bàn tay Chúa thật kỳ diệu.  Chúa dùng cả những điều tưởng chừng là xấu xa để làm nên những điều tốt đẹp.  Chúa dùng cả những điều tưởng chừng đi ngược với chương trình để hoàn thành chương trình của Chúa.  Chúa dùng những con người tầm thường bé nhỏ khiêm tốn để làm nên những việc lạ lùng.  Xin tạ ơn Chúa muôn đời.

Mừng lễ thánh Giuse ta hãy noi gương thánh Cả biết luôn tìm thánh ý Chúa và mau mắn thi hành trong khiêm nhường.  Nếu ngoan ngoãn để Chúa dẫn đi, ta sẽ được Chúa dẫn đi trên những nẻo đường thật kỳ diệu, những nẻo đường mà chúng ta không bao giờ ngờ tới.

Lạy thánh Cả Giuse xin cầu cho chúng con.  Amen!

TGM. Ngô Quang Kiệt

 

 

MÙA CHAY, MÙA LẮNG NGHE

Ngày xưa có ông vua nước lớn muốn thôn tính một nước láng giềng bé nhỏ, nên ông tìm cách dò xét nước này. Nhà vua sai sứ giả gởi đến vị vua của nước láng giềng ba pho tượng hoàn toàn giống nhau về cả chất liệu lẫn mẫu mã, và gởi kèm theo ba pho tượng một bức thư. Bức thư ấy có nội dung đại ý như sau: “Một trong ba pho tượng này là ‘báu vật’. Sau một tuần trăng từ khi chúng tôi gởi tặng quý quốc, xin quý quốc vui lòng cho biết đó là pho tượng nào”.

Vua nước nhỏ sau khi nhận được món quà đó thì vô cùng lo lắng. Nhà vua hiểu được ý đồ gây hấn của vua nước lớn. Không giải đáp được câu hỏi trên sẽ có cớ cho nước lớn gây chiến và cũng là điều nhục quốc thể. Vua cho triệu tập quần thần văn võ để xem ai tìm ra được lời giải đáp, nhưng không ai giải đáp được. Nhà vua cho rao báo khắp trong dân để tìm người có tài năng giải đáp được câu đố hóc búa này. Gần một tuần trăng lặng lẽ trôi qua, không có ai có thể đem niềm vui đến cho nhà vua!

Thế rồi một sáng nọ, một trung thần già nua đi thờ thẩn với nổi buồn mênh mong khi nghĩ đến sự bất lực của triều đình, ông tình cờ gặp một em bé tuổi độ lên mười đang tung tăng trên đường quê. Chú bé gặp ông cúi đầu chào lễ phép, rồi hỏi: “Ông là ông quan phải không?”. “Phải. Ông đáp”. – “Đã có ai giải đáp câu đố về ba pho tượng chưa ông?” . – “Chưa, cháu ạ”. – “Ông dẫn cháu vào gặp vua đi, cháu giải đáp cho!” – “Trời, con muốn rơi đầu à! Con vào triều ăn nói lung tung là tội khi quân, con biết không? Ông dẫn cháu vào cũng phải liên lụy nữa đấy!”. – “Không đâu, cháu giải được mà! Nhà vua sẽ còn ban thưởng cho cả ông nữa đó!”. Vị quan trung thần đã đến nước cùng, đành đánh liều nghe theo chú bé!

Về đến triều, đứng trước bệ rồng, giữa bá quan văn võ, chú bé lấy trong túi áo ra một cọng rơm, rồi cầm lấy pho tượng thứ nhất giơ lên cao, chú lấy cọng rơm đút vào lỗ tai phía bên này của pho tượng, cọng rơm xuyên qua lỗ tay phía bên kia. Chú bé nói. “Pho tượng này tượng trưng cho người không muốn nghe, nên hể nghe lỗ tay bên nay, thì chạy tót qua lỗ tay bên kia. Chẳng để tâm gì suy nghĩ gì đến điều đã nghe. Nên pho tượng này là pho tượng rất tầm thường, không có giá trị gì!”

Đứa bé cầm lấy pho tượng thứ hai, nó cũng làm một động tác như vậy. Nhưng lần này, cọng rơm từ lỗ tai bên này lại trổ ra ở cửa miệng. Chú bé nói: – “Pho tượng này tượng trưng cho hạng người hể nghe được gì thì xì ra ngoài miệng hết. Chẳng để tâm suy nghĩ gì, và chẳng biết giữ điều gì kín đáo! Nên pho tượng này cũng rất tầm thường, không có gì đáng quý”.

Sau cùng, chú bé cầm lấy pho tượng thứ ba, nó cũng bắt đầu bằng một động tác y như hai pho tượng trước. Nhưng lần này, cọng rơm không có lồi ra. Đứa bé cố đẩy mạnh cọng rơm vào, nhưng nó vẫn không thấy nó ra ngỏ nào. Chú bé thong thả nói “Pho tượng này tượng trưng cho hạng người luôn biết lắng nghe và biết cất giữ trong lòng để suy nghĩ những gì mình nghe được. Pho tượng này chính là ‘Báu Vật’, muôn tâu bệ hạ!”. Vua nước lớn nghe được lời giải đáp của vua nước nhỏ, thì vô cùng kính nể. Ông nói với các quan trong triều: “Nước họ có người thông minh tài giỏi như vậy, hẳn nước họ là nước mạnh mẽ, hưng thịnh, ta nên giao hoà với họ chứ không nên giao chiến” (nguồn: canhdongtruyengiao.net).

 ************************************

Câu chuyện “Ba pho tượng” thật ý nghĩa, gợi lên tâm tình “biết lắng nghe” của Mùa Chay Thánh.

Trong sứ điệp Mùa Chay 2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy: “Mùa Chay mời gọi chúng ta biết dưỡng nuôi đức tin của mình bằng cách chú tâm, siêng năng lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích, đồng thời lớn lên trong đức ái, trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân, qua những việc làm cụ thể như ăn chay, đền tội và làm việc bố thí” (số 3).

Đặc điểm của Mùa Chay là sự hoán cải.  Việc hoán cải có thể được biểu lộ bằng nhiều cách rất khác nhau. Nhưng Thánh Kinh nhấn mạnh đặc biệt đến ba hình thức: giữ chay, cầu nguyện và bố thí (x. Mt 6,1-18), là những cách diễn tả sự hoán cải đối với bản thân, đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân (GLCG số 1434). Chay tịnh để từ bỏ con người tội lỗi, cầu nguyện để trở về và gắn bó với Thiên Chúa, thực hành bác ái đối với tha nhân để xứng đáng nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Mục đích chính của sự hoán cải là để con người từ bỏ con đường tội lỗi và quay trở về với Thiên Chúa. Đây cũng là một định hướng của Năm Đức Tin, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết trong tự sắc Porta fidei: “Năm Đức Tin là một lời mời gọi thực hiện cuộc trở về cùng Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới, một cách chân thực và mới mẻ” (x. Thư Mục vụ Mùa Chay, ĐGM GP Quy Nhơn).

zz1. Biết lắng nghe

Để sống tinh thần Mùa Chay, điều cần thiết nhất là phải biết lắng nghe.

Người nghe tai bên này lọt qua tai bên kia nên không còn gì để suy nghĩ, vì thế nên rất nông cạn.  Họ được Chúa Giêsu ví như hạt giống “rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất” (Mt 13,4).

Người nghe nhưng vội nói nên thiếu gạn lọc khơi trong. Họ giống như “hạt rơi trên sỏi đá, chỗ đất không nhiều, nó mọc ngay, vì đất không sâu, nhưng khi nắng lên nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô” (Mt 13, 5).

Người biết lắng nghe và biết gìn giữ trong trí khôn để suy nghĩ, biết lưu lại trong tâm hồn để suy niệm nên nội tâm phong phú, họ như “hạt gieo vào đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gắp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13, 8).

 2. Biết thinh lặng

Để có thể lắng nghe cần phải biết thinh lặng.

Thinh lặng là nét đẹp của chay tịnh. ĐTC Bênêđictô XVI viết: “Trong thinh lặng chúng ta lắng nghe và hiểu rõ mình hơn; trong thinh lặng tư tưởng được nảy sinh và có chiều sâu.Thiên Chúa của mặc khải trong Thánh Kinh cũng nói bằng ngôn ngữ không lời… Nếu Thiên Chúa nói với con người ngay cả trong thinh lặng thì trong thinh lặng con người cũng khám phá ra khả năng nói với Chúa và nói về Chúa” (Sứ điệp truyền thông 2012). Trong Sứ điệp Truyền Thông 2011, ĐTC Bênêđictô XVI đã nói đến bốn yếu tố của truyền thông chân chính: trung thực, cởi mở, tôn trọng người khác, có tinh thần trách nhiệm. Cả bốn yếu tố này đều chỉ có được nhờ thinh lặng.

Thánh Giuse yêu thích sự thinh lặng. Ngài biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa với trọn niềm phó thác. Mẹ Maria luôn thinh lặng nguyện cầu để lắng nghe tiếng Chúa. Những gì Mẹ nghe và thấy, Mẹ “ghi nhớ mọi sự và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Mẹ không vội vã phản ứng hay nói ra nhưng Mẹ “ghi nhớ” và “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Nhờ vậy, Mẹ khám phá ý nghĩa các sự kiện và biến cố; Mẹ đi vào cuộc giao tiếp thâm sâu với Lời Thiên Chúa và để Lời ấy nên hình hài trong lòng Mẹ. Quả thật, Thánh Giuse và Mẹ Maria là con người của Mùa Chay.

Thinh lặng là quê hương của những tâm hồn lớn mạnh. Linh mục Philippon (OP) có lần viết: “Ai yêu mến sự thinh lặng sẽ được Thiên Chúa dẫn tới thinh lặng của mến yêu”.

 3. Lắng nghe bằng 3 lỗ tai

Mùa Chay mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Chúa bằng tai đi vào tâm trí, lưu giữ nơi trái tim và ở lại nơi linh hồn.

Cha Mark Link, S.J nói rằng: “Chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa bằng 3 lỗ tai: lỗ tai của tâm trí, lỗ tai của trái tim và lỗ tai của linh hồn”.

Lắng nghe bằng lỗ tai tâm trí. Đó là cố gắng tìm hiểu Lời Chúa, và hơn nữa, làm cho lời ấy sống động y như chúng ta đang nghe chính Chúa nói. Thánh Ignatiô Loyola thường nghe Lời Chúa theo kiểu này, bằng cách nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang có mặt trong hội đường Do Thái để nghe Chúa Giêsu nói. Ngài tưởng tượng ra niềm xúc động khiến giọng nói Chúa Giêsu nghẹn ngào khi đọc đến câu: “Thần khí Chúa ngự trên tôi“. Ngài còn tưởng tượng ra nỗi phấn khích như điện giật lan chuyền nơi cộng đoàn tham dự khi Chúa Giêsu tuyên bố: “Hôm nay, lời Kinh Thánh trên đã ứng nghiệm khi anh chị em nghe đọc nó“. Như thế, nghe bằng tâm trí là không những chỉ hiểu Lời Chúa, mà còn làm cho Lời ấy trở nên sống động như thể nghe từ miệng Chúa nói ra.

Lắng nghe bằng lỗ tai của trái tim. Đó là ghi tạc Lời Chúa vào trái tim và cố gắng tìm cách áp dụng Lời ấy vào hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Phanxicô Xaviê lên Paris theo đuổi khoa bảng dùi mài kinh sử để cuối cùng trở thành giáo sư môn Triết học. Nhưng trên đỉnh cao danh vọng ấy, một lần tiếp cận Tin Mừng, gặp được câu: “lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn liệu ích gì?” (Lc 9,25), Phanxicô Xaviê nghe lời này như nói trực tiếp với mình.  Lời đã đi vào trái tim đã giúp ngài lựa chọn định hướng đời mình sao có lợi cho đời sống Thiên Chúa. Nghe bằng trái tim là ghi khắc Lời Chúa vào nội tâm và vận dụng lời ấy vào cuộc sống hàng ngày.

Lắng nghe bằng lỗ tai của linh hồn. Đó là cầu nguyện với Chúa về Lời đã nghe trong trái tim, như thánh Phanxicô Xaviê đã làm. Ngài từ bỏ tất cả công danh sự nghiệp, nhận chức Linh mục, rồi sau đó cùng với Ignatiô thành lập Dòng Tên với khẩu hiệu “cho vinh danh Chúa hơn”. Phanxicô Xaviê vẫn khát vọng xa hơn là hiến thân loan báo Tin Mừng tận miền sâu miền xa của địa cầu. Trong nhiều năm truyền giáo, ngài đã đi bộ tới trăm ngàn cây số, và đã rửa tội với con số kỷ lục phỏng độ ba vạn người.

Mùa Chay lắng nghe Lời Chúa. Đó là hành trình của Lời đã nghe, được diễn lại sống động nơi tâm trí, ghi khắc vào trái tim và cầu nguyện trao đổi với Chúa, từ đó lắng nghe điều Chúa muốn nhắn nhủ với bản thân qua Lời ấy. Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận khuyên:  “Chính lúc rao giảng Tin Mừng, con phải giữ sự thinh lặng bên trong, con phải để cho Chúa Thánh Thần nói với con, và nói qua miệng lưỡi con.Thinh lặng là thời gian để cầu nguyện, để chuẩn bị, để suy nghĩ, để chín mùi, để có năng lực mà loan báo Tin Mừng” (Cầu nguyện, trang 109).

************************************

Mẹ Têrêxa Calcutta diễn tả vẻ đẹp, chiều sâu và sự cần thiết của thinh lặng qua lời cầu nguyện như tâm tình biết lắng nghe của Mùa Chay:

Lạy Thiên Chúa, Đấng yêu thích sự thinh lặng,
xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài, trò chuyện, lắng nghe,
và thấm nhuần Lời hằng sống.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt,
biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân,
biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,
để nghe được tiếng kêu của người nghèo,
để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi
để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,
để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.
Cuối cùng, xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,
để tránh mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét,
để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen
./.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA

zzBị bắt quả tang phạm tội là điều đáng xấu hổ.  Nhưng nếu tội đó là tội ngoại tình thì thật là kinh khủng.

Ta cần hình dung người phụ nữ ấy, xốc xếch, rối bù, bị lôi đi, mắt cúi xuống tránh những cái nhìn khinh miệt.

Trời tang tảng sáng, nơi Đền Thờ Giêrusalem, Đức Giêsu đang ngồi giảng dạy cho đám đông.  Chị ta bị đặt trước mặt Ngài, đứng ngay giữa.  Các kinh sư và pharisêu hí hửng với cái bẫy của mình. Người phụ nữ này thật là một cơ may hiếm có để họ có bằng chứng tố cáo Ngài.

“Luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người này.  Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”.

Quả là một câu hỏi bất ngờ, lịch sự và nham hiểm.

Đức Giêsu không thể nói ngược với luật Môsê, và cũng không thể nói ngược với trái tim của mình. Ngài cúi xuống, lấy tay vẽ nguệch ngoạc trên đất.  Có vẻ như Ngài thờ ơ, không muốn can dự vào hay Ngài đang suy nghĩ cho ra câu trả lời thích hợp.

Thời gian thinh lặng trôi qua, các kẻ tố cáo sốt ruột.  Họ đắc thắng gặng hỏi, tưởng Ngài bị dồn vào thế bí.

“Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi.”  Ngài trả lời, rồi lại cúi xuống viết trên đất.  Câu trả lời của Ngài bất ngờ vang trong tĩnh lặng, bắt người ta phải trở về đối diện với lòng mình.  Ai dám tự hào mình vô tội?

Có bao tội bất trung nặng chẳng kém tội ngoại tình.

Có bao tội ngoại tình thầm kín không bị bắt quả tang.

Có bao tội ngoại tình trong tư tưởng và ước muốn.

Khi tố giác người khác, người ta thường quên tội của mình.  Không thấy cái xà ở mình mà lại thấy cái rác nơi người khác.

Các kinh sư và pharisêu đã khiêm tốn xét mình.  Họ lần lượt rút lui, gián tiếp nhận mình có tội.  Kẻ trước người sau, người lớn tuổi đi trước.  Chúng ta trân trọng thái độ chân thành của họ.  Họ ra đi, để lại hai người mà họ tố cáo và định tố cáo.  Cuối cùng chỉ còn lại người đáng thương và chính Tình Thương.

Bầu khí trở nên nhẹ hơn, êm hơn cho cuộc đối thoại.

Đấng duy nhất có thể ném đá lại nói: “Tôi không lên án chị đâu! Chị về đi, từ nay đừng phạm tội nữa.”

Lắm khi việc áp dụng luật lại dẫn đến bế tắc.

Ném đá quả là một hình phạt răn đe hữu hiệu, nhưng lại không ích lợi gì cho người phạm tội.

Đức Giêsu chẳng những đã cứu một mạng người, Ngài còn làm sống lại một đời người.

Dù con người vốn yếu đuối, dễ sa ngã, nhưng Ngài vẫn tin tưởng, yêu mến và hy vọng vào họ.

Ngài không dung túng cái xấu, nhưng Ngài khơi dậy cái tốt còn đang yên ngủ nơi người phụ nữ và cả nơi các kinh sư.

*****************************************

Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa: Vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Trích trong ‘Manna’

 

 

MÙA GIẶT GIŨ

Một mùa Chay tôi được mời đến giúp tĩnh tâm cho một giáo xứ ở vùng đất đỏ Tây nguyên.  Buổi sáng nọ cha xứ nhờ tôi vào buôn giải tội cho người Dân tộc.  Khi vào làng thì một số giáo dân người Dân tộc đã chờ sẵn ở nhà nguyện để đón nhận bí tích giải tội.  Mùa này là mùa thu hoạch điều nên một số đã đi làm rồi vì tôi vào hơi trễ.  Sau khi giải tội cho khoảng 60 người xong thì một anh giáo lý viên chở tôi vào các nhà có người bệnh để tiếp tục giải tội; xong anh chở tôi đến cuối làng để giải tội cho những người bệnh phong đang sống cách ly.

zzCó sáu người Dân Tộc phong ở đó và chỉ có một người nói được tiếng Kinh bập bẹ, nên họ cứ dọn mình và xưng tội bằng tiếng địa phương, còn tôi cứ ban phép giải tội bằng tiếng Kinh.  Vì không thấy có cái ghế nào để ngồi nên tôi ngồi nơi thềm đất sát vách nhà và họ đến ngồi cạnh tôi để xưng tội.  Khi người phong cuối cùng đến đón nhận bí tích hòa giải thì anh ta dơ tay ra để bắt tay tôi. Nhìn đôi bàn tay của anh tròn nhẵn không còn một ngón tay làm tôi hơi ngần ngại một chút nhưng rồi cũng dơ tay ra bắt tay anh.  Khi nắm lấy tay anh thì tôi thấy có chất gì nhờn nhờn nơi tay mình và cảm thấy có mùi hôi.  Sau khi giải tội xong tôi hỏi nhỏ anh giáo lý viên và được biết những người Dân tộc này đang sống cách ly vì mang bệnh phong.  Tôi đã có kinh nghiệm làm việc với người bệnh phong một mùa hè ở Ấn Độ nên không lo lắm, chỉ cần có thuốc sát trùng để rửa sau khi tiếp cận với họ là được.  Nhưng trong buôn thì khó tìm được thuốc sát trùng để rửa.

Khi anh giáo lý viên chở tôi trở lại nhà nguyện trong buôn, tôi nhờ anh kiếm tôi cục xà bông để rửa tay.  Anh đi hỏi từ nhà này qua nhà khác, và đến căn thứ tư mới tìm được ít xà bông giặt đồ để tôi rửa tay.  Cũng tốt thôi, vì xà bông giặt tẩy mạnh hơn xà bông thường, nhưng điều này cũng nói lên rằng trong buôn không có dùng xà bông rửa tay.  Và thật ra xà bông giặt đồ cũng chẳng mấy ai có ở trong buôn đâu.  Tiền mua đồ ăn còn không có thì lấy gì mua xà bông.  Tôi hỏi anh ở đây có xà bông tắm không thì anh cho biết là lâu lâu có người bỏ một ngàn mua một gói xà bông gội đầu để tắm.  Tôi hỏi anh lần cuối cùng anh dùng xà bông gội đầu thì anh chỉ cười trừ vì đã lâu lắm rồi anh chưa đụng đến xà bông.  Các phụ nữ lâu lâu mới ráng chắt chiu ít tiền để mua xà bông gội đầu, còn thông thường thì các cô dùng nước vo gạo để gội đầu và tắm.  Còn đàn ông thì vẫn theo chủ nghĩa “ở dơ sống lâu!”

Đôi khi tôi gặp một số anh chị em thiện nguyện từ Sàigòn đến ủy lạo gạo mì và áo quần cho anh chị em Dân tộc, nhưng một vài người không hiểu nên than phiền là người Dân tộc không chịu giặt đồ.  Họ cứ mặc cho thật dơ xong thì vất, rồi lại đi xin đồ khác về mặc, nên phát áo quần hoài mà chẳng bao giờ đủ cả.  Hồi đầu nghe họ nói thì tôi cũng chỉ biết vậy thôi.  Dần dà tôi mới biết người Dân tộc nghèo quá, của ăn còn không đủ thì lấy gì mà mua thứ khác.  Nhà của người Dân tộc nhìn xuyên từ ngoài vào trong còn được vì không có tiền để sửa chữa lại, vậy thì đầu óc đâu để lo đến chuyện sạch sẽ và đẹp đẽ.  Nói họ không giặt giũ thì không đúng, vì họ cũng giặt đồ ở suối khi đi làm về, chẳng qua là không có xà bông mà thôi.  Vả lại toàn đường đất đỏ, nên dù có giặt xà bông tinh tuyền đi nữa thì chỉ qua một ngày là áo quần lại nhuốm màu đỏ của đất.

Mùa Chay là mùa Giáo Hội nhắc nhở chúng ta giặt giũ và dọn vệ sinh, không phải áo quần hay thân xác bề ngoài, mà là dọn dẹp và giặt giũ tâm hồn để cùng chết với Chúa Kitô và cùng sống lại với Ngài.  Nếu thân thể tôi bị dơ thì tôi biết dùng xà bông để rửa cho sạch vết nhơ.  Còn tâm hồn tôi bị nhơ uế thì tôi cứ nại ra bao nhiêu lý do để từ từ rồi giải quyết, vì thế tâm hồn tôi cứ luôn bị dơ, không chừng tôi cũng đang theo chủ nghiã “ở dơ sống lâu!” chăng?  Hôm nay giáo hội tha thiết mời tôi chạy đến với Chúa, qua Giáo hội, để lãnh nhận bí tích hòa giải để được tẩy xóa những vết nhơ uế trong tâm hồn.

Sáng hôm qua tôi vào dâng Lễ ở nhà tù, khi xong Lễ chuẩn bị đi về thì tôi đứng lại nói chuyện với một anh cảnh sát coi tù nhân.  Anh nói anh là người Công Giáo nhưng lâu rồi không còn tha thiết đến bí tích Hòa Giải.  Anh nghĩ rằng cứ đi xưng tội xong rồi cũng phạm lại những tội đó như cũ, nên anh không muốn đi xưng tội nữa!  Vì lý luận như thế nên anh nhìn những người tù nhân cũng giống như vậy.  Họ là những người gây tội, hết tội này rồi đến tội khác.  Họ vào tù ra khám như cơm bữa, mắc gì Giáo hội cứ cử người đến ban phát tình thương của Chúa cho họ!  Phải chăng lý luận của anh lính bị sót đi một điều chính yếu là lòng thương xót của Thiên Chúa đã làm cho Ngài chẳng bao giờ nhớ đến những tội lỗi của nhân loại, ngay cả tội giết chết Con Một của Ngài?  Như vậy phải chăng một đặc tính của Thiên Chúa là nhân đức hay quên!?!  Hay vì Thiên Chúa quá yêu con người nên tiếp tục kiên nhẫn chịu đựng sự bất trung của con người từng ngày một với hy vọng một giây phút nào đó kẻ tội nhân ăn năn thống hối quay về đón nhận Lòng Thương Xót Chúa qua bí tích Hòa Giải!?!

Bí tích Hòa Giải đâu phải là chỗ để luận tội, nếu là chỗ luận tội hay phán xét thì đâu thể gọi là Bí tích.  Trọng tâm của Bí tích Hòa Giải không phải nằm ở chỗ tội lỗi của kẻ hối nhân, mà nhấn mạnh đến ân sủng và tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng nhưng không.  Anh chị em thân mến, mùa Chay là mùa dọn lòng dọn trí, tin tưởng mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa để được biến đổi, đặc biệt qua bí tích làm hòa với Thiên Chúa, để rồi dẫn đến làm hòa với nhau.  Qua bí tích Hòa Giải, chiếc áo tâm hồn lại một lần nữa được rửa sạch nhờ Máu Con Chiên.

Chiếc áo của bạn và của tôi đang mặc là màu gì?

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.

March 31, 2012

NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

Gói quà không được mở.  Ðó là tựa đề của một câu chuyện ngắn có nội dung như sau:

Một chàng thanh niên nọ, do xích mích với người cha, quyết tâm không bao giờ trở về nhà nữa. Nhưng cuối cùng do lời nài nỉ của người mẹ, người con cũng đành trở về nhà với mọi người trong gia đình.  Từ lâu hai cha con giận nhau cũng vì chuyện chia gia tài.  Người cha có chương trình và sự sắp xếp mà người con không hiểu được.  Ông đau khổ vô cùng vì chuyện người con bỏ nhà ra đi.  Ông chỉ mong người con mở miệng xin lỗi, ông sẽ để lại gia tài cho anh tức khắc.  Nhưng vì tự ái, người con quyết giữ im lặng.

Mỗi dịp lễ của gia đình, mọi người trong gia đình có thói quen trao quà cho nhau.  Khi đến lúc mở các gói quà, người cha đã đặt vào đó tất cả tình thương của ông.  Người con tưởng đây cũng chỉ là cái cà vạt mà ông tặng lấy lệ như hằng năm mà thôi.  Bởi vậy anh chẳng thèm mở ra xem.  Cầm lấy quà, anh đi về phòng riêng của mình.

Sau khi mọi người trong nhà đều đi ngủ, người thanh niên không thể nào chợp mắt được.  Anh ngồi lặng lẽ nhìn gói quà duy nhất của anh chưa được mở.  Chợt như có ánh mắt của người cha nhìn anh, không kháng cự được nữa, chàng thanh niên mở gói quà ra.  Không phải là một cái cà vạt hay một món quà nào như trước đây cha anh thường gởi tặng chiếu lệ mỗi khi có độ lễ của gia đình đến, mà chính là tất cả cái tài sản mà từ lâu anh hằng mong có được trong tay.  Người thanh niên chạy thẳng vào phòng người cha, nước mắt ràn rụa, anh ôm lấy cổ người cha và thổn thức:

– Cha ơi!  Cha đã đi bước trước.  Con tưởng sẽ không bao giờ làm hòa với cha.  Xin cha tha cho con. Con rất thương cha.

***********************************

zzQuý vị và các bạn thân mến.

Hình ảnh người cha trong câu chuyện trên đây hẳn gợi lên cho chúng ta câu chuyện về người cha của mọi người chúng ta và nhất là câu chuyện của người cha trong bài dụ ngôn về người con hoang đàng được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Luca.  Hình ảnh của người cha được Chúa Giêsu mượn để nói lên lòng nhân từ của Thiên Chúa Cha hẳn không phải là một hình ảnh phi thường.  Chúng ta vẫn biết được hình ảnh của người cha như thế.

Biết bao nhiêu người cha đã đi bước trước để hòa giải với con cái mình.

Biết bao nhiêu người cha sẵn sàng quên hết những lỗi lầm của con cái mình.

Biết bao nhiêu người cha đã hy sinh cả một đời miễn là con cái của mình được nên người.

Với Thiên Chúa cũng thế, Ngài là Ðấng ban mọi ơn lành.  Ngài là một người Cha nhân từ của chúng ta.  Ðiều đó có nghĩa là chính qua những tình cảm tự nhiên của con người mà chúng ta hiểu được tình yêu của Thiên Chúa.  Có là cha là mẹ, con người mới cảm nghiệm thế nào là tình yêu của Thiên Chúa. Có cảm nhận được tình yêu của cha mẹ, con người mới cảm nhận được thế nào là tình yêu của Thiên Chúa.  Có sống quảng đại yêu thương, con người mới cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương con người như thế nào.  Chính qua những tình yêu con người san sẻ cho nhau mà tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ.  Chính qua chứng từ yêu thương của con người mà người xung quanh cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa.

Trong cuộc sống mỗi ngày, chúng ta không ngừng được thôi thúc để quay trở về với Chúa.  Người đang có đó như người Cha đang chờ đợi chúng ta trong từng giây từng phút.  Người luôn giang rộng cánh tay để ôm ấp, vỗ về, yêu thương và tha thứ cho chúng ta.

Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, một kỷ nguyên mới đang đến với chúng ta.  Giáo hội mời gọi chúng ta suy nghĩ và đào sâu tình yêu của Thiên Chúa Cha.  Thánh Gioan đã viết như sau: Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người cho thế gian.  Qua con người của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa Cha.  Ngày nay cũng qua cuộc sống và cách cư xử của con người mà con người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa Cha.  Ðây phải là niềm xác tín của chúng ta trong kỷ nguyên mới này.

***********************************

Lạy Thiên Chúa Cha nhân từ. Qua những tình cảm giữa cha mẹ và con cái trần gian mà Thiên Chúa phú bẩm.  Xin cho chúng con cũng cảm nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa Cha.  Và giúp cho những ai chúng con san sẻ tình yêu thương cũng cảm nhận được chính tình yêu của Chúa.  Amen!

R. Veritas

 

TRỞ VỀ

zzNgười cha không đi tìm đứa con út như tìm chiên lạc.

Nó đã dùng tự do để quyết định ra đi, và người cha tôn trọng quyết định đó.  Nhưng ông vẫn ngong ngóng chờ con.

Niềm hy vọng vẫn không ngừng nhen nhúm.

Người cha thấy con trước khi nó kịp thấy cha.  Con ốm yếu, hôi hám, bội bạc, chẳng làm cha xa tránh.

Tình thương trào dâng khiến bước chân cha vội vã.  Vòng tay cha lớn quá, nụ hôn cha nồng nàn.

Áo đẹp, dép mới, nhẫn đeo tay, ca nhạc, tiệc tùng, múa nhảy: tất cả chỉ để thông báo cho mọi người biết rằng đây là con tôi, vẫn là con vì chưa bao giờ không là con.

Nhưng người cha không chỉ thương con út.  Con cả mới là đích nhắm của câu chuyện này.

Anh quá hiếu thảo, quá vâng phục cha từng li từng tí.  Anh không đi hoang, không ăn chơi, chỉ chăm lo đồng áng.  Ai cũng thấy anh là người con mẫu mực.

Nhưng biến cố đứa em trở về đã làm lộ con người thật của anh.

Tuy luôn ở trong nhà cha, nhưng anh lại ở ngoài tim cha.  Anh không hiểu được tại sao cha lại nhu nhược đến thế, bao dung đến độ bất công với anh.  Đãi tiệc với thịt bê béo để mừng đứa con hoang đàng, còn anh, một con dê để lai rai với bạn bè cũng không có. Anh không thể vui với cha, càng không thể vui với em.  Anh tức giận vì thấy quyền lợi mình bị xâm phạm.  Rốt cuộc anh không chịu vào nhà!

Hoá ra cả hai người con vừa khác, lại vừa rất giống nhau.  Cả hai đều ở ngoài nhà cha, chấp nhận chịu đói.

Con út không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi.  Con cả không chia sẻ được hạnh phúc của cha nên không vào.

Sám hối là trở về với tình cha.  Cả hai người con đều cần trở về, trở vào.

Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui, sự sống.

Nhưng trở về chẳng phải là chuyện dễ dàng.

Chẳng ai muốn nhận là mình đã đi lầm đường.  Người anh cả cần dẹp bỏ tự ái để vui vẻ vào nhà. Người em út cần khiêm tốn mới gặp cha và gia nhân trong tình trạng thân tàn ma dại.

Để trở về cần đứng lên hay bỏ chỗ mình đang đứng.

Từ bỏ thì đớn đau nhưng hạnh phúc thật tuyệt vời.

Hạnh phúc lớn nhất không phải là tài sản vật chất, mà là khám phá ra mình có chỗ trong trái tim cha. Cha yêu mình dù mình hư hỏng, bất trung.  Cha yêu mình không phải vì mình ngoan ngoãn, được việc. Cha yêu mình chỉ vì mình là con.  Cha không muốn mất một đứa con nào.

Trở về với Cha đòi ta giang tay đón lấy người em.  Đó không phải là “thằng con của cha”, nhưng là “em của con”.

Trở về với Cha, với tha nhân cũng là trở về với mình.  Tôi chợt nhận ra mình quá ư giàu có.

***************************************

Lạy Cha, người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.  Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ, khi coi Cha như người cản trở hạnh phúc của chúng con.  Chúng con thèm được tự do bay nhảy ngoài vòng tay của Cha; nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.  Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo.  Như người con thứ, chúng con bỗng thấy mình tay trắng, rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe doạ.

Lạy Cha đầy lòng bao dung, xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày, giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.  Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.  Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên, thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.  Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con lại thấy mình hiền hoà hơn với tha nhân.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J. – Trích trong ‘Manna’