KHIÊM TỐN

Cách đây ít lâu tại Florida, tờ St Petersburg Times (Thời báo St Petersburg) có đăng một câu chuyện thú vị về Don Shula huấn luyện viên đoàn cá heo ở Miami.  Ông đang cùng gia đình nghỉ hè tại một thị trấn nhỏ miền bắc tiểu bang Miami.  Vào một buổi chiều nọ vì trời mưa nên Shula cùng vợ và 5 đứa con quyết định đi xem một xuất phim chiếu tại rạp hát duy nhất của thị trấn.  Khi họ đến thì các ngọn đèn trong rạp vẫn còn mở sáng.  Chỉ có 6 khán giả khác ngoài họ thôi.  Khi Shula và gia đình ông bước vào, tất cả 6 người đó liền đứng dậy vỗ tay.  Shula liền vẫy tay chào lại vừa mỉm cười đáp lễ.  Sau khi ngồi vào chỗ, Shula quay sang bà vợ và nói:

– Chúng ta từ Miami cách xa cả ngàn dặm đến đây thế mà họ tiếp đón anh nồng nhiệt đến thế. Chắc hẳn là đám cá heo được đem trình chiếu trên truyền hình đã lan tận đến cả ngõ ngách này!

Ngay lúc đó có một gã đàn ông tiến đến bắt tay Shula.  Shula tươi cười nói:

– Làm sao bạn nhận biết tôi?

Gã đàn ông trả lời:

– Thưa ông, tôi chả hề biết ông là ai cả, chẳng qua là ngay trước khi ông và gia đình ông bước vào rạp hát, viên quản lý rạp có bảo chúng tôi là nếu không có thêm 4 khán giả nữa thì ông ta không thể chiếu xuất phim này.

********************************

Tôi thích câu chuyện trên vì nó làm sáng tỏ lời huấn dụ trong các bài đọc hôm nay, nghĩa là: sự dấn thân làm Kitô hữu mời gọi chúng ta sống khiêm tốn, mời gọi chúng ta bắt chước kiểu mẫu Kitô hữu nơi con người Don Shula qua câu chuyện nêu trên.  Đây là một người tiếng tăm lan rộng khắp nước không chỉ là một huấn luyện viên xuất sắc, mà còn là một con người tuyệt vời nữa.  Thật là  tự nhiên khi Shula nghĩ rằng gã đàn ông đến bắt tay ông đã nhận biết ông là ai.  Đến khi hay gã ấy chả hề biết ông là ai, thì Shula là người đầu tiên tự chế giễu mình.  Thực thế, ông rất lấy làm vui thú về sự kiện ấy nên ông mới kể chuyện đó với kẻ khác.  Và chỉ có người nào đủ khiêm tốn mới làm được như Shula mà thôi!

Điều đó nêu ra một câu hỏi.  Vậy sự khiêm tốn là gì?  Thế nào mới được gọi là khiêm tốn?  Phải chăng khiêm tốn là tự hạ mình xuống?  Cho rằng mình kém cỏi?  Phủ nhận giá trị thực của mình hay giảm thiểu nó đi?  Không phải thế!  Đức khiêm tốn mang chiều kích sâu xa và tốt đẹp hơn thế nhiều.  Khiêm tốn không phải là ít nghĩ về mình, mà là không nghĩ gì về mình hết.  Trong ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp nhất, khiêm tốn tức là làm y hệt Chúa Giêsu, Đấng đã từng nói: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng thật lòng” (Mt 11 ; 29). Và “Con người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10 ; 45)

Như thế, khiêm tốn có nghĩa là bắt chước sống như Chúa Giêsu – sống không cho riêng mình mà là cho kẻ khác.  Khiêm tốn nghĩa là dùng tài năng của mình giống như Chúa Giêsu – để phục vụ không phải cho bản thân và vinh quang riêng mình, mà là cho tha nhân và cho nhu cầu của họ.

********************************

Chúng ta hãy kết thúc bằng cách khẩn khoản suy nghĩ về những lời đầy cảm xúc bàn về đức khiêm nhường trong bài đọc thứ nhất hôm nay:

“Hỡi các con trai và con gái của ta
hãy thi hành công việc của các con một cách khiêm tốn
thì các con sẽ được yêu mến hơn khi các con đem quà tặng cho kẻ khác.
Càng khiêm tốn thì các con càng cao cả, và các con sẽ được Chúa ủng hộ cho.

Trích lược LM. Mark Link S.J

HÔM QUA TÔI ĐÃ KHÓC

Em đến với tôi với một thân thể ốm yếu, mái tóc dài xơ xác, khuôn mặt gầy gò có đôi mắt to, đẹp nhưng chứa đầy sức cam chịu.  Em có cái tên cũng đẹp: Nguyễn thị Thanh Vân. Vừa tròn 30 tuổi, có chồng và một con đều đã chết vì AIDS, em đã bị lây căn bệnh này từ chồng.  Do không hiểu biết, em đã dấu hết mọi người kể cả những người thân trong gia đình.  Bây giờ bệnh đã đi vào giai đoạn cuối, chẳng thể dấu ai được nữa, em để mặc cho người thân muốn làm gì thì làm và người ta đã mách cho em đến với tôi.

Sau nhiều ngày được chúng tôi chăm sóc tận tình, bệnh tình của em đã khá hơn.  Khi sự gần gũi trở nên thân mật, cảm giác an toàn bên chúng tôi, em bắt đầu thổ lộ về cuộc đời của mình.  Lúc chưa lấy chồng, em là một hoa khôi của một xứ đạo vùng ven thành phố.  Em cũng là giáo lý viên và huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể của giáo xứ.  Rất nhiều anh chàng xếp rồng xếp rắn trước cửa nhà em.  Cuối cùng, em cũng chọn được người em ưng ý nhất.  Chồng em là con của một ông trùm trong giáo xứ.  Em cho chúng tôi coi những tấm hình sinh hoạt của em hồi còn niên thiếu và hình đám cưới của em.  Chúng tôi ngạc nhiên đến sững sờ vì cô dâu rất đẹp, tựa như các cô người mẫu.  Chú rể cũng rất điển trai, trông thật xứng đôi.  Em say sưa kể về đời mình, cặp mắt sáng long lanh. Tôi yên lặng lắng nghe từng lời em nói.  Cứ thế, ngày lại ngày, tôi nhận thấy rõ nét vui vẻ và tươi tắn hiện trên gương mặt em.  Em không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng nữa.  Tôi biết em đã tìm được sự bình an trong tâm hồn!

Rồi một ngày nọ, bẵng đi mấy tuần, tôi không thấy em tới lấy thuốc để uống.  Nóng ruột, tôi kiếm địa chỉ của em để đến thăm.  Chúng tôi phải vất vả lắm mới kiếm ra được nhà vì nơi ở cũ đã được mẹ em bán đi và chuyển sang ở một vùng xa hơn để tránh sự thị phi của làng xóm.  Chị em dẫn tôi vào chỗ em nằm.  Trong một góc phòng nhỏ hẹp, nhìn thấy em tôi giật bắn cả người, mới có ba tuần lễ không gặp mà thân thể em bây giờ teo tóp lại như một đứa trẻ lên ba, chỉ còn da bọc xương.  Cặp mắt đẹp với hàng lông nheo cong vút ngày nào bây giờ trũng sâu.  Ánh mắt ấy bỗng vụt sáng khi nhìn thấy tôi.  Tôi lại gần cầm lấy bàn tay xương xẩu của em, đưa tay kéo lại mấy sợi tóc loà xoà trước vầng trán nhô ra của khuôn mặt bây giờ trông như cái hộp sọ.  Em níu chặt tay tôi và nghẹn ngào.  Em nói em không muốn chết, tại sao Chúa lại bắt em mang căn bệnh này?  Em khóc lạc cả giọng, khóc trong nỗi tuyệt vọng, đớn đau.  Em đang cố gắng chiến đấu với thần chết.  Muốn giúp em nhưng tôi chẳng thể làm gì được, chỉ biết nhìn em mà hai hàng nước mắt tôi tuôn rơi.  Tôi không thể cầm lòng nổi trước mặt em, tôi khóc thương cho số phận trớ trêu, định mệnh sao quá tàn ác và khắc nghiệt với em.  Tôi liên tưởng đến hình ảnh em vô tư nói cười khi tâm sự với tôi, nhớ đến những tấm hình em là cô dâu xinh tươi, kiêu sa lộng lẫy trong chiếc áo cưới soire tương phản lại hẳn hình hài em trong lúc này, chẳng lẽ số kiếp con người bọt bèo như thế này sao? Chúa có đối xử bất công với em không?  Em cũng như tôi, cũng một thân phận đàn bà mà sao em gặp phải những nghịch cảnh éo le, hà khắc đến như vậy.  Tôi nghĩ số phận của em chắc chắn sẽ khác đi nếu ngày xưa gia đình em đi vượt biên trót lọt, hoặc cuộc đời của em sẽ không đến nỗi khốn khổ như thế này nếu em gặp được người đàn ông khác làm chồng…

* * * * *

Tôi tìm thấy anh trong một cái ống cống nằm trơ trên mặt lộ cạnh bến xe miền Đông.  Anh trốn trong đó để tránh cái nắng gắt của buổi trưa mùa hạ.  Người thân và bạn bè không cho anh ở nhờ dù chỉ là trên cái vỉa hè, vì anh đang bị mắc phải căn bệnh mà ai nghe cũng phải sợ hãi.  Tôi lại gần ống cống, cúi thấp người và gọi anh ra.  Anh ngần ngại vì có lẽ anh chẳng biết tôi là ai, và cũng có thể là do mặc cảm nên không muốn ra.  Tôi phải dùng lời ngọt ngào để “dụ” anh ra.  Một số người ở hai bên đường tò mò tiến lại chỗ chúng tôi và săm soi quan sát anh.  Tôi nghe họ xì xào: “Đáng đời, ăn chơi cho lắm thì bây giờ phải chịu thôi, mấy thứ này giúp làm gì”. Bỏ ngoài tai những lời bình phẩm, tôi tiếp tục thuyết phục anh. Phải tốn rất nhiều… hơi mới “lôi” được anh ra khỏi cái ống cống, tôi mượn một chiếc ghế của quán cà phê ven đường cho anh ngồi, rồi bắt đầu hỏi về “lý lịch” của anh.  Nhưng câu trả lời tôi nhận được là “không”.  Cuối cùng tôi hỏi anh là muốn được giúp gì, lúc này anh mới trả lời là muốn được điều trị bệnh vì cả tuần qua anh bỏ ăn, chỉ uống được nước.  Tôi chẩn đoán sơ bộ biết anh mắc bệnh lao nên thuê một chiếc xe xích lô chở vào bệnh viện lao Hồng Bàng.  Tại đây người ta bắt tôi phải đóng 500.000 đồng mới cho nhập viện và trong khi điều trị tôi phải đóng tiền tiếp tục cho đến khi bệnh nhân xuất viện.  Chúa ơi! biết lấy tiền đâu ra bây giờ?  Việc này làm tôi bối rối, tôi thầm nguyện cầu.  May sao, tôi gặp được một ông bác sĩ người Công giáo, cũng làm việc tại bệnh viện này.  Nghe tôi trình bày, ông bác sĩ nói tôi chịu khó đóng cho anh 500.000 đồng để nhập viện, phần còn lại để ông lo cho.  Tôi mừng húm.  Bây giờ chỉ còn phải lo cái ăn cho anh ấy hàng ngày nữa là xong.  Người ta mách cho tôi biết ở cuối bệnh viện có các Sơ chuyên phục vụ bữa ăn từ thiện.  Tôi xuống tìm gặp các Sơ để “ngoại giao”.  Các Sơ đồng ý, tôi đưa tên tuổi và số phòng nằm của anh cho Sơ.  Thế là xong!  Tôi thở phào. Lúc này, trời đã chập choạng tối, tôi mệt lử cả người nhưng ra về lòng lại thấy nhẹ nhàng, thanh thản…

Cứ vào chiều thứ bảy hàng tuần, chúng tôi thay nhau đến thăm, mua quà bánh và những thứ cần dùng cho anh. Tuần nào vì nhiều công việc chúng tôi không đến được thì anh buồn bã, trông chờ.  Thấm thoát hai tháng trôi qua, anh được xuất viện, sức khoẻ của anh cũng đã được hồi phục.  Tôi đoán anh không dám làm phiền tôi nữa, vì đã lặng lẽ rời bệnh viện mà không hề cho tôi biết.  Một tuần sau, có người phone báo tin cho tôi ở quận Phú Nhuận có một người mắc bệnh AIDS đang nằm trước cửa nhà họ.  Tới nơi, tôi nhận ra là anh.  Thấy tôi, anh đưa mắt nhìn như cầu cứu.  Mới có 1 tuần mà sắc diện anh trông xuống dốc hẳn đi.  Tôi lại phải đi tìm một nơi ở cho anh.  Tôi cùng với mấy nhóm viên thuê cho anh một “túp lều” rộng 9m2 ở mãi tận quận Bình Tân.  Phải đi xa như thế tiền thuê mới rẻ! Lần này chúng tôi phải đi sắm nồi niêu soong chảo, bát đĩa, bếp nấu… và nhiều vật dụng linh tinh để anh tự thân nấu ăn.  Hàng tuần, chúng tôi lặn lội tới nơi ở của anh để đưa thuốc uống điều trị bệnh và đưa tiền cho anh mua thức ăn. Ở đây, xa thành phố ồn ào, cây cỏ nhiều, còn một khoảng trời xanh rộng rãi nên bầu không khí thiên nhiên thật tốt cho người bệnh.  Một buổi chiều nọ, anh ngỏ ý xin thêm tiền nhưng tôi không cho vì nghĩ nếu là tôi thì với số tiền này cũng sống tạm được.  Kể từ lúc đó tôi giúp gì anh nhận nấy và không thấy anh đòi hỏi gì nữa.

Rồi sức khoẻ anh ngày một yếu dần, lúc này anh mới chịu “tiết lộ” về đời tư của mình cho tôi nghe.  Ngày xưa, anh là một trưởng Công an của một phường ở quận BT, anh đã có vợ và 1 con trai 16 tuổi, nhưng vợ con anh đều đã từ bỏ anh lâu lắm rồi.  Anh không dám quay về để xin lỗi và gặp mặt đứa con thân yêu nữa, tài sản của anh có tới 3 căn nhà phố lầu, nhưng đã bay theo những cuộc ăn chơi trác táng của anh hết rồi.  Lúc còn tiền của – xung quanh anh rất nhiều bạn bè, bây giờ thân tàn ma dại chẳng còn một ai thèm ngó tới, nhất là lại mắc thêm căn bệnh này nữa, họ lại càng kinh tởm, xa lánh.  Anh cho biết còn một người anh trai hiện đang làm thiếu tá CSCĐ thành phố và cho tôi số điện thoại của ông anh để tôi liên lạc giúp, nếu anh có mệnh hệ gì (sau này tôi đã bị ông thiếu tá này từ chối thẳng khi nghe nói về anh).  Anh tâm sự với tôi với giọng buồn rầu nhưng bình thản.  Anh cảm ơn tôi và ngỏ ý là rất tiếc không có cơ hội để đền đáp.

Một tuần sau, chúng tôi tới thăm, thấy hai con mắt của anh trũng sâu xuống, tôi hỏi thăm về sức khoẻ thì anh cho biết ba ngày qua anh đi tiêu chảy rất nhiều.  Linh cảm là anh không còn  sống được bao lâu nữa, tôi vội gởi anh về Trung Tâm Mai Hoà là nơi mà các Sơ lo giúp cho những người mắc bệnh AIDS không thân nhân được về với Chúa bình an.  Anh về đây được hai tuần lễ, Sơ Giám Đốc phone cho tôi báo tin sức khoẻ anh rất kém, có lẽ không qua khỏi và anh rất muốn gặp tôi.  Dù bận rộn và xa xôi, sáng hôm sau tôi cũng cố gắng thu xếp công việc tới với anh để thoả ý nguyện của người sắp lìa trần.

Khi tôi bước chân vào tới cửa phòng, tôi thấy anh đang nằm thở thoi thóp, hàm đã cứng không còn nói được gì nữa. Vậy mà không hiểu sao, khi biết tôi có mặt, anh như tỉnh lại. Tôi cầm tay anh hỏi còn nhận ra ai không, anh chớp mắt khẽ gật đầu.  Giữa khoảnh khắc sự sống và cái chết, tôi thầm thì với anh những lời an ủi, khích lệ anh sắp về thiên đàng gặp Chúa là nơi mà anh được hưởng hạnh phúc thực sự.  Cặp mắt nhợt nhạt của anh nhìn tôi chăm chăm, miệng ú ớ muốn nói gì đó, nhưng không ai hiểu được anh muốn nói gì.

Một Sơ đứng bên cạnh hỏi anh còn muốn gặp ai nữa, anh cố gắng phát âm nhưng không được.  Tôi chợt hiểu ra, nên hỏi anh còn muốn gặp đứa con nữa phải không, anh mừng quá chớp mắt.  Nhưng giờ ra đi của anh đã cận kề và tôi cũng chẳng biết con anh ở đâu mà tìm.  Tôi đành phải nói cho anh yên lòng là con anh hiện rất ngoan, học giỏi và đang sống rất tốt với mẹ nó, nếu sau này có cơ hội gặp, tôi hứa sẽ chuyển ý của bố nó đến với nó.  Nghe tôi nói vậy anh nhìn tôi như cảm ơn, tôi hỏi anh còn muốn gì nữa không, anh lắc nhẹ đầu rồi nhắm mắt lại và từ đó không nói gì nữa.

Biết anh chuẩn bị được Chúa rước về, chúng tôi hát nhè nhẹ bài “Trong trái tim Chúa yêu nhân từ” cùng hiệp thông với anh.  Khi chúng tôi kết thúc bài hát là anh trút hơi thở cuối cùng.  Hồn của anh đã bay về với Chúa.  Tôi đưa tay vuốt mắt cho anh lần cuối cùng và thầm nhủ: từ nay tôi sẽ không bao giờ còn gặp anh nữa, không còn phải lo đến chiều thứ bảy đi thăm anh, không còn cơ hội để lo đến miếng ăn, chỗ ở cho anh, tôi sẽ không còn…

Nghĩ đến đây tự dưng nước mắt tôi tuôn trào, tôi khóc ngon lành trước mặt các Sơ ngơ ngác nhìn.  Không ai hiểu được tại sao tôi không thân thích, họ hàng, không bạn bè, không thân cận mà tôi lại khóc thương anh đến thế.  Vâng, đúng như vậy, chỉ có mỗi mình tôi hiểu là tại sao tôi khóc thôi.  Tôi khóc vì hối hận – tại sao tôi lại không đối xử tốt với anh thêm một chút nữa nhỉ?  Nhưng những giọt nước mắt của tôi muộn màng mất rồi vì tôi nhớ đến lúc anh còn sống, còn ăn uống được, anh đã xin tôi thêm tiền và tôi đã keo kiệt mà không cho….

Nguyễn Thị Vinh

(Chị Nguyễn Thị Vinh là trưởng nhóm “Tiếng Vọng” gồm có khoảng 15 anh chị em thiện nguyện đang xả thân phục vụ các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Nhóm được linh mục Chánh xứ Nhà thờ Phú Trung, quận Tân Bình, cho sử dụng hai căn phòng nhỏ để làm nơi tham vấn và khám bệnh miễn phí cho các bệnh nhân.  Mọi chia sẻ với chị Vinh, xin liên lạc theo địa chỉ email: echovinh@yahoo.com )

BIỆN HỘ

“Một hôm ra đường, tôi thấy một anh tuổi trạc 35-40, đứng cầm bảng “Work for food”. Anh trông khỏe mạnh, áo quần tươm tất.  Tôi tự hỏi người khỏe mạnh như anh sao không đi làm?  Hay anh lười biếng chăng?  Cho anh ta tiền liệu có giúp hay còn hại anh hơn?  Từ suy đoán này đến suy đoán khác, tôi vẫn không có câu trả lời.  Tôi giả lờ nhìn sang hướng khác, tránh phải đối diện với đôi mắt u uẩn, khẩn cầu của anh. Tôi mong đèn bật xanh sớm để phóng xe đi cho thật lẹ, để lương tâm khỏi phải ở trong tình trạng giằng co, bứt rứt như vầy.  Bóng anh đã khuất, nhưng cặp mắt u buồn của anh vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi.  Lòng tôi bị dằn vặt, áy náy dâng tràn, vì đã bỏ lỡ cơ hội giúp người.” (Lời chia sẻ của Terri)

“Tôi cũng giống như chị.  Tôi phải mất một thời gian khá lâu mới có thể cho đi mà không thắc mắc người homeless đó sẽ làm gì với số tiền tôi cho.” (Lời chia sẻ của Sherry)

“Năm đầu khi mới sang Mỹ, có lần tôi cho một người nghèo tiền.  Tôi vừa quay lưng bước được vài bước, bị một ông cảnh sát chặn lại.  Ông ta hỏi người homeless kia đã nói gì với tôi.  Với giọng run run, pha lẫn chút sợ hãi, tôi nói với viên cảnh sát rằng anh ta chỉ nói cám ơn.  Xứ Mỹ này luật lệ phức tạp quá, có khi giúp người khác còn bị phiền toái thêm.  Từ đó về sau, tôi không dám giúp ai ngoài đường nữa.” (Lời chia sẻ của BN)

“…Mỗi khi Giáng Sinh về, nay đã 26 năm, hình ảnh của một buổi sáng mùa đông năm nào lại sống dậy trong tôi.  Hôm đó là sáng 25, Giáng Sinh, lúc đó khoảng 6 giờ sáng, tiết đông lạnh vẫn còn vấn vương trong không gian, vừa đạp xe, tôi vừa cúi gập cổ, hai tay sát vào người để tránh bớt cái giá lạnh.  Cửa các căn nhà đóng kín mít.  Mọi người vẫn còn chìm đắm trong giấc ngủ.  Đi ngang qua trước thềm một căn nhà, tôi thấy một người homeless mình trần, đang nằm co ro.  Thoạt trông thấy anh, tôi muốn dừng xe lại, cởi ngay chiếc áo trên người đưa cho anh.  Nhưng một suy nghĩ khác chợt đến: “Không được!  Tôi không thể để mình trần đi về căn nhà tôi đang ở.  Như thế dễ gây sự chú ý cho công an khu vực.  Họ sẽ chặn tôi, hỏi giấy tờ và làm phiền đến người chủ nhà nơi tôi đang cư ngụ (tôi đang trốn quân dịch, và ở tạm nhà người quen).  Nghĩ thế, tôi bỏ ý trên, đạp xe thật lẹ về nhà.  Tôi có thể trở ra với một chiếc áo khác cho anh, nhưng tôi đã không làm việc ấy.  Suốt ngày hôm đó, tôi sống trong ray rứt, dày vò của lương tâm vì đã không giúp người khốn cùng kia.  Hình ảnh đó đeo đuổi tôi suốt bao nhiêu năm.  Đến nay tôi vẫn không quên được.  Tôi không thể đi ngược dòng thời gian tìm anh để tặng chiếc áo, tấm chăn.  Nhưng cũng từ ngày đó trở đi, tôi không bỏ lỡ các cơ hội trao những cái áo, tấm chăn tình thương đến những người anh, chị, em khốn cùng của tôi.” ( Lời chia sẻ của TB)

******************

Qua các tâm tình chia sẻ của các anh chị em trong nhóm chiều nay, chúng tôi thấy mình giống như vị linh mục và vị luật sĩ trong bài Tin Mừng của Thánh Luca (10:25-37). Chúng tôi hay tìm mọi lý lẽ để biện hộ, viện cớ này, cớ kia cho những thiếu xót, bất toàn của bản thân từ những việc nhỏ nhặt như đọc kinh đêm, dự lễ ngày Chúa Nhật, đến những sinh họat của cộng đoàn, hoặc các việc làm từ thiện, bác ái:

  • Đêm về, nằm trên giường làm dấu thánh giá, miệng lẩm nhẩm: “Chúa ơi! Chiều nay con phải thêm giờ, mệt quá! Xin Chúa cho con ngủ một đêm an lành. Amen.”
  • Lễ Chúa Nhật: “Không sao, chắc Chúa không chấp nhất gì chuyện đi lễ trễ. Không nghe được Lời Chúa, nhưng rước Mình và Máu Thánh Chúa vào lòng cũng tốt rồi.”
  • Tổng vệ sinh trong giáo xứ: “Mình ghi danh, nhưng bây giờ không đi, đâu có ai biết. Không có mợ, chợ vẫn đông!”
  • Ca đoàn: “Nói rằng tập hát lúc 8 giờ, nhưng có ai đến đúng giờ bao giờ! Người ta đi trễ, tôi cũng đi trễ như họ!”
  • Việc từ thiện: “Quá nhiều hội từ thiện xin giúp đỡ, làm sao biết ai thật, ai giả? Liệu tiền mình gởi có đến tay mấy người nghèo hay không? Thôi khỏi giúp!”
  • Vân vân…. và vân vân…..

Vị linh mục trong đọan Tin Mừng trên có thể không đến nỗi thất nhân tâm vậy đâu.  Biết đâu, ngài vừa đi vừa cầu nguyện xin Chúa gởi người khác đến giúp người bất hạnh kia thì sao?  Để giáo dân chờ lâu, ngài sẽ bị mất uy tín.

Vị luật sĩ kia có thể có cùng suy nghĩ với vị linh mục.  Vì sợ trễ buổi họp với các viên chức lớn trong cộng đồng, nên ngài đành bước sang bên kia đường, để mặc nạn nhân  nằm nửa sống nửa chết.

Chỉ có người xứ Samari, người  không cùng một chủng tộc, màu da với người hành khách xấu số, đã dừng lại săn sóc nạn nhân, không viện cớ chối từ.  Khi đã làm, ông không làm qua loa, cho có lệ.  Nguợc lại, ông làm đến nơi, đến chốn.  Chính tay ông đã băng bó vết thương và đặt nạn nhân lên lưng con lừa, còn ông đi bộ.  Ông trao cho chủ quán trước một số tiền để lo thuốc men cho nạn nhân, và hứa: “Có tốn kém bao nhiêu, khi tôi về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”

Tình yêu chân thật, không có chỗ cho sự bào chữa len vào.

******************

Lạy Chúa, xin Chúa hãy biến đổi con tim chai đá của con thành con tim thịt mềm biết rung động, xót thương, cảm thông với nỗi đau của những người anh em đồng loại của con như người Samaritan nhân từ trên.  Xin đừng để con tim con bị dẫn dắt bởi luật lệ của xã hội, lý lẽ của lý trí, cớ này, cớ kia.  Nhưng hãy để luật yêu thương của Chúa là đường, là kim chỉ nam cho mọi lời nói, hành động, việc làm của con. Amen!

Lữ Khách

 TÀU TRỤC HAY TÀU BUỒM

Có chàng thanh niên nọ viết thư cho một linh mục.  Anh cho phép vị linh mục tùy ý sử dụng lá thư này.  Ngoại trừ vài thay đổi không đáng kể thì đây là nguyên văn bức thư:

“Con đã từng là tay bơi lội hàng đầu trong bảng xếp loại của con ở Gia Nã Đại.  Một ngày nọ con đã để cho lũ bạn dụ dỗ con thử dùng ma tuý.  Thế là con bị cắn câu và chẳng bao lâu sức khoẻ, tâm thần, thể lý và đời sống thiêng liêng của con bị sa sút tồi tệ… Con biết con ngày càng lún sâu.  Con trở nên cô đơn và kinh hãi nhưng không biết ngỏ lời cùng ai.  Sự việc càng thêm tồi tệ khi con thiếu nợ các tay buôn ma tuý hơn 3.000 đô.  Con tính rằng chỉ còn một lối thoát duy nhất là tự tử, vì thế con đi về nhà và viết mẩu giấy sau:  Bố mẹ kính mến, con rất tiếc phải gây cho bố mẹ nỗi đau đớn này… Xin bố mẹ đừng quá đau lòng. Nếu con cứ tiếp tục sống như thế này thì chắc hẳn con còn gây cho bố mẹ muộn phiền hơn là hành động con vừa gây ra cho mình.  Con vẫn yêu quí bố mẹ và toàn thể gia đình mình”.  Ký tên. Christopher.

Thế là con bắt đầu nốc rượu vào để cố gắng thắng lướt nỗi sợ hãi khi con đang chuẩn bị lìa đời. Nhưng rồi, vào phút cuối cùng thì một điều gì đó đã ngăn cản con lại.  Con bấu tay nhắc điện thoại lên và gọi đến trung tâm cấp cứu.  Con không hề hay biết là vào lúc đó mẹ con đang cầu nguyện điên cuồng cho con.  Vài ngày sau, con được đưa vào trung tâm cai nghiện ma tuý và chẳng bao lâu con được hồi phục cả sức khoẻ, thể lý lẫn tâm lý.  Thế rồi con bắt đầu đọc Kinh Thánh.  Càng đọc con càng cảm thấy bình an vui vẻ.  Kinh Thánh đã dẫn con đến niềm tín thác trọn vẹn vào Chúa, đồng thời trong lúc đó bừng dậy nơi con lòng ao ước học hỏi về Chúa Giêsu để được hiểu biết Ngài hơn.  Cũng thực khôi hài, con đã phải quì gối xuống ít nhất tới mười lần để cầu xin Chúa đến trong đời con trước khi con nhận ra được rằng Ngài đã hiện diện ở đó rồi…..

Sự việc này xảy ra cách đây 5 năm.  Từ đó đến nay, Chúa đã ban phước cho con rất nhiều.  Hiện con đang dạy trong một trường trung học Công Giáo và đang hoạt động trong cộng đoàn giáo xứ của con… Con cũng vẫn luôn cố gắng học cách mở rộng lòng mình càng ngày càng nhiều cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa là Cha chúng ta.

Kính thư,
Christopher.

**********************************

Lá thư trên minh họa cho một trong những chủ điểm của bài Phúc Âm hôm nay:  Cánh cửa nước Trời quả thực là hẹp.  Trong trường hợp cậu thanh niên Christopher thì hình như cực kỳ chật hẹp.  Tuy nhiên, điều đó vẫn không cản chàng ta cố gắng bước vào.  Chàng ta đã đấu tranh, tranh đấu cho đến khi đạt được.  Tôi tự hỏi có được bao nhiêu người dám can đảm đấu tranh gian khổ như chàng ta?

Có người cho rằng có tới 3 loại Kitô hữu:  Loại Kitô hữu “tàu trục”, loại Kitô hữu “tàu buồm” và loại kitô hữu “bè mảng”.

Loại Kitô hữu “tàu trục” gồm những người bước theo Chúa Giêsu không chỉ khi trời nắng đẹp mà cả trong lúc bão tố, không chỉ có sóng gió thuận chiều mà cả khi sóng gió ngược chiều nữa.  Họ là những kẻ đi dự lễ không phải vì bó buộc mà chỉ vì Chúa Giêsu đã truyền trong bữa tiệc ly: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 22:19).  Họ giúp đỡ kẻ khác không phải vì họ cảm thấy thích thú mà chỉ vì do lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu mến nhau như Ta yêu mến các con” (Ga 15:12). Tóm lại, đây là loại người mà các bài đọc hôm nay khuyên ta phải noi gương bắt chước.

Ngược lại, loại Kitô hữu “tàu buồm” là những kẻ theo Chúa Giêsu chỉ khi sóng gió thuận chiều, còn khi sóng gió thổi nghịch thì họ liền xuôi theo chiều nào mà họ bị cuốn đi. Họ là những kẻ đi lễ khi gia đình và bè bạn cùng đi. Còn nếu chỉ riêng mình họ, họ thường hay bỏ xem lễ.  Họ là những người thường hỏi: “Tôi còn làm được gì nữa thì mới bị coi là có tội?”, thay vì phải nói: “Tôi có thể làm thêm được bao nhiêu nữa vì tình yêu?”  Tóm lại, họ là những kẻ theo Chúa Giêsu khi nào cánh cửa mở rộng, còn khi gặp cửa hẹp thì họ lưỡng lự ái ngại.  Họ là những kẻ hùa theo đám đông hơn là bước theo Phúc Âm.

Cuối cùng là loại Kitô hữu “bè mảng”.  Đây là những Kitô hữu chỉ có trên danh nghĩa mà thôi. Họ không thực sự theo Chúa Giêsu ngay cả khi sóng gió thuận chiều, và nếu có theo đi chăng nữa thì cũng chỉ là do có người đưa đẩy mà thôi.  Họ là những người  thực hành Kitô giáo không phải vì họ muốn mà là vì bị bó buộc. Tóm lại, họ chỉ là những Kitô hưũ “HỮU DANH VÔ THỰC”

Từ đó chúng ta trở lại với các bài đọc hôm nay. Câu hỏi đặt ra trước mắt chúng ta là:

Chúng ta là một Kitô hữu loại “tàu trục”, “tàu buồm” hay “bè mảng”?

Chúng ta có phải là loại kitô hữu “tàu trục” không?  Chúng ta có theo Chúa Giêsu lúc thuận lợi cũng như lúc trắc trở không?  Chúng ta có theo Ngài không chỉ qua cánh cửa mở rộng mà còn qua khung cửa hẹp nữa không?  Hay chúng ta chỉ là Kitô hữu loại “tàu buồm”?  Chúng ta chỉ theo Chúa những khi thuận buồm xuôi gió?  Chúng ta chỉ theo Ngài qua khung cửa rộng?  Hoặc tệ hơn nữa, chúng ta chỉ là kitô hữu loại “bè mảng” nghĩa là những kitô hữu “hữu danh vô thực?”  Đây là những câu hỏi đặt ra cho chúng ta trong các bài đọc hôm nay.  Không ai có thể trả lời dùm chúng ta hết, chúng ta phải tự trả lời lấy.  Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn thẳng vào những câu hỏi này với lòng can đảm của Christopher khi cậu ta phải đương đầu với những vấn đề của riêng cậu.  Nếu chúng ta biết đương đầu với lòng can đảm như cậu ta thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận được ơn Chúa trợ giúp giống như trường hợp cậu ấy

**********************************

Chúng ta hãy kết thúc với bài thơ của thi sĩ người Anh, John Oxenham:

“Trước mặt mỗi người đều chỉ mở ra một con đường.
Đường cao, đường lưng chừng hoặc đường thấp.
linh hồn cao thượng chọn lấy nẻo cao
Linh hồn thấp kém bước vào ngõ thấp
và ở giữa hai nẻo đường mù sương ấy,
Số còn lại cứ ngập ngừng qua lại,
Nhưng mỗi người chỉ có
một con đường mở ra trước mặt:
Đường cao, đường lưng chừng hoặc đường thấp,
Mỗi người đều phải quyết  định xem:
Linh hồn mình sẽ tiến bước theo lối nào”.

LM. Mark Link S.J.

TẤM HÌNH CỦA MẸ

– Con ạ! Anh chị em chúng con chỉ có mấy đứa. Đất khách quê người, con để ít giờ cuối tuần mà thăm hỏi nhau.  Con đừng đi làm ngày Chúa Nhật nữa.

Lời khuyên không làm đứa con gái xuôi lòng.  Sống xa cộng đoàn người Việt, mãi vùng xứ lạnh Bắc Âu.  Tâm tư bà thường nhớ về quê cũ, mảnh vườn xưa, dăm ba tầu chuối trưa hè.  Nhưng con bà đã gần như người Âu.  Đối với bà, tiếng chuông nhà thờ còn là nỗi nhớ người, nhớ cảnh.  Nhưng những đứa con lớn lên ở đây, chúng không có kỷ niệm những tối trăng sao vằng vặc, tiếng ếch kêu trong đêm mưa.  Bởi đó, những lời khuyên như trên của bà chỉ là ước mơ hững hờ.

Ngày bà chết, người con gái năm xưa để tấm hình bà trên tủ thờ tổ tiên.  Người con gái năm xưa ấy bây giờ đã có một lũ con.  Chúng lớn mau không ngờ, nếu bà còn sống, nay chúng là lũ cháu của bà.  Giống như bài luận văn ngày cũ: Cứ tối tối ngoại quây quần kể chuyện cổ tích cho các cháu nghe. Người con gái năm xưa ấy kể:

– Mỗi lần nhìn tấm hình của mẹ.  Lòng tôi se sắt một tiếng thương và một nỗi nhớ.

Đã bao năm về trước, bà đã một lần nói với đứa con gái lớn: “Con ạ! Anh chị em chúng con chỉ có mấy đứa.  Đất khách quê người, con để ít giờ cuối tuần mà thăm hỏi nhau.  Con đừng đi làm ngày Chúa Nhật nữa”.  Đứa con gái không nghe lời.

Lời khuyên có vẻ dễ dàng, nhưng đời có những chuyện chưa kịp nghĩ tới.  Lời bà khuyên con gái, không ngờ một ngày kia lại trở về với chính bà.

Câu chuyện là bà có cửa tiệm bán quần áo, chung với một người đồng hương.  Sau những ngày làm ăn, nghi ngờ nhau. Bà đánh dấu mực vào cổ áo. Hôm sau người partner đến bán đi, không muốn chia lời, người này lấy áo mới thay vào.  Giả bộ cứ như là đến phiên mình bán, không bán được bao nhiêu.  Hai bên đưa nhau ra tòa, hết tình hết nghĩa, cửa tiệm bán quần áo không còn.

Bà kiếm một việc mới: Bán chợ phiên ngày Chúa Nhật.  Thế là lời khuyên con gái năm xưa trở thành lời khuyên chính mình.  Chỉ cần một buổi chợ phiên Chúa Nhật, bà kiếm mấy trăm đô la.  Câu chuyện “bình an” cho đến một ngày, người con gái năm xưa, có chuyện giữa mẹ con, đã nói với bà:

– Ngày xưa mẹ bảo con đừng đi làm ngày Chúa Nhật, bây giờ thì…

Người con gái không nói hết câu. Nhưng ý phải hiểu: “Bây giờ thấy tiền thì mẹ cũng làm ngày Chúa Nhật như con thôi”.

Đi làm ngày Chúa Nhật có tội hay không?

Đôi lúc bà cũng phân vân. Nhưng nỗi trăn trở nhất trong tâm hồn bà là tấm ảnh người mẹ sau khi chết.  Bà biết nếu ngày nào bà chết trước người con gái, con bà sẽ để hình bà trên bàn thờ tổ tiên, bên cạnh chồng bà.  Mỗi lần đến thăm nhà đứa con gái, bà âm thầm nhìn lên tấm ảnh đen trắng, chồng bà.  Tấm ảnh đứa con đã để trên bàn thờ tổ tiên, ảnh bố nó.  Bà lại như thở nhẹ một nghĩ ngợi, chắc nó cũng để hình bà ở góc kia, trên điện thờ ngày bà chết.  Bà kín đáo nhìn tấm ảnh vô hình của bà.  Bà hình dung ánh mắt bà trong tấm ảnh đang nhìn xuống.

Vào một đêm không ngờ, đêm đen của đất trời, nhưng sáng trong linh hồn. Trong đêm đó, thinh lặng, các con yên ngủ, trước tượng Chúa, người mẹ đau khổ lâm râm cầu nguyện:

– Lạy Chúa, xin giúp con, con đã một lần khuyên con gái đừng đi làm ngày Chúa Nhật, dành thời gian cho anh chị em, cho chồng, cho các con.  Nhưng nay thì con lại đi làm.  Ngày con chết đi, mỗi khi nhìn ảnh con trên điện thờ, chắc con của con sẽ đau khổ vì có người mẹ như thế, chỉ biết khuyên con mà không dám sống lời mình khuyên.  Nhìn ảnh con chắc nó cũng thương một người mẹ, nhưng chắc nó cũng đau vì có người mẹ như thế.  Con muốn ngày nào con chết đi, nhìn ảnh con trên bàn thờ vào những ngày giỗ kỵ, nó dám nói với các con của nó là: “Các con nhìn cuộc đời ngoại của các con, ngày còn sống, ngoại chúng con dám sống cuộc đời can đảm như thế.”

Lạy Chúa, cuộc đời con còn được bao lâu? Con muốn để lại tấm ảnh thờ không phải chỉ cho đứa con gái mà còn cho các cháu của con nữa.

Đêm đó tĩnh mịch, căn phòng ngủ im như tờ, se sẽ tiếng thở của lòng người mẹ thương con, thương cháu.  Bà im lặng khấn vái trước tượng Chúa, cầu nguyện cho tương lai con cháu. Một đêm rất đỗi không ngờ, im lặng trong lòng bà thôi mà lời kinh thấu đến trời cao.

Rồi một ngày, bà bỏ chợ phiên.  Bà bỏ những sáng Chúa Nhật đi buôn.

Người con gái bà sau này kể tiếp.

– Một hôm tôi hỏi mẹ: “Tại sao mẹ không đi làm ngày Chúa Nhật nữa? Mỗi buổi chợ phiên mẹ kiếm mấy trăm đô la cơ mà!”  Mẹ tôi không trả lời.  Tôi tiếc là bà bỏ mất mấy trăm đô la.

Hôm nay mẹ tôi không còn.  Chỉ còn tấm hình bà trên bàn thờ tổ tiên.

Một tối thinh lặng, các con tôi đã ngủ. Một mình tôi ngồi nhìn ảnh mẹ. Bây giờ làm mẹ mới hiểu những đoạn đời mà một người mẹ đi qua.  Người ta bảo có qua cầu mới hay.  Nhìn các con tôi ngủ, chúng đang lớn dần.  Lo cho con, bấy giờ mới thấm thía những ngày mẹ tôi lo cho tôi.  Ảnh mẹ trên bàn thờ tổ tiên, hương khói không có. Trong căn nhà tôi ra vào hàng ngày, ảnh mẹ tôi âm thầm treo đó. Im lặng, nhưng đêm nay nhớ về kỷ niệm năm xưa, tôi nhìn mẹ lại hỏi: “Tại sao mẹ không đi làm ngày Chúa Nhật nữa? Mỗi buổi chợ phiên mẹ kiếm mấy trăm đô la cơ mà!”

Và hôm nay, lạ thật, trong ánh mắt chịu đựng của mẹ. Mẹ tôi trong tấm hình kia âm thầm trả lời:

– Mẹ biết có ngày con đặt ảnh mẹ trên bàn thờ cạnh hình ba con. Con sẽ đau khổ khi đến ngày giỗ mẹ.  Con nhìn ảnh thấy mẹ rồi nói: “Ngày xưa bà này bảo tôi đừng đi làm ngày Chúa Nhật, thấy tiền thì bà cũng như tôi”.  Con thương mẹ, nhưng nghĩ đến lời khuyên và lối sống của mẹ như thế.  Con sẽ khổ đau, không vui.

Bỗng quá lạ. Tôi thấy tấm ảnh mẹ tôi như sáng lên, âm thầm mà mạnh mẽ vô cùng.  Các con tôi vẫn ngủ, chúng không biết hôm nay là ngày giỗ ngoại chúng.  Tôi một mình ngồi trước ảnh mẹ, ảnh mẹ lại như nói với tôi:

– Mẹ biết có ngày con đặt ảnh mẹ trên bàn thờ cạnh hình ba con.  Đến ngày giỗ kỵ, nếu con có thắp nén hương cho mẹ, con sẽ vui vì mẹ đã dám sống những gì mẹ khuyên con.  Biết đâu con cái của con khó dạy, con có thể nói với chúng rằng: “Nhìn ảnh ngoại chúng con đây, ngày còn sống, ngoại đã dám sống một đời can đảm như thế.”

Tôi chợt ứa nước mắt.  Hình ảnh năm xưa hiện về. Mẹ tôi đã can đảm bỏ làm ngày Chúa Nhật chỉ vì lời khuyên tôi.  Nghĩ tới đó, tôi òa khóc hơn nữa.  Mẹ tôi không chỉ muốn giáo dục tôi mà cả với các con của tôi nữa.

Các con tôi vẫn ngủ. Chúng không biết tối nay là ngày giỗ ngoại chúng. Mẹ tôi đã có tấm ảnh để lại cho tôi.  Mẹ tôi đã đi con đường của riêng mẹ.  Còn tôi, khi chết, tôi có bức hình nào để lại cho các con tôi không?

LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.
(Trích ĐƯỜNG ĐI MỘT MÌNH)

NGỌN LỬA TÌNH YÊU

Tại một khu phố cổ Ấn Độ, trên đường cũng như trong nhà thường không có đèn.  Giữa những khu phố như thế, thỉnh thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền Ấn Giáo.  Dĩ nhiên, trong những ngôi đền như thế, ánh sáng cũng không được đốt lên thường xuyên.

Từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường, họ treo những chiếc lồng đèn.  Khoảng trống trong những chiếc lồng đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu.

Bình thường ngôi đền thờ vắng lạnh vì tăm tối.  Nhưng cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn dầu soi đường để đi qua các khu phố đến đền thờ cầu nguyện, họ cũng mang chính những ngọn đèn ấy và đặt vào trong những chiếc lồng đèn trong đền thờ.  Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt ngọn đèn của mình vào trong các lồng đèn, thì ngôi đền thờ bỗng sáng rực lên một cách lạ kỳ.

*************************

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49).  Đó là tâm nguyện của Đức Giêsu và cũng là trách nhiệm của mỗi người tín hữu chúng ta:  Thế giới này là một ngôi đền thờ rộng lớn mà mỗi tín hữu phải đặt vào đó ngọn lửa tình yêu, để thế giới này bừng sáng lên tình anh em một nhà.

Ngọn lửa mà Đức Giêsu đã ném vào thế giới này, chính là ngọn lửa tình yêu vẫn bừng cháy trong trái tim Người; là ngọn lửa phục sinh đã bừng lên trong tâm hồn người tín hữu giữa đêm tăm tối, cùng là ngọn lửa Thánh Thần đã bừng sáng trí khôn các tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần.

Nếu con người cần cơm bánh để sống còn, thì họ cũng cần tình thương để tồn tại.

Nếu con người cần áo quần để che thân, thì họ cũng cần tình thương để sưởi ấm.

Nếu lòng hai môn đệ Emmau đã bừng cháy lên khi nghe Lời Chúa, thì nhân loại sao chẳng rực sáng lên khi nghe lời yêu thương của Người?

Lời yêu thương đã được viết lên trên cây thập giá, trong cuộc khổ nạn đau thương, đó chính là phép rửa mà Đức Giêsu phải chịu, để ném lửa yêu thương vào trần gian.

Như Thiên Chúa Giavê đã hiện ra với Mô-sê nơi bụi gai cháy sáng và kêu gọi ông đi chu toàn sứ mạng, nay Người cũng sai chúng ta đi loan báo sứ điệp yêu thương cho trần thế.

Như Đức Giêsu đã đẩy lui bóng tối tử thần bằng ánh sáng Phục Sinh và sai các môn đệ đi loan báo tin vui, nay Người cũng mời gọi chúng ta hãy xua tan bóng tối của bất công, hận thù, nghèo đói với ánh sáng của tình thương cứu độ.

Như Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa để biến họ thành chứng nhân Nước Trời, nay Người cũng muốn chúng ta mang ngọn lửa tình yêu, thanh luyện và sưởi ấm các tâm hồn.

Mahatma Gandhi, vị thánh của Ấn Độ đã nhận định rất sâu sắc về ngọn lửa tình yêu này như sau:  “Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu.  Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh.”

*************************

Lạy Chúa, xin đốt lên trong chúng con ngọn lửa từ trái tim yêu thương của Chúa, để chúng con soi sáng những ai còn ngồi trong tối tăm, sưởi ấm những kẻ đang lạnh lùng, thanh luyện những cõi lòng chai đá, để khắp nơi trên trái đất này tràn đầy ánh lửa tình yêu Chúa.

Thiên Phúc

NGƯỜI THIÊN THAI GIỮA TRẦN AI

Theo thị kiến của thánh nữ Catherina Emmerich về cái chết của Mẹ Ma-ri-a thì Mẹ mất vào khoảng 80 tuổi đời.  Các Thánh Tông Ðồ lo liệu táng xác Mẹ vào một hang mộ.  Thánh Tô-ma khi ấy đang đi công tác rao giảng Tin Mừng ở Ấn độ trở về chậm mất mấy ngày.  Trong cơn đau đớn của người con bị mất Mẹ mà ông hết dạ kính yêu, ông đòi phải mở hầm mộ ra cho ông được nhìn lại Mẹ của ông lần cuối để ông đành lòng cam chịu ý nghĩ người Mẹ muôn vàn yêu quý đã thực sự qua đời. Các Thánh Tông Ðồ đành phải lăn tảng đá bít kín ngôi mộ của Mẹ Ma-ri-a theo sự đòi hỏi đáng thương của Thánh Tô-ma.

Và người ta thấy ngôi mộ trống trơn.  Không còn di hài của Mẹ ở trong đó nữa, không còn dấu vết hình hài người Mẹ cao cả đã từng nửa thế kỷ sống bên cạnh những người con Tông Ðồ, trong ánh nắng hồng của miền Ga-li-lê hay trong ánh nến biếc của Giáo hội sơ khai giữa những đêm nguyện cầu. Vậy mà phút chốc người ta không còn tìm thấy Mẹ đâu nữa, phần mộ thế gian không cất giữ được tấm hình hài thiêng liêng của Mẹ.  Mẹ đã thực sự đi vào không gian tâm tưởng hoài niệm của các con Mẹ.

Trong cuộc đời của chúng ta cũng thường chứng nghiệm được điều này:  là khi một người thân yêu của ta đã mất đi, chính lúc ấy ta thực sự biết rằng người đó đang sống hơn bao giờ hết trong lòng ta, và luôn luôn gần gũi bên ta mãi mãi.

************************

Tuy nhiên Ðức Mẹ không chỉ bất diệt trong tâm hồn thánh Tô-ma và các Thánh Tông Ðồ khi họ không còn thấy lại thân xác của Mẹ trong mồ nữa, mà từ đó Mẹ Ma-ri-a đã hiện ra khắp nơi trên trái đất, từ phương Ðông cho đến phương Tây, từ phương Nam cho chí phương Bắc, Mẹ không để cho con cái loài người của Mẹ lâm cảnh bơ vơ côi cút.  Từ hai ngàn năm nay, cách riêng trong thế kỷ hai mươi, Mẹ đã hiện ra đến 300 nơi chốn trên toàn thế giới.

Từ Lourdes đến Fatima Bồ-đào-nha năm 1916-1917, là trọng tâm của Sứ Ðiệp kêu gọi Ăn năn hối cải.  Lần chuỗi Mân Côi.  Ðền tạ Thánh Thể.  Sống khiết tịnh.

Trong khi nhân loại đang trên bờ vực tự hủy diệt vì muôn ngàn tội lỗi, Mẹ đã cho biết trước Thế Chiến Thứ I sẽ kết thúc và kế tiếp Thế Chiến thứ II sắp xảy ra vô cùng thảm khốc và ngày 13.7.1917 Mẹ hứa cùng 3 em bé Jacintha, Lucia và Francisco ở Fatima “Ta sẽ cho nước Nga được trở lại”, kèm theo nhiều phép lạ cả thể.

Mẹ cũng đã hiện ra liên tiếp nhiều nơi khác để loan báo cùng một sứ điệp mang lại sự hòa giải cho loài người.  Ðã biết bao lần Mẹ đã xoay chiều hướng đi của lịch sử nhân loại qua những sự can thiệp bất ngờ của Ðức Mẹ trong kế đồ mưu sự hòa bình cho thế giới.

Sứ điệp yêu thương của Mẹ trải dài thiên thu nhật nguyệt.  Riêng ở Việt Nam chúng ta có Ðức Mẹ Trà Kiệu, Ðức Mẹ La Vang 1798.  Mẹ hiện ra trong cơn cấm cách bắt đạo thời triều Nguyễn, để cứu các tín đồ Thiên Chúa giáo và ban nhiều phép lạ cứu giúp hơn hai trăm năm nay cho cả người ngoại đạo.

************************

Như vậy, chỉ trong khoảnh khắc sự kiện thân xác của Ðức Mẹ không còn được trông thấy trong mộ phần thế gian được sáng tỏ đến thiên thu.  Thiên Chúa muốn cho toàn thể con cái loài người trên hoàn vũ đều được chiêm ngưỡng sức sống cứu độ trên dung nhan yêu kiều diễm lệ của Mẹ Người, có nghĩa là sau cuộc sống trần gian “Ðức Ma-ri-a được Thiên Chúa đem lên Trời cả hồn lẫn xác.”

Giáo hội La Mã ngày 15.8 năm 650 đã chính thức cử hành Ðại Lễ mừng Kính “Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời”.  Năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Pio XII trong Ðịnh Tín Vô Ngộ đã xác nhận:

“Ta xác nhận, tuyên bố và định tín rằng đây là một Tín điều do Thiên Chúa mạc khải, là Mẹ Thiên Chúa vô nhiễm, Ðức Ma-ri-a trọn đời đồng trinh, sau khi kết thúc cuộc sống của người trên dương thế, đã được đem cả hồn xác lên hưởng vinh quang Thiên Quốc.”

Ðược giữ gìn tinh sạch khỏi mọi vết nguyên tội và sau khi đã hoàn tất cuộc đời trần thế, Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm nữ vương Vũ trụ, để nên giống Con Ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa, Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.

Với hình ảnh Người Mẹ đi về không ngớt từ hai ngàn năm nay, Mẹ Ma-ri-a đã cùng với thế giới ẩn tàng trong một chân lý duy nhất:  Con người phải thực hiện sự sống toàn diện của nó và chỉ có thể an trú trong cõi vô cùng.

Mẹ không ngớt kêu xin người tội lỗi ăn năn trở lại, bởi vì trong tội lỗi con người đã tự mình đứng về phía hữu hạn, chống lại cõi vô hạn vốn là nguyên ủy của chính bản thân mình.  Bởi cho cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ, con người từ khi sinh ra luôn thấy khát khao vẻ đẹp và nguồn vui, nhưng có sống muôn triệu năm con người vẫn thường thấy mình thiếu thốn.  Những lạc thú trong đời tự nó không có gì nhiều, chỉ do lòng ham muốn của ta biến đổi nó thành ảo tượng.  Do đó con người luôn tự biết mình cần một cái gì rộng lớn hơn, bởi sống mãi cùng sự kém cỏi hơn mình là một điều đau khổ sâu xa.  Giữa cuộc đời này cưu mang nơi nó cùng lúc sự chết và sự sống, sự ác và sự thiện, bóng tối và ánh sáng, những điều cực tiểu và cực đại, ti tiện và cao quý, tủi nhục và vinh quang, đau khổ và phúc lạc, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại mẫu người thiên thai là Mẹ Ma-ri-a, để dạy cho ta biết thương yêu, biết cho đi hết cái tôi phàm trần dòn mỏng của mình, bởi tự kỷ chúng ta không được hoàn bị, chúng ta còn phải tiến đến sinh thành.  Nếu cứ phải lặp đi lặp lại hằng hà sa số những kiếp làm người trần ai, hẳn ta phải tưởng tượng ra cái vô cùng tận kinh hoàng của luân hồi địa ngục.

Mẹ Ma-ri-a là người nữ đầu tiên của loài người đã thưa “Xin Vâng” cùng Thiên Chúa.  Mẹ nhận lãnh công việc của Thiên Chúa, với sứ mạng làm Mẹ Chúa Giê-su, ngay khi tại thế, Mẹ chính là Ơn Cứu Rỗi.  Thiên Chúa ngụ trong Mẹ, và Mẹ đã ở trong Người.  Ðể xóa bỏ thân phận ngục tù thế gian cho chúng ta, Mẹ đã từ khước bản thân mình, phó thác trọn vẹn, với ý chí mãnh liệt dấn thân giữa trần thế, nhưng với bản ngã thần linh.  Thật vậy, cái gọi là tri thức của con người không bao giờ có thể chiếm hữu được cái hữu thể vô hạn của chúng ta, vốn không thể mãn nguyện trong biên giới của tự nhiên, và phải cảm nhận được cái vô cùng mà ta biết rằng không bao giờ ta nắm bắt được bao lâu ta còn ở trong trần thế.

Vậy mà lạ thay, đó mới thật sự là hạnh phúc!  Ðó là một cái gì lớn hơn, cái mà mình không bao giờ mong có được, một mối mơ không bao giờ mất, bởi trong thân phận làm người, chúng ta đã từng có được gì đâu.

Ngày 15.8 Lễ Ðức Mẹ Lên Trời Hồn Xác chính là ngày đại lễ ước mơ của mỗi người chúng ta, bởi chúng ta được thông phần ơn cứu chuộc và thánh hóa cùng Ðức Mẹ.  Sứ điệp của Mẹ từ hai ngàn năm nay là chiếc tàu Nô-ê của chúng ta.  Cho nên để đón nhận nước Thiên Chúa ngay giữa trần gian này ngõ hầu chuẩn bị ngày Chúa quang lâm, chúng ta hãy nên như trẻ thơ chỉ biết yêu mến và cậy trông vào Mẹ, xin Mẹ dạy ta hai tiếng “Xin Vâng”, vượt thoát mọi lý lẽ, mọi hoàn cảnh thế gian.  Lời Kinh Mai Khôi vang lên qua bao thế kỷ, lan tỏa khắp mọi không gian, cho tất cả hiện tại trở thành vĩnh hằng, chúng ta đi theo Ðấng đã “Xin Vâng”, Ngôi Lời ở trên môi, nào có xa vời, vốn không hề nơi đâu khác.

Chúng ta chiêm ngắm đường đi nẻo về của Người Mẹ tôn nghiêm và vĩnh cửu, Người Mẹ đẹp tuyệt trần, lồng lộng cao sang trên đường mây cánh gió.  Mắt Mẹ dịu dàng tĩnh hư âu yếm, trong đáy mắt u hoài thiên thu thần thoại, tàng ẩn nơi chốn được ban tặng trọn vẹn yêu thương viên mãn.

Với mầu nhiệm Ðức Mẹ lên trời hồn xác, tôi xác tín được rằng Thiên Chúa không hề phân ly với sáng tạo của mình.

Lược trích từ Maria Martin Thanh Sâm – Vietcatholic.net

SAI LẦM CỦA NGƯỜI THẦU KHOÁN

Một người cha đến dự phiên họp giữa thầy cô và phụ huynh trong một trường trung học ở Chicago. Trong lúc nói chuyện với thầy giáo, người cha đã bật khóc nức nở.  Sau khi lấy lại bình tĩnh, người cha xin lỗi và nói: “Con tôi không còn sống chung với tôi nữa.  Nhưng tôi vẫn yêu thương cháu và tôi muốn biết việc học hành của cháu như thế nào.”

Sau đó ít lâu người cha cho biết thêm là vợ ông và bốn đứa con đã không còn sống bên ông nữa. Ông là một nhà thầu khoán xây cất thành công và rất bận rộn với công việc, nhiều khi ông phải làm việc đến 14, 15 giờ một ngày. Đương nhiên, với sự bận rộn của công việc như vậy, ông ít gặp gia đình vợ con, và dần dà ông càng xa vợ con hơn.

Một thời gian sau đó, người cha nói lên một điều thật buồn thảm :”Tôi muốn mua cho vợ con tôi những gì mà tôi hằng mơ ước mua cho họ.  Nhưng rồi tôi quá bận tâm làm ăn đến độ tôi quên đi điều mà gia đình tôi cần đến nhất:  đó là một người cha, một người chồng luôn có mặt trong gia đình hằng đêm để yêu thương và nâng đỡ vợ con.”

* * * * *

Bạn thân mến,  chúng ta có thể quá bận tâm làm việc đến độ quên đi lý do tại sao chúng ta làm việc. Chúng ta có thể quá bận tâm đến đời sống đến độ quên đi mục đích của đời sống.  Chúng ta có thể quá bận tâm theo đuổi những gì có thể mua được bằng tiền bạc mà quên đi những gì tiền bạc không thể mua được.

Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới thật khác biệt. Thật dễ để đánh mất sự quân bình trong thế giới ngày nay. Thật dễ để đánh mất cái nhìn xa trông rộng. Thật dễ để xáo trộn những gì là ưu tiên. Thật dễ để đánh mất khả năng nhận ra những gì cần làm và tại sao chúng ta làm công việc ấy.

Trong thế chiến thứ hai, một người lính trẻ trấn đóng ở hòn đảo Saipan thuộc Nam Thái Bình Dương cho biết trong thời gian nghỉ ngơi, anh và bạn hữu đến bơi ở một bờ biển vắng vẻ kín đáo ngay ở mé hòn đảo.  Đó là một nơi thật đẹp có núi đá bao quanh.

Khi đến nơi, họ thấy nước thật trong đến nỗi có thể nhìn thấy cá bơi lội sâu dưới nước cả 10 feet. Tuy nhiên, sau khi họ bơi lội chừng một tiếng đồng hồ, nước trở nên đục ngầu vì cát bị khuấy động, họ không còn nhìn thấy được dưới đáy dù chỉ cách có một feet.  Nhưng ngày hôm sau, khi họ trở lại, cát đã lắng đọng, nước lại trong trẻo như trước.

Tâm trí chúng ta cũng như vũng nước đó. Nó cũng có thể vẩn đục vì những biến động trong cuộc sống hằng ngày khiến chúng ta không còn nhìn thấy rõ ràng. Chúng ta mất khả năng nhìn thấy mọi sự:  quan điểm của chúng ta trở nên mù mờ; những ưu tiên của chúng ta trở nên hỗn độn; sự quân bình của chúng ta đã bị mất.

Khi điều này xảy ra, việc chúng ta cần làm là tạm ngừng tất cả và để nước đục của tâm trí trở nên trong trẻo lại.  Chúng ta cần ngồi dưới chân Đức Giêsu trong sự thinh lặng cầu nguyện. Chúng ta cần để Người dạy chúng ta biết điều gì là quan trọng và điều gì là không đáng kể.

Điều này nêu lên một câu hỏi: Nếu chúng ta quá bận rộn đến độ mất cả thói quen cầu nguyện thì sao? Nếu chúng ta không biết thinh lặng cầu nguyện dưới chân Đức Giêsu thì sao?  Chúng ta có thể làm gì để biết cách cầu nguyện?

Thật may mắn là chúng ta có thể thi hành vài điều gì đó. Và chúng ta có thể bắt đầu ngay vào tối hôm nay. Chúng ta có thể áp dụng phương pháp cầu nguyện thật đơn giản, nó đã từng giúp đỡ nhiều người như chúng ta để thực tập thói quen cầu nguyện và biết được nghệ thuật cầu nguyện: Việc cầu nguyện đơn giản đó là:

Mỗi đêm trước khi đi ngủ, chúng ta cần dành ra ba phút để làm ba điều:

– Thứ nhất, hãy thinh lặng và nhớ lại những gì đã xảy ra trong ngày. Chúng ta nhớ đến các điều tốt đẹp khiến chúng ta vui sướng, thí dụ như nhận được thư của người thân yêu . Sau đó, chúng ta thành thật nói với Đức Giêsu về điều đó, và hãy cảm tạ Đức Giêsu vì lá thư ấy.

– Trong phút thứ hai, hãy nhớ đến những gì xảy ra trong ngày. Nhưng lần này hãy nhớ đến điều không tốt, điều làm chúng ta hối hận, thí dụ như la hét cha mẹ, vợ chồng hay con cái.  Chúng ta nói với Đức Giêsu về khuyết điểm này và xin ơn tha thứ và chữa lành.

– Sau cùng, trong phút thứ ba, Hãy nhìn đến ngày hôm sau, nghĩ đến một vài điều quan trọng phải làm, thí dụ như việc nói chuyện ôn hòa với cha mẹ, vợ chồng hay con cái… Chúng ta nói với Đức Giêsu về điều đó và xin Người soi sáng, thêm sức mạnh để chúng ta có thể thi hành một cách tốt đẹp.

Phương cách cầu nguyện đơn giản này đã giúp nhiều người tìm được thói quen cầu nguyện và học được nghệ thuật cầu nguyện.  Điểm tuyệt vời của phương cách cầu nguyện này là không những giúp chúng ta có quan hệ tốt với nhau trong đời sống thực tế  hằng ngày mà còn giúp chúng ta có liên kết chặt chẽ với Đức Giêsu.

* * * * *

Lạy Chúa,
Xin giúp chúng con đừng quá bận tâm đến đời sống mà quên đi lý do tại sao Ngài đã ban sự sống cho chúng con.
Xin giữ chúng con đừng quá bận tâm đến đời sống mà quên đi mục đích của nó.
Xin giữ chúng con đừng quá theo đuổi những gì mà tiền bạc có thể mua được rồi quên đi những gì tiền bạc không thể mua được.  Amen

LM. Mark Link, S.J.

CHIẾC ÁO TỪ NHÂN

Marie Paranov, một bá tước phu nhân người Nga, đang trên đường đi Menton, bên Ðức để chữa bệnh lao phổi.  Ngồi một mình trong toa xe lửa bà cảm thấy cô đơn lạc lõng.  Người lão bộc Ivan cùng đi, chỉ đến toa của bà thăm hỏi và chờ lệnh của bà ở mỗi lần xe ngừng lại tại trạm nghỉ mà thôi.

Ðêm xuống dần trong khi tàu vẫn chạy nhanh, phu nhân cảm thấy khó ngủ nên bà mở ví ra trút hết những đồng tiền vàng trên lòng bàn tay và bắt đầu đếm, vì chồng bà đã cho bà một số tiền để hộ thân. Bỗng, bà cảm thấy một luồng gió lạnh tạt vào.  Ngẩng lên, bà bắt gặp một người đàn ông cao lớn, ăn mặc chỉnh tề lịch sự và bị thương ở tay đi vào toa xe của bà.  Ông ta đóng cửa lại và nhìn bà với đôi mắt đen nhánh.  Bà run sợ quá đến nỗi những đồng tiền vàng rơi xuống sàn tàu.  Người lạ mặt nhìn những đồng tiền vàng ấy và cúi xuống nhặt lên.  Thừa cơ hội, bá tước phu nhân đứng dậy chạy ra phía cửa sổ định nhảy xuống tàu.  Biết ý định của bà, ông ta nắm giữ bà lại và xin bà ngồi xuống rồi nói:

– Thưa bà, hãy nghe tôi. Tôi không phải là tên gian phi, tôi nhặt tiền này để trả lại cho bà.  Tôi sẽ chết nếu bà không giúp tôi qua khỏi biên giới.  Khoảng một giờ sau tôi phải có mặt ở trạm cuối cùng của nước Nga, mười phút sau đó tôi phải có mặt ở một nước khác.  Nếu bà không cứu giúp tôi, tôi sẽ bị bắt, tôi không thể giải thích tại sao, nhưng xin bà hãy tin tôi.  Tôi không sát nhân, không trộm cắp, không làm điều gì sai quấy.  Tôi lấy danh dự thề với bà, xin bà hãy cứu giúp tôi.

Bà bá tước phu nhân lặng thinh, lấy lại bình tĩnh dần dần, còn ông ta thì ngồi bất động mắt nhìn về phía trước.  Thỉnh thoảng, bà liếc nhìn ông thật nhanh.  Tàu lướt chạy nhanh trong đêm tối rồi dừng lại ở một trạm nghỉ.  Người nô bộc Ivan đến cửa toa để nhận lệnh của bà.  Bà nhìn người bạn đồng hành xa lạ rồi nói với lão nô bộc:

– Ivan, ta không cần ngươi theo ta đến Menton nữa, hãy lấy tiền này mà mua vé trở lại Saint Petersburg. Cảm ơn lão đã giúp ta, hãy cho ta cái áo khoác, cái mũ và cái giấy thông hành của lão.

Người nô bộc không hiểu chuyện gì đã xảy ra.  Nhưng theo lệnh của chủ, ông lột mũ, cởi áo khoác và trao giấy thông hành cho bà rồi ra đi.  Bá tước phu nhân nói với người khách lạ:

– Hãy mặc áo, đội mũ vào. Bây giờ ông là Ivan, người nô bộc của tôi.  Tôi chỉ cần điều kiện duy nhất là việc gì tôi làm cho ông, ông không được nói gì cả.  Tôi không muốn bất cứ điều gì ngay cả khi ông chỉ nói với tôi một tiếng cám ơn.

Người khách lạ gật đầu, không nói một câu, im lặng làm theo ý bà.  Chẳng bao lâu, tàu dừng lại lần nữa, nhiều cảnh sát đi vào toa. Bá tước phu nhân kiêu hãnh nói với họ:

– Tôi là bá tước phu nhân Paranov ở Saint Petersburg, và đây là người đầy tớ Ivan của tôi.

Bà đưa cho viên sĩ quan coi giấy thông hành.  Xem xong, họ trả lại bà.  Trong đêm đó, hai người đều im lặng.  Sáng hôm sau, tàu ngừng tại Menton.  Ðây là trạm cuối cùng. Hai người chào từ giã nhau mà không nói với nhau một lời.

**********************

Tất cả những diễn biến trong chuyến tàu đêm ấy đã phát xuất từ trái tim đầy từ bi và nhân hậu của bá tước phu nhân.  Chiếc áo khoác của người nô bộc Ivan đã trở thành chiếc áo từ nhân khoác lên một người cần lòng bao dung cứu giúp.  Chiếc áo từ nhân ấy đã trở thành chiếc áo an toàn cho một người cần vượt biên giới.  Trước một người van nài lòng thương xót, chiếc áo nô bộc đã trở thành chiếc áo từ nhân.

Biết bao nhiêu người chung quanh chúng ta đang cần một chiếc áo từ nhân để mong được sự an toàn trong cuộc sống, vượt qua biên giới sự xấu để trở thành một người tốt.  Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới duy vật và thực nghiệm, mọi sự đều phải được kiểm chứng rõ ràng, dùng kiến thức để suy luận, dùng máy móc để phân định, dùng phán đoán của đám đông để kết luận, nhưng chỉ có tình người mới đo được chiều sâu và hiểu được hành động và ngôn ngữ của yêu thương.

Trong cái nhìn đức tin của kitô giáo, mỗi người sinh ra trên cõi đời này là một giá trị độc nhất, bởi vì mỗi người đều mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa.  Giàu sang, nghèo hèn, thông minh hay ngu đần dốt nát, tất cả mọi người đều bình đẳng trong phẩm giá và nguyên vị khác biệt bất khả xâm phạm.  Một con người dù có lầm lỗi bất toàn về thể xác cũng như tinh thần thì từ thâm sâu của cõi lòng họ vẫn còn ấp ủ một dấu tích tốt lành.  Hãy trao tặng nhau những chiếc áo từ nhân, càng trao ban chúng ta càng lớn lên trong nhân cách.  Thiên Chúa yêu thương đã bao phủ trên chúng ta biết bao nhiêu chiếc áo từ nhân của Ngài.  Hãy nghĩ đến những hồng ân đó mà sẵn sàng trao ban một nhân ái, một ánh mắt cảm thông, một cử chỉ tha thứ, một lời nói xây dựng, một trang viết kính trọng.

**********************

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con luôn mau mắn khoác chiếc áo từ nhân cho những người gần chúng con nhất từ trong gia đình, nơi trường học, tại công sở, nơi phố phường, chốn công viên.  Nhờ đó, chúng con sẽ có một thái độ, một cái nhìn khác về đạo đức và luân lý hợp với lẽ đạo làm người như Ðức cố hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Khi con sống trọn đạo làm người, là con sống trọn đạo Chúa”.  Amen!

R. Veritas

TIN LÀ SỐNG

“Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay” (Lc 12:35).

Bản thống kê mới nhất của Liên Hiệp Quốc cho hay cứ trung bình mỗi ngày trên thế giới có khoảng 270 ngàn người chết: chết vì bệnh tật, bom đạn, hoạn nạn, thiên tai… Có lắm người chết vì bị hạ sát, nhưng cũng không thiếu người chết vì tự sát.  Có nhiều kẻ chết do người khác gây ra như vụ nổ bom toà đại sứ Mỹ ở Nairobi, Kenya, vụ tàn sát tập thể tại Nam Tư, song cũng không thiếu kẻ chết vì tai hoạ thiên nhiên như lũ lụt tại Trung quốc, sóng thần tại New Guinea, đất động tại Ấn độ.

Mỗi ngày có 270 ngàn người chết.  Như thế mỗi giờ có trên 10 ngàn người, và mỗi phút có gần 200 người phải rời khỏi thế gian.  Nhưng thử hỏi: “Rời thế gian để đi đâu?”  Đi vào cõi nửa thực nửa hư như người Do thái hằng quan niệm?  Đi vào cõi thinh không hư vô, hoặc đi đầu thai ở một kiếp khác? Hay chết là hết?

***************************

Nếu nói chết rồi sẽ đi đầu thai kiếp khác thì e rằng người ta chẳng cần phải quan tâm lo lắng về đời sống ăn ngay ở lành làm gì.  Vì có kẻ cho rằng: “Tại sao không ăn chơi hưởng thụ cho thoải mái để bù lấp những ngày cơ cực.  Nếu không may sau này có bị đầu thai làm kiếp trâu bò lừa ngựa, thì cũng không thành vấn đề, bởi vì hiện nay cũng từng phải vất vả quần quật, ‘cày bừa’ tối ngày nên có kinh nghiệm rồi.”  Có người còn tâm sự: Ở Việt nam còn được sinh ra trong tuổi con rồng, con gà hay con rắn…, chứ qua bên Mỹ, dường như ai cũng cầm tinh giống nhau: tinh con trâu.  Vì ai cũng phải đi cày tối ngày.  Thế nên nếu có đầu thai làm kiếp trâu bò, tưởng cũng không đáng ngại ngùng.

Thành ra nếu chết rồi đi đầu thai kiếp khác thì không công bằng và đáp ứng xứng hợp với nhân phẩm cao cả của con người chút nào. Với lại thú vật thì đâu có tri thức để phân biệt đúng sai, lành dữ, và như thế làm sao chúng có dịp chọn lựa hay từ khước, lập công hay phạm tội?  Làm sao có cơ may để đi đến một kiếp tốt hơn hay xấu hơn?

Còn nếu nói chết là hết thì càng bất công và xúc phạm đến phẩm giá con người cách khủng khiếp. Chính chủ nghĩa vô thần, những triết thuyết cộng sản và chủ nghĩa hưởng thụ đã đưa con người đến với khái niệm chết là hết đầy bất nhân kia.

Nếu chết là tận tuyệt thì tội tình chi người ta phải hy sinh hãm mình, ăn ngay ở lành, quảng đại tha thứ, hay từ tâm nhân ái?  Nếu chết là hết thì dại gì người ta phải dấn thân tu hành, đi lễ giữ luật cho vất vả?

Nếu chết là hết thì đúng là con người đang sống trước một ngõ cụt vô cùng bất công. Bởi vì rồi đây người lành kẻ ác cũng như nhau, người dấn thân phục vụ yêu thương nhân loại cũng chẳng hơn gì kẻ gây tang thương khốn khổ cho bao người.

Nếu chết là hết thì tôi phải tỉnh thức làm chi, ngày Chúa đến hay không nào có quan hệ gì.

Nhưng không. Ngàn lần không! Chết không phải là hết.  Niềm tin Kitô giáo xác quyết chết là bước vào một cuộc sống mới và đời đời.  Trong cuộc sống đó tôi sẽ khổ đau ngàn thu hay hạnh phúc đời đời tùy thuộc vào cung cách sống niềm tin hiện nay của tôi.  Như thế tôi cần phải tự vấn: niềm tin của mình đang ngủ vùi, chìm đắm, hay tỉnh thức hoạt động?  Nó đang sống hay đã chết tiệt rồi?

***************************

Cách đây không lâu, trên chương trình truyền hình Public Eye có trình chiếu một vụ xử án rất cảm động.  Số là cách đây 19 năm, một tài xế xe truck say rượu đã gây ra tai nạn và làm cho em bé tên Joseph V. mới được một tuổi phải mang thương tật suốt đời. Suốt 19 năm qua, bé Joe, nay là một thanh niên 20 tuổi, đã phải sống trong cay đắng tủi hờn.  Đi đâu cũng bị kinh tởm ruồng rẫy.  Gia đình cũng đã phải chia sẻ nỗi đau khổ không kém.

Mới đây, người tài xế, sau thời gian dài lẩn trốn, đã bị bắt lại và đem ra xét xử.  Tại toà, trước khi vị chánh án buộc tội, các nạn nhân và những người liên hệ được phép tiến lên phát biểu cảm tưởng, trong đó có anh Joe.  Nhiều tâm tư – căm thù, uất hận, thương cảm – đã được phát biểu, nhưng có ba tâm tư đã làm cho tôi khó quên.

Người bố của anh Joe tiến lên trước toà và nói: “Trong suốt 19 năm qua, tôi không biết nên cầu cho con tôi sống hay xin cho nó chết.  Cầu cho sống thì quả là đau khổ cho nó quá, bởi vì sau khi tại nạn xảy ra hai cánh tay con tôi bị cắt cụt, chỉ có khúc xương và cục thịt lủng lẳng ở hai đầu cánh tay. Gương mặt bị phỏng nặng và biến dạng.  Môi cũng như mí mắt không còn nữa.  Da thì chảy ra nên không còn hình thù của một gương mặt con người, đến nỗi các đứa bé khác khi nhìn vào thì tưởng là nó đeo mặt nạ.  Bước đến đâu con tôi cũng bị kinh tởm hất hủi.  Cho nên tôi không biết có nên cầu cho nó sống không.  Còn cầu cho chết thì tôi không thể, vì tôi là người tin Chúa, nên tôi không thể cầu cho ai chết được hết”.

Đến phiên người mẹ của Joe bước lên trước máy vi âm.  Bà nói: “Trong suốt 19 năm qua tôi đã phải đau cái nỗi đau của con tôi.  Ví dụ lúc được 5 tuổi Joe hỏi tôi: “Mẹ ơi khi nào thì các ngón tay của con không mọc ra hả mẹ?”  Hay lúc được 8 tuổi, bé đã thắc mắc: “Mẹ ơi, sao da của con không được trơn như của mẹ hay của mấy em vậy?’”  Người mẹ vừa thổn thức vừa nói tiếp:  “Tôi không biết phải trả lời thế nào chỉ biết ôm lấy con tôi mà khóc, mà thương nó thôi.”

Cuối cùng anh Joe cũng tiến lên để nói những lời có tính cách quyết định cho bản án.  Anh hướng về phía người tài xế và nhẹ nhàng nói: “Thưa ông, nếu không có đức tin thì có lẽ tôi đã kết thúc đời mình từ lâu rồi.  Đời tôi sẽ bị kết thúc bởi sự chối từ kinh tởm của người khác, hoặc khi tôi chợt nhìn vào trong gương và thấy được nét mặt kinh khủng của mình.  Nhưng tôi không muốn hủy diệt đời mình trong sự thù hận ghen ghét.  Tôi không thù ông, không giận ông và cũng không kết án ông.  Tôi chỉ xin nói với ông một điều cuối cùng này:  bất cứ chuyện gì có xảy đến thì cũng hãy biết rằng ơn phúc của Thượng đế vẫn hằng tràn đầy trên chúng ta, vì Ngài yêu thương chúng ta.”

***************************

Tôi tự hỏi: Do đâu mà một chàng thanh niên đầy bất hạnh lại có thể nói lên được những lời đầy khích lệ, yêu thương và tha thứ như vậy?  Nhờ đâu mà cha mẹ anh Joe có thể can đảm cảm thông và gánh vác nổi đau khổ của đời mình và đời con như vậy?  Tựa vào đâu mà họ có được sức mạnh để yêu thương và duy trì sự sống chứ không tận diệt hay khước từ như vậy?

Câu trả lời duy nhất chính là nhờ vào đức tin – một đức tin tỉnh thức và sống động, một đức tin được tôi luyện qua năm tháng và những bước thăng trầm trong cuộc đời.  Những câu nói của ba con người trên kia đã xác quyết điều đó.

Thế giới, gia đình và lương tâm của nhiều người đang ngủ vùi trong hận thù, chôn sâu trong chiến tranh, sa đoạ trong các đam mê hưởng thụ trần tục.  Chính vì sự hưởng thụ thiếu ý thức và vô trách nhiệm của người tài xế kia đã gây nên bao khổ đau cho người khác, nhưng chính nhờ niềm tin vào chân lý yêu thương mà người ta đã tồn tại để xoa dịu bao nhiêu u sầu và đem lại hạnh phúc cho nhiều tâm hồn.

Hạnh phúc và sự sống phát xuất từ niềm tin tỉnh thức như vậy chắc chắn không bị chấm dứt với cái chết, không bị đi vào hư không trống rỗng, cũng chẳng phải đầu thai kiếp này hay kiếp khác, nhưng sẽ tồn tại đến muôn đời trong tình yêu của Thiên Chúa.

Lm Bùi Quang Tuấn CSSR

***************************

Lạy Chúa, con tin Thiên Chúa tạo dựng nên muôn loài muôn vật.  Con tin Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa đã đến thế gian để cứu chuộc tội lỗi con.  Con tin Chúa Thánh Thần vẫn âm thầm làm việc để giúp con mở lòng đón nhận Lời Chúa.  Con tin có đời sau và tin Con Người sẽ đến vào giờ phút bất ngờ nhất.  Xin cho con biết sống và làm chứng cho niềm tin đó.  Amen!