HẠI ĐẤT

zzĐiều làm chúng ta khó sám hối đó là cảm thấy mình ở trong tình trạng an toàn.

Đức Giêsu nói về hai biến cố nóng hổi tính thời sự, một do sự tàn ác của Philatô, một do tai nạn lao động.  Cả hai đều dẫn đến cái chết thảm khốc: những người Galilê bị đổ máu ngay lúc dâng lễ ở Đền Thờ, mười tám người chết vì bị tháp Silôa đè bẹp.  Vào thời Đức Giêsu, họ bị coi là kẻ có tội, bị Chúa phạt.  Những người khác dễ nghĩ mình vô tội, vì còn được bình yên.  Điều này đưa đến sự tự hào và an toàn giả tạo.

“Đừng tưởng…”: Đức Giêsu đưa ta ra khỏi ảo tưởng về mình.  Ngài nhắc mọi người sám hối vì biết ai nặng tội hơn ai.  Lúc còn được sống yên lành là lúc cần hoán cải.  Có thể đây là cơ hội cuối cùng, trước khi cái chết ập xuống.

Cây vả trong dụ ngôn cũng ở trong tình trạng an toàn.  Nó không cho trái độc, không làm hại nho, không phá cảnh quan.  Nó chỉ phạm một tội thôi: tội làm hại đất, tội sử dụng đất màu mỡ mà không sinh trái.

Chúng ta có thể cảm thấy an toàn như cây vả cằn cỗi.  Tự hào vì mình không làm điều xấu, chẳng làm hại ai, nhưng lại quên rằng mình đã phạm tội không làm điều tốt, những điều tốt có thể làm được và phải làm.  Có bao nén bạc Chúa giao không được đầu tư (Mt 25,18), bao người túng thiếu mà ta không giúp đỡ (Mt 25,42).

Khi không làm điều tốt cho đời, cho người, ta tiếp thêm sức mạnh cho sự dữ tung hoành.

Sống đạo không phải chỉ là lo tránh tội, mà còn là tích cực gieo rắc phát huy cái tốt.  Một Kitô hữu sống an phận, cằn cỗi là một phản chứng.  Thế giới cần những Kitô hữu dấn thân biết bao!

Dụ ngôn cây vả cho ta thấy khuôn mặt Thiên Chúa.  Chúa Cha là người chủ vườn kiên nhẫn: “Đã ba năm nay…” Ngài đã nuôi bao hy vọng: “Tôi ra tìm trái mà không thấy”.

Quyết định chặt cây chỉ đến sau những lần hụt hẫng.  Ngài chỉ phạt khi đã làm đủ cách để lay động tim ta.

Chúa Giêsu là người làm vườn kiên nhẫn không kém: “Xin ông cứ để nó lại năm nay nữa”.  Ngài không ngừng ấp ủ chút hy vọng mong manh: “Tôi sẽ vun xới, bón phân, may ra sang năm nó có trái”. Nhưng đừng quên lời đe dọa cuối cùng: “Nếu không ông chủ cứ chặt nó đi”.

Kiên nhẫn, hy vọng, chăm bón, nhưng cương quyết đòi hỏi: đó là thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân.  Đức Giêsu vừa thôi thúc chúng ta mau mau hoán cải, vừa chấp nhận cho ta có thời gian trì hoãn.

Hoán cải là đón lấy những săn sóc tế nhị của Chúa, là đừng để thui chột những ơn lành Ngài ban.  Mùa Chay không phải chỉ là để thú tội, mà còn thú cả sự cằn cỗi, ì ạch của mình.

Ước gì cây đời của ta có nhiều trái hơn và ngọt hơn.

********************************************

Lạy Chúa Giêsu, xin dẫn con vào nhà của con, căn nhà của trái tim, căn nhà vừa quen vừa lạ.
Xin hãy cho con thấy những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co, những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy những nhỏ mọn, ích kỷ, những yếu đuối, khô khan, những cứng cỏi và tự ái nơi con.
Xin cho con ý thức những lo âu, sợ hãi đang đè nặng làm con ngột ngạt, những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui, những vết thương không biết bao giờ lành, những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn, hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người, bằng trái tim bao dung của Chúa.  Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình, trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn để yêu mến mọi người.  Amen!

Trích trong “Manna”

 

TIẾNG GỌI TRONG TÂM HỒN

zzMỗi người chúng ta ai cũng đã trải qua sự cảm nghiệm của một tiếng gọi.  Tiếng gọi đó có thể là tiếng sét ái tình của cuộc đời hay là nỗi bâng khuâng của sự chọn lựa một nghề nghiệp, một ngành chuyên môn, hay một hướng đi.  Có những tiếng gọi trong cuộc sống chúng ta không thể nào chối bỏ.

Có những tiếng gọi chúng ta cần phải theo dù biết rằng đáp trả tiếng gọi đó sẽ cho chúng ta những giằng co, khắc khoải, bị ruồng bỏ, và những nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn.  Có những tiếng gọi trong thâm tâm chúng ta không hề để ý đến, và như thế suốt cuộc hành trình trong đời chúng ta luôn đi tìm kiếm, luôn khắc khoải khôn nguôi.  Cuộc đời là thế đấy! Mỗi người chúng ta đều có cuộc hành trình riêng của mình và không ai có thể đi con đường đó giúp chúng ta.

Mỗi người chúng ta được tạo dựng bởi Thiên Chúa, và khi tạo dựng chúng ta Ngài đã đặt trong ta tiếng gọi của Ngài.  Con đường hành trình của mỗi người chúng ta là đi tìm tiếng gọi trong tâm hồn, tiếng gọi đó là của Thiên Chúa.  Chỉ khi nào chúng ta tìm được tiếng gọi đó và sống tiếng gọi đó, tâm hồn chúng ta mới bình an và hạnh phúc.  Chỉ khi nào chúng ta biết tìm đến Chúa Giêsu và ở trong Ngài, chúng ta mới thật sự nhận thức được tiếng gọi ấy trong tâm hồn. Phúc âm Mác-cô (10:17-27) có kể câu chuyện anh nhà giàu đến hỏi Đức Giêsu, “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Câu hỏi của anh thật chí lý. Có lẽ nhiều lần anh nhận ra một khoảng trống vắng trong con tim anh mà của cải vật chất, sự nghiệp, danh vọng, học thức, sự hiểu biết của anh không thế lấp đầy. Anh tìm kiếm trong tôn giáo, trong lề luật, nhưng con tim anh vẫn còn cảm thấy trống vắng. Và rồi sự việc đẩy đưa anh đến với Đức Giêsu để anh hỏi một câu mà bao lâu nay anh thao thức đi tìm, một “sự sống đời đời.” Con tim của anh đã dẫn anh đến đúng nguồn mạch của sự sống nơi Đức Giêsu.

Tuy nhiên sự thực lại không như anh tưởng. Muốn đạt đến sự sống đời đời anh phải buông thả và cho đi cái giàu vật chất lẫn tinh thần của anh. Nỗi giằng co và nỗi đau anh phải đối diện trong thâm tâm về lời mời gọi của Đức Giêsu, “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Như một tiếng sét đánh ngang tai, anh “sa sầm nét mặt vì lời đó,” và đã bỏ đi, vì anh không thể buông thả kho tàng trần thế của anh. Anh không thể đáp trả tiếng mời gọi đó. Có lẽ khi anh ra đi, con tim của anh như quặn lại. Nỗi đau đó sẽ dằn vặt anh suốt cả cuộc hành trình. Anh sẽ không sống hạnh phúc và không tìm được sự sống đời đời. Cho tới khi nào anh buông thả được con người anh để đáp trả và sống tiếng mời gọi trong tâm hồn của anh, khi ấy anh mới thật sự sống hạnh phúc. Đó mới chính là gia nghiệp đời đời của anh.

Vậy gia nghiệp đời đời của mỗi người chúng ta là gì? Chúng ta có đi tìm kiếm gia nghiệp đó chăng, hay chúng ta chẳng bao giờ ý thức và nhìn lại tâm hồn của chúng ta? Chúng ta có ý thức được tiếng gọi trong tâm hồn chúng ta không? Cuộc đời là một chiến trường liên lỉ trong ta. Nếu chúng ta thật sự muốn tìm sự sống đời đời, chúng ta cần phải biết Chúa là ai và chúng ta cần phải biết chính mình là ai. Chúng ta cần ngồi lại với chính mình mỗi ngày nơi chân Chúa Giêsu như bà Maria ngồi lại dưới chân Ngài như một người môn đệ (Lc 10:39).  Mỗi con đường chúng ta đi, chúng ta cần phải biết và cảm nghiệm Thiên Chúa thương yêu chúng ta, và biết buông thả tất cả trong Ngài, tin tưởng rằng Ngài sẽ luôn đồng hành và dẫn dắt chúng ta trong Ngài. Chỉ khi chúng ta đến với Chúa Giêsu và ở trong Ngài, Ngài sẽ dạy và chỉ cho chúng ta biết tiếng gọi riêng tư của mỗi người chúng ta là gì.

Mỗi ngày chúng ta cần phải ý thức tiếng gọi trong tâm hồn đó và đối diện nó.  Mỗi ngày chúng ta cần phải ngồi lại với bài “Tiếng Gọi” của John Bell, “Con có dám đi theo Ta nếu Ta gọi tên con không? Con có dám bỏ lại chính con nếu Ta gọi tên con không? Con có yêu ‘con người’ con che dấu nếu Ta gọi tên con không?” Chúng ta cần phải đối diện với sự thật trong ta và chết đi chính con người chúng ta để sự thật là Đức Kitô Phục Sinh sẽ thánh hoá và giải phóng chúng ta và cho chúng ta tự do đích thực.

Nguyện chúc quý ông bà và anh chị em luôn tìm lại nguồn sự sống trong Đức Kitô và để Ngài chỉ cho chúng ta tiếng gọi đích thực trong tâm hồn.

Sưu tầm

******************************************

Tiếng Gọi

Con có dám đi theo Ta, nếu Ta gọi tên con không?
Con có dám đến nơi con không biết và không còn là chính con nữa không?

Con có dám để tình yêu của Ta thể hiện, con có dám để Danh Ta được biết đến,
con có dám để sự sống của Ta lớn lên trong con và để cho con ở trong Ta không?

Con có dám bỏ lại chính con nếu Ta gọi tên con không?
Con có quan tâm đến sự hung ác và lòng nhân ái và không còn là chính con nữa không?
Con có dám liều những cái nhìn thù nghịch, nếu đời con thu hút hay làm kinh sợ người khác không?
Con có dám để Ta trả lời sự cầu nguyện trong con và con ở trong Ta không?

Con có dám để cho kẻ mù được thấy nếu Ta gọi tên con không?
Con có dám giải phóng những tù nhân và không còn là chính con nữa không?
Con có dám hôn những người phong, và làm điều chưa từng thấy đó,
và chấp nhận điều Ta muốn trong con và con ở trong Ta không?

Con có yêu ‘con người’ con che dấu nếu Ta gọi tên con không?
Con có dám dập tắt nỗi sợ hãi bên trong và không còn là chính con nữa không?
Con có dám dùng đức tin con đã tìm thấy để phục hồi thế giới xung quanh,
qua ánh mắt, cái chạm và tiếng nói của Ta trong con và con ở trong Ta không?

Lạy Chúa, tiếng gọi của Ngài vang vọng thực sự khi Ngài gọi tên con.
Xin cho con quay lại để theo Ngài và không còn là chính con nữa.
Cùng với anh em của Ngài con sẽ đi những nơi tình yêu và dấu chân Ngài đã trải qua.
Như thế con sẽ hoạt động, sống, và lớn lên trong Ngài và Ngài trong con.

John Bell

 

HÀNH TRÌNH NỘI TÂM

“Trong sự tĩnh lặng của con tim chúng ta nghe được tiếng nói, nhưng chúng bắt đầu mờ đi và hầu như không nghe được nữa khi chúng ta bắt đầu bước vào thế giới” –
Ralph Waldo Emerson

zzMùa chay thánh là mùa mà Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại hành trình nội tâm của mỗi người, nhìn lại sự chọn lựa của chúng ta trong mỗi giây phút của cuộc sống vì chính những chọn lựa ấy uốn nắn (shape) con người mà chúng ta trở thành. Nhưng trước khi chọn lựa chúng ta cũng cần phân định phương hướng của mình, mà sự phân định đó cần được rõ ràng vì nó sẽ giúp chúng ta chọn lựa những việc hàng ngày với mục đích. Chẳng hạn như các em học sinh, khi các em biết mình muốn học ngành nào, các em sẽ lấy các lớp thích hợp cho ngành đó, và ngay cả đi xin việc làm, các em cũng muốn được có việc làm trong ngành của mình. Cũng vậy trong hành trình thiêng liêng, chúng ta cũng cần có phương hướng, và định nghĩa hành trình nội tâm của riêng mình trong từng giai đoạn của cuộc sống.

Hành trình nội tâm không phải là hành trình riêng tư nhưng là một hành trình với Chúa, một hành trình có phương hướng rõ ràng và Chúa sẽ dạy cho ta trong từng mỗi giai đoạn. Cũng như thể xác của chúng ta có những giai đoạn lớn lên, lúc mới sanh thì uống sữa, sau đó được ăn cháo, v.v., hành trình tâm linh cũng có những giai đoạn tương tự và Chúa sẽ dạy cho chúng ta biết chúng ta đang ở giai đoạn nào với Ngài. Nhưng nếu muốn được nghe tiếng Chúa, chúng ta cần sống trong tĩnh lặng, con tim của chúng ta cần phải sống với Chúa trong tâm tình cầu nguyện. Lắm lúc chúng ta sợ cầu nguyện, sợ tĩnh lặng vì cảm thấy mình không biết cách cầu nguyện. Thật ra cầu nguyện không có phương thức, cầu nguyện không có cuốn cẩm nang, nhưng cầu nguyện là mối tương quan giữa mình với Chúa cũng như mối tương quan giữa ta và một người bạn. Lắm lúc chúng ta đặt Chúa Giêsu trên bàn thờ và quên đi nhìn đến Mầu Nhiệm Nhập Thể là một mầu nhiệm mà Con Một Thiên Chúa đã chọn làm một con người như ta, và chúng ta sợ không dám kết bạn với Ngài vì chúng ta chỉ thấy sự cao sang và không nhìn đến một Thiên Chúa đang mong mỏi tình yêu và sự kết hợp của mỗi một người chúng ta.

Mối quan hệ nào cũng có những tâm tình riêng tư, những cách nói chuyện và chia sẻ chỉ giữa hai tâm hồn đang muốn được hiểu nhau. Mối tương quan giữa ta và Chúa cũng vậy, có người cảm thấy mình gần gũi với Chúa hơn qua Kinh Thánh, có người cảm thấy Chúa nói chuyện với mình qua những lời kinh, riêng tư hay với cộng đoàn, có người cảm thấy mình kết hợp với Chúa hơn qua công việc sinh nhai, hay qua những công việc nội trợ trong nhà, có người tìm được sự hiện diện của Chúa khi ru con ngủ, hoặc nấu ăn cho gia đình. Hãy để ý và tìm hiểu xem coi đâu là những lời kinh của chính mình với Chúa và biết trân quý và sống với Chúa qua những lời kinh ấy. Cho đó là những lời kinh nấu ăn, những lời kinh đi làm việc thiện, những lời kinh đi làm hãng xưởng, những lời kinh ru con, những lời kinh chịu đau đớn vì bệnh tật hoặc tuổi già, tất cả đều là những lời kinh giúp mình cảm nhận được tình thương của Chúa và giúp cho mối tương quan của mình với Chúa được trọn vẹn hơn. Không có lời kinh nào đẹp bằng lời kinh chân tình thành nhất của mình với Chúa. Vì tất cả những lời kinh đơn sơ chân tình của chúng ta đều đẹp dưới ánh mắt của Thiên Chúa và cũng qua những lời kinh ấy Thần Khí Chúa dẫn ta đi vào cõi sâu thẳm của tâm hồn. Nhưng dẫu lời kinh nào Chúa chọn cho hành trình của mỗi người, Chúa Giêsu vẫn mời gọi mỗi một người đến với bàn tiệc thánh để Ngài nuôi dưỡng chúng ta vì,
“Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh toàn bộ đời sống Kitô giáo. Thánh Thể là tột đỉnh hoạt động thánh hoá của Thiên Chúa đối với chúng ta và là tột đỉnh của hoạt động phương tự chúng dâng lên Ngài. Bí Tích Thánh Thể chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó chính là Đức Kitô, Đấng là Chiên Vượt Qua của chúng ta.” Giáo Lý Công Giáo điều 1324

Mối quan hệ thật sự nào cũng có những lên xuống của nó, những giận hờn, những hiểu lầm, những giây phút vui buồn, nhưng qua những giây phút ấy chúng ta hiểu và yêu mến nhau hơn. Mối quan hệ của ta và Chúa Giêsu cũng không khác, cũng có lúc chúng ta muốn được gần gũi với Ngài, có những lúc chúng ta cảm thấy khô khan khi đến với Ngài, rồi cũng có lúc chúng ta giận hờn với Chúa và thấy Ngài rất là khó ưa. Nhưng trong tất cả mọi sự, chúng ta xin ơn để được thấy rằng chỉ có mỗi mình Ngài mới ban lại cho chúng ta sự sống và niềm vui thật hầu chúng ta biết bám chặt lấy Ngài cho dù hành trình của ta với Ngài như thế nào đi nữa.

Khi mối quan hệ của Chúa và ta được trưởng thành hơn, chúng ta sẽ biết sống mật thiết và tin tưởng nơi Ngài, và lúc đó chúng ta sẽ biết buông tay để cho Thần Khí Chúa dẫn dắt vì:
Chúa Thánh Thần không chỉ giới hạn trong sự nghèo nàn và lý trí tự hào của chúng ta. Thần Khí Chúa làm việc bên ngoài tầm hiểu biết của con người. Giống như một thợ lặn đi sâu vào bóng tối của đáy đại dương, Chúa Thánh Thần đi sâu vào cõi tâm tư mà chúng ta chưa hề biết của bản chất sâu xa nhất của mình, phát hiện ra những viên ngọc trai quý giá mà chúng ta không bao giờ biết là chúng ta có – Kathryn J. Hermes, FSP.

Hành trình nội tâm là hành trình tĩnh lặng trong phó thác, một hành trình lựa chọn để cùng được với Thần Khí Chúa đi sâu thẳm vào cõi tâm tư của mình qua những lời kinh thiêng liêng. Một hành trình đòi hỏi chúng ta luôn hướng nội để cảm nhận những biến chuyển trong tâm hồn để nhận ra mình đang ở đâu trong mối quan hệ của mình với Chúa.

Chúng ta đang bước vào ngưỡng cửa của mùa chay thánh trong năm mà Giáo Hội Mẹ mời gọi các con cái nhìn về hành trình đức tin của mình. Uớc gì mỗi người chúng ta biết lắng đọng và để ý xem trong các công việc hàng ngày, qua những giây phút thờ phượng, đâu là lời kinh của mình với Chúa, đâu là những phút thiêng liêng chỉ có mình ta với Ngài. Hãy lắng đọng, hãy tìm xem, và nếm thử vị ngọt của một tình yêu thiêng liêng mà Thiên Chúa dành riêng cho chính ta. Hãy sống tĩnh lặng để lắng nghe tiếng Chúa qua Bí Tích Thánh Thể và lời kinh chân thành của một người con chỉ mong làm đẹp lòng Cha mình.

Củ Khoai 2/2013

QUA THẬP GIÁ ĐẾN VINH QUANG

Năm 1982, các nữ tu Dòng Con Đức Bà Phù Hộ, quen gọi là Dòng nữ Salêsiên ở Cáp bên Haiti, muốn thuê nhà điêu khắc Pêrikhêt làm một cây thánh giá lớn để đặt trong nhà thờ mới của các chị.  Nhưng lúc đó, ông Pêrikhêt đã bị ung thư nặng.

Các chị nhờ một nữ tu cùng dòng đến gặp nhà điêu khắc để nói về ý định này.  Hôm đó viên bác sĩ của ông cũng có mặt, ông nói với chị nữ tu:

– Lẽ ra chỉ phải đến đây sớm hơn. Rất tiếc là bây giờ căn bệnh ung thư của ông Pêrikhêt đã quá nặng rồi.

Im một lát, bác sĩ quay sang nói với nhà điêu khắc:

– Ông là người có đức tin, vậy ông cứ tiếp tục hy vọng dù có điều gì xảy ra đi nữa.

Từ ngày đó, nhà điêu khắc Pêrikhêt chẳng muốn cầm bút để rèn tác phẩm nghệ thuật nào nữa.  Vài ngày sau, một nữ tu lại đến gặp ông và năn nỉ:

– Ông Giovani Pêrikhêt à, các nữ tu ở nhà thờ mới tại Cáp mong muốn ông làm cho các chị ấy một cây thánh giá thật đẹp, dài hai mét. Họ biết tài năng của ông mà. Trước khi trả lời dứt khoát cho họ, tôi muốn hỏi ý kiến ông một lần nữa.

Nhà điêu khắc trầm ngâm suy nghĩ và cầu nguyện, rồi ông bình thản nói với chị nữ tu:

– Tôi xin nhận lời. Cây thánh giá này sẽ là tác phẩm cuối cùng, tôi sẽ làm cây thánh giá nầy để chuẩn bị chết, và xin Chúa thương xót tôi.

Thế là nhà điêu khắc bắt tay vào công việc với tất cả tâm hồn của một người mong gặp được Chúa Giêsu.  Đây thật là một công việc nặng nhọc vì bệnh tình của ông.  Nhưng ông cảm thấy một điều thật lạ lùng, mỗi nhát búa đập trên thanh sắt nóng đỏ, thay vì làm cho ông mệt mỏi thêm, thì lại làm cho ông cảm thấy như được bồi dưỡng sinh lực trở lại.  Ông tiếp tục làm việc ngày qua ngày, và khi ông hoàn thành cây thánh giá thật đẹp, ông cảm thấy như khoẻ hẳn.  Chúa Giêsu đã giải thoát ông khỏi căn bệnh quái ác.

Ngày nay, cây thánh giá do ông thực hiện vẫn còn được treo ở nhà thờ thánh phố Cáp và tiếp tục thu hút nhiều tín hữu: người lành mạnh cũng như kẻ yếu đau đến kính viếng thường xuyên.

**********************************************

zzAnh chị em thân mến,

Nhà điêu khắc Giovani Pêrikhêt tưởng rằng cây thánh giá ở nhà thờ thành phố Cáp ấy sẽ là tác phẩm cuối cùng.  Ông dùng cây thánh giá ấy để chuẩn bị chết.  Nhưng với niềm tin và lòng hăng say rèn cây thánh giá, Pêrikhêt đã được Chúa thương cách đặc biệt và chữa cho khỏi bệnh ung thư.  Đó là hình ảnh ơn cứu độ mà Thánh giá Chúa Kitô đã, đang và sẽ còn đem đến cho nhân loại.  Chính vì để củng cố niềm tin của chúng ta vào ơn cứu độ và niềm hy vọng vào sự sống vinh quang ngang qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, mà hằng năm, vào Chúa Nhật 2 Mùa Chay, phụng vụ Giáo Hội cho nghe bài đọc Tin Mừng tường thuật cuộc biến hình vinh quang của Chúa Giêsu, nhờ đó người Kitô hữu ý thức rằng sự Chết và Phục Sinh, thập giá và vinh quang là hai mặt của cùng một thực tại cứu độ không thể tách rời nhau.  Vinh quang mà không có khổ nạn chỉ là vinh quang của thế tục, sẽ nhạt nhoà theo năm tháng; ngược lại, khổ nạn mà không có vinh quang thì vô nghĩa và là một thất bại hoàn toàn. Do đó, sống tinh thần Mùa Chay có nghĩa là gắn bó chặt chẽ với cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô: chết đi cho con người cũ và tội lỗi, chết đi cho con người đối nghịch với Thập giá để cùng sống lại với Đức Kitô, Đấng có thể “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Bđ. 2)/

Đây chính là một quá trình lột xác đầy gian khổ nhưng cũng tràn ngập vinh quang mà sự kiện Chúa biến hình được gợi lại trong Chúa nhật hôm nay, đã trở nên như một lời loan báo và một lời động viên khích lệ tín hữu.  Loan báo điểm tới là Phục Sinh đang ở phía trước, đồng thời động viên khích lệ người Kitô hữu hãy can đảm tiếp tục cuộc hành trình dù lắm gian nan.

Để có thể trung thành bước theo con đường Chúa Giêsu đã sống và vạch ra, người Kitô hữu không thể coi nhẹ hay dửng dưng với tâm tình cầu nguyện.  Chính trong giây phút cầu nguyện, chìm sâu trong cuộc gặp gỡ ân tình với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã đón nhận kế hoạch cứu độ của Cha như lẽ sống của đời mình, đây cũng là lúc Ngài biến hình vinh quang; được tỏ lộ khi Ngài chấp nhận cái chết như một phương thế tuyệt hảo để tỏ lòng vâng phục Cha và yêu thương nhân loại đến nỗi hiến dâng chính mạng sống mình.  Vì thế, trong cuộc sống còn lắm vất vả bon chen và không hề thiếu vắng những cạm bẫy thử thách hôm nay, chỉ có sự chuyên cần cầu nguyện, thường xuyên đón nhận ánh sáng soi dẫn, và sức mạnh đỡ nâng của Chúa, người Kitô hữu mới thoát khỏi sự hoang mang sợ hãi hay trạng thái mê ngủ, trốn tránh thực tại trần thế với những bổn phận và trách nhiệm phải thi hành.  Đành rằng quê hương vĩnh cửu ở trên trời nhưng đường lên trời lại khởi đi từ mặt đất, từ chính cuộc sống mà chúng ta phải xây dựng và làm cho phát triển mỗi ngày.

Anh chị em thân mến,
Một khi đã chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô trên núi biến hình như Phêrô, Giacôbê và Gioan rồi, thì việc còn phải làm là đi theo Ngài trên con đường khiêm tốn phục vụ anh em và không vắng mặt trên các nẻo đường tiến lên đỉnh Golgotha, những nẻo đường đau thương và tử nạn thập giá với Ngài, với niềm xác tín rằng Đức Kitô Phục Sinh sẽ chia sẻ vinh quang cho các tín hữu trung thành.

Ước gì Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa chúng ta lãnh nhận trong thánh lễ hôm nay sẽ bổ sức, giúp chúng ta mạnh mẽ bước vào lòng đời để sống cho Chúa và hiến mạng vì anh em trong một cuộc sống lắm hy sinh gian khổ, nhưng cũng không kém vinh quang, vinh quang thấp thoáng hôm nay sẽ bộc lộ trọn vẹn mai sau.

Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ

(BĐ1: St 15:5-12, 17-18; BĐ2: Pl 3:17-4:1; PÂ: Lc 9:28b-36)

**********************************************

Con gởi ước Mơ
Vào Thơ cầu Nguyện
Mong lòng tan biến
Bao chuyện buồn đau
Chấp tay khẩn cầu
Chúa mau tuôn dổ
Để ngàn bão tố
Mãi mãi lìa xa
Cho những mái nhà
Âm êm hạnh phúc
Dẫu đời lắm lúc
Tủi nhục ùa vây
Xin Cha từng ngày
Dang tay nâng đỡ
Phần con xin nhớ
Nguyện cầu Ngài luôn

HBT

 

TẤM LÒNG

zzTriết gia Pascal nói: “Con người là cây sậy có lý trí”.  Một cách diễn tả dung dị dễ hiểu.  Điều đó mặc nhiên rằng con người là sinh vật bất túc, bất trác và bất toàn, với một số phận mong manh không khác đóa phù dung.  Và vì thế, con người cứ miệt mài ngày đêm đi tìm Chân-Thiện-Mỹ theo lệnh truyền của Thiên Chúa: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48).  Nghĩa là phải chiến đấu và vươn lên không ngừng, với khát khao tìm về cái gọi là “nhân chi sơ tính bổn thiện” sau những ngày (có thể) sa chân lầm lạc hoặc lỡ để bàn tay nhúng chàm.

Con người yếu đuối nên dễ “nhiễm” cái xấu hơn cái tốt, nhưng hẳn là khôn hơn khi chưa vấp ngã. Phêrô, một ngư ông chất phác, được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ, và dù đã “thẳng thừng” chối Thầy mình, ông vẫn được Ngài cất nhắc lên làm Giáo hoàng tiên khởi, làm “hoa tiêu” đưa Con thuyền Giáo hội vượt qua ngàn trùng sóng gió, vì chính ông đã có kinh nghiệm bản thân.  Vấn đề không phải là tốt hay xấu, giỏi hay dốt, mà là biết thành tâm sám hối, biết sửa sai và phục thiện, để sống tốt hơn và lợi ích cho tha nhân.

Thật vậy, đời người là một chu-kỳ-ăn-năn không ngừng.  Hết lỗi lầm này đến sai lầm khác.  Rồi ăn năn. Rồi tái phạm.  Và rồi lại hối hận… Vậy đó, hứa nhiều mà chẳng giữ được bao nhiêu.  Càng nhiều tuổi càng “nói dối” nhiều: Ai càng sống lâu càng xưng tội nhiều lần mà vẫn chưa chừa được!  Chúng ta chỉ là những kẻ nói dối Chúa!  Ai cũng quyết lên án nhưng rồi không ai dám ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (x. Ga 8:2-11), thế nên họ đều lần lượt bỏ đi, người lớn tuổi đi trước, kẻ nhỏ tuổi đi sau, vì không ai thấy mình sạch tội.  Vâng, đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán!

Nói vậy không có nghĩa là không cần hoàn hảo vì không thể hoàn hảo.  Vẫn phải cố gắng tìm sự hoàn hảo: Hoàn hảo ngay trong cái chưa hoàn hảo.  Nếu tưởng mình hoàn hảo tức là chưa hoàn hảo.  Thật vậy, “ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, đó là lừa gạt chính mình” (Gl 6:2-3).  Những người theo chủ-nghĩa-hoàn-hảo, gọi là cầu toàn, luôn làm ra vẻ hoàn hảo để mong được tiếng khen, dễ nóng giận với chính mình và luôn chê trách hoặc ghen ghét người khác.  Thực ra đó chỉ là cách che giấu cái bất toàn của mình.

Quả thật, con người quá yếu đuối và luôn đầy tham vọng.  Nhưng không vì thế mà ỷ lại hoặc cố chấp, biện hộ cho những gì mình làm.  Ngược lại, phải tự biết chấp nhận mức độ hữu hạn của mình để luôn biết làm việc tận tụy bằng tất cả tâm lực mà không đòi hỏi gì thái quá nơi người khác.  Đức Giêsu đã nói: “Ai trung thành trong việc nhỏ sẽ trung thành trong việc lớn” (Lc 19:12-27).  Hãy tự giành cho mình những việc khó và dành cho người khác những việc dễ, nhưng không hề miễn cưỡng hoặc tỏ vẻ khó chịu.

Mùa Chay là thời gian cần thiết để suy gẫm, tĩnh tâm, vì đời người như một cỗ máy, thỉnh thoảng vẫn cần được tu sửa – dù tiểu tu, trung tu hoặc đại tu.  Mùa Chay cũng là dịp “nhìn lại” số km mình đã đi qua để biết phải cố gắng thêm ít hay nhiều, như máy móc phải châm thêm hoặc thay dầu nhớt, chứ không thể tự mãn.  Ăn chay phải gắn liền với cầu nguyện, vì “bao lâu ta chưa thôi cầu nguyện là dấu chắc chắn Chúa đang thương” (Thánh Augustinô).  Cầu nguyện là mãnh lực khả dĩ chiến thắng tất cả!

Ăn chay song song với tịnh tâm.  Không nhất thiết phải làm điều gì vĩ đại mà chỉ cần “chấn chỉnh” hoặc “cởi bỏ” một thói xấu hoặc một động thái nào đó…  Thiết tưởng đó mới là cách “trở về” hữu ích và đẹp lòng Chúa.  Có thể là hy sinh không đi chơi, bớt hoặc bỏ hút thuốc, giảm uống cà-phê, bớt uống rượu, thôi cờ bạc, ít tán gẫu, không xét đoán, chăm học hơn, quan tâm nhau hơn, sống hòa đồng hơn, nghiêm túc hơn,… Đó chính là những Vị Ngọt làm cho ly-cà-phê-không-đường đời mình thêm đậm đà hương vị, để không chỉ cho riêng mình “thưởng thức” mà còn cho cả những người xung quanh cùng “nếm thử”. Và còn mãi dư vị làm sảng khoái…

Trở về là hành-trình-vui nếu biết trở về với cả tấm lòng sau những năm tháng hoang đàng.  Thiên Chúa luôn nhân hậu và đại lượng vẫn từng giây mong chờ tội nhân trở về nương náu Tình Yêu Thiên Chúa. Dù tội lỗi đến đâu, dù thất vọng nhưng đừng tuyệt vọng, Thiên Chúa vẫn nhân hậu vô cùng, chỉ cần chúng ta biết thành tâm sám hối, vì chính Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Josefa Menendez (1890–1923, Dòng Thánh Tâm): “Sự khốn nạn của con lôi cuốn Cha”.  Thật là may mắn và hạnh phúc cho mỗi người chúng ta có một Vị Thiên Chúa từ bi ngoài sức tưởng tượng của loài người!

Tình Yêu Chúa là thế, yêu đến cùng, yêu đến chết, yêu đến giọt máu và giọt nước cuối cùng, vì vậy mức độ yêu Chúa của chúng ta phải theo cách thức của Thánh Bernard: “Mức độ yêu Chúa là yêu vô hạn”.  Con người với nhau rất cần một tấm lòng thì với Thiên Chúa, Ngài cũng chỉ cần chúng ta dành trọn cho Ngài một Tấm Lòng mà thôi!

*************************

Lạy Chúa, chúng con thật yếu đuối, “điều con muốn thì con không làm, điều con không muốn thì con lại làm” (x. Rm 7:19).  Thật trớ trêu thay! Nhưng Ngài vẫn không chấp, vẫn sẵn sàng tha thứ tất cả, tha thứ vô điều kiện chỉ vì Tình Yêu Ngài dành cho con luôn trọn vẹn, trước sau như một.  Có nhiều lúc con cô đơn và thất vọng ê chề, xin Ngài thương độ trì, vì con xác tín “Ngài là Đấng đã gọi con, Ngài đang ở với con, Ngài không để con cô đơn một mình” (Ga 8:29) và “xin thêm đức tin cho con” (Lc 17:5).  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen!

Trầm Thiên Thu

SỐNG ĐẸP GIỮA ĐỜI

Mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống cao đẹp hơn.

Người xưa thường đề cao lối sống của người quân tử.  Người quân tử thấy chuyện bất bình thường ra tay cứu giúp.  Người quân tử luôn sống hào hiệp, sống vì đại nghĩa nên hy sinh bản thân.  Thế nhưng, con người ngày nay lại an phận thủ thường.  Người ta ngại hy sinh cho người khác.  Người ta sợ “mang hoạ vào thân”.  Người ta tìm an nhàn cho bản thân nên chẳng dại gì “ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng”.  Xem ra lối sống của người quân tử thấy chuyện bất bình ra tay giúp đỡ chỉ còn trên trang giấy học trò.  Lối sống ấy đã mất dần trong thời đại hôm nay.

Người ta kể rằng: Ở bên Trung Quốc, có một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Trên xe, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô tài xế xinh đẹp.  Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô.  Tất nhiên là cô tài xế kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng.

Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay, nhưng ông đã bị chúng đánh đập.  Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng.  Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường.

Một giờ sau, ba tên du côn và cô tài xế tơi tả trở về xe để tiếp tục lên đường…

“Này ông kia, ông xuống xe đi!” cô tài xế la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình.
Người đàn ông sững sờ, nói:
“Cô làm sao thế?  Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?”
Cô gái nhăn mặt nói: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”

Điều bất ngờ là hành khách, vốn lờ lảng hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe.  Thậm chí một vài hành khách khỏe hơn đã lôi người đàn ông xuống xe.

Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình.  Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ.  Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi.  Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút.

Tốc độ của xe bus tăng dần.  Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng.  Nước mắt trào ra trong hai mắt cô.

Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô tài xế :
“Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?”

Cô tài xế không nói tiếng nào nhưng xe chạy ngày càng nhanh hơn.  Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài, rơi xuống vực như mũi tên bật khỏi cây cung.

Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn”.  Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.

Trong thành phố, có một người đàn ông đọc bản tin trên báo đã khóc!

Quả thực, con người ngày xưa khi thấy chuyện bất bình, người ta thường lăn xả để hoà giải cho nhau, nhưng xem ra hôm nay, ít ai dám can thiệp vào chuyện người khác.  Ít ai dám xông pha để bảo vệ kẻ yếu đang bị ức hiếp.  Người ta ngại dấn thân vào chuyện của người khác.  Xem ra con người ngày nay thường có xu hướng ích kỷ, chỉ lo cho bản thân mình nhiều hơn là cho đồng loại.  Con người ngày nay thích an nhàn nên ngại hy sinh”.

zzThế mà, hôm nay Chúa Giê-su lại bảo: “kẻ nào giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai chịu chịu từ bỏ cuối cùng sẽ được lại”.  Đó là chân lý, là định luật tất yếu  của cuộc đời . Nếu thế giới này không có những con người dám quên đi bản thân thì làm sao có những phát minh khoa học, làm sao có những kỳ quan để lại cho đời sau?  Có lẽ thế giới hôm nay sẽ thiệt hại biết bao, nếu không có những người dám quên đi sự an nhàn cá nhân, sự yên vui vị kỷ, những lợi lộc cá nhân để sống vì lợi ích tha nhân!  Thế giới này đang mắc nợ những con người đã tận tuỵ làm việc quên mình để xây dựng thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn.  Thế giới hôm nay rất cần những con người quân tử để cuộc đời được phong phú và yên vui hơn.

Chính Chúa Giê-su, Ngài đã sống điều đó.  Ngài đã đi qua đau khổ để tiến tới vinh quang.  Ngài đã trở nên bất diệt khi Ngài trở thành hạt lúa chịu nghiền nát để trổ sinh muôn vàn bông lúa.  Ngài đã trở nên vĩ đại khi Ngài dám chết vì bạn hữu.  Thực vậy, người vĩ đại trong cuộc đời chúng ta không phải là những người nổi tiếng, không phải là các ngôi sao điện ảnh hay ca nhạc mà là chính những người đang hy sinh vì chúng ta.  Họ là những người cha “chân lấm tay bùn” đang đổ mồ hôi nơi nương đồng, đang miệt mài nơi công trường.  Họ là những người mẹ đang lặn lội ngược xuôi nơi bến chợ, đang hao gầy vì đàn con.  Họ là những người anh, người chị đang bôn ba đó đây để bòn nhặt từng đồng tiền để phụ giúp gia đình.  Đó là những con người cao cả, là những hạt lúa miến đang chịu nghiền nát vì tha nhân để trở thành tấm bánh cho anh em.  Đó là những con người dám quên đi niềm vui riêng của bản thân để lo cái lo của đồng loại, để sống có ích cho tha nhân.

Nhưng thật đáng tiếc!  Ý niệm phục vụ tha nhân.  Ý niệm sống vì người khác đang mất dần trong thế giới hôm nay.  Người ta đang lo cho bản thân.  Người ta đang chạy theo danh lợi thú để thoả mãn nhu cầu của chính mình.  Có mấy ai dám quên mình để sống cho thân nhân?  Có mấy ai chịu nghiền nát đời mình để đem lại niềm vui cho tha nhân?

Thiết tưởng, mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống cao đẹp hơn.  Hãy hy sinh niềm vui của mình, những đam mê sở thích của mình để đem lại niềm vui cho những người chúng ta yêu mến.  Thiết tưởng mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống đúng với phẩm giá làm người của mình là biết sống vì hạnh phúc tha nhân.  Chúa đã tạo dựng Eva vì niềm vui của Adam.  Chúa cũng tạo dựng chúng ta vì niềm vui của thân nhân.  Xin Chúa là Đấng đã chết cho người mình yêu, giúp chúng ta biết quảng đại hy sinh để kiến tạo niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Amen!

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

 

 

CÁM DỖ

zzCám dỗ là chuyện xưa như trái đất.  Từ khi có con người, đã có cám dỗ.  Hẳn ta không thể quên chuyện hai ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của ma quỷ.  Dân Do Thái, khi bị nô lệ dưới ách người Ai cập thì muốn được tự do.  Nhưng khi lang thang 40 năm trong sa mạc, phải chịu đói khát, lại bị cám dỗ quay trở lại Ai cập để được no ấm.  Nhưng có thể nói, ba cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đương đầu hôm nay gồm tóm tất cả mọi thứ cám dỗ mà ta thường gặp.

+ Cơn cám dỗ thứ nhất: Thoả mãn tức khắc mọi nhu cầu.

Sau khi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày.  Ma quỷ đề nghị Người biến đá thành bánh mà ăn.  Thật là một đề nghị hợp lý.  Đói thì phải ăn.  Muốn ăn thì phải có bánh.  Nhưng có bánh bằng cách nào mới là vấn đề.  Không phải cứ có nhu cầu là phải thoả mãn ngay.  Và nhất là không được dùng những cách không hợp đạo lý để thoả mãn những nhu cầu của mình.  Cơm bánh tượng trưng cho những nhu cầu thiết yếu của con người.  Nhu cầu của con người thì có nhiều và có khuynh hướng ngày càng gia tăng.  Vì thế cơn cám dỗ thoả mãn nhu cầu ngày càng lớn.

+ Cơn cám dỗ thứ hai: Muốn có quyền lực thống trị.

Ma quỷ biết Đức Giêsu muốn cứu độ loài người, nên đề nghị tặng Người tất cả các nước trên trần gian.  Có lẽ nhiều người nghĩ rằng đề nghị của ma quỷ là hợp lý.  Cứ có quyền thống trị trên hết mọi dân nước rồi nói gì người ta chẳng nghe.  Chúa sẽ không phải mất công chịu đau khổ chịu chết.  Chỉ cần quỳ xuống thờ lạy ma quỷ, vua quan dân chúng các nước sẽ răm rắp tuân theo.  Thật là tiện lợi.  Quyền lực là một cơn cám dỗ muôn đời của nhân loại.  Từ ngàn xưa, vua chúa các nước đã không ngừng gây chiến để tranh giành quyền lực.  Ngày nay, trong các cuộc chiến mới, người ta không còn giết nhau bằng gươm đao, súng đạn, nhưng bằng quyền lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật.  Tuy êm đềm nhưng cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Cơn cám dỗ về quyền lực thống trị không những không suy giảm mà còn mãnh liệt hơn.

+ Cơn cám dỗ thứ ba: Tìm những điều kỳ lạ.

Muốn những chuyện thần kỳ.  Muốn làm được những việc kinh thiên động địa.  Muốn có những thành công lẫy lừng.  Cơn cám dỗ này thúc đẩy người ta đổ xô đi tìm phép lạ.  Cơn cám dỗ xây tháp Ba ben từ ngàn xưa vẫn còn tiếp diễn.

Xuyên qua những cơn cám dỗ ấy ta thấy ma quỷ thật vô cùng tinh khôn và hiểm độc.

Với cơn cám dỗ thứ nhất, ma quỷ muốn xô đẩy con người làm nô lệ cho dục vọng.  Xúi giục con người chỉ tìm thoả mãn những bản năng thấp hèn.  Giới hạn con người vào sự sống xác thịt.  Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ khi Người cho biết con người không chỉ có đời sống thể lý mà còn có đời sống tâm linh.  Người nâng cao phẩm giá con người khi quyết tâm chống lại cơn cám dỗ thoả mãn những nhu cầu thân xác để chăm lo cho sự sống tâm linh.

Với cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ muốn biến con người thành nô lệ cho tham vọng, nô lệ cho ma quỷ.  Vì ham hố chức quyền, vì mưu cầu danh vọng mà đánh mất tự do của mình, cam tâm làm nô lệ cho ma quỷ.  Vì tham vọng mà đánh mất chính mình.  Đức Giêsu vạch trần âm mưu đen tối của ma quỷ khi cương quyết chối từ danh vọng quyền thế.  Người còn chỉ cho ta con đường duy nhất phải theo đó là thờ phượng Thiên Chúa.  Chỉ có thờ phượng Thiên Chúa mới đem đến cho con người tự do đích thực, tự do trong tâm hồn, không bị nô lệ một tham vọng nào.

Với cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đẩy con người vào nô lệ cho cuồng vọng.  Điên cuồng đến chống lại Thiên Chúa.  Dùng Thiên Chúa để phục vụ cho những ước vọng ngông cuồng của mình.  Không đến với Chúa trong tâm tình của người con thảo đối với Cha hiền.  Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ.  Người chỉ cho ta con đường của người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo tin cậy phó thác và luôn làm theo ý Cha, chứ không bao giờ dám thách thức Cha.  Người con hiếu thảo vâng lệnh Cha sai bảo chứ không bao giờ dám sai bảo Cha.

Cám dỗ của ma quỷ hiểm độc vì nó tiến từng bước: Từ hạ thấp phẩm giá con người khi khiến con người làm nô lệ cho dục vọng đến cướp mất tự do của con người khi xúi giục con người nô lệ cho ma quỷ.  Và sau cùng đi đến chỗ tận cùng là chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là cha.  Cám dỗ càng hiểm độc vì ma quỷ đã khéo léo bọc những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.

Ngày nay, những cơn cám dỗ của ma quỷ vẫn như những chiếc bẫy giăng ra để trói buộc con người trong vòng nô lệ.  Cám dỗ càng ngày càng tinh vi và càng ngọt ngào hơn nên càng hiểm độc hơn.  Muốn chống trả được những cơn cám dỗ, ta phải bắt chước Đức Giêsu dùng những vũ khí sắc bén, đó là ăn chay cầu nguyện, thấm nhuần Lời Chúa và luôn sống tâm tình của người con thảo đối với Chúa.

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

(BĐ1: Đnl 26:4-10; BĐ2: Rm 10:8-13; PÂ: Lc 4:1-13)

 

PHẤN ĐẤU TẠO MÙA XUÂN

zzMùa Xuân là mùa của hoa.  Những bông hoa góp phần làm thành nét đẹp của ngày Tết.  Ngày Tết mà thiếu hoa sẽ mất đi rất nhiều vẻ đẹp đẽ vui tươi.

Tại Việt nam, hai loại hoa tiêu biểu cho ngày Tết là mai và đào.  Trong Nam, mai rộ nở như ganh đua với nắng vàng rực rỡ.  Ngoài Bắc, trong cái buốt giá của mùa Đông kéo dài, những cành đào tươi thắm chen giữa đám lộc non xanh biếc là một cánh thiệp báo tin vui mùa Xuân đến.

Nhìn những cánh hoa tươi thắm như đang cười đùa với nắng Xuân, mấy ai nghĩ rằng những cánh hoa kia đã phải trải qua một quá trình phấn đấu gian nan.

Thật vậy, trước khi mùa Xuân đến, những cây đào trơ trụi như những xác chết không hồn.  Những cây mai cũng bị tuốt sạch lá để trơ những cành khẳng khiu nom đến tội nghiệp.

Nhưng ai đã trồng hoa đều có kinh nghiệm là càng tuốt sạch lá càng có nhiều hoa.  Chính những thân cây khẳng khiu trơ trụi ấy đã góp phần làm nên những bông hoa tươi đẹp trang điểm cho mùa Xuân, đem niềm vui đến cho con người, trở thành dấu hiệu của hạnh phúc, của thành công.

Mùa Xuân, ta thường chúc nhau được thành công, hạnh phúc.  Đã thấy những cành cây trơ trụi mùa đông, rồi nhìn những bông hoa rực rỡ hôm nay, tôi hiểu rằng thành công và hạnh phúc ta đạt được cũng phải trải qua những phấn đấu như loài hoa.  Để đạt được những thành công thiêng liêng và hạnh phúc vĩnh cửu, ta càng phải noi gương loài hoa mà phấn đấu rất nhiều.

hấn đấu loại bỏ những gì xưa cũ.  Nếu những cây hoa không chịu tước bỏ lớp lá cũ già nua xấu xí thì làm sao có được những cánh lá non mơn mởn và nhất là làm sao có được những nụ hoa lộng lẫy vào mùa xuân?

Tương tự như thế, muốn đời sống thiêng liêng sinh hoa kết quả, ta cũng phải từ bỏ những gì xưa cũ trong bản thân.  Những gì xưa cũ là những gì không phù hợp với Phúc Âm, những gì ngăn cản ta tiến bước như thói lười biếng, thói giận hờn ganh ghét, thói ích kỷ, thói chia rẽ bất hoà, thói tự kiêu tự đại.

Phấn đấu dồn hết năng lực vào mục tiêu chính.   Mùa đông, người làm vườn tuốt lá, tỉa cành để khi mùa xuân đến, nhựa cây phong phú không phải tốn phí nuôi dưỡng những chiếc lá già nua, những cành cây thừa thãi vô bổ, nhưng dồn hết sức sống cho hoa, cho lá mới.  Nhờ thế hoa càng thêm tươi, lá càng thêm xanh.

Con người cũng thế, muốn thành công và hạnh phúc, phải loại bỏ những gì tiêu phí năng lực, để dồn hết năng lực vào mục tiêu chính.  Mục tiêu chính của ta là tập luyện lòng mến Chúa yêu người, là sống theo Tám mối phúc thật.  Chuyên tâm vào mục tiêu chính, ta sẽ dễ thành công.

Sau cùng, phải phấn đấu vượt qua mọi gian khổ.  Khi tuốt lá những cây mai, tôi thầm nghĩ: Nếu cây mai biết nói, chắc nó sẽ kêu lên đau đớn. Tuốt lá, tỉa cành làm cho cây đau đớn, mất mát, xấu xí khó coi.  Nhưng chính nhờ vượt qua được những gian nan thử thách ấy mà cây hoa mới đạt đến mùa xuân tươi đẹp đem hương sắc cho đời.

Để loại bỏ những gì xưa cũ và dồn hết năng lực vào mục tiêu chính, con người cũng phải phấn đấu rất nhiều.  Phấn đấu từ bỏ mình.  Không hành động theo bản năng, dục vọng.  Không hành động theo ý riêng.  Chỉ tìm thánh ý Thiên chúa.  Những phấn đấu từ bỏ mình làm cho ta đớn đau. Nhưng chính những đớn đau đó góp phần tạo nên mùa xuân tươi đẹp.

Năm Mới, tôi cầu chúc tất cả anh chị em được nhiều ơn Chúa để có sức phấn đấu, tạo nên một mùa xuân tươi đẹp cho gia đình, cho đất nước và cho nước Trời.

TGM Ngô Quang Kiệt

 

TỪ NAY ANH SẼ LÀ KẺ LƯỚI NGƯỜI

Chẳng ai ngờ cuộc đời Simon có thể chuyển hướng. Ông đã có nghề nghiệp ổn định và đã lập gia đình. Thế giới của ông là hồ Ghênêxarét, là những con cá quẫy đuôi trong lưới, là gia đình cần phải chăm nom săn sóc.

Ông yêu vợ con, ông yêu biển cả. Chúa đã đặt ông vui sống trong thế giới ấy, nên chỉ có Ngài mới có thể kéo ông ra, và bất ngờ đưa ông vào một thế giới mới, một đại dương bao la hơn nhiều, một gia đình rộng lớn hơn vạn bội. Chỉ Chúa mới có thể làm trái tim ông say mê một Ai khác, yêu một Ai đó hơn những người ông đã từng yêu.

48Đức Giêsu đã đến với Simon thật tự nhiên. Ngài chọn thuyền của ông làm nơi giảng dạy. Sau đó Ngài mời ông thả lưới bắt cá, Simon có nhiều lý do để khước từ. Ông có thể dùng kinh nghiệm của mình để nhận thấy tốt hơn nên chờ dịp khác, hay nại lý do mệt mỏi, sau một đêm ra khơi. Nhưng Simon đã vâng lời, chỉ vì tin Lời Thầy Giêsu, Lời đầy quyền uy, Lời trừ được quỷ (Lc 4,30). Lời mạnh mẽ đã chữa cho mẹ ông khỏi bệnh (4,39).

Mẻ cá lạ lùng, mẻ cá chỉ có trong mơ. Mẻ cá làm Simon run rẩy nhận ra mình tội lỗi, và nhận ra Đấng ở gần bên. Mẻ cá bất ngờ mở đường cho một lời mời gọi mới: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ thành kẻ bắt người.”

Simon lại có nhiều lý do hơn để từ chối. Chuyện gia đình bề bộn, tương lai bấp bênh. Kẻ quen bắt cá đâu có khả năng bắt người. Kẻ tội lỗi đâu xứng với sứ mạng. Nhưng một lần nữa, Simon dám tin vào Lời Chúa, để cho Chúa tự do lôi kéo mình.

Ông đã bỏ lại bao điều ông yêu mến. Khi bỏ lại hai thuyền đầy cá, ông tin rằng những mẻ cá mới đang đợi ông. Và Simon cứ lớn dần lên sau mỗi bước của lòng tin.

Tin đòi vượt trên lối suy luận thông thường, vượt trên kinh nghiệm, vượt trên mệt mỏi của xác thân.

Tin đòi tôi ra khơi buông lưới thêm một lần nữa.

Tin đòi tôi bỏ lại tất cả để theo Chúa. Bỏ tất cả là đặt tất cả dưới Chúa và sử dụng tất cả trong Ngài.

Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc, khỏi những điều tưởng như không thể thay đổi. Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không?

***

Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Trích từ “Manna”

zzCó nhiều lời chúc mừng.
Có nhiều dịp chúc mừng.
Có nhiều người được chúc mừng.

Người ta chúc mừng nhau.  Bằng lời nói.  Bằng thư từ.  Trong những lời chúc mừng, lời chúc mừng về tình yêu, về những gì liên quan đến hạnh phúc, đến giá trị thiêng liêng là lời chúc mừng bi đát nhất.

Chẳng hạn:

Kỷ niệm 25 năm thành hôn của anh chị, chúng tôi cầu chúc tình yêu của anh chị nồng nàn như thủa mới yêu nhau.

Hoặc như:

Kỷ niệm 10 năm linh mục của Cha.  Chúng con kính chúc Cha những ngày tràn đầy hồng ơn Chúa. Tâm tình Cha sốt mến như ngày Cha dâng thánh lễ mở tay.

Những lời chúc rất chân thành.  Càng chân thành bao nhiêu, càng thấm thía và bi đát bấy nhiêu. Thực tế, những lời chúc này xảy ra hàng ngày, ở chỗ này, chỗ kia.  Nó đến từ trái tim người cầu chúc là mong ước.  Và biết đâu, từ trái tim người được cầu chúc cũng tha thiết xin được như thế.  Sự bi thương nằm ở đó.  Lời cầu chúc này đến từ một thực tế.  Nó diễn tả cái thực trạng hàng ngày.  Nó là tấm gương phản chiếu trung thực lòng khao khát của người cầu chúc, nó là ước vọng của người được cầu chúc.

Bi thương hơn nữa là đời cứ tiếp đời, lời chúc tiếp tục lời chúc đi theo thời gian.

***********************

Kỷ niệm 25 năm thành hôn

Chúng tôi cầu chúc tình yêu của anh chị nồng nàn như thủa mới yêu nhau.  Chúc như thế, nghĩa là, tình yêu của anh chị hôm nay mệt mỏi lắm rồi.  Nó xói mòn lắm rồi, nên tôi chúc cho anh chị được như ngày đầu.  Nói cách khác, tình yêu ấy cứ mỗi ngày một nhạt đi, cứ mỗi ngày một hết như thủa ban đầu.  Chúc như thế, không là thành thực xót xa sao.  Nếu tình yêu của người nào đó, sau 25 năm cưới nhau, bây giờ nồng nàn hơn, thì chúc như thế mang ý nghĩa gì?  Nó vô duyên và vụng về biết mấy. Nhưng hôm nay, họ cứ chúc mừng nhau như vậy.  Họ dựa vào kinh nghiệm thực tế mà làm nên lời chúc.  Nếu vậy, mỗi lời chúc không là một lời đau thương sao?

***********************

Kỷ niệm 25 năm linh mục

Sau 25 là linh mục.  Tôi rửa tội biết bao nhiêu người.  Tôi săn sóc biết bao bệnh nhân, xức dầu Thánh cho biết bao nhiêu người trong giờ hấp hối.  Trong 25 năm tôi dâng biết bao thánh lễ.  Biết bao lần Mình Máu Thánh Chúa hóa thân trên tay tôi.  Tôi cử hành biết bao bí tích.  Như thế, sau 25 năm đôi tay tôi đã xây dựng biết bao ân sủng.  Một phần tư thế kỷ sống sống đời linh mục, tôi xây dựng biết bao nhân đức.  Tại sao người ta lại chúc mừng trong ngày kỷ niệm đẹp như thế bằng lời chúc bi thương?

Họ mong cho tôi dâng thánh lễ sốt sắng như ngày đầu, nghĩa là thánh lễ tôi dâng hôm nay không còn chuẩn bị như ngày mở tay.  Nghĩa là hôm nay tôi dâng thánh lễ nhàm chán như chuyện phải làm.  Tôi hết náo nức rồi.

***********************

Vì sao có những lời chúc như thế.  Cũng là do thực tế mà thôi.  Nó cũng đến từ một nhận thức trong sinh hoạt bình thường.  Nó do kinh nghiệm, do quan sát, do thấy như vậy.  Tôi gọi đó là những lời chúc bi thương.  Vì nó thật nên nó bi thương.  Những lời chúc ấy đến từ cảm nghiệm.

Những lời chúc như thế, là linh mục, hay tình yêu hôn nhân, nó là tiếng chuông cầu thương khó.  Trước lời chúc đó, tình yêu phải nhìn lại tình yêu.  Hôn nhân phải hỏi lại hôn nhân.  Linh mục phải nhìn lại linh mục.  Tu sĩ khấn Dòng phải hỏi lại lý tưởng.  Những lời chúc ấy đến từ ước vọng.  Nó vừa là tiếng lòng mong mỏi, cũng vừa là tiếng lòng đợi trông.

Thủa ban đầu có nhau lưu luyến ấy, nếu bây giờ nhạt phai, nó phải có nguyên nhân.

Nếu thánh lễ mở tay là náo nức, bây giờ chỉ còn là bổn phận, nó phải có nguyên do.

Những ngày đầu của tình yêu hôn nhân, tháng ngày ấy mới là ngưỡng cửa bước vào vườn hạnh phúc.  Ðàng sau đó là một chân trời khám phá.  Thì càng đi càng say chứ.  Nhưng thực tế, cứ có những tiếng thở dài.  Nhiều đôi hôn nhân càng đi càng mỏi.

Những ngày đầu của linh mục cũng thế.  Mới lên đường mà thấy lòng rộng mở, thì càng cao, đường phải càng đẹp, càng đi lâu tâm hồn càng say mê đi tới chứ.  Nhưng thực tế, không thiếu những cử hành phụng vụ chỉ là cánh cửa sổ cũ kỹ muốn đóng sập xuống cho chóng xong.

Từ những kinh nghiệm được xác định đó, lời cầu chúc ra đời.  Ði tìm nguyên do, đi hỏi nguyên nhân.  Kinh Thánh bảo: “Khi mọi người ngủ thì kẻ thù đến gieo cỏ lùng, rồi bỏ đi” (Mt.13: 25).  Thời gian nào mà không có phấn bụi bay.  Khoảnh khắc nào mà không có sương mù.  Hạnh phúc rất mong manh.  Tấm gương cần phủi bụi mỗi ngày.  Cỏ lùng cần nhổ khi còn là mầm non.  Chúa muốn nói với tôi về một tỉnh thức.

***********************

Là linh mục, xin Chúa cho con trước lời chúc đó là tiếng lòng cảnh tỉnh.
Con muốn sống làm sao mỗi ngày đẹp hơn.
Con muốn sống làm sao với ân sủng để mỗi ngày có thêm thiết tha đi tới chứ không ao ước quay về.

Tình yêu mà cứ mỗi thời gian đi tới, lại cứ cầu chúc nhau tìm về bến cũ, thì con đò sẽ lặng lẽ biết bao.  Hôn nhân mà mỗi bình minh lên, lại cứ phải mong cho nhau như ngày xa xưa cũ thì còn đâu chân trời khám phá.  Chả có sáng tạo, hôn nhân mà cứ phải nương nhờ ngày xưa thì bước đi tới nặng nề làm sao.

Lạy Chúa, con muốn nói với Chúa về một lời chúc.
Ðừng để đời linh mục con, có những lời cầu chúc như thế.
Xin cho con sửa lại lời cầu chúc bi thương.
Ngày con dâng lễ mở tay, chỉ là mở tay thôi, mỗi ngày bàn tay con phải vươn cao hơn, nhiều nhân đức hơn, chứa đựng nhiều ơn trời hơn.
Ngày đầu bước vào đời linh mục, có ngỡ ngàng, thì mỗi ngày, mỗi sáng sáng phải ngỡ ngàng hơn vì khám phá ra quá nhiều ơn sủng Cha ban.
Mỗi thời điểm về gần ánh sáng, con phải thấy hân hoan hơn, thấy mình thấm nhuần ánh sáng hơn.
Con phải quên đi những ngày đầu chập chững.
Con phải sống sao những ngày đầu chỉ là ơn sủng còn non màu mạ, mỗi thời gian đi tới là chứa chan màu vàng của lúa đơm bông.
Như cánh bướm, vì vườn hoa càng rực rỡ thì càng buông cánh vào càng duyên dáng hơn.
“Ơn sủng Cha ban thì hằng hà sa số,
Lớp lớp thời gian Cha không ngừng đổ rót.
Ðể lãnh xin, con chỉ có bàn tay bé nhỏ,
Vậy sao hồn con cứ trống và tim con còn vơi?” (Tagore)
Lạy Cha, lỗi ở con mà thôi.
Con ước muốn sửa lại lời cầu chúc trên kia.
Con muốn mỗi ngày cánh buồm đong gió ra đi là càng thênh thang, chứ đừng có lời cầu chúc tầm thường mong sao được như ngày xưa bên bến hồ nhỏ bé.
Lời cầu chúc đời ban tặng con đến từ nhận xét.
Con không thể thay đổi cái nhìn của đời được, vì con thế nào thì đời nhận xét như thế.
Lời cầu chúc đến từ cảm nghiệm.
Con không van xin đời thay đổi cảm nghiệm được, con chỉ có thể thay thế chanh chua bằng mật ong, vì đời cảm nghiệm thế nào, đời mong mỏi như vậy.

Lời cầu chúc đến từ ước mơ.
Con không cho đời hạnh phúc được nếu mơ ước kia không là sự thật.
Lời cầu chúc đến từ lòng thành thật.
Con có đau thương vì lời chúc thì cũng hãy thành thật nhận lời chúc như câu kinh.
Lời cầu chúc đến như tiếng than thở.
Con hãy quý những thở than đó vì nó là tiếng lòng nhắc nhở con về một tiếng gọi.
Lời cầu chúc đến từ thực tế.
Con không thể lặng thinh mà không hỏi lòng mình: Tại sao thế?
Lời cầu chúc có thể còn tiếp tục mãi.
Con không thể lặng thinh mà không hỏi Chúa:
– Vậy sáng mai con dâng thánh lễ ra sao.

***********************

        Ôi! Lạy Chúa
Mỗi lời chúc đều nói với con về một ý nghĩa.
Mỗi lời chúc đều nói với con về chính con.
Mỗi lời chúc đều nói với con về liên hệ giữa con và Chúa.  Amen!

Lm Nguyễn Tầm Thường SJ – Trích tập suy niệm Ðường Ði Một Mình