THIÊN CHÚA KIÊN NHẪN

Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước, đều trình bày Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn.  Ngài giáo dục con người với một lối sư phạm đặc biệt, đó là sư phạm của tình thương.  Không chỉ ở thời xa xưa, mà hôm nay, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn sửa dạy chúng ta, với mục đích cho chúng ta đạt tới tầm mức hoàn hảo, nhờ đó chúng ta được hưởng hạnh phúc.  Sách Sử Biên Niên trong Cựu ước gồm hai cuốn, được viết vào khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên và không rõ tác giả, nó là một nhân chứng quí báu về niềm hi vọng và về quan điểm thần học của Do Thái giáo trong gian đoạn đen tối sau lưu đày.  Có thể nói, Sử Biên Niên là một lối giải thích về lịch sử của vương quyền theo cái nhìn của các Lê-vi (các tư tế) sau thời lưu đày.  Đoạn sách chúng ta đọc trong Chúa nhật 4 mùa Chay, là một suy tư về những tai họa xảy đến trong quá khứ.  Đó là biến cố dân Do Thái bị lưu đầy ở Ba-by-lon.  Biến cố này xảy ra năm 587 trước Công nguyên.  Nguyên nhân của sự kiện đau thương này, theo góc nhìn của tác giả, là do vua cũng như dân đã bất trung phế bỏ Lề Luật của Thiên Chúa.

Nếu sử gia nói đến sự kiện lưu đày đau thương, thì ông cũng nhắc đến những biến cố huy hoàng.  Đó là việc hồi hương của người Do Thái sau gần 50 năm lưu đày.  Vua Ky-rô đã ban sắc lệnh chấm dứt thời lưu đày và cho dân Do Thái trở về cố hương.  Tác giả đã viết: “Chính Thiên Chúa tác động trên tâm trí Ky-rô, vua Ba-tư.”  Như thế, Thiên Chúa là Đấng giải phóng Dân Ngài.  Nếu tội lỗi dẫn đến kiếp lưu đày, thì tình thương đem lại sự tự do.  Biến cố trở về cố hương được ghi đậm trong lịch sử Do Thái, đồng thời là đề tài suy tư đạo đức áp dụng cho mọi thế hệ Do Thái cho đến hôm nay.

Nếu vua Ky-rô đã có công phóng thích người Do Thái khỏi cảnh lưu đày, thì Đức Giê-su đã đến trần gian để cứu độ nhân loại khỏi ách tội lỗi.  Trong lời ngợi khen của ông Da-ca-ri-a, là phụ thân của thánh Gio-an Tẩy giả, ông đã hát: “Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi…” (Lc 1.73).  Các tác giả Phúc âm đã thuật lại giáo huấn và những phép lạ của Chúa Giê-su, nhằm giải thoát con người khỏi tối tăm của tội lỗi và ách thống trị của ma quỷ.

Đoạn Tin Mừng được đọc trong Chúa nhật này được coi như trọng tâm của Tin Mừng Gio-an.  Trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, là thành viên Công nghi Do Thái – tương đương với đại biểu quốc hội ở Việt Nam – Chúa Giê-su đã mạc khải về tình yêu thương và chương trình cứu độ của Chúa Cha.  Chúa Cha sai Chúa Con xuống trần gian để diễn tả tình yêu của Ngài đối với nhân lọai.  Tất cả những gì Chúa Con làm đều nhằm tới vinh quang Chúa Cha và ơn Cứu rỗi con người.

Nếu Chúa Cha sai Chúa Con xuống thế để đem hạnh phúc cho con người, thì con người phải thể hiện thiện chí của mình, để xứng đáng đón nhận hạnh phúc ấy.  Thiện chí ở đây được hiểu là đức tin.  Chúa Giê-su đã nói đến đức tin như một điều kiện để được sống đời đời: “Ai tin vào Con của Người (Chúa Cha), thì không bị lên án.”  Sống giữa thế gian, chúng ta bị giằng xé giữa ánh sáng và bóng tối, giữa những điều lương thiện và những điều xấu xa.  Ai cố gắng nỗ lực vươn tới ánh sáng, sẽ dần dần thoát khỏi vòng cương tỏa của bóng tối.  Ánh sáng đích thực chính là Chúa Giê-su.  Người là Ánh sáng bởi Ánh sáng, như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính.  Người là Ánh sáng thế gian, như chính Người đã tuyên bố.  Ai đi trong Ánh sáng huyền diệu này thì không còn phải đau khổ, vì họ được chiếu soi để biết đường đi nước bước và cách đối nhân xử thế, trở nên người vẹn toàn.

Mùa Chay là thời điểm để chúng ta nhìn lại việc theo Chúa.  Thiên Chúa yêu thương chúng ta.  Đức Giê-su là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa.  Nhiều người mang danh Ki-tô hữu những có cuộc sống trái ngược với lý tưởng Ki-tô giáo, thậm chí còn là phản chứng của Tin Mừng.  Lòng thương xót của Thiên Chúa là nền tảng giúp chúng ta sống ngay lành.  Thánh Phao-lô giáo huấn các tín hữu Ê-phê-xô về lòng thương xót của Chúa Cha, và ngài khuyên: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa.  Chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Bài đọc II).

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”  Hãy nhận ra lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với các tội nhân và đối với bản thân chúng ta.  Nếu Thiên Chúa kiên nhẫn đối với chúng ta thì chúng ta cũng phải kiên nhẫn bao dung đối với những người xung quanh mình.  Làm như thế là chúng ta phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa trong mọi môi trường sống của trần gian.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

PHƯƠNG PHÁP CHAY

Thánh François de Sales cảnh báo: “Người thích ăn chay nghĩ mình là người rất đạo đức khi ăn chay, mặc dù tâm hồn họ đầy những giận ghét.  Họ quan tâm đến vấn đề điều độ, không dám đụng lưỡi đến rượu bia, thậm chí cả nước lã, nhưng lại không ngần ngại uống cạn máu người khác bằng việc gièm pha hoặc vu khống.”  Thật đáng giật mình!

Trai Tịnh là từ Hán Việt.  Chữ “trai” đồng nghĩa chữ “chay,” khác ở chỗ là người ta chỉ nói “ăn chay” chứ không nói “ăn trai.”  Chay Tịnh đồng nghĩa với Trai Tịnh, nhưng từ Chay Tịnh được liên kết bởi một chữ Nôm và một chữ Hán, còn từ Trai Tịnh thì cả hai chữ đều là chữ Hán.

Sách Phụng Vụ Các Giờ Kinh dùng chữ “trai tịnh” [CGKPV xuất bản năm 1995, tr. 377], còn Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh dùng chữ “chay tịnh.” [Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt xuất bản năm 1973, quyển 1, trang 210]  Cả hai cách dùng đều được chấp nhận.

Là Kitô hữu, ai cũng biết rằng Mùa Chay khởi đầu từ Thứ Tư Lễ Tro.  Và Mùa Chay là Mùa Sám Hối, Mùa Hồng Ân, Mùa Cứu Độ.  Tuy nhiên, BIẾT là một chuyện, còn SỐNG là một chuyện khác.

Một chút tro được bỏ lên đầu (hoặc vẽ dấu + lên trán), gọi là xức tro, là cách thể hiện lòng ăn năn sám hối, vì ai cũng chỉ là tội nhân bất xứng trước Tôn Nhan Thiên Chúa: “Chẳng có ai nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa.” (Mc 10:18; Lc 18:19).  Tuy nhiên, xức tro trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn!

Chúng ta là đầy tớ mà cũng chẳng làm nên trò trống gì, chỉ vô dụng mà thôi (x. Lc 17:10).  Thế nhưng chúng ta PHẢI nên thánh và PHẢI thánh thiện, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh (x. Lv 11:44; Lv 20:7).  Động từ “phải” là một mệnh lệnh, không thể không thực hiện, không làm không được.  Do đó, chúng ta phải ăn chay, ăn chay để sám hối, sám hối để được tha thứ, được thứ tha là được trong sạch, trong sạch là công chính, công chính là nên thánh.  Chuỗi liên kết tuyệt vời quá!  Việc ăn chay ví như chiếc hàm thiếc tra vào mõm ngựa để kiềm chế các thói xấu, không cho nó “chứng.”

Nói đến ăn chay, ai cũng biết là nhịn ăn và nhịn uống.  Nhưng đó mới là ăn chay phần xác.  Vấn đề quan trọng hơn là phải ăn chay tinh thần.  Ăn chay có vẻ đơn giản mà lại không hề đơn giản, thậm chí có gì đó nhiêu khê chứ không như chúng ta tưởng.  Cái gì cũng cần có bí quyết, ăn chay cũng vậy, tức là phải biết cách.  Cũng giống như ăn kiêng – một dạng ăn chay, nếu áp dụng không đúng cách sẽ “lợi bất cập hại,” có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Ăn chay thế nào mới đúng cách?  Ăn chay thế nào mới đẹp lòng Thiên Chúa?  Chữ “trai tịnh” hay lắm.  Chữ “trai” là ăn chay, chữ “tịnh” là không nói (tịnh khẩu).  Nghĩa là ăn chay cả phần xác lẫn phần hồn.  Để ăn chay đúng cách và làm đẹp lòng Thiên Chúa, ngôn sứ Isaia cho chúng ta biết bí quyết ăn chay qua trình thuật Is 58:1-10.  Trong trình thuật này, “cách ăn chay đẹp lòng Thiên Chúa” được phân ra hai phần SAI và ĐÚNG.

I. CÁCH ĂN CHAY SAI

Sai nghĩa là không đúng.  Chắc chắn Thiên Chúa không thích và loại trừ “cách ăn chay sai.”  Nhưng Ngài ghét cách ăn chay như thế nào?  Sách Isaia cho biết mấy cách này:

  1. Ăn chay mà vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình.
  2. Ăn chay mà vẫn đôi co cãi vã, nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách.

Ngôn sứ Isaia thẩm vấn: “Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế?  Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?” (Is 58:9).

Mỗi chúng ta tự trả lời thế nào?  Đừng biện hộ hoặc viện cớ: Vì, bởi, tại,…  Nhịn ăn, nhịn uống đến nỗi mệt mỏi, lả người, thế mà miệng vẫn chửi rủa, thấy ai làm gì không vừa ý mình thì giận hờn, tức tối, rồi xỉa xói, mỉa mai, ngồi lê đôi mách, thêm chút hành và thêm chút tỏi cho câu chuyện “đậm đà gia vị,”…  Ăn chay không khéo sẽ hóa “phi ăn chay,” tốt lành chẳng thấy đâu mà chỉ thấy nguy hại, phúc đức chẳng thấy đâu mà lại thấy tội lỗi gia tăng.  Khủng khiếp quá!

II. CÁCH ĂN CHAY ĐÚNG

Chắc chắn Thiên Chúa ưa thích và chấp nhận “cách ăn chay đúng.”  Nhưng Ngài ưa thích cách ăn chay như thế nào?  Sách Isaia cho biết mấy cách này:

  1. Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm.Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
  2. Không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục.

Nếu chúng ta ăn chay hợp ý Chúa, chúng ta không chỉ được xá tội mà còn được hưởng nhiều thứ khác: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành.  Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.  Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây!’ Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.” (Is 5:8)

Chắc chắn chỉ khi nào chúng ta thực hành như vậy thì Thiên Chúa mới vui lòng và chấp nhận lời cầu xin của chúng ta: “Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp.  Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ.” (Is 58:11).

Lạy Thiên Chúa, xin mau đến cứu giúp con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ, (Tv 70:1) xin hướng dẫn con biết cách ăn chay hợp với Thánh Ý Ngài, trong Mùa Chay này và suốt đời con.

Trầm Thiên Thu

CẦU NGUYỆN CHIÊM NIỆM

Cầu nguyện chiêm niệm, đã có từ lâu và được thực hành phổ biến, ngày nay lại là chủ đề khá bị hoài nghi với nhiều nhóm người.  Ví dụ như, phương pháp cầu nguyện thường được gọi là Quy thần niệm, được nhiều người như Thomas Keating, Basil Bennington, John Main, và Laurence Freeman phổ biến, giờ lại bị nhiều người hoài nghi xem như một thứ gì đó gắn với phong trào “New Age,” Phật giáo, phong trào “Tìm Bản ngã” hay thậm chí là vô thần.

Phải thừa nhận, không phải tất cả người tán thành và thực hành kiểu cầu nguyện này đều tránh được những xung lực đó, nhưng chắc chắn, những người cầu nguyện đích thực sẽ không vướng phải.  Hiểu và thực hành đúng đắn phương pháp cầu nguyện với nhiều biến thể này, chính là điều mà các Đan phụ Sa mạc, Gioan Thánh Giá, và tác giả quyển Đám mây Vô thức [Cloud of Unknowing] gọi là Chiêm niệm.

Theo truyền thống Kitô giáo kinh điển, Chiêm niệm là gì?  Với những biện giải theo truyền thống của thánh Inhaxiô thành Loyola, chiêm niệm là cầu nguyện mà không có hình ảnh hay tưởng tượng, nghĩa là cầu nguyện mà không cố tập trung suy nghĩ và cảm giác vào Thiên Chúa hay những sự thánh thiện.  Chiêm niệm là cầu nguyện một mình với ý hướng hiện diện với Thiên Chúa mà thôi, và bỏ qua mọi thứ khác, kể cả những suy tư sốt sắng hay những cảm giác thánh thiện, để rồi đơn giản ngồi trong bóng tối, trong một sự vô thức có chủ ý sao cho không thúc đẩy hay tận hưởng mọi suy nghĩ, tưởng tượng và cảm giác về Thiên Chúa, và mọi suy nghĩ cảm giác khác nữa.  Trong quyển Đám mây Vô thức, chiêm niệm là sự đơn thuần vươn thẳng tới Chúa.

Trong cầu nguyện chiêm niệm, sau một hồi tĩnh tại, một hành động nội tâm để tập trung bản thân vào trong cầu nguyện, người ta cứ thế ngồi yên, với ý định vươn thẳng đến Thiên Chúa trong một không gian vượt ngoài cảm giác và tưởng tượng, chờ đợi hiện thực không thể tưởng tượng nổi của Thiên Chúa đến với mình theo một cách mà những cảm giác, suy nghĩ và tưởng tượng chủ quan không tài nào đem lại được.

Và đây chính là điểm mà người ta thường hiểu lầm và chỉ trích cầu nguyện chiêm niệm.  Họ đặt vấn đề rằng: Tại sao ta không cố thúc đẩy và chìu theo những suy nghĩ thánh thiện và cảm giác sốt sắng.  Đấy không phải là điều ta cố làm khi cầu nguyện hay sao?  Làm sao ta có thể cầu nguyện khi cứ ngồi yên đó, chẳng làm gì?  Đây có phải là một dạng của thuyết bất khả tri không?  Làm sao ta gặp được một Thiên Chúa thực thể yêu thương khi cầu nguyện như thế?  Chẳng phải đây đơn thuần là một dạng suy niệm biến thể kiểu như yoga tinh thần hay tìm kiếm bản ngã?  Trong việc cầu nguyện như thế, Chúa Giêsu ở đâu?

Tôi sẽ để tác giả quyển Đám mây Vô thức trả lời điều này: “Khi thực hành trong bóng tối và đám mây vô thức này, khi chỉ có nơi mình một xung lực yêu mến dành cho Thiên Chúa, thật không thích hợp và đầy chướng ngại để người ta nhìn nhận bất kỳ suy nghĩ hay suy niệm nào về những ơn ban, sự nhân từ và công trình của Thiên Chúa, để nâng lòng lên nhằm ghép chặt bản thân với Chúa, dù cho đó là những suy nghĩ rất thánh thiện đem lại hạnh phúc và an ủi rất nhiều cho người đó.  Bao lâu linh hồn còn chìm trong thân xác sẽ chết này, thì sự rõ ràng trong nhận thức của ta khi chiêm niệm mọi sự thiêng liêng, nhất là chiêm niệm về Thiên Chúa, luôn luôn bị xáo trộn với một dạng tưởng tượng khác.”  Ta không thể tưởng tượng Thiên Chúa, ta chỉ có thể biết Thiên Chúa.

Về căn bản, ý niệm này nghĩa là đừng bao giờ nhầm lẫn hình tượng với thực tế.  Thiên Chúa là không thể dò thấu, và do đó mọi sự ta nghĩ hay tưởng tượng về Thiên Chúa đều là một hình tượng, mà ngay cả những lời trong kinh thánh cũng chỉ là những lời về Thiên Chúa chứ không phải là hiện thực của Thiên Chúa.  Phải thừa nhận, các hình tượng là tốt đẹp, miễn sao chúng ta hiểu cho đúng về chúng, miễn sao chúng hướng chúng ta về một hiện thực cao hơn chúng.  Nhưng nếu chúng ta xem chúng là hiện thực, một cám dỗ mà ta luôn vướng phải, thì hình tượng trở thành ngẫu tượng.

Sự khác biệt giữa suy niệm và chiêm niệm là thế này: Trong suy niệm, chúng ta tập trung vào hình tượng, vào Thiên Chúa, hay đúng ra là Thiên Chúa trong suy nghĩ, tưởng tượng, và cảm giác của ta.  Trong chiêm niệm, các hình tượng được xem là ngẫu tượng, và chúng ta ngồi đó trong bóng tối, bên dưới đám mây vô thức, cố gắng đối diện với một hiện thực quá lớn lao mà ta không thể nắm bắt cho dù có dùng đến tưởng tượng.  Suy niệm như một hình tượng, là điều gì đó hữu dụng trong một thời gian, nhưng đến cuối cùng, chúng ta đều được kêu gọi hướng đến chiêm niệm.  Như quyển Đám mây Vô thức đã nói: “Chắc chắn, ai tìm kiếm để có trọn Thiên Chúa sẽ không nghỉ lại nơi việc nhận thức về bất kỳ thiên thần hay các các thánh trên trời nào.”

Karl Rahner cũng đồng ý rằng: “Ta đã cố gắng để yêu mến Thiên Chúa trong những lúc không cuốn theo ngọn sóng xuất thần trào dâng, những lúc không thể nhầm lẫn bản thân mình với xung lực sự sống hướng đến Thiên Chúa, những lúc chấp nhận chết đi vì một tình yêu có vẻ như cái chết và hoàn toàn tiêu cực, khi chúng ta kêu lên từ sự trống rỗng và vô thức tột cùng?”

Nói tóm lại, đấy chính là cầu nguyện chiêm niệm, cầu nguyện thật sự hướng về Thiên Chúa.

Rev. Ron Rolheiser, OMI – J.B. Thái Hòa chuyển dịch

CANH TÂN CÁCH THỰC HÀNH ĐỨC TIN

Cứ mỗi độ xuân về, người dân Việt chúng ta, sau khi đón xuân mới, là khởi đầu chiến dịch đi lễ hội đầu năm.  Từ một hai thập kỷ trở lại đây, nhờ đời sống kinh tế được cải thiện, những lễ hội truyền thống sau một giấc ngủ dài trong thời bao cấp, được khôi phục khắp nơi, đua nhau nở rộ như nấm mọc sau mưa.  Nhìn chung, những lễ hội này diễn tả truyền thống văn hóa phong phú của người Việt, và đều góp phần tích cực giúp con người hướng thiện.  Tuy vậy, khá nhiều lễ hội bị nhuốm màu thương mại và mê tín dị đoan, mang theo những hệ lụy không đẹp do cách hành xử thiếu văn hóa, như cướp giật, đánh nhau đến đổ máu.  Lễ hội đang bị lạm dụng nghiêm trọng và làm mất đi ý nghĩa linh thiêng.

Vào thời Chúa Giêsu, Đền thờ Giêrusalem là nơi thiêng thánh cũng bị lạm dụng.  Người ta buôn bán chiên bò, chim câu và đổi tiền.  Tất cả những dịch vụ này cũng núp dưới danh nghĩa phục vụ khách hành hương, nhất là vào dịp lễ trọng của người Do Thái là lễ Vượt qua.  Chúa Giêsu đã chứng kiến cảnh này.  Người đã nghiêm khắc xua đuổi họ ra khỏi Đền Thờ.  Cả bốn thánh sử đều ghi lại sự kiện này, nhưng Thánh Gioan là người diễn tả hành động của Chúa Giêsu một cách mạnh mẽ quyết liệt nhất: “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ.”  Tuy vậy, nếu ba tác giả của Tin Mừng nhất lãm đều nói đến việc Đức Giêsu “đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ,” thì thánh Gioan lại cho biết, Chúa chỉ yêu cầu mang các loại hàng hóa trần tục xâm nhập Đền Thờ và làm cho nơi thánh trở thành chốn thương mại.  Phải chăng Thánh Gioan muốn nói với chúng ta: Chúa Giêsu không xua đuổi con người tội nhân, nhưng xua đuổi những hành động tội lỗi, và như thế, Người mời gọi chúng ta hãy canh tân cách thực hành Đức Tin.

Từ đầu Mùa Chay, Phụng vụ đã mời gọi chúng ta canh tân đổi mới cuộc đời.  Canh tân để làm cho trái tim, tâm hồn và cuộc đời của chúng ta được đổi mới.  Chúa nhật thứ Ba của Mùa Chay, Phụng vụ dạy chúng ta hãy xem xét lại cách tôn thờ Chúa của mình.  Nói cách khác, mỗi chúng ta là người tin vào Chúa.  Đức tin ấy phải được thể hiện qua tâm tình thờ phượng Chúa.  Có nhiều người tin Chúa mà không thực hành các bổn phận của đức thờ phượng.  Thờ phượng Chúa là nhận ra quyền năng vô biên và tình yêu của Ngài đối với chúng ta, đồng thời dâng lời tạ ơn, ca tụng và cầu nguyện với Ngài.  Đối với một số tín hữu, đức tin của họ mang tính vụ lợi, tức là chỉ chạy đến nài van Chúa khi gặp hoạn nạn gian nan, còn những lúc khác thì không cần biết Chúa là ai.  Nhiều người khác coi Chúa như Bà Chúa Kho, đến để xin lộc và vay tiền lúc đầu năm với hy vọng năm mới phát tài.

Hành động của Chúa Giêsu khi xua đuổi chiên bò ra khỏi Đền thờ được gọi là “thanh tẩy Đền thờ.”  Quả thật, Chúa muốn khôi phục tinh thần thờ phượng đích thực, không nhuốm màu thương mại và cạnh tranh vật chất.  Mùa Chay cũng giúp ta thanh tẩy đời sống đức tin và tâm tình thờ phượng Chúa.  Những thực hành đạo đức của cộng đoàn cũng như cá nhân phải dẫn đưa người tín hữu đến gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn Đức Kitô đang sống như sau: “Chúng ta có nguy cơ coi Chúa Giêsu Kitô chỉ như một mẫu gương trong quá khứ, như một kỷ niệm, như một Đấng đã cứu chúng ta cách nay hai ngàn năm.  Điều này không ích gì cho chúng ta, vì nó sẽ để chúng ta cũ kỹ y như trước, nó sẽ không giải thoát chúng ta.  Đấng đổ đầy ân sủng của Người trên chúng ta, Đấng giải thoát chúng ta, Đấng biến đổi chúng ta, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta đang sống.  Người là Đức Kitô phục sinh, tràn đầy sức sống siêu nhiên, mặc lấy ánh sáng vô hạn” (số 124).  Những lời trên đây của Đức Thánh Cha giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống hiện tại.  Nhiều người tín hữu chỉ coi Người như một vĩ nhân đã lùi vào dĩ vãng.  Không phải như vậy.  Người đang sống và hiện diện giữa chúng ta.  Nếu ý thức được điều ấy, lời nói, cử chỉ và cách sống của chúng ta sẽ thận trọng hơn.  Lời cầu nguyện và việc thờ phượng Chúa sẽ thấm đượm tâm tình mến yêu hơn.  Xác tín điều đó, người tín hữu cảm thấy như được chạm tới Chúa, được Người hướng dẫn và soi sáng đường đi nước bước trong cuộc đời.

Gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng đang sống, sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn trong cuộc sống hằng ngày.  Bài sách thánh trích sách Xuất hành ghi lại luật Giao ước Thiên Chúa ban cho dân Israel qua ông Môisen mà chúng ta vẫn gọi là Mười điều răn.  Có thể nói Mười điều răn trong sách Xuất hành là bộ luật đầu tiên trong lịch sử nhân loại.  Vì dân tộc Do Thái là một dân được tuyển chọn, nên phải có một bộ luật làm tiêu chuẩn và để duy trì trật tự trong việc điều hành cai quản, làm chuẩn mực chung cho mọi nền văn hoá và mọi dân tộc.  Rất tiếc, nhiều Kitô hữu, nhất là những bạn trẻ, không thuộc kinh Mười Điều Răn, vì vậy, họ không định hướng được cuộc đời của mình.  Họ nói tin vào Chúa mà không biết Chúa là ai và phải làm gì để thực hành Đức Tin.

Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem.  Người cũng dùng máu Người đổ ra trên thập giá để thanh tẩy tội lỗi của nhân loại.  Hai ngàn năm nay, Giáo Hội không ngừng rao giảng mầu nhiệm thập giá, “điều mà người Do Thái coi là ô nhục và dân ngoại cho là điên rồ” (Bài đọc II).  Trái lại với sự xét đoán của thế gian, Đức Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Có những lúc, người tin vào Chúa bị coi như những người điên rồ hoặc những người đi ngược dòng.  Tuy vậy, cũng như sự điên rồ của thập giá đã cứu vớt nhân loại, những ai theo Chúa Giêsu, dù có thể bị coi là ngu dại, chắc chắn sẽ tìm được sự thanh thản trong tâm hồn và niềm vui của Đấng phục sinh.  Mùa Chay cũng là mùa suy niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu.  Thập giá là một huyền nhiệm của tình thương Thiên Chúa.  Thập giá không phải là câu chuyện của quá khứ, nhưng là câu chuyện của hiện tại.  Thập giá đang đi ngang qua những mâu thuẫn gia đình, những khó khăn về tài chính tiền bạc, những xung khắc trong mối tương quan với người xung quanh, những thất bại trong học vấn, những bế tắc trong nghề nghiệp.  Đó là những thập giá mà chúng ta đang phải vác đi.  Vác thập giá không phải là cam chịu, nhưng là đón nhận và hóa giải những thất bại và khúc mắc thành kinh nghiệm, để rồi nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ vượt lên những khó khăn, biến gian khổ thành niềm vui và biến nước mắt thành nụ cười.  Quả vậy, khi có lòng bao dung, sự kiên nhẫn và nhất là tình yêu quảng đại, chúng ta sẽ có thể hoá giải mọi thương đau trong cuộc đời.

Đức tin của người Công giáo không phụ thuộc vào mùa lễ hội và những cạnh tranh.  Lòng yêu mến Chúa và tâm tình thờ lạy tôn vinh Ngài như hơi thở, như cơm ăn nước uống đối với người tín hữu.  Con người cần có Chúa để hiện hữu, để hoạt động và để nên trọn lành.  Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, dâng lên Chúa tâm tình yêu mến và cầu xin Ngài trợ lực để vượt lên mọi khó khăn thử thách, những điều này làm cho đức tin của chúng ta nên vững mạnh.

Mùa Chay là mùa canh tân đổi mới.  Canh tân cách thực hành Đức Tin là điều kiện thiết yếu để chúng ta đổi mới cuộc đời.  Bởi lẽ, nhờ Đức Tin tinh tuyền, chúng ta mới có thể sống Đạo chân thành trước mặt Chúa và trước mặt mọi người.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

HOÁN CẢI

Có hai anh em ruột kia rất thương nhau, thông cảm nhau, và cùng có một mơ ước cao đẹp là sẽ sống một cuộc đời hết sức thánh thiện.

Lớn lên, người anh cưới vợ, sinh con, chăm chỉ làm ăn và cũng không quên những bổn phận đạo đức hàng ngày.  Còn người em thì đi tu, thành một thầy dòng ngày ngày đi khắp nơi giảng đạo và giúp đỡ những người nghèo.

Rồi một ngày kia người em làm thầy dòng trở về quê thăm lại anh mình.  Hai anh em nói chuyện với nhau thật nhiều về cuộc sống và tâm tư của mình.  Người anh khám phá ra rằng ngày xưa hai anh em tâm đầu ý hiệp như thế, mà sao bây giờ lại khác nhau quá xa: người em thì vẫn thích thánh thiện như xưa và còn thánh thiện hơn xưa nữa, còn mình thì sao quá tầm thường không còn chút mơ ước nào về lý tưởng thánh thiện ngày xưa nữa.

Người anh tìm đến một vị ẩn sĩ để hỏi cho biết nguyên do sự khác biệt ấy.  Vị ẩn sĩ không trả lời thẳng mà dùng những hình ảnh thiên nhiên để giải thích cho anh:

– Trước tiên là đám mây trên trời: thường thường bầu trời ngày nào cũng có những đám mây, nhưng không có đám mây ngày nào giống đám mây ngày trước.  Cũng là mây, nhưng mây ngày nay khác mây ngày hôm qua.

–  Kế đến là một cái cây xanh: nó vẫn luôn luôn là cây thông xanh rì, nhưng năm trước nó nhỏ hơn, năm nay nó đã lớn hơn và cao hơn một tí, năm sau nó sẽ lớn và cao hơn tí nữa.  Có nhiều cái lá của năm trước mà năm nay không còn, và có nhiều chiếc lá của năm nay sẽ rụng vào năm tới để thay bằng những chiếc lá khác.

– Và sau cùng chính là thân xác con người: các tế bào trong thân xác con người luôn luôn thay đổi: có cái chết đi và có cái sinh ra thêm.  Khoa học tính rằng cứ sau 7 năm thì thân xác ta hoàn toàn đổi mới không còn một tế bào nào của 7 năm trước đây nữa: sợi tóc, móng tay, làn da của ta năm nay hoàn toàn không chứa một tế bào nào của sợi tóc, móng tay và làn da của 7 năm trước.

Và tới lúc đó vị ẩn sĩ mới kết luận: tâm hồn con người cũng thế: muốn lớn lên, muốn tươi trẻ mãi, muốn hăng say sinh động thì mỗi ngày cũng phải bỏ những yếu tố xấu và đồng thời thu vào những yếu tố tốt.  Không đào thải đi và không thu nhận vào thì nó sẽ chết khô như một thân cây chết cứng chứ không còn là một thân cây sống động vươn lên nữa.  Cái diễn trình đào thải và tiếp nhận ấy chính là cuộc hoán cải, cần phải hoán cải liên tục.  Sở dĩ người anh cảm thấy mình tầm thường, khô cằn vì anh ta bấy lâu nay đã tự mãn với những cái mình đang có, không muốn bỏ đi cái nào và cũng không mong thu thêm cái nào nữa.

Câu chuyện tới đây kể ra cũng đủ kết thúc.  Nhưng người anh còn muốn tìm hiểu rõ ràng hơn nên hỏi tiếp:

– Làm thế nào để loại bỏ những cái xấu trong tôi?  Nó nhiều quá và nó đã bám quá chặt vào con người tôi?  Vị ẩn sĩ trả lời: quan hệ nhất là đức tin và tư tưởng: tuy đời mình có nhiều tội lỗi, nhưng ta đừng quá chú ý tới nó, đừng để mình bị nó ám ảnh, đừng nghĩ nhiều tới nó.  Nếu lỡ phạm tội hãy sám hối, tin tưởng vào sự tha thứ của Chúa, rồi bỏ quên nó đi, phải coi thường nó.  Đầu óc mình sẽ được thanh thản khỏi những điều xấu.

– Còn làm thế nào để thu nhận những điều tốt, người anh hỏi tiếp?  Vị ẩn sĩ cũng trả lời: cũng quan trọng ở đức tin và tư tưởng: phải quí chuộng những điều tốt, phải luôn nghĩ tới nó, phải để cho nó ám ảnh tâm trí mình và phải mơ ước thực hiện cho kỳ được những điều tốt, và tin rằng Thiên Chúa sẽ giúp mình thực hiện được.

Người anh trong câu chuyện trên phản ảnh tâm trạng của chúng ta:

– Cuộc sống của chúng ta có thể nói là cứ mãi mãi ở thế bình bình: chúng ta không đến nỗi xấu lắm mà cũng không được tốt lắm.  Cái thế lình bình đó khiến chúng ta giống như một thân cây bị chai: không chết khô mà cũng không có sức sống vươn lên.

– Tại vì mỗi ngày chúng ta không biết cố gắng loại bớt khỏi ta những gì là xấu, là khuyết điểm, là tội lỗi và đồng thời cũng không cố gắng đón nhận những gì là tốt, là cao, là lý tưởng hơn.  Nghĩa là vì chúng ta không chú ý thực hiện sự hoán cải hằng ngày cho nên hết ngày này sang ngày khác cuộc đời của chúng ta vẫn cứ chai lì, tầm thường, vô vị.

– Muốn cho cuộc sống có đà vươn lên thì phải thực hiện sự hoán cải ấy:

Mỗi ngày loại dần những cái xấu bằng cách đừng nghĩ tới nó, đừng tiếp xúc với nó, đừng mơ tưởng tới nó.  Mỗi ngày đón nhận thêm những điều tốt bằng cách đi tìm nó, chú trọng tới nó, mơ ước nó và cố gắng chiếm đoạt nó.

Bấy nhiêu thôi xét ra cũng đủ là một chương trình dài hạn cho chúng ta chẳng những trong mùa chay này mà còn trong suốt cả cuộc đời chúng ta.

Trích trong Sợi Chỉ Đỏ

CÁI TÔI GIÀY VÒ VÀ QUÁ ĐỖI PHỨC TẠP CỦA CHÚNG TA

Nói cho cùng, cuộc đời chúng ta đâu phải chỉ có bình yên và thanh thản.  Có thể nói, chúng ta luôn phần nào thê thảm.  Nhưng chuyện đó không nên làm chúng ta sợ hãi.  Thê thảm không phải là một từ miệt thị.  Từ này có gốc Hy Lạp là pathos, nghĩa là đau đớn.  Thê thảm nghĩa là sống trong đau đớn, và chúng ta đều như thế bởi vì chúng ta được tạo nên như thế.

Có lẽ các bạn sẽ nghĩ như thế thì chẳng hợp lý gì cho lắm.  Chúng ta được tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên chẳng phải mỗi người chúng ta, dù cuộc sống có thảm đến đâu thì vẫn mang một phẩm giá đặc biệt và tính thần thiêng nào đó trong người sao?  Chúng ta có phẩm giá đặc biệt đó thật.  Tuy nhiên, bất chấp những chuyện này, và phần lớn lại là do những chuyện này, cuộc sống của chúng ta có khuynh hướng phức tạp cũng như đầy đau đớn.  Tại sao lại như vậy?

Không dễ để mang lấy sự thần thiêng.  Sự vô hạn trong chúng ta không dễ tương hợp với cái hữu hạn.  Chúng ta mang trong mình một ngọn lửa quá thần thiêng, đến nỗi khó mà tìm được sự bình an trong đời này.

Sự đấu tranh đó đã bắt đầu có từ đầu đời.  Để tạo cái tôi cho một đứa bé còn rất nhỏ, chúng ta cần một loạt truyền thụ về tinh thần và đến cuối cùng, nó lại hạn chế ý thức của chúng ta.  Trước hết, chúng ta cần phân biệt bản thân và người khác (kia là mẹ, đây là mình), rồi chúng ta cần phân biệt giữa cái có sự sống và cái không có sự sống (con chó thì sống, con búp bê thì không), tiếp theo, chúng ta cần phân biệt giữa cái vật chất và cái ý thức (đây là cơ thể mình, nhưng tâm trí mới giúp mình suy nghĩ).  Cuối cùng, và quan thiết nhất, khi làm mọi chuyện này, chúng ta cần chia ra cái mà chúng ta có thể xử lý một cách có ý thức và cái vượt quá tầm xử lý có ý thức của mình.  Từ đó, chúng ta tạo nên cái tôi, nhưng chúng ta còn tạo nên một cái bóng, cụ thể là một vùng trong chính mình, tách biệt khỏi ý thức của mình.

Và chúng ta phải lưu ý, cái bóng của chúng ta, trước hết và trên hết, không phải là bóng tối lẩn khuất.  Đúng hơn, nó là mọi sự sáng và sinh lực trong bản thân mà chúng ta không thể xử lý một cách có ý thức.  Tôi cho rằng hầu hết chúng ta đều quen thuộc với những lời của bà Marianne Williamson, đã được Nelson Mandela trích dẫn trong bài diễn văn nhậm chức: Nỗi sợ thâm sâu nhất của chúng ta không phải là sợ chúng ta bất đạt.  Nỗi sợ thâm sâu nhất của chúng ta là sợ chúng ta mạnh quá mức.  Chính ánh sáng, chứ không phải bóng tối, mới là điều làm chúng ta sợ nhất.

Ánh sáng trong chúng ta làm chúng ta sợ, vì nó chính là điều không dễ mang lấy.  Nó cho chúng ta phẩm giá cao quý và sự thâm sâu vô hạn, nhưng nó cũng cho chúng ta sự phức tạp và khắc khoải thảm thê.  Bà Ruth Burrows, một trong những ngòi bút thiêng liêng hàng đầu của thời chúng ta, đã mở đầu tự truyện của bà như sau: Tôi được sinh ra trong thế giới này với sự nhạy bén bị giày vò và cuộc sống của tôi chẳng dễ dàng gì.  Các bạn sẽ không ngờ một nhà thần nghiệm, một nữ tu bền đỗ hơn 70 năm cuộc đời, lại nói câu này.  Các bạn cũng sẽ không ngờ rằng trong cuộc sống bà phải đấu tranh ánh sáng bên trong mình không khác gì đấu tranh với bóng tối bên trong và bao quanh mình.  Điều này cũng đúng với mỗi chúng ta.

Trong sách Giảng viên, có một câu nhiều người biết, nói rằng Thiên Chúa làm cho mọi thứ trở nên đẹp đẽ vào đúng thời đúng điểm của nó.  Tuy nhiên, đoạn đó không kết thúc theo một cách êm đềm.  Đoạn kết nói rằng trong khi Thiên Chúa làm cho mọi thứ trở nên đẹp đẽ vào đúng thời đúng điểm của nó, Ngài cũng đưa sự vô tận vào tâm hồn con người, nên từ đầu đến cuối, từ bẩm tính, chúng ta cứ lạc nhịp với thời gian và các thời.  Cả phẩm giá đặc biệt và sự phức tạp bệnh hoạn của chúng ta đều có nguồn gốc nơi sự bất thường trong bản tính chúng ta.  Chúng ta cưu mang quá nhiều, vượt quá cuộc sống đời này.

Thánh Augutinô diễn tả một cách kinh điển: Lạy Chúa, Ngài đã tạo thành chúng con cho Ngài, và tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.  Câu này tóm gọn cả nhân học và linh đạo.  Phẩm giá và sự khắc khoải luôn mãi của chúng ta có cùng một nguồn gốc.

Vì thế chúng ta cần tự cho mình sự chấp thuận thần thiêng để có một tâm hồn hoang dại, khắc khoải, vô độ, phức tạp và đầy xung lực.  Cả tâm lý học và linh đạo quá thường xuyên phụ lòng chúng ta khi cho chúng ta ấn tượng mình nên sống mà không có những hỗn loạn và khắc khoải.  Phải thừa nhận rằng khi chúng ta bất đạt về tinh thần thì những thứ này có thể bủa vây chúng ta dữ dội hơn nữa, nhưng dù cho chúng ta có sống tốt thế nào đi nữa, thì nó vẫn cứ bủa vây chúng ta.  Sự thật là, nếu chúng ta là người nhạy cảm sâu sắc, thì có lẽ chúng ta sẽ cảm nhận sự phức tạp của mình rõ ràng hơn một người thiếu nhạy cảm hoặc đã làm tê dại sự nhạy cảm bằng những thứ xao lãng khác.

Một người bạn từng viết thư cho Karl Rahner, phàn nàn rằng mình đã không tìm được sự viên mãn mà ông mong mỏi trong đời.  Ông bày tỏ sự thất vọng với chính mình, với cuộc hôn nhân và công việc của mình.  Rahner mới viết thư khuyên rằng: Trong nỗi giày vò của sự thiếu hụt tất cả mọi thứ có thể đạt được, đến tận cùng, chúng ta học biết rằng, trong đời này, tất cả mọi hòa âm đều phải dang dở.  Trong đời này, không thể có hòa âm trọn vẹn, và lý do không phải bởi linh hồn của chúng ta khiếm khuyết, mà là bởi chúng mang trong mình sự thần thiêng.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

LÊN NÚI

Nếu Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, Phụng vụ muốn đưa chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu, thì Chúa nhật này, Phụng vụ lại mời chúng ta cùng lên núi với Người.  Vào sa mạc để sống tinh thần khổ chế của chay tịnh; lên núi cao để được biến đổi, canh tân.

Trong truyền thống Thánh Kinh, núi cao thường được coi như nơi thuận tiện để con người được gặp gỡ Thiên Chúa.  Ba tháng sau khi ra khỏi Ai Cập, các vị kỳ lão đại diện cho Dân Do Thái được ông Môisen dẫn lên đỉnh núi Sinai để gặp Chúa.  Tại đây Chúa ban cho họ Luật Giao ước (x. Xh chương 19).  Ngôn sứ Elia trong cuộc chạy trốn vua Akháp đã đi bốn mươi ngày đêm để đến núi Horeb.  Ở đó, ông được gặp Chúa và tìm được sức mạnh để có thể đối diện với những khó khăn trong sứ mạng (x. 1V chương 19).  Trong Tân ước, núi cao cũng là những địa điểm gắn liền với giáo huấn của Chúa Giêsu.  Chính trên núi cao mà Người giảng tám mối phúc thật, được coi như Luật Mới của Tin Mừng.  Cũng trên đỉnh núi, người biến hình đổi dạng trước mặt ba môn đệ.  Và cuối cùng, trên núi cao, Đấng Phục sinh đã gặp gỡ các môn đệ và sai các ông đi khắp thế gian để tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Người đã thực hiện khi còn tại thế.

Để lên được núi cao, con người phải buông bỏ những ràng buộc.  Người nào mang quá nhiều hành trang sẽ khó có thể tới đỉnh núi.  Lên núi thiêng liêng là bỏ bớt những tham lam ích kỷ, những toan tính nhỏ nhen để con người thanh thoát.  Chỉ khi nào chấp nhận buông bỏ, chúng ta mới gặp được Chúa.  Có hai cuộc lên núi được đề cập trong Lời Chúa hôm nay, đó là Bài đọc I trích sách Sáng thế và Bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô.

Ông Abraham sinh được một mụn con vào lúc đã một trăm tuổi và ông đặt tên là Isaac.  Tên gọi này có nghĩa là “Thiên Chúa làm cho tôi cười,” như chính bà Sara vợ ông đã giải thích (x. St 21,1-7).  Chẳng cần phải nói, chúng ta cũng biết hai ông bà yêu quý cậu con trai nối dõi tông đường này thế nào, vì đây là niềm hy vọng và là niềm vui duy nhất của ông ở tuổi xế chiều.  Tuy vậy, Chúa muốn thử thách lòng trung thành của Abraham, và Ngài truyền cho ông sát tế con mình làm của lễ toàn thiêu trên một ngọn núi.  Dưới ngòi bút của tác giả, Abraham được diễn tả như một người kiên định và hoàn toàn phó thác vào Chúa.  Đối với ông, thánh ý Chúa là điều tối quan trọng, những điều khác chỉ là vô nghĩa, kể cả đứa con độc nhất của mình.  Nếu Abraham đã trung thành với Chúa, thì Chúa không bỏ rơi ông.  Chúa có cách can thiệp của Ngài.  Chính Chúa sẽ tìm ra một giải pháp, một lối thoát cho hoàn cảnh này.  “Chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ!” – lời nói của Abraham với con mình đã khẳng định sự xác tín của ông.  Và, quả thật là Chúa sẽ liệu, như chúng ta thấy ở phần kết của câu chuyện.  Ngọn núi từ đó được mang tên “Núi Đức Chúa sẽ liệu.”  Qua vị sứ thần, Thiên Chúa đã ghi nhận lòng vâng lời, trung thành và tín thác của ông, khi ông không ngần ngại sát tế đứa con thừa tự của mình.  Chính do lòng trung thành này mà Thiên Chúa hứa cho ông những điều tốt đẹp ở tương lai.  Đó là một dòng dõi đông đảo và được chúc phúc.

Cuộc lên núi thứ hai được diễn tả như một cuộc thần hiện của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.  Tác giả Mác-cô cẩn thận ghi rõ chi tiết thời gian “sáu ngày sau” ở đầu trình thuật.  Đó là sáu ngày sau khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ nhất cuộc thương khó và phục sinh.  Trước lời loan báo này, xem ra các ông không hiểu gì.  Vậy nên ông Phêrô mới can gián Người và bị Người gọi là Satan (x. Mc 8,33).  Chính trong bối cảnh ấy là Chúa dẫn ba môn đệ thân tín lên núi và Người biến hình đổi dạng trước mắt các ông.  Ba môn đệ đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình trên núi.

Các ông ngỡ ngàng trước cảnh tượng mà các ông nhìn thấy.  Nơi đây, các ông chứng kiến một cuộc “thần hiện” huy hoàng: Chúa Giêsu không còn dáng vẻ của một người thường như mọi ngày, nhưng Người đã tỏ hiện vinh quang Thiên Chúa, vinh quang sáng ngời, quyền năng mạnh mẽ.  Bóng mây bao phủ và tiếng nói từ trời là cách diễn tả Thiên Chúa Cha.  Ngài giới thiệu cho mọi người biết sứ mạng Thiên Sai của Con Một Ngài.  Hai nhân vật nổi bật của Cựu ước, ông Môisen tượng trưng cho Lề Luật, ông Elia tượng trưng cho truyền thống ngôn sứ, đều hiện ra cùng lúc để làm chứng về Chúa Giêsu.  Đối với độc giả Do Thái, khi đọc những dòng trình thuật này, chắc chắn họ không thể thắc mắc gì về sứ mệnh thiên sai của Đức Giêsu.  Người là Đấng được Lề Luật và các Ngôn sứ loan báo từ ngàn xưa, nay đã đến để cứu độ con người.  Ba môn đệ là những người được biến đổi trước hết.  Nếu trước đó sáu ngày, ông Phêrô còn ngờ nghệch và nghi nan, thì hôm nay khi chứng kiến Chúa biến hình, ông lại choáng ngợp trước vẻ huy hoàng của cuộc biến hình.  Ông đã ngỏ lời làm ba lều, một cho Chúa, một cho ông Môisen và một cho ông Elia.  Tác giả Phúc âm không quên chú giải thêm: ông không biết mình nói gì, vì kinh hoàng.  Khi chứng kiến cuộc “thần hiện” này, quan niệm về Đấng Thiên sai nơi ba tông đồ không còn mang những nét trần tục, nhưng hoàn toàn thần thiêng.  Nhờ sự biến đổi này, các ông xác tín vào Thày mình, Đấng họ đã từ bỏ mọi sự mà tin theo.

Trong cuộc sống thường nhật, giữa bao nhiêu bon chen tính toán trần tục, chúng ta thường bị cám dỗ và có nguy cơ trở nên tầm thường, ti tiện trong ứng xử.  Mùa Chay là mùa “lên núi” để tập sống tinh thần của Abraham, tín thác cậy trông vào Chúa.  Mùa Chay cũng là mùa lên núi như các tông đồ để cảm nhận rõ hơn sứ mạng của Đấng Cứu thế, với xác tín Người đang hiện diện giữa chúng ta.  Theo Chúa chính là một cuộc leo núi, kiên trì, liên lỉ.  Trong cuộc leo núi, có nhiều người bỏ dở ngang đường vì không đủ can đảm trút bỏ những vướng víu ngăn cản tiến lên.  Mùa Chay giúp ta nhìn lại chặng đường mình đã đi, nhiều khi không phải là lên cao nhưng trái lại, đang là những tụt dốc, làm chúng ta càng ngày càng trở nên xa Chúa và xa rời anh chị em mình.  Sám hối ăn năn, giao hòa với Chúa và với anh em, từ bỏ lối mòn của quá khứ để dám lên đường khởi đầu một hành trình mới, đó chính là một cuộc “lên núi” thiết thực đối với chúng ta.

“Chúa không hứa ban cho chúng ta một cuộc hành trình êm ả, Người chỉ hứa giúp ta đến đích an toàn” (John Gower – Thi sĩ người Anh, thế kỷ 14).

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

HOA TRÁI THINH LẶNG

“Như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất!”

Trong “Thoughts in Solitude”, “Hoa Trái Thinh Lặng”[1] – người viết dịch, Thomas Merton nhận định, “Cuộc sống của con là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo!  Lắng nghe và đáp trả là việc của con; nhờ đó, con được cứu độ.  Vì thế, con phải lặng thinh!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Con phải lặng thinh!”  Cùng với cảm nhận của Thomas Merton, Lời Chúa hôm nay nói đến tĩnh lặng và hoa trái của nó từ một ‘chuyển động kép!’  Một từ trời xuống, lời Thiên Chúa; một từ đất lên, lời con người – Kinh Lạy Cha – ‘hoa trái thinh lặng!’

Chỉ vỏn vẹn hai câu, Isaiah mô tả tuyệt vời Lời kỳ vĩ của trời, “Như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời…; lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả” – bài đọc một.  Lời Thiên Chúa là Lời biến đổi, Lời nuôi sống, Lời củng cố hy vọng!  “Kinh Lạy Cha” Chúa Giêsu dạy hôm nay là ‘kết quả của Lời’ “trở về trời.”  “Nó là ‘ma trận’ của mọi lời cầu Kitô giáo; vì lẽ, mọi ước nguyện được thể hiện trong Kinh Lạy Cha.  Một mặt, nó như chiêm ngưỡng Thiên Chúa, sự huyền bí, vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài; mặt khác, nó như một lời khẩn xin chân thành, can đảm, về những gì chúng ta cần.  Thiên Chúa yêu tôi.  Đó là một bảo đảm tuyệt vời!” – Phanxicô.

Cầu nguyện là ‘hoa trái thinh lặng!’  Vậy mà, xem ra không ít người coi thường những hoa trái đó!  Họ thích nói nhiều, muốn được hiểu nhiều, nhưng không học cách lắng nghe.  Chúng ta thường không thể lắng nghe, vì không quen thinh lặng!  Mẹ Têrêxa từng viết, “Cầu nguyện là ‘hoa trái thinh lặng!’”  Đúng thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, cầu nguyện là để lắng nghe hơn là để nói.  Khi ở cùng một người hiểu biết về một chủ đề mà bạn quan tâm, bạn hạn chế nói nhiều và dành bản thân để lắng nghe.  Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Chúa Cha, điều đó có nghĩa là, mối quan tâm chính của chúng ta trong cầu nguyện là nên hỏi Ngài về Chúa Cha; và sau đó, chuyên tâm lắng nghe!

Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu; tuy nhiên, chúng ta cần hỏi, bởi khi hỏi, chúng ta ý thức có những nhu cầu mà chỉ một mình Ngài mới có thể ban.  Hãy hỏi Chúa Giêsu về điều gì cần nhất cho sự cứu rỗi của mình!  Đó là lý do tại sao Ngài dạy “Kinh Lạy Cha.”  Cầu nguyện với lời kinh này còn nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa là Cha của mọi người; và mọi người thực sự là anh em của nhau.

Anh Chị em,

“Cuộc sống của con là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo!”  Thiên Chúa không ngừng dạy dỗ chúng ta qua Lời, qua những con người, cũng như qua các biến cố.  Ngài mong ước mỗi sứ điệp của Ngài “thấm vào đất lòng” chúng ta và trổ sinh hoa trái.  Hoa trái đầu tiên Ngài chờ mong có lẽ là bạn và tôi biết lặng thinh để lắng nghe Ngài; lắng nghe từ ‘đôi tai của trái tim’ trong giây phút hiện tại; để sau đó, vượt lên chính mình và làm theo tiếng nói ấy!  Đây là một hành trình không bao giờ ngưng nghỉ; làm theo tiếng nói ấy chính là biến đổi!  Cầu nguyện là lắng nghe và cầu nguyện còn là biến đổi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để kinh nguyện của con rộn ràng nhưng hời hợt, ồn ào nhưng vô hồn; dạy con để Lời ‘thấm vào đất lòng’ khi con thực sự là con trước Chúa là Cha!”  Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

LÀM MỚI LẠI ĐỜI SỐNG TRONG MÙA CHAY NÀY

Mùa Chay sẽ là một mùa của ân sủng nếu chúng ta biết sống dấn thân trong Mùa này.  Chúng ta sẽ sống trọn vẹn Mùa Chay nếu chúng ta có đủ khao khát mạnh mẽ.  Chúng ta cần phải chuẩn bị tâm hồn mình.  Chúng ta có thể chuẩn bị tâm hồn qua việc nhận ra rằng, chúng ta mong muốn lớn lên trong tự do, tinh thần của chúng ta cần ủi an và trải nghiệm niềm vui thực sự biết bao, cùng bao nhiêu điều trong đời sống của chúng ta cần phải thay đổi.

Việc sửa soạn tâm hồn là một tiến trình chuẩn bị những khát vọng của chúng ta.  Điều này có ý nghĩa là thực hành một khả năng dự liệu.  Nếu tôi hình dung Mùa Chay như là một “sự thử thách” hay thời gian tôi sợ hãi theo nghĩa nào đó, thì tôi không để mình quá xa rời nó.  Mùa Chay là một thời điểm để chuẩn bị trước cho một số điều tuyệt vời sẽ xảy đến.

Trọng tâm của chúng ta: Những gì Thiên Chúa muốn trao tặng cho chúng ta

Khả năng phán đoán thực hành và dự liệu của chúng ta sẽ tăng triển dễ dàng hơn nếu chúng ta bắt đầu hình dung về những gì Thiên Chúa muốn trao tặng cho chúng ta.  Một số điều nào đó mà chúng ta thực sự mong đợi sẽ đến.  Nếu chúng ta chú tâm quá nhiều vào những gì chúng ta đang tiếp tục làm hay không làm, chúng ta có nguy cơ bỏ lỡ quà tặng mà Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta.  Mùa Chay là mùa hy vọng lớn lao mà Thiên Chúa ban cho ta.  Mọi ân sủng đều đến từ Thiên Chúa và vì thế, ân sủng là quà tặng của Thiên Chúa.  Ân sủng ấy được trao ban để giải thoát chúng ta , giúp chúng ta yêu mến tha nhân như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta.  Điều chúng ta muốn là lãnh nhận những gì Thiên Chúa trao tặng.

Lời mời gọi của Thiên Chúa

Mùa Chay là mùa của lời mời gọi mà Thiên Chúa ngỏ cùng con người cách cá vị sâu xa.  “Hãy quay về với ta, với trọn cả tấm lòng,” Đức Chúa của chúng ta phán (x. Gioen, 2,12).  Chúng ta đáp lại, “chúng con sẽ trở về,” nhưng chúng ta không thực sự sẵn sàng, tâm hồn của chúng ta không được chuẩn bị.  Chúng ta muốn quanh co, vòng vo và lảnh tránh.  Chúng biện minh rằng, linh hồn của chúng ta vẫn chưa hoàn thiện.  Chúng ta nghĩ rằng mình không sẵn sàng để Thiên Chúa yêu thương.  Vâng, dĩ nhiên tôi muốn có một mối tương quan sâu xa hơn với Thiên Chúa, chúng ta nói chân thành với chính mình như vậy.  Chúng con sẽ… sớm.  Thiên Chúa tiếp tục gọi: “hãy trở về với ta, với trọn tâm hồn con.”

Bắt đầu những khuôn mẫu mới trong suốt Mùa Chay

Một số điều mà tất cả chúng ta có thể làm đó là dấn thân phản tỉnh nhiều hơn trong suốt mùa Chay này.  Chúng ta có thể thực hiện một điểm phản tỉnh cách đơn giản để càng ngày càng tinh tường hơn, ý thức hơn về những gì chúng ta đang trải qua, nhận thức rõ hơn về những hành vi mang tính tự phát của mình.  Sau đó, chúng ta có thể bắt đầu chú tâm tới nhiều hơn khát vọng của chúng ta.  Trong suốt Mùa Chay, chúng ta có thể duyệt xét lại những ước ao đó và thấy những điều nào trong đó cần thanh luyện, những gì chúng ta cần loại bỏ, những khát khao tích cực nào chúng ta cần thực hiện.  Việc gọi tên cho những khát khao sâu thẳm nhất của chúng ta sẽ hướng dẫn những chọn lựa mà chúng ta thực hiện để thiết lập nên những khuân mẫu mới cho Mùa Chay.

Hãy trở về với ta với trọn tâm hồn ngươi

Ngay từ ngày đầu tiên của Mùa Chay, trong bài đọc của thứ Tư Lễ Tro, lời mời gọi của Thiên Chúa đối với chúng ta thật rõ ràng: “Hãy trở về với ta trọn cả tâm hồn” (Gioen 2, 12).  Đó là lời mời gọi tha thiết mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta – với ta trong một cung cách cá vị, riêng tư.  Thiên Chúa mời gọi tôi bỏ bớt đi những gì mà tôi còn khư khư giữ lại giữa chính mình và Thiên Chúa.

Thiên Chúa muốn chúng ta nhận ra rằng, tiêu chuẩn, cung cách phán đoán, yêu thương của chúng ta thật khác biệt so với cách thức của Thiên Chúa, và nhỏ mọn hơn rất nhiều.  Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta.  Vì toàn bộ mùa Chay hay trọn cả cuộc sống, Thiên Chúa luôn yêu thương từng người trong chúng ta.

“Lạy Chúa xin tạo cho con tấm lòng sạch trong” như Thánh Vịnh 51,12 thưa lên cùng Chúa.  “Xin ban lại cho con niềm vui được Ngài cứu độ.”  Đây đích thị mới là những gì mà Thiên Chúa là Đấng yêu thương muốn trao ban cho chúng ta, đó là niềm vui cứu độ.

Andy Alexander, SJ, Maureen McCann WaldronChuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.Nguồn: https://www.loyolapress.com/our-catholic-faith/liturgical-year/lent/articles/articles/renewing-our-lives-this-lent

SỨC MẠNH ĐỂ CHIẾN THẮNG CÁM DỖ

Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy đi vào hoang địa.  Sau bốn mươi đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Người cảm thấy đói.  Satan xuất hiện, mon men lại gần để cám dỗ.  Chúa đã chiến thắng Satan bằng sức mạnh Thánh Thần và Lời Thiên Chúa.

1. Ba cơn cám dỗ

– Cơn cám dỗ thứ nhất phát xuất từ cái đói.  Ma quỷ gợi ý cho Chúa Giêsu “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt 4,3).  Cơn cám dỗ về bánh nói lên ước muốn căn bản nhất là bản năng sinh tồn của con người.  Thân xác với những khát khao thèm muốn luôn đòi hỏi phải được nuôi nấng, chiều chuộng và vỗ về.

– Trong cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ đưa Chúa Giêsu lên thượng đỉnh đền thờ và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống coi!  Bởi đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4,5).  Ma quỷ dùng Tv 91,11 để gợi ý cho Chúa Giêsu nhảy từ nóc đền thờ xuống, xem Thiên Chúa có biểu lộ quyền năng của Người hay không.  Cám dỗ thách đố Thiên Chúa biểu lộ quyền năng để tìm vinh quang cá nhân.  Đó là bản năng đối kháng lại những giới hạn của cuộc sống nhân sinh.  Con người thường muốn quên đi những điều kiện sinh sống giới hạn của mình.  Họ muốn cất cánh bay lên cõi thần tiên bằng men rượu, ma túy, lạc thú…

– Trong cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đem Chúa Giêsu lên một ngọn núi cao và chỉ cho Người thấy các nước thiên hạ và các thứ phú quý, rồi nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái ấy, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi…” (Mt 4,9).  Một cơn cám dỗ đã hằng theo đuổi dân Israel, chẳng những trong thời gian hành trình sa mạc mà cả khi định cư trên đất Palestina.  Đó là thờ lạy các tà thần mong được giàu sang, quyền thế, có khả năng thống trị các quốc gia khác.  Bản năng thống trị, cái “ý chí quyền lực” nằm sẵn trong mỗi một con người.  Người ta thường muốn cai trị và sai khiến những người yếu hơn mình.  Xưa dân Do thái đã tạc tượng bò vàng và thờ lạy nó.  Ngày nay, ngẫu tượng hay bò vàng chính là tiền tài, danh vọng, lạc thú, vật chất, tiện nghi, sắc dục.

Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu đều đã bắt đầu bằng chữ “nếu.”  Chúng khởi sự bằng một lý luận với những lý do có vẻ chính đáng, hợp lý và đáng ao ước để tấn công vào những đòi hỏi của bản năng con người Giêsu.

Tuy là ba cơn cám dỗ, nhưng vẫn chỉ là một.  Bởi trọng tâm của vấn đề chính là gieo rắc sự khủng hoảng của niềm tin.  Chúa Giêsu bị cám dỗ nghi ngờ về căn tính Con Thiên Chúa của chính mình.  Cả ba Phúc âm Mátthêu, Máccô, Luca đều mô tả cơn cám dỗ ngay sau khi Chúa chịu phép Rửa ở sông Giođan, và có tiếng từ trời phán “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3.17).  Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu quay lưng lại với sứ mạng đã nhận từ nơi Chúa Cha (GLTC #394).

Cơn cám dỗ Chúa Giêsu cũng giống như cơn cám dỗ của Ađam và Eva trong bài đọc một (St 2,7-9;3,1-7).  Ma qủy gieo sự nghi ngờ và mất niềm tin nơi những kẻ được gọi là con cái Thiên Chúa.  Qua bản năng ăn uống thèm khát của thể xác, nó khơi dậy bản năng phản kháng bất tuân lệnh Chúa và sau cùng, con người sa ngã ở “ý chí quyền lực,” bản năng đòi bá chủ và thống trị vì muốn ngang hàng với Thiên Chúa.

Thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Lucifer.  Không vượt qua được cơn cám dỗ, Lucifer đã trở thành Satan.

Thụ tạo đầu tiên trong con người là Ađam và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ.  Và hai Nguyên Tổ này cũng đã gục ngã thảm thương trước cám dỗ.

Như vậy cám dỗ là một cái gì hết sức mạnh mẽ, hết sức lôi cuốn, và rất khó chống cự.

Chúa Giêsu sau khi đã trải qua những cám dỗ và thắng các cám dỗ cũng thấy được điều này, nên Người đã dạy các môn đệ không được coi thường bằng cách dựa vào sức lực, tài trí, và khả năng của riêng mình.  Người dạy phải cầu nguyện và xin ơn Chúa Thánh Thần: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.  Nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ.”

2. Sức mạnh nào giúp vượt thắng cám dỗ?

Cả ba Phúc Âm đều đề cập đến một chi tiết rất thú vị, đó là Chúa Giêsu không đi vào hoang địa một mình, nhưng mà Người đi cùng với Chúa Thánh Thần.

– “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4,1).

– “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.  Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,12-13).

– “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về.  Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2).

Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần.

Chúa Giêsu đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Lời của Thiên Chúa để đối đáp với ma quỷ và đã chiến thắng.

Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của Satan, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực.  Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta.

Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; LGTC #2612,2742).  Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1).  Nhờ cầu nguyện chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với các thánh trên trời.

Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta.  Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng… hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ.  Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).

3. Cầu khẩn và kêu xin Chúa Thánh Thần bằng cách nào?

– Khi thằng quỷ dâm ô xúi tôi mở những emails lạ, dụ dỗ tôi tò mò đi vào những websites của Trư Bát Giới…  Tôi phải mau mắn và thành tâm xin Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí để tôi nhận ra rằng: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.  Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục (Mt 5,28-29).

– Khi thằng quỷ gian dối xúi tôi nói dóc, nói xạo, nói quanh co, nói sai sự thật, lừa bịp thiên hạ… tôi phải lập tức xin Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan để tôi có thể nhớ lời của Chúa Giêsu phán dạy tôi rằng: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có,’ ‘không’ thì phải nói ‘không.’ Thêm thắt điều gì là do ác quỷ mà ra!” (Mt 5,37).

– Khi thằng quỷ kiêu căng, ngạo mạn xúi tôi phê bình chỉ trích người này, xét đoán người kia, lên án người nọ… thì tôi phải lập tức xin Chúa Thánh Thần giúp tôi nhớ rằng: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.  Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (Lc 6,37).

– Khi bị thằng quỷ dâm ô xúi tôi ly dị, bỏ chồng, phụ vợ, làm giấy ly dị giả… tôi phải cầu xin với Chúa Thánh Thần ngay để Ngài giúp cho tôi hiểu rằng “[Tôi và người bạn đời của tôi] không còn là hai [nữa], nhưng chỉ là một xương một thịt.  Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,8-9).

– Khi thằng quỷ kiêu căng xúi tôi khoe khoang, tự kiêu tự đại… thì tôi xin Chúa Thánh Thần nhắc nhở cho tôi rằng: “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục… kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào” (Cn 11,2; 16,18).

– Khi thằng quỷ giận hờn xúi tôi giận người này, ghét người kia, thù người nọ… thì tôi phải cần đến sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng để tôi hiểu rằng: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.  Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.  Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt (Mt 5,22).

– Khi thằng quỷ dâm dục xúi bẩy tôi đi ngoại tình, ăn chơi trác táng, quan hệ bừa bãi… tôi phải van nài Chúa Thánh Thần, xin Ngài nhắc nhở cho tôi nhớ rằng: “Thân xác [của con] là Đền Thờ của [Ta đấy nhé!  Chớ có làm cho nó ra ô uế!]” (1 Cr 6,19).

Sau khi chịu phép Rửa tội để trở nên một Kitô hữu, chúng ta dấn thân vào đời với nhiều thử thách của niềm tin, phải chịu nhiều cám dỗ của phận người lữ thứ.  Nếu chúng ta tin rằng “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6) thì hãy vững tâm và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa Thánh Thần.  Ngài sẽ không bao giờ xa rời chúng ta đâu!  Điều quan trọng là chúng ta có thành tâm để cầu xin và nhờ cậy Ngài, hay là không thôi!

Hãy tin tưởng và trông cậy vào Chúa Thánh Thần.  Bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần luôn trao ban cho người: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn nhận thức, ơn chỉ bảo, ơn dũng mạnh, ơn thánh thiện và ơn kính sợ Thiên Chúa.

Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Ngài, nhờ đó “Hoa trái của Thần Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23) sẽ tràn đầy trong tâm hồn và đời sống của chúng ta.

Việc gặp gỡ Chúa Thánh Thần rất dễ dàng.  Chỉ cần hồi tâm lại, ý thức Ngài đang hiện diện ngay trong bản thân mình, và muốn được tan hòa vào trong Ngài.  Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ.  Ngài sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi.  Ngài sẽ ban thêm sức mạnh.  Ngài sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong.  Ngài sẽ đổ tràn vào hồn chúng ta nguồn sống mới giúp chúng ta chiến thắng mọi cám dỗ và hăng hái lên đường.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An