KỶ NIỆM VỚI LINH THAO

ZZTôi đến với Linh Thao trong một dịp tình cờ, khi đọc thấy các khoá tĩnh tâm Linh Thao Cuối Tuần trên một tờ thông tin của nhà thờ Việt Nam.  Mới trở về với Chúa qua một biến cố trong đời, tâm hồn tôi thao thức muốn tìm đến với Ngài trong tình thân mà không biết phải làm sao.  Tôi mò mẫm đi tìm Chúa qua mấy khoá tĩnh tâm.

Khoá của Gia Đình Đồng Công thì già quá, tĩnh tâm với nhóm Đường Hy Vọng thì trẻ quá…  Chúa lúc thì già lụ khụ, lúc thì trẻ măng non choèn choẹt…, chưa Chúa nào hợp với tôi cả.  Tôi không hy vọng gì ở khóa tĩnh tâm Linh Thao này, nhưng ít nhất cũng phải thử mới biết có hạp hay không, chứ đâu thể ngồi ở nhà mà đoán già đoán non. Thế là tôi từ chối một party vào cuối tuần đó, và rủ cô bạn thân cùng đi dự khoá với tôi.  Lúc ấy, tôi không có khái niệm gì về hai chữ Linh Thao, cũng không biết ông I-nhã là ai, bày ra những trò gì, chỉ là muốn thử thời vận thêm một lần nữa thôi.

Bị bất ngờ và thất vọng tràn trề ngay từ buổi đầu tiên, có chui vô rọ mới biết kiểu tĩnh tâm Linh Thao là “thinh lặng,” và bản tình ca “KHÔNG” làm ngạc nhiên những tên lính mới như tôi.  Không nói chuyện, không phone tay, không internet, không báo chí, không tivi, không radio…, nói chung là không có gì, và không còn gì để nói không nữa.  Những “linh hồn tượng đá” đi ra đi vô, đụng mặt nhau ầm ầm, mà mặt lạnh như những tảng băng có thể đâm thủng mấy chiếc tàu Titanic.  Bốn mắt có tình cờ giao nhau ở hành lang, thì nhất định liếc lên trời hay ngó xuống đất chứ nhất quyết không hề chào hỏi nhau, dù bằng ánh mắt hay nụ cười.  Trong giờ thong dong và cầu nguyện riêng, hai đứa chúng tôi cứ đi chung và nói chuyện rù rì với nhau suốt buổi.  Một “linh hồn tượng đá” trong nhóm Bạn Đường Cầu Nguyện đến nhắc nhở chúng tôi không nên đi chung, và nói chuyện với nhau nữa, nếu cha thấy sẽ la.  Bực mình thiệt!  Chúng tôi nói chuyện nho nhỏ chứ có nói ồn ào, hay làm phiền tới ai đâu mà cấm như con nít vậy.  Tôi đã hiểu sai nghĩa “thinh lặng” trong Linh Thao.

Tôi đi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác khi chiêm ngắm những khuôn mặt lạnh lùng trong khóa.  Có lần tôi đã suýt phá ra cười nhưng kịp giữ lại, vì chẳng biết họ cấm nói chuyện nhưng có cho cười hay cho khóc không?  Đến giờ ăn, hai anh chị ở trong nhóm Bạn Đường Cầu Nguyện ngồi ăn chung một bàn, anh muốn mời chị ăn chuối.  Khuôn mặt băng giá với cặp mắt long lanh chỉ đăm đăm nhìn về trời, nên chị không thấy người đối diện đang mời ăn chuối.  Anh cầm trái chuối giơ lên cao trước mặt chị, và đung đưa quả chuối qua lại để thu hút cái nhìn của chị.  Chị vẫn làm ngơ và im lặng ăn!  Nhìn họ giống như hai con khỉ trong sở thú đang mời nhau ăn chuối.

Không được đi chung, không cho nói chuyện công khai thì hai đứa con gái chui vô phòng đóng cửa lại nói chuyện.  Lâu lắm mới có dịp được ở chung với nhau, tha hồ mà chít chát.  Dù được nói thoả thuê trong phòng như thế, nhưng tôi vẫn cảm thấy chán ngắt.  Cái miệng được hoạt động nhưng tay chân lại thấy buồn bã khó chịu.  Lòng tôi vấn vương nhớ tới cuộc vui ở dưới núi mà tôi đã bỏ lỡ cơ hội.  “Tâm” tôi chưa “tĩnh” thì làm sao có thể tĩnh tâm được đây?  Mới qua ngày hôm sau mà tôi có cảm tưởng như dài cả thế kỷ.  Tôi ngán ngẩm chán chường, tay chân thừa thãi, mồm miệng xuống đường biểu tình đòi quyền nói.  Tôi rủ cô bạn “chuồn” về sớm.  Bạn tôi e dè, sợ mắc cở với những người chung quanh, họ sẽ nhìn mình như một tên lính đào ngũ vậy!  Tôi thuyết phục cô bạn: “Họ là ai mà mình phải sợ?  Xuống núi chưa chắc mình sẽ gặp lại họ, mà nếu có gặp, họ cũng không biết mình là ai mà phải sợ.” Bạn tôi đồng ý và chúng tôi lên phòng thu xếp hành lý.

Khi có được đồng minh thì tôi lại chùn chân.  Tiếc tiền chăng?  Có lẽ, nhưng không phải là chính!  Ngại người ta cười ư?  Trời đất, ba gai như tôi thì sợ gì ai, tôi không cười người ta thì thôi chứ!  Có lẽ tôi sợ Chúa buồn!  Lòng tôi bỗng xao xuyến và bước chân ngập ngừng.  “Ở lại với những tâm tình nổi loạn như vậy thì chẳng có ích gì đâu!”  Tôi nghe tiếng dụ dỗ trong đầu.  Biết thế, nhưng có lẽ Chúa sẽ vui hơn là bỏ về nửa chừng.  Ngước nhìn lên tượng chịu nạn treo trên tường, tôi bối rối!  Thế là tôi quyết định ở lại.  Thôi thì ráng lê lết cái xác không hồn thêm 12 tiếng nữa để chiêm ngắm những “linh hồn tượng đá” di động.  Chỉ một lần nữa thôi, rồi dẹp tan giấc mơ “thà như mưa gió đến ôm tượng đá.”

Rồi cũng đến lúc kết thúc hai ngày lê thê trên núi, lòng tôi nhảy lên mừng vui reo hò.  Đến giờ lượng giá khoá tĩnh tâm, Ban Tổ Chức phát tờ giấy để người tham dự đánh giá, và cho ý kiến về khóa.  À ha, đây là một cơ hội bằng vàng để “trả thù.”  Bao nhiêu nỗi bực dọc bị dồn nén trong hai ngày qua, nay có cơ hội tuôn xối xả lên trang giấy trắng vô tội, tôi viết đến nỗi không đủ giấy để viết.  Về phần ưu điểm của khóa là cho ăn ngon, ngày ba bữa phục vụ tận tình… thì tôi ghi chữ… nho nhỏ thôi.

Tôi hả hê ra về vì đã trút được sự bực bội của mình, thề với lòng sẽ không có lần thứ hai.  Vài tháng sau, lại thấy đăng trên tờ thông tin của nhà thờ, có khoá tĩnh tâm Linh Thao Cuối Tuần với một ông cha khác.  Tôi ngạc nhiên, Ban Tổ Chức Tĩnh Tĩnh Tâm vẫn còn sống sao?  Bắt im như vậy mà cũng có người đi nữa ư?  Làm gì mà có người dại dột lần thứ hai nhỉ?

Hình như Chúa Thánh Thần không buông tha cho tôi.  Tôi cứ tò mò và thắc mắc về khóa kế tiếp, chẳng biết có gì hay ho hơn không?  Ông cha khóa sau có “linh” hơn ông cha khóa trước không?  Có cao tay ấn hơn không?  Làm sao có câu trả lời nếu tôi không thử.  Tôi cảm thấy ngứa ngáy muốn nạp mạng thêm một lần nữa.  “Quá tam ba bận,” mình mới bị có một lần thôi mà!  Có vô hang cọp mới bắt được cọp.  Có lên núi mới bắt được Chúa của cọp chứ!  Tôi ấm ức vì dò đài hoài mà vẫn chưa bắt trúng được tần số với Giêsu.

Thế là tôi “dại dột” nhắm mắt đưa chân thêm một lần nữa, cô bạn thân cùng đi khoá trước cũng bị tôi năn nỉ dụ đi theo cho có bạn, dù sao khi muốn đào ngũ trốn trại, có hai người vẫn đỡ hơn.

Ra quân lần này chúng tôi đụng độ phải một ông cha dữ “thần sầu qủy khóc.”  Trong một giờ huấn đức, tôi muốn đi vệ sinh nhưng chờ hoài chờ mãi mà cha vẫn say sưa mê mải nói.  Ngồi kế bên tôi là một “linh hồn tượng đá” trong Ban Tổ Chức, tôi viết giấy nhờ anh nói với cha cho bà con nghỉ giải lao.  Anh giơ tay đứng lên xin cha cho nghỉ giải lao năm phút vì có người muốn đi vệ sinh.  Vị cha già khả ái trợn mắt nạt luôn “linh hồn tượng đá” mà tôi cứ tưởng có quyền lắm chứ.  Cha hất mặt hỏi cắc cớ: “Ở đây có ai bị câm không nói được không mà cậu phải nói thay?” Trời ơi, luật nhắc nhở những người đi Linh Thao là không được nói chuyện, mà nhờ người khác nói dùm thì lại hỏi “có ai bị câm không?” Đúng là “miệng ông cha có gang có thép” nói gì cũng được.

Cha giảng khá hay nhưng lại nói “tiếng lạ” vì cha người Huế, tôi nghe tiếng được tiếng mất, hiểu lơ mơ những gì cha nói.  Trong một bài giảng, cha nói Thánh I-nhã khi có ý định thành lập Dòng Tên, ngài phải chờ có đủ ba “qủy” mới thực hiện ý định.  Cái gì?  Tôi chổm người kinh ngạc, “ba qủy?”  Lập Dòng mà phải chờ có đủ “ba qủy,” vậy Dòng này lập ra để làm gì?  Ngạc nhiên quá mà sợ bị la nên không dám hỏi.  Tôi nhíu mày thấp thỏm trên ghế, mắt trợn tròn nhìn cha mà miệng cứ lẩm bẩm “ba qủy,”… cần “ba qủy” để lập Dòng?  Cha liếc nhìn tôi, có lẽ ngài cũng lấy làm lạ trước cái mặt ngơ ngác của tôi.  Ngài lập lại, chậm rãi, nhấn mạnh từng chữ, và giải nghĩa thêm: “Ba q…ũ…y, qũy an sinh, qũy cho các cha đi học, và qũy cho các cha về hưu.”  Tôi thở hắt ra, thì ra là “qũy” chứ không phải “qủy,” vì cha người Huế nên tôi nghe chữ “qủy” thay vì là “qũy.”  Đúng là chữ “qủy” và “qũy” tuy rằng khác nghĩa nhưng chung một vần, đã tạo nên sự hiểu lầm cho kẻ chưa có kinh nghiệm nghe “tiếng lạ” như tôi.

Lần này tôi cũng chẳng hiền lành gì mà tuân thủ luật “thinh lặng” của Linh Thao.  Có điều vì ngăn sông cách trở, ở nhà tĩnh tâm mới, mỗi người “bị” ở riêng một phòng, có sẵn tiện nghi bồn tắm, nên tôi không thể nói chuyện với cô bạn đi cùng được.  Chẳng biết có phải là ý Chúa hay không mà phòng tôi lại được vinh dự ở sát phòng của một “linh hồn tượng đá” trong Ban Tổ Chức, nên tôi không dám nhúc nhích.

Tối về phòng ngủ, tôi bị rối tung lên vì mớ giáo lý vừa nghe giảng được.  Cứ ngỡ rằng mình là đạo gốc, gốc “cổ thụ” cỡ bự, gia đình cũng có người làm cha như ai, hồi nhỏ tôi cũng được đi học giáo lý đàng hoàng, lớn lên cũng tập tành dạy giáo lý cho đám nít nhỏ, vậy mà…!  Trời ơi, làm sao đủ can đảm để nghĩ rằng những kiến thức giáo lý sơ đẳng mà tôi học được từ thưở xa xưa đó, và còn nhớ lõm bõm cho đến nay, hình như bị lệch lạc hết.  Những câu trả lời trước những câu hỏi hóc búa của đám học trò đều là “lạc đạo.”  Tôi sai, kéo theo cả một đám học trò lau nhau sai theo.  Tội tày trời Chúa ơi! Tội này kéo theo tội kia.  Tất cả đảo lộn trong đầu, những khái niệm mới như “tội nặng,” “tội nhẹ,” mục đích đời sống của con người, cách cầu nguyện, cách đọc Kinh Thánh…. đều quá mới mẻ và xa lạ với tôi.  Tôi muốn nổi khùng lên với chính mình.  Ôm đầu đi tới đi lui bực bội trong phòng, đá bàn đá ghế, giật chăn quăng gối, tôi không muốn đối diện với sự thật, không muốn nghe thêm điều gì nữa.

Lạ thật, ngay vào lúc không chờ đợi, không muốn nghe gì thêm, thì tôi lại nghe được tiếng nói quan trọng nhất.  Trong thinh lặng, dù là một thinh lặng bị cưỡng bức, tiếng Chúa như ngọn gió êm êm, nhè nhẹ rót vào tai tôi!  Như người mẹ hiền đang dịu dàng vuốt ve cơn giận của đứa con gái mới lớn cứ chực chờ nổi loạn, Ngài âu yếm ngồi xuống nhẹ nhàng gỡ rối từng mối tơ lòng cho tôi.  Thiên Chúa đã quảng đại tỏ mình với tôi như với ba môn đệ khi xưa trên núi Tabo.  Mũi tên của vị thần ái tình Cupid đã giương lên trong đám bùi nhùi hỗn loạn, và đã bắn trúng tim tôi.

Tôi bắt trúng đài từ đó, và cũng từ đó tôi mới hiểu được giá trị của thinh lặng trong Linh Thao, một thứ thinh lặng thánh thiêng từ trong cõi tâm hồn để dọn lòng nghe tiếng Chúa.  Cho dù tâm hồn tôi đang nổi loạn, cho dù tôi đang bất mãn, cho dù tôi bịt tai lại không muốn nghe, cho dù… và cho dù… có bao nhiêu cản trở…  Nhưng với những điều kiện thuận lợi của một người ở trên núi, đang cố sức “thao tập linh hồn” mình, Thiên Chúa đã có cơ hội ra tay hành động một cách dễ dàng hơn.  Bản tình ca “KHÔNG” đáng ghét ngày xưa, không này, không nọ, không kia, đã trở nên thân thương và dễ hiểu. Đó là những đòi hỏi từ bỏ đầu tiên cho những người muốn lên núi đi tìm Ngài.  Với những điều kiện sơ đẳng nhất mà không từ bỏ được, thì làm sao dám mơ từ bỏ những cái cao siêu mà Chúa đòi hỏi?  Làm sao có thể nghe được tiếng Chúa, khi tâm hồn chất đầy những tiếng động ồn ào của cuộc sống?  Làm sao có thể sống theo ý Chúa, nếu không nghe được tiếng Ngài?  Và làm sao dám mơ về Nước Thiên Đàng, nếu không sống thánh ý Chúa?

Mười năm tình cũ đã qua kể từ ngày được nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn, và nghe “tiếng lạ” của vị cha già khả ái mạng cọp.  Cứ mỗi năm tôi lại khăn gói lên đường đi Linh Thao, không phân biệt cha dữ hay hiền, già hay trẻ, có được ơn nói “tiếng lạ” hay không.  Tạ ơn Chúa đã không chịu đầu hàng với những phản ứng tiêu cực của đứa con ngỗ nghịch như con.  Cám ơn Ban Tổ Chức Tĩnh Tâm chưa bị phá sản vì lời rủa thầm của con trước đây, để con có cơ hội đến với Chúa mỗi năm.

Lang Thang Chiều Tím
(Viết theo lời kể của một người đi Linh Thao)
September 2010

TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN

Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận
Tình đôi ngập ngừng tiến thoái lưỡng nan
Mây bay khắp xứ chân mờ cõi xa
Vàng phai nhè nhẹ chiều hôm cửa nhà

Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận
Ngày xưa lận đận tiến thoái lưỡng nan ZZ
Mây bay khắp xứ chân mờ cõi xa
Vàng phai nhè nhẹ chiều hôm cửa nhà

Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận
Ngày xưa lận đận không biết về đâu
Về đâu cuối ngõ về đâu cuối trời
Xa xăm tôi ngồi tôi tìm giấc mơ
Xa xăm tôi ngồi tôi tìm lại tôi

Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận
Ngày nay lận đận là…. giọt hư không.

Trịnh Công Sơn

*****************************************

“Tiến thoái lưỡng nan là một trong những ca khúc ít được biết đến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được sáng tác vào những năm cuối đời.  Chỉ mới thoáng nghe tựa đề với bốn chữ Hán khó hiểu, khó hát, không thơ, không tình, không chất lãng mạn khiến người nghe nửa tin nửa ngờ đó là đứa con tinh thần của nhạc sĩ họ Trịnh.  Nhưng nghe hết bài nhạc, thì vâng, người nghe biết ngay đó là anh, một Trịnh Công Sơn phân vân khó định, cả đời trăn trở trong kiếp người, cả đời u uất tìm cho mình một hướng đi!

Nói chung chung tiến thoái lưỡng nan là một tình trạng khó xử, tiến không được mà lùi cũng không xong, là một khoảng thời gian nhất thời, một trạng thái tâm lý rối bời, hoang mang…  Nhưng sớm muộn gì rồi tình trạng đó cũng qua đi, người trong cuộc cần phải có một quyết định, một hành động, dù chưa chắc là tốt nhất, để giải quyết vấn đề.  Bước chân ra khỏi tình huống “tiến thoái lưỡng nan,” là một tiếng thở phào nhẹ nhõm được trút ra để trở về một đời bình yên không sóng gió.  Nhưng tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” trong bài hát ở đây thì bất hạnh hơn.  Đó là cả một kiếp người phải làm bạn với “tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận.”  “Ngày xưa lận đận không biết về đâu,” mà ngày nay vẫn không thôi hết “lận đận là… giọt hư không.”  Rồi ngày mai và ngày sau ra sao?  Người nghe thắc mắc tự hỏi, một ngày mai của tác giả có thôi hết lận đận, hay vẫn xa xăm mù mờ như “mây bay khắp xứ, chân mờ cõi xa,” mà không biết là cõi nào, bay về đâu?  Tại Trời bắt người lận đận trong những chuỗi ngày dài không biết “về đâu cuối ngõ, về đâu cuối trời?”  Hay tại tác giả tự đày đọa mình lận đận trong cảnh “tình đôi ngập ngừng tiến thoái lưỡng nan?”

Đã mang lấy phận người phức tạp “điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7:15), chắc không ít thì nhiều ai cũng đã từng một lần trong đời trải qua tình huống khó xử “tiến thoái lưỡng nan.”  Có kinh nghiệm đó mới thương cho tác giả phải sống cả đời với nó, lúc nào cũng ray rứt, trăn trở.  Cuộc đời như ảo ngay từ hiện tại, một mái nhà như không thật trong nắng chiều hôm “vàng phai nhè nhẹ.”  Quá khứ thì xa xăm, ngày mai không có, hiện tại “là giọt hư không.”  Đó là thực hay mơ?  Là ảo hay thực?  Là tôi sống hay ai sống?  Cuộc sống chẳng lẽ bế tắc đến thế sao?

Những tưởng rằng chỉ có Trịnh Công Sơn, người mang nặng thuyết Phật giáo “đời là bể khổ, tình là giây oan,” mới trăn trở trong kiếp người không lối thoát đó.  Nhưng sao, dù khác tôn giáo và nhân sinh quan, tôi lại tìm thấy mình trong cái tâm tình khắc khoải mà lâu nay mình chưa nhìn ra.  Đó là cảnh “tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận” của kẻ muốn sống an phận trong đời sống thiêng liêng, nhưng dường như không ổn!

Sinh ra và lớn lên trong gia đình Công giáo, tôi giữ đạo phiên phiến đủ cho lương tâm khỏi áy náy.  Một thánh lễ vội vàng cho ngày Chúa nhật, ba Kinh Yên Chí vào ban đêm, một năm xưng tội một lần.  Thế là quá đủ để gọi là người Công giáo.  Tôi không dám phạm tội trọng, nhưng cũng không ráng làm điều gì tốt hơn, chẳng muốn cho đi nhiều hơn, và cũng chẳng tha thiết để sống tốt hơn.  Làm đủ như thế nhưng sao tôi không ngủ yên được với những lời mời gọi thật nhỏ, thật khẽ, thật sâu từ đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn mình.  Tiếng gọi lúc thầm thì, lúc mãnh liệt khuấy động sự an phận của tâm hồn, làm tôi thổn thức đứng ngồi không yên.  Tiếng mời gọi này đòi hỏi phải có một sự đáp trả mới chịu im tiếng, nhưng tôi lại không đủ can đảm.  Không đủ can đảm để có phút giây lắng đọng “xa xăm tôi ngồi tôi tìm lại tôi.”  Tiếng gọi oái ăm đó cứ tiếp tục réo gọi!  Thế là tôi bịt tai lại để sống!

Giữa cảnh đời bon chen bát nháo, nếu biết gian manh, dối trá, khai gian thuế, lừa đảo… thì cảnh đời tôi có thể khá hơn, gia đình tôi có cuộc sống sung túc hơn.  Nhưng khổ nỗi tôi lại không dám!  Từ chối những cuộc làm ăn bất chính, những mối tình vụng trộm… tôi lại nghe tiếng cười nhạo từ bạn bè và người thân.  Với họ, đó là chuyện thường tình, ai cũng làm, cả xã hội đều làm, sao tôi lại ngập ngừng?  Thiên Chúa nhân từ, chẳng lẽ để cả một đám đông người xuống hoả ngục hết sao?  Tôi lại bối rối không câu trả lời!

Đáp trả lại tiếng gọi thiêng liêng từ trong lòng thì tôi không đủ can đảm, lùi lại để sống buông thả, gian dối như bạn bè rủ rê thì tôi lại không dám.  Tôi chẳng biết mình đã sa chân vào thế “tiến thoái lưỡng nan” từ hồi nào.  Như con thuyền xoay vòng vòng giữa dòng nước, không tiến mà cũng chẳng lùi, tôi thấy phận người sao quá long đong khổ sở!  Nếu sống khôn ngoan lắc léo theo kiểu người đời, thì tôi đã giàu có và hạnh phúc hơn, dù chỉ là hời hợt chóng qua, và như thế tôi được đời này.  Nếu sống thánh thiện, cho đi vì tha nhân tôi sẽ cảm nếm được niềm hạnh phúc thiêng liêng cho dù có sống khổ, sống nghèo, như thế tôi được đời sau.  Còn cái kiếp người “đi về lận đận,” dở dở ương ương, nóng chẳng nóng, lạnh chẳng lạnh, chẳng tốt hơn mà cũng chẳng xấu hơn, tôi không biết đời mình rồi sẽ “về đâu cuối ngõ, về đâu cuối trời?”  Sau ánh nắng “vàng phai nhè nhẹ” của một đời người, tôi cũng không biết chắc là tôi sẽ được gì và mất gì?

Có lẽ bị dày vò hơn Trịnh Công Sơn vì tôi biết cuộc đời không phải “là giọt hư không.”  Cuộc đời có đích để đến, có ngày để trả lẽ, có ngày tôi sẽ phải đối mặt với Tiếng Gọi mà tôi đã bịt tai không nghe!  Bài nhạc “Tiến thoái lưỡng nan” của Trịnh Công Sơn bao trùm một bầu khí buồn bã, ảm đảm.  Nỗi buồn bất tận của cả đời người sống trong kiếp tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận,” chứ không phải là cái buồn nhất thời của kẻ bị tình phụ, hay cái buồn nên thơ của người tình si.  Ca sĩ Thanh Hà đã lột tả hết cái tâm tình não nùng chán chường của bản nhạc, với phần hoà âm của tiếng gõ mõ chầm chậm, đều đều như tiếng tụng kinh nơi cửa Phật, đưa hồn người vào một cảnh bế tắc không lối thoát.

Khi lời nhạc ngấm dần vào tâm, tôi bỗng giật mình tự hỏi chẳng lẽ cuộc đời mình rồi sẽ thê lương như thế sao?  Bế tắc đến vậy ư?  Tôi là người Công Giáo mà, tôi có Chúa Giêsu mà!  Con Một Thiên Chúa đã bỏ trời cao xuống thế làm người để trao ban lại cho tôi sự sống mới, để rao giảng Tin Mừng Nước Chúa cho tôi, nhưng sao tôi vẫn chưa cảm nhận được nỗi mừng vui đó?  Tôi phải làm gì để có được niềm vui như Tin Mừng Chúa nói đến?  Tôi vẫn chưa hiểu được niềm vui trong ánh mắt của người nữ tu xinh xắn, đang chăm sóc những người cùi nơi miền núi hẻo lánh xa xôi.  Chưa thấu đáo được niềm hạnh phúc của các linh mục trẻ đang quên mình phục vụ tha nhân.  Chúa Giêsu ơi, con phải làm gì để thoát cảnh “tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận” này?

Có lẽ “nghe” không thì chưa đủ, vì tôi đã “nghe” Tin Mừng nhuần nhuyễn từ khi mới lọt lòng mẹ rồi.  Nghe hoài nghe mãi mà có thấy hạnh phúc hơn đâu!  Có lẽ cái tôi thiếu là “sống!”  Thiếu lòng can đảm để “sống” tinh thần Tin Mừng mà tôi chưa từng một lần dám thử.  Thiếu những giây phút lắng đọng giữa những tiếng ồn ào của thế gian xô bồ để “xa xăm tôi ngồi tôi tìm lại tôi,” mà người ta gọi là cầu nguyện.  Thiếu mạnh dạn để đáp trả lại Tiếng Gọi đang âm ỉ réo gọi trong tâm hồn.

**************************************

Lạy Chúa Giêsu Con Một Thiên Chúa, đôi khi con thấy được an ủi vì con có một Thiên Chúa để kêu cầu dù Thiên Chúa đó còn rất xa lạ với con!  Con biết Chúa không đến thế gian để mặc con dãy dụa trong cảnh cả đời “tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận.”  Xin chỉ cho con biết con phải làm gì?  Và khi đã biết, đã nghe ra thì xin cho con đủ can đảm để sống theo tiếng Chúa mời gọi.

Lang Thang Chiều Tím
January 2010

BAO GIỜ BIẾT TƯƠNG TƯ

Ngày nào cho tôi biết,
Biết yêu em rồi tôi biết tương tư
Ngày nào biết mong chờ,
Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa…

ôi biết đem tin này,
Vắng như lòng giấy, tình yêu lấp đầy
Rồi biết quên câu cười,
Biết cho đôi dòng lệ rơi.ZZ

Tình yêu đã trở lại,
Đôi mắt đêm ngày vơi hết đọa đầy
Tà áo em phơi bầy,
Ngón tay em dài, tiếng yêu không lời.

Ngày nào lòng tôi đã
Biết vui biết buồn, ôm mối tương tư
Ngày nào cánh Thiên Đường
Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm.

Tôi ghé răng cắn vào
Miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường
Là trối trăn cuối cùng,
Giấc mơ não nùng vội tan…

Phạm Duy – Ngọc Chánh

*************************************

Chìm mình trong tiếng hát du dương của Khánh Hà trong bài “Bao Giờ Biết Tương Tư” của nhạc sĩ Phạm Duy, thơ Ngọc Chánh, tôi liên tưởng đến hình ảnh một chàng trai mới lớn mặt điểm những cọng râu lún phún xen lẫn những hạt mụn trứng cá đó đây, đang ngày đêm sốt ruột đi ra rồi lại đi vào, lòng cứ ngong ngóng chờ đợi một bóng hồng xuất hiện trong cuộc đời.  Cậu bé tuổi mới lớn này hẳn chưa biết yêu là gì, nhưng có lẽ cậu đã được nghe nói nhiều về tình yêu, đề tài muôn thưở của con người, nên lòng mới háo hức rộn ràng đến thế.  Cũng có lẽ chờ đợi khá lâu nên cậu mới bồn chồn sốt ruột thốt lên “bao giờ biết tương tư?”  Là ngày nào, tháng nào?  Ai có thể cho tôi biết “ngày nào…, biết yêu em rồi tôi biết tương tư, ngày nào biết mong chờ.”  Hôm nay hay ngày mai?  Lòng háo hức trước ngưỡng cửa tình yêu của cậu bé dù chưa biết bóng hình đó là ai bỗng làm tim tôi xao xuyến ngẫm đến thái độ của mình trước tình yêu của một người – người đã dám chết vì tôi – Thiên Chúa Tình Yêu.

Là môn đệ của Ngài, được dạy dỗ về bổn phận phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự nhưng chưa bao giờ tôi yêu mến Chúa như Chúa đáng được yêu.  Ừ nhỉ, sao tôi không có được cái tâm tình háo hức rộn ràng như cậu bé mới lớn kia?  Tình yêu không thể cưỡng bức, không thể ép lòng mình phải yêu ai cho dù đó là bổn phận.  Chưa yêu mến Ngài cho đủ, đó không phải là cái lỗi, nhưng cái thiếu sót của tôi so với cậu bé mới lớn trong “Bao Giờ Biết Tương Tư” là chưa bao giờ tôi xin để được tương tư Ngài, xin để được “biết mong chờ,” để được “rộn rã buồn vui,” để được cùng đau khổ và hạnh phúc với Đấng đã chết cho tôi được sống để yêu.  Với Thiên Chúa, tôi xin xỏ nhiều thứ nhưng chưa một lần xin được yêu chính Chúa.  Phải chăng đó là một sự hời hợt vô tình hay sự cố ý chấp nhận tình trạng vô cảm với tình yêu Thiên Chúa?  Cậu bé biết yêu là đau khổ, yêu sẽ làm cậu “biết quên câu cười, biết cho đôi dòng lệ rơi…”  Biết thế, nhưng cậu vẫn chấp nhận, chờ đợi và cuối cùng là mạnh dạn “ghé răng cắn vào…”  Còn tôi, biết yêu Chúa sẽ thêm nhiều thử thách gian nan trên đường đời vốn đã đầy chông gai, hẹn hò với Ngài sẽ phải đi trên con đường hẹp, và còn nhiều những khó khăn khác nữa mà Ngài đã “dại dột” báo trước.  Thế nên… tôi đành câm nín!  Tôi chấp nhận chọn “lỗ hơn khổ” trong khi cậu bé lại mạnh dạn chọn “thà khổ hơn lỗ.”  Lòng tôi chùng xuống, thấy mắc cở với mình và ngại ngùng với Chúa khi lời nhạc thấm vào da thịt gói ghém tâm tình da diết mong muốn được tương tư của chú bé con.

Rồi một ngày có lẽ cậu bé đã biết yêu là gì, cái ngày mà lòng cậu đã “biết vui, biết buồn, ôm mối tương tư” là ngày cậu thấy “cánh Thiên Đường đã mở hé” để chợt nhận ra rằng “tình yêu là trái táo thơm.”  Tình yêu là Thiên Đường!  Một Thiên Đường tạm bợ ở dương thế cũng đủ làm cậu bé ngất ngây.  Vậy sao một Thiên Đường vĩnh cửu lại không đủ sức quyến rũ tôi?  “Trái táo thơm” đã cho cậu bé “miệng môi ngọt đắng,” tình yêu không chỉ có vị đắng mà còn có chất ngọt, không chỉ có đau khổ mà còn có hương thơm hạnh phúc.  Vậy sao tôi cứ sợ hãi tình yêu của Thiên Chúa để không chấp nhận Ngài trong cuộc đời?  Sao tôi không xin để được tương tư Ngài?  Tình yêu đã làm cậu “đôi mắt đêm ngày vơi hết đọa đầy,” cho dù cặp mắt đó từ nay sẽ “có đôi dòng lệ rơi…”  Tình yêu đã chắp cánh cho cậu bé bay cao chỉ để lại lời trối trăn cuối cùng, giấc mơ não nùng vội tan…”

Trong lời trối trăn cuối cùng” đó không thấy nói cậu bé hối hận vì đã biết yêu và tương tư!  Vậy sao tôi cứ còn chần chừ?

Bao giờ Chúa ơi, đến bao giờ con mới biết tương tư Chúa?  Xin cho con một lần “miệng môi ngọt đắng” tình yêu với Ngài để thêm mạnh dạn “ghé răng cắn vào” “trái táo thơm” của Chúa.  Trái táo xưa đã đẩy con người ra khỏi Vườn Địa Đàng thì trái táo ngày nay giúp con tìm lại hương vị Thiên Đường ngày xưa ấy.  Xin cho mắt con một lần được nhìn thấy “cánh Thiên Đường đã mở hé” nơi cuối chân trời để giúp con can đảm xin cho được biết tương tư Chúa cho dù đôi môi sẽ “biết quên câu cười,” cặp mắt sẽ “biết cho đôi dòng lệ rơi.”  Amen!

Lang Thang Chiều Tím
October 2009

ĐÔI KHI TA LẮNG NGHE TA

Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại
Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa…
 
Khi bước chân ta về, đêm khuya nhìn đường phố,
Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình
Làm sao em biết đời sống buồn tênh…
 
Đôi khi ta lắng nghe ta,
Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giáZZ
Hồn ta gió cát phù du bay về…
 
Đôi khi trên mái tình ta nghe những giọt mưa,
Tình réo tình âm thầm,
Sầu réo sầu bên bờ… vực sâu
 
Còn thấy gì sáng mai đây thôi ta còn bạn bè
Giọt rượu nào mãi chua cay trong tình vẫn u mê…
Từ một ngày tình ta như núi rừng cúi đầu
Ôi tiếng buồn rơi đều,
nhìn lại mình đời đã xanh rêu….

Trịnh Công Sơn – Tình Xa

**************************************

Chẳng ai nắm bắt được thời gian!  Chẳng ai giữ được người muốn đi!  Tình yêu như trò chơi cút bắt, gần đó nhưng thật xa, xa vời vợi nhưng lại gần gũi thân thương!  Nào ai dám chắc khi nào tình ở, lúc nào tình đi!  Nhưng khi tình thực sự vuột khỏi tầm tay thì lòng người mới cảm thấy hụt hẫng, chới với!  “Ngày tháng nào đã ra đi,” “cuộc tình nào đã ra khơi,” “từng người tình bỏ ta đi….” tất cả đã xa rồi, chỉ còn lại lời hẹn thề, những cơn mưa…. những gì mà con người không thể mang theo được, những gì không thể xóa nhoà của một thời yêu thương nồng cháy.

Còn lại một mình trong cô quạnh, với nỗi trống vắng của người bị tình phụ, bước chân lang thang trong đêm khuya giữa lòng thành phố ồn ào xôn xao, mà nay sao thật hoang vu lạnh lẽo như lòng người…  Người nhạc sĩ họ Trịnh giờ đây mới thấm thía cảnh “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ,” người này nối tiếp bước chân người kia, lại thêm một lần dở dang trong cuộc tình, trái tim thêm một lần rách nát. “Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa,” lòng người thêm một lần ngán ngẩm, núi cao biển rộng thêm một lần chứng kiến những lời thề non hẹn biển, như những cơn mưa vội vã chảy ào xuống, không đủ thấm đất rồi trôi nhanh vào quên lãng. “Làm sao em biết đời sống buồn tênh?”  Lời nhạc thoáng nghe như một lời trách móc nhẹ nhàng, nhưng đầy hàm ý thách đố của nhạc sĩ với người xưa.  Phải chăng “dòng sông nhỏ” bỏ bến xưa ở lại để tìm ra đại dương vì chê đời nghệ sĩ buồn chán, không còn gì hấp dẫn lôi cuốn?  Phải chăng cuộc đời dưới mắt em là nhàm chám vô vị, được lập đi lập lại những nhịp đập đều đều vô hồn?  “Dòng sông nhỏ” tiếp tục chảy mãi biết đâu là bến đỗ?

Sau mỗi lần vấp ngã là thêm một kinh nghiệm sống.  Tuy trái tim mang thêm thương tích nhưng cặp mắt người nhạc sĩ đã bừng mở để nhìn ra một chân lý sống cho mình và “dòng sông nhỏ” vội bỏ đi: “Đôi khi ta lắng nghe ta.”  Có cần không những khoảnh khắc “ta lắng nghe ta” trong cuộc đời bon chen bận rộn này?  “Ta lắng nghe ta” có là một chuyện vô ích mất thời gian trong cuộc sống tốc độ của thời đại hiện kim này không?

Với “đôi khi ta lắng nghe ta,” tác giả đã nghe ra tiếng “sóng âm u dội vào đời buốt giá,” mà mải mê với tiếng động ồn ào của cuộc đời, không phải ai cũng nghe được.  Tiếng sóng tuy “âm u” nhưng thức tỉnh lòng người, tuy lạnh “buốt giá” nhưng thấm thía.  Chỉ vài phút “ta lắng nghe ta” tác giả mới ngỡ ngàng nhìn ra “hồn ta gió cát phù du bay về.”  Ôi, tất cả chỉ là phù du thôi sao?  Kể cả tình yêu, tuổi trẻ, tiền tài và danh vọng…?  Nếu không có những giây phút thiêng liêng “ta lắng nghe ta,” không hiểu người nghệ sĩ có cái nhìn thoáng đạt ra ngoài chân trời vật chất như thế không?

Với “đôi khi ta lắng nghe ta,” mình “nhìn lại mình,” tác giả mới giật mình nhìn ra “đời đã xanh rêu…”  Tất cả những giành giựt bon chen của hôm qua, hôm nay trở nên vô nghĩa.  Tất cả những mối tình rượt đuổi của thời trai trẻ, nay trở nên rỗng tuếch.  “Còn thấy gì sáng mai đây thôi ta còn bạn bè,” bây giờ nhìn lại, chẳng còn ai bên đời!  Người tình bỏ đi, bạn bè quay lưng, cuộc sống gió cát phù du… còn lại gì?  Có chăng chỉ là “tình réo tình âm thầm,” “sầu réo sầu bên bờ vực sâu.”  Ôi cuộc sống, là những “tiếng buồn rơi đều” mãi sao?  Ôi, tình yêu, chẳng lẽ chỉ có một thứ tình duy nhất trên đời?

Để nghe được tiếng nói thiêng liêng thầm kín trong tâm hồn, ta phải tách mình ra khỏi dòng đời xô bồ đầy những tiếc động đinh tai nhức óc để đi vào trong sa mạc cõi lòng, lúc bấy giờ ta mới nghe được những âm thanh diệu kỳ của cuộc sống.  Để hiểu rõ ta hơn, con người cần có những phút giây “ta lắng nghe ta.”  Để hiểu rõ người hơn, cũng cần có những khoảnh khắc “ta lắng nghe ta.”  Làm sao có thể hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống nếu thiếu những giây phút lắng đọng “ta lắng nghe ta?”  Nếu em biết lắng nghe em, lắng nghe nhịp đập thổn thức của con tim, thì chưa chắc “đời sống buồn tênh” như em vội đoán.  Tiếc thay cho em là người vội vã hấp tấp, không biết thưởng thức hương vị cuộc sống mà tạo hoá đã ban tặng.

Trong ngày sống bận rộn, nếu dành ra đôi ba phút lắng đọng để “ta lắng nghe ta” trong thinh lặng của bình minh, hay trong ánh hoàng hôn dần buông, ta sẽ nghe được những đói khát thiêng liêng ẩn kín trong sâu xa tâm hồn.  Chắc chắn trong những giây phút huyền nhiệm “ta lắng nghe ta,” không những chỉ được nghe, mà ta sẽ nhìn được chiều sâu đời sống nội tâm mà Thượng Đế ban tặng cho con người. Khi có cơ hội nhìn lại mình với mọi thứ tình đều được lấp đầy: tình yêu nam nữ, tình vợ chồng, cha mẹ, gia đình, tình bạn hữu, quê hương…, mọi thứ tình ta đã một thời nếm thử hương vị và đã có đủ…. nhưng sao con vẫn cảm thấy khát khao chưa đủ?  Có chăng một thứ tình nào đó thiêng liêng hơn, cao qúy hơn những thứ tình ở cõi phàm trần này?  À, thì ra cái loại “động vật có lý trí” đó không chỉ có cơm bánh, danh vọng… lấp đầy là xong!  Tấm hình hài này không chỉ cần những chiếc áo đẹp, đi xe mới, ở nhà lầu… là đủ.  Cuộc sống không chỉ có tình yêu nam nữ, vợ chồng, gia đình, bạn hữu, quê hương… là hết.  Trong sâu thẳm của cái ta kia còn thao thức khát khao một thứ tình nào đó thiêng liêng hơn, mãnh liệt hơn, vĩnh hằng hơn đang réo gọi âm thầm trong đáy lòng của những tạo vật bé nhỏ “bên bờ vực sâu,” mà chỉ trong thinh lặng “ta lắng nghe ta” mới nghe ra được.

Cái thao thức băn khoăn trong hồn đó đã được thánh Augustinô thổn thức kêu lên: “Lạy Chúa, Chúa tạo dựng con cho Ngài, lòng con không hề yên nghỉ bao lâu con chưa nghỉ ngơi trong Chúa.”

**************************************

Lạy Chúa, trong cuộc sống bon chen mà con người luôn bị giằng co với những bận rộn lo toan tất bật thường ngày, xin cho con biết chiến đấu dành giựt lấy vài phút giây trong ngày để con lắng nghe con, lắng nghe tiếng Chúa nói trong con.  Xin cho con ý thức rằng, nếu không biết lắng nghe những khát khao thiêng liêng trong tâm hồn mình, con sẽ trở thành câm điếc với chính mình, và với Chúa.  Nếu không nghe được tiếng sóng trong hồn mình, tiếng gió cát phù du của kiếp người, tiếng “tình réo tình âm thầm,” thì con sẽ mãi mãi không nhận ra sự đói khát của linh hồn mình, và bấy giờ đời sống quả là buồn chán, vô nghĩa.

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, trong những lúc tuyệt vọng vì tình, tiền, tài, danh vọng… rũ áo bỏ đi, xin cho con nhớ đến Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng yêu thương con ngay từ lúc con còn trong tội lỗi bùn nhơ.  Xin luôn nhắc con nhớ rằng con không chỉ là cát bụi phù du, nhưng còn mang hình ảnh và hơi thở của Chúa nữa. Amen!

Lang Thang Chiều Tím
August 2007

CHUYỆN THÀNH NA-IN

 (Lc 7:11-17)

Một buổi sáng khi mặt trời đã vắt vẻo trên đỉnh đồi cao, nắng bình minh chiếu chan hòa xuyên qua những kẽ lá đầu cổng thành Na-in, một thành nhỏ miền Galilê nước Do thái, tiếng chim hót ríu rít chào mừng một ngày mới bắt đầu.  Trời trong veo lững lờ vài đám mây xanh biếc hứa hẹn một ngày đẹp.  Quyện trong tiếng chim hót là tiếng lao xao của một đám đông đang theo chân một cỗ quan tài.  À, một đám tang buồn!  Thật ra có đám tang nào mà không buồn?  Có cuộc tiễn biệt nào mà không nước mắt, đau thương?  Có mất mát nào mà không gây đau lòng cho kẻ còn sót lại?  Nhưng đám tang này lại buồn hơn mọi đám tang khác bởi lẽ người nhắm mắt xuôi tay còn quá trẻ.  Anh chưa làm nên công danh sự nghiệp, chưa có gì để lại cho đời ngoài một bà mẹ goá nghèo xơ xác.  Gia tài duy nhất của mẹ anh cũng chính là anh.  Vậy mà anh nỡ lòng ra đi mang theo bao niềm hy vọng cậy trông của người mẹ tuổi đã về chiều.  Người chết xong phận mình nhưng người còn ở lại thì sao?

Đám tang nghèo quá, tiêu điều quá!  Đám tang đi trong thinh lặng buồn tênh: không kèn, không trống, không vành khăn tang, chỉ có tiếng khóc nỉ non của bà mẹ già thay cho tiếng kèn đưa tiễn người đi.  Giọt lệ buồn chảy dài trên đôi má nhăn nheo hốc hác đang khóc thương cho người con bạc phận hay khóc than cho chính thân mình?  Ôi, số phận sao khắc nghiệt thế!  Sao người nằm đó lại là con tôi?  Hai bàn tay khốn khổ xưa đã chôn chồng, nay lại chôn con, đến phiên mẹ ra đi thì bàn tay nào sẽ chôn mẹ?  Con ơi…..!  Tiếng lá vàng khóc lá xanh rơi nghe não nề mủi lòng làm sao!  Hòa theo tiếng kể lể của người mẹ già là những tiếng sụt sùi cảm thông của bà con láng giềng.  Người ta tới để tiễn biệt chàng thanh niên về nơi chín suối, đến để chia sẻ số phận hẩm hiu của người mẹ già góa bụa từ nay bơ vơ không nơi nương tựa ủi an.

Đám tang lặng lẽ u buồn ra đi đến gần cửa thành gặp một đám đông khác đông hơn, ồn ào hơn, náo nhiệt hơn đang ùn ùn kéo vô thành.  Đám đông đang hăm hở theo chân một người mang tên Giêsu, là người nổi tiếng thời bấy giờ, một ngôn sứ đầy uy thế trong lời nói cũng như việc làm trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. ZZ Một đám đông buồn gặp đám đông vui!  Đám đông ồn ào vui nhộn dạt ra để dành chỗ cho đám tang đi qua với những cặp mắt tò mò hiếu kỳ.  Đám tang à?  Vài người nhún vai:

–     Có gì lạ đâu!

Đám tang của một thanh niên trẻ ư?  Vài cái chép miệng xót thương:

–     Ừ, đáng thương thiệt, nhưng mà… phận bạc vắn số thì chịu thôi, rồi ai cũng phải chết, không sớm thì muộn!

Để lại một bà mẹ già goá bụa không nơi tựa nương sao?  Thêm đôi ba cái lắc đầu tội nghiệp:

–     Ừ, tội quá, nhưng chắc có lẽ tại tội của bà ta hay tội của cha mẹ bà ta nên bây giờ bà phải lâm cảnh đáng thương như thế!

Những người khiêng xác kẻ chết tiếp tục cuộc hành trình.  Người mẹ khổ đau không màng gì đến thế giới bên ngoài, không để ý gì đến những lời nói vô tình độc địa bên tai, thân già như cành lá liễu trong gió thu chiều, cứ rũ xuống đất mà không sao đứng thẳng lên được.  Những người làng xóm tốt bụng đi xung quanh xốc vào hai bên nách đỡ cho bà khỏi té quỵ xuống đường, và dìu bà kéo lê trên cát đằng sau cỗ quan tài cho đến nơi chôn cất người con thân yêu!

Cảnh đau lòng ai oán đó đập vào mắt vị ngôn sứ, Ngài bàng hoàng đứng sững lại người như chết trân, khuôn mặt đầy xúc động với cặp mắt nhắm nghiền như không dám chứng kiến thêm cảnh mẹ khóc con.  Với đôi môi cắn chặt vào nhau tím ngắt như cố nén tiếng thở dài não ruột đang xiết chặt trái tim tan nát, Ngài loạng choạng tiến lại gần người mẹ khổ đau.  Mọi người tò mò ngạc nhiên không hiểu vì sao vị ngôn sứ lại xúc động đến thế!  Ngài đã nhìn thấy trước cảnh gì rồi chăng?

–     Đứng lại!

Một giọng nói trầm ấm vang lên mang nhiều âm chất ra lịnh.  Cả hai đám đông cùng ngỡ ngàng nhìn nhau không hiểu chuyện gì xảy ra.  Ai đứng lại?  Người chết hay kẻ sống?  Những người khiêng quan tài như bị thôi miên tự động dừng chân.  Bước chân người đàn bà đau khổ cũng khựng lại, bà ngước khuôn mặt dại khờ với hai hàng lệ chưa khô nhìn lên.  Ánh mắt già nua chớp chớp.  Qua làn nước mắt nhạt nhoè bà nhìn thấy khuôn mặt hiền từ nhân hậu mập mờ trước mắt.  Ai thế?  Bà không hề quen biết người này!  Bà lắc đầu đưa tay dụi mắt.  Bạn của con trai bà ư?  Không thể nào.  Bà biết hết mặt những đứa bạn của con trai dấu yêu.  Một vị kinh sư hay Pharisêu đại diện tôn giáo đến đây để chia buồn với bà ư?  Không đời nào.  Có bao giờ họ đoái hoài đến nỗi đau của những người nghèo cùng đinh trong xã hội như mẹ con bà.

Mặt bà ngây ra, ánh mắt ngơ ngác.  Như đoán được tâm trạng của bà, đám đông lao nhao lên với những câu trả lời mà bà nghe tiếng được tiếng mất:

–     Giêsu! Giêsu Nadarét!  Giêsu con vua Đavít!

À, bà nhớ ra rồi, cách đây không lâu trong dân chúng có đồn về một người mang tên Giêsu, người Nadarét xứ Galilê, Người đã trừ quỷ, chữa lành nhiều bệnh tật, đả phá những lề luật cứng ngắc trong xã hội, rao giảng về Tình Yêu, Nước Thiên Chúa và niềm hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại khổ đau.  Bà nghe nói ông Giêsu đó có một trái tim nhân hậu, thương yêu trẻ thơ, những người nghèo, và đặc biệt là những người bất hạnh cô nhi quả phụ như bà.  Bàn tay ông chạm đến ai là cuộc đời người đó đổi thay!  Ánh mắt ông đi liền với trái tim!  Là ông ta đây sao?  Tuy chưa hề được gặp mặt ông lần nào nhưng bà đã nghe về ông ta rất nhiều.  Bây giờ con người nổi tiếng đó đang đứng trước mặt bà đây, bằng xương bằng thịt.  Nhưng để làm gì cơ chứ?  Con bà đã chết rồi, chết thật rồi!  Bà đang đi chôn nó đây, còn gì nữa đâu để mà xin!  Còn gì nữa đâu để mà chữa lành!

Vị ngôn sứ tiến đến bên bà, ông đưa tay nhè nhẹ lau những giọt lệ trên khuôn mặt gầy guộc đầy những nếp nhăn.  Khuôn mặt Giêsu lộ đầy vẻ xúc cảm thương mến, đôi môi run run mấp máy như muốn thốt nên lời an ủi mà không sao thoát ra thành lời.  Rồi bất chợt Giêsu dang rộng hai cánh tay ôm choàng bà vào lòng, bất kể tục lệ khắt khe thời đó không cho phép người đàn ông ôm hôn người đàn bà ngoài đường phố, bất kể quần áo bà tang thương rách nát dơ bẩn, bất kể đến thân phận hèn kém nghèo khó của bà.  Có lẽ Giêsu biết vết thương lòng bà sâu quá không lời nào có thể xoa dịu được.  Bà nhắm mắt lặng im bất động để cho Giêsu ôm mình vào lòng, vỗ về như người cha vỗ về đứa con thơ.  Rồi bà nấc lên thành tiếng, nước mắt trào ra, dòng lệ tưởng đã cạn khô sau khi khóc chồng, và sau mấy ngày ngồi bên xác con nay có người khơi dậy, lại ào ào tuôn trào như hai dòng suối.  Bà gục đầu vào vai Giêsu òa khóc, khóc thật to như đứa con nít, khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc cho vơi đi những sầu khổ chất chứa trong lòng, khóc như sợ từ nay sẽ không còn ai lau khô giọt nước mắt cho bà nữa.  Hai tay bà vòng ra sau ôm choàng lấy Giêsu chặt cứng như ôm đứa con trai thân yêu vào lòng, như sợ Giêsu sẽ vuột mất khỏi tầm tay bà.  Chưa ai ôm bà như thế bao giờ!  Chưa ai an ủi bà bằng cách này!  Chưa có ai rung cảm với nỗi đau bà đang thấu chịu như ông Giêsu này!  Bà nức nở thì thầm:

–     Giêsu ơi, ông có biết tôi đau khổ lắm không? Ngài có cảm nhận được nỗi đau của tôi không?

Đáp trả lại lời bà là tiếng nhịp tim đập thổn thức trong lòng Giêsu mà bà cảm nhận được qua cánh tay hùng mạnh đang xiết chặt lấy bà.  Nhịp tim đó đang hòa chung nhịp với trái tim tan nát của bà, hai con tim cùng chung một nhịp đập!  Ôi, sao mà ngọt ngào quá!  Đây là gì nếu không phải là tình thương? Ông Giêsu này là ngôn sứ ZZư?  Nếu đúng thế thì ông ta quả là ngôn sứ của tình thương!  Rồi vẫn giọng nói trầm ấm đó nhẹ nhàng thì thầm bên tai bà những lời an ủi dịu ngọt:

–     Thôi, bà đừng khóc nữa! (Lc 7:13b)

Đợi vài phút cho những xúc cảm lắng xuống nơi cung lòng người mẹ đau khổ, Đức Giêsu buông bà ra, chậm rãi tiến về phía quan tài, sờ vào đó và nói:

–     Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! (Lc 7:14a)

Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.  Người mẹ kinh hãi trợn tròn đôi mắt giật lùi ra phía sau mấy bước.  Đám đông hoảng hốt ồn ào láo nháo:

–     Chuyện gì thế, chuyện gì thế? Người chết sống lại ư?  Ôi, Lạy Chúa tôi!

Và họ bắt đầu náo loạn xô đẩy chen lấn về phía trước để coi cho được khuôn mặt người chết, để chính mắt kiểm chứng phép lạ hi hữu trong đời: người chết chuẩn bị đem chôn nay được sống lại.

Đức Giêsu dìu anh thanh niên đứng dậy, gỡ anh ra khỏi những băng vải liệm quấn quanh người, cầm tay anh dắt về phía người mẹ, trao anh lại cho bà và nói:

–     Bà xem, con bà đang sống đây!

Bà ấp úng ngỡ ngàng trước một niềm vui bất ngờ ngoài sức tưởng tượng như thế, miệng bà ú a ú ớ trước món quà quá lớn lao được trao ban lần thứ hai từ tay Thượng Đế.  Tim bà như ngừng đập, lưỡi bà cứng đơ không thốt lên được một lời cám ơn.  Bà có xin đâu mà được nhận lãnh một phép lạ cả thể như thế!  Đúng hơn bà không dám xin, không dám mơ đến khi đối diện với Giêsu vì bà biết con bà chết đã được mấy ngày rồi.  Đó là điều “không thể được” khi xin cho một kẻ chết sống lại.  Trong nỗi đau, bà quên đi rằng đã có lần vị đại ngôn sứ Elia đã kêu xin cùng Thiên Chúa cho con trai một bà goá sống lại.  Đối với Thiên Chúa, không có gì là “không thể” làm được.

Thấy bà góa cứ đứng trân trân như hóa đá, Đức Giêsu dịu dàng cầm lấy tay người thanh niên đặt trong lòng bàn tay sần sùi nhăn nheo của người mẹ.  Ngài xiết chặt hai đôi bàn tay một già một trẻ trong lòng bàn tay mình âu yếm đưa lên môi hôn, mắt Ngài thương mến nhìn hai mẹ con như chúc phúc cho cảnh vui vầy đoàn tụ của gia đình bà.  Hai mẹ con bà góa ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi, hạnh phúc trào dâng!  Bà thầm thĩ bên tai con:

–     Quả thật, ông Giêsu này đích thực là Con Thiên Chúa.

Quay về phía Giêsu và đám đông, bà đứng thẳng người mạnh mẽ tuyên xưng:

–     Vâng, bây giờ tôi biết ông chính là Giêsu, Con Thiên Chúa Hằng Sống, và lời Đức Chúa do miệng ông phán ra là đúng!

Đám đông và những người hàng xóm tốt bụng sau giây phút ban đầu kinh sợ giờ đây họ bu xung quanh hai mẹ con bà goá la hét mừng rỡ trước cảnh đoàn viên, họ nhẩy lên hò reo chúc tụng Thiên Chúa:

–     Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người (Lc 7:16).

Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận thời đó.  Họ lại tiếp tục hò la lớn tiếng:

–     Chúc tụng Thiên Chúa của Tình Yêu, Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại, Đấng đã lau khô những giọt lệ chảy trong bóng đêm. Chúc tụng Thiên Chúa của Tình Yêu, Đấng đã luôn an ủi vỗ về những người đau khổ.  Chúc tụng Thiên Chúa Tình Yêu, Alleluia, Alleluia!

Những lời này về Đức Giêsu sau được loan truyền khắp tứ phương thiên hạ cho loài người được nhận biết chúng ta có một người Cha yêu thương ở trên trời, đó là Thiên Chúa Tình Yêu! Alleluia, Alleluia!

Lang Thang Chiều Tím
June 2007

 

MƯA RỪNG THÁNG BA!

Lạy Trời mưa xuống!
Lấy nước tôi uống!
Lấy ruộng tôi cầy! ….

Tiết trời tháng ba, Cali không cần chắp tay “lạy trời mưa xuống” mà trời vẫn rộng rãi ban cho, những trận mưa xối xả dầm dề kéo dài ngày này qua ngày khác.  Những hạt mưa lớn nhỏ dồn dập, lúc nặng lúc nhẹ, lúc ít lúc nhiều, nương theo những cơn gió trải đều từ núi cao tới đồng bằng, từ những đồi thông tít tắp trên cao xuống những đồng cỏ xanh rì của miền Thung Lũng Hoa Vàng.  Những hạt mưa dai dẳng, chẳng hỏi ý người vào buổi sáng sớm đi làm, hay những chiều tan sở, đã làm cho kẻ buồn người vui theo những giọt mưa vô tình đó.

Dù buồn hay vui, chấp nhận hay chối bỏ thì mưa vẫn rơi, như ân sủng từ trời cao rộng lượng ào ào tuôn đổ xuống chan hòa mặt đất, mà không hề hỏi nhân gian có vui lòng đón nhận hay không.  Đồng bằng ơi, mi buồn hay vui với những cơn mưa dầm tháng ba này?  Thung Lũng Hoa Vàng ơi, mi có sẵn lòng đón nhận những giZZọt nước thánh thiêng từ trời cao đổ xuống không?

Riêng núi rừng thì vui lắm với những cơn mưa bất tận của đất trời.  Mưa là dịp để lá xanh gột rửa những bụi bặm thế trần tích lũy từ bao tháng ngày qua.  Mưa là dịp để cây rừng đón nhận ân huệ, thanh tẩy khí trời.  Mưa là dịp để đất giữ lại cho mình nguồn nước dưỡng nuôi cây cỏ trong tháng ngày sắp tới.  Chẳng ai phí công đem nước từ đồng bằng tưới cho núi rừng bao giờ!  Rừng biết phận mình lắm chứ!  Nếu không cất giữ những giọt nước thấm sâu vào lòng đất, mà tưởng như thừa thãi lúc này, thì rừng sẽ sống bằng gì trong những ngày nắng mưa hạn?  Phận người có khác chi đâu!  Nếu không nâng niu gìn giữ ân sủng Thiên Chúa ban cho trong những lúc sốt sắng đầy lòng yêu mến, thì linh hồn sẽ được nuôi sống bằng gì trong những lúc khô khan thử thách?

Có những cơn mưa rừng nhẹ như hơi thở người thiếu nữ, theo gió lả lơi vuốt nhẹ những nhành lá trên cao, rồi từ từ đáp xuống những bụi hoa dại bên đường.  Mưa phùn trong tiết trời đầu xuân không đủ thấm đất, chỉ vừa làm những chiếc lá phơn phớt ướt, nhưng núi rừng vẫn vui vì sự hạ giáng của trời cao.  Gió nhẹ thổi nghiêng những giọt nước mảnh mai đu đưa bám lơ lửng trên cành cây.  Những nhánh thông mỏng trên đầu ngọn cây thông cao phất phới theo chiều gió, như những cánh tay vỗ vào nhau để tạ ơn Trời với những cơn mưa đầu xuân, để cùng hoà nhịp vào bản trường ca êm dịu của đất trời trong một âm thanh nhẹ nhàng du dương.

Có những cơn mưa rừng mịt mờ che phủ chân trời, chắn ngang lối đi. Những chùm hoa dại màu vàng run rẩy đón nhận những giọt nước lách tách từ những tàng cây lớn rớt xuống.

Có những hôm núi rừng quay cuồng với những cơn mưa vần vũ.  Con đường xa lộ 17 ngoằn nghèo uốn khúc theo triền núi, chìm ngập trong làn mưa ân sủng như thác từ trời cao ào ào đổ xuống, bất chấp núi rừng có kịp dang tay đón nhận hay không.  Những cành cây lớn nhỏ trong rừng thông hòa chung với vũ điệu của gió rừng, nắm tay nhau cùng vũ khúc hoan ca trong làn sương mịt mờ tạo nên một âm thanh vi vút huyền bí, mà chỉ có ai sống gần thiên nhiên mới hiểu được ngôn ngữ đó.  Những chiếc xe hơi bò chầm chậm dọ dẫm từng bước trong dòng nước mịt mờ, như phận người mò mẫm từng bước tiến về quê Trời.

Giang tay đón nhận mà thôi, chưa đủ!  Đất rừng còn hào phóng đáp lại ân tình đó, với những làn sương mỏng từ dưới đất thấp bốc lên, phủ mờ lối đi như đường vào Động Thiên Thai.  Vươn cao hơn nữa, rừng âm u đáp trả lại bằng lớp sương mù dày đặc, quấn quít quyện lấy những cành thông xanh.  Xa xa, những áng mây bay là đà, ôm lấy dãy núi chập chùng như phụ với núi rừng đáp trả lại ân tình của trời xanh.

Con đường núi nhỏ hẹp thơ mộng từ thành phố dắt ra bãi biển, xuyên qua hai ngọn núi có hình dáng như người thiếu nữ mơn mởn tuổi xuân, đang ưỡn người xoải hai cánh tay dài đón nhận những hạt mưa ân sủng từ trời cao vào lòng.  Không thể phân biệt được đâu là ranh giới giữa đất và trời: sương mù, làn mưa, hơi nước, Đấng Sáng Tạo và loài thụ tạo…. tất cả quyện lấy nhau nên một trong nguồn ân sủng vô biên.  Trời cao khiêm cung hạ mình xuống dang tay ôm thụ tạo vào lòng, như người cha cúi xuống ôm đứa con thơ.  Đất nín thở nghe nhịp tim rung lên với giai điệu hạnh phúc bất ngờ vì sự chiếu cố của Chúa Tể muôn loài, như đứa bé thơ sung sướng ngọ nguậy trong lòng mẹ.  Đẹp thay ân tình của đất trời!  Đẹp thay sự nhận lãnh và trao ban của núi rừng!

Mỗi giọt mưa rơi xuống từ trời mang theo mình một sứ mạng khác nhau.  Mỗi hạt mưa đọng lại trên cành lá đều mang một hình dạng sắc thái khác nhau.  Không giọt nào giống giọt nào, không cơn mưa nào giống cơn mưa nào: mưa sa, mưa đá, mưa phùn, mưa dầm, mưa rào, mưa xuân…. Mỗi cơn mưa dù lớn dù nhỏ, mỗi hạt mưa dù bé nhỏ mong manh hay to như hạt đá… tất cả đều gói ghém tâm sự của trời cao đổ xuống lòng nhân thế.  Nhiều cơn mưa nhưng chỉ có một tâm tình!

Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời,
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn (Is 55:10).

Sau cơn mưa, rừng như vừa được lãnh nhận ơn thanh tẩy tái tạo từ Trời cao, bẽn lẽn mang vào mình chiếc áo mới.  Màu áo trong sạch tinh khiết của thời tạo thiên lập địa, khi bụi bặm thế gian chưa khoác lên áo rừng.  Làn sương mỏng như tơ, nhè nhẹ bay là đà ngang đầu ngọn cây, làm cho cảnh vật trở nên thánh thoát như Vườn Địa Đàng, lúc Thượng Đế và con người thường nắm tay nhau đi dạo mỗi buổi chiều tà.  Những chiếc lá non gặp làn nước ân sủng đua nhau đâm chồi nẩy lộc.  Màu vàng của sắc hoa dại trở nên rực rỡ như màu áo hoàng bào của vua chúa thời xưa, xen lẫn giữa những màu lá xanh đậm lợt nhiều tầng, tô điểm cho núi rừng thêm phong phú nhiều màu sắc.  Bầu trời quang đãng trong veo nằm vắt vẻo ngang đầu ngọn núi nhìn thật gần, tưởng như với tay có thể đụng trời, giơ tay có thể bắt mây.  Những chú chim ẩn nấp đâu đó trong cơn mưa, giờ đua nhau bay ra chuyền từ cành này qua cành khác líu lo chào đón rừng mặc chiếc áo mới.  Gió thổi nhẹ cuốn những chiếc lá vàng bay xào xạc như đang thầm thì với bước chân người lữ khách: “Đâu phải chỉ có con người mới cần đến Bí Tích Hòa Giải!”

Lang Thang Chiều Tím
Thương nhớ về mùa mưa 2006

MỘT CÕI ĐI VỀ

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta, đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.
………………….ZZ
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.
…………………
Trong khi ta về, lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì.

(Trịnh Công Sơn)

*************************************

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi hoài đi mãi cho đời mỏi mệt, loanh quanh luẩn quẩn như kiến bò trên miệng chén, đi suốt kiếp người mà không biết mình đi đâu, về đâu?  Đi mà chẳng biết nơi nào là chốn quê nhà, đi mà không biết cái đích mình sẽ đến, cái nơi mình đã xuất phát.  Đến nơi này lại nhớ nơi kia, ta về lại nhớ ta đi, nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã không biết mình đi đâu, thì hậu thế hôm nay ai dám biết chắc ông đã về nơi đâu, và đang ở đâu?

Bài Phúc âm Chúa Giêsu Biến Hình hôm nay, Chúa mời gọi ba môn đệ Phêrô, Gioan, Giacôbê “đi riêng” ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, đến một ngọn núi cao, thanh vắng, không tiếng người, không bon chen ồn ào, tránh xa “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng…,” và ở đó, Người biến hình đổi dạng trước mặt các ông.  Trong không gian tĩnh lặng, các ông nghe được tiếng nói của Thiên Chúa từ trời cao: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9:7).  Hạnh phúc ngất ngây ở bên Người, mắt phàm được mạc khải vẻ huy hoàng rực rỡ của Thiên Chúa đã làm các ông quên tất cả, quên đường về, quên cha mẹ vợ con, quên bổn phận của mình và của Thầy dưới núi.  Ở đây không có cảnh “ta về lại nhớ ta đi,” hay “ta trên núi lại nhớ ta dưới núi,” cho thế nhân biết các ông đã cảm nghiệm được một hạnh phúc tuyệt đối đích thực.  Chỉ một vài giây phút cảm nghiệm hạnh phúc ngắn ngủi, mà các ông sẵn sàng đánh đổi mọi sự để chiếm cho bằng được hạnh phúc đó, dù có phải qua đồi Golgotha máu chảy lệ rơi!

Nếu hôm xưa Chúa mời gọi các ông “đi riêng” với Ngài mà các ông từ chối, thì chắc chắn các ông sẽ không bao giờ có được cảm nghiệm tuyệt vời đó!

Thiên Chúa không chỉ mời gọi ba môn đệ “đi riêng” với Người cách đây hơn 2000 năm.  Thiên Chúa cũng không chỉ biến đổi hình dạng một lần duy nhất trên núi Tabor.

Thiên Chúa đang mời gọi mỗi người chúng ta “đi riêng” ra một chỗ với Người, mỗi ngày trong cuộc sống đầy bận rộn.  “Đi riêng” để Người có dịp cho ta chứng kiến vinh quang của Người, “đi riêng” đến một nơi thanh vắng để nghe được tiếng Thiên Chúa nói trong đáy lòng mỗi người.

Ngài mời gọi và chúng ta có đáp lại tiếng mời gọi để cùng “đi riêng” với Ngài hay không?

Cuộc sống bận rộn cứ mãi vần xoay và chẳng ai tìm đâu chút thời giờ để đi riêng với Người.  Phải, kiếp người như con cù, cứ xoay hoài xoay mãi, xoay theo những đòi hỏi nhu cầu của xã hội: nhà cửa, xe cộ, tiền tài, các hoá đơn chồng chất, sự nghiệp của mình, tương lai con cái… rồi mỏi mệt nhắm mắt xuôi tay mới chua chát nhận ra rằng “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng,” và đôi tay đó đã bóp chết bao kiếp người trong những nhu cầu tầm thường.

********************************

Lạy Chúa Giêsu Chí Thánh, mặc dù cuộc sống đầy những bận rộn lo toan, nhưng xin cho con biết thu xếp thời gian để “đi riêng” ra một chỗ với Ngài, để có được những cảm nghiệm riêng tư giữa con và Ngài, để lắng nghe tiếng Ngài nói nơi tâm hồn con.  Chúa ơi, mặc dù “trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ” với Ngài, nhưng con biết vinh quang Thiên Chúa thì vô biên không bút mực nào tả xiết, con biết, nếu con đáp lại lời mời gọi “đi riêng” với Ngài, thì con sẽ được hội ngộ với Ngài ngay từ đời này.  Xin cho con tin chắc rằng con sẽ được hội ngộ với Ngài mãi mãi trong một ngày gần đây, và xin cho con sẵn sàng sống, và chết cho niềm tin đó. Amen!

Lang Thang Chiều Tím
August 2006

 

HIỂN DUNG VÀ SỰ HỘI NHẬP CỦA TA

ZZTôi không nhớ mình đã in từ đâu một bài viết rất cảm động của một tác giả lấy tên là Lang Thang Chiều Tím.  Tác giả bắt đầu bằng một lá thư điện tử của một người bạn sắp chết: “Ngày đầu của một năm mới, anh cầu chúc nhiều điều tốt đẹp đến với em.  LTCT ơi, hôm nay anh đã tìm được sự bình an trong tâm hồn, một ngày thật là hạnh phúc đối với anh trong tình yêu Chúa.  Cám ơn Chúa, cám ơn em!  Chúa ơi, con không còn phiền muộn và đau khổ trong căn bịnh ung thư của con nữa.  Lạy Chúa con vui vẻ yêu Chúa.  Thân mến.”

Tôi nghẹn ngào đến rơi lệ… Có lẽ năm sau, tôi sẽ không còn có cơ hội để nhận thiệp chúc tết của anh nữa.  Năm sau biết anh còn có cơ hội để tuyên xưng đức tin, tình yêu và niềm hạnh phúc của mình trong ngày đầu năm như thế này hay không?….

… Bác sĩ nói anh còn sáu tháng nữa, đã ba tháng trôi qua rồi và anh tiếp tục đếm từng tháng ngày đang vô tình trôi qua đời anh…  Thế mà không những anh đã cảm nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa, anh lại còn vui vẻ đáp trả lại tình yêu đó với một thân xác bịnh hoạn sắp đến hồi kết thúc.  Thế mà anh vẫn tìm được sự bình an trong tâm hồn vào ngày Tết dương lịch cuối cùng của đời mình …

Không còn phiền muộn!  Không còn khổ đau dù rằng căn bịnh vẫn trơ trơ ra đó.  Tất cả chỉ còn lại sự bình an, một ngày đầu năm hạnh phúc, một niềm vui ngọt ngào trong tình yêu Thiên Chúa… Vết thương thể xác vẫn còn đó nhưng vết thương tâm hồn đã lành…

Còn sống ngày nào là còn có cơ hội sắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi dài!  Anh nói với tôi, anh đã dặn vợ khi anh chết nhớ chôn anh với cỗ tràng hạt và cuốn Kinh Thánh mà tôi tặng cho anh.  Cỗ tràng hạt đó, chắc bây giờ đã bạc màu và mòn lắm rồi.  Ngày tôi tặng anh cỗ tràng hạt Mân Côi, tôi không mua một cỗ tràng hạt mới để tặng anh nhưng tặng anh cỗ tràng hạt mà tôi đang sử dụng.  Một cỗ Mân côi “có hồn” đã thấm bao giọt nước mắt ăn năn trong những ngày đầu tôi mới trở về với Chúa, tôi trao lại cho anh, xin Đức Mẹ dẫn dắt anh từng bước, từng bước đến với Chúa.  Tôi biết tràng chuỗi Mân Côi đó giờ đây lại ướt đẫm những giọt nước mắt đau khổ của người chủ mới, được lần tới lần lui mỗi ngày với những lời kinh giờ đã nhuần nhuyễn.  Cuốn Kinh Thánh ngày được cùng anh đi vào lòng đất, chắc cũng đã cũ mèm và xoắn góc dù rằng tôi tặng anh cuốn mới.  Mỗi trang Kinh Thánh được lật qua là mỗi tâm tình được gói ghém trong đó, là những khúc mắc trăn trở, là những băn khoăn ưu tư không lời giải đáp…

Ngày ngày anh vẫn đến nhà thờ để tìm sự an ủi đỡ nâng, đến để tiếp tục nuôi dưỡng sự bình an trong tâm hồn mà anh đã tìm được trong ngày đầu năm.  Đến có khi chỉ để ngồi thinh lặng một mình chiêm ngắm ông Giêsu bị treo trên cây thập giá.  Và anh tìm thấy vài điểm tương đồng giữa anh và người tử tội Giêsu đó: cùng biết trước ngày giờ chết của mình, cùng sợ hãi trước cái chết đang từ từ tiến tới gần, cùng để lại một bà mẹ khóc con!  “Lá vàng khóc lá xanh rơi!”  Ôi, nếu mẹ có thể bịnh thay cho con!  Nếu mẹ có thể chết thay cho con được sống!  Anh hiểu thêm nỗi lòng của Mẹ Maria qua tâm trạng người mẹ ruột mình.  Có lẽ những sự đồng điệu đó an ủi anh nhiều lắm.  Anh trao cho tôi bốn câu thơ mà anh đã làm dưới chân thập giá Chúa Giêsu: “Con quỳ bên tượng Chúa, chắp hai tay nguyện cầu.  Sao đời con đau khổ, một linh hồn bơ vơ!”

Suy niệm bài Tin Mừng lễ Hiển Dung hôm nay, tôi lại liên tưởng đến câu truyện đầy cảm động trên.  Tôi thấy nhân vật trong câu truyện của Lang Thang Chiều Tím đang bừng lên một ánh sáng hiển dung trong suy nghĩ, trong tâm hồn, trong đức tin, trong tình mến thật rực rỡ và chói ngời.   Một ánh sáng hiển dung bừng cháy giữa tăm tối của cuộc đời, tăm tối của tương lai, tăm tối của sức chịu đựng, chính là sức mạnh giúp can đảm sống thêm, đồng hành thêm cùng cuộc đời; lớn thêm một chút cho tương lai, dẫu tương lai ấy là bước vào vĩnh hằng; và can đảm trong sức chịu đựng mà sống cùng thánh giá Chúa Kitô.

Ngày xưa trên núi cao, khi Chúa biến đổi dung nhan rực rỡ, thì trong lòng của cuộc hiển dung ấy, chưa phải là những hạnh phúc, nhưng lại chất chứa sự thương đau vô cùng bởi những phản bội, bởi thái độ vô ơn của loài người, bởi nỗi ê chề của thập giá, của giờ tử nạn.  Vì thế, khi mà các môn đệ Chúa Kitô đang chiêm ngưỡng vinh quang tuyệt vời của cuộc hiển dung, thì điều mà các ông nhìn thấy như chỉ là một ánh chớp thoáng qua, một báo hiệu trước của tương lai, một tương lai phải trả giá bằng nỗi đau thập giá.

Đường đi trước mắt của Chúa và của các môn đệ của Người còn dài, còn lắm gian truân, nhiều thử thách.  Nó đang giăng mắc đầy những nghiệt ngã mà cả Thầy và trò phải đối diện.

Tuy nhiên, sứ mạng dù phải nếm trải những chịu đựng, có khi sự chịu đựng ấy còn vượt quá sức người, bởi sức người chỉ có ngần, có hạn, thì một ánh chớp sáng, nếu có thoáng qua, cũng có thể trở thành sức mạnh để lòng người bền bỉ hơn mà tin vào sự thắng vượt.  Vì thế, ngay trước lúc bắt đầu bước vào những khó khăn ấy, ngay trước lúc mà mọi thương đau nhất trong đời lại cùng diễn ra một lúc, thì cuộc hiển dung vô cùng cần thiết.  Nó hoàn toàn hợp lý và đúng lúc, để dù ai, dù sự việc nào, dù đau xót đến đâu, nhờ hội nhập vào cuộc hiển dung ấy, mới may ra, lòng người sẽ đủ sức mà làm cho “chân cứng đá mềm,” nhằm thách thức cùng sức chịu đựng.

Vì thế, cuộc hiển dung của Chúa Kitô, hơn bao giờ hết, trở thành ngọn đèn của hy vọng, thành cứu cánh của niềm tin, thành một lời động viên cho niềm an ủi mà các môn đệ của Chúa đang rất cần để chuẩn bị cho các ông tiến đến và nhập cuộc vào thánh giá Chúa.

Trong cuộc đời làm người, người tín hữu nói riêng, mọi người nói chung, rất cần những cuộc hiển dung như thế.  Không có bất cứ ai hoàn toàn sống trên “nhung lụa.”  Cuộc đời là một cuộc thử thách nối dài.  Đau khổ là người bạn rất thân với ta, dù ta không hề mong muốn.  Nhưng dù đau khổ đến mức độ nào, cuộc đời của mỗi cá nhân dù có bị vùi vập, bị nhận chìm đến đâu, bình minh của tương lai dẫu đã tắt, hoàng hôn dẫu là một tấm màn sắt vây kín thân phận, để có thể vượt lên chính mình, ta không có quyền đầu hàng số phận, không có quyền ngã lòng, càng không bao giờ được phép dập tắt niềm hy vọng, không bao giờ để lòng mình lạc mất niềm tin.  Niềm hy vọng, niềm tin tưởng chính là cuộc hiển dung vĩ đại giữa những nốt nhạc trầm đầy thương đau của đời người.

Nhưng để thắp sáng cuộc hiển dung bằng lòng hy vọng, lòng tin cho mình, ta lấy nguồn từ đâu?

Cuộc hiển dung của Chúa Kitô mà các tông đồ hân hoan chứng kiến, và nhân vật bị bệnh ung thư trong câu chuyện của tác giả Lang Thang Chiều Tím cho ta câu trả lời, đó cũng chính là bài học kinh nghiệm sống của đời ta: Nguồn Ánh Sáng thắp lên cuộc hiển dung cho đời ta chính là Chúa Kitô.

Các tông đồ và nhiều môn đệ của Chúa Kitô là nhân chứng về cuộc đời của Chúa cách trung thành.  Vì thế, tất cả những gì đã thấy, đã nghe làm cho các ông không bao giờ tắt niềm tin, niềm hy vọng.  Nhất là từ sau khi Chúa trao Hội Thánh cho các ông, các ông đã miệt mài xây dựng với tất cả nhiệt huyết của mình.  Các ông đã đạp trên mọi “đầu sóng, ngọn gió,” dù phải hiến dâng cả mạng sống, vẫn bất chấp tất cả.  Chính niềm tin và sự cậy trông vào Chúa Kitô, chính trái tim vàng đá của một lòng yêu mến sắt son đặt nơi Chúa Kitô, trên hết mọi sự là niềm tin tưởng vào chính Người Thầy Giêsu của mình, đã làm cho các môn đệ nên “chân cứng đá mềm” đến như vậy.  Các ông đã biết thắp lên cuộc hiển dung của Chúa giữa những tăm tối của cuộc đời mà các ông nếm trải.

Tương tự như thế, nhân vật của Lang Thang Chiều Tím đã khôn ngoan học lấy bài học của các môn đệ Chúa Kitô xưa, mà xây đắp cho mình cả một cuộc hiển dung rực sáng, khi anh biết đặt tất cả niềm tin, lòng trông cậy, sự tín thác của mình nơi Chúa Kitô.  Đặt mình nơi bàn tay tình yêu diệu kỳ của Chúa, anh đã thắp lên, thắp sáng lên, sáng lắm cuộc hiển dung của Chúa trong tăm tối và đổ vỡ của đời anh.

Chúng ta hãy soi mình vào đó mà định hướng cho chính cuộc đời mình.  Nến anh chị em của ta đã hiển dung trong Chúa, thì ta cũng có thể sống được tất cả những điều như thế.  Điều quan trọng là ta có dám đặt Chúa làm Nguồn Sáng để ta hội nhập vào cuộc hiển dung của Người hay không mà thôi!

LM Vũ Xuân Hạnh

GIỌT LỆ CHO AI?

ZZTiếng điện thoại reo vang trong đêm khuya làm Hải giật mình ngồi phắt dậy chộp lẹ cái phone, vì sợ tiếng phone đánh thức vợ con.  Trong cơn ngái ngủ, chàng nghe giọng hớt hải của thằng bạn thân bên kia đầu dây:

–     Ê Hải, mày biết gì chưa, Đức Mẹ ở nhà thờ Đức Bà khóc.

–     Cái gì?  Lại tin đồn thất thiệt gì nữa đây?

Tiếng đầu dây bên kia cộc cằn:

–     Thất thiệt cái con khỉ, chính mắt tao chứng kiến tượng Đức Mẹ Hòa Bình ở quảng trường công xã Paris chảy nước mắt, nên mới gọi phone báo cho mày hay, và hỏi ý kiến mày về vụ này.

Hải đưa tay dụi mắt phì cười:

–     Mày ở bên đó, tận mắt chứng kiến hiện tượng xảy ra, còn tao chưa hay biết gì, đang không bị dựng đầu dậy giữa đêm hôm khuya khoắt để hỏi ý kiến. Đúng là ngốc!

Lộc chợt nhận ra sự phi lý của mình.  Đúng rồi, nó ở bên Mỹ, tin tức mới nóng hổi, chưa ai đưa tin, mình là người đầu tiên đưa tin cho nó mà chưa gì lại hỏi ý kiến.  Lộc cười hề hề, đúng thật là ngớ ngẩn, rồi vắn tắt Lộc tường thuật cho bạn nghe những gì mới xảy ra cho Sài gòn tối qua, sáng nay.  Kể xong, Lộc nói bạn ngủ tiếp đi và xin lỗi vì đã quấy rầy trong đêm cuối tuần, có gì hôm sau sẽ gọi tiếp.

Hải nằm xuống lòng xao xuyến không sao chợp mắt tiếp được.  Chàng biết thằng bạn “khô như ngói,” bỏ nhà thờ cả hai chục năm nay, không dưng dễ gì mà tin đồn thất thiệt lại kéo nó ra khỏi cuộc sống bận rộn, sáng lo làm giàu, tối lo hưởng thụ để đến xem, rồi lại phone qua cho chàng để tường thuật tại chỗ hiện tượng lạ đó!  Chàng thở dài.  Ở Việt Nam thiếu gì những tin đồn thất thiệt, tin phóng đại, có một nói mười, có mười nói một trăm.  Hmm, chàng nhủ thầm, nhưng chính mắt thằng Lộc trông thấy mà, cái thằng cứng đầu cứng cổ, ma chê quỷ hãi ông vãi lắc đầu đó, cái thằng trời đất không biết sợ ai.  Rồi chàng nhớ lại giọng run run xúc động của Lộc khi tường thuật cho chàng nghe tỉ mỉ từng chi tiết.

Có thể nó bị hoa mắt chăng?  Có thể dân Sài gòn nhìn gà hoá cuốc chăng?  Cũng có thể nước mưa đọng lại lâu năm trên bức tượng quanh năm suốt tháng sừng sững ngoài sương gió?  Mà cũng có thể do bàn tay ai đó dựng nên không biết chừng?  Bao nhiêu là giả thiết trong đầu!  Thôi ngày mai dậy xem tin tức thì biết liền chứ gì.  Trong đêm khuya thanh vắng, bỗng dưng lòng chàng chợt chùng xuống, trái tim thắt lại.  Tại sao tin đồn không là một Đức Mẹ đang mỉm cười với đàn con, mà là một Đức Mẹ khóc?  Tại sao hình ảnh của một bà Mẹ lúc nào cũng đi liền với hình ảnh u sầu, đau thương vì đàn con?  Chàng thở dài trong bóng đêm khi nhìn lại cuộc sống của chính mình, chàng cũng là một đứa con hoang mới được Mẹ đưa trở về với Chúa không bao lâu, chứ nào có phải ngoan ngoãn gì!

Vài ngày sau, Lộc gọi phone cho chàng để hỏi thăm ý kiến về hiện tượng lạ này, thắc mắc duy nhất của Lộc không biết đây có phải là phép lạ không?  Hải lấy làm ngạc nhiên vì cái thằng bạn chỉ biết lo làm giàu, siêng năng ăn chơi sao bây giờ lại quá lắng lo, sốt sắng về việc Đức Mẹ chảy nước mắt ở nhà thờ Đức Bà.  Chàng đang ở Mỹ không tưởng tượng được khung cảnh nhộn nhịp ở quảng trường công xã Paris, không hít thở được không khí thánh thiện, sôi nổi trong dòng người tấp nập chen lấn để nhìn cho bằng được cảnh Mẹ khóc, không nghe được tiếng đọc kinh râm ran, tiếng hát thánh ca của 10bà con xen lẫn với tiếng loa phóng thanh yêu cầu giải tán, không chứng kiến tận mắt cảnh mấy bà mẹ Việt Nam ngồi bệt xuống lòng đường tay vân vê lần chuỗi, mặc cho dòng người qua lại giữa chốn phồn hoa đô hội….  Không thấy, không nghe, không ngửi, không sống trong khung cảnh đó!  Tất cả chỉ là tin tức, hình ảnh trên internet, báo chí, radio mà cứ bị cái thằng bạn cù nhầy hỏi ý kiến hoài.

Chàng bực mình gắt gỏng:

–     Sao không đi hỏi bạn làm ăn, bạn nhậu, hay bạn “ôm” mà lại hỏi tao, một thằng bạn lạc hậu?

Hỏi thì hỏi thế nhưng chàng biết tại sao Lộc lại hỏi chàng.  Làm sao có thể chia sẻ nỗi niềm thổn thức băn khoăn trong tận đáy lòng, về những giọt lệ hư hư thực thực của Mẹ tại quán bia ôm, trên bàn nhậu, hay ở chỗ trao đổi chuyện mua bán làm ăn được?  Kẹt lắm không có ai để nói về chuyện này nên nó mới gọi phone cho chàng để tán dóc, hỏi ý này nọ.  Hai đứa cùng xóm thân nhau từ nhỏ, học cùng lớp, chung một giáo xứ, cùng lon ton đi giúp lễ những ngày ấu thơ…  Rồi lớn lên không hẹn mà gặp, bước chân cả hai cứ xa nhà thờ từ từ theo hai ngã rẽ khác nhau.

Có lẽ từ ngày mẹ chết, bố lơ là đạo nghĩa, Hải không còn được nghe những lời dạy dỗ khuyên bảo, những tiếng càu nhàu thúc giục đi nhà thờ sớm tối của mẹ, chẳng còn những buổi tối gia đình quây quần bên nhau đọc kinh tối nữa.  Rồi cuộc sống bên xứ người bận rộn đi làm, cuối tuần lo bài bạc, rượu chè… còn thời giờ đâu mà nhớ đến Chúa dù là vài ba kinh tối ngắn ngủi, chứ đừng nói chi đến thánh lễ ngày Chúa nhật.

Cuộc đời chàng có lẽ cứ tiếp tục đắm mình trong trụy lạc nếu không có một biến cố xảy ra.  Vâng, với chàng, đó là một phép lạ nhiệm mầu!  Nhưng nào có ai công nhận phép lạ đó đâu, dù là người chứng kiến?  Trên con đường đi làm sáng thứ hai, người còn vật vờ ngái ngủ vì đêm qua nhậu quá say, chàng thoát chết trong một tai nạn xe hơi khủng khiếp.  Con đường đèo thơ mộng nhưng ngoằn nghèo, đến khúc quẹo gắt, xe chàng chạy quá nhanh, thắng gấp, chiếc xe mất đà quay một vòng tông mạnh vào chiếc xe tải đang trờ tới, rồi bay lên vách đá chổng bốn bánh lên trời.  Chiếc xe bị hư hại nặng nề, còn người thì lạ thật, như được ai đó giơ tay bảo vệ, chỉ bị trầy trụa sơ sơ mà thôi!  Ngược lại trái tim chàng lại bị đụng chạm mạnh, văng ra từng mảnh nhỏ, thần kinh như bị nghiền nát dưới sức ép của kinh hoàng sợ hãi.  Chàng vẫn còn toát mồ hôi hột mỗi khi nghĩ đến.  Tại sao tôi còn sống?  Chúa cho tôi cơ hội sống để làm gì?  Để tiếp tục hưởng thụ, tiếp tục cuộc sống sa đọa chăng?  Tôi có xứng đáng có được cơ hội này hay không?  Chàng tự hỏi lòng như thế, chưa bao giờ chàng sợ chết.  Đúng, dân chơi sợ gì cái chết chứ!  Nếu đã sợ thì đã không dám chơi.  Ừ, chàng không sợ chết, nhưng mà là chết kiểu nào, trong tình trạng như thế nào?  Chàng rùng mình nhớ lại cuộc đời bê tha của mình!  Nếu Chúa gọi mình lúc đó thì linh hồn mình sẽ đi về đâu nhỉ?

Sau biến cố đó, cuộc đời chàng thay đổi hẳn, chàng có gọi phone kể chuyện cho Lộc nghe nhưng nó lại chê chàng nhát đảm “thần hồn nát thần tính,” lái xe hơi mỗi ngày có đụng chạm, xô xát, tai nạn này nọ trong lúc lái xe là chuyện thường tình.  Chẳng lẽ cứ mỗi một tai nạn xe hơi là một phép lạ xảy ra?  Biết có giải thích thêm nó cũng chẳng hiểu, chàng giữ thái độ im lặng, chỉ biết cầu nguyện xin Chúa thương xót nó như đã xót thương chàng.

Giờ đây nó lại siêng năng gọi phone cho chàng mỗi ngày, để thăm hỏi về những giọt lệ nơi khóe mắt tượng Mẹ, chẳng lẽ những giọt nước mắt đó đã đánh động tâm hồn nó?  Mải suy nghĩ chàng không nghe tiếng cáu gắt gỏng bên kia đầu dây:

–     Mẹ kiếp, nghĩ cái quái gì mà hỏi hoài không trả lời? Tao hỏi theo mày đây có đúng là phép lạ Đức Mẹ khóc không?

Hải đắn đo suy nghĩ không biết nên trả lời như thế nào:

–     Lộc, tao không tận mắt chứng kiến hiện tượng lạ ở nhà thờ Đức Bà như mày. Mày là người trong cuộc, vậy cho tao biết cuộc sống mày có gì thay đổi sau khi chứng kiến hiện tượng lạ đó?

Lặng thinh, Hải nghe được tiếng quạt quay vù vù bên kia đầu dây, chàng chậm rãi tiếp tục:

–     Nếu cuộc sống mày vẫn như xưa chẳng có gì đổi thay, vẫn lo làm ăn sáng tối, ăn chơi nhậu nhẹt tí bỉ, bồ bịch nhăng nhít, vẫn không biết đến thánh lễ, toà giải tội, không biết đến Thiên Chúa ngự trong hình bánh bé nhỏ đang chờ đợi mày nơi nhà tạm, thì theo tao, có lẽ đó chỉ là… những giọt nước mưa vô hồn mà thôi!

–     Lãng nhách! Lý luận không logic tí nào!  Bây giờ tao bận phải đi, mai tao gọi lại!

Cạch!  Lộc cúp phone ngang xương, tính nó vẫn thế.  Biết tính bạn nên Hải chẳng buồn giận, nếu lòng nó còn vấn vương với những giọt lệ của Mẹ, nó sẽ gọi lại.

Chuông điện thoại lại reo ngày hôm sau.

–     Họ nói chờ vài ngày nữa tòa Tổng Giám Mục sẽ tuyên bố thực hư ra sao!

–     Chẳng có gì mới mẻ đâu nếu là tiếng nói chính thức! Còn đợi đến ngày Hội thánh công nhận, hay phủ nhận phép lạ, thì lúc đó mày đã thấy Mẹ Maria khóc thương mày trước tòa Chúa phán xét rồi.  Đừng chờ đợi, tao thấy điều đó không quan trọng.  Trước khi Đức Mẹ khóc dưới chân thập giá, Chúa Giêsu đã khóc cho dân thành Giêrusalem rồi.  Trước khi mày thấy Đức Mẹ u sầu đến đổ lệ ở thờ Đức Bà, thì Chúa Giêsu đã ban tặng cho mày sự sống của Ngài trên Thập giá rồi.  Sao không nhìn lên cây thánh giá để thấy được tình thương Thiên Chúa, thấy được phép lạ khi viên đại đội trưởng ngoại đạo tuyên bố: “Ông này đích thực là Con Thiên Chúa!” Và cũng hãy mở mắt để thấy sự cứng lòng của các người Pharisêu khi chứng kiến cùng một hiện tượng.  Phép lạ chẳng là gì nếu người chứng kiến phép lạ cứ trơ như đá vững như đồng, và phép lạ thật vĩ đại khi lòng người được đánh động bởi một hiện tượng bình thường, bé nhỏ đơn sơ trong cuộc sống.

Giọng nói gắt gỏng bực mình của Lộc vang lên bên kia đầu dây:

–     Ê, tao cóc cần mày dạy đời mày!

Hải tỉnh bơ:

–     Thì thôi không nói nữa, tao tưởng mày muốn nghe.

Ngày hôm sau, chuông điện thoại reo réo rắt, Lộc nói chuyện vu vơ trên trời dưới đất, chưa bao giờ nó siêng gọi phone cho chàng như lúc này, Hải hỏi dò:

–     Theo mày những giọt lệ đó Mẹ khóc cho ai vậy?

Im lặng kéo dài, Hải chặc lưỡi nói tiếp:

–     Chắc cho những người tội lỗi nào đó thôi, hoặc là nước mưa, không quan trọng cũng chẳng cần thiết. Ngày mai mày về lại xóm đạo cũ nghèo của mình ngày xưa, vô nhà thờ xin dùm tao một Thánh lễ, đến trước nhà tạm đọc dùm tao ba kinh.  Tự dưng tao nhớ đến những ngày ấu thơ, khi cả hai dành nhau để được giúp lễ, tối tối rủ nhau đến nhà hàng xóm đọc kinh giỗ cho người ta, mà ráng gân cổ gào thật to, để sau đó được thưởng cho trái chuối, nắm xôi, hay cái bánh đa. Hạnh phúc biết bao khi tâm hồn mình quanh quẩn nhà Chúa, Lộc nhỉ!

Lộc ngập ngừng:

–     Không hứa sẽ thực hiện lời mày yêu cầu đâu!

Cạch, lại cúp phone bất tử không một lời tạm biệt.  Chắc đã chán nghe rồi, Hải nhún vai nhủ thầm.

Ngày hôm sau, Hải nhận được một điện thư ngắn ngủi vài hàng của Lộc gởi sang, chẳng đá động chi đến chuyện chàng nhờ vả: “Tao đã đi xưng tội rồi!”  Chỉ có vỏn vẹn nhiêu đó thôi mà làm Hải vui mừng muốn hét lên, trái tim reo vang: “Mẹ ơi, con cám ơn Mẹ đã đưa bước chân thằng bạn con trở về với Chúa!”  Chàng nhắm mắt tiếp tục thì thầm “Mẹ đã khóc dù thật hay giả con không cần biết, nhưng con biết phép lạ đã xảy ra trong tâm hồn bạn con, xin gìn giữ cái thằng du côn đó trong vòng tay yêu thương của Mẹ!”  Chàng vào bàn làm việc trả lời ngay cho bạn, cũng chỉ vài lời vắn tắt: “Tao tin, đó là một phép lạ!”

Nhấm nháp ly cà phê buổi sáng, chàng thấy ngon, và thơm kỳ lạ, đưa lên môi nhấp vài miếng, chàng chợt nhận ra cà phê sáng nay có vị mặn.  Ồ không, đó là giọt nước mắt của chàng đang lăn dài xuống ly cà phê nghi ngút khói.  Hải ngượng ngùng quẹt vội dòng lệ như sợ có ai nhìn thấy chàng khóc.  Mà đã sao nhỉ?  Chả lẽ chuyện khóc lóc, chuyện nước mắt vắn, nước mắt dài chỉ là chuyện của đàn bà con gái và của… Mẹ Maria thôi sao?

Lang Thang Chiều Tím
November 2005

 

 

TÂM TÌNH SAU CƠN SÓNG THẦN 2004

Cơn sóng thần ở Đông Nam Á đã qua đi đến nay gần hai tuần rồi nhưng dư âm kinh hoàng của nó vẫn vang vọng như vừa mới xảy ra, bao gia đình tan nát, chết chóc, chia lìa.  Có những xóm làng, hòn đảo bị quét sạch trên bản đồ không một ai sống sót, có những cặp tình nhân đưa nhau đi nghỉ mát cuối năm, đi hai về một.  Người chết không đủ đất chôn, không kịp thời gian để an táng, không đủ bao nylon để bọc, đành chọn kiểu chôn tập thể.  Những người thoát nạn sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu ăn thiếu uống, lo âu hãi hùng, khủng hoảng tinh thần.  Những nước vốn đã nghèo giờ bị tàn phá kiệt quệ…  Tôi không muốn đưa ra con số chính xác ở đây, vì mỗi ngày đọc tin tức là một con số mới, thay đổi đến chóng mặt, con số ngày hôm nay sẽ lạc hậu so với con số của ngày mai.  Sự mất mát, và thiệt hại quá ZZnặng nề, về vật chất cũng như về tinh thần, cho người đã chết cũng như người còn sống sót.  Nhưng có lẽ sự thiệt hại nặng nhất là sự khủng hoảng về đức tin cho những người đang sống.  Hình ảnh về một Thiên Chúa nhân từ đầy lòng xót thương bị cơn sóng thần bóp méo, con người đâm ra nghi ngờ sự hiện hữu của Đấng Hằng Hữu.  Đó là nỗi buồn vượt trên bao nỗi buồn!  Con người có thể sống khổ sở, vật lộn với cuộc sống, thiếu ăn thiếu mặc, nhưng nếu vắng bóng đức tin thì con người sẽ sống ra sao?

Cái ngày kinh hoàng đó sẽ là ngày giỗ cho những người đã chết, và là ngày đánh dấu một bước ngoặt lớn trong đời sống hàng ngàn gia đình ở Đông Nam Á còn sống sót.  Đó là ngày Chúa nhật 26 tháng 12 năm 2004, sau ngày kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, và tiếp theo một ngày là lễ kính Các Thánh Anh Hài Tử Đạo.  Câu chuyện về ngày Chúa sinh ra vẫn còn được tiếp nối trong Tuần Bát Nhật.  Đó là một câu chuyện buồn xen lẫn trong những ngày vui.  Sau khi Ba Vua nghe lời Sứ Thần báo mộng đi lối khác mà về xứ mình, còn Hêrôđê chờ hoài… chờ mãi… chờ bóng Ba Vua trở lại để báo cáo tình hình của vị Vua không ngai bé xíu mà không thấy bóng dáng ai đâu.  Ông ta liền nổi giận cho giết hết tất cả những trẻ em sơ sinh từ hai tuổi trở xuống trong vùng Bêlem, và toàn vùng lân cận, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.

Con số chính xác bao nhiêu em bị giết trong thời đó?  Không ai biết chính xác, chỉ ước chừng trên dưới 1000 em.  Tôi hình dung ra cảnh trên dưới 1000 em bé sơ sinh đỏ hòn hỏn vô tội, ngây thơ, xinh xắn nhưng yếu đuối không biết kháng cự…, đang bị quân lính nhà vua giành lấy từ tay người mẹ, và giơ gươm lên.  Một tiếng “xoạc” ngọt sớt, xác em bé bị chẻ hai!  Tai tôi nghe những tiếng khóc thét, kêu gào đầy sợ hãi của mấy bé thơ nhi không biết chuyện gì xảy ra, hoà lẫn với tiếng khóc than rền rĩ của mấy bà mẹ bị mất con.  Tiếng ngựa hí, tiếng chân của quân lính lùng xục chạy rầm rầm khắp đầu thôn cuối xóm, tiếng binh khí chạm nhau loảng xoảng.  Quả là một cảnh tang tóc, những bà mẹ tóc tai rối bời đang nhào ra, giành giật xác con từ tay mấy tên lính hung hãn.  Bà thì ôm xác con rũ rượi, gục xuống đất mà khóc nấc, có bà bế xác con mình đưa cao lên trời, như muốn hỏi Thượng Đế, tại sao con tôi vô tội mà phải chết?  Bà khác không tìm được xác con, lấy hai tay bịt tai lại, như không muốn nghe lời an ủi của những người xung quanh.  Nỗi đau lớn quá!  Có lời an ủi nào có thể xoa dịu được nỗi lòng người mẹ mới mất con?  Tôi tự hỏi sinh mạng của Đấng Cứu Thế lại được đánh đổi bằng cách này sao?  Có công bằng không?  Tại sao sứ thần Chúa không báo mộng hết cho những bà mẹ ở Belem biết, để họ cùng chạy trốn qua Ai cập?  Mẹ Maria và thánh Giuse trên con đường chạy trốn qua Ai Cập, có nghe được tiếng khóc than văng vẳng sau lưng không?  Gia đình Thánh Gia có biết rằng bao nhiêu em bé đã chết thay cho con mình không?  Bạn đã từng là người mẹ, người cha:  nếu bạn là một người mẹ lúc đó, là người trong cuộc, và được hỏi ý bạn có bằng lòng để cảnh này xảy ra, để đổi lại sự ra đời của Đấng Cứu Thế mà nhân loại hằng mong đợi không?  Câu trả lời chắc chắn là không, không đời nào!  Thế mới biết con người chỉ nhìn gần mà không nhìn xa, chỉ nhìn đến sự sống chóng qua ở đời này mà không nghĩ đến sự sống vĩnh cửu ở đời sau.

Ngước nhìn lên trời cao trong ngày lễ kính Các Thánh Anh Hài, tôi thấy một cảnh khác.  Trên dưới gần 1000 em bé mặt mày dễ thương, bụ bẫm, hào quang sáng chói chung quanh các em.  Có em bò, em lật, em mút tay, em nằm xấp, em nằm ngửa đang xúm xít bu quanh nôi Chúa Hài Đồng.  Còn các em lớn khác thì đang cùng với ca đoàn của các thiên thần trên Thiên Quốc vỗ tay ca hát, nhảy múa chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa.  Các em ngày đêm được chiêm ngưỡng dung nhan Chí Thánh, đang sống một cuộc sống vĩnh cửu hạnh phúc mà bao linh hồn hằng mơ ước.  Tôi tự hỏi 1000 em này nếu không bị giết chết, nếu các em có cơ hội được sống, trưởng thành, có gia đình, rồi có con, phải đi làm nuôi thân, nuôi gia đình, rồi già, rồi bịnh, rồi chết… theo qui luật tự nhiên của con người, thì bao nhiêu em trong số đó sẽ được nên thánh?  Có chắc là 100% số em đó sẽ có cuộc sống hoàn hảo thờ phượng Chúa hết lòng, và được nên thánh hết không?  Tôi nghĩ là không, chắc chắn là không.  1000 em đó nếu có cơ hội sống, sẽ có những em nên tốt, nên thánh thiện, nhưng cũng có những em bị hư đi trong dòng đời.  Và cũng sẽ có những em dở dở ương ương, nóng chẳng nóng lạnh chẳng lạnh, không ai biết số phận đi về đâu.  Vậy cái chết với 1000 em bé đó là phúc hay là họa?  Nếu một gia đình có một vị thánh trên Thiên Quốc ngày đêm cầu bầu cho những người thân trong gia đình, thì đó là phúc hay họa?

Ngày cơn sóng thần lẳng lặng xuất hiện không một tiếng báo trước là ngày Chúa nhật 26 tháng 12 nhằm ngày Lễ Thánh Gia, bổn mạng các gia đình Công giáo.  Trong khi Giáo Hội hân hoan kỷ niệm ngày đầm ấm xum vầy của một gia đình hạnh phúc trong dư âm ngày Chúa Giáng Sinh còn đâu đây, thì đó cũng chính là ngày gây kinh hoàng tang tóc cho hàng trăm ngàn gia đình.  Hai hình ảnh thật trái ngược, Thượng Đế như khéo bày chuyện trêu ngươi người đời!  Nhưng nhìn lại bằng con mắt đức tin thử xem, Phục Sinh và Giáng Sinh là hai ngày lễ lớn và trọng đại nhất của Giáo Hội Công Giáo.  Đối với người Công Giáo có mức sống đạo bình thường, một năm Giáo hội khuyến khích xưng tội hai lần: một vào mùa Chay và một vào mùa Vọng.  Họ cũng rước Mình Thánh Chúa trong hai ngày lễ lớn của năm:  Phục Sinh và Giáng Sinh theo như Giáo Hội yêu cầu.  Vậy được Chúa gọi về với Ngài ngay khi người tín hữu đã chuẩn bị tâm hồn, vừa được rước Chúa vào ngày hôm trước, đó là phúc hay họa?  Hãy cẩn thận, đừng khóc thương cho những người vừa được Chúa gọi về, và đang yên nghỉ trong vòng tay yêu thương của Ngài, mà hãy khóc than, lo lắng cho chính linh hồn mình, vì ngày Con Người tới, biết mình có được chuẩn bị sẵn sàng như họ chưa?

Có những tấm hình thật khủng khiếp mà những người yếu bóng vía không dám coi.  Thật đau lòng khi đọc tin tức mỗi ngày, con số người chết gia tăng, thi thể của những người chết được chất đống trong những hố đất đào vội.  Những câu chuyện thương tâm của những người sống sót… sự sợ hãi, lo âu đang bị giam hãm trong những thân thể vốn đã gầy gò đói khát ở những nước chậm tiến, giờ đây đang lê lết trong lạnh lẽo, dưới môi trường sống hôi thối, ruồi muỗi, giành giựt, cướp bóc… kể sao cho xiết, nói sao cho đủ!  Thiên Chúa ở đâu rồi?  Ngài có tồn tại hay không?  Tại sao Ngài lại để những cảnh này xảy ra?  Ngài có chứng kiến những cảnh này không?  Tai Ngài có nghe thấy những tiếng khóc than rên rỉ không?  Và đức tin tôi bị khủng hoảng!

Khoan…, khoan đã…!  Hình như tôi đang nghĩ mình nhân từ hơn Thiên Chúa.  Tôi chỉ nghe tin tức, đọc báo, theo dõi hình ảnh trên internet, tivi… và trái tim tôi tan nát trước những hình ảnh thương tâm đó.  Còn Thiên Chúa, Ngài đang sống với những con người đó, Ngài đang chịu đau khổ với họ, đang chia sẻ cảnh sống thương tâm sợ hãi, thiếu thốn sau Tsunami… mà trái tim Ngài vẫn trơ ra, lạnh lùng!!!???  Sự suy nghĩ của tôi đúng hay sai nhỉ?  Tôi có khóc thương những nạn nhân Tsunami thì tôi chỉ biết cầu nguyện cho những người đã chết, nhịn ăn, nhịn mặc chắt chiu vài đồng để gởi cho những người còn sống.  Những đồng tiền bé nhỏ dè xẻn bao lâu nay tính gởi cho người thân bên quê nhà xài tết, bây giờ nó quẹo phải đi về hướng Đông Nam Á, đến với những nạn nhân Tsunami.  Sức của tôi có thế và tôi chỉ làm được thế thôi, chứ tôi nào dám bỏ gia đình bên Mỹ, bỏ công ăn việc làm, bỏ chăn ấm nệm êm trong mùa đông giá buốt để đến với họ, sống với họ, và an ủi họ.  Còn Con Một Thiên Chúa, Ngài đã dám bỏ tất cả vinh quang hạnh phúc từ trời cao xuống thế trong thân phận con người thấp hèn nhất, để chia sẻ những yếu đuối, khổ sở, lầm than của kiếp người.  Có nỗi khổ nào của con người mà Ngài chưa nếm qua?  Có nỗi nhục nhã nào mà Ngài chưa thử tới?  Ngài đã đến với họ, sống với họ, và chết với họ, vậy mà tôi dám cao giọng chất vấn Ngài?

Con người có những qui luật tự nhiên của con người:  sinh ra, lớn lên, bịnh tật, và chết đi.  Tự nhiên cũng có luật của tự nhiên:  hết nắng rồi mưa, hết đông đến xuân, ngày rồi đêm, trái đất tự quay chung quanh nó, và xoay chung quanh mặt trời với một chu kỳ nhất định.  Trong lòng trái đất cũng có những qui luật của riêng nó, lúc nóng lúc lạnh, lúc im ắng, lúc sôi động cựa mình.  Có những qui luật con người hiểu, khám phá ra, và có cách đề phòng.  Nhưng cũng có những qui luật con người chưa khám phá ra, và không biết cách đề phòng.  Rồi khi nó xảy ra gây nên thiệt hại lớn lao, thì mình lại đổ lỗi cho Chúa, Chúa làm nên hết mọi sự!  Thật là tội nghiệp Thiên Chúa biết bao!  Một Thiên Chúa không biết nói, không biết tự biện hộ!  Trong Kinh Thánh chỉ một lần duy nhất Thiên Chúa để nạn lụt hồng thủy xảy ra vào thời ông Nô-ê tiêu diệt loài người tội lỗi.  Sau đó Ngài buồn rầu và hối hận, Ngài lập giao ước với ông Nô-ê, hứa sẽ không bao giờ để nước hồng thủy hủy diệt tàn phá mặt đất nữa (x St 6-9).  Nếu tôi tin vào Kinh Thánh, tôi cũng tin rằng những sự dữ không xuất phát từ Thiên Chúa, đó là qui luật của tự nhiên, và thiên nhiên, mà vì thiếu sự hiểu biết, thiếu sự đề phòng nên con người phải gánh lấy hậu quả của nó.

Ngày xưa, chỉ mới cách đây vài chục năm, khi khoa học còn thô sơ chưa phát triển, tuổi thọ con người trung bình chỉ 40-50, ngày nay khoa học tiến bộ hơn nhiều, tuổi thọ con người lên đến 70-80.  Vậy ngày xưa con khóc cha ở tuổi 40 thì cho Chúa là “ác,” còn ngày nay con chôn cha ở lứa tuổi 90-100 thì gật gù khen Chúa rất nhân từ???  Nhiều khi Chúa “nhân từ” quá mà người con bắt chán, vì phải nuôi cha mẹ già 90-100 tuổi hoặc hơn, mà đợi hoài Chúa cũng chưa chịu kêu về dùm.  Thực sự Thiên Chúa lúc nào cũng thế:  từ bi, nhận hậu, khoan dung, đầy lòng xót thương và chậm bất bình…, đó là bản chất của Ngài, chỉ có khác là mình nhìn Thiên Chúa dưới lăng kiếng nào thôi.

Thời thơ ấu, mỗi khi trốn học đi chơi bị đòn quắn đít, tôi nhìn mẹ bằng ánh mắt giận dỗi, bỏ đi, và trả thù bằng cách không nói chuyện với mẹ.  Mỗi khi bị bịnh, mẹ bắt uống thuốc bắc đắng nghét, bóp miệng ngửa cổ ra rồi thẳng tay đổ ộc chén thuốc đen thùi vô miệng, rồi mẹ nhanh tay bóp chặt miệng lại không cho thuốc có cơ hội thoát ra ngoài.  Lúc đó tôi nhìn mẹ bằng ánh mắt nghi ngờ, thương con là như vậy sao?  Rồi lớn lên thành người tôi mới hiểu được, à thì ra là thế!  Có những lý do đằng sau cây roi, và chén thuốc đắng kia mà lúc nhỏ tôi không nhìn thấy được.  Bây giờ tôi “hiểu” việc mẹ làm tôi mới “tin” mẹ làm vì tình thương, còn ngày xưa, tôi “không hiểu” thì tôi cũng “không tin” mẹ làm vì thương mình.  Tôi cũng tầm thường như bao người khác thôi, bởi thế người ta mới nói nước mắt chảy xuống, khi nào có con, nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ.  Chỉ khi nào tôi “không hiểu” việc mẹ làm, mà tôi vẫn “tin” mẹ làm vì tình yêu, lúc đó tôi mới thực sự là một người con đúng nghĩa.  Chúa ơi, con cũng chỉ là người con đúng nghĩa của Chúa khi nào con “không hiểu” những việc xảy ra, mà con vẫn “tin” vào tình thương của Chúa.  Đó là cái mà Chúa gọi là “đức tin,” và con biết “đức tin” thì cần được thử thách, tôi luyện, nhưng xin đừng thử thách quá sức của con.  Xin cho con biết phó thác vào Chúa những việc con làm không nổi, những điều mà đầu óc con suy không thấu.

Tôi thấy gì sau cơn bão này nhỉ?  Bên cạnh những hình ảnh tang thương, chết chóc là những tấm hình chụp những chuyến trực thăng chở hàng tiếp vận, những kho hàng óc ách đầy hàng hoá, những nhân viên làm việc thiện nguyện ngày đêm để cứu các nạn nhân.  Tiền cứu trợ của các nước Mỹ, Nhật, Úc… tăng lên từ từ, các hội từ thiện trên thế giới lớn tiếng kêu gọi đóng góp với những con số lớn lên mỗi ngày.  Con người bỗng ra hiền hòa, và thế giới cảm nhận được tình nhân ái lâu rồi mới thấy lại.  Tiếng gọi cứu trợ ở khắp mọi nơi: báo chí, internet, đài phát thanh, truyền hình, trong nhà thờ, nhà trường, các hội đoàn, các hãng lớn, xưởng nhỏ, chợ búa, v.v…  Đi đến đâu cũng nghe người ta ơi ới réo gọi nhau, khuyến khích nhau cùng bố thí làm phước.  Hình như những đau khổ trong cuộc sống đẩy con người lại gần nhau hơn và những tang thương chết chóc của người khác là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính mình.  Ước gì con người đừng quên bài học hôm nay để luôn sống trong tỉnh thức và cầu nguyện!

Lang Thang Chiều Tím
January 2005
Viết cho người bạn đang bị khủng hoảng đức tin về cơn sóng thần ở Đông Nam Á