NGÀY MAI CỦA ĐỜI TÔI

Ngày mai lìa bỏ gian trần,
Giã từ thương tiếc người thân lắm mà.
Nghe lòng rung hạt châu sa,
Được làm con Chúa lơ là tình Cha.

Tình thương Thiên Chúa bao la,
Tỉnh đi kẻo phải trầm kha vong hồn.
Quay về bên Chúa Chí Tôn,
Ngày qua tháng lại, hoàng hôn đến gần.
Thời gian trôi nhanh, nhanh quá là nhanh.

Nhìn lại chính mình để gợi nhớ mà ghi ơn.  Giáo Hội là người Mẹ hiền luôn nhắc nhủ con cái hồi tâm tỉnh ngộ chuẩn bị ngày về Nhà Cha.

Nguyên tháng Mười Một hàng năm, kính nhớ các linh hồn nơi luyện ngục, vì tội thì Chúa tha, nhưng vạ thì phải đền.

Hiện giờ các linh hồn ở chốn thanh luyện không còn cơ hội lập công đền tội cho mình được nữa, chỉ biết trông chờ những người còn sống đền thay nguyện giúp trong mầu nhiệm Các Thánh Thông Công.  Đành rằng sẽ có ngày được về bên Chúa, nhưng đang đau buồn luyến tiếc vì lúc sống đã không đáp lại tình thương hải hà của Thiên Chúa:  Thật là đau khổ vì hối hận và luyến tiếc; nhưng nhờ vậy mà được thanh luyện.  Nghĩ mà lo sợ cho chính mình…

Không có Đức Kitô, đời ta vô nghĩa; nhưng không trông cậy nơi Ngài, thực hành Lời Ngài dạy, lại càng khốn cho tôi; đời tôi sẽ mất hy vọng.

Lạy Chúa, con hy vọng vào Ngài.  Đời con nương bóng Chúa thôi.  Thiên Chúa dành sẵn gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai cho những người hy vọng vào Ngài: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai.  Gia tài nầy dành ở trên trời cho anh chị em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Ngưòi đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết.” (1 Pr 1:3-4)

 *******

Cái chết của tôi

Một điều hoàn toàn chắc chắn, là tôi phải chết; nhưng có một điều hoàn toàn không biết chắc, là tôi sẽ chết lúc nào?  Cách nào?  Vì thế tôi phải luôn tỉnh táo.  Dù hoàn cảnh thế nào, khi chết tôi cũng chả mang theo được gì, bỏ lại tất cả; tôi sẽ ra đi một mình, ra đi một lần không bao giờ trở lại; một sự ra đi dứt điểm, không thể sửa đổi, một sự ra đi bắt buộc, không ai trên trần gian nầy níu kéo được.  Không thể chần chờ, có ai sống mãi để rồi hoan ca?

Hãy để sự chết mở mắt cho tôi khám phá những điều tôi tưởng không muốn thấy.  Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, nào được ích gì?

Đối diện với cái chết, tôi thấy chỉ việc phụng sự Thiên Chúa là quan trọng.  Còn những việc lạm dụng của cải là điên rồ; những danh dự tôi ham muốn, thực ra chỉ là những cạm bẫy; giàu sang có ích gì cho tôi nếu tôi không tích trữ một kho tàng trên trời.

Tôi muốn một cuộc đời lâu dài mạnh khoẻ, nhưng ích gì nếu tôi không chuẩn bị một cuộc đời vĩnh cửu.  Để đón nhận cái chết của đời tôi trong an bình, tôi phải yêu Chúa và tưởng nhớ Chúa, từng giây phút như hơi thở của sự sống đời tôi.

Người khôn là người biết đợi chết!

Một người kia đi du lịch qua nước Pháp.  Khi đến bờ biển Côte d’Azur để nghỉ mát, ông bị tai nạn giao thông và chết tại đó.
Bộ Giao Thông của nước Pháp liền đặt nơi nầy một tấm bảng có ghi câu:  “Nơi đây, một người đến nghỉ một ngày, nhưng rồi phải ở lại đây luôn mãi.”
Thật đúng như lời thánh Bênađô cảnh cáo: “Sự chết đợi con mọi nơi, thì con cũng đợi nó mọi chốn.  Như vậy, mới là người khôn.”
Tuyệt vời thay niềm tin của người đón nhận Đức Giêsu Kitô làm lý tưởng cho cuộc đời, nên biết hướng đi và đích điểm của ngày về.

Tôi là người Kitô Hữu,
Niềm tin vào Đức Giê-su Con Trời.
Cửa trời rộng mở gọi mời,
Loài người yêu dấu, cao vời hơn muông.

Con ơi! chớ sống buông tuồng,
Ngày mai phải thác, Cha buồn xót xa.
Uổng công con được sinh ra,
Quay về cho sớm, mặn mà tình Cha.

Nam Giao

NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ

Nếu chúng ta được lên trời để thăm các thánh,
hẳn chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng.

Các thánh thật khác nhau về nhiều mặt:
giới tính, tuổi tác, màu da, tiếng nói, nghề nghiệp,
hoàn cảnh, thời đại, bậc sống, khả năng, tính tình…

Có người không biết viết như thánh nữ Catarina Siêna.
Có người đậu tiến sĩ triết hạng tối ưu như thánh Edith Stein.
Có người làm bao phép lạ phi thường như ngôn sứ Êlia.
Có người sống âm thầm như chị Têrêsa nhỏ.

Nói chung chẳng gì có thể ngăn cản chúng ta nên thánh,
vì Thiên Chúa muốn mọi người nên thánh chẳng trừ ai.

Các mối phúc là con đường nên thánh.
Con đường này chính Ðức Kitô đã đi và mời ta cùng đi.
Ngài mời ta có tâm hồn nghèo khó, hiền lành,
nghĩa là hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa,
có lòng khát khao sự công chính, chỉ mong làm trọn ý Ngài.

Trong tương quan với tha nhân, Ðức Kitô mời ta
có lòng thương xót, biết đau nỗi đau của người khác,
có tâm hồn trong sạch, nghĩa là sống ngay thẳng, chân thành,
có tinh thần xây dựng hòa bình và công bằng xã hội,
nghĩa là chăm lo phát triển toàn diện từng người và mọi người.

Sống các mối phúc trên là chấp nhận mối phúc bị bách hại.
Mỗi vị thánh đều sống nổi bật trong một số mối phúc.
Họ đã nếm phần nào hạnh phúc từ đời này
trước khi hưởng hạnh phúc trọn vẹn bền vững trên trời.
Chúng ta thường nghĩ nên thánh là chuyện cao siêu
dành cho một thiểu số hết sức đặc biệt.

Thật ra mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh.
“Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời.”
Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mọi sự thánh thiện.
Ngài mời chúng ta chia sẻ sự thánh thiện của Ngài.

Nên thánh là đáp trả lời mời đó.
Khi chiêm ngắm các thánh, ta có thể hiểu nên thánh là gì.

Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống,
là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình
đẻ sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân.

Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Chúa
và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại.

Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Chúa tặng trao,
là để cho Chúa yêu mình, nắm tay mình,
dắt mình vào thế giới riêng tư của Chúa.

Nên thánh là thuộc trọn về Chúa và về anh em,
là để Chúa dần dần chiếm lấy mọi chỗ của đời mình.

Chúa mời tôi nên thánh với con người và hoàn cảnh riêng.
với sa ngã của quá khứ và mỏng dòn của hiện tại,
với cái dằm vẫn thường xuyên làm tôi nhức nhối.

Chúa muốn tôi nên thánh với mặt mạnh, mặt yếu của tôi.
Ước gì đời tôi vén mở một nét nào đó của Chúa.

Lm Nguyễn Cao Siêu S.J

*******

Lạy Cha,
con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.
Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.
Con trao linh hồn con về tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con.
Vì con yêu mến Cha,
vì lòng con yêu mến
thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con.

(Charles de Foucauld)

CON CÓ THỂ ĐỌC KINH LẠY CHA ĐƯỢC KHÔNG?

Con không thể đọc “Lạy Cha
nếu không chứng tỏ được, bằng cuộc sống của mình,
là con có một mối liên hệ Cha con với Cha.

Không thể đọc “Chúng con
nếu con cứ sống trong một tinh thần hẹp hòi khép kín
và nghĩ rằng trên trời chỉ có một chỗ đặc biệt dành riêng cho Giáo Hội của con mà thôi.

Không thể đọc “Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng
nếu con, một người kêu cầu Danh Cha, nhưng chính con lại không nên Thánh.

Không thể đọc “Nước Cha trị đến
nếu con không dùng hết năng lực của mình để xúc tiến nhanh ngày lại đến của Cha.

Không thể đọc “Ý Cha thể hiện
nếu con không đồng ý nhưng còn nổi loạn chống lại ý ấy.

Không thể đọc “dưới đất cũng như trên trời
nếu con không sẵn sàng tận hiến cuộc đời của con dưới thế nầy để phục vụ Cha.

Không thể đọc “xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày
Nếu con không thay đổi lối sống chỉ dựa trên sự lợi dụng người khác.

Không thể đọc “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con
nếu con vẫn giữ mối hiềm khích, lòng thù hận và nỗi tức giận chống lại anh em con hoặc ganh tị với họ.

Không thể đọc “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ
nếu con cương quyết đặt mình hoặc cứ ở lại trong một hoàn cảnh mà con có thể dễ dàng rơi vào chước cám dỗ.

Không thể đọc “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ
nếu con không sẵn sàng chiến đấu trong tinh thần, với một vũ khí là lời cầu nguyện.

Không thể đọc “Amen
nếu con không thêm rằng: “bằng bất cứ giá nào.”

Vì con phải trả giá rất nhiều mới đọc được lời kinh ấy một cách hết sức khiêm cung

M.W.Grass, bản dịch của M.Stein –  Thái Văn Hiến trích dịch

*******

Lạy Chúa Giêsu, qua các tông đồ, Chúa đã dạy con cách cầu nguyện qua câu Kinh Lạy Cha, xin cho con ý thức  từng lời từng chữ mà con đọc.  Xin cho con biết sống với Lời Kinh mà Chúa đã dạy cho con.  Amen!

ĐÔI MẮT

Nhạc sĩ Xuân Hồng viết ca khúc “Đôi mắt” với ca từ dễ thương.

Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời,
Để nhìn đời và để làm duyên.
Mẹ cho em đôi mắt màu đen,
Để thương để nhớ, để ghen để hờn.
Đôi mắt em là cửa ngỏ tâm hồn,
Là bài thơ hay nhất,
Là lời ca không dứt,
Là tuyệt tác của thiên nhiên.
Đôi mắt là cửa ngỏ tâm hồn, là tuyệt tác thiên nhiên
.

Thi sĩ Lưu trọng Lư đã viết hai câu thơ thật đẹp về tình yêu trong đôi mắt:

Mắt em là một dòng sông,
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em
.

*******

Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ.  Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc.  Có người nhìn đôi mắt như mùa thu.  Có người nhìn đôi mắt như dòng sông.  Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp.

Thế nhưng, khi Thánh Kinh nói về mắt lại nói về đôi mắt mù.  Từ những trang đầu của sách Sáng Thế đã nói về mắt:  “Rắn đã nói với người đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu ! Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu. Và người đàn bà đã nhìn; quả là cây ăn phải ngon… mà nhìn thì đã sướng mắt.  Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn.  Và bà đã ăn… Và mắt cả hai người đã mở ra.  Và chúng biết là chúng trần truồng” (St 3, 4–7).  (x.Nước mắt và hạnh phúc tr69–71, Linh mục Nguyễn Tầm Thường )  Đoạn Thánh Kinh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề cập đến đôi mắt qua 3 tiến trình: 

–  Rắn hứa là mắt hai ông bà sẽ mở ra.

–  E-và nhìn trái táo và thấy sướng mắt.

–  Mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng.

Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa, nhưng mắt đức tin đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều mình muốn thấy.  Họ không thấy mùa hoa nở rộ, những đồi cỏ bình yên, những dãi nắng hiền, những dòng suối êm ả. ( sđd. tr 72 ). “Mà nhìn thì đã sướng mắt”, cái nhìn ấy phải là đắm đuối, bằng cái nhìn đam mê đó, tội lỗi, khổ đau và sự chết đã vào trần thế.

Lời hứa của con rắn đã hiệu nghiệm: “mắt cả hai người đã mở ra”.  Không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà nhìn thấy mình trần truồng. “Mắt hai người đã mở ra”. Câu Thánh kinh thật ngắn ngũi diễn tả cách tinh tế sự đau thương: mở ra cũng là lúc đóng lại.  A-đam – E-và đã mở mắt, nhưng họ lẫn trốn không dám nhìn Thiên Chúa.  Cả hai đã mở mắt nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau.  Khởi đầu lịch sử nhân loại là đôi mắt mù và sự mù loà chảy dọc theo thời gian mang tối tăm vào trong trần thế.

Chúa Ki-tô đã đến chữa lành sự mù loà ấy, hàn gắn lại vết thương thưở sa ngã của Nguyên Tổ.  Khi liên kết phép lạ Chúa Giê-su chữa người mù từ thưở mới sinh với sự mù loà của Nguyên tổ, ta mới thấy ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trong thế gian.

“Mù từ thưở mới sinh” là mù từ xa xưa, thưở địa đàng.  Chúa Ki-tô đã mang ánh sáng cho thế gian. Ngài ban cho nhân loại đôi mắt mới: Mắt Đức Tin.  Từ tiến trình đến ánh sáng tự nhiên, người mù có một hành trình tiếp cận ánh sáng đức tin.  Chúa Giê-su chữa lành đôi mắt thể lý và mắt tâm hồn của người mù.  Chúa đã mở mắt đức tin để anh ta tin vào Chúa.  Anh ta tin vào lời Chúa là đi rửa mắt ở hồ Si-lô-ác và đã công khai nói lên sự thật ca ngợi Chúa trước mặt những người Pha-ri-siêu đang tra vấn, khủng bố anh: Chính tôi đây đã được người mà thiên hạ gọi là Giê-su lấy bùn xức mắt tôi và bảo tôi hãy đi rửa ở hồ Si-lô-ác.  Tôi đã đi, đã rửa và đã trông thấy.  Lòng bắt đầu rộng mở nên anh ta nhận ra: Nếu người đó không phải bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì.  Bởi đó, khi gặp lại Chúa Giê-su và được hỏi: “Anh có tin Con Người không ?” thì anh đáp lại ngay: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?”  Chúa Giê-su tỏ mình ra cho anh: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”.  Anh liền đáp: “Lạy Thầy, tôi tin.”  Bước nhảy của niềm tin được kết tinh nơi thái độ quỳ xuống bái lạy.  Qua việc chữa lành đôi mắt thể lý, Chúa Giê-su trao ban ánh sáng đức tin cho đôi mắt tâm hồn. Thoát khỏi bóng tối triền miên của cuộc đời, bát ngát một bầu trời mới khi anh được sáng đôi mắt.  Lớn lao hơn nữa là tâm hồn anh thênh thang chứa chan lòng mến, anh đã quỳ bái lạy với tất cả lòng tin.  Phép lạ chữa người mù thưở mới sinh là một dấu chỉ minh chứng: Đức Giê-su là sự sáng thế gian, đã chữa lành sự mù loà của nhân loại với điều kiện: Tin vào Ngài. Chúa Giê-su cũng chữa nhiều người mù loà tâm hồn.  Ngài mở mắt cho Gia-kêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi ( Lc 9, 1 – 10 ).  Ngài mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm ( Lc 7, 36 – 50 ). Ngài mở mắt cho người trộm lành giúp nhận ra lòng Chúa xót thương ( Lc 23, 32 – 43 )…

Mỗi người chúng ta có lẽ không hoàn toàn mù tối tâm hồn, nhưng có những điểm tối mà ta thấy được. Chẳng hạn như những đam mê, tham vọng, hận thù, ghen ghét, kiêu căng, có thể làm ta mù tối không nhìn thấy sự tốt lành nơi tha nhân.  Có một số người chỉ nhìn thấy điểm tối của người khác, chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm mà không nhận ra những gì là xinh đẹp, những gì là cao quý, thánh thiện nơi họ.  Cứ tiếp tục xét mình, ta sẽ thấy có nhiều điểm tối, sự mù tối của tâm hồn rất nguy hại.  Chỉ có ánh sáng của Đức Ki-tô soi chiếu, chỉ có cái nhìn của Đấng tình yêu, mỗi người mới xoá tan những điểm tối đó.  Chỉ có sự cầu nguyện và tin tưởng vào Đấng là ánh sáng thế gian, chúng ta mới có thể xua đuổi bóng tối ra khỏi tâm hồn và nhìn mọi sự trong ánh sáng Tin Mừng Đức Ki-tô.

Đôi mắt là tuyệt tác của thiên nhiên, là cửa ngỏ tâm hồn.  Đôi mắt có thị giác và thị lực. Thị giác là khả năng của đôi mắt có thể thấy.  Thị lực là mức độ thấy của khả năng ấy.  Thấy nhiều hay ít.  Thấy xa hay gần.  Thấy rõ hay mờ.  Người cận thị chỉ thấy được rất gần.  Người viễn thị thì thấy xa hơn.  Cần có thị giác tốt và thị lực tốt thì đôi mắt mới sáng ngời.  Thị lực còn là của trí óc và của con tim.  Có người chỉ thấy được cái thế giới chật hẹp và ích kỷ của bản thân mình; có người thấy được hoàn cảnh, tâm tư và nguyện vọng của người khác.  Thị lực còn là niềm tin.  Bar-ti-mê tuy mù nhưng lại có thị lực tốt.  Anh đã thấy được Ðức Giê-su là Ðấng Mes-si-a “Con Vua Ðavít”.  Anh thấy nhiều cái mà những người sáng mắt không thấy.  Anh thấy Chúa là con vua Đavít, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Anh thấy quyền năng và tình thương của Chúa có thể cho anh được sáng mắt.  Anh thấy bằng lòng tin. Chính vì lòng tin này mà Chúa Giê-su đã thương cứu chữa cho anh sáng mắt.  Anh mù, mắt không thấy Chúa, nhưng lòng đã thấy Chúa rồi vì anh có lòng tin.  Thị lực lòng tin cho anh tiếp nhận ánh sáng tình yêu đầy tràn hy vọng.

*******

Lạy Chúa, xin cho con có đôi mắt với thị giác và thị lực tốt.  Để con nhận ra Chúa nơi anh em với những cái hay cái tốt.  Để con nhận ra Chúa nơi các kỳ công kiệt tác thiên nhiên.  Để con biết nhận ra Chúa nơi các vị Đại Diện Chúa. Và lạy Chúa, xin cho con được thấy bản thân với những yếu đuối và khuyết điểm, biết nhận ra thân phận thụ tạo lệ thuộc Đấng Tạo Hóa; từ đó con biết được ơn phúc là do lòng Chúa yêu thương ban tặng, để con luôn biết dâng lời cảm tạ, tôn thờ, phụng sự và kính mến Chúa với cả tâm tình con thảo. Amen!

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
(CN 30B TN, BĐ 1: Gr.31:7-9 , BĐ 2: Dt 5:1-6 , PÂ: Mc.10:46-52)

MÙ LÒA

Có một câu chuyện kể về một người mù như sau:

Một anh mù đi thăm một người bạn. Vì đã lâu không gặp nên đôi bạn hàn huyên tâm sự mãi quên cả thời gian.  Khi màn đêm buông xuống, anh mù mới cáo từ ra về.  Người bạn lên tiếng bảo: “Thôi để tôi thắp cho anh cái đèn, vì trời tối quá rồi”.  Anh mù nghĩ là bạn muốn chế diễu mình nên trả lời: “Anh muốn đùa hay sao? Tôi mù thì ngày và đêm có khác gì nhau đâu”. Người bạn vội vàng xin lỗi và nói: “Tôi đâu có dám đùa với anh, ý tôi là anh nên cầm cái đèn trên tay để người ta thấy sáng mà không đụng phải anh”. Anh mù nghe nói có lý liền vui vẻ hiên ngang xách đèn ra về.  Đi được một đoạn thì có một người đi ngược chiều đụng phải anh, làm anh ngã xuống vệ đường.  Quá tức giận, anh mù lồm cồm ngồi dậy và chửi đổng: “Đồ đui, người ta cầm đèn sáng như thế mà không thấy sao?”. Người kia liền mắng lại: “Mày mới là đồ đui, đèn tắt từ lúc nào mà mày không biết, còn chửi người ta”.

*****

Bạn thân mến!  Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến một người mù. Anh thấy nhiều cái mà người khác không thấy. Anh thấy Đức Giêsu là Con Vua Đavít là Đấng Messia, là Đấng Kitô Cứu Thế (Mc.10:47).  Anh thấy quyền năng của Đức Giêsu có thể giúp đỡ anh một cái gì khác hơn là vật chất, tiền bạc. Anh thấy tình trạng khốn khổ mù lòa của mình.  Anh mù thấy được nhiều cái mà người sáng mắt không thấy.

Tiếng kêu của anh “Lạy Thầy, xin cho con được thấy” (Mc.10:51) là một tiếng kêu của lòng tin.  Tất cả sức mạnh của anh nằm ở tiếng kêu, tiếng kêu thống thiết bi ai của một người đau khổ, nhưng cũng là tiếng kêu đầy tin tưởng, hy vọng. Tiếng kêu báo hiệu một sự hiện diện, một cầu cứu. Nhiều người muốn bịt miệng anh, nhưng anh chẳng sợ gì đe dọa.  Càng bị đe dọa, anh càng gào to hơn nhiều. Cuối cùng tiếng của anh đã đến tai Ðức Giêsu.  Ngài dừng lại và sai người đi gọi anh. Khi biết mình được gọi, anh vội vã và vui sướng vất bỏ cái áo choàng vướng víu, nhẩy cẫng lên mà đến với Ðức Giêsu.  Anh đi như một người đã sáng mắt, bởi thực ra con mắt tâm hồn của anh đã sáng rồi.  Lời cầu của anh được Đức Giêsu đáp ứng: “Lòng tin của anh cứu chữa anh”. (Mc.10:52)

Khi được khỏi mù lòa, lòng tin của anh thêm vững mạnh.  Anh thấy lại mặt trời, anh gặp Ðấng cho anh ánh sáng.  Không ngồi ở vệ đường nữa, anh đứng lên đi theo Ðức Giêsu. (Mc.10:52)  vì Ngài chính là ánh sáng cho đời anh. Ngài sẽ dẫn đường anh đi. Đi đến sự thật và đến sự sống.

Mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy đi vào lòng mình để nhận ra những bóng tối đã che phủ đời ta. Ta có tìm thấy Chúa là ánh sáng cho đời ta không? Chắc hẳn đời sống của tôi có nhiều bóng tối vì tôi chưa tin tưởng vào Chúa. Đời sống tôi bế tắc vì tôi chưa đặt niềm hy vọng vào Chúa. Đời tôi mệt mỏi chán chường vì tôi chưa yêu mến Chúa hết lòng.  Hãy tin tưởng vào Chúa.  Ánh sáng đức tin sẽ chiếu soi đường đời tôi đi. Hãy hy vọng vào Chúa. Niềm hy vọng là ánh sáng ấm áp cho cuộc đời. Hãy yêu mến Chúa. Tình yêu Chúa là ánh sáng hướng dẫn mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của tôi.  Hãy noi gương anh mù thành Giêricô bỏ tất cả mà theo Chúa.  Sống bên Chúa đời tôi sẽ ngập tràn ánh sáng.

*****

Lạy Chúa! Như người mù ngồi bên vệ đường, xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy:

Cho con được thấy bản thân của con với những yếu đuối và khuyết điểm, những giả hình và che đậy.  Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con, cho ánh sáng Chúa chiếu soi vào bóng tối của đời con.

Xin mở mắt con, để con biết nhìn ngắm những cảnh đẹp thiên nhiên, những kỳ công do tay Chúa tạo dựng trong vũ trụ, trời đất, vạn vật

Xin mở mắt con, để con thấy những anh em nghèo đói, ốm đau, bệnh tật quanh con, để con biết yêu thương, nâng đỡ và chia sẻ.

Xin mở mắt con, để con thấy cái tốt nơi người khác, thấy những việc tốt lành anh em đã làm cho con trong cuộc sống hôm nay.

Xin cho cuộc đời của con luôn phản chiếu ánh sáng của Chúa, vì Chúa là Sự Sáng, là Tình Yêu, là Chân Lý và là Sự Sống đời đời của con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(CN 30B TN, BĐ 1: Gr.31:7-9 , BĐ 2: Dt 5:1-6 , PÂ: Mc.10:46-52)

NHẬN VÀ CHO

Khi Đức Giêsu đón nhận năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài dâng lời cảm tạ rồi đưa cho các môn đệ của Ngài.  Ngài không trực tiếp đi phát phân bánh và cá cho năm ngàn người đàn ông, mấy ngàn người phụ nữ và các em nhỏ.  Thánh Matthêu thuật lại rằng Đức Giêsu đưa bánh và cá cho các môn đệ và dặn họ thay Ngài đi phân phát bánh và cá cho tất cả mọi người được ăn no nê (Mt 14:19b).

Mời anh chị em cùng tôi thử nhìn ngắm thánh Simon Phêrô đi phát bánh.  Phêrô nhận bánh tình thương và cá ân sủng nơi Đức Giêsu và đi phân phát.  Ngài thấy một cụ già lúc nào cũng chăm chú nghe Thầy mình giảng dạy, chắc cụ là người thèm khát Lời Chúa và là người tốt: “Cụ ăn cho no nghe, cụ cứ dùng thoải mái.”  Ngài vui vẻ đi phân phát và thích thú trong công việc này.  Phêrô gặp một anh chàng đi theo thầy trò mình để xem phép lạ.  Ngài không ưa hắn lắm nhưng cũng đưa bánh và cá cho hắn cho xong việc.  Nhưng anh chàng này lại tham lam đòi nhiều bánh mới chịu, Ngài phải cự thì hắn mới thôi.  Ngài đang chuẩn bị trao bánh cho một người khác thì phát giác tên này là đầy tớ của ông Thượng tế, “Tao dứt khoát không phát cho mày,” Phêrô nghĩ bụng, “Đừng hòng mà mày có một miếng, cho mày chừa để lần sau đừng đi theo bọn tao để lấy tin tức về báo cáo.”  Phêrô thầm nghĩ như vậy và chẳng muốn phát, nhưng Ngài chợt nhớ lời dặn của Thầy mình: “Anh chị em nhớ phân phát cho mọi người ăn no nê nghe.”  Nhớ lời Thầy và cuối cùng Phêrô đã phát.  Một lần nữa Phêrô gặp một ông Pharisêu, Ngài thầm nghĩ tên này thì không cách nào mà phát được, thầy mình nói câu gì thì nó cũng xuyên tạc, nó nói chặn họng, nó là một tên phá rối.  Thầy mình cự với nó không biết bao nhiêu lần, nó là kẻ thù không đội trời chung của mình, thầy mình chưởi nó là đồ cái thứ mồ mả tô vôi thế mà nó cứ chai mặt đi theo để nói xiên nói xẹo, chắc chắn không bao giờ mình phát bánh và cá cho nó.  Nhưng khi Phêrô quay lại bắt gặp ánh mắt đầy tình thương của Thầy và nhớ lại lời dặn dò kỹ lưỡng của Thầy khi trao bánh và cá cho mình: “ Phêrô ơi, anh nhớ phát cho tất cả mọi người, đừng chừa một ai, và hãy cho họ được ăn no nê.”  Phêrô dù không muốn phát bánh tình thương và cá ân sủng cho những người Ngài không ưa, nhưng rồi cũng đã ban phát như ý Thầy mình mong muốn.

*******

Chúng ta thử hình dung một môn đệ theo Chúa Giêsu, giả sử tên G. chẳng hạn, cũng nhận bánh và cá từ tay thầy.  Nhìn mẩu bánh và cá trên tay, y nghĩ rằng chừng nấy người thì biết phát cho ai, họa may chỉ đủ cho mình dùng, và y cất bánh và cá vào túi.  Vì chỉ nhận và cất đi, nên phép lạ không thể xảy ra.  Phép lạ xảy ra khi người môn đệ đón nhận và biết phân phát, cho đi.  Như biển hồ Galilê và biển chết chẳng hạn, biển hồ Galilê nhận nước từ các đồi núi đổ xuống và nó phân phát nước qua sông Giođan đến biển chết, vì biển hồ Galilê nhận và chuyển nước nên lúc nào cũng có nước mới, và cá mới sống được.  Còn biển chết vì nó chỉ nhận nước từ sông Giođan và giữ lại đó nên trở thành nước ao tù và không tạo vật nào có thể sinh tồn.

Theo trình thuật của Thánh Matthêu, khi các môn đệ nhận bánh và cá từ tay Đức Giêsu để đi phân phát, họ chỉ đón nhận bằng hai tay của mình chứ không dùng thúng để hứng.  Nhưng khi đang phân phát thì họ mới sững sờ chứng kiến phép lạ xảy ra, họ phát hoài mà không hết và các môn đệ ngỡ ngàng!  Phép lạ chỉ xảy ra khi các môn đệ nghe theo lời dặn và hợp tác với thầy để đi phân phát bánh và cá.  Đức Giêsu không nói với họ nhận bánh cá để ăn, nhưng là để phân phát.  Nếu họ chỉ giữ lại để ăn thì phép lạ không thể xảy ra.  Họ đã vâng nghe làm theo Lời Thầy và được cảm nghiệm tình yêu, ân sủng, phép lạ và quyền năng của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, đâu là những chiếc Bánh Ân Sủng và Cá Tình Thương mà Thiên Chúa đã đưa cho bạn và tôi với lời dặn: “Con nhớ đi phân phát cho tất cả người tốt lẫn kẻ xấu được ăn no nê?”  Cái gì cản trở bạn và tôi ban phát Bánh Tình Yêu và Cá Ân Sủng như lòng Chúa mong ước?  Đâu là những cảm nghiệm niềm vui thiêng liêng khi bạn và tôi gạt bỏ ý riêng của mình để làm theo Thánh Ý Chúa?

*******

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận Tình Yêu và Ân Sủng của Chúa ban nhưng không và biết lên đường phân phát cho tất cả mọi người, kẻ tốt lẫn người xấu, cho người con thương con mến, cũng như cho người con ghét, con không ưa, như Chúa đã dặn dò khi Chúa trao Bánh Tình Yêu và Cá Ân Sủng cho con.  Con đã đón nhận tình thương và ân sủng Chúa một cách nhưng không, xin Chúa cũng cho con ơn can đảm để quảng đại cho đi không mà tính toán.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
October 19, 2009

AI LÀ ANH EM TÔI?

“Có một người đi từ thành Jerusalem tới thành Jericho… “ ( Lc. 10, 26-37)

Ông buồn lắm!  Sang tới đất nước này, lòng ông càng trĩu nặng.  Ông đã tính không đi.  Người ta bảo, sang bên đây buồn, nhất là những người già như ông.  Nhưng đám con ông nó nghĩ khác: “Bố cứ đi!  Sang bên ấy người ta sống được mình sống được.”  Vả lại, cứ ở nhà, chưa chắc chúng con có lo được cho bố không.  Bố bỏ chúng con ra đi, chúng con cũng buồn, nhưng…  cái “nhưng” ngập ngừng ấy ông hiểu.  Ông có rứt áo ra đi thì con cháu ông mới có miếng ăn.  Khổ thì ông không sợ, đời ông đã quen vất vả, trong tù còn khổ hơn nhiều, nhưng nghĩ lại thương những đứa con.  Lòng ông quay quắt khi nhìn chúng lao đao, vất vả.  Ông muốn làm một điều gì cho con cháu.  Giá ông còn trẻ!  Ừ!  Giá ông còn trẻ!

Biết mình già yếu, sang đây ông chẳng quản nề việc gì.  Người ta kiếm cho ông chân quét dọn trong công ty.  Tạ ơn Chúa!  Được cái những người làm việc quanh ông hầu hết là người quen biết trong xứ đạo cả.  Điều này cũng làm ông đôi chút an lòng.  Đã bao giờ ông đi làm cho Mỹ đâu!  Với lại, ông chỉ sợ người ta nói mình không hiểu thì ai người ta mướn.  Tất cả mọi sự là do Chúa sắp đặt.  Lòng ông càng tin tưởng.  Giờ thì ông chuyên tâm làm việc để lo cho con cháu.  Thư chúng nó gởi sang . Từ ngày có tiền ông tích góp gởi về, những đứa cháu của ông đã được đi học, đàn con ông đỡ vất vả phần nào.  Ông cầu xin Chúa cho ông sức khỏe.  Ừ!  Xin Chúa cho ông sức khỏe, vì hồi này ông cảm thấy yếu lắm.

Phần vì tuổi già, phần vì mặc cảm, ông ít giao thiệp.  Nhiều người rủ ông đi đây đó hay gia nhập đoàn thể, ông thường từ chối.  Còn lòng dạ nào mà đi đâu khi con cháu ông còn đói khổ ở quê nhà.  Một đồng tiền cóp nhặt là cả tấm lòng muốn gởi về.  Không!  Ông không còn trẻ, không còn thời gian cho bản thân, mục đích ông sang đất nước này là cứu con cháu ông thoát khỏi cái đói nghèo.

Vào làm việc trong hãng,  ông cần mẫn như một con ong.  Biết mình yếu sức, lại sợ mất việc nên ông càng chăm chỉ.  Trong khi tay làm việc, lòng ông luôn cầu xin Chúa giúp đỡ.  Chính lòng tin đó đã nâng đỡ ông rất nhiều.  Ông tin rằng Chúa đã nghe lời ông cầu, đã ban cho ông cơ hội này nên ông phải nắm bắt lấy. Vả lại, Cha xứ vẫn giảng rằng, khi đi làm phải làm xứng với đồng tiền mình lãnh.  Đó là luật công bằng.  Nhiều người biết chuyện cho là ông thật thà, nhưng cũng có người ác ý lại nghĩ là ông ma le, muốn lấy điểm!  Lời qua tiếng lại đôi khi ông cũng có nghe, nhưng mặc!  Biết chia xẻ cùng ai.  Cũng có đôi lần muốn vơi tâm sự, ông lân la góp chuyện trong giờ ‘break-time’ nhưng ông không thể hòa nhập được.  Họ toàn khoe khoang nhà to, xe đẹp, quen ông này, cha kia.  Để tỏ ra lão luyện, họ dạy nhau cách ăn gian giờ, cách mánh khóe trốn việc, họ chê bôi nói xấu nhau:  ngu không biết ăn cắp, không biết giả vờ v.v…  Một thân một mình, ông chả quan tâm giá nhà lên hay xuống.  Không biết lái xe nên ông cũng chẳng biết xe cộ tốt xấu làm sao.  Được đồng nào lo cho con cháu cả.  Vài năm nữa chết nằm xuống đấy, mua nhà, mua xe ai hưởng?  Có người dậy khôn ông khai bệnh để ăn tiền chính phủ, nhưng ông cảm thấy không ngay thẳng.  Họ chê ông dốt, nhưng thôi kệ!  Thà ông dốt trước mặt Chúa.  ”Được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào được ích gì?”  Dưới mắt mọi người ông thuộc loại lẩm cẩm, ra vào như một bóng ma chả ai quan tâm.  Bởi thế, trong giờ nghỉ, ông thường tách riêng một mình, lẩm nhẩm đọc kinh.

Hôm nay ông mệt quá.  Cơn bệnh vẫn còn vảng vất.  Ông đã phải nằm liệt ba ngày rồi, chưa khỏi, nhưng ông không dám nghỉ thêm, sợ mất việc.  Tất cả con cháu đều trông vào ông.  Không! Ông phải đi làm.  Mồ hôi lấm tấm trên trán, ướt thấm lạnh lưng.  Miệng ông đắng ngắt.  Dựa lưng vào tường, quên luôn gà-men cháo mang theo.  Như một luồng điện, ông giật mình: ”Giêsu Maria.” Ông quên mất.  Người xếp dặn,  phải đổ mấy thùng rác trước giờ ăn trưa hôm nay vì có khách tới thăm công ty.  Ông loạng choạng đứng dậy, đầu óc quay cuồng, choáng váng.  Thùng rác có vẻ nặng hơn mọi ngày.  Dùng hết sức ông lôi nó lên. “Lạy Chúa tôi! Nặng quá!”  Hai ba lần gắng sức, nhưng vẫn không nổi.  Ông vừa tính nhờ người giúp một tay, chợt nghe:

– Kệ bà ông ấy!  Giờ nghỉ mà.

– Mẹ!  Lão ấy lấy điểm.

– Đồ ngu!  Tội gì.

Những tiếng nói chê bai văng vẳng bên tai, lòng ông tê tái.  Ông không muốn nghe nữa.  Vừa mệt vừa buồn, ông đã tính bỏ cuộc nhưng còn con ông, cháu ông.  Hình ảnh những đứa con gân guốc, dãi dầu mưa gió, những gương mặt rạng rỡ cháu ông có miếng cơm vào bụng hiện ra trong mắt ông.  Lạy Chúa xin giúp con!  Ông lại ghì sức nâng lên.  Bỗng thùng rác nhẹ tênh tuột khỏi vai. Một tiếng nói nhẹ nhàng sau lưng:

–   Bác Hai để con giúp.

Chàng thanh niên giúp ông đổ xong mấy thùng rác còn dặn thêm:

– Lần sau bác nói con nghen!  Đừng làm một mình bịnh chết.

Đưa tay vuốt mồ hôi trên trán, cảm động quá, vừa cầu nguyện, Chúa đã nghe lời.  Ông nói:

– Chú tốt quá!  Mình là người có đạo, Chúa dạy.. .

– Dạ!! Nhưng… cháu là người ngoại, bác à!..

Ông thẫn thờ bước đi, văng vẳng bên tai, lời Phúc Âm hôm nào ‘‘Có một người đi từ thành Jerusalem tới thành Jericho…”  Vậy ai là anh em ngươi?

Nguyễn Hưng

 

ĐẦY TỚ VÀ NÔ LỆ

Trong nhân gian, “ghế” tượng trưng cho địa vị, quyền lực và quyền lợi. Ghế là nỗi ước mơ của nhiều người: Ghế trưởng phòng, ghế giám đốc, ghế thủ trưởng, ghế đại biểu..v..v.. Tất cả nỗ lực của con người được dồn vào việc có một chiếc ghế tốt, sau đó là giữ ghế, hay tìm cách lên ghế tốt hơn, cao hơn…  Đó là bối cảnh của cuộc sống vật chất kim tiền mà ta thường nhìn thấy trong xã hội ngày nay.

*****

Bạn thân mến! Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến chiếc ghế trong nước Thiên Chúa.  Đó là chiếc ghế danh dự, chiếc ghế cao trọng nhất mà hai môn đệ Gioan và Giacôbê xin được ngồi hai bên tả hữu của Chúa.

Hai ông là những môn đệ thân tín nhất của Chúa, hai ông đã từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài, nhưng bây giờ lại muốn kiếm chút lợi lộc từ chính sự thân tín và từ bỏ ấy.  Hai ông đã lên tiếng xin với Đức Giêsu: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc.10:37).

Các anh không biết các anh xin gì!” (Mc.10:38).  Thực vậy, hai ông đâu có biết ai sẽ là người ở “bên phải và bên trái” của Đức Giêsu, khi Ngài ở trong “vinh quang” của Ngài trên thập giá?  Họ đang xin mà không biết chỗ của hai tên cướp bị đóng đinh cùng với Ngài. Họ vẫn chưa hiểu gì cả về định mệnh đích thực của Chúa Giêsu.  và cũng chính lời cầu xin này đã tạo ra sự mất bình an trong nhóm Mười Hai, đã tạo ra thái độ bực tức và ganh tị của các môn đệ còn lại. Nhiều môn đệ cũng ước mơ và có tham vọng được ngồi trên hai ghế tả hữu đó.

Theo họ, hai anh em Gioan và Giacôbê cố giành bước trước, đã chơi xấu, muốn chiếm ưu thế đối với họ.  Lập tức, vấn đề tranh cãi xem ai sẽ là người lớn nhất, cao trọng nhất bắt đầu nổi lên dữ dội trong nhóm Mười Hai.  Tình hình bỗng trở nên nghiêm trọng, liên hệ giữa các ông có vẻ bị sứt mẻ nếu Chúa Giêsu không ra tay chỉ dạy cho họ.  Ngài vạch rõ các tiêu chuẩn khác nhau về sự cao trọng trong Nước Thiên Chúa và các nước trên trần gian:

Trong các vương quốc trần gian, tiêu chuẩn về cao trọng là quyền thế. Người đứng đầu, người làm lớn, người có quyền thường có thái độ thống trị, áp đặt, hống hách.  Chức vụ và quyền lực trở thành phương tiện phục vụ bản thân.  Đó là lối lãnh đạo dễ thấy nơi người đời.

Trong vương quốc của Chúa, tiêu chuẩn lại là phục vụ.  Sự cao trọng không bao gồm việc bắt người khác phục vụ mình, nhưng là đặt chính mình vào việc phục vụ tha nhân. ”Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc.10:43-44)

Đức Giêsu là mẫu gương phục vụ cho ta noi theo.  Phục vụ là động từ tóm kết toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu nơi dương thế, vì Ngài đến trần gian để phục vụ, sống như người phục vụ, và chết như dấu chứng lớn nhất của phục vụ trong yêu thương: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. (Mc.10:45)

*****

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy. Còn Thầy lại hạ mình phục vụ chúng con như người tôi tớ, Thầy đã rửa chân cho chúng con như một người nô lệ… Xin giúp chúng con biết noi gương Thầy, không màng tới địa vị cho mình, nhưng luôn dấn thân phục vụ anh em, như Thầy đã đến phục vụ và hy sinh cả mạng sống làm giá cứu chuộc chúng con. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(CN29B TN – BĐ 1: Is 53:10-11 – BĐ 2: Dt.4:14-16 – PÂ: Mc.10:35-45)

ƯỚC MƠ

Nơi nào có ước mơ, nơi ấy trở thành kỳ diệu.  Không có ước mơ thì không có đi tới, không có nảy sinh.  Người ta có thể không thực hiện được điều mình mơ ước.  Nhưng bất cứ một điều gì người ta thực hiện được thì trước đó họ đã phải xây dựng trên ước mơ.  “Ta ước ao được ăn lễ Vượt Qua này với các ngươi trước khi Ta chịu khổ nạn” (Lc. 22:15).  Ước mơ đó đã thôi thúc Chúa lập phép Thánh Thể để ở lại với tôi.  Ước mơ, rồi bảo lòng mình bước tới.  Bởi đó, nơi nào có ước mơ thì có hy vọng. Nơi nào có hy vọng thì có khơi mầm sáng tạo.

Một ngày không nuôi hoài bão là một ngày ủ dột, ngủ dài.  Hoài bão là cánh buồm gọi gió, đưa tôi ra khơi.  Một ngày không ấp ủ ước mơ là một ngày trống vắng, lặng lẽ.  Lý tưởng nào cũng được ôm ấp bằng những mơ ước.  Ước mơ định hướng cho tôi đi tới.  Sống không ước mơ là một cánh bèo trôi dạt buồn tênh.

Người ta nói tiếc thương quá khứ chứ không nói tiếc thương tương lai.  Vì tương lai chưa tới thì làm gì có phàn nàn, hối hận, thương tiếc.  Cũng vậy, người ta nói mơ ước tương lai chứ không nói ước mơ quá khứ.  Vì quá khứ đã ở sau lưng thì còn gì mà mơ ước.  Như thế, lối đi của mơ ước là nẻo hướng tới trước mặt, là nhìn về tương lai.  Quá khứ có thể là sứt mẻ, nhưng tương lai thì nguyên vẹn. Lối đi trước mặt của đồi non là những chùm lá dâu xanh cho tằm dệt lụa, nhả tơ.  Lối đi trước mặt của bầy sâu xấu xí là lớn lên thành cánh bướm cho đẹp khóm hoa.  Cỏ cây cũng còn cần lối đi trước mặt để hướng tới, để kiện toàn, huống gì con người.  Tôi cần tương lai để thăng hoa.  Nẻo đi trước mặt hàm chứa hy vọng, là nối dài những ước mơ.  Vì thế, tôi sống là tôi mơ ước.

Làm gì có bắt gặp nếu không có kiếm tìm.  Làm gì có kiếm tìm nếu không có mơ ước.  Bởi vậy, mơ ước là mở lối đi vào mênh mông, là phá ngõ cho sáng tạo đi về.  Có sáng tạo, có triển nở thì vì thế mà đời tôi có thể phong phú thêm.

*******

Ước mơ xác định tôi là ai.  Tôi mơ ước điều gì là tôi muốn có điều đó.  Ðiều tôi muốn có ấy nói cho tôi biết tôi như thế nào.  “Kẻ gian ác thì mơ ước điều dữ” (Cách Ngôn 21:10).  Vì thế, tôi có thể hướng dẫn đời tôi bằng cách hỏi xem mình đang mơ ước gì.  Nếu dân tộc tôi mơ ước đoàn kết, đấy là dấu hiệu chúng tôi đang chia rẽ.  Nếu tôi mơ ước đi về, đấy là lời thầm nói tôi đang ở xa.  Khi có đau khổ thì mơ ước yêu thương.  Khi thấy người khác mơ ước nụ cười, thì đấy là lời gián tiếp nói cho tôi họ đang buồn.  Xem vậy, những điều tôi mơ ước là những điều tôi thiếu vắng, hoặc có mà còn quá ít ỏi.  Nhưng chính cái thiếu vắng này nói cho tôi biết tình trạng hiện tại con người của tôi ra sao và tôi muốn trở nên như thế nào.

Mơ ước là đi tìm cái thiếu vắng, nhưng cũng có nghĩa là đang bắt gặp.  Mơ ước nên thánh thiện là tôi đã bắt đầu băn khoăn về tội lỗi của mình.  Mơ ước thuận hòa là khởi điểm đi đến thứ tha.  Vì thế, cái thiếu vắng của mơ ước có gieo mầm gặp gỡ.

Nếu tôi có những ước mơ ngàu đục thì chắc chắn đời tôi không thể là dòng suối trong.  Khô cằn không nảy sinh hoa lá xanh tươi, và chẳng có sự sống nào đến từ tro than.  Truyện Kinh Thánh kể: “Một buổi chiều nọ, David dậy khỏi giường và đi tản bộ trên sân thượng đền vua.  Từ sân thượng, ông thấy một phụ nữ đang tắm; người phụ nữ dáng vẻ rất xinh đẹp” (2 Samuel 11:2).  Rồi David ước mơ chiếm lấy nàng làm vợ.  Ước mơ ấy đã đưa David đến chỗ âm mưu giết Uriya, chồng người phụ nữ: “Hãy đặt Uriya ở chỗ mặt trận ác liệt nhất, đoạn bỏ nó mà rút lui, cho nó bị đánh mà chết đi” (2 Samuel 11:15).  Mỉa mai thay, Uriya lại là một sĩ quan cương trực, tài ba và trung thành của vua.

Cứ hỏi lòng mình và xem điều mình mơ ước đề xác định mình đang đi về đâu, lý tưởng cuộc sống là gì.  Không có lý tưởng nào thoát khỏi vòng cưu mang của ước mơ.  Tội lỗi nào cũng thường đã được thai nghén từ những ý nghĩ thầm kín.  Những xác chết đã được che phủ trong những ngôi mộ bằng đá hoa cương (Mt. 23:28).  Những gì người ta ca tụng tôi, chưa hẳn là đúng.  Những gì tôi làm bên ngoài, chưa hẳn đã là phản ảnh trung thực cõi lòng bên trong.  Cứ hỏi kỹ hồn tôi xem mình đang thầm mơ ước gì để xác định mình là ai.  Nếu tôi mơ ước cho đi thì cánh tay tôi sẽ cố gắng giang rộng.  Nếu tôi ước mơ thu vào thì bàn tay tôi sẽ nắm chặt.  Lúc mà mơ ước của tôi là những hạt nước mưa đầu mùa cho khu vườn thì tôi có hy vọng đợi chờ những chùm bông sẽ rộ nở.  Lúc tôi ước mơ chiếm đoạt tình yêu, của cải của người khác là lúc tôi gieo tang tóc.  Tang tóc đến từ hành động.  Mà hành động là kết quả của mơ ước.

Ước mơ đúng cũng có thể hành động sai.  Nhưng đã ước mơ sai thì không bao giờ có hành động đúng.

*******

Tôi chỉ mơ ước những gì tôi không có.  Bởi vậy, tự nó, mơ ước là những điều không có trong hiện tại.  Chính thế, tự nó, mơ ước không là kết quả.  Nếu tôi chỉ mơ ước để sống trong mơ ước thì đời là giấc ngủ buồn vì tôi hoài hoài sống trong điều không có thực.  Bấy giờ, ước mong chỉ là ảo mộng. Sống trong mộng ảo là lừa dối mình, cho dù lừa dối ấy có đẹp đến đâu thì cũng vẫn là lừa dối mà thôi.

Ước mơ vẽ ra một vùng trời lý tưởng, ước mơ cất tiếng gọi cho tôi đi về vùng trời đẹp đó.  Thách đố của ước mơ, vòng bạc lấp lánh của vương miện ước mơ là người ấp ủ mơ ước có lên đường về vùng trời đẹp mà giấc mơ kêu mời.  Mơ ước sẽ nở thành chùm hoa sao rực rỡ hay sẽ âm thầm chết lặng lẽ tùy thuộc ở thái độ của người ước mơ.  Ước mơ là thầy, là đạo, nếu tôi muốn tìm thầy học đạo thì tôi phải lên đường, chứ đạo không tìm đến tôi.

Tôi lại nhớ đến chuyện người thanh niên giàu có:

– Thưa Thầy, tôi phải làm gì để đạt được ước mơ mà tôi hằng ấp ủ?

– Hãy từ bỏ hết những gì ngươi có, rồi đi cùng Ta.

Nghe xong, người thanh niên buồn bã bỏ đi (Mt. 19:21-22).  Và từ đó, ước mơ của chàng héo úa theo dòng đời.

*******

Tội lỗi nào thì cũng thai nghén từ những ước mơ.  Cũng thế, chẳng có việc kỳ diệu nào mà không sinh nở từ những giấc mộng được ấp ủ bằng thời gian.  Có một người thiếu nữ chết lúc tuổi mới 24 mà nàng đã làm cả bầu trời nở rợp hoa hồng: Têrêsa Hài Ðồng Yêsu.  Người thiếu nữ đã tự thú trong truyện Một Tâm Hồn: “Một lần cả nhà về quê thăm bà con thân thích.  Mẹ bảo chị Marie lấy áo đẹp nhất vận cho em nhưng đừng vận thứ áo hở cánh.  Khi ấy con không nói gì và làm ra chuyện dửng dưng như các trẻ nhỏ khác, song trong lòng đã lủng bủng: – Giá cho vận áo hở cánh, có xinh hơn không?”  Sau này, khi lớn lên, Têrêsa viết tiếp: “Với tính nết ấy, con trộm nghĩ, nếu phải tay cha mẹ không có nhân đức, không biết dạy con, có lẽ con đã là đứa xấu nết dữ tợn lắm, và mất linh hồn cũng chưa biết chừng” (Một Tâm Hồn, trang 25).  Cái ngày về thăm bà con thân thích ấy, Têrêsa còn bé lắm, vậy mà nàng đã biết ước mơ được mặc áo hở cánh đó bằng màu áo nữ tu nhà kín ở Lusieux.  Cũng như Ignatio, trước khi về trời với cờ Thánh Giá để thu tập môn sinh lập nên dòng Tên, chàng sĩ quan Tây Ban Nha đã si mê một người phụ nữ quý tộc đến nỗi mơ ước được nàng để ý đã làm chàng vào sinh ra tử, coi nhẹ cái chết hầu trở thành anh hùng của mọi mặt trận.

Ước mơ.  Nơi nào có ước mơ, nơi ấy trở thành kỳ diệu.

Trong truyện Một Tâm Hồn, hầu như không trang nào mà Têrêsa không viết về mơ ước yêu thương. Trong cái can đảm chịu đau đớn trên giường bệnh, người ta vẫn đọc thấy ước mơ được nũng nịu với Chúa.  Có nhiều tước hiệu được xưng tụng cho Têrêsa.  Giáo Hội gọi vị thánh trẻ là nhà truyền giáo thời danh.  Nhưng tôi thích gọi Têrêsa là cô bé làm dáng, một thiếu nữ đa cảm.  Cái làm dáng của Evà nhưng lại đa cảm trong duyên tình thánh của Maria.  Tôi muốn gọi Têrêsa là một nữ tu suốt đời dệt mộng, và là vị thánh của mơ ước. Têrêsa đâu có đi truyền giáo, chỉ ước mơ thôi, và ước mơ đẹp nhất của Têrêsa có lẽ là ước mơ về trời để làm mưa hoa hồng xuống trần gian.

Giã từ ước mơ mặc áo hở cánh, Têrêsa đã đốt cháy đời mình bằng những ước mơ khác.  Nàng ước mơ được làm linh mục để đi truyền giáo.  Ước mơ được tới Hà Nội và Sàigòn (Một Tâm Hồn, trang 215).  Têrêsa đã chẳng bao giờ tới Sàigòn được.  Nhưng mỗi lần đi ngang nhà Kín, trên con đường Cường Ðể rợp lá me, tôi thấy dáng như Têrêsa đang trồng những khóm hồng.  Têrêsa đã chẳng bao giờ là linh mục, nhưng ước mơ đã đốt cháy tình yêu của nàng thành muôn ngàn thánh lễ trọng thể.  Chúa Kitô là linh mục đau khổ, kẻ đã chấp nhận thánh ý của Cha mình.  Trong ý nghĩa ấy thì Têrêsa đang dâng thánh lễ trên địa cầu:  “Lạy Chúa, con không muốn nên thánh nửa vời, con chẳng sợ như thế thì phải chịu đau khổ nhiều vì Chúa đâu… xin Chúa nhận lấy ý riêng con, bởi vì con chọn tất cả những sự Chúa muốn, con chọn trót ý Chúa” (Một Tâm Hồn, trang 27).

Chẳng chết đâu, Chúa biết ngày nào ngươi ăn trái đó thì mắt ngươi sẽ mở ra và ngươi sẽ biết mọi điều như Chúa.

Evà thấy giấc mơ đẹp như màu hồng của trái táo.  Nàng đã ăn.  Nàng cũng mơ ước cho chồng mình được thông minh như Thiên Chúa.  Từ đó, địa đàng đã đóng ngõ, cài then.  Nước lụt dâng về.  Có nước mắt.  Và màu hồng của trái táo đã thành màu trắng khăn tang.

Lạy Chúa,

Xin soi sáng cho những ước mơ của con, vì có những mơ ước mà khi con cắn vào là đời con khổ lụy.  Có những mơ ước mà con miệt mài trèo lên, khi đạt được là lúc con rơi xuống vực sâu.

Thánh thiện hay tội lỗi cũng đều đến từ những ước mơ.

Lm Nguyễn Tầm Thường S.J. – Trích trong “Nước Mắt và Hạnh Phúc”

 

TIỀN CỦA

Ngày 06 tháng 06 năm 1976, nhà tỷ phú  Paul Getty qua đời, để lại một gia sản từ hai đến bốn tỷ mỹ kim.  Sau năm cuộc hôn nhân và năm lần ly dị, ông đã tuyên bố với phóng viên báo chí: “Tôi mong dùng tất cả gia tài của tôi để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc.  Tôi sợ thất bại.  Tôi lo không thể tạo được hạnh phúc hôn nhân”.  Một lần khác ông cũng thú nhận rằng mình đã không đạt được hạnh phúc trong gia đình. Và ông đã kết luận: “Tiền bạc không thể mua được hạnh phúc. Trái lại, nó còn có họ hàng bà con với những nỗi bất hạnh nữa.”

*****

Bạn thân mến! Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến một chàng thanh niên giàu có.  Anh sống một đời sống luân lý tốt đẹp, nhưng anh vẫn cảm thấy còn thiếu vắng một cái gì đó. Và rồi Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho anh biết điều thiếu vắng ấy: Ngươi hãy về, bán tất cả những gì ngươi có, làm phúc bố thí cho kẻ nghèo túng, rồi hãy đến và theo Ta (Mc.10:21).  Thế nhưng chàng thanh niên đã buồn bã, cúi mặt bỏ đi vì anh là một người có nhiều tiền bạc.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay giúp ta cảm nếm được nỗi buồn của Đức Giêsu và của anh nhà giàu.  Đức Giêsu buồn vì bị từ chối bởi người mà mình yêu mến. Chúa buồn vì anh đã gắn bó với tiền bạc hơn yêu mến Chúa.  Anh thanh niên buồn vì có sự rạn nứt nơi bản thân.  Anh đã phấn khởi đi tìm gặp Chúa, nhưng rồi anh đã bỏ Chúa mà ra đi với tấm lòng đầy muộn phiền.

Thầy Giêsu đòi anh hy sinh đúng cái điều anh muốn giữ lại. Vì của cải vốn là chỗ dựa của đời anh.  Anh sẵn sàng làm mọi điều Thầy đòi hỏi, trừ việc bỏ chỗ dựa này. Bây giờ anh thấy rõ hơn mình nô lệ cho điều gì. Tiếc thay anh không có can đảm ra khỏi sự nô lệ này dù anh vẫn khát khao sự sống đời đời.

Bi kịch của chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng cũng là bi kịch của mỗi người chúng ta hôm nay.

Ai trong chúng ta cũng từng bị giằng co giữa ước mơ bay cao và sự kéo ghì của vật chất.  Của cải vật chất có sức hấp dẫn mãnh liệt.  Ta làm chủ nó, nhưng sau đó nó lại làm chủ ta và trở thành thịt xương mà ta không thể dứt bỏ.  Không chắc người thanh niên giàu có này sẽ bị luận phạt, nhưng chắc chắn anh ta khó có hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến với người dám sống và làm theo ý Chúa.  Nếu ta biết bỏ tất cả những gì cản trở để đến với Chúa, ta sẽ đạt được chính Chúa.  Được Chúa là được tất cả, vì Chúa là hạnh phúc viên mãn.  Được Chúa rồi ta sẽ không còn khao khát điều gì khác nữa.

Người có của khó vào Nước Thiên Chúa biết bao (Mc.10:23).  Vào thời Đức Giêsu, giàu có được coi là một ơn phúc. Vậy mà Ngài lại coi đây là một cản trở nguy hiểm. Của cải dễ làm người ta khép kín trước Thiên Chúa và nỡ tâm chà đạp lên quyền lợi của anh chị em mình.

Đức Giêsu và các môn đệ đã sống nghèo, sống như những người lữ hành, không chỗ cậy dựa, để tín thác vào Chúa Cha và dễ dàng đến với anh chị em. Theo Đức Giêsu là chấp nhận tay trắng, bấp bênh.  Nhưng đừng quên rằng theo Ngài cũng là trở nên giàu có. Không phải sự giàu có do ích kỷ giữ lại, nhưng là sự giàu có do mở ra trao hiến.  Không phải sự giàu có do tìm kiếm chiếm đoạt, nhưng là sự giàu có đến như một quà tặng biếu không.

Theo Ngài không phải chỉ là bỏ nhà cửa; ruộng vườn, bỏ những người thân yêu…mà là bỏ đến cả mạng sống của mình.  Theo Ngài còn là được gấp trăm ở đời này và ngay cả cuộc sống đời đời mai sau.

*****

Lạy Chúa! Giàu sang, danh vọng, khoái lạc là những điều hấp dẫn và luôn lôi kéo con trong cuộc sống hôm nay. Chúng trói buộc con, không cho con được tự do ngước lên cao để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin Chúa giải phóng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được sự phong phú của kho tàng vĩnh cửu trên trời.

Ước gì con không bao giờ quay lưng trước những lời mời gọi của Chúa, không bao giờ ngoảnh mặt để tránh cái nhìn yêu thương Chúa dành cho từng người trong chúng con.

Lạy Chúa!  Xin dạy con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Vì Chúa chính là hạnh phúc và là gia nghiệp của đời con.  Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(CN28 TN, BĐ I: Kn7:7-11; BĐ II: Dt.4:12-13; PÂ: Mc.10:17-30)