PHỤC VỤ VÀ HIỆN DIỆN

Cô Son, nữ tu Dòng Nữ Vương Hòa Bình, phụ trách giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân cho người Dân Tộc.  Nếu anh chị em Dân Tộc ở gần thì cô sắp xếp lớp ở nhà xứ để họ đến học, còn những người ở xa thì cô phải lặn lội đi vào buôn để dạy.  Sáng nọ cô vào làng dạy giáo lý hôn nhân cho sáu cặp mà ngồi chờ hơn tiếng chẳng thấy ai đến học, thông thường các cô khác thì đã đi về rồi, nhưng cô Son cố nán lại trong buôn để đi tìm, đến nhà cụ Lép hỏi con bà, Lợi, ở đâu mà không thấy đến lớp học giáo lý.  Bà nói nó đang ở nhà Dí, thế là cô đi tìm hỏi nhà Dí.  Đến nhà Dí thấy Lợi cùng với mấy người bạn đang khề khà mấy hạt đậu phụng với rượu đế.  Cô nói hôm nay có học mà sao không đến.  Lợi nói quên, bây giờ lỡ uống rượu rồi nên không đi học nữa.  Cô nói Lợi để rượu đó, đi học về rồi uống tiếp, nhưng Lợi không chịu.  Cô nài nỉ mãi thì Lợi nói cô về lớp trước đi, rồi Lợi sẽ đến liền.  Cô không đi, vì cô biết nếu cô đến lớp chờ thì Lợi cũng chẳng ló mặt đến.  Cô nói: “Tôi không đi đâu, tôi cứ ngồi đây chờ anh.  Tôi đến lớp từ sáng đến giờ và đã chờ gần hai tiếng rồi.”  Lợi nghe cô nói thì động lòng, cô đã bỏ công việc bề bộn của giáo xứ để lặn lội chạy xe vào làng để dạy, rồi lại còn kiên nhẫn ngồi chờ mình gần hai tiếng, nên Lợi ngưng ngay rượu để đi học.  Thế là tóm được một anh!  Lợi dẫn cô đi tìm mấy người kia, chỉ một chặp là có đủ mặt, và lớp học lại tiếp tục, dù trễ hơn hai tiếng.

Anh chị em Dân Tộc đối xử với nhau đầy tình người như vậy đó.  Các anh chị em đến học vì thấy cô đã chờ mình gần hai tiếng đồng hồ, họ thấy tội nghiệp khi cô phải lủi thủi đi về.  Còn chuyện cô vào mà không có người nào học để rồi lần sau không vào nữa thì họ chẳng quan tâm.  Đời sống của họ chẳng biết suy nghĩ về tương lai, anh chị em Dân Tộc chỉ sống thì hiện tại mà thôi.  Họ kiếm được tiền hôm nay thì vui hôm nay, còn ngày mai thì họ chẳng màng tới.  Ngày trước đã có nhiều cô vào trước để dạy nhưng thường bỏ ngang khóa học vì không hiểu được đời sống của người Dân Tộc và cũng chẳng cảm thông với não trạng và tâm tình của họ.  Nếu đến với người Dân Tộc chỉ bằng cái đầu logic và luật lệ thì không thể đến được với anh chị em Dân Tộc được.  Muốn đến với họ thì phải đến bằng trái tim để có thể cảm thông.  Cách hành xử của anh chị em Dân Tộc là cách hành xử của con tim.

Sau khóa học có thánh lễ hợp thức hóa các đôi hôn nhân tại nhà thờ giáo xứ.  Trước thánh lễ cô đã đếm đủ sáu cặp rồi, nhưng đến khi đọc lời thề hứa của từng cặp thì không biết sao lại mất đi một cặp.  Kiểm tra lại thì thấy thiếu cặp vợ chồng Hua.  Đi tìm quanh nhà xứ cũng chẳng thấy đâu.  Cô hỏi thăm cặp vợ chồng Hua đâu thì có người bảo họ đã đi về rồi.  Hỏi tại sao về thì chẳng ai biết, thế là cô nhờ một anh Dân Tộc đi với cô về lại buôn tìm Hua.  Đến nhà Hua thấy hai vợ chồng ngồi mỗi người một góc.  Hua đang chửi vợ như tát nước, thiếu điều muốn bỏ vợ.  Cô hỏi sao mà bỏ thánh lễ về ngang như vậy thì mới biết bà vợ đang bồng con dự lễ thì đứa nhỏ… tè ra ướt hết cả áo, nên đi về nhà thay áo khác.  Nhưng ở nhà làm gì có cái áo nào ra hồn để thay, nên không trở lại dự lễ nữa.  Cô năn nỉ mãi một chập sau hai vợ chồng mới chịu theo cô trở lại nhà thờ.  Khi đến nhà thờ thì lễ đã xong, cha xứ phải làm một phần riêng cho hai vợ chồng.  Phục vụ cho anh chị em Dân Tộc là thế đó, nếu cứ thẳng thừng như kiểu người Kinh thì chắc không ổn.  Làm việc với họ cần kiên nhẫn và sự cảm thông nhiều lắm.

Đến với anh chị em Dân Tộc mà chỉ biết những lý lẽ và nguyên tắc của người Kinh thì họ khó mà đón nhận.  Một lần tôi đi với một anh giáo lý viên vào buôn lúc buổi chiều, đến cái chòi của một gia đình Dân Tộc thì chúng tôi được mời ăn tối.  Họ dọn lên bốn trái bắp nướng.  Anh giáo lý viên cầm một trái bắp nướng ăn, tôi cũng cầm một trái ăn, còn vợ chồng anh Dân Tộc và bốn đứa nhỏ ngồi coi chúng tôi ăn.  Tôi hỏi nhỏ anh giáo lý viên sao họ không ngồi ăn chung thì mới biết rằng bốn trái bắp nướng này là phần ăn tối của cả gia đình.  Họ đã nhường cho những người bạn của họ ăn.  Mà chúng tôi không ăn không được, vì không ăn là từ chối tình thương của họ và họ sẽ không coi chúng tôi là bạn.  Tôi ăn trái bắp mà nuốt không trôi, một phần vì bắp vàng rất cứng, bắp đã được hong khô bằng khói trên bếp để có thể để được lâu, rồi bây giờ nướng lên để ăn nên cứng kinh khủng, một phần là tôi đang ăn bữa ăn tối của họ và họ sẽ nhịn ăn tối đó, nên tôi ăn từng hạt mà như muốn mắc nghẹn đâu đó trong cổ họng.  Đó là văn hóa của người Dân Tộc, như người Kinh có mời khách bất ngờ ăn chẳng qua là mời xã giao vì cơm chỉ nấu đủ cho gia đình hôm đó.  Nghe mời lơi mà tưởng thiệt ngồi vào ăn thì nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra.  Với người Dân Tộc thì không có mời lơi, khi họ mời là mời thiệt tình, họ nghĩ mình không ăn là khinh họ và không coi họ là bạn.

Một lần tôi ghé thăm nhà các cô giáo lý viên ăn trưa, phần cơm nấu cho năm cô và tôi là sáu.  Đang ăn thì ba anh Dân Tộc đem măng trong buôn ra nhà các cô để đổi gạo.  Các cô kêu vào ăn chung luôn vì họ đi chặt măng trong rừng từ sáng, rồi mang ra nhà các cô thì chắc chắn chưa có gì trong bụng, và lát nữa đây họ lại đi bộ hai ba tiếng về làng.  Một chập sau có thêm hai chị Dân Tộc ở buôn khác đem chuối ra đổi gạo và cũng được kêu vào ăn.  Vài phút sau lại có một nhóm năm anh em giáo lý viên Dân Tộc ghé ngang chơi cũng ngồi hết vào bàn và mọi người cùng vui.  Phần cơm cho sáu người nay phục vụ cho mười sáu người, thay vì mỗi người ăn hai chén hơn thì nay mỗi người ăn một chén và mọi người cùng vui.  Hôm đó tôi ăn một chén cơm thôi nhưng no thật sự vì một chén cơm đầy hương vị tình người.

Tôi đến phục vụ anh chị em Dân Tộc và thường hay có thái độ ban cho, các cô giáo lý viên đã dạy tôi cách sống phục vụ thật sự là hiện diện với anh chị em Dân Tộc.  Làm cho người khác thì dễ hơn là làm với người khác, và sống với người khác thì còn khó hơn nữa.  Thiên Chúa đã vì quá yêu nhân loại mà hạ mình đến thế gian để sống với con người.  Phục vụ như Marta là điều tốt nhưng hiện diện như Maria thì quý hơn (Lc 10:38-42).

Lạy Chúa, xin cảm hóa tâm hồn con để con biết Phục Vụ anh chị em với thái độ Hiện Diện như Chúa đã sống.  Sống trong một thế giới nặng phần sản xuất càng nhiều càng tốt nên con thường có thái độ làm cho nhiều mà quên đi thái độ cảm thông của con tim.  Xin Chúa cho con cảm nghiệm Tình Chúa thật nhiều để con lúc nào cũng mang lấy tâm tình của Chúa trên đường lữ hành.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
October 1, 2009

GIAO ƯỚC TÌNH YÊU 

Ngày nay, nhắc đến hai chữ “hôn thú” thì nhiều bạn trẻ chết rét.  Họ lo sợ đủ thứ.  Ở  Mỹ mà không có “3 C” – Car (xe hơi), Condo (nhà lầu), và Credit Card (thẻ tín dụng) – thì khó mà có đám cưới.  Chưa hết, lấy nhau rồi thì phải hy sinh, phải lo kinh tế gia đình, lo con cái, lo chiều cha mẹ hai bên.  Hết được tự do thoải mái, dzung dzăng dzung dzẻ như những ngày còn bồ bịch với nhau.  Ký vào tờ giấy hôn thú như ký vào tờ hợp đồng khổ sai chung thân!  Bởi vậy nên trước đám cưới thường có những buổi party thân mật với bạn bè để ghi nhớ những ngày vui độc thân.

Mà họ lo sợ cũng phải.  Sống trong thời đại internet với những thay đổi đến chóng mặt, chúng ta thường bị cám dỗ bởi xu hướng “có mới nới cũ”.  Này nhé, xe chạy chừng 5-7 năm phải mua xe mới, máy laptop thì 3 năm lại phải thay, software nâng cấp liên tục, rồi điện thoại di động thì chừng 1-2 năm là đổi kiểu.  Công ăn việc làm và chỗ ở cũng thế, nếu đổi được thì đổi.  Đổi xe đổi nhà đổi việc xoành xoạch, riết rồi người ta dễ nghi ngờ: có cái gì thật sự là trường tồn vĩnh viễn không?  Ngay cả đời sống hôn nhân cũng thế: có thật sự là bách niên giai lão, là trăm năm hạnh phúc không?

Ngày xưa lấy vợ lấy chồng công giáo thì không phải lo lắng về chuyện ly hôn ly dị.  Người ngoại đạo cũng hiểu như thế.  Nhưng ngày nay, nguyên tắc nhất phu nhất phụ, một vợ một chồng, là kỷ cương của hôn nhân công giáo bao đời nay, giờ cũng bị thử thách khá nặng nề.  Tỉ lệ người công giáo ly dị bỏ nhau ở nhiều nơi cũng không kém gì dân ngoại.  Có những cặp vợ chồng lấy nhau cả hai mươi năm cũng có nguy cơ rạn nứt, ông một nơi bà một nẻo.  Thế thì lời Chúa hôm nay: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9) xem ra khó quá!  Chúng ta phải hiểu lời cảnh cáo nghiêm khắc của Chúa Giêsu như thế nào đây?

Giáo huấn của Chúa Giêsu về hôn nhân và ly dị cần phải được hiểu trong bối cảnh văn hoá xã hội của thời ấy.  Trong xã hội Do thái xưa, phụ nữ và trẻ em không được bình đẳng với nam giới.  Họ chỉ là tài sản của người chồng người cha.  Hôn nhân là một giao ước giữa chú rể (hoặc cha chú rể) với cha cô dâu.  Sau ngày đám cưới, cô dâu sẽ hoàn toàn thuộc về chồng cho đến chết, hoặc cho đến khi bị chồng ly dị.  Theo luật Môise, đàn ông có quyền “bỏ vợ” có khi chỉ vì những lý do cỏn con.  Sách Đệ nhị luật viết rằng: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với vợ, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà.” (Đnl 24,1).

Trong thời Chúa Giêsu, hai trường phái Hillel và Shammai tranh luận với nhau về lý do được phép ly dị.  Phái Shammai cho rằng chỉ trong trường hợp ô nhục, như ngoại tình hoặc lăng loàn mất nết, mới được bỏ vợ mà thôi.  Phái Hillel thì cho rằng, kể cả những chuyện làm người chồng mất mặt, như bếp núc vụng về, ăn mặc hở hang, nói năng rổn rảng, thân thể không sạch sẽ thơm tho, cũng có thể là lý do để bỏ vợ.

Khi chất vấn Chúa Giêsu, những người Biệt phái này muốn xem Ngài đứng về phe nào.  Câu trả lời của Ngài làm họ ngạc nhiên.  Chúa Giêsu bênh vực các phụ nữ vì họ không phải là những món hàng khi cần thì giữ không cần thì bỏ.  Ngài trích dẫn Sách Sáng Thế để cho thấy ly dị là một tình trạng bất toàn.  Thưở ban đầu Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ để trợ lực cho nhau, bổ khuyết cho nhau.  Đối với Chúa Giêsu, luật Thiên Chúa không thiên vị đàn ông hay đàn bà.  Chẳng qua là vì ông Môise đã nhượng bộ lòng chai dạ đá của dân chúng, nên mới cho phép đàn ông bỏ vợ.  Trong Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh rằng “ngoại trừ trường hợp dâm bôn (Hy lạp: porneia), ai bỏ vợ mà cưới người khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 5,32; 19,9).  Khi đưa ra luật cấm bỏ vợ, Chúa Giêsu muốn nâng cao phẩm giá của hôn nhân đã bị coi thường trong thời đại của Ngài.  Ngài muốn con người trở lại với những gì là căn bản trong đời sống hôn nhân: đó là trở nên một trong tình yêu.

Ai cũng biết rằng đời sống hôn nhân chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng luôn luôn thuận buồm xuôi gió.  Bởi vậy nên khi dẫn nhau đến bàn thờ, người ta mới thế hứa giữ lòng chung thủy với nhau “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.”  Hứa thì hứa vậy, nhưng rất khó giữ vì ít ai chuẩn bị kỹ càng để đi học làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ, mà cứ coi như là chuyện tự nhiên ấy.  Các lớp dự bị hôn nhân luôn bị kêu ca là lâu lắc thủ tục rườm rà.  Nhiều bạn trẻ bỏ nhiều tiền bạc và công sức để tổ chức đám cưới thật sang trọng hoàn hảo.  Nhưng họ đã chuẩn bị những gì để bước vào đời sống hôn nhân?

Đám cưới một ngày, hôn nhân cả đời.  Ngày xưa người ta sống trong môi trường làng xã, môi trường cộng đoàn giáo xứ, ít ra nếu vợ chồng có xung khắc cũng còn có những người khác khuyên bảo nâng đỡ.  Ngày nay người ta sống khá độc lập, mạnh ai nấy sống đèn nhà ai nấy rạng. Khi không xen vào chuyện gia đình của người khác dễ bị xem là “nhiều chuyện.”  Bởi vậy nên để có đời sống hôn nhân bền vững trước thử thách, các cặp vợ chồng cần phải có thêm ít là “3 C” nữa, ngoài xe hơi, nhà lầu và thẻ tín dụng.  Đó là Communication (đối thoại chia sẻ), Cooperation (cộng tác), và Commitment (dấn thân).

Một cuốn sách bán rất chạy vào thập niên 1980 ở Hoa Kỳ có cái tựa rất hấp dẫn “The Secret of Staying in Love”, tạm dịch là “Bí Quyết Để Yêu Hoài Yêu Mãi.”  Trong sách này, tác giả John Powell cho biết rằng chìa khóa của đời sống hôn nhân là cảm thông.  Mà cảm thông đòi hỏi đối thoại chia sẻ: Communication.  Nếu đôi vợ chồng không thành thực và thẳng thắn bầy tỏ tâm tư, nguyện vọng với nhau để luôn hiểu được nhau thì khó tạo cảm thông.  Thiếu thông cảm thường tạo hiểu lầm, nghi ngờ và ghen tuông, đưa đến bất hòa và đổ vỡ đáng tiếc.  Kế đến, xây dựng mái ấm gia đình cần sự cộng tác tích cực của cả hai bên: Cooperation.  Ông bà ta hay nói: “thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”.  Và cuối cùng là nỗ lực hy sinh dấn thân – Commitment.  Thiếu sự nhẫn nại kiên trì cần thiết, thiếu cam kết vào đời sống hôn nhân dễ đưa người ta đến chỗ bỏ cuộc khi cơm không lành canh không ngọt.

Hôm nay, Lời Chúa thách đố những ai quan tâm đến đời sống gia đình, phải tìm cách làm sao để đời sống hôn nhân vợ chồng được luôn thăng tiến và bền vững.  Chúng ta cầu cho những ai đang sống đời vợ chồng và những ai chuẩn bị kết hôn:

Xin cho họ bớt một chút nóng nảy, thêm một chút nhẫn nhục,
bớt một chút vêng vang, thêm một chút hiền hậu,
bớt một chút hẹp hòi, thêm một chút khoan dung,
bớt một chút ích kỷ, thêm một chút hy sinh,
bớt một chút tự ái, thêm một chút tha thứ,
bớt một chút ghen tương, thêm một chút tin tưởng,
bớt một chút đam mê, thêm một chút chịu đựng,
bớt một chút nản lòng, thêm một chút hy vọng.
Nhờ đó họ cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ và chăm bón tình yêu.  Amen.

(dẫn ý từ 1 Cor 13, 4-7)

Antôn Phaolô, SJ.

BAO GIỜ BIẾT TƯƠNG TƯ

Ngày nào cho tôi biết,
Biết yêu em rồi tôi biết tương tư
Ngày nào biết mong chờ,
Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa…

ôi biết đem tin này,
Vắng như lòng giấy, tình yêu lấp đầy
Rồi biết quên câu cười,
Biết cho đôi dòng lệ rơi.ZZ

Tình yêu đã trở lại,
Đôi mắt đêm ngày vơi hết đọa đầy
Tà áo em phơi bầy,
Ngón tay em dài, tiếng yêu không lời.

Ngày nào lòng tôi đã
Biết vui biết buồn, ôm mối tương tư
Ngày nào cánh Thiên Đường
Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm.

Tôi ghé răng cắn vào
Miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường
Là trối trăn cuối cùng,
Giấc mơ não nùng vội tan…

Phạm Duy – Ngọc Chánh

*************************************

Chìm mình trong tiếng hát du dương của Khánh Hà trong bài “Bao Giờ Biết Tương Tư” của nhạc sĩ Phạm Duy, thơ Ngọc Chánh, tôi liên tưởng đến hình ảnh một chàng trai mới lớn mặt điểm những cọng râu lún phún xen lẫn những hạt mụn trứng cá đó đây, đang ngày đêm sốt ruột đi ra rồi lại đi vào, lòng cứ ngong ngóng chờ đợi một bóng hồng xuất hiện trong cuộc đời.  Cậu bé tuổi mới lớn này hẳn chưa biết yêu là gì, nhưng có lẽ cậu đã được nghe nói nhiều về tình yêu, đề tài muôn thưở của con người, nên lòng mới háo hức rộn ràng đến thế.  Cũng có lẽ chờ đợi khá lâu nên cậu mới bồn chồn sốt ruột thốt lên “bao giờ biết tương tư?”  Là ngày nào, tháng nào?  Ai có thể cho tôi biết “ngày nào…, biết yêu em rồi tôi biết tương tư, ngày nào biết mong chờ.”  Hôm nay hay ngày mai?  Lòng háo hức trước ngưỡng cửa tình yêu của cậu bé dù chưa biết bóng hình đó là ai bỗng làm tim tôi xao xuyến ngẫm đến thái độ của mình trước tình yêu của một người – người đã dám chết vì tôi – Thiên Chúa Tình Yêu.

Là môn đệ của Ngài, được dạy dỗ về bổn phận phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự nhưng chưa bao giờ tôi yêu mến Chúa như Chúa đáng được yêu.  Ừ nhỉ, sao tôi không có được cái tâm tình háo hức rộn ràng như cậu bé mới lớn kia?  Tình yêu không thể cưỡng bức, không thể ép lòng mình phải yêu ai cho dù đó là bổn phận.  Chưa yêu mến Ngài cho đủ, đó không phải là cái lỗi, nhưng cái thiếu sót của tôi so với cậu bé mới lớn trong “Bao Giờ Biết Tương Tư” là chưa bao giờ tôi xin để được tương tư Ngài, xin để được “biết mong chờ,” để được “rộn rã buồn vui,” để được cùng đau khổ và hạnh phúc với Đấng đã chết cho tôi được sống để yêu.  Với Thiên Chúa, tôi xin xỏ nhiều thứ nhưng chưa một lần xin được yêu chính Chúa.  Phải chăng đó là một sự hời hợt vô tình hay sự cố ý chấp nhận tình trạng vô cảm với tình yêu Thiên Chúa?  Cậu bé biết yêu là đau khổ, yêu sẽ làm cậu “biết quên câu cười, biết cho đôi dòng lệ rơi…”  Biết thế, nhưng cậu vẫn chấp nhận, chờ đợi và cuối cùng là mạnh dạn “ghé răng cắn vào…”  Còn tôi, biết yêu Chúa sẽ thêm nhiều thử thách gian nan trên đường đời vốn đã đầy chông gai, hẹn hò với Ngài sẽ phải đi trên con đường hẹp, và còn nhiều những khó khăn khác nữa mà Ngài đã “dại dột” báo trước.  Thế nên… tôi đành câm nín!  Tôi chấp nhận chọn “lỗ hơn khổ” trong khi cậu bé lại mạnh dạn chọn “thà khổ hơn lỗ.”  Lòng tôi chùng xuống, thấy mắc cở với mình và ngại ngùng với Chúa khi lời nhạc thấm vào da thịt gói ghém tâm tình da diết mong muốn được tương tư của chú bé con.

Rồi một ngày có lẽ cậu bé đã biết yêu là gì, cái ngày mà lòng cậu đã “biết vui, biết buồn, ôm mối tương tư” là ngày cậu thấy “cánh Thiên Đường đã mở hé” để chợt nhận ra rằng “tình yêu là trái táo thơm.”  Tình yêu là Thiên Đường!  Một Thiên Đường tạm bợ ở dương thế cũng đủ làm cậu bé ngất ngây.  Vậy sao một Thiên Đường vĩnh cửu lại không đủ sức quyến rũ tôi?  “Trái táo thơm” đã cho cậu bé “miệng môi ngọt đắng,” tình yêu không chỉ có vị đắng mà còn có chất ngọt, không chỉ có đau khổ mà còn có hương thơm hạnh phúc.  Vậy sao tôi cứ sợ hãi tình yêu của Thiên Chúa để không chấp nhận Ngài trong cuộc đời?  Sao tôi không xin để được tương tư Ngài?  Tình yêu đã làm cậu “đôi mắt đêm ngày vơi hết đọa đầy,” cho dù cặp mắt đó từ nay sẽ “có đôi dòng lệ rơi…”  Tình yêu đã chắp cánh cho cậu bé bay cao chỉ để lại lời trối trăn cuối cùng, giấc mơ não nùng vội tan…”

Trong lời trối trăn cuối cùng” đó không thấy nói cậu bé hối hận vì đã biết yêu và tương tư!  Vậy sao tôi cứ còn chần chừ?

Bao giờ Chúa ơi, đến bao giờ con mới biết tương tư Chúa?  Xin cho con một lần “miệng môi ngọt đắng” tình yêu với Ngài để thêm mạnh dạn “ghé răng cắn vào” “trái táo thơm” của Chúa.  Trái táo xưa đã đẩy con người ra khỏi Vườn Địa Đàng thì trái táo ngày nay giúp con tìm lại hương vị Thiên Đường ngày xưa ấy.  Xin cho mắt con một lần được nhìn thấy “cánh Thiên Đường đã mở hé” nơi cuối chân trời để giúp con can đảm xin cho được biết tương tư Chúa cho dù đôi môi sẽ “biết quên câu cười,” cặp mắt sẽ “biết cho đôi dòng lệ rơi.”  Amen!

Lang Thang Chiều Tím
October 2009