NGĂN CÁCH

Chuyện kể rằng có một nhà giầu kia thường than phiền với người bạn thân rằng ông không thấy hạnh phúc.  Ông giao thiệp rộng, tiệc tùng ngày đêm.  Cuộc sống vật chất ông không thiếu thứ gì, nhưng ông rất cô đơn.

Một hôm, người bạn đến thăm,  sau khi nghe ông than thở, anh ta dẫn ông ra cửa sổ nhìn xuống đường và hỏi: “Anh nhìn thấy gì?”  Ông nhà giầu đáp: “Tôi thấy người ta đi lại, đàn ông , đàn bà, cụ già, trẻ con.”

Sau đó, người bạn dẫn ông nhà giầu đến một tấm gương và hỏi: “Bây giờ anh thấy gì?”  Ông ta đáp: “Tôi chỉ thấy chính tôi.” 

Người bạn ôn tồn nói: “Trong cửa sổ có gắn kính, và ở tấm gương cũng có kính.  Khi anh nhìn kính trong cửa sổ, anh có thể thấy người khác.  Nhưng phiá sau tấm kính trong gương là một lớp bạc.  Khi lớp bạc được tráng vào, anh không còn nhìn thấy những người khác.  Anh chỉ nhìn thấy chính anh!” 

******************************

Lớp bạc có thể tượng trưng cho những gì đang ngăn cách chúng ta với những người khác.  Đó có thể là tiền bạc, danh vọng, quyền lực, hay là sự ích kỷ, kiêu ngạo, thái độ dửng dưng.  Tất cả những thứ đó có thể làm chúng ta mù lòa không thấy Thiên Chúa và người khác.  Chúng ta chỉ thấy mình và những nhu cầu của mình.

Bài dụ ngôn trong Tin Mừng Lu-ca chương 16 nói về số phận của những người làm ngơ trước nỗi thống khổ của người khác.  Một người giầu có sống trong xa hoa nhung lụa, yến tiệc linh đình. Người kia tên La-za-rô, một người cùng khổ, đói rách bệnh tật, nằm trước cổng ông nhà giầu.

Ông nhà giầu không phải là người hẹp hòi độc ác.  Ông không sai gia nhân đuổi anh ra khỏi cổng nhà ông.  Ông không chửi rủa mắng nhiếc anh ăn vạ ở trước sân nhà ông, mà cũng chẳng đánh đập La-za-rô mỗi khi ông đi ngang qua chỗ anh nằm.  Thật ra, ông không quan tâm đến sự hiện diện của La-za-rô.  Anh đói hay no, lạnh hay ấm, đau đớn hay không, ông không cần biết.  Ông dửng dưng nhìn cái hố ngăn cách giữa ông và người hàng xóm cùng khổ mà không hề đặt một câu hỏi.  Anh La-za-rô nằm đó, như cái xác không hồn, thèm thuồng những thức ăn thừa mứa trên bàn của ông.  Nhưng cũng chẳng ai cho. Thỉnh thoảng mấy con chó nhà ông, chạy đến liếm ghẻ chốc trên người của anh, cho anh bớt ngứa ngáy.  Mấy con chó này còn đối xử với anh còn tốt hơn chủ nó nhiều!

Thế rồi cả hai đều lần lượt qua đời.  Người nghèo này chết, và ông nhà giầu cũng chết.  Chẳng ai tránh được.  Nhưng sau khi chết, số phận hai người đã hoán ngôi đổi chỗ cho nhau.  Anh La-za-rô nghèo khổ được hưởng cõi phúc với tổ phụ A-bra-ham, còn anh nhà giầu thì đau khổ trong địa ngục.  Bấy giờ, người nhà giầu mới nhìn thấy anh La-za-rô, ông muốn làm một cái gì đó để thay đổi cục diện.  Nhưng đã quá muộn rồi.

Khi còn sống, ông nhà giầu có thói quen sai bảo và muốn người khác phục vụ mình.  Sau khi chết, ông vẫn muốn xin tổ phụ A-bra-ham sai La-za-rô đến cho ông chút nước để đỡ khát.  Khi sống ông đã tự cô lập mình khỏi nhu cầu của người khác, ông đã tự tay đào một hố sâu ngăn cách giữa mình và tha nhân, giờ ông phải sống mãi trong sự cách ngăn đó!   Nói một cách khác, ông đã chọn cho mình một lối sống hưởng thụ, ích kỷ và dửng dưng.  Ông đã tự đưa mình vào con đường cô lập khi sống, giờ thì ông tiếp tục sống trong sự cô lập đó sau khi chết và đang bị chính những dục vọng của mình thiêu đốt trong địa ngục mà không ai có thể xoa dịu được.

Có thể chúng ta cảm thấy khó chịu vì nghĩ rằng ông đã làm gì sai lầm nghiêm trọng mà phải bị phạt như thế.  Thật ra, chính lối sống của ông đã đưa ông vào tình trạng này.  Cái tội của ông là đã không lay một ngón tay để giúp đỡ một tí, một tí thôi, những người cần được giúp đỡ.  Cái tội của ông là đã không nhìn lại một tí, một tí thôi, đến những người cần được quan tâm.  Cái tội thờ ơ lãnh đạm, sống trong sự ngăn cách với đồng loại khổ đau.  Cái tội hưởng thụ ích kỷ, chỉ chăm lo cho bản thân, không màng gì đến tha nhân.  Tội này là bước đầu hủy hoại tình liên đới giữa con người và con người, phá hoại nền tảng luân lý của xã hội.  Thiếu quan tâm đến những người nghèo khổ không chỉ làm thiệt thòi cho dân nghèo, nhưng sẽ đem lại tình trạng bất ổn cho xã hội khi hố sâu giầu nghèo quá cách biệt.

Giới răn căn bản và cao trọng nhất, mà ai cũng biết là Mến Chúa, Yêu Người.  Nhưng làm sao chúng ta có thể thực hiện điều này, nếu chúng ta không mở lòng với những người chung quanh.  Khi tôi nói yêu người tôi phải quan tâm đến người đó là ai, có nhu cầu gì, để tôi có thể giúp đỡ.  Giới luật yêu thương không phải là một khẩu hiệu chung chung, nhưng cụ thể cho từng hoàn cảnh, từng con người.

Lời Chúa hôm nay thách đố chúng ta đừng làm ngơ ngoảnh mặt trước mọi hoàn cảnh bất hạnh, trước mọi đau khổ đang xảy đến chung quanh chúng ta.  Có khi chúng ta không nhắm mắt trước những bất công xã hội, những hoàn cảnh đau thương, nhưng chúng ta cảm thấy bất lực và không biết phải làm gì.  Trong những lúc như thế, thay vì ngồi đó nguyền rủa bóng tối, chúng ta cố gắng thắp lên một ánh nến của hy vọng, bằng cách thực thi một việc bác ái cụ thể, một cử chỉ nhân ái, dù nhỏ đến đâu, để tỏ ra sự quan tâm đến những người bất hạnh, kém may mắn.

******************************

Trong tâm tình và ý nghĩa đó, chúng ta có thể mượn lời cầu nguyện của Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta để cầu nguyện cho nhau :

Lạy Chúa,

Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày, nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách :

Những kẻ đói không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng vì thiếu Lời Chúa;

Những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước, nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;

Những kẻ vô gia cư, không chỉ tìm kiếm một mái nhà, nhưng còn tìm trái tim hiểu biết, yêu thương;

Những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, không chỉ trong thân xác, nhưng cả trong tinh thần.

Bằng cách thực thi lời hy vọng nầy : “Điều các con làm cho người bé mọn nhất trong anh em là các con làm cho chính Ta”  (Mt 25:40) 

Bảo Lộc

HAI KHUÔN MẶT

“Ngay trong giờ phút lâm chung, bạn và tôi, bất kể chúng ta là ai, đã từng sinh sống nơi nào, Kitô hữu hay là lương dân, tất cả chúng ta, những người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa bằng bàn tay yêu thương của Ngài, chúng ta sẽ phải đứng trước nhan Giavê và được xét xử tuỳ theo những gì đã sống và làm cho người nghèo. Chính lúc này các cân lượng mẫu mực cho việc phán xét sẽ được đưa ra.”

“Chúng ta phải càng ngày càng ý thức hơn rằng người nghèo chính là niềm hy vọng của nhân loại, bởi vì chúng ta sẽ được xét xử theo cách thức mà chúng ta đã cư xử với họ. Chúng ta sẽ đối đầu với thực tế khi được triệu về trước ngai Thiên Chúa. Và Ngài sẽ nói: “Xưa ta đói, ta trần truồng, ta không nhà cửa… Và những gì ngươi đã làm cho một trong những kẻ bé mọn chính là đã làm cho Ta.”

“Kẻ bé mọn” không chỉ là những người đang nghèo nàn về vật chất, nhưng còn là những ai đang thiếu thốn về tinh thần. Có người nghèo cơm ăn áo mặc, nhưng cũng không ít người nghèo giáo lý, kiến thức, cảm thông, an ủi, thứ tha… vì chẳng ai trao ban.”

* * * * *

Bạn thân mến, phải chăng lời nói của Mẹ Têrêsa Calcutta trên đây được trích ý từ dụ ngôn của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Lời Chúa hôm nay cho ta thấy hai khuôn mặt trái ngược nhau: một ông nhà giàu dư ăn dư mặc, một anh nhà nghèo bệnh tật nằm đói lả, không đủ sức xua đuổi những con chó đến quấy rầy. Hai người ở gần nhau, chỉ cách nhau một cái cổng vẫn thường khép, nhưng lại thật xa nhau. Ông nhà giàu biết mặt, biết tên anh nhà nghèo, nhưng ông chẳng mảy may quan tâm, vì ông bận tổ chức tiệc tùng và mời quan khách.

Ladarô đã chết trong cảnh đói nghèo và bệnh tật. Ông nhà giàu cũng chết. Cái chết đồng đều cho mọi người, nhưng số phận sau cái chết lại khác nhau. Không phải chỉ vì giàu mà ông nhà giàu bị phạt, nhưng vì ông đã khép cửa và khép lòng, đã ung dung hưởng thụ quyền sở hữu “hợp pháp”, đã không chấp nhận chia sẻ điều mình có dư thừa. Ông nhà giàu hẳn đã thấy Ladarô, nhưng đã sống như thể không có anh ta, vì ông loay hoay vun quén cho hạnh phúc của mình. Không phải chỉ vì nghèo mà anh nhà nghèo được thưởng, được hạnh phúc ngồi trong lòng tổ phụ Abraham, nhưng vì anh chấp nhận số phận hẩm hiu của mình, và trông cậy vào sự trợ giúp của Thiên Chúa.

Ngày nay thế giới văn minh lại càng đào sâu hố ngăn cách giữa nước giàu và nước nghèo, giữa thiểu số người giàu và đa số người nghèo.

Bạn và tôi, chúng ta cũng giàu có về một mặt nào đó: giàu trí tuệ, giàu bạn bè, giàu thế lực, giàu chỗ đứng trong xã hội, giàu đời sống thiêng liêng.  Hố sâu chỉ được lấp đầy bằng cách mở tung cánh cửa yêu thương và chia sẻ, nhìn nhận tài nguyên thế giới là của mọi người, nhìn nhận quyền sống của từng người, sống như một nhân vị, sống như con cái Thiên Chúa, sống như anh chị em tôi.

Bạn và tôi, mỗi người chúng ta đều có một Ladarô chờ ngoài cửa, nếu chúng ta mở cửa và mời người đó đồng bàn, thì chúng ta sẽ trở nên người giàu có thực sự, và trưởng thành viên mãn trong nhân cách.

Bạn và tôi, dù có người chết hiện về, dù kẻ chết sống lại cũng chẳng làm lòng chúng ta hết chai đá. Chỉ có Lời Chúa mới khiến chúng ta sám hối ăn năn, mở lòng trước tha nhân và Thiên Chúa (x. 1Ga 3,17)

“Ta đói các ngươi đã không cho ăn; Ta khát các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù các ngươi đã chẳng thăm Ta” ( Mt 25, 42 – 43 ).

Ước mong Lời Chúa trên đây sẽ không phải là lời Chúa sẽ nói với bạn và tôi trong ngày sau hết của cuộc đời mình, ngày chúng ta phải ra trước tòa Chúa .

* * * * *

Lạy Chúa, xin mở mắt con để con nhìn thấy những người nghèo ở xung quanh con, những người nghèo trong đời sống vật chất cơm ăn áo mặc và cả những người nghèo trong đời sống thiêng liêng nữa… Xin cho con đừng sống dửng dưng; thờ ơ và khép kín trước người nghèo, nhưng biết xót thương như Chúa đã xót thương, biết quảng đại cho đi và vui vẻ chia sẻ an ủi đỡ nâng. Amen.

Trích từ  R. Veritas

NGOẠI ÐẠO

Lạy Chúa, con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên cao.

Là người ngoại đạo sao lại tin có Chúa ngự trên cao?  Ðã tin Chúa ngự trên cao là có đạo rồi.  Nếu tin Chúa ngự trên cao mà vẫn ngoại đạo chỉ có nghĩa là có đạo mà không vào đạo thôi.

Nhiều người có đạo nhưng không vào đạo.  Cũng như nhiều người vào đạo nhưng không có đạo.  Thơ Nguyên Sa bảo rằng nắng Saigon tôi đi mà chợt mát vì em mặc áo lụa Hà Ðông.  Cũng nắng Saigon tôi đi, nhưng sẽ chẳng chợt mát khi lòng tôi không có áo-lụa-em bay.  Áo lụa cũng phơi bên sân hiền nhà ai.  Dưới ngõ trúc cũng là áo lụa ai đi về.  Cũng là áo lụa đó, nhưng vẫn là khác.  Phải là áo-lụa-em bay lòng anh mới chợt mát.

Như thế, xem ra, cái gần gũi không gian có là gần mà vẫn là xa.  Cái lòng mình chợt mát phải là cái gì thiêng liêng hơn, nó ở trong hồn ta chứ không ở ngoài ta.  Nếu nó ở ngoài ta thì bất cứ áo lụa nào lòng tôi cũng chợt mát, bất cứ nắng nào cũng được chứ không phải nắng Saigon.  Cái nắng Saigon, con đường Duy Tân lá đổ, hàng me già công viên, tự nó chỉ là me, là nắng, là lá đổ mà thôi cho những ai đi giữa Saigon mà không có Saigon với áo-lụa-em trong hồn mình.  Còn ai có áo-lụa-em thì nắng là chợt mát, lá đổ là muôn chiều dư âm.  Ðạo cũng thế, chỉ khi nào đạo ở trong tôi mới là có đạo, mới là “chợt mát”, là ơn cứu độ.

Thủa xưa cũng đã có một chuyện tình.  Ngày đó, sau khi phạm tội, Ađam cùng Evà đi “trong địa đàng” nhưng vẫn là rũ úa giữa địa đàng.  Như thế, “tôi ở trong địa đàng” vẫn là thống khổ, chỉ khi “địa đàng ở trong tôi”, lúc đó tôi mới “có địa đàng”, bấy giờ mới là gió lụa, mới là nắng hoa, mới là lòng mình chợt mát.

Nói về có đạovào đạo thì Phúc Âm có nhiều biến cố tường thuật về những người ngoại đạo nhưng lòng họ thì lại có đạo.

Một người ngoại đạo

Kết thúc cuộc đời rao giảng của Chúa là khúc đường vác thập giá lên Núi Sọ.  Nếu Chúa vác không nổi mà chết trên đường đi thì hành trình cứu chuộc có dang dở không?  Ðó là câu hỏi giả sử mà thôi.  Thực tế, hành trình cứu chuộc đã không dang dở.  Chúa đã không kiệt sức mà chết trên đường đi vì đã có người vác đỡ.  Kẻ vác đỡ thánh giá là ông Simon, người xứ Kyrênê, ông là một người ngoại giáo (Lc. 23:26).

Một người ngoại giáo nữa

Trong quãng đời mục vụ của Chúa, Tin Mừng thánh Matthêu có kể câu chuyện đức tin của một người như thế này:

Khi Ngài vào Carphanaum, thì một viên bách quản đến gặp Ngài, van xin: “Thưa Ngài, tên hầu của tôi nằm liệt bất toại ở nhà, phải đau đớn dữ lắm.”  Ngài nói: “Ta phải đến chữa nó?”  Viên bách quản thưa lại: “Thưa Ngài, tôi không đáng được Ngài vào mái nhà tôi.  Song Ngài hãy phán một lời mà thôi, thì tên hầu tôi sẽ khỏi, vì tôi đây tuy là thuộc hạ, thế mà có lính tráng dưới quyền tôi, tôi bảo người này: “Ði đi!” là nó đi; và bảo người khác: “Ðến!” là nó đến; tôi bảo tôi tớ của tôi: “Làm cái này” là nó làm”.  Nghe vậy Ðức Kitô ngạc nhiên và nói với các kẻ theo Ngài: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, ta chưa hề gặp được lòng tin lớn như thế nơi một người nào trong Israel” (Mt. 8:5-10).

Lại một người ngoại giáo nữa

Câu chuyện trên là chứng nhân của niềm tin.  Câu chuyện dưới đây nói về tâm tình biết ơn, cũng lại là một người ngoài.

Nhằm lúc Ngài vào một làng kia, thì mười người phung hủi đón gặp Ngài.  Ðứng đàng xa, họ gióng tiếng lên mà rằng: “Lạy Thầy Yêsu, xin thương xót chúng tôi!”  Thấy vậy, Ngài bảo họ: “Hãy đi trình diện với hàng tư tế.” Và xẩy ra là trong lúc họ đi, thì họ đã được sạch.  Một người trong bọn thấy mình được lành thì quay lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, và sấp mặt dưới chân Ngài mà tạ ơn.  Người ấy là một người Samari.  Ðức Yêsu cất tiếng nói: “Không phải là cả mười người được sạch cả sao?  Chín người kia đâu?  Không thấy họ quay lại mà chúc vinh Thiên Chúa, trừ có người ngoại bang này?” (Lc. 17:11-18).

Rồi lại một người nữa ngoại giáo

Thánh Luca thuật lại câu chuyện như sau: “Một người ở thành Yêrusalem xuống Jêrico, giữa đường bị kẻ cướp bóc lột hết và đánh nhừ tử, đoạn chúng bỏ người ấy nửa sống nửa chết mà đi.  Tình cờ một trưởng tế đi qua đấy, ông thấy người ấy song tránh một bên mà đi.  Lại có một thầy Lêvi cũng qua lối ấy, thấy người ấy song cũng tránh một bên mà đi.  Một người Samari nọ, nhân đi đường, cũng đến nơi ấy, thấy thế thì chạnh lòng thương, tiến lại đổ dầu và rượu, ràng buộc thương tích người ấy, đoạn vực người ấy lên lừa của mình mà đưa đến quán trọ, và săn sóc người ấy (Lc. 10:29-37).

Thầy tư tế và Lêvi chẳng những là người trong đạo mà còn hơn nữa, họ là kẻ giảng về đạo.  Họ ở trong đạo nhưng lại không có đạo.  Kẻ sống đạo lại là người ngoại đạo.

Rồi những người ngoại giáo nữa

Vào đêm Chúa sinh ra, trên bầu trời Belem năm ấy có một vì sao lạ.  Cả triều đình và bao nhiêu pho Kinh Thánh, với những kinh sư chuyên môn cắt nghĩa ngôn sứ, mà họ chẳng biết gì, họ phải đợi cho tới khi những kẻ ngoại giáo từ phương xa tới hỏi: Ðấng Cứu Thế đã sinh ra ở đâu? (Mt. 2:1-12). Trên bầu trời Belem năm ấy, vâng: Con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao.

******************

Lạy Chúa,

Nói về niềm tin thì các môn đệ khẳng định Thầy đâu có sống lại (Mc. 16:11, Yn. 20:25). Trong khi người có niềm tin mà tìm hết dòng dõi nhà Israel cũng không thấy lại là một người bên ngoài.

Kẻ vác đỡ thánh giá cho Chúa trên những bước chân xiêu té cuối đời cũng lại là người ngoại.

Nói về lòng biết ơn thì ít quá.  Trong cái ít ỏi ấy lại cũng là một người bên ngoài.

Nói về lòng bác ái thương người thì cũng không phải là tư tế hay các vị chức sắc trong đạo mà lại là người Samari, một kẻ ngoại giáo.

Băn khoăn một chút thế nào là “người bên ngoài”, thế nào là “người bên trong”, thế nào là “ngoại đạo” và “có đạo”, con thấy một lần Chúa nói: “Ta bảo các ngươi, nhiều kẻ tự phương Ðông, phương Tây mà đến và được dự tiệc với Abraham, Isaac và Yacob trong Nước Trời, còn chính con dân trong Nước lại sẽ bị đuổi ra bên ngoài tối tăm” (Mt. 8:11-12).

Con không muốn là con dân trong Nước nhưng bị loại ra ngoài.  Làm kẻ từ mười phương mà được Nước Trời thì vẫn tốt hơn.  Nếu thế thì con phải hiểu ÐẠO là gì.  Con phải băn khoăn thế nào là “vào đạo” và thế nào là “có đạo”.  Trời chiều nay rộng quá, mênh mông như ÐẠO không bến bờ.  ÐẠO mênh mông lắm, làm sao con có thể đem ÐẠO vào một định nghĩa chật hẹp được.  Làm sao con có thể nhốt ÐẠO vào nhà thờ, vẽ chân dung ÐẠO bằng tờ giấy rửa tội. Ðã nhiều lần con loại bỏ những ai không cùng tôn giáo với con là người “ngoại đạo”.

Bỏ cái chật hẹp của lòng mình, con thấy ý nghĩa lời kinh kia quá đỗi thênh thang. Nếu những giải mây ngang đời trôi về vùng trời bao la không biết đâu là bờ bến thì ý nghĩa của lời kinh ấy cũng mênh mông không biết đâu là bến bờ. Lời kinh đó là:

Lạy Chúa, con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên cao.

Nguyễn Tầm Thường
(Trích tập Con Biết Con Cần Chúa)

TIM ALINE REBEAUD VÀ “NGÔI NHÀ MAY MẮN”

Năm 1992, ở tuổi 20, Aline Rebeaud – cô sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Thụy Sĩ – đã từ châu Âu theo đường bộ đi từ Liên Xô sang Mông Cổ rồi Trung Quốc và sau cùng là Việt Nam để du lịch và tìm đề tài sáng tác.

Những chuyến dừng chân ngắn ngủi ở Hà Nội, Huế rồi TP.HCM và rồi “cái đêm định mệnh” ấy đã khiến cô “chôn chặt” cuộc đời mình ở đất nước này.

Một hôm đang trên đường về khuya, Aline Rebeaud bỗng nghe tiếng khóc của một bé trai chừng 10 tuổi.  Chị đưa tay ra hiệu hỏi có phải cần ăn?  Nó gật đầu.  Chị vẫy tay gọi nó theo, nhưng đi một quãng, nhìn lại thấy bé vẫn nằm đó.  Hóa ra nó đang đói lả.  Chị cõng nó lên, đưa đi ăn rồi dắt về khách sạn.  Đêm đó chị không sao ngủ được, cứ nghĩ mãi về thân phận những đứa trẻ lang thang, xin ăn trên đường phố… Và chị quyết định đến các cô nhi viện để tìm hiểu.  Tới cơ sở điều trị tâm thần ở Thủ Đức, chị gặp Trần Văn Thành, 13 tuổi, người đầy ghẻ lở và mắc đủ thứ bệnh: tim, thấp khớp, phổi ứ nước..

Người ta nói cậu bé này không có gia đình, bệnh nặng chỉ chờ chết.  Chị đưa Thành vô một bệnh viện thành phố và ở lại chăm Thành như mẹ lo cho con.  Chị kể: “Mỗi ngày bác sĩ phải rút nước trong phổi ra nhiều lắm.  Thành nằm ba tháng mới xuất viện, mình cũng ngủ dưới gầm giường, đi lấy cơm, giặt quần áo cho nó chung với mấy người nuôi bệnh khác…  Hôm xuất viện, người ta chỉ tay qua cái cổng và đặt cho mình tên “Tim”.  Cái tên Tim Aline Rebeaud có từ đó.  Rồi mình lập nhà May Mắn này cũng do gặp Thành”.  Chị tiếp: “Nó ở cô nhi viện, rồi trường mầm non, 10 tuổi đã bị đưa vô trại tâm thần ở chung với người lớn.  Lúc đó 13 tuổi mà hỏi con tên gì cũng không biết, vì từ nhỏ người ta chỉ gọi “mày”.  Mình đưa nó đi phố cho nó biết, rồi dạy chữ”.

Một lần đưa Thành xem phim ở rạp Minh Châu, Tim lại gặp một cậu bé khoảng 10 tuổi, tên Bình xin tiền, chị cho  nó cùng vào xem.  Trưa hôm sau, chị quay lại chở Bình về…  Số trẻ lang thang đưa về ngày càng đông.  Lúc đó Tim đã thuê một căn nhà nhỏ ở Tân Bình, bán tranh để có tiền lo cho bọn trẻ, rồi đi chợ nấu ăn, dạy chữ, dạy vẽ… cho các con.

Nhà May Mắn (6/17 Tân Kỳ – Tân Quí, khu phố 4, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) ra đời năm 1993, nay là tổ ấm của một “đại gia đình” 50 con người có số phận không may – gồm trẻ mồ côi, người khuyết tật do Tim đưa về.  Khởi đầu chỉ là dãy nhà tạm bợ trên khu đất sình lầy ở cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa.  Sau 12 năm, “cơ ngơi” có thêm mấy phòng, vẫn lụp xụp, đầy bụi, ngập nước khi trời mưa.

Nguyễn Văn Bình – đứa bé lang thang trước rạp Minh Châu năm nào nay đã 24 tuổi, là họa sĩ, năm 2003 được mẹ Tim đứng ra làm đám cưới với cô hàng xóm Phạm Thị Bảo Châu.  Bình kể: “Nhờ mẹ Tim thông báo trên truyền hình, cách đây hai năm tôi mới biết ba mẹ ruột mình còn sống với bốn đứa em ở Nghệ An.  Hồi 8 tuổi, tôi bị người ta bắt cóc đưa vô Đà Nẵng, không biết đường về, theo tàu lửa vô Sài Gòn, bơ vơ.  Đi ăn xin, rồi bị người ta bắt đi đánh giày.  Có bữa bị mất hết tiền phải bỏ trốn.

Sống trước rạp Minh Châu gần hai năm thì đêm đó (1996) thấy mẹ Tim dắt anh Thành tôi xáp vô xin tiền, mẹ không cho mà hỏi thăm hoàn cảnh rồi cho coi phim luôn.  Anh Thành chê tôi dơ, xô ra, mẹ năn nỉ – nói lúc trước con cũng dơ như bạn vậy.  Mẹ biểu hai đứa bắt tay.  Xem phim xong mẹ mua cho hai ổ bánh mì, dặn ăn xong thì ngủ ở đó, 10 giờ sáng mai mẹ tới rước.  Hôm sau, chờ tới 12 giờ trưa, tôi ngủ quên, mẹ tới đánh thức dậy, chở về nhà ở phường 13, quận Tân Bình.  Mẹ đi chiếc xe đạp cũ, áo đẫm mồ hôi…

Lúc mới về đây, mẹ thuê hết bốn phòng trọ trong một căn nhà lá, rồi từ từ sửa sang lại…  Mẹ cho học chữ, dạy vẽ, dạy tiếng Pháp, rồi cho đi học ba tháng về tạo mẫu ở Lyon, Pháp.  Có đêm tụi tôi đi chơi về khuya, mẹ ngồi chờ tới 2 giờ sáng.  Năm 17 tuổi, một lần đi đánh nhau về bị mẹ tát.  Tát xong, mẹ khóc.  Tôi hỏi: “Sao đánh con rồi mà mẹ còn khóc?”.  Mẹ bảo: “Vì tức quá, dạy hoài mà không nghe”. Từ đó tôi sợ quá không dám đi “quậy” nữa”.

Võ Thị Thu Hiền mồ côi từ năm lên 7, bị sốt bại liệt, vẹo cột sống, đi lại khó khăn, được một tu viện cưu mang.  Năm 17 tuổi, Hiền được mẹ Tim nhận về.  Hiền nói: “Lúc đó tôi chưa biết chữ nhiều, mẹ cho học chữ, nghỉ một bữa mẹ cũng không cho.  Nhưng tôi chỉ học tới lớp 8 vì cứ nhức đầu”. Giờ thì Hiền phụ trách xưởng may có 14 người.  Sản phẩm là những con thú nhồi bông ngộ nghĩnh bán cho khách nước ngoài.  Năm 2003, đám cưới Thu Hiền với Đặng Văn Lanh (em trai bệnh nhân Đặng Văn Tài, vào nhà May Mắn để chăm sóc người bệnh), mẹ Tim cũng theo đưa dâu về Sóc Trăng.  Mùa hè năm nay họ sinh được bé gái – tên Na, còn “bà ngoại” Tim thì cứ thích gọi bé là Hiền Mai.

Ra vào các bệnh viện, Tim cứ xốn xang với hoàn cảnh bi đát tột cùng của những số phận không may bị tai nạn lao động, gãy cột sống, liệt nằm một chỗ.  Nhiều người bị gia đình bỏ rơi.  Chị lặng lẽ đưa họ về nhà May Mắn.  Đặng Văn Tài, quê ở Sóc Trăng, một lần hái dừa thuê bị té chấn thương cột sống, điều trị ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (CTCH) suốt thời gian dài, bị loét, được Tim chăm sóc. Xuất viện, chị đưa Tài về nhà May Mắn, cho học vẽ rồi sang Pháp học nâng cao tay nghề.

Gần 20 người bị gãy cột sống, liệt cả hai chân, có người gãy cột sống cổ liệt cả tứ chi phải đút ăn… Tim đưa về, thuê người chăm sóc, tắm giặt, cho học chữ, học nghề.  Chị tâm sự : “Nhiều người chán đời, nghĩ liệt là chấm hết.  Tôi phải giải thích là họ vẫn còn cái đầu.  Đa số tuổi 20-35, chỉ lao động chân tay, ít học.  Vì vậy phải lo cho họ học chữ rồi mới dạy nghề, mà phải chuyên môn một chút.  Nếu biết sơ sơ thì sau này cũng chỉ đi làm thuê chứ không cạnh tranh nổi.  Chẳng hạn như biết vẽ rồi thì cũng phải 5-6 năm mới có thể tự “bay” được”.

Ngoài 50 số phận không may “thường trú” ở đây, còn có trên 60 trẻ con gia đình khó khăn ở quanh xóm vào học chữ.  Chung sức với Tim để đưa nhà May Mắn đi lên còn có những tấm lòng của thầy giáo Võ Thanh Tùng, cô Nguyễn Thị Kim Chi, ông Trịnh Duy Sơn, giáo viên người Pháp Vincent…

Lo ăn ở, học tập cho gần 100 con người là chuyện vô cùng khó khăn.  Tim phải vận động Tổ chức nhà May Mắn (Maison Chance) ở Pháp, Thụy Sĩ, các công ty, đơn vị trong nước... “Nhiều khi 3 giờ sáng mình còn ngồi “chat” với bạn bè ở nước ngoài để mong họ hỗ trợ.  Bên đó là cuối giờ chiều, họ vừa tan sở về nên rỗi rảnh, còn mình ở đây đã 2-3 giờ sáng, buồn ngủ muốn chết!  Đang bắt đầu xây dựng một trung tâm cho người tàn tật nặng hơn.  Mình còn muốn giúp rất nhiều người nhưng chưa có điều kiện…”.

Năm 2002, tại TP.HCM, chị được trao tặng giải thưởng “Prix Henry Dunant” của Hội Chữ thập đỏ quốc tế.

Tôi hỏi: “Điều gì đã “quyến rũ” chị đến với công việc này?  Chị đã yêu chưa?”.  Tim cười: “Ở nơi đẹp nhất thế giới mà lòng mình buồn thì cũng không vui.  Làm việc này sao lại chưa yêu?  Tôi gắn bó với Việt Nam chỉ vì thấy một đứa bé sắp chết và không nhắm mắt làm ngơ được.  Còn công việc, thì không biết trời hay ai đó định rồi”.

Tất bật với nhà May Mắn từ sáng đến khuya, Tim không còn thời gian để vẽ tranh như ngày nào, nhưng chị đang cùng những số phận không may phác cho chúng ta một bức tranh lớn.  Lớn và thật đẹp.

Kim Sơn

NhẬn lãnh đỂ trao ban

Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu.  Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia.  Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào.  Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán:

-Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu?

– Chỉ một đồng thôi.

– Còn tô lớn kia?

– Cũng chỉ một đồng thôi.

Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn.  Nhưng người chủ quán bảo:

– Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không?

Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình.  Nhưng chủ quán nói:

– Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.

– Thế tiền-cho-đi là tiền gì?

– Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.

Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói, sống trong thiếu thốn khổ cực đời đời .

* * * * *

Bạn thân mến, bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.  Những người coi đồng tiền to hơn mạng sống của mình, rốt cuộc cũng chẳng được gì. Thấu hiểu lòng ham mê tiền bạc của con người, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người quản gia khôn khéo.  Người khen ông quản gia khôn khéo không phải vì hành động bất lương của ông, nhưng vì ông biết lo xa cho tương lai của mình. Ông khôn khéo vì ông biết dùng tiền của tạm bợ để mua lấy bạn hữu.

Nếu “con cái đời này” biết phải làm gì và làm cách nào đối với tiền của để to liệu cho ngày mai, thì tại sao “con cái sự sáng” lại không biết sử dụng ơn Chúa ban trong hiện tại để lo cho phần rỗi của mình ở tương lai?

Nếu người quản gia bất lương biết dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn hữu, sao người tín hữu lại không biết sử dụng của cải phù dù, chia sẻ cho người nghèo khó để mua lấy bạn hữu Nước Trời.

Nếu người ta căn cứ vào cách dùng tiền của để biết được lòng người có trung tín hay không, thì tại sao chúng ta lại không “trung tín trong việc nhỏ” là sử dụng tiền của để bảo đảm cho ta của cải chân thật đời sau?

Thật vậy, chúng ta không trở nên giàu có với những điều mình đã nhận lãnh, mà là với những điều mình đã trao ban. “Trong dự tính của Thiên Chúa, người giàu chỉ là viên thủ quĩ của người nghèo“.  Chính vì thế, chỉ khi nào biết quảng đại trao ban cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những quản gia biết làm theo ý muốn của chủ, những quản gia trung tín và khôn ngoan. Chỉ khi nào biết coi tiền của là phương tiện phục vụ cho cùng đích là Nước Trời chúng ta mới thực sự “làm tôi Thiên Chúa“.

* * * * *

Lạy Chúa, Trong cuộc sống trần thế, xin cho chúng con biết nhận ra những gì là mau qua, là tạm bợ ở đời này để chúng con biết khôn ngoan tích trữ cho mình những gì là quí giá, là gia tài vĩnh cửu là hạnh phúc Nước Trời trong cuộc sống mai hậu.  Amen.

R. Veritas

ÐIỀU CĂN BẢN CỦA CẦU NGUYỆN

Trong sách chuyện cổ tích người Do Thái kể rằng:

Dưới thời rabbi Ben Sen Tốp, mỗi lần dân chúng gặp thiên tai hoạn nạn, thầy rabbi thường vào nơi Thánh Ðịa trong khu rừng vắng, đốt lửa và sốt sắng cầu nguyện và đều tai qua nạn khỏi.

Nhiều năm trôi qua, đến thời rabbi Na Chít Men Trít, tai ương hoạn nạn lại ào tới trên dân chúng. Rabbi cũng vào rừng và cầu khẩn: “Lạy Giavê là Thiên Chúa cao cả, là Vua trời đất. Con không biết phải đốt lửa Thánh thế nào, nhưng con còn nhớ nơi Thánh này trong rừng này và lời kinh đặc biệt này dâng lên Chúa đây”.  Thầy đọc kinh tại nơi Thánh trong rừng, rồi trở về và tai ương hoạn nạn cũng qua đi.

Ðến thời rabbi Mô Sê Pơ Lếch, dân chúng bị thù địch đe dọa gây chiến.  Thầy rabbi cũng vào rừng và cầu nguyện:  “Lạy Giavê là Thiên Chúa cao cả.  Con vẫn còn nhớ nơi Thánh trong rừng này, nhưng con lại không biết đốt lửa Thánh và cũng không còn thuộc lời kinh đặc biệt để dâng lên Chúa nữa. Con chỉ biết tha thiết cầu xin Chúa đoái mắt nhân từ nhìn đến dân Chúa và giải thoát chúng con khỏi tay thù địch”.  Cầu nguyện xong, thầy rabbi trở về và dân chúng được giải thoát khỏi tay thù địch.

Sau cùng, đến thời rabbi Jin Jin, nạn dịch lại lan tràn tới đe dọa mạng sống của dân chúng.  Thầy rabbi đành phải ngồi ở nhà và thầm thĩ cầu khẩn cùng Chúa trong thâm tâm: “Lạy Chúa là Thiên Chúa độc nhất.  Rất tiếc là con không còn biết đường tới nơi Thánh trong rừng sâu nữa, con không biết cách đốt lửa và hơn nữa con cũng không còn nhớ lời kinh đặc biệt để dâng lên Chúa nữa.  Tuy nhiên, con chỉ biết kêu cầu Chúa ghé mắt nhân từ xót thương dân Chúa và cứu thoát chúng con khỏi tử thần đang muốn sát hại mạng sống của dân Chúa”.

Một lần nữa Thiên Chúa nhân từ lắng nghe lời cầu nguyện của rabbi và cứu chữa dân Ngài.

*********************

Vì đâu tất cả các thầy rabbi trên đây đều được Thiên Chúa thương nhận lời cầu nguyện của họ?  Phải chăng vì nơi Thánh họ đến cầu nguyện, hoặc vì biết cách đốt lên ngọn lửa Thánh, hay là vì đã đọc đúng công thức của lời nguyện?

Hẳn không phải thế!  Căn bản của cầu nguyện chính là lòng tin tưởng vào quyền phép của Chúa, là cậy trông nơi tình thương vô biên của Ngài, là Cha nhân từ luôn yêu thương chăm sóc con cái Ngài và lòng bác ái đối với tha nhân.  Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu quả quyết với dân chúng rằng: “Khi cầu nguyện, chớ ham dài lời, vì nghĩ rằng phải nói nhiều mới được việc, bởi vì trước khi các ngươi cầu nguyện, Thiên Chúa đã hiểu rõ các ngươi cần những gì rồi”.

Về nơi cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy chúng ta tránh những hình thức phô trương tại những nơi công cộng để người khác chú ý tới.  Trái lại, Ngài nêu bật tầm quan trọng nội tâm của mỗi người như đền thờ Chúa ngự, Ngài nói: “Còn ngươi lúc cầu nguyện cứ vào phòng đóng cửa lại, kín đáo cầu xin cùng Cha ngươi, Ngài thấu trước nơi bí ẩn, sẽ ban thưởng cho ngươi”.

Trong cuộc đối thoại với người phụ nữ thành Samaria bên bờ giếng tổ phụ Giacóp, Chúa Giêsu còn tỏ lộ cho bà ý nghĩa sâu xa của việc tôn thờ Chúa, không phải bằng những hình thức bên ngoài nhưng là bằng tinh thần và chân lý.  Ngài nói với bà: “Hãy tin Ta, đã đến lúc các ngươi không cần thờ Chúa Cha trên núi này hoặc ở Giêrusalem nữa.  Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không hiểu.  Còn Ta kính thờ điều Ta biết rõ.  Nhưng thời giờ sắp tới, lại đã đến lúc các kẻ thành tâm sùng kính phải thờ phượng Cha bằng tinh thần và chân lý, vì Cha muốn cho người ta thờ kính Ngài như vậy”.

Thiên Chúa là Ðấng thiêng liêng nên ai sùng bái Ngài cũng phải lấy tinh thần và chân lý mà thờ kính Ngài.

*********************

Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả, Chúa thống trị khắp mọi nơi, thông biết mọi sự.  Toàn thể địa cầu không thể chứa nổi Chúa, nhưng Chúa lại ưa thích ngự trị trong tâm hồn mỗi người chúng con để gặp gỡ mỗi người cách thân mật, thân tình như bạn hữu.  Thế mà biết bao lần con vẫn hững hờ không biết đón tiếp và hầu chuyện với Chúa đang hiện diện trong con.

Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho con.  Xin giúp con biết trở về nội tâm con để gặp gỡ Chúa đang đợi chờ và luôn sẵn sàng lắng nghe con cầu xin.

R. Veritas

NỖI LÒNG CHA

Trong Phúc Âm thánh Luca, dụ ngôn Chúa bỏ chín mươi chín con chiên trong hoang địa để tìm một con chiên lạc có lối kết luận nghịch với tiền đề.  Chúng ta hãy đọc toàn bản văn:

Ai trong các ông, giả sử có trăm con chiên và lạc mất một con, há người ấy lại không bỏ chín mươi chín con ngay nơi hoang địa, để đuổi theo một con chiên lạc, cho đến khi tìm được nó ư?  Tìm được rồi, há người ấy lại không mừng rỡ, quàng nó trên vai mình, và về đến nhà, mà lại không gọi cả bạn bè hàng xóm, mà phân phô với họ thế này sao:  Bà con hãy chia vui với tôi, nay tôi đã tìm thấy con chiên lạc của tôi!

Tiếp đó dụ ngôn được kết luận như sau:

Tôi bảo các ông:  Cũng vậy, trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn (Lc. 15: 4-7).

Bản văn được chia làm 2 phần.  Ta có thể vẽ thành họa đồ sau đây

Phần một diễn tả câu chuyện, có bốn chi tiết:

  •  nói về con chiên đi lạc
  •  người chăn chiên đi tìm
  •  tìm thấy rồi ôm trên vai
  •  vui mừng khoe với bà con

Phần hai kết luận:

  • Nước Trời vui mừng vì một người sám hối

Xét qua bản văn ta thấy kết luận rất lạ với tiền đề câu chuyện, vì cả câu chuyện không hề nói tới lòng sám hối.  Có một con chiên lạc, rồi Chúa đi tìm.  Người chăn chiên đi tìm chứ đâu có phải con chiên tìm lối trở về, như thế làm sao mà gọi là lòng sám hối được?

Xem ra lối kết luận trên đây không hợp luận lý.  Tuy nhiên, thinh lặng một chút ta sẽ thấy có điều phải suy nghĩ lại trong lối viết văn của Luca.  Luca không trình bày rõ lòng sám hối của con người nhưng làm nổi bật lòng xót thương của Chúa.  Ở Luca tôi thấy dựa vào lòng xót thương của Chúa mà ta có thể về chứ không phải sự tốt lành của ta.  Lối kết luận này vẫn hợp lý, và chỉ hợp lý khi ta giả sử là người chăn chiên tìm thấy, rồi con chiên đồng ý trở về.  Sự đồng ý trở về ấy Chúa coi như lòng sám hối.

Một đêm dừng chân trên lưng núi, Chúa thao thức vì một tâm hồn.  Giờ này con tôi ở đâu?  Tiếng lòng vọng về đáp trả giữa đêm đen vẫn chỉ là một khoảng không cô tịch.  Cũng trong tiếng lòng ấy, vọng về nỗi thương, Người phải đi tìm vì đó là con của Ngài.  Ruổi rong cho đến khi gặp, nhưng vì còn tự do của nó, Ngài chỉ có thể thương yêu hỏi:

– Cha muốn con về.

Ánh mắt người chăn chiên có nỗi đau thương vì Satan đã lừa gạt con của Ngài.  Nhưng khổ tâm, Satan cũng đã không cưỡng bách được sự tự do của con cái Ngài.  Ra đi vẫn là một lựa chọn tuỳ ý.  Trở về cũng thế, Ngài chỉ có thể hỏi đứa con ấy:

– Con có muốn trở về?

Trong cái gật đầu mệt mỏi của con chiên lạc, Ngài mừng rỡ vác lên vai mà đem về.  Chỉ ở điểm này, gọi đó là lòng sám hối, ta mới có thể chấp nhận kết luận kia hợp lý.

*****************

Lạy Chúa, một lần ra đi, một quãng đời nào của con vương trong bụi gai chẳng còn lối thoát.  Chúa thương tìm con về.  Bụi đất làm con xơ xác.  Chúa chẳng ngại, Chúa bế con rồi ôm trên vai. Chúa không sợ dơ áo của Chúa vì những vết thương của con lâu ngày mưng mủ.

Lối trình bầy Tin Mừng của thánh sử Luca cho con thấy rực lên lòng thương xót của Chúa đi tìm con hơn là con sám hối ăn năn.

LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.
Trích trong tập sách “Con Biết Con Cần Chúa”

TÔI: NGƯỜI CON HOANG ÐÀNG

Tôi bước vào đời với một giấy thế vì khai sinh bằng tiếng Pháp, trong đó có ghi “fils de parents inconnus”: con của cha mẹ vô danh.  Lần đầu tiên tôi biết họ tên mình đúng như được ghi trong khai sinh là khi tôi đọc danh sách học sinh thi vào trung học.  Trước đó, người ta gọi tôi là A-Ki.  Ðến bây giờ tôi không biết vì sao tôi có cái tên đó, phải chăng vì vào thời ấy, người ta có thói quen đặt tên chó là Ki, hay vì không biết tôi xuất xứ từ đâu nên hỏi là “À Qui ?”

Tôi lớn lên trong vòng tay của các chị Dòng Nữ Tử Bác Ái và các cha Thừa Sai Dòng Thánh Vincent de Paul.  Các cha mẹ nuôi của chúng tôi yêu thương những trẻ mồ côi với một tình thương vô vị lợi đến độ tôi thấy mình hụt hẫng, bởi lẽ suốt tuổi thơ, chúng tôi không nhận được một tình yêu “bình thường” nào như bao nhiêu bạn bè cùng lớp cùng trường.  Thế nên khi tôi 17 tuổi, tôi đã bắt đầu nổi loạn và làm tất cả mọi sự ngược lại với tất cả mong ước của mọi người.

Hết trung học, tôi đi vào cuộc đời trong tình trạng tứ cố vô thân.  Tôi thi vào Ðại Học Sư Phạm khoa Pháp Văn vì đó là nơi để tôi có thể trốn đi lính, được hưởng học bổng, mà lại khỏi phải học hành gì cả, vì tôi vốn là một học sinh từng đứng nhất lớp về môn Pháp Văn khi còn ở Yersin, một trường trung học công lập Pháp ở Ðà Lạt.

Tóm lại, từ năm 18 tuổi, tôi không thấy được những ân huệ mình đã được nhận, mà chỉ oán trách cuộc đời vì mình luôn ở vị thế thua thiệt so với những người chung quanh.  Tình yêu thương của Thiên Chúa mà các cha mẹ nuôi tôi đã dạy bỗng trở nên một lưỡi đòng đâm vào tự ái của tôi và là một cái cớ để tôi chống lại Người.  Tôi không thể chấp nhận một người Cha “toàn năng và yêu thương vô cùng” lại đối xử với tôi một cách bất công như thế, và tôi oán hận Người.  Tôi ngang nhiên lăn vào đời sống tội lỗi một phần vì buồn chán và một phần như một hành động thách thức Thiên Chúa.

Có lẽ các bạn không cần tôi phải kể lại những tội lỗi tôi đã phạm.  Các bạn chỉ cần biết rằng trong 10 giới răn, tôi không chừa một giới răn nào.  May ra là điều răn thứ năm: chớ giết người.  Mà tôi cũng không chắc nữa: có thể tôi cũng đã vô tình giết đi một mạng sống mà tôi từng đặt vào lòng một cô gái nào đó từng liên hệ với tôi…  Càng lao vào tội lỗi, tôi càng thấy mình kiệt quệ vừa thể xác về tinh thần, rồi đối diện với một lỗ hổng trống rỗng ghê rợn…

Ðể lấp đầy nỗi ám ảnh khủng khiếp này tôi cần có một người bên cạnh.  Tôi lập gia đình như một hành động chạy trốn, khi đang học năm cuối cùng đại học.  Trong 7 cô gái tôi cùng liên hệ một lúc, tôi chọn người mà mình chỉ mới quen được hai tháng.  Cô ấy là thanh niên gia đình Phật Tử từng đi biểu tình chống ông Diệm đàn áp Phật giáo.  Tôi kết hôn mà không thắc mắc gì đến Bí Tích Hôn Nhân.  Tôi đã tự tách mình ra bên lề Giáo Hội từ lâu rồi…

Cuộc hôn nhân ấy đưa tôi vào một đêm đen khác.  Thay vì tìm được lối thoát, tôi thấy mình rơi vào một ngục tù ngộp thở hơn.  Vì lớn lên bên cạnh những con người quá vô vị lợi, nên tôi trở thành một người chỉ biết đòi hỏi mà không bao giờ biết nghĩ đến hy sinh.  Vợ tôi có mang, tôi trả về cho gia đình cô ấy lo mọi sự…  Tôi không hề áy náy, và cũng chẳng thấy trách nhiệm gì.

Rồi tôi ra trường và chọn về Cần Thơ, trong khi vợ tôi vẫn còn ở Ðà Lạt.  Thỉnh thoảng cô ấy xuống ở với tôi một vài tháng.  Tôi chẳng biết thế nào là hạnh phúc, chỉ thấy toàn là phiền hà…  Nhưng tôi quá mệt mỏi nên cũng không hề nghĩ đến chuyện ly dị.  Vợ tôi chắc chắn là bất hạnh, nhưng thuở ấy tôi không bao giờ thoáng nghĩ trong đầu là tôi đang gây đau khổ cho một người câm lặng yêu thương mình.

Là một giáo sư, tôi không thể nào sống xô bồ như thời còn sinh viên.  Tôi phải chọn một nơi vui chơi mà vẫn giữ được “tư cách”.  Tôi tuyên bố mình là người Công giáo và đến sinh hoạt trong nhóm sinh viên Công giáo.  Vị Tuyên Úy Sinh Viên Công giáo Cần Thơ lúc bấy giờ là cha Hoàng Ðắc Ánh.  Cha là một linh mục trẻ, vừa lấy xong tiến sĩ thần học và cử nhân Kinh Thánh ở nước ngoài về, thế nên cha vừa cởi mở vừa sâu sắc.  Cha đến Cần Thơ với dự định thành lập tại đấy một trung tâm cho những trí thức Công giáo tương lai, như cha Pineau đã thực hiện tại Trung Tâm Phục Hưng, 44 Tú Xương Sài-gòn, vào thập niên 50.

Ði với bụt thì mặc áo cà sa.  Ði với sinh viên Công giáo thì đọc Sách Thánh.  Ngoài những giờ vui chơi “lành mạnh” tôi cũng dự những buổi chia sẻ Phúc Âm.  Tôi cũng đi dự lễ, cũng rước lễ vì không muốn các bạn thắc mắc, nhưng không bao giờ xưng tội…  Chúa đối với tôi là một trò đùa…  Tôi đóng kịch là người ngoan đạo, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn oán ghét Thiên Chúa, vì Người đã để cho tôi cù bơ cù bất trong cuộc đời và đặt nỗi tuyệt vọng trong một cái vỏ đàng hoàng của tôi: dù tôi có lăn lộn thế nào giữa đám đông, thì nỗi cô đơn của tôi cũng làm tôi ngộp thở từng giây từng phút.  Không ít lần tôi đã nghĩ đến một phương thức tự tử êm ái.

Cho đến mùa Phục Sinh năm ấy qua, tôi nghe đọc sự Thương Khó Chúa Giê-su…  Khi nghe vị chủ tế đọc lên: “Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con”, tôi bỗng rùng mình.  Trong khoảnh khắc, tôi thấy toàn bộ sự chua chát của Ngài: Ðêm cô đơn ở Ghết-sê-ma-ni, tù đày, tra tấn, nhạo báng, phỉ nhổ, con đường lên Núi sọ với thập giá, tiếng búa, mũi đinh… tất cả.  Và tôi cảm thấy Ngài là một người bạn chí thiết vì Ngài cũng đã bị cô đơn và bất công như tôi, hơn tôi.

Hôm đó là lần đầu tiên tôi về nhà tự ý mở Phúc Âm ra đọc lại sau mấy năm đọc máy móc với sinh viên.  Không phải tôi đến với Lời Chúa đâu, tôi muốn chỉ đọc lại tiểu sử của một Người Bạn mà tôi thấy giống mình.  Nhưng khi đọc Lu-ca về giây phút cuối cùng của Giê-su, thì tôi không còn hiểu gì nữa.  Lu-ca viết: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha”.  Tôi không thể hiểu tại sao một người bị bỏ rơi đến chết như thế mà vẫn còn tin tưởng và phó thác vào Cha mình.

Tôi đến trao đổi với cha Ánh.  Cha lắng nghe thật lâu mà không nói tiếng nào.  Cuối cùng cha đề nghị cùng đọc một đoạn khác của Lu-ca: đoạn “Người con hoang đàng”.  Tôi hiểu ý cha và bảo rằng tôi không muốn xưng tội đâu, vì tôi không biết phải xưng thế nào… tội của tôi nhiều quá.  Cha Ánh bảo: “Anh cứ nói với Chúa những gì anh nói với tôi nãy giờ...”  Rồi cha quỳ xuống trước mặt tôi và làm dấu Thánh Giá.  Bầu trời như sụp đổ ! Không còn một linh mục khuyên nhủ một người  “con hoang đàng” mà chỉ còn Thiên Chúa qua đại diện của Ngài đang quỳ cầu xin dưới chân tôi.  Tôi choáng váng.  Trước mặt tôi là hình ảnh một Thiên Chúa quỳ xuống để khẩn cầu tôi, để xin lỗi tôi: xin lỗi vì đã đem tình yêu vô biên của Người mà xúc phạm đến trái tim ti tiện của tôi.

Không thể nào đứng vững được, tôi sà xuống bên cha và lắp bắp: “Lạy Cha xin Cha tha tội cho con…” Tôi chỉ nói được có thế, rồi nghẹn họng…  nước mắt cứ chực trào.  Lâu thật lâu, tôi nghe: “cha tha tội cho con…” và tôi đã oà lên khóc…  Kể từ ngày có trí khôn, không bao giờ tôi khóc, tôi ghét cái sướt mướt của đàn bà, hèn!  Thế mà hôm đó tôi đã oà khóc như một đứa con nít…

và quả thật, kể từ ngày đó tôi đã trở thành một đứa con nít trong tay Cha trên Trời, Ðấng đã yêu tôi đến độ cho tôi cái đặc ân bị bỏ rơi giống như Con Chí Ái của Ngài.  Tôi đã chấp nhận lại cuộc đời và cuộc đời đã chấp nhận tôi.  Vâng, tôi là một đứa con hoang đàng trở về sau 10 năm chống đối, bởi vì tình yêu của Ngài mạnh hơn sự căm thù của tôi…

Tôi kể lại cuộc đời mình theo lời đề nghị của cha Uy, một linh mục trẻ DCCT, luôn thao thức gởi những chứng tích của Tình Yêu của Thiên Chúa đến cho từng người.  Tôi viết lại đây theo đức vâng lời, vì tôi nghĩ đã đến lúc cuộc đời của tôi không còn thuộc về mình nữa.  Sở dĩ tôi kể lại những đêm đen của đời mình, ấy không phải vì cuộc đời tôi có cái gì đáng nghe hơn cuộc đời một ai khác, nhưng chỉ để nói lên một điều mà hẳn nhiều người sẽ cho tôi là lộng ngôn nếu tôi không kể cái biến cố khiến tôi trở lại.

Và đây là điều duy nhất tôi muốn nói với những ai đang ở trong cô đơn, tuyệt vọng, tội lỗi như tôi trước đây: Bạn từng nghe rằng Thiên Chúa là một người Cha Nhân Lành đang chờ đợi bạn trở về xin lỗi Người, để Người có thể mặc cho bạn chiếc áo thượng hạng, mở tiệc lớn ăn mừng vì tìm lại một đứa con hoang đàng… Sai rồi ! Ðấy chỉ là câu chuyện trong dụ ngôn!  Nhưng trong thực tế cuộc đời, Chúa không hề đợi bạn trở về. Người vẫn theo sát bạn, quỳ dưới chân bạn mà khẩn cầu, mà xin bạn tha thứ cho Người, bởi vì Người đã xúc phạm bạn khi yêu thương bạn, bất chấp mọi vết nhơ mà bạn đã tạo ra cho tâm hồn chính mình.

Bạn hãy nhìn xuống đi, rồi cũng như tôi, bạn sẽ bắt gặp Thiên Chúa đã quỳ dưới chân bạn từ lâu để khẩn cầu.  Xin bạn hãy thương xót Người.  Bạn nỡ lòng nào… 

Phan-xi-cô Xa-vi-ê N.

CÔ ĐƠN

Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, là muốn nhận mà chẳng có ai cho.  Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ đợi chẳng xảy đến.  Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông, nên cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt.  Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng.  Bởi đó, vợ chồng có thể cô đơn bên nhau.

Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt.  Đã cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn.

Người ta gần nhau mà vẫn có thể xa nhau, vì trong cuộc đời, mỗi người đều có hai thế giới. Thế giới riêng trong cõi lòng tôi và thế giới ngoài vũ trụ. Thế giới tâm hồn tôi sụp đổ thì thế giới bên ngoài thành hoang vắng, vô nghĩa. “Lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Vì thế, tôi có thể cô đơn giữa đám đông. Cả vườn hoa chẳng có nghĩa gì nếu không có loài hoa tôi kiếm tìm. Người đưa thư trở thành thừa thãi nếu không có cánh thư tôi đang chờ mong. Chỉ một cánh hoa của lòng tôi thôi cũng đủ làm cho cả khu đồi thành dễ thương. Chỉ một cánh thư thôi cũng đủ làm cho bầu trời xanh thăm thẳm. Làm gì còn cô đơn nữa nếu đã có bắt gặp.

Tôi cô đơn khi thấy quanh mình chỉ là những dòng sông lững lờ, chỉ là những con nước thờ ơ. Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến được với người. Tôi cũng có thể cô đơn vì người không muốn đến với tôi. Cô đơn nào thì cũng là một hải đảo. Nhưng nỗi cô đơn bị người khác hờ hững thì cay đắng hơn. Khi tự mình không bước tới thì tôi cũng có thể tự mình bước ra khỏi hàng rào cô đơn đó. Còn nỗi cô đơn bị người khác thờ ơ thì đưa tôi vào nỗi buồn mà có khi đau đớn hơn tù đầy, có khi u ám hơn sự chết, vì đây là nỗi cô đơn tôi muốn chạy trốn mà chẳng trốn chạy được. Tôi thương, nhưng người khác có thương tôi không đấy là tự do của họ. Cho đi phần đời của mình mà không được đáp trả vì thế mới có xót xa.

Cô đơn của Chúa là nỗi cô đơn này.

Chúa đến với kẻ khác nhưng bị kẻ khác chối từ, gọi mà không có tiếng đáp trả, bởi thế, trong vườn Cây Dầu Ngài mới thấy cõi lòng trống trải. Trong cái trống trải ấy, theo Tin Mừng Máccô, Ngài tỏ lộ: “Linh hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc. 14:34).

Làm gì có cô đơn nếu có lời đáp trả. Không có lời đáp trả nên mới cứ phải chờ đợi. Đợi chờ không là khởi điểm của cô đơn sao. Đợi chờ càng lâu thì nỗi cô đơn càng dài. Chờ đợi mà chẳng bao giờ xảy tới thì nỗi cô đơn càng héo hắt. Làm gì có cô đơn nếu không có kiếm tìm. Làm gì phải kiếm tìm nếu đã đầy đủ. Vì thiếu vắng nên mới phải đi tìm. Khi sự thiếu vắng quá cay đắng thì nỗi cô đơn dẫn đến sự chết.

Sự thiếu vắng không hệ tại im lặng của không gian hoặc vắng bóng người mà hệ tại sự trống vắng của con tim. Có những quãng đời cô tịch, tôi đi một mình, nhưng càng lặng lẽ tôi càng thấy niềm vui nhiệm mầu trong hồn. Có những khúc đời chung quanh tôi tấp nập bước chân, rộn rã lời cầu chúc mà tôi vẫn nghe hiu hắt. Chúa cũng vậy, những đêm dài ở sa mạc chỉ có trăng và cỏ cây, chỉ có núi đồi và gió, nhưng Chúa không cô đơn. Chiều thứ sáu ở Jêrusalem tấp nập chân người mà cõi lòng Chúa thì hoang vắng. Trong vườn Cây Dầu có các môn đệ đi theo mà Chúa vẫn thấy lẻ loi.

Kẻ cô đơn là kẻ đi tìm niềm cảm thông nhưng chẳng gặp. Vì không gặp nên họ đành trở về thế giới nội tâm cô lẻ của riêng mình. Vì thế giới nội tâm đó đang heo hút trống vắng, nên họ chỉ bắt gặp sự thiếu thốn ở đó mà thôi. Sống trong thiếu thốn để rồi nhìn kẻ khác đầy đủ vì thế mới có nước mắt xót thương cho đời mình.

Ai cũng có lúc cô đơn vì chẳng ai đầy đủ. Ai cũng phải đi tìm vì ai cũng thiếu vắng. Nhưng có những thiếu vắng dễ tìm thấy. Có những thiếu vắng như mênh mông vô hạn. Khi Chúa mất hết tình thân, Chúa tìm đến với Chúa Cha: “Ôi! Cha cũng bỏ con sao”.

Khi lòng tôi tan nát, khi đời tôi đắng cay, tôi cũng vẫn còn hy vọng là Chúa. Nếu tôi mất Chúa thì đây mới là sự thiếu vắng hoang tàn nhất. Đây là cô đơn không còn lối thoát.

Trong nỗi cô đơn của tôi hôm nay, khi mà tôi không còn tìm đâu được niềm vui, tôi cũng sẽ nói với Chúa như chính Ngài đã nói với Chúa Cha: — Ôi! Cha cũng bỏ con sao.

* * * * *

Lạy chúa, con tin là Chúa hiểu cõi lòng con. “Ôi! Cha cũng bỏ con sao?”.  Đấy chính là lời nguyện của Chúa, lời nguyện của kẻ cô đơn trong giờ cô đơn nhất..

Chỉ có ai đã cô đơn mới có thể hiểu nỗi buồn, mới thấy cái hoang dại trong cuộc đời của kẻ cô đơn. Chúa đã cô đơn trên thập giá.

LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.

CHÚA KITÔ TRÊN HẾT

Có thể chúng ta đã nghe nói về vua Thánh Wenceslaus, bổn mạng của nước Tiệp Khắc, người sống hơn một ngàn năm trước đây.  Cha người là Quận Chúa Bohemia, một người tin Chúa, bị tử thương trong trận chiến khi Wenceslaus còn nhỏ.  Mẹ ngài chỉ mang danh Kitô hữu. Bà ngoại ngài, rất đạo đức, là Ludmilla đã nuôi dưỡng và dẫn dắt ngài thành môn đệ của Chúa Kitô.  Ảnh hưởng của Bà Ngoại làm Mẹ ngài ghen tức.  Em ngài là Boleslas âm mưu chiếm ngai vàng.  Một đêm kia như thông lệ, Wenceslaus đến cầu nguyện trước nhà tạm.  Tại nơi đây, ngay trước bàn thờ, Em ngài đã giết chết anh mình.

***************************

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng nếu chúng ta không “ghét” cha, mẹ và anh em, chúng ta không thể làm môn đệ của Người.  Trong ngôn ngữ Chúa Giêsu dùng, nếu một người muốn nói: “Tôi thích cái này, không phải cái kia” thì thực tế người ấy nói: “Tôi thích cái này, tôi ghét cái kia” chữ “ghét” ở đây chỉ có nghĩa là yêu thích kém hơn một đối tượng khác. Thánh sử Matthêô ghi lại ý muốn của Chúa Giêsu rõ ràng hơn: “Ai yêu cha, yêu mẹ hơn ta thì không xứng với Ta”.  Nói cách khác, Chúa Giêsu công bố rằng: ai muốn theo Người thì phải yêu mến Người hơn bất luận ai khác, hơn cả cha mẹ và gia đình.  Cảm ơn Chúa, hầu hết cha mẹ không giống mẹ và em của vua thánh Wenceslaus, những cha mẹ của chúng ta khuyến khích chúng ta yêu mến Thiên Chúa hơn hết mọi sự.

Chúng ta có là môn đệ Chúa Giêsu theo nghĩa đó không?  Cái gì là trên hết trong  cuộc đời chúng ta?  Với một số người là tiền bạc, với người say sưa là chai rượu, với người trác táng là tình nhân, với người bỏ lễ Chúa nhật là một vài giờ ngủ nướng, một vài giờ câu cá, hay cắm trại, với người tự phụ là hư danh, là lời tán tụng, xây dựng công bình cho mọi dân tộc và cho các tầng lớp xã hội nhiều người cho là thứ yếu.  Đây là điều Chúa Giêsu muốn nói: gương sáng của Người, giới luật của Người phải trên hết.

Thánh Wenceslaus đặc biệt yêu mến Chúa Kitô Thánh Thể.  Ngài xây dựng và sửa chữa các nhà thờ.  Ngài viếng Chúa mỗi ngày nhiều lần.  Ngài tự tay trồng lúa miến và nho để làm bánh Lễ và rượu Lễ.  Ngài không chỉ đến với Chúa Kitô để cầu nguyện mà Ngài còn đến với những người nghèo khó để giúp đỡ nhân danh Chúa Kitô.  Đó là điều Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay: yêu mến Chúa Kitô, chọn Chúa Kitô, theo Chúa Kitô, tưởng nhớ Chúa Kitô… trên hết mọi sự.  Vài giây phút nữa chúng ta sẽ cúi đầu nghiêng mình thờ lạy Chúa chúng ta khi chúng ta dâng Người lên Cha trên trời.  Hãy thề hứa đặt Người trên hết mọi sự vật, sự có mặt của bạn trong thánh lễ này đã là một bằng chứng bạn tôn Chúa Kitô trên hết mọi sự khác.  Hãy xin Thánh Wenceslaus và Thánh bổn mạng của bạn giúp bạn tôn Chúa Giêsu trên hết mọi ngày, mọi lúc.  Làm thế, bạn đang đi trên con đường làm môn đệ thật của Chúa Giêsu.

Gm. Arthur Tonne

***************************

Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu.  Amen!