Ý NGHĨA CỦA SỰ CẦU NGUYỆN

Người Hồi Giáo nói về ý nghĩa của việc cầu nguyện bằng một giai thoại sau:

Có một vị Hoàng đế nọ vào rừng để săn bắn, chiều đến, khi tới giờ cầu nguyện, ông trải tấm thảm ra trên cỏ, hướng về phía tây và phủ phục cầu nguyện với Đấng Ala như tục lệ của người Hồi Giáo.  Giữa lúc ông đang chìm đắm trong sự cầu nguyện thì có một người đàn bà hớt hải chạy vào rừng vì chồng bà đã bỏ nhà ra đi từ sáng sớm tới giờ mà vẫn chưa về nhà.  Người đàn bà sợ có điều gì không lành cho chồng nên bất chấp hiểm nguy, bà chạy vào rừng để tìm kiếm.  Trong cơn hốt hoảng, người đàn bà không nhìn thấy có người đang phủ phục cầu nguyện, bà bước qua đầu ông mà không hề cảm thấy hối hận để nói lên tiếng xin lỗi.  Vị Hoàng đế cảm thấy bị xúc phạm nặng nề nhưng ông cũng gắng gượng để tiếp tục cầu nguyện theo đúng luật dạy.

Khi ông cầu nguyện xong, trên đường trở về nhà, ông nhìn thấy người đàn bà vừa bước ngang đầu mình lúc nãy ngồi bên cạnh người chồng.  Bà cũng nhận ra người mà bà đã vô tình bước qua là vị vua của đất nước.  Bà liền đến xin lỗi vì đã tỏ ra bất kính với ông, nhưng không chút sợ sệt, bà phân giải:  “Tâu bệ hạ, vì bị cuốn hút trong sự suy nghĩ đến người chồng, hạ thần không còn nghĩ đến những vật xung quanh nên hạ thần cũng nghĩ rằng:  trong lúc cầu nguyện thì tâm trí của bệ hạ cũng bị cuốn hút và suy nghĩ về Đấng Ala và sẽ không còn tâm trí nghĩ đến những chuyện nhỏ mọn mà hạ thần đã làm.”

Nghe thế, vị hoàng đế lấy làm xấu hổ vì sự suy nghĩ nhỏ nhen của mình.  Tuy không phải là một bậc thầy trong đạo, nhưng người đàn bà đã dạy cho ông ý nghĩa của sự cầu nguyện.

*****************************

Qúy vị và các bạn thân mến,

Câu chuyện trên đây có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào về dụ ngôn người con trai hoang đàng mà chúng ta hẳn đã có dịp suy niệm trong mùa chay này.  Chúa Giêsu kể chuyện dụ ngôn về người con hoang đàng, nhưng điểm nhắm của Ngài lại là người con cả, hình ảnh của chính những người Biệt phái.  Người con cả không muốn nhập cuộc vui để mừng ngày người em trở về mà lại trách cứ người cha vì không ngó ngàng đến anh.  Anh ta nói:  “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ Cha, không hề trái lịnh cha một điều mà không bao giờ cha cho con một con bê nhỏ để ăn với chúng bạn”.  Nhưng người cha nói với anh:  “Hỡi con, con luôn ở với cha, mọi sự của cha đều là của con”.  Chúng ta đôi khi mang hình bóng người con cả, giữ luật Chúa và luật Giáo Hội, nhưng không chừng chúng ta không cảm nhận được rằng, chúng ta luôn ở bên Chúa, rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta.

Không cảm nhận được tình yêu thương của Chúa, không cảm thấy được ở kề bên Chúa, chúng ta cũng không nhận ra được rằng:  Tha nhân là người anh em của chúng ta.

Mùa Chay, chúng ta không ngừng được thôi thúc để quay trở về với Chúa, Người đang có đó và là người Cha đang chờ đợi chúng ta trong từng giây từng phút.  Người luôn giang rộng cánh tay để ôm ấp, vỗ về, yêu thương và tha thứ cho chúng ta.  Có cảm nhận được tình yêu của Người, chúng ta mới nhận ra được nơi tha nhân là người anh em của chúng ta.

*****************************

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nhận được tình yêu thương của Chúa và biết không ngừng chia sẻ tình yêu ấy với người anh em của chúng con.  Amen!

R. Veritas

BA NỖI ĐAU KHỔ

Trong thời thế chiến II, linh mục Titus Brandsma làm viện trưởng một đại học tại Hòa Lan. Ngài bị Đức Quốc Xã đem về trại tập trung ở Dachau. Nơi đây, ngài bị biệt giam trong một chiếc cũi nhốt chó cũ kỹ. Bọn lính gác mua vui bằng cách bắt ngài phải sủa lên như chó mỗi lần chúng đi ngang qua. Cuối cùng ngài bị chết vì bị tra tấn. Bọn lính kia đâu có ngờ rằng ngay giữa cơn thử thách, vị linh mục ấy vẫn tiếp tục viết nhật ký giữa những dòng chữ in trong quyển sách kinh cũ của ngài. Ngài kể lại rằng, sở dĩ ngài có thể chịu đựng được nỗi đau đớn là vì ngài biết rằng Chúa Giêsu cũng đã từng chịu đau khổ như thế. Trong một bài thơ ngỏ gởi Chúa Giêsu, ngài viết:  “Sẽ không có đau đớn nào làm con gục ngã, bởi con luôn nhìn thấy đôi mắt đầy khổ đau của Chúa. Con đường cô độc mà Chúa từng đi qua đã giúp con chịu đựng nỗi cay đắng một cách khôn ngoan. Tình yêu của Chúa đã biến màn đêm tăm tối trong con thành nguồn sáng rực rỡ. Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với con, chỉ cần ở lại thôi. Con sẽ chẳng còn sợ hãi chi nếu khi đưa đôi tay ra con cảm thấy Chúa đang ở bên con.” (Kilian Healy, Walking with God).

Sự thống khổ của Chúa Giêsu được chúng ta đặc biệt nhắc lại trong ngày hôm nay đã từng là nguồn sức mạnh cho rất nhiều người trong lịch sử. Giống như linh mục Brandsma, những người này sẽ không bao giờ chịu đựng nổi sự đau đớn nếu họ không biết rằng Chúa Giêsu đã từng chịu đau khổ như vậy, và Ngài hiện đang nâng đỡ họ trong giây phút thử thách.

Khi nhìn lại sự thống khổ của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Người đã chịu đau khổ dưới cả ba hình thức khác nhau.

Trước hết là Đau khổ tinh thần:  Chúa Giêsu chịu đau khổ này trong vườn Cây Dầu, Người đổ mồ hôi máu khi nghĩ đến thử thách trước mặt, đồng thời Người rất đau khổ khi các môn đệ phản bội và bỏ Người chạy trốn hết. Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm sự đau khổ tinh thần này, tỉ như một cậu bé 15 tuổi bỏ nhà ra đi đã mô tả sự đau khổ tinh thần của mình trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Parade như sau: “Tôi không bao giờ thực sự có được một mái nhà, tôi không bao giờ được thực sự nhìn thấy người cha của tôi. Tôi luôn cô độc… Tôi cảm thấy có gì sái quấy nơi tôi. Chắc là tôi tệ lắm. Tôi cảm thấy mình không hiện hữu, vì chẳng có ai yêu mến tôi.” Trong lúc đau khổ tinh thần như thế, chúng ta chỉ còn một nguồn an ủi duy nhất, đó là biết rằng chính Chúa Giêsu từng bị đau khổ như thế trước chúng ta, và Người hiện đang nâng đỡ chúng ta trong khi bị thử thách.

Tiếp đến, Chúa Giêsu từng bị đau khổ nơi thể xác:  Người bị đánh đập tàn bạo, bị đội mão gai và bị đóng đinh vào thập giá. Và chúng ta, ít nhiều cũng đã từng chịu những đau đớn phần xác. Đây là loại đau đớn mà bác sĩ Sheila Cassidy đã phải gánh chịu khi ở Chile vào đầu thập niên 1970. Cô là một bác sĩ y khoa và đã phạm một lỗi lầm tai hại là đã chữa lành vết thương cho một phần tử chống đối chính phủ. Cảnh sát đã bắt cô và tra tấn buộc cô phải khai tên những người dính líu đến phong trào chống đối.

Giống như Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, cô cũng bị căng thây trong bốn ngày. Nhớ về sự thử thách ấy cô viết:

Tôi cảm nghiệm được một cách mơ hồ về sự đau đớn mà Chúa Giêsu từng chịu. Trong suốt cơn thử thách, tôi luôn luôn cảm thấy Người ở đó, và tôi nài xin Người giúp tôi được kiên vững.

Cũng thế, trong giờ phút chịu đau đớn thể xác, chúng ta thường chỉ còn nguồn an ủi là biết rằng Chúa Giêsu đã từng chịu đau đớn như thế, và Người hiện đang nâng đỡ chúng ta trong cơn thử thách này.

Và cuối cùng, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu cũng từng chịu đau đớn về tâm linh.  Tỉ như, khi Người bị treo bơ vơ trên thập giá, dường như chính Chúa Cha cũng đã ruồng bỏ Người. Chúa Giêsu cầu xin: “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, sao Ngài lại bỏ rơi con” (TV 22:1). Tất cả chúng ta cũng từng gặp đau khổ tâm linh giống như Người. Nhiều lần, chúng ta cảm thấy như bị Chúa bỏ rơi. Đây là sự đau đớn mà Walter Ciszel, vị linh mục người Hoa Kỳ đã từng chịu khi bị cầm tù ở Nga suốt 23 năm. Có lúc, tâm linh ngài bị suy sụp đến mức gần như tuyệt vọng. Nhưng thay vì đầu hàng, ngài lại biết noi gương Chúa Giêsu trên thập giá, hướng về Thiên Chúa Cha trong cơn thử thách. Cha Walter Ciszel viết:

Tôi thưa với Chúa rằng, hiện giờ mọi khả năng của tôi đều cạn kiệt và chỉ còn Ngài là nguồn hy vọng duy nhất của tôi… Tôi chỉ có thể mô tả lại cảm nghiệm này giống như một sự ‘phó mặc‘”

Vào lúc bấy giờ, lần đầu tiên, cha Ciszel hiểu được những lời cuối cùng trên thập giá của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc. 23:46). Về sau, cha Ciszel nói rằng chính quyết định phó thác ấy đã giúp ngài kiên định và sống sót.

Như thế, Chúa Giêsu đã từng chịu cả ba sự đau đớn mà con người có thể gặp phải.  Người đau đớn tinh thần vì bị các môn đệ phản bội. Người đau đớn thể xác vì bị tra tấn, và sau cùng Người đau đớn tâm linh khi cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi. Đây chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu trao lại cho chúng ta, để khi gặp bất cứ đau khổ nào, chúng ta cũng biết hướng về Chúa Giêsu. Người hiểu được sự đau khổ của chúng ta và sẵn sàng nâng đỡ chúng ta. Từ đó, chúng ta hãy trở lại câu chuyện mở đầu nói về Cha Brandsma.  Khi gặp đau đớn dưới bất cứ hình thức nào, không có gì tốt hơn là chúng ta hãy lập lại những lời mà Cha Brandsma đã cầu nguyện với Chúa Giêsu:

Sẽ không có đau đớn nào làm con gục ngã, bởi con luôn nhìn thấy đôi mắt đầy khổ đau của Chúa. Con đường cô độc mà Chúa từng đi qua đã giúp con chịu đựng nỗi cay đắng một cách khôn ngoan. Tình yêu của Chúa đã biến màn đêm tăm tối trong con thành nguồn sáng rực rỡ.  Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với con, chỉ cần ở lại thôi. Con sẽ chẳng còn sợ hãi chi nếu khi đưa đôi tay ra con cảm thấy Chúa đang ở bên con.”

Lm Mark Link, S.J.

NGƯỜI ĐÀN BÀ 2000 NĂM TRƯỚC

Thân em như giếng giữa đường
Người khôn rửa mặt, người thường rửa chân
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai ?
(Ca Dao)

* * * * *

Bạn thân mến! Thế gian này đã dành cho người con gái thân phận long đong vất vả như vậy đó.  Tôi cũng là người con gái, được sinh ra và lớn lên trong miền đất Do Thái – Palestine  hơn hai ngàn năm về trước.  Ngày tôi khôn lớn, một người con trai đã đi vào cuộc đời của tôi, thế rồi một ngày kia tôi đã trở thành vợ của anh.  Sống bên anh, tôi phải đối diện với bao khó khăn vất vả và thiếu thốn, phải chống chọi với bao níu kéo mời gọi của người đàn ông không phải là chồng tôi.  Đã nhiều lần, người đàn ông ấy đã trao cho tôi ánh mắt đắm đuối say mê, đã rót vào tai tôi những lời nói yêu thương ngọt ngào.  Tôi biết thân phận mình là người con gái đã có chồng, tôi phải trung thành với chồng trong đời sống hôn nhân như đã thề hứa. Nhưng trong tôi có biết bao đam mê yếu hèn của con người.  Thời gian trôi qua, tôi qúa mệt mỏi, tôi không còn sức để chống chọi với những níu kéo mời gọi, với những đam mê thôi thúc của thân xác.  Tôi đã buông xuôi và vấp ngã, tôi đã phản bội chồng, tôi đã phạm tội ngọai tình …

Câu chuyện vụng trộm của tôi dần dần cũng có người biết.  Một ngày kia, người ta đã bắt gặp tôi nằm trong vòng tay của một người đàn ông không phải là chồng tôi.  Người ta đã tố cáo và mang tôi đến với các bô lão, các Kinh sư và Pha-ri-siêu, họ là những người đại diện cho luật lệ, họ đã nhanh chóng kết án tôi bằng cái chết:

– “Chiếu theo luật lệ, ngươi phải chịu ném đá cho đến chết”.

Tôi bàng hoàng với bản án khắt khe và tàn nhẫn. Thế là hết một kiếp người, thế là hết thân phận bọt bèo của người đàn bà.  Người ta dẫn tôi đi đến nơi chịu ném đá, những cánh tay giơ cao với tiếng la ó nguyền rủa, những hòn đá sẵn sàng tung bay từ lòng bàn tay nắm chặt. Tôi cúi đầu, cô đơn và lạc lõng bước đi trong thinh lặng và uất nghẹn. Còn người đàn ông đã cùng tôi phạm tội, ông ta đâu rồi nhỉ?  Ông đã cho tôi những lời yêu thương hứa hẹn, ông đã để lại những dấu vết hằn sâu trên thân xác của tôi.  Giờ này ông ở đâu? Ông có lên tiếng bênh vực cho tôi không ? Ông có nhìn thấy thân phận khốn khổ của tôi không ?

Trên đường đi, họ mang tôi đến trước mặt ông Giê-su, họ lên tiếng nói với ông rằng:

–  Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.  Trong sách Luật, ông Môi-sên truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”

Cách đây 1 vài giờ, họ đã đặt cho tôi bản án tử hình, giờ này họ lại xin ông Giê-su xét xử về bản án mà họ vừa mới quyết định, chẳng lẽ ông Giê-su này lại là người quan trọng và có uy quyền đến thế sao? Chẳng lẽ ông Giê-su này lại có thể thay đổi cả luật lệ nữa sao? Hay họ đang giăng 1 cái bẫy để chờ ông bước vào? Tôi chưa một lần gặp gỡ Giê-su, nhưng tôi được nghe bạn bè và những người xung quanh nói về ông:  Ông là người nhân hậu và thường dạy dỗ dân chúng về lòng quảng đại, về chân lý của yêu thương tha thứ …

Người ta tiếp tục hỏi ông Giê-su về bản án nhưng ông vẫn im lặng, ông không nhìn tôi nhưng cúi xuống dùng ngón tay viết trên đất. Tôi không biết ông viết điều gì, chỉ thấy ông cúi đầu im lặng và tiếp tục viết. Các bô lão, các Kinh sư và Pha-ri-siêu đứng vây quanh Giê-su, họ chờ đợi ông lên tiếng trả lời, nhưng câu trả lời của ông đã làm họ ngạc nhiên chới với:

–  “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi”

Họ mời Giê-su làm quan toà xét xử tôi, không ngờ Giê-su lại trở thành quan toà xét xử họ.  Họ đợi chờ Giê-su kết án tôi, không ngờ Giê-su lại kết án họ.  Họ mang đá đến để ném vào người tôi, không ngờ Giê-su lại ném một hòn đá vào lương tâm họ.

Phải chăng lương tâm của họ đã bị đánh động trước câu trả lời của Giê-su.  Phải chăng câu trả lời của Giê-su đã giúp lương tâm họ sống lại, bừng tỉnh khỏi u mê, nhận biết mình tội lỗi nên từ từ họ bỏ đá xuống đất, từng người một, kẻ trước người sau, họ rời khỏi đám đông và bước đi để lại hai con người, đó là một Đấng Yêu Thương và một người đàn bà khốn khổ.

Giêsu ngẩng đầu lên, ông nhìn tôi và hỏi:

– “Này chị, họ đâu cả rồi? Không còn ai lên án chị sao?”

– “Dạ thưa không còn ai cả. Còn ông, ông không kết án con sao?“

Giê-su nhìn vào mắt tôi, trong dịu dàng vỗ về và nhân hậu, ông nói:

-“Tôi không kết án chị đâu. Chị về đi và đừng phạm tội nữa”

Nghe Giê-su nói, lòng tôi hân hoan nhảy mừng reo vui, tôi như người đã chết nay sống lại, một mùa xuân mới lại đến với tôi. Giê-su không kết án tôi nhưng đã cho tôi tình yêu thương tha thứ. Giêsu không sỉ nhục tôi nhưng đã tôn trọng và phục hồi nhân phẩm cho tôi. “Về đi và đừng phạm tội nữa”, câu nói ấy là bằng chứng Giêsu đã quên hết quá khứ lỗi lầm của tôi, đã không còn nghi ngờ sự yếu hèn trong con người của tôi, đã cho tôi sự tin tưởng, đã mở ra cho tôi một chân trời mới với mùa xuân của hy vọng và tươi sáng .

Trước khi gặp Giê-su, tôi là một tội nhân khốn khổ, bị sỉ nhục và bị kết án tử hình.  Sau khi gặp Giê-su, tôi được biến đổi thành một người mới qua sự tha thứ và yêu thương vỗ về. Chắc chắn rằng Giê-su luôn kết án tội lỗi, nhưng Ngài không bao giờ kết án tội nhân, Chắc chắn rằng Giêsu chán ghét tội lỗi nhưng Ngài luôn yêu thương và tha thứ cho tội nhân.

* * * * *

Bạn thân mến! “Về đi và đừng phạm tội nữa”. Đó là lời nhắn nhủ mời gọi mà ngày xưa Giê-su đã nói với tôi trong lúc đời tôi khốn khó.  Lời nhắn nhủ mời gọi đó vẫn còn tiếp tục vang vọng cho đến ngày nay. Bạn có nghe được tiếng mời gọi của Ngài không?  Hãy đến với Giê-su để lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài.: “ Về đi …Về đi và đừng phạm tội nữa”. Hãy cố gắng nỗ lực để thực thi lời mời gọi của Ngài bạn nhé !

Linh Xuân Thôn

LÒNG THƯƠNG XÓT

Câu chuyện xảy ra tại một hải đảo thuộc nước Italia, dân chúng qui định:  nếu một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, người ta sẽ buộc cổ người đàn bà này vào một tảng đá lớn, và quẳng xuống biển cho chết chìm.

Vào một ngày nọ, có một người đàn bà bị bắt quả tang về tội này, bà sẽ bị xử theo qui định.  Nhưng đến ngày xử mà người chồng vẫn còn đang đánh cá ở ngoài khơi, cho nên dân làng phải gia hạn thêm vài ngày nữa.  Người ta đã gia hạn nhiều lần nhưng vẫn không thấy người chồng trở về.  Cuối cùng, họ phải đưa người đàn bà ấy đến một vùng biển sâu, cột một tảng đá lớn vào cổ bà, rồi đẩy bà xuống nước.

Nhưng lạ lùng thay, hôm sau mọi người đều kinh ngạc thấy người đàn bà xuất hiện trong làng.

Thì ra, người chồng đã hay biết tất cả những gì xảy ra cho vợ mình.  Thay vì trở về chứng kiến bản án khắc nghiệt, ông ta tìm cách ở lại ngoài khơi, với hy vọng kéo dài cuộc sống cho vợ.  Và đến ngày xử án, ông đã đến núp sau một ghềnh đá lớn.  Khi người ta vừa ném bà xuống biển, ông đã đến đón lấy bà, tháo gỡ tảng đá ra và đưa bà về nhà.

********************************

Câu chuyện này gợi lại cho chúng ta phiên tòa xét xử người phụ nữ ngoại tình của những người không có lòng xót thương.  Họ hí hửng khi bắt gặp người đàn bà đang phạm tội ngoại tình và dùng bà để đưa Chúa Giêsu vào bẫy. “Thưa Thầy, trong sách Luật, ông Mô-sê truyền dạy chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này.  Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”  Hành động của những người bắt và tố cáo người phụ nữ này, thoạt nhiên có vẻ như là đang làm chuyện đúng đắn, bảo vệ thuần phong mỹ tục.  Nhưng đây chỉ là cái bẫy giăng ra để tìm cách hại Đức Giê-su.  Này nhé, chiếu theo luật Mô-sê, thì người ngoại tình và tòng phạm phải xử tử bằng hình phạt ném đá (Lv 20: 10, Đnl 22:22-24).  Nhưng theo luật của chính quyền thống trị Rô-ma thì người Do thái không có quyền lên án tử hình.

Vậy, nếu Đức Giê-su đồng ý với các kinh sư và luật sĩ, thì Ngài sẽ gặp rắc rối với chính quyền Rô-ma.  Còn nếu Ngài không tuyên án, thì Ngài bị coi là một vị thầy rab-bi giả hiệu, vì hễ là rab-bi chân chính thì đương nhiên chẳng phá Luật .  Nhóm chống đối Đức Giê-su rất hả hê vì họ nắm chắc phần thắng.  Đằng nào cũng chết.  Ra lệnh ném đá thì bị mang tiếng là bất nhân bất nghĩa, nói một đàng làm một nẻo.  Còn tha bổng thì lại là bất trung bất tín, đi ngược lại với giáo huấn của Mô-sê.  Giữa luật Rô-ma và luật Mô-sê, Ngài phải chọn đường nào?

Đúng là một chiếc ná bắn hai con chim.  Người phụ nữ bị bắt chẳng qua chỉ là cái cớ để họ xét xử Đức Giê-su.  Đức Giê-su chẳng buồn đáp lại câu hỏi khiêu khích của họ.  Ngài im lặng cúi xuống viết trên đất.  Viết những gì?  Có người cho rằng, Đức Giê-su đã vạch tội của họ trên nền đất.  Người khác nghĩ rằng, Đức Giê-su im lặng ngồi vẽ lung tung là thờ ơ với âm mưu của họ.

Dù sao, sự im lặng này làm tất cả mọi người đều hồi hộp.  Rõ ràng là Đức Giê-su đang tỏ thái độ bất hợp tác.  Vì họ cứ hỏi mãi, nên Ngài ngẩng đầu lên và bảo : “Ai trong các ông sạch tội, cứ lấy đá ném chị này trước đi!”  Và rồi chuyện kể rằng, mọi người lần lượt bỏ đi, đám đông tự giải tán.

********************************

Chỉ có hai cách để trả lời câu chất vấn của Đức Giê-su.  Một là nhận lỗi và xin tha thứ. Hai là lẳng lặng rút lui.  Vì đám đông không dám hoặc không muốn đối diện với tình trạng tội lỗi của mình, họ đã từng người một quay lưng bỏ đi.  Họ không có lòng thương xót người phụ nữ lầm lỡ nên họ đã mất đi một cơ hội chứng kiến lòng xót thương của Đức Giê-su.  Thánh Âu-tinh nhận xét :  Tất cả những kẻ tố cáo đều rút lui.  Chỉ còn lại hai người : một con người yếu hèn và một Đấng đầy lòng thương xót.

Đúng ra họ nên ở lại. Người phụ nữ đã ở lại, và chị nhận được lòng thương xót.  Đức Giê-su, với sự cảm thông cho thân phận yếu hèn của con người, đã ban cho chị ơn tha thứ và bình an. Người phụ nữ không phải là vô tội.  Đúng theo Luật, chị đáng phải chết.  Nhưng Đức Giê-su không xử với chị bằng lý, nhưng bằng tình : “Chị về đi; từ nay đừng phạm tội nữa!”  Chính cách đối xử nhân ái đầy tình người đó đã động viên chị và cho chị một khởi đầu mới.

Hình phạt có thể làm người ta sợ.  Công lý có thể làm cho người ta e dè.  Nhưng chỉ có tình thương mới biến đổi phận người.  Chỉ có lòng thương xót cảm thông mới cho con người động lực đứng lên sau bao lần quỵ ngã.  Đức Giê-su đã dùng tình thương chứ không phải công lý để cảm hóa người phụ nữ kia, cũng như ngài đã từng làm với Za-kêu, với Lê-vi, và bao người tội lỗi khác.  Ngài đã nhìn họ với ánh mắt xót thương, thông cảm, chứ không phải bằng ánh mắt xét nét, bắt bẻ.

Ngoại trừ Đức Giê-su, chẳng ai có tư cách để ném đá người phụ nữ kia.  Thế nhưng, ngài đã chọn để gánh lấy tội của người phụ nữ ngoại tình, và chết thay cho chị trên thập giá.  Ngài cũng chọn để gánh lấy tội của bạn và tôi, và tha bổng cho chúng ta bằng chính giá máu của ngài.  Ôi tình yêu cao cả!  Ôi lòng thương xót tuyệt vời!

Ước gì chúng ta biết chạy đến cùng Giê-su trong sự vấp ngã của chúng ta.  Ước gì lòng thương xót của ngài thay đổi cuộc sống chúng ta.  Ước gì  sự thông cảm của ngài là động lực giúp chúng ta vươn lên, vượt thắng cám dỗ và tội lỗi.

********************************

Lạy Chúa, tất cả chúng con cũng như người phụ nữ này.  Tất cả là những người tội lỗi không có tư cách cầm đá ném kẻ khác.  Xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.  Xin Chúa thanh tẩy chúng con trong tình thương của Ngài để chúng con một lần nữa được thoát khỏi ràng buộc của tội lỗi và có sức mạnh để chống trả cám dỗ.  Xin đổi mới trái tim chúng con để chúng con biết xót thương nâng đỡ anh em mình như Chúa đã thương xót chúng con.   Amen!

Antôn Bảo Lộc

TRANG HỒI KÝ CỦA TOÀ GIẢI TỘI

Ngày… tháng….năm….

Đã lâu không có ai vào đây, nhưng một mùa Chay nọ, câu chuyện xảy ra.

Người thanh niên ngồi dưới cuối nhà thờ lâu lắm. Người ấy đến đây mấy lần, chỉ ngồi trong nhà thờ thôi, không vào đây. Tôi là tòa giải tội lâu ngày không có người vào. Tôi cầu nguyện, tôi xin cho có một người vào đây với Chúa đi. Cây thánh giá treo trên tường cũng bụi bám, vắng thật vắng. Tôi cầu nguyện nhiều, và sau cùng, tôi thấy anh ta từ từ bỏ ghế ngồi đi lên. Lòng tôi hồi hộp cầu nguyện thêm, tôi xin cho anh đừng bỏ cuộc. Rồi, người thanh niên đến gần, ngó vào tòa giải tội, ngại ngùng. Tôi lại lấy hết tâm hồn cầu nguyện cho anh. Dáng đi của người thanh niên vất vả, có ai kéo anh lại? Tôi cầu nguyện thêm, cầu nguyện thêm. Sau cùng, người thanh niên giơ tay đẩy nhẹ cánh cửa, bước vào.

Tôi là tòa giải tội ở đây qua bao nhiêu thế hệ, gần trăm năm nay rồi còn gì, từ thế hệ cha ông của những người trong họ đạo này cơ mà. Như tôi viết ở trên, tôi chứng kiến rất nhiều thăng trầm của cuộc đời. Nhất là nhìn thấy không biết bao nhiêu biến cố lạ lùng đã xảy ra. Trong góc nhỏ nhà thờ này mà chứa không biết bao nhiêu phép lạ. Vì những phép lạ ấy rất hạnh phúc, rất riêng tư nên người ta muốn giữ kỷ niệm đó cho riêng mình, ít người nói ra.

Người thanh niên nói với Chúa:

– Lạy Chúa, mỗi lần đến với Chúa qua tòa giải tội này là đời con được tái sinh, con hạnh phúc hơn, yêu đời hơn, sao con vẫn cứ ngại ngùng hả Chúa?

Trên bóng thánh giá, Chúa nhìn người thanh niên trả lời:

– Con ạ, ma quỷ rất sợ tòa giải tội. Nơi đây là trận chiến thảm bại nhất của nó. Con có kinh nghiệm mỗi lần đến với Cha rồi ra về, lòng con vui hơn, cuộc đời nhẹ thênh thang, nhưng con vẫn ngại vì ma quỷ không muốn buông tha một người đang trên đường thuộc về nó. Lúc nào con ngại tòa giải tội là lúc ma quỷ gần con nhất. Nó đang giữ chân con lại. Chính lúc đó là lúc con lại cần tòa giải tội hơn lúc nào hết.

– Thưa Chúa, Chúa biết mọi tội con rồi sao con lại còn phải đến đây, sao Chúa không tha cho con đi?

– Con rất yêu quý của Cha, con hiểu lầm tình yêu của Cha trong tòa giải tội này rồi. Lòng của Cha luôn bao dung. Con không nhớ trước khi người con hoang đàng trong Phúc Âm trở về thì cha nó đã mong chờ nó rồi sao? Mong nó về là tha thứ hết rồi. Cha nó có hỏi tội nó đâu? Trước khi con đến đây, ngay khi con phạm tội, hôm đó lòng Cha buồn khôn tả. Con phạm tội xong, con bước đi u buồn lững thững, con giấu diếm Cha, con giấu diếm người chung quanh. Cha thấy thương con quá đỗi. Cha tha cho con ngay hôm đó rồi.

Người thanh niên im lặng lắng nghe. Anh trầm ngâm suy nghĩ. Một phút tĩnh mịch trôi qua. Lòng nhà thờ có con chim sẻ kêu chim chíp. Chúa thấy người thanh niên im lặng, Ngài nói tiếp:

– Cha chán tội, Cha không muốn nghĩ đến tội. Cha chỉ nghĩ đến tình thương và sự đau khổ. Cha thấy con lầm lũi đi, con không dám nhìn trời, con giấu diếm Cha. Con rước lễ mà lòng con chán ngán. Cha biết con đau khổ. Cha nghĩ đến khổ đau trong con. Con ạ, con là con của Cha.

Chúa mới nói tới đó thì người thanh niên cúi xuống tay ghế quỳ chảy nước mắt. Con chim sẻ bay ngơ ngác với tiếng kêu nhiêm nhiếp. Trong dòng nước mắt, người thanh niên cố nói như muốn trách Chúa thêm:

– Thế sao con lại phải đến đây?

– Con yêu quý, như con thấy, chỉ khi nào người con hoang đàng trở về nhà thì nó mới có ăn. Nếu không về, nó chết đói bên bầy heo. Cho dù người cha tha lâu rồi, nhưng không về nó vẫn chết vì đói. Sự tha thứ đã được ban ra, nhưng để lãnh nhận con phải giơ tay. Nhà cha có cơm gạo nhưng con sẽ đói nếu không ăn. Con hiểu ý của Cha không?

Cũng như chiều nay, khi con ngồi trầm ngâm trong nhà thờ, Cha thấy con, Cha thấy rõ con. Cha tha cho con lâu rồi. Cha tha cho con ngay khi con bước đi buồn bã vì tội trong con. Cha thương và Cha tha ngay.

Trong tiếng xót xa, người thanh niên hỏi Chúa:

– Cha tha mà sao lòng con cứ bối rối hoang vu?

– Con ạ, con không thể cảm nghiệm được tình thương của Cha cho đến khi con giơ tay lãnh nhận. Huyền diệu của tình yêu là chỉ khi nào người kia lãnh nhận thì tình yêu ấy mới thật sự thành tình yêu. Sự cao cả của tình yêu là tự do nên tình yêu không bao giờ đến từ một chiều. Khác biệt huyền diệu của tình yêu và sự thù ghét là sự tự do ấy. Khi thù ghét, người ta dùng bạo lực bắt người kia đau khổ. Tình yêu thì không, phải có người nhận tình yêu mới là tình yêu. Tình yêu cho đi mà không người nhận, tình yêu lại trở về với người đã trao ban. Người con hoang đàng không trở về sẽ không cảm nghiệm được sự tha thứ, không cảm nghiệm được tình thương của cha. Cho dù người cha có đẩy tình thương và sự tha thứ đi tìm kiếm nó, cũng sẽ không gặp nó.

Người thanh niên lắng nghe, quỳ im lặng. Tôi là tòa giải tội. Mỗi lần xảy ra như thế, lòng tôi hạnh phúc xót xa. Trong tôi có vui lẫn bùi ngùi. Trong xót xa có cái tiếc nuối, có thương tội nghiệp, có thật thà. Tôi mong có người đến với tòa giải tội là thế. Nơi ấy giữa Chúa và người ta gặp nhau cách kỳ diệu nhiệm mầu. Rồi người ta ra về với một trời mới, đất mới. Cỏ cây xanh tươi. Nắng chan hòa ấm cúng trong lòng người. Cứ mỗi lần chứng kiến như thế, đời tôi cũng hạnh phúc vô cùng. Vì thế, tôi cứ muốn làm tòa giải tội ở đây, dù cả tháng chỉ có vài người tới, tôi vẫn cứ muốn ở đây. Tôi lắng nghe tiếp Chúa và người thanh niên đang nói chuyện:

– Con đến tòa giải tội không phải tìm sự tha thứ mà để cảm nghiệm sự tha thứ. Cũng như người con hoang đàng, không phải về để cha tha, mà để cảm nghiệm sự tha thứ và được sống.

– Ngày con phạm tội, con ơi, con bước đi u buồn, con không dám nhìn Cha. Trên thập giá, Cha nhìn xuống tội nghiệp con. Về phần Cha, Cha luôn tha thứ cho con. Cha đẩy sự tha thứ đi kiếm tìm con. Nhưng để cảm nghiệm tình yêu ấy vào trong hồn con, lại tùy ở con có về để lãnh nhận hay không.

Con yêu dấu, khi con đến tòa giải tội giơ tay lãnh nhận, tình yêu là ơn cứu độ trên bàn tay mang dấu đinh ở cây thánh giá này đổ xuống tay con.

Cha quý ơn sủng của Cha vì bàn tay Cha rất đau, nên khi cho ai ơn sủng ấy Cha nhớ người đó mãi. Con có thể quên ngày hôm nay, cũng như con đã quên những lần xưng tội trước vì khi lãnh nhận con chỉ giơ tay. Tay con không đau như tay Cha. Còn Cha, Cha không thể quên con vì tay Cha đã rất đau đớn với ân sủng này.

Con ơi, khi cho người nào ân sủng ấy, Cha nhớ người đó.

Con chim sẻ lại bay. Nó ngơ ngác như muốn tìm một đường bay nào đó mà không rõ. Tiếng kêu chim chíp vang trong lòng nhà thờ vắng. Người thanh niên vẫn cúi đầu, nói với Chúa:

– Lạy Cha, xin thương xót con. Xin cho con cảm nghiệm được tình thương của Cha.

Chúa nhìn người thanh niên, chậm rãi nâng bàn tay rất đau đớn, ôm người thanh niên. Người thanh niên cúi đầu lãnh nhận. Tôi thấy mắt người thanh niên rướm lệ. Còn tôi, chiếc tòa giải tội gỗ, tôi lại chứng kiến một trời mới và một mùa xuân thiêng liêng mới đang nở trong lòng nhà thờ.

Lm. Nguyễn Tầm Thường, SJ.
Trích trong “Cô Đơn Và Sự Tự Do”

TRONG ÐẠO

Câu chuyện người con hoang đàng trong Phúc Âm Luca cho ta thấy cần suy nghĩ nhiều về những người con “không” hoang đàng.

Chuyện kể về người cha có hai đứa con, đứa con thứ ra đi sống trác táng phá tan cả sản nghiệp. Ta kết tội nó là đứa con hoang đàng. Còn người con trưởng ở lại thì sao? Nó không bỏ nhà đi hoang, như thế là một mẫu mực rồi chăng?

Người cha lạc lõng

Người cha chỉ có hai đứa con. Khi con thứ bỏ nhà ra đi, ông còn lại người con trưởng. Trong câu chuyện ta không thấy nhân vật con trưởng này xuất hiện trong cuộc đời liên hệ với cha nó, không thấy liên hệ với em nó. Mãi đến cuối câu chuyện mới thấy xuất hiện, sự xuất hiện này là một bùng nổ đã âm ỉ từ lâu, nó chống lại cha nó và em nó.

Thật ra, người cha mất cả hai đứa con chứ không phải một. Ðứa con thứ bỏ nhà đi. Ðứa con trưởng ở lại nhưng không sống với thái độ là con. Nó đã rõ ràng xác nhận như thế: “Tôi làm tôi cho ông” (Lc. 15: 29).

Lạc lõng không phải là một mình mà là không gặp cái mình tìm. Cái mình không cần mà vẫn có thì là dư, bởi thế, lạc lõng là đi giữa đoàn người mà vẫn thấy vắng, đi giữa cuộc đời mà cứ lẻ loi. Người cha có hai nỗi khổ tâm. Khổ tâm thứ nhất là vắng mặt của người con thứ. Khổ tâm thứ hai là có mặt mà như là thừa của người con trưởng.

Vắng mặt một người là mất mát, nhưng có nhớ. Nhớ và thương làm giây liên hệ tình cảm gần lại. Vắng mặt nên ta có nhiều chân trời tưởng tượng để sống với những cảm tình ấp ủ, với hy vọng. Do đó, có thể niềm an ủi của đau khổ vì mất mát là không đau khổ bằng có mặt mà thừa. Nếu có mặt mà thừa thì không còn chân trời nào để thoát nữa. Thực tế là phũ phàng phải đối diện mặt gặp mặt. Bởi đó, có mặt mà thừa thì dằn vặt hơn là vắng mặt mà nhớ.

Vào vị thế của người cha trong câu chuyện, Ðức Kitô mang cả hai tâm trạng đau khổ. Ðau khổ vì một đứa ra đi và khổ đau vì đứa ở lại trong nhà nhưng cõi lòng vẫn là cách xa.

Một cõi lòng xa cách

Xét về bản văn thì phần nói về người con trưởng cũng dài gần một nửa. Chiếm khá nhiều lời, bởi đó, ta có thể lưu tâm, tìm hiểu thái độ người con trưởng dựa vào trình thuật này.

  • Thái độ đối với cha. Ở trong nhà cha, nhưng anh ta sợ cha và vâng phục trong thái độ của kẻ làm tôi tớ. “Ðã bao năm trời tôi làm tôi ông.” Như thế gần cha mà vẫn xa. Mỗi lần bỏ lễ Chúa Nhật, tôi bối rối vì tội. Nếu bối rối này đến vì sợ Chúa phạt chứ không phải tiếc nuối đến từ lòng mến thì Chúa chưa phải là cha. Ðôi khi nhìn vào lề luật, đã chẳng có những lúc thầm nghĩ: “Giả sử mình không có đạo thì đỡ hơn, bây giờ lỡ biết Chúa rồi không dám bỏ.” Nếu đời sống đạo của tôi là thế thì tôi phải xin Chúa cho tôi gặp gỡ Ngài vì tôi ở trong nhà Ngài nhưng rất xa Ngài.
  • Thái độ với tha nhân. Anh ta gọi đứa em của mình là “thằng con của ông” (Lc. 15: 30). Anh ta gạt nó ra khỏi tình nghĩa liên hệ với mình. Làm sao trong Giáo Hội mà tôi có thể tách rời khỏi tha nhân. Khi hai xứ đạo bên cạnh nhau mà một xứ xây nhà thờ nguy nga, một xứ nghèo nàn. Lý luận thông thường là tuỳ ngoại giao của cha xứ, nếu ngài quen biết nhiều thì có nhiều tiền. Dĩ nhiên không thể có sự phân chia đồng đều tuyệt đối, nhưng cứ nhìn vào thực trạng, ta có nhiều dấu chỉ phải suy nghĩ về những mối liên hệ trong cộng đồng nhân loại và Giáo Hội.

***********************************

Chúa Kitô đợi chờ những tấm lòng thao thức của con cái trong nhà đối với công việc của Người. Người làm công thì không thao thức, và họ chẳng có bổn phận phải thao thức. Tôi nghĩ, một phần vì nền giáo lý lúc còn trẻ, ta không được dạy cho ý thức sâu sa sự thao thức về Giáo Hội. Bởi đó, công việc truyền giáo, người giáo dân Việt Nam không đặt vấn đề suy niệm là bao. Ít khi ta băn khoăn nhìn một ngày mới và hỏi lòng, tôi sẽ làm gì cho Giáo Hội. Ít khi chiều về ta đặt thao thức Giáo Hội của tôi hôm nay thế nào. Có khi nào tôi cảm thấy niềm đau chung với Giáo Hội và hân hoan niềm vui với Giáo Hội không. Sự ít ý thức đó cũng là nguyên nhân phần nào đưa đến cạnh tranh nhau trong công việc tông đồ. Việc tông đồ của mình phải thành công hơn người khác, thậm chí có khi còn hạ người khác xuống. Ngày nào tôi không nghĩ tới Giáo Hội, ngày đó tôi chỉ là khách trọ trong Giáo Hội, hoặc là người làm công mà thôi. Giáo Hội đã bị giáo dục như là một cơ chế quyền bính hơn là nhà của tôi.

***********************************

Tôi nghĩ thái độ làm công trong nhà của người con trưởng là đề tài rất quan trọng. Tại sao?

Ta hãy nhìn lại đoạn văn tả về thái độ “làm tôi tớ trong nhà” của người con trưởng với đoạn văn mà người con thứ nói với cha nó khi nó trở về. Trong các lớp Kinh Thánh, khi tôi đặt câu hỏi: Sau những ngày hoang đàng trở về, người con thứ thưa với cha mình như thế nào? Hầu hết các bạn đã trả lời thế này:

– “Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với trời và trước mặt cha con không còn đáng gọi là con cha nữa. Xin xử với con như một người làm công của cha thôi” (Lc. 15: 18-19).

Câu trả lời này sai. Ðiều đáng buồn là có người đọc, nghe đoạn Tin Mừng này nhiều lần rồi mà không không biết sai ở chỗ nào. Câu trên đây là dự tính sẽ nói của nó khi nó còn đang phải chăn heo. Nó suy tính phải nói gì đây khi về gặp cha. Và nó đã sáng tác ra câu này. Ðộng lực thúc đẩy nó về là vì đói. Thánh Luca kể rằng “nó hồi tâm lại thấy biết bao người làm công có dư thừa bánh ăn mà nó phải chết đói ở đây. Thôi dậy, tôi về cùng cha tôi” (Lc. 15: 17-18). Vì thế, nó xin cha xử với nó như một người làm công. Ðối với nó câu này mang nhiều ý nghĩa.

Nhưng thật tuyệt vời là câu này lại bị người cha gạt bỏ. Ðối với nó, câu này là sống còn, phải xin cho bằng được làm công. Nếu không, lấy gì mà ăn. Khi gặp cha, nó lặp lại y chang những gì nó đã suy tính lúc còn chăn heo. Nhưng nó vừa nói tới câu “con không còn đáng gọi là con cha nữa”, thì cha nó cắt ngang. Ông vội nói với gia nhân: “Mau mau đem áo thượng hạng mà mặc cho nó” (Lc. 15: 21-22). Như vậy là lúc nó thực sự nói với cha thì không có câu “xin xử với con như một người làm công.”

Cái ý nhị và sâu thẳm trong đoạn văn, cái tinh tế trong lối viết của Luca là đó. Chúa không muốn nghe ta xin làm tôi tớ trong nhà. Dù có lỗi phạm, ta vẫn là con. Dù có phiêu bạt chân trời nào thì Chúa vẫn là cha. Chúa không đổi bản tính làm con xuống hạng tôi tớ. Im lặng mà lung linh tuyệt vời khi dừng chân nhìn vào ý nghĩa của đoạn văn ấy.

***********************************

Nhìn thế, ta thấy đoạn văn đó liên hệ chặt chẽ với lời tự thú của người con trưởng: “Ðã bao năm tôi làm tôi ông.” Lời này đã bị cha dìm đi, ông không muốn nghe, ông gạt đi khỏi miệng người con thứ, thì nó lại được người con trưởng công bố. Người cha không muốn nghe người con thứ trở về nhà mà xin làm tôi tớ, hẳn ông khổ tâm thế nào khi người con trưởng xử sự với ông như chủ ông và gia nhân. Ðặt hình ảnh người con trưởng liên hệ trong toàn mạch câu chuyện ta thấy rõ hơn chiều sâu trong lối hành văn và nền thần học của Luca, và cái ý nhị của nền tu đức nữa là ta phải đặt một chiều sâu suy niệm với hình ảnh người con trưởng “không đi hoang” cần trở về như thế nào.

***********************************

Lạy Chúa,
so sánh mình với người khác có khi con thấy người khác cần trở về hơn con. Dấu chỉ con không cần trở về là con còn trong Giáo Hội, còn đi lễ, còn giữ các giới răn, có khi còn giữ chức vụ này nọ trong Giáo Hội. Không biết những lề thói con giữ đó có bảo đảm cho con rằng con gần Chúa không hay chỉ là tâm tình nô lệ. Biết đâu sự trở về của kẻ ở nhà lại cấp bách hơn kẻ đi xa. Nỗi đau khổ của cha vì đứa con thứ bỏ nhà đi chưa chắc đã nặng hơn nỗi khổ tâm do sự có mặt của người con trưởng. Biết đâu kẻ ra đi có nhớ, có thương.

Ðau khổ của nhớ thương là đau khổ buông theo chiều gió. Ðau khổ của có mặt mà thừa là đau khổ không có gió mà buông.

Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ
Trích trong “CON BIẾT CON CẦN CHÚA” của tác giả Nguyễn Tầm Thường

BAO DUNG

Câu chuyện người con hoang đàng trong Tin Mừng Luca (Lc. 15: 11-32) nói đến trở về. Mùa chay là mùa sám hối.  Ði tìm một khoảnh hồi tâm, ta hãy đọc lại đoạn Tin Mừng.

Người con hoang đàng

Từ xưa tôi vẫn nghĩ rằng hãy trở về như người con hoang đàng. Ðứa con hoang đàng như một mẫu mực trở về.  Khi thấy con về, người cha vui mừng quá làm tôi thấy sự trở về của người con như một hành động anh hùng.  Ðã bao năm tháng qua, tôi vẫn được nhắc nhở rằng hãy lên đường anh hùng, dứt khoát như người con ấy.

Ðọc kỹ đoạn Tin Mừng, tôi thấy man mác đó đây một mầu tím buồn.  Một giải mây tím buồn rất xa.  Ở một điểm nào đó, tôi thấy sự trở về của người con có làm cho cha vui, nhưng tôi vẫn không ra khỏi giải mây tím lặng lẽ. Trong sự trở về của người con hoang đàng tôi thấy có điều không ổn.  Rồi chiều nay, mùa chay lại trở lại.  Tôi muốn đọc lại đoạn Tin Mừng, chậm rãi hơn, lặng lẽ hơn để đi tìm cái không ổn của mầu tím đó.

Sau khi người con ra đi, thánh Luca viết về quãng đời của nó như sau:

Khi nó tiêu sạch cả rồi, thì khắp miền đó, lại sẩy ra nạn đói kém khủng khiếp và nó bắt đầu lâm phải túng thiếu. Nó đi sống bám một người dân trong vùng ấy; và người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó ước gì có thể lấy rau heo ăn mà thốn cho đầy bụng, mà cũng chẳng ai bố thí cho nó. Hồi tâm lại, nó nói: Biết bao người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi dậy! tôi sẽ về cùng cha tôi, tôi sẽ nói với người: “Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với Trời và trước mặt cha; con không còn đáng gọi là con cha nữa, xin cha xử với con như một người làm công của cha thôi”.

Ðộng lực nào khiến nó trở về?  Thánh Luca viết rõ: “Hồi tâm lại, nó nói: Biết bao người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi dậy, tôi sẽ về cùng cha tôi.”  Như vậy động lực khiến nó trở về chỉ vì đói.  Trước khi bị đói, không bao giờ thấy nó nhớ đến cha, không thấy sám hối vì bỏ cha đi, không thấy băn khoăn hồi tâm về căn nhà cũ, nơi còn có cha chẳng biết già yếu ra sao, không thấy nuối tiếc vì phá tan cả sản nghiệp của cha.  Sau khi bị đói nó mới băn khoăn tìm đường về.  Cái tự nhủ, băn khoăn của nó là làm sao để được ăn.  Nó dự tính nói với cha nó là nó trót phạm tội nghịch với trời, nó không còn đáng gọi là con, nó chỉ xin được đối xử như một người làm công.  Trong tự nhủ này có một ngập ngừng không đơn giản.  Tại sao nó muốn được đối xử như một người làm công?  Người làm công có dư bánh ăn!  Có phải, bây giờ muốn có bánh thì chỉ cần xin được làm người làm công?  Tôi không muốn khắt khe xét đoán sự trở về của nó.  Nhưng vẫn có một u uẩn trong lối hành văn của thánh sử Luca.  Ban đầu, vì đói nó mới về.  Khi hồi tâm nó nghĩ đến miếng bánh của người làm công được ăn.  Những ý tưởng này cho tôi nghĩ lời nói “trót phạm tội nghịch đến Trời và trước mặt cha; con không còn đáng gọi là con cha nữa”, mang một giá trị rất nhẹ của lòng sám hối.

Nếu nó được ăn rau của heo thì nó ngang hàng bằng heo.  Nhưng trước mặt người ta, nó không được ăn rau của heo, nghĩa là nó không giá trị bằng heo.  Cái hoang vu của mầu tím ở đây là nếu nó được ăn rau của heo thì liệu nó có trở về không?  Cái dằn vặt của một mầu tím khó tìm được câu trả lời là tại sao phải đợi đến khi ngay cả rau cho heo cũng không có ăn lúc bấy giờ mới về.  Ðó là cuộc lên đường về trọn vẹn sao?  Ðấy là cuộc lên đường thúc đẩy từ lòng sám hối sao?

Mỗi mùa chay, nghĩ đến cuộc trở về trong Tin Mừng thánh Luca, tôi lại mơ ước một cuộc lên đường trọn vẹn.  Tôi trở về trọn vẹn để xứng đáng lòng yêu thương của Chúa, hay chỉ có thể dựa vào lòng xót thương của Chúa mà tôi có thể trở về?

Thái độ của người cha

Khi nhớ thì mỗi chiều cách biệt là một quãng đời hoàng hôn xạm tím.  Lần rở lại những trang đầu của câu chuyện.  Ta thấy thánh sử Luca vẽ chân dung người cha bằng một sắc mầu rất đỗi chịu đựng.

Ngài còn nói: “Người kia có hai đứa con. Con thứ nói với cha: “Thưa cha, xin ban cho con phần gia sản thuộc về con!” Vậy người cha đã phân chia của cải cho chúng nó.  Không mấy ngày sau, đứa con thứ thâu góp tất cả của cải mà trẩy đi phương xa. Và ở đó nó sống trác táng phá tan cả sản nghiệp”.

Bắt đầu câu chuyện là đã thấy mầu tím u uẩn như những giây đàn han rỉ.  Nó như những giọt mưa buồn của một từ giã nặng nề.  Nó như những tiếng chuông trầm, cũng rất thong thả, rơi trong một chiều cô tịch, gõ vào lòng người cha, rất đìu hiu.  Khi người con từ giã, đi xa rồi, lòng người cha ở lại nghe những tiếng chuông ấy vọng về: “Xin ban cho con phần gia sản thuộc về con!”

Tôi không thấy mầu tím buồn trong hồn người cha than vãn, nuối tiếc vì số sản nghiệp bị mang đi. Nhưng có một ray rứt không buông thả trái tim người cha già tội nghiệp.  Cha mẹ chia của cải cho con cái khi biết mình sắp chết.  Con cái chia nhau sản nghiệp khi bố mẹ đã qua đời.  Tài sản của cha mẹ, nên chỉ khi cha mẹ gọi con cái đến chia, con cái mới được nhận, không khi nào con cái được quyền đến đòi cha mẹ phải chia cho mình.  Nhưng ở đây, người con không đợi nổi đến ngày cha mình chết. Nó mong sao ngày đó chóng đến.  Nhưng bao giờ?  Thôi! cha cứ chia cho tôi trước đi, đợi cha chết lâu quá!  Cha cứ chia đi rồi ngày nào cha chết tùy cha!

Người cha không nổi giận.  Ðưa cho con gói bạc mà thực ra nó chẳng có quyền đòi.  Người cha không tiếc gia nghiệp, nhưng tiếc một tình nghĩa đang mất.  Tiếng nói của người con: “Xin ban cho con phần gia sản thuộc về con” như những tiếng chuông báo tử của một linh hồn sắp lìa đời đang gõ xuống lòng người cha một sự thật đau đớn không thể chối từ.  Người cha nhìn về chân trời để thấy hồn mình là một nỗi sầu tím.  Người cha già giữ nỗi sầu tím ấy trong im lặng.

********************************

Lạy Chúa,
Bàn thờ đã giăng lên mầu tím của mùa chay.  Ngày ngày dâng lễ con thấy mầu tím nhắc nhở con trở về.  Con đã được dạy hãy lấy hình ảnh người con hoang đàng trở về làm mẫu mực.  Ðọc lại câu chuyện, con thấy sự trở về của nó không phải là một mẫu mực.  Sự trở về lý tưởng phải là sự trở về đến từ hồi tâm của tình yêu tha thiết.

Con thấy động lực thúc đẩy người con thứ trở về là miếng ăn.  Một cuộc trở về man mác buồn. Nhưng, những tối một mình trong thinh lặng, rồi, những trang Lời Chúa nói với con bằng một ngôn ngữ rất sâu.  Nếu cuộc trở về của nó mà trọn vẹn đến từ nước mắt thì câu chuyện thánh sử Luca trình bầy sẽ đẹp lắm, sẽ uy hùng lắm.  Câu chuyện trở nên thiên anh hùng ca, nhưng sẽ là thách đố sợ hãi cho con.

Nhìn lại những cuộc lên đường về của con, con thấy cũng giống vậy.  Con lên đường về cũng vì miếng ăn. “Khi tình yêu con còn mơ, tin yêu con dệt thơ thì tình Chúa hững hờ.”  Con trở về khi cuộc đời bầm dập con.  Nếu người cha chỉ hân hoan đón đứa con hoang đàng khi nó về với lòng sám hối ăn năn tận đáy lòng thì chắc Chúa ít có cơ hội đón con lắm.  Con trở về vì con muốn thiên đàng.  Con trở về vì con sợ hỏa ngục.  Con trở về vì đời hắt hủi.  Sự trở về của con vẫn đến từ nỗi sợ, từ sự thèm muốn, từ một cùng đường.

Cuộc trở về của đứa con hoang đàng trong Tin Mừng Luca không là mẫu mực lên đường về như một gương sám hối, mà con thấy là cuộc trở về dựa vào tình yêu của Chúa.

Làm sao định nghĩa được tình yêu.  Người ta nói như thế.  Người ta bảo không định nghĩa được tình yêu vì tình yêu phức tạp quá.  Con không nghĩ vậy.  Tình yêu khó hiểu không phải vì phức tạp mà vì nó quá sâu để hiểu.  Khi tình yêu phức tạp là người ta đang đày đọa tình yêu mất rồi. Chỉ vì miếng ăn người con mới trở về mà cũng làm cho người cha quá đỗi vui mừng.  Lòng xót thương của Chúa, con không hiểu được.  Con không hiểu được chẳng phải tình yêu phức tạp mà vì tình yêu quá sâu.

Con không thấy người cha hỏi đến gia nghiệp nó mang đi.  Con không thấy người cha thắc mắc bất cứ điều gì để làm cho tình yêu ra phức tạp.  Con không thấy người cha hỏi lý do nào nó trở về.  Con chỉ thấy người cha thương con của mình.  Lạy Chúa, con chỉ trở về được vì dựa lòng thương xót quá bao dung của Chúa.  Con sẽ chẳng bao giờ sám hối trọn vẹn được đâu, và như thế, bao giờ con về được nếu Chúa hỏi con bằng những câu hỏi phức tạp của một tình yêu phức tạp.  Nhìn vào tình thương của Chúa con chỉ thấy một chiều sâu.  Quá sâu.  Dựa vào đó, lạy Chúa, con xin về.

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J
trích trong “CON BIẾT CON CẦN CHÚA” của tác giả Nguyễn Tầm Thường.

ĐẤT THÁNH

Giữa cảnh đồi núi thiên nhiên hùng vĩ, một người chăn chiên đang lùa đàn súc vật đi ngang qua triền đồi, ông nhìn thấy ngọn lửa bùng cháy từ giữa bụi gai, nhưng bụi gai không bị thiêu rụi.  Ông nhủ thầm trong lòng:

– “Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi”.

Khi ông tiến lại gần, có tiếng nói réo gọi tên ông, ông thưa:

-“Dạ tôi đây”.

Tiếng nói ấy vang vọng nhắc nhở ông:

– “Ngươi đừng đến gần đây, hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là đất thánh”.

* * * * * * * * * * 

Bạn thân mến! Trên đây là câu chuyện gặp gỡ kỳ diệu giữa Thiên Chúa và Môi-Sen trên núi Hô-reb (Xh.3:1-8). Trong cuộc gặp gỡ này, Thiên Chúa đã trao cho Môi-Sen trách nhiệm hướng dẫn dân của Ngài ra khỏi đất Ai-Cập, giải thoát dân Ngài ra khỏi cảnh nô lệ.  Trong cuộc gặp gỡ này, Thiên Chúa cũng nhắc nhở ông: “Hãy cởi dép ra, vì chỗ ngươi đang đứng là đất thánh.”

Nơi nào có sự hiện diện của Thiên Chúa, nơi đó là đất thánh, cho dù nơi đó là rừng núi âm u thác ghềnh hay trên biển cả bát ngát bao la, cho dù nơi đó là những mái tranh nghèo xơ xác hay những vương cung thánh đường lộng lẫy cao sang, cho dù nơi đó là cuộc đời của người dân quê mộc mạc chất phát hay của một ông vua, ông tổng thống … Bất cứ nơi nào có Chúa hiện diện, nơi đó là đất thánh.

Đất thánh không chỉ là vùng đất Do Thái – Palestine, nơi Thiên Chúa đã một lần hiện diện qua thân phận con người của Đức Giêsu.  Đất thánh cũng không chỉ là các đền thờ, các nhà nguyện; các thánh đường…  Nhưng đất thánh còn là thân thể; là con tim; là tâm hồn và là cung lòng cao qúy nhất của mỗi con người chúng ta.  Nơi đó Thiên Chúa cũng hiện diện và ngự trị.

Đi vào đất thánh, Thiên Chúa mời gọi Môi-Sen “hãy cởi dép ra” để xứng đáng gặp gỡ và thưa chuyện với Ngài.  Cởi dép ở chân ra là cởi bỏ những gì không thuộc về thân thể của mình. Cởi dép ở chân ra là cởi bỏ những vướng mắc lệ thuộc để mặc lấy tự do và tin tưởng phó thác vào một mình Thiên Chúa.  Và cởi dép ở chân ra là cởi bỏ những dơ bẩn nhơ nhớp, những “tham sân si” còn bám dính vào con người của mình.

Đi vào đất thánh, Thiên Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta “hãy cởi dép ra” mỗi khi chúng ta bước vào.  Nhưng đâu là đất thánh của tôi và bạn hôm nay?

Phải chăng đất thánh của chúng ta là thân xác của bạn, là con tim của tôi và là cung lòng của mỗi một người chúng ta hôm nay.  Đó cũng là điều thánh Phaolô đã viết trong thư của Ngài để nhắn nhủ các tín hữu: “Anh em không biết thân thể của anh em là đền thờ của Thánh Thần Thiên Chúa hay sao ?” (I Cr.6:19).  Phải chăng đất thánh của chúng ta là gia đình của mình, nơi đó có cha mẹ anh chị em, có người vợ; người chồng đã được Thiên Chúa tác hợp trong “giao kết tình yêu” hôm nào, và nơi đó cũng còn có những đứa con là kết quả của tình yêu thương, là hoa trái của nghĩa vợ chồng. Và sau cùng, phải chăng đất thánh của chúng ta là chính cộng đoàn giáo xứ mà tôi và bạn đang tham dự sinh hoạt, nơi có biết bao buồn vui kỷ niệm, nơi có những linh mục tu sĩ cũng như anh chị em bạn bè đã giúp tôi và bạn lớn lên trong đời sống đức tin.

Bạn thân mến! Khi bước vào đất thánh của lòng mình; của lòng nhau, xin mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy “hãy cởi dép ra” bạn nhé !!! Nếu không làm như vậy, chúng ta sẽ vấp phạm đến thân xác và cuộc sống của con người, chúng ta sẽ biến gia đình và cộng đoàn của chúng ta thành nơi nghi kỵ và thiếu thốn tình thương yêu, và nhất là chúng ta sẽ làm cho con tim của người anh chị em mình trở thành “con tim rướm máu” …

* * * * * * * * * * *

Lạy Chúa! Xin cho con biết Chúa và nhận ra những vùng đất thánh thiêng mà Chúa đang hiện diện chung quanh con… Xin cho con biết con, biết nhận ra những bước chân con đi, những đôi “dày đinh” con đang mang dưới chân, những vấn vương bụi trần mà con đang ao ước và những “tham sân si” con còn đang dính bén …  Xin cho con biết cởi bỏ tất cả để xứng đáng bước vào vùng “đất thánh” mà chúa đã mời gọi, xứng đáng hiện diện trước tôn nhan Chúa trong ngày hôm nay và nhất là trong ngày sau hết của đời con.  Amen .

Linh Xuân Thôn

DÂNG PHẦN NÀO LÊN THIÊN CHÚA?

“Đức Giê-su ngồi đối diện rương đựng tiền dâng, Ngài quan sát cách những người đến bỏ tiền vào rương.  Lắm người giàu có bỏ rất nhiều tiền cũng có một bà góa nghèo đến dâng hai  đồng tiền nhỏ, trị giá một xu.

Ngài gọi các môn đệ đến và bảo họ: “Thật, Ta nói cùng các  con, bà góa nghèo nầy đã bỏ vào thùng nhiều hơn hết thảy những người khác. Vì mọi người  lấy phần dư để đem dâng, còn bà góa nghèo nầy đã dâng tất cả những gì mình có, là tất cả  những gì bà ấy có để sống.” (Mc 12:41-44)

**************************************

Đúng thế, chỉ có Chúa Giêsu mới nhìn thấu được lòng người, mới thấy được ai là người dâng cho Thiên Chúa nhiều nhất.  Nhưng còn một người nữa.  Một người biết rất rõ chuyện bỏ tiền thau hằng tuần.  Biết rõ từng người một: ai là người dâng của dư, ai là  người dâng cả gia tài lên Thiên Chúa. Người đó là tôi, chiếc giỏ tre được chuyền tay mỗi ngày Chúa Nhật.  Hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe những chuyện mắt thấy, tai nghe.  Tôi không dám phê phán ai, chỉ ghi lại những nhận xét của tôi.

Tôi ở giáo xứ này trên 30 năm rồi, nên tôi biết rất rõ từng khuôn mặt, tính tình của rất nhiều người.  Tôi vẫn nhớ rõ mồn một từng khuôn mặt đơn sơ, xinh tươi như các thiên thần của những em nhỏ khi còn nằm trong nôi, đến khi chập chững biết đi, lớn lên trở thành các cô thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng. Các em trai ốm gầy, tóc húi cua hay đùa nghịch, nói chuyện trong nhà thờ thưở nào nay là những chàng thanh niên, chững chạc, thành tài, có gia đình.  Tôi nhớ các bàn tay nhỏ bé, được bố mẹ nhét vào tờ giấy $5, $10, rồi lắc lắc tay các em cho rớt tiền xuống khi chiếc giỏ tre được chuyền đến. May mắn cho các em, đựợc bố mẹ dạy bảo khi còn bé, nên các em đã quen với việc dâng cúng của lễ cho Chúa hằng tuần.  Nhiều em nay đã trưởng thành, lập gia đình, có con và tiếp tục truyền thống tốt này.  Tôi nhớ một hôm tình cờ nghe được mẫu chuyện giữa người mẹ và đứa bé gái trạc năm tuổi. Em hỏi mẹ:

– Tại sao mình bỏ tiền vào giỏ vậy Mẹ?

– Giúp cho nhà thờ, cha Sở trả tiền điện, tiền nước và nhiều thứ khác.

– Tại sao mình phải giúp?

– Mình không giúp cho cha, cha đâu có tiền trả tiền điện. Không có điện nhà thờ tối thui, buồn lắm.  Chúa cho ba mẹ rất nhiều ơn lành mỗi ngày và ba mẹ muốn dâng lại cho Chúa những gì Chúa đã ban cho ba mẹ.

Tôi không rõ em có hiểu được những gì mẹ em nói hay không, nhưng em không hỏi nữa.  Mỗi tuần em rất vui khi thấy tôi đến.  Sau khi bỏ tiền, em thường quay lại nói với mẹ:

– Con dâng tiền cho Chúa rồi Mẹ.

– Con giỏi lắm!

Người thiếu phụ nhìn con rồi quay sang nhìn chồng. Cả ba đều nở nụ cười hạnh phúc, chan hòa. Tôi thấy Thiên Chúa hiện diện trong gia đình này.

Tiếc thay tôi không gặp được nhiều gia đình sống đạo tốt lành, biết ý thức như gia đình trên.  Có gia đình khi vừa thấy tôi được chuyền tay ở hai ba hàng ghế đầu, họ đứng dậy đưa con đi nhà vệ sinh.  Khi họ trở lại, của lễ đã dâng lên bàn thờ.  Hôm khác, khi tôi sắp được chuyền đến, họ bận rôn, lu bu lo cho con nhỏ, nên vô tình họ không thấy tôi, chiếc giỏ tre.  Tuần này sang tuần khác, bổn cũ soạn lại đâu còn gọi là chuyện tình cờ như tôi nghĩ nữa.  Buồn thay, họ đã làm gương xấu cho những đứa con của họ.  Các em lớn lên không thấy chuyện dâng cúng của lễ ngày Chúa Nhật là bổn phận của các em.

Trong nhà thờ có hai nơi tôi được chuyền đến trước tiên là các dẫy ghế của ca đoàn và các vị thừa tác viên Thánh Thể, cùng với các vị chủ tịch, phó chủ tịch của các ban ngành.  Không hiểu sao, tôi không được sự chiếu cố nồng hậu từ các vị này.  Ca đoàn cộng với các vị trong các ban ngành cũng gần bốn chục người, nhưng lác đác chỉ có vài người bỏ tiền thau.  Tôi thắc mắc mãi:  đây là những người nồng cốt của cộng đoàn; những người rất nhiệt tình, hăng say đóng góp sức lực, thời gian cho giáo xứ trong mọi công tác, sao lại chừa công tác này?  Mãi sau này tôi mới tìm ra được câu trả lời.  Hôm đó nhà thờ xin tiền lần thứ hai để cho việc bảo trì nhà Chúa.  Một anh trong ca đoàn tự nói với chính mình, như là cách phân minh cho những người chung quanh biết anh có lý do chính đáng không phải đóng góp tiền:

– Nữa! Đóng góp nữa! Bỏ giờ đi tập hát chưa đủ sao?

Tôi không biết anh than phiền cha Sở hay than phiền Chúa?  Có lẽ anh đang tự vấn an lương tâm cho vơi bớt nỗi bứt rứt.

Nhà thờ đâu khác gì với căn nhà ở.  Mười hay hai mươi năm mái nhà dột, hư phải thay.  Thảm đi riết cũng mòn.  Điện nước không trả, PG&E sẽ cúp hết mọi thứ.  Việc bảo trì nhà Chúa không lo, ai sẽ lo?

–  Nhà thờ có Chúa lo.

– Tôi không đóng cũng có người khác đóng.

– Tháng này còn nợ mấy cái thẻ tín dụng, tiền hơi eo hẹp. Con hẹn Chúa tháng sau.

– Chúa cho con trúng stock, vé số, con hứa sẽ dâng cho Chúa thật nhiều.

– v.v… và v.v…

Đâu đó tôi vẫn còn nghe những lời nói ấu trĩ này!

Trong Kinh Thánh, ngày xưa, người ta đem lễ vật lên đền thờ để dâng lên Thiên Chúa.  Chúa đâu có gởi các thiên thần xuống từng dẫy ghế thâu nạp của lễ bao giờ. Có vài nhà thờ, mỗi ngày Chúa Nhật, các giỏ xin tiền đựợc đặt quanh cung thánh, mỗi người tự lên dâng của lễ của họ.  Một nghi thức rất hay cần phổ biến và duy trì.

“Thật, Ta nói cùng các con, bà góa nghèo nầy đã bỏ vào thùng nhiều hơn hết thảy những người khác. Vì mọi người lấy phần dư để đem dâng, còn bà góa nghèo nầy đã dâng tất cả những gì mình có, là tất cả  những gì bà ấy có để sống.”

Phần bạn, bạn sẽ dâng phần nào lên Thiên Chúa trong ngày Chúa Nhật sắp đến này?

Lữ Khách
01-20-2007

CÁI NHÌN NỘI TÂM

Mùa Chay là mùa sám hối.  Sám hối là đổi mới tâm hồn.  Muốn đổi mới tâm hồn, phải đổi mới cách nhìn về con người và cuộc đời, về bản thân và tha nhân.  Hôm nay, Chúa Giêsu dạy ta những cách nhìn thời cuộc và biến cố theo tinh thần của Người.

Thông thường, trước một biến cố, ta dễ có cái nhìn chính trị.  Hôm nay, người ta thuật lại việc Phi-la-tô giết những người Do thái trong đền thờ.  Thời ấy, đế quốc Rô-ma đang thống trị nước Do thái.  Phi-la-tô là viên tổng trấn của Rô-ma.  Tường thuật biến cố đau thương này, người ta mong Chúa Giêsu có cái nhìn chính trị, dấn thân vào chính trị.  Người ta mong Chúa Giêsu kết án Phi-la-tô. Không bàn về chính trị, không làm chính trị, cho dù sau này Chúa Giêsu vẫn bị kết án vì một tội chính trị.  Không kết án Phi-la-tô, dù sau này chính Người bị viên tổng trấn này kết án.

Trước mọi biến cố, Chúa Giêsu muốn ta có một cái nhìn tôn giáo, vượt lên trên lĩnh vực chính trị.  Từ một câu hỏi thuộc bình diện chính trị, Chúa Giêsu đã đưa ra một giải đáp thuộc bình diện tôn giáo.  Từ một biến cố gây xôn xao dư luận, Chúa Giêsu mời gọi ta hãy ăn năn sám hối.  Từ cái chết của thể xác, Chúa Giêsu hướng suy nghĩ ta tới cái chết của linh hồn:  “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó bị như vậy là vì họ tội lỗi hơn những người Ga-li-lê khác sao?  Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”.

*********************************

Đối với người khác, ta dễ có cái nhìn kết án.  Khi gặp một nguời mù từ thưở mới sinh, người ta hỏi Chúa Giêsu:  “Đây là do tội nó hay tội của cha mẹ nó?”  Gặp người phụ nữ phạm tội ngoại tình, người ta muốn kết án chị.  Người ta có thói quen cho rằng thành công là ân huệ Chúa thưởng cho người đạo đức, còn tai họa là hình phạt Chúa dành cho kẻ tội lỗi.  Hôm nay, chứng kiến những nạn nhân bị thiệt mạng, những người tường thuật đều nghĩ rằng những nạn nhân ấy chết vì họ tội lỗi, còn tôi vô sự, điều đó chứng tỏ tôi vô tội.  Chúa Giêsu lên tiếng cảnh báo họ:  “Các ông cũng là kẻ tội lỗi.  Nếu các ông không ăn năn hối cải, các ông sẽ chết thảm khốc hơn những nạn nhân kia nữa”.  Chúa Giêsu dạy ta có cái nhìn bao dung.  Nếu có phải xét đóan, hãy xét mình trước khi xét người.  Nếu có phải lên án, hãy lên án chính bản thân mình trước khi lên án người khác:  “Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt ngươi trước, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em”.  “Ai trong các ông vô tội hãy ném đá chị này trước đi”.

Sau cùng, ta thường có cái nhìn ảo tưởng.  Ta xây dựng những chương trình to lớn, những tham vọng đổi mới xã hội.  Chúa Giêsu dạy ta hãy có cái nhìn thực tế:  Đừng ảo tưởng với những chương trình to tát, lấp biển vá trời.  Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ bé.  Đừng có ảo tưởng đổi mới xã hội, cải tạo thế giới.  Trước hết, hãy đổi mới chính mình, cải tạo bản thân mình.  Tục ngữ Trung quốc có câu:  Nếu mỗi người trồng hoa trước cửa nhà mình, cả thế giới sẽ biến thành một vườn hoa đẹp.  Đổi mới chính mình đó là góp phần vào đổi mới thế giới.

Với những bài học ấy, Chúa Giêsu hướng ánh mắt ta lên cao, vượt thoát lĩnh vực tự nhiên để vươn tới lĩnh vực siêu nhiên.  Với những bài học ấy, Chúa Giêsu hướng cái nhìn của ta xuyên qua những lớp bì phu bên ngoài để soi chiếu vào chiều sâu nội tâm.  Với những bài học ấy, Chúa Giêsu hướng cái nhìn của ta ra khỏi những ảo tưỏng, đối diện với thực tế bản thân để trước mỗi biến cố ta tự xét và đổi mới chính mình.

Lạy Chúa xin đổi mới trái tim con.  Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt