Tiếng điện thoại reo vang trong đêm khuya làm Hải giật mình ngồi phắt dậy chộp lẹ cái phone, vì sợ tiếng phone đánh thức vợ con. Trong cơn ngái ngủ, chàng nghe giọng hớt hải của thằng bạn thân bên kia đầu dây:
– Ê Hải, mày biết gì chưa, Đức Mẹ ở nhà thờ Đức Bà khóc.
– Cái gì? Lại tin đồn thất thiệt gì nữa đây?
Tiếng đầu dây bên kia cộc cằn:
– Thất thiệt cái con khỉ, chính mắt tao chứng kiến tượng Đức Mẹ Hòa Bình ở quảng trường công xã Paris chảy nước mắt, nên mới gọi phone báo cho mày hay, và hỏi ý kiến mày về vụ này.
Hải đưa tay dụi mắt phì cười:
– Mày ở bên đó, tận mắt chứng kiến hiện tượng xảy ra, còn tao chưa hay biết gì, đang không bị dựng đầu dậy giữa đêm hôm khuya khoắt để hỏi ý kiến. Đúng là ngốc!
Lộc chợt nhận ra sự phi lý của mình. Đúng rồi, nó ở bên Mỹ, tin tức mới nóng hổi, chưa ai đưa tin, mình là người đầu tiên đưa tin cho nó mà chưa gì lại hỏi ý kiến. Lộc cười hề hề, đúng thật là ngớ ngẩn, rồi vắn tắt Lộc tường thuật cho bạn nghe những gì mới xảy ra cho Sài gòn tối qua, sáng nay. Kể xong, Lộc nói bạn ngủ tiếp đi và xin lỗi vì đã quấy rầy trong đêm cuối tuần, có gì hôm sau sẽ gọi tiếp.
Hải nằm xuống lòng xao xuyến không sao chợp mắt tiếp được. Chàng biết thằng bạn “khô như ngói,” bỏ nhà thờ cả hai chục năm nay, không dưng dễ gì mà tin đồn thất thiệt lại kéo nó ra khỏi cuộc sống bận rộn, sáng lo làm giàu, tối lo hưởng thụ để đến xem, rồi lại phone qua cho chàng để tường thuật tại chỗ hiện tượng lạ đó! Chàng thở dài. Ở Việt Nam thiếu gì những tin đồn thất thiệt, tin phóng đại, có một nói mười, có mười nói một trăm. Hmm, chàng nhủ thầm, nhưng chính mắt thằng Lộc trông thấy mà, cái thằng cứng đầu cứng cổ, ma chê quỷ hãi ông vãi lắc đầu đó, cái thằng trời đất không biết sợ ai. Rồi chàng nhớ lại giọng run run xúc động của Lộc khi tường thuật cho chàng nghe tỉ mỉ từng chi tiết.
Có thể nó bị hoa mắt chăng? Có thể dân Sài gòn nhìn gà hoá cuốc chăng? Cũng có thể nước mưa đọng lại lâu năm trên bức tượng quanh năm suốt tháng sừng sững ngoài sương gió? Mà cũng có thể do bàn tay ai đó dựng nên không biết chừng? Bao nhiêu là giả thiết trong đầu! Thôi ngày mai dậy xem tin tức thì biết liền chứ gì. Trong đêm khuya thanh vắng, bỗng dưng lòng chàng chợt chùng xuống, trái tim thắt lại. Tại sao tin đồn không là một Đức Mẹ đang mỉm cười với đàn con, mà là một Đức Mẹ khóc? Tại sao hình ảnh của một bà Mẹ lúc nào cũng đi liền với hình ảnh u sầu, đau thương vì đàn con? Chàng thở dài trong bóng đêm khi nhìn lại cuộc sống của chính mình, chàng cũng là một đứa con hoang mới được Mẹ đưa trở về với Chúa không bao lâu, chứ nào có phải ngoan ngoãn gì!
Vài ngày sau, Lộc gọi phone cho chàng để hỏi thăm ý kiến về hiện tượng lạ này, thắc mắc duy nhất của Lộc không biết đây có phải là phép lạ không? Hải lấy làm ngạc nhiên vì cái thằng bạn chỉ biết lo làm giàu, siêng năng ăn chơi sao bây giờ lại quá lắng lo, sốt sắng về việc Đức Mẹ chảy nước mắt ở nhà thờ Đức Bà. Chàng đang ở Mỹ không tưởng tượng được khung cảnh nhộn nhịp ở quảng trường công xã Paris, không hít thở được không khí thánh thiện, sôi nổi trong dòng người tấp nập chen lấn để nhìn cho bằng được cảnh Mẹ khóc, không nghe được tiếng đọc kinh râm ran, tiếng hát thánh ca của bà con xen lẫn với tiếng loa phóng thanh yêu cầu giải tán, không chứng kiến tận mắt cảnh mấy bà mẹ Việt Nam ngồi bệt xuống lòng đường tay vân vê lần chuỗi, mặc cho dòng người qua lại giữa chốn phồn hoa đô hội…. Không thấy, không nghe, không ngửi, không sống trong khung cảnh đó! Tất cả chỉ là tin tức, hình ảnh trên internet, báo chí, radio mà cứ bị cái thằng bạn cù nhầy hỏi ý kiến hoài.
Chàng bực mình gắt gỏng:
– Sao không đi hỏi bạn làm ăn, bạn nhậu, hay bạn “ôm” mà lại hỏi tao, một thằng bạn lạc hậu?
Hỏi thì hỏi thế nhưng chàng biết tại sao Lộc lại hỏi chàng. Làm sao có thể chia sẻ nỗi niềm thổn thức băn khoăn trong tận đáy lòng, về những giọt lệ hư hư thực thực của Mẹ tại quán bia ôm, trên bàn nhậu, hay ở chỗ trao đổi chuyện mua bán làm ăn được? Kẹt lắm không có ai để nói về chuyện này nên nó mới gọi phone cho chàng để tán dóc, hỏi ý này nọ. Hai đứa cùng xóm thân nhau từ nhỏ, học cùng lớp, chung một giáo xứ, cùng lon ton đi giúp lễ những ngày ấu thơ… Rồi lớn lên không hẹn mà gặp, bước chân cả hai cứ xa nhà thờ từ từ theo hai ngã rẽ khác nhau.
Có lẽ từ ngày mẹ chết, bố lơ là đạo nghĩa, Hải không còn được nghe những lời dạy dỗ khuyên bảo, những tiếng càu nhàu thúc giục đi nhà thờ sớm tối của mẹ, chẳng còn những buổi tối gia đình quây quần bên nhau đọc kinh tối nữa. Rồi cuộc sống bên xứ người bận rộn đi làm, cuối tuần lo bài bạc, rượu chè… còn thời giờ đâu mà nhớ đến Chúa dù là vài ba kinh tối ngắn ngủi, chứ đừng nói chi đến thánh lễ ngày Chúa nhật.
Cuộc đời chàng có lẽ cứ tiếp tục đắm mình trong trụy lạc nếu không có một biến cố xảy ra. Vâng, với chàng, đó là một phép lạ nhiệm mầu! Nhưng nào có ai công nhận phép lạ đó đâu, dù là người chứng kiến? Trên con đường đi làm sáng thứ hai, người còn vật vờ ngái ngủ vì đêm qua nhậu quá say, chàng thoát chết trong một tai nạn xe hơi khủng khiếp. Con đường đèo thơ mộng nhưng ngoằn nghèo, đến khúc quẹo gắt, xe chàng chạy quá nhanh, thắng gấp, chiếc xe mất đà quay một vòng tông mạnh vào chiếc xe tải đang trờ tới, rồi bay lên vách đá chổng bốn bánh lên trời. Chiếc xe bị hư hại nặng nề, còn người thì lạ thật, như được ai đó giơ tay bảo vệ, chỉ bị trầy trụa sơ sơ mà thôi! Ngược lại trái tim chàng lại bị đụng chạm mạnh, văng ra từng mảnh nhỏ, thần kinh như bị nghiền nát dưới sức ép của kinh hoàng sợ hãi. Chàng vẫn còn toát mồ hôi hột mỗi khi nghĩ đến. Tại sao tôi còn sống? Chúa cho tôi cơ hội sống để làm gì? Để tiếp tục hưởng thụ, tiếp tục cuộc sống sa đọa chăng? Tôi có xứng đáng có được cơ hội này hay không? Chàng tự hỏi lòng như thế, chưa bao giờ chàng sợ chết. Đúng, dân chơi sợ gì cái chết chứ! Nếu đã sợ thì đã không dám chơi. Ừ, chàng không sợ chết, nhưng mà là chết kiểu nào, trong tình trạng như thế nào? Chàng rùng mình nhớ lại cuộc đời bê tha của mình! Nếu Chúa gọi mình lúc đó thì linh hồn mình sẽ đi về đâu nhỉ?
Sau biến cố đó, cuộc đời chàng thay đổi hẳn, chàng có gọi phone kể chuyện cho Lộc nghe nhưng nó lại chê chàng nhát đảm “thần hồn nát thần tính,” lái xe hơi mỗi ngày có đụng chạm, xô xát, tai nạn này nọ trong lúc lái xe là chuyện thường tình. Chẳng lẽ cứ mỗi một tai nạn xe hơi là một phép lạ xảy ra? Biết có giải thích thêm nó cũng chẳng hiểu, chàng giữ thái độ im lặng, chỉ biết cầu nguyện xin Chúa thương xót nó như đã xót thương chàng.
Giờ đây nó lại siêng năng gọi phone cho chàng mỗi ngày, để thăm hỏi về những giọt lệ nơi khóe mắt tượng Mẹ, chẳng lẽ những giọt nước mắt đó đã đánh động tâm hồn nó? Mải suy nghĩ chàng không nghe tiếng cáu gắt gỏng bên kia đầu dây:
– Mẹ kiếp, nghĩ cái quái gì mà hỏi hoài không trả lời? Tao hỏi theo mày đây có đúng là phép lạ Đức Mẹ khóc không?
Hải đắn đo suy nghĩ không biết nên trả lời như thế nào:
– Lộc, tao không tận mắt chứng kiến hiện tượng lạ ở nhà thờ Đức Bà như mày. Mày là người trong cuộc, vậy cho tao biết cuộc sống mày có gì thay đổi sau khi chứng kiến hiện tượng lạ đó?
Lặng thinh, Hải nghe được tiếng quạt quay vù vù bên kia đầu dây, chàng chậm rãi tiếp tục:
– Nếu cuộc sống mày vẫn như xưa chẳng có gì đổi thay, vẫn lo làm ăn sáng tối, ăn chơi nhậu nhẹt tí bỉ, bồ bịch nhăng nhít, vẫn không biết đến thánh lễ, toà giải tội, không biết đến Thiên Chúa ngự trong hình bánh bé nhỏ đang chờ đợi mày nơi nhà tạm, thì theo tao, có lẽ đó chỉ là… những giọt nước mưa vô hồn mà thôi!
– Lãng nhách! Lý luận không logic tí nào! Bây giờ tao bận phải đi, mai tao gọi lại!
Cạch! Lộc cúp phone ngang xương, tính nó vẫn thế. Biết tính bạn nên Hải chẳng buồn giận, nếu lòng nó còn vấn vương với những giọt lệ của Mẹ, nó sẽ gọi lại.
Chuông điện thoại lại reo ngày hôm sau.
– Họ nói chờ vài ngày nữa tòa Tổng Giám Mục sẽ tuyên bố thực hư ra sao!
– Chẳng có gì mới mẻ đâu nếu là tiếng nói chính thức! Còn đợi đến ngày Hội thánh công nhận, hay phủ nhận phép lạ, thì lúc đó mày đã thấy Mẹ Maria khóc thương mày trước tòa Chúa phán xét rồi. Đừng chờ đợi, tao thấy điều đó không quan trọng. Trước khi Đức Mẹ khóc dưới chân thập giá, Chúa Giêsu đã khóc cho dân thành Giêrusalem rồi. Trước khi mày thấy Đức Mẹ u sầu đến đổ lệ ở thờ Đức Bà, thì Chúa Giêsu đã ban tặng cho mày sự sống của Ngài trên Thập giá rồi. Sao không nhìn lên cây thánh giá để thấy được tình thương Thiên Chúa, thấy được phép lạ khi viên đại đội trưởng ngoại đạo tuyên bố: “Ông này đích thực là Con Thiên Chúa!” Và cũng hãy mở mắt để thấy sự cứng lòng của các người Pharisêu khi chứng kiến cùng một hiện tượng. Phép lạ chẳng là gì nếu người chứng kiến phép lạ cứ trơ như đá vững như đồng, và phép lạ thật vĩ đại khi lòng người được đánh động bởi một hiện tượng bình thường, bé nhỏ đơn sơ trong cuộc sống.
Giọng nói gắt gỏng bực mình của Lộc vang lên bên kia đầu dây:
– Ê, tao cóc cần mày dạy đời mày!
Hải tỉnh bơ:
– Thì thôi không nói nữa, tao tưởng mày muốn nghe.
Ngày hôm sau, chuông điện thoại reo réo rắt, Lộc nói chuyện vu vơ trên trời dưới đất, chưa bao giờ nó siêng gọi phone cho chàng như lúc này, Hải hỏi dò:
– Theo mày những giọt lệ đó Mẹ khóc cho ai vậy?
Im lặng kéo dài, Hải chặc lưỡi nói tiếp:
– Chắc cho những người tội lỗi nào đó thôi, hoặc là nước mưa, không quan trọng cũng chẳng cần thiết. Ngày mai mày về lại xóm đạo cũ nghèo của mình ngày xưa, vô nhà thờ xin dùm tao một Thánh lễ, đến trước nhà tạm đọc dùm tao ba kinh. Tự dưng tao nhớ đến những ngày ấu thơ, khi cả hai dành nhau để được giúp lễ, tối tối rủ nhau đến nhà hàng xóm đọc kinh giỗ cho người ta, mà ráng gân cổ gào thật to, để sau đó được thưởng cho trái chuối, nắm xôi, hay cái bánh đa. Hạnh phúc biết bao khi tâm hồn mình quanh quẩn nhà Chúa, Lộc nhỉ!
Lộc ngập ngừng:
– Không hứa sẽ thực hiện lời mày yêu cầu đâu!
Cạch, lại cúp phone bất tử không một lời tạm biệt. Chắc đã chán nghe rồi, Hải nhún vai nhủ thầm.
Ngày hôm sau, Hải nhận được một điện thư ngắn ngủi vài hàng của Lộc gởi sang, chẳng đá động chi đến chuyện chàng nhờ vả: “Tao đã đi xưng tội rồi!” Chỉ có vỏn vẹn nhiêu đó thôi mà làm Hải vui mừng muốn hét lên, trái tim reo vang: “Mẹ ơi, con cám ơn Mẹ đã đưa bước chân thằng bạn con trở về với Chúa!” Chàng nhắm mắt tiếp tục thì thầm “Mẹ đã khóc dù thật hay giả con không cần biết, nhưng con biết phép lạ đã xảy ra trong tâm hồn bạn con, xin gìn giữ cái thằng du côn đó trong vòng tay yêu thương của Mẹ!” Chàng vào bàn làm việc trả lời ngay cho bạn, cũng chỉ vài lời vắn tắt: “Tao tin, đó là một phép lạ!”
Nhấm nháp ly cà phê buổi sáng, chàng thấy ngon, và thơm kỳ lạ, đưa lên môi nhấp vài miếng, chàng chợt nhận ra cà phê sáng nay có vị mặn. Ồ không, đó là giọt nước mắt của chàng đang lăn dài xuống ly cà phê nghi ngút khói. Hải ngượng ngùng quẹt vội dòng lệ như sợ có ai nhìn thấy chàng khóc. Mà đã sao nhỉ? Chả lẽ chuyện khóc lóc, chuyện nước mắt vắn, nước mắt dài chỉ là chuyện của đàn bà con gái và của… Mẹ Maria thôi sao?
Lang Thang Chiều Tím
November 2005