NGHĨ VỀ SỰ CHẾT

Khi biết rằng Minh Sư của mình sắp lìa xa cõi trần, các đệ tử vô cùng thất vọng. Minh Sư nhìn họ và tươi cười bảo :

– Các con không thấy rằng cái chết làm cho đời sống của ta đáng yêu, đáng qúy hơn sao?

– Dạ không. Chúng con chỉ ước mong thầy đừng bao giờ chết thì hơn.

– Các con ơi! Bất cứ cái gì thực sự sống thì đều phải chết. Các con hãy nhìn xem những bông hoa ngoài kia:  chỉ những bông hoa giả, làm bằng giấy, bằng nhựa mới không bao giờ chết.

( Anthony de Mello, trích trong The Song Of Bird)

* * * * *

Bạn thân mến! Chết là điều chắc chắn sẽ xảy đến cho mỗi người chúng ta, không ai trên cõi đời này mà không có ngày phải đi qua sự chết. Chết là một kết thúc của cuộc sống này và là một khởi đầu cho một cuộc sống khác. Ðó là một chân lý hết sức rõ ràng và chắc chắn. Nó nhắc nhở chúng ta về bản chất thật ngắn ngủi, thật mong manh phù du của đời sống con người trên dương thế này.

Hằng năm, cứ vào tháng 11, Giáo Hội mời gọi mọi tín hữu hãy nghĩ đến những người đã chết, đã ra đi trước chúng ta, trong đó có thể có những người thân yêu trong gia đình, có ông bà tổ tiên, có cha mẹ anh em bạn bè … “Hãy cầu nguyện với họ và cầu nguyện cho họ”, đó là điều mà Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng nhau thực hiện trong tháng 11 này.

Khi nghĩ đến những người đã chết, chúng ta cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân mình.  Có những điều chắc chắn về cái chết của cuộc đời mình, đó là:

  • Tôi là một con người nên tôi phải chết.
  • Khi chết tôi không mang theo được điều gì ngoài trừ tội lỗi và công phúc.
  • Chết không phải là hết, mà là còn…còn đời sau, còn ra trước tòa Chúa.

Cũng có những điều không chắc chắn về cái chết của cuộc đời mình, đó là:

  • Cái chết sẽ đến với tôi vào lúc nào? Ngay bây giờ? Ngày mai hay vài ba năm sau?
  • Cái chết đến với tôi ở đâu? chỗ nào? Trong bệnh viện ? Ngoài xa lộ ?  Trên biển cả ? Trên máy bay?
  • Cái chết đến với tôi bằng cách nào? Chết vì bệnh? Vì tuổi già? vì tai nạn ?
  • Sau khi chết, tôi sẽ đi về đâu? Đi về cõi vĩnh phúc hay nơi trầm luân đời đời?

Cái chết của mỗi người là một chuyến đi sau cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.  Nhất định nó phải xảy ra.

Một chuyến đi một vài tuần về thăm quê nhà, hoặc một chuyến đi nghỉ hè đôi ba bữa…Tôi đã phải xắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần …. Nhưng tôi đã chuẩn bị được những gì cho chuyến ra đi vĩnh viễn và quan trọng này? Tôi có nỗ lực để xắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi sau cùng và thật quan trọng này không?

* * * * *

“Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).

Lạy Chúa! Xin cho con chịu mất bản thân mình để được chính Chúa. Chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả. Chịu mất trần gian tạm bợ này để được thiên đàng vĩnh cửu đời đời.

Xin cho cuộc sống của con hôm nay luôn mang đậm dấu ấn cầu nguyện sám hối và tin tưởng vào lòng thương xót Chúa,. Xin cho con biết “tránh tội lập công”, biết từ bỏ và sẵn sàng để “ra đi”, không bám dính vào cõi tạm của cuộc đời này. Xin cho con biết nỗ lực chuẩn bị cho chuyến ra đi tối quan trọng này, để con không bị rơi vào chốn trầm luân đời đời mà nhất định đi về cõi trường sinh vĩnh phúc Amen

Linh Xuân Thôn

BẠN ĐẶT NIỀM TIN NƠI ĐÂU?

Ngày 22 tháng 4, năm 1864, Quốc hội Hoa Kỳ cho ấn bản trên đồng 2 xu dòng chữ: “ In God We Trust”.  Đến ngày 30 tháng 7, năm 1956, phương châm này được in trên đồng tiền của nước Mỹ, từ tiền giấy đến các đồng xu.  Đó là niềm tin, nền tảng của nước Mỹ: trong mọi hòan cảnh, thịnh vượng hay lầm than đều tin tưởng Thiên Chúa.

******************************

Khi sai nhóm mười hai đi rao giảng, (Mc 6:7-13), Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài một niềm tin tưởng tuyệt đối nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.  Niềm tin là nền tảng để bắt đầu và  để duy trì mọi liên hệ.

Trước tiên, là sự tin tưởng của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài.  Trong Nhóm mười hai này, không phải ai nấy đều đạo đức, thánh thiện, học hành cao, kiến thức rộng.  Ngược lại, một số các ngài là những người yếu đuối, tội lỗi, hay tranh chấp quyền lợi.  Như thánh Gia-Cô-Bê và Gio-an, hai vị cạnh tranh nhau chỗ ngồi bên cạnh Chúa Giêsu trong thiên quốc của Ngài.  Thánh Phê-rô thường bộp chộp, nói trước khi nghĩ.  Thánh Tô-Ma cứng lòng tin, thế mà Chúa Giêsu vẫn tin tưởng và giao cho các ngài một sứ mạng vô cùng cao cả là đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, chữa lành người bệnh, xua đuổi tà thần ô uế.  Những công việc Chúa Giêsu đã làm, nay Ngài ủy thác cho các môn đệ, vì Ngài tin các ông.

Miếng ăn, áo mặc, chỗ ở là những nhu cầu tối thiểu của con người, và cũng là mối bận tâm hằng ngày của mỗi một người.  Chúa Giêsu biết rất rõ một khi đã lo lắng đến những nhu cầu này, các môn đệ sẽ sao lãng sứ mạng truyền giáo của các ngài.  Vì thế Ngài đòi hỏi các môn đệ ra đi không một đồng xu dính túi, không đem dư cái áo thứ hai, và cũng không cần lo lắng lấy gì lót lòng.  Chúa Giêsu  đòi hỏi các môn đệ của Ngài đặt sự sinh tồn vào tay Thiên Chúa.  Phải có niềm tin mãnh liệt lắm mới dám đáp trả lời mời gọi này.

Bạn thân mến!  Niềm tin của vợ chồng bạn cho nhau hôm nào còn không, hay đã phai nhạt theo thời gian, chỉ vì một vài bất đồng?  Một lần đứa con theo lời bạn bè bỏ nhà ra đi, nay đã quay về, sửa đổi, bạn có tha thứ, đặt lại niềm tin, cho con thêm một cơ hội không?  Bạn còn tin Giáo Hội, các vị chủ chăn khi trên báo chí, truyền thanh, truyền hình đăng tải vài hình ảnh không đẹp của một vài vị linh mục?  Bạn còn tin Thiên Chúa không?  Người vẫn hằng luôn thương yêu bạn dẫu khi bạn bất tòan, yếu đuối.  Ngài tha thứ bạn trước khi bạn ăn năn quay về. Bạn tin điều đó không?  Bạn đang đặt niềm tin của bạn nơi đâu?

******************************

Lạy Chúa, niềm tin là ánh sáng đưa dẫn con qua đêm đen.  Niềm tin là lửa hồng sưởi tan giá lạnh hận thù, tranh chấp.  Còn niềm tin, còn hy vọng.  Xin cho con tìm lại niềm tin một lần đã đánh mất nơi nhau.  Xin cho con luôn biết đặt niềm tin nơi Chúa, nơi nguồn bình an bất diệt của đời con. Amen.

Lữ Khách

TẤM GƯƠNG CỦA CÁC BẬC CHA MẸ

Vì nghèo , Mai phải chấp nhận nghề “buôn hương bán phấn” trong các hộp đêm và thiêu thân dưới ánh đèn màu để nuôi đàn em dại.  Lối xóm đàm tiếu, cô không màng đến, miễn là các em được no đủ, thành tài và hạnh phúc.  Một tối nọ, Mai trở về nhà với tấm thân rã rượi và tâm thần căng thẳng. Chợt thấy báo cáo của nhà trường để đó, cô cầm lên đọc.  Cô đau khổ cùng cực: “Hạnh đã bỏ học” và cũng đang làm nghề như cô!  Đôi giòng lệ tuôn chảy như suối.  Cô gào thét trong thất vọng: Thân xác cô nên đồ tiêu khiển cho thiên hạ, cô chấp nhận như thế để các em vươn lên, cô không muốn các em rơi vào hoản cảnh tội lỗi như cô.

Việc làm của Mai thật đáng cảm kích.  Vì thương các em, cô đành phải làm nghề như vậy, để lo cho các em học hành đến nơi đến chốn, nhưng Mai quên rằng chính việc làm của cô vô tình đã trở thành tấm gương cho các em bắt chước.  Đọc câu chuyện ấy, tôi thấy thông cảm với hoàn cảnh của Mai và thương cho cô ấy, cho những người vì em, vì con cái, mà sẵn sàng hy sinh quên mình như vậy.

Ông Duy say nghề đen đỏ.  Ông đánh vợ khảo tiền và mặc cho vợ tần tảo “nuôi năm con với một chồng”.  Nhưng khi nghe tin đứa con lớn còn “cao nghề” hơn ông, ông đã giận dữ chửi rủa con:  “Tao hư đã đành, nhưng maỳ không được hư.  Tao giết mày!”  Trong xã hội hiện nay, có không biết bao nhiêu là cảnh đau lòng như vậy:  chồng cờ bạc rượu chè, về đánh đập vợ con.  Ông Duy là người cha người chồng, mà chẳng quan tâm làm tròn trách nhiệm của người chồng người cha.  Nhưng ông cũng biết là ông “hư”, bởi vì khi nghe tin đứa con lớn của mình cũng cờ bạc mà còn giỏi hơn ông nữa, thì ông đã nổi giận và chửi rủa con thậm tệ.  Tuy nhiên, cha như vậy làm sao dạy dỗ được con?  Chính ông đã làm gương xấu cho đứa con, mà ông không ngờ.

Mai sa vào cảnh khốn cùng ấy là vì muốn có phương tiện nuôi các em mình ăn học thành tài, nên chúng ta còn hiểu được nỗi đau đớn của cô khi biết em mình cũng đã ra như mình. Còn ông Duy, ông có quan tâm gì đến gia đình đâu? Đã vậy còn quát tháo… Tuy nhiên, rõ ràng, dù do hoàn cảnh sa cơ, dù do tính mê tật xấu, cá nhân người ta “hư” nhưng người ta vẫn không muốn con em mình “hư” như mình, rơi vào cảnh “ao tù nước đọng” như mình.  Nhưng dường như để có thể có những người em, người con “nên người”, người anh, người chị, người cha, người mẹ cũng phải trả cái giá là sống lương thiện để làm gương sáng cho con em.

******************************

Hai câu chuyện trên làm tôi nhớ đến một đoạn Phúc Âm của Thánh Gioan.

Đứng trước người phụ nữ ngoại tình, Chúa Giêsu chỉ nói: “Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8 :11).  Là Đấng duy nhất có quyền kết án, thế  mà Ngài đã không kết án.  Nhưng tôi nghĩ rằng người phụ nữ này sẽ thay đổi. Bởi vì sự thông cảm của Ngài không phải là cớ để người ta tiếp tục “sa đà”; chính sự ngay thẳng, trong sáng của Ngài là một sự thúc bách người ta sửa đổi đời sống.

Là Đấng trong sạch vô tội, tôi nghĩ Ngài là Đấng duy nhất có quyền quát nạt rầy la, thế mà khi đối diện với tội nhân, Ngài lại có thái độ khác hẳn.  Ngài không quát tháo cũng chẳng rầy la, Ngài tế nhị giúp tội nhân ăn năn hối cải: chính Ngài đến nhà người tội lỗi mà ăn chung với họ.  Ngài dong duổi tìm kiếm con chiên lạc. Ngài luôn mở rộng đôi tay để đón những người tội lỗi, những người đau yếu bệnh tật.  Chúa không muốn con người hư đi, nhưng muốn con người ăn năn và quay trở lại với  Ngài.

Tôi không rơi vào trường hợp như cô Mai hay ông Duy, nhưng tôi nghĩ:  Nếu tôi gặp hoàn cảnh như vậy, không biết tôi có thể giận dữ được không; hay lúc đó tôi chẳng còn nói được lời nào, vì dù sao tôi cũng vô tình làm gương xấu cho các em, cho con cái của tôi, khiến chúng đã đi đến chỗ như vậy? Và nỗi hối hận ấy chắc chắn sẽ dằn vặt tôi suốt đời.  Cho nên đối với tôi, trong bất cứ mọi hoàn cảnh, tôi phải nhớ đến Chúa và phải nhìn đến Chúa, bởi vì chỉ có Chúa mới là toàn vẹn, chỉ có Chúa mới ban cho tôi ánh sáng đức tin để tiếp tục sống đạo, và để làm gương sáng cho các con em tôi.  Tôi tin Ngài luôn yêu thương nâng đỡ những ai cần đến Ngài, vì Ngài đã nói: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14:6).

Ước gì nếu tôi gặp bất cứ trường hợp đau khổ hay tội lỗi, thì tôi biết tìm đến Chúa mà chia sẻ với Ngài để Ngài nâng đỡ và giúp tôi hiểu được Tình Yêu của Ngài thật quảng đại vô biên.

Têrêsa Hải Phượng

CON MẮT ÐỨC TIN

Tại một làng quê nghèo bên Việt Nam, có một người bị mù từ khi mới sanh. ông đã sống trong đêm tối mù mịt mấy chục năm trời. Vào một đêm tối, vì có chuyện phải ra khỏi nhà, ông đốt lên một ngọn đèn sáng, cầm trong tay và lần mò bước đi trên con đường làng. Trên đường đi, một người sáng mắt đã đụng vào ông, làm ông ngã xuống đất. Ông bèn la lớn tiếng rằng:

– Có mắt mà cũng như mù, không nhìn thấy tôi cầm đèn trong tay hay sao mà đụng vào tôi ?

Người sáng mắt lên tiếng đáp trả: “Ông ơi! Đèn ông cầm trên tay đã tắt từ lâu. Trong đêm tối, tôi không nhìn thấy ánh sáng ngọn đèn của ông, không nhìn thấy đường đi, cũng không nhìn thấy ông nên đã đụng vào ông, xin ông tha lỗi cho nhé .”

* * * * *

Bạn thân mến! Câu chuyện vui trên đây nói lên tầm quan trọng của ánh sáng và con mắt… Ánh sáng chiếu soi trên muôn lòai muôn vật. Ta nhìn thấy sự vật là nhờ có đôi mắt và ánh sáng. Nếu không có ánh sáng, ta không nhìn thấy gì hết, tất cả là một màu đen. Ta hòan tòan sống trong đêm tối.  Nếu con mắt bị hư hỏng, thì dù bên ngoài trời có sáng tỏ, ta cũng không nhìn thấy gì hết. Ta hoàn toàn sống trong đêm tối. Quanh ta, có nhiều thứ đêm tối khác nhau:

Có thứ đêm tối u mê dốt nát:  Ánh sáng văn hoá có đó. Sách vở chữ nghĩa có đó. Nhưng ta không đọc được. Vì ta mù chữ. Trí tuệ của ta thiếu đôi mắt nên ta chìm đắm trong đêm tối của u mê dốt nát.

Có thứ đêm tối phàm phu:  Thiên nhiên có biết bao cảnh đẹp. Nhìn cảnh hoàng hôn, bình minh… người hoạ sĩ với xúc cảm dạt dào có thể vẽ nên những bức tranh tuyệt tác. Ta không cảm được vẻ đẹp của đất trời vì ta không có cặp mắt hoạ sĩ.

Có thứ đêm tối đức tin. Cuộc sống thần linh có đó. Thiên Chúa hiện hữu đó. Nhưng ta không nhìn thấy được vì ta không có con mắt đức tin.

Ðức tin là ánh sáng soi rọi vào tâm hồn, cho ta thấy được những điều mà người không tin không thể thấy được. Ðức tin là ngọn đèn soi cho ta bước đi trên con đường tiến về cuộc sống vĩnh cửu. Ngọn đèn ấy chỉ đủ sáng cho ta bước từng bước nhỏ. Trong khi bầu trời vẫn bao phủ bằng đêm đen để ta phải phó thác tin yêu nơi Thiên Chúa.

Tin là một thái độ dấn thân, không ngồi lì một chỗ, nhưng lên đường và hành động theo lời Ðức Giêsu đã truyền dạy.

Tin là một hành trình ngày càng gian khổ. Ðức tin cần phải có thử thách. Thử thách như những bài học ngày càng cao, càng khó … bắt người tin phải có thái độ lựa chọn ngày càng dứt khoát hơn.

Ðức tin giống như hạt ngọc bị lớp đất bụi che phủ. Những khó khăn thử thách giống như chiếc dũa, dũa sạch bụi đá. Càng dũa nhiều, ngọc càng sáng, càng trong .

Ðức tin giống như ngọn đèn. Thử thách gian khổ là dầu. Càng có nhiều dầu gian khổ, đèn đức tin càng toả sáng, càng lan rộng .

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu Kitô! Ngài là ánh sáng trần gian, là ánh sáng tinh tuyền, là ánh sáng vĩnh cửu đời đời… Xin Ngài dẫn dắt con bước đi trong suốt hành trình đức tin, để con có thể vượt thoát mọi bóng tối của đêm đen, để con có thể gặp gỡ xum họp với Ngài nơi cuối đoạn đường đời của con. Amen

Trích từ bài giảng của TGM. Ngô Q. Kiệt

ẢNH HƯỞNG KHÔNG THẤY ĐƯỢC

Có một câu chuyện kể về một thiếu nữ rất yêu thích những bông hoa.  Cô ta trồng một loài cây leo quí hiếm ở chân một bức tường bằng đá. Cây leo này mọc rất nhanh và mạnh, nhưng không hề trổ hoa. Hết ngày này sang ngày kia, cô tận tâm vun xới và tưới nước, cố gắng bằng mọi cách vun đắp cho nó nở hoa.

Vào một buổi sáng, lúc cô đang đứng trước cây leo này trong tâm trạng thất vọng, thì người hàng xóm tật nguyền nhà bên cạnh gọi cô lại và nói:

– Chị không thể nào tưởng tượng được rằng tôi vui mừng biết bao với những bông hoa trên cây leo nhà chị đã trồng đâu.

Cô liền nhìn qua phía bên kia tường và thấy cả một đám hoa.  Cây leo đã bò xuyên qua kẽ hở của bức tường và nở hoa ở phía bên kia. Tội nghiệp cô gái! Cô cứ nghĩ rằng cây leo của cô là đồ vô dụng, trong khi nó đã luôn luôn chứng tỏ được ích lợi của nó đối với một con người vô cùng cần đến nó. Người tật nguyền kia đã được phong phú hoá và rất đỗi vui mừng, nhờ những cố gắng đầy tin tưởng của cô gái kia, trong việc vun xới chỉ một thân cây leo, mặc dù cô ta không thể nhìn thấy được những kết quả trong việc làm của mình.

(3000 Illutrations) 

******************************

Thông thường những công việc tôi làm thường ngày, tôi sẽ được nhìn thấy cái hiệu quả cho dù đó là đạt hay không đạt sau những ngày tháng chăm chỉ làm việc.

* Chăm sóc một giỏ lan, sau một thời gian vun tưới kết quả là những cánh hoa lan đang nở tươi, mang hương thơm ngào ngạt.

* Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân đều mong muốn bệnh nhân của mình được khỏi bệnh theo phương hướng cách chữa trị của họ.

* Nhận dạy một lớp giáo lý trong giáo xứ, qua một vài giờ học, tôi có thể nhận ra được cái hiệu quả cách thức trình bày và sự tiếp thu của học viên trong lớp.

* Các công ty, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà nông … Tất cả họ đều hoạt động theo hướng đi lên để phát triển cái ngành nghề họ đang phục vụ, tất cả phải đạt tiêu chuẩn, đạt chỉ tiêu.  Nếu không đạt họ phải có kế hoạch, phương hướng khác để khắc phục lại những khuyết điểm, mong cho điều mình muốn đạt được thành công.

Nhưng  trong  thế giới tâm linh có những việc làm con người không nhìn thấy được cái hiệu quả của mình một cách hữu hình. Chúa Giêsu đã nói : “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 21,29b). Trong cuộc sống đạo của người Kitô Giáo, các Mầu Nhiệm Thiên Chúa đã thực hiện, là những kim chỉ nam để hướng con người tìm đến nguồn ân sủng của thuở ban đầu.

Cô thiếu nữ trong câu chuyện, chăm chút cho gốc hoa, tưới nước bắt sâu mỗi ngày, để mong muốn nó sẽ trổ ra những bông hoa xinh xắn trong khu vườn nhà cô. Có lẽ cô vô tình không nhìn thấy khe hở nơi bức tường. Rồi tất cả những công lao của cô được bù đắp không phải nơi nhà cô, mà ở nơi bên kia bức tường. Chính những cố gắng của cô đã làm cho người tật nguyền bên cạnh nhà cảm thấy vui  khi được ngắm nhìn những bông hoa. Những bông hoa đó  chính  là  những bông hoa  ân đức cô đã vô tình làm một việc rất cao đẹp mà cô không hề hay biết, tặng cho người cô đơn tật nguyền bên cạnh nhà.

Nơi luyện tội các linh hồn đang mong được hưởng những bông hoa của mọi người. Chính họ giờ đây không thể trồng, không thể cắt tỉa vun tưới.  Họ chỉ còn trông chờ vào thân nhân, bạn bè trồng tỉa giúp họ bằng những hy sinh, hãm mình, ăn chay, cầu nguyện. Đấy chính là những ngành chồi sẽ vươn qua bức tường vô hình, để trổ sinh những nhánh hoa các linh hồn đang trông chờ.

Đang trong tháng mân côi , mỗi ngày trong kinh nguyện hãy xướng lên lời kinh mân côi, dành ít phút để nhớ đến người đã khuất, các linh hồn giờ đây đang còn bị giam cầm nơi luyện tội, đấy chính là một việc làm mỗi Kitô hữu cần làm và làm hằng ngày, chứ không phải cứ tháng mười một mới nhớ đến. Bạn và tôi, một ngày nào đó chính bản thân mình cũng sẽ cần những bông hoa ân đức, những lời cầu nguyện của mọi người

******************************

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn đang còn giam cầm nơi luyện tội, đặc biệt các linh hồn mồ côi không còn ai nhớ đến để cầu nguyện cho.  Con xin dâng lên Chúa những hy sinh nhỏ bé của con trong ngày hôm nay, để xin Chúa giảm bớt tha thứ những phần phạt những linh hồn ấy đang phải gánh chịu. Xin Chúa sớm đưa những linh hồn ấy được hưởng Nhan Thánh Chúa nơi Thiên Đàng. Amen

Pet P.B.H

PHỤC VỤ

Một lần Đức Hồng Y Roncalli vừa từ trên xe bước xuống, phái đoàn tòa Giám mục ra đón.  Mọi người ngạc nhiên thấy trên vai áo Hồng Y có vương mấy cọng rơm đồng quê.  Ai hỏi ngài cũng cười xòa vui vẻ, nhưng mấy nhân viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện.  Chiếc xe của Đức Hồng Y đang từ hướng Bắc xuống miền Nam qua vùng đồng ruộng.  Giữa đường một chiếc xe bò chở rơm sa hố.  Người đánh xe gắng sức đẩy phụ nhưng xe không nhúc nhích.  Đức Hồng Y cho xe dừng lại, xắn tay áo hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh tiếp tục lên đường.

Những cọng rơm trên vai áo Hồng Y đối với Ngài chỉ cười xòa cho qua.  Nhưng thực sự tỏ rõ cho chúng ta một Hồng Y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.

Sau này lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Gioan 23 vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ.

Lần khác, cả giáo triều Rôma báo động:  “Đức Giáo Hoàng mất tích”.  Nhân viên an ninh đổ xô đi tìm.  Cuối cùng người ta gặp ngài đang trò chuyện thân mật với các tù nhân trong khám đường Rôma.

*****************************

“Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45).

Đó là Hiến Chương Nước Trời, là Hiến Pháp Đức Kitô đã tuyên bố cho Giáo Hội.  Từ đây, mỗi tín hữu Kitô phải là đầy tớ của mọi người.

Người lãnh đạo trong Giáo hội chính là “Đầy tớ của các đầy tớ” (Servus Servorum).  Chữ La tinh “Minister” có nghĩa là đầy tớ.  Vì thế, trong Giáo hội chỉ có kẻ thừa sai, người thừa tác, nữ tỳ, tôi tá, hay mục tử chăm lo cho đoàn chiên.

Mẹ của Giacôbê và Gioan xin Đức Giêsu cho hai con bà được làm tể tướng trong nước của Người.  Nhưng họ đã không hiểu rằng Đức Giêsu không  bước lên ngai vàng để thống trị, mà Người chỉ leo lên thập giá để hiến dâng mạng sống, để yêu thương và “yêu cho đến cùng” (Ga 13,1).

Hôm nay, Chúa cũng mời gọi các tín hữu Kitô hãy noi gương Người: phục vụ và hiến dâng mạng sống cho tha nhân.  Trước nhất là yêu thương phục vụ những người trong gia đình: “Charity begin at home” (Bác ái bắt đầu từ gia đình), sau đó mới lan tỏa sang những người chung quanh, nhất là những người nghèo hèn, yếu đuối.

Nếu chúng ta chưa giống được như Cha Maximilien Kolbe xin chết thay cho bạn tù, như thánh Martino Porres  bán mình làm nô lệ, hoặc như Cha Damien tông đồ người hủi, thì ít là mỗi ngày chúng ta hãy âm thầm phục vụ hết mình những người thân yêu, những người Chúa giao phó trong gia đình mình, trong cộng đoàn mình.

Báo chí Pháp đăng hình của cha Damien sau mấy chục năm phục vụ trong trại cùi, ghép cạnh hình cha hồi còn trẻ đẹp.  Tấm hình gây xúc động cho biết bao con người.  Khi nhìn vào tấm hình, mẹ ngài không thể tin được con mình đã thay hình đổi dạng đến thế.  Chính thái độ tận tụy phục vụ đã tiêu hao sức lực và tàn phá hình hài con người.  Vì thế, chúng ta không thể phục vụ nếu không có sẵn một tấm lòng dấn thân quảng đại.

Người thành công nhất là người phục vụ cho đồng loại nhiều nhất.  Albert Shweitzer đã nói: “Người hạnh phúc thật là người biết tìm cách sống thiện ích cho người khác”.  Martin Luther King nói:  “Chúng ta học bay như chim trên trời, học bơi như cá dưới nước, nhưng lại chưa học sống với nhau như anh em”.  Ở giây phút định mệnh của mỗi con người chỉ có cường độ của tình yêu và tinh thần phục vụ là có giá trị.

*****************************

Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng có một chút ham mê địa vị, chức quyền.  Nếu Chúa xếp đặt cho chúng con một chức vụ nào đó, xin cũng ban cho chúng con một ơn này, là chức vụ càng cao, chúng con càng biết khiêm tốn phục vụ anh em nhiều hơn.  Amen!

Thiên Phúc

CẦU NGUYỆN MÀ KHÔNG ĐƯỢC NHƯ Ý

Sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Bênêđictô XVI đã có buổi tiếp kiến hàng ngàn người đồng hương Đức của Ngài bên trong đại thính đường Phao-Lô. Họ đã đến Roma để chúc mừng Ngài và cũng để tham dự lễ đăng quang Giáo Hoàng của ngài.  Nhưng trong buổi tiếp kiến, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã cảm động thổ lộ tâm tình của Ngài như sau:

“Trong mật nghị Hồng Y, đã nhiều lần cha cầu xin Thiên Chúa tha cho cha công việc này, vì cha chỉ hy vọng và mong muốn sống những năm cuối đời trong thầm lặng và bình an bên quê nhà, cha nghĩ rằng cha đã sắp sửa hoàn tất công việc mà Thiên Chúa đã giao phó cho cha và giờ đây với tuổi già sức yếu, cha có thể sống những năm tháng cuối đời trong an bình, bên cạnh người anh ruột mà cha hằng thương mến, đó là đức ông George Ratzinger .

Thế nhưng khi cuộc đếm phiếu vào chiều thứ Ba (ngày 19 tháng 4 năm 2005), từ từ lộ ra là cha được khá nhiều phiếu, cha bắt đầu cảm thấy choáng váng mặt mày vì đây là lưỡi chém rớt xuống cuộc đời của cha. Điều này chứng tỏ rõ ràng là Thiên Chúa không nhận lời cha cầu xin, Ngài không cất chén đắng cho cha.“

* * * * *

Bạn thân mến! Có phải cứ thành tâm cầu nguyện thì việc gì ta xin cũng được Thiên Chúa nhận lời? Nếu không được nhận lời, thì ta phải hiểu thế nào? Nếu đứa con còn nhỏ của ta cứ năn nỉ xin ta cho con bọ cạp để chơi, xin ta cho cái xe hơi để lái, ta có cho nó không?

Nhiều khi chúng ta có cảm tưởng Chúa ban cho ta con bọ cạp, trong khi có thể chính chúng ta lại xin con bọ cạp mà không hay biết.  Con cá Chúa cho, nhưng nhiều lúc ta lại tưởng là rắn. Chỉ có Chúa mới biết rõ điều gì là tốt, là cần thiết, là thích hợp cho ta. Hãy luôn tin tưởng và phó thác vào tình thương của Chúa, vì Ngài luôn yêu thương chăm sóc cho ta nên luôn ban cho ta những điều “tốt và hạp”.

Trong những trường hợp khác, có người phải chịu những thử thách quá lớn trong cuộc sống, những đau khổ dồn dập khiến cho họ gần như mất đức tin, không còn tin rằng Thiên Chúa là người Cha nhân hậu.  Họ đã kêu gào lên Chúa nhưng chỉ thấy Chúa thinh lặng.  Đau khổ đã làm họ quên đi tiếng kêu xin của Đức Giêsu trên thánh giá  “Lạy Cha! sao Cha bỏ con? ” Tiếng kêu xin ấy vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay.  Thiên Chúa ở đâu?  Ngài có nghe tôi nài xin không?  Ngài có thấy nỗi khổ của tôi không?

Nhìn ngắm Đức Giêsu trên thánh giá giúp ta tìm lại được niềm tin, giúp ta hiểu được phần nào mầu nhiệm của đau khổ: “Cha thương Con, nhưng Cha vẫn thinh lặng, vẫn không cứu Con khỏi đau khổ, khỏi sự chết.  Cha muốn Con đi ngang qua con đường mà bao người đã đi, con đường tối tăm của niềm tin, của đau khổ và sự chết…  Tình yêu của Cha chỉ bừng sáng khi Cha cho Con phục sinh.  Cuối đường hầm là ánh sáng. Con phải đi hết đường hầm mới thấy ánh sáng.

* * * * *

Ly Thiên Chúa là Cha chúng con! Trong Mật Viện Hồng Y vừa rồi, Chúa đã không nhận lời cầu xin của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô.  Trong vườn cây Dầu, Chúa cũng không nhận lời Đức Giêsu khi Ngài cầu xin cho khỏi uống chén đắng (Mt 26,39.42).  Vậy mỗi khi con cầu xin và không được nhận lời, xin cho con biết noi gương Đức Giêsu; bắt chước Đức Giáo Hoàng Bênêđictô để giữ lòng bình tâm và tin tưởng vào tình yêu thương của Thiên Chúa, để nhận biết điều mình cầu xin không phải là ý của Thiên Chúa, không nằm trong chương trình của Thiên Chúa, không mang lại ích lợi cho đời sống thiêng liêng của con. Xin cho con biết phó thác cuộc đời của con trong vòng tay thương yêu của Chúa, Amen .

Linh Xuân Thôn

TIẾNG GỌI TÌNH YÊU

“Thiên Chúa là Tình Yêu”, hồn tôi run lên và trái tim chai đá nguội lạnh từ lâu bị chạm mạnh, nước mắt tôi cứ trào ra như suối khi mấy chữ này được lập đi lập lại trong buổi tĩnh tâm cuối tuần năm 1987.  Tôi đã nghe câu này nhiều lần rồi, nhưng cứ như gió thoảng mây bay, lọt qua tai rồi nhanh chóng tan biến đi chẳng để lại hơi tích gì.  Lần này, tôi thật sự cảm nhận được Chúa Giêsu yêu thương tôi xiết bao, đến nỗi Ngài đã bằng lòng chịu chết cho tôi (cho chính tôi chứ không phải cho ai khác) dù tôi bất xứng.  Tôi thầm thì với Giêsu:  “Tại sao Ngài lại chết cho con?” “Con biết Ngài yêu và chết cho nhân loại, nhưng tại sao Ngài lại yêu con và chết cho chính con?”  “Con không xứng đáng, Chúa ơi!”  Tôi thổn thức trong cái nhìn trìu mến đầy yêu thương của Giêsu.  Mỉm cười, Ngài dang rộng hai cánh tay đã bị treo lên vì tội tôi và như đang muốn ôm ấp vỗ về đứa con bé bỏng vào lòng.  Chúa Giêsu đã chết để tôi được sống!  Ngài chấp nhận chết để chuộc được tôi về từ sự chết!  Một tình yêu vô điều kiện và lòng thương xót vô bờ!  Giờ đây tôi mới cảm nhận được và muốn đáp trả lại tình yêu đó.  Tôi muốn hét to lên cho thế giới biết rằng “Thiên Chúa là Tình Yêu,” “Thiên Chúa là Tình Yêu.”  Đây là kinh nghiệm trở về đầu tiên trong cuộc đời đầy sóng gió của tôi.

Sau lần tĩnh tâm đó, tôi tham gia vào một nhóm cầu nguyện Đồng Hành họp mặt vào mỗi thứ sáu hàng tuần để cầu nguyện, chia sẻ đức tin và cùng nhau đồng hành trong Chúa Giêsu.  Tôi nhận ra rằng Thiên Chúa đang dùng nhóm nhỏ bé thân yêu này để dạy tôi cầu nguyện.  Với sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong nhóm, lần đầu tiên trong đời, tôi bắt đầu mò mẫm đọc Kinh Thánh và bắt đầu yêu thích nó.  Ngày qua ngày, đức tin tôi từ từ lớn lên và được nuôi dưỡng qua những lần bập bẹ đọc Lời Chúa.  Trước khi tham gia vào nhóm cầu nguyện, tôi chưa bao giờ dám rờ vào cuốn Thánh Kinh, tôi tự ngụy biện vì đó là sách “thánh” nên tôi cảm thấy không xứng đáng rờ vào “thánh”.  Một lý do khác là cuốn Kinh Thánh quá dầy, mà tôi thì không hứng thú gì với việc đọc sách.  Biết người, biết ta.  Biết sách dầy, chẳng bao giờ đọc cho hết thì thôi, thà đừng đọc.  Bây giờ nghĩ lại, tôi mới thấy Thiên Chúa đã ban thần khí Ngài giúp tôi đọc hết cuốn sách và cảm nhận được tình yêu qua Lời Hằng Sống đó.

Cũng vào thời gian đó, tôi đang yêu một cô gái và muốn kết hôn với nàng.  Tôi cầu nguyện với Chúa Giêsu bằng lời Kinh Thánh của phúc âm thánh Gioan: “Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.  Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.” (Ga 14:13-14).  Tôi tin tưởng vào điều tôi cầu xin.  Sáu tháng sau, tôi ngỏ lời cầu hôn với nàng và bị từ chối phũ phàng.  Tôi choáng váng ngỡ ngàng, trời đất như sụp đổ.  Tôi thất vọng vào nàng thì ít, nhưng thất vọng nơi Giêsu thì nhiều, thất vọng nơi Người mà tôi đã đặt trọn niềm tin.  Tôi cảm thấy như bị phản bội và tôi trút cơn giận lên Giêsu.  Tôi đã sống trong điên cuồng và hạch hỏi Chúa Giêsu ba bốn tiếng mỗi ngày để thuyết phục Ngài rằng tôi đúng và tốt hơn hết Chúa nên thay đổi ý định của Ngài đi.  “Hãy làm cho nàng đổi ý, Chúa ơi, tại sao Chúa nói bất cứ điều gì con xin thì Chúa sẽ cho, vậy mà thực tế là nàng từ chối lời cầu hôn của con.”

Lạ thay, càng “tranh luận hạch tội” với Giêsu, tôi càng hiểu Ngài hơn.  Càng hiểu biết Ngài, tôi càng yêu mến Ngài nhiều hơn và muốn dâng hiến trọn đời cho Ngài.  Lặng thinh chiêm ngắm tình yêu vô điều kiện của Chúa Giêsu, tôi càng thấm thía sâu xa sự khác biệt giữa tình yêu có điều kiện của con người và tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa.  Sau sáu tháng chìm đắm trong cầu nguyện, tôi bâng khuâng không biết có nên lập gia đình nữa hay không.  Tôi thưa với Ngài rằng tôi chỉ muốn sống mãi trong biển tình bao la của Giêsu.   Đây là bước ngoặt thứ hai tôi trở về trong vòng tay của Chúa Giêsu để tình yêu và đức tin của tôi ngày càng lớn hơn.  Kỳ diệu thay, tôi cứ ngỡ rằng tôi sẽ thuyết phục Ngài làm theo ý muốn tôi, thì chính Ngài lại đang thuyết phục tôi thực thi thánh ý Chúa Cha.

Trong cùng thời gian đó, năm 1988, có rất nhiều người Việt đang sống tại các trại tị nạn tại các nước Đông Nam Á.  Tôi quyết định đến một trại tị nạn ở Hồng Kông để làm việc thiện nguyện.  Tôi lên đường chỉ vỏn vẹn với một ba lô sau lưng và một trái tim nóng bỏng yêu thương mong muốn được san sẻ.  Tôi làm việc ở đó hai năm phục vụ và giúp đỡ những người nghèo tị nạn, tôi yêu họ biết bao và yêu công việc bé nhỏ đơn sơn của tôi.  Dầu vậy, sau hai năm làm việc, tôi cảm thấy sức tàn hơi kiệt: đời sống tâm linh khô khan, tinh thần mệt mỏi, thể xác rã rời và tài chánh kiệt quệ.  Tôi trở lại Mỹ nghỉ ngơi lấy lại sức và đi làm để dành tiền để chuẩn bị cho chuyến đi tới.  Sau khi để dành được chín ngàn mỹ kim, tôi lại lên đường đi Phi Luật Tân để làm việc trong trại tị nạn Palawan năm 1990.  Mặc dù tôi rất yêu quý những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống ở trại tị nạn, nhưng cũng như lần trước, sau vài năm làm việc, tôi lại rơi vào tình trạng khô khan khủng hoảng.  Từ đó, tôi quyết định phải nhận định lại để tìm thánh ý Chúa cho cuộc sống tương lai của tôi.

Qua cầu nguyện và nhận định, tôi thấy rõ có ba con đường trước mắt.  Con đường thứ nhất là tiếp tục công việc thiện nguyện đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui phục vụ nhưng sau đó là tình trạng kiệt quệ về tài chánh cũng như đời sống tâm linh.  Con đường thứ hai là lập gia đình để thoả mãn những nhu cầu đòi hỏi bình thường của một người đàn ông.  Khi cân nhắc hai con đường này, tôi thấy niềm vui trong phục vụ thì sâu sắc và mãnh liệt quá đến nỗi tôi không muốn từ bỏ nó.  Còn nếu lập gia đình ư?  Tôi sẽ bị trói buộc vào những bổn phận của đời sống hôn nhân và sẽ không còn tự do để đi phục vụ những người nghèo tại các quốc gia đang phát triển nữa.  Tôi cảm thấy Giêsu đang mời gọi tôi làm một cái gì đó khác hơn, cao cả hơn, vì thế tôi từ bỏ ý định lập gia đình.  Con đường cuối cùng đang mở rộng trước mắt là gia nhập vào một dòng tu để có cơ hội tiếp tục làm những công việc thiện nguyện mà tôi yêu thích.  Dòng tu đó sẽ giúp đời sống tâm linh tôi ngày càng phát triển hơn, sẽ nâng đỡ tinh thần tôi qua tình đồng môn những khi tinh thần tôi bị suy sụp, và giúp đỡ tôi về mặt tài chánh khi cần thiết.  Kết quả là tôi vào Dòng Tên và trở thành tu sĩ của dòng từ năm 1993.  Tôi chọn Dòng Tên vì tôi thích phương pháp Linh Thao của thánh I-Nhã thành Loyola.  Chính nhờ phương cách thao luyện đời sống tâm linh này giúp tôi trong việc nhận định tìm thánh ý Chúa và giúp tôi trải qua các kinh nghiệm trở về.

Tôi vào Dòng Tên với niềm lo sợ về vấn nạn học hành vì tôi vốn không thích học.  Tôi nghĩ mình không có khả năng để tiếp thu vì tôi đã bị rớt khi lấy bằng kỹ thuật trung cấp hai năm (Associate of Arts Degree) vào năm 1987.  Thiên Chúa đã làm tôi ngạc nhiên biết bao khi nhà dòng gởi tôi đi học đại học, buộc tôi phải học và tôi đã lấy được bằng Cử nhân (Bachelor’s Degree).   Sau đó tôi hoàn tất bằng Cao học Thần học (Master’s Degree in Divinity).  Thành thật mà nói, tôi không ngờ Chúa Giêsu đã dắt tôi đi một quãng đường xa như vậy.  Gia đình tôi cũng kinh ngạc như tôi.  Khi bước chân vào tập viện, anh trai tôi đã nói với tôi:  “Nếu Chữ cảm thấy không thích hợp với đời sống tu trì thì yên tâm, gia đình mình lúc nào cũng sẵn sàng chào đón Chữ về.”  Chị tôi mới đây thì nói:  “Cả gia đình đều nghĩ rằng Chữ không thể học được vì Chữ không thích đọc sách và bị cà lăm từ nhỏ.  Đó là lý do tại sao cha mẹ khuyến khích cậu học nghề như nghề nông hay mộc hơn là sách vở vì cậu có khiếu về các nghề đó hơn.”

Khi nhìn lại quãng đường đã qua, tôi tự nhủ: “Chắc Chúa điên rồi!”  Tôi thường nghi ngờ hỏi Chúa: “Chúa ơi, Ngài có chắc là đầu tư đúng người không?” “Chúa biết con cà lăm và chậm hiểu.  Làm sao con có thể nói cho thế gian biết tình Chúa yêu con và yêu thế gian lớn đến thế nào?”  Càng biết Giêsu, tôi càng cảm nghiệm rằng tình yêu của Chúa Giêsu cho tôi vượt ngoài sự hiểu biết của tôi.  Chỉ có tình yêu mới giải thích được!

Chỉ vì yêu tôi mà Ngài đã cùng đi với tôi một quãng đường xa như thế.  Chỉ vì tình yêu “điên rồ” mà Thiên Chúa đã gọi tôi để yêu thương, để loan truyền tình yêu và lòng thương xót của Ngài.  Tôi muốn nói lên cho cả thế giới biết rằng Thiên Chúa đã gọi một người ngu si và bất xứng như tôi để tiếp tục sứ mạng của Ngài.  Sứ mạng đó là loan truyền một tình yêu không sợ hãi, một tình yêu không điều kiện.  Để nói được như thế, mục đích cuộc đời tôi là đáp trả lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa Tình Yêu, tất cả là cho Tình Yêu và vì Tình Yêu.

Anh chị em thân mến, nguyện xin Thiên Chúa của tình yêu vô điều kiện đánh động tâm hồn mỗi người để anh chị em được tràn ngập niềm vui thánh thiêng.  Xin hãy cầu nguyện cho tôi để tôi có thể tiếp tục trung thành loan truyền tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đến tận cùng chân trời góc biển.

Ngô Văn Chữ, S.J.
26 tháng 5, 2006

A CALL TO LOVE

“God is love!”  I was full of tears during a weekend retreat in 1987 when God touched my heart and soul with this phrase.  I heard this phrase many times before but it never touched me.  This time, I realized that Jesus loves me so much and died for me even though I am an unworthy sinner.  I said to Jesus, “Why do you die for me?” “I know you love the world and die for the world, but why do you love me and die for me?” “Is it worthwhile for you to die for me?” “I don’t deserve your goodness.”  Then, I felt Jesus looked at me silently, smiled, and stretched out his arms to die for my sins.  Jesus died so that I could live.  Out of unconditional love and compassion, Jesus died and redeemed me.  Therefore, I wanted to respond to His love.  I wanted to yell out to the whole world that:  “God is love!”  This was the first turning point of my conversion experience.

Later on, I joined a spiritual exercise prayer group that met every Friday to pray and to share our faith with each other.  I now realize that God used this group to teach me how to pray.  With the spiritual movement in the group, I began to read the Bible and fell in love with it.  It was the first time I read it.  My faith grew and was nourished from this very Bible.  Before joining the prayer group, I never dare to read the Bible – partly because it’s a Holy Book and I felt I was not worthy, another reason was because it is too thick and I did not think I could finish it because I did not like reading.  Now, I realize that God has given me the inspiration to read it and to fall in love with it.

At that time, I also fell in love with a woman and I wanted to marry her.  I prayed to Jesus and the word from John appeared to me, “I will do whatever you ask in my name, so that the Father may be glorified in the Son.  If in my name you ask me for anything, I will do it” (Jn 14:13-14).  I believed it!  After six months I asked that woman if I could marry her and she refused.  I was shocked!  I was very much disappointed at the woman, but doubly disappointed at Jesus.  I felt like Jesus betrayed me.  I was angry with Jesus.  Honestly, those days I went crazy and argued with Jesus three or four hours each day and night in order to … convince Jesus that I was right and Jesus had better change His mind!  “How come you said that whatever I ask you will give to me?” “The fact is that the woman refused me!”  But then gradually, the more I conversed with Jesus, the more I got to know Him.  The more I knew Jesus the more I loved Him and wanted to follow Him and to devote my life to Him.  I came to realize that God wanted to show me the human conditional love versus the divine unconditional love.  After six months of praying, I thought about whether I still wanted to get married or not, and I told Jesus that I only wanted to abide in His Unconditional Love.  This was the second turning point for me to grow deeper in my love for God.  Instead of me convincing Him, Jesus convinced me!

In 1988, there were many Vietnamese refugees in the Asian camps.  I decided to go and do missionary work at a refugee camp in Hong Kong.  I brought with me one back pack and a burning desire to love.  I worked here for two years, serving the poor and helpless refugees and I loved it!  However, after two years, I was broke – physically, financially, mentally and spiritually.  I had to go back to the U.S. to rest and work to build up some financial support for my next trip.  After earning nine-thousand dollars, I went to the Philippines to work with the refugees again in Palawan camp in 1990.  I also loved this experience!  But then, after a few years, I experienced feelings of desolation similar to what I went through in Hong Kong.  From there, I went through a discernment process to seek God’s will for me and to decide on my next move.

Through prayer and discernment, I recognized that I have at least three choices.  The first choice was to continue missionary work, which brought me a great joy; but after a while, left me with financial and spiritual difficulties.  The second option was to get married and to satisfy my human sexual needs.  In weighing these two options, I felt the joy of service so profoundly and tremendously that I did not want to forsake serving.  I realized that if I get married, I would be tied up with the married life and I could not be as free to serve the poor and the needy, especially those in developing countries.  I felt that Jesus was inviting me to something else; therefore, I dropped the marriage option.  The third choice was to enter a religious community which will give me the opportunity to do missionary works and at the same time provide me with spiritual guidance, companionship and the financial support that I need.  As a result, I enter the Society of Jesus and became a Jesuit in 1993.  I chose the Society of Jesus mainly because I like the Spiritual Exercises of Saint Ignatius of Loyola.  It was the Spiritual Exercises that helped me with my discernments and led to my conversion experience.

I entered the Jesuit life with the fear of studying simply because I did not like to study.  Part of it was also because back in 1987, I failed in getting the Associate of Arts Degree, so I thought that I did not have the ability to study.  God surprised me!  The Society of Jesus sent me to college, assigned me to study and I achieved a Bachelor’s Degree.  Then I went on to finish my Master’s Degree in Divinity.  Honestly, I could not believe that Jesus walked with me this far.  My family members were shocked as well.  My brother once told me when I entered the novitiate, “If you do not feel comfortable with that life, our family will welcome you back home.”  Recently, my oldest sister said: “Our entire family thought that Chu could not study literature because he never liked to read and because he stutters since childhood.  That’s why our parents allowed him to study occupations such as agriculture and woodworking since he is very good at these trades.”  As I looked back on my journey, I thought to myself: “God must be crazy!”  I asked God:  “Are you sure that you invest your gifts in the right person?”  “You know that I still stutter and I’m a slow learner.  How do I tell the world that you love me and you love the world that much?”  The more I get to know Jesus the more I realize that Jesus’ love for me is beyond my understanding.  Only love could explain!

It’s only because God loves me so much that He would walk with me this far.  Only with His “crazy” love that God has called me to love and to speak of His love and compassion.  I want to tell the whole world how stupid and unworthy I am whom God has called to carry out His divine mission – to love without fear and without any condition; to manifests the unconditional love of God.  So to speak, my life’s purpose is to respond to the call from Love, for Love and to love.

My dear brothers and sisters, may the God of unconditional love touch your heart so that you’ll burst out with tears of joy!  Pray for me so that I can continue to be faithful to proclaim God’s unconditional love to the whole world.

Chu Ngo, S.J.
May 26, 2006

KHO BÁU TRÊN TRỜI

Kagawa là một tín hữu Kitô Nhật Bản, khi nghe Lời Chúa phán: “Hãy đem bán hết gia tài, bố thí cho người nghèo, và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”, ông liền bán căn nhà tiện nghi sang trọng của mình, đến khu nhà ổ chuột tồi tàn vùng Tokyo.  Nơi đây, ông chia sẻ của cải cho bất cứ ai cần trợ giúp, ông đi thăm nuôi tù nhân, an ủi giúp đỡ người bịnh, cấp dưỡng cho kẻ nghèo đói…  Có một lần, dù lâm bịnh, ông vẫn tiếp tục rao giảng dưới cơn mưa, miệng không ngừng thốt lên: “Thiên Chúa là tình yêu.  Ở đâu có tình yêu ở đấy có Thiên Chúa”.

Nhà thần học William Barclay đã trích dẫn những lời đầy sắc bén của Kagawa như sau: “Chúa ở trong tâm hồn những người hèn mọn nhất, Người hiện diện giữa những kẻ ăn xin, Người nằm chung với những ai bịnh hoạn, Người đứng về phiá những kẻ thất nghiệp.  Vì thế, ai muốn gặp Thiên Chúa hãy đến thăm tù ngục trước khi tới đền thờ, hãy đến thăm bịnh viện trước khi dự lễ, hãy giúp đỡ người nghèo khổ trước khi đọc Kinh Thánh”.

********

Người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay là một con người đạo đức.  Anh đã thưa với Đức Giêsu: “Những giới răn ấy, con đã giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10, 20).  Người đã chăm chú nhìn anh và đem lòng thương mến.  Người mời gọi anh tiến thêm một bước nữa:  “Hãy đem bán hết gia tài, bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta” (Mc 10,21).  Trong khi người tín hữu Nhật Bản Kagawa mau mắn, vui tươi thực hiện ngay Lời Chúa thì người thanh niên lại sụ nét mặt, buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải.

Qủa thật: “Đồng tiền đi liền khúc ruột”.  Có thể nói: “Tiền đã thắng tình”.  Lòng ham mê của cải đã thắng tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân.  Lòng tham đã bóp nghẹt con tim.  Tình yêu của anh chưa đủ mạnh để thúc đẩy anh làm điều nên làm và phải làm.  Thánh Phaolô cũng có cảm nghiệm ấy khi ngài viết:  “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15).  Ngài cho đó là tội lỗi trong ta đã hành động, và chỉ có tin tưởng vào Đức Kitô mới giải thoát ta khỏi tình trạng ù lỳ đó.

Tình yêu phát sinh sức mạnh.  Thánh Augustinô quả quyết:  “Cứ yêu đi rồi làm điều gì mình muốn”.  Tình yêu sẽ thúc đẩy chúng ta phải làm một cái gì đó cụ thể cho anh em, một cái gì đó anh em đang thực sự mong đợi.  Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại làm ngơ trước nhu cầu cấp bách của anh em.

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10,25).  Đây là một kiểu nói Á Đông, diễn tả một việc làm rất khó.  Đức Giêsu đã từng tham dự những bữa tiệc sang trọng của người biệt phái giàu có, từng ăn uống tại nhà những người thu thuế lắm tiền, từng chịu ơn những phụ nữ nhân đức nhiều của.  Vậy Người chỉ lên án những ai ham mê của cải, coi đồng tiền là chúa tể, làm nô lệ cho nó, để không dám mở tay ra với anh em và quảng đại với công việc của Thiên Chúa.

********

Lạy Chúa,

Có những lần lẽ ra phải cứu giúp người khác, nhưng vì ích kỷ, nên chúng con đã không làm. 
Có những lần lẽ ra phải hy sinh cho anh em, nhưng vì sợ phiền hà, nên chúng con đã làm ngơ.
Có những lần lẽ ra phải bỏ tiền trợ giúp một ai đó, nhưng vì so đo tính toán, nên chúng con lại thôi. 
Xin tha thứ cho chúng con, và xin đổ tràn tình yêu Chúa vào lòng chúng con, để chúng con có đủ can đảm bán tất cả những gì mình có mà mua được viên ngọc qúy là Nước Trời.  Amen!

Thiên Phúc