GIU-ĐA

Không tha thứ cho chính mình là phạm tội đến hai lần (Khuyết danh)

 Không hiểu sao, tôi luôn bị mẹ ghét.  Dường như tôi làm điều gì cũng không đúng ý bà.  Có lẽ tôi luôn là đứa vụng về, mà lại lầm lì, không lanh lợi như hai chị, mà cũng có lẽ cả 3 chị em đều là gái, nên mẹ không vui?  Tôi chẳng bao giờ biết được lý do, nhưng cho dù như thế nào, tôi vẫn không bao giờ quên đựơc những trận đòn của mẹ từ những ngày thơ ấu.  Và tôi sợ, không dám tự làm điều gì, vì sợ làm không đúng ý mẹ.  Ngay cả nói, cười trong nhà, tôi cũng không dám.  Cứ như thế, tôi trở thành một cái bóng lặng lẽ, mờ nhạt.  Thế nhưng cái làm cho tôi đau đớn hơn cả, lại không phải là những trận đòn ấy, mà là một cái tát. Vâng, chỉ một cái tát!

Hôm ấy, chúng tôi họp lớp.  Dù chuẩn bị thi tốt nghiệp, chúng tôi vẫn quyết định dành một ngày để chia tay, rời trường.  Hôm ấy, 9g tối tôi mới về nhà. Chưa bao giờ tôi về khuya đến thế.  Một thằng bạn đưa tôi về, tôi chẳng nghĩ gì vì ngay từ những ngày tiểu học, tôi đã quen bạn trai nhiều hơn bạn gái, hơn nữa, bọn con trai trong lớp tôi hiện nay rất galăng, chẳng cần ai nói, chúng nó tự động chia nhau đưa các bạn nữ về nhà.  Thế nhưng, đến cổng, vừa bước chân xuống xe, tôi ăn một cái tát như trời giáng.  Tôi bàng hoàng đến nỗi một lúc sau mới biết mẹ đứng đó.  Sau đó, mọi sự như trong một màn sương, tôi chẳng còn nhớ điều gì cho mạch lạc.  Chỉ còn một cảm giác đọng lại trong tôi.  Tôi không bao giờ quên được cảm giác ấy. Tôi chỉ mong tôi được chết đi ngay lập tức, để thoát khỏi nỗi nhục nhã này.  Từ đó, không một đứa bạn nào của tôi được bén mảng đến nhà tôi nữa, và dường như tôi cũng không có bạn.  Tôi chỉ còn là một cái xác chịu sự sai khiến của mẹ, là cái bung xung chịu đựng những cơn giận của mẹ.

Thế nhưng, không ai cấm được tôi ước mơ.  Trong mơ, tôi thấy mình là một cô công chúa xinh đẹp, khéo léo, có thật nhiều bạn, và có được một người thương yêu, như bố tôi, không bao giờ la mắng, đánh đập tôi.  Và quả đã có người ấy, một chàng hoàng tử làm choáng ngợp hồn tôi, nhưng tôi sợ, không dám đến gần vì sợ mình quá xấu xí, quá vụng về, làm sao người ta có thể chấp nhận?  Ôi, chàng hoàng tử của tôi. Trong mọi giấc mơ, tôi đều mơ thấy chàng!

***************************

Năm năm chung sống, có với nhau 2 mặt con, tôi vẫn không biết anh có yêu tôi hay không.  Ngày quen nhau, tôi bị cái vẻ lành lạnh của anh thu hút, thế nhưng khi chung sống, lại cũng chính cái vẻ lành lạnh ấy của anh làm tôi chán.  Suốt ngày làm việc, cuối tháng, anh đưa lương cho tôi hết, chẳng giữ lấy một đồng.  Rồi những ngày Phụ nữ, ngày sinh nhật tôi, anh quên!  Có lần tôi nhắc, anh trả lời gọn bưng:  “Có bao nhiêu tiền, anh đưa em cả rồi!  Em thích hoa gì thì ra chợ mua, đúng ý mình, về dễ chưng hơn!”  Tôi ngọng! Anh không thích giao du, hết giờ làm là về nhà, bạn bè bảo tôi sướng, khỏi phải lo giữ chồng, nhưng chúng nó có biết đâu, có những buổi tối, tự dưng cảm thấy trống trải, bâng khuâng, tôi muốn rủ anh đi dạo, rồi ghé vào một quán cà phê nào đó vừa nghe nhạc, vừa nhâm nhi, nhưng anh cho rằng, điều đó chỉ dành cho những kẻ đang yêu, còn đã là vợ chồng, thì miễn, để thời gian chăm sóc con cái, nhà cửa! Riết rồi tôi chán!  Vợ chồng chẳng lẽ chỉ là những kẻ cùng lo chung cơm áo gạo tiền thôi sao?!

Rồi tôi gặp anh ta.  Mọi người đồn, anh được rất nhiều cô theo đuổi.  Tôi không quan tâm và cũng chỉ giao tiếp với anh trên bình diện công việc.  Nhưng càng về sau, từ những câu chuyện về công việc, chúng tôi lại lan man về xã hội, về cuộc sống, rồi bỗng cảm thấy có những suy nghĩ thật trùng hợp.  Có người chăm sóc, có người hỏi han, chiều chuộng, tôi như sống lại thời con gái.

Và điều ấy đã xảy đến.  Khi biết tôi có thai, anh ta thẳng thừng:  Anh không thể ly dị.  Anh cũng không muốn phá vỡ hạnh phúc gia đình em.  Em đừng lo, mọi người sẽ nghĩ em có con với chồng, chẳng có chuyện gì đâu!

Tôi lăn ra ốm một trận thập tử nhất sinh.  Chồng tôi lo lắng, vì chẳng ai biết được tôi bệnh gì. Sau biết tôi có thai, anh cứ nghĩ tôi ốm nghén.  Tuần lễ ấy, anh nghỉ làm, ở nhà nấu cháo cho tôi, túc trực bên giường.  Không thể thản nhiên nhận sự chăm sóc ấy, tôi kể hết, và chờ đợi sự phán quyết của anh.  Anh cứ ngồi nghe tôi nói, không hề ngắt lời, nhưng sắc mặt ngày một tái dần đi.  Khi tôi ngừng lời, anh chậm chạp đứng dậy, đi ra, vẫn không một lời!

Tôi biết, mọi sự thế là chấm dứt.  Tôi không oán trách anh, chỉ vì tôi đã quá nhẹ dạ, quá nông nổi, tưởng rằng tình yêu phải được biểu lộ bằng sự chăm sóc, chiều chuộng, bằng những lời yêu thương môi miệng.  Còn oán trách ai được nữa khi chính mình đã thả mồi bắt bóng, chính mình đã hất đi cái hạnh phúc mình đang có!

Cả ngày hôm ấy không thấy anh.  Tôi biết mình phải làm gì.  Cố gắng hết sức để ngồi dậy thu xếp quần áo, tôi chỉ đau xót nghĩ đến hai đứa con. Rồi đây ai sẽ chăm sóc chúng?  Giá mà tôi nghĩ đến điều này từ trước, thì đâu có ngày hôm nay!

Đúng lúc ấy, anh vào.  Tôi chẳng còn mặt mũi nào nhìn anh.  Nhưng những lời anh nói chứng tỏ tôi hoàn toàn chẳng hiểu gì hết về chồng mình, về con người mà mình đã sống chung 5 năm qua:

–  Anh biết, cho dù em tự nhận hết tội lỗi về phần mình, nhưng anh cũng đã có lỗi với em. Anh mong ước rằng chúng ta sẽ có một cuộc sống đầy đủ, không phải thiếu thốn gì, nên đã miệt mài làm việc.  Anh quên mất rằng, em còn cần nhiều hơn một cuộc sống vật chất đầy đủ.  Ngày xưa, đó chính là điểm làm anh yêu em.  Em không coi trọng vật chất, lại hơi lãng mạn.  Chính cái lãng mạn ấy của em làm anh cảm thấy cuộc sống mình tươi mát hơn.  Thời gian qua, anh dần dần quên mất điều đó.  Anh đau đớn khi nghĩ đến chuyện đã qua, nhưng chính anh đã đẩy em đến chỗ đó.  Em có thể quên đi tất cả, để chúng mình bắt đầu lại từ đầu không?  Anh xin em điều này, không phải vì hai đứa con chúng ta, nhưng vì chính anh, anh không muốn xa em!

Cuộc sống chúng tôi sang trang từ hôm ấy.  Không biết anh thay đổi cách sống, hay tôi thay đổi cách nhìn, chỉ biết rằng, từ ngày ấy, tôi hiểu tình yêu anh dành cho tôi lớn đến thế nào, dù anh không bao giờ nói ra điều ấy.

Bụng tôi lớn dần.  Tôi đã muốn bỏ nó đi, nhưng anh không cho, vì “nó chẳng có tội tình gì”.  Anh hứa sẽ xem nó như con, như những đứa con khác.  Và quả thật, anh đã giữ lời.  Cho đến ngày nó lớn khôn, chưa bao giờ tôi thấy anh phân biệt đối xử, dường như anh đã quên câu chuyện ấy, như chưa bao giờ xảy ra.

Nhưng tôi thì không thể quên.  Nó là một bằng chứng sống cho tội lỗi của tôi.  Cứ nhìn nó là tôi lại nhớ đến tội lỗi xưa, tại sao tôi lại ngu ngốc đến thế!  Tôi hận mình, và tôi hận cả nó.  Là đứa con rứt ruột đẻ ra, nhưng tôi không thể nào thương nó nổi!  Vẫn có những lúc, sau khi la mắng, đánh đập nó, nhìn vẻ mặt ngơ ngác, cam chịu, nhìn những giọt nước mắt câm lặng của nó, tôi cũng đau xót, nhưng sự thương xót ấy không kéo dài quá vài ngày!  Tôi cũng sợ nó giống cha, nên kèm rất sát.  Mà có lẽ nó có gien di truyền, nên rất nhiều bạn trai theo đuổi.  Nhưng không đứa nào lọt qua khỏi mắt tôi.  Cho đến khi tôi chọn cho nó được một người ưng ý, nó cũng chẳng nói năng gì, lúc ấy tôi mới mừng thầm.  Không phải tôi muốn tống nó ra khỏi nhà, dù sao nó cũng là con tôi kia mà, nhưng nó đi, tôi không phải bị nhắc nhở về tội lỗi ấy nữa!

Thế nhưng tôi đã lầm.  Vợ chồng nó hạnh phúc hay không, tôi không hề biết.  Bây giờ nghĩ lại, tôi mới chợt nhận ra rằng, nó không bao giờ nói chuyện với ai trong nhà, ngay cả với bố, người không bao giờ la mắng nó. Vì thế, chẳng ai biết được vì sao nó chết!  Chỉ một năm sau ngày cưới, nó chết.  Và bây giờ đây, tôi mới biết được rằng, tôi đã phạm tội đến hai lần!  Chính tôi đã giết nó.  Một cái chết từ từ ngay từ khi nó sinh ra mà không được tôi chấp nhận.  Chính tôi, chứ không ai khác, đã hủy họai tâm hồn nó, đã đầu độc cuộc sống của nó, và chính tôi đã sắp đặt cuộc hôn nhân ấy mà không cần biết nó suy nghĩ gì.  Chính tôi.  Bởi không thể tha thứ cho chính mình, tôi đã kết án cả một sinh linh vô tội.  Còn ai có thể tha thứ cho tôi?!

Chiêu An

NHỮNG BÓNG MA TƯỞNG TƯỢNG

Trước khi dâng mình cho Chúa, Thánh An-phong là một luật sư lỗi lạc.  Người rất nổi danh vì tài hùng biện và vì lý luận đanh thép sắc bén.  Nhờ tài ba, người đã thành công trong rất nhiều vụ án hiểm hóc.  Nhưng một hôm, Chúa đã để cho người phải thất bại. Trong một vụ án mà người thấy là đơn giản, dễ dàng, người đã bị thua một cách thảm hại.  Trước thất bại cay đắng đó, người thấy như cả bầu trời sụp đổ. Danh tiếng phút chốc tan như mây bay.  Uy tín bị cuốn đi trong làn gió thoảng. Cả một màn đen tối u ám phủ xuống cuộc đời.

Chẳng còn biết tìm an ủi ở nơi nào khác, Thánh An-phong quay về bên Chúa, chìm đắm trong lời kinh cầu nguyện.  Nhờ ơn Chúa, người tìm được niềm bình an.  Hơn thế nữa, người nghe được tiếng Chúa mời gọi đi vào con đường Chúa muốn.  Từ đó, người hiến thân trọn vẹn để phục vụ Chúa, người đã trở thành linh mục, giám mục và lập ra Dòng Chúa Cứu Thế.  Sau này, khi nhìn lại, người hiểu rằng chính Chúa đã hiện diện trong những thất bại để đưa người về con đường theo ý Chúa.  Chính Chúa đã dùng những đau khổ để huấn luyện người trong đức khiêm nhường phó thác.  Chính bàn tay Chúa đã hạ người xuống trong danh vọng trần thế để nâng người lên trong vinh quang Nước Trời.

*******************************

Trong sách Tin Mừng ta thấy thuật lại nhiều trường hợp tương tự.  Khi thuyền của các Môn Ðệ đang vất vả vượt qua sóng gió, Ðức Giê-su đi trên mặt biển đến với các ông.  Các ông tưởng là ma nên càng sợ hãi hơn.  Nhưng đó chính là Ðức Giê-su.  Người làm cho biển êm sóng lặng và thuyền các ông tới bến bình an… Có lần Ðức Giê-su cùng ở trên thuyền với các ông, nhưng Người ngủ say đến nỗi sóng gió dữ dội mà vẫn không hay biết gì.  Các ông hoảng hốt đánh thức Người dậy.  Và Người đã đe sóng gió khiến chúng phải im lặng.

Hôm nay cũng thế, Người đến bất ngờ khiến các Môn Ðệ sợ hãi.  Họ đang bị cái chết đau thương của Người ám ảnh.  Nên khi Người đến họ tưởng là ma hiện hình.  Ðức Giê- su phải trấn an họ.  Cho họ xem những vết thương ở tay chân.  Cùng ăn uống với họ và giải nghĩa Thánh Kinh cho họ.  Nhờ thế, họ được bình an, được vui tươi và tin tưởng.

Trong đời sống chúng ta cũng thế.  Rất nhiều lần trong đời ta tưởng Chúa là bóng ma đến đe dọa đời sống ta.  Có những biến cố lịch sử làm đảo lộn đời ta, tưởng chừng như đưa cuộc đời ta vào ngõ cụt. Nhưng không ngờ chính Chúa dùng biến cố lịch sử dẫn đưa ta vào một con đường mới theo thánh ý Chúa. Có những khi ta gặp thất bại ê chề tưởng chừng như không còn gượng dậy nổi.  Nhưng không ngờ chính Chúa đã dùng thất bại để cảnh tỉnh ta, giúp tâm hồn ta vươn lên trong một đời sống mới cao cả tươi đẹp hơn.  Có những khi ta gặp phải những nỗi đau buồn tê tái tưởng như chết đi được.  Ta cứ tưởng Chúa đã bỏ rơi ta.  Nhưng không ngờ chính Chúa hiện diện trong những đau buồn đó để giúp ta sống trưởng thành, sâu xa, phong phú hơn.

Khi Ðức Tin các Tông Ðồ còn yếu kém, họ tưởng Chúa là ma.  Khi Ðức Tin đã được củng cố, các ngài mới thấy Ðức Giê-su là có thực.  Ðức Tin của các Tông Ðồ đã được củng cố nhờ được gặp gỡ tiếp xúc thân mật với Ðức Giê-su và được nghe Người giải nghĩa Thánh Kinh.  Ðức Tin của ta còn rất non yếu.  Ta hãy biết bắt chước các Tông Ðồ củng cố Ðức Tin bằng cách năng gặp gỡ Ðức Giê-su.  Hãy đến gặp Người trong Thánh Lễ. Hãy đến gặp Người trong giờ kinh tối trong gia đình.  Nhất là hãy đến gặp Người trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện tâm sự thân mật với Chúa.

Hãy củng cố Ðức Tin bằng cách học hỏi Thánh Kinh.  Ðọc Thánh Kinh hằng ngày để hiểu biết Chúa hơn.  Suy niệm Thánh Kinh để tìm ra Thánh Ý Chúa.  Và nhất là hãy biết thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày.  Khi đã gặp gỡ Chúa và đã thấu hiểu Lời Chúa, ta sẽ chẳng còn bị những bóng ma ám ảnh. Ta sẽ nhìn thấy Chúa trong tất cả các biến cố vui buồn của đời sống. Cuộc sống ta sẽ tràn đầy niềm vui và niềm bình an.

*******************************

Lạy Ðức Giê-su Phục Sinh, con tin Chúa đang ở bên con.  Con xin phó thác cuộc đời con trong tay Chúa.

TGM. Giuse Ngô quang Kiệt

TIỀN BẠC

Tại một tiệm bán thực phẩm cho các loài chim kia, vì muốn thu hút khách hàng, nên ông chủ tiệm bắt được con phượng hoàng đem nhốt vào cái lồng lớn đặt trong tiệm.

Một hôm, có hai ông cháu từ miền núi xuống thành phố mua đồ. Khi đi ngang qua tiệm, vừa trông thấy con chim phượng hoàng bị nhốt trong lồng, ông ta động lòng thương hại, liền ngỏ ý với ông chủ tiệm xin mua con chim ấy.

Không để mất cơ hội, ông chủ tiệm đòi giá tiền thật cao.

Không một lời trả giá, người khách hàng đi thẳng tới nhà ngân hàng, rút số tiền cần thiết và trở lại tiệm mua chim phượng phoàng. Ông ta vui mừng ẵm con chim trên tay bước ra khỏi tiệm. Vừa bước chân tới quãng đường vắng, ông ta liền mở tay ra để chim được tự do bay bổng giữa bầu trời mênh mông của nó.

Ngạc nhiên trước việc làm của ông, đứa cháu nhỏ tò mò lên tiếng hỏi:

– Thưa ông nội, tại sao ông lại sẵn sàng hy sinh một số tiền lớn như vậy để chuộc trả tự do cho con chim phượng hoàng ấy.

Ông vui vẻ đáp:

– Cháu hãy ghi lòng tạc dạ điều này: trên đời, giàu sang không chỉ căn cứ trên những gì mình có thể chiếm đoạt được mà thôi, nhưng chính là trên những gì mình cần phải cho đi, để có thể thực hiện được điều tốt lành cần phải làm. 

 *********************************

Người ta thường nói:  “Có tiền mua tiên cũng được”.

Ðiều đó nói lên giá trị và quyền lực của tiền bạc. Tuy nhiên, tiền bạc chỉ có giá trị của nó nếu được dùng đúng đắn, tức là khi chúng ta biết để nó nên như đứa đầy tớ chứ đừng để nó làm chủ chúng ta. Bởi vì tiền bạc có thể là đầy tớ tốt lành nhưng lại là ông chủ rất độc tài ác nghiệt.

Người ta có thể dùng tiền bạc làm giá đổi lấy quyền tự do, nhưng người ta cũng có thể tự do chọn làm nô lệ của tiền bạc. Chỉ có những người đạt tới tự do nội tâm mới hiểu được giá trị tự do là gì, mới biết quí trọng quyền tự do và vì thế cũng sẵn sàng trả giá cao để đổi lấy quyền tự do cho chính mình cũng như cho tha nhân.

Người tự do thật là người biết tạo ra bầu khí an bình, thoải mái chung quanh mình, để người khác cũng có thể khám phá ra sự tự do của họ nữa. Tuy nhiên trên thực tế chúng ta thường bị trói buộc bởi nhiều thứ điều kiện và rất khó được tự do an bình nội tâm thực sự, nào là quyền bính, tiền bạc, danh vọng và dục vọng, chúng ta như những mắt xích ghì chặt chúng ta dưới ách nô lệ của chúng, điều khiển chúng ta bằng những thủ đoạn khôn khéo và khiến chúng ta thèm muốn những thỏa mãn mau qua của chúng.

Tự do đích thực của con người là tự do được làm con cái Chúa. Tự do ấy đã được Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người ngay từ khi mới được tạo dựng, và để duy trì quyền tự do ấy mỗi người phải chấp nhận trả giá rất cao, không những chỉ một lần thôi, nhưng là chấp nhận kỷ luật của từ bỏ và tự thoát suốt cả đời người, là xác tín rằng chúng ta không thuộc về thế gian này, nhưng thuộc về Thiên Chúa, Ðấng đã tạo dựng nên chúng ta và cũng là cùng đích chúng ta phải trở về lúc cuối đời của mỗi người.

Niềm xác tín đó, không phải là thứ lý thuyết trống rỗng hoặc những lời nói suông, nhưng phải được cụ thể hóa qua lời nói cũng như hành động, làm như thế tức là chúng ta đang tiến từng ngày, từng bước tới tự do nội tâm đích thật.

*********************************

Lạy Chúa, con chỉ mong một điều, mong Chúa lấy đi để chẳng còn gì thuộc về con, mong chẳng còn gì là của con nữa, để con được trắng tay và chỉ còn Ngài để giữ lấy, để được trọn Chúa mãi là của con.  Lạy Chúa, con chỉ mong được Chúa xóa đi và chẳng còn gì để chiếm hữu, để chẳng còn gì ràng buộc con nữa, để con được ngước lên tìm được Chúa là chân lý và con được cùng Chúa đồng hành luôn mãi. Amen!

R. Veritas

BÂY GIỜ CON ĐÃ CÓ MỘT “VÌ SAO”

Khi chưa biết Ngài, con cũng chỉ là một con người bình thường như bao người khác, chưa đặt lòng tin vào một Đấng nào, chưa từng thổ lộ thâm tâm hay những việc mình làm cho ai, và chỉ biết cảm nhận ở bản thân mình khi vui cũng như lúc khổ.  Gặp những biến cố cuộc đời, cuộc sống con chao đảo đến mức tưởng rằng không đủ sức vượt qua nổi, những lúc như thế, con chỉ biết chấp nhận số phận đã an bài như vậy.

Ngày con còn nhỏ, nhỏ lắm, con chưa đủ trí lực để hiểu có đức tin và có Chúa.  Hai anh em con đi dự Lễ Noel như bao người khác.  Cái háo hức của một ngày vui được trang hoàng rực rỡ đã cuốn hút con bước vào Nhà Thờ.  Con thấy ai cũng trầm ngâm hướng vào một điểm nào đó, chốc chốc họ lại quỳ xuống, gục mặt xuống bàn.

Con lấy làm lạ và thắc mắc, bỗng có một người phụ nữ mặc áo màu đen tiến tới hai anh em và dắt tụi con vào hàng ghế bên cạnh trước tượng của một người đàn ông vẻ mặt đau khổ bị trói trên một cây gỗ.  Và rồi cứ ai đứng thì con đứng, ai quỳ thì con quỳ.  Riêng em con thì lạ lắm, nó chẳng chịu quỳ mà chỉ ngồi im.

Những ngày con quen biết cô ấy, chỉ là tuổi học trò thôi.  Hằng đêm, con chờ cô ấy trước cổng Nhà Thờ, bên cây thông già cỗi.  Chờ lâu lắm, con chẳng biết làm gì hơn là hết nhìn chằm chằm vào mái nhà hình tam giác có cây thánh giá ở giữa, rồi lại nhìn tháp chuông có quả chuông im lìm trong đêm.

Rồi con đi học, chẳng biết tại sao những bạn bè thân thuộc quanh mình ai cũng có đạo, ai cũng có ngày chủ nhật vui vẻ.  Con tò mò và tìm hiểu.  Con đọc cuốn “Tân Ước” mà mấy đứa bạn cho mượn mà chẳng hiểu gì cả nhưng trong lòng rất muốn đọc để hiểu xem thế nào.

Cho đến một ngày, người con gái con quen đã trở thành một người phụ nữ có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc đời của con để rồi con không thể thiếu người ấy.  Con bắt đầu tìm hiểu một cách dè dặt.  Trước bao áp lực của gia đình và bạn bè, con vẫn tìm đến Người.  Ngồi chung với  bạn cùng hoàn cảnh, con như có một vòng tay giúp con vượt qua.

Đến hôm nay, chỉ còn hai, ba ngày nữa thôi, con sẽ được bước vào cánh cửa Hội Thánh của Ngài, con được trở thành con Ngài và được Ngài che chở.  Con biết chắc từ nay con không còn cô đơn, không còn một mình trước sóng gió cuộc đời nữa…

Nhưng Chúa ơi ! Con đau lòng lắm, con như một người vô cảm, con vẫn dè dặt trước Chúa và trước cộng đồng của Chúa.  Con muốn tin Người lắm, con muốn hạnh phúc trong một gia đình có vợ con lắm, nhưng sao có những lúc con vẫn không tin vào chính bản thân mình. Có những lúc cha bảo con xuống Nhà Thờ để dành cho Chúa một phút thôi.  Con quỳ trước mặt Chúa và khóc.  Con khóc và cầu cho mình được tin Chúa và là con ngoan của Chúa. Và rồi lại có những ngày con đi Lễ một cách thờ ơ, không cảm xúc trong lòng.

Giờ đây, trước giờ phút linh thiêng này, con cầu xin Chúa!  Cầu Chúa hãy đón nhận con, giúp con tin vào Chúa và tin và những gì mà Chúa đã tạo ra, hãy rũ bỏ con người không tin vào Chúa của con đi.

Con cầu xin Chúa hãy vun đắp cho cuộc sống vợ chồng chúng con và gia đình của con được thuận hòa trong đời sống Đạo. Amen. 

Dự Tòng Phê-rô TRẦN HUY THANH, Sài-gòn

NGƯỜI VÔ THẦN

Một trong những câu truyện hay được rút ra từ Đại Thế Chiến II là câu truyện về một chiếc máy bay bị rớt tại vùng biển Thái Bình Dương.

Trên chiếc máy bay đó là Đại Úy Eddie Rickenbacker, Thiếu Úy James Whittaker, và một phi đoàn 6 người. Cả 8 người đều sống sót sau khi máy bay bị rớt.  Sau đó trong suốt 21 ngày, họ trôi lênh đênh ngoài biển cả trên 3 chiếc thuyền nhựa nhỏ không đồ ăn thức uống.

Nguồn sức sống độc nhất của họ chính là những giờ cầu nguyện mỗi ngày.  Giờ cầu nguyện bao gồm đọc một đoạn sách từ cuốn Thánh Kinh bỏ túi và cầu nguyện bộc phát với Thiên Chúa.  Chỉ có Thiếu Úy Whittaker là người độc nhất vô thần trong nhóm này.

Vào ngày thứ sáu, họ trở nên đuối sức và rất cần thực phẩm và nước.  Sau giờ cầu nguyện ban tối vừa xong, họ bắn lên trời một trái sáng, hy vọng rằng nó có thể gây chú ý cho một chiếc thuyền hay một chiếc máy bay nào.

Thế nhưng, ánh chiếu xạ từ từ tắt đi và rơi xuống cạnh chiếc thuyền.  Trong khi nó rớt xuống như vậy, nó đã lôi cuốn được một bày cá.  Trong sự hoan lạc của họ, hai con cá đã nhảy lên thuyền.  Thế là họ có được một bữa cá ăn sau một tuần đói khát.

Chiều hôm sau, họ cầu xin cho được có nước uống.  Chỉ sau một lúc, họ đã dồn dập trong một trận mưa lớn. Từ lúc đó trở đi, Thiếu Úy Whittaker đã trở nên một người có đức tin và không còn là người vô tín ngưỡng nữa.

Vào ngày thứ 10, một sự kiện đặc biệt xảy ra.  Sau giờ cầu nguyện thường nhật, họ đã xưng thú tội lỗi mình công khai.  Đấy chính là một hình thức tuyệt vời bày tỏ đức tin và đức khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và người khác.

Vào ngày thứ 13, một sự kiện đáng chú ý khác đã xảy ra.  Một trận mưa lớn đổ xuống nhưng nó cách xa tám người họ khoảng chừng 1000 feet.

Lần đầu tiên, Thiếu Úy Whittaker đã hướng dẫn giờ cầu nguyện.  Ông cầu xin cho trận mưa trở lại.  Thế rồi, điều không thể giải thích được bằng những luật thiên nhiên là: cơn mưa bắt đầu di chuyển từ từ đến họ ngược chiều gió.  Họ đã uống và đã hứng nước để dự trữ.

Vào ngày thứ 21 họ đã nhìn thấy đất liền.  Thiếu Úy Whittaker nghĩ rằng anh không thể nào chèo nổi khoảng cách đó nhưng anh đã cố gắng chèo.  Sau 7 tiếng rưỡi, anh đã đến đất liền.  Ông chia sẻ như sau: “Bây giờ, cho dù là đã được hoàn toàn bình phục, tôi không hiểu làm sao sau 3 tuần khát, đói, và phơi nắng, chúng tôi có thể vượt thắng.”

Ngay sau khi đoàn người cập bến, họ quỳ gối xuống và tạ ơn Thiên Chúa.

Khi Thiếu Úy Whittaker trở về nhà, ông đã viết một cuốn sách bán chạy nhất, diễn tả về cảm nghiệm này. Đồng thời, ông đã du lịch toàn quốc, chia sẻ niềm tin mới của ông với nhiều khán giả.

****************************** 

Câu truyện của Whittaker giống câu truyện của Thánh Tôma Tông Đồ trong bài Phúc Âm hôm nay.  Cả hai người đều nghi ngờ.  Thế rồi, cả hai từ từ đã trở nên những người tin tưởng mạnh mẽ.   Hơn nữa, họ trở nên những nhà truyền giáo.

Lòng nhiệt thành truyền giáo của Whittaker đã đưa ông vào những cuộc thuyết trình mà trong đó ông đã chia sẻ với mọi người khắp quốc gia Hoa Kỳ niềm tin mới của ông.  Lòng nhiệt thành của Thánh Tôma Tông Đồ đã đưa ngài đến mãi tận Ấn Độ.  Và công cuộc truyền giáo của cả hai vẫn còn tiếp tục sinh hoa kết quả cho đến mãi ngày nay.

Nhiều người trong chúng ta trở thành những tín hữu trong cuộc sống. Thế nhưng đã có bao nhiêu người chịu đi một bước xa hơn như Thánh Tôma và Whittaker? Có bao nhiêu người dám trở nên những vị tông đồ cho người khác?

Thiên Chúa không bao giờ muốn chúng ta chôn giấu ơn phúc đức tin của ta.  Thiên Chúa có ý muốn ta chia sẻ với đồng loại, giống như những người trên chiếc phà đã chia sẻ đức tin của họ với Thiếu Úy Whittaker, và giống như các Tông Đồ khác đã chia sẻ đức tin của họ với Tôma, và cũng giống như Tôma và Thiếu Úy Whittaker, đến phiên họ, đã chia sẻ đức tin của họ với người khác.

Đấy chính là sứ điệp của bài Phúc Âm hôm nay.  Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài, “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con.”

Điểm quan trọng mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh là đức tin của chúng ta không thể bị chôn vùi trong chính con người của chúng ta mà thôi, nhưng chúng ta còn phải chia sẻ với anh chị em khác.

Nó phải được chia sẻ với con cháu chúng ta.  Nó phải được chia sẻ với những phần tử trong gia đình.  Nó phải được chia sẻ với những bạn hữu mà đức tin đã bị khô khan.  Nó phải được chia sẻ với những người quen biết và tha nhân là những người đang trên đường đi tìm kiếm đức tin.

******************************

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận biết rằng Ngài đã ban đức tin cho chúng con không phải là để riêng con nhưng là để chia sẻ với người khác.

Trích Đời Thường

TIN MỪNG PHỤC SINH

Bà Regina Riley hằng cầu nguyện cho hai cậu con trai đã xa rời đức tin nhiều năm….  Bỗng một sáng Chúa nhật, bà không thể tin vào mắt mình, hai đức con bước vào nhà thờ ngồi ghế đối diện với bà.  Tan lễ, bà liền hỏi lý do nào khiến các con trở về với Chúa.  Đứa con nhỏ mau mắn kể lại:

Thời gian nghỉ hè tại Colorado, vào một sáng Chúa nhật, chúng con đang lái xe thả dốc trong cơn mưa tầm tã.  Bỗng nhiên, một cụ già không dù che, người ướt sũng đang vội vã bước đi, dáng điệu khập khiễng.

Chúng con dừng lại mời cụ lên xe, mới được biết cụ đang đi lễ, đến một nhà thờ cách đó 5 cây số.  Chúng con liền đưa cụ đến dự lễ.  Nhưng vì trời vẫn mưa nên hai anh em quyết định vào xem lễ rồi cùng đón cụ về.  Lạ thay, sau khi lắng nghe Lời Chúa chúng con rất xúc động, tâm hồn như được đổi mới hoàn toàn.  Mẹ biết không, lúc bấy giờ chúng con như được trở về nhà sau một chuyến đi dài đầy mệt mỏi.

*****************************

Câu chuyện hai anh em gặp gỡ cụ già xa lạ sẽ minh họa cho chúng ta bài Tin Mừng Phục Sinh hôm nay.

Bà Maria Mađalêna, bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê là ba phụ nữ nhân đức từng theo Đức Giêsu và các môn đệ.  Các bà đã từng được Thầy Giêsu dạy dỗ, yêu thương.  Nhưng giông tố kinh hoàng của chiều Thứ Sáu Tuần Thánh đã cướp đi người Thầy rất đáng kính yêu của họ.  Giờ đây, Thầy đã nằm yên trong mộ đá.  Còn lại gì?  Hay chỉ còn lại bao kỷ niệm thân thương và nước mắt.  Để vơi đi nỗi sầu, các bà chỉ biết mua dầu thơm về ướp xác Thầy.  Nhưng “Ai sẽ lăn dùm tảng đá ra cho chúng ta?” (Mc 16,3).

Kinh ngạc thay, khi đến nơi, các bà đã thấy tảng đá được lăn ra một bên, và xác Thầy cũng không còn nữa.  Chỉ còn đó, sứ thần chờ để loan báo Tin Mừng:  “Đấng bị đóng đinh đã sống lại rồi, Người hẹn gặp lại các môn đệ tại Galilê” (x.Mc 16,7).  Từ ngôi mộ trống, nơi tối tăm và chết chóc, sự sống đã bừng lên.

Hai anh em trong câu chuyện trên cũng đã một thời tin theo Chúa.  Nhưng giông tố của thời niên thiếu đến, đã cướp đi bao kỷ niệm đạo đức thưở ấu thơ.  Thế rồi, cụ già đã xuất hiện loan báo một tin mừng, không phải bằng lời mà bằng gương sáng đạo đức:  “Thầy Giêsu hẹn gặp lại các con nơi thánh đường”.

Tin Mừng chính là:  Hễ có giông tố của chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, thì cũng có bình an của sáng Chúa nhật Phục Sinh.

Tin Mừng chính là:  Hễ có bình minh là có niềm hy vọng, có trở về là có đổi mới.

Tin Mừng chính là:  Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng được sống lại với Người.

Tin Mừng chính là:  Nếu có tình yêu quằn quại trên thập giá, thì cũng có tình yêu rạng rỡ sáng Phục Sinh.

*****************************

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn xác tín rằng:  Mỗi lần chúng con trở về sau những lầm lỗi, là chúng con đang Phục Sinh với Chúa.  Mỗi lần chúng con tin tưởng sau những lần phản bội niềm tin, là chúng con đang sống lại với Người.  Mỗi lần chúng con tiếp tục cố gắng sau những lần thất bại đắng cay, là chúng con đang ra khỏi mồ trống.  Xin giúp chúng con biết mở rộng tâm hồn để đón nhận ân sủng Phục Sinh của Chúa.  Amen!

Thiên Phúc

CHẾT VÌ YÊU

Đức Cha Bossuet, một nhà văn và một nhà hùng biện thời danh thế giới, đã nói : “Trong vũ trụ không có ai cao trọng hơn Đức Kitô, trong Đức Kitô không có gì cao trọng hơn sự hy sinh, trong mọi sự hy sinh không gì cao trọng hơn giây phút tắt thở trên thánh giá”.

Ông Nguyễn Hiến Lê, một lương dân, một nhà văn, một nhà giáo dục viết hàng trăm sách học làm người.  Trong bài đề tựa cuốn “Sống hạnh phúc”, ông đã đặt câu hỏi : “Đức Giêsu, một người chết yểu, chết non lúc hơn ba mươi tuổi.  Sao được cả nửa thế giới sùng bái lạ lùng như vậy?” và ông đáp : “Thưa chỉ vì Ngài đã thương yêu hy sinh cho nhân loại đến hơi thở cuối cùng”.

*************************

Một danh nhân thế giới và một danh nhân Việt Nam đã nhận định giống nhau về cái chết của Đức Giêsu, một cái chết vì thương yêu nhân loại đến hơi thở cuối cùng.  Phải nói hơn nữa rằng : “Đức Giêsu đã thương yêu nhân loại không phải chỉ đến hơi thở cuối cùng mà đã thương yêu nhân loại từ thuở đời đời và cho đến đời đời”.

“Ta đoái thương ngươi bằng tình nhân nghĩa muôn đời, nên cho dù núi non có thể đổi dời, gò nổng có thể xê đi, tình nhân nghĩa Ta với ngươi sẽ không đổi dời” (Is. 54, 8.10).  Tiên tri Giêrêmia cũng nói đến tình yêu ngàn đời đó : “Ta đã yêu ngươi bằng một tình yêu muôn đời” (Gr. 31, 3).

Chính tình yêu đời đời, bất di bất dịch đó đã khiến Chúa Con bỏ trời mà xuống thế làm người, hy sinh cho nhân loại đến hơi thở cuối cùng, cho nhân loại thấy được tình yêu Thiên Chúa.  Loài người sống trong trần gian nên chỉ thấy những gì xảy ra trong trần gian, vì thế, chỉ thấy Chúa Con thương yêu họ từ lúc sinh ra làm người cho đến hơi thở cuối cùng. Họ thấy Người sinh ra trong cảnh bần cùng, hang đá bò lừa để tỏ lòng thương yêu kẻ cơ bần như mục đồng sống phận tôi tớ cực khổ với đàn chiên giữa cảnh đêm đông sương tuyết lạnh lùng.  Họ thấy Người đến đưa Tin mừng cho những người nghèo khổ, ban bình an xuống cho những tâm hồn giá lạnh.  Họ thấy Người trở nên bé thơ cho những cụ già neo đơn như ông Simêon và bà Anna bồng bế để an ủi những cõi lòng héo hắt cô đơn, và được thấy niềm vui ơn cứu độ, không còn tuyệt vọng trước cái chết xồng xộc đến.  Họ thấy Người phải tha hương nơi đất khách quê người để chia sẻ nỗi sầu với những ai bị lưu đầy biệt xứ, với những ai phải chia lìa quê cha đất tổ. Họ thấy Người thương sống đồng phận với giới lao động thợ thuyền, giới phục vụ mọi tầng lớp, mọi hạng người như tôi tớ mà vẫn phải sống kiếp lầm than đọa đầy.  Họ thấy Người công khai rao giảng tình thương vô biên của Thiên Chúa mà vẫn bị ghét bỏ, chống đối.  Họ thấy Người hết lòng hết sức cứu chữa những kẻ mù, què, câm, điếc, bệnh tật, quỷ ám và cho kẻ chết sống lại, thế mà Người vẫn bị bắt bớ, kết án tử hình đóng đinh trên thập giá.

Ôi Người là đại ân nhân của nhân loại, là đường, là sự thật, là sự sống và là sự sống lại muôn đời. Thế mà Người sẵn sàng hiến thân cho kẻ thù giết đi, cho kẻ thù được thỏa lòng hả dạ, cho kẻ thù nhìn thấu tận trái tim rộng mở của Người yêu thương và tha thứ cho kẻ thù.  Cho nên không lạ gì, nhân loại dù tin hay không tin Người, đều thấy Người yêu thương hy sinh cho nhân loại đến hơi thở cuối cùng.

Không có cái chết nào có thể sánh ví được với cái chết của Đức Giêsu.  Dù Lê Lai có hy sinh chết đi để cứu chúa Lê Lợi, cũng chỉ chết cho một vị vua chúa, dù thánh Grandhi hay tổng thống Abraham Lincoln đã hy sinh chết cho dân tộc, cũng chỉ giải phóng tạm thời cho một dân tộc được tự do, thoát khỏi chế độ nô lệ.  Dù nhà bác học Galilée hy sinh chết cho chân lý khoa học thì cũng chẳng cứu được ai khỏi chết.  Dù bác sĩ Schweitzer (Xuét-Dơ) suốt đời phục vụ dân nghèo Phi châu, cũng chẳng đem lại hạnh phúc cho họ được bao nhiêu.

Tất cả những cái chết thời danh đó chỉ là hình bóng, là môn đệ của Đức Kitô.  Chỉ cái chết của Đức Giêsu Kitô mới chứng tỏ hoàn toàn tình yêu thương hy sinh cứu độ nhân loại đến cùng và cho đến muôn đời.

*************************

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết trên thập giá vì yêu thương chúng con, yêu thương đến hơi thở cuối cùng và cho đến muôn đời.  Xin cho chúng con biết hít thở tình thương yêu đó vào trái tim chúng con, nuôi sống tình yêu chúng con, cho chúng con biết hy sinh cho nhau hàng ngày để được diễm phúc sống trong tình yêu của Chúa đến muôn đời.

Theo tập sách “ xây nhà trên đá”

TỰ HẠ

Quan sát những nữ tử thừa sai Bác ái chăm sóc và rửa những vết thương cho các bệnh nhân tại một trại phong cùi, một nhà đại phú phát biểu: “Cho tôi một triệu mỹ kim tôi cũng không làm được những việc này”.  Nghe nói thế, Mẹ Têrêxa Calcutta trả lời: “Cho chúng tôi một triệu mỹ kim để bảo chúng tôi ngưng làm những việc này, chúng tôi vẫn tiếp tục”.

*************************

Câu chuyện trên và những mẫu gương của các nữ tử thừa sai Bác ái đang phơi bày khắp nơi trên thế giới dẫn chúng ta vào trọng tâm bài Tin Mừng dành cho ngày thứ năm Tuần Thánh.

Chiều sâu của sự kiện Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ nằm trong những nhận định thánh Gioan ghi nhận: “Trước khi Chúa Giêsu thi hành công việc hèn hạ dành cho những người tôi tớ, Đức Kitô biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình và vì Ngài bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa”.  Nói cách khác trước khi chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu và rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu ý thức rõ ràng Ngài là ai.  Ngài là Đấng Thiên Chúa trao cho mọi quyền năng và giây phút vinh quang của Ngài đã đến gần.  Tuy biết rõ địa vị cao trọng của mình như thế, nhưng Chúa Giêsu vẫn tự hạ làm công việc Ngài luôn thực hiện trong suốt cuộc sống để thực thi lời Ngài rao giảng “Con Người đến để hầu hạ chứ không phải được hầu hạ”.

Thông thường, những người có địa vị cao thích ăn trên ngồi trốc; những kẻ làm đầu xem việc được cung phụng, hầu hạ là chuyện dĩ nhiên, là những quyền lợi mình đáng được hưởng.  Nhưng đối với Chúa Giêsu thì hoàn toàn khác hẳn, Ngài đã từng giảng dạy và luôn thực thi những gì mình giáo huấn: “Trong anh em ai muốn mình nên cao trọng thì hãy làm đầy tớ, ai muốn làm đầu thì hãy nên tôi tớ cho mọi người”.  Nay Ngài làm gương, rửa chân cho các môn đệ, một việc làm thường dành riêng cho những người tôi tớ, những kẻ thấp hèn.

Nội lực thúc đẩy Ngài sống và cư xử không ỷ lại vào địa vị cao trọng của mình, như thế chắc chắn phải là tình yêu, vì chỉ có tình yêu mới giúp cho con người không câu nệ.  Chỉ có tình yêu mới làm cho con người vươn mình để xả thân phục vụ người khác, bất chấp công việc tầm thường, đòi hỏi một sự tự hạ mình, đòi hỏi một sự hy sinh, quên mình và tự hiến hoàn toàn con người của mình, con người không đeo huân chương, không phô trương cấp bằng, không mang chức tước địa vị.

Hiểu được con người và những hành động tự hạ và hy sinh cao cả của Chúa Giêsu, như thế chúng ta mới có thể tiến sâu vào việc Chúa Giêsu có ý định thực hiện trong buổi tiệc ly.  Ngài quyết định lập phép Thánh Thể với mục đích hiện tại hoá và kéo dài hy tế Ngài đã hiến dâng qua cái chết đau thương trên thập tự.  Biến cố rửa chân cho các môn đệ chỉ là một nghi thức vĩnh biệt nhưng là một nghi thức quyết định và cao trọng đến đỗi Phúc Âm thánh Gioan chỉ ghi lại biến cố này chứ không thuật lại việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể.

Về phần chúng ta, chúng ta không thể nhận lãnh và sống Bí tích Thánh Thể nếu chúng ta không thực thi từng chữ và trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống truyền dạy của Chúa Giêsu trong phần kết cuộc bài Tin Mừng hôm nay: “Nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau, vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước và làm như Thầy đã làm cho các con”.

Có bắt chước Chúa Giêsu sẵn sàng rửa chân cho nhau, sẵn sàng tự hạ hy sinh làm những công việc hèn mọn nhất để phục vụ cho mọi người, chúng ta mới có thể lãnh nhận Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể cách xứng đáng để trở nên một với Ngài, tiếp tục công việc dấn thân, chết để vâng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa và chết để tỏ tình thương đối với anh chị em đang sống bên cạnh.

*************************

Lạy Chúa, trong bữa Tiệc Ly trọng đại, trước ngày tự hiến thân chịu khổ hình, Đức Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ để làm gương cho chúng con noi theo.  Xin cho chúng con biết bắt chước Đức Giêsu sẵn sàng tự hạ hy sinh phục vụ mọi người với tình yêu thương đích thực.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Sưu tầm từ tài liệu của Gp. Long Xuyên – Tinvui

CHỖI DẬY

Ngày kia, có một thanh niên đến thưa với Thầy ẩn sĩ Sisot:

–  Thưa Thầy, xin Thầy cho con một lời chỉ giáo.
–  Con muốn gì? cứ nói!
–  Thưa Thầy, con phải làm gì ? Con mới phạm một tội tầy đình và thật ghê gớm.

Nói xong, chàng thanh niên khóc nức nở. Thầy Sisot thản nhiên trả lời: “Nếu như thế thì hãy chỗi dậy đi”.
Chàng thanh niên lắc đầu: “Con đã cố gắng chỗi dậy nhưng lại sa ngã và phạm đi phạm lại, con phải chỗi dậy bao nhiêu lần nữa?”

Thầy Sisot cương quyết: “Con phải chỗi dậy sau mỗi một lần sa ngã cho đến khi nào Chúa gọi con ra khỏi thế gian này”.

*****************************

Câu trả lời của Thầy Sisot cho chúng ta thấy cuộc đời là một cuộc chiến đấu liên lỉ.  Lúc chúng ta tưởng mình đã thành công lại chính là lúc chúng ta yếu đuối dễ sa ngã hơn bao giờ hết.  Con người chúng ta sức hèn yếu đuối dễ sa  ngã, cho nên điều quan trọng là phải biết chỗi dậy sau mỗi lần phạm tội sa ngã như Thầy Sisot đã khuyên chàng thanh niên.

Tội là một sự phản bội.  Mỗi khi chúng ta phạm tội là chúng ta dẹp Chúa qua một bên, chúng ta chọn tiền bạc, chọn những thú vui trần gian, những thú vui tội lỗi thay vì đặt Chúa làm chủ đời sống chúng ta.

Giuđa và Phêrô, cả hai đã phản bội Chúa.  Nhưng sau khi phạm tội, mỗi người có một cách phản ứng khác nhau:

  •        Giuđa ân hận vì đã bán Chúa một cách đê hèn, chớ không phải ân hận vì đã làm Chúa buồn. Việc làm của ông kể như là một thất bại và ông đã đi đến chỗ tự tử.  Đó không phải là lòng hối hận ăn năn thiệt tình.
  •         Phêrô đã hối hận ăn năn cách thực tình.  Phêrô hối hận vì đã làm Chúa buồn.  Ông nghĩ đến tình thương của Chúa nên ông đã không thất vọng nhưng tin tưởng hơn vào lòng thương xót nhân từ của Chúa, và ông đã được Chúa tha thứ.

Chúa Giêsu đã hứa đặt Phêrô làm đầu các tông đồ mặc dầu Ngài biết chắc rằng Phêrô sẽ chối Thầy.  Sau khi phạm tội, Phêrô đã ăn năn hối hận, được Chúa tha thứ và Chúa đã không rút lại lời hứa trước đó.  Lòng thành thực ăn năn hối hận không làm chúng ta mất mát gì, trái lại nó mở lòng chúng ta đón nhận ơn tha thứ của Chúa.

Có một em khi nghe kể chuyện về Giuđa, em đã thốt lên: “Nếu như em là Giuđa, sau khi phạm tội thì chắc chắn em sẽ không đi thắt cổ nhưng sẽ chạy đến ôm lấy cổ Chúa xin Ngài tha thứ, và chắc chắn Ngài sẽ tha thứ như Ngài đã tha thứ cho Phêrô”.

Một câu nói tuy đơn sơ nhưng nói lên rằng em bé kia đã thấu hiểu tình thương tha thứ của Chúa Giêsu.  Chúng ta chắc chắn sẽ được Chúa tha thứ, miễn là chúng ta có lòng ăn năn thống hối thật tình và quyết tâm chừa cải, canh tân đời sống.

*****************************

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ghi nhớ trong lòng những đau khổ mà Con Chúa đã chịu vì tội lỗi chúng con, để giúp chúng con thêm lòng yêu mến Chúa, xa tránh tội lỗi và vững lòng tin tưởng vào tình thương, lòng nhân từ thương xót của Chúa.  Xin Chúa đừng để chúng con phải rơi vào thất vọng: thất vọng đối với bản thân, đối với tha nhân và nhất là thất vọng đối với tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen!

Sưu tầm từ tài liệu của Gp. Long Xuyên – Tinvui

ÐỂ TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC HƠN

Bỗng nhác thấy bóng ngựa phóng qua. Kẻ trên lưng ngựa chính là người bạn thủa xưa cùng nhau tầm thầy học đạo. Cất tiếng gọi, mà bóng ngựa cứ nước kiệu phóng đi như bay. Băn khoăn về người bạn cũ thủa nào.  Nhà đạo sĩ lên đường xuôi phương nam tìm ngọn núi có am thất của kẻ đồng môn. Tới nơi, nhân gian cho ông biết am thất không còn ai trông coi. Kẻ trụ trì đã chết rồi. Tính ra, đúng ngày mà có bóng ngựa đi qua.

Ngày xưa hai người có một lời hứa: Ai chết trước sẽ về báo cho kẻ ở lại biết thế giới bên kia thế nào. Phải chăng bóng ngựa là hồn người bạn cũ?

Ðêm đó, bên rừng am thất, bỗng có người cầm tay nhà đạo sĩ dắt đi. Quay nhìn, chính hồn người bạn cũ hiện về.

       –     Này, bạn cũ, xin nói cho tôi biết thế giới bên kia thế nào.

Hồn người chết lẳng lặng kéo nhà đạo sĩ theo mình. Qua khu rừng, rồi một hoang địa. Có tiếng nói từ đâu đó:

        –   Ði về phía đông mươi trượng, vào đường hầm. Ði xuống trăm bước.

Ði lên. Về phía nam.
Thoát chốc, hồn người bạn cũ biến mất, bất ngờ như khi hiện đến.
Mơ hồ như trong giấc ngủ mộng mị. Con đường về thế giới bên kia bắt đầu. Hồn nhà đạo sĩ theo tiếng gọi huyền bí dẫn đi. Qua nhà, qua cửa. Ông nghe có tiếng cầu kinh. Trời đổ mưa. Ngoài cánh đồng có người làm việc. Hoàng hôn lên, bình minh xuống. Bé thơ ngồi xem mẹ xay bột bên khuông cửa. Êm ả, một đời sống thanh bình. Ông hỏi tiếng vọng:

       –     Thiên đàng đâu?

Một quang cảnh tương tự như cuộc sống bình thường chung quanh ông trên dương thế đang diễn ra. “Ðó, ông đang đi qua thiên đàng đó.” Nhà đạo sĩ không thấy chi thần tiên như người ta nói, không có các vũ công vũ khúc nghê thường. Không có yến tiệc linh đình. Một sinh hoạt như cuộc sống trên dương thế của ông thôi. Kì lạ quá. “Thiên đàng có vậy thôi sao? Còn hỏa ngục thế nào?” Ông ngạc nhiên về những hình ảnh thiên đàng, hỏa ngục mà ông vẫn dạy trong những bài thuyết giảng của mình.
Qua thiên đàng rồi, tiếng vọng dẫn ông sang một thế giới khác. Chập chờn, ông lạc vào một vùng như hoang tưởng. Chung quanh ông là những tòa nhà sang trọng. Có những toán người ca hát nhẩy múa thâu đêm suốt sáng. Yến tiệc bày biện tưng bừng. Chỗ nào ông cũng thấy xa hoa, phấn hương. “Có phải đây mới là thiên đàng chăng?” Ông ngạc nhiên không hiểu nơi này là gì mà hạnh phúc phúc thế. Nhưng có tiếng bí mật trả lời ông: “Không! đây là hỏa ngục!” Qua sảnh đường, ông nhác thấy có người quen, chính hồn người bạn cũ năm xưa! Ông ta đang ngậm miệng cố nuốt những dòng rượu chảy nhễ nhãi. Chung quanh sàn nhà cẩm thạch, đoàn vũ nữ nhẩy múa. Nhóm người khác đang chia nhau tiền bạc. Tiền đâu mà nhiều thế. Họ đếm thâu đêm suốt sáng không hết. Chỗ nọ, đoàn nhạc công mồ hôi nhễ nhãi oằn oại trên tiếng đàn. Họ ăn chơi không ngơi nghỉ. “Thế này nghĩa là gì? Ðâu là thiên đàng? Ðâu là hỏa ngục?”

*********************

Ðược giác ngộ, nhà đạo sĩmới thấy những gì hiểu về thiên đàng, hỏa ngục của ông xưa kia non nớt quá. Ôngvẫn nghĩ rằng thiên đàng là nơi không phải làm việc, chỉ có ăn chơi, tung tăngnhàn hạ suốt ngày. Hỏa ngục là nơi cực hình, không có ăn chơi, chỉ quần quậtlàm việc. Bây giờ trái ngược lại. Nhưng ông đã hiểu. Cái bi thương hệ tại làthiên đàng có tự do, hỏa ngục là đường một chiều, không có chọn lựa.

Ông thấy người bạn cũsống trong căn nhà lộng lẫy, không phải làm việc gì, chung quanh là nhạc khúcdập dình. Mới đầu ông nghĩ thế thì hạnh phúc quá. Nhưng hồi lâu, lâu nữa, mộtngày, hai ngày, rồi một năm, hai năm, nếu dòng rượu cứ suốt ngày đêm tuôn chảyvà người bạn cũ của ông cứ phải oằn oại uống như thế suốt năm này qua năm nọthì sao? Ông ớn đến lạnh người. Nhìn chung quanh, ông thấy quả là một thế giớikinh hoàng. Tốp người đang khiêu vũ kia cứ oằn oại trong điệu nhạc, ngày nàyqua ngày nọ. Họ không được đi đâu, không phải làm gì, đời họ bây giờ chỉ làkhiêu vũ, ngày, đêm. Ông đứng nhìn những khuôn mặt thất thần. “Họ đã ở đây baolâu? Họ đã phải đếm tiền thế kia từ thế kỉ nào?” Chung quanh ông không còn làhạnh phúc vì tiếng đàn, vì những khăn bàn bằng lụa quý, những chén ngà chạmvàng nữa. Ông thấy một thế giới cô độc khủng khiếp. Nhìn người bạn cũ, ông thấyđôi mắt đỏ ngàu, lờ đờ. Môi miệng sưng lên, nhưng ông ta không nghỉ được, dòngrượu cứ chảy và ông cứ ừng ực mà uống.

*********************

Những ngày còn lại cuốiđời của nhà đạo sĩ, ông nhìn lại những lời giảng thuyết của ông ngày xưa thếnào là hạnh phúc, thế nào là đau khổ. Ông thấy những suy tư ấy non yếu quá.Trầm ngâm hơn, ông viết cho người môn sinh của mình về thiên đàng và hỏa ngụcnhư sau:

Con thân mến,
Thiênđàng là nối tiếp hạnh phúc chúng ta sống trên cõi trần. Hỏa ngục là xây tiếpnhững nô lệ nội tâm chúng ta đang xây dở dang.

Con đừng cầu xin ThượngÐế cho con bất hạnh đời này để được hạnh phúc đời sau. Con phải nỗ lực vươn lênmà loại bớt bất hạnh. Thượng Ðế không muốn con người đau khổ. Ðến trong trầngian, Ðức Kitô cho người đói ăn, người què đi, người mù nhìn thấy, người phunghủi được sạch, người chết sống lại. Ðau khổ, tự nó là điều xấu. Ngài khôngmuốn. Con hãy xin Thượng Ðế cho con hạnh phúc đời này, như hình ảnh báo trướcmột hạnh phúc thật bao trùm đời sau. Và hãy hết sức làm đẹp thế giới con đangsống chung quanh bằng con đường xây dựng hòa bình, công chính, yêu thương đểcon người cảm thấy vị ngọt hạnh phúc mai sau sẽ dạt dào thế nào.

Con đừng vì lười biếngkhông nỗ lực xây dựng cuộc sống hạnh phúc hôm nay rồi tự an ủi hứa thiên đànglà hạnh phúc tương lai.

Hỏa ngục không là hìnhphạt Thượng Ðế sắm sẵn như một nhà tù xây nên rồi chờ xem ai lỗi phạm thì bắtvào. Hỏa ngục cũng giống thiên đàng, cuộc sống ấy là kéo dài những dở dang củacon người trong cuộc sống hôm nay. Nếu dang dở ấy là hạnh phúc thì con sẽ hạnhphúc tiếp đời sau, đó là thiên đàng. Nếu dang dở ấy là bất hạnh thì đời sau làbất hạnh tiếp cái dang dở ấy, đấy là hỏa ngục. Con hoàn toàn lựa chọn cho mình.Căn nhà hạnh phúc con đang xây dở thì khi chết rồi, con sẽ tiếp tục xây hạnhphúc ấy. Con xây ngục thất, thì khi chết rồi con sẽ phải tiếp tục xây cái ngụctù dở dang của bất hạnh đó.

Tội là con đưa một đam mêlên thành lí tưởng để theo. Hạnh phúc là sự hài hòa của mọi thứ say mê.

Tình yêu, tình dục, lòngthèm muốn, ghen tương, nhan sắc, tiền bạc, giận hờn, sức khỏe, trí tuệ, vậtchất, tinh thần… tất cả làm nên con người chúng ta. Hạnh phúc là khi ta quânbình và hài hòa nó. Chẳng hạn như nhan sắc, đó là nghệ thuật, nó đem hạnh phúccho người, cho mình. Nhưng nó phải hài hòa trong nhân đức, thật thà, đoantrang. Khi con người để nhan sắc thành lí tưởng cao nhất để theo thì giống nhưmột bức tranh thêu, nhan sắc sẽ tiêu diệt những đường chỉ thêu khác. Lúc ấy lòngthương xót sẽ chết trước cửa nhà người nghèo khó, lòng bao dung chìm dần, niềmtự kiêu dâng lên. Con sẽ dùng mọi tiền bạc cho tấm thân thôi, những tốn phí cóthể lỗi công bình, vì con không còn lòng thương xót cho những kẻ phải sốngkhông đúng phẩm giá con người chỉ vì nghèo. Không có một chút ghen, có lẽ cuộcsống cũng khô khan lắm. Không có tình dục, con người sẽ đi về đâu. Giận hờncũng thế, nó cho người ta những giây phút “đau thương êm ái.” Nhưng chúng phảihài hòa.

Con thấy đó, hỏa ngục lànơi không còn hài hòa. Kẻ nhẩy múa là thâu đêm suốt sáng nhẩy múa. Kẻ uống rượulà phải uống triền miên. Khi sống, họ chọn một đam mê rồi đưa lên thành lítưởng để theo, thì khi chết họ cũng theo lí tưởng đó mà sống. Hỏa ngục hệ tạilà đó.

Tội làm con người mất hạnh phúc. Nhưngmất hạnh phúc bằng cách nào? Tội là thần tượng một đam mê. Khi một đam mê lêncao thành thần tượng thì nó thống trị mọi suy tư khác. Kẻ ấy lúc nào cũng bị ámảnh bởi đam mê đó. Ðam mê độc tài này đẩy con người vào hành động. Lúc ấy, conngười mất tự do. Bị đam mê điều khiển thì cuộc sống thành đường một chiều. Trênđường một chiều này, hễ ca múa là thâu đêm suốt sáng ca múa. Hễ say đắm tìnhdục thì ngụp lặn trong dục tính. Hài hòa bị tan vỡ. “Nô lệ là kẻ để cho bất cứsự gì đó thống trị mình” (2 Phêrô 2:19).

Hạnh phúc, đau khổ lànhững định nghĩa đơn sơ thôi. Thiên đàng và hỏa ngục ở khắp nơi trên cõi thếnày. Bởi đó, con không cần mong người sau hiện về nói cho biết. Chính KinhThánh cũng chẳng cho ai từ cõi chết về để nói về thiên đàng, hỏa ngục. Ðây làthế giới riêng tư của mỗi người, thì làm sao con biết thiên đàng của kẻ khácđược? và con cũng đâu cần điều ấy, phải vậy không? Cúi hỏi tâm hồn mình, nhìnxem có đam mê nào con đang đưa lên thống trị suy tư, hành động trong đời sốngcủa con. Nơi đó con sẽ thấy thiên đàng hay hỏa ngục.


*********************

Khi của cải bị cô lậpmột mình, xa cách sự độ lượng, lòng thật thà, tâm tình bao dung, thì nó khôngcòn bè bạn. Nó trở nên độc tài. Nó trả thù lại kẻ đã cắt đi những liên hệ mà nóphải có. Nghi ngờ đi với thành thật và độ lượng sẽ thành khôn ngoan. Có sứcmạnh nhưng thiếu tâm hồn sẽ thành hung bạo. Tình dục đi với lề luật sẽ phongphú tình yêu. Tự bản chất, tất cả nó đã được sinh ra trong những liên hệ hàihòa ấy. Khi ta chọn một mà thôi đời sống sẽ nghiêng đổ.

Nhà đạo sĩ thấy nơi ôngđi qua mà tiếng nói nhiệm mầu bảo ông là thiên đàng, có gì đặc biệt đâu. Cũngđồng lúa. Có mưa và nắng. Có người tát nước bên dòng sông. Chính trong cái bìnhthường ấy mà ông đã đi tìm định nghĩa thiên đàng như một thế giới xa lạ, rực rỡxa hoa. Ông không nhìn thấy thiên đàng hay hỏa ngục ngay dưới chân mình. Trongcuộc đời, bao người đã đi hết miền đất này tới miền đất kia tìm thiên đàng hạgiới. Nhưng họ cứ tìm mãi mà đời cứ mênh mông, không gặp.

Bây giờ ông hiểu ý sâu xamà tiếng nói nhiệm mầu dạy ông. Thiên đàng là sự tự do nội tâm. Ông đã viếtxong lời cuối, muốn gởi người môn sinh. Ông muốn nhắc cho người môn sinh hỏangục là tiếp tục cái thú vui độc đoán lúc còn sống, như người mê rượu sẽ suốtngày đêm phải uống rượu tiếp, người mê nhẩy múa sẽ suốt tháng cứ nhẩy múa liênmiên, kẻ mê tiền thì khi chết rồi không được làm gì cả cứ đếm tiền hết năm nàyqua năm nọ. Ðọc lại những gì đã viết, ông chả thấy có gì mới cả. Kinh Thánh đãnói đến rồi. “Nếu họ không tin lời của Môsê và các tiên tri, thì người chết cósống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu” (Lc. 16:31). Rồi, ông lặng lẽ cất đinhững gì đã viết, không gởi cho người môn sinh nữa.

NGUYỄN TẦM THƯỜNG
Trích tập suy niệm MÙA CHAY và CON SÂU BƯỚM