CÁN CÂN TÌNH YÊU

Một linh mục thuộc giáo phận New York bên Hoa Kỳ chuyên lo mục vụ cho các tù nhân đã kể lại kinh nghiệm như sau:

Một hôm, ngài được mời đến thăm một thanh niên da đen sắp sửa bị đưa lên ghế điện vì đã giết người bạn gái của mình.  Như thường lệ, mỗi khi gặp một tử tội sắp bị hành quyết, vị linh mục thường khuyên nhủ, giải tội và trao ban Mình Thánh Chúa.

Sau khi đã lãnh nhận các bí tích cuối cùng, người thanh niên da đen bỗng trầm ngâm suy nghĩ như muốn nói lên một điều gì rất quan trọng.  Cuối cùng, với tất cả cố gắng của một người biết mình sắp lìa cõi đời này, anh mới thốt lên với tất cả chân thành:

– Thưa cha, con đã làm hư hỏng cả cuộc đời. Con chưa hề học được một điều gì hữu ích ngoài một điều duy nhất đó là đánh giày. Xin cha cho con được phép đánh bóng đôi giày của cha.  Như thế, con sẽ hài lòng vì nhận được sự tha thứ của Chúa, bởi vì con không biết làm gì để tạ ơn Chúa trước khi con gặp lại người bạn gái của con trên thiên đàng

Và không đợi cho vị linh mục trả lời, người thanh niên đã cúi gập người xuống và bắt đầu đánh bóng đôi giày của vị linh mục…  Cử chỉ ấy khiến cho vị linh mục nhớ lại hình ảnh của người đàn bà đã quỳ gối bên chân Chúa Giêsu, đổ dầu thơm trên đầu, trên chân của Ngài và dùng tóc của bà để lau chân Ngài.  Chúa Giêsu đã nói với bà:  “Tội của con dù có nhiều đến đâu cũng được tha, bởi vì con đã yêu nhiều”.

******************************

Sám hối, ăn chay, đền tội,  đó là những khẩu lệnh mà mỗi người chúng ta đều nghe lặp đi lặp lại trong suốt Mùa Chay này. Theo quan niệm công bình và thưởng phạt của chúng ta, kẻ có tội ắt phải đền tội. Toà án của loài người thường cân lường tội trạng của người có tội để tìm ra một hình phạt cân xứng.

Chúng ta không thể áp dụng một thứ cán cân như thế vào trong mối tương quan giữa tội lỗi của chúng ta với sự công bình của Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa chỉ có một trái tim duy nhất: đó là  lòng nhân từ . Thiên Chúa yêu thương chúng ta và tha thứ tất cả tội lỗi của chúng ta bằng lòng nhân từ vô biên của Ngài.

Do đó, khi nói đến ăn chay đền tội, chúng ta không thể cân lường tội lỗi của chúng ta để rồi tìm ra một lượng đền tội cho cân xứng. Có hy sinh nào tương xứng được với tội trạng của chúng ta? Có án phạt nào cân xứng với sự xúc phạm của chúng ta?

Thiên Chúa không chờ đợi nơi chúng ta điều gì khác hơn bằng chính tình yêu của chúng ta. Với tình yêu, thì dù một cử chỉ nhỏ mọn cũng trở thành một lễ dâng đẹp lòng Chúa. Những gì chúng ta dâng lên Chúa, không phải là của cải chúng ta có, những bố thí chúng ta làm cho người khác, những khổ chế chúng ta tự áp đặt cho bản thân… mà chính là lòng yêu mến của chúng ta.

 “Tội của con dù có nhiều đến đâu cũng được tha, bởi vì con đã yêu nhiều”.

Ước gì lời của Chúa Giêsu nói với người đàn bà tội lỗi cũng là lời ngọt ngào mà chúng ta tiếp nhận trong suốt Mùa Chay này.

******************************

Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và tha thứ cho kẻ biết hối cải ăn năn.  Xin soi sáng cho mỗi người chúng con biết ăn năn hối cải và tăng cường việc bác ái yêu thương, hầu chế ngự mọi tính mê tật xấu.  Nhờ đó, chúng con được sạch tội, và thêm lòng sốt sắng thông phần cuộc khổ nạn của Đức Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen!

Lm. LG.Huỳnh Phước Lâm

TIẾNG CHUÔNG ÐỒNG

“Chúa ơi! sao cha xứ mình keo thế!” “Cha keo thì bà bếp cũng khổ, chả bao giờ được ăn miếng thịt!” Chuyện cha xứ hà tiện lại được đem ra làm đề tài. “Chả bao giờ mua sắm cái gì cả. Chắc cha phải có hàng trăm ngàn!” Một bà khác: “Có một thân một mình, chả mấy ngày không có lễ mồ bậc nhất! Lại còn mấy sào ruộng nhà xứ nữa!” Có giọng thêm vào: “Còn mấy cây xoài chung quanh nhà thờ để làm gì! Cứ tiền bán xoài năm nay thì cha cũng đủ tiêu cả năm!” Dựa lưng vào tường, bà quản giáo góp lời: “Mà lạy Chúa tôi! Bà bếp cũng chịu khó quá, cả rau cỏ cũng chẳng phải mua!” Chạy ra gốc cau nhổ miếng nước trầu, bà phó hội buông một câu sắc như dao: “Gớm! ở với cha xứ keo như thế thì không chịu khó cũng chả được!” Mùa lúa gặt xong, không còn chuyện đầu làng cuối xóm, các bà quay về chuyện cha xứ.

Gian phòng không gì đáng giá vài trăm bạc. Chiếc bàn gỗ cạnh cửa sổ không sơn phết. Cánh tủ bị nứt một đường lớn, gián có thể chui qua. Tủ không bao giờ khóa nhưng cũng treo lủng lẳng một chiếc khóa sắt sét rỉ. Ðôi giầy cất trên nóc tủ, chỉ đi vào những ngày lễ trọng. Cái giường gỗ mốc, chiếc gối đầu đan bằng tre mây cạnh chiếc mền có dấu hiệu hai bàn tay bắt nhau của Mỹ viện trợ cho dân di cư năm 1954. Chiếc mũ loại chủ đồn điền cao su người Pháp ngày xưa, móc vào cây đinh trên cột mùng. Chiếc đồng hồ quả quýt tróc sơn với những con số la mã, để ở cạnh chỗ mấy cuốn sách latin. Ðáng giá nhất: Cái xe đạp.

Ngoài phòng khách, chiếc bàn dài, mỗi bên ngồi được mươi người, trải tấm nhựa có in hình trái dứa với ô vuông màu xanh đậm. Một chai nước lọc không đậy nút, che bằng chiếc phễu làm bằng giấy. Dăm ba chiếc ly trên chiếc khay nhôm. Hình đức cha địa phận trên tường đã bạc màu. Vào ngày Tết có thêm bình nước trà và bình thủy đựng nước nóng. Ngoài ngày Tết, bà bếp lại cất đi.

Cái hà tiện mà mấy bà hay mở đầu câu chuyện là những bữa cơm của cha. Miệt quê chỉ họp chợ vào ban sáng. Chợ họp từ tờ mờ cho đến khi rõ mặt trời thì tan. Cứ xem người đi chợ mà biết ngày hôm đó họ ăn gì, kinh tế gia đình ấy ra sao. Ở ngôi làng nhỏ này, người ta chẳng những biết tính tình, gia thế của nhau mà còn biết nhiều thứ khác nữa. Cha già cũng không thoát khỏi những thứ biết ấy. Chẳng phải là việc của các bà, nhưng có vậy thì mới có chuyện mà nói chứ. Các bà cứ bực mình là tại sao cha xứ có tiền mà chẳng bao giờ dám ăn ngon. Nào là bà bếp chỉ mua tép để kho mặn, họa hoằn mới mua thịt thì chỉ mua một miếng bằng ngón tay để bằm nhỏ nấu canh hoa thiên lý! Nói thì nói vậy, chứ các bà cũng thương ngài lắm. Chẳng ai chê trách cha già được điều gì cả. Cha hiền từ, nhân đức, không hề làm mất lòng ai. Chỉ có điều làm các bà cứ bực mình là tiền cha để làm gì, có một thân già tội gì mà phải ăn uống như thế cho nó khổ!

Không hôm nào cửa sổ trên gian cung thánh không mở từ một giờ trưa đến ba giờ chiều. Giờ cha cầu nguyện. Nó như cái đồng hồ chạy gần hai mươi năm nay, không bao giờ sai. Không ai biết quê quán cha ở đâu. Từ ngày di cư năm 1954 đến ngày cha về hưu là mười chín năm mà không có người bà con nào đến thăm. Cha cũng không hề bỏ xứ đi vắng trừ những dịp cấm phòng. Có lần ông trùm hỏi:

– Sao Cha không bao giờ đi đâu cả?

– Ði thì mình cũng tốn mà chủ nhà đón khách cũng tốn!

Không biết nói thật hay chơi, câu trả lời bất hủ ấy càng làm cho các bà thêm chuyện về tính hà tiện của một cha già.

***************************

Bắt đầu bàn chuyện xây nhà thờ cũng là thời điểm cha già có thể về hưu. Ðức cha đã cho phép ngài nghỉ. Sau hai mươi năm di cư, nhà thờ xây tạm từ ngày định cư đầu tiên trên khu đất hoang, bắt đầu sụp đổ. Mái tôn viện trợ hai mươi năm trước đã mục, mưa dột. Cửa sổ long bản lề, nhiều cái đã đóng chằng bằng những khúc ván thông. Những năm đó là thời gian quân đội Mỹ còn ở Việt Nam. Vào khoảng thời gian này, nhiều nhà thờ cũng đã được xây lại nhờ sự trợ giúp do thiện chí của quân đội đồng minh.

Hơn một năm quyên góp mà chẳng đi đến đâu. Làng nghèo. Hết đóng tự ý lại bổ nhân danh, cứ đầu người mà đóng, nhiều đóng nhiều, ít đóng ít. Ðông con, nhà nghèo lại phải đóng nhiều nên sinh lắm chuyện chẳng hay. Kẻ đóng tiền, người nộp thóc. Ðóng góp mãi dân chúng xót ruột. Không đóng sợ bị trục xuất, chết không có người đưa. Kêu ca, nhưng biết làm sao, nhà thờ bắt đầu đổ, giá nào cũng phải làm lại. Nhiều linh mục xin Mỹ giúp mà làm được nhà thờ. Thấy các xứ chung quanh có nhà thờ, dân lại càng bực bội. “Sao cha không xin lính Mỹ ít gỗ, ít xi măng”. Ðối với cha già, hình như quân đội đồng minh không hề có mặt ở đây: “Nhà thờ của các con thì các con phải xây lấy.”

Tiền thu không đủ, nhưng đợi đến bao giờ. Chạy từng thùng thóc. Vật giá leo thang vùn vụt. Nhà thờ hư quá rồi không chần chừ được nữa. Vào một ngày nọ, Cha già quyết định khởi công. Có ai là người phấn khởi vì biết ngày nào hoàn thành! “Rõ thật là chuyện các cha già!” “Cứ tay mà cuốc thì đến bao giờ, chỉ nhờ xe Mỹ ủi cho vài nhát là xong!”. Cằn nhằn. Nhưng sau một tháng thì nền nhà thờ cũng thành hình. Hàng trăm nhát cuốc góp lại, kiến tha lâu có ngày đầy tổ. Cả xứ làm nhân công, người lớn gánh đất, con nít khuân gạch. Tường bắt đầu xây. Có lòng góp sức, nhưng vật liệu rồi cũng cạn. Ôi! lực bất tòng tâm. Nhà nhờ dang dở. Hy vọng mong manh và niềm vui thành cằn nhằn.

***************************

Thế rồi bất chợt một ngày, có tiếng loan tin: “Các bà ơi, Mỹ nó giúp xứ mình rồi!” Buông miếng trầu trên tay: “Chuyện gì thế?” Vừa phe phẩy cái nón vừa hối hả: “Ra mà xem, xe chở bao nhiêu tôn đến.” Ngẩng đầu lên, một bà: “Ðã bảo mà, cứ nhờ Mỹ ngay từ đầu thì có phải xong nhà thờ rồi không.” “Cha già thật lẩm cẩm, nó cho thì cứ xin chứ làm gì mà phải tự ái.” Những buổi chiều nhàn rỗi, đề tài lính Mỹ cũng thường được chiếu cố tận tình. Chỗ nào có Mỹ thì con gái hư hỏng. Chỗ nào có Mỹ thì có xì ke. Mỹ ở đâu thì tội ở đó. Nhưng từ ngày có những chuyến xe tiếp tế đến thì cái nhìn của các bà về lính Mỹ bớt hằn học. Cái nhìn của kẻ thọ ơn đã xoay chiều.

Vật liệu tiếp tục chở về. Bàn tay với bàn tay. Sân nhà thờ vang tiếng cười. Ước mơ được ngôi giáo đường đang thành sự thật. Ðối với xóm giáo di cư này thì không có gì bằng nhà thờ. Mất nhà thờ thì niềm tin ở vào đâu. Nhìn nhà thờ cao dần bắt đầu nghiêng thành bóng lúc ngả chiều, lòng người ai cũng rộng mênh mông chờ tiếng chuông khánh thành. Ngày ấy chắc phải vui lắm. Cứ mơ một khung trời mà ai cũng hân hoan.

Cha già lâm bệnh phải vào nhà thương lúc nhà thờ gần xong. Dấu hiệu cuối đời, tiếng điểm của thời gian cho một con người đã đến. Hai mươi năm trời không bao giờ cha xa làng. Sáng dâng lễ, tối cầu kinh. Bỗng dưng hôm nay thiếu bóng cha. Hình ảnh ấy lạ quá. Như chiếc kim đồng hồ đang đều đặn bỗng dưng rơi xuống. Tự nhiên xứ đạo vắng hẳn đi. Một thứ trống trải mà từ trước tới nay không ai cảm thấy. Buổi chiều bên giàn trầu. Chuyện của các bà: “Mới vắng cha mấy hôm mà xứ vắng quá!” “Ừ, tôi cũng thấy thế, cứ như nhà có đám ma.”

Cha già xa xứ cả tuần lễ rồi. Khi có đau đớn và chia lìa thường làm con người quý xót thương và yêu mến bao dung. Buổi kinh trưa của các bà không còn thấy cửa sổ trên gian cung thánh mở nữa. “Tội nghiệp cho cha, già cả rồi bây giờ lại đau yếu thì lấy ai mà chăm sóc lúc về hưu.” Không biết bao giờ cha già mới khỏe. Mà bệnh gì vậy. Lại già cả rồi. Tình cảm này nuối tiếc tình cảm kia. “Chúa ơi, cha già mà chịu khó quá. Cứ lụ khụ khuân gạch một mình.” Một bà khác: “Chẳng ngày nào mà không đội cái nón trắng đi trộn cát với phu hồ, mà trời thì cứ nắng quá sức.” Phẩy chiếc quạt, có giọng tiếp: “Ừ, tôi nói thật đấy, khó có cha xứ nào mà bì lại được với cha xứ mình. Các cha trẻ thì tài ngoại giao, chứ chả đạo đức như cha già mình được đâu!” “Cha đã già rồi mà không nghỉ ngơi, làm làm gì cho thêm khổ vào thân!” Hôm nay chẳng bà nào nói đến cái tính hà tiện của cha nữa. Bà nào cũng tỏ vẻ thương hại cha. Sau cái hôm bị té ở cuối sân nhà thờ, cha đau rồi lâm bệnh luôn. Trượt chân, không kịp buông tay chống, cha ngã vào đống gạch.

***************************

Rồi chuyện ly biệt cũng đến. Ðời như dòng nước cũng phải buông bờ mà xuôi về biển. Tình cảm nào, yêu thương hay ghét bỏ thì cũng có ngày tan theo hạt nắng, để mỗi linh hồn bay theo gió ngàn về bến bờ riêng của mỗi người. Sau khi khánh thành nhà thờ có một tuần lễ, cha già giã từ con chiên về hưu. Ngày từ biệt cha ở sân nhà thờ, xứ đạo u buồn lắm. Rưng rưng lệ thương một cha già đã gần hai mươi năm chung sống. Cha ra đi như một cái tang. Như một tàu cau sau những ngày che chở cho buồng cau kết trái, bây giờ nó xơ xác rụng xuống về với đất bụi. Giã từ trời cao. Hình ảnh đơn sơ của cha làm cho người ta bây giờ mủi lòng. Ðồ đạc của cha có chiếc vali, mấy thùng giấy đựng đồ. Chiếc xe đạp buộc trên nóc xe lam. Lòng xe còn rộng. Xe chuyển bánh. Một cánh lá bay về cuối đời, im lặng ở một chốn không còn tiếng chuông.

Người ta thường không quý những gì mình có, khi mất rồi mới mến thương. Hai mươi năm cha con sống bên nhau. Có những gia đình từ đời cha đến đời con, xuống cháu đều đo tay cha già ban phép cưới, rửa tội, làm lễ an táng. Cái nghĩa ấy chẳng dễ gì một sớm mà phai nhạt. Ngày cha lên đường bỏ xứ đi mới là lúc họ thấy mình đã không phụng dưỡng cha già cho đủ. Cái cảm tình của kẻ thấy mình không tròn ân nghĩa làm nhiều người hối hận. Trên sân nhà thờ hôm ấy, nhiều dòng nước mắt đã rơi. Cha đi rồi, giáo xứ vắng lạ lùng. Một im lặng bàng bạc mà phủ kín lòng người.

***************************

Cha ra đi để lại cho xóm đạo ngôi nhà thờ khang trang. Chuyện xây nhà thờ không đơn giản như tôi viết ở trên. Về sau này, khi cha đi rồi người ta mới biết rõ. Chuyện là có lần ông trùm tò mò hỏi cha: “Bẩm cha, nhà thờ là do công lao của cha. Chúng con chẳng biết nói sao để cám ơn cha.” Nói tới đó ông ngập ngừng, ông muốn hỏi xem ai là người đã trợ giúp vật liệu vì mọi người đều biết số tiền quyên góp không thể đủ mua tất cả. Nhưng ông không biết mở đầu làm sao cho gọn. Ông chỉ sợ hỏi cha như thế là tò mò tọc mạch, nên đã mãi mà ông không tìm được câu vào đề cho đúng. Sau cùng ông đành ngập ngừng:

– Bẩm Cha, chúng con chỉ đóng góp được có phân nửa mà nhà thờ thì tới những bốn triệu, vậy ai giúp mình số tiền lớn đó hả cha?

Cha già lắng nghe. Mắt trái của cha vẫn còn bầm tím vì vết thương ngã ở đống gạch chưa lành. Ngài ôn tồn nói như một điều rất bình thường:

– Chẳng có ai giúp mình cả. Các con phải cám ơn vì sự quan phòng của Chúa. Ðây là tiền mà các con biếu cha, tiền các con xin cha làm lễ. Hai mươi năm qua, những ngày sống với các con, cha coi tiền ấy là tiền cha giữ giùm các con. Số tiền cha để dành vừa đủ để bù vào chỗ thiếu mà xây xong nhà thờ!

Hôm ấy ông trùm rớt nước mắt. Im lặng. Khi ta im lặng nhìn xuống dòng đời, bấy giờ mới thấy có nhiều thứ xót thương nó thấm vào lòng. Trời ơi! một số tiền lớn như thế. Hai mươi năm cần cù làm việc cho Chúa. Hai mươi năm dâng lễ, gìn giữ đồng tiền cho con chiên của mình để rồi về già ra đi với chiếc vali bạc màu, mấy thùng giấy đựng đồ và chiếc xe đạp cũ. Những chiếc xe chở vật liệu kia là tiền của cha. Tất cả những bữa ăn khem khổ của cha già là ở đấy. Bằng ấy ngày xây nhà thờ mà có ông Mỹ nào đến chụp hình, quay phim đâu, sao không ai tinh ý mà nhìn ra điều đó.

Cha già vĩnh viễn xa mất rồi. Cha ra đi không bao giờ trở lại nữa. Không còn dịp nào để xem bà bếp của cha sáng nay mua mấy con cá khô, mấy lạng đỗ đen. “Sao cha không cho chúng con biết bằng ấy năm cha đã chắt chiu từng đồng cho chúng con. Nếu cha không sống cực như thế thì làm sao chúng con có nhà thờ. Không cách nào chúng con xây được nhà thờ vì xóm giáo nghèo quá. Có phải cha đã nhìn thấy từ hai mươi năm xa xưa về trước. Có phải qua những giờ cha quỳ trước Mình Thánh Chúa hàng ngày mà Chúa đã mặc khải cho cha hoàn cảnh xóm giáo chúng con hai mươi năm về sau. Cho đến bây giờ chúng con vẫn không hiểu nổi. Ðời cha là một nhiệm lạ với chúng con. Khi chúng con biết thì đã quá muộn cho một lời biết ơn. Hai mươi năm bên cha, chúng con khâm phục mọi nhân đức của cha. Cha nhân từ, cha chịu khó, chúng con không trách cha được một điều nào. Chúng con chỉ ao ước rằng giá cha không hà tiện quá như thế, giá cha không tham tiền như thế thì cha nhân đức vẹn toàn. Hôm nay, chúng con mới biết những đồng tiền kia cha cất ở đâu, để làm gì. Quá muộn rồi cha ạ, cho một lời tạ lỗi, biết ơn của chúng con.”

Vĩnh biệt cha.

***************************

Mùa hè đầu tiên được mặc áo dòng về quê. Tôi vui lắm. Chả mấy lúc không nhìn mình trong gương. Tôi thích làm sao cái cổ côn trắng áo dòng. Hè ấy, tôi về nhà hưu thăm cha già thủa xưa, người đã viết giấy giới thiệu cho tôi đi tu. Từ những ngày là cậu giúp lễ, hôm nay tôi trở về báo tin vui cho cha cậu bé ngày xưa đã lớn, đã chững chạc trong chiếc áo dòng có cổ côn trắng đạo mạo. Cha đã dìu tôi đi một đoạn đường, tôi nghĩ là cha sẽ mừng lắm khi thấy tôi đang hăm hở lên đường như cậu bé vui mùa xuân.

Trên chuyến xe lam về nhà hưu, nhìn trời cao xanh, tôi thấy hồn mình cũng thênh thang theo. Ôn lại những kỷ niệm năm xưa. Tôi nhớ buổi chiều nọ, hôm ấy thấy dấp dáng áo dòng của cha ở ngõ, tôi không sợ, không chạy trốn cha như hồi bé nữa mà ra đón cha vào nhà chơi. Năm ấy vừa xong tiểu học, năm tôi đi tu. Buổi chiều đó, cha đến nhắc cho tôi là còn hai ngày nữa hết hè tôi phải chuẩn bị về nhà trường. Mùa hè nào cũng thế, cứ còn vài ngày hết hè, cha đến tận nhà nhắc cho mẹ tôi nhớ đến ngày tôi phải đi, cho đến ngày tôi đủ “tuổi khôn” cha mới thôi. Cha biết rõ tất cả con chiên của cha. Biết từng gia đình, tình trạng đạo đức, tình trạng con cái trong nhà. Ngay cả nhà nào có con đến tuổi xưng tội là cha đến tận nhà mà nhắc. Hình ảnh này in đậm trong tâm trí tôi, nhắc nhở tôi về hình bóng của một chủ chăn biết rõ chiên của mình.

Những năm còn bé ấy, chiều thứ sáu đầu tháng nào chúng tôi cũng phải đi xưng tội. Chính cha đánh trống báo hiệu, mở cửa nhà thờ, kê tòa giải tội. Ban tối cha dạy giáo lý. Cha bắt chúng tôi vào Legio Mariae, cũng phải phúc trình công tác hàng tuần, quét nhà mấy lần, vâng lời ba má mấy lần. Cha là linh mục lo cho con chiên và lo hết mình vì phần rỗi của họ. Về sau này làm linh mục, tôi mới thấy ngồi giải tội cho con nít là một phiền toái. Nhưng ngày xưa, cha già biết rằng tuổi thơ là trang giấy trắng cần viết vào đấy những hương nhân đức thật sớm. Cha đã không nhàm chán giải tội cho chúng tôi. Cha tập cho chúng tôi ngay còn bé đã biết quý trọng bí tích rồi. Kỷ niệm này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống linh mục của tôi sau này với tòa giải tội.

Khu nhà hưu thật vắng lặng. Hàng cây khuynh diệp cao ngất giữa trời nắng hanh mùa hạ. Tiếng ve rỉ rả gợi sầu, nó chẳng phá được cái vắng lặng mà càng làm cho nỗi vắng có vẻ mênh mông. Lá khuynh diệp rơi đầy lối vào, không ai quét cả. Mấy chú gà con chạy xào xạc bên bụi tre vàng ươm. Khu nhà giống như một tu viện cổ kính không có ai ra vào. Tôi hỏi cụ già đang rẫy cỏ trên mấy vồng khoai, cụ bảo cha đang đọc kinh ở nhà nguyện.

Tôi ngồi ở hành lang đợi. Hơn một tiếng, cha già chậm rãi đi ra. Cha bước từng bước chậm, khuờ khoạng với chiếc gậy gỗ. Cả hai mắt của cha đã bị lòa. Tôi đến gần trước mặt mà cha cũng chẳng nhìn thấy. Nghe tiếng tôi chào, cha nhận ra tiếng ngay, khuôn mặt cha mừng vui rạng rỡ. Cha giơ tay tìm tôi:

– Có phải con đấy không?

– Dạ, con đây ạ.

Cha giơ tay tìm rồi nắm vai tôi. Buổi trưa ấy cũng là lần sau cùng, tôi không bao giờ gặp lại cha già nữa. Lời cha nói trước khi chia tay cũng là lời trăn trối sau cùng. Tay run run, khuôn mặt tỏ rõ nỗi vui khi biết tôi đã đi được một quãng đường trên lý tưởng đời tu:

– Cha già rồi, cha chẳng làm gì được cho Chúa nữa. Cha gởi lại Giáo Hội trong tay con, trong tay các thầy trẻ.

Từ biệt cha ra về, rưng lệ, tôi bùi ngùi thương cảnh già của cha. Trong nỗi bùi ngùi, tôi cũng hạnh phúc vì bóng hình của cha là sức mạnh nâng đỡ tôi bước tới. Cha bước can trường trong thánh thiện, có thể đời cha cũng có lúc lẻ loi chăng? Nhưng cha đã đi trọn đời bằng những bước chân vô cùng anh hùng. Và tôi biết, cha hạnh phúc vì thế giới bình an của cha là cha luôn có Chúa.

***************************

Rồi tôi bỏ nước ra đi. Tôi không bao giờ gặp lại cha già nữa. Vào một buổi chiều tháng Năm ở trong một chủng viện miền trung nước Mỹ, tôi nhận được lá thư của đứa em gái gởi từ quê hương sang. Cuối đoạn thư đứa em viết :

“…Em đã về sống với thầy mẹ rồi, không còn ở nhà dòng nữa. Nhà dòng đã bị người ta lấy. Các đệ tử nhỏ như tụi em đều phải về hết. Buồn quá anh nhỉ. Nhưng mà thôi, phải chấp nhận chứ biết sao hả anh. Mẹ vẫn thường nhắc về anh luôn. Mẹ bảo không hiểu sao cứ nghe tiếng chuông nhà thờ là mẹ lại nhớ đến anh. Mà kỳ lạ, em cũng vậy anh ạ. Ban chiều khi em cắt cỏ cho trâu ở ngoài đồng mà nghe tiếng chuông em thấy tâm hồn mình như chùng xuống. Nó buồn nao nao làm sao ấy anh ạ. Tiếng chuông như có an ủi, vỗ về mà cũng như lời buồn nhắc nhở về một thủa bình yên, một thủa an vui đã mất.

Anh biết không, trước ngày giải phóng thì các xứ đạo chung quanh chẳng xứ nào mua chuông, họ đều xài chuông đĩa. Bây giờ xăng nhớt hiếm hoi, chẳng xứ nào còn xăng chạy máy điện nữa nên chiều về không còn tiếng chuông. Ðã bao năm sống trong tiếng chuông, lớn lên trong tiếng chuông, tiếng chuông đã là một phần đời của mình rồi. Bây giờ tiếng chuông bỗng vắng bặt, xứ đạo như chết, im lìm lặng lẽ. Ai cũng buồn. Nhưng may cho xứ mình là trước khi về hưu, cha già đã mua cho quả chuông đồng thật lớn. Bây giờ trong khi các xứ đạo khác thật vắng thì chỉ có tháp chuông nhà thờ mình là còn tiếng chuông kêu. Ban chiều ở ngoài đồng, hễ nghe tiếng chuông là người ta sửa soạn về. Những xứ chung quanh đều hướng về xứ mình vì chỉ có một quả chuông duy nhất cho cả vùng. Tiếng chuông chiều nghe an ủi lắm anh ạ, nghe như Chúa vẫn còn ở với mình…”

Nghĩ đến cha già, tôi lại bồi hồi nhung nhớ. Cha đã chết rồi, đã vĩnh viễn ra đi, nhưng đời cha là tiếng chuông còn sót lại sau những luyện lọc bằng can đảm, nhẫn nại, bao dung. Trong cuộc đời lý tưởng, cha đã là ngọn nến cháy để linh hồn tôi ấm trong những ngày mệt mỏi, trống vắng. Mỗi lúc muốn xây đắp cho riêng mình, mỗi khi nghĩ đến những công danh mà một người thanh niên có thể với tay vào đời, tôi lại nhớ về cha. Cuộc đời cha lại đốt cháy đi những ý nghĩ nhỏ nhoi trong hồn tôi.

“…đấy là tiền của các con. Những ngày cha sống với các con, cha đã giữ tiền giùm các con. Ðấy là tiền lễ mà các con xin. Cha đã tích góp trong hai mươi năm qua. Các con phải cám ơn Chúa về sự quan phòng của Ngài..”

Cha chẳng bao giờ nhìn thấy những chân trời rộng rãi. Cha không du học, không có bằng cấp. Cha chỉ là một linh mục nhà quê. Nhưng vào những ngày gian khổ nhất của đất nước, ở miền quê ấy, chỉ còn mỗi tiếng chuông của cha sót lại.

Gấp lại tờ thư, tôi đã ngồi nhìn qua cửa sổ, mây lững lờ trôi.

Những ngày còn là chủng sinh, đi nghỉ hè, khi lái xe qua những cánh đồng lúa mì mênh mông miền Kansas, mỗi khi nhìn thấy tháp chuông nhà thờ bên xóm đạo ven đường, tôi lại nhớ đến lời trăn trối của bao nhiêu năm về trước: “Cha già rồi, cha chẳng còn làm gì được cho Chúa nữa. Cha trao lại Giáo Hội trong tay con, trong tay những thầy trẻ.” Hồn tôi ấm cúng lạ thường. Tôi vui với con đường tôi đi, tôi hạnh phúc với ơn gọi tôi chọn. Và tôi đã bước tới. Những lần nghe tiếng chuông giữa trời rất cao và rất rộng, hồn tôi thật thênh thang.

Hôm nay, mỗi khi đi qua đâu, nhìn thấy tháp chuông, tôi lại nhớ về xóm đạo nhỏ ở rất xa. Tôi vẫn nghe tiếng chuông nhẫn nại, an ủi nỗi vất vả của những con chiên miền quê. Mỗi khi nghe tiếng chuông thong thả ngân, tôi lại tin rằng còn rất nhiều những tiếng chuông đẹp như thế trong lòng Giáo Hội, tiếng chuông của những linh hồn bên Chúa rất thiết tha.

Lm. Nguyễn Tầm Thường
Trích tập truyện ngắn TIẾNG GỌI PHÍA BÊN TRONG

TẠI SAO HỌ KHÔNG ĂN CHAY?

Ngày xưa người Ai Cập thường ăn chay để được trẻ trung hơn; người Hy Lạp ăn chay để tinh thần được linh lợi hơn; người thổ dân Nam Mỹ ăn chay để biểu lộ lòng can đảm. Các nghệ sĩ vẽ tượng thánh người Nga thường ăn chay để vẽ cho đẹp hơn.  Những sự kiện lý thú này cũng như nhiều sự kiện khác nữa được tìm thấy trong quyển sách hấp dẫn của Bác sĩ Allan Cott nhan đề: “Chay tịnh: phương pháp kiêng cử đích thực” (Fasting: The Ultimate Diet.)

Tờ bìa của quyển sách được mọi người ưa thích này có ghi “Ăn chay có thể giúp chúng ta cảm thấy khoẻ mạnh hơn về mặt thể lý cũng như về mặt tâm linh. Thật thế, trái với mọi người thường lầm tưởng, đối với những người trưởng thành, việc ăn chay trong một thời gian dài cũng không làm hại cho sức khoẻ của họ.  Ngược lại, ăn chay đem cho họ nhiều lợi ích. Bác Sĩ Cott kể ra hai trường hợp thú vị để minh hoạ điều ông nói:  Những người lính Nhật ẩn náu trong vùng rừng núi Philippines hơn 30 năm sau thế chiến thứ 2 vì không muốn đầu hàng đồng minh, vẫn khoẻ mạnh hơn nhiều so với các chiến hữu của họ đã trở về nhà sinh sống.  Và dân chúng anh quốc trong thời kỳ thực phẩm khan hiếm suốt thế chiến thứ 2 phải ăn theo khẩu phần thế mà vẫn trông thật tráng kiện.  Khi chế độ khẩu phần chấm dứt thì tình trạng sức khoẻ trong nước bắt đầu tồi tệ và những bệnh tật hầu như không thấy xuất hiện trong thời kỳ ăn theo khẩu phần nay bắt đầu lộ diện.  Bác sĩ Charler Goodrich cho rằng trở ngại chính khiến ngày hôm nay người ta không làm được gì hết.  Nỗi sợ này, theo ông, nằm sâu trong mỗi người chúng ta.

************************

Ngoài việc ăn chay vì những lý do tự nhiên như để trẻ trung hơn, khỏe mạnh hơn và để biểu lộ lòng can đảm–người xưa còn ăn chay vì những lý do về tâm linh nữa. Hầu hết mọi tôn giáo trên thế giới đều tán dương việc ăn chay. Truyền thuyết kể rằng Đức Phật vì ăn chay nhịn đói nên đã gầy guộc đến nỗi khi hóp bụng lại, ngài có thể chạm vào xương sống của mình.  Bắt chước Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày trong sa mạc, các kitô hữu sơ khai cũng ăn chay để ăn năn tội và cầu xin sự trợ giúp đặc biệt của Chúa.  Dân Do Thái ngày xưa cũng ăn chay vì những lý do tương tự: để ăn năn tội, để biểu lộ lòng thương tiếc kẻ chết, để chuẩn bị và hối thúc Đấng Mesia và Nước Chúa đến.  Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi thấy người ta tranh luận sôi nổi về vấn đề ăn chay trong bài Phúc Âm hôm nay.  Bài Phúc Âm không kể rõ lý do các môn đệ thánh Gioan tẩy giả ăn chay nhưng có lẽ họ làm thế là để chuẩn bị cho việc Đấng Mesia và Nước Thiên Chúa sắp đến. Thực thế, thánh Gioan tẩy giả đã báo cho các môn đệ ngài một điều vĩ đại đang xảy ra. Điều này giải thích được câu trả lời của Chúa Giêsu khi Ngài nói: “điều trọng đại đang xảy ra. Đấng Mêsia đã đến, vương quốc đang cận kề.  Lý do ăn chay giờ đây không còn giá trị nữa”. Bây giờ mà vẫn ăn chay thì khác nào tiếp tục băng bó cánh tay sau khi nó đã lành hẳn rồi, khác nào tiếp tục che dù sau khi cơn mưa đã tạnh!

Điều trên đây nêu cho chúng ta một điểm quan trọng: việc sống đạo của chúng ta đôi khi giống hệt lối sống đạo của dân Do Thái ngày xưa.  Họ ăn chay là để chuẩn bị chờ đón Đấng Mêsia và nước Thiên Chúa đến, thế mà khi Đấng Mêsia và Nước Chúa đến, họ vẫn cứ tiếp tục ăn chay.  Có lẽ vì đã có thói quen ăn chay quá lâu, nên họ quên mất lý do đầu tiên của việc ăn chay, để rồi việc ăn chay giờ đây chỉ còn là một thói quen máy móc.

Các nhà tâm lý cảnh giác chúng ta đừng để thói quen và tập quán chế ngự một số lãnh vực trong đời sống chúng ta. thực ra, thói quen vô cùng hữu ích cho chúng ta trong một số lãnh vực nhưng đồng thời cũng có thể gây tác hại trong một số lãnh vực khác.

Tôn giáo là một lãnh vực cần đến thói quen, chẳng hạn thói quen cầu nguyện mỗi ngày thực vô cùng ích lợi. Tuy nhiên trong một số lãnh vực khác, thói quen lại gây tác hại, chẳng hạn vịêc nhúng tay nước thánh và làm dấu thánh giá khi bước vào giáo đường có thể trở nên quá lớn, quá thường đến nỗi chúng ta có thể làm điều đó mà chả suy nghĩ gì hết.  Chúng ta trở nên quá máy móc đến nỗi không còn nhớ đến ý nghĩa của việc chúng ta làm nữa.

Chúng ta có thể trở nên giống đám dân Do Thái thời Chúa Giêsu.  Họ đã không nhận ra lý do khiến họ ăn chay nữa. Cũng vậy, chúng ta có thể không còn nhận ra lý do tại sao chúng ta dùng nước thánh làm dấu thánh giá khi chúng ta bước vào nhà thờ.  Vì thế, thỉnh thoảng chúng ta cần hồi tâm suy nghĩ lại.  Chúng ta cần nhớ lại lý do chúng ta dùng nước thánh làm dấu “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.  Điều này nhắc ta nhớ lại ngày ta được rửa tội bằng nước với lời đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.  Vì thế dùng nước làm dấu thánh giá trên mình nhằm giúp chúng ta ý thức lại Bí tích rửa tội của chúng ta

Chúng ta biết rằng thói quen và tập quán rất hữu ích trong một số lãnh vực thuộc đời sống Tôn Giáo của chúng ta. Tuy nhiên nếu chúng ta không cành giác, chúng sẽ trở nên vô cùng tác hại. Chẳng hạn chúng ta có thể thực hành một số hành vi tôn giáo cách máy móc đến nỗi làm mà không nghĩ gì hết, chúng không còn ý nghĩa gì đối với chúng ta nữa hết; Khi đó chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng nguy hiểm giống như đám người do Thái trong bài Phúc Âm hôm nay. Họ đã quên mất lý do ăn chay của họ. Họ đã quên mất rằng đó chỉ là dấu hiệu cho thấy lòng khao khát chuẩn bị đón chờ Đấng Mesia và nước Thiên Chúa đến.

************************

Lạy Chúa xin đừng để chúng con cầu nguyện và thực hành các nghi thức tôn giáo một cách máy móc theo thói quen.  Xin cho mọi lời nói và nghi thức tôn giáo mà chúng con thực hành được thực sự là những hành vi thờ phượng có ý thức.  Chúng con nguyện xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.

Lm Mark Link

BUỔI TRÌNH DIỄN KHÔNG ÐẠT

Một nghệ sĩ trẻ tuổi đang trình diễn đàn dương cầm trước cử tọa ngồi chật cả thính phòng.  Tất cả đều im lặng như nín thở để theo dõi từng nốt nhạc.

Theo lời quảng cáo, thì đây là lần trình diễn đầu tiên để giới thiệu một tài năng mới. Những ngón tay đẹp của nghệ sĩ không ngừng di động trên các phím đàn, hòa điệu với những âm thanh trầm bổng của dòng nhạc.

Bản đàn vừa chấm dứt, tất cả mọi người đứng dậy vỗ tay hoan hô nồng nhiệt.  Và nhiều giọng nói yêu cầu của cử tọa xin trình diễn tiếp thêm nữa.  Phải, tất cả mọi người đều đứng dậy bày tỏ lòng hâm mộ.  Nhưng chỉ trừ có một cụ già ngồi ở hàng ghế đầu có thái độ khác.  Cụ không đứng dậy vỗ tay tán thưởng, mà vẻ mặt lại để lộ chút không vui.

Trong khi đó trên sân khấu chàng nghệ sĩ trẻ tuổi rời dương cầm, bước ra ngoài tấm màn lớn đang từ từ kéo lại, cúi sâu chào khán thính giả, rồi vội vàng ẩn mình vào trong.

Chàng đến nhanh bên ông giám đốc tổ chức cuộc trình diễn, nói nhỏ:

– Không, tôi trình diễn chẳng hay gì cả, tệ lắm.

Ông giám đốc trả lời:

– Anh lầm rồi, mọi người vỗ tay hoan hô anh lâu như thế, mà anh bảo trình diễn dở nghĩa là làm sao?

Chàng nghệ sĩ trẻ nói tiếp:

– Không, tôi trình diễn không đạt. Ông có biết cụ già ngồi ngay hàng ghế đầu đấy không?  Cụ là thầy dậy của tôi đó.  Cụ không đứng dậy hoan hô, mà vẻ mặt còn có chút buồn nữa.  Ðó là dấu hiệu cho tôi biết chắc chắn là tôi chưa trình diễn hay đủ.

************************

Có thể so sánh cuộc đời mỗi người chúng ta với cuộc trình diễn của chàng nghệ sĩ này.

Thiên Chúa đã trao cho mỗi người chúng ta những tài năng khác nhau, và đã ban cho nhiều ơn, nhiều phương thế để huấn luyện ta sử dụng những tài năng ấy cho tốt đẹp, làm trổ sinh những hoa trái bổ ích.  Cách này hay cách khác, mỗi người chúng ta đã sử dụng những tài năng đó phục vụ anh chị em chung quanh.  Có thể anh chị em lên tiếng khen tặng ta, kính phục ta, hoan hô ta, như những khán thính giả từ ngoài nhìn vào.

Nhưng, như chàng nghệ sĩ kia chỉ nhìn vào thái độ của thầy mình để xem mình đã trình diễn đạt hay chưa, thì mỗi người người chúng ta cũng vậy, chúng ta cần nhìn lên Chúa để xem mình đã sống cuộc sống của mình một cách thành đạt chưa.

Chỉ có phán xét của Thiên Chúa là công bằng, không thiên tư.  Ngài là vị Thiên Chúa ẩn khuất, nhưng Ngài thấu suốt mọi sự, mọi hành động của chúng ta.  Chỉ mình Ngài mới đánh giá đúng từ bên trong.  Chúng ta cần qui chiếu về Ngài, về những lời dậy của Ngài được ghi trong sách Phúc Âm, để có thể biết mình đã sử dụng những tài năng Chúa ban cách tốt đẹp nhất chưa.

Ước chi mỗi ngày, mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta đặt mình trước nhan Ngài sống trong sự hiện diện của Ngài và dâng mọi hành động lớn nhỏ cho Ngài.

Mỗi người chúng ta hãy nhớ rằng, vào phút cuối đời, khi chúng ta xuất hiện trước nhan Ngài cách vĩnh viễn, thì lúc đó, như trong Phúc Âm Ngài đã kể, Ngài sẽ phán xét các hành động của ta theo mẫu mực lối sống yêu thương.

R. Veritas

************************

Lạy Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, chỉ có Chúa mới hiểu rõ tâm can của mỗi người chúng con.  Có những lúc con hoạt động hăng say cho hội đoàn giáo xứ, được cha xứ anh chị em ngợi khen, nhưng khi nhìn Thầy con biết rằng mình không thể dối lòng để nhìn nhận rằng mình đang phục vụ cho cái tôi của mình để được mọi người biết tới, để được vị nể khâm phục.  Có những khi con cho người nghèo bạc trăm, bạc ngàn, được nghe lời cám ơn rối rít nhưng khi nhìn mắt Thầy con biết mình chỉ mới cho đi một dấu phẩy những gì mình đang có.  Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn vào ánh mắt Thầy thì con thấy được chính con, xin cho con đủ can đảm để luôn nhìn thẳng vào mắt Thầy mỗi khi con làm việc gì cho Chúa và tha nhân.  Xin cho con đừng nản bước mỗi khi bắt gặp được ánh mắt thất vọng của Thầy mình.  Amen!

TỘI CON ĐÃ ĐƯỢC THA

Chuyện xảy ra ở bên Phi Châu.  Có một tín hữu da đen hết lòng tin nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.  Anh thường kể chuyện Ơn Cứu Chuộc cho bạn bè nghe.  Một hôm, đang khi vác bao khoai từ ngoài đồng về, giữa đường anh gặp một người bạn.  Người này chẳng những không tin Chúa mà còn chế diễu niềm tin của anh.  Khi hai người gặp nhau, anh bạn liền mở lời trêu chọc:

– Làm sao anh biết mình đã được cứu chuộc?

Tín hữu da đen suy nghĩ giây lát và anh đã tìm ra lời giải.  Anh cố ý chạy tới trước để bao khoai rơi xuống phía sau, và hỏi người bạn:

– Làm sao tôi biết bao khoai đã rơi xuống trong khi tôi không ngó lại đàng sau?

Người bạn nhanh nhẩu đáp:

– Dễ thôi, vì gánh nặng trên vai anh đã nhẹ đi, lẽ nào anh lại không biết?

Tín hữu da đen gật đầu đắc chí:

– Gánh nặng đã nhẹ đi đương nhiên phải biết. Cũng thế, trước khi tin Chúa tôi cũng có một gánh nặng tội lỗi trong lòng.  Nhưng nay gánh nặng ấy không còn nữa.  Tôi đã được nhẹ nhàng thanh thản và tin rằng Chúa đã cứu chuộc tôi.

******************

Khi Đức Giêsu nói với người bất toại:  “Hỡi con, tội con đã được tha” (Lc 5,20), chắc hẳn anh cũng cảm thấy bình an, thanh thản vì biết mình được Chúa cứu.  Cuộc đời tưởng chừng như khép lại với người bất toại, nhưng khi gặp được Chúa thì một sức sống mới lại dâng trào.  Anh như cảm thấy trút được gánh nặng.  Trước hết, là gánh nặng của bệnh bất toại, sau nữa là gánh nặng của tội lỗi, vì người Do Thái cho rằng:  nguyên nhân của mọi bệnh tật là do tội lỗi.

Sau khi tuyên bố tha tội, Đức Giêsu đã cho người bất toại được lành bệnh.  Như vậy, việc chữa lành bệnh nhân chính là bằng chứng lời tha tội thực sự có hiệu quả.  Nếu hiệu quả hữu hình là việc lành bệnh mọi người đều thấy, thì hiệu quả vô hình là lời tha tội cũng làm cho mọi người phải tin nhận.

Một khi người bất toại chấp nhận lời tha tội của Đức Giêsu, thì chính anh cũng sẽ tin nhận Người là Đấng Cứu Thế, là Thiên Chúa thật, và là “Con Người” mà tiên tri Daniel đã loan báo.

Một khi người bất toại chỉ cầu mong được lành bệnh, mà Đức Giêsu còn ban ơn tha tội cho anh, thì anh chỉ còn biết “sửng sốt mà ngợi khen Thiên Chúa” khôn cùng.

Chúng ta hãy bằng lòng để cho Đức Giêsu thực hiện nơi chúng ta những gì Người đã làm cho người thanh niên bất toại

Hãy đến với Đức Giêsu trong Bí tích Giải tội, để lắng nghe Người nói với chúng ta những gì Người đã nói với kẻ bất toại:  “Hỡi con, tội con đã được tha”.

Hãy để lòng mình cảm nghiệm sự bình an, thanh thản của ơn tha thứ như người bất toại đã từng cảm nhận sau khi được chữa lành.

Hãy mở rộng lòng để đón nhận sự tha thứ, sự tha thứ đến vô cùng của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô đã chia sẻ:  “Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa như những người khác.  Nhưng Thiên Chúa giàu lòng xót thương và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô.  Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2,4-5)

******************

Lạy Chúa, chúng con tin nhận Chúa là Đấng Cứu Chuộc chúng con.  Lòng thương xót Chúa muốn lôi kéo chúng con vào quê hương vĩnh cửu, nhưng chúng con lại mải mê chạy theo phù vân thế trần.  Xin tha thứ tội lỗi chúng con, cho chúng con cảm nghiệm được phúc bình an của lòng thương xót của Chúa.   Amen!

Thiên Phúc

SỰ YẾU ĐUỐI VÀ BẤT TOÀN CỦA CON NGƯỜI

Mời các bạn nghe mẫu chuyện vui sau đây:

Với vẻ mặt đầy lo âu, vị tu sĩ trẻ đến gặp tu viện trưởng của mình thú tội như sau:

– Thưa cha, từ mấy tháng nay, con thường gặp người phụ nữ mà con yêu thương.

Tu viện trưởng hỏi:

– Cô ta có yêu con không?

Vị tu sĩ trả lời:

– Thưa, có! Cô ta thương con lắm!

Tu viện trưởng nói:

– Thôi được, ta muốn con đi gặp cô ta, nhưng lần này con phải nói với cô ta rằng con là một tu sĩ, con đã thánh hiến cho Thiên Chúa và con phải sống độc thân. Con cũng phải nói dứt khoát với cô ta rằng con phải giã từ cô vì một lý tưởng cao cả hơn.

Vị tu sĩ trẻ đi ra vườn, nơi vẫn thuờng hẹn với cô gái, nhưng khi vừa thấy cô gái mà mình yêu thương và thường gặp hôm nay lại đẹp đến lạ lùng.  Vị tu sĩ đã bị cuốn hút hoàn toàn và không thể nói lên mục đích của mình đến đây là để tuyên bố chấm dứt mối quan hệ hiện nay.  Vị tu sĩ trẻ trở về gặp tu viện trưởng của mình và thưa lại rằng:

– Thưa cha, con đã không thể nói với nàng những điều cha đã căn dặn con, vì khi vừa nhìn thấy nàng đẹp lộng lẫy, con không thể để cho nàng đi.

Tu viện trưởng nói:

– Thật tội nghiệp cho con! Sự yếu đuối của con người đã ngăn cản không cho con dứt khoát cắt đứt liên hệ với cô ta.  Vậy, con hãy để ta làm thay cho con.  Ta sẽ giả làm con và sẽ đi gặp cô ta, ta sẽ thay con để nói lời cắt đứt quan hệ với cô ta.

Thế là vị tu viện trưởng giả làm vị tu sĩ trẻ ra vườn gặp cô gái.  Tu viện trưởng nhủ thầm: ”Đây quả là một cô gái có vẻ đẹp cuốn hút đến lạ thường”.  Phần cô gái, tưởng rằng người ngồi bên cạnh mình là vị tu sĩ trẻ, người mà cô yêu thương, nên cô thì thầm với tu viện trưởng những lời rất đỗi ngọt ngào.   Cô nói:

– Anh yêu, chúng ta hãy cưới nhau đi.

Thay vì trả lời cô gái như đã khuyên người tu sĩ trẻ, vị tu viện trưởng mau mắn nhận lời cô gái và hỏi lại:

– Khi nào chúng ta sẽ làm lễ cưới?

******************

Có thể trong cuộc đời không hiếm những lần chúng ta làm cố vấn cho anh chị em ta.  Chúng ta thường dễ dàng đưa ra những lời khuyên rất lý tưởng mà ít để ý đến tâm trạng, nỗi đau, những ưu tư, khắc khoải và khả năng chịu đựng cũng như hoàn cảnh của khổ chủ.  Chúng ta dễ dàng khuyên người khác, muốn kẻ khác phải sống như thế này thế nọ, mà chính mình thì không làm được như vậy.  Như vị tu viện trưởng trong câu chuyện vui ở trên, chỉ khi đặt mình vào hoàn cảnh vị tu sĩ trẻ, ông mới phần nào hiểu được tâm trạng và những khó khăn thử thách mà vị tu sĩ trẻ phải đương đầu.  Sự yếu đuối và bất toàn nơi mỗi người chúng ta không phải là một điều xấu, nhưng nó mời gọi chúng ta hãy sống trong cảm thông với anh chị em chung quanh.  Chúa đặt để chúng ta mỗi người trong một hoàn cảnh riêng.  Mỗi người đều mang cho mình cả những ưu điểm lẫn khuyết điểm, điểm mạnh cũng như điểm yếu, cả sở trường lẫn sở đoản.  Điều quan trọng là chúng ta phải giúp nhau vượt qua tất cả những khó khăn, giới hạn của nhân tính.

Uớc gì những yếu đuối và giới hạn của chúng ta cũng như của những người chúng ta gặp gỡ làm cho mỗi người chúng ta xích lại gần nhau trong sự cảm thông và tình thương quảng đại, để  ”người yêu người, sống để yêu nhau”.

Chúa Giêsu, tuy là Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn mang lấy tất cả những nỗi yếu hèn của một con người để cảm thông và chia sẻ với con người trong những cái cùng khốn nhất.  Mỗi chúng ta hãy noi gương đời sống thánh thiện và yêu thương của Người để sống như Người.

******************

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lặn thật sâu trong bản tính yếu hèn của con người để nâng chúng con lên, cho hưởng sự toàn hảo trong thiên tính của Ngài. Xin ban Thánh Thần tình yêu của Ngài xuống trên chúng con, giúp chúng con đón nhận những yếu đuối và những khác biệt nơi những người khác, và dùng hết khả năng của mình để tự lướt thắng bản thân cũng như giúp anh chị em đạt đến sự cùng đích của sự hoàn hảo là quê trời vĩnh cửu.

R. Veritas

NGƯỜI VỢ PHI THƯỜNG

Trong một túp lều tranh lụp xụp tại một xóm nghèo thuộc vùng ngoại ô của thành phố Bombay, một người đàn bà đáng thương phải sống những ngày hẩm hiu với đàn con thơ dại.

Chồng bà là một người cha gia đình tục tằn thô bạo, chỉ biết ăn chơi nhậu nhẹt và cờ bạc, không thiết chi đến bổn phận đối với gia đình.  Ông vắng nhà suốt ngày.   Các con của ông chỉ thấy ông trở về mỗi buổi tối trong cơn say mèm hoặc trong trận lôi đình đập đánh, chửi rủa.

Những lúc như thế, bà vợ chỉ biết đem các con giấu đi để bảo toàn tính mạng cho chúng. Ngày ngày bà cực nhọc vá may, hoặc vất vả giặt giũ từ nhà này sang nhà khác để kiếm tiền nuôi con.

Trong thinh lặng, bà nhẫn nhục cam chịu mọi bạc bẽo và những trận đòn oan ức của chồng.

Rồi vào một buổi tối kia ông trở về nhà muộn hơn thường lệ, nhưng tỉnh táo và ít say sưa hơn.  Vừa bước tới hiên nhà ông nghe tiếng thì thầm từ trong túp lều ra.  Một nỗi nghi ngờ xâm chiếm tâm hồn ông.  Máu ghen bừng bừng nổi dậy và ông ta tự nhủ: “Thật vô phúc cho kẻ nào rơi vào tay ta”.

Ông liền đứng lại trước cửa và ghé tai vào vách, trố mắt nhìn qua khe lá hở.  Quanh ngọn đèn dầu leo lét ông thấy các con nhỏ quây quần bên cạnh vợ ông.  Ông nghe rõ tiếng bà nói với các con:

– Các con hãy đọc thêm một kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho người cha tốt lành của các con.

Trước khung cảnh đầm ấm tình mẫu tử đó, bỗng chốc lửa hung ác trong trái tim ông như tắt ngụm. Tâm hồn cứng cỏi của ông trở nên như sáp ong mềm ra trước hơi nóng.  Mắt ông như bừng sáng sau một cơn mê ngủ dài.

Ông đã nhận ra tấm lòng tốt và tình yêu quảng đại của vợ ông, người mà từ trước đến nay ông vẫn ngược đãi.  Vợ ông không những đã tha thứ, mà còn tìm cách xóa bỏ hình ảnh xấu về ông bằng cách in vào tâm trí các con mình hình ảnh tốt của ông như một người cha.

Ông cảm thấy như có cục than hồng đốt cháy trên đầu ông.  Và từ ngày đó ông nhất quyết trở nên một người cha tốt lành, người chồng chung thủy và có tinh thần trách nhiệm, như vợ con ông hằng nghĩ tốt về ông.

******************

Câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy đâu là sức mạnh của lòng tha thứ.  Tha thứ đổi mới tâm hồn, làm phát sinh sự sống mới, gây thêm lòng can đảm, để bắt đầu con đường sống mới.

Lòng tha thứ quảng đại và vô điều kiện của người mẹ, người vợ trong câu chuyện trên đây là phản ảnh lòng thương tha thứ vô biên của Thiên Chúa được mặc khải cho chúng ta qua Kinh Thánh, nhất là nơi bản thân Chúa Giêsu.

Là hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng mời gọi ta chia sẻ sức mạnh của Ngài.

Mỗi Kitô hữu cũng là một ơn tha thứ mà Thiên Chúa muốn trao tặng cho người khác.

Mỗi ơn tha thứ là một cuộc biến đổi.  Chúa Giêsu kêu mời chúng ta cùng với Ngài thực thi sứ mệnh trao ban ơn tha thứ hầu biến đổi anh chị em chúng ta nên người con thật tốt lành và trọn vẹn đáng yêu của Chúa Cha, cũng như chính chúng ta đã được tha thứ và biến đổi.

R. Veritas

******************

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống yêu thương, tha thứ và quảng đại như người vợ trong câu chuyện trên.  Xã hội hiện đại ngày nay với bao gia đình tan vỡ, con cái phải đứng trước sự chọn lựa ở với cha hoặc với mẹ, chỉ vì không còn hình bóng của tình yêu, lòng tha thứ, sự chịu đựng lẫn nhau trong gia đình.  Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, xin chúc phúc cho gia đình của mỗi người chúng con để mỗi gia đình Kitô hữu trở nên một gia đình Nazarét hạnh phúc đầm ấm khi xưa.  Xin dạy chúng con, những người vợ người chồng, không chỉ biết yêu thương và nhớ đến nhau trong ngày Lễ Tình Yêu khi chúng con còn là tình nhân, mà chúng con sẽ yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày trong suốt cuộc đời chúng con.  Amen!

ÁNH TRĂNG TÂM LINH

‘‘Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.’’

Trăng ở trên cao, nhưng trăng cũng ở dưới đáy bờ ao.  Trăng trên cao và trăng ở bờ ao cũng là một ánh trăng.  Tôi cầu Chúa trên cao, nhưng tôi cũng gặp gỡ Chúa nơi bờ ao tâm hồn.  Tôi gọi Chúa là Ánh Trăng Tâm Linh.

Niềm vui của bờ ao là niềm vui có ánh trăng soi chiếu.  Cái đẹp của dòng nước đêm trăng là cái đẹp nhờ ánh trăng rọi soi.  Niềm vui của người Kitô hữu cũng là niềm vui cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn sâu thẳm.  Vẻ đẹp của người Kitô là vẻ đẹp của ơn Trời thánh hoá. Cuộc gặp gỡ giữa một Thiên Chúa trên cao, và một bờ ao tâm hồn dệt nên một khúc Tình Thánh thật đẹp.

Trăng luôn mở lối tìm đến, không phân biệt chọn lựa bờ ao.  Dù ao đục, ao trong, hay ao sâu ao cạn, trăng chẳng bao giờ chối từ ghé thăm.  Cứ mỗi lần trăng lên, thì cũng là mỗi lần trăng ước mong dọi xuống, để bờ ao mỉm cười.  Thiên Chúa cũng chẳng bao giờ phân biệt bờ ao tâm hồn của tôi.  Dù ao tôi đục, dù ao tôi trong; dù ao tôi sâu, hay dù ao tôi cạn, Thiên Chúa vẫn đến, vẫn ở, và làm cho ao đời tôi chan chứa niềm vui.

Thi ca, âm nhạc đã dùng ánh trăng như nguồn sáng tác bất tận trong văn chương Việt Nam.  Tôi cũng muốn tìm nơi đó một vẻ đẹp tâm linh.  Sinh ra trong một làng quê nghèo với luỹ tre bờ ruộng, có hình ảnh ánh trăng bên luỹ tre xanh.  Khi trăng lên cao, cũng là lúc trăng lặn xuống thật sâu trong dòng sông cô quạnh.  Hình ảnh đó đã đi vào đời tôi như một kỷ niệm của tuổi ấu thơ.

Niềm vui của lũ trẻ miền quê là niềm vui mộc mạc đùa hát bên nhau dưới mỗi  mùa trăng lên. Miền quê không có ánh điện như thị thành, chỉ luẩn quẩn bên những chiếc đèn dầu hiu hắt, nên mỗi khi trăng lên, nó đưa tuổi thơ ra khỏi cái hiu hắt của khói đèn, xoa dịu cái mỏi mệt của kiếp nghèo.

Rồi xa quê hương, tôi cảm thấy như mất mát cái êm đềm của một thời thơ trẻ. Mất đi cái thơ của những đêm trăng với những câu hò, câu hát của tuổi trẻ miền quê. Trên đường tìm về những kỷ niệm ấy, tôi may mắn gặp  được Ánh Trăng Tâm Linh. Tôi đi tìm kỷ niệm, tôi gặp một mùa Trăng.  Rồi Ánh Trăng soi dẫn, đưa tôi về kỷ niệm.  Từng kỷ niệm có ánh sáng trên cao soi chiếu; từng kỷ niệm có Đấng trên cao dẫn lối soi đường.

Niềm tin của tôi hôm nay cũng được dệt nên từ  những kỷ niệm đơn sơ ấy.  Đức tin là một tổng hợp của kinh nghiệm và kỷ niệm.  Kinh nghiệm hôm nay, ngày mai chỉ còn là kỷ niệm.  Nhưng một niềm tin không xây trên kỷ niệm là niềm tin rỗng.  Một niềm tin không dựa trên kinh nghiệm là niềm tin chao đao.  Đi về kỷ niệm là đi về  lối xưa, vậy mà lối xưa lại khơi dậy trong tim một dòng tâm tư cho hôm nay bước tới.

Ôn lại đời mình có khi vui sướng, nhưng cũng có lúc thật xót xa.  Nên cần gẫm suy dưới ánh sáng tâm linh để cảm nghiệm được niềm an ủi xoa dịu.  Bản chất của Trăng không những chỉ tạo nên vẻ đẹp, không những chỉ dẫn lối soi đường, nhưng còn xoa dịu, an ủi vỗ về.

Ao không đi tìm trăng, vì biết mình giới hạn, xấu xí.   Nhưng trăng lại tìm đến với ao để kết giao tình đời. Đạo Kitô là đạo Mạc Khải từ trên cao. Nhưng Thiên Chúa của Kitô lại chẳng muốn sống ở trên cao: ‘‘ Vì loài người chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế ’’ Câu tuyên xưng tôi vẫn ngâm nga mỗi tuần như một cảm nghiệm bởi lòng tin. Dù đời tôi tội lỗi, dù tâm tư ê chề, Trăng vẫn một mực ghé thăm.

Yêu thương là như thế.  Không nhìn nhau với ánh mắt chê trách xét đoán, nhưng đón nhận tất cả trong con tim.  Chúa không nhìn tôi như tôi hay nhìn về chính mình: cái nhìn của mặc cảm tự ti, rồi từ đó tôi nhìn Chúa cũng sợ hãi, xa cách.  Ngài chấp nhận con người của tôi với tất cả bất toàn yếu đuối.  Bờ ao đời tôi ngày nào đó có được trong hơn một tí, đó cũng là do ân sủng của màu Trăng Tâm Linh soi chiếu.  Đừng vội kiêu hãnh với chút nước trong ao!

Tôi thường hay nói ‘‘trăng tàn’’ khi trăng khuất về đỉnh núi.  Thực chất trăng chẳng bao giờ tàn.  Trăng vẫn là ánh trăng vĩnh cửu.   Có nhiều lúc tôi cảm thấy Chúa vắng bóng, tâm hồn cũng vọng  lên tiếng nói của nghi nan: Có Chúa hay không ?  Chúa ở đâu, sao Ngài để tôi cô đơn?  Tôi thắc mắc, tôi nghi ngờ, nhưng Chúa vẫn hiện hữu.  Cũng như tôi gọi ‘‘trăng tàn’’ nhưng thực chất trăng chẳng bao giờ tàn, chỉ khuất núi mà thôi.

Nghi nan là tín hiệu của một niềm tin đang hao mòn.  Nhưng hao mòn của niềm tin không có nghĩa là mất đức tin.  Niềm tin cũ phải bị hao mòn và chết đi bởi những nghi nan, để niềm tin mới bắt đầu bước tới, mạnh mẽ  hơn, sâu sắc hơn và xác tín hơn.  Mỗi một ngày, trong cơ thể cũng có bao nhiêu tế bào phải chết đi, để thay thế cho những tế bào sống sung mãn khác vươn lên.  Niềm tin có lẽ cũng đi qua một quá trình tiến hoá như thế.

Có nhiều lần tôi cứ mãi băn khoăn, làm sao mình có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn sâu thẳm?  Bây giờ tôi hiểu.  Chỉ có ân sủng mới giúp tôi cảm nghiệm.  Trăng là ơn huệ.  Chẳng ai có thể dùng Magic để kéo ánh trăng về nhưng trong cái bất lực ấy lại có cả một mùa hy vọng, vì mây đen cuộc đời không thể che mờ ánh trăng.

Vì thế, mỗi một mùa trăng lên, tôi lại nhớ tới Ánh Trăng Tâm Linh.  Mỗi một lần nghe câu ca dao ngân nga:

‘‘Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi’’

Tôi lại nhớ đến cuộc hẹn hò ân tình giữa Thiên Chúa và bờ ao tâm hồn của mình, rồi cất tiếng thầm thì:

Cảm tạ Chúa đã cho tuổi thơ đời con những ánh trăng xinh và niềm vui mộc mạc bên luỹ tre xóm làng.  Cảm tạ Chúa đã cho con Ánh Trăng Tâm Linh soi dẫn đời con trong dòng đời cô quạnh. Xin cho con biết giữ lại ánh Trăng Tâm Linh ấy nơi bờ ao tâm hồn.

Con không muốn đổ đi những ánh trăng đẹp, vì con biết ao đẹp chỉ là nhờ có Trăng.  Đôi lúc vô tình, con cũng hành động như người con gái ấy, ‘‘Múc ánh trăng vàng đổ đi”.  Nhưng con tin rằng, dù con có đổ đi một đời, thì nguồn trăng vẫn không bao giờ vơi cạn trong ao, nó chỉ làm cạn nước đời con thôi Chúa ơi.

Xin cho con biết giữ lại mãi vừa trăng vừa nước như một hẹn hò yêu thương, để ao đời con mỗi ngày được gạn bớt chất cặn của bùn lầy tội lỗi, cho những rong rêu ích kỷ càng ngày được vơi dần, để ao hồn con thêm trong, trong như ánh trăng từ trên cao soi chiếu.

Nguyễn Thảo Nam

BỆNH PHONG CÙI

Một vụ nổ đã làm cho chú bé bảy tuổi bị phỏng nặng ở đôi chân, đến nỗi các bác sĩ đã nghĩ rằng cần phải cưa chúng.  Người ta nói với mẹ cậu:  “Thằng Glenn của chị sắp thành kẻ tàn phế suốt đời đây”.

Thế mà hai năm sau, với niềm tự tin mạnh mẽ, cậu đã rời bỏ cặp nạng, chẳng những đi bộ mà cậu còn chạy được nữa.  Dù chạy không nhanh lắm, nhưng vẫn chạy được.

Cuối cùng, cậu thi đậu đại học.  Môn ngoại khoá của cậu là chạy đua.  Quả thật, cậu đã làm cho mọi người phải kinh ngạc.  Cậu lần lượt phá kỷ lục ở liên đại học.

Tại đại hội Olympic Berlin, chẳng những cậu được đánh giá là vận động viên xuất sắc môn chạy 1500 mét, mà cậu còn phá kỷ lục Olympic về môn này.

***************

Với niềm tin vào khả năng của chính mình, cậu bé tưởng chừng như một phế nhân, đã trở thành vận động viên chạy nhanh nhất thế giới.  Với niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa, người phong cùi tưởng chừng như suốt đời sống trong căn bệnh ghê tởm nhất, đã trở nên lành sạch.

Đối với người Do Thái, kẻ mắc bệnh phong cùi bị coi như Thiên Chúa chúc dữ và xã hội loại bỏ.  Không được tham dự nghi lễ trong hội đường.  Họ là thành phần tội lỗi, phải sống thành từng nhóm nơi mồ mả, phải la lên “ô uế” để mọi người tránh xa.  Ai trò chuyện với họ là phạm luật.  Trong hoàn cảnh bi đát ấy, người phong cùi đã hết lòng tin tưởng quyền năng của Đức Giêsu, nên anh đã quỳ xuống van xin:  “Nếu Người muốn, Người có thể khiến tôi nên sạch” (Mc 1,40).

Thấy lòng tin của anh, Đức Giêsu động lòng thương, giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh” (Mc 1,41).  Chạm đến người phong cùi, Đức Giêsu đã phạm luật, khiến người ta khó chịu.  Người muốn thay đổi những lệch lạc trong luật.  Qua việc đặt tay của Đức Giêsu, con người được tiếp xúc thần tính của Người, nhờ đó được nhận lãnh ân sủng là sức sống của Người.  Chính vì thế mà bệnh phong biến mất và anh ta được sạch.

M. Carré có nói: “Sống trong một thế giới đầy đau khổ trước mắt, thì chúng ta phải là những nhà chuyên môn của niềm tin tưởng cậy trông”. Vâng, trong lúc đau đớn tột cùng nơi thân xác vì bị vi trùng Hansen gặm nhấm rúc rỉa; trong lúc tâm hồn tan nát vì bị mọi người kinh tởm xa cách.  Chính trong lúc đau khổ ngút ngàn ấy, người phong cùi lại hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và trọn vẹn phó thác cho tình yêu của Người.

Vì thế, Đức Giêsu chỉ còn biết rộng rãi trao ban tình yêu của Người, để làm phát sinh một hiệu quả vô cùng kỳ diệu là cho anh lành sạch cả thể xác lẫn tâm hồn.  G. Bossis viết:  “Hãy tin và tin nhiều hơn nữa cho đến khi phép lạ xảy ra”.

Bí quyết trở nên hùng cường của một nước Mỹ được in trên đồng tiền của họ, đó là câu:  “In God we trust”  (Chúng tôi tin vào Thiên Chúa).  Thánh Phanxicô Salêsiô nói:  “Chúng ta sẽ an toàn vượt qua giông tố, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chuá”.

***************

Lạy Chúa, trong cơn đau khổ cùng quẫn, chúng con vẫn tin tưởng nơi Người, chỉ một mình Người thôi.  Trong bóng đêm cô đơn trống vắng, chúng con vẫn cậy trông nơi Người; tất cả nơi Người.  Xin cho chúng con nhận ra quyền năng và tình yêu của Chúa trong cuộc đời chúng con.  Xin thương chữa lành mọi bệnh tật xác hồn chúng con.

Thiên Phúc

ÐỪNG SỢ!

“Lo sợ là điều tai hại nhất, phá hoại nhiều hơn cả”. Ðó là phát biểu của một y sĩ.  Trong quan điểm của vị y sĩ này, lo sợ là kẻ giết người.

Thần thoại Ả Rập kể rằng:  Một hôm dịch tả gặp đoàn thương gia tiến về thủ đô Bát-đa.  Người dẫn đầu đoàn xe hỏi hắn:-

– Dịch tả đi đâu mà vội vàng thế?

Dịch tả trả lời ngắn gọn:

– Ta về Bát-đa giết hại năm nghìn mạng người.

Vài ngày sau đó, trên đường từ Bát-đa trở về, đoàn thương gia lại gặp dịch tả.  Người hướng dẫn đoàn tức giận mắng hắn:

– Nhà ngươi nói rằng chỉ giết hại có năm nghìn người, mà bây giờ con số người chết tại Bát-đa lên đến năm chục nghìn. Nhà ngươi thật dối trá.

Dịch tả ôn tồn trả lời:

– Không, ta nói thật. Ta chỉ giết có năm nghìn người không hơn không kém. Chính là nỗi lo sợ đã giết chết số người đông đảo còn lại đó.

***************

Sợ hãi đã làm thay đổi thế giới, giết chết niềm tin, hy vọng và lạc quan.  Lòng người đã tan ra vì lo sợ.  Các nhà tâm lý đã nói nhiều về lo sợ.  Nhưng không ai tìm ra nguồn gốc của lo sợ.

Khi A-đam, con người đầu tiên lỗi điều răn của Chúa, ông đã lo sợ và đi ẩn mình.  Kể từ đó, lo sợ ám ảnh mãi trong dòng giống loài người.  Nhưng Tin Mừng cho nhân loại là A-đam thứ hai đã xuất hiện đó là Chúa Cứu Thế Giêsu.  Thánh Phaolô dạy rằng:  “Chúa Giêsu là Ađam thứ hai”, nghĩa là một khởi đầu mới.  Nhân loại lầm lạc vì A-đam thứ nhất.  Nhưng Chúa Giêsu đến để cứu vớt và lập lại một dòng giống mới trong A-đam thứ hai.

Một bà cụ sống một mình rất lo sợ, nhất là về đêm.  Vì quá sợ nên bà cụ chỉ ngủ được rất ít.  Một hôm, bà cụ đọc trong Thánh Kinh thấy có ghi rằng: “Chúa không thiếp ngủ cũng không bao giờ nhắm mắt”.   Bà cụ mừng quá mà nói rằng: “Tại sao tôi phải thức? Một mình Chúa thức đã đủ rồi”. Và bà cụ tắt đèn đi ngủ ngay.  Từ đó bà cụ ngủ ngon giấc.

Một người cố công tìm những chi tiết trong Kinh Thánh và đếm được 365 tiếng “đừng sợ” trong toàn bộ Kinh Thánh.  Như thế là mỗi ngày trong một năm ta đều được nhắc rằng “đừng sợ”.

R. Veritas

***************

Lạy Cha, giữa những ngược xuôi lo lắng trong dòng đời nổi trôi, đầy tính toán, nhiều tham vọng, con lo sợ đủ điều khi nhìn về ngày mai.  Sợ những lúc bị thất nghiệp, những khi ốm đau bịnh hoạn, sợ những tháng ngày gia đình xáo trộn phân ly, sợ con cái hư hỏng, sợ lúc về già đơn côi bị bỏ rơi, sợ đức tin yếu đuối, sợ không bền đỗ trong ơn gọi làm người Kitô….  Lạy Thiên Chúa nhân từ!  Có thể vì sợ hãi quá nhiều mà con chưa một lần cảm nếm sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống con.  Xin cho con một niềm tin và phó thác vào sự quan phòng của Người Cha nhân hậu đầy yêu thương.  Xin cho con cảm nhận được tình yêu thương vô biên của Người Cha nhân hậu không bao giờ bỏ rơi con mình.  Xin cho con ý thức thân phận yếu đuối bất lực của mình, cho dù có lo sợ, toan tính trăm chiều con cũng không làm chi để thay đổi được số phận.