TẠI SAO HỌ KHÔNG ĂN CHAY?

Ngày xưa người Ai Cập thường ăn chay để được trẻ trung hơn; người Hy Lạp ăn chay để tinh thần được linh lợi hơn; người thổ dân Nam Mỹ ăn chay để biểu lộ lòng can đảm. Các nghệ sĩ vẽ tượng thánh người Nga thường ăn chay để vẽ cho đẹp hơn.  Những sự kiện lý thú này cũng như nhiều sự kiện khác nữa được tìm thấy trong quyển sách hấp dẫn của Bác sĩ Allan Cott nhan đề: “Chay tịnh: phương pháp kiêng cử đích thực” (Fasting: The Ultimate Diet.)

Tờ bìa của quyển sách được mọi người ưa thích này có ghi “Ăn chay có thể giúp chúng ta cảm thấy khoẻ mạnh hơn về mặt thể lý cũng như về mặt tâm linh. Thật thế, trái với mọi người thường lầm tưởng, đối với những người trưởng thành, việc ăn chay trong một thời gian dài cũng không làm hại cho sức khoẻ của họ.  Ngược lại, ăn chay đem cho họ nhiều lợi ích. Bác Sĩ Cott kể ra hai trường hợp thú vị để minh hoạ điều ông nói:  Những người lính Nhật ẩn náu trong vùng rừng núi Philippines hơn 30 năm sau thế chiến thứ 2 vì không muốn đầu hàng đồng minh, vẫn khoẻ mạnh hơn nhiều so với các chiến hữu của họ đã trở về nhà sinh sống.  Và dân chúng anh quốc trong thời kỳ thực phẩm khan hiếm suốt thế chiến thứ 2 phải ăn theo khẩu phần thế mà vẫn trông thật tráng kiện.  Khi chế độ khẩu phần chấm dứt thì tình trạng sức khoẻ trong nước bắt đầu tồi tệ và những bệnh tật hầu như không thấy xuất hiện trong thời kỳ ăn theo khẩu phần nay bắt đầu lộ diện.  Bác sĩ Charler Goodrich cho rằng trở ngại chính khiến ngày hôm nay người ta không làm được gì hết.  Nỗi sợ này, theo ông, nằm sâu trong mỗi người chúng ta.

************************

Ngoài việc ăn chay vì những lý do tự nhiên như để trẻ trung hơn, khỏe mạnh hơn và để biểu lộ lòng can đảm–người xưa còn ăn chay vì những lý do về tâm linh nữa. Hầu hết mọi tôn giáo trên thế giới đều tán dương việc ăn chay. Truyền thuyết kể rằng Đức Phật vì ăn chay nhịn đói nên đã gầy guộc đến nỗi khi hóp bụng lại, ngài có thể chạm vào xương sống của mình.  Bắt chước Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày trong sa mạc, các kitô hữu sơ khai cũng ăn chay để ăn năn tội và cầu xin sự trợ giúp đặc biệt của Chúa.  Dân Do Thái ngày xưa cũng ăn chay vì những lý do tương tự: để ăn năn tội, để biểu lộ lòng thương tiếc kẻ chết, để chuẩn bị và hối thúc Đấng Mesia và Nước Chúa đến.  Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi thấy người ta tranh luận sôi nổi về vấn đề ăn chay trong bài Phúc Âm hôm nay.  Bài Phúc Âm không kể rõ lý do các môn đệ thánh Gioan tẩy giả ăn chay nhưng có lẽ họ làm thế là để chuẩn bị cho việc Đấng Mesia và Nước Thiên Chúa sắp đến. Thực thế, thánh Gioan tẩy giả đã báo cho các môn đệ ngài một điều vĩ đại đang xảy ra. Điều này giải thích được câu trả lời của Chúa Giêsu khi Ngài nói: “điều trọng đại đang xảy ra. Đấng Mêsia đã đến, vương quốc đang cận kề.  Lý do ăn chay giờ đây không còn giá trị nữa”. Bây giờ mà vẫn ăn chay thì khác nào tiếp tục băng bó cánh tay sau khi nó đã lành hẳn rồi, khác nào tiếp tục che dù sau khi cơn mưa đã tạnh!

Điều trên đây nêu cho chúng ta một điểm quan trọng: việc sống đạo của chúng ta đôi khi giống hệt lối sống đạo của dân Do Thái ngày xưa.  Họ ăn chay là để chuẩn bị chờ đón Đấng Mêsia và nước Thiên Chúa đến, thế mà khi Đấng Mêsia và Nước Chúa đến, họ vẫn cứ tiếp tục ăn chay.  Có lẽ vì đã có thói quen ăn chay quá lâu, nên họ quên mất lý do đầu tiên của việc ăn chay, để rồi việc ăn chay giờ đây chỉ còn là một thói quen máy móc.

Các nhà tâm lý cảnh giác chúng ta đừng để thói quen và tập quán chế ngự một số lãnh vực trong đời sống chúng ta. thực ra, thói quen vô cùng hữu ích cho chúng ta trong một số lãnh vực nhưng đồng thời cũng có thể gây tác hại trong một số lãnh vực khác.

Tôn giáo là một lãnh vực cần đến thói quen, chẳng hạn thói quen cầu nguyện mỗi ngày thực vô cùng ích lợi. Tuy nhiên trong một số lãnh vực khác, thói quen lại gây tác hại, chẳng hạn vịêc nhúng tay nước thánh và làm dấu thánh giá khi bước vào giáo đường có thể trở nên quá lớn, quá thường đến nỗi chúng ta có thể làm điều đó mà chả suy nghĩ gì hết.  Chúng ta trở nên quá máy móc đến nỗi không còn nhớ đến ý nghĩa của việc chúng ta làm nữa.

Chúng ta có thể trở nên giống đám dân Do Thái thời Chúa Giêsu.  Họ đã không nhận ra lý do khiến họ ăn chay nữa. Cũng vậy, chúng ta có thể không còn nhận ra lý do tại sao chúng ta dùng nước thánh làm dấu thánh giá khi chúng ta bước vào nhà thờ.  Vì thế, thỉnh thoảng chúng ta cần hồi tâm suy nghĩ lại.  Chúng ta cần nhớ lại lý do chúng ta dùng nước thánh làm dấu “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.  Điều này nhắc ta nhớ lại ngày ta được rửa tội bằng nước với lời đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.  Vì thế dùng nước làm dấu thánh giá trên mình nhằm giúp chúng ta ý thức lại Bí tích rửa tội của chúng ta

Chúng ta biết rằng thói quen và tập quán rất hữu ích trong một số lãnh vực thuộc đời sống Tôn Giáo của chúng ta. Tuy nhiên nếu chúng ta không cành giác, chúng sẽ trở nên vô cùng tác hại. Chẳng hạn chúng ta có thể thực hành một số hành vi tôn giáo cách máy móc đến nỗi làm mà không nghĩ gì hết, chúng không còn ý nghĩa gì đối với chúng ta nữa hết; Khi đó chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng nguy hiểm giống như đám người do Thái trong bài Phúc Âm hôm nay. Họ đã quên mất lý do ăn chay của họ. Họ đã quên mất rằng đó chỉ là dấu hiệu cho thấy lòng khao khát chuẩn bị đón chờ Đấng Mesia và nước Thiên Chúa đến.

************************

Lạy Chúa xin đừng để chúng con cầu nguyện và thực hành các nghi thức tôn giáo một cách máy móc theo thói quen.  Xin cho mọi lời nói và nghi thức tôn giáo mà chúng con thực hành được thực sự là những hành vi thờ phượng có ý thức.  Chúng con nguyện xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.

Lm Mark Link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *