THÁNH TÊRÊSA AVILA, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH

Lạy Chúa, từ nay con muốn quên đi chính mình, hầu chỉ chú tâm vào việc con có thể làm gì để phụng sự Chúa, và con không còn ý muốn nào khác ngoài Thánh Ý Chúa.

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Thánh nữ Têrêsa sinh ngày 28 tháng 3 năm 1515, tại Avila, nước Tây Ban Nha, trong một gia đình quý tộc đạo đức.  Lúc nhỏ, thánh nữ rất thích đọc sách tu đức và hạnh thánh tử đạo, thấy các ngài can đảm hy sinh chịu khổ chịu chết vì Chúa, và được nên thánh trong Hội thánh.  Có lần ngài bảo em: “Chúng ta hãy đến chỗ người ta đang bắt đạo, để chị em mình được chết vì đạo, được Chúa thưởng lên thiên đàng hưởng phước với các thánh.”

Thánh nữ chỉ mong được lên thiên đàng, và rất sợ hình khổ hỏa ngục.

Têrêsa có lòng kính mến Đức Mẹ đặc biệt.  Ngày ngày, ngài lần chuỗi Mân Côi để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ.  Và năm lên 12 tuổi, khi mẹ ngài mất, ngài đến quỳ trước ảnh Đức Mẹ, xin Đức Mẹ nhận ngài làm con, và hứa suốt đời sống xứng đáng làm con Đức Mẹ.

Năm 1530 nhân tuần cấm phòng tại tu viện thánh Augustinô, thánh nữ cảm thấy ước nguyện đi tu mỗi lúc một thôi thúc mạnh mẽ trong tâm hồn, Ngài trở về ngỏ ý xin cha cho phép vào tu trong dòng Carmelô, nhưng cha Ngài nhất định khước từ.  Dầu vậy, Têrêsa không sờn lòng, ngài vẫn kiên trì hun đúc ý chí cầu nguyện sống tận hiến theo tiếng Chúa gọi.  Một hôm thánh nữ phân vân không biết quyết định làm sao, theo tiếng Chúa  gọi hay vâng lời cha già, thì một câu nói của thánh Giêrônimô đã giúp ngài định hướng dứt khoát cho cuộc đời của mình: “Cả khi cha mẹ con, nằm lăn trước cửa để ngăn cản con đi tu, thì con cũng cứ can đảm bước đi vì tiếng Chúa trong con hơn…”  Thế là chim bằng vỗ cánh vút cao trên nền trời xanh thẳm.

Năm 1533, Têrêsa vừa đúng 18 tuổi, ngài nhất định cất bước lên đường vào tu trong dòng “Nhập thể.”  Sống cuộc đời mới, thánh nữ hân hoan như cá gặp nước, ngài tiến bộ rất nhanh trên đường tu đức.  Ngày 2.11.1535 ngài được mặc áo dòng.  Cuộc đời tưởng sẽ êm suôi nhưng không phải thế.  Bao nhiêu cơn cám dỗ nặng nề về đức tin và ý hướng tận hiến nổi lên.  Thêm vào đó là tâm trí mệt mỏi, bệnh thần kinh xuất hiện hành hạ đến nỗi bề trên phải cho ngài về nhà uống thuốc nghỉ bệnh.  Ơn kêu gọi trải qua một cơn sóng gió nặng nề.  Nhiều khi thánh nữ cảm thấy chán nản, muốn nhắm mắt để mặc thế gian lôi cuốn.  Thế nhưng ý Chúa nhiệm mầu.  Chính lúc Têrêsa cảm thấy mình yếu đuối hơn cả thì lại là lúc Chúa hoạt động nơi ngài mạnh hơn hết.  Quả thế, một hôm thánh nữ đang say sưa mơ tưởng những sự thế gian, thì bàn tay quan phòng của Chúa đã đến đúng lúc thức tỉnh thánh nữ.  Tiếng nói mầu nhiệm của Chúa đã lọt vào lòng thánh nữ: “Cha không muốn con mê mải sự thế gian và tiếp xúc với người đời mà cha chỉ muốn con tiếp xúc với các thiên thần.”

Năm 1558, vào sau dịp lễ Phục Sinh, thánh nữ được trông thấy hai bàn tay của Chúa Giêsu rồi tiếp sau là khuôn mặt sáng ngời của Ngài.  Lần khác Chúa cho thánh nữ trông thấy địa ngục đầy dẫy những hình khổ và lửa đỏ cháy ngùn ngụt thiêu đốt những linh hồn tội lỗi…

Những thị kiến ấy đã gợi lên nơi thánh nữ ý tưởng phải lập một dòng nhiệm nhặt hơn, chuyên lo đền tội.  Thiên Chúa đã chúc lành cho ý định của ngài và giúp ngài thực hiện.

Ngày 24.8.1562, tu viện đầu tiên đã mọc lên ở Avila và ngày ngày có nhiều thiếu nữ xin gia nhập.  Quy luật dòng rất nghiêm nhặt, như đi chân không, chú trọng đến việc ăn chay, hãm mình đánh tội, thức khuya dậy sớm, đọc kinh cầu nguyện rất nhiều.  Và cũng từ đó, các tu viện được xây cất thêm mỗi ngày một đông, chứng tỏ Thiên Chúa rất hài lòng với công việc lớn lao của thánh nữ.

Cầu nguyện và suy ngắm chiếm điạ vị ưu tiên trong tinh thần tu đức của thánh nữ.  Phương pháp cầu nguyện tốt nhất là đặt mình trước mặt Chúa và nhận biết sự nhỏ bé, hèn mọn của mình.

Đề tài thánh Têrêsa ưa nguyện ngắm hơn cả là đời sống hy sinh và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.  Vì thế trong mọi hoàn cảnh, thánh nữ luôn múc lấy sức mạnh nơi thánh giá Chúa và luôn luôn tâm niệm lời Chúa phán: “hãy vác thánh giá và theo Chúa.”  Thánh nữ đã viết: “Tôi không phàn nàn về thân phận của tôi, quả thực tôi không yếu đuối như những phụ nữ khác.  Tôi có một trái tim quả cảm.  Thiên Chúa nâng đỡ những ai quyết tin tưởng nơi Ngài.  Chúa là sức mạnh, là nơi nương tựa và hướng đạo của tôi.”

Thánh Têrêsa đã sống và đã chết với lòng tin tưởng ấy.  Thánh nữ hay than thở với Chúa: “Lạy Chúa, dù thành công hay thất bại, dù vui sướng hay đau khổ con vẫn một lòng tin tưởng vào Chúa.”  Thánh nữ qua đời tại Alba de Tormes ngày 05.10.1582 hưởng thọ 67 tuổi.  Năm 1622 đức Gregoriô XV phong ngài lên bậc hiển thánh.  Năm 1970 Đức Thánh Cha Phaolô VI tôn phong ngài lên hàng tiến sĩ của Giáo Hội.

II. NHỮNG HÌNH ẢNH ĐẬM NÉT VỀ CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH TÊRÊSA AVILA

1. Bên cạnh những danh xưng mà người ta gán cho ngài như: Vị cải tổ dòng Cát Minh, người con của Giáo Hội, nhà đại chiêm niệm, nhân chứng của Thiên Chúa tình yêu thì hình ảnh đậm đà và đẹp nhất người ta thích nói về ngài là hình ảnh Têrêsa của Chúa Giêsu.

Giai thoại nổi tiếng sau đây cho chúng ta thấy điều đó.

Hồi ngài ở đan viện Toledo, một ngày kia, ngài bỗng thấy một cậu bé khôi ngô, thánh nữ ngạc nhiên dừng bước hỏi:

–  Này em, em tên gì?

Cậu bé không trả lời ngay, nhưng hỏi ngược lại:

– Thưa bà, vậy bà tên chi?

– Tôi tên là Têrêsa của Chúa Giêsu. Thánh Nữ đáp.

Cậu bé mỉm cười rất dễ thương tiếp lời:

– Tôi, tôi tên là … Giêsu của Têrêsa!

Nói xong, cậu bé “Giêsu của Têrêsa” biến mất…

Đức Thánh Cha Gioan XXIII rất thích câu chuyện này.  Ngài ghi lại trong quyển nhật ký của Ngài mấy dòng tư tưởng sau đây:

“Tôi phải sống thế nào để Chúa Giêsu cũng nói với tôi, như thuở xưa Ngài đã nói với Thánh Têrêsa thành Avila: “Tôi tên là Giêsu của Têrêsa.”  Vậy tiên vàn, tôi phải là Angêlô của Chúa Giêsu trước đã…”

Vâng!  Mỗi người chúng ta phải là người của Chúa Giêsu.

2. Khi đã trở nên người của Chúa Giêsu thì thánh Têrêsa sẵn sàng sống tuân theo mọi đòi hỏi của Chúa.

Ngài luôn cầu nguyện: “Lạy Chúa, từ nay con muốn quên đi chính mình, hầu chỉ chú tâm vào việc con có thể làm gì để phụng sự Chúa, và con không còn ý muốn nào khác ngoài Thánh Ý Chúa”.

Trên đường đi lập đan viện Burgos, thánh Têrêsa gặp phải nhiều đau khổ nên đã thốt ra những lời sau đây: “Ôi lạy Chúa, phần thưởng của Chúa dành cho kẻ phục vụ toàn là những thử thách gay go.  Thánh nữ liền được nghe tiếng Chúa nói: “Đó là cách Ta đối xử với các bạn thân của Ta!” Têrêsa đáp lại: “Đúng rồi, có gì lạ đâu, chính vì thế mà Chúa có ít bạn tâm phúc!

Sưu tầm

THÁNH GIOAN 23, GIÁO HOÀNG

Đức Thánh Cha Gioan XXIII là người đã triệu tập Công Đồng Vatican II, mở cánh cửa Giáo Hội ra với thế giới bên ngoài, và đem một sinh khí mới vào đời sống của Giáo Hội.

Triệu tập Công đồng là một công việc vĩ đại, phát xuất từ nhiều lo lắng cho tương lai Giáo Hội với quá nhiều vấn đề khó khăn, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII lại vẫn thường cầu nguyện rất đơn sơ nhẹ nhàng trước giờ đi ngủ: “Lạy Chúa, Giáo Hội là của Chúa, con chỉ là tôi tớ.  Giáo Hội mạnh yếu thành đạt là trách nhiệm của Chúa.  Con đã làm bổn phận của con, giờ này đến giờ con đi ngủ, xin Chúa ban phúc lành cho con.”  Nói thế rồi, Ngài đi vào giấc ngủ ngon.  Như vậy, dù thường xuyên suy tư trăn trở cho Giáo Hội, ngài lại rất thực tế sống tinh thần phó thác – giống như chỉ chuyên chăm hoàn tất bổn phận hằng ngày của mình với “Mười Điều Tâm Niệm” mà ngài đã đề ra cho mình:

1. Ngày hôm nay, tôi sẽ sống tích cực trọn vẹn, chứ không tìm cách giải quyết mọi vấn đề của đời mình.

2. Ngày hôm nay, tôi sẽ chú ý đặc biệt đến dáng vẻ của mình: ăn mặc đơn sơ, không lớn tiếng, lịch sự trong cách ứng xử; tôi sẽ không phê phán ai; tôi cũng sẽ không đòi ai phải ứng xử hoặc kỷ luật ai, trừ ra chính con người của mình.

3. Ngày hôm nay, tôi vui sướng tin chắc rằng tôi được tạo dựng để sống hạnh phúc, không chỉ cho đời sau mà ngay cả từ đời này.

4. Ngày hôm nay, tôi sẽ sống theo hoàn cảnh của mình, mà không đòi hỏi hoàn cảnh phải phù hợp với những ước muốn của tôi.

5. Ngày hôm nay, tôi sẽ dành 10 phút để đọc điều gì thật hữu ích, và luôn nhớ rằng lương thực cần cho cuộc sống như thế nào thì đọc điều hữu ích cũng cần thiết để nuôi dưỡng cho linh hồn mình như vậy.

6. Ngày hôm nay, tôi sẽ làm một điều tốt mà không kể cho ai nghe.

7. Ngày hôm nay, tôi sẽ làm ít nhất một điều tôi không thích: và nếu tôi bị tổn thương, thì tôi cũng không cho ai biết điều này.

8. Ngày hôm nay, tôi sẽ hoạch định một chương trình cho riêng tôi: tôi có thể không theo sát được từng chữ, nhưng tôi sẽ có một chương trình như thế. Và tôi sẽ đề phòng hai điều tai hại: cẩu thả và lừng khừng, không dám quyết tâm.

9. Ngày hôm nay, tôi tin chắc rằng, dù thế nào đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn yêu thưong tôi như chỉ có mình tôi trên thế gian này.

10. Ngày hôm nay, tôi sẽ không sợ hãi gì. Tôi sẽ không ngần ngại thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên và tin tưởng vào lòng nhân ái của con người và cuộc đời.

Thực thế, trong vòng 12 tiếng đồng hồ, tôi chắc chắn có thể làm tốt điều mà tôi nghĩ rằng sẽ thật kinh hoàng nếu phải làm nó suốt cả đời.

Đức Gioan XXIII cũng thường được gọi là “Giáo hoàng Gioan nhân hậu.”  Ngài coi mình là “con cái của Thánh Phanxicô” khi gia nhập Dòng Ba Phanxicô lúc còn là một chủng sinh.  Vị Giáo hoàng khiêm tốn này thường bắt chước lời của ông Giuse ở Ai Cập (Cựu Ước) chào hỏi các thành viên của Dòng Ba Phanxicô: “Tôi là Giuse, người anh em của quý vị.”

Vị Giáo hoàng thứ 261 này có tên khai sinh là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh tại làng Sotto il Monte, thuộc tỉnh Bergamo, vào ngày 25.11.1881, con trai đầu của ông Giovanni Battista Roncalli và bà Marianna Mazzola.  Ngay buổi chiều hôm đó, trẻ sơ sinh Angelo được rửa tội.  Người đỡ đầu là ông Zaverio Roncalli, một trong những người bác của ông bố Battista, rất đạo đức, ở độc thân, tự nhận lấy bổn phận dạy giáo lý cho nhiều đứa cháu.  Sau này, Đức Gioan XXIII đã cảm động nhớ lại nhiều kỷ niệm và biết ơn về những lo lắng chăm sóc của ông.

Ngay từ thời thơ ấu, đã có một khuynh hướng nghiêm chỉnh về đời sống Giáo hội, nên sau khi xong bậc tiểu học, cậu chuẩn bị vào chủng viện giáo phận nhờ sự trợ giúp học thêm tiếng Ý và tiếng Latinh của một số linh mục trong khi theo học tại một trường có uy tín của Celana.  Ngày 07-11-1892, cậu gia nhập chủng viện Bergamo.  Sau khi hoàn tất tốt đẹp năm thứ hai của thần học vào tháng Bảy năm 1900, thầy được gửi về Roma vào tháng Giêng năm sau để vào chủng viện Apollinare, nơi có một số học bổng cho hàng giáo sĩ thuộc giáo phận Bergamo.

Ngày 13 tháng 7 năm 1904, mới hai mươi tuổi rưỡi, thầy đậu tiến sĩ thần học.  Ngày 10 tháng 8 năm 1904, thầy được thụ phong linh mục trong nhà thờ Đức Maria di Monte Santo; ngài cử hành Thánh Lễ đầu tiên vào ngày hôm sau trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.  Dịp này, ngài quyết tâm tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô và hết lòng trung thành với Giáo hội.

Sau một thời gian ngắn về nghỉ tại quê nhà, vào tháng Mười, ngài bắt đầu theo học giáo luật tại Rôma, và rồi phải nghỉ học vào tháng Hai năm 1905, khi ngài được chọn làm thư ký của Giám mục mới của giáo phận Bergamo, Đức cha Giacomo Radini Tedeschi.

Ngoài nhiệm vụ thư ký, ngài còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác.  Từ năm 1906, ngài đảm nhiệm giảng dạy nhiều môn học trong chủng viện: Lịch sử giáo hội, Giáo phụ và Hộ giáo.  Từ năm 1910, ngài cũng phụ trách môn Thần học cơ bản.  Ngài nghiên cứu lịch sử địa phương, xuất bản tác phẩm viết về những chuyến viếng thăm mục vụ của thánh Carlo Bergamo (1575), một nỗ lực trong nhiều thập kỷ dài và tiếp tục cho đến những ngày trước cuộc bầu cử Giáo hoàng.  Ngài cũng là chủ nhiệm tờ báo định kỳ của giáo phận “La Vita Diocesana” và kể từ năm 1910, ngài làm trợ úy cho Liên hiệp những Phụ nữ Công giáo.

Khi Thế chiến thứ I bùng nổ, vào năm 1915 ngài làm tuyên úy hơn ba năm với cấp bậc trung sĩ, chăm sóc thương binh trong các bệnh viện ở Bergamo.  Vào tháng Bảy năm 1918, ngài dấn thân phục vụ cho những người lính bị bệnh lao.

Tiếp theo, ngài được giao phụ trách công việc của Bộ Truyền giáo tại Ý, đồng thời cũng làm linh hướng trong chủng viện.  Ngài đã thực hiện một chuyến đi lâu dài ra ngoại quốc để thi hành kế hoạch của Tòa Thánh nhằm mang về Roma những tổ chức khác nhau để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo và viếng thăm một số giáo phận Ý để quyên góp nguồn tài trợ và giải thích về công việc mà ngài đang phụ trách.

Vào năm 1925, với sự bổ nhiệm làm Visitatore Apostolico tại Bulgaria, ngài đã bắt đầu giai đoạn phục vụ cho ngành ngoại giao của Tòa Thánh cho đến năm 1952.  Sau lễ phong chức giám mục diễn ra tại Roma vào ngày 19 tháng 3 năm 1925, ngài khởi hành đi Bulgaria để giúp đỡ cho cộng đoàn Công giáo nhỏ bé và đang gặp nhiều khó khăn tại đó.  Trong hàng chục năm, Đức cha Roncalli đã đặt nền móng cho việc thiết lập một Tông tòa mà ngài đã được bổ nhiệm làm vị đại diện đầu tiên vào năm 1931.  Ngài phục hồi được mối quan hệ thân thiện với Chính phủ và Hoàng gia Bulgaria, mặc dù có đôi chút trở ngại vì đám cưới theo nghi lễ chính thống của vua Boris với công chúa Giovanna của hoàng gia Savoia, và đó cũng là dịp để khởi động những mối quan hệ đại kết đầu tiên với Giáo hội Chính thống Bulgaria.

Vào ngày 27-11-1934, ngài được bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.  Các nước này chưa có quan hệ ngoại giao với Vatican.  Với tính nhạy bén và năng động của mình, ngài đã tổ chức được một số lần gặp gỡ chính thức với Đức Thượng phụ Constantinople sau nhiều thế kỷ tách biệt với Giáo hội Công giáo.

Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, ngài đã thận trọng giữ được tính trung lập, giúp cho cả hàng ngàn người Do Thái khỏi thành nạn nhân diệt chủng, và giúp cho người Hy Lạp thoát khỏi nạn đói.

Ngài được bổ nhiệm về làm Khâm sứ tại Paris vào ngày 30 tháng 12 năm 1944.  Một hoàn cảnh khá phức tạp đang chờ đợi.  Chính phủ lâm thời buộc tội Giáo hội hợp tác với chính phủ Vichy và đòi Giáo hội phải thoái vị ba mươi giám mục.  Nhờ sự bình tĩnh và linh động của vị tân sứ thần, chỉ có ba vị bị bãi nhiệm.  Phẩm chất con người của ngài đã mang lại sự kính nể trong bối cảnh ngoại giao và chính trị tại Paris.

Sau khi lãnh tước vị hồng y, ngài được chuyển về Venice vào ngày 5 tháng 3 năm 1953 và hoàn thành nhiệm vụ giám mục tại đây cách tốt đẹp với những chuyến thăm viếng mục vụ, cử hành Công nghị giáo phận, thực hiện kế hoạch làm cho các tín hữu gần gũi với Kinh Thánh…

Ngày 28 tháng 10 năm1958, ngài được bầu chọn làm giáo hoàng.  Một vị Giáo hoàng nhận chức khi đã bảy mươi bảy tuổi khiến nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một triều đại chuyển tiếp.  Nhưng ngay từ đầu, Đức Gioan XXIII đã tỏ ra là một giáo hoàng của thời đại: khôi phục lại các hoạt động đúng đắn trong các cơ quan của giáo triều, viếng thăm các giáo xứ, bệnh viện và nhà tù của giáo phận Rôma, triệu tập Công nghị giáo phận…

Sự đóng góp lớn nhất của Đức Gioan XXIII là việc triệu tập Công đồng Vatican II, được loan báo trong Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô vào ngày 25 tháng 01 năm 1959.  Các mục tiêu ban đầu của Công đồng được nêu rõ trong bài phát biểu vào lễ khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 1962: không phải là để đưa ra những chân lý mới, nhưng để xác định lại các học thuyết truyền thống phù hợp hơn với sự nhạy cảm đương đại.  Đức Giáo hoàng Gioan XXIII mời gọi Giáo hội, thay vì lên án và công kích, hãy hướng về lòng thương xót và ủng hộ việc đối thoại với thế giới, trong một nhận thức mới về sứ mệnh của Giáo Hội là đón nhận tất cả mọi người.  Trong tinh thần cởi mở phổ quát ấy, các giáo hội Kitô khác cũng được mời tham dự vào Công đồng để khởi đầu một tiến trình xích lại gần nhau hơn.

Vào mùa xuân năm 1963, Đức Gioan XXIII được trao giải thưởng Balzan về hòa bình, xác nhận những nỗ lực của ngài đối với hòa bình qua việc ban hành Thông điệp Mater et Magistra (1961) và Pacem in Terris (1963), cũng như vai trò của ngài trong cuộc khủng hoảng tại Cuba vào mùa thu năm 1962.

Ngài qua đời vào tối ngày 3 tháng 6 năm 1963 và được phong thánh vào ngày 27-4-2014 lúc 10g tại Vatican.

(Tổng hợp) – https://tgpsaigon.net

TIỆC CƯỚI VỚI BỐN NGHỊCH THƯỜNG

Cách đây 9 năm, 29-4-2011, Hoàng tử William của hoàng gia Anh và công nương Kate Middleton đã trao đổi lời thệ ước hôn nhân tại Đại Thánh đường cổ kính Westminter.  Đây là lễ cưới cung đình.

Hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu cũng đã ví Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử.  Chuyện từ 20 thế kỷ trước, ta tưởng như chuyện đời xưa mà lại không cũ chút nào, vì mới diễn ra gần đây.

Mùa xuân 1947 cả thế giới chú ý đến hàng tít lớn trên trang nhất của báo chí cho biết công chúa Elizabeth của nước Anh sẽ sánh duyên cùng hoàng tử Philip gốc Hi lạp.  Cuộc tình duyên này quan trọng vì công chúa Elisabeth sẽ lên ngôi kế vị vua cha trị vì không những vương quốc Anh, Bắc Ai-len và còn đứng đầu khối Thịnh Vượng Chung gồm trên 50 nước lớn nhỏ (Ấn, Canada, Úc…).  Lễ được tổ chức tại Thánh đường Westminter cổ kính ngày 20/11/47.  Người ta không những nhìn xem hai nhân vật chính là cô dâu chú rể nhưng còn chăm chú điểm danh những nhân vật quan trọng từ quốc trưởng, tổng thống, vua chúa… đến các nhà quí tộc, tài phiệt.  Không ai được mời mà muốn vắng mặt trong lễ cưới, trong tiệc mừng long trọng như vậy.  Đó là chuyện bình thường dễ hiểu.

Nhưng dụ ngôn của Chúa hôm nay ví Nước Trời như một chuyện bình thường: vua mở tiệc cho hoàng tử, nhưng lại mang đầy những chi tiết không bình thường chút nào, nếu không nói là nghịch thường quá khác lạ.  Ta nhận ra được ít là bốn khác lạ nghịch thường so với một đám cưới tương tự trong đời thường: dửng dưng – đổ máu – mở rộng – thanh trừng.

1. Dửng dưng

Đám cưới của Hoàng tử tức con vua ai lại chẳng muốn tham dự, vì một miếng đầu làng đã bằng một sàng xó bếp, huống gì là một miếng ở cung đình, một chỗ ngồi chung quanh vua lại mang vinh dự biết bao cho kẻ được mời.  Đó là chưa kể có thể có những chức tước được ban, những cơ hội phát đạt…  Thế mà trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói, khách không thèm đến.  Một lần giấy mời từ trước, hai lần sai gia nhân, họ đều dửng dưng để ngoài tai.  Dụ ngôn nói rất rõ: Vua sai đầy tớ đi gọi những kẻ đã được mời, nhưng họ không đến.  Vua lại sai đầy tớ khác dặn, hãy nói với khách mời, tiệc sẵn rồi, heo đã quay, bò đã thui, lẩu đã sôi…  Họ vẫn dửng dưng, và đưa ra những lý do chẳng có tầm cỡ chút nào: người thì nói mắc đi thăm trại (thăm lúc nào chẳng được), kẻ thì nói đi buôn (buôn quanh năm chứ đâu một ngày), một lần thiếp mời cộng với hai lần sai hai nhóm đầy tớ khác nhau tới mời, khách vẫn dửng dưng.

2. Đổ máu

Khi toán đầy tớ thứ nhất tới nài nỉ khách đi dự tiệc, vì mọi sự đã sẵn, thì có nhiều khách đã không những không thèm đến dự mà còn “bắt các đầy tớ của vua, hành hạ rồi giết luôn.”  Máu đã đổ!  Chuyện rất lạ.  Và vua khi nghe được thì cũng trả đũa không kém khác thường: sai quân lính đi giết bọn sát nhân đó (mạng đổi mạng) và thiêu hủy luôn thành phố của chúng.  Sự trả đũa quá tay!  Máu đổ nhiều trong ngày cưới.  Năm 1989, tháng 11, tại Saigon, cô Hồng Cẩm còn mười ngày nữa là đám cưới của cô.  Cô dựng xe trước nhà bị hung thủ đến cướp xe đâm chết.  Máu đã đổ.  Điều cảm động là trong tang lễ, người ta mặc áo cưới cho cô.  Đó là một chuyện lạ, lạ mà cảm động.  Còn trong dụ ngôn cũng lạ, khác lạ, nhưng lạ của tàn sát tập thể ngay trong ngày cưới.

3. Mở rộng

Khi khách được mời không thèm tới, khi kẻ xứng đáng chẳng đoái hoài, thì vua mở rộng cửa phòng cưới, mời tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo, đui què, tàn tật, và không phân biệt cả tốt xấu, thánh nhân lẫn quỉ sứ: mời tất tần tật vào, cũng là một chuyện lạ.  Thánh Luca thuật dụ ngôn tương tự như Matthêu hôm nay kể tới hai lần sai đầy tớ đi mời: mời lần đầu, chỗ còn trống, phải mời thêm một lần nữa: lượm lặt khắp hang cùng ngõ hẻm cho đầy bàn tiệc cưới.  Thật ra vào thời Chúa Giêsu đã xảy ra một chuyện gần tương tự, được ghi lại trong sách Talmud: ông Bar Majan người thu thuế giàu có đã tổ chức một tiệc lớn chiêu đãi chức sắc trong thành, những vị này từ chối lời mời.  Thế là thay vì nhìn mâm cỗ bị hư, ông cho mời những người nghèo tới dùng bữa.  Dụ ngôn của Chúa Giêsu không dừng lại ở đó mà còn mở ra một chuyện khác lạ nữa: đó là thanh trừng.

4. Thanh trừng

Mời đột ngột, người ta đang đi ăn xin cũng mời vào, đang quét rác cũng kéo vô thì làm sao chuẩn bị y phục đàng hoàng.  Vậy mà vua vào thấy một kẻ không mặc áo cưới thì nổi giận.  Đáng lẽ đuổi ra là cùng, đàng này vua ra lệnh: trói chân tay nó lại, ném vào nơi tối tăm, ở đấy đầy khóc lóc và nghiến răng.  Chuỵện quá lạ!  Người ta đã tìm cách giải thích nhiều kiểu cho đỡ lạ kỳ như áo cưới sẵn có nơi tiền đình, trước khi vào phòng tiệc thì khoác vào thôi.  Nhưng lời giải này cũng bị bác vì chẳng hề có tục lệ đó nơi người Do thái bấy giờ.  Người ta còn tìm nhiều giải thích khác như hai dụ ngôn tiệc cưới và áo cưới riêng biệt được ghép chung lại, nên nhiều khi không khớp.  Nhưng dầu sao thanh trừng quá đáng như thế vẫn là một chuyện lạ!

Bốn chuyện lạ trong dụ ngôn: dửng dưng của khách được mời; đổ máu quá nhiều trong ngày cưới, mở rộng quá đáng cánh cửa cho mọi người vào, rồi lại thanh trừng khắt khe kẻ chưa kịp mặc áo cưới.  Tất cả các chuỵện lạ đó chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của lịch sử – lịch sử dân Israel và lịch sử cứu độ – chứ không thể hiểu được trong khung cảnh tiệc cưới.

Những kẻ dửng dưng, đó là dân Israel chính tông chẳng đoái hoài gì đến con vua là Giêsu Kitô: vị tân lang chàng rể.

Đổ máu là họ, dân Israel đã giết các tiên tri, đổ máu những người được Chúa sai đến báo tin vui cho họ.

Mở rộng là ơn cứu độ của Chúa dành cho mọi hạng người bất kỳ đen trắng vàng đỏ, nô lệ, tự do, nam hay nữ, kể cả trung tính…

Thanh trừng là, một khi được mời tới phải biết mặc lấy Chúa Kitô là áo cưới, mặc lấy con người mới, không thể khác.

Dụ ngôn với những chuyện lạ nhắm vào người Do Thái Pharisêu, nhưng cũng có thể nhắm vào chúng ta.  Ta được thánh tẩy ngay từ nhỏ, tức được mời dự tiệc cưới từ đầu, nhưng biết đâu ta lại dửng dưng, coi chừng sẽ bị Chúa “mửa” ra.  Cũng có thể ta mới được thánh tẩy, là Đạo Mới, tức mới được “thu gom” để vào phòng cưới, nhưng ta lại không mặc áo cưới – coi chừng sẽ bị thanh trừng.  Không thể chỉ dựa vào lý lịch: tôi là con cháu các thánh tử đạo oai hùng Việt Nam.

Xin Chúa cho chúng ta kẻ được mời trước hay là kẻ đến sau đều biết giữ gìn chiếc áo trắng thánh tẩy ngày nhận Phép Rửa Tái Sinh, đó chính là chiếc áo cưới mà Chúa đòi hỏi để ta được vào dự tiệc cưới Nước Trời đời đời. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

HOA MÂN CÔI

Mỗi khi tháng Mười về, những người con thảo của Đức Mẹ lại rộn ràng với những điệu vãn lời kinh để cùng tôn vinh Mẹ, và cùng Mẹ suy ngắm cuộc đời Chúa Cứu thế.  Mỗi lời kinh “Ave Maria” được sánh ví như một đóa hồng dâng kính Đức Mẹ.  Lời kinh Mân Côi muốn diễn tả với chúng ta biết bao điều tốt đẹp.

Vườn Rôsa bao quanh trái đất,
Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền
(Ngắm Rôsa)

Vườn Rôsa trong câu thơ trên chính là Giáo Hội.  Giáo Hội của Chúa được sánh ví như một vườn hoa rộng lớn mênh mông, mà ở đó được trồng những cây hồng với muôn sắc hoa rực rỡ.  Giáo Hội của Chúa thật đẹp biết bao.  Vẻ đẹp ấy không thể hiện nơi những tòa nhà cổ kính khang trang kiến trúc cầu kỳ, mà là nơi những cộng đoàn tín hữu, nhất là khi họ hội họp nhau để cử hành phụng vụ: tất cả cùng một đức tin, một tình mến, một tâm hồn để tôn vinh và ca tụng Chúa.  Vẻ đẹp của Giáo Hội được tỏa rạng từ nụ cười móm mém của các lão ông lão bà, đến những gương mặt rất thơ ngây của các em nhỏ trong những cuộc rước tôn vinh Chúa, Đức Mẹ hay các thánh.  Vẻ đẹp của Giáo Hội còn được thể hiện nơi những người cha người mẹ, nơi các bạn trẻ công giáo, được thấm nhuần tinh thần Phúc âm, đang hăng hái nhiệt tình góp phần làm cho quê hương đất nước thêm tươi đẹp.  Những nụ cười, những tâm hồn hy sinh ấy chính là những đóa hồng trong vườn Giáo Hội, làm cho Danh Chúa được rạng rỡ vinh quang.

Lời “Vãn Mân Côi” cũng đưa chúng ta về một thời của lịch sử Giáo Hội: vào thế kỷ 13, Giáo Hội gặp nhiều khủng hoảng, nhất là từ những nguy cơ đến từ một bè lạc giáo có tên là Albigeois ở miền nam nước Pháp.  Năm 1213, Đức Mẹ đã hiện đến với Thánh Đaminh và trao cho ngài một cỗ tràng hạt.  Mẹ hứa, nếu các tín hữu siêng năng lần hạt thì Giáo Hội sẽ được an bình trở lại.  Thánh Đaminh vâng lời Đức Mẹ, nhiệt thành kêu gọi mọi người đọc kinh Mân Côi và đúng như lời Đức Mẹ hứa, bè lạc giáo đã tan rã và Giáo Hội được hưng thịnh.  Chính từ biến cố lịch sử này mà Giáo Hội được gọi là “vườn Rôsa” – vườn của những đóa hoa hồng, vì nhờ kinh Mân Côi, Giáo Hội đã tìm lại được vẻ đẹp huy hoàng của mình.  Ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7-10 hằng năm cũng được Đức Piô V thiết lập để ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày 7-10-1571.  Chiến thắng này có được là nhờ các tín hữu lần hạt Mân Côi trong ngày giao chiến.

Một câu chuyện kể rằng Thánh Đaminh đã có sáng kiến kết 150 bông hoa hồng thành một chuỗi dài, tượng trưng cho 150 thánh vịnh.  Ngài đã dùng những cánh hồng thơm ngát, nén chặt như ép khuôn và làm thành từng hạt hình tròn, nối liền với nhau thành một tràng hạt.  Từ đó, tràng hạt được gọi là chuỗi Mân Côi, tức chuỗi hoa hồng.

“Đức Bà như Hoa Hường (hồng) màu nhiệm vậy” (Kinh cầu Đức Bà)

Trong vườn Rôsa, tức vườn Giáo Hội, có một đóa hoa vượt trổi về màu sắc và hương thơm.  Đóa hoa ấy mang tên là Maria.  Đức Maria vừa là Mẹ của Giáo Hội, đồng thời cũng là chi thể của Giáo Hội.  Mẹ là mẫu mực cho đời sống đức tin của các tín hữu.  Nơi Mẹ, Giáo Hội chiêm ngưỡng hình ảnh của mình trong tương lai.  Mẹ diễn tả một hình ảnh không tỳ ố, không vết nhơ của Giáo Hội.  Mẹ là hy vọng của Giáo Hội đang vươn tới vinh quang rạng rỡ như Mẹ.

Là Mẹ của Đức Giêsu, Mẹ cũng là Mẹ của Giáo Hội.  Bằng sự quan tâm hiền mẫu của mình, Mẹ luôn đỡ nâng chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu.  Cũng như tại Cana ngày nao, Mẹ đang dặn dò chúng ta: “Người bảo sao, các con hãy cứ làm như vậy” (Ga 2,5).  Mẹ dạy chúng ta phó thác nơi Chúa, như Mẹ đã kiên trung tín thác suốt đời, để Thánh ý của Chúa được thực hiện, vì ơn cứu độ của toàn thể nhân loại.

Khi tôn vinh Đức Mẹ là Hoa Hồng, chúng ta ca tụng quyền năng của Chúa đã tác tạo nên Mẹ, như một tạo vật hoàn hảo, xứng đáng là ngai tòa cho Ngôi Lời nhập thể.  Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp cao siêu của Mẹ, chúng ta nguyện ước noi gương Mẹ, trau dồi các nhân đức, mến Chúa yêu người, luôn lắng nghe và thực thi Lời Chúa.

“Mỗi người là một cành hoa, cùng đem về đây góp gió,
Làm thành vườn hoa, muôn màu muôn sắc tươi xinh”
(Lời một bài hát)

Mỗi chúng ta, khi sinh vào cuộc đời, cũng giống như một loài hoa để tô điểm cho thế giới này tươi đẹp.  Sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, trình độ văn hóa hay điều kiện kinh tế không phải là những lý do gây mâu thuẫn, nhưng làm cho cuộc sống thêm phong phú.  Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã nhận mình là một loài hoa được Thiên Chúa chăm sóc yêu thương một cách đặc biệt.  Đã là hoa trong vườn, dù thuộc chủng loại nào, những bông hoa đều cống hiến hương sắc cho đời.  Con người cũng thế, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng có trách nhiệm góp phần làm cho cuộc sống thêm nhân ái hơn.

Kinh Mân Côi giúp ta gắn bó với Chúa.  Hai mươi mầu nhiệm diễn tả cuộc đời của Chúa Cứu thế, đồng thời cũng phác họa đời sống chúng ta.  Cuộc đời được dệt nên bằng một chuỗi những vui buồn.  Những ai kiên trung cậy trông vào Chúa trong mọi biến cố vui buồn ấy, sẽ trở thành môn đệ chân chính của Đức Giêsu.  Đức Mẹ đã thực hiện điều ấy và Mẹ đang mời gọi chúng ta tiến bước theo Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

Tràng hạt Mân Côi cũng tượng trưng cho tình liên đới giữa con người với nhau.  Là những đóa hoa trong vườn hoa cuộc đời, chúng ta liên kết với nhau làm thành một chuỗi hoa hồng.  Những đóa-hoa-cuộc-đời được gắn liền với nhau bằng tình mến Chúa yêu người, làm cho cuộc sống này thêm tươi đẹp và thi vị hơn.

Khi ước mong trở thành những đóa hồng dâng kính Đức Mẹ, mỗi người chúng ta cũng cần phải là một đóa hoa để trao tặng cho nhau.  Những nghĩa cử thân thiện, những lời động viên khích lệ hoặc sự chia sẻ tinh thần vật chất mà chúng ta thực hiện xuất phát từ tình mến, đó chính là những đóa hoa lòng mà chúng ta trao tặng cho nhau.  Những đóa hoa ấy không tàn phai theo thời gian, nhưng mãi mãi thắm sắc ngát hương, làm nên một cuộc sống an bình.  Đó là ý nghĩa của Kinh Mân Côi mà chúng ta đọc hằng ngày.

Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã nói: “Chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất.  Đó là lời kinh tuyệt vời.  Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc.  Với lời kinh này chúng ta lặp lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ.  Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy” (Tông thư Kinh Mân Côi).

Lạy Mẹ Mân Côi, xin chúc lành và hướng dẫn chúng con trên mọi nẻo đường trần gian. Amen.

ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên

THÁNH NỮ MARIA FAUSTINA KOWALSKA

Thánh Nữ Maria Faustina Kowalska ngày nay được khắp thế giới biết đến với tước hiệu “Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa” là một vị thánh được các nhà thần học kể vào số những nhà thần bí trỗi vượt trong Giáo Hội.

Chị là người thứ ba trong số mười người con của một gia đình nông dân nghèo khó nhưng đạo đức tại Glogow Iec, một làng quê nằm giữa đất nước Ba Lan.  Khi được rửa tội tại nhà thờ giáo xứ Swinice Warckie lân cận, chị đã được nhận tên “Helena.”  Ngay từ thời thơ ấu, Helena đã nổi bật với đời sống đạo hạnh, yêu thích cầu nguyện, chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân.  Helena được đi học trong thời gian chưa đầy ba năm, và đến năm 14 tuổi, chị đã phải rời bỏ mái ấm gia đình để mưu kế sinh nhai, giúp đỡ cha mẹ bằng công việc phụ giúp việc nhà tại thành phố Aleksandrow và Lodz kế cận.

Khi mới lên bảy tuổi (hai năm trước khi rước lễ lần đầu), Helena đã cảm nhận trong tâm hồn lời mời gọi theo đuổi đời sống tu trì.  Sau đó, chị đã ngỏ ý muốn với cha mẹ, nhưng hai vị đều dứt khoát không đồng ý cho chị vào sống trong tu viện.  Trước hoàn cảnh như thế, Helena đã cố bóp nghẹt lời mời gọi trong tâm hồn.  Tuy nhiên, quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Kitô tử nạn và những lời trách cứ của Người: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK9 – Nhật Ký 9), Helena bắt đầu tìm cách để xin vào một tu viện.  Chị đã gõ cửa không ít tu viện, nhưng không được nơi nào đón nhận.  Cuối cùng, vào ngày 1 tháng 8 năm 1925, Helena đã được bước qua ngưỡng cửa của dòng Đức Mẹ Nhân Lành ở phố Zytnia tại Warsaw.  Trong nhật ký, chị có viết: “Dường như tôi đã bước vào cuộc sống thiên đàng.  Một lời kinh đã trào dâng từ tâm hồn tôi, một lời kinh tạ ơn.” (NK17).

Tuy nhiên, vài tuần lễ sau đó, chị bị cám dỗ mãnh liệt, muốn chuyển sang một dòng khác để có nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện.  Chính lúc ấy, Chúa Giêsu đã tỏ cho chị thấy các thương tích và thánh nhan tử nạn của Người và phán: “Chính con gây cho Cha nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện.  Đây là nơi Cha đã gọi con, chứ không phải một nơi nào khác; và Cha đã dọn sẵn nhiều ơn thánh cho con” (NK19).

Khi vào dòng, Helena được nhận tên Maria Faustina.  Chị đã sống thời kỳ năm tập tại Cracow, và cũng tại đây, trước sự chứng kiến của đức giám mục Stanislaus Rospond, chị đã tuyên lời khấn tạm lần đầu, và năm năm sau, tuyên giữ trọn đời ba lời khấn thanh tịnh, khó nghèo và vâng phục.  Chị được cắt cử làm một số công tác tại các tu viện của dòng; hầu hết thời gian là ở Cracow, Plock, và Vilnius, với các công tác làm bếp, làm vườn, và coi cổng.

Tất cả những cái vẻ bên ngoài ấy không làm hiện lộ một cuộc sống thần hiệp phong phú ngoại thường nơi chị dòng Faustina.  Chị sốt sắng chu toàn các phận sự, trung thành giữ trọn luật dòng, sống đời sống nội tâm và giữ thinh lặng, trong khi đó vẫn sống trong sự tự nhiên, vui tươi, đầy nhân ái và yêu thương người chung quanh một cách vô vị lợi.

Chúa Giêsu đã uỷ thác cho chị nữ tu đơn sơ, kém học, nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là rao truyền sứ điệp Lòng Thương Xót của Chúa cho thế giới, Người đã phán với chị, “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới.  Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha.” (NK 1588).  “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha.  Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy trên đời này và ở đời sau” (NK 1605) … “Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ, và kêu gọi họ hãy tín thác vào Lòng Thương Xót vô tận của Cha.” (NK 1567).

Sứ Mạng Của Thánh Nữ Faustina

Sứ mạng chính yếu của chị thánh là nhắc nhở cho chúng ta về những chân lý đức tin ngàn đời nhưng dường như đã bị lãng quên về tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại, và truyền đạt cho chúng ta những hình thức mới mẻ của việc tôn sùng Lòng Thương Xót, ngõ hầu làm hồi sinh cuộc sống thiêng liêng trong tinh thần tin tưởng và nhân ái của Kitô giáo.

Bức Hình Chúa Giêsu Thương Xót

Kiểu dáng bức hình được tỏ ra trong cuộc thị kiến của chị Faustina, ngày 22 tháng 2 năm 1931, trong phòng tư của chị tại tu viện Plock.  Chị ghi lại lời Chúa truyền trong Nhật ký, “Hãy vẽ một bức hình theo như mẫu con nhìn thấy, với hàng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa” (NK47).  “Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh; Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).

Hai luồng sáng là nét nổi bật trong bức hình Chúa Kitô

Chính Chúa Giêsu khi được hỏi về ý nghĩa bức ảnh đã giải thích: “Luồng sáng màu lam nhạt tượng trưng Nước làm cho linh hồn nên công chính.  Luồng sáng màu đỏ tượng trưng Máu là sức sống của các linh hồn… Phúc cho linh hồn nào cư ngụ trong nơi nương náu của họ” (NK 299).  Bí tích Thánh Tẩy và bí tích Hòa Giải thanh tẩy linh hồn, còn bí tích Thánh Thể làm cho linh hồn được nên giàu có sung túc.  Như vậy, hai luồng sáng tượng trưng cho các bí tích thánh thiện ấy và tất cả những ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng trong Thánh kinh được biểu thị bằng nước, cũng như giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại trong bửu huyết Chúa Kitô.  Theo ý Chúa Kitô, bức hình phải mang dòng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa.”  Người còn tuyên bố, “Đó sẽ là một vật nhắc nhở về các yêu sách của Lòng Thương Xót Cha, bởi vì dù mạnh mẽ đến mấy, đức tin cũng chẳng ích gì nếu thiếu việc làm kèm theo” (NK 742)

Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa

Lễ này được đặt cao nhất trong tất cả những yếu tố của việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa được mạc khải cho thánh nữ Faustina.  Chúa Giêsu đã yêu cầu thiết lập lễ này lần đầu tiên tại Plock vào năm 1931, khi Người tỏ ý muốn về việc vẽ bức hình: “Cha ước ao có một lễ kính thờ Lòng Thương Xót của Cha.  Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).

Tầm mức cao quý của ngày lễ này được đo lường bằng mức độ những lời hứa trọng đại mà Chúa đã gắn liền với dịp lễ: Chúa Giêsu đã phán, “…bất kỳ ai đến với Nguồn Mạch Sự Sống sẽ hoàn toàn được xóa sạch tội lỗi và hình phạt” (NK 300), và “Trong ngày hôm ấy, lượng thương xót dịu hiền thẳm sâu của Cha sẽ được khai mở.  Cha trào đổ cả một đại dương ân sủng xuống cho các linh hồn tìm đến với nguồn mạch xót thương của Cha.  Người nào xưng tội và chịu lễ sẽ được lãnh nhận hồng ân thứ tha mọi tội lỗi và hình phạt.  Ngày hôm ấy, mọi chốt ngăn những nguồn thác ân sủng đều được tháo mở.  Đừng linh hồn nào sợ đến bên Cha, cho dù tội lỗi họ có đỏ thắm như điều” (NK 699).

Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót Chúa

Chuỗi kinh này Chúa Giêsu đã dạy cho Thánh Faustina tại Vilnius vào các ngày 13 và 14 tháng 9 năm 1935, như một lời kinh đền tạ hầu làm nguôi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa (NK 474-476).

Những ai đọc chuỗi kinh này sẽ dâng lên Thiên Chúa Cha “Mình và Máu Thánh, linh hồn và thần tính” của Chúa Giêsu Kitô để đền vì tội lỗi của mình, của người thân, và của toàn thế giới.  Bằng việc liên kết với hy tế của Chúa Giêsu, họ kêu nài tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Cha trên trời dành cho Con Một, và trong Người, dành cho toàn thể nhân loại.

Không chỉ những người đọc chuỗi kinh này, mà cả những người hấp hối cũng được lãnh nhận các ơn này, khi có người khác đọc kinh nguyện này bên giường của họ.  Chúa đã hứa: “Khi chuỗi kinh này được đọc bên giường người hấp hối, cơn nghĩa nộ Thiên Chúa sẽ dịu xuống, lượng nhân từ vô biên sẽ bao phủ linh hồn ấy” (NK 811).  Lời hứa tổng quát là: “Cha vui lòng ban mọi điều họ nài xin Cha bằng việc lần chuỗi kinh ấy” (NK 1541). “…nếu những điều con xin phù hợp với thánh ý Cha” (NK 1731).

Trong một dịp khác, Chúa Giêsu đã phán: “…bằng việc đọc chuỗi kinh, con sẽ đem nhân loại đến gần Cha hơn” (NK 929) và: “Linh hồn nào đọc chuỗi kinh này sẽ được Lòng Thương Xót Cha ấp ủ trong suốt cuộc sống, và nhất là trong giờ chết’ (NK 754).

Giờ Thương Xót Vô Biên

Trong những hoàn cảnh không được ghi lại đầy đủ trong Nhật ký, vào tháng 10 năm 1937, tại Cracow, Chúa Giêsu đã mời chị thánh hãy tôn vinh giờ chết của Người: “…mỗi khi nghe đồng hồ điểm ba giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn trong Lòng Thương Xót của Cha để thờ lạy và tôn vinh; con hãy kêu nài quyền toàn năng Lòng Thương Xót Cha cho toàn thế giới, nhất là cho các tội nhân đáng thương; vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi linh hồn” (NK 1572).

Chúa Giêsu cũng xác định những lời nguyện này rất phù hợp với hình thức tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa: “… con hãy cố gắng hết sức – miễn là bổn phận cho phép – để suy ngắm Đàng Thánh Giá trong giờ ấy; nếu không thể suy ngắm Đàng Thánh Giá, ít là con hãy vào nhà nguyện một lúc để thờ lạy Thánh Thể, Trái Tim đầu lân tuất của Cha; và giả như cũng không thể vào nhà nguyện, con hãy dìm mình vào sự cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu trong một lúc ngắn ngủi” (NK 1572).

Linh mục Giáo sư Rozycki đã liệt kê ba điều kiện để lời cầu nguyện được dâng lên trong giờ phút ấy được Chúa nhậm lời:

1.  Phải thưa lên với Chúa Giêsu

2.  Phải được đọc vào lúc 3 giờ chiều

3.  Phải cậy nhờ đến giá trị và những công nghiệp cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu đã hứa: “Trong giờ ấy, con xin được mọi sự cho chính con và những linh hồn được con cầu nguyện: đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới – Lòng Thương Xót vinh thắng phép công thẳng” (NK 1572).

Truyền bá việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa

Khi bàn đến những yếu tố thiết yếu của việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa, cha Rozycki cũng coi việc truyền bá là một trong các yếu tố việc tôn sùng ấy, vì Chúa Kitô đã dành một số lời hứa cho việc này: “Linh hồn nào truyền bá việc sùng kính Lòng Thương Xót Cha, Cha sẽ bảo bọc họ suốt đời như mẹ hiền đối với con thơ, và đến giờ lâm tử của họ, Cha không phải là thẩm phán, nhưng là Đấng Cứu Chuộc đầy lân tuất với họ” (NK 1075).  Chúa Kitô muốn những ai thờ phượng Người hãy thực hiện mỗi ngày ít nhất một hành vi đức ái với người lân cận.

Việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa hướng đến mục tiêu canh tân đời sống đạo đức trong Giáo hội trong tinh thần tín thác và nhân ái của Kitô Giáo.  Sứ mạng của thánh nữ Faustina có một nền tảng vững chắc trong Thánh Kinh và giáo huấn Giáo hội; nhất là phù hợp một cách tuyệt vời với tông huấn Dives in misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Cracow, tháng 12 năm 1991
Nữ tu M. Elizabeth Siepak, ZMBM

CHĂM SÓC VƯỜN NHO

Bài Tin Mừng là một dụ ngôn và cũng là một ám ngôn, vì vừa hình dung vừa diễn tả sự thật, vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri.

Ông chủ vừa trồng xong vườn nho.  Ông rất yêu qúy vườn nho của mình.  Chung quanh vườn, ông rào cẩn thận.  Ở giữa vườn, ông cho đào một bồn ép làm rượu.  Ông còn cho xây một cây tháp cao để canh giữ kẻ gian.  Ông chăm sóc vườn nho thật chu đáo.

Ông chủ có lòng nhân ái với các tá điền.  Họ vốn là những người nghèo khổ, không “một tấc đất cắm dùi” nên ông thương tình và muốn giúp họ sinh sống.  Ông chủ thật quảng đại, thay vì chỉ thuê và trả theo lương công nhật, ông lại tin tưởng và giao toàn quyền vườn nho cho họ chăm sóc và trẩy đi phương xa.  Các tá điền vui mừng được canh tác theo ý mình.  Đến mùa, họ chỉ cần nộp một phần nhỏ hoa lợi cho chủ là xong trách nhiệm.  Nhưng con người có lòng tham không đáy “được voi đòi tiên.”  Dù đã được hưởng phần lớn hoa lợi nhưng họ còn muốn sở hữu luôn cả vườn nho để khỏi phải nộp một phần hoa lợi nào cả!  Do đó, khi thấy các đầy tớ ông chủ sai đến để thu hoa lợi như đã hợp đồng, chẳng những họ đã không nộp mà còn hành hạ đánh đập, thậm chí ném đá để giết hại các người đầy tớ đó.  Thấy vậy, ông chủ vẫn kiên nhẫn sai thêm một số đầy tớ khác đông hơn trước đến, nhưng số phận của những người này cũng không khá hơn những đầy tớ đến trước.  Cuối cùng, ông chủ còn sai người con trai duy nhất đến, với hy vọng bọn tá điền sẽ tôn trọng con trai mình.  Nhưng bọn tá điền thấy con trai ông chủ liền bàn nhau giết luôn người thừa tự kia để chiếm đoạt vườn nho cho mình.

Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi về thái độ của ông chủ vườn đối với bọn tá điền bất nhân ác đức kia là gì?  Các thính giả nghe dụ ngôn đã đồng thanh trả lời: “Ác giả ác báo, ông chủ sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, nộp phần hoa lợi cho ông.”  Chúa Giêsu kết luận bằng cách áp dụng vào chính họ: “Tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

Dụ ngôn là tóm lược toàn bộ Thánh Kinh về ơn cứu độ của Thiên Chúa.  Vườn nho ám chỉ nước Thiên Chúa được trao cho dân Do Thái.  Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa.  Những người thợ làm vườn nho là giới lãnh đạo, đứng đầu trong dân.  Các đầy tớ là hàng loạt các ngôn sứ được Thiên Chúa phái đến đều bị ngược đãi hoặc bị giết chết.  Trước thái độ bất nhân bất nghĩa đó, nước Thiên Chúa được chuyển sang một quốc gia khác là Hội Thánh, một dân phổ quát và Công giáo, sẽ lan rộng đến tất cả mọi quốc gia.

Dụ ngôn vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri.  Dụ ngôn diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những ngôn sứ Chúa sai đến với họ.

Dụ ngôn nói tiên tri về đạo Chúa sẽ lan rộng khắp các dân tộc.  Hơn nữa, dụ ngôn cũng cho thấy rõ thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu.  Những người được sai đến trước Ngài, dù nổi tiếng như Êlia, Isaia, Giêrêmia, Gioan Tiền Hô… cũng chỉ là đầy tớ, còn Ngài mới là con trai duy nhất của Chúa Cha.

Mỗi người chúng ta là một tá điền, Thiên Chúa trao phó cho một vườn nho.  Đó là những ơn phúc.  Mỗi người có bổn phận phải đem hoa lợi về cho Chúa.  Mỗi người hoàn toàn tự do sắp xếp công việc theo sáng kiến riêng và chịu trách nhiệm về những việc mình làm.

Những ơn phúc Chúa ban như sự sống, tài năng, sức khỏe, của cải vật chất, chúng ta phải biết sử dụng chúng để sinh lợi.  Mỗi người được Chúa trao ban cho một vốn liếng khác nhau không ai giống ai, nhưng ai cũng phải làm lợi ra với số vốn liếng đó.

Thiên Chúa trao cho chúng ta công việc chăm sóc vườn nho của Ngài.  Thiên Chúa không ngừng sai những sứ giả đến để nhắc nhở hãy tích cực chăm sóc vườn nho.  Vì thế mỗi người có bổn phận biết ơn là dâng lại cho Ngài những điều tốt đẹp, những chùm nho ngon ngọt của việc làm tốt mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.

Xin Chúa giúp chúng con luôn biết siêng năng làm việc, chu toàn bổn phận hàng ngày.  Xin cho chúng con biết sử dụng tài năng, sức lực, thời giờ, của cải Chúa ban để xây dựng sự nghiệp đời này và sự nghiệp đức tin trên Nước Trời. Amen.

Câu chuyện suy gẫm.

Khi giảng về việc giữ ngày Chúa nhật, một linh mục Trung hoa đã minh họa bằng câu chuyện sau đây: “Một bà kia đi chợ mang theo 7 quan tiền trong túi áo.  Khi tới chợ, bà trông thấy một người đàn ông bị què, áo quần rách nát, đang ngồi ăn xin bên vệ đường.  Bà thấy tội nghiệp nên đã móc túi ra cho hắn 6 quan tiền và chỉ giữ lại duy một quan đi chợ.  Nhưng tên ăn mày này vốn tham lam, thấy bà ân nhân vẫn còn một quan tiền ở trong túi, hắn ta liền bám sát theo và nhân cơ hội bà sơ ý, hắn ta đã ăn cắp nốt quan tiền còn lại.  Khi nghe câu chuyện về tên ăn mày tham lam này, có lẽ ai trong chúng ta cũng nghĩ hắn ta đúng là một tên mạt rệp đáng khinh bỉ và trừng phạt!”

Rồi vị linh mục đặt vấn đề với cộng đoàn: Còn chúng ta thì sao?  Trong một tuần lễ, Chúa đã ban cho chúng ta 6 ngày lao động kiếm ăn, thế mà còn duy một ngày Chúa nhật để ta dành ra mà nhớ đến Chúa, làm các việc thờ phượng kính mến Chúa và các việc bác ái phục vụ tha nhân, nhưng nhiều khi chúng ta đã tiếc xót, vẫn làm việc thêm mong kiếm nhiều tiền cho đầy túi tham!  Như vậy, chúng ta sẽ là hạng người nào?

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

CON ĐƯỜNG NHỎ

Hầu hết trong chúng ta, ai cũng đã từng nghe nói về Thánh Têrêxa Hài Đồng, nhà thần nghiệm người Pháp qua đời năm 1897 ở tuổi 24 và có lẽ đây là vị thánh nổi tiếng nhất trong hai thế kỷ qua.  Thánh Têrêxa nổi tiếng vì nhiều chuyện, nhất là về con đường tâm linh được gọi là “con đường nhỏ” của ngài.  “Con đường nhỏ” là gì?

Suy nghĩ chung thường nhìn Thánh Têrêxa và “con đường nhỏ” của ngài là lòng mộ đạo đơn sơ không phải là công lý so với chiều sâu con người hay tâm linh của ngài.  Thường thường “con đường nhỏ” được đơn giản hiểu là, vì danh Chúa Giêsu, chúng ta làm những việc bác ái nhỏ bé, ẩn giấu, khiêm nhường cho người khác mà không mong đợi được đáp trả lại.  Trong cách giải thích phổ biến này, chúng ta đã gọt rửa, tẩy sạch các vết nhơ và tươi cười với những người khó chịu để làm vui lòng Chúa.  Chắc chắn ở một vài khía cạnh, điều này là đúng; nhưng “con đường nhỏ” của Thánh Têrêxa cần được hiểu sâu rộng hơn.

Đúng, “con đường nhỏ” khuyên chúng ta nên làm những việc nhỏ, dễ thương với nhau nhân danh Chúa Giêsu, nhưng con đường này có những chiều kích sâu đậm hơn.  “Con đường nhỏ” của Thánh Têrêxa dẫn đến sự thánh thiện dựa trên ba chuyện: nhỏ bé, ẩn danh và có động lực riêng.

Nhỏ bé

Đối với Thánh Têrêxa, “nhỏ bé” trước hết không phải là nhỏ bé trong các hành động chúng ta làm, rửa chén, gọt khoai hay tươi cười với người khó chịu.  Nhỏ bé trước hết là nói đến tình trạng thấp hèn của chính mình, tình trạng khó nghèo tận cùng của mình trước mặt Chúa.  Đứng trước Thiên Chúa, chúng ta nhỏ bé.  Chấp nhận mình nhỏ bé, hành động trong tinh thần nhỏ bé là khiêm nhường.  Chúng ta đến với người khác, đến với Chúa trên “con đường nhỏ” khi chúng ta làm các việc bác ái nhỏ cho người khác, chứ không bằng sức mạnh và đức tính mà chúng ta cảm nhận lúc đó, nhưng đúng hơn là qua cảm nhận mình khó nghèo, mình bất lực, mình trống rỗng để ân sủng Chúa làm việc qua chúng ta, để những gì chúng ta đang làm sẽ lôi kéo người khác đến với Chúa chứ không phải đến với mình.

Hơn nữa sự thấp bé của chúng ta làm cho chúng ta nghĩ, đa số chúng ta, chúng ta không làm chuyện gì lớn để thay đổi lịch sử nhân loại.  Nhưng chúng ta có thể thay đổi thế giới qua các việc thấp bé của mình, chúng ta gieo đây đó hạt mầm ẩn giấu, như một loại kháng sinh tiềm ẩn cho sức khỏe tâm hồn, phân chia nguyên tử tình yêu trong chính con người mình.  Và như thế, “con đường nhỏ” là làm những chuyện khiêm tốn, ẩn giấu.

Ẩn danh

“Con đường nhỏ” của Thánh Têrêxa là con đường ẩn giấu, để những gì Cha thấy trong ẩn giấu sẽ được đền đáp trong ẩn giấu.  Và những gì ẩn giấu không phải là việc làm bác ái của chúng ta, nhưng là chính chúng ta, những người đang làm việc này.  Trong “con đường nhỏ”, các hành động bác ái nhỏ của chúng ta đa phần không được chú ý, dường như không có một tác động nào thực sự trên lịch sử nhân loại và nó cũng không mang lại cho chúng ta một lòng biết ơn nào.  Nó vẫn ẩn giấu, không ai biết nhưng bên trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, những gì ẩn giấu, không vụ lợi, không ai biết, những gì bị xóa mờ, những gì không đáng kể, không quan trọng chính là chiếc xe quan trọng nhất của tất cả để ân sủng ở một mức độ sâu đậm nhất.  Giống như Chúa Giêsu, Chúa không cứu chúng ta bằng các phép lạ giật gân và các hành động đáng kể, nhưng Ngài cứu chúng ta qua sự vâng phục không điều kiện với Chúa Cha và qua sự tử đạo thầm lặng, các việc làm của chúng ta cũng vẫn là những việc làm không ai biết, để cái chết và tinh thần chúng ta để lại mới làm cho chúng ta thực sự nên ơn ích.

Động lực riêng

Cuối cùng, “con đường nhỏ” dựa trên một động lực đặc biệt.  Chúng ta được mời gọi để hành động khởi đi từ sự thấp bé và ẩn danh của mình, làm các hành động yêu thương nhỏ, phục vụ người khác vì một lý do đặc biệt, theo nghĩa bóng, đó là lau gương mặt đang đau khổ của Chúa Kitô.  Bằng cách nào?

Thánh Têrêxa Lisiơ là người cực kỳ được ân phúc và có biệt tài.  Dù từ đầu đời, ngài đã trải qua nhiều đau khổ, nhưng như ngài công nhận và theo chứng từ của nhiều người, Thánh Têrêxa được yêu thương một cách thuần khiết, sâu đậm và tuyệt vời đến nỗi làm cho nhiều người phải ao ước.  Ngài cũng là em bé rất dễ thương, được bao quanh bởi yêu thương và an toàn của một đại gia đình mà mỗi nụ cười, mỗi giọt nước mắt đều được chú ý, đều được yêu mến (và thường được chụp hình).  Nhưng khi ngài lớn lên, ngài nhanh chóng nhận ra, những gì có thật trong đời sống của mình không phải ai cũng có.  Nụ cười và nước mắt của họ không ai chú ý và cũng không được ai yêu mến.  Như thế “con đường nhỏ” của ngài xây dựng trên một động lực đặc biệt.  Và đây là lời của Thánh Têrêxa:

“Một ngày Chúa nhật nọ, khi nhìn hình Chúa Giêsu trên thập giá, hình ảnh máu chảy ra từ bàn tay cực thánh của Ngài đã làm cho tôi xúc động mãnh liệt.  Tôi cảm thấy đau đớn tột cùng khi nghĩ, giọt máu này rơi xuống đất mà không ai vội đến thấm.  Tôi quyết tâm giữ tinh thần mình luôn ở dưới chân thập giá và nhận sương rơi của Ngài… Ôi, tôi không muốn giọt máu này bị mất.  Tôi sẽ dành cả đời để lau thấm nó vì lợi ích cho các linh hồn.  Sống cho tình yêu, đó là lau khô khuôn mặt của bạn.”

Sống “con đường nhỏ” là để ý và yêu mến các giọt nước mắt không ai chú ý rơi từ khuôn mặt của những người đau khổ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

NGUỒN GỐC & Ý NGHĨA LỄ KÍNH CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

Theo Sách Thánh thì Thiên Chúa đã dựng nên rất đông các tạo vật thiêng liêng vô hình và các thánh tiến sĩ thì nói có lẽ các thần này được dựng nên trong ngày thứ nhất khi bắt đầu công việc tạo dựng.  Thiên Chúa dựng nên các thiên thần để chầu chực hầu hạ Đức Chúa Trời, giúp đỡ loài người và gìn giữ vũ trụ.

Theo như các lần các ngài xuất hiện hay hiện ra, ta thấy các ngài là những vị thiêng liêng, tốt lành, quyền phép, mạnh mẽ và mau lẹ.  Các ngài cũng đã từng trải qua cuộc thử thách.  Trong cuộc thử thách này có một số đông đã tỏ ra không chịu thần phục Thiên Chúa.  Đứng đầu là Luciphe nên đã bị Thiên Chúa loại bỏ.

MICAE

Theo sách Khải huyền của thánh Gioan thì khi ấy trên trời có một cuộc đại chiến.  Một bên do Đức Micae lãnh đạo, bên kia là do Luciphe.  Micae là thiên thần dũng mãnh.  Với khẩu hiệu: “AI BẰNG THIÊN CHÚA”, ngài đã anh dũng đẩy lui bè lũ Luciphe.  Khẩu hiệu này đã trở thành tên của ngài (MICAE).

Hôm nay Giáo hội mừng kính thánh Micae, vị thủ lãnh các thiên thần lành trên trời và còn là bổn mạng của Giáo hội dưới thế.  Chính Ngài đã nhiều lần hiện xuống trần gian với nhiều nhiệm vụ khác nhau để thực hiện sứ mạng cao cả của Ngài.

Chúng ta hãy bắt chước Ngài: luôn trung thành với Chúa.  Mỗi khi chúng ta bị thế gian xác thịt cám dỗ muốn xa lìa Chúa, chúng ta hãy lập lại lời của Ngài: Ai bằng Thiên Chúa?  Vâng!  Chẳng ai bằng Thiên Chúa cả.  Tiền bạc, vui sướng xác thịt, chức quyền không có gì sánh được với Thiên Chúa cả.  Không có một ai, một vật nào được phép đứng ngang hàng với Thiên Chúa của chúng ta.  Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành, thánh thiện, mạnh mẽ phép tắc vô cùng.  Người nhân từ vô biên, hiểu biết mọi sự, làm được mọi sự.  Ngài là cội rễ mọi sự, là cùng đích của mọi loài.  Không ai bằng Thiên Chúa.

Kinh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae:
Lạy ơn Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, xin giúp chúng con trong cơn giao chiến, đánh phá sự hiểm ác mưu sâu quỉ dữ.
 Chúng con sấp mình nguyện xin Chúa chế trị nó, cùng xin nguyên soái cơ binh trên trời lấy quyền phép Chúa mà hạ Satan cùng các quỉ dữ đang rong ruổi khắp thế làm hại các linh hồn.  Xin bắt chúng giam cầm trong hỏa ngục.  Amen!

RAPHAEL

Raphael xuất hiện ở trong Cựu Ước.  Cựu Ước nói về Raphael như thế này:

“Ông Tobia người Do thái thuộc chi họ Neptali bị bắt làm tôi mọi bên nước Assyria vì dân Do thái bị bại trận.  Thời gian ở đất khách quê người Tobia luôn giữ lòng trung thành làm tôi Chúa.  Ông bị tai nạn làm cho đôi mắt bị mù hoàn toàn.  Gia đình ông túng đói quá không có cách nào xoay trở.  Lúc đó ông nhớ đến món tiền trước kia ông đã cho nhà Gabelo mượn.  Ông sai người con của ông cũng có tên là Tobia – Để khỏi lầm lẫn sau này người ta gọi là Tobia-con đến nhà Gabelo để xin lại món tiền đã cho vay.  Tobia-con sẵn sàng vâng lời nhưng Tobia-con không biết đường đi.  Tổng lãnh Grabriel đã hiện ra dưới hình dạng một người thanh niên để đẫn đường.  Dọc đàng Raphael cứu Tobia-con khỏi bị cá nuốt.  Tới nơi Grabriel còn giúp cho Tobia-con cưới được vợ là Sara và đồng thời còn đòi nợ giùm Tobia.

Công việc xong, Tobia-con cùng với vợ trở về nhà.  Raphael bảo cho Tobia-con lấy mật cá mà xức vào mắt cho Tobia cha.  Tobia cha được khỏi mù, mắt được sáng trở lại, cha con Tobia hết sức vui mừng.  Đứng trước những ơn mà cả nhà vừa mới được: đòi được nợ, cưới được vợ, lại khỏi bị mù cha con ông Tobia muốn lấy phân nửa số tiền đòi được để gọi là đền ơn đáp nghĩa đối với người thanh niên đã tận tình giup đỡ gia đình mình.  Khi ấy “người thanh niên” tốt lành đó mới tỏ ra cho cha con Tobia biết mình là thiên thần của Thiên Chúa đã được sai đến để giúp đỡ gia đình ông.  Nói xong điều đó thiên thần liền biến đi.

Câu truyện của cha con Tobia cho chúng ta thấy Thiên Chúa hằng yêu thương chăm sóc những kẻ kính sợ Người.  Raphael có nghĩa là “THẦY THUỐC CỦA THIÊN CHÚA”

GRABRIEL

Tên Grabriel có nghĩa là “SỨC MẠNH CỦA THIÊN CHÚA”.

Chính đức Grabriel đã hiện ra với tiên tri Đaniel để cho Đaniel biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra.  Chính đức Grabriel đã hiện ra với Giacaria báo tin cho ông biết ông sẽ sinh được một người con trai và đặt tên là Gioan.

Luca ghi lại quang cảnh cảm động này như sau: “Khi ấy ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong đền thờ của Đức Chúa.  Sứ thần của Chúa hiện ra với ông… thấy vậy ông bối rối.  Sự sợ hãi ập xuống trên ông.  Những sứ thần bảo ông: “Này ông Giacaria, đừng sợ vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin.  Bà Elizabeth vợ của ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan.”  Ông thưa lại: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?  Vì tôi đã già và bà nhà tôi cũng đã lớn tuổi?  Sứ thần đáp lại:” Tôi là Grabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa.  Tôi được sai đến với ông và loan báo Tin vui đó cho ông.  Và này đây ông sẽ bị câm không nói được cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không chịu tin lời tôi là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi. (Lc 1,1-20) v.v… Và sau đó mọi việc xẩy ra như thế nào thì chúng ta đều đã được biết.

Rồi cũng theo Tin Mừng của Luca, sau sáu tháng, sứ thần Grabriel còn được Thiên Chúa gửi đến trần gian với một sứ mạng còn cao trọng hơn nhiều: Đó là sứ mạng truyền tin cho Đức Maria.  Nếu Giacaria đã ngỡ ngàng thì Đức Mẹ còn ngỡ ngàng hơn.  Việc của Giacaria với bà Elizabeth chỉ là việc giữa con người với con người.  Còn việc của Đức Maria là việc của Thiên Chúa: “Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế người con do bà sinh ra sẽ là thánh và được gọi là con Thiên Chúa”(Lc 1,35).

Sau tiếng Xin vâng của Đức Mẹ cả vũ trụ đều phải nhảy mừng.  Thi sĩ Hàn mặc Tử khi nghĩ đến biến cố này thôi cũng đã phải run rảy mà thốt lên như thế này:

“Hỡi sứ thần Thiên Chúa Grabriel.
Khi người xuống truyền tin cho thánh nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn loài?”

Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì Chúa đã thực hiện những việc lạ lùng trước mắt chúng ta.

Sưu tầm

KINH NGHIỆM TRONG CĂN PHÒNG KHÁCH SẠN

Chủ đề:Hối cải là một tiến trình, là một cuộc du hành liên tục chỉ kết thúc vào lúc chết.

Thomas Merton mồ côi cha mẹ năm 16 tuổiCậu gia nhập Đảng Cộng sản năm 20 tuổi và gặp được Đức Kitô năm 23 tuổi.  Đến năm 24 tuổi chàng trở thành phóng viên tờ Nữu Ước thời báo (New York Times).  Năm 26 tuổi, chàng thu gom toàn bộ tài sản vào một chiếc túi vải rồi đến sống ở Kentucky và trở thành một thầy dòng chiêm niệm Trappist (Anh em hèn mọn).  Trong quyển sách tự thuật về cuộc sống tâm linh rất ăn khách nhan đề “The seven storey Mountain” (Ngọn núi bảy tầng), Thomas Merton mô tả lại bước đầu tiên trong tiến trình hối cải của chàng.  Ngay khi vừa tốt nghiệp Trung học, Thomas đã đi du lịch một mình qua Âu Châu và sống một cuộc sống hơi buông thả.  Một đêm nọ, chính trong căn phòng chàng, Thomas bỗng nhiên ý thức được tội lỗi của mình, chàng viết: “Toàn bộ sự việc xảy ra nhanh như chớp.  Bỗng dưng một nhận thức sâu xa về nỗi bất hạnh và sự hư hỏng của linh hồn mình xâm chiếm hoàn toàn thân tôi.  Tôi vô cùng ghê tởm những gì tôi trông thấy… và linh hồn tôi ao ước trốn thoát khỏi tất cả điều ấy một cách mãnh liệt và cấp bách mà trước đó tôi chưa hề bao giờ cảm thấy như thế.”

Merton nói rằng đó là lần đầu tiên chàng đã cầu nguyện, cầu nguyện thực sự.  Chàng cầu xin Chúa, Đấng mà trước đó chàng chưa hề biết, xin Ngài tự trời ngự xuống giải thoát chàng khỏi quyền lực xấu xa đã cầm giữ tâm hồn chàng trong vòng nô lệ.

Câu chuyện về Thomas Merton minh họa về sự hối cải của người con thứ trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay.  Đồng thời nó cũng minh họa cho sự hối cải mà tiên tri Êdekien nhắc đến trong bài đọc thứ nhất hôm nay.

Điều gì đã khiến cho người ta hối cải giống như trường hợp của đứa con thứ trong Phúc Âm hôm nay, hay giống như Thomas Merton trong câu chuyện trên?

Cách đây nhiều năm, các lý thuyết gia chính trị thường phác thảo những bước cần thiết cho một cuộc cách mạng trong một nước.

Bước thứ nhất là tạo ra tâm lý bất mãn tận căn nơi dân.  Bởi vì thiên hạ chỉ nghĩ đến việc đổi thay nếu họ cực kỳ bất mãn với tình cảnh hiện tại của họ.  Điều này cũng đúng xét về bình diện từng cá nhân.  Người ta chỉ lưu tâm thay đổi cuộc sống riêng khi nào họ bất mãn với hiện trạng cuộc sống ấy.  Chúng ta thấy rõ điều này trong trường hợp của Thomas Merton.  Chàng đã bất mãn sâu xa với cuộc sống mình.  Nói cách khác, bước đầu tiên trong tiến trình cải tà là bất mãn với cuộc sống của chính mình.

Bước thứ hai là “Bước nảy lửa” trong đời Thomas Merton chính là điều chàng kinh nghiệm được trong căn phòng khách sạn của chàng.  Nói theo ngôn ngữ thần học, đó là lúc ân sủng Chúa tuôn xuống.

Bước thứ ba là thực hiện một điều cụ thể đầu tiên hướng về một cuộc sống mới.  Chúng ta cũng thấy điều này nơi cuộc đời Thomas Merton.  Ngay sáng hôm sau, sau khi có được cái kinh nghiệm đã xảy ra trong căn phòng khách sạn, Thomas Merton đã đi bộ ra ngoài ánh nắng ban mai.  Tâm hồn ngài tan nát vì đau đớn và ăn năn.  Nhưng đây là một cảm giác tốt đẹp, giống như cái nhọt được bác sĩ dùng dao giải phẫu.

Dù chưa phải là người Công giáo, Merton vẫn đi đến một nhà thờ quì gối xuống và chậm rãi đọc kinh Lạy Cha với tất cả niềm tin của mình.  Sau khi cầu nguyện xong, Merton trở lại dưới ánh nắng mặt trời. Chàng cảm thấy như được tái sinh.  Trông thấy một bức tường thấp bằng đá, Merton liền ngồi xuống trên đó lòng hân hoan trong niềm an bình tâm hồn mới tìm gặp được.  Trước đây chưa bao giờ Merton có được sự an bình như thế.

Merton vẫn còn quãng đường dài phải bước trước khi hoàn tất cuộc hối cải của chàng.  Tuy nhiên chàng đã bắt tay làm một việc đầu tiên cực kỳ quan trọng là hướng về một cuộc sống mới.  Cần phải ghi nhớ rằng tất cả chúng ta vẫn còn lữ hành trên đường hướng về sự hối cải trọn vẹn.  Chẳng hạn, trong chúng ta có một số người cần phải chiến đấu để từ những Kitô hữu bình thường trở thành Kitô hữu tốt, một số khác cần phải cố gắng từ những Kitô hữu tốt trở thành những Kitô hữu xuất sắc.  Và số khác nữa thì cố gắng từ những Kitô hữu xuất sắc trở thành kitô hữu gương mẫu.

Khi bình luận về cuộc du hành bất tận của người Kitô hữu hướng về sự hối cải trọn vẹn, một thần học gia thế kỷ 19 người Đan Mạch tên là Soren Kierkegaard đã nói: “Không hề có tình trạng đã thành một Kitô hữu mà chỉ có tình trạng đang trở thành một Kitô hữu.”

Như thế, sự hối cải là một tiến trình, là một cuộc du hành đang tiếp diễn và chỉ chấm dứt khi nào chúng ta chết.

Bước thứ nhất trong cuộc du hành này là sự bất mãn tận căn với nếp sống hiện tại của chúng ta.  Hãy nhớ lại Merton đã bất mãn với cuộc sống mình như thế nào.

Bước thứ hai là bước tia lửa làm thành ngọn lửa thúc giục chúng ta phải làm một điều gì đó cho cuộc đời mình.  Hãy nhớ lại cảm nghiệm trong căn phòng khách sạn của Merton.

Bước cuối cùng là thực hiện việc làm đầu tiên cực kỳ quan trọng là hướng về một cuộc sống mới.  Hãy nhớ lại Merton đã tới nhà thờ để cầu nguyện ngay sáng hôm sau khi xảy ra cảm nghiệm trong căn phòng khách sạn.

Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta khám phá ra cuộc sống của mình.  Chúng ta có cảm thấy bất mãn về mối tương giao hiện tại giữa mình và Chúa Giêsu không?  Chúng ta có ao ước thân tình sâu sắc hơn với Chúa không?  Chúng ta có muốn yêu thương gia đình láng giềng chúng ta nhiều hơn giống như Chúa Giêsu yêu thương họ không?

Nếu có thì các bài đọc hôm nay có thể ví như tia lửa bật ra để biến thành ngọn lửa mà chúng ta cần thiết phải có để làm nên một điều gì cụ thể cho các mối tương giao nêu trên.

Có lẽ việc làm đầu tiên cực kỳ quan trọng hướng về cuộc sống mới là ra trình diện để được chữa lành trong Bí tích Hòa giải; là bắt đầu bỏ giờ ra nhiều hơn cho việc cầu nguyện, là lưu tâm đến một số vấn đề gia đình, chẳng hạn như tính hay nóng nảy với con cái, đồng thời cầu xin Chúa Giêsu giúp chúng ta làm một điều gì đó cụ thể ngay tức khắc để lướt thắng khó khăn ấy.

Đây là lời mời gọi hướng đến đức tin mà chúa ngỏ với mỗi người chúng ta đang hiện dịên nơi đây qua các bài đọc hôm nay.

Để kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện:

Ôi giọng nói của Chúa Giêsu,
Xin hãy kêu gọi chúng tôi,
Khi chúng tôi lạc bước quá xa Ngài.
Ôi đôi mắt Chúa Giêsu,
Xin hãy mỉm cười nhìn chúng tôi
Khi chúng tôi cần Ngài khích lệ
Ôi đôi tay Chúa Giêsu,
Xin hãy xức dầu cho chúng tôi
Khi chúng tôi yếu đuối mệt mỏi.
Ôi cánh tay Chúa Giêsu,
Xin hãy nâng đỡ chúng tôi
Khi chúng tôi vấp ngã.
Ôi trái tim Chúa Giêsu,
Xin hãy giúp đỡ chúng tôi yêu thương nhau
Như chính Ngài đã yêu thương chúng tôi.

Lm. Mark Link

KHÔNG GIAN CHỮA LÀNH CỦA THINH LẶNG

Quyển sách mới đây của Robyn Cadwallander, ‘Nữ ẩn sỹ’ [The Anchoress] kể về Sarah, một phụ nữ trẻ chọn khép mình khỏi thế giới và sống như một ẩn sỹ (như Julian thành Norwich vậy).  Đây không phải là một đời sống dễ dàng gì, và cô sớm thấy mình phải đấu tranh với lựa chọn của bản thân.  Cha giải tội cho cô là cha Ranaulf, một tu sỹ trẻ, không nhiều kinh nghiệm.  Mối liên hệ giữa họ cũng không dễ dàng.  Cha Ranaulf là một người ngại ngùng và kiệm lời, nên Sarah thường thấy chán nản với cha, muốn cha nói thêm, muốn cha đồng cảm hơn, và đơn giản là muốn cha hiện diện rõ hơn với cô.  Họ thường xuyên bàn luận, hay ít nhất là, Sarah thường cố moi thêm những lời nói và sự đồng cảm từ cha Ranaulf.  Nhưng bất kỳ lúc nào cô cố gắng làm thế, cha Ranaulf đều gián đoạn buổi xưng tội và rời đi.

Một ngày nọ, sau một buổi xưng tội cực kỳ đáng chán khiến cha Ranaulf cứng lưỡi và Sarah thì giận dữ, cha chỉ đóng cánh cửa tòa giải tội, một phản ứng thông thường của cha khi căng thẳng, khi có điều gì đó trong cha không muốn cho cha rời đi.  Cha biết là mình phải cho Sarah một điều gì đó, nhưng cha không có lời lẽ nào để làm được thế.  Và, khi không có gì để nói ngoài cảm giác mình buộc phải rời đi, cha đơn giản là ngồi đó trong thinh lặng.  Ngược đời thay, sự bất lực câm nín của cha lại đạt được một điều mà những lời nói của cha không làm được, đó là một bước đột phá.  Lần đầu tiên, Sarah cảm thấy sự quan tâm và đồng cảm của cha, cũng như sự hiện diện của cha với mình.

Và lời văn của Cadwallander mô tả đoạn này như sau:

‘Cha hít một hơi thật sâu rồi thở ra từ từ chậm rãi.  Cha không còn điều gì để nói, nhưng cha không để cô ấy ở đây một mình với cay đắng được.  Vậy nên cha vẫn ngồi lại trong tòa giải tội, cảm nhận sự trống trải của phòng xưng tội quanh mình, cảm nhận sự thất bại của việc học, của những từ ngữ mà cha đã ghi khắc trong đầu, trang này đến trang khác, tầng này đến tầng khác.  Cha không thể mở miệng, nhưng cha có thể ở lại, và cha làm thế.  Cha bắt đầu cầu nguyện trong thinh lặng, nhưng không biết bắt đầu thế nào, không biết phải xin gì.  Cha bỏ cuộc, và thở chậm rãi từ từ.

Sự thinh lặng bắt đầu như một điều gì đó thật vụn vặt và đáng sợ, đậu trên rìa cửa sổ tòa giải tội, nhưng khi cha Ranaulf ngồi đó trong tĩnh mịch, nó dần dần, rất chậm rãi, lớn lên, và tràn khắp gian phòng, cuộn chặt quanh cổ và vòng lấy lưng cha, cuốn quanh đầu gối và đôi bàn chân cha, tràn lên các bức tường, lấp đầy các ngóc ngách, len lỏi vào cả các khe tường đá…  Sự thinh lặng trườn qua các khe hở và len vào cả gian phòng bên trên.  Dường như nó thật êm ái mềm mại.  Nó tràn ra và vững vàng, nó chiếm lấy mọi khoảng không.  Cha Ranaulf không nhúc nhích gì, cha đã mất hết mọi khái niệm về thời gian.  Mọi sự cha biết là có một người phụ nữ đang cách cha một sải tay, trong bóng tối, và đang thở.  Vậy là đủ.

Khi ánh nến trong gian phòng mờ dần đi, cha động đậy, nhìn vào bóng tối. Chúa ở cùng con Sarah.  Và ở cùng cha. Giọng của cô tươi sáng hơn, thân thiết hơn.

Có một ngôn ngữ vượt ngoài ngôn từ.  Sự thinh lặng dành chỗ cho ngôn ngữ đó.  Đôi khi chúng ta cảm thấy bất lực không thể nói được gì có ý nghĩa, chúng ta phải đi trở vào sự vô tri và vô lực, nhưng khi ở lại trong tình trạng này, sự thinh lặng tạo không gian cần thiết cho một sự thâm sâu hơn xuất hiện.  Nhưng thường, lúc đầu, thinh lặng thật không dễ dàng gì.  Nó bắt đầu “như một sự đáng sợ vụn vặt” và dần lớn lên thành hơi ấm xua tan đi căng thẳng.

Nhiều lần chúng ta không có ngôn từ nào đáng để nói.  Chúng ta, ai cũng cảm nghiệm việc đứng bên giường người hấp hối, hay trong đám tang, hay đứng trước một người con tim tan vỡ, hay rơi vào thế bí khi cố gắng vượt qua tình huống căng thẳng trong quan hệ, và lại thấy mình cứng lưỡi, không có từ nào để nói, rồi cuối cùng rơi vào thinh lặng, biết rằng nói bất kỳ điều gì chỉ là làm trầm trọng thêm nỗi đau đớn này.  Trong tình thế bất lực đó, bị hoàn cảnh làm câm nín, chúng ta học được một điều: Chúng ta không cần phải nói gì, chỉ cần ở đó.  Sự hiện diện thinh lặng, bất lực của chúng ta là điều đang cần.

Và tôi phải thừa nhận rằng đây không phải là điều mà tôi học được một cách dễ dàng gì, đây không phải là điều theo khuynh hướng của tôi, và thực sự nhiều khi tôi không làm thế khi đáng ra phải làm. Cho dù tình thế có ra sao đi nữa, tôi luôn luôn cảm thấy rằng mình cần phải nói điều gì đó có ích, một điều gì đó giúp giải quyết sự căng thẳng này.  Nhưng tôi đang học được rằng, hãy để sự bất lực lên tiếng, và cũng học được rằng điều này thật mạnh mẽ biết bao.

Tôi nhớ có một lần, khi tôi là một linh mục trẻ, đầy kiến thức học được trong chủng viện và háo hức chia sẻ kiến thức đó, đang ngồi trước một người con tim tan vỡ, cố gắng tìm những câu trả lời và thấu suốt trong đầu mình, rồi cuối cùng chẳng thấy gì, và cuối cùng, xin thứ lỗi, thú nhận sự bất lực của tôi với người đối diện.  Lời đáp của cô khiến tôi kinh ngạc, và dạy tôi một điều mà tôi không hề hay biết trước đây.  Cô đơn giản nói rằng: Sự bất lực của cha là món quà quý báu nhất cha có thể chia sẻ với con ngay bây giờ.  Cảm ơn cha.

Không một ai kỳ vọng bạn có chiếc đũa thần để chữa lành những phiền muộn của họ.

Đôi khi, thinh lặng hóa thành một sự êm ái mềm mại len lỏi và chiếm lấy, lấp đầy mọi khoảng không.

Rev. Ron Rolheiser, OMI – J.B. Thái Hòa chuyển dịch