CHĂM SÓC VƯỜN NHO

Bài Tin Mừng là một dụ ngôn và cũng là một ám ngôn, vì vừa hình dung vừa diễn tả sự thật, vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri.

Ông chủ vừa trồng xong vườn nho.  Ông rất yêu qúy vườn nho của mình.  Chung quanh vườn, ông rào cẩn thận.  Ở giữa vườn, ông cho đào một bồn ép làm rượu.  Ông còn cho xây một cây tháp cao để canh giữ kẻ gian.  Ông chăm sóc vườn nho thật chu đáo.

Ông chủ có lòng nhân ái với các tá điền.  Họ vốn là những người nghèo khổ, không “một tấc đất cắm dùi” nên ông thương tình và muốn giúp họ sinh sống.  Ông chủ thật quảng đại, thay vì chỉ thuê và trả theo lương công nhật, ông lại tin tưởng và giao toàn quyền vườn nho cho họ chăm sóc và trẩy đi phương xa.  Các tá điền vui mừng được canh tác theo ý mình.  Đến mùa, họ chỉ cần nộp một phần nhỏ hoa lợi cho chủ là xong trách nhiệm.  Nhưng con người có lòng tham không đáy “được voi đòi tiên.”  Dù đã được hưởng phần lớn hoa lợi nhưng họ còn muốn sở hữu luôn cả vườn nho để khỏi phải nộp một phần hoa lợi nào cả!  Do đó, khi thấy các đầy tớ ông chủ sai đến để thu hoa lợi như đã hợp đồng, chẳng những họ đã không nộp mà còn hành hạ đánh đập, thậm chí ném đá để giết hại các người đầy tớ đó.  Thấy vậy, ông chủ vẫn kiên nhẫn sai thêm một số đầy tớ khác đông hơn trước đến, nhưng số phận của những người này cũng không khá hơn những đầy tớ đến trước.  Cuối cùng, ông chủ còn sai người con trai duy nhất đến, với hy vọng bọn tá điền sẽ tôn trọng con trai mình.  Nhưng bọn tá điền thấy con trai ông chủ liền bàn nhau giết luôn người thừa tự kia để chiếm đoạt vườn nho cho mình.

Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi về thái độ của ông chủ vườn đối với bọn tá điền bất nhân ác đức kia là gì?  Các thính giả nghe dụ ngôn đã đồng thanh trả lời: “Ác giả ác báo, ông chủ sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, nộp phần hoa lợi cho ông.”  Chúa Giêsu kết luận bằng cách áp dụng vào chính họ: “Tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

Dụ ngôn là tóm lược toàn bộ Thánh Kinh về ơn cứu độ của Thiên Chúa.  Vườn nho ám chỉ nước Thiên Chúa được trao cho dân Do Thái.  Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa.  Những người thợ làm vườn nho là giới lãnh đạo, đứng đầu trong dân.  Các đầy tớ là hàng loạt các ngôn sứ được Thiên Chúa phái đến đều bị ngược đãi hoặc bị giết chết.  Trước thái độ bất nhân bất nghĩa đó, nước Thiên Chúa được chuyển sang một quốc gia khác là Hội Thánh, một dân phổ quát và Công giáo, sẽ lan rộng đến tất cả mọi quốc gia.

Dụ ngôn vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri.  Dụ ngôn diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những ngôn sứ Chúa sai đến với họ.

Dụ ngôn nói tiên tri về đạo Chúa sẽ lan rộng khắp các dân tộc.  Hơn nữa, dụ ngôn cũng cho thấy rõ thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu.  Những người được sai đến trước Ngài, dù nổi tiếng như Êlia, Isaia, Giêrêmia, Gioan Tiền Hô… cũng chỉ là đầy tớ, còn Ngài mới là con trai duy nhất của Chúa Cha.

Mỗi người chúng ta là một tá điền, Thiên Chúa trao phó cho một vườn nho.  Đó là những ơn phúc.  Mỗi người có bổn phận phải đem hoa lợi về cho Chúa.  Mỗi người hoàn toàn tự do sắp xếp công việc theo sáng kiến riêng và chịu trách nhiệm về những việc mình làm.

Những ơn phúc Chúa ban như sự sống, tài năng, sức khỏe, của cải vật chất, chúng ta phải biết sử dụng chúng để sinh lợi.  Mỗi người được Chúa trao ban cho một vốn liếng khác nhau không ai giống ai, nhưng ai cũng phải làm lợi ra với số vốn liếng đó.

Thiên Chúa trao cho chúng ta công việc chăm sóc vườn nho của Ngài.  Thiên Chúa không ngừng sai những sứ giả đến để nhắc nhở hãy tích cực chăm sóc vườn nho.  Vì thế mỗi người có bổn phận biết ơn là dâng lại cho Ngài những điều tốt đẹp, những chùm nho ngon ngọt của việc làm tốt mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.

Xin Chúa giúp chúng con luôn biết siêng năng làm việc, chu toàn bổn phận hàng ngày.  Xin cho chúng con biết sử dụng tài năng, sức lực, thời giờ, của cải Chúa ban để xây dựng sự nghiệp đời này và sự nghiệp đức tin trên Nước Trời. Amen.

Câu chuyện suy gẫm.

Khi giảng về việc giữ ngày Chúa nhật, một linh mục Trung hoa đã minh họa bằng câu chuyện sau đây: “Một bà kia đi chợ mang theo 7 quan tiền trong túi áo.  Khi tới chợ, bà trông thấy một người đàn ông bị què, áo quần rách nát, đang ngồi ăn xin bên vệ đường.  Bà thấy tội nghiệp nên đã móc túi ra cho hắn 6 quan tiền và chỉ giữ lại duy một quan đi chợ.  Nhưng tên ăn mày này vốn tham lam, thấy bà ân nhân vẫn còn một quan tiền ở trong túi, hắn ta liền bám sát theo và nhân cơ hội bà sơ ý, hắn ta đã ăn cắp nốt quan tiền còn lại.  Khi nghe câu chuyện về tên ăn mày tham lam này, có lẽ ai trong chúng ta cũng nghĩ hắn ta đúng là một tên mạt rệp đáng khinh bỉ và trừng phạt!”

Rồi vị linh mục đặt vấn đề với cộng đoàn: Còn chúng ta thì sao?  Trong một tuần lễ, Chúa đã ban cho chúng ta 6 ngày lao động kiếm ăn, thế mà còn duy một ngày Chúa nhật để ta dành ra mà nhớ đến Chúa, làm các việc thờ phượng kính mến Chúa và các việc bác ái phục vụ tha nhân, nhưng nhiều khi chúng ta đã tiếc xót, vẫn làm việc thêm mong kiếm nhiều tiền cho đầy túi tham!  Như vậy, chúng ta sẽ là hạng người nào?

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

CON ĐƯỜNG NHỎ

Hầu hết trong chúng ta, ai cũng đã từng nghe nói về Thánh Têrêxa Hài Đồng, nhà thần nghiệm người Pháp qua đời năm 1897 ở tuổi 24 và có lẽ đây là vị thánh nổi tiếng nhất trong hai thế kỷ qua.  Thánh Têrêxa nổi tiếng vì nhiều chuyện, nhất là về con đường tâm linh được gọi là “con đường nhỏ” của ngài.  “Con đường nhỏ” là gì?

Suy nghĩ chung thường nhìn Thánh Têrêxa và “con đường nhỏ” của ngài là lòng mộ đạo đơn sơ không phải là công lý so với chiều sâu con người hay tâm linh của ngài.  Thường thường “con đường nhỏ” được đơn giản hiểu là, vì danh Chúa Giêsu, chúng ta làm những việc bác ái nhỏ bé, ẩn giấu, khiêm nhường cho người khác mà không mong đợi được đáp trả lại.  Trong cách giải thích phổ biến này, chúng ta đã gọt rửa, tẩy sạch các vết nhơ và tươi cười với những người khó chịu để làm vui lòng Chúa.  Chắc chắn ở một vài khía cạnh, điều này là đúng; nhưng “con đường nhỏ” của Thánh Têrêxa cần được hiểu sâu rộng hơn.

Đúng, “con đường nhỏ” khuyên chúng ta nên làm những việc nhỏ, dễ thương với nhau nhân danh Chúa Giêsu, nhưng con đường này có những chiều kích sâu đậm hơn.  “Con đường nhỏ” của Thánh Têrêxa dẫn đến sự thánh thiện dựa trên ba chuyện: nhỏ bé, ẩn danh và có động lực riêng.

Nhỏ bé

Đối với Thánh Têrêxa, “nhỏ bé” trước hết không phải là nhỏ bé trong các hành động chúng ta làm, rửa chén, gọt khoai hay tươi cười với người khó chịu.  Nhỏ bé trước hết là nói đến tình trạng thấp hèn của chính mình, tình trạng khó nghèo tận cùng của mình trước mặt Chúa.  Đứng trước Thiên Chúa, chúng ta nhỏ bé.  Chấp nhận mình nhỏ bé, hành động trong tinh thần nhỏ bé là khiêm nhường.  Chúng ta đến với người khác, đến với Chúa trên “con đường nhỏ” khi chúng ta làm các việc bác ái nhỏ cho người khác, chứ không bằng sức mạnh và đức tính mà chúng ta cảm nhận lúc đó, nhưng đúng hơn là qua cảm nhận mình khó nghèo, mình bất lực, mình trống rỗng để ân sủng Chúa làm việc qua chúng ta, để những gì chúng ta đang làm sẽ lôi kéo người khác đến với Chúa chứ không phải đến với mình.

Hơn nữa sự thấp bé của chúng ta làm cho chúng ta nghĩ, đa số chúng ta, chúng ta không làm chuyện gì lớn để thay đổi lịch sử nhân loại.  Nhưng chúng ta có thể thay đổi thế giới qua các việc thấp bé của mình, chúng ta gieo đây đó hạt mầm ẩn giấu, như một loại kháng sinh tiềm ẩn cho sức khỏe tâm hồn, phân chia nguyên tử tình yêu trong chính con người mình.  Và như thế, “con đường nhỏ” là làm những chuyện khiêm tốn, ẩn giấu.

Ẩn danh

“Con đường nhỏ” của Thánh Têrêxa là con đường ẩn giấu, để những gì Cha thấy trong ẩn giấu sẽ được đền đáp trong ẩn giấu.  Và những gì ẩn giấu không phải là việc làm bác ái của chúng ta, nhưng là chính chúng ta, những người đang làm việc này.  Trong “con đường nhỏ”, các hành động bác ái nhỏ của chúng ta đa phần không được chú ý, dường như không có một tác động nào thực sự trên lịch sử nhân loại và nó cũng không mang lại cho chúng ta một lòng biết ơn nào.  Nó vẫn ẩn giấu, không ai biết nhưng bên trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, những gì ẩn giấu, không vụ lợi, không ai biết, những gì bị xóa mờ, những gì không đáng kể, không quan trọng chính là chiếc xe quan trọng nhất của tất cả để ân sủng ở một mức độ sâu đậm nhất.  Giống như Chúa Giêsu, Chúa không cứu chúng ta bằng các phép lạ giật gân và các hành động đáng kể, nhưng Ngài cứu chúng ta qua sự vâng phục không điều kiện với Chúa Cha và qua sự tử đạo thầm lặng, các việc làm của chúng ta cũng vẫn là những việc làm không ai biết, để cái chết và tinh thần chúng ta để lại mới làm cho chúng ta thực sự nên ơn ích.

Động lực riêng

Cuối cùng, “con đường nhỏ” dựa trên một động lực đặc biệt.  Chúng ta được mời gọi để hành động khởi đi từ sự thấp bé và ẩn danh của mình, làm các hành động yêu thương nhỏ, phục vụ người khác vì một lý do đặc biệt, theo nghĩa bóng, đó là lau gương mặt đang đau khổ của Chúa Kitô.  Bằng cách nào?

Thánh Têrêxa Lisiơ là người cực kỳ được ân phúc và có biệt tài.  Dù từ đầu đời, ngài đã trải qua nhiều đau khổ, nhưng như ngài công nhận và theo chứng từ của nhiều người, Thánh Têrêxa được yêu thương một cách thuần khiết, sâu đậm và tuyệt vời đến nỗi làm cho nhiều người phải ao ước.  Ngài cũng là em bé rất dễ thương, được bao quanh bởi yêu thương và an toàn của một đại gia đình mà mỗi nụ cười, mỗi giọt nước mắt đều được chú ý, đều được yêu mến (và thường được chụp hình).  Nhưng khi ngài lớn lên, ngài nhanh chóng nhận ra, những gì có thật trong đời sống của mình không phải ai cũng có.  Nụ cười và nước mắt của họ không ai chú ý và cũng không được ai yêu mến.  Như thế “con đường nhỏ” của ngài xây dựng trên một động lực đặc biệt.  Và đây là lời của Thánh Têrêxa:

“Một ngày Chúa nhật nọ, khi nhìn hình Chúa Giêsu trên thập giá, hình ảnh máu chảy ra từ bàn tay cực thánh của Ngài đã làm cho tôi xúc động mãnh liệt.  Tôi cảm thấy đau đớn tột cùng khi nghĩ, giọt máu này rơi xuống đất mà không ai vội đến thấm.  Tôi quyết tâm giữ tinh thần mình luôn ở dưới chân thập giá và nhận sương rơi của Ngài… Ôi, tôi không muốn giọt máu này bị mất.  Tôi sẽ dành cả đời để lau thấm nó vì lợi ích cho các linh hồn.  Sống cho tình yêu, đó là lau khô khuôn mặt của bạn.”

Sống “con đường nhỏ” là để ý và yêu mến các giọt nước mắt không ai chú ý rơi từ khuôn mặt của những người đau khổ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

NGUỒN GỐC & Ý NGHĨA LỄ KÍNH CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

Theo Sách Thánh thì Thiên Chúa đã dựng nên rất đông các tạo vật thiêng liêng vô hình và các thánh tiến sĩ thì nói có lẽ các thần này được dựng nên trong ngày thứ nhất khi bắt đầu công việc tạo dựng.  Thiên Chúa dựng nên các thiên thần để chầu chực hầu hạ Đức Chúa Trời, giúp đỡ loài người và gìn giữ vũ trụ.

Theo như các lần các ngài xuất hiện hay hiện ra, ta thấy các ngài là những vị thiêng liêng, tốt lành, quyền phép, mạnh mẽ và mau lẹ.  Các ngài cũng đã từng trải qua cuộc thử thách.  Trong cuộc thử thách này có một số đông đã tỏ ra không chịu thần phục Thiên Chúa.  Đứng đầu là Luciphe nên đã bị Thiên Chúa loại bỏ.

MICAE

Theo sách Khải huyền của thánh Gioan thì khi ấy trên trời có một cuộc đại chiến.  Một bên do Đức Micae lãnh đạo, bên kia là do Luciphe.  Micae là thiên thần dũng mãnh.  Với khẩu hiệu: “AI BẰNG THIÊN CHÚA”, ngài đã anh dũng đẩy lui bè lũ Luciphe.  Khẩu hiệu này đã trở thành tên của ngài (MICAE).

Hôm nay Giáo hội mừng kính thánh Micae, vị thủ lãnh các thiên thần lành trên trời và còn là bổn mạng của Giáo hội dưới thế.  Chính Ngài đã nhiều lần hiện xuống trần gian với nhiều nhiệm vụ khác nhau để thực hiện sứ mạng cao cả của Ngài.

Chúng ta hãy bắt chước Ngài: luôn trung thành với Chúa.  Mỗi khi chúng ta bị thế gian xác thịt cám dỗ muốn xa lìa Chúa, chúng ta hãy lập lại lời của Ngài: Ai bằng Thiên Chúa?  Vâng!  Chẳng ai bằng Thiên Chúa cả.  Tiền bạc, vui sướng xác thịt, chức quyền không có gì sánh được với Thiên Chúa cả.  Không có một ai, một vật nào được phép đứng ngang hàng với Thiên Chúa của chúng ta.  Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành, thánh thiện, mạnh mẽ phép tắc vô cùng.  Người nhân từ vô biên, hiểu biết mọi sự, làm được mọi sự.  Ngài là cội rễ mọi sự, là cùng đích của mọi loài.  Không ai bằng Thiên Chúa.

Kinh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae:
Lạy ơn Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, xin giúp chúng con trong cơn giao chiến, đánh phá sự hiểm ác mưu sâu quỉ dữ.
 Chúng con sấp mình nguyện xin Chúa chế trị nó, cùng xin nguyên soái cơ binh trên trời lấy quyền phép Chúa mà hạ Satan cùng các quỉ dữ đang rong ruổi khắp thế làm hại các linh hồn.  Xin bắt chúng giam cầm trong hỏa ngục.  Amen!

RAPHAEL

Raphael xuất hiện ở trong Cựu Ước.  Cựu Ước nói về Raphael như thế này:

“Ông Tobia người Do thái thuộc chi họ Neptali bị bắt làm tôi mọi bên nước Assyria vì dân Do thái bị bại trận.  Thời gian ở đất khách quê người Tobia luôn giữ lòng trung thành làm tôi Chúa.  Ông bị tai nạn làm cho đôi mắt bị mù hoàn toàn.  Gia đình ông túng đói quá không có cách nào xoay trở.  Lúc đó ông nhớ đến món tiền trước kia ông đã cho nhà Gabelo mượn.  Ông sai người con của ông cũng có tên là Tobia – Để khỏi lầm lẫn sau này người ta gọi là Tobia-con đến nhà Gabelo để xin lại món tiền đã cho vay.  Tobia-con sẵn sàng vâng lời nhưng Tobia-con không biết đường đi.  Tổng lãnh Grabriel đã hiện ra dưới hình dạng một người thanh niên để đẫn đường.  Dọc đàng Raphael cứu Tobia-con khỏi bị cá nuốt.  Tới nơi Grabriel còn giúp cho Tobia-con cưới được vợ là Sara và đồng thời còn đòi nợ giùm Tobia.

Công việc xong, Tobia-con cùng với vợ trở về nhà.  Raphael bảo cho Tobia-con lấy mật cá mà xức vào mắt cho Tobia cha.  Tobia cha được khỏi mù, mắt được sáng trở lại, cha con Tobia hết sức vui mừng.  Đứng trước những ơn mà cả nhà vừa mới được: đòi được nợ, cưới được vợ, lại khỏi bị mù cha con ông Tobia muốn lấy phân nửa số tiền đòi được để gọi là đền ơn đáp nghĩa đối với người thanh niên đã tận tình giup đỡ gia đình mình.  Khi ấy “người thanh niên” tốt lành đó mới tỏ ra cho cha con Tobia biết mình là thiên thần của Thiên Chúa đã được sai đến để giúp đỡ gia đình ông.  Nói xong điều đó thiên thần liền biến đi.

Câu truyện của cha con Tobia cho chúng ta thấy Thiên Chúa hằng yêu thương chăm sóc những kẻ kính sợ Người.  Raphael có nghĩa là “THẦY THUỐC CỦA THIÊN CHÚA”

GRABRIEL

Tên Grabriel có nghĩa là “SỨC MẠNH CỦA THIÊN CHÚA”.

Chính đức Grabriel đã hiện ra với tiên tri Đaniel để cho Đaniel biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra.  Chính đức Grabriel đã hiện ra với Giacaria báo tin cho ông biết ông sẽ sinh được một người con trai và đặt tên là Gioan.

Luca ghi lại quang cảnh cảm động này như sau: “Khi ấy ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong đền thờ của Đức Chúa.  Sứ thần của Chúa hiện ra với ông… thấy vậy ông bối rối.  Sự sợ hãi ập xuống trên ông.  Những sứ thần bảo ông: “Này ông Giacaria, đừng sợ vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin.  Bà Elizabeth vợ của ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan.”  Ông thưa lại: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?  Vì tôi đã già và bà nhà tôi cũng đã lớn tuổi?  Sứ thần đáp lại:” Tôi là Grabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa.  Tôi được sai đến với ông và loan báo Tin vui đó cho ông.  Và này đây ông sẽ bị câm không nói được cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không chịu tin lời tôi là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi. (Lc 1,1-20) v.v… Và sau đó mọi việc xẩy ra như thế nào thì chúng ta đều đã được biết.

Rồi cũng theo Tin Mừng của Luca, sau sáu tháng, sứ thần Grabriel còn được Thiên Chúa gửi đến trần gian với một sứ mạng còn cao trọng hơn nhiều: Đó là sứ mạng truyền tin cho Đức Maria.  Nếu Giacaria đã ngỡ ngàng thì Đức Mẹ còn ngỡ ngàng hơn.  Việc của Giacaria với bà Elizabeth chỉ là việc giữa con người với con người.  Còn việc của Đức Maria là việc của Thiên Chúa: “Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế người con do bà sinh ra sẽ là thánh và được gọi là con Thiên Chúa”(Lc 1,35).

Sau tiếng Xin vâng của Đức Mẹ cả vũ trụ đều phải nhảy mừng.  Thi sĩ Hàn mặc Tử khi nghĩ đến biến cố này thôi cũng đã phải run rảy mà thốt lên như thế này:

“Hỡi sứ thần Thiên Chúa Grabriel.
Khi người xuống truyền tin cho thánh nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn loài?”

Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì Chúa đã thực hiện những việc lạ lùng trước mắt chúng ta.

Sưu tầm

KINH NGHIỆM TRONG CĂN PHÒNG KHÁCH SẠN

Chủ đề:Hối cải là một tiến trình, là một cuộc du hành liên tục chỉ kết thúc vào lúc chết.

Thomas Merton mồ côi cha mẹ năm 16 tuổiCậu gia nhập Đảng Cộng sản năm 20 tuổi và gặp được Đức Kitô năm 23 tuổi.  Đến năm 24 tuổi chàng trở thành phóng viên tờ Nữu Ước thời báo (New York Times).  Năm 26 tuổi, chàng thu gom toàn bộ tài sản vào một chiếc túi vải rồi đến sống ở Kentucky và trở thành một thầy dòng chiêm niệm Trappist (Anh em hèn mọn).  Trong quyển sách tự thuật về cuộc sống tâm linh rất ăn khách nhan đề “The seven storey Mountain” (Ngọn núi bảy tầng), Thomas Merton mô tả lại bước đầu tiên trong tiến trình hối cải của chàng.  Ngay khi vừa tốt nghiệp Trung học, Thomas đã đi du lịch một mình qua Âu Châu và sống một cuộc sống hơi buông thả.  Một đêm nọ, chính trong căn phòng chàng, Thomas bỗng nhiên ý thức được tội lỗi của mình, chàng viết: “Toàn bộ sự việc xảy ra nhanh như chớp.  Bỗng dưng một nhận thức sâu xa về nỗi bất hạnh và sự hư hỏng của linh hồn mình xâm chiếm hoàn toàn thân tôi.  Tôi vô cùng ghê tởm những gì tôi trông thấy… và linh hồn tôi ao ước trốn thoát khỏi tất cả điều ấy một cách mãnh liệt và cấp bách mà trước đó tôi chưa hề bao giờ cảm thấy như thế.”

Merton nói rằng đó là lần đầu tiên chàng đã cầu nguyện, cầu nguyện thực sự.  Chàng cầu xin Chúa, Đấng mà trước đó chàng chưa hề biết, xin Ngài tự trời ngự xuống giải thoát chàng khỏi quyền lực xấu xa đã cầm giữ tâm hồn chàng trong vòng nô lệ.

Câu chuyện về Thomas Merton minh họa về sự hối cải của người con thứ trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay.  Đồng thời nó cũng minh họa cho sự hối cải mà tiên tri Êdekien nhắc đến trong bài đọc thứ nhất hôm nay.

Điều gì đã khiến cho người ta hối cải giống như trường hợp của đứa con thứ trong Phúc Âm hôm nay, hay giống như Thomas Merton trong câu chuyện trên?

Cách đây nhiều năm, các lý thuyết gia chính trị thường phác thảo những bước cần thiết cho một cuộc cách mạng trong một nước.

Bước thứ nhất là tạo ra tâm lý bất mãn tận căn nơi dân.  Bởi vì thiên hạ chỉ nghĩ đến việc đổi thay nếu họ cực kỳ bất mãn với tình cảnh hiện tại của họ.  Điều này cũng đúng xét về bình diện từng cá nhân.  Người ta chỉ lưu tâm thay đổi cuộc sống riêng khi nào họ bất mãn với hiện trạng cuộc sống ấy.  Chúng ta thấy rõ điều này trong trường hợp của Thomas Merton.  Chàng đã bất mãn sâu xa với cuộc sống mình.  Nói cách khác, bước đầu tiên trong tiến trình cải tà là bất mãn với cuộc sống của chính mình.

Bước thứ hai là “Bước nảy lửa” trong đời Thomas Merton chính là điều chàng kinh nghiệm được trong căn phòng khách sạn của chàng.  Nói theo ngôn ngữ thần học, đó là lúc ân sủng Chúa tuôn xuống.

Bước thứ ba là thực hiện một điều cụ thể đầu tiên hướng về một cuộc sống mới.  Chúng ta cũng thấy điều này nơi cuộc đời Thomas Merton.  Ngay sáng hôm sau, sau khi có được cái kinh nghiệm đã xảy ra trong căn phòng khách sạn, Thomas Merton đã đi bộ ra ngoài ánh nắng ban mai.  Tâm hồn ngài tan nát vì đau đớn và ăn năn.  Nhưng đây là một cảm giác tốt đẹp, giống như cái nhọt được bác sĩ dùng dao giải phẫu.

Dù chưa phải là người Công giáo, Merton vẫn đi đến một nhà thờ quì gối xuống và chậm rãi đọc kinh Lạy Cha với tất cả niềm tin của mình.  Sau khi cầu nguyện xong, Merton trở lại dưới ánh nắng mặt trời. Chàng cảm thấy như được tái sinh.  Trông thấy một bức tường thấp bằng đá, Merton liền ngồi xuống trên đó lòng hân hoan trong niềm an bình tâm hồn mới tìm gặp được.  Trước đây chưa bao giờ Merton có được sự an bình như thế.

Merton vẫn còn quãng đường dài phải bước trước khi hoàn tất cuộc hối cải của chàng.  Tuy nhiên chàng đã bắt tay làm một việc đầu tiên cực kỳ quan trọng là hướng về một cuộc sống mới.  Cần phải ghi nhớ rằng tất cả chúng ta vẫn còn lữ hành trên đường hướng về sự hối cải trọn vẹn.  Chẳng hạn, trong chúng ta có một số người cần phải chiến đấu để từ những Kitô hữu bình thường trở thành Kitô hữu tốt, một số khác cần phải cố gắng từ những Kitô hữu tốt trở thành những Kitô hữu xuất sắc.  Và số khác nữa thì cố gắng từ những Kitô hữu xuất sắc trở thành kitô hữu gương mẫu.

Khi bình luận về cuộc du hành bất tận của người Kitô hữu hướng về sự hối cải trọn vẹn, một thần học gia thế kỷ 19 người Đan Mạch tên là Soren Kierkegaard đã nói: “Không hề có tình trạng đã thành một Kitô hữu mà chỉ có tình trạng đang trở thành một Kitô hữu.”

Như thế, sự hối cải là một tiến trình, là một cuộc du hành đang tiếp diễn và chỉ chấm dứt khi nào chúng ta chết.

Bước thứ nhất trong cuộc du hành này là sự bất mãn tận căn với nếp sống hiện tại của chúng ta.  Hãy nhớ lại Merton đã bất mãn với cuộc sống mình như thế nào.

Bước thứ hai là bước tia lửa làm thành ngọn lửa thúc giục chúng ta phải làm một điều gì đó cho cuộc đời mình.  Hãy nhớ lại cảm nghiệm trong căn phòng khách sạn của Merton.

Bước cuối cùng là thực hiện việc làm đầu tiên cực kỳ quan trọng là hướng về một cuộc sống mới.  Hãy nhớ lại Merton đã tới nhà thờ để cầu nguyện ngay sáng hôm sau khi xảy ra cảm nghiệm trong căn phòng khách sạn.

Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta khám phá ra cuộc sống của mình.  Chúng ta có cảm thấy bất mãn về mối tương giao hiện tại giữa mình và Chúa Giêsu không?  Chúng ta có ao ước thân tình sâu sắc hơn với Chúa không?  Chúng ta có muốn yêu thương gia đình láng giềng chúng ta nhiều hơn giống như Chúa Giêsu yêu thương họ không?

Nếu có thì các bài đọc hôm nay có thể ví như tia lửa bật ra để biến thành ngọn lửa mà chúng ta cần thiết phải có để làm nên một điều gì cụ thể cho các mối tương giao nêu trên.

Có lẽ việc làm đầu tiên cực kỳ quan trọng hướng về cuộc sống mới là ra trình diện để được chữa lành trong Bí tích Hòa giải; là bắt đầu bỏ giờ ra nhiều hơn cho việc cầu nguyện, là lưu tâm đến một số vấn đề gia đình, chẳng hạn như tính hay nóng nảy với con cái, đồng thời cầu xin Chúa Giêsu giúp chúng ta làm một điều gì đó cụ thể ngay tức khắc để lướt thắng khó khăn ấy.

Đây là lời mời gọi hướng đến đức tin mà chúa ngỏ với mỗi người chúng ta đang hiện dịên nơi đây qua các bài đọc hôm nay.

Để kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện:

Ôi giọng nói của Chúa Giêsu,
Xin hãy kêu gọi chúng tôi,
Khi chúng tôi lạc bước quá xa Ngài.
Ôi đôi mắt Chúa Giêsu,
Xin hãy mỉm cười nhìn chúng tôi
Khi chúng tôi cần Ngài khích lệ
Ôi đôi tay Chúa Giêsu,
Xin hãy xức dầu cho chúng tôi
Khi chúng tôi yếu đuối mệt mỏi.
Ôi cánh tay Chúa Giêsu,
Xin hãy nâng đỡ chúng tôi
Khi chúng tôi vấp ngã.
Ôi trái tim Chúa Giêsu,
Xin hãy giúp đỡ chúng tôi yêu thương nhau
Như chính Ngài đã yêu thương chúng tôi.

Lm. Mark Link

KHÔNG GIAN CHỮA LÀNH CỦA THINH LẶNG

Quyển sách mới đây của Robyn Cadwallander, ‘Nữ ẩn sỹ’ [The Anchoress] kể về Sarah, một phụ nữ trẻ chọn khép mình khỏi thế giới và sống như một ẩn sỹ (như Julian thành Norwich vậy).  Đây không phải là một đời sống dễ dàng gì, và cô sớm thấy mình phải đấu tranh với lựa chọn của bản thân.  Cha giải tội cho cô là cha Ranaulf, một tu sỹ trẻ, không nhiều kinh nghiệm.  Mối liên hệ giữa họ cũng không dễ dàng.  Cha Ranaulf là một người ngại ngùng và kiệm lời, nên Sarah thường thấy chán nản với cha, muốn cha nói thêm, muốn cha đồng cảm hơn, và đơn giản là muốn cha hiện diện rõ hơn với cô.  Họ thường xuyên bàn luận, hay ít nhất là, Sarah thường cố moi thêm những lời nói và sự đồng cảm từ cha Ranaulf.  Nhưng bất kỳ lúc nào cô cố gắng làm thế, cha Ranaulf đều gián đoạn buổi xưng tội và rời đi.

Một ngày nọ, sau một buổi xưng tội cực kỳ đáng chán khiến cha Ranaulf cứng lưỡi và Sarah thì giận dữ, cha chỉ đóng cánh cửa tòa giải tội, một phản ứng thông thường của cha khi căng thẳng, khi có điều gì đó trong cha không muốn cho cha rời đi.  Cha biết là mình phải cho Sarah một điều gì đó, nhưng cha không có lời lẽ nào để làm được thế.  Và, khi không có gì để nói ngoài cảm giác mình buộc phải rời đi, cha đơn giản là ngồi đó trong thinh lặng.  Ngược đời thay, sự bất lực câm nín của cha lại đạt được một điều mà những lời nói của cha không làm được, đó là một bước đột phá.  Lần đầu tiên, Sarah cảm thấy sự quan tâm và đồng cảm của cha, cũng như sự hiện diện của cha với mình.

Và lời văn của Cadwallander mô tả đoạn này như sau:

‘Cha hít một hơi thật sâu rồi thở ra từ từ chậm rãi.  Cha không còn điều gì để nói, nhưng cha không để cô ấy ở đây một mình với cay đắng được.  Vậy nên cha vẫn ngồi lại trong tòa giải tội, cảm nhận sự trống trải của phòng xưng tội quanh mình, cảm nhận sự thất bại của việc học, của những từ ngữ mà cha đã ghi khắc trong đầu, trang này đến trang khác, tầng này đến tầng khác.  Cha không thể mở miệng, nhưng cha có thể ở lại, và cha làm thế.  Cha bắt đầu cầu nguyện trong thinh lặng, nhưng không biết bắt đầu thế nào, không biết phải xin gì.  Cha bỏ cuộc, và thở chậm rãi từ từ.

Sự thinh lặng bắt đầu như một điều gì đó thật vụn vặt và đáng sợ, đậu trên rìa cửa sổ tòa giải tội, nhưng khi cha Ranaulf ngồi đó trong tĩnh mịch, nó dần dần, rất chậm rãi, lớn lên, và tràn khắp gian phòng, cuộn chặt quanh cổ và vòng lấy lưng cha, cuốn quanh đầu gối và đôi bàn chân cha, tràn lên các bức tường, lấp đầy các ngóc ngách, len lỏi vào cả các khe tường đá…  Sự thinh lặng trườn qua các khe hở và len vào cả gian phòng bên trên.  Dường như nó thật êm ái mềm mại.  Nó tràn ra và vững vàng, nó chiếm lấy mọi khoảng không.  Cha Ranaulf không nhúc nhích gì, cha đã mất hết mọi khái niệm về thời gian.  Mọi sự cha biết là có một người phụ nữ đang cách cha một sải tay, trong bóng tối, và đang thở.  Vậy là đủ.

Khi ánh nến trong gian phòng mờ dần đi, cha động đậy, nhìn vào bóng tối. Chúa ở cùng con Sarah.  Và ở cùng cha. Giọng của cô tươi sáng hơn, thân thiết hơn.

Có một ngôn ngữ vượt ngoài ngôn từ.  Sự thinh lặng dành chỗ cho ngôn ngữ đó.  Đôi khi chúng ta cảm thấy bất lực không thể nói được gì có ý nghĩa, chúng ta phải đi trở vào sự vô tri và vô lực, nhưng khi ở lại trong tình trạng này, sự thinh lặng tạo không gian cần thiết cho một sự thâm sâu hơn xuất hiện.  Nhưng thường, lúc đầu, thinh lặng thật không dễ dàng gì.  Nó bắt đầu “như một sự đáng sợ vụn vặt” và dần lớn lên thành hơi ấm xua tan đi căng thẳng.

Nhiều lần chúng ta không có ngôn từ nào đáng để nói.  Chúng ta, ai cũng cảm nghiệm việc đứng bên giường người hấp hối, hay trong đám tang, hay đứng trước một người con tim tan vỡ, hay rơi vào thế bí khi cố gắng vượt qua tình huống căng thẳng trong quan hệ, và lại thấy mình cứng lưỡi, không có từ nào để nói, rồi cuối cùng rơi vào thinh lặng, biết rằng nói bất kỳ điều gì chỉ là làm trầm trọng thêm nỗi đau đớn này.  Trong tình thế bất lực đó, bị hoàn cảnh làm câm nín, chúng ta học được một điều: Chúng ta không cần phải nói gì, chỉ cần ở đó.  Sự hiện diện thinh lặng, bất lực của chúng ta là điều đang cần.

Và tôi phải thừa nhận rằng đây không phải là điều mà tôi học được một cách dễ dàng gì, đây không phải là điều theo khuynh hướng của tôi, và thực sự nhiều khi tôi không làm thế khi đáng ra phải làm. Cho dù tình thế có ra sao đi nữa, tôi luôn luôn cảm thấy rằng mình cần phải nói điều gì đó có ích, một điều gì đó giúp giải quyết sự căng thẳng này.  Nhưng tôi đang học được rằng, hãy để sự bất lực lên tiếng, và cũng học được rằng điều này thật mạnh mẽ biết bao.

Tôi nhớ có một lần, khi tôi là một linh mục trẻ, đầy kiến thức học được trong chủng viện và háo hức chia sẻ kiến thức đó, đang ngồi trước một người con tim tan vỡ, cố gắng tìm những câu trả lời và thấu suốt trong đầu mình, rồi cuối cùng chẳng thấy gì, và cuối cùng, xin thứ lỗi, thú nhận sự bất lực của tôi với người đối diện.  Lời đáp của cô khiến tôi kinh ngạc, và dạy tôi một điều mà tôi không hề hay biết trước đây.  Cô đơn giản nói rằng: Sự bất lực của cha là món quà quý báu nhất cha có thể chia sẻ với con ngay bây giờ.  Cảm ơn cha.

Không một ai kỳ vọng bạn có chiếc đũa thần để chữa lành những phiền muộn của họ.

Đôi khi, thinh lặng hóa thành một sự êm ái mềm mại len lỏi và chiếm lấy, lấp đầy mọi khoảng không.

Rev. Ron Rolheiser, OMI – J.B. Thái Hòa chuyển dịch

VỊ KHÁCH CÓ ẢNH HƯỞNG

Cách đây không lâu có một bà viết một bài báo thật hay về việc trang hoàng nhà cửa của bà.  Mọi sự đều xuông xẻ cho đến khi chồng bà bỏ đi các đồ trang hoàng nội thất và treo một hình Chúa Giêsu thật lớn ngay chính giữa căn nhà.

Bà tìm cách thuyết phục chồng nghĩ lại, nhưng ông nhất định từ chối.  Sau đó, trong một cuộc thảo luận với ông, bà nhớ lại những lời của Chúa Giêsu: “Nếu ai công khai tuyên bố họ thuộc về Thầy, Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận họ như thế trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10:32).  Câu nói ấy đã giải quyết vấn đề.  Chồng bà thắng.

Bây giờ bà nói bà vui mừng khi chồng bà thắng, vì bà nghĩ rằng tấm hình của Chúa Giêsu ấy đã có một ảnh hưởng đáng kể trên gia đình bà – và cả những người đến thăm.

Thí dụ, ngày kia có một người lạ nhìn đến tấm hình ấy, họ quay sang bà và nói, “Bà biết không, Đức Giêsu không nhìn vào bà; Người nhìn thấu qua bà.”  Và một tối kia, người bạn của bà nhìn đến tấm hình này và nói, “Tôi cảm được sự bình an trong nhà của bà.”  Tuy nhiên, ảnh hưởng đáng kể nhất của tấm hình này là sự đối thoại, bà cho biết như thế.  Tấm hình đưa họ vào một mức độ đối thoại cao hơn, sâu đậm hơn.

Bà kết thúc bài viết rằng bà biết sẽ có người mỉm cười khi đọc những nhận xét này và ngay cả chế nhạo bà, nhưng bà không lưu tâm.  Bà nói, “Điều tôi biết rất rõ là khi bạn mời Chúa Giêsu vào nhà bạn, bạn sẽ không bao giờ giống như trước.”

Đôi tân hôn trong bài phúc âm phép lạ tiệc cưới Cana chắc chắn sẽ đồng ý với bà.  Họ đã mời Chúa Giêsu đến nhà của họ, và Người đã làm phép lạ đầu tiên ở đó.  Và họ không bao giờ giống như trước nữa.  Có lẽ không phải tình cờ khi phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, biến nước thành rượu, đã tiên báo phép lạ sau cùng của Người, biến rượu thành chính máu của Người.

Có lẽ cũng không phải tình cờ khi Chúa Giêsu làm phép lạ trong một căn nhà, nhà của Máccô. (Mc 14:12-15; Công Vụ 12:12).  Và cũng như đôi tân hôn ở Cana, Máccô và gia đình ông không bao giờ giống như trước nữa.

Một sự kiện ít người để ý là Chúa Giêsu thường làm phép lạ ở trong nhà của người khác.

Thí dụ, khi ông Phêrô lần đầu tiên mời Đức Giêsu đến nhà ông, điều đầu tiên Người làm là chữa cho mẹ vợ của ông được khỏi bệnh (Mc 1:31).  Và khi ông Giairút, viên trưởng hội đường, mời Đức Giêsu đến nhà ông, điều đầu tiên Người làm là phục hồi sự sống cho con gái của ông Giairút, nó vừa mới chết (Mc 5:41).  Gia đình ông Phêrô cũng như gia đình ông Giairút không bao giờ giống như trước nữa.

Sau đó có một thủ lãnh Biệt Phái, ông mời Đức Giêsu đến nhà dùng cơm tối, và một trong những điều đầu tiên Đức Giêsu làm là chữa lành cho một người bệnh ở nhà của ông này (Lc 14:4).  Và ai có thể quên được ông Giakêu, người thu thuế cắt cổ ở Giêrikhô?  Ông cũng được đón tiếp Đức Giêsu vào nhà của ông.  Sau khi trò chuyện, ông Giakêu đã cho đi một nửa gia tài cho người nghèo, và đền bù cho những người bị ông lừa gạt đến bốn lần nhiều hơn số tiền ông lấy của họ (Lc 19:8).

Và sau cùng, một câu chuyện cảm động ở Emmau vào tối Phục Sinh.  Hai người mời Đức Giêsu ở lại dùng bữa tối, tuy lúc bấy giờ họ không biết đó là Người.  Kết quả là Đức Giêsu đã cử hành tiệc Thánh Thể đầu tiên sau bữa Tiệc Ly (Lc 24:30).

Đây chỉ là một vài thí dụ về việc người ta mời Chúa Giêsu vào nhà của mình và không bao giờ họ giống như trước nữa.

Những thí dụ này làm chúng ta tự hỏi, “Có bao giờ chúng ta ý thức mời Chúa Giêsu vào nhà của mình, trong một phương cách thực tiễn chưa?”  Thí dụ, nếu một chuyên gia trang hoàng nội thất vào nhà của chúng ta, họ có thấy trên các vách tường một chứng cớ nào là gia đình chúng ta theo Chúa Giêsu không?  Hoặc chuyên gia ấy sẽ nói rằng, “Tôi thấy con cái ông bà muốn trở thành các siêu sao nổi tiếng như Michael Jackson hay Bruce Springteen”, v.v.

Hoặc giả sử rằng con trai bạn đưa về nhà một người bạn của nó ở đại học, liệu người ấy khi trở về trường có nói với con trai bạn rằng: “Gia đình bạn thực sự là Kitô Hữu.  Tôi không nhớ có lần cầu nguyện nào giống như việc cầu nguyện trước bữa ăn ở nhà của bạn.  Và tôi chưa bao giờ cảm được tình cảm thắm thiết như ở nhà của bạn.  Tôi cũng không thấy gia đình bạn nói xấu về bất cứ ai.”   Người sinh viên ấy sẽ không bao giờ giống như trước, vì họ đã được gặp Chúa Giêsu trong căn nhà của bạn.

Mời Chúa Giêsu vào nhà của mình, có lẽ đó là điều quan trọng nhất chúng ta phải làm.

Và cách chúng ta thi hành điều đó có thể trong nhiều phương cách, từ sự hiện diện của Chúa Giêsu qua tượng chịu nạn hoặc các hình ảnh cho đến việc thành khẩn cầu nguyện trước các bữa ăn.  Hoặc có thể là cách đối xử với nhau với tình yêu đích thực và không bao giờ nói xấu người khác.  Một khi chúng ta mời Chúa Giêsu vào nhà, chúng ta có thể mong đợi một điều gì đó rất đặc biệt.  Chúa Giêsu không bao giờ đến một căn nhà mà không làm điều gì đặc biệt.

Đây là một trong những thông điệp của bài phúc âm phép lạ tiệc cưới Cana.  Đó là thông điệp chúng ta cần được nghe.  Đó là thông điệp chúng ta cần trân quý.  Đó là thông điệp có thể thay đổi nếp sống của gia đình chúng ta.  Theo những lời của bà đã viết bài báo: “Điều tôi biết rất rõ là khi bạn mời Chúa Giêsu vào nhà của bạn, bạn sẽ không bao giờ giống như trước.”

Chính Chúa Giêsu đã hứa với các gia đình trong sách Khải Huyền:

Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3:20).

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:

Lậy Chúa Giêsu, xin hãy đến căn nhà của chúng con và chúc lành cho nó.

Xin Chúa chúc lành cho các cánh cửa để nó có thể mở ra tiếp đón người khách lạ và cô đơn.  Xin Chúa chúc lành cho các căn phòng trong căn nhà chúng con để được tràn đầy sự hiện diện của Chúa.  Nhất là, xin Chúa chúc lành cho mọi phần tử trong gia đình của chúng con.  Cầu mong sao tâm trí họ mở ra đón nhận lời Chúa.  Cầu mong sao đôi tay họ giang rộng cho những ai có nhu cầu.  Và cầu mong sao tâm hồn họ luôn hướng về Chúa.

Lm. Mark Link, S.J.

CA TỤNG HAY KÊU TRÁCH

Dụ ngôn của Đức Giêsu, về những nhóm thợ khác nhau được mời gọi đi vào làm việc trong vườn nho, mặc khải cho chúng ta một cách tuyệt vời về cung cách hành động của Thiên Chúa, và về khó khăn sâu xa có nơi mỗi người chúng ta, khi đối diện với cung cách hành động này.

1. “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia…”

Trước hết, Thiên Chúa được ví như ông chủ vườn nho, hành động giống như bao ông chủ vườn nho khác: sáng sớm ra khỏi nhà để đi tìm thợ, thỏa thuận về thời gian và tiền công (mỗi ngày một quan tiền) và sai họ đi vào làm việc trong vườn nho của mình.  Ở bước này, cho dù là tương quan giữa ông chủ vườn và người làm công xem ra rất bình thường và công bằng, nhưng những người làm công vẫn được mời gọi nhận ra việc làm của mình là một điều may mắn, thậm chí là một ơn huệ, và nhất là nhận ra lòng tốt của ông, khi ông đích thân ra khỏi nhà để đi tìm người thợ, thay vì người thợ đi tìm ông chủ để “xin việc”.

Chúng ta có nhận ra sự hiện hữu, cuộc đời, ơn gọi gia đình hay tu trì của chúng ta là một ơn huệ không?  Chúng ta có nhận ra lòng tốt của Chúa để luôn tạ ơn và ca tụng Ngài không?  Và để sống và làm việc trong tâm tình tạ ơn và ca tụng không?  Hay chúng ta coi tất cả những ơn huệ nhưng không này như một thứ “quyền lợi”, để đòi hỏi Thiên Chúa, để so bì và ganh tị với nhau?  Nhưng khi đòi hỏi và ganh tị, chúng ta dựa vào điều gì, phải chẳng là công lao hay thành tích của chính chúng ta?

2. “Cả các anh nữa hãy đi vào vườn nho” (c. 3-7)

Thực vậy, phần tiếp theo của dụ ngôn, mỗi lúc một mạnh mẽ và vượt quá cách hành động thông thường của một người chủ, có thể có trong kinh nghiệm sống của chúng ta, nhấn mạnh đặc biệt đến chiều kích ơn huệ và lòng tốt khác thường của ông chủ: giờ thứ ba (9 giờ sáng), ông lại ra khỏi nhà đi tìm thợ; giờ thứ 6 (12 giờ trưa), ông lại đi nữa; rồi giờ thứ 9 (3 giờ chiều), ông lại đi nữa; và đây là tột đỉnh của sự khác thường, vào giờ thứ 11 (5g chiều), ông vẫn ra khỏi nhà đi tìm thợ làm việc!

Nếu trong những trường hợp trước, ông chủ chỉ hứa trả công một cách hợp lí: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”, thì trong trường hợp sau cùng, ông chỉ mời gọi đi làm việc: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho.”  Như thế, được hiện diện trong vườn nho là một ơn huệ hoàn toàn nhưng không, diễn tả lòng tốt của ông chủ; điều này cũng đúng với những trường hợp trước, phải được nhận ra và được ngợi khen bởi những người thợ đi vào trước, kể cả những người vào làm việc đầu tiên nữa.

Tuy nhiên, câu chuyện của dụ ngôn, vốn diễn tả sự thật về chính chúng ta, lại diễn biến theo hướng lòng ghen tị và lời kêu trách, thay vì theo hướng chúc mừng và ca tụng.  Dân Chúa đã kêu trách và ghen tị trong sa mạc (x. Ds 21,4-9, bài đọc I của ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá); loài người và mỗi người chúng ta được mời gọi nhận ra bản thân mình nơi Dân Chúa.

Như thế, đúng ra những trường hợp trước phải được hiểu dưới ánh sáng của trường hợp sau cùng, để nhận ra lòng tốt của ông chủ được thể hiện từ đầu đến cuối.  Vì, nếu hiểu ngược lại, nghĩa là các trường hợp sau được hiểu dưới ánh sáng của trường hợp đầu tiên, người ta sẽ hiểu lệch lạc về ông chủ và về người khác: từ đó, phát sinh thái độ kêu trách và ganh tị.

3. “Bắt đầu từ những người vào làm sau chót…”

Dường như ông chủ cố ý làm cho lòng ghen tị và lời kêu trách lộ diện, khi ông trả công, đúng hơn là ban phát, cách quảng đại cho người đến làm việc sau cùng, trước mắt mọi người:

Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.

Bởi vì, làm cho cái xấu lộ diện, chính là cách tốt nhất để chữa lành.  Thực vậy, khi đến lượt nhóm thợ đầu tiên đến lãnh tiền công, họ được nhận đúng với lời thỏa thuận của ông chủ và của họ, điều này làm bật lên sự khác biệt giữa họ và những người khác.  Nhưng thay vì họ chúc mừng những người đến sau (vì họ làm ít hơn mình, nhưng lại nhận được nhiều như mình) và ca ngợi lòng tốt của ông chủ (ông chủ không chỉ trà công sòng phẳng, nhưng còn ban phát rộng rãi cho người khác, theo lòng tốt của mình), họ vừa lãnh công và vừa cằn nhằn:

Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.

Trong lời này, hàm chứa hai thái độ: so sánh mình với người khác: “mấy người sau chót này”, và kêu trách ông chủ: “thế mà ông lại….”  Lời kêu trách của họ dựa trên những sự kiện rất khách quan và rất đúng: họ làm việc nhiều hơn và vất vả hơn người khác; nhưng người khác lại được hưởng bằng họ!  Nhưng rất tiếc, những điều rất đúng và rất khách quan này lại được nhìn bằng con mắt ghen tị!  Và vì ghen tị, nên trở nên mù quáng, không mở ra để nhận ra những sự kiện lớn hơn và đúng hơn: người khác thật may mắn và ông chủ thật tốt lành, để chúc mừng họ và ca ngợi ông chủ, để đi vào trong niềm vui của người ban phát và của người lãnh nhận.  Và vì ghen tị, nên cũng mù quáng với chính những gì mình đang có, bởi lẽ điều mình đang có không phải là quyền lợi, nhưng là ân huệ, và vì người lãnh nhận không chỉ là người khác, nhưng cũng là chính bản thân mình.  Mình có niềm vui, nhưng lại tự biến niềm vui của mình thành nỗi buồn, gây chết chóc cho mình và cho người khác.

****************************

Xin cho Lời Chúa, là Lời sẽ dẫn chúng ta đến “Lời Thập Giá” (x. 1Cr 1,18) chữa lành đôi mắt của chúng ta, khi chúng ta “nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37); bởi vì nơi Thập Giá, chúng ta vừa nhìn thấy hệ quả khủng khiếp của thái độ ghen ghét (nhìn thấy để được chữa lành), và vừa nhận ra tình yêu đến cùng của Chúa dành cho loài người và từng người chúng ta (để ca tụng Chúa, thay vì kêu trách).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.

MỘT NỖI BUỒN THÁNH, MỘT NỖI BUỒN THIÊN ĐÀNG

“Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ.”

Kính thưa Anh Chị em,

Ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội cử hành lễ Mẹ Sầu Bi, một lễ sâu sắc với nhiều ý nghĩa và rất thực.  Cùng với Đức Mẹ, hôm nay, chúng ta đi vào nỗi buồn sâu xa của trái tim ngài, để hiểu ngài, để yêu ngài; từ đó, cũng để cho tâm tư của tâm hồn mình được biểu lộ.

Với các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng, Sáng, của chuỗi Mân Côi, đã bao lần, chúng ta ngắm nhìn Đức Mẹ qua những tâm tình của ngài; thế nhưng, chưa bao giờ chúng ta nghe nói đến việc Đức Mẹ buồn.  Thế mà những gì cụ già trong đền thờ tiên báo về Chúa Giêsu, “mục tiêu cho người ta chống đối” là một thực tế rất buồn.  Thực tế này được Đức Mẹ ghi đậm trong lòng một cách sâu sắc; và hẳn trên bước đường rao giảng của Con, Mẹ đã chứng kiến sự chống đối người ta dành cho Ngài thế nào và đỉnh điểm là cái chết của Con trên thập giá.  Vì thế, đã yêu con, Đức Mẹ càng yêu Con nhiều hơn; Mẹ yêu Chúa Giêsu bằng tình yêu trọn vẹn của một người mẹ, và thật thú vị, chính tình yêu trọn vẹn này lại trở nên nguồn gốc của một nỗi đau tâm hồn, và một nỗi buồn linh thánh sâu thẳm.  Tình yêu của Mẹ đã kéo Mẹ hiện diện can trường với Con trong những khổ đau cùng tột dưới chân thập giá và vì lý do đó, như Con đã chịu đựng bao nhiêu, Mẹ cũng phải chịu đựng bấy nhiêu.

Thư Do Thái hôm nay viết, “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu.”  Chúa Giêsu đã vâng phục để làm con của Mẹ; Mẹ vâng phục để làm Mẹ của Giêsu.  Vì thế, nỗi đau của Chúa là nỗi đau của Mẹ, lưỡi gươm đâm thấu tim Chúa cũng là lưỡi gươm đâm thâu tim Mẹ; Mẹ đã học vâng phục đến cùng khi được hiệp thông với sự vâng phục của Con.

Vậy mà nỗi đau của Mẹ Maria không phải là nỗi đau của tuyệt vọng, nhưng là nỗi đau của tình yêu, nỗi đau của hiệp thông cứu độ; nỗi buồn của Mẹ Maria không phải là một nỗi buồn nhân thế, nhưng là một nỗi buồn thánh, nỗi buồn của thiên đàng.  Không như bao nỗi buồn khác, nỗi buồn của Mẹ, đúng hơn, là một sự chia sẻ sâu sắc về tất cả những gì Con mình phải chịu.  Trái tim Mẹ đã hoàn toàn hiệp nhất với trái tim của Con, do đó, Mẹ đã chịu đựng tất cả những gì Con chịu đựng và điều Chúa Con chịu đựng lớn lao nhất chính là tội lỗi của nhân loại, đây là sự chịu đựng của một tình yêu đích thực ở một mức độ sâu sắc nhất, đẹp đẽ nhất.

Hôm nay, khi kính nhớ Mẹ Sầu Bi, chúng ta được mời gọi sống hiệp nhất với nỗi buồn của Mẹ và của Chúa Giêsu, nỗi buồn do tội lỗi thế giới gây ra.  Những tội lỗi đó bao hàm tội lỗi của chúng ta, là những gì đã đóng đinh Con chí ái của Mẹ vào thập giá.  Chúng ta đau buồn vì tội lỗi; trước hết, tội lỗi của chính mình; sau đó, tội lỗi của người khác.  Nhưng một điều quan trọng cần biết là, nỗi buồn chúng ta trải qua vì tội lỗi cũng là nỗi buồn của tình yêu; một nỗi buồn thánh, mà cuối cùng, thúc đẩy và nhen lên nơi chúng ta một sự cảm thương, một lòng trắc ẩn cũng như một ước muốn hiệp nhất sâu sắc hơn với những anh chị em chung quanh mình, đặc biệt với những người đang thương tổn, những người đang vướng vào tội lỗi.  Nỗi buồn đó cũng thúc đẩy chúng ta từ bỏ tội lỗi của chính mình và đó là sự biểu lộ tâm tư đẹp đẽ nhất, đúng đắn nhất và đáng ước mong nhất.

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Thuận nói, “Con trào nước mắt, đến với Mẹ, ‘Đức Bà an ủi kẻ âu lo’; con đau khổ ê chề, đến với Mẹ, ‘Đức Bà phù hộ các giáo hữu”; con tội lỗi ngã sa, đến với Mẹ, ‘Đức Bà bầu chữa kẻ có tội’ và chính con, sẽ trở thành một Maria khác, để đón tiếp mọi người đến trú ẩn và cũng như Mẹ, con sẽ là ‘nguồn sức sống, nguồn an vui, nguồn hy vọng’ của anh em con”.

Anh Chị em,

Chiêm ngắm nỗi buồn thánh nơi Đức Mẹ, chúng ta ước ao một nỗi buồn thánh trong lòng mình; nỗi buồn do tội của mình, tội của anh em.  Đó là điều Chúa muốn tâm tư mỗi người được tỏ lộ.  Hiệp thông với nỗi buồn thánh của Mẹ, chúng ta được mời gọi dâng hy tế đời mình mỗi ngày cùng với Đức Kitô trong thánh lễ; nhờ Ngài, dâng lên Thiên Chúa Cha hiến lễ tạ ơn thay cho nhân loại.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận được một nỗi buồn thánh như nỗi buồn của Đức Mẹ; nhờ đó, con biết run sợ cho linh hồn con trước tội lỗi và từ đó, lòng trắc ẩn và thương cảm của con đối với anh chị em con ngày càng trở nên sâu sắc hơn”, Amen.

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

BUÔNG BỎ NỖI SỢ SAI LẦM

Gần đây trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, phóng viên hỏi tôi câu hỏi sau: “Nếu cha ở trên giường chết, cha muốn để lại gì khi chia tay?”  Câu hỏi làm tôi chưng hửng lúc đó?  Tôi muốn để lại gì trong các lời nói cuối cùng của mình?  Không có thì giờ để suy nghĩ, tôi khựng lại.  Tôi muốn nói: “Đừng sợ.  Sống nhưng không sợ.  Đừng sợ chết.  Nhưng nhất là đừng sợ Chúa!”

Tôi là người công giáo từ trong nôi, cha mẹ tôi rất tuyệt vời, tôi được các cô thầy tận tâm dạy giáo lý, và tôi được ưu tiên học thần học trong các lớp học tốt nhất thế giới.  Tuy nhiên, tôi đã phải mất năm mươi năm để thoát ra khỏi một số nỗi sợ trong đạo làm tôi bị tê liệt và để nhận ra Chúa là người duy nhất mà mình không được sợ.  Tôi đã phải để một phần lớn đời mình để tin những lời Chúa nói hơn ba trăm lần trong Thánh Kinh và đó là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với người Ngài gặp lần đầu tiên sau khi Ngài sống lại: Đừng sợ!

Đó là cuộc hành trình năm mươi năm để tôi tin điều đó, để tin tưởng nó.  Trong phần lớn cuộc đời, tôi đã sống trong nỗi sợ hãi sai lầm về Chúa và nhiều thứ khác.  Khi còn nhỏ, tôi đặc biệt sợ sấm sét, mà trong đầu óc thơ bé của tôi, sấm sét cho thấy Chúa có thể dữ dội và đe dọa đến mức như thế nào.  Về mặt tôn giáo, sấm sét là điềm báo cho chúng ta biết, chúng ta phải sợ.  Cùng các nỗi sợ này, tôi còn nuôi dưỡng nỗi sợ cái chết, tự hỏi linh hồn đi đâu sau khi chết, đôi khi tôi nhìn về chân trời u tối sau khi mặt trời lặn và tự hỏi liệu những người đã chết có ở đâu đó ngoài kia không, tôi bị ám ảnh trong bóng tối vô tận này, vẫn đau khổ cho hoàn cảnh của họ.  Tôi đã không có lý trong cuộc sống.  Tôi biết Thiên Chúa là tình yêu, nhưng tình yêu này cũng là một công lý quyết liệt, đáng sợ và đòi hỏi.

Các nỗi sợ hãi này vẫn âm thầm ở trong lòng tôi suốt tuổi vị thành niên.  Năm 17 tuổi tôi quyết định đi tu, đôi khi tôi tự hỏi liệu tôi có tự do trong quyết định này không, hay do một nỗi sợ sai lầm.  Tuy nhiên, bây giờ khi nhìn lại, với năm mươi năm sau, tôi biết đó không do nỗi sợ bắt buộc tôi, mà do một cảm nhận chân thực khi được gọi, ảnh hưởng của cha mẹ tôi và các nữ tu dòng Ursuline đã dạy tôi, rằng cuộc sống của mỗi người không phải là của họ, cuộc sống được kêu gọi phục vụ.  Nhưng nỗi sợ tôn giáo vẫn mạnh mẽ trong tôi.

Vậy, điều gì đã giúp tôi buông bỏ điều đó?  Điều này không xảy ra trong một ngày hoặc một năm; Đó là kết quả tích tụ trong năm mươi năm với các mảnh ghép gom lại với nhau.  Nó bắt đầu với cái chết của cha mẹ tôi khi tôi hai mươi hai tuổi.  Sau khi chứng kiến mẹ và cha tôi qua đời, tôi không còn sợ chết.  Đó là lần đầu tiên tôi không sợ một xác chết vì các thi thể này là của cha mẹ tôi.  Nỗi sợ hãi của tôi về Chúa cũng giảm dần mỗi khi tôi cố gắng gặp Chúa với tâm hồn trần trụi trong lúc cầu nguyện và nhận ra tóc của mình sẽ không trắng bạc khi mình đứng trước mặt Chúa; vì vậy tôi không còn sợ.  Nỗi sợ hãi của tôi cũng giảm khi tôi phục vụ người khác và hiểu Lòng Thương Xót Chúa khi tôi học và dạy thần học, hai lần chẩn đoán ung thư buộc tôi phải suy ngẫm về cái chết thực sự của chính mình, và như một số đồng nghiệp, gia đình và bạn bè đã hình thành cho tôi làm sao có thể sống tự do hơn.

Về mặt đầu óc, một số người đặc biệt giúp đỡ tôi: John Shea đã giúp tôi nhận ra Chúa không phải là luật phải tuân theo, mà là năng lực đồng cảm vô tận, Ngài muốn chúng ta hạnh phúc; Robert Moore đã giúp tôi tin rằng Chúa đang thích thú nhìn chúng ta; Charles Taylor giúp tôi hiểu Chúa muốn chúng ta phát triển; các lời chỉ trích bài tôn giáo cay đắng của những người vô thần như triết gia Frederick Nietzsche đã giúp tôi thấy, nơi mà khái niệm riêng về Thiên Chúa và tôn giáo của tôi cần thanh tẩy nhiều; và người anh cả, một linh mục truyền giáo, đã làm xáo trộn thần học của tôi với những câu hỏi thiếu tôn kính như, loại Thiên Chúa nào muốn chúng ta sợ hãi Ngài?  Các mảnh này mảnh kia đã ráp lại với nhau.

Những lời nói cuối cùng nào là quan trọng?  Chúng có thể có nhiều ý nghĩa hay không có bao nhiêu ý nghĩa?  Những lời cuối cùng cha tôi nói với các con là “hãy cẩn thận, cẩn thận”, cha tôi muốn nói đường từ bệnh viện về nhà trơn trợt trong tuyết và đá.  Lời nói cuối cùng không phải lúc nào cũng để lại một thông điệp; nó có thể chỉ là lời tạm biệt hay tiếng thở dài đau đớn, kiệt sức không nghe được; nhưng đôi khi những lời này cũng là di sản của chúng ta.

Có cơ hội để lại một vài lời cuối cùng cho gia đình, bạn bè, tôi nghĩ sau khi nói lời tạm biệt lần đầu tiên, tôi sẽ nói: đừng sợ.  Đừng sợ sống, đừng sợ chết.  Nhất là đừng sợ Chúa.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

GIÁ TRỊ CỤC TẨY

Có một cậu bé hỏi cha: Tại sao bút chì có tẩy?

Người cha ôn tồn trả lời: để xóa đi những chữ viết sai, viết chưa đẹp hoặc để xóa đi những gì không đúng trên trang viết!

Quả thực, cục tẩy thật cần thiết.  Nếu không có nó thì trên trang giấy sẽ bề bộn những gạch xóa lem luốc.  Cục tẩy sẽ làm mới lại những gì đã viết lên trang giấy không đúng.  Cục tẩy sẽ chỉnh lại những lỗi viết sai hay ẩu thả của chủ nhân.

Cuộc đời con người cũng cần có một cục tẩy.  Một cục tẩy của lòng bao dung và sự tha thứ.  Một cục tẩy có khả năng xóa đi những sai lầm của người khác và của chính bản thân ta!  Nếu cuộc đời chúng ta không dám sử dụng cục tẩy để xóa đi những bất hòa ghen tương, những hận thù tranh chấp, những lỗi lầm tội lỗi sẽ làm cho những trang giấy cuộc đời nhem nhuốc những dòng gạch và xóa!  Muốn cuộc đời mình đẹp thì phải biết xóa đi những gì không đúng, không đẹp để trang giấy cuộc đời rạng rỡ hơn.  Nhưng đáng tiếc, có rất nhiều người cho tới lúc tuổi già vẫn để cục tẩy của mình còn nguyên vẹn vì chúng ta ít can đảm xóa đi những hận thù.

Có một lần sau khi giảng về lòng bao dung tha thứ, vị linh mục hỏi các giáo dân của mình ai sẽ sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù.  Khoảng một nửa trong số họ giơ tay lên.  Chưa hài lòng, ông giảng thêm 20 phút nữa và hỏi lại câu hỏi cũ.  80% giáo dân giơ tay.  Vẫn chưa hài lòng, ông giảng thêm 15 phút nữa và lặp lại câu hỏi trên. Nôn nóng về bữa ăn trưa tuyệt vời của ngày chủ nhật, tất cả giáo dân đều đưa tay lên trừ một ông lão.

– Ông Jones, ông không sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù à?

– Tôi không có kẻ thù nào.

– Thật lạ lùng.  Thế ông bao nhiêu tuổi rồi?

– 86.

– Ông Jones này, ông hãy vui lòng lên đây và cho mọi người biết bí quyết để một người sống đến 86 tuổi mà không có một kẻ thù nào cả.

Ông lão bước lên phía trước rồi từ từ quay lại:

– Dễ ợt.  Chẳng qua là tôi sống lâu hơn chúng nó thôi.

Hôm nay Chúa bảo chúng ta phải tha thứ cho nhau không phải là bảy lần mà là bảy mươi lần bảy, nghĩa là rất nhiều và mãi mãi.  Nếu chúng ta không tha thứ nghĩa là chúng ta vẫn để cục tẩy còn nguyên vẹn, đó là lý do khi nhìn vào trang giấy cuộc đời mình thì lắm lem luốc bởi hận thù chua cay.  Con người chúng ta “nhân vô thập toàn.”  Chúng ta lớn lên trong sự tha thứ của người khác thì chính chúng ta cũng phải học tha thứ cho tha nhân.  Thế nên, hãy sống bao dung.  Hãy biết tha thứ để cục tẩy của chúng ta mòn dần theo năm tháng, đừng bao giờ để cực tẩy của mình ở mãi trong kho.  Bởi vì nếu không sử dụng đến nó cuộc đời của chúng ta sẽ chi chít những vết gạch xóa sau những lần mắc sai lầm!  Một tờ giấy như vậy chắc chẳng có gì tốt đẹp phải không?

Chúa Giêsu dạy ta biết tha thứ.  Ngài đã sống điều đó.  Ngài luôn cảm thông với những lầm lỗi của tha nhân.  Ngài dùng tình thương tha thứ để sửa lại lỗi lầm con người.  Tình thương ấy Ngài đã mang lại cuộc đời mới cho Gia-kêu, cho Ma-da-lê-na, cho Phao-lô…  Ngài đã dùng cục tẩy của sự tha thứ một cách quảng đại.  Ngài đã xóa đi những vết nhơ tội lỗi của con người.  Ngài đã xóa đi những bụi đời trong thân phận yếu đuối của con người.  Ngài đã đi đến tận cùng của sự tha thứ là tha cho kẻ đã hành hạ và kết án Ngài.

Là người Kitô hữu chúng ta phải sống tình thương tha thứ.  Tha thứ để sửa đổi anh em.  Tha thứ để xóa đi những vết hận thù trong lòng chúng ta.  Tha thứ để ta nên hoàn thiện hơn như Cha là Đấng hoàn thiện luôn cho mưa thuận gió hòa trên mọi người.

Tuy nhiên, tha thứ để rồi cũng biết nhìn nhận tội lỗi của bản thân.  Không phải bao giờ mình cũng đúng mà có khi chính chúng ta là kẻ gây ra đau khổ cho tha nhân, thế nên, trong nhiều trường hợp chính chúng ta là người cần đến sự tha thứ của người khác.

Có một câu chuyện kể rằng:

A nói với B: “Khu nhà tôi vừa dọn về một ông hàng xóm bất lịch sự.  Tối hôm qua, đã gần một giờ sáng rồi mà ông ta còn qua đập cửa nhà tôi rầm rầm.”  B hỏi: “Thế anh có báo cảnh sát không?”  A trả lời: “Không, tôi mặc kệ ông ta, xem ông ta như thằng điên vì lúc ấy tôi đang tập thổi kèn saxophone.”

Chuyện gì cũng có nguyên nhân, nếu biết trước lỗi của mình thì hậu quả sẽ khác đi.  Tuy nhiên, chúng ta lại thường ít khi thấy mình sai, nhưng lại dễ dàng thấy người khác sai.

Xin cho chúng ta luôn biết hoàn thiện mình như Cha chúng ta.  Hoàn thiện con người không làm điều gì tổn thương với tha nhân.  Hoàn thiện còn để lòng mình xóa đi những ghen tương, đố kỵ để sống hòa hợp với nhau. Amen.

Lm Giuse Tạ Duy Tuyền