MỤC TỬ VÀ ĐÀN CHIÊN 

Một lần nữa, Lời Chúa hôm nay lại nói với chúng ta về mục tử.  Trước hết là những mục tử lãnh đạo dân Israen.  Một số trong họ bị Thiên Chúa lên án, vì vô cảm và thiếu trách nhiệm với công việc được trao.  Họ là những người ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân mình, trong khi đó nhiều người đói khát và bị bỏ rơi không được quan tâm.  Khi đề cập đến các mục tử, Lời Chúa hôm nay chất vấn những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, nhất là những người có thái độ dửng dưng, sống ích kỷ và chỉ lo bản thân mình.

Thiên Chúa mới là Mục tử đích thực của Dân Ngài.  Nếu những người được trao phó trách nhiệm bất trung, thì chính Ngài can thiệp và bù đắp.  Chính Chúa quy tụ Dân Ngài, băng bó những vết thương, khôi phục những đổ vỡ, đem lại niềm hy vọng cho những người đang đứng trước ngõ cụt của cuộc đời.  Chúa là vị Thẩm phán chí công.  Ngài trừng phạt những mục tử vô lương tâm, yêu thương chăm sóc những con chiên yếu thế.

Thiên Chúa yêu thương nhân loại.  Tình yêu thương ấy được thể hiện qua việc Thiên Chúa sai con của Ngài đến thế gian, là Đức Giêsu Kitô.  Tin mừng Thánh Máccô diễn tả Đức Giêsu với trái tim mục tử.  Người chạnh lòng thương đám đông dân chúng, vị họ như bầy chiên không người chăn dắt.  Nếu ông Môisen và vua Đavít thường được tôn vinh như những vị lãnh đạo trung thành, thì Đức Giêsu được các tác giả Phúc Âm trình bày như một Môisen mới, như một Đavít đến trần gian để lãnh đạo Dân Chúa.  Đàn chiên của vị Mục tử này không còn đóng khung trong dân tộc Do Thái, mà đã vượt ra khỏi ranh giới để đến với các dân tộc.  Như thế, những ai nghe tiếng vị Mục tử Giêsu, bất luận họ thuộc nền văn hoá hay chủng tộc ngôn ngữ nào, đều thuộc về đàn chiên của Ngài.  Thánh Phaolô (Bài đọc II) đã trình bày Đức Giêsu là sự bình an của chúng ta.  Qua giáo huấn của Người và nhất là qua hy tế thập giá, Người đã phá đổ bức tường ngăn cách dân Do Thái với các dân ngoại.  Không chỉ dừng ở đó, Chúa Giêsu còn hoà giải Thiên Chúa với con người.  Người tiêu diệt sự thù ghét, nối kết muôn người nên một trong tình thương mến chan hoà.

Trước một đám đông đang đói khát chân lý, Đức Giêsu đã “chạnh lòng thương,” vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.  Sứ mạng của Đức Giêsu là đem cho nhân loại tình thương của Thiên Chúa.  Giáo huấn của Người nhằm giúp cho con người tìm được chân lý vĩnh cửu, đồng thời tìm được ý nghĩa trong cuộc sống hiện tại.

Để tiếp nối sứ vụ mục tử, Chúa Giêsu đã chọn các môn đệ.  Thánh Máccô khởi đầu trình thuật bằng việc gọi các ông là “Tông đồ.”  Đây là lần sử dụng duy nhất thuật ngữ này trong Tác phẩm Tin Mừng của thánh Máccô.  Tông đồ là người được sai đi.  Đức Giêsu đã huấn luyện các ông và sai đi truyền giảng những gì Người đã dạy.  Các ông rất vui mừng vì thấy lời giảng dạy của mình mang lại nhiều hiệu quả nhãn tiền.  Chính trong lúc các ông đang say sưa với thành quả đã đạt được, Chúa lại bảo các ông dành thời gian nghỉ ngơi và cầu nguyện.  Đời sống của người tông đồ phải tạo được sự quân bình giữa “động” và “tĩnh.”  Nếu chỉ “động” mà thôi, lời chứng của họ sẽ rỗng tuếch.  Nếu chỉ dừng lại ở “tĩnh” cuộc đời họ sẽ vô nghĩa đối với tha nhân.

Nhờ bí tích Thánh tẩy, mối người tín hữu đều trở nên tông đồ của Chúa.  Được xức dầu và được sai đi, họ nhân danh Chúa Giêsu để đem tình thương đến cho con người bất hạnh, ở mọi nơi và mọi thời.  Như vậy, người Kitô hữu đích thực vừa là người gắn bó với Mục tử của mình, vừa là người có trái tim “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu, để đem tình thương cho những ai đang cần.

Trong những ngày này, cả nước đang hướng về các tỉnh thành phía Nam, nhất là thành phố Sài Gòn, vì ở đó dịch Covid-19 đang bùng phát.  Số những người nhiễm bệnh gia tăng nhanh chóng.  Người dân phải giãn cách xã hội.  Biết bao người nghèo lâm cảnh thiếu thốn khó khăn.  Trong cơn hoạn nạn, chúng ta vui mừng chứng kiến những tấm lòng quảng đại san sẻ tinh thần vật chất.  Đây là những nghĩa cử đáng trân trọng và làm lan toả yêu thương nơi cuộc sống và trong hoàn cảnh cụ thể của thời dịch bệnh.  Chúng ta cám ơn những người đang xả thân phục vụ bất chấp mọi nguy hiểm.  Họ là hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng chạnh lòng thương xót đối với những người nghèo khổ và đói khát tinh thần cũng như vật chất.  Họ đang góp phần làm lan toả giáo huấn yêu thương của Người giữa cuộc sống hôm nay.

“Con người chỉ giống hình ảnh Chúa khi hiến mình liên lỉ, như mỗi Ngôi trong Thiên Chúa là: hoàn toàn hiến dâng, hoàn toàn tương quan, hoàn toàn yêu thương” (Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận ĐHV 606).

TGM Vũ Văn Thiên

NIỀM VUI – MỘT DẤU CHỈ CỦA THIÊN CHÚA

Chỉ có một nỗi buồn thực sự, đó là không làm thánh được!  Tiểu thuyết gia, triết gia người Pháp, Leon Bloy đã kết thúc quyển tiểu thuyết Người phụ nữ nghèo (The Woman Who Was Poor) bằng câu nói thường xuyên được trích dẫn này.  Còn đây là một câu khác của Leon Bloy ít được trích dẫn hơn, nhưng rất hữu ích để giúp ta hiểu lý do vì sao lại buồn khi không được làm thánh!  Niềm vui là dấu chỉ chắc chắn về cuộc sống của một tâm hồn có Chúa trong lòng.

Niềm vui không chỉ là một dấu chỉ chắc chắn về cuộc sống thuộc về Thiên Chúa, nó còn là dấu chỉ của một cuộc sống có Thiên Chúa.  Niềm vui cấu thành cuộc sống nội tâm có Thiên Chúa.  Thiên Chúa là niềm vui.  Đây là điều mà chúng ta không dễ gì tin.  Vì nhiều lý do, chúng ta thấy thật khó để nghĩ về một Thiên Chúa hạnh phúc, vui vẻ, thoải mái, tự tại và mỉm cười (theo lời Julian thành Norwich).  Kitô Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, dù có nhiều khác biệt, nhưng đều có điểm này là điểm chung.  Trong nhận thức chung của mình, chúng ta hình dung Thiên Chúa là người nam, độc thân, và thường không hài lòng, thường thất vọng về chúng ta.  Chúng ta khó nghĩ Thiên Chúa vui với cuộc sống chúng ta, và quan trọng hơn nữa, Thiên Chúa là Đấng hạnh phúc, vui vẻ, tự tại và mỉm cười.

Sao lại có thể khác được chứ?  Kinh Thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng tạo ra mọi sự tốt lành và mọi sự tốt lành đều đến từ Thiên Chúa.  Mà trên đời này, có sự gì tốt đẹp hơn hạnh phúc, vui vẻ, tiếng cười và vẻ đẹp mang lại sự sống của một nụ cười nhân hậu?  Rõ ràng là không.  Những điều này cấu thành sự sống thiên đàng và là những gì làm cho cuộc sống trên đời này đáng sống.  Chắc chắn chúng phải phát xuất từ Thiên Chúa.  Và như thế có nghĩa, Thiên Chúa vui vẻ, Thiên Chúa là niềm vui.

Nếu đúng thế, mà đúng thế thật, thì chúng ta không nên xem Thiên Chúa như một người yêu hay thất vọng, một người chồng hay giận dữ, một người mẹ hay đau lòng, cau mày trước những thiếu sót và phản bội của chúng ta.  Đúng hơn, chúng ta phải hình dung Thiên Chúa như người ông, người bà, vui mừng trước cuộc sống và sinh lực của chúng ta, thoải mái với những kém cỏi của chúng ta, tha thứ cho những yếu đuối của chúng ta và luôn mãi nhẹ nhàng dỗ dành hướng chúng ta đến những gì cao đẹp hơn.

Một phần đang ngày càng phát triển trong dòng văn học hiện đại, gợi ý rằng sự hiện diện thuần khiết nhất của tình yêu và niềm vui trên trái đất này không phải là những gì giữa các tình nhân, giữa vợ chồng, hay thậm chí giữa bố mẹ và con cái.  Trong những mối quan hệ này, có đủ căng thẳng và sự vị kỷ không thể tránh khỏi và cũng không phải là chuyện lạ lùng gì, và chính chúng làm cho sự thuần khiết và niềm vui của các mối quan hệ này bị phủ lên một màu khác.  Nhưng điều này lại không mấy đúng trong quan hệ giữa ông bà và cháu chắt.  Mối quan hệ đó ít căng thẳng và vị kỷ hơn, thường là sự hiện diện thuần khiết của tình yêu và niềm vui trên trái đất này.  Trong mối quan hệ này, sự phấn khởi tuôn trào tự do hơn, thuần khiết hơn, đẹp đẽ hơn, và phản chiếu thuần khiết hơn những gì nội tại của Thiên Chúa, cụ thể là niềm vui và phấn khởi.

Thiên Chúa là tình yêu, Kinh Thánh cho chúng ta biết như vậy, nhưng Thiên Chúa còn là niềm vui.  Thiên Chúa là nụ cười nhân hậu của người ông người bà nhìn ngắm con cháu với niềm tự hào và phấn khởi.

Tuy nhiên, làm sao điều này hợp với đau khổ, với khổ nạn phục sinh, với một Đức Kitô chịu khổ nạn dùng máu và thống khổ để chuộc tội chúng ta?  Niềm vui của Thiên Chúa nằm ở đâu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi Chúa Giêsu đau đớn trên thập giá?  Cũng vậy, nếu Thiên Chúa là niềm vui, làm sao chúng ta giải thích biết bao lần cuộc sống của chúng ta, dù chân thành tin tưởng và dâng hiến, lại chẳng cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc, tiếng cười?

Niềm vui và đau đớn không phải là hai thứ bất tương hợp.  Hạnh phúc và buồn sầu cũng thế.  Đúng hơn, chúng ta thường cảm nhận chúng cùng đi với nhau.  Chúng ta có thể rất đau đớn mà vẫn hạnh phúc, cũng như chúng ta có thể không đau đớn, thấy khoái lạc, nhưng lại bất hạnh.  Niềm vui và hạnh phúc được khẳng định dựa vào một điều gì đó tồn tại được qua đau đớn, cụ thể là ý nghĩa, nhưng chuyện này không dễ gì hiểu được.  Chúng ta có xu hướng mang một ý niệm hời hợt vô ích về cấu thành của niềm vui và hạnh phúc.  Với chúng ta, chúng bất tương hợp với đau đớn, thống khổ và buồn sầu.  Tôi tự hỏi nếu vào Thứ Sáu Tuần Thánh, khi Chúa Giêsu đang bị treo trên thập giá, mà có người hỏi “Ngài có hạnh phúc khi ở trên đó không?” thì Chúa sẽ trả lời thế nào.  Tôi cho rằng Ngài sẽ nói tương tự thế này. “Nếu ngươi hình dung hạnh phúc theo cách của ngươi, thì câu trả lời là không!  Ta không hạnh phúc!  Nhất là trong ngày hôm nay!  Nhưng giữa những thống khổ Ta trải qua hôm nay, Ta cảm nghiệm được ý nghĩa, một ý nghĩa quá sâu sắc đến nỗi nó bao hàm cả niềm vui và hạnh phúc đi kèm thống khổ.  Trong đau đớn, có một niềm vui và hạnh phúc thâm sâu từ việc hy sinh bản thân vì điều này.  Cái bất hạnh và thiếu vắng niềm vui như ngươi cảm nhận, là thứ đến rồi đi, nhưng ý nghĩa thì tồn tại mãi trong mọi cảm giác này.”

Biết được thế nhưng chúng ta vẫn không dễ gì chấp nhận Thiên Chúa là niềm vui và là một dấu chỉ chắc chắn về cuộc sống thuộc về Thiên Chúa trong tâm hồn.  Tuy nhiên, biết được vậy là một khởi đầu quan trọng để dần dần chúng ta cảm nhận và ý thức thêm về nó.

Có một nỗi buồn thực sự khi không làm thánh.  Tại sao lại thế?  Vì khoảng cách giữa chúng ta với sự thánh thiện cũng là khoảng cách giữa chúng ta với Thiên Chúa, và khoảng cách giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng là khoảng cách giữa chúng ta với niềm vui.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TÊN THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Mỗi người sinh ra đều được đặt một cái tên.  Tên hay còn gọi là danh xưng của một cá nhân nhằm xác định cụ thể và định dạng về một ai đó.  Nói đến tên là nói đến sự hiện hữu của người đó.  Mỗi cái tên mang một ý nghĩa và có một tầm quan trọng rất lớn.  Tên gắn bó với người đó trong suốt cuộc đời và còn mãi cho đến khi đã khuất tên vẫn còn “lưu truyền hậu thế,” như câu ngạn ngữ: “Hổ chết để da, con người ta chết để tiếng;” lưu truyền đó tốt hay xấu là do cách sống của ta.  Khi nói đến tên của ai đó ta nghĩ về cuộc đời và con người của họ.  Người Công giáo ngoài tên thường gọi, còn có tên Thánh, được đặt từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội.  Tên con người là thế, nhưng có ai đã đặt vấn đề: Con người sinh ra ai cũng có tên, vậy Thiên Chúa là Đấng dựng nên ta, Ngài có tên không?  Và tên Ngài là gì?

Khi ta biết tên của ai đó là lúc ta bắt đầu biết về họ.  Chúng ta không ai biết tên Thiên Chúa.  Sở dĩ chúng ta biết tên Thiên Chúa là nhờ Ngài mạc khải chính tên của Ngài cho chúng ta.  Cho nên, khi con người biết tên Thiên Chúa là bước khởi đầu để con người có cơ hội biết về Ngài, và Ngài sẵn sàng thiết lập tương giao giữa Ngài với con người.  Điều này được thấy rõ trong Kinh Thánh Cựu Ước, khi Thiên Chúa mạc khải tên của Ngài cho dân qua Môsê trên núi Sinai (Xh 3,1-15).  Thiên Chúa mạc khải cho Môsê biết tên Ngài là Giavê (Yahweh), Đấng Tự Hữu, là “Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob.”  Khi Thiên Chúa mạc khải tên của Ngài cũng là lúc Ngài mạc khải bản tính của Ngài.  Ngài là Thiên Chúa của tình yêu.

Theo dòng lịch sử của mình, Israel đã có thể khám phá ra rằng Thiên Chúa chỉ có một động lực duy nhất khiến Ngài tự mạc khải cho họ, và chọn họ giữa mọi dân để họ là dân của Ngài: đó là tình yêu nhưng không của Ngài.  Nhờ các tiên tri, Israel hiểu rằng, cũng vì tình yêu mà Thiên Chúa không ngừng giải cứu họ và tha thứ cho sự bất trung và tội lỗi của họ.  Tình yêu của Thiên Chúa đối với Israel được so sánh với tình yêu của một người cha đối với con mình (Hs 11,1).  Tình yêu đó còn mạnh hơn tình yêu của một người mẹ dành cho con cái mình (Is 49, 14-15).  Thiên Chúa yêu dân Ngài hơn người chồng yêu người vợ yêu dấu của mình (Is 62,4-5). Tình yêu đó cũng chiến thắng những bất trung, tình yêu là tha thứ, và tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Israel là vĩnh cửu “tồn tại muôn đời” (Is 54,8).  “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,10).  “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng thương xót” (Gr 31,3).  Tình yêu vĩnh cửu đó thể hiện rõ nhất qua việc “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16).  Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16), vì chính Hữu thể của Thiên Chúa là tình yêu.  Với mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh, tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện cụ thể, rõ ràng qua dung mạo của Đức Giêsu Kitô.  Đức Kitô chính là lời mạc khải trọn vẹn về tình yêu Thiên Chúa.  Qua Con Một, Thiên Chúa mạc khải điều bí ẩn thâm sâu nhất của Ngài: Chính Ngài là sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và Ngài đã tiền định cho chúng ta được dự phần vào sự trao đổi tình yêu đó. (GLHTCG 218-221)

Chúng ta biết Tên của Thiên Chúa là Tình Yêu, và chúng ta được Thiên Chúa dựng nên bằng tình yêu của Ngài, khi Ngài cho con người giống hình ảnh Ngài, nên chúng ta được thông phần với tình yêu của Ngài.  Vì thế, tên của chúng ta cũng phải thể hiện được bản chất vốn sẵn có mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong mỗi người chúng ta đó là Tình Yêu.  Chúng ta được mời gọi hãy sống và phản chiếu dung mạo của Thiên Chúa là Tình yêu.  Khi ta sống trong tình yêu và thể hiện tình yêu ấy là ta đang sống đúng bản chất tình yêu như Thiên Chúa muốn ban tặng cho chúng ta; được kết hiệp nên một với Thiên Chúa, cuộc đời ta được tháp nhập hoàn toàn vào tình yêu của Ngài, dù tình yêu của ta nhỏ bé và giới hạn so với tình yêu của Thiên Chúa.

Từ muôn thuở Thiên Chúa đã khắc ghi tên ta là Tình yêu trong trái tim Ngài.  Ngài muốn hiện hữu cùng ta với tên gọi Tình yêu.  Ta là Tình yêu của Thiên Chúa.  Thế nhưng, đối với ta, Thiên Chúa có là Tình yêu của ta không?  Hay chỉ là một thụ tạo, một đam mê, một vui thú thế gian nào đó mới là tình yêu của ta?  Ta đã thực sự thông phần vào bản chất tình yêu mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong trái tim Ngài chưa?

Thân phận con người vốn mỏng manh, yếu đuối và dễ đổi thay.  Thiên Chúa thấu suốt mọi tâm can từng gang tấc nơi con người hơn bất cứ ai.  Ta đã từng khấn hứa giao ước tình yêu với Thiên Chúa, nhưng liệu ta có giữ mãi được lời thề hứa sắt son đó không?  Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu trung tín, không thay đổi; chỉ có tình yêu nơi con người mới đổi thay.  Thiên Chúa mãi mãi thể hiện đúng bản chất tình yêu của Ngài.

Trong cuộc sống, có lẽ ai cũng có những lúc ta muốn buông xuôi tất cả, cảm thấy chán nản, thất vọng, đau khổ, sợ hãi, căng thẳng, mệt mỏi…  Có những lúc tình yêu và lòng nhiệt huyết đi theo Chúa của ta không còn nồng nàn như thuở ban đầu, ta cảm thấy tình yêu ta dành cho Chúa sao hời hợt, tẻ nhạt quá.  Dù như thế, ta hãy nhớ ta vẫn mãi là Tình yêu của Thiên Chúa vì ngay cả khi ta không trung tín với Ngài thì Ngài cũng vẫn tín trung, vì Ngài không thể nào tự chối bỏ chính mình (2Tm 2,13).  Dù ta có như thế nào Thiên Chúa chỉ muốn ta một điều đó là không được thay đổi tình yêu.  Tình yêu là chất keo gắn kết ta với Chúa và giúp ta hiệp thông với anh chị em.  Trung thành trong tình yêu là điều cần thiết để theo Ngài.  Cuộc sống có lúc thăng, lúc trầm, điều đó giúp cho cuộc sống ta thêm phong phú hơn, nó như một bản nhạc cuộc đời làm cho ta thêm khởi sắc hơn.  Ta hãy nhìn cuộc sống bằng đôi mắt đức tin và trong cái nhìn tích cực để thúc đẩy ta trung thành với tình yêu giao ước thuở ban đầu của ta với Chúa.

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sớm cảm nghiệm được tình yêu, nên ngài viết lên một lời bất hủ: “Trong lòng Giáo hội, con sẽ là Tình yêu.”  Một tình yêu âm thầm nhưng vĩ đại và sâu sắc.  Tình yêu của hoa hồng đầy gai nhưng tràn ngập hạnh phúc vì được yêu Chúa.  Chị thánh đã nói: “Tôi đã chẳng cho Thiên Chúa tốt lành điều gì ngoài tình yêu, và Ngài sẽ trả lại cho tôi chính tình yêu.”  Thánh nữ không chỉ là bông hoa bé nhỏ của Chúa Giêsu nhưng còn là của toàn Giáo hội, chị đã để lại một kho tàng quý giá là linh đạo “Con đường thơ ấu” với một tình yêu mạnh mẽ và vĩ đại.

Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã thương chọn gọi con, đã yêu thương con bằng mối tình muôn thuở, và đã khắc tên con trong trái tim Ngài.  Xin cho con biết thể hiện và sống đúng bản chất tên Tình yêu như Chúa.  Ước gì trái tim con luôn cùng nhịp đập với trái tim Ngài để con biết yêu thương như Ngài đã yêu bằng đời sống đức ái với anh chị em con.  Xin cho con được mãi trung thành với giao ước tình yêu mà Chúa dành cho con trong ơn gọi thánh hiến.   Amen!

 Sương Mai
Nguồn: https://dongten.net

KHÁNG CỰ TÌNH YÊU

Làm người thật không hề đơn giản.  Chúng ta thường là một bí ẩn với ngay chính bản thân mình, thậm chí là kẻ thù tồi tệ nhất của mình.  Sự phức tạp nội tâm làm trì trệ, và còn cản trở chúng ta.  Và chúng ta thấy điều này thật nhất trong nỗ lực vì tình yêu và sự mật thiết.

Chúng ta khao khát sự mật thiết hơn bất kỳ điều gì, khao khát được chạm đến nơi dịu dàng nhất của mình, nơi chúng ta được là chính mình nhất, nơi chất chứa những gì quý giá nhất, mỏng manh nhất, và khắc khoải nhất của chúng ta.  Nhưng khi thực sự đối diện với sự mật thiết, những người nhạy cảm thường trở nên bất an và kháng cự.

Chúng ta thấy hai ví dụ rất rõ trong Phúc âm.  Thứ nhất là câu chuyện có cả trong bốn Phúc âm, kể về một người phụ nữ đi vào phòng nơi Chúa Giêsu đang dùng bữa, và đập vỡ một lọ dầu thơm đắt giá, đổ lên chân Chúa, rửa chân Ngài bằng nước mắt, rồi lấy tóc lau khô, và hôn chân Ngài.  Trừ Chúa Giêsu, những người trong phòng đã có phản ứng thế nào?  Khó chịu và phản đối.  Chuyện này không được xảy ra!  Mọi người ngoảnh mặt đi trước sự bày tỏ nguyên sơ của tình yêu, và Chúa Giêsu phải thách thức họ nhìn thẳng vào nguyên cớ gốc rễ của sự khó chịu đó.

Trong đó, Chúa chỉ ra rằng họ khó chịu với những gì nằm ở trọng tâm cuộc sống và trọng tâm những khát khao thâm sâu nhất của họ, chính là sự trao đi và đón nhận thuần túy trước tình yêu.  Chúa Giêsu xác nhận, đây chính là mục đích chúng ta sống và đây là cảm nghiệm chuẩn bị cho chúng ta đi đến cái chết.  Đây là mục đích sống của chúng ta.  Đây cũng là điều chúng ta mong mỏi nhất?  Vậy tại sao chúng ta lại quá khó chịu và kháng cự khi thật sự đối diện với nó trong đời?

Ví dụ thứ hai là trong Phúc âm theo thánh Gioan, khi Chúa Giêsu cố rửa chân cho các môn đệ.  Theo thánh Gioan kể lại, Chúa Giêsu đứng dậy khỏi bàn, thắt tà áo, lấy chậu và khăn, rồi bắt đầu rửa chân cho các môn đệ.  Nhưng đáp lại là một sự khó chịu và kháng cự, thánh Phêrô nói rõ ràng rằng: “Không bao giờ!  Thầy không bao giờ rửa chân cho con!”

Tại sao lại thế?  Tại sao lại kháng cự?  Tại sao lại kháng cự khi đối diện với điều mà chắc chắn là Phêrô khao khát vô cùng, đối diện với sự mật thiết với Chúa Giêsu.

Trả lời cho câu hỏi về những đấu tranh với sự mật thiết trong hai bối cảnh này, cho chúng ta thấy ra lý do vì sao thỉnh thoảng chúng ta trở nên khó chịu và kháng cự khi thực sự đối diện với điều chúng ta khắc khoải mong mỏi.  Bàn chân của chúng ta là sự mật thiết quá mức, chúng là một phần thân thể dễ dơ bẩn và bốc mùi, không phải là phần chúng ta thấy thoải mái để người khác chạm đến.  Khi có ai đó chạm đến và rửa cho, chúng ta có cảm thấy một sự mỏng manh, khó khịu và hổ thẹn mơ hồ.  Mật thiết cần sự thả lỏng thanh thản, mà đôi khi tính mỏng manh của chúng ta không thể chấp nhận.

Nhưng sự kháng cự của Phêrô cũng nói lên một điều khác, dễ thấy hơn.  Nếu lành mạnh và nhạy cảm, chúng ta sẽ tự nhiên cảm thấy một sự khó chịu và kháng cự trước một món quà quá thẳng thắn, một sự mật thiết quá thẳng thắn, và cả lòng biết ơn quá thẳng thắn nữa.  Và trong khi rõ ràng chúng ta phải cố gắng để vượt qua chuyện đó, nhưng đó không phải là một lỗi phạm, một sai sót tinh thần hay thể lý của chúng ta.  Ngược lại, nó là một biểu hiện bình thường, là dấu hiệu của sự nhạy cảm tinh thần và thể lý.

Tại sao tôi lại nói thế?

Tại sao khi có điều gì đó dường như ngăn chúng ta tiến tới điều căn bản của cuôc đời, lại không phải là chuyện gì sai trái trong chúng ta?  Tôi cho rằng nó không phải là một sai lỗi nhưng là một cơ chế lành mạnh trong chúng ta, bởi những người ái kỷ và vô cảm, thường miễn nhiễm với sự khó chịu và kháng cự này.  Sự ái kỷ khiến họ không còn biết xấu hổ, và sự vô tâm khiến họ dễ dàng thoải mái với sự mật thiết, cũng kiểu như một người đã quá chán tình dục nên chẳng thấy khó chịu gì khi xem phim khiêu dâm, hay như một người xem mật thiết như là chuyện mình dĩ nhiên phải có, dù là do ngẫu nhiên hay chiếm đoạt.  Trong trường hợp này, họ chẳng thấy hổ thẹn hay khó chịu gì, bởi họ không có sự mật thiết đích thực.

Ngược lại, những người nhạy cảm thì đấu tranh với sự thẳng thừng của mật thiết, bởi họ biết, sự mật thiết đích thực, cũng như thiên đàng, không phải là chuyện chóng qua hay thứ dễ đạt được.  Mà mật thiết là cuộc đấu tranh cả đời, một cuộc trao đi và nhận lãnh với nhiều biến cố, một cuộc trốn và tìm, mở ra và kháng cự, ngây ngất và cảm thấy mình không xứng đáng, chấp nhận và lại cố gắng không thực sự từ bỏ, một sự vị tha vẫn còn dư vị ích kỷ, một sự ấm áp đôi khi trở nên lạnh lẽo, một sự dấn thân vẫn có điều kiện, và một hy vọng nỗ lực để đứng vững.

Mật thiết không như thiên đàng.  Mà là sự cứu rỗi.  Là Nước Trời.  Do đó cũng như Nước Trời, con đường đến và cánh cửa vào thì nhỏ hẹp và không dễ tìm thấy.  Nên chúng ta hãy ân cần, nhẫn nại và tha thứ cho người khác và cho bản thân mình, khi trên đường đấu tranh tìm sự mật thiết.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ

Chúng ta vừa nghe một câu chuyện mà chúng ta đã thuộc lòng từ khi còn nhỏ.  Câu chuyện hôm nay đã trở thành một gợi hứng cho rất nhiều bài suy niệm với rất nhiều khía cạnh khác nhau.  Riêng tôi, tôi chỉ xin chia sẻ với anh chị em một vài cảm nghĩ rất riêng tư của mình.  Tôi muốn nói tới những đức tính của Tôma làm tôi nể phục.

1. Trước hết là sự minh bạch và rõ ràng trong lập trường của ông.

Tôma không phải là người trung lập.  Ông có một lập trường rất rõ rệt.  Ông sống quyết liệt, không sống nửa vời.  Ông nhất định không chịu nói là mình tin khi ông không tin.  Ông không hề đè nén sự nghi ngờ của mình xuống bằng cách làm như mình không hề nghi ngờ.  Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông hoàn toàn đúng.

Đó là thái độ mà tôi tưởng Chúa cũng thích.  Chính vì thế mà không những Chúa không khiển trách Tôma mà còn xem như bằng lòng với ông khi hiện ra với ông trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa không thích thái độ dở dở ương ương, thái độ nửa vời vì nó là một thái độ rất khó chịu và rất nguy hiểm.

Để cho người ta thấy thái độ nửa vời nguy hiểm như thế nào thì người Tây phương đã viết nên câu chuyện này.  Hồi đó, dưới hỏa ngục, các tướng quỷ tranh luận với nhau về đề tài: “Đâu là phương pháp hữu hiệu nhất để chống lại chương trình cứu độ của Thiên Chúa?”  Trên khán đài nồng nặc mùi diêm sinh và bên dưới là các tướng lãnh tranh luận sôi nổi với nhau.

Tên thứ nhất đứng lên tuyên bố:

Đối với tôi, lòng ham mê ăn uống là thù địch số một của Chúa.  Thử hỏi vì lý do gì mà Ađam và Evà sa ngã phạm tội ở vườn địa đàng?  Thưa cũng chỉ vì thèm ăn một trái táo.  Rồi đến Esau mất quyền trưởng nam cũng chỉ vì một bát cháo đậu xanh.

Một tràng pháo tay vang dội.

Kế đó tên quỷ thứ hai cứng rắn phản đối tên thứ nhất.  Hắn cho rằng lòng tham của cải mới chính là thù địch số một của Chúa.  Giuđa là một thí dụ.

Tên quỷ thứ ba tiến lên.  Theo hắn thì lòng kiêu ngạo chính là chủ của mọi tính hư nết xấu.  Sự sa ngã của các thiên thần là thí dụ.

Tên quỷ thứ tư bước lên khán đài ngang nhiên tuyên bố:

Không, thù địch số một của Chúa chính là lòng ham mê nhục dục và mọi thú vui giác quan.

Nghe những lời đó quỷ vương phân vân không biết phải trao chiến thắng về cho ai, bởi vì ai cũng có lý cả.  Sau cùng, từ chỗ quan khách đang ngồi chăm chú theo dõi, tên quỷ thứ năm dõng dạc chậm rãi tiến ra.  Với giọng vừa mỉa mai vừa cứng rắn, hắn lên tiếng đả kích tất cả các lý luận trên và phủ nhận mọi bằng chứng đã được đưa ra.  Sau đó hắn nói dằn từng tiếng:

Kẻ thù số một của Chúa không hẳn là lòng ham mê, tham lam cũng không phải là tính kiêu ngạo, tất cả những thói xấu đó đứng riêng rẽ một mình chẳng khác nào con dao cùn, nhưng nếu tổng hợp tất cả những thói xấu đó lại thành một hợp chất khác tuy không tên tuổi, không ai để ý tới, nhưng chúng sẽ là một khí cụ lợi hại và hiệu nghiệm nhất.  Đó là lòng lạnh nhạt, không nóng cũng không lạnh.  Những kẻ lạnh nhạt không hẳn là những người thù địch chống lại Chúa một cách trắng trợn, nhưng chúng cũng không phải là những người thân thiện gì với Chúa, đó mới chính là kẻ thù tai hại hơn cả.

Đây chúng ta hãy nghe lại những lời mạnh mẽ Chúa nói trong sách Khải Huyền với dân Laodiciae: “Ta biết các việc ngươi làm.  Ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh.  Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng ta (Kh 3, 15-16)

Ngày hôm nay chẳng thiếu những người giữ đạo cho có, chỉ hình thức, lạnh chẳng ra lạnh, nóng cũng chẳng ra nóng.  Những người như thế đang là mối nguy cho Chúa hôm nay.

2. Đức tính thứ hai mà tôi cảm phục nơi con người của Tôma là khi đã biết chắc chắn, ông sẽ đi cho đến cùng.

Đây là đức tính của những anh hùng.  Người anh hùng khi đã biết chắc chắn, họ sẽ đi cho đến cùng.  Khi Tôma nói: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi” (Ga 20, 28) thì ông đã biết ông phải sống như thế nào rồi.  Tôma không đứng ở vị trí lưng chừng.  Ông không làm bộ hoài nghi chỉ nhằm chơi trò ú tim tinh thần.  Sở dĩ ông nghi ngờ là vì muốn trở thành người biết chắc, và khi đã biết chắc rồi, ông hoàn toàn tuân phục.

Theo một cuốn sách ngoại kinh có nhan đề “Các công việc của Tôma” người ta thấy Tôma được mô tả là một con người rất trung thực.  Sau đây là một trích đoạn có liên quan đến Tôma.

“Sau khi Chúa sống lại, các môn đệ được phân bổ khu vực để đi rao truyền Tin Mừng cho mọi người.  Mỗi người phải đến một nơi nào đó để mọi người trên khắp thế gian đều được nghe Tin Mừng.  Tôma bắt thăm nhằm xứ Ấn Độ.  Thoạt đầu Tôma không chịu.  Ông nói:

– Tôi là một người Do thái, làm sao lại có thể đến sống giữa những người Ấn độ mà truyền giảng chân lý cho họ được?

Tối đến, Chúa Giêsu hiện ra với ông và bảo

– Này Tôma, đừng sợ, hãy đến Ấn độ và giảng ở đó, vì ân sủng của Ta ở cùng con.

Lúc đó có một thương gia tên Abbanes từ Ấn đến Giêrusalem.  Ông này được vua Gundaphorus sai đi để tìm cho nhà vua một người thợ mộc giỏi để đem về Ấn Độ.  Tôma vốn là một thợ mộc.  Chúa Giêsu đến cùng Abbanes ngoài chợ và hỏi:

– Ông có muốn mua một thợ mộc không?

Abbanes đáp:

– Muốn.

Chúa Giêsu nói:

– Tôi có một tên nô lệ làm thợ mộc và tôi muốn bán!

Rồi Chúa chỉ Tôma đang đứng đàng xa.  Hai bên ngã giá và Tôma bị bán.  Tờ biên nhận viết như sau: “Tôi tên là Giêsu, con trai Giuse thợ mộc, nhìn nhận có bán tên nô lệ của tôi là Tôma cho ông Abbanes, thương gia của Gundaphorus, vua dân Ấn.”  Sau khi viết xong giấy bán, Chúa Giêsu đi tìm Tôma, đưa ông đến với Abbanes.  Abbanes hỏi:

– Có phải người đó là chủ của anh không?

Tôma đáp:

– Phải.

Abbanes nói:

– Tôi đã mua anh từ ông ta.

Tôma yên lặng.  Sáng hôm sau, Tôma dậy thật sớm để cầu nguyện, sau đó ông đến thưa với Chúa Giêsu:

– Lạy Chúa, con xin nhận bất cứ nơi nào Chúa muốn, nguyện ý Ngài được nên trọn.

Và sau đó ông lên đường.

Vâng!  Đó chính là Tôma một người chậm tin, chậm thuần phục, nhưng khi đã thuận phục thì thuận phục hoàn toàn.

Câu chuyện còn tiếp tục kể rằng vua Gundaphorus ra lệnh cho Tôma xây một cung điện.  Tôma bằng lòng.  Nhà vua cấp tiền đầy đủ cho ông mua vật liệu và thuê nhân công, nhưng ông đem phân phát hết cho người nghèo.  Ông luôn luôn tâu với vua rằng ngôi nhà đang được xây cất.  Sau một thời gian nhà vua sinh nghi bèn cho gọi Tôma đến hỏi:

– Ngươi xây cung điện cho ta xong chưa?

Ông đáp:

– Bây giờ hoàng thượng chưa thể đến xem được, nhưng sau khi lìa bỏ đời này thì hoàng thượng sẽ thấy.

Thoạt đầu nhà vua nổi cơn thịnh nộ và người ta tưởng là tánh mạng của Tôma lâm nguy, nhưng cuối cùng như một phép lạ, nhà vua tin Chúa.  Và như thế, Tôma đã đem Kitô giáo đến Ấn độ.

Kính thưa anh chị em

Con người của Tôma là thế.  Nơi Tôma, có cái gì rất đáng yêu, đáng ngưỡng mộ.  Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ, ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay.  Tôma là người muốn biết chắc chắn, ông tính thật kỹ giá phải trả.  Nhưng một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cùng.  Đức tin như Tôma tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi.  Ông là người muốn biết rõ và sau khi đã biết, ông đã sống chết với gì gì ông biết.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

LẤY LÀM LẠ VÌ HỌ KHÔNG TIN

Sau khi cho chúng ta chứng kiến quyền năng của Đức Giêsu mạnh hơn cả cái chết, thánh Maccô đưa chúng ta đi theo Người về nơi quê quán là Nadarét.  Tiếng đồn về Đức Giêsu đã vang khắp nơi, lôi kéo người bốn phương tìm đến với Người (Mc 3, 7-8), nay về thăm quê, chúng ta tưởng rằng Đức Giêsu sẽ được dân làng đón tiếp linh đình, kèn trống râm ran, như cảnh “trạng về làng vinh quy bái tổ.”  Chuyện diễn ra không như chúng ta nghĩ.  Tuy về quê quán của mình, nhưng Người cũng chờ đến ngày Sabát mới vào hội đường rao giảng.  Phản ứng đầu tiên của dân làng là “rất đỗi ngạc nhiên.  Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế?  Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?  Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?”  Thế ra họ cũng đã nghe biết về những phép lạ Người làm ở khắp nơi.  Họ rất đỗi ngạc nhiên.  Nhưng họ bỗng như bị xối nước lạnh lên đầu, khi họ nhìn thấy thân nhân của Người ngồi chung quanh họ trong cùng một hội đường.  Thân nhân đã từng bị kích động vì dư luận, cho rằng Người đã mất trí và họ đã kéo nhau đi bắt Người về (Mc 3, 20-21.31-32), nhưng đã về tay không.  Nhìn mặt Người thì vẫn là mặt bác thợ con bà Maria, từng làm thuê cho họ.  Nhìn quanh, họ thấy anh em, chị em, bà con của Người, những người vẫn chen vai sát cánh với họ hàng ngày, trong cái làng quê nhỏ bé mà ai cũng biết mọi người, mọi nhà.  “Và họ vấp ngã vì Người.  Đức Giêsu phải ngao ngán nói với họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.  Quả như câu tục ngữ xưa của Việt Nam: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh.  Kết cục: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay lên trên một bệnh nhân và chữa lành họ.  Lại như một câu tục ngữ Việt Nam: “Bụt nhà không thiêng; “người phụ nữ” đã được Người tuyên dương: “Lòng tin của con đã cứu chữa con; ông trưởng hội đường đã được Người khích lệ: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!” còn dân làng Nadaret thì Người cũng phải “lấy làm lạ vì họ không tin.  Thế là chuyến thăm quê cũ chẳng có gì phấn khởi. (x. Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).

Cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,14-39) đều thuật lại câu chuyện Đức Giêsu không được tiếp đón tại quê nhà và Ngài đều nói đến ý tưởng: “Ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình” (Ga 4,44).  Nhưng mỗi Tin Mừng thuật lại câu chuyện với các chi tiết khác nhau và đặt trong những bối cảnh văn chương khác nhau.  Tin Mừng Máccô đặt trình thuật “Đức Giêsu bị rẻ rúng tại quê hương mình” (Mc 6,1-6) sau trình thuật “Đức Giêsu chữa lành người đàn bà bị băng huyết và cho con gái ông Giaia sống lại” (Mc 5,21-43).

Quê hương Nadaret của Chúa Giêsu chẳng là trái ngọt nhưng là trái đắng với vị chát chối từ, và chua cay thành kiến.  Dẫu vậy Ngài không than van, không giận dữ hay oán trách quê nhà.  Ngài vẫn hiện diện thật hiền lành và khiêm hạ để đón nhận thực tế.  Quê hương là “chùm khế ngọt” của mỗi con người.  Nhìn về quê hương Nadaret của Chúa Giêsu, thật khác lạ.  Ngài trở về quê mà không được dân làng ủng hộ, trái lại họ đã xem thường Ngài và xúc phạm đến Ngài.  Tại sao?

Bởi lẽ, họ tìm về nguồn gốc thì chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon.”  Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nadaret này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, mấy ai quan tâm đâu!  Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, đi từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cày bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội.  Có bao giờ thấy ông ấy nói năng, làm được gì hay lạ đâu?  Ông ấy bỏ quê nhà đi một thời gian, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế nhỉ?  Một quá khứ và hiện tại như vậy đã khiến họ vấp phạm.  Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Dân làng Nadaret quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu.  Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài, họ lấy lý lịch để thẩm định về Ngài.  Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch.”  Chính Nathanael cũng còn mang nặng quan niệm thành kiến đó: “Nadaret có cái gì tốt đâu?” (Ga 1,46).  Những người Do thái cố chấp nhìn Đức Giêsu bằng lăng kính của thành kiến quê hương và họ đã đưa Ngài lên ngọn đồi và định xô xuống vực.

Đức Giêsu “ngạc nhiên vì sự không tin của họ.”  Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật.  Dân làng Nadaret “vấp ngã vì Người,” họ không chấp nhận, họ không thể tin vào Đức Giêsu.  Ngài mạc khải cho họ về nguồn gốc thiên sai của mình qua những lời giảng dạy khôn ngoan và các phép lạ, nhưng họ lại chỉ bám lấy thành kiến cố hữu.  Chính thái độ bám ghì lấy, không dám buông bỏ những hiểu biết giới hạn nên họ không thể nhận biết Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ.  Đức Giêsu không thể làm được phép lạ nào tại đó vì họ không tin.

Dân làng Nadaret không tin vì thành kiến.  Họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong những định kiến hẹp hòi.  Vì thế, họ không thể thấy được những chân trời rộng lớn và mới mẻ mà Đức Giêsu mở ra cho họ.  Có ai ngờ Đấng Cứu Thế lại là người đơn sơ, khiêm hạ như thế.  Đức Giêsu không sống như một siêu nhân, Ngài sống bình dị như mọi người trong mọi thực tại hằng ngày của cuộc sống gia đình.

Những người đồng hương của Đức Giêsu thật “dại”, thay vì “một người làm quan cả họ được nhờ” nhưng họ lại đánh mất cơ hội khi quan niệm “bụt nhà không thiêng.  Thành kiến kiểu “nhìn mặt là biết số nhà” khiến người ta không ít lần rơi vào sai lầm khi nhìn đến tha nhân.

Thành kiến là ý kiến có sẵn từ lâu trong đầu óc, không thay đổi được.  Thành kiến có thể là của cá nhân hay của tập thể.  Nếu là của tập thể thì nó tích tụ từ lâu đời qua nhiều thế hệ và hầu như không thể thay đổi được.  Thành kiến là những nếp suy nghĩ, quan điểm, niềm tin chủ quan sẵn có, thường là tiêu cực đối với một người, một nhóm người dựa trên lối sống, nghề nghiệp, quan điểm chính trị, màu da, sắc tộc, quốc tịch, tôn giáo, giới tính…  Thành kiến thường được định hình trong con người theo thời gian, từ trải nghiệm của bản thân, do được tuyên truyền, do thế hệ trước truyền lại, do môi trường sống.  Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của con người, không ai thoát khỏi.

Thành kiến là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự yên trí, phán đoán mọi người mọi vật theo những quan niệm làm sẵn, có sẵn trong đầu óc, nhất là khi những tư tưởng có sẵn đó lại sai lạc, thì có thể đưa đến những hậu quả sai lầm hoặc nguy hại.  Ai đeo kính đen nhìn cái gì cũng tối tăm; lưỡi đắng ăn gì cũng đắng; lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ.  Yêu nên tốt, ghét nên xấu.  Yêu nhau yêu cả đường đi.  Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.  Thật dễ để nhận ra hay để nói về sai lầm của người khác.

Thành kiến làm cho người ta mù quáng, không nhận định khách quan nên khó có thể đối thoại, cởi mở với người khác, không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi tha nhân.

Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng sự kiện dân làng Nagiarét ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu rao giảng trong hội đường, và kết thúc bằng sự ngạc nhiên của Chúa khi Ngài thấy họ không tin.  Làm sao họ không ngạc nhiên được khi lời rao giảng và những dấu lạ Ngài làm tỏ rõ Ngài là Đấng đầy quyền năng và khôn ngoan?  Thế nhưng, sự ngạc nhiên ấy không đủ để thay đổi thành kiến của họ về Ngài.  Họ không thể chấp nhận một bác thợ bình thường, là người đồng hương họ quen biết, lại là vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến.  Và càng không thể chấp nhận được một con người như Ngài lại cả dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô.  Hạnh phúc được tin vào Đức Kitô, đáng lẽ họ nhận được lại bị mất vì một thành kiến.

ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi thành phần trong Hội Thánh “không bao giờ đóng kín nơi chính mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ.  Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 45).

Đức Maria được ca tụng là có phúc vì đã tin (Lc 1,45).  Chúng ta cũng thật có phúc vì đã tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người và là Đấng Cứu Thế của nhân loại.  Đức tin là ân huệ quý giá nhất trong cuộc đời, nhờ đó, mọi việc, dù nhỏ bé, âm thầm đến đâu, vẫn có ý nghĩa và có thể đem lại niềm vui, bình an cho cuộc đời.

Mỗi ngày mới, chúng ta hãy bày tỏ lòng tri ân Chúa đã thương ban cho mình ơn đức tin qua đời sống chuyên cần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ.

Lạy Chúa Giêsu, con cảm thấy hạnh phúc khi đi theo Chúa, khi làm môn đệ Ngài.  Xin Chúa giúp con sống tốt tư thế môn đệ ấy.  Xin giúp con luôn quảng đại và khiêm tốn trong lời nói, trong những nhận định về nhau và nhất là xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi anh chị em con.  Amen!

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

CHỨNG TÁ CỦA SỰ HIỆP NHẤT TRONG ĐA DẠNG

Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.  Mừng kính các ngài, chúng ta nhớ đến hai đấng như là những mẫu gương sáng ngời về đời sống chứng tá cho đức tin qua tinh thần hiệp nhất trong đa dạng.  Các ngài còn được ví như những người tiên phong trong công cuộc loan báo Tin Mừng; như những vì sao sáng trong Giáo Hội; như những vị tướng anh hùng trong trận địa đức tin.

Tuy nhiên, nhìn lại cuộc đời của hai thánh, chúng ta thấy các ngài là những con người rất đỗi bình thường.

Thánh Phêrô được biết đến như một con người bình dân học vụ, phát xuất từ một gia đình bình thường làm nghề ngư phủ, không gì nổi trội và nhiều điểm bất toàn như: tính nóng nảy, ăn nói không thông, cư xử cục mịch, nhanh tin nhưng cũng vội phủ nhận, can trường nhưng cũng không thiếu những lúc nhát đảm, và tội lớn nhất của Phêrô chính là chối Chúa đến ba lần.

Còn thánh Phaolô thì: xuất thân từ một gia đình tri thức, ăn nói thông thạo, lý luận sắc bén, tài cao hiểu rộng…  Ngài còn được biết đến dưới bóng dáng của một kẻ bắt đạo khét tiếng.  Quả thật, Phaolô ghét Danh Giêsu đến nỗi chỉ cần ai nói về Danh ấy thôi thì Phaolô cũng tìm mọi cách để triệt hạ.

Nhưng từ lúc Phêrô nhận ra ánh mắt nhân từ của Đức Giêsu khi ông chối Ngài đến ba lần; Phaolô được Đức Giêsu mặc khải qua vụ ngã ngựa lịch sử và chữa cho sáng mắt cách lạ thường, thì cả hai đấng đều có chung một thái độ là cảm nghiệm được Đức Giêsu yêu thương đặc biệt, nên ăn năn sám hối và quyết tâm thay đổi cuộc đời.

Nếu trước kia, các ngài ghét danh Giêsu, hay sợ không dám nói và làm chứng về Danh ấy, thì giờ đây, cả hai đều chỉ còn mối lợi tuyệt đối là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của các ngài mà thôi và suốt cuộc đời còn lại dù thuận tiện hay không, các ngài luôn sẵn sàng loan báo về Đức Giêsu và ơn cứu độ mà Ngài mang đến cho nhân loại qua cái chết trên Thập giá và sự phục sinh vinh hiển.

Thật vậy, nơi các ngài, tuy nhiều điểm khác biệt, nhưng từ khi Đức Giêsu chiếm lĩnh tâm hồn, các ngài đã trở nên chứng nhân cho Chúa: can đảm, kiên trung và chấp nhận chết để bảo vệ đức tin và lời giảng của mình là xác thực.

Các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Đức Giêsu.  Các ngài đã chấp nhận sự đa dạng, nhưng hiệp nhất với nhau trong cùng đức tin và lòng mến.

Hai con người; hai tính cách; hai lối rao giảng khác nhau, nhưng cả hai đều có chung một mục đích.  Chính Đức Giêsu đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một nơi tình yêu và trong Ngài.

Lời nguyện tiền tụng thánh lễ hôm nay cho thấy rõ nét tính cách của hai Tông đồ trụ của Giáo Hội: thánh “Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Israel, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân” (x. Lời Tiền Tụng).

Thật vậy, thánh Phêrô và Phaolô đã trở nên biểu tượng đức tin bất khuất cho Giáo Hội, trở nên đá tảng xây dựng Kinh Thành Muôn Thủa, trở nên kiểu mẫu của sự hiệp nhất trong đa dạng.

Được như thế, là vì các ngài khác nhau trong những điều phụ, nhưng hiệp nhất với nhau trong những điều chính và cùng chung một tình yêu trong tất cả mọi hoàn cảnh.

Vì thế, các ngài xứng đáng lãnh phần thưởng mà Thiên Chúa trao tặng cho người tôi tớ trung tín và khôn ngoan, được muôn dân truyền tụng và thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.

Nhân dịp mừng lễ của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta nhận ra sự quan phòng kỳ diệu mà Thiên Chúa đã ban cho các ngài.  Đồng thời cũng từ cuộc đời, ơn gọi và sứ mạng của hai thánh, chúng ta học được nơi các ngài những bài học quý báu trong hành trình môn đệ và sứ mạng của chúng ta:

Trước hết, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được nhận ra ơn gọi và chỗ đứng của mình trong lòng Giáo Hội để sẵn sàng thi hành bổn phận cách đặc thù mà Chúa muốn chúng ta thực thi để danh Chúa được rạng rỡ.

Thứ đến, chúng ta cũng nhận ra sứ mạng cứu độ phổ quát mà Thiên Chúa muốn trao ban cho nhân loại, hầu sẵn sàng loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi và mọi thời, để đem lại niềm vui, hy vọng cho con người và thế giới hôm nay.

Tiếp theo, chúng ta hãy noi gương các ngài để yêu mến Chúa tha thiết, khiêm tốn, sám hối, trở về, can đảm và sẵn sàng làm chứng cho Đấng đã hiến mình làm của lễ đền tội cho chúng ta.

Cuối cùng, noi gương các ngài, chúng ta sẵn sàng ngoan ngùy để Chúa Thánh Thần dẫn dắt, hầu trở nên dấu chỉ của sự hiệp nhất và làm cho sự phong phú, phổ quát của ơn cứu độ được loan đi đến tận chân trời góc bể.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội hai mẫu gương tuyệt vời là thánh Phêrô và Phaolô.  Qua cuộc đời của các ngài, xin cho chúng con biết cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội bằng sự cảm thông, tôn trọng trong khi thi hành sứ vụ, hầu Tin Mừng được loan đi khắp nơi, bằng nhiều cách thế khác nhau nhưng vẫn giữ được sự tinh tuyền của đức tin.  Amen.

 Jos.Vinc. Ngọc Biển

ĐỐI DIỆN VỚI GIỜ PHÚT KHÓ KHĂN CỦA CHÚNG TA

Phân định không phải là chuyện dễ dàng.  Chúng ta thử giải quyết vấn đề nan giải này: khi chúng ta thấy lòng mình ở trong tình trạng lo âu cực độ, liệu chúng ta có lơ đi cho rằng một đau đớn như thế là dấu chỉ rằng đây không phải là nơi phù hợp với chúng ta, rằng có cái gì đó sai lầm ở đây không?  Hoặc, như Chúa Giêsu, chúng ta chấp nhận ở lại và nói với chính mình, với người thân, với Chúa: “Con sẽ nói gì bây giờ, cứu con khỏi giây phút này sao?”

Khi Chúa Giêsu đối diện với cái chết sỉ nhục trên thập giá, Tin Mừng Thánh Gioan có ám chỉ đến việc Ngài được đề nghị một cơ hội để trốn thoát.  Một phái đoàn người Hy Lạp, qua trung gian thánh Philiphê đề nghị Chúa Giêsu đi với họ, đến một nhóm sẽ đón Ngài và thông điệp của Ngài.  Như thế Chúa Giêsu phải chọn: Chịu đựng nỗi thống khổ, tủi nhục và chết với cộng đoàn, hay từ bỏ cộng đoàn này để đến với cộng đoàn sẽ chấp nhận mình.  Chúa Giêsu đã làm gì?  Chúa Giêsu cũng sẽ đặt câu hỏi: “Tôi sẽ nói gì bây giờ, cứu tôi khỏi giây phút này sao?

Dù câu này được xem là câu hỏi, nhưng đó là câu trả lời.  Ngài đã chọn ở lại, đối diện với lo âu, với sỉ nhục, với đau đớn vì Ngài thấy đây là lòng trung tín chính xác, Ngài được mời gọi trong chính tình yêu mà Ngài rao giảng.  Ngài xuống thế để nhập thể, để giảng dạy thế nào là tình yêu thực sự và bây giờ cái giá phải trả cho những chuyện này là sỉ nhục, là lo âu, Ngài biết và chấp nhận những gì đòi hỏi Ngài bây giờ.  Nỗi đau Ngài chịu không có nghĩa là Ngài đã làm cái gì đó sai, Ngài ở không đúng nơi, hoặc cộng đoàn này không đáng để Ngài chịu đau khổ này.  Ngược lại: nỗi đau được hiểu là cách thể hiện lòng trung tín sâu thẳm nhất của chính sứ vụ và thiên chức của Ngài.  Cho đến lúc này, chỉ có những lời kêu xin Ngài, bây giờ chúng ta xin Ngài nâng đỡ chúng ta trong thực tế; Ngài cần phải nuốt khó khăn để làm.

Tôi sẽ nói gì bây giờ, cứu tôi khỏi giây phút này sao?  Chúng ta có đủ khôn ngoan và quảng đại để nói những lời này khi, trong sự dấn thân riêng của mình, chúng ta bị thách thức chịu đựng nỗi lo âu nóng bỏng trong lòng này không?  Khi Chúa Giêsu đặt câu hỏi này, những gì Chúa phải đối diện là tấm gương gần như hoàn hảo cho các tình huống mà đôi khi chúng ta phải đối diện.  Trong hầu hết mọi dấn thân, nếu chúng ta trung thành thì sẽ có khi chúng ta phải chịu đựng một nỗi lo âu trong lòng (và cũng có khi do hiểu lầm bên ngoài), chúng ta phải đối diện với một quyết định khó khăn: nỗi đau và sự hiểu lầm này (dù cho đó là do sự non nớt của chính mình) có phải là dấu chỉ tôi ở không đúng chỗ, tôi phải ra đi và tìm một ai khác, một cộng đoàn nào khác cần đến tôi không?  Hoặc bên trong nỗi lo âu nội tâm này, hiểu lầm do bên ngoài, do sự non nớt của cá nhân tôi, tôi được gọi để nói: Tôi sẽ nói gì bây giờ, cứu tôi khỏi giây phút này sao?  Đây là điều tôi đã được gọi!  Tôi sinh ra để làm điều này!

Tôi nghĩ câu hỏi này rất quan trọng vì thường nỗi lo thường xuyên trong lòng có thể làm lung lay các cam kết dấn thân chúng ta, thúc đẩy chúng ta buông bỏ.  Các hôn nhân, các ơn gọi sống đời sống thánh hiến, các dấn thân làm việc cho công lý, cho cộng đoàn tu sĩ và các dấn thân cho gia đình, bạn bè có thể bị buông bỏ vì đương sự nghĩ rằng không ai được gọi để sống trong lo âu tột độ, bị sầu khổ và hiểu lầm như vậy.  Thật vậy, ngày nay nỗi đau, sầu khổ, hiểu lầm chung chung được xem như dấu chỉ để từ bỏ những chuyện mình đã dấn thân để đi tìm một ai khác, một cộng đoàn khác sẽ khẳng định mình, thay vì xem đây là dấu chỉ, bây giờ, chỉ có bây giờ, chỉ có giờ phút này, bên trong sự lo âu đặc biệt, sự hiểu lầm này, chúng ta mới có dịp mang lại ân sủng cho đời sống dấn thân của mình.

Tôi đã chứng kiến nhiều người từ bỏ hôn nhân, từ bỏ chức thánh, từ bỏ đời sống tu trì, từ bỏ cộng đoàn tôn giáo, từ bỏ bạn bè thân yêu, từ bỏ các dấn thân phục vụ cho công lý và hòa bình vì có một lúc nào đó họ cảm nhận mình quá đau và bị hiểu lầm.  Và trong nhiều trường hợp này, tôi cũng thấy thực tế hóa ra là một điều tốt.  Tình huống họ gặp không tốt cho họ cũng như cho người khác.  Họ phải được cứu khỏi “lúc này.”  Trong một vài trường hợp, điều ngược lại là đúng.  Họ đau đớn tột cùng, nhưng nỗi đau đó là lời mời đến một nơi sâu đậm hơn, mang lại sự sống hơn trong đời sống dấn thân của họ. Họ rời đi, ngay lúc họ nên ở lại.

Chắc chắn, phân định không phải là chuyện dễ.  Không phải lúc nào cũng vì thiếu quảng đại mà chúng ta từ bỏ dấn thân.  Một số người quảng đại nhất, vị tha nhất mà tôi quen biết đã từ bỏ hôn nhân, chức thánh, đời sống tu trì hay bỏ giáo hội của mình.  Nhưng tôi viết điều này vì ngày nay, nhiều tài liệu tâm lý và thiêng liêng đáng tin cậy không đủ làm nổi bật thách thức, như Chúa Giêsu đã trụ vững bên trong nỗi đau đớn tột cùng, hiểu lầm, nhục nhã của mình, thay vì bỏ đi để đến với một ai đó, một cộng đoàn nào đó chấp nhận và hiểu nỗi khao khát của mình, thì chúng ta chấp nhận nó sẽ mang đến sự sống hơn khi nói: Tôi sẽ nói gì bây giờ, cứu tôi khỏi giây phút này sao?

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ĐẤNG CHỮA LÀNH

Thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19.  Đã gần 2 năm, đại dịch gây biết bao hậu quả nghiêm trọng trong mọi lãnh vực.  Một con virus mắt thường không thấy mà có sức phá huỷ ghê gớm.  Số người chết vì Covid-19 tính đến giữa tháng 6-2021 đã lên tới gần 4 triệu người.  Một số người đã nhận định đại dịch là hình phạt của Thiên Chúa.  Lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta: không phải vậy.  Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của sự dữ.  Không những thế, Ngài còn là Đấng chữa lành những thương tổn về tinh thần và thể xác của con người.

Thiên Chúa không tạo nên sự ác. Ngài cũng không muốn cho con người phải chết. Tác giả sách Khôn ngoan nói với chúng ta như vậy. Tình yêu thương của Thiên Chúa thể hiện qua việc Ngài tạo dựng vũ trụ trời đất và con người.  Một tác giả đã viết: yêu thương tức là muốn cho người khác hiệu hữu (Aimer, c’est vouloir que l’autre soit).  Chúng ta được hiện hữu trên đời là do kết quả tình yêu thương của Thiên Chúa.  Một câu hỏi được đặt ra: nếu Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, vậy sao con người vẫn phải chết?  Vì quỷ dữ ghen tỵ nên cái chết đã xuất hiện trên thế gian.  Vậy, tại sao sự dữ vẫn hiện hữu: thưa, do con người gây nên.  Con người không tuân thủ trật tự Chúa đã xếp đặt, đi ngược lại ý muốn của Đấng Tạo Hoá, phá huỷ công trình sáng tạo của Ngài, nên sự dữ vẫn tồn tại trên thế gian.

Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai.  Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến thế gian để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất (x. Lc 19,10).  Trong trình thuật của thánh Máccô hôm nay, chúng ta sẽ thấy có 4 nhân vật chính: Chúa Giêsu, người cha đang đau khổ, bé gái 12 tuổi đã chết và người phụ nữ mắc bệnh đã 12 năm.

Hai nhân vật, ông trưởng Hội đường và người phụ nữ, đều có điểm giống nhau là đức tin, tuy mỗi người thể hiện một cách khác nhau.  Ông trưởng Hội đường thì trực tiếp đến gặp Chúa và xin Người chữa lành con gái ông đang đau nặng gần chết.  Người đàn bà thì kín đáo tế nhị hơn, vì bệnh của bà không tiện nói ra, nhưng ý chính là bà tin vào quyền năng xuất phát từ Chúa Giêsu.  Người phụ nữ chỉ mong sao chạm được vào áo Chúa; viên cai quản Hội đường lại sấp mình nài nỉ van xin.  Cả hai hình thức đức tin đều xuất phát từ lòng xác tín và cậy trông.  Hai người đều tin chắc chắn rằng Đức Giêsu có thể làm được điều họ đang kêu xin.  Tuy vậy, xem ra sự xác tín của người phụ nữ có vẻ mạnh mẽ hơn.  Bà không dám được Chúa biết đến hay can thiệp.  Bà chỉ cần chạm vào áo Người.  Trong khi đó, viên cai quản Hội đường, khi thấy con mình đã chết, đã bị dao động băn khoăn.  Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đều nhắc đến “đức tin.”  Nếu Người ngỏ lời với người phụ nữ để khen đức tin của bà, thì với viên cai quản Hội đường, Người lại mời gọi ông hãy vững tin.  Người hiểu tâm trạng của ông khi nghe tin con mình đã chết.  Người cũng hiểu nỗi khổ đau của người phụ nữ mang bệnh lâu năm cần được chữa lành.

Trước nhu cầu của hai nhân vật này, Chúa Giêsu như một lang y vừa quyền thế vừa luôn sẵn sàng phục vụ.  Xin lưu ý: chủ đề chính của Tin Mừng thánh Máccô là trình bày Chúa Giêsu như một người phục vụ.  Hai phép lạ được trình bày đan xen, vừa gây sự hấp dẫn vừa diễn tả nhu cầu cấp thiết của các bệnh nhân: bé gái và người đàn bà.

Vì con người được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa” (x St 1,27), mỗi tín hữu có sứ mạng làm cho sự tốt lành của Chúa lan tỏa nơi lòng cuộc đời.  Nếu hôm nay, Đức Giêsu không hiện diện hữu hình bằng xương bằng thịt để chữa lành những bệnh nhân, thì Người lại đang mượn cánh tay và tấm lòng của chúng ta để đem tình thương đến cho người bất hạnh, đem niềm vui cho người sầu khổ và đem tự do cho người bị giam cầm.  Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu thành Côrintô hãy quảng đại trong cuộc lạc quyên giúp người nghèo.  Theo vị Tông đồ dân ngoại, Đức Giêsu là gương mẫu cho chúng ta về lòng quảng đại, vì Người là Đấng “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em được giàu có” (Bài đọc II).  Mọi sự chúng ta có đều do Chúa ban.  Hơn nữa, chúng ta giàu có là do Chúa đã trở nên nghèo vì chúng ta.  Chính vì thế, san sẻ cho tha nhân là chúng ta làm cho hình ảnh Chúa trở nên rạng ngời nơi cuộc đời này.  Sự sẻ chia không làm cho chúng ta nghèo đi, nhưng trái lại, giúp cho chúng ta trở nên phú quý hơn trong cuộc sống.

Người đàn bà bị bệnh đã mười hai năm được Chúa chữa lành.  Bé gái con ông trưởng hội đường đã chết được Chúa cho sống lại….  Biết bao điều kỳ diệu hôm nay Chúa vẫn đang thực hiện nơi lòng cuộc đời, nếu chúng ta có đức tin vững vàng và lòng cậy trông sâu xa.  Ông Chesterton, văn sĩ, thần học gia và triết gia người Anh (1874-1936) đã viết: “Hãy cầu nguyện như thể mọi sự đều tùy thuộc vào Thiên Chúa.  Hãy hành động như thể mọi sự đều tùy thuộc vào chúng ta.  Quả vậy, khi quyền năng của Thiên Chúa và thiện chí của con người gặp gỡ nhau, thì những điều kỳ diệu sẽ xảy đến trong cuộc đời.

TGM Vũ Văn Thiên

CHỨNG NHÂN CỦA CÕI VĨNH HẰNG

Khi nhìn thánh Gioan Baotixita, tôi thấy vẻ bề ngoài của Ngài không có gì hấp dẫn cả.  Y phục thì khó nghèo.  Ăn uống khổ cực.  Cách sống khắc khổ.  Chỗ ở thô sơ.  Lúc ở rừng rú, lúc thì sa mạc, nay đây mai đó.

Thế mà, con người như vậy lại được Phúc Âm gọi là đấng dọn đường cho Chúa, là đấng làm phép rửa cho Đức Kitô, là đấng giới thiệu Chúa Cứu thế, là đấng trọng hơn mọi người nam trên thế gian này.

Điều đó chứng tỏ những vẻ đẹp bề ngoài chưa hẳn là thước đo giá trị con người.  Thước đo giá trị con người chính là cái đẹp bên trong, cái đẹp nội tâm, cái đẹp phản ánh những chân thiện mỹ vĩnh hằng.

Riêng đối với tôi, thánh Gioan Baotixita lôi cuốn tôi do mấy điểm sau đây của Ngài.

Điểm thu hút thứ nhất là nếp sống tu thân

Việc tu thân của Ngài không phải chỉ là từ bỏ đời sống sung túc, dễ chịu để chọn cuộc đời nghèo khó, khắc khổ.  Nhưng nhất là ở chỗ Ngài rất khiêm nhường.  Ngài ví mình như tiếng kêu trong sa mạc.  Ngài coi mình chỉ là kẻ dọn đường cho Chúa.  Ngài nhận mình hèn mọn thấp kém, đến nỗi không đáng cởi dây giày cho Đấng Cứu thế.  Ngài mong muốn bước xuống thực thấp, thực sâu để Đấng Cứu thế được nổi lên thực cao, sao cho mọi người biết đến mà tôn kính tôn thờ.

Nếp sống tu thân của thánh Gioan Baotixita rất xa lạ với lối tu thân nơi một lớp người tôn giáo thời đó và thời nay.  Họ tu thân mà vẫn lo tìm thăng tiến địa vị, hưởng thụ quyền lợi, lạm dụng chức tước.

Khi phong hoá bị suy đồi, tôn giáo bị tha hoá, nhân tố có sức cải cách sẽ phải là người tu thân đích thực ở trình độ cao.  Thánh Gioan Baotixita được đào tạo suốt mấy chục năm tu thân trong sa mạc.  Với nét tu thân dày dạn đó, Ngài vào đời với đầy ơn Chúa Thánh Thần và một uy tín rất lớn.  Chính nét tu thân đầy uy tín đó đã lôi cuốn những người thiện chí, để họ sẵn sàng nghe lời Ngài giảng.  Đề tài giảng của Ngài là rất đơn sơ nhưng rất căn bản.  Đó cũng chính là một sức thu hút rất mạnh.

Vì thế, đối với tôi,

Điểm thu hút thứ hai là đề tài giảng của Ngài

Đề tài giảng của Gioan Baotixita được tóm lại trong một lời thôi.  “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2).  Có sám hối, thì mới tránh được cơn thịnh nộ của Chúa (Mt 3,7).  Có sám hối thì công việc ta làm mới sinh được kết quả tốt (Mt 3,8).  Sám hối là một cách rửa tâm hồn cho sạch, để nên người tốt, để nên con Chúa, và để đón nhận Nước Trời đang tới.  Nước Trời chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại.

Khi thấy Chúa Giêsu đang tiến lại về phía mình, thánh Gioan Baotixita nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xoá tội trần gian…  Tôi đã thấy Thánh Thần từ trời xuống ngự trên Ngài…  Ngài là Đấng mà Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,29-34).

Một điều đáng chú ý, là khi Đức Kitô đã xuất hiện công khai, thì thánh Gioan Baotixita tìm cách lui vào bóng tối.  Ngài muốn dồn hết danh dự cho Đấng Cứu thế.  Ngài như muốn mọi người quên Ngài đi, để tập trung vào một Đức Giêsu Kitô thôi.

Tôi thấy sám hối và tập trung vào Đức Kitô là đề tài giảng rất cần thiết, để cải cách tôn giáo thời đó.  Thời nay thiết tưởng cũng rất cần đề tài như vậy.  Nhất là khi lương tâm nhiều người đang mất dần ý thức về tội, và khi Công giáo nhiều nơi đang đặt trọng tâm vào quá nhiều thứ cứu độ, còn chính Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất, thì bị lu mờ.  Các thứ trung gian thi nhau che khuất Ngài.  Sự kiện đáng buồn đó là một tiếng báo động.  Chúng ta nên thức tỉnh trở về với gương thánh Gioan Baotixita.

Điểm thu hút sau cùng nơi thánh Gioan Baotixita là sự vững vàng phó thác trong những thử thách

Thánh Gioan Baotixita đã gặp nhiều thử thách nặng nề, nhất là về mặt đức tin.  Phúc Âm thánh Matthêu kể rằng: “Khi Gioan đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,2-3).  Chi tiết trên đây cho ta thấy: Có thể Gioan Baotixita bị cám dỗ về con người của Đức Kitô cũng như về sứ mạng của chính Gioan.  Sứ mạng của mình là giới thiệu Đấng Cứu thế.  Mình đã giới thiệu Đấng đó.  Nhưng Đấng đó có thực sự là Đấng Cứu thế không đây?  Cơn cám dỗ như vậy có thể xảy ra cho Gioan.  Trong cảnh tù cô đơn, cơn cám dỗ đó làm Gioan ray rứt, đắng cay.  Nếu mình sai, thì mình sẽ bị coi như giả dối và vô dụng.

Nhưng Gioan đã vững vàng phó thác vào Chúa.  Phó thác bằng cách sai môn đệ đến hỏi Đức Kitô.  Phó thác bằng cách chấp nhận câu trả lời của Đức Kitô.  Phó thác bằng cách vui lòng chết trong tù, mà không xin Đức Kitô làm phép lạ cứu Ngài ra khỏi cảnh bất công đó, để tiếp tục ra đi dọn đường phục vụ Đấng Cứu thế.  Ngài dâng mình làm của lễ cho chính tình yêu.

Với ba nét thu hút trên đây, thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của cõi vĩnh hằng.  Ngài nhìn về phía trước.  Ngài sống cho phía trước.  Phía trước có cõi đời đời.  Trong cõi đời đời đó có Thiên Chúa hằng sống đang chờ đợi các con cái Người.  Con cái Người sẽ đến được với Người nhờ tu thân, nhờ sám hối, nhờ tin cậy Đức Kitô, nhờ vững vàng vượt qua thử thách.  Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy là chứng nhân như thánh Gioan Baotixita, tại Việt Nam này, ở địa phương này, trong hoàn cảnh hiện nay.  Chúng ta rất yếu đuối, nhưng chính trong sự yếu đuối đầy khiêm nhường và tin cậy, Chúa sẽ tỏ sức mạnh của Người.

Xin thánh Gioan Baotixita cầu bầu cho chúng ta.

Đức Cha JB. Bùi Tuần