THÁNH INHAXIO, TỔ PHỤ DÒNG TÊN, LÀ AI?

Thánh Inhaxio, tổ phụ dòng Tên, tên thật là Inigo Lopez de Loyola, sinh năm 1491 tại xứ Basque, Tây Ban Nha.  Vốn tính tình ương bướng và đầy tham vọng, ngay từ nhỏ, Inigo đã không từ khước bất cứ một thủ đoạn nào để mong sao có được một chỗ đứng vững chắc trong xã hội và trong triều đình.  Thế nhưng, ngài luôn phải nhận lấy những thất bại dù ngài rất tài năng.

Trong một trận chiến diễn ra tại Pamplona năm 1521, ngài đã bị một viên đại bác bắn vào chân.  Ngài được đưa về Loyola để dưỡng thương.  Để bảo toàn tính mạng cho ngài, người ta đã phải thực hiện những cuộc phẫu thuật ở chân.  Những cuộc phẫu thuật ấy diễn ra hết sức đau đớn đến độ anh của ngài khi chứng kiến cũng phải thừa nhận là bản thân không thể chịu được cơn đau như thế.  Vậy mà chẳng ai nghe Inigo kêu la hay rên rỉ một lần nào.  Ngay trên giường bệnh, đối diện với sự thất bại tràn trề, Inigo vẫn không từ bỏ tham vọng theo đuổi những vinh hoa thế gian của mình.  Khi thấy vết thương đã làm cho chân mình trở nên xấu xí, hai đôi chân không còn bằng nhau, Inigo đã nhất quyết xin bác sĩ phẫu thuật “thẩm mỹ” lần nữa, vì ngài không thể chấp nhận một thân hình khập khiễng như thế này.  Trước sự cương quyết của ngài, cả gia đình và các bác sĩ đành ưng thuận.  Tuy nhiên, đôi chân ngài cũng không thể lành lặn như xưa.  Do di chứng của vết thương này mà cả cuộc đời, ngài phải đi “cà nhắc.”

Inigo vẫn còn mơ tưởng rất nhiều đến một cuộc sống quyền lực và xa hoa.  Trong thời gian dưỡng thương ở nhà, do quá buồn chán, ngài đã xin chị dâu cho mình vài cuốn tiểu thuyết lãng mạn đọc để giết thời gian.  Nhưng chẳng có cuốn sách nào trong toà lâu đài ngoại trừ cuốn Hạnh Các Thánh và Cuộc Đời Đức Giêsu.  Bất đắc dĩ, ngài mới chịu cầm lấy.  Đôi mắt Inigo như chợt bừng sáng vì ngài khám phá ra được những điều mà bấy lâu nay ngài không biết.  Ngài tự hỏi về ý nghĩa cuộc đời mình, về những gì mình đang theo đuổi.  Thế rồi, ngài quyết tâm từ bỏ con người cũ, sống theo một lý tưởng mới.  Vào một đêm nọ, ngài đã thấy Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi hiện ra với mình.  Thị kiến này hệt như một cuộc xác chuẩn cho đời sống mới mà Thiên Chúa dành cho Ngài.

Khi bình phục, bất chấp những phản đối của gia đình, ngài đã âm thầm trốn đi, mang trong mình ý hướng sẽ đi hành hương đất thánh, và tìm một lý tưởng mới cho mình.  Để khỏi bị phát hiện, ngài đã đổi quần áo sang trọng của mình với một người ăn xin.  Ở Monserat, ngài đã thực hiện một cuộc canh thức thâu đêm rồi dâng thanh kiếm của mình trước ảnh Đức Mẹ ở đây để thể hiện ý muốn quyết tâm từ bỏ mọi sự.

Inhaxio đã trải qua thời kỳ thanh luyện rất gian khổ ở Mansera.  Tại đây, do không có kinh nghiệm gì về đời sống thiêng liêng, ngài đã phải tự mày mò để tìm cho mình một lối sống.  Ngài đã cầu nguyện rất nhiều giờ, ăn chay, nhiệm nhặt, đánh tội.  Cứ tưởng rằng những điều này sẽ mang đến cho ngài niềm hạnh phúc.  Nhưng càng lúc ngài càng cảm thấy cuộc sống mình thật bế tắc.  Những cơn cám dỗ bảo ngài hãy bỏ cuộc lần lượt kéo tới.  Ngài đã cầu nguyện, đi lễ, xưng tội, gặp các cha linh hướng nhiều lần để xin lời khuyên nhưng tất cả đều vô nghĩa.  Ngài buồn bực đến độ đã có lúc nghĩ đến chuyện tự tử vì thấy mình mất đi hướng sống.

Chính trong cơn túng quẫn ấy, Thiên Chúa lại đến với ngài qua những thị kiến và dạy dỗ ngài như thầy giáo dạy một học trò nhỏ.  Một trong những ơn nổi tiếng nhất xảy ra tại bờ sông Cardoner.  Mọi sự diễn ra chỉ trong chớp nhoáng nhưng những gì mà ngài nhận được lúc ấy còn hơn tất cả những gì ngài đã học được trong suốt quãng đời còn lại.

Ngài bắt đầu thay đổi đời sống, từ bên ngoài đến bên trong.  Ngài ăn uống đàng hoàng, để râu tóc gọn gàng, tắm rửa sạch sẽ và bắt đầu thực thi những công việc tông đồ.  Ngài đến Giêresalem và muốn ở lại đây nhưng không được, buộc ngài phải về lại châu Âu.  Ngài muốn giúp đỡ người khác nhưng vì không có bằng cấp gì nên việc giảng dạy giáo lý của ngài gặp phải sự chống đối của giáo quyền.  Toà dị giáo sợ rằng ngài đang truyền bá những tư tưởng lạc đạo, và dù họ không tìm thấy một sai phạm nào trong những lời dạy của ngài, họ vẫn bắt và bỏ tù ngài đến hai lần.  Nhận thấy rằng việc tông đồ của mình sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có bằng cấp được Giáo Hội công nhận, ngài đã quyết tâm sang Paris để học.  Tại đây, ngài đã gặp và kết bạn với Phêrô Favre, và Phanxico Savie.  Hai sinh viên trẻ này đã sớm có ấn tượng về đời sống thiêng liêng của Inhaxio.  Ba người giúp nhau trong học tập và nhanh chóng trở nên thân thiết với nhau.

Sau đó, cũng có một số người khác được đời sống của Inhaxio cảm hoá.  Họ trở thành một nhóm bạn thân thiết, có chung với nhau một lý tưởng là phục vụ Chúa bằng cả cuộc đời mình.  Tại Montmartre, họ đã tuyên khấn khiết tịnh và khó nghèo để sống cho lý tưởng này.  Tất cả đều muốn đến Giêrusalem để sống và chết cho Chúa.  Nhưng vì lý do khách quan, họ đã không đi được.  Họ không biết làm gì nên đành quay về Roma, với ý định sẽ đặt mình dưới quyền sai khiến của Đức Thánh Cha.  Họ chia ra thành những nhóm nhỏ để về.

Inhaxio đi cùng với hai người nữa.  Đến một nhà nguyện nhỏ ở La Storta, đang lúc cả ba đang cầu nguyện thì Inhaxio được ban cho một thị kiến nữa.  Ngài thấy Chúa Cha, tay chỉ vào ngài, mắt nhìn Chúa Con đang vác thập giá và nói rằng: “Ta muốn con nhận người này là người phục vụ.”  Chúa Con đã nhìn Inhaxio và nói rằng: “Ta muốn con phục vụ Chúng Ta.”  Đối với Inhaxio, thị kiến này chính là một sự xác chuẩn cho ý muốn phục vụ Chúa và Giáo Hội của ngài.

Về tới Roma, nhóm bạn đã nhanh chóng gặp Đức Giáo Hoàng và trình bày ước nguyện.  Đức Giáo Hoàng đã rất vui khi có một nhóm người vừa tri thức, vừa thiêng liêng đồng tâm hiệp lực giúp đỡ mình.  Thế rồi, Giáo Hoàng đã trao cho họ những sứ mạng quan trọng ở khắp nơi trên thế giới.

Trước nguy cơ nhóm có thể tan rã vì mỗi người một phương, chẳng biết có còn gặp lại nhau nữa không.  Họ đã nảy sinh một ý tưởng: thành lập một dòng tu.  Trước đây, họ đã khấn hai lời khấn khiết tịnh và khó nghèo rồi.  Giờ đây, chỉ cần chọn một người và khấn lời khấn vâng phục người đó nữa thôi là được.  Qua hai lần bỏ phiếu, tất cả đều chọn Inhaxio làm bề trên.  Inhaxio, dù không muốn, nhưng nhận thấy đó là ý Chúa nên cũng chấp nhận.  Với sự chuẩn nhận của Giáo Hoàng Phaolo III, một dòng tu mới ra đời vào năm 1540, ở Việt Nam gọi là dòng Tên.  Inhaxio đã sống tại Roma từ đó cho đến cuối đời.  Ngài viết thư điều hành dòng, nâng đỡ anh em, soạn thảo Hiến Pháp.  Ngài qua đời tại căn phòng nhỏ của mình vào năm 1556 và được phong thánh năm 1622.  Hội dòng mang tên Giêsu (dòng Tên) không ngừng lớn mạnh từ đó và luôn theo đuổi lý tưởng phục vụ Chúa, và các linh hồn mà Đấng Tổ Phụ đã khơi lên.  Cho đến nay, dòng Tên là một trong số những dòng nam có số lượng tu sĩ lớn nhất trong Giáo Hội.  Các cộng đoàn dòng Tên phân bố ở rất nhiều vùng miền trên thế giới, và đảm nhận hầu hết các sứ mạng mà Giáo Hội trao phó, không trừ một mảng nào: từ truyền giáo đến giảng dạy, nghiên cứu, chăm sóc bệnh nhân, di dân, tị nạn, hoạt động mục vụ, xã hội…

Mỗi người sinh ra đều có một lịch sử, một câu chuyện và một sứ mạng.  Câu chuyện cuộc đời của mỗi người không ai giống ai nhưng tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.  Ai có thể ngờ rằng một chàng thanh niên ham quyền lực và đầy tham vọng, bất chấp mọi thủ đoạn như Inigo lại có ngày trở thành một vị thánh, Đấng Sáng Lập một dòng tu nổi tiếng, và có sức ảnh hưởng lớn như hiện nay?  Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội một vị thánh, một bậc thầy thiêng liêng, một mẫu gương cho chuyến hành hương tiến về Nhà Chúa.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: https://dongten.net

CHÚA GIÊSU LÀ BÁNH BỞI TRỜI

Tôi có dịp hành hương sang Ai Cập, đi qua sa mạc mênh mông, lên đỉnh núi Sinai cao vời vợi và đã đọc đâu đó câu này: “Cần một ngày để đưa dân Do thái ra khỏi Ai cập, nhưng cần bốn mươi năm để đưa Ai cập ra khỏi người Do thái.”

Tại sao phải mất 40 năm để đưa Ai cập ra khỏi người Do thái?  Bài đọc 1 hôm nay nêu lý do.  Dân Do thái than vãn với Môsê: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê.  Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16,3). 

Dân Do thái đã buông ra những lời trách móc nặng nề ông Môsê và ông Aharon.  Nhiều lần dân đã trách móc, xỉa xói và tỏ thái độ vô ơn bạc nghĩa đối với ông Môsê, vị đại ân nhân của họ: “Bên Ai Cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc? … Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai Cập! Thà làm nô lệ Ai Cập còn hơn chết trong sa mạc!” (Xh 14,11-12)“(Thà) chúng tôi chết … trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê … (còn hơn là) vào sa mạc này, để … phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16,2-3)“Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì?  Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không?” (Xh 17,3); “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập … Chúng tôi đã chán ngấy (manna) thứ đồ ăn vô vị này (rồi)” (Ds 21,5); “Phải chi chúng tôi chết ở bên đất Ai Cập, hoặc phải chi chúng tôi chết trong sa mạc này cho xong!  Sao Đức Chúa lại đem chúng tôi vào đất này để chúng tôi ngã gục dưới lưỡi gươm, để vợ con chúng tôi bị giặc bắt?  Chúng tôi trở về Ai Cập có tốt hơn không?” (Ds 14,2-4).

Hành trình sa mạc với nhiều thử thách là dịp thanh luyện dân tuyển chọn khỏi nỗi nhớ “thịt béo, củ hành, củ tỏi Ai Cập.”  Suốt 40 năm, họ được thử thách, tinh luyện để vào đất hứa.  Đó là thời gian giáo dục để trở thành một dân tộc, một cuộc giáo dục từ từ, dạy họ tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa bằng cách thi thố những phép lạ, dạy họ tín nhiệm vào sự quan phòng của Thiên Chúa bằng cách ban manna, chim cút và nước vọt ra từ tảng đá.  Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người trong sa mạc là một sự hiện diện đầy yêu thương.  Môsê vị lãnh đạo là khuôn mặt nổi bật nhất suốt chặng đường gian truân này.

1. Môsê, người của Thiên Chúa luôn sống liên đới với dân

 Môsê nhà lãnh đạo đã dành cả đời lo cho dân.  Ông đã trải qua biết bao đau khổ, sợ hãi và lo lắng để chăm sóc cho dân.  Nhưng dân lại trách móc, than phiền và mắng nhiếc ông.  Dân đối xử tệ bạc với Môsê.  Họ xem ông như chính là thủ phạm gây ra những đau khổ và bất hạnh cho họ và gia đình họ vậy.  Thật bất công!

Vậy mà cả đời Môsê vẫn một mực yêu thương liên đới với dân, sống chết với dân trong lời táo bạo với Chúa mà thấm đượm lòng thương dân: “Tôi không muốn một mình sống hạnh phúc bên cạnh Chúa, nếu ở đó tôi không có Dân của tôi!”

Từ ngày được Thiên Chúa gọi để lãnh đạo Dân Chúa (Xh 3,10), Môsê dần dần thấu hiểu và thâm tín rằng: vị tư tế ở giữa dân Chúa không những phải sống hoàn toàn liên đới với Thiên Chúa, mà còn phải hoàn toàn liên đới với dân Chúa.

Môsê luôn là người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa và là vị lãnh đạo quảng đại, đầy lòng xót thương, liên đới với dân cho dù dân ‘cứng cổ’, tội lỗi, bất trung.

a. Môsê, người của Thiên Chúa

Là tư tế, Môsê tường trình mọi việc của dân chúng ‘lên Thiên Chúa’ (Xh 18,19).  Ông đàm đạo và nhận chỉ thị của Thiên Chúa trong Trướng tao phùng (Xh 33,9); ông thể hiện vai trò trung gian của vị tư tế, môi giới giữa Thiên Chúa và dân, nối kết hai bên bằng máu giao ước (Xh 24,6-8); ông còn chọn Aharon và con cái Aharon để sung vào chức tư tế (Xh 28,1), cũng như thay mặt Thiên Chúa để tác thánh họ (Xh 29,1-46).  Chính việc tiếp xúc thường xuyên với ‘lãnh vực thánh’ đã dần dần khiến ông đi sâu về phía Thiên Chúa, đến độ Kinh Thánh đã không ngần ngại gọi ông là ‘người của Thiên Chúa’ (Tl 33,1; Yôs 14,6).

Môsê có những lúc tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, được chan hoà sự hiện diện của Người, mặt ông đã rạng sáng lên, dọi chiếu lại vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang mà không một người phàm nào có thể nhìn thẳng được: “Aharon và toàn thể con cái Israel trông thấy Môsê và này da mặt ông chói lọi và họ sợ không dám tiến lại với ông” (Xh 34,30).  Khi ông vào Trướng tao phùng đàm đạo với Thiên Chúa, toàn dân phủ phục (Xh 33,7-11).  Ở đó, Thiên Chúa nói chuyện với ông như nói chuyện với một người bạn thân ‘diện đối diện’ (Xh 33,11).  Ông thật sự trở nên con người mà Thiên Chúa ‘biết’ đích danh và không ngần ngại đồng hành với ông (Xh 33,12-17).  Môsê táo bạo thỉnh cầu được nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa (Xh 33,18-23).  Thiên Chúa đã nhượng bộ cho ông nhìn thấy Người…  Nhưng từ phía sau lưng: “… Ta sẽ cất bàn tay Ta đi và Ngươi sẽ nhìn thấy phía sau Ta, nhưng Nhan Ta, người ta sẽ không nhìn thấy được” (Xh 33,23).

b. Môsê, người liên đới với dân Chúa

Môsê được sống bên cạnh, thân mật với Thiên Chúa, và tâm trí ông luôn hướng về dân Chúa: “Nếu quả tôi được nghĩa với Người, xin Chúa tôi khấng đi làm một với chúng tôi, vì đó là một dân cứng cổ và Người sẽ tha thứ tội lỗi chúng tôi và cho chúng tôi làm cơ nghiệp của Người” (Xh 34,9).  Từ ngữ ‘chúng tôi’ ở đây thật cảm động!  Môsê đã không đặt mình trên dân, cũng không ở ngoài dân; nhưng hoàn toàn liên đới đến đồng hoá với dân, ngay cả nhận lãnh trách nhiệm về tội lỗi của dân.

Môsê bị phạt vì chính tội của dân, vì ông muốn liên đới với tội của dân: “Giavê đã phẫn nộ với cả ta nữa vì cớ các ngươi, mà rằng: cả ngươi nữa, ngươi cũng sẽ không vào!” (Tl 1,37).  Hình phạt này đối với Môsê thật nặng nề và đau khổ.  Môsê đã phải nằm xuống trên núi Nêbô, tại vùng đất Môab.  Môsê chia sẻ hoàn toàn số phận của dân và dường như ông còn muốn ôm vào lòng cả thế hệ xuất Ai cập, thế hệ mà ông đã lãnh đạo, đã cầm tay đưa đến gặp gỡ Thiên Chúa tại Sinai, đã yêu thương cũng như đã chịu đựng…  Thế hệ đó đã nằm xuống trong sa mạc.  Môsê vì thế cũng ‘không muốn’ vào Hứa Địa một mình khi vắng bóng dân!

Môsê đã đau khổ cùng dân và cho dân!  Môsê đã chết với dân và cho dân!  Khuôn mặt và đời sống của Môsê đã in đậm nét trong lịch sử dân Chúa.

Môsê luôn luôn bênh đỡ, cầu bầu cho dân trước mặt Thiên Chúa: “Phải! Dân này đã phạm một tội rất lớn… Nhưng bây giờ, ước gì Người miễn chấp tội chúng; bằng không, xin Người hãy xoá tôi đi khỏi sách Người đã viết…” (Xh 32,30-32).

Lòng yêu thương, tình liên đới, thái độ bầu chữa, bênh vực dân của Môsê xuyên suốt trong quá trình ông lãnh đạo dân.  Môsê gắn bó cả cuộc đời và mạng sống mình với dân tộc Israel.

2. Môsê là hình bóng của Đức Giêsu Kitô

 Môsê là vị cứu tinh, là vị trung gian giữa Thiên Chúa và dân.  Môsê là ngôn sứ nói với dân về Đấng Cứu Độ một lời danh tiếng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.  Đó là: Đức Chúa sẽ cho xuất hiện “một ngôn sứ như tôi, anh em hãy nghe lời vị ấy” (Tl 18,15).  Sau này, Têphanô vị tử đạo đầu tiên đã nhắc lại lời tiên tri đó (Cv 7,37); thánh Phêrô đã thấy thực hiện nơi Đức Kitô (Cv 3,22).  Chính Môsê đã làm chứng về “Vị Tiên Tri” đó (Lc 24,27; Ga 5,46).

Là trung gian làm nhịp cầu giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel, Môsê tiên báo Đức Kitô, Đấng trung gian cho một Giao Ước mới hoàn hảo hơn.  Dọc dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã thiết lập hai giao ước chính thức.  Giao ước thứ nhất với Môsê trên núi Sinai.  Giao ước thứ hai với Đức Kitô trên núi bát phúc và được bảo chứng trên Núi Sọ.  Đây là Giao Ước Mới và là Giao Ước Vĩnh Cửu.

Đức Kitô, là Môsê mới đã hoàn thành tất cả những điều đã được ghi chép trong Lề Luật: “Những lời này, Ta đã nói cùng các ngươi, khi Ta còn ở với các ngươi, là phải nên trọn mọi điều đã viết về Ta trong luật của Môsê và các tiên tri cùng Thánh Vịnh” (Lc 24,44).

Môsê đã đưa dân Israel nô lệ ở Ai Cập, xuyên qua sa mạc về Đất Hứa.  Đó là hình bóng và là tiên báo Chúa Cứu Thế, Đấng là Đường, là Ánh Sáng đưa Israel mới đi qua cuộc đời trần thế mà tiến về Đất Hứa, là thành Giêrusalem trên trời.

Đức Kitô là Môsê mới của Dân Chúa.  Tác giả thư Do thái quả quyết: “Trong mọi sự, Ngài đã nên giống các anh em Ngài, để trở thành vị Thượng tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương, vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân” (Dt 2,17).  Chính Người đã đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để trở nên Vị Thượng Tế tuyệt đối trung tín với Thiên Chúa, đứng về phía Thiên Chúa (Dt 5,5-6), đồng thời Người cũng đã thể hiện một cách trọn vẹn sự liên đới với mọi người, đầy lòng xót thương đối với mọi người (Dt 5, 9) qua hành động tự nguyện dâng hiến con người của mình làm lễ tế để kéo tình thương tha thứ của Thiên Chúa cho dân Chúa (Dt 5,8).  Để đền tội cho dân và đem ơn cứu độ đến cho mọi người, Đức Giêsu Nazaret đã dùng chính máu mình để thiết lập Giao Ước Mới, một lần nữa nối kết Thiên Chúa với con người (Mc 14,24; Mt 26,28; Lc 22,20; 1C 11,25; cf Xh 24,8) và dùng cái chết tự nguyện đau thương trên thập giá, bị liệt vào hàng tội nhân (Mc 15,22-37; Mt 27,39-50; Lc 23,33-46; Yn 19,17-30; Rm 8,3; cf Tl 34,5-6) để đáp lại lời thách đố của Môsê?  Từ đó, qua Đức Giêsu Kitô Cứu Thế, chắc hẳn Môsê sẽ được chứng kiến và nghe lại lời này: “Tôi muốn sống hạnh phúc bên cạnh Đức Chúa, và ở đó có cả dân của tôi nữa!” (x. Môsê, vị lãnh đạo của Dân Chúa: trung tín và liên đới, ĐGM Giuse Võ Đức Minh, WHĐ).

3. Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống đem lại sự sống đời đời

Sau phép lạ bánh hoá nhiều, Chúa Giêsu “đã lánh mặt đi lên núi một mình”. “Chiều đến,” các môn đệ xuống thuyền đi sang “bên kia Biển hồ;” còn Chúa Giêsu lát sau đó “đi trên mặt biển” mà đến với các ông.  Hôm sau, đám đông cũng xuống thuyền vượt qua Biển hồ về hướng Capharnaum để tìm kiếm Người.  Dân chúng sắp được Chúa mời gọi sống một cuộc “vượt qua” khác, sâu xa hơn nhiều.  Đó là cuộc vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là Bánh Trường Sinh.

Chúa Giêsu biết dân chúng đi tìm mình chỉ vì đã được ăn bánh no nê.  Có lẽ họ hy vọng sẽ được những bữa ăn tương tự.  Chúa Giêsu muốn họ tìm đến lương thực trường tồn: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.  Chúa Giêsu nhắc cho họ, không phải Môsê đã cho họ manna, mà là Thiên Chúa.  Người bảo họ manna không phải là bánh thật của Thiên Chúa, manna chỉ là biểu tượng cho bánh của Thiên Chúa.  Bánh của Thiên Chúa chính là Đấng từ trời xuống và ban cho loài người, không chỉ sự no đủ về phương diện thể lý mà còn là sự sống đời đời: “Chính tôi là Bánh Hằng Sống.  Ai đến với Tôi, không hề phải đói; Ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ.

Chính Tôi là Bánh Hằng Sống.”  Khẳng định long trọng của Chúa Giêsu không một chút mông lung, mơ hồ.  Một ý tưởng, một lý tưởng hay một lý thuyết thì có thể mơ hồ, nhưng một con người có danh xưng cụ thể thì không.  Bánh sự sống, lương thực đem lại sự sống và là sự sống vĩnh cửu, bất hoại, chính là bản thân Chúa Giêsu.  Và để đón lấy một con người, một Đấng làm sự sống và lẽ sống cho mình, thì “công việc” phải làm là “đến với” và “tin vào” Người.

Liên tiếp trong 4 tuần lễ kể từ Chúa nhật hôm nay, phụng vụ Lời Chúa đọc lại gần như toàn bộ chương 6 Phúc âm Thánh Gioan về Bánh Hằng Sống.  Đây là cơ hội để khám phá ý nghĩa của Mầu Nhiệm Thánh Thể.  Mỗi Chúa Nhật một khía cạnh khác nhau. Tuần 1: Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời; Tuần 2: Bánh Ban Sự Sống; Tuần 3: Tấm Bánh Thánh Thể, và Tuần 4: Tấm Bánh Lời Chúa.

Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời, không phải là đã “rớt xuống” như mana trong sa mạc.  Người là lương thực chân thật cho những kẻ đói khát.  Lời của Chúa Giêsu, sứ vụ của Chúa Giêsu, cuộc sống của Chúa Giêsu đều là bánh nuôi dưỡng linh hồn nhân loại đang đói khát thiêng liêng.  Chúa Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là Bánh Hằng Sống.  Chúa Giêsu chính là Môsê mới cung cấp bánh ăn và giáo huấn khôn ngoan cho nhân loại.  Chỉ có Chúa Giêsu mới làm thỏa mãn cơn đói đời đời.  Người được Thiên Chúa đóng ấn, là chân lý của Thiên Chúa nhập thể.

Để được sống trường sinh, Thánh Phaolô khuyên tín hữu Êphêsô: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Bài đọc 2).

Sự công chính và thánh thiện chủ yếu là chết đi con người cũ để sống yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương.  Không ai có thể đến với Thiên Chúa Hằng Sống để được sống trường sinh mà không qua Con Đường Giêsu, vì đây là Con Đường Thật, Con Đường dẫn đến Sự Sống.

“Đến với” và “tin vào”, khao khát và no thoả.  Đó là hành trình của tình yêu, một hành trình vô giới hạn, không cùng, là sự cất cánh của tình yêu càng lên cao, càng lên cao mãi trong huyền nhiệm Thiên Chúa.

Mỗi lần rước lấy Thánh Thể, Tấm Bánh Bởi Trời, chúng ta phải cảm nghiệm được Chúa Giêsu như tâm điểm luôn thu hút chúng ta đến với Người và đến với nhau, làm cho tất cả nên một, một tấm bánh duy nhất: Bánh của tình thương.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

ĐÓN NGƯỜI VÀO NHÀ

Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia.  Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà.  Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.  Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ.  Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”  Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!  Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Lc 10:38-42

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khuôn mặt Maria khá nổi bật.
Chúng ta dễ thấy là Thầy Giêsu nghiêng về cô em hơn.  Mácta đón Thầy vào nhà trong tư cách là chị. Còn Maria sau đó là người tiếp Đức Giêsu. Maria thanh thản, lặng lẽ ngồi bên chân Thầy để lắng nghe.
Còn chị Mácta thì ngược lại. Hẳn là chị phải xuống bếp ngay để lo bữa ăn. Cuộc viếng thăm của Thầy Giêsu và các môn đệ là khá bất ngờ. Làm sao để đãi một số vị khách như thế? Đó là mối lo chính đáng của chị Mácta. Mácta là người đảm đang, thạo việc, nhanh nhẹn. Nhưng trong tình thế này, chị thấy rất cần sự giúp đỡ của cô em. Rõ ràng là Mácta bị cuống lên vì thấy mình có nhiều việc phải làm gấp. Chị không muốn khách phải chờ đợi lâu, và chị cũng muốn đãi khách một bữa ăn tương đối thịnh soạn.

“Xin Thầy bảo em giúp con một tay!”

Đó là ước mơ của Mácta, rất đỗi bình thường. Tiếc thay, Thầy Giêsu lại đang kể chuyện cho Maria, và cô này đang lắng nghe một cách thích thú (c. 39). Nhờ Thầy kêu em xuống bếp là phá vỡ câu chuyện còn dang dở của Thầy. Mácta bị mối lo về bữa ăn chi phối khiến chị quên cả lịch sự cần có. Chị quên rằng Thầy Giêsu không chỉ cần bữa ăn, mà còn cần tình bạn. Và tiếp khách cũng là một cách phục vụ không kém giá trị.

Thầy Giêsu nhìn thấy sự căng thẳng, lúng túng của Mácta. và nhận ra lòng tốt của chị, khi chị muốn dọn một bữa ăn xứng đáng. Thầy gọi tên chị hai lần cách trìu mến: Mácta, Mácta.
Ngài nhẹ nhàng trách chị vì đã lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá.

“Chỉ cần một chuyện thôi.  Maria đã chọn phần tốt hơn” (c. 42).

Thầy Giêsu không bảo rằng điều Mácta làm là điều không tốt.  Chắc chắn Thầy và trò đều cần bữa ăn ngon sau những ngày rong ruổi.  Nhưng ngồi nghe Thầy vẫn là điều tốt hơn, cần hơn. Vì thế Thầy sẽ không kêu cô em xuống bếp để phụ giúp cô chị.  Điều mà Maria đã chọn, chẳng ai có thể lấy đi.

Chị Mácta là thánh nữ được tôn kính trong Giáo Hội.  Chúng ta phải bắt chước chị qua công việc tận tụy và đầy trách nhiệm.  Nhưng chúng ta phải làm một cách an bình, khiêm tốn, vui tươi,  không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác.  Cuộc sống hôm nay dễ làm ta trở nên Mácta, bị đè nặng bởi công việc.  Nhưng phải cố dành giờ để làm Maria mỗi ngày.  Phải thu xếp để khỏi phải ở dưới bếp quá lâu, để có người thay mình.  Đời sống của người Kitô hữu là kết hợp của Mácta và Maria.  Vừa đón, vừa tiếp; vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa;  nhưng dù hoạt động hay cầu nguyện, lúc nào cũng hướng về Chúa.

******************************

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa. 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu S.J.

THÁNH GIOAKIM (JOACHIM) VÀ THÁNH ANNA (ANNE)

Thánh Gioakim và Thánh Anna là song thân của Đức Mẹ, tức là Ông Bà Ngoại của Chúa Cứu Thế Giêsu.  (Xin được mở ngoặc: Có một số người thường viết lộn hoặc đọc sai là Gioan-kim).

Tên Gioakim được tạo bởi chữ YHWH (tiếng Do thái: יְהוֹיָקִים Yəhôyāqîm, tiếng Hy Lạp: Ἰωακείμ Iōākeím), nghĩa là “sự chuẩn bị của Gia-vê”.

Thánh Gioakim là Phu quân của Thánh Anna và là Thân phụ của Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ của Chúa Giêsu, theo truyền thống Công giáo Rôma, Chính Thống giáo, và Anh giáo.  Câu chuyện về Thánh Gioakim và Anna xuất hiện lần đầu tiên ở ngụy thư Phúc Âm thánh Giacôbê.  Thánh Gioakim và Thánh Anna không được nhắc tới trong Kinh Thánh.

Hai Ông Bà được Giáo hội kính nhớ vào ngày 26 tháng Bảy hằng năm.  Đây là ngày lễ của những người đã làm ông bà (nội hay ngoại).  Lễ này nhắc nhớ quý ông bà nội ngoại về trách nhiệm xây dựng các thế hệ tương lai, phải tạo truyền thống gia phong lễ giáo như phần di sản đạo đức làm của hồi môn cho cháu chắt.  Tuy nhiên, lễ này cũng là lời nhắn nhủ dành cho thế hệ trẻ: Phải tôn kính người lớn hơn mình, nhất là những người già, phải biết trải nghiệm, đánh giá cao cuộc sống chứ không được coi nhẹ hoặc làm ngơ.

Gia phả của Chúa Giêsu trong Phúc Âm thánh Matthêu và Luca không nói rõ tên cha mẹ của Đức Maria, nhưng có liệt kê tên người cha của thánh Giuse, nhiều học giả trong nhóm của John ở Damascus (thế kỷ 8), và đặc biệt là các học giả Tin Lành, tranh luận rằng gia phả trong Phúc Âm theo thánh Luca mới đúng là phả hệ của Đức Mẹ, và Heli là cha.  Để giải quyết vấn đề thánh Giuse có hai người cha – một thuộc dòng dõi Vua Salomom, hậu duệ của Nathan, con Vua Đa-vít, truyền thống từ thế kỷ 7 xác định rằng Heli là anh em họ đầu tiên của Thánh Gioakim.

Theo truyền thống, Bà Anna sinh tại Belem, kết hôn với Ông Gioakim người Nadaret, cả hai đều là dòng dõi thánh vương Đa-vít.  Trong Protoevanggelium của thánh Giacôbê, thánh Gioakim được mô tả là người giàu có và đạo đức, thường giúp đỡ người nghèo và tới Đền thờ tại Sepporis.  Truyền thống nói rằng cha mẹ của Đức Maria mới đầu sống ở Galilê, sau đó định cư ở Giêrusalem.  Tuy nhiên, Bà Anna là phụ nữ son sẻ, ông Gioakim bị các thầy thượng tế sa thải và từ chối lễ vật hy sinh của ông, vì việc Bà Anna không có con được hiểu là việc không đẹp lòng Chúa.  Ông Gioakim rút vào hoang địa để ăn chay và đền tội 40 ngày.  Lúc đó các thiên thần hiện ra hứa với Ông Bà Gioakim và Anna là sẽ có con nối dõi.  Sau đó, ông Gioakim trở lại Giêrusalem và đón bà Anna tại cổng thành.  Có niềm tin cổ cho rằng đứa con sinh bởi người mẹ già là đã được tiền định về điều gì đó kỳ lạ.  Trong Cựu ước có trường hợp của Bà Hannah, Thân mẫu của Ngôn sứ Samuel.

Truyền thuyết liên quan Ông Bà Gioakim và Anna có trong “Cổ Tích Vàng” (Golden Legend) và vẫn phổ biến trong nghệ thuật Kitô giáo cho tới khi Công đồng Trentô xác nhận đó là các sự kiện ngụy tạo.

Phụng vụ theo lịch Tridentine không có lễ Thánh Gioakim.  Lễ này được thêm vào Công Lịch Rôma từ năm 1584, mừng vào ngày 20-3, ngay sau lễ Đức Thánh Giuse Phu quân Đức Mẹ.  Năm 1738, lễ này được chuyển sang Chúa nhật sau tuần bát nhật lễ Đức Mẹ Mông Triệu.  Với nỗ lực để Phụng vụ các Chúa nhật được cử hành, Đức Giáo Hoàng Piô X đã chuyển lễ này sang ngày 16 tháng Tám, sau lễ Đức Mẹ Mông Triệu, để Thánh Gioakim được kính nhớ trong khi cử hành cuộc khải hoàn của Đức Mẹ.  Trong lịch các thánh của Giáo hội Công giáo Rôma (năm 1969), lễ Thánh Gioakim được mừng chung với Thánh Anna vào ngày 26 tháng Bảy.

Giáo hội Chính thống Đông phương và Công giáo Hy Lạp kính nhớ thánh Gioakim và thánh Anna vào ngày 9 tháng Chín.  Thánh Gioakim và thánh Anna là thánh bổn mạng của các cha mẹ, các ông bà nội ngoại, những người kết hôn, những người đóng tủ và những người buôn vải.  Có một số biểu tượng gắn liền với thánh Gioakim: Cuốn sách hoặc cuộn giấy tượng trưng người dệt vải, chiếc gậy chăn chiên tượng trưng chữ nghĩa của Kitô giáo, và cái rổ đựng đôi chim bồ câu tượng trưng sự hòa bình.  Thánh Gioakim thường có trang phục màu xanh lá cây, màu của niềm hy vọng.

Trong Kinh thánh, hai thánh sử Matthêu và Luca cung cấp gia phả của Chúa Giêsu, cho thấy rằng Chúa Giêsu là đỉnh cao của Giao ước (những lời hứa).  Chúng ta không biết gì nhiều, ngay cả ông bà ngoại Gioakim và Anna cũng chỉ được nhắc tới sau khi Chúa Giêsu chịu chết được hơn 100 năm.

Đức tính anh hùng và sự thánh thiện của các ngài được suy ra từ bầu khí gia đình liên quan Đức Maria trong Kinh thánh.  Dựa vào truyền thuyết thời thơ ấu của Đức Maria hoặc suy đoán từ thông tin trong Kinh thánh, chúng ta thấy sự viên mãn của nhiều thế hệ của những con người cầu nguyện, chính Đức Mẹ đã say đắm cầu nguyện theo truyền thống tôn giáo.

Tính cách mạnh mẽ của Đức Maria thể hiện khi quyết định “xin vâng” (Lc 1:38), liên lỉ cầu nguyện, tuân thủ luật đức tin, sự vững vàng khi gặp khủng hoảng, và tận tụy với những người thân (Lc 1:39-45) – cho thấy gia đình gắn bó yêu thương, trông mong thế hệ kế tiếp duy trì những điều tốt đẹp nhất của quá khứ.

Ông Bà Gioakim và Anna biểu hiện các thế hệ khá lặng lẽ khi trung thành thực hiện trách nhiệm, sống đức tin và thiết lập môi trường tốt lành cho Đấng Thiên Sai tới.

Lạy Thánh Gioakim và Thánh Anna, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con. Amen.

 Nguồn: https://ditimchanly.org

ĐỪNG BỎ LỠ CƠ HỘI

Thiên Chúa là tình yêu.  Con người là họa ảnh của Thiên Chúa.  Con người cũng phải trở nên dấu chỉ của tình yêu Chúa giữa thế gian.  Thế gian cần có tình yêu để tồn tại.  Không có tình yêu, thế gian sẽ là một kiếp đọa đầy.

Thật là một bất hạnh cho con người, nếu hai chữ tình yêu không còn có ở trên đời.  Và cũng thật bất hạnh cho những ai không có ai đó để thương, để nhớ.  Tình yêu là lẽ sống còn của con người.  Con người không có tình yêu sẽ đầy đọa mình và làm khổ anh em.

Tình yêu sẽ giúp cho con người nhớ đến nhau, quan tâm đến nhau và hy sinh cho nhau.  Tình yêu sẽ khiến người ta chạnh lòng thương với những mảnh đời bất hạnh chung quanh.  Không có tình yêu người ta sẽ dửng dưng vô cảm với nhau.  Nhưng nhờ tình yêu người ta sẽ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để thi thố tình yêu.

Em bé trong Tin Mừng hôm nay đã không bỏ lỡ cơ hội giúp người.  Có thể em không nghĩ rằng mình sẽ giúp được cho hơn 5000 người có bánh và cá ăn.  Em chỉ trao ban một phần nhỏ của em cho ai đó đang quặn đau vì đói.  Em đã dâng cho Chúa một cách vô vị lợi, không toan tính thiệt hơn.  Em đã làm tất cả vì tình yêu đối với đồng loại của mình.  Chính lòng quảng đại của em đã được Chúa làm phép lạ nhân rộng bánh và cá cho hơn năm ngàn người ăn.

Thế nhưng, trong cuộc sống chúng ta thường bỏ lỡ cơ hội giúp người.  Đôi khi chúng ta cũng áy náy vì từ chối giúp người ăn xin, người cơ nhỡ.  Đôi khi chúng ta cũng tiếc nuối vì việc thiện chúng ta đã bỏ qua.  Và đôi khi chúng ta cũng ân hận vì sự vô tâm của mình mà ai đó đã chết dần vì chúng ta.

Người ta kể rằng: vào một đêm đông gió tuyết lạnh lùng.  Một ông lão đến gõ cửa nhà phú hộ.  Người phú hộ trông thấy ông lão đang co ro trong chiếc áo rách tả tơi.  Ông biết ông lão rất lạnh, nhưng ông nghĩ để ông ấy đi thì hơn.  Vì nhà mình sạch, ông lão thì bẩn và hôi hám, chi bằng cho ít tiền để ông lão ra đi.  Người phú hộ đã quyết định như thế và đã cho ông lão vài đồng xu để ra đi.

 Mấy ngày sau, một thi thể đã được phát hiện ở đầu làng, bị chôn vùi dưới tuyết.  Người bị chết cóng chính là ông lão ăn xin trong làng.  Người phú hộ nghe tin cảm thấy tiếc nuối vì mình bỏ lỡ cơ hội cứu sống một mạng người.

Vâng, bỏ lỡ cơ hội làm việc thiện là một thiếu sót của chúng ta.  Đôi khi vì đó mà chúng ta ân hận cả đời.  Thiên Chúa luôn tạo cho chúng ta biết bao cơ hội để trao ban những nghĩa cử cao đẹp cho tha nhân, để thi thố tình thương đến với những anh em bất hạnh.  Có thể là những cơ hội cứu sống người khác.  Có thể là những cơ hội mang lại niềm vui cho tha nhân.  Có thể chỉ là những cơ hội nhỏ nhoi khi chúng ta biết chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau từ ngay chính gia đình của mình.  Thiên Chúa muốn chúng ta vào được nước trời phải biết lập công qua việc giúp đỡ tha nhân.  Tha nhân là hiện thân của Chúa.  Ai giúp đỡ tha nhân là giúp đỡ Chúa.  Vì thế, hãy thi thố tình thương trong khả năng, trong hoàn cảnh của mình.  Đừng đánh mất cơ hội vào Nước trời khi bỏ rơi đồng loại và sống dửng dưng với những bất hạnh của tha nhân.

Thế nhưng, chúng ta vẫn đang bỏ đi biết bao cơ hội giúp người.  Biết bao người già đã chết trong sự cô đơn vì con cháu bỏ rơi.  Biết bao người chồng, người vợ đang bị đối xử bằng những đòn roi, những lời thoá mạ, làm nhục lẫn nhau.  Biết bao lần chúng ta đã ngoảnh mặt làm ngơ khi ai đó van nài chúng ta.  Biết bao lần chúng ta bước qua những mảnh đời bất hạnh mà không hề xót thương.

Chúa Giêsu Ngài luôn chạnh lòng thương với những mảnh đời bất hạnh.  Ngài không bỏ lỡ cơ hội giúp người.  Từ mọi thành phần.  Từ mọi tầng lớp.  Ngài đều thi ân giáng phúc.  Hôm nay, Ngài cũng nhắc nhở các môn sinh: “chính anh em hãy cho họ ăn.”  Cho dù các ông nại vào lý do số đông để từ chối, để nói rằng: “lực bất tòng tâm.”  Nhưng Chúa muốn các ông phải bắt đầu.  Bắt đầu từ việc thu gom một phần bánh nhỏ bé.  Mọi việc dù nhỏ, dù lớn cũng phải được bắt đầu.  Bắt đầu không nhất thiết phải hoành tráng, phải đánh trống khua chiêng.  Bắt đầu từ những việc nhỏ bé âm thầm nhưng với thời gian, với ơn Chúa sẽ trở thành những việc phi thường.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết bắt đầu việc thiện từ những việc nhỏ bé tầm thường, và để Chúa sẽ kiện toàn những điều tốt đẹp đó theo ý Ngài.  Xin cho chúng ta đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội làm việc thiện cứu đời, nhưng luôn biết tận dụng mọi cơ hội lớn nhỏ để dâng cho Chúa như những chiếc bánh, con cá hầu mang lại niềm vui cho mọi người.  Xin Chúa chúc lành cho tất cả những hy sinh, những nghĩa cử bác ái mà chúng ta đã làm cho Chúa và cho tha nhân. Amen!

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

MẢNH ĐẤT GIÀU

“Ai có tai để nghe, thì hãy nghe!”

Một nghệ sĩ vĩ cầm bất ngờ khám phá tiếng đàn của mình có tác dụng thôi miên người nghe; anh cũng thấy tác động này trên các vật cưng trong nhà.  Và anh tự hỏi, điều ấy sẽ thế nào đối với những thú hoang?  Và ngày kia, đến một bìa rừng, anh cất tiếng đàn.  Điều kỳ diệu đã xảy ra!  Một con sư tử cái, một con voi và một con khỉ lao vào chỗ anh, chúng say mê lắng nghe.  Chẳng mấy chốc, động vật các loại đến chật ních.  Đột nhiên, một con sư tử khác lao ra khỏi rừng, vồ lấy người nghệ sĩ.  Sư tử cái hét lên, “Sao ông làm thế?”  Sư tử đực khum hai chân sau đôi tai đáp, “Cái gì?”

Kính thưa Anh Chị em,

Con sư tử đực kia xem ra không có một ‘đôi tai nội tâm’ và một ‘mảnh đất giàu’ bên trong như các con thú khác.  Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một ‘đôi tai’ và một ‘mảnh đất giàu’; nhưng ‘đôi tai’ Chúa Giêsu nói đến có nhiều điều hơn đôi tai thể lý.  Ngài nói đến một ‘đôi tai’, qua đó, chúng ta có thể nghe, hiểu, lựa chọn và chấp nhận thánh ý Thiên Chúa từ một ‘mảnh đất giàu’ của linh hồn.

Bằng nhiều cách, Chúa Giêsu nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng chúng ta có lắng nghe và sẵn sàng để Lời Ngài thấm nhuần hay không, điều này tuỳ thuộc nội tâm mỗi người.  Chỉ khi chăm chú vào Lời Ngài, chúng ta mới có thể nắm bắt ý muốn của Thiên Chúa; cùng lúc, tâm hồn chúng ta phải là một ‘mảnh đất giàu.’  Để có được ‘mảnh đất giàu’ màu mỡ trong tâm hồn, quả không dễ!  Vì sẽ dễ hơn rất nhiều để đất khô cằn, gai gốc, sỏi đá và không đón nhận.  Vậy, làm sao để nuôi dưỡng một tâm hồn hầu nó có thể trở nên một ‘mảnh đất giàu?’

Để bắt đầu công việc này, một trong những nơi quan trọng nhất là chúng ta phải đi xuống ‘vùng trũng’ khiêm tốn.  Khiêm tốn, cuối cùng, là nhìn nhận sự thật về con người mình; và đặc biệt, nhận thức được sự cần thiết của ân sủng Thiên Chúa trong đời.  Việc khiêm tốn thừa nhận chúng ta bất lực nếu không có ân sủng là một điều cần thiết trước tiên để tạo ra một ‘mảnh đất giàu’ nội tâm; từ đó, chúng ta hoàn toàn cậy trông vào Chúa.  Lần đầu tiên, khi hạ mình xuống tận ‘vùng trũng’ lòng mình, tựa nương vào Đấng Quyền Năng, chúng ta bắt đầu ở trong tư thế sẵn sàng lắng nghe khi Thiên Chúa nói; và lúc Ngài mở lời, qua ‘đôi tai nội tâm’, chúng ta vui mừng lắng nghe, hiểu, lựa chọn và chấp nhận thánh ý; tức là vâng lời.  Chỉ khi đó, hoa trái tốt lành của lòng thương xót Chúa mới có thể đổ vào cuộc sống chúng ta và qua chúng ta, đổ vào cuộc đời những người khác.

Bài đọc Xuất Hành hôm nay là một minh họa cho thấy thái độ lắng nghe với ‘đôi tai nội tâm’ của Môisen và Aaron, những con người có những ‘mảnh đất giàu.’  Bị dân ta oán giữa sa mạc với những lời lẽ khó nghe nhất, “Thà chúng tôi chết trong đất Ai Cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn bánh no nê!”, Môisen và Aaron vẫn không một lời phàn nàn hay khiển trách, một chỉ khiêm tốn lặng thinh, chờ đợi để lắng nghe Thiên Chúa.  Và Thiên Chúa đã phán cùng Môisen để ông nói lại cho dân, “Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê!”   Quả đúng như vậy!  Thú vị thay, ở sách Dân Số, Môisen sẽ nói với dân, “Anh em sẽ ăn, không phải một ngày, hai ngày, năm mười ngày, hay hai mươi ngày, nhưng suốt cả tháng, cho đến khi thịt lòi ra lỗ mũi!”  Thánh Vịnh đáp ca hôm nay xác nhận điều đó, “Chúa ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ!” khi Ngài cho chim cút và sương mai rơi rợp trại!

Anh Chị em,

Không ai đã bước xuống ‘vùng trũng’ khiêm tốn bằng Thiên Chúa.  Bằng chứng là dân, miệng vừa, “Vang lên muôn lời ca, ta ca ngợi Chúa!”, lại vừa ta oán Ngài.  Vậy mà, Thiên Chúa vẫn chịu đựng, Ngài kiên nhẫn lắng nghe họ.  Ngày nay, vẫn vị Thiên Chúa đó, đang bước xuống trong Chúa Giêsu Kitô.  Ngài đã bước xuống thật thấp, thấp đến nỗi hiến mình treo cao trên nhục hình thập giá; thấp đến nỗi hiến mình lấy Máu Thịt nuôi dưỡng nhân loại trên các bàn thờ.  Ôi, một nhân loại vĩ đại, cao quý!  Chúng ta có nhận ra điều đó không, hay suốt ngày chỉ kiếm tìm những gì thỏa mãn cơn đói vật chất và để cho ‘đôi tai tâm hồn’ mình điếc đặc.  Chớ gì mỗi ngày, chúng ta biết cần mẫn khiêm tốn cúi xuống mảnh đất tâm hồn để nhặt đi những hòn sỏi ích kỷ, nhổ đi những cọng cỏ kiêu căng, hầu hạt giống Lời Chúa có thể mọc lên từ một ‘mảnh đất giàu’ màu mỡ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để hạt giống Lời Chúa chết nghẹt nơi con; nhưng cho con biết cộng tác với ân sủng, từ việc đón nhận với ‘đôi tai nội tâm’ nhạy bén đến việc ra sức vun xới cho tâm hồn trở nên ‘mảnh đất giàu’; nhờ đó, Lời Chúa có thể sinh hoa trái cho linh hồn con và anh em con.  Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

ĐẤU TRANH VỚI TỰ ĐẠI

Chúng ta sống trong một thế giới nơi mọi thứ quá kích động sự tự đại của chúng ta, trong khi đó lại ngày càng ít công cụ để đương cự với nó.

Vài năm về trước, Robert L. Moore đã viết một quyển sách rất ý nghĩa, với tựa đề Đối diện Con Rồng (Facing the Dragon).  Moore tin rằng con rồng đe dọa chúng ta nhất, chính là con rồng của sự tự đại trong chúng ta, nó khuấy động nội tâm chúng ta khiến chúng ta tin rằng mình đặc biệt phi thường và mang số mệnh cao cả.  Tình trạng này bủa vây tất cả chúng ta.  Nói đơn giản, mỗi người chúng ta, mỗi một trong bảy tỷ người trên trái đất, không thể nào không cảm thấy mình là trung tâm của vũ trụ.  Và bởi điều này gần như vô thức, đồng thời chúng ta lại thiếu khí cụ để giải quyết nó, nên nó gây ra một tình trạng đáng lo sợ.  Tự đại không phải là công thức cho hòa bình và hòa hợp, mà là cho ghen tương và xung đột.

Mà tình trạng này không phải lỗi của chúng ta, và tự nó cũng không phải là một khiếm khuyết đạo đức trong bản tính của chúng ta.  Sự tự đại của chúng ta phát xuất từ cách Thiên Chúa tạo thành chúng ta.  Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa.  Đây là chân lý giáo điều căn bản nhất trong nhận thức Do Thái – Kitô giáo về nhân thể.  Tuy nhiên, không thể hiểu nó theo kiểu đơn giản hóa, như kiểu một biểu tượng đẹp đẽ được đóng dấu vào linh hồn chúng ta.  Đúng hơn, cần phải hiểu thế này: Thiên Chúa là lửa, lửa bất diệt, một sinh lực không ngừng tìm kiếm để ôm trọn và thổi bùng mọi tạo vật.  Và ngọn lửa đó có trong chúng ta, khơi lên trong chúng ta những cảm thức thần linh, một trực giác rằng chúng ta cũng có sinh lực thần thiêng, và cũng là một áp lực muốn trở nên đặc biệt phi thường và đạt được một sự cao cả nào đó.

Có thể nói, được tạo thành theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa, nghĩa là có một con chíp thần thiêng bên trong chúng ta.  Nó thiết lập cho chúng ta phẩm giá cao cả nhất nhưng cũng tạo nên những vấn đề lớn lao nhất.  Sự vô hạn không nằm yên trong cái hữu hạn.  Bởi có sinh lực thần thiêng bên trong, nên chúng ta không dễ bình yên trong thế giới này, những khao khát và mong mỏi của chúng ta quá vĩ đại.  Chúng ta không chỉ sống trong sự bất an triền miên mà thánh Augustino đã nêu bật trong châm ngôn lừng danh: Ngài đã tạo thành chúng con cho Ngài, lạy Chúa, và lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.”  Mà sự tự đại bẩm tại này còn khiến chúng ta không ngừng nuôi dưỡng một niềm tin rằng chúng ta đặc biệt, có định mệnh độc nhất vô nhị, và được sinh ra để nổi trội, được công nhận, được biết đến với những sự phi thường của mình.

Và do đó tất cả chúng ta đều được một mã gene thần thiêng điều hướng để, có thể nói là tạo lập một tuyên bố trong đời, tạo lập sự bất tử cho riêng mình, và tạo lập một giả tượng phi thường mà thế giới phải để mắt đến.  Đây không phải là một khái niệm trừu tượng, nó tuyệt đối thực tế.  Chúng ta có thể thấy bằng chứng cho chuyện này trên mọi bản tin, trong mọi vụ đánh bom, trong mọi mưu đồ xấu xa táo tợn, và trong mọi tình huống khi ai đó muốn mình nổi trội.  Chúng ta cũng thấy nó trong sự đói khát danh vọng, trong khát khao được nổi tiếng, và trong nhu cầu muốn được nhìn nhận là độc nhất vô nhị và đặc biệt.

Nhưng sự tự đại này, tự nó không phải là lỗi lầm của chúng ta, và cũng không nhất thiết là một khiếm khuyết đạo đức.  Nó đến từ cách chúng ta chúng ta được tạo thành, thật nghịch lý thay, nó đến từ những gì cao cả và tốt đẹp nhất trong chúng ta.  Vấn đề là, ngày nay, chúng ta thường không có khí cụ để vận dụng nó sao cho sinh sôi những điều tốt đẹp.  Vì nhiều lý do, chúng ta ngày càng sống trong một thế giới kích động quá đáng sự tự đại của mình, ngay cả khi chúng ta không nhận ra tình trạng này và nhất là khi chúng ta ngày càng ít công cụ tôn giáo và tâm lý để xử lý nó.  Những công cụ này là gì?

Về tâm lý, chúng ta cần những hình ảnh con người cho phép mình hiểu bản thân một cách lành mạnh, nhưng cũng bao gồm cả việc chấp nhận những giới hạn, những nản lòng, sự vô danh của chúng ta, và cả việc cuộc sống chúng ta phải dành không gian cho cuộc sống người khác nữa.  Về mặt tâm lý, chúng ta phải có những công cụ để hiểu cuộc đời mình, thừa nhận rằng mình đặc biệt và độc nhất vô nhị, nhưng vẫn là một trong số hàng tỷ cuộc đời đặc biệt và độc nhất vô nhị khác.  Về mặt tâm lý, chúng ta cần những công cụ tốt hơn để vận dụng sự tự đại của mình.

Về tôn giáo, đức tin và giáo hội chúng ta cần phải đem lại một nhận thức về nhân thể sao cho chúng ta có thấu suốt và khuôn khổ để có thể sống sự độc nhất vô nhị và đặc biệt của mình, trong khi biết bình an với tinh thần, những giới hạn, những thất bại, sự vô danh, và dành không gian cho sự độc nhất vô nhị và đặc biệt của cuộc đời người khác.  Về căn bản, tôn giáo phải cho chúng ta những công cụ để nắm bắt cách lành mạnh ngọn lửa thiêng bên trong bản thân mình, và hành động lành mạnh với những tài năng và thiên tư mà Chúa ban cho chúng ta, nhưng là trong khuôn khổ đi kèm để nhận thức khiêm nhượng rằng những thiên tư này không phải của chúng ta, mà là của Chúa, và tất cả những gì chúng ta là, và những gì chúng ta đạt được đều là ơn Chúa.  Chỉ khi đó, chúng ta mới không gục ngã vì thất bại và tự đắc vì thành công

Robert Lax cho rằng, bổn phận trong đời không phải là tìm được lối mòn trong khu rừng, cho bằng tìm một nhịp điệu để bước đi.

Ron Rolheiser | Struggling with Grandiosity

J.B. Thái Hòa (phanxicoVN) chuyển dịch

 

MỤC TỬ VÀ ĐÀN CHIÊN 

Một lần nữa, Lời Chúa hôm nay lại nói với chúng ta về mục tử.  Trước hết là những mục tử lãnh đạo dân Israen.  Một số trong họ bị Thiên Chúa lên án, vì vô cảm và thiếu trách nhiệm với công việc được trao.  Họ là những người ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân mình, trong khi đó nhiều người đói khát và bị bỏ rơi không được quan tâm.  Khi đề cập đến các mục tử, Lời Chúa hôm nay chất vấn những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, nhất là những người có thái độ dửng dưng, sống ích kỷ và chỉ lo bản thân mình.

Thiên Chúa mới là Mục tử đích thực của Dân Ngài.  Nếu những người được trao phó trách nhiệm bất trung, thì chính Ngài can thiệp và bù đắp.  Chính Chúa quy tụ Dân Ngài, băng bó những vết thương, khôi phục những đổ vỡ, đem lại niềm hy vọng cho những người đang đứng trước ngõ cụt của cuộc đời.  Chúa là vị Thẩm phán chí công.  Ngài trừng phạt những mục tử vô lương tâm, yêu thương chăm sóc những con chiên yếu thế.

Thiên Chúa yêu thương nhân loại.  Tình yêu thương ấy được thể hiện qua việc Thiên Chúa sai con của Ngài đến thế gian, là Đức Giêsu Kitô.  Tin mừng Thánh Máccô diễn tả Đức Giêsu với trái tim mục tử.  Người chạnh lòng thương đám đông dân chúng, vị họ như bầy chiên không người chăn dắt.  Nếu ông Môisen và vua Đavít thường được tôn vinh như những vị lãnh đạo trung thành, thì Đức Giêsu được các tác giả Phúc Âm trình bày như một Môisen mới, như một Đavít đến trần gian để lãnh đạo Dân Chúa.  Đàn chiên của vị Mục tử này không còn đóng khung trong dân tộc Do Thái, mà đã vượt ra khỏi ranh giới để đến với các dân tộc.  Như thế, những ai nghe tiếng vị Mục tử Giêsu, bất luận họ thuộc nền văn hoá hay chủng tộc ngôn ngữ nào, đều thuộc về đàn chiên của Ngài.  Thánh Phaolô (Bài đọc II) đã trình bày Đức Giêsu là sự bình an của chúng ta.  Qua giáo huấn của Người và nhất là qua hy tế thập giá, Người đã phá đổ bức tường ngăn cách dân Do Thái với các dân ngoại.  Không chỉ dừng ở đó, Chúa Giêsu còn hoà giải Thiên Chúa với con người.  Người tiêu diệt sự thù ghét, nối kết muôn người nên một trong tình thương mến chan hoà.

Trước một đám đông đang đói khát chân lý, Đức Giêsu đã “chạnh lòng thương,” vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.  Sứ mạng của Đức Giêsu là đem cho nhân loại tình thương của Thiên Chúa.  Giáo huấn của Người nhằm giúp cho con người tìm được chân lý vĩnh cửu, đồng thời tìm được ý nghĩa trong cuộc sống hiện tại.

Để tiếp nối sứ vụ mục tử, Chúa Giêsu đã chọn các môn đệ.  Thánh Máccô khởi đầu trình thuật bằng việc gọi các ông là “Tông đồ.”  Đây là lần sử dụng duy nhất thuật ngữ này trong Tác phẩm Tin Mừng của thánh Máccô.  Tông đồ là người được sai đi.  Đức Giêsu đã huấn luyện các ông và sai đi truyền giảng những gì Người đã dạy.  Các ông rất vui mừng vì thấy lời giảng dạy của mình mang lại nhiều hiệu quả nhãn tiền.  Chính trong lúc các ông đang say sưa với thành quả đã đạt được, Chúa lại bảo các ông dành thời gian nghỉ ngơi và cầu nguyện.  Đời sống của người tông đồ phải tạo được sự quân bình giữa “động” và “tĩnh.”  Nếu chỉ “động” mà thôi, lời chứng của họ sẽ rỗng tuếch.  Nếu chỉ dừng lại ở “tĩnh” cuộc đời họ sẽ vô nghĩa đối với tha nhân.

Nhờ bí tích Thánh tẩy, mối người tín hữu đều trở nên tông đồ của Chúa.  Được xức dầu và được sai đi, họ nhân danh Chúa Giêsu để đem tình thương đến cho con người bất hạnh, ở mọi nơi và mọi thời.  Như vậy, người Kitô hữu đích thực vừa là người gắn bó với Mục tử của mình, vừa là người có trái tim “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu, để đem tình thương cho những ai đang cần.

Trong những ngày này, cả nước đang hướng về các tỉnh thành phía Nam, nhất là thành phố Sài Gòn, vì ở đó dịch Covid-19 đang bùng phát.  Số những người nhiễm bệnh gia tăng nhanh chóng.  Người dân phải giãn cách xã hội.  Biết bao người nghèo lâm cảnh thiếu thốn khó khăn.  Trong cơn hoạn nạn, chúng ta vui mừng chứng kiến những tấm lòng quảng đại san sẻ tinh thần vật chất.  Đây là những nghĩa cử đáng trân trọng và làm lan toả yêu thương nơi cuộc sống và trong hoàn cảnh cụ thể của thời dịch bệnh.  Chúng ta cám ơn những người đang xả thân phục vụ bất chấp mọi nguy hiểm.  Họ là hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng chạnh lòng thương xót đối với những người nghèo khổ và đói khát tinh thần cũng như vật chất.  Họ đang góp phần làm lan toả giáo huấn yêu thương của Người giữa cuộc sống hôm nay.

“Con người chỉ giống hình ảnh Chúa khi hiến mình liên lỉ, như mỗi Ngôi trong Thiên Chúa là: hoàn toàn hiến dâng, hoàn toàn tương quan, hoàn toàn yêu thương” (Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận ĐHV 606).

TGM Vũ Văn Thiên

NIỀM VUI – MỘT DẤU CHỈ CỦA THIÊN CHÚA

Chỉ có một nỗi buồn thực sự, đó là không làm thánh được!  Tiểu thuyết gia, triết gia người Pháp, Leon Bloy đã kết thúc quyển tiểu thuyết Người phụ nữ nghèo (The Woman Who Was Poor) bằng câu nói thường xuyên được trích dẫn này.  Còn đây là một câu khác của Leon Bloy ít được trích dẫn hơn, nhưng rất hữu ích để giúp ta hiểu lý do vì sao lại buồn khi không được làm thánh!  Niềm vui là dấu chỉ chắc chắn về cuộc sống của một tâm hồn có Chúa trong lòng.

Niềm vui không chỉ là một dấu chỉ chắc chắn về cuộc sống thuộc về Thiên Chúa, nó còn là dấu chỉ của một cuộc sống có Thiên Chúa.  Niềm vui cấu thành cuộc sống nội tâm có Thiên Chúa.  Thiên Chúa là niềm vui.  Đây là điều mà chúng ta không dễ gì tin.  Vì nhiều lý do, chúng ta thấy thật khó để nghĩ về một Thiên Chúa hạnh phúc, vui vẻ, thoải mái, tự tại và mỉm cười (theo lời Julian thành Norwich).  Kitô Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, dù có nhiều khác biệt, nhưng đều có điểm này là điểm chung.  Trong nhận thức chung của mình, chúng ta hình dung Thiên Chúa là người nam, độc thân, và thường không hài lòng, thường thất vọng về chúng ta.  Chúng ta khó nghĩ Thiên Chúa vui với cuộc sống chúng ta, và quan trọng hơn nữa, Thiên Chúa là Đấng hạnh phúc, vui vẻ, tự tại và mỉm cười.

Sao lại có thể khác được chứ?  Kinh Thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng tạo ra mọi sự tốt lành và mọi sự tốt lành đều đến từ Thiên Chúa.  Mà trên đời này, có sự gì tốt đẹp hơn hạnh phúc, vui vẻ, tiếng cười và vẻ đẹp mang lại sự sống của một nụ cười nhân hậu?  Rõ ràng là không.  Những điều này cấu thành sự sống thiên đàng và là những gì làm cho cuộc sống trên đời này đáng sống.  Chắc chắn chúng phải phát xuất từ Thiên Chúa.  Và như thế có nghĩa, Thiên Chúa vui vẻ, Thiên Chúa là niềm vui.

Nếu đúng thế, mà đúng thế thật, thì chúng ta không nên xem Thiên Chúa như một người yêu hay thất vọng, một người chồng hay giận dữ, một người mẹ hay đau lòng, cau mày trước những thiếu sót và phản bội của chúng ta.  Đúng hơn, chúng ta phải hình dung Thiên Chúa như người ông, người bà, vui mừng trước cuộc sống và sinh lực của chúng ta, thoải mái với những kém cỏi của chúng ta, tha thứ cho những yếu đuối của chúng ta và luôn mãi nhẹ nhàng dỗ dành hướng chúng ta đến những gì cao đẹp hơn.

Một phần đang ngày càng phát triển trong dòng văn học hiện đại, gợi ý rằng sự hiện diện thuần khiết nhất của tình yêu và niềm vui trên trái đất này không phải là những gì giữa các tình nhân, giữa vợ chồng, hay thậm chí giữa bố mẹ và con cái.  Trong những mối quan hệ này, có đủ căng thẳng và sự vị kỷ không thể tránh khỏi và cũng không phải là chuyện lạ lùng gì, và chính chúng làm cho sự thuần khiết và niềm vui của các mối quan hệ này bị phủ lên một màu khác.  Nhưng điều này lại không mấy đúng trong quan hệ giữa ông bà và cháu chắt.  Mối quan hệ đó ít căng thẳng và vị kỷ hơn, thường là sự hiện diện thuần khiết của tình yêu và niềm vui trên trái đất này.  Trong mối quan hệ này, sự phấn khởi tuôn trào tự do hơn, thuần khiết hơn, đẹp đẽ hơn, và phản chiếu thuần khiết hơn những gì nội tại của Thiên Chúa, cụ thể là niềm vui và phấn khởi.

Thiên Chúa là tình yêu, Kinh Thánh cho chúng ta biết như vậy, nhưng Thiên Chúa còn là niềm vui.  Thiên Chúa là nụ cười nhân hậu của người ông người bà nhìn ngắm con cháu với niềm tự hào và phấn khởi.

Tuy nhiên, làm sao điều này hợp với đau khổ, với khổ nạn phục sinh, với một Đức Kitô chịu khổ nạn dùng máu và thống khổ để chuộc tội chúng ta?  Niềm vui của Thiên Chúa nằm ở đâu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi Chúa Giêsu đau đớn trên thập giá?  Cũng vậy, nếu Thiên Chúa là niềm vui, làm sao chúng ta giải thích biết bao lần cuộc sống của chúng ta, dù chân thành tin tưởng và dâng hiến, lại chẳng cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc, tiếng cười?

Niềm vui và đau đớn không phải là hai thứ bất tương hợp.  Hạnh phúc và buồn sầu cũng thế.  Đúng hơn, chúng ta thường cảm nhận chúng cùng đi với nhau.  Chúng ta có thể rất đau đớn mà vẫn hạnh phúc, cũng như chúng ta có thể không đau đớn, thấy khoái lạc, nhưng lại bất hạnh.  Niềm vui và hạnh phúc được khẳng định dựa vào một điều gì đó tồn tại được qua đau đớn, cụ thể là ý nghĩa, nhưng chuyện này không dễ gì hiểu được.  Chúng ta có xu hướng mang một ý niệm hời hợt vô ích về cấu thành của niềm vui và hạnh phúc.  Với chúng ta, chúng bất tương hợp với đau đớn, thống khổ và buồn sầu.  Tôi tự hỏi nếu vào Thứ Sáu Tuần Thánh, khi Chúa Giêsu đang bị treo trên thập giá, mà có người hỏi “Ngài có hạnh phúc khi ở trên đó không?” thì Chúa sẽ trả lời thế nào.  Tôi cho rằng Ngài sẽ nói tương tự thế này. “Nếu ngươi hình dung hạnh phúc theo cách của ngươi, thì câu trả lời là không!  Ta không hạnh phúc!  Nhất là trong ngày hôm nay!  Nhưng giữa những thống khổ Ta trải qua hôm nay, Ta cảm nghiệm được ý nghĩa, một ý nghĩa quá sâu sắc đến nỗi nó bao hàm cả niềm vui và hạnh phúc đi kèm thống khổ.  Trong đau đớn, có một niềm vui và hạnh phúc thâm sâu từ việc hy sinh bản thân vì điều này.  Cái bất hạnh và thiếu vắng niềm vui như ngươi cảm nhận, là thứ đến rồi đi, nhưng ý nghĩa thì tồn tại mãi trong mọi cảm giác này.”

Biết được thế nhưng chúng ta vẫn không dễ gì chấp nhận Thiên Chúa là niềm vui và là một dấu chỉ chắc chắn về cuộc sống thuộc về Thiên Chúa trong tâm hồn.  Tuy nhiên, biết được vậy là một khởi đầu quan trọng để dần dần chúng ta cảm nhận và ý thức thêm về nó.

Có một nỗi buồn thực sự khi không làm thánh.  Tại sao lại thế?  Vì khoảng cách giữa chúng ta với sự thánh thiện cũng là khoảng cách giữa chúng ta với Thiên Chúa, và khoảng cách giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng là khoảng cách giữa chúng ta với niềm vui.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TÊN THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Mỗi người sinh ra đều được đặt một cái tên.  Tên hay còn gọi là danh xưng của một cá nhân nhằm xác định cụ thể và định dạng về một ai đó.  Nói đến tên là nói đến sự hiện hữu của người đó.  Mỗi cái tên mang một ý nghĩa và có một tầm quan trọng rất lớn.  Tên gắn bó với người đó trong suốt cuộc đời và còn mãi cho đến khi đã khuất tên vẫn còn “lưu truyền hậu thế,” như câu ngạn ngữ: “Hổ chết để da, con người ta chết để tiếng;” lưu truyền đó tốt hay xấu là do cách sống của ta.  Khi nói đến tên của ai đó ta nghĩ về cuộc đời và con người của họ.  Người Công giáo ngoài tên thường gọi, còn có tên Thánh, được đặt từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội.  Tên con người là thế, nhưng có ai đã đặt vấn đề: Con người sinh ra ai cũng có tên, vậy Thiên Chúa là Đấng dựng nên ta, Ngài có tên không?  Và tên Ngài là gì?

Khi ta biết tên của ai đó là lúc ta bắt đầu biết về họ.  Chúng ta không ai biết tên Thiên Chúa.  Sở dĩ chúng ta biết tên Thiên Chúa là nhờ Ngài mạc khải chính tên của Ngài cho chúng ta.  Cho nên, khi con người biết tên Thiên Chúa là bước khởi đầu để con người có cơ hội biết về Ngài, và Ngài sẵn sàng thiết lập tương giao giữa Ngài với con người.  Điều này được thấy rõ trong Kinh Thánh Cựu Ước, khi Thiên Chúa mạc khải tên của Ngài cho dân qua Môsê trên núi Sinai (Xh 3,1-15).  Thiên Chúa mạc khải cho Môsê biết tên Ngài là Giavê (Yahweh), Đấng Tự Hữu, là “Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob.”  Khi Thiên Chúa mạc khải tên của Ngài cũng là lúc Ngài mạc khải bản tính của Ngài.  Ngài là Thiên Chúa của tình yêu.

Theo dòng lịch sử của mình, Israel đã có thể khám phá ra rằng Thiên Chúa chỉ có một động lực duy nhất khiến Ngài tự mạc khải cho họ, và chọn họ giữa mọi dân để họ là dân của Ngài: đó là tình yêu nhưng không của Ngài.  Nhờ các tiên tri, Israel hiểu rằng, cũng vì tình yêu mà Thiên Chúa không ngừng giải cứu họ và tha thứ cho sự bất trung và tội lỗi của họ.  Tình yêu của Thiên Chúa đối với Israel được so sánh với tình yêu của một người cha đối với con mình (Hs 11,1).  Tình yêu đó còn mạnh hơn tình yêu của một người mẹ dành cho con cái mình (Is 49, 14-15).  Thiên Chúa yêu dân Ngài hơn người chồng yêu người vợ yêu dấu của mình (Is 62,4-5). Tình yêu đó cũng chiến thắng những bất trung, tình yêu là tha thứ, và tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Israel là vĩnh cửu “tồn tại muôn đời” (Is 54,8).  “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,10).  “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng thương xót” (Gr 31,3).  Tình yêu vĩnh cửu đó thể hiện rõ nhất qua việc “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16).  Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16), vì chính Hữu thể của Thiên Chúa là tình yêu.  Với mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh, tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện cụ thể, rõ ràng qua dung mạo của Đức Giêsu Kitô.  Đức Kitô chính là lời mạc khải trọn vẹn về tình yêu Thiên Chúa.  Qua Con Một, Thiên Chúa mạc khải điều bí ẩn thâm sâu nhất của Ngài: Chính Ngài là sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và Ngài đã tiền định cho chúng ta được dự phần vào sự trao đổi tình yêu đó. (GLHTCG 218-221)

Chúng ta biết Tên của Thiên Chúa là Tình Yêu, và chúng ta được Thiên Chúa dựng nên bằng tình yêu của Ngài, khi Ngài cho con người giống hình ảnh Ngài, nên chúng ta được thông phần với tình yêu của Ngài.  Vì thế, tên của chúng ta cũng phải thể hiện được bản chất vốn sẵn có mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong mỗi người chúng ta đó là Tình Yêu.  Chúng ta được mời gọi hãy sống và phản chiếu dung mạo của Thiên Chúa là Tình yêu.  Khi ta sống trong tình yêu và thể hiện tình yêu ấy là ta đang sống đúng bản chất tình yêu như Thiên Chúa muốn ban tặng cho chúng ta; được kết hiệp nên một với Thiên Chúa, cuộc đời ta được tháp nhập hoàn toàn vào tình yêu của Ngài, dù tình yêu của ta nhỏ bé và giới hạn so với tình yêu của Thiên Chúa.

Từ muôn thuở Thiên Chúa đã khắc ghi tên ta là Tình yêu trong trái tim Ngài.  Ngài muốn hiện hữu cùng ta với tên gọi Tình yêu.  Ta là Tình yêu của Thiên Chúa.  Thế nhưng, đối với ta, Thiên Chúa có là Tình yêu của ta không?  Hay chỉ là một thụ tạo, một đam mê, một vui thú thế gian nào đó mới là tình yêu của ta?  Ta đã thực sự thông phần vào bản chất tình yêu mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong trái tim Ngài chưa?

Thân phận con người vốn mỏng manh, yếu đuối và dễ đổi thay.  Thiên Chúa thấu suốt mọi tâm can từng gang tấc nơi con người hơn bất cứ ai.  Ta đã từng khấn hứa giao ước tình yêu với Thiên Chúa, nhưng liệu ta có giữ mãi được lời thề hứa sắt son đó không?  Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu trung tín, không thay đổi; chỉ có tình yêu nơi con người mới đổi thay.  Thiên Chúa mãi mãi thể hiện đúng bản chất tình yêu của Ngài.

Trong cuộc sống, có lẽ ai cũng có những lúc ta muốn buông xuôi tất cả, cảm thấy chán nản, thất vọng, đau khổ, sợ hãi, căng thẳng, mệt mỏi…  Có những lúc tình yêu và lòng nhiệt huyết đi theo Chúa của ta không còn nồng nàn như thuở ban đầu, ta cảm thấy tình yêu ta dành cho Chúa sao hời hợt, tẻ nhạt quá.  Dù như thế, ta hãy nhớ ta vẫn mãi là Tình yêu của Thiên Chúa vì ngay cả khi ta không trung tín với Ngài thì Ngài cũng vẫn tín trung, vì Ngài không thể nào tự chối bỏ chính mình (2Tm 2,13).  Dù ta có như thế nào Thiên Chúa chỉ muốn ta một điều đó là không được thay đổi tình yêu.  Tình yêu là chất keo gắn kết ta với Chúa và giúp ta hiệp thông với anh chị em.  Trung thành trong tình yêu là điều cần thiết để theo Ngài.  Cuộc sống có lúc thăng, lúc trầm, điều đó giúp cho cuộc sống ta thêm phong phú hơn, nó như một bản nhạc cuộc đời làm cho ta thêm khởi sắc hơn.  Ta hãy nhìn cuộc sống bằng đôi mắt đức tin và trong cái nhìn tích cực để thúc đẩy ta trung thành với tình yêu giao ước thuở ban đầu của ta với Chúa.

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sớm cảm nghiệm được tình yêu, nên ngài viết lên một lời bất hủ: “Trong lòng Giáo hội, con sẽ là Tình yêu.”  Một tình yêu âm thầm nhưng vĩ đại và sâu sắc.  Tình yêu của hoa hồng đầy gai nhưng tràn ngập hạnh phúc vì được yêu Chúa.  Chị thánh đã nói: “Tôi đã chẳng cho Thiên Chúa tốt lành điều gì ngoài tình yêu, và Ngài sẽ trả lại cho tôi chính tình yêu.”  Thánh nữ không chỉ là bông hoa bé nhỏ của Chúa Giêsu nhưng còn là của toàn Giáo hội, chị đã để lại một kho tàng quý giá là linh đạo “Con đường thơ ấu” với một tình yêu mạnh mẽ và vĩ đại.

Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã thương chọn gọi con, đã yêu thương con bằng mối tình muôn thuở, và đã khắc tên con trong trái tim Ngài.  Xin cho con biết thể hiện và sống đúng bản chất tên Tình yêu như Chúa.  Ước gì trái tim con luôn cùng nhịp đập với trái tim Ngài để con biết yêu thương như Ngài đã yêu bằng đời sống đức ái với anh chị em con.  Xin cho con được mãi trung thành với giao ước tình yêu mà Chúa dành cho con trong ơn gọi thánh hiến.   Amen!

 Sương Mai
Nguồn: https://dongten.net