THÁNH SỬ LUCA, TÁC GIẢ TIN MỪNG

Theo các nhà Kinh Thánh học, thánh Luca đã hiến cho chúng ta hai tác phẩm: một là cuốn Tin Mừng thứ ba và hai là sách Tông Đồ Công Vụ.

Qua các tông đồ, nhất là Mẹ Maria và thánh Phaolô, thánh Luca đã ghi lại tiểu sử của Chúa Giêsu bằng những nét đặc sắc.  Ngài đã hết lòng ca tụng ơn cứu độ và lòng từ bi của Thiên Chúa.  Qua những truyện như: Người con phung phá, người Samaritanô nhân hậu, ông Giakêu, người trộm lành… chúng ta thấy được phần nào chủ ý của thánh nhân khi ngài muốn trình bày cho chúng ta thấy một cách cụ thể về lòng từ bi của Thiên Chúa.

Tin Mừng thánh Luca cũng là Tin Mừng về đời sống cầu nguyện.  Ngài đặt trước mắt chúng ta gương cầu nguyện của Chúa Giêsu trước khi Chúa chịu phép rửa, trước khi khi chọn môn đệ, trước khi biến hình sáng láng, lúc hấp hối trong vườn Giệtsimani và cả trên thánh giá.

Tin Mừng của ngài là Tin Mừng cho những người bị áp bức.  Không Tin Mừng nào làm cho chúng ta có thể thấy được một sự lưu tâm đáng yêu mà Chúa dành cho những người thu thuế và tội lỗi như trong Tin Mừng thánh Luca: Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất.. một người nữ ngoại tình, một người thu thuế thống hối, một tên trộm ăn năn…  Không một Tin Mừng nào diễn tả được tấm lòng tha thiết của Chúa dành cho những người bơ vơ nghèo đói cho bằng dưới ngòi bút điêu luyện của Luca.

Tin mừng của thánh Luca là Tin Mừng của niềm vui vì ngay từ đầu, và bàng bạc trong Tin Mừng của ngài, có rất nhiều chỗ nói về niềm vui như loan báo tin vui cho Zacharia, truyền tin cho Maria.  Những niềm vui liên tục khi Thánh Gioan chào đời, lúc Chúa giáng sinh…  Những niềm vui trong chương 15 khi tìm thấy con chiên lạc, tìm được đồng tiền mất, gặp lại người con hoang và niềm vui hân hoan của các tông đồ khi trở lại Giêrusalem.  Ðúng như Harnack đã nói: “Có những nét vui tươi, can trường và chiến thắng âm vang trong toàn bộ cuốn Tin Mừng của Thánh Luca từ trang đầu cho tới trang chót.”

Tin Mừng của thánh Luca còn được gọi là Tin Mừng của những người phụ nữ bởi vì không Tin Mừng nào vai trò của người phụ nữ được nhắc tới với một lòng kính trọng như Tin Mừng của thánh Luca.  Những câu chuyện về những người phụ nữ đặc biệt như những chị em phụ nữ đi theo phục vụ Chúa Giêsu và tông đồ đoàn chỉ có thể tìm thấy trong Tin Mừng của thánh Luca.

Sau hết, khi trình bày, thánh Luca như cố ý cho chúng ta thấy những điều kiện cần thiết để tin theo Chúa cũng như để được gia nhập Nước Trời.  Những điều kiện đó là đức tin, lòng khiêm nhường, thống hối, dám chấp nhận những khó khăn, biết sống bác ái và kiên trung trong đau khổ.

Cũng như Tin Mừng, cuốn Tông Đồ Công Vụ của thánh Luca là một bằng chứng sống động về việc Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống truyền giáo của các tông đồ và đời sống của Giáo Hội lúc sơ khai.  Đây cũng là cuốn lịch sử đầu tiên của Giáo hội.  Đọc sách Công vụ chúng ta không thể không cảm thấy một nguồn vui thanh cao và sống động được bùng phát lên từ sự nhận biết Thiên Chúa của các tín hữu đầu tiên, và rồi kết quả sau đó là một cuộc sống được định hướng bằng tình bác ái chân thực, bằng tinh thần hy sinh xả kỷ, cũng như bằng bầu khí cầu nguyện, bằng sự hiệp nhất cao độ, lòng hợp lòng, với một đức tin, và một tình yêu duy nhất để hình thành nên những cộng đoàn thánh thiện giữa các tông đồ và những người tin Chúa của Giáo hội sơ khai.

Mặc dầu lịch sử không cho chúng ta những tài liệu chính xác về gia thế và đời sống của thánh Luca, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng: thánh Luca thuộc gia đình nề nếp và giàu sang tại Antiokia.  Khi còn bé, Ngài được giáo dục chu đáo về cả đức tính, văn hóa và nghề nghiệp.  Ngài theo học các khoa cổ điển của nền văn minh Hy lạp và chuyên nghề lương y.  Từ buổi đầu, thánh Luca vẫn chưa biết Chúa.  Cho đến một ngày kia thánh Phaolô đến Troa giảng đạo Chúa Giêsu.  Luca vào nghe và sau khi suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận và nhận thấy giáo thuyết thánh Phaolô giảng rất thâm trầm hợp lý, Ngài liền tin theo.  Ngài chịu phép rửa tội và theo làm môn đệ thánh Phaolô, ngày đêm học hỏi Kinh Thánh và làm thư ký cho thánh Tông đồ.  Quãng năm 49, nghĩa là khi khởi sự truyền giáo lần thứ hai, thánh Phaolô cùng mang thánh Luca đi theo.  Nhưng rồi hai thầy trò lại chia lìa nhau một thời gian.  Có lẽ kỳ này thánh Luca trở về sinh quán làm nghề lương y.  Đến sau hai thầy trò lại gặp nhau tại Philipphê.  Từ đây thánh Luca cùng đi giảng đạo với thánh Phaolô.  Nhưng đến khi thánh Phaolô bị người La Mã bắt cầm tù, thì thánh Luca cũng từ giã đế đô, và chúng ta không biết gì về quãng cuối đời của Ngài nữa.

Đọc Tin Mừng thứ ba và Công vụ tông đồ, chúng ta thấy thánh Luca rất lỗi lạc về văn chương Hy lạp. Ngài quả là một nhà văn học kỳ tài, luôn thay đổi từ ngữ và dùng những danh từ thích hợp với đặc tính văn chương của người Hy lạp thời bấy giờ.  Thánh nhân tỏ ra rất nghệ thuật trong việc bố cục câu chuyện thế nào cho rõ ràng, hấp dẫn, gợi nhiều ý tưởng và tâm tình, chẳng hạn dụ ngôn người con người phung phá và câu chuyện hai người du khách trên đường Emmau phải là hai kiệt tác văn chương, có nhiều giá trị nghệ thuật không kém gì những áng văn hay nhất của người Hy lạp thời ấy.

Hơn thế, thánh Luca còn là một người rất sành tâm lý.  Thánh nhân đã mặc cho mỗi nhân vật trong Tin Mừng cũng như trong các dụ ngôn những tâm tình, cử điệu và lời lẽ phù hợp với địa vị riêng của họ.  Phải chăng nhờ tài nghệ này, thánh Luca đã đề cao đến chữ trọn hảo địa vị Cứu thế của Chúa Giêsu: Chúa nhân lành tự trời đến với loài người lầm than tội lỗi.  Chúa tự hiến mình trên thập giá để tẩy xóa mọi tội trần và thông ban ơn sủng đời sống mới cho các tâm hồn.

Với một sự hiểu biết sâu xa về sứ mệnh Cứu thế của Chúa như vậy, hẳn thánh Luca đã nhiệt thành với nhiệm vụ phổ biến Tin Mừng cứu thế không kém gì thánh Phaolô.  Nhưng Ngài giảng đạo tại đâu và chết như thế nào thì theo một tài liệu tìm thấy ở Constantinople, thánh Luca đã giảng đạo tại Achaie và Beotie.  Và sau cùng làm giám mục thành Thèbes.  Trong bài thực hành cuốn chú giải Tin Mừng thánh Matthêô, Thánh Hiêrônimô nói rõ thánh Luca đã viết Tin Mừng thứ ba tại Achaie và Beotie, sau cùng thánh Gaudence de Brescia quả quyết thánh Luca cùng chịu tử đạo với thánh Andrê tại Patras một tỉnh nhỏ thuộc vùng Achaie.

Ngày nay thánh Luca là quan thầy của các lương y và bác sĩ.  Ngài cũng là bổn mạng các nhà họa sĩ, vì theo một truyền thuyết thì thánh nhân đã họa bức ảnh chân dung Đức Mẹ đầu tiên mà nay chúng ta quen gọi là ảnh “Đức Mẹ hằng cứu giúp.”

Ngay từ đầu, Giáo hội vẫn kính lễ thánh Luca vào ngày 18.10 mỗi năm.

Kính xin thánh Luca thánh sử phù trợ cho chúng ta được lòng tin mạnh mẽ và hăng hái như người để chúng ta đem tin lành cứu độ đến cho những người còn chưa nhận biết Chúa.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

MƯỜI BÀI HỌC THIÊNG LIÊNG TỪ THÁNH TÊRÊSA AVILA

Chỉ trong hai tuần mà Lịch Phụng vụ tách biệt hai vị thánh kỳ diệu, truyền cảm và đáng yêu nhất, những người thực sự yêu thương chúng ta và muốn chúng ta yêu mến họ: Thánh Têrêsa thành Lisieux và Thánh Têrêxa Avila.

Thánh Têrêsa thành Lisieux chúng ta mừng kính vào ngày 1 tháng 10; Thánh Têrêxa Avila chúng ta mừng kính vào ngày 15 tháng Mười.  Họ có đặc điểm gì chung?  Cả hai đều là phụ nữ, cả hai đều thuộc số ít nữ Tiến sĩ của Hội Thánh, đều là những nhà chiêm niệm tuyệt vời, đều là nữ tu Dòng Cát Minh, nhưng quan trọng nhất là cả hai đều đã, đang và sẽ mãi mãi là những người yêu vĩ đại của Thiên Chúa chúng ta và Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ.

Trong bài viết ngắn này, chúng tôi muốn tri ân Thánh Têrêxa Avila và nêu bật mười đóng góp to lớn của thánh nữ cho Giáo hội Công giáo và đối với chúng tôi như một mẫu gương về sự thánh thiện, mà tất cả chúng ta đều được kêu gọi đạt tới.  Hãy nhớ lại những lời của Chúa chúng ta và Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ trong bối cảnh của Bài Giảng Trên Núi: “Hãy nên thánh như Cha anh em trên trời là Đấng thánh.” (Mt. 5:48)

Trở nên thánh thiện, đạt đến sự thánh thiện của cuộc sống, thì không phải là điều kiện, ước muốn cũng không phải là điều mà chỉ một nhóm tuyển chọn được kêu gọi, mà là tất cả.  Thánh Têrêxa thành Calcutta thách thức chúng ta bằng những lời đánh động này: “Sự thánh thiện không phải là đặc ân của một số ít, nhưng là bổn phận của tất cả mọi người.”  Bây giờ chúng ta hãy nhìn lên thánh Têrêsa Avila, người sẽ hướng chúng ta đến với Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và Người Bạn Trung Thành.

1. Cầu nguyện

Một trong những điểm nổi bật chính đời sống thiêng liêng của Thánh Têrêsa thành Avila là tầm quan trọng của việc cầu nguyện.  Mặc dù thánh nữ đã đấu tranh trong nhiều năm, thánh nữ vẫn dạy chúng ta điều căn bản này nhưng không thể thiếu trong đời sống thiêng liêng – Sự kiên trì cầu nguyện!  Hãy suy ngẫm về những lời khôn ngoan bất hủ của thánh nữ và ghi nhớ: “Chúng ta phải có một quyết tâm kiên định để không bao giờ từ bỏ cầu nguyện.”

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta điều cực kỳ quan trọng này trong Dụ ngôn Bà Goá và Thẩm phán.  Người góa phụ này, nhờ sự kiên trì và ngoan cường của mình cuối cùng đã nhận được sự trợ giúp của vị Thẩm phán lạnh lùng này (Lc 18: 1-8).  Thánh Têrêxa nhấn mạnh rằng chúng ta không bao giờ được bỏ cầu nguyện.  Nếu bạn thích một phép loại suy: không khí đến phổi thì lời cầu nguyện đến với linh hồn.  Phổi khỏe mạnh cần không khí liên tục và trong lành; linh hồn khỏe mạnh phải thường xuyên hít thở bằng lời cầu nguyện – oxy của linh hồn.

2. Định nghĩa cầu nguyện

Thánh Thomas Aquinas cho chúng ta lời khuyên đơn giản nhưng rất chắc chắn: hãy xác định chủ đề trước khi bắt đầu nói về nó.  Bằng cách này, bạn có thể tránh được nhiều nhầm lẫn.  Thánh Têrêa Avila cho chúng ta một trong những định nghĩa cổ điển về cầu nguyện trong lịch sử Công giáo.  “Cầu nguyện không gì khác hơn là dành nhiều thời gian ở một mình với người yêu tôi.”

Một bản tóm tắt ngắn gọn phải không?  Hai người bạn yêu nhau!  Chính Chúa Giêsu đã gọi các tông đồ là bạn – vì vậy, bạn cũng được kêu gọi làm bạn với Chúa Giêsu!

3. Tình yêu dành cho Chúa Giêsu

Thánh Têrêsa cho chúng ta một gợi ý để phát triển đời sống cầu nguyện!  Thánh nữ Tiến sĩ Hội Thánh nói rằng thánh nữ đã nhận được nhiều ân sủng khi suy gẫm về nhân tính của Chúa Giêsu.  Bằng cách dành thời gian cho Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người và kết hợp với Ngài là một con đường chắc chắn để thăng tiến trong đời sống cầu nguyện.  Thử xem!

Thánh Inhaxiô thành Loyola, trong phương pháp Linh Thao nhấn mạnh việc cầu xin ân sủng này: “Sự hiểu biết sâu sắc về Chúa Giêsu rằng chúng ta yêu mến Ngài nhiều hơn và theo sát Ngài hơn.”

4. Tình yêu dành cho Chúa Giêsu trong những đau khổ của Ngài

Dường như là một mẫu số chung trong nhiều vị thánh – lời kêu gọi chiêm ngắm tình yêu của Chúa Giêsu qua cuộc Khổ Nạn của Ngài – Padre Pio, thánh Catarina thành Siena, thánh Faustina và Têrêsa thành Avila.  Đối với thánh Têrêsa, thánh nữ đã có một trải nghiệm thần bí về Chúa Giêsu Khổ Nạn; thánh nữ đã nhìn thấy Chúa Giêsu với ánh hào quang trên đầu và điều này đã khiến thánh nữ có một tình yêu tuyệt đối dành cho Chúa Giêsu.

5. Chúa Thánh Thần: Vị Thầy thiêng liêng trong cầu nguyện

Trong một lần, thánh nữ gặp khó khăn trong cầu nguyện và thánh nữ đã nói chuyện với một linh mục Dòng Tên để xin lời khuyên về cách vượt qua khó khăn trong cầu nguyện.  Lời khuyên của vị linh mục rất đơn giản và  trọng tâm, nhưng đã thay đổi cuộc đời thánh nữ!  Linh mục nhấn mạnh đến việc cầu xin Chúa Thánh Thần.  Từ thời điểm đó, theo lời khuyên tuyệt vời này là cậy dựa vào Chúa Thánh Thần, đời sống cầu nguyện của Têrêsa được cải thiện rõ rệt.

Thư thánh Phaolô gởi cho tín hữu Rôma nhắc lại cùng một điểm: “Cũng vậy, Thánh Linh cũng đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng ta; vì chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào, nhưng chính Thánh Linh cầu thay bằng những tiếng rên rỉ không tả.” (Rôma 8:26).  Hãy để chúng ta được dẫn dắt bởi vị thầy tốt nhất, bậc thầy nội tâm của cầu nguyện, Chúa Thánh Thần.

6. Hướng dẫn thiêng liêng

Để đạt được sự phát triển không ngừng trong đời sống thiêng liêng, chúng ta phải có một số hình thức hướng dẫn thiêng liêng.  Sự mù quáng về đời sống thiêng liêng, tất cả chúng ta đều trải qua.  Ma quỷ có thể trá hình hoặc ngụy trang thành một thiên thần ánh sáng.  Và chúng ta càng lên cao trong đời sống thiêng liêng thì những thủ đoạn và sự dụ dỗ của ma quỷ càng tinh vi hơn – “kẻ đang tìm kiếm chúng ta, một con sư tử gầm thét sẵn sàng ăn tươi nuốt sống chúng ta” (1 Pr 5: 8-9).

Trong suốt cuộc đời của mình, Thánh Têrêxa Avila đã nhờ đến một số vị linh hướng và một số trong số này đã được phong thánh: Thánh Gioan Thánh Giá (Carmelite), Thánh Phanxicô Borgia (Dòng Tên), Thánh Phêrô thành Alcantara (Phan sinh), và cuối cùng, Jerome Gracian – một học giả và nhà thần học nổi tiếng dòng ĐaMinh.  Đúng vậy, tất cả chúng ta không thể có ba vị thánh và một nhà thần học ĐaMinh lỗi lạc hướng dẫn chúng ta, nhưng tất cả chúng ta có thể và phải tìm ra một số hình thức đồng hành thiêng liêng định kỳ.  Thánh Gioan Thánh Giá nói thẳng: “Ai là người hướng dẫn chính mình thì có một môn đồ ngốc nghếch.”  Chiến thắng!

7. Hoán cải và đổi mới

Một điểm nổi bật chính trong cuộc đời của Thánh Têrêsa thành Avila là toàn bộ khái niệm về sự hoán cải hoặc đổi mới.  Với Thánh Gioan Thánh Giá, thánh nữ là khí cụ chính mà Thiên Chúa chọn để cải tổ Dòng Cát Minh.  Tuy nhiên, Têrêsa nhận thức sâu sắc sự thật này: để hoán cải người khác, chúng ta phải bắt đầu từ chính bản thân mình – điều này thánh nữ ấy đã thực hiện trong suốt cuộc đời trần thế của mình.

Lời đầu tiên của Chúa Giêsu khi rao giảng là: “Hãy hoán cải vì Nước Trời đã gần đến” (Mc.1, 15).  Xin cho chúng ta không ngừng nỗ lực hoán cải tận đáy lòng qua lời cầu bầu của Thánh Têrêxa Avila.

8. Những kiệt tác Tâm Linh – Những tác phẩm của thánh nữ

Không nghi ngờ gì nữa, một trong những đóng góp lớn cho Giáo hội cũng như cho thế giới nói chung là những tác phẩm hoặc kiệt tác Tâm Linh của thánh Têrêsa Avila.  Một trong những chủ đề cơ bản của thánh nữ là tầm quan trọng của việc cầu nguyện, và cố gắng ngày càng sâu hơn trong việc cầu nguyện cho đến khi một người đạt đến sự kết hợp mật thiết của người phối ngẫu, với Chúa Giêsu phối ngẫu trên trời.

Bất kỳ ai coi trọng đời sống cầu nguyện của mình nên biết về các tác phẩm của Têrêsa và dành thời gian đọc một số tác phẩm được chọn của thánh nữ.  Những tác phẩm kinh điển của thánh nữ là gì?  Đó là: “Cuộc đời của thánh nữ”, “Con đường của sự hoàn thiện,” “Lâu đài nội tâm,” “Nền tảng.”  Ngoài những sách này, thánh nữ còn viết nhiều bức thư đầy truyền cảm.  Muốn trở thành một vị thánh không?  Đọc và nghiền ngẫm từ các bài viết của các thánh, đặc biệt là các Tiến sĩ của Giáo hội!

9. Thánh giá như cầu dẫn đến Thiên đàng

Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo Ta.”  Một mẫu số chung khác trong cuộc đời của các thánh là thực tại của thập giá.  Thánh Louis de Montfort chúc lành cho bạn bè của mình như vậy: “Cầu Chúa phù hộ cho bạn và ban cho bạn nhiều cây Thánh giá nhỏ!”

Thánh Têrêsa đã sống với một người bạn thường xuyên – thập giá của Chúa Giêsu.  Sức khỏe của thánh nữ luôn rất yếu ớt; Thánh nữ gần như chết khi còn rất trẻ.  Hơn nữa, để thánh Têrêxa Avila thực hiện Cải cách Dòng Cát Minh, thánh nữ đã phải chịu các cuộc tấn công và bắt bớ liên tục từ nhiều nữ tu trong tu viện, những người ưa thích một lối sống thoải mái hơn, từ các linh mục (Carmelites), và từ các thành viên giáo hội khác.  Thay vì thất vọng và nản lòng, thánh nữ  vui vẻ tin cậy nơi Chúa hơn nữa – dù sao, đó là việc của Ngài.

10. Đức Mẹ và Thánh Giuse

Trong suốt đời tu của mình, thánh Têrêxa Avila yêu mến Đức Trinh Nữ Maria – như điều thường thấy trong cuộc đời của các thánh, và hy vọng cuộc sống của bạn!  Danh hiệu của lòng sùng kính Đức Mẹ cụ thể của thánh nữ là Đức Mẹ Núi Carmel.  Đừng bao giờ quên, trong tình yêu của bạn dành cho Đức Mẹ, hãy đeo vòng đeo đầu của Đức Mẹ Núi Carmêl.  Đây là dấu hiệu bên ngoài của sự dâng mình cho Mẹ Maria.

Hơn nữa, Thánh Têrêxa Avila đã nuôi dưỡng một tình yêu dịu dàng và hiếu thảo đối với Thánh Giuse.  Thánh nữ cho rằng sự bình phục của thánh nữ sau một căn bệnh gần như kết thúc cuộc đời thánh nữ là nhờ sự cầu bầu mạnh mẽ của Thánh Giuse.  Ngoài ra, mỗi tu viện mới thành lập, thánh nữ đều đặt tên là San Jose – Thánh Giuse!

Tóm lại, cầu mong thánh nữ Tiến sĩ Giáo hội – Tiến sĩ cầu nguyện – Thánh Têrêxa Avila, là nguồn cảm hứng không ngừng cho bạn trong cuộc hành hương thiêng liêng về Nước Trời.  Mong thánh nữ khuyến khích bạn cầu nguyện nhiều hơn và sâu hơn, đạt đến sự hoán cải sâu sắc hơn trong tâm hồn, và cuối cùng yêu mến Chúa Giêsu là chính trung tâm và nguồn cuộc sống của bạn!

Fr. Ed Broom, OMV
Nguồn: https://catholicexchange.com

LỜI MỜI VÀ SỰ ĐÁP TRẢ

Sau khi đã dùng ba chuyện dụ ngôn đều xoay quanh hình ảnh vườn nho để giáo huấn về Nước Trời, Chúa Giê-su tiếp tục nói với chúng ta về Nước Trời với một lối so sánh khác, đó là tiệc cưới.  Trong bất kỳ nền văn hóa nào, tiệc cưới là một biến cố hân hoan vui mừng, không chỉ cho đôi tân hôn, mà còn cho cả họ hàng đôi bên và cả dân làng.  Tin Mừng hôm nay không phải là lần duy nhất Chúa Giê-su nói về tiệc cưới.  Chúng ta có thể thấy hình ảnh này trong Mt 9,15 (nói về khách dự tiệc cưới không thể buồn sầu và ăn chay), rồi trong Mt 25,1 (dụ ngôn mười trinh nữ đi đón chàng rể).  Trong Tân ước, chúng ta còn thấy hình ảnh tiệc cưới trong Ga 3,29; Kh 21,2; Ep 5,22.  Một cách tổng quát, hình ảnh chàng rể được hiểu là chính Chúa Giê-su.  Người là tân lang của Giáo Hội.

Nếu Chúa Giê-su là chú rể, thì chủ tiệc là Chúa Cha.  Chúa Cha luôn quảng đại rộng rãi.  Ngài mời gọi con người đón nhận Đức Giê-su là Con Một Ngài nhập thể làm người.  Có những người được mời trân trọng từ ban đầu, nhưng lại coi nhẹ lời mời này, và kiếm cớ khước từ.  Những lý do khước từ là mới mua nông trại, mới cưới vợ, đang mải buôn bán.  Những người được mời đầu tiên có thể được hiểu là người Do Thái.  Họ là dân của giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với ông Áp-ra-ham Tổ phụ.  Họ là những người được ưu tiên lắng nghe Lời Thiên Chúa.  Tuy vậy, nhiều người trong họ đã khước từ lời mời gọi của Chúa Giê-su.  Đương nhiên, có nhiều người Do Thái tin vào Chúa Giê-su và đi theo Người.  Hình ảnh những người được mời trước hết, cũng có thể hiểu là con người của mọi thời đại và có thể là chính chúng ta.  Bởi lẽ lời mời gọi của Chúa Giê-su trong Phúc âm luôn mang tính hiện tại.  Có những khi chúng ta khước từ lời mời gọi của Chúa vì những lý do nhỏ nhặt và trần tục, giống như những người được mời trong Phúc âm.

Dù có nhận lời mời hay không.  Dù được mời sớm hay mời muộn, tất cả cuối cùng cũng phải có mặt trong phòng tiệc.  Đó là ngày cánh chung.  Ngày Đức Giê-su sẽ đến một cách hữu hình lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết.  Mọi người sẽ phải trình diện trước Thánh Nhan, để chịu phán xét.  Người lành được ban thưởng, kẻ dữ phải trầm luân.  Đức Giê-su dùng nhiều hình ảnh để diễn tả ngày phán xét: đó là chiếc lưới thả xuống biển thu được cả cá xấu và cá tốt, hay mùa gặt lượm về cả lúa và cỏ lùng.  Nếu được thu hoạch cùng lúc, thì định mệnh và tương lai của cá xấu và cỏ lùng lại hoàn toàn khác biệt với cá tốt và thóc lúa.

Ngày cánh chung ấy được ngôn sứ Isaia diễn tả trong Bài đọc I: “Ngày ấy, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc.”  Lại là bữa tiệc, nhưng đây là bữa tiệc vĩnh cửu.  Đó là ngày Thiên Chúa can thiệp, vào lúc tận cùng thời gian.  Thiên Chúa sẽ cất đi chiếc khăn tang, nghĩa là không còn chết chóc đau thương, nhưng là niềm vui bất tận.

Dù mọi người qua đường đều được mời vào phòng tiệc, nhưng không phải ai cũng được dự tiệc.  Ông chủ trong dụ ngôn xem ra có vẻ kỳ lạ: ông sai người ra đường ép người ta vào cho đầy nhà, rồi lại hạch sách là sao không mặc áo cưới.  Người không mặc áo cưới đã phải chịu số phận thảm khốc, đó là bị trói chân tay và ném ra chỗ tối tăm.  Những gì được chính Chúa Giê-su diễn tả cho thấy hình ảnh của hoả ngục: nơi tối tăm và đầy tiếng khóc lóc nghiến răng.  Để giải thích thái độ của ông chủ, một số nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng theo phong tục tập quán thời bấy giờ, ở cửa phòng tiệc thường có ban lễ tân phân phát miễn phí áo cưới cho khách dự tiệc.  Có thể vị khách này đã coi thường tập tục, hoặc bất cẩn mà nên như vậy.

Thiên Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta đến dự tiệc cưới, mà chàng rể chính là Chúa Giê-su.  Sống trong Giáo Hội, chúng ta được hưởng niềm vui, vì được gặp gỡ Chúa Giê-su, được kết hợp với Người, mật thiết như bạn bè, thậm chí như tình nhân.  Quả vậy, Chúa Giêsu là Bạn tâm phúc của tâm hồn chúng ta.  Lòng yêu mến sẽ gắn bó cá nhân mỗi chúng ta với Người.

“Nước Trời giống như…”  Khi nói về Nước Trời, Chúa Giê-su luôn dùng lối so sánh.  Vì Nước Trời là một thực tại cao siêu, một phạm trù vô hình, chúng ta không thể hiểu nổi.  Tin theo Chúa Giê-su là gia nhập Nước Trời.  Nước Trời đã khai mở ở trần gian nhưng chưa đạt tới mức hoàn thành.  Chúng ta cần phải cầu nguyện hằng ngày: xin cho Nước Cha trị đến, đồng thời nỗ lực cố gắng làm cho Vương quốc bình an của Đức Giê-su hiện hữu nơi cuộc đời.  Có thể chúng ta lập luận: “Khó quá! Làm sao tôi có thể cộng tác mở rộng Nước Trời.”  Thánh Phao-lô khích lệ chúng ta trong Bài đọc II: Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết những gian nan khốn khó.  Thánh nhân khuyên chúng ta hãy tín thác vào quyền năng Thiên Chúa, nơi Ngài, điều không thể sẽ trở thành điều có thể.  Như thế, sống tốt lành và ngay thẳng như Chúa Giê-su dạy, đó là đón nhận Nước Trời; loan báo và làm lan toả tình thương, đó là rao giảng Nước Trời.

Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta hãy đáp lời.  Đừng do dự, vì có Chúa là Mục tử dẫn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Đáp Ca).  Chiếc “áo cưới” mà chúng ta mặc để đi dự tiệc, chính là Chúa Giê-su.  Lời nhắn nhủ của Linh mục chủ sự Bí tích Thanh Tẩy nói với chúng ta: Hãy mặc lấy Chúa Ki-tô – Mặc lấy con người mới” (x. Ep 4,24).

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

CHỌN PHẦN TỐT NHẤT

“Maria đã chọn phần tốt nhất!”

“Khu rừng sẽ rất im ắng nếu không có con chim nào hót ở đó, ngoại trừ những con chim hót hay nhất!” – Henry Van Dyke.

Kính thưa Anh Chị em,

Như “những con chim hót hay nhất” không làm cho khu rừng mất im ắng, thì Giôna đã cất ‘tiếng hót ăn năn’; Matta cất tiếng hót ‘nhiệt thành’; và Maria, cất tiếng hót ‘chiêm ngắm’ hay nhất… nhưng vẫn giữ cho khu rừng Lời Chúa hôm nay linh thiêng im ắng!  Đặc biệt Maria, người được Chúa Giêsu khen ngợi, “Maria đã chọn phần tốt nhất!”

Giôna, không chỉ là con người của bất tuân, nhưng còn là con người của sám hối; Matta, con người của bận rộn, nhưng là con người làm Chúa vui lòng; và nhất là, Maria, con người của chiêm ngắm, còn là con người đã ‘chọn phần tốt nhất.’  Mọi Kitô hữu được gọi để sống ba nhân đức này.  Cả khi cuộc sống tràn ngập đủ thứ công việc, bạn và tôi vẫn thường xuyên được mời gọi để ‘trở về,’ ‘làm Chúa vui lòng’ và ‘chọn phần tốt nhất!’

Trước hết, Giôna!  Chúa gọi ông lần thứ hai sau khi cá ‘hóc’ ông lên bờ.  Từ vực thẳm tanh tưởi như một quãng lặng trong bụng cá, Giôna bất động, nhầy nhụa, tối tăm; ở đó, ông trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa.  Kẻ nổi loạn được cứu; thân xác được chữa lành; và linh hồn được thứ tha.  Giôna không chỉ bị ném cho thuỷ thần nhưng còn được quăng vào đại dương từ ái của Thiên Chúa.  Quờ quạng trên bờ cát, ông hiểu thế nào bất tuân, trốn chạy!  Vì vậy, dẫu đang loi ngoi, nhơ nhớp, Giôna vẫn nghe rõ tiếng Ngài.  Lần này, ông mềm mỏng; đứng dậy và làm theo.  Nhờ ông, Ninivê sám hối, được thứ tha.  Như vậy, trước khi Ninivê ăn năn, Giôna đã hết lòng sám hối.  Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”

Thứ đến, Matta!  Ngày sống của chúng ta đan quyện bởi những công việc; làm ăn, dạy dỗ, giải trí và chăm sóc người khác…  Chúng ta được tạo dựng để làm việc cho đến suốt đời; nhưng làm gì và làm thế nào để Thiên Chúa vui lòng mới là điều quan trọng!  Làm sao bạn và tôi luôn ‘chọn phần tốt nhất’ hầu làm vinh danh Ngài nhất!

Sau cùng, tuyệt vời hơn cả, Maria!  Trước khi là con người chiêm ngắm, Maria là con người lắng nghe.  Lắng nghe và chiêm ngắm là điều cần làm trước nhất nếu chúng ta muốn hoàn thành tốt đẹp bất cứ điều gì.  Trong cuốn Tennyson’s Morte d’Arthur, vua Arthur nói với Sir Bedivere rằng, “Nhiều điều được tạo ra bởi lời cầu nguyện hơn là tất cả những gì mà thế giới mơ ước!”  Người chiêm ngắm là người đã ‘chọn phần tốt nhất!’

Anh Chị em,

“Maria đã chọn phần tốt nhất!”  Lắng nghe, chiêm ngắm là phần quý nhất!  Chỉ khi cầu nguyện, chiêm ngắm, con người mới thực sự vĩ đại trước mặt Thiên Chúa; và cũng chỉ khi chiêm ngắm, cầu nguyện con người thực sự là những con chim hót hay nhất, ngợi ca Thiên Chúa thay cho cả thế giới vốn là một khu rừng không bao giờ im ắng.  Chúa Giêsu đã sống gắn bó với Chúa Cha, làm vui lòng Cha, và hoàn toàn vâng phục ý Cha.  Hãy chiêm ngắm Ngài, hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày, bạn và tôi sẽ làm mọi việc hết tình và hết mình cho vinh quang Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết sám hối như Giôna, nhiệt tâm như Matta và biết ở lại với Chúa như Maria.  Và như thế, con có thể là một trong những con chim hót hay nhất!’”, Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

KINH MÂN CÔI – LỜI KINH KẾT NỐI (Lc 1,26-38)

Chiều qua ghé mừng bổn mạng Phanxicô Khó Khăn của một người bạn là cha của một gia đình một vợ ba con.  Đúng lúc gia đình vừa đi lễ về.  Đang khi tay bắt mặt mừng, đứa gái út đã nhanh nhẩu chỉ cho tôi chiếc áo mới màu xanh nước biển đang mặc và khoe rằng hôm nay nó là Việt kiều Úc Châu đấy.  Tôi còn chưa hiểu ất giáp gì thì nó đã liến thoắng đố tôi hôm nay trong gia đình nó có gì lạ.  Tôi đảo mắt nhìn một vòng nhưng chẳng thấy có gì khác nên đành chịu.  Con bé lí lắc đã chẳng giữ kín được câu đố của mình nên đã nhanh chóng bật mí cho tôi.  Nó nói: gia đình nó hôm nay mỗi người mặc một màu áo: bố màu trắng người Châu Âu, mẹ màu vàng người Châu Á, chị hai màu đỏ người Châu Mỹ, còn anh ba màu xanh lá người Châu Phi.  Cả gia đình là năm châu, là thế giới.

Thấy tôi vẫn ngẩn người chưa hiểu, anh bạn tôi đã phải giải thích: chả là vào tháng Mân Côi, má xấp nhỏ muốn làm một chuỗi kinh sống trong gia đình nên phân bổ mỗi người mỗi ngày đọc một chục, năm người thành năm chục, năm chục năm màu năm châu là sáng kiến của Đức Giám Mục Fulton Sheen đã lâu ở bên Mỹ, còn năm màu áo minh họa là sáng kiến của con út nhà này.  Con bé đỏ mặt hãnh diện, mọi người cười vui.  Và khởi đi từ niềm vui ấy, tôi miên man suy nghĩ: Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối.

1. Kết nối với Đức Maria

Bởi Kinh Kính Mừng là nối kết lời thiên thần Gabriel chào Đức Maria trong buổi Truyền Tin với lời mừng của bà Êlisabet trong ngày Thăm Viếng, nên mỗi lần được lặp lại đã trở thành lời chào mừng chính thức cho sự kết nối giữa con người với Đức Maria.

Sự kết nối ấy là kết nối với một cá nhân khi đối diện với mầu nhiệm của Thiên Chúa chỉ dám nhận mình là một tôi tớ, nhưng đã được cất nhắc lên vinh quang làm Mẹ Thiên Chúa.  Đó là một dung hòa tuyệt hảo giữa một đàng là hồng ân của Thiên Chúa và đàng khác là nỗ lực của con người, nghĩa là nơi Đức Maria, người ta hiểu rằng tất cả khởi đi từ ơn phúc Chúa ban nhưng còn ở trong tình trạng tiềm ẩn, chỉ đến khi có sự đáp trả cộng tác bằng lời “xin vâng” thì ơn phúc kia mới lộ hiện.

Nhưng “xin vâng” không chỉ bằng lời mà là bằng cả một đời đánh đổi: vừa bền lòng thực thi ý Chúa, vừa bền chí chấp nhận những thử thách cam go vốn không thiếu trên hành trình đức tin bên cạnh Chúa Giêsu.

Sự kết nối ấy là một sự “nối mạng”, nghĩa là kết nối vào một vận mạng.  Đức Maria trong vinh quang hiện tại không những không xa cách mà còn gần gũi nhân loại hơn cả bao giờ.  Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đã nên Mẹ Giáo Hội để qua Kinh Kính Mừng, một tâm tình hiệp thông gắn bó nảy sinh, rất linh động như dòng chảy hai chiều đi đi về về giữa Đức Maria xuống với con người, và giữa con người lên với Đức Maria, rất tự nhiên như tình mẫu tử, đằm thắm khi yên ổn nhưng cũng đầy trách nhiệm những khi kêu cầu.

2. Kết nối với Chúa Giêsu

Nếu đối tượng trực tiếp của Kinh Mân Côi là kết nối với Đức Maria qua những chặng đường mầu nhiệm đời Mẹ, thì hành trình cùng với Mẹ, từng bước, người ta sẽ được dẫn tới đích điểm là kết nối với Chúa Giêsu.

Có một điều ngạc nhiên đến thú vị là nếu có ai hỏi ta Đức Maria có lần hạt không, ta sẽ trả lời khẳng định: Đức Maria cũng lần hạt.  Hiện ra ở Lộ Đức hoặc ở Fatima, Mẹ đều lần hạt với con cái mình.  Điều này cho thấy người ta không chỉ lần hạt kết nối với Mẹ nhưng còn cùng với Mẹ lần hạt kết nối với Chúa Giêsu nữa.

Chính kết cấu của Kinh Kính Mừng cũng muốn nói lên điều ấy.  Trong Kinh Kính Mừng chỉ có hai danh xưng Maria và Giêsu được xướng lên, mở đầu bằng Maria và kết thúc bằng Giêsu: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ,nghĩa là kết nối với Mẹ để được nối kết với Con của Mẹ, kết nối với Đức Maria để rồi nối kết với Chúa Giêsu.  Qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu.

Nhưng kết nối với Chúa Giêsu được thấy rõ nhất là qua những mầu nhiệm Mân Côi mùa Vui, Thương, Mừng như cách gọi truyền thống: Vui trong mầu nhiệm Nhập Thể Đức Giêsu xuống thế làm người sống cho mọi người; Thương trong mầu nhiệm Tử Nạn Đức Giêsu chịu chết chuộc tội cho cả nhân loại và Mừng trong mầu nhiệm Phục Sinh Đức Giêsu bước vào vinh quang mở ra tương lai cho mọi sinh linh.

Đây là sự kết nối nền tảng và là đỉnh cao.  Thiếu nó, kết nối với Đức Maria dẫu có vẫn còn lỏng lẻo, chưa có nó kết nối dẫu đậm đà vẫn chưa vươn tới đẫy đà cần thiết.

3) Kết nối với mọi người trong Chúa Kitô nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria

Thực ra đây là hệ lụy tất nhiên của hai mối kết nối nói trên.  Một khi liên đới với Đức Maria để hiệp thông với Đức Kitô, tất nhiên mọi người là anh chị em hiệp thông với nhau, nhưng chính ở đây lại mở ra một nhãn giới đầy lạc quan tin tưởng hy vọng cho tất cả những ai lần hạt Mân Côi.

Với Kinh Mân Côi, tín hữu nhận biết người Ấn Độ là anh em của mình, người Châu Âu sung túc cũng nhận ra người Somali đói nghèo là chi thể của mình, người Kinh cảm nhận hơn nữa người Thượng gần gũi với mình.  Tại sao ta lần hạt ở nhà thờ, gia đình, trên đường…… ?  Tại sao ai cũng lần hạt được, từ giáo sĩ đến giáo dân, từ trí thức đến nông dân, từ em thơ đến các cụ?  Thưa bởi vì Kinh Mân Côi bình đẳng phổ cập, chẳng những phù hợp với mọi người mà còn củng cố hiệp thông với mọi người.  Buồn hay vui người ta đều lần hạt, đám cưới thì lần hạt xin hạnh phúc đời này, còn đám tang thì lần hạt xin hạnh phúc đời sau.

Nếu Kinh Mân Côi có được xem là vũ khí thì vũ khí ấy lại là tình thương san sẻ có sức mạnh gắn hàn liên kết hiệp thông.  Bằng Kinh Mân Côi, người ta san sẻ cho nhau sứ điệp Tin Mừng như lễ Mân Côi hôm nay theo lịch sử là ghi dấu chiến thắng Lépante năm 1571 giữa Hồi Giáo và Công Giáo, nhưng theo tinh thần lại là ghi dấu một sức mạnh khi mọi người hiệp thông trong Kinh Mân Côi.

Trình bày Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối không có tham vọng đem lại cái gì mới mà chỉ muốn lặp lại ý muốn của Đức Maria và Giáo Hội ở một hòa âm mới hơn trong mối hiệp thông.  Để với những ai đã quen lần hạt hằng ngày, xin được kiên trì.  Kinh Mân Côi giúp nối mạng tâm linh cho tâm tình bộc bạch thành tâm sự dễ dàng, nhanh chóng.  Kinh Mân Côi còn là người bạn chân tình, dễ tính, trung thành luôn sẵn sàng hiện diện mọi lúc, mọi nơi.

Một lần làm phép xâu chuỗi cho bà cụ và cô gái, thấy họ kính cẩn trong cách trao và nhận, tôi chỉ vào túi mình và nói với hai người: tôi cũng có chuỗi kinh.  Tất cả đều cười vui.  Mong rằng không chỉ có chuỗi kinh để lần hạt chu toàn nhiệm vụ, mà còn có chuỗi kinh biết hiệp thông nối kết với nhau và cầu nguyện cho nhau.

ĐGM Vũ duy Thống (Trích trong ‘Nút Vòng Xoay’)

VƯỜN NHO CUỘC ĐỜI

Cha mẹ sinh con bao giờ cũng đặt niềm kỳ vọng nơi con cái, với ước mong chúng sẽ thành đạt và là người có ích cho xã hội.  Có những người cha mẹ được toại nguyện và tự hào về con cái mình; nhưng cũng có những người cha mẹ đau khổ vì những đứa con bất hiếu, thậm chí còn là nỗi hổ nhục cho bậc sinh thành.  Thiên Chúa là Cha của hết thảy mọi người.  Cũng như những bậc cha mẹ ở trần gian, Ngài luôn muốn cho chúng ta được những điều tốt lành.  Khi tạo dựng con người và vũ trụ, Thiên Chúa muốn san sẻ cho họ một phần vinh quang và sự tốt lành của Ngài cho mọi tạo vật.  Có nhiều người đã cậy dựa vào ơn Chúa, cố gắng vượt qua những cám dỗ thử thách để nên thánh, như những đứa con sống đẹp lòng cha mẹ, hiếu thảo với đấng sinh thành; nhưng cũng có những người khước từ lời mời gọi của Ngài, cố tình sống trong ích kỷ và tội lỗi, giống như những người con bất hiếu phản nghịch.  Tình trạng này được diễn tả trong đoạn trích sách ngôn sứ Isaia.

Israen là một đất nước nghề trồng nho phát triển, vì thế những chi tiết liên quan đến cây nho, cành nho, vườn nho, người trồng nho, việc cắt tỉa chăm sóc cây nho được nhắc tới nhiều lần trong Cựu Ước.  Đây là Chúa nhật thứ ba liên tiếp, Phụng vụ dùng hình ảnh vườn nho để giáo huấn chúng ta về lòng thương xót của Chúa.  Đặc biệt trong Chúa nhật XXVII này, Bài sách thánh thứ nhất và bài Tin Mừng cùng nói về vườn nho.  Trước hết chúng ta thấy Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia, vừa như một lời than vãn, vừa như một lời trách móc giận hờn.  Quả vậy, Thiên Chúa giống như người trồng nho, thế gian này là một cánh đồng nho mênh mông rộng rãi.  Người trồng nho chăm bẵm chuyên cần, mong thu được những hoa thơm trái ngọt.  Tuy vậy, khi đến mùa hái nho, trái ngọt đâu chẳng thấy, chỉ thấy nho dại và trái đắng.  Tâm huyết và kỳ vọng của chủ vườn nho đã trở nên vô nghĩa.  Người trồng nho thất vọng và sẽ để cho vườn trở thành tan hoang tiêu điều.  Ngôn sứ Isaia đã được sai đến để chuyển tải cho người Do Thái một thông điệp: họ là những kẻ bất trung.  Họ không đền đáp cân xứng tình yêu thương và bao dung nhân hậu của Chúa.  Họ sẽ phải lãnh lấy những án phạt xứng với tội ác họ đã phạm.  Đất nước sẽ ra hoang vu, vì tội lỗi và bất trung của dân phản nghịch.

Tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, Đức Giêsu trong Tin Mừng Thánh Matthêu cũng dùng hình ảnh vườn nho.  Dụ ngôn nhấn mạnh đến mối tương quan giữa ông chủ vườn và những người thợ làm vườn, cũng gọi là những tá điền.  Trong câu chuyện này, những tá điền được diễn tả như những người bất lương, tham lam mưu mô chiếm đoạt tài sản của ông chủ, là người đã cưu mang và tạo việc làm cho mình.  Từ thân phận người làm thuê, họ muốn thay ngôi đổi chủ để trở thành người giàu có.  Họ cố tình chiếm hữu tài sản không phải là của mình.  Họ vừa cướp của, vừa giết người.  Mà người bị giết là con của ông chủ, tài sản bị cướp là tài sản của ông chủ, người rất tốt với họ, sẵn sàng đón nhận họ kể cả ở giờ thứ mười một và trả lương cho họ cách hào phóng (Tin Mừng chúa nhật trước).  Những chi tiết này của câu chuyện đã nêu bật sự gian ác bất lương của họ.

Với một dụ ngôn ngắn, Chúa Giêsu đã phác họa toàn bộ lịch sử cứu chuộc với những can thiệp của Thiên Chúa, vào những giai đoạn khác nhau nhằm đem lại cho con người hạnh phúc.  Tuy vậy, con người đã khước từ tình thương của Thiên Chúa.  Đối lại với những lời giảng dạy nhằm thiết lập tình bác ái, những thượng tế, luật sĩ,biệt phái và một số người Do Thái đã lên án tử cho Chúa.  Chúa Giêsu là Con Một của Thiên Chúa, đã bị kết án tử hình thập giá và đã chết ngoài thành Giêrusalem, như người con thừa kế bị giết bên ngoài vườn nho.

Nếu Thiên Chúa luôn luôn ban ơn và hướng dẫn hầu đem lại cho con người hạnh phúc, thì con người lại khước từ và phản bội Chúa.  Thái độ của những người tá điền cũng là thái độ của con người nói chung, nhất là của những tội nhân.  Nhiều lần chúng ta khước từ lời mời gọi của Chúa.  Thay vì làm theo ý Chúa thì chúng ta lại làm theo ý mình, thậm chí làm những điều trái ngược với lời dạy của Người.

Như thế, hình ảnh vườn nho diễn tả cuộc sống trần gian của chúng ta.  Thiên Chúa đã đặt chúng ta trong “vườn-cuộc-đời.”  Ngài thường xuyên chăm sóc, tỉa cảnh để chúng ta đem lại những hoa thơm trái ngọt cho đời..  “Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại…  Chúa chỉ mong con người sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Bài đọc I).

Cả bài Sách Thánh trích ngôn sứ Isaia cũng như bài Tin Mừng của Chúa nhật này đều có phần kết không mấy sáng sủa: đó là những lời cảnh cáo và trừng phạt vì một lối sống bất nhân, thiếu đạo đức, lỗi công bằng.  Phải chăng cả hai bài đọc Lời Chúa này đều diễn tả thực trạng của xã hội hôm nay: đó là sự bất trung và coi nhẹ Thượng đế cũng như các giá trị thần linh.  Giống như những tá điền bất lương, con người hôm nay muốn thay thế vị trí của Thiên Chúa.  Họ còn dám coi mình là thượng đế, có thể giải đáp được mọi vấn nạn và đáp ứng mọi nhu cầu của con người.  Những thông tin thời sự gần đây cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục thi hành chiến dịch đập phá nhà thờ, xúc phạm các nơi thiêng thánh của các tôn giáo, trong đó có những nơi thờ tự thiêng liêng của Phật giáo đã tồn tại trên ngàn năm.  Theo một nguồn tin cho biết, trong năm 2019, chính quyền Trung Quốc đã triệt hạ khoảng 900 nhà thờ Kitô giáo.  Họ còn báng bổ tôn giáo đến nỗi xây nhà vệ sinh trên những nền cũ của nhà thờ, nhà chùa, đốt sách vở tôn giáo và đập phá ảnh tượng.  Những hành động phỉ báng thần linh chắc chắn sẽ phải lãnh nhận hậu quả.

Nếu cuộc đời này được sánh như một vườn nho, thì mỗi chúng ta, dù ở địa vị xã hội hay trình độ văn hoá nào, thì cũng đang là người tá điền trong vườn nho đó.  Có những tá điền bất trung nhưng chắc chắn cũng có những tá điền tốt lành, nhân hậu, lắng nghe ý kiến và trung thành với chủ của mình.  Quả vậy, Thiên Chúa sẽ đến gặp gỡ chúng ta vào lúc cuối đời, để đón tiếp chúng ta như một người Cha.  Tuy vậy, một người sống tội lỗi và đầy mưu mô phản loạn không thể xứng đáng ra trình diện trước nhan Chúa.  Cũng như ông chủ vườn nho sai con mình đến thu hoa lợi, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến để phán xét chúng ta vào ngày tận thế.  Chúa Giêsu đã nói về ngày phán xét chung ở tận cùng của lịch sử.  Lúc đó, mọi người sẽ bị xét xử về những công việc họ đã làm cũng như về thái độ đối với anh chị em mình, khi họ còn sống trên dương gian.

Ngẫm chuyện xưa để học những bài học cho đời nay, Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy cố gắng sống tốt lành, năng cầu nguyện cùng Thiên Chúa và chuyên tâm thực hành lời Ngài dạy.  Thánh nhân nêu cụ thể những thực hành đạo đức như sau: “Những gì chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen, thì xin anh em hãy để ý thực hành.”   Khi thực hành như thế, sự bình an của Chúa sẽ ở với chúng ta.  Những thực hành đó sẽ giúp chúng ta kết hợp với Đức Giêsu và sẽ đạt được sự bình an đích thực là quà tặng của Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến Ngài (Bài đọc II).

Kính thưa anh chị em, chúng ta vừa bước vào tháng Mân Côi.  Mỗi khi Đức Mẹ hiện ra tại một nơi nào, Mẹ thường gửi đến cho nhân loại thông điệp sám hối và lời mời gọi đọc kinh Mân Côi.  Đó cũng chính là thông điệp của Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng lời mời gọi sám hối.  Khi đọc kinh Mân Côi là chúng ta cùng với Đức Trinh nữ Maria suy niệm cuộc đời và giáo huấn của Chúa Cứu thế.  Vì vậy, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi kinh Mân Côi là cuốn Tân Ước rút gọn.  Vị Giáo Hoàng người Ba Lan cũng quả quyết: Kinh Mân Côi là kinh cầu nguyện mà ngài ưa thích nhất.  Vào thế kỷ 13, nhờ kinh Mân Côi, mà Giáo Hội được cứu khỏi cơn khủng hoảng và những mâu thuẫn.  Trong tháng này, chúng ta hãy suy niệm kinh Mân Côi với tâm tình của Đức Mẹ, để qua Đức Mẹ, chúng ta đến với Chúa Giêsu.  Hai mươi mầu nhiệm Mân Côi giúp chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, đồng thời học hỏi nơi Người sự khiêm nhường, vâng lời và phó thác nơi Thánh ý Chúa Cha.  Trong tất cả các mầu nhiệm ấy, Đức Trinh nữ luôn hiện diện để lắng nghe, suy niệm và thực thi Lời Chúa.  Cùng với Chúa Giêsu, Mẹ đã thông phần đau khổ và đã đạt được ngành thiên tuế của phúc tử đạo.  Ước chi mỗi chúng ta biết sống các mầu nhiệm Mân Côi như Đức Mẹ, để cùng với Mẹ hưởng vinh quang Thiên quốc.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

NĂM SỰ THẬT VỀ THIÊN THẦN BẢN MỆNH CỦA CHÚNG TA

“Chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này: vì Thầy bảo cho anh em biết, thiên thần của họ ở trên trời hằng chiêm ngắm thánh nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10).

Giáo Hội Công Giáo dành ngày 02/10 hằng năm để mừng kính các Thiên thần Bản mệnh.  Vào năm 1670, Đức Giáo Hoàng Clêmentê X đã thiết lập lễ này cho toàn thể Giáo Hội để tôn kính các đấng vô hình luôn ngày ngày bảo vệ chúng ta.

Trong khi đa số chúng ta chỉ chú ý đến các Thiên thần Bản mệnh cá nhân, truyền thống Giáo Hội (được các nhà thần học như Thánh Tôma Aquinô giảng dạy) cho biết rằng các quốc gia, các thành phố, các giáo phận, các giáo xứ đều có Thiên thần Bản mệnh riêng, có những người, những nơi còn có nhiều vị Bản mệnh.

Các ngài là những thụ tạo đẹp đẽ của Thiên Chúa, được ẩn giấu trong một mầu nhiệm kỳ vĩ.  Báo chí nhiều khi tường thuật chuyện có một người huyền bí xuất hiện để giúp đỡ trong các vụ tai nạn rồi sau đó không bao giờ xuất hiện lại nữa.  Chúng ta mắc nợ Thiên thần Bản mệnh của chúng ta rất nhiều, người hằng bảo vệ, chỉ dẫn chúng ta mà chúng ta không biết.  Các ngài can thiệp vào đời sống chúng ta cách âm thầm, hoàn thành tác vụ của mình cách khiêm tốn nhất có thể.

Để chúng ta hiểu sâu sắc về các “người hỗ trợ từ trời” của chúng ta, hãy tìm hiểu 5 sự thật này về Thiên thần Bản mệnh.

1. Mỗi một người trên thế giới đều có một Thiên thần Bản mệnh (dù là Kitô hữu hay không)

Giáo lý, như được trình bày trong YOUCAT, dạy rằng “Mỗi một cá nhân đều nhận một Thiên thần Bản mệnh từ Thiên Chúa” (s. 55).  Điều này phù hợp với lời dạy của Kinh Thánh, của các Thánh như Tôma Aquinô, Basiliô và Giêrônimô, thậm chí phù hợp cả với kinh nghiệm của những người ngoài Kitô giáo có cảm nhận về một sự giúp đỡ vô hình từ một vị thiên thần (người Việt Nam ta hay nói trẻ em có một bà mụ nâng đỡ).

Mike Aquilina, một nhà giáo sử nổi tiếng, viết về những kinh nghiệm của bạn ông liên quan đến thiên thần giúp đỡ như sau:

“Một người bạn của tôi, một nhà triết học nổi tiếng từng học ở Harvard, là người vô thần từ trẻ.  Một hôm, khi anh ta đang bơi ngoài biển thì bị sóng cuốn ra khơi.  Anh ta biết mình đang chìm xuống, không hy vọng được ai cứu nữa.  Đột nhiên, một cánh tay mạnh mẽ nắm lấy anh và kéo vào bờ.  Người nắm lấy anh là một chàng trai vạm vỡ.  Anh bạn vừa chết hụt định cám ơn người thanh niên kia thì anh thanh niên cười và biến mất.  Từ lúc đó, anh bạn của tôi bắt đầu con đường quay trở về đức tin.”

2. Thiên thần Bản mệnh được ban ngay từ đầu đời

Giáo lý dạy rằng: “Từ khởi đầu đến kết thúc, cuộc đời con người được vị chuyển cầu và săn sóc cẩn thận bao bọc” (số 336).  Thánh Anselmô tin rằng các thiên thần được gửi đến ngay từ giây phút đầu tiên khi linh hồn hiệp vào thân xác con người trong dạ mẹ.  Tuy nhiên điều này chưa được tuyên tín và vẫn còn có nhiều tranh luận.  Nếu đúng vậy, người phụ nữ mang thai có hai Thiên thần Bản mệnh, cho mình và cho thai nhi của mình.

3. Thiên thần Bản mệnh có tên, và chỉ mình Thiên Chúa biết tên của các vị

Giáo Hội hướng dẫn chúng ta rằng: “Thói quen đặt tên cho các Thiên thần nên bị loại bỏ, trừ những vị được đề cập rõ ràng trong Kinh Thánh như Gaprien, Raphaen và Micaen” (Thánh bộ Phụng tự, Huấn thị về Lòng đạo đức Bình dân, số 217, năm 2001).

Lý do cho điều này đó là tên họ chứa ẩn một quyền lực nào đó trên một người.  Ví dụ, nếu tôi biết tên bạn và gọi tên bạn khi tôi muốn, bạn bị bó buộc nghe tôi, và tôi có một chút quyền lực trên bạn (khi thư yếm người khác, phù thuỷ cũng phải gọi tên người bị thư yếm).  Ngược lại, chúng ta không có quyền gì trên các Thiên thần.  Các ngài chỉ phải thưa chuyện với duy nhất Vị Chỉ Huy của mình: Thiên Chúa.  Chúng ta có thể nhờ các vị giúp đỡ, nhưng đừng nghĩ các ngài đứng đó khi ta vẫy tay và gọi.

Giáo Hội bác bỏ thói quen gọi tên các Thiên thần Hộ thủ vì có nhiều người có thói quen đặt tên cho các vị và kêu cầu, nhưng đó không phải là điều được linh hứng.  Nó thậm chí có thể là do tác động của ma quỷ.  Chỉ những danh hiệu được mặc khải rõ trong Kinh Thánh mới đáng tin tưởng, và những cái tên khác thì không thể biết chắc có đến từ Thiên Chúa hay không.

4. Chúng ta sẽ không trở thành Thiên thần sau khi chết

Nhiều người tin rằng chúng ta sẽ biến thành các Thiên thần sau khi chết, nhưng sự thật ngược lại, đó là chuyện không thể.  Sau khi chết, con người rời khỏi thân xác mình một thời gian, và sẽ hiệp nhất lại vào thời tận cùng.  Chúng ta sẽ không trở thành các Thiên thần vô hình.  Tất cả các Thiên thần Bản mệnh đã được sáng tạo ngay từ khởi thuỷ công trình tạo dựng.

Hãy nhớ lời Chúa phán cùng tiên tri Giêrêmia: “Trước khi Ta tạo thành ngươi trong dạ mẹ ngươi, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi sinh ra, Ta đã thánh hiến ngươi.” (Gr 1,5)  Thiên Chúa đã biết bạn và đã chỉ định một vị Thiên thần Bản mệnh cho bạn trước khi Người tạo dựng vũ trụ này.

5. Thiên thần Bản mệnh luôn ở đây để giúp đỡ chúng ta

Giáo lý gọi các Thiên thần Hộ thủ là các mục tử luôn muốn bảo vệ và dẫn dắt con người vào sự sống đời đời.  Công tác duy nhất của các vị là giúp chúng ta vào Thiên đàng, nên chúng ta hãy cầu nguyện cùng các vị mỗi ngày, xin các vị giúp đỡ chúng ta trong mọi vấn đề của cuộc sống.

Giáo Hội cung cấp cho tất cả chúng ta một bản kinh tuyệt vời để cầu xin cùng Thiên thần Bản mệnh của mình:

Lạy Thiên thần Chúa là Thiên thần Bản mệnh yêu dấu của con.  Nơi ngài Chúa ban tình yêu của Người cho con.  Mỗi ngày, xin ngài hãy ở cạnh bên con để soi sáng và canh giữ, để điều khiển và hướng dẫn con.  Amen.

Gioakim Nguyễn dịch

LỄ CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL, GABRIEL VÀ RAPHAEL

Kinh thánh chỉ nêu tên Gabriel, Michael và Raphael.  Từ Tổng lãnh Thiên thần (archangel) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp αρχάγγελος.  Archangelos = αρχ– (arch-) (“đầu tiên, bậc nhất, thủ lĩnh”) và άγγελος (angelos) (“người đưa tin”).

Thế giới thiên thần rất bí ẩn và có thể gây nhầm lẫn cho con người chúng ta.  Chúng ta thường không nhìn thấy các thiên thần bằng mắt của mình, mặc dù nhiều nhân vật trong Kinh thánh được ghi lại là đã nhìn thấy các vị ở dạng có thân xác.

Đặc biệt, nhiều người hỏi: Có bao nhiêu tổng lãnh thiên thần trong Kinh thánh?”
Kinh thánh chỉ cho biết tên của ba thiên thần thuộc hạng “tổng lãnh thiên thần.”

Đó là:

Michael “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Michael và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà.  Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến” (Khải huyền 12:7).

Gabriel “Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông.” (Luca 1:19).

Tuy nhiên, trong sách Tôbia, khi thánh Raphael tiết lộ danh tính của mình, tổng lãnh thiên thần nói,“Tôi là Raphael, một trong bảy thiên thần đứng và phục vụ trước Vinh quang của Thiên Chúa” (Tôbia 12:15).

Điều này khiến nhiều người tin rằng có bảy vị tổng lãnh thiên thần.  Con số này cũng xuất hiện trong Sách Hípri, một văn bản cổ của người Do Thái không được chấp nhận là kinh điển trong cả Kinh thánh Do Thái hay Kinh thánh Công giáo.

Vì một số giáo hội Kitô giáo, ví dụ như Chính thống giáo, chấp nhận bảy tổng lãnh thiên thần: Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Salathiel, Jébudiel và Barachiel là “chính thức,” nên một số người Công giáo cũng có lòng sùng kính đối với cả bảy vị tổng lãnh thiên thần kể cả bốn vị ngoài Kinh thánh này.  Giáo hội Công giáo đã nói rất rõ ràng rằng điều này là nguy hiểm về mặt tâm linh.

Trong Danh mục về lòng đạo đức bình dân, Giáo hội tuyên bố, “Việc gán tên cho các Thánh Thiên Thần không nên được khuyến khích, ngoại trừ trường hợp của Gabriel, Raphael và Michael, là những vị có tên trong Kinh Thánh.”

Kinh thánh là danh sách cuối cùng của chúng ta về các tổng lãnh thiên thần.  Là người Công giáo, chúng ta chỉ biết đến ba tên nhất định của các thiên thần của Thiên Chúa.  Bất kỳ tên nào khác đều bị nghi ngờ vì nó không phải là một phần của sự mặc khải thần linh.

Điều này không có nghĩa là chỉ có ba tổng lãnh thiên thần.  Kinh thánh nói rõ rằng có thể có “hàng ngàn” thiên thần hoặc “vô số” thiên thần, như Thánh Luca đã đề cập lúc Chúa Giêsu giáng sinh,“Và bỗng đâu đến hợp đoàn với thiên thần, có đoàn lũ cơ binh trên trời ngợi khen Thiên Chúa” (Luca 2:13).

Sự sáng tạo của Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong ba vị tổng lãnh thiên thần, nhưng đồng thời chúng ta cũng không nên phát triển lòng sùng kính đối với các thiên thần không được Lời Chúa xác nhận.

Phụng vụ mừng lễ ba vị tổng lãnh thiên thần được tôn kính theo truyền thống của Giáo hội.  Theo Nghi thức Đặc biệt trong Sách Lễ Rôma năm 1962 của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, 29 tháng 9 là lễ Thánh Micae.  Trước khi cải tổ phụng vụ theo Công Đồng Vaticanô II, Lễ Thánh Gabriel được cử hành vào ngày 24 tháng 3 và lễ Thánh Raphael vào ngày 24 tháng 10.(1)  Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã dạy một bài giáo lý về các Thiên thần trong các buổi Tiếp kiến Chung của ngài từ ngày 9 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8 năm 1986.  Thánh Giáo Hoàng nói: “Theo sách Khải Huyền, các thiên thần tham gia vào sự sống của Ba Ngôi trong ánh sáng vinh quang cũng được kêu gọi để đóng vai trò của họ trong lịch sử cứu rỗi con người, trong những khoảnh khắc được Thiên Chúa Quan phòng thiết lập.  Tác giả của Thư Hípri (1:14) hỏi: “Hết thảy họ lại không phải là những thần phục dịch được sai đi giúp đáp vì phần ích những kẻ thừa hưởng ơn cứu rỗi đó sao?”

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 328 – 330 dạy chúng ta rằng, “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh quen gọi là các thiên thần, là một chân lý đức tin. Thánh Kinh và Thánh Truyền đều nhất trí như thế.”

Thánh Augustinô nói: “Thiên thần” chỉ chức năng chứ không chỉ bản tính.  Xét về bản tính là “thuần linh.”  Xét về chức năng là “thiên thần.”  Theo hữu thể, là thuần linh; theo hành động, là thiên thần; được tạo ra, ở một thứ bậc cao hơn con người, thiên thần không có cơ thể và không phụ thuộc vào vật chất để tồn tại hoặc hoạt động.  Các vị khác với những vị thánh, mà con người có thể trở thành.

Tự bản thể, các thiên thần là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa.  Vì các ngài hằng chiêm ngưỡng “Thánh Nhan Cha Ta ở trên trời” (Mt 18,10), nên các vị là “những người đi thực hiện Lời Chúa, sẵn sàng phụng lệnh Người,” “Hãy chúc tụng Yavê, hỡi các thần sứ của Người, những anh hùng dũng mạnh làm theo lời Người, sẵn vâng tiếng Người phán ra.  Hãy chúc tụng Yavê, hỡi các cơ binh của Người, tôi trung tùng phục ý Người” (Thánh vịnh 103,1,15).  Với tư cách là thụ tạo thuần linh, các ngài là những thụ tạo có ngôi vị creaturae personalis (Piô XII: Denzinger 3891) (2) có trí năng, ý chí và bất tử, “Vì chưng họ không thể chết nữa, bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa, một khi đã là con cái của sự sống lại” (Luca 20, 36).  Các ngài hoàn hảo hơn mọi thụ tạo hữu hình.  Vinh quang rực rỡ của các ngài minh chứng điều ấy, “Tôi nghe tiếng lời ngài.  Vừa nghe tiếng lời ngài, tôi đã chết điếng, dập mặt xuống đất.  Và này, một bàn tay đụng đến mình tôi, tôi giật nảy, tôi chỗi dậy trên đầu gối…  Trong khi ngài nói với tôi lời ấy, thì tôi đã đứng dậy mà cứ run cầm cập.” (Đaniel 10,9-11).

Tổng lãnh thiên thần Michael

Tổng lãnh thiên thần Michael, được đề cập trong Sách Đanien, “Và này Michael, một trong các tướng hàng đầu đã đến trợ lực với ta. Và không có một ai tăng sức cho ta đấu với các vị ấy, trừ phi là Michael, (thần sứ) tướng của các ngươi” (Đaniel 10,13.22) và trong Khải huyền của Thánh Gioan (Khải huyền 12.7), là hoàng tử của các thiên thần, chiến thắng Satan trong trận chiến của thời kỳ cuối cùng.

Tên của tổng lãnh thiên thần Michael, trong tiếng Do Thái có nghĩa là ai giống như Thiên Chúa?  Ngài thường được hình dung như một chiến binh mạnh mẽ, mặc áo giáp và đi dép.

Tên của ngài xuất hiện trong Kinh thánh bốn lần, hai lần trong Sách Đanien, một lần trong Thư thánh Giuđa và một lần Sách Khải huyền.  Từ sách Khải Huyền, chúng ta biết về trận chiến trên thiên đường, Thánh Michael và các thiên thần của ngài chiến đấu với Lucifer và các thiên thần sa ngã khác (hoặc ác quỷ).

Tổng lãnh thiên thần Gabriel

Tên của Tổng lãnh thiên thần Gabriel có nghĩa là “Chúa là sức mạnh của tôi.”  Trong Kinh thánh, ngài xuất hiện ba lần với tư cách là một sứ giả.  Ngài đã được cử đến Đaniel để giải thích thị kiến liên quan đến Đấng Mêsia, và tôi nghe có tiếng người giữa (sông) Ulai; tiếng ấy gọi lớn và nói: “Gabriel, hãy cho người này hiểu thị kiến!” (Daniel 8:16), “trong lúc cầu kinh, tôi còn đang nói, thì Gabriel, người mà tôi đã thấy trong thị kiến ban đầu, đã vụt bay đến kề bên tôi vào lúc dâng của lễ ban chiều (9:21).   Ngài hiện ra với ông Dacaria khi ông đang dâng hương trong Đền thờ, để báo trước sự ra đời của con trai ông, thánh Gioan Tẩy giả, “Thiên thần Chúa đã hiện ra cho ông, đứng bên hữu hương án…. Ta là Gabriel, kẻ chầu hầu trước mặt Thiên Chúa, ta đã được sai đến nói với ngươi và đem tin mừng này cho ngươi!” (Luca 1,11-19).  Tổng lãnh Gabriel được biết đến nhiều nhất là thiên thần được Thiên Chúa chọn làm sứ giả Truyền tin, loan báo cho nhân loại biết mầu nhiệm Nhập thể, “Tháng thứ sáu, thiên thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilê, tên là Nazarét, tới cùng một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Yuse, thuộc nhà Ðavít, và tên trinh nữ là Maria” (Luca 1, 26-27).

Lời chào của Tổng thiên thần Gabriel đối với Đức Mẹ, đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, “Vui lên! Hỡi Ðầy ơn phúc!  Chúa ở cùng người!” (Luca 1, 28), đã trở thành lời cầu nguyện Ave Maria, Kính mừng Maria, thường xuyên và quen thuộc của mọi người Kitô hữu.

Tổng lãnh thiên thần Raphael

Hiểu biết của chúng ta về Tổng lãnh thiên thần Raphael đến từ sách Tôbia, “Và Raphael đã được sai đến chữa lành cả hai: giựt khỏi mắt Tôbit những vệt trắng, để ông được thấy tận mắt ánh sáng của Thiên Chúa – và ban Sara, con gái Raguel cho Tôbia con của Tôbit làm vợ và giải thoát nàng khỏi quỉ dữ Asmôđê” (3, 17).  “Và cũng vậy, Thiên Chúa đã sai ta đến chữa lành ngươi và Sara con dâu ngươi. Ta là Raphael, một trong bảy vị Thần sứ hằng túc trực để vào trước vinh quang Chúa” (12,15).

Nhiệm vụ của ngài như một người chữa bệnh tuyệt vời và đồng hành cùng Tôbia trẻ đã khiến ngài được mời gọi cho những cuộc hành trình và vào những thời điểm quan trọng trong cuộc sống.  Truyền thống cũng cho rằng Raphael là thiên thần khuấy động nước tại hồ nước nuôi cừu chữa bệnh ở Bethesda.  Tên của ngài có nghĩa là “Chúa đã chữa lành.”

Không giống như chúng ta, các thiên thần là những đấng thiêng liêng thuần khiết và không có bất cứ gì là vật chất.  Các ngài không có cánh, thân xác hoặc gươm kiếm.  Các Tổng Lãnh Thiên Thần được giao phó công việc giao tiếp và đưa những sứ điệp quan trọng cho con người.  Các Tổng Lãnh Thiên Thần có thể bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ.  Thánh Micae và các thiên thần có quyền lực trục xuất Satan ra khỏi một nơi chốn.

Các Tổng Lãnh Thiên Thần vẫn hiện hữu ngày nay.  Thiên Chúa đã tạo dựng các thiên thần bất tử và các vị sẽ không bao giờ ngưng hiện hữu, cho đến muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc cực thánh của chúng con, chúng con xin Chúa ban phúc cho ngôi nhà của chúng con, gia đình chúng con, mọi người trong gia đình chúng con.  Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ.

Thánh Thiên Thần Michael, xin hãy bảo vệ chúng con chống lại tất cả những kẻ xấu xa của địa ngục.

Thánh Thiên Thần Gabriel, xin hãy ban cho chúng con sự khôn ngoan để chúng con có thể hiểu được thánh ý Thiên Chúa.

Thánh Thiên Thần Raphael, hãy bảo vệ chúng con khỏi bệnh tật và mọi nguy hiểm đến tính mạng.

Xin các thiên thần hộ mệnh thánh thiện gìn giữ chúng con ngày đêm trên con đường dẫn đến ơn cứu độ.  Amen!

(1)Năm 745, tại công đồng Latêranô, Đức Giáo Hoàng Zacharia đã tuyên bố: “Giáo hội Công Giáo chỉ nhìn nhận ba tên gọi chính thức của các thiên thần: Michael, Gabriel và Raphael”.

Phụng vụ theo Công Đồng Vaticanô II mừng chung các tổng lãnh thiên thần Michael, Gabriel và Raphael vào ngày 29 tháng chín, ngày kỷ niệm lễ cung hiến một đại giáo đường kính thánh Michael ở thế kỷ IV, trong một miền quê Rôma nhưng ngày nay không còn.

(2)Enchiridion Symbolorum, definitionum et declarationum de rebus fidei et morum: Tuyển tập các tín biểu, định tín và tuyên bố về các vấn đề đức tin và luân lý.

Phêrô Phạm Văn Trung biên tập
Từ: aleteia.org và catholicculture.org
Nguồn: https://hdgmvietnam.com 

TÌNH YÊU ĐƯỢC CHỨNG MINH BẰNG VIỆC LÀM

Trong cuộc sống cá nhân của mỗi chúng ta, lời nói và việc làm thường có những khoảng cách xa vời, thậm chí có lúc hoàn toàn trái ngược nhau.  Những bài diễn thuyết hùng hồn với những mỹ tự bóng bảy nhiều khi chỉ là đồ trang trí cho những tư tưởng rỗng tuếch, nhất là với thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.  Với công nghệ quảng cáo tiếp thị, cái gì cũng nhất thế giới, đồ gì cũng là chất lượng hàng đầu… suy cho cùng, chỉ là sự dối trá.  Để chứng minh lời nói của một người có thật hay không, người ta phải kiểm chứng việc làm của người đó.  Thiếu việc làm, tình yêu chỉ là chót lưỡi đầu môi và giả tạo.

Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay nói đến một người cha và hai người con.  Người cha sai hai con đi làm vườn nho.  Hình ảnh vườn nho một lần nữa lại được Đức Giêsu dùng để so sánh với cuộc đời.  Chúng ta dễ nhận ra, nơi hình ảnh người cha này là chính Thiên Chúa.  Người cha này có hai người con.  Một người, khi được cha trao việc thì chối từ, nhưng sau hối hận; người thứ hai mau mắn nhận lời, rồi lại không làm.  Kết luận Chúa Giêsu đưa ra là: việc làm và đời sống của một người là tiêu chuẩn lượng giá về nhân cách của người ấy chứ không phải lời nói.  Người con thứ nhất tuy từ chối lời đề nghị của cha mình, những đã sớm hối hận và đã đi làm vườn nho cho cha.  Người con này được kể là người con hiếu thảo và được cha yêu mến.  Trái lại, người con thứ hai khi được trao việc thì nhanh nhảu nhận lời, nhưng rốt cuộc lại không làm gì.  Đây là người con chỉ vâng lời và hiếu thảo bằng môi mép, còn trong thực tế thì lười biếng và dối trá.

Hai người con tượng trưng cho hai lối sống, hai trào lưu, hai quan niệm và cũng là hai cách thực hành đời sống Đức Tin của chúng ta.  Có thể hai nhân vật ấy đồng thời hiện hữu trong chính con người của mỗi chúng ta, khi chúng ta bị cám dỗ sống giả hình hoặc bất tuân.  Thiên Chúa là Cha vẫn luôn mời gọi chúng ta làm điều thiện.  Trước lời mời gọi ấy, có những người “miệng nói hay, mà tay không làm.”  Trái lại, có những người khước từ rồi sau đó nhận ra lẽ phải và gắng công thực hiện ý Chúa.

Trong bối cảnh xã hội hôm nay, cách thức thực hành Đạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng.  Tại nhiều nơi và đối với nhiều người, đời sống Đức tin chỉ dừng lại ở những nghi lễ bề ngoài mà ít để ý đến chiều sâu và đời sống nội tâm.  Theo lẽ thường tình, một khi hình thức tăng thì nội dung giảm.  Khi người ta quá chú trọng đến bề ngoài thì dễ quên bề trong.  Tại nhiều nơi, lời kêu gọi học hỏi giáo lý để giúp sống Đạo bị bỏ ngoài tai, thậm chí giáo dân còn “tìm cách bỏ trốn” mỗi khi đến giờ học giáo lý.  Hậu quả của việc không học giáo lý là một Đức tin mờ nhạt, một lối giữ đạo nửa vời.  Nhiều bạn trẻ đã mất Đức tin khi tiếp cận với nền văn minh và lối sống đô thị.

Lời Chúa hôm nay cũng dạy chúng ta cần thận trọng khi nhận định về tư cách của một người.  Chắc hẳn những người có mặt lúc Chúa Giêsu tuyên bố những lời này cảm thấy “sốc:”  “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”  Lời tuyên bố của Chúa đảo ngược bậc thang giá trị mà người Do Thái thường dựa vào để nhận định một con người.  Thì ra, những người mũ cao áo dài chưa chắc đã là những người thánh thiện.  Những người biệt phái và luật sĩ dù khôn ngoan chưa hẳn đã là những người ngay chính.  Để nhận định tư cách của họ, còn phải xem đời sống hằng ngày của họ ra sao, họ có thực hành đức công bình mà họ vẫn rao giảng hay không, đó mới là điều quan trọng.  Một người có quá khứ tội lỗi, nhưng thành tâm thiện chí ăn năn hối cải, thì họ được Chúa tha thứ.  Trong cuộc sống, vì có một quá khứ nghiện ngập, tù đầy khi muốn hoàn lương vẫn gặp phải những thành kiến của những người xung quanh, để rồi những người muốn làm một con người bình thường mà cũng không được.  Ngôn sứ Edêkien đã truyền lại lời của Chúa: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu thoát mạng sống mình!”   Vâng, trong cuộc đời, chúng ta còn khắt khe hơn Thiên Chúa trong việc xét đoán anh chị em mình.  Những người thu thuế và những cô gái điếm được vào Nước Trời, vì họ đã để cho Lời Chúa thấm nhập và thay đổi cuộc đời tội lỗi của họ.  Họ đã can đảm đoạn tuyệt với quá khứ xấu xa, để mặc lấy Đức Giêsu phục sinh, trở nên con người mới, thánh thiện tinh tuyền.  Như thế, đối với Chúa, không thể vin vào một quá khứ xa xưa – dù tốt lành – để biện minh cho những lỗi lầm mình đang phạm.  Thiên Chúa công minh vô cùng trong xét xử.  Ngài vừa công bằng vừa giàu lòng thương xót.

“Hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.  Đừng làm chỉ vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.”  Đó là lời khuyên của Thánh Phaolô gửi tới cộng đoàn tín hữu Philiphê.  Khi nhấn mạnh đến đức khiêm nhường, vị Tông đồ dân ngoại trình bày Đức Giêsu như mẫu mực và lý tưởng của mọi Kitô hữu: Người là Thiên Chúa đã tự huỷ, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế vì yêu thương chúng ta (Bài đọc II).  Những ai tiến bước theo Chúa Giêsu sẽ đẹp lòng Thiên Chúa Cha.

Hãy bớt những lời nói và hãy gia tăng việc làm.  Hãy nói ít và nghe nhiều.  Hãy học sống thinh lặng để cảm nhận sự hiện diện của Chúa và những điều kỳ diệu Chúa làm quanh ta.  Những điều kỳ diệu ấy, ta chỉ có thể cảm nhận bằng Đức tin và tình mến Chúa yêu người.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THÁNH COSMA VÀ THÁNH ĐAMIANÔ, TỬ ĐẠO

1. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Theo truyền thuyết, thánh Cosma và Đamianô là hai anh em sinh đôi.  Sinh tại Ả rập.  Các Ngài sớm mồ côi cha.  Mẹ các Ngài là một góa phụ nhân đức, đã không tiếc gì để giáo dục con cái về tri thức và đạo đức.  Bà gửi hai con theo học ở Syria.  Tại đây Cosma và Đamianô nổi tiếng là lương thiện, vô vị lợi và trong trắng.  Nhiệt thành với đức tin, các Ngài dự tính học nghề thuốc.  Khoa này vào thời ấy bị coi rẻ.  Nhưng các Ngài tin rằng khi chữa lành thể xác con người các Ngài có thể góp phần vào việc chữa trị bệnh tật linh hồn.

Thiên Chúa đã chúc lành cho dự tính của các Ngài và ban cho các Ngài được thông thạo về nghề thuốc.  Chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, các Ngài càng ngày càng trở nên danh tiếng vì những cuộc chữa lành nhờ lời cầu nguyện.  Những cuộc chữa lành lạ lùng này lôi cuốn được nhiều người, kể cả các lương dân đến với các Ngài.  Tuy nhiên, chính vì tiếng tăm lừng lẫy này đã đưa tới cái chết vì đạo của các Ngài.

Các hoàng đế Điôclêtianô và Maximianô quyết tận diệt Kitô giáo, đã sai tổng trấn Lysias đến Ege để ép buộc các Kitô hữu phải dâng hương tế thần.  Ai không tuân lệnh sẽ bị sát hại.  Các lương dân tố cáo với quan tổng trấn rằng có hai người rất thạo nghề thuốc nhưng lại là thù địch chí tử của các thần minh.  Nếu họ tiếp tục hành nghề các đền thờ sẽ trống vắng và cả nước sẽ theo Kitô giáo hết.  Nghe tin này quan tổng trấn truyền bắt giam hai Ngài.  Sau khi bắt các Ngài phải dâng hương tế thần mà không được, ông ra lệnh hành hạ các Ngài.  Nhờ ơn Chúa, hai thánh Cosma và Đamianô đã nhẫn nại chịu đựng, lại còn tỏ ra hân hoan nữa.  Quan lính trói các Ngài rồi bỏ xuống biển, nhưng các thiên thần đã đến tháo cởi xiềng xích và cứu các Ngài bình an vô sự.

Nghe tin này, quan tổng trấn truyền lập giàn thiêu.  Nhưng giữa ngọn lửa cháy bừng, hai thánh nhân vẫn không hề hấn gì.  Cuối cùng quan tổng trấn ra lệnh xử trảm.  Hai thánh Cosma và Đamianô khẩn khoản nài xin Chúa thương nhận lễ dâng của các Ngài và cầu xin Chúa tha tội cho những kẻ đã hành hạ mình.  Sau những nhát chém đầu tiên, đầu các Ngài lìa xác và nhận phúc tử vì đạo.  Hôm ấy là ngày 26-09-297.

Danh tiếng của hai thánh Cosma và Đamianô lan rộng khắp Giáo hội vì những cuộc chữa lành bệnh các Ngài đã thực hiện.  Hoàng đế Justinô I khuyến khích lòng sùng kính hai thánh nhân.  Một nguyện đường được xây dựng ở Aege miền Cilicia để ghi nhớ nơi các Ngài chịu chết vì đạo.  Tại Roma, Đức Thánh Cha Symmachô (498  514) đã cho xây nguyện đường kính hai thánh, và Đức Thánh Cha Felix IV (526  530) đã cho xây một đại giáo đường kính các Ngài.

Hai thánh Cosma và Đamianô được đặt làm thánh bổn mạng các y sĩ và các nhà giải phẫu. (Tổng hợp)

2. BÀI HỌC

Giáo Hội của Chúa Kitô ít khi được an bình.  Con cái thế gian luôn tìm cách phá hại Hội Thánh của Chúa.  Giáo Hội vào thời hai Ðấng lúc đó gặp cảnh cấm cách, bắt bớ của Hoàng đế Ðiôclêtianô và Maximianô, Cosma và Ðamianô bị bắt, bị dẫn giải tới quan Lydia.  Thánh Cosma và Ðamianô không sợ sệt, không run sợ, không nhát đảm, các Ngài luôn tuyên xưng mình là Kitô hữu.  Quan Lydia truyền đánh đòn hai Ngài một cách dã man, tàn ác, ra lệnh xích tay chân và quăng hai Ngài xuống biển.  Chúa nhiệm mầu và quyền năng đã cứu hai Ngài khỏi chết.  Tức giận vì phép lạ Chúa giải cứu hai Ngài khỏi chết, Lydia đã ra lệnh đốt một đống lửa cháy to và đẩy hai Ngài vào đống lửa đang cháy.  Hai Ðấng vẫn ung dung,vừa đi vừa cầu nguyện giữa đống lửa đang bừng bừng cháy lớn.  Phép lạ Chúa quả quá tỏ tường, nhiều người chứng kiến phép lạ lớn lao ấy đã được ơn quay trở lại.

Như một con thú khát máu, Lydia đã ra lệnh khẩn cấp đem hai Ngài đi chém đầu.  Hai thánh nhân trước khi để cho đao phủ chém đầu mình đã can đảm ngước mắt lên trời cầu xin Chúa thứ tha cho những kẻ làm hại các Ngài.

Trong một bài suy niệm về tình hình dịch bệnh hiện tại, một thiện nguyện viên đã viết như sau: “Thực tế cuộc sống giúp chúng ta nhận ra rằng tha thứ chưa bao giờ là điều dễ thực hiện.  Có những hành động lầm lỗi, những kỷ niệm cay đắng mà người khác đã hành xử với chúng ta trong quá khứ mà chỉ cần chúng ta nhớ lại hay đi ngang qua khung cảnh xưa cũ cũng đủ làm lòng chúng ta cảm thấy chua xót và giận hờn.  Có nhiều lúc, khi nhìn thấy đại dịch hoành hành và cướp đi rất nhiều sinh mạng, làm đảo lộn cuộc sống của rất nhiều người, làm rất nhiều gia đình trở nên nghèo đói… tôi thấy trong lòng sôi lên và cảm thấy tức giận những kẻ đã tạo ra, đã làm lây lan thứ virus quái ác này, mong cho những kẻ ấy phải trả giá.  Nhưng khi nhìn lên Thánh giá, tôi lại thấy mình thật tệ và hẹp hòi biết bao!

Hôm nay, Chúa Giêsu đang tha thiết mời gọi chúng ta “Hãy thương xót” và sẵn sàng tha thứ thêm lần nữa, rồi lại lần nữa vì chính chúng ta đã được Thiên Chúa thương xót và hết lòng tha thứ.  Trong Thông điệp Fratelli Tutti, ĐTC Phanxicô đã gợi ý cho chúng ta về cách thức tha thứ như sau: “Tha thứ cách tự do và chân thành là một hành vi cao quý, phản ánh lòng tha thứ vô biên của Thiên Chúa.  Nếu tha thứ có tính nhưng không, thì chúng ta có thể tha thứ cả cho những ai không hề hối lỗi và không có khả năng xin tha thứ” (ĐTC Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 250).  (Jos. Lương Tùng, CSsR).

Xin được kết thúc bằng câu chuyện cảm động này: “Trong những năm 1944-1945, dân Roma khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến tên Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Ðức quốc xã đã từng giết hại không biết bao nhiêu mạng người.  Sau chiến tranh, anh ta bị bắt và bị kết án tử hình.  Anh viết thư cho Ðức Giáo Hoàng Piô 12 để xưng thú các tội ác mình đã phạm và đặc biệt xin Ngài tha thứ cho anh tội đã tấn công vào Vương Cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành.

Ðức thánh cha đã sai một linh mục đến nhà tù để gặp anh ta và chuyển đến anh sự tha thứ của Ngài, đồng thời trao cho anh ta một tràng hạt mân côi.  Ðến nhà giam, sau khi đã làm theo lời căn dặn của Ðức Giáo Hoàng, vị linh mục đã nghe người tử tội thốt lên như sau: “Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý.  Tòa án đã kết án con, điều này cũng rất công bình.  Ðức Giáo Hoàng đã tha thứ cho con và đã cho con một bài học cao quý.  Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì giờ này có lẽ con không phải ra pháp trường như thế này.”  Nói rồi anh bật khóc: “Con không dám động đến tràng hạt của Ðức Giáo Hoàng bằng đôi tay vấy máu của con.  Xin cha đeo tràng hạt vào cổ cho con.”  Ít phút sau, Peter Koch ngã gục dưới loạt đạn, miệng anh vẫn còn cầu khẩn Mẹ Maria…

Lm. Giuse Đinh Tất Quý