LỜI MỜI VÀ SỰ ĐÁP TRẢ

Sau khi đã dùng ba chuyện dụ ngôn đều xoay quanh hình ảnh vườn nho để giáo huấn về Nước Trời, Chúa Giê-su tiếp tục nói với chúng ta về Nước Trời với một lối so sánh khác, đó là tiệc cưới.  Trong bất kỳ nền văn hóa nào, tiệc cưới là một biến cố hân hoan vui mừng, không chỉ cho đôi tân hôn, mà còn cho cả họ hàng đôi bên và cả dân làng.  Tin Mừng hôm nay không phải là lần duy nhất Chúa Giê-su nói về tiệc cưới.  Chúng ta có thể thấy hình ảnh này trong Mt 9,15 (nói về khách dự tiệc cưới không thể buồn sầu và ăn chay), rồi trong Mt 25,1 (dụ ngôn mười trinh nữ đi đón chàng rể).  Trong Tân ước, chúng ta còn thấy hình ảnh tiệc cưới trong Ga 3,29; Kh 21,2; Ep 5,22.  Một cách tổng quát, hình ảnh chàng rể được hiểu là chính Chúa Giê-su.  Người là tân lang của Giáo Hội.

Nếu Chúa Giê-su là chú rể, thì chủ tiệc là Chúa Cha.  Chúa Cha luôn quảng đại rộng rãi.  Ngài mời gọi con người đón nhận Đức Giê-su là Con Một Ngài nhập thể làm người.  Có những người được mời trân trọng từ ban đầu, nhưng lại coi nhẹ lời mời này, và kiếm cớ khước từ.  Những lý do khước từ là mới mua nông trại, mới cưới vợ, đang mải buôn bán.  Những người được mời đầu tiên có thể được hiểu là người Do Thái.  Họ là dân của giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với ông Áp-ra-ham Tổ phụ.  Họ là những người được ưu tiên lắng nghe Lời Thiên Chúa.  Tuy vậy, nhiều người trong họ đã khước từ lời mời gọi của Chúa Giê-su.  Đương nhiên, có nhiều người Do Thái tin vào Chúa Giê-su và đi theo Người.  Hình ảnh những người được mời trước hết, cũng có thể hiểu là con người của mọi thời đại và có thể là chính chúng ta.  Bởi lẽ lời mời gọi của Chúa Giê-su trong Phúc âm luôn mang tính hiện tại.  Có những khi chúng ta khước từ lời mời gọi của Chúa vì những lý do nhỏ nhặt và trần tục, giống như những người được mời trong Phúc âm.

Dù có nhận lời mời hay không.  Dù được mời sớm hay mời muộn, tất cả cuối cùng cũng phải có mặt trong phòng tiệc.  Đó là ngày cánh chung.  Ngày Đức Giê-su sẽ đến một cách hữu hình lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết.  Mọi người sẽ phải trình diện trước Thánh Nhan, để chịu phán xét.  Người lành được ban thưởng, kẻ dữ phải trầm luân.  Đức Giê-su dùng nhiều hình ảnh để diễn tả ngày phán xét: đó là chiếc lưới thả xuống biển thu được cả cá xấu và cá tốt, hay mùa gặt lượm về cả lúa và cỏ lùng.  Nếu được thu hoạch cùng lúc, thì định mệnh và tương lai của cá xấu và cỏ lùng lại hoàn toàn khác biệt với cá tốt và thóc lúa.

Ngày cánh chung ấy được ngôn sứ Isaia diễn tả trong Bài đọc I: “Ngày ấy, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc.”  Lại là bữa tiệc, nhưng đây là bữa tiệc vĩnh cửu.  Đó là ngày Thiên Chúa can thiệp, vào lúc tận cùng thời gian.  Thiên Chúa sẽ cất đi chiếc khăn tang, nghĩa là không còn chết chóc đau thương, nhưng là niềm vui bất tận.

Dù mọi người qua đường đều được mời vào phòng tiệc, nhưng không phải ai cũng được dự tiệc.  Ông chủ trong dụ ngôn xem ra có vẻ kỳ lạ: ông sai người ra đường ép người ta vào cho đầy nhà, rồi lại hạch sách là sao không mặc áo cưới.  Người không mặc áo cưới đã phải chịu số phận thảm khốc, đó là bị trói chân tay và ném ra chỗ tối tăm.  Những gì được chính Chúa Giê-su diễn tả cho thấy hình ảnh của hoả ngục: nơi tối tăm và đầy tiếng khóc lóc nghiến răng.  Để giải thích thái độ của ông chủ, một số nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng theo phong tục tập quán thời bấy giờ, ở cửa phòng tiệc thường có ban lễ tân phân phát miễn phí áo cưới cho khách dự tiệc.  Có thể vị khách này đã coi thường tập tục, hoặc bất cẩn mà nên như vậy.

Thiên Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta đến dự tiệc cưới, mà chàng rể chính là Chúa Giê-su.  Sống trong Giáo Hội, chúng ta được hưởng niềm vui, vì được gặp gỡ Chúa Giê-su, được kết hợp với Người, mật thiết như bạn bè, thậm chí như tình nhân.  Quả vậy, Chúa Giêsu là Bạn tâm phúc của tâm hồn chúng ta.  Lòng yêu mến sẽ gắn bó cá nhân mỗi chúng ta với Người.

“Nước Trời giống như…”  Khi nói về Nước Trời, Chúa Giê-su luôn dùng lối so sánh.  Vì Nước Trời là một thực tại cao siêu, một phạm trù vô hình, chúng ta không thể hiểu nổi.  Tin theo Chúa Giê-su là gia nhập Nước Trời.  Nước Trời đã khai mở ở trần gian nhưng chưa đạt tới mức hoàn thành.  Chúng ta cần phải cầu nguyện hằng ngày: xin cho Nước Cha trị đến, đồng thời nỗ lực cố gắng làm cho Vương quốc bình an của Đức Giê-su hiện hữu nơi cuộc đời.  Có thể chúng ta lập luận: “Khó quá! Làm sao tôi có thể cộng tác mở rộng Nước Trời.”  Thánh Phao-lô khích lệ chúng ta trong Bài đọc II: Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết những gian nan khốn khó.  Thánh nhân khuyên chúng ta hãy tín thác vào quyền năng Thiên Chúa, nơi Ngài, điều không thể sẽ trở thành điều có thể.  Như thế, sống tốt lành và ngay thẳng như Chúa Giê-su dạy, đó là đón nhận Nước Trời; loan báo và làm lan toả tình thương, đó là rao giảng Nước Trời.

Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta hãy đáp lời.  Đừng do dự, vì có Chúa là Mục tử dẫn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Đáp Ca).  Chiếc “áo cưới” mà chúng ta mặc để đi dự tiệc, chính là Chúa Giê-su.  Lời nhắn nhủ của Linh mục chủ sự Bí tích Thanh Tẩy nói với chúng ta: Hãy mặc lấy Chúa Ki-tô – Mặc lấy con người mới” (x. Ep 4,24).

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên