LỄ CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL, GABRIEL VÀ RAPHAEL

Kinh thánh chỉ nêu tên Gabriel, Michael và Raphael.  Từ Tổng lãnh Thiên thần (archangel) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp αρχάγγελος.  Archangelos = αρχ– (arch-) (“đầu tiên, bậc nhất, thủ lĩnh”) và άγγελος (angelos) (“người đưa tin”).

Thế giới thiên thần rất bí ẩn và có thể gây nhầm lẫn cho con người chúng ta.  Chúng ta thường không nhìn thấy các thiên thần bằng mắt của mình, mặc dù nhiều nhân vật trong Kinh thánh được ghi lại là đã nhìn thấy các vị ở dạng có thân xác.

Đặc biệt, nhiều người hỏi: Có bao nhiêu tổng lãnh thiên thần trong Kinh thánh?”
Kinh thánh chỉ cho biết tên của ba thiên thần thuộc hạng “tổng lãnh thiên thần.”

Đó là:

Michael “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Michael và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà.  Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến” (Khải huyền 12:7).

Gabriel “Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông.” (Luca 1:19).

Tuy nhiên, trong sách Tôbia, khi thánh Raphael tiết lộ danh tính của mình, tổng lãnh thiên thần nói,“Tôi là Raphael, một trong bảy thiên thần đứng và phục vụ trước Vinh quang của Thiên Chúa” (Tôbia 12:15).

Điều này khiến nhiều người tin rằng có bảy vị tổng lãnh thiên thần.  Con số này cũng xuất hiện trong Sách Hípri, một văn bản cổ của người Do Thái không được chấp nhận là kinh điển trong cả Kinh thánh Do Thái hay Kinh thánh Công giáo.

Vì một số giáo hội Kitô giáo, ví dụ như Chính thống giáo, chấp nhận bảy tổng lãnh thiên thần: Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Salathiel, Jébudiel và Barachiel là “chính thức,” nên một số người Công giáo cũng có lòng sùng kính đối với cả bảy vị tổng lãnh thiên thần kể cả bốn vị ngoài Kinh thánh này.  Giáo hội Công giáo đã nói rất rõ ràng rằng điều này là nguy hiểm về mặt tâm linh.

Trong Danh mục về lòng đạo đức bình dân, Giáo hội tuyên bố, “Việc gán tên cho các Thánh Thiên Thần không nên được khuyến khích, ngoại trừ trường hợp của Gabriel, Raphael và Michael, là những vị có tên trong Kinh Thánh.”

Kinh thánh là danh sách cuối cùng của chúng ta về các tổng lãnh thiên thần.  Là người Công giáo, chúng ta chỉ biết đến ba tên nhất định của các thiên thần của Thiên Chúa.  Bất kỳ tên nào khác đều bị nghi ngờ vì nó không phải là một phần của sự mặc khải thần linh.

Điều này không có nghĩa là chỉ có ba tổng lãnh thiên thần.  Kinh thánh nói rõ rằng có thể có “hàng ngàn” thiên thần hoặc “vô số” thiên thần, như Thánh Luca đã đề cập lúc Chúa Giêsu giáng sinh,“Và bỗng đâu đến hợp đoàn với thiên thần, có đoàn lũ cơ binh trên trời ngợi khen Thiên Chúa” (Luca 2:13).

Sự sáng tạo của Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong ba vị tổng lãnh thiên thần, nhưng đồng thời chúng ta cũng không nên phát triển lòng sùng kính đối với các thiên thần không được Lời Chúa xác nhận.

Phụng vụ mừng lễ ba vị tổng lãnh thiên thần được tôn kính theo truyền thống của Giáo hội.  Theo Nghi thức Đặc biệt trong Sách Lễ Rôma năm 1962 của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, 29 tháng 9 là lễ Thánh Micae.  Trước khi cải tổ phụng vụ theo Công Đồng Vaticanô II, Lễ Thánh Gabriel được cử hành vào ngày 24 tháng 3 và lễ Thánh Raphael vào ngày 24 tháng 10.(1)  Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã dạy một bài giáo lý về các Thiên thần trong các buổi Tiếp kiến Chung của ngài từ ngày 9 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8 năm 1986.  Thánh Giáo Hoàng nói: “Theo sách Khải Huyền, các thiên thần tham gia vào sự sống của Ba Ngôi trong ánh sáng vinh quang cũng được kêu gọi để đóng vai trò của họ trong lịch sử cứu rỗi con người, trong những khoảnh khắc được Thiên Chúa Quan phòng thiết lập.  Tác giả của Thư Hípri (1:14) hỏi: “Hết thảy họ lại không phải là những thần phục dịch được sai đi giúp đáp vì phần ích những kẻ thừa hưởng ơn cứu rỗi đó sao?”

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 328 – 330 dạy chúng ta rằng, “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh quen gọi là các thiên thần, là một chân lý đức tin. Thánh Kinh và Thánh Truyền đều nhất trí như thế.”

Thánh Augustinô nói: “Thiên thần” chỉ chức năng chứ không chỉ bản tính.  Xét về bản tính là “thuần linh.”  Xét về chức năng là “thiên thần.”  Theo hữu thể, là thuần linh; theo hành động, là thiên thần; được tạo ra, ở một thứ bậc cao hơn con người, thiên thần không có cơ thể và không phụ thuộc vào vật chất để tồn tại hoặc hoạt động.  Các vị khác với những vị thánh, mà con người có thể trở thành.

Tự bản thể, các thiên thần là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa.  Vì các ngài hằng chiêm ngưỡng “Thánh Nhan Cha Ta ở trên trời” (Mt 18,10), nên các vị là “những người đi thực hiện Lời Chúa, sẵn sàng phụng lệnh Người,” “Hãy chúc tụng Yavê, hỡi các thần sứ của Người, những anh hùng dũng mạnh làm theo lời Người, sẵn vâng tiếng Người phán ra.  Hãy chúc tụng Yavê, hỡi các cơ binh của Người, tôi trung tùng phục ý Người” (Thánh vịnh 103,1,15).  Với tư cách là thụ tạo thuần linh, các ngài là những thụ tạo có ngôi vị creaturae personalis (Piô XII: Denzinger 3891) (2) có trí năng, ý chí và bất tử, “Vì chưng họ không thể chết nữa, bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa, một khi đã là con cái của sự sống lại” (Luca 20, 36).  Các ngài hoàn hảo hơn mọi thụ tạo hữu hình.  Vinh quang rực rỡ của các ngài minh chứng điều ấy, “Tôi nghe tiếng lời ngài.  Vừa nghe tiếng lời ngài, tôi đã chết điếng, dập mặt xuống đất.  Và này, một bàn tay đụng đến mình tôi, tôi giật nảy, tôi chỗi dậy trên đầu gối…  Trong khi ngài nói với tôi lời ấy, thì tôi đã đứng dậy mà cứ run cầm cập.” (Đaniel 10,9-11).

Tổng lãnh thiên thần Michael

Tổng lãnh thiên thần Michael, được đề cập trong Sách Đanien, “Và này Michael, một trong các tướng hàng đầu đã đến trợ lực với ta. Và không có một ai tăng sức cho ta đấu với các vị ấy, trừ phi là Michael, (thần sứ) tướng của các ngươi” (Đaniel 10,13.22) và trong Khải huyền của Thánh Gioan (Khải huyền 12.7), là hoàng tử của các thiên thần, chiến thắng Satan trong trận chiến của thời kỳ cuối cùng.

Tên của tổng lãnh thiên thần Michael, trong tiếng Do Thái có nghĩa là ai giống như Thiên Chúa?  Ngài thường được hình dung như một chiến binh mạnh mẽ, mặc áo giáp và đi dép.

Tên của ngài xuất hiện trong Kinh thánh bốn lần, hai lần trong Sách Đanien, một lần trong Thư thánh Giuđa và một lần Sách Khải huyền.  Từ sách Khải Huyền, chúng ta biết về trận chiến trên thiên đường, Thánh Michael và các thiên thần của ngài chiến đấu với Lucifer và các thiên thần sa ngã khác (hoặc ác quỷ).

Tổng lãnh thiên thần Gabriel

Tên của Tổng lãnh thiên thần Gabriel có nghĩa là “Chúa là sức mạnh của tôi.”  Trong Kinh thánh, ngài xuất hiện ba lần với tư cách là một sứ giả.  Ngài đã được cử đến Đaniel để giải thích thị kiến liên quan đến Đấng Mêsia, và tôi nghe có tiếng người giữa (sông) Ulai; tiếng ấy gọi lớn và nói: “Gabriel, hãy cho người này hiểu thị kiến!” (Daniel 8:16), “trong lúc cầu kinh, tôi còn đang nói, thì Gabriel, người mà tôi đã thấy trong thị kiến ban đầu, đã vụt bay đến kề bên tôi vào lúc dâng của lễ ban chiều (9:21).   Ngài hiện ra với ông Dacaria khi ông đang dâng hương trong Đền thờ, để báo trước sự ra đời của con trai ông, thánh Gioan Tẩy giả, “Thiên thần Chúa đã hiện ra cho ông, đứng bên hữu hương án…. Ta là Gabriel, kẻ chầu hầu trước mặt Thiên Chúa, ta đã được sai đến nói với ngươi và đem tin mừng này cho ngươi!” (Luca 1,11-19).  Tổng lãnh Gabriel được biết đến nhiều nhất là thiên thần được Thiên Chúa chọn làm sứ giả Truyền tin, loan báo cho nhân loại biết mầu nhiệm Nhập thể, “Tháng thứ sáu, thiên thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilê, tên là Nazarét, tới cùng một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Yuse, thuộc nhà Ðavít, và tên trinh nữ là Maria” (Luca 1, 26-27).

Lời chào của Tổng thiên thần Gabriel đối với Đức Mẹ, đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, “Vui lên! Hỡi Ðầy ơn phúc!  Chúa ở cùng người!” (Luca 1, 28), đã trở thành lời cầu nguyện Ave Maria, Kính mừng Maria, thường xuyên và quen thuộc của mọi người Kitô hữu.

Tổng lãnh thiên thần Raphael

Hiểu biết của chúng ta về Tổng lãnh thiên thần Raphael đến từ sách Tôbia, “Và Raphael đã được sai đến chữa lành cả hai: giựt khỏi mắt Tôbit những vệt trắng, để ông được thấy tận mắt ánh sáng của Thiên Chúa – và ban Sara, con gái Raguel cho Tôbia con của Tôbit làm vợ và giải thoát nàng khỏi quỉ dữ Asmôđê” (3, 17).  “Và cũng vậy, Thiên Chúa đã sai ta đến chữa lành ngươi và Sara con dâu ngươi. Ta là Raphael, một trong bảy vị Thần sứ hằng túc trực để vào trước vinh quang Chúa” (12,15).

Nhiệm vụ của ngài như một người chữa bệnh tuyệt vời và đồng hành cùng Tôbia trẻ đã khiến ngài được mời gọi cho những cuộc hành trình và vào những thời điểm quan trọng trong cuộc sống.  Truyền thống cũng cho rằng Raphael là thiên thần khuấy động nước tại hồ nước nuôi cừu chữa bệnh ở Bethesda.  Tên của ngài có nghĩa là “Chúa đã chữa lành.”

Không giống như chúng ta, các thiên thần là những đấng thiêng liêng thuần khiết và không có bất cứ gì là vật chất.  Các ngài không có cánh, thân xác hoặc gươm kiếm.  Các Tổng Lãnh Thiên Thần được giao phó công việc giao tiếp và đưa những sứ điệp quan trọng cho con người.  Các Tổng Lãnh Thiên Thần có thể bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ.  Thánh Micae và các thiên thần có quyền lực trục xuất Satan ra khỏi một nơi chốn.

Các Tổng Lãnh Thiên Thần vẫn hiện hữu ngày nay.  Thiên Chúa đã tạo dựng các thiên thần bất tử và các vị sẽ không bao giờ ngưng hiện hữu, cho đến muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc cực thánh của chúng con, chúng con xin Chúa ban phúc cho ngôi nhà của chúng con, gia đình chúng con, mọi người trong gia đình chúng con.  Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ.

Thánh Thiên Thần Michael, xin hãy bảo vệ chúng con chống lại tất cả những kẻ xấu xa của địa ngục.

Thánh Thiên Thần Gabriel, xin hãy ban cho chúng con sự khôn ngoan để chúng con có thể hiểu được thánh ý Thiên Chúa.

Thánh Thiên Thần Raphael, hãy bảo vệ chúng con khỏi bệnh tật và mọi nguy hiểm đến tính mạng.

Xin các thiên thần hộ mệnh thánh thiện gìn giữ chúng con ngày đêm trên con đường dẫn đến ơn cứu độ.  Amen!

(1)Năm 745, tại công đồng Latêranô, Đức Giáo Hoàng Zacharia đã tuyên bố: “Giáo hội Công Giáo chỉ nhìn nhận ba tên gọi chính thức của các thiên thần: Michael, Gabriel và Raphael”.

Phụng vụ theo Công Đồng Vaticanô II mừng chung các tổng lãnh thiên thần Michael, Gabriel và Raphael vào ngày 29 tháng chín, ngày kỷ niệm lễ cung hiến một đại giáo đường kính thánh Michael ở thế kỷ IV, trong một miền quê Rôma nhưng ngày nay không còn.

(2)Enchiridion Symbolorum, definitionum et declarationum de rebus fidei et morum: Tuyển tập các tín biểu, định tín và tuyên bố về các vấn đề đức tin và luân lý.

Phêrô Phạm Văn Trung biên tập
Từ: aleteia.org và catholicculture.org
Nguồn: https://hdgmvietnam.com 

TÌNH YÊU ĐƯỢC CHỨNG MINH BẰNG VIỆC LÀM

Trong cuộc sống cá nhân của mỗi chúng ta, lời nói và việc làm thường có những khoảng cách xa vời, thậm chí có lúc hoàn toàn trái ngược nhau.  Những bài diễn thuyết hùng hồn với những mỹ tự bóng bảy nhiều khi chỉ là đồ trang trí cho những tư tưởng rỗng tuếch, nhất là với thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.  Với công nghệ quảng cáo tiếp thị, cái gì cũng nhất thế giới, đồ gì cũng là chất lượng hàng đầu… suy cho cùng, chỉ là sự dối trá.  Để chứng minh lời nói của một người có thật hay không, người ta phải kiểm chứng việc làm của người đó.  Thiếu việc làm, tình yêu chỉ là chót lưỡi đầu môi và giả tạo.

Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay nói đến một người cha và hai người con.  Người cha sai hai con đi làm vườn nho.  Hình ảnh vườn nho một lần nữa lại được Đức Giêsu dùng để so sánh với cuộc đời.  Chúng ta dễ nhận ra, nơi hình ảnh người cha này là chính Thiên Chúa.  Người cha này có hai người con.  Một người, khi được cha trao việc thì chối từ, nhưng sau hối hận; người thứ hai mau mắn nhận lời, rồi lại không làm.  Kết luận Chúa Giêsu đưa ra là: việc làm và đời sống của một người là tiêu chuẩn lượng giá về nhân cách của người ấy chứ không phải lời nói.  Người con thứ nhất tuy từ chối lời đề nghị của cha mình, những đã sớm hối hận và đã đi làm vườn nho cho cha.  Người con này được kể là người con hiếu thảo và được cha yêu mến.  Trái lại, người con thứ hai khi được trao việc thì nhanh nhảu nhận lời, nhưng rốt cuộc lại không làm gì.  Đây là người con chỉ vâng lời và hiếu thảo bằng môi mép, còn trong thực tế thì lười biếng và dối trá.

Hai người con tượng trưng cho hai lối sống, hai trào lưu, hai quan niệm và cũng là hai cách thực hành đời sống Đức Tin của chúng ta.  Có thể hai nhân vật ấy đồng thời hiện hữu trong chính con người của mỗi chúng ta, khi chúng ta bị cám dỗ sống giả hình hoặc bất tuân.  Thiên Chúa là Cha vẫn luôn mời gọi chúng ta làm điều thiện.  Trước lời mời gọi ấy, có những người “miệng nói hay, mà tay không làm.”  Trái lại, có những người khước từ rồi sau đó nhận ra lẽ phải và gắng công thực hiện ý Chúa.

Trong bối cảnh xã hội hôm nay, cách thức thực hành Đạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng.  Tại nhiều nơi và đối với nhiều người, đời sống Đức tin chỉ dừng lại ở những nghi lễ bề ngoài mà ít để ý đến chiều sâu và đời sống nội tâm.  Theo lẽ thường tình, một khi hình thức tăng thì nội dung giảm.  Khi người ta quá chú trọng đến bề ngoài thì dễ quên bề trong.  Tại nhiều nơi, lời kêu gọi học hỏi giáo lý để giúp sống Đạo bị bỏ ngoài tai, thậm chí giáo dân còn “tìm cách bỏ trốn” mỗi khi đến giờ học giáo lý.  Hậu quả của việc không học giáo lý là một Đức tin mờ nhạt, một lối giữ đạo nửa vời.  Nhiều bạn trẻ đã mất Đức tin khi tiếp cận với nền văn minh và lối sống đô thị.

Lời Chúa hôm nay cũng dạy chúng ta cần thận trọng khi nhận định về tư cách của một người.  Chắc hẳn những người có mặt lúc Chúa Giêsu tuyên bố những lời này cảm thấy “sốc:”  “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”  Lời tuyên bố của Chúa đảo ngược bậc thang giá trị mà người Do Thái thường dựa vào để nhận định một con người.  Thì ra, những người mũ cao áo dài chưa chắc đã là những người thánh thiện.  Những người biệt phái và luật sĩ dù khôn ngoan chưa hẳn đã là những người ngay chính.  Để nhận định tư cách của họ, còn phải xem đời sống hằng ngày của họ ra sao, họ có thực hành đức công bình mà họ vẫn rao giảng hay không, đó mới là điều quan trọng.  Một người có quá khứ tội lỗi, nhưng thành tâm thiện chí ăn năn hối cải, thì họ được Chúa tha thứ.  Trong cuộc sống, vì có một quá khứ nghiện ngập, tù đầy khi muốn hoàn lương vẫn gặp phải những thành kiến của những người xung quanh, để rồi những người muốn làm một con người bình thường mà cũng không được.  Ngôn sứ Edêkien đã truyền lại lời của Chúa: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu thoát mạng sống mình!”   Vâng, trong cuộc đời, chúng ta còn khắt khe hơn Thiên Chúa trong việc xét đoán anh chị em mình.  Những người thu thuế và những cô gái điếm được vào Nước Trời, vì họ đã để cho Lời Chúa thấm nhập và thay đổi cuộc đời tội lỗi của họ.  Họ đã can đảm đoạn tuyệt với quá khứ xấu xa, để mặc lấy Đức Giêsu phục sinh, trở nên con người mới, thánh thiện tinh tuyền.  Như thế, đối với Chúa, không thể vin vào một quá khứ xa xưa – dù tốt lành – để biện minh cho những lỗi lầm mình đang phạm.  Thiên Chúa công minh vô cùng trong xét xử.  Ngài vừa công bằng vừa giàu lòng thương xót.

“Hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.  Đừng làm chỉ vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.”  Đó là lời khuyên của Thánh Phaolô gửi tới cộng đoàn tín hữu Philiphê.  Khi nhấn mạnh đến đức khiêm nhường, vị Tông đồ dân ngoại trình bày Đức Giêsu như mẫu mực và lý tưởng của mọi Kitô hữu: Người là Thiên Chúa đã tự huỷ, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế vì yêu thương chúng ta (Bài đọc II).  Những ai tiến bước theo Chúa Giêsu sẽ đẹp lòng Thiên Chúa Cha.

Hãy bớt những lời nói và hãy gia tăng việc làm.  Hãy nói ít và nghe nhiều.  Hãy học sống thinh lặng để cảm nhận sự hiện diện của Chúa và những điều kỳ diệu Chúa làm quanh ta.  Những điều kỳ diệu ấy, ta chỉ có thể cảm nhận bằng Đức tin và tình mến Chúa yêu người.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THÁNH COSMA VÀ THÁNH ĐAMIANÔ, TỬ ĐẠO

1. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Theo truyền thuyết, thánh Cosma và Đamianô là hai anh em sinh đôi.  Sinh tại Ả rập.  Các Ngài sớm mồ côi cha.  Mẹ các Ngài là một góa phụ nhân đức, đã không tiếc gì để giáo dục con cái về tri thức và đạo đức.  Bà gửi hai con theo học ở Syria.  Tại đây Cosma và Đamianô nổi tiếng là lương thiện, vô vị lợi và trong trắng.  Nhiệt thành với đức tin, các Ngài dự tính học nghề thuốc.  Khoa này vào thời ấy bị coi rẻ.  Nhưng các Ngài tin rằng khi chữa lành thể xác con người các Ngài có thể góp phần vào việc chữa trị bệnh tật linh hồn.

Thiên Chúa đã chúc lành cho dự tính của các Ngài và ban cho các Ngài được thông thạo về nghề thuốc.  Chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, các Ngài càng ngày càng trở nên danh tiếng vì những cuộc chữa lành nhờ lời cầu nguyện.  Những cuộc chữa lành lạ lùng này lôi cuốn được nhiều người, kể cả các lương dân đến với các Ngài.  Tuy nhiên, chính vì tiếng tăm lừng lẫy này đã đưa tới cái chết vì đạo của các Ngài.

Các hoàng đế Điôclêtianô và Maximianô quyết tận diệt Kitô giáo, đã sai tổng trấn Lysias đến Ege để ép buộc các Kitô hữu phải dâng hương tế thần.  Ai không tuân lệnh sẽ bị sát hại.  Các lương dân tố cáo với quan tổng trấn rằng có hai người rất thạo nghề thuốc nhưng lại là thù địch chí tử của các thần minh.  Nếu họ tiếp tục hành nghề các đền thờ sẽ trống vắng và cả nước sẽ theo Kitô giáo hết.  Nghe tin này quan tổng trấn truyền bắt giam hai Ngài.  Sau khi bắt các Ngài phải dâng hương tế thần mà không được, ông ra lệnh hành hạ các Ngài.  Nhờ ơn Chúa, hai thánh Cosma và Đamianô đã nhẫn nại chịu đựng, lại còn tỏ ra hân hoan nữa.  Quan lính trói các Ngài rồi bỏ xuống biển, nhưng các thiên thần đã đến tháo cởi xiềng xích và cứu các Ngài bình an vô sự.

Nghe tin này, quan tổng trấn truyền lập giàn thiêu.  Nhưng giữa ngọn lửa cháy bừng, hai thánh nhân vẫn không hề hấn gì.  Cuối cùng quan tổng trấn ra lệnh xử trảm.  Hai thánh Cosma và Đamianô khẩn khoản nài xin Chúa thương nhận lễ dâng của các Ngài và cầu xin Chúa tha tội cho những kẻ đã hành hạ mình.  Sau những nhát chém đầu tiên, đầu các Ngài lìa xác và nhận phúc tử vì đạo.  Hôm ấy là ngày 26-09-297.

Danh tiếng của hai thánh Cosma và Đamianô lan rộng khắp Giáo hội vì những cuộc chữa lành bệnh các Ngài đã thực hiện.  Hoàng đế Justinô I khuyến khích lòng sùng kính hai thánh nhân.  Một nguyện đường được xây dựng ở Aege miền Cilicia để ghi nhớ nơi các Ngài chịu chết vì đạo.  Tại Roma, Đức Thánh Cha Symmachô (498  514) đã cho xây nguyện đường kính hai thánh, và Đức Thánh Cha Felix IV (526  530) đã cho xây một đại giáo đường kính các Ngài.

Hai thánh Cosma và Đamianô được đặt làm thánh bổn mạng các y sĩ và các nhà giải phẫu. (Tổng hợp)

2. BÀI HỌC

Giáo Hội của Chúa Kitô ít khi được an bình.  Con cái thế gian luôn tìm cách phá hại Hội Thánh của Chúa.  Giáo Hội vào thời hai Ðấng lúc đó gặp cảnh cấm cách, bắt bớ của Hoàng đế Ðiôclêtianô và Maximianô, Cosma và Ðamianô bị bắt, bị dẫn giải tới quan Lydia.  Thánh Cosma và Ðamianô không sợ sệt, không run sợ, không nhát đảm, các Ngài luôn tuyên xưng mình là Kitô hữu.  Quan Lydia truyền đánh đòn hai Ngài một cách dã man, tàn ác, ra lệnh xích tay chân và quăng hai Ngài xuống biển.  Chúa nhiệm mầu và quyền năng đã cứu hai Ngài khỏi chết.  Tức giận vì phép lạ Chúa giải cứu hai Ngài khỏi chết, Lydia đã ra lệnh đốt một đống lửa cháy to và đẩy hai Ngài vào đống lửa đang cháy.  Hai Ðấng vẫn ung dung,vừa đi vừa cầu nguyện giữa đống lửa đang bừng bừng cháy lớn.  Phép lạ Chúa quả quá tỏ tường, nhiều người chứng kiến phép lạ lớn lao ấy đã được ơn quay trở lại.

Như một con thú khát máu, Lydia đã ra lệnh khẩn cấp đem hai Ngài đi chém đầu.  Hai thánh nhân trước khi để cho đao phủ chém đầu mình đã can đảm ngước mắt lên trời cầu xin Chúa thứ tha cho những kẻ làm hại các Ngài.

Trong một bài suy niệm về tình hình dịch bệnh hiện tại, một thiện nguyện viên đã viết như sau: “Thực tế cuộc sống giúp chúng ta nhận ra rằng tha thứ chưa bao giờ là điều dễ thực hiện.  Có những hành động lầm lỗi, những kỷ niệm cay đắng mà người khác đã hành xử với chúng ta trong quá khứ mà chỉ cần chúng ta nhớ lại hay đi ngang qua khung cảnh xưa cũ cũng đủ làm lòng chúng ta cảm thấy chua xót và giận hờn.  Có nhiều lúc, khi nhìn thấy đại dịch hoành hành và cướp đi rất nhiều sinh mạng, làm đảo lộn cuộc sống của rất nhiều người, làm rất nhiều gia đình trở nên nghèo đói… tôi thấy trong lòng sôi lên và cảm thấy tức giận những kẻ đã tạo ra, đã làm lây lan thứ virus quái ác này, mong cho những kẻ ấy phải trả giá.  Nhưng khi nhìn lên Thánh giá, tôi lại thấy mình thật tệ và hẹp hòi biết bao!

Hôm nay, Chúa Giêsu đang tha thiết mời gọi chúng ta “Hãy thương xót” và sẵn sàng tha thứ thêm lần nữa, rồi lại lần nữa vì chính chúng ta đã được Thiên Chúa thương xót và hết lòng tha thứ.  Trong Thông điệp Fratelli Tutti, ĐTC Phanxicô đã gợi ý cho chúng ta về cách thức tha thứ như sau: “Tha thứ cách tự do và chân thành là một hành vi cao quý, phản ánh lòng tha thứ vô biên của Thiên Chúa.  Nếu tha thứ có tính nhưng không, thì chúng ta có thể tha thứ cả cho những ai không hề hối lỗi và không có khả năng xin tha thứ” (ĐTC Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 250).  (Jos. Lương Tùng, CSsR).

Xin được kết thúc bằng câu chuyện cảm động này: “Trong những năm 1944-1945, dân Roma khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến tên Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Ðức quốc xã đã từng giết hại không biết bao nhiêu mạng người.  Sau chiến tranh, anh ta bị bắt và bị kết án tử hình.  Anh viết thư cho Ðức Giáo Hoàng Piô 12 để xưng thú các tội ác mình đã phạm và đặc biệt xin Ngài tha thứ cho anh tội đã tấn công vào Vương Cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành.

Ðức thánh cha đã sai một linh mục đến nhà tù để gặp anh ta và chuyển đến anh sự tha thứ của Ngài, đồng thời trao cho anh ta một tràng hạt mân côi.  Ðến nhà giam, sau khi đã làm theo lời căn dặn của Ðức Giáo Hoàng, vị linh mục đã nghe người tử tội thốt lên như sau: “Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý.  Tòa án đã kết án con, điều này cũng rất công bình.  Ðức Giáo Hoàng đã tha thứ cho con và đã cho con một bài học cao quý.  Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì giờ này có lẽ con không phải ra pháp trường như thế này.”  Nói rồi anh bật khóc: “Con không dám động đến tràng hạt của Ðức Giáo Hoàng bằng đôi tay vấy máu của con.  Xin cha đeo tràng hạt vào cổ cho con.”  Ít phút sau, Peter Koch ngã gục dưới loạt đạn, miệng anh vẫn còn cầu khẩn Mẹ Maria…

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

LIÊN HỆ VỚI CẢ CHÚA GIÊSU VÀ CHÚA KITÔ

Với tôi, suốt nhiều năm trời, Kitô chỉ đơn thuần như cái họ của Chúa Giêsu, như Jack Smith, Susan Parker, Giêsu Kitô.  Về mặt tri thức thì tôi biết nó không phải thế, nhưng về mặt thực tế, cả trong đời sống đức tin cá nhân và với tư cách thần học gia, tôi xem danh Kitô như thể đơn thuần là cái họ của Chúa Giêsu vậy.  Dù là khi cầu nguyện, viết lách hay giảng dạy, tôi gần như luôn dùng hai danh này cùng nhau, Giêsu Kitô, như thể cả hai có sự đồng nhất tuyệt đối.

Nhưng không phải vậy.  Chúa Giêsu là nhân vị thần thiêng trong Ba Ngôi, người từng sống trên địa cầu với xác thịt khí huyết và giờ đang ở bên Chúa Cha, là một phần trong Ba Ngôi Thiên Chúa.  Nhưng ngài cũng là một cấu thành then chốt trong hiện thực của Chúa Kitô, Chúa Kitô thì hơn cả Chúa Giêsu.

Chúa Kitô là một huyền nhiệm bao gồm cả chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu trên địa cầu, các bí tích, kinh thánh và giáo hội.  Kinh Thánh nói rõ ràng: Chúng ta là Thân thể của Chúa Kitô trên địa cầu.  Chúng ta không đại diện hay thay thế cho Chúa Kitô, không phải là một sự hiện diện thần nhiệm mơ hồ nào đó của Chúa Kitô.  Chúng ta là Thân thể Chúa Kitô, cũng là Phép Thánh Thể và Lời Chúa.

Sự phân biệt này có những liên quan rất lớn đến cả đời sống đức tin cá nhân và cách chúng ta sống đức tin trong giáo hội.  Đơn giản đồng nhất Chúa Giêsu và Chúa Kitô thì sẽ bào mòn cương vị môn đệ của chúng ta, bất kể chúng ta thường hay liên hệ với danh nào nhất (Giêsu hay Kitô).

Xin cho tôi nói về một sai lầm của tôi.  Khi sống đức tin, tôi dễ dàng và thực tế về mặt hiện sinh, liên hệ với Chúa Kitô hơn là Chúa Giêsu.  Nghĩa là tôi có niềm tin và sự gắn bó cả đời với hiện thực của sự phục sinh, với giáo huấn của Chúa Giêsu, với giáo hội, các bí tích và kinh thánh Kitô giáo.  Tôi tin rằng việc tham dự Phép Thánh Thể là điều quan trọng nhất mà tôi làm trong đời, rằng Bài giảng trên núi là quy tắc đạo đức lớn nhất và giáo hội, bất chấp những lỗi phạm của mình, là Thân thể Chúa Kitô trên địa cầu.

Nhưng không như nhiều nhà thần nghiệm và các thánh đầy đức tin mà tôi đã đọc về cuộc đời họ, không như nhiều người bạn và đồng nghiệp theo Phái Phúc âm, tôi vất vả trong việc có ý thức thực sự rằng Chúa Giêsu là một người bạn và người yêu thân thiết.  Tôi chật vật để trở thành người môn đệ yêu dấu trong phúc âm theo thánh Gioan, dựa đầu vào ngực Chúa Giêsu, có sự mật thiết một đối một với Chúa Giêsu đến mức làm cho các thứ khác trở nên tương đối.  Tôi biết Chúa Giêsu là thật và Ngài muốn có sự mật thiết một đối một với mỗi chúng ta, nhưng sự thật là tôi chật vật để thật sự cảm nhận điều đó và để biến nó thành phần trọng tâm trong cương vị môn đệ của mình.  Ngoại trừ những thời khắc ân sủng trong lời cầu nguyện, thì sự gắn bó với Phép Thánh Thể, giáo huấn của Chúa Giêsu và với giáo hội chính là tâm điểm đức tin và cương vị môn đệ của tôi.  Theo thói quen, tôi liên hệ với Chúa Kitô nhiều hơn Chúa Giêsu.

Và cho tôi mạo hiểm thêm vào điều này: Tôi tin rằng điều này cũng đúng với các giáo hội Kitô giáo khác.  Chúng ta có những giáo hội liên hệ với Chúa Kitô hơn và có những giáo hội liên hệ với Chúa Giêsu hơn.  Ví dụ như, giáo hội Công Giáo La Mã là giáo hội rất quy hướng về Chúa Kitô.  Cộng đoàn hội thánh, Phép Thánh Thể, các bí tích và giáo huấn của Chúa Giêsu là những điều then chốt.  Không người Công Giáo La Mã nào có thể nói rằng tôi chỉ cần mối quan hệ riêng với Chúa Giêsu là đủ.  Với người theo Anh Giáo, Tân Giáo và Tin Lành đường lối chính cũng vậy.  Nhưng với các giáo hội thuộc phái Phúc Âm thì lại không hẳn vậy, khi mà ủy lệnh đặc biệt trong Phúc Âm theo thánh Gioan rằng phải có mối quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu dễ dàng trở thành giáo lý trọng tâm của cương vị môn đệ Kitô Hữu.

Nhưng không phải các giáo hội khác nhau theo chiều kích này mà tiệt trừ chiều kích kia.  Ví dụ như, Công Giáo La Mã, Anh Giáo và Tin Lành dòng chính nhấn mạnh về việc cầu nguyện riêng là công cụ để liên hệ với nhân thể của Chúa Giêsu như một người bạn và người yêu thân thiết.  Về chuyện này, Công Giáo La Mã đem lại một truyền thống cầu nguyện kính mến phong phú, đôi khi quá phong phú.  Ngược lại, phái Phúc Âm với trọng tâm rất mạnh về Chúa Giêsu, dùng các buổi phụng vụ lời Chúa và giảng dạy làm cách chính để liên hệ với mầu nhiệm rộng hơn của Chúa Kitô.

Chúng ta có những điều đáng để học hỏi từ cả hai.  Các giáo hội, cũng như các cá nhân, đều phải hướng về cả hai, Chúa Giêsu và Chúa Kitô, nghĩa là chú trọng mối quan hệ riêng với Chúa Giêsu Kitô và tham gia vào mầu nhiệm nhập thể lịch sử của Chúa Kitô, mầu nhiệm mà mỗi chúng ta đều có phần.  Chúng ta phải tập trung vào Chúa Giêsu, nhưng cũng phải tập trung vào Phép Thánh Thể, Lời Chúa và cộng đoàn tín hữu, tất cả đều là Thân thể Chúa Kitô.  Đức tin và cương vị môn đệ của chúng ta phải vừa riêng tư một cách sâu sắc, vừa chung một cách rõ ràng.  Không một Kitô hữu nào có thể nói rằng cương vị môn đệ của mình chỉ hệ tại ở mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu, cũng như không một Kitô hữu nào có thể nói rằng mình không cần Chúa Giêsu, chỉ cần giáo hội và các bí tích.

Chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, cả về mặt nhân thể và mầu nhiệm.  Chúng ta gắn bó với một bộ giáo huấn, một loạt bí tích, Phép Thánh Thể và cộng đoàn hữu hình mà chúng ta gọi là giáo hội, cũng như với một người tên là Giêsu là tâm điểm của mầu nhiệm lớn lao này và là người muốn trở nên người bạn và là người yêu của chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CÔNG BẰNG VÀ TÌNH THƯƠNG

Trong cuộc sống đời thường, người ta hay nói đến công bằng như một lý tưởng phấn đấu và là một điều kiện căn bản để xây dựng một xã hội phồn vinh hạnh phúc.  Tuy vậy, ở đời này không bao giờ có công bằng tuyệt đối.  Bởi lẽ ngay khái niệm công bằng cũng được hiểu rất khác nhau, tùy theo quan điểm chính trị, văn hoá và xã hội của con người.

Thiên Chúa là Đấng công bằng.  Giáo huấn của Kinh Thánh khẳng định với chúng ta như thế.  Tác giả Thánh vịnh đã viết: “Quả thật Chúa là Đấng công bằng, ưa thích điều chính trực; những kẻ sống ngay lành được chiêm ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 10,7).  Không chỉ công bằng, nơi Chúa còn có tình thương và lòng nhân hậu.  Ở đời này, hiếm thấy công bằng và tình thương đi đôi với nhau.  Dân gian ta thường nói: “Thương em anh để trong lòng, việc quan anh cứ phép công anh làm.”  Điều đó cho thấy đã công bằng thì không (hoặc rất khó) mà có tình thương và không có sự nể nang tình nghĩa.  Đây cũng là điều cần thiết bởi nếu không xã hội sẽ rối loạn như giao thông không có đèn hiệu.

Dụ ngôn ông chủ vườn nho hôm nay chứng minh cho thấy: Thiên Chúa vừa công bằng và tràn đầy tình thương.  Thiên Chúa không hành động nhỏ nhen như con người.  Chúng ta thường có thói quen “suy bụng ta ra bụng của Thiên Chúa,” có nghĩa là chúng ta thường gán cho Thiên Chúa những cách xử sự nơi thế giới nhân loại, cũng hận thù và tiểu nhân.  Từ đó, chúng ta phàn nàn kêu trách Chúa khi đau khổ thiếu thốn.  Tệ hơn, nhiều lúc chúng ta phê phán Chúa vì Ngài tốt bụng với người khác.  Qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã khẳng định: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta…  Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Bài đọc I).  Những lời này dạy chúng ta phải có cái nhìn rộng lượng hơn trong cách đối xử với tha nhân, như Thiên Chúa là Đấng bao dung và quảng đại.

Chúa Giêsu đến trần gian để mạc khải cho con người tình thương bao la của Chúa Cha.  Ngài thương hết mọi người và từng người, nhất là những tội nhân và những kẻ bé mọn.  Trong khi đó, nhiều người Do Thái, nhất là người Biệt phái và các luật sĩ lại ghen tỵ vì Chúa Giêsu.  Họ phê phán Chúa vì Người gần gũi những người tội lỗi và những kẻ bần cùng.  Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” nhằm diễn tả lòng bao dung của Thiên Chúa và sự ích kỷ của con người.  Nếu Thiên Chúa là Đấng rộng rãi bao dung, thì con người lại quá nhỏ nhen ích kỷ.  Những người thợ đã làm từ đầu ngày ghen tương trước lòng tốt của ông chủ, trong khi đó, ông chủ vẫn làm đúng điều ông đã cam kết.  Ông không hề làm cho họ bị thiệt hại.  Họ ghen tương và phàn nàn bất mãn chỉ vì ông chủ tốt với người khác.  Thái độ của những người này làm chúng ta liên tưởng đến người con cả trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” được Chúa nói trong Tin Mừng Thánh Luca (x. Lc 15,25-32).  Anh ghen tương và phẫn nộ vì cha mình xử tốt với đứa em khi nó đi hoang trở về.  Đó cũng là thái độ của chúng ta, khi muốn Chúa phải xử theo ý muốn hẹp hòi của mình.

Đối lại với lời phàn nàn trách móc, ông chủ đã đặt ra hai câu hỏi: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao?  Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?”  Qua hai câu hỏi này, ông chủ muốn phê phán những người thợ tự cho mình là đáng giá hơn người khác, để dựa vào đó mà phản đối lòng tốt của ông chủ.  Người chủ vườn là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng bao dung nhân hậu.  Ngài sai Con Một là Đức Giêsu đến trần gian để sống gần với họ.  Điều này làm những người tự coi là “công chính” không hài lòng.  Bởi lẽ, theo suy nghĩ của họ, chỉ có họ là được Chúa yêu thương.  Việc Chúa Giêsu gần gũi những người thu thuế và những người tội lỗi được họ coi như một thiệt thòi đối với họ, vì thế mà họ nổi loạn và trách móc phàn nàn.  Họ giống như một số người có thái độ “ghen ngược” trong xã hội hôm nay, kêu ca phàn nàn trách móc trong khi mình không có quyền gì để làm những điều đó.  Thiên Chúa yêu thương và cứu vớt những người bị đẩy ra bên lề cuộc đời.  Họ là những người không ai thuê, mặc dù vào giờ thứ mười một, tức là đã xế chiều.  “Không ai mướn chúng tôi!”  Lời này đã diễn tả tình trạng bi đát và khốn cùng của họ.  Không ai mướn, tức là ngày đó không có lương, và như thế, cả vợ con và gia đình họ cũng không có gì sống.  Ông chủ vườn nho là người thấu hiểu điều đó.  Vì vậy, ông trả lương cho họ giống như những người đã làm từ sáng.  Đó là đồng lương của lòng nhân hậu.

Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn luôn tỏ lòng nhân hậu đối với con người, không phân biệt sang giàu hay đẳng cấp xã hội.  Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm: “Đâu là thái độ của tôi đối với anh chị em đồng loại?”  Vì Thiên Chúa nhân hậu bao dung, nên Ngài mời gọi chúng ta hãy sám hối và bỏ đường tà, đoạn tuyệt với quá khứ, thay đổi con tim và canh tân cuộc sống: “Hãy trở về với Chúa – và Ngài sẽ xót thương, về với Thiên Chúa chúng ta vì Ngài rộng lòng tha thứ” (Bài đọc I).

Những lo toan bận tâm thường ngày không thể cản trở chúng ta tìm kiếm Nước Trời.  “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô” – Thánh Phaolô khuyên chúng ta như vậy.  Đối với thánh nhân, sự sống hay sự chết chẳng là một điều bận tâm, vì đối với những ai yêu mến Chúa thực sự thì họ chắc chắn được lãnh nhận phần thưởng Nước Trời.  Lòng mến Chúa yêu người sẽ thôi thúc chúng ta thực hiện những gì Chúa muốn: “Kẻ gan ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo.  Người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa – và Người sẽ xót thương” (Bài đọc I).

Chúa là chủ vườn nho bao dung nhân hậu.  Tuy vậy, chúng ta không dựa vào lòng nhân hậu của Chúa mà trễ nải khi được mời gọi vào vườn nho của Ngài.  Những người thợ được nêu trong Tin Mừng, khi được mời, đều sẵn sàng nhận lời.  Vì vậy mà họ đáng được thưởng công.  Vườn nho của Chúa là Giáo Hội, nơi mỗi người tìm thấy bầu khí gia đình thân thương.  Vườn nho của Chúa chính là cuộc đời, nơi chúng ta được sai đến để làm chứng cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  Ý thức được điều này, chúng ta sẽ nhận ra giá trị của cuộc sống, nhất là niềm vinh hạnh vì được làm con cái Chúa.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THUẦN TUÝ XÓT THƯƠNG

“Đừng khóc nữa!”; “Hãy trỗi dậy!”

“Lạy Chúa, xin chấm dứt cuộc sống khốn khổ của con theo ý muốn tốt lành của Ngài!  Giờ đây, sau bao trận chiến, con không tìm thấy gì ngoài sự phù phiếm và hư đốn.  Con bối rối, đau đớn chống lại ước muốn nên thánh của con.  Nó khóc nức nở vì sự hư hỏng của con, và nó sẽ chỉ tựa nương vào lòng thuần tuý xót thương của Chúa, điều mà Ngài đã hứa với tất cả tội nhân ăn năn mà con là một trong số đó!” – Nhật ký của một tu sĩ.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chỉ tựa nương vào lòng thuần tuý xót thương của Chúa.”  Đó cũng là những gì Tin Mừng hôm nay ghi lại trước cửa thành Nain.  Một nhóm người đi ra, hộ tống cái chết, theo sau là một người mẹ; một nhóm người đi vào, hộ tống sự sống, dẫn đầu là Chúa Giêsu.

Họ gặp nhau, Chúa Giêsu nói với cô, “Đừng khóc nữa!” và sờ vào quan tài, Ngài bảo, “Hãy trỗi dậy!”  Người chết ngồi lên, Ngài trao anh cho người mẹ.  Mới hôm qua, Ngài ghi nhận đức tin phi thường của viên đại đội trưởng khi ông xin chữa cho người đầy tớ từ xa; Phúc Âm hôm nay không nói gì đến đức tin của bất cứ ai; không ai yêu cầu, không ai sụp lạy Ngài!  Chúa Giêsu chỉ thấy một góa phụ đi bên thi hài đứa con duy nhất của cô khi nó được mang đi chôn, và Ngài xót thương, như người Samaritanô xót thương nạn nhân sóng soài bên đường; như người cha xót thương đứa con hoang đàng trở về.  Không cần làm bất cứ điều gì, không cần nói bất cứ lời nào, Ngài hành động vì ‘thuần tuý xót thương,’ trao anh ấy cho góa phụ để cô không còn cô đơn trên thế giới này.

Tin Mừng muốn nói, sáng kiến ‘thuần tuý xót thương’ của Chúa đối với con người không phụ thuộc vào mức độ đức tin nhất định của ai.  Ngài đến với chúng ta như chúng ta vốn có, và nhu cầu của chúng ta càng lớn thì việc đến của Ngài càng mạnh mẽ.  Chúa ban ân sủng bằng sự hiện diện của Ngài.  Được ân sủng một cách bất ngờ và không đáng có, chúng ta không thể không đáp lại nó theo cách đám đông đã làm, là ca ngợi về món quà cứu độ của Ngài!  Luca ghi nhận, “Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa!’”

Anh Chị em,

“Đừng khóc nữa!”; “Hãy trỗi dậy!” Khi nói “Đừng khóc nữa!” Chúa Giêsu cho thấy, người mẹ ấy hẳn đã bước vào trái tim thương xót của Ngài.  Ngài đến gần, gặp gỡ từng người, mang theo và đưa ra lời an ủi mạnh mẽ.  Và tuyệt vời hơn, Ngài còn nói, “Hãy trỗi dậy!”  Ngài muốn chúng ta đứng thẳng.  Thiên Chúa tạo dựng chúng ta để đứng thẳng.  Vì lý do đó, lòng thương xót Chúa dẫn đến chữa lành, mà cụm từ chính là “Hãy chỗi dậy!” “Hãy đứng lên!” như “Chúa đã tạo ra bạn!”  Và dẫu có ngã xuống bao lần, điều quan trọng là luôn đứng lên.  Lời mạnh mẽ của Chúa Giêsu có thể làm cho chúng ta sống lại, cũng có thể mang đến cho chúng ta sức mạnh để vượt qua cái chết đến sự sống.  Lời Ngài làm cho sống, mang niềm hy vọng, làm tươi mới những tâm hồn mệt mỏi; mở ra một tầm nhìn mới về thế giới và sự sống vượt trên đau khổ và cái chết.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để ước muốn nên thánh của con khóc nức nở vì sự hư hỏng của con.  Cho con mạnh mẽ chỗi dậy sau mỗi lần sa ngã nhờ lòng Chúa xót thương!”  Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

BI THƯƠNG NHƯNG KHÔNG MẤT ĐƯỜNG HY VỌNG

Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi.  Ngẫm nghĩ đến việc mừng lễ Đức Mẹ sầu bi, dường như ta cảm thấy có cái gì đó kỳ kỳ, không ổn thì phải!  Đời thuở nhà ai lại đi ăn mừng lễ một người mẹ khi người mẹ đó gặp cảnh sâu thảm, bi thương vì phải chứng kiến cái chết của con mình bao giờ!  Ở trong nỗi khổ đau, sầu bi thì làm sao có cái gì để mà ăn mừng?

Thực ra, hôm nay mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Giáo hội nhắc nhớ cho chúng ta biết về giá trị của hạnh phúc, giá trị của niềm hy vọng trong chính nỗi khổ đau và chết chóc.  Ngay ở bài đọc 1 trích trong thư gửi tín hữu Do thái hôm nay, chúng ta được nhắc nhớ về niềm hy vọng trong đau thương, hoạn nạn.  Tác giả thư Do thái viết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết.  Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.”  Suy gẫm đoạn lời Chúa này, bấy lâu nay ta không khỏi thắc mắc: Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc xin Cha Ngài khỏi phải chết, và rõ ràng tác giả thư Do thái bảo rằng Ngài đã được nhậm lời!  Nhưng thực tế, Đức Giêsu vẫn phải chết tức tưởi trên thập giá!  Vậy nghĩa là sao?

Lời kêu xin của Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha chấp nhận ở chỗ: Thiên Chúa Cha đã cho Ngài được bình an đón nhận cái chết, và đón nhận cái chết với một niềm tin tưởng, hy vọng, chứ không thất vọng ê chề.  Trong đời sống thường ngày, chúng ta đã từng chứng kiến hoặc kinh nghiệm được rằng trước những tai ương, hoạn nạn, khổ đau, nhiều người chưa kịp chết về đàng thân xác, nhưng đã bị hoạn nạn, khổ đau giết chết về đàng tinh thần rồi!  Đối với Đức Giêsu thì khác, hoạn nạn, khổ đau có thể giết chết Ngài về đàng thân xác, nhưng tinh thần của Ngài không bao giờ bị vùi dập, bị giết chết.  Tâm hồn Ngài vẫn tràn trề niềm cậy trông và phó thác vào Cha Ngài.

Với Mẹ Maria cũng vậy, dù phải đứng dưới chân thập giá và phải chứng kiến cái chết thảm thương của con Mẹ là Đức Giêsu, nhưng lòng mẹ vẫn ngập tràn niềm tín thác vào quyền năng và tình thương của Đấng Tối Cao.  Về mặt xác thịt con người, chắc chắn lòng Mẹ không khỏi tan nát, buồn đau, nhưng trong lòng tin, Mẹ vẫn có được niềm hy vọng hướng về tương lai tươi sáng của sự phục sinh vinh hiển của con Mẹ.  Vì lẽ đó, hôm nay chúng ta mừng lễ với Mẹ: Vui mừng với Mẹ, vì khi gặp nỗi khổ đau tột cùng là phải chứng kiến cái chết thê thảm của con Mẹ, Mẹ vẫn không để nỗi khổ đau ấy bóp chết con tim yêu mến và ngập tràn hy vọng của Mẹ.

Sống ở đời này, ai trong chúng ta cũng phải kinh qua đau khổ.  Ta không đau khổ vì điều này thì sẽ đau khổ vì điều khác.  Đau khổ vì bệnh tật, vì nghèo đói, vì bất công, vì thiên tai, vì nhân tai.  Đau khổ vì bị tù đầy, bị kỳ thị, bị khinh khi, miệt thị.  Và đau khổ lớn nhất của thân phận nhân loại chúng ta đó là vì sự chết chóc đau thương.  Nhưng đứng trước mọi nỗi đau khổ, Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hãy đón Đức Mẹ về nhà mình, đón Mẹ về với tâm hồn mình để Mẹ dạy cho ta con đường tin yêu, hy vọng ngay trong nỗi đau khổ tột cùng.

“Này con, Đây là Mẹ con” – Lời của Chúa Giêsu đang ngỏ với bạn và tôi!  Bạn và tôi hôm nay được mời gọi đón Mẹ Maria về nhà mình ngõ hầu nhờ lời Mẹ cầu thay nguyện giúp, dù đau khổ, nhưng ta không để đau khổ giết chết ta về đàng tinh thần.  Nói cách khác, hoạn nạn, khổ đau có thể giày vò, giết chết thân xác ta, nhưng tâm hồn ta không thể bị vùi dập trong nỗi cô đơn, thất vọng.  Chính trong đau khổ và khi vượt qua được khổ đau với niềm tin yêu tín thác, ta sẽ cảm nếm được hết giá trị của hạnh phúc, của nụ cười sau cơn hoạn nạn, khổ đau.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT

VỊ THẨM PHÁN CHÍ CÔNG

Cuộc sống luôn đầy rẫy bất công.  Những người nghèo và thấp cổ bé miệng phải chịu nhiều oan ức, nhất là trong những chế độ chính trị hà khắc và độc tài.  Con người có xu hướng chịu đựng và buộc chấp nhận, như một thứ luật rừng trong xã hội: cá lớn nuốt cá bé.  Trước những bất công, nhiều khi người ta chỉ biết kêu trời.

Phải chăng lúc nào lý cũng thuộc về kẻ mạnh?  Phải chăng những người bé mọn luôn phải gánh chịu những thiệt thòi?  Lời Chúa hôm nay muốn khẳng định với chúng ta: Không phải như vậy.  Thiên Chúa là vị Thẩm phán chí công.  Người lắng nghe và bênh vực những người cô thế cô thân và những người bị gạt ra bên lề của cuộc sống.

Trong Bài Tin mừng, vị Thẩm phán được diễn tả như một vị vua và với cách gọi “tôn chủ,” thể hiện người đáng kính trọng và là một người liêm khiết.  Vị tôn chủ đã chạnh lòng thương trước lời van xin của người đầy tớ và sẵn sàng tha cho hắn món nợ rất lớn là mười ngàn yến vàng.  Chúng ta nhớ đến bài giảng của Chúa Giêsu về ngày tận thế (x. Mt 25,31-46).  Lúc đó, vị thẩm phán cũng được gọi là “Đức Vua” xét xử người lành cũng như kẻ dữ, tùy theo việc họ đã làm khi còn sống trên dương gian.  Trước đó, vị thẩm phán cũng được dùng với danh xưng “Con Người.”  “Con Người” hay “Con loài người” là danh xưng chính Chúa Giêsu đã dùng để chỉ bản thân Người.  Như thế, vị thẩm phán sẽ xét xử loài người là chính Chúa Giêsu, như chúng ta đọc trong kinh Tin kính: “Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.”

Hình ảnh vị tôn chủ trong Tin Mừng hôm nay cho thấy đó là vị Thẩm phán vừa công bằng vừa bao dung nhân hậu.  Vị thẩm phán ấy chạnh lòng thương trước nỗi khổ của con người và sẵn sàng tha thứ nếu người ấy khiêm tốn kêu xin.  Tuy vậy, ngài cũng nghiêm khắc với kẻ gian manh, chỉ biết khúm núm trước người chủ nợ, mà lại táng tận lương tâm đối với bạn hữu đang mắc nợ mình chỉ có một trăm quan tiền, trong khi món nợ mình được tha có giá trị gấp nhiều lần.

Nếu Thiên Chúa là vị Thẩm phán khoan dung nhân hậu, thì những ai tin vào Ngài cũng phải khoan dung nhân hậu như thế.  Những ai cố chấp, hận thù và ích kỷ không thể lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.  Người đầy tớ có trái tim chai đá trước lời van xin của tha nhân bị ông chủ kết án là đồ gian ác.  Hơn thế nữa, anh ta phải vào tù và phải trả món nợ trước đây ông chủ đã có ý tha, vì thấy anh ta đáng thương và vì lời van xin thống thiết.  Trong thực tế, con người dễ hạ mình trước mặt Thiên Chúa, nhưng lại xảo trá và mưu mô đối với đồng loại.  Lời kết câu chuyện của Chúa Giêsu cũng là tóm lược lời kinh Lạy Cha: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”  Đây cũng là nội dung của Bài trích sách Huấn Ca: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Bài đọc I).  Bao dung nhân hậu, tha thứ yêu thương.  Đó là cốt lõi của giáo huấn Kinh Thánh, nhất là trong giáo huấn của Chúa Giêsu.  Hãy tha thứ vì con người sống trên trần gian đều là bất toàn.  Khi tha thứ, ta mở cho người khác một con đường hướng tới tương lai.  Giáo huấn Kitô giáo còn khẳng định: khi tha thứ là ta được thứ tha; khi cho đi ta sẽ nhận lãnh.  Tha thứ sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, sự thanh thản và yêu đời.  Người Việt Nam chúng ta thường nói “đời có vay có trả,” “gieo nhân nào gặt quả nấy.”  Có người bức xúc vì thấy kẻ gian ác cứ sống nhơn nhơn, bất chấp đạo lý luân thường, ấy vậy mà họ vẫn giàu có hoặc may mắn.  Nếu họ chưa phải trả giá cho sự gian ác họ đã gây ra cho người khác, là vì chưa đến thời đến buổi đó thôi, vì “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát,” như cổ nhân đã dạy.

“Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?  Có phải đến bảy lần không?”  Ông Phêrô vừa đặt câu hỏi, vừa tự đưa ra câu trả lời.  Khi khẳng định tha thứ bảy lần, ông cũng cho mình là rất quảng đại, vì thói quen của người Do Thái thường tha cho một người xúc phạm mình hai lần (Theo Anselm Grün, một chuyên viên Kinh Thánh).  Số 7 cũng là con số hoàn thiện.  Câu trả lời của Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng, Phêrô cũng như những ai tin vào Chúa phải tha thứ vô biên, không giới hạn và lặp đi lặp lại nhiều lần tới mức không đếm xuể.  Chúa Giêsu so sánh chúng ta với người đầy tớ cứng lòng không tha cho bạn mình, trong khi Thiên Chúa là Đấng bao dung.  Ngài đã tha hết mọi nợ nần cho chúng ta trong Con của Ngài.  Xin lưu ý chữ “đồng bạn” được sử dụng năm lần trong đoạn Tin Mừng này để chỉ mối tương quan giữa hai người cùng là con nợ.  “Đồng bạn” ở đây có nghĩa là tha nhân và là người cùng phục vụ một tôn chủ.

Trong hành trình cuộc đời, con người sống với và sống cho tha nhân.  Chỉ khi nào ý thức được điều này, chúng ta mới tìm được hạnh phúc.  Một cuộc sống biết chia sẻ cảm thông sẽ đong đầy niềm vui.  Cũng vậy, ý thức sống hay chết đều thuộc trọn về Chúa sẽ giúp chúng ta cảm nhận được tình thương của Ngài giữa những khó khăn trắc trở trong cuộc đời.  (Bài đọc II).  Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta về tâm tình phó thác.  Người cũng là mẫu mực cho chúng ta triết lý sống vì hạnh phúc của tha nhân.  Trên cây thập giá, Chúa đã xin ơn tha thứ cho những kẻ hành hạ mình.  Yêu thương và tha thứ, cầu nguyện cho kẻ thù, những đức tính này làm cho chúng ta nên giống Đức Giêsu Kitô.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THÁNH GIÁ

Thánh Giá là gì?

Tôi nhìn thấy thánh giá mỗi ngày.  Tôi nghe nói về thánh giá rất thường.  Thánh giá trên tháp chuông.  Thánh giá trên bàn thờ.  Thánh giá bán trong tiệm.  Thánh giá ngoài nghĩa trang.  Thánh giá trên tường đá.  Thánh giá trong nghệ thuật.  Thánh giá trong thi ca.  Thánh giá ở khắp nơi.  Nhưng thánh giá là gì?  Ðể tìm câu trả lời không phải là vấn đề đơn giản.  Có nhiều ýnghĩ khác nhau về thánh giá.  Tùy theo mỗi người mà thánh giá có giá trị khác biệt.

* * *

Thánh giá bằng vàng thì giá trị hơn bằng gỗ.  Thánh giá vàng cũng tùy theo to nhỏ mà giá đắt hay rẻ.  Người mua trả giá để được bớt.  Người bán thì lại mong giá cao.  Người có tiền thì mua thánh giá vàng tốt.  Kẻ ít tiền thì mua vàng dở.  Họ lừa nhau, không cẩn thận thì mua phải thánh giá vàng giả.  Ai cũng muốn thánh giá vàng.  Họ vất vả, đam mê kiếm tiền để tích trữ loại thánh giá này.  Khi mất thì đau khổ tiếc xót.  Thánh giá là đơn vị kinh tế để ấn định tiền bạc.  Thánh giá xác định sự giàu có.

* * *

Thánh giá cũng được dùng để trang điểm.  Họ đeo từng chùm thánh giá trên vành tai, bên mái tóc nhuộm xanh, đỏ.  Người thích thì không sao, người không ưa thì lúc đó kẻ đeo thánh giá bị khinh bỉ.  Có người thích trang điểm bằng thánh giá trên giây chuyền vàng.  Họ đeo thánh giá ở dạ hội, ở tiệc cưới, ở các buổi tiếp tân.  Lúc đó, ý nghĩa của thánh giá để kéo kẻ khác chú ý đến mình.  Và cũng có những thánh giá trên vùng ngực hở hang.  Lúc ấy, thánh giá nằm trong duyên cớ của những rung cảm cám dỗ.  Người có thánh giá để trang điểm thì hãnh diện.  Kẻ không có thì thèm muốn.  Thánh giá lúc này là xúi đẩy của lòng tham.

* * *

Thánh giá ở ngoài nghĩa trang thì vắng lặng, ít ai nhìn.  Thánh giá bị mưa lạnh, bị nắng gay gắt.  Thánh giá vàng thì được săn sóc, giữ gìn cẩn thận.  Thánh giá ở ngoài nghĩa trang có thể gẫy đổ từ lâu nhưng chẳng ai để ý.  Nhưng nếu Chúa ở trên thánh giá đó thì được tự do ngắm mây trời.  Có cái hoang lạnh của buổi chiều mưa phùn, nhưng cũng có thể có tiếng hót của một cánh chim nào đó dừng chân hát vui.  Có thể là sương rơi, là gió bão, nhưng Chúa không ngột ngạt vì hương phấn như những thánh giá vàng trên ngực, trên cổ của con người.  Thánh giá ngoài nghĩa trang thì không được săn sóc, nhưng Chúa có tự do để thảnh thơi nhìn hoa nở, nhìn nắng bay.  Thánh giá trên giây chuyền để trang điểm thì Chúa bị người ta nhìn, và nhiều khi nhìn bằng những ánh mắt thiếu trong sạch.

* * *

Cũng có nơi thánh giá được dùng để xuống đường.  Họ vác thánh giá không phải để lên đồi chịu đóng đinh, nhưng để đi biểu tình và đóng đinh kẻ khác.  Thánh giá với khẩu hiệu.  Thánh giá với những bàn tay nắm chặt hận thù.  Thánh giá đằng trước mũi súng.  Thánh giá để đánh nhau.  Thánh giá bây giờ là phương tiện tranh đấu.  Nếu Chúa nằm trên thánh giá đó chắc Chúa sợ lắm.  Suốt cuộc đời, Ngài chỉ dậy các môn đệ của Ngài cách chết chứ chẳng bao giờ dậy cách chiến đấu.

Các nhà lãnh tụ thì dậy kẻ theo họ chiến thuật tranh giành ảnh hưởng.  Họ phải biết làm sao để áp đặt kẻ thù.  Họ phải học cách tiêu diệt đối phương.  Thày Giêsu chỉ dậy môn sinh của mình phải chuẩn bị chết (Mt 21,12-13).  Vì thế, khi thánh giá bị vác xuống đường biểu tình, chắc hẳn Chúa phải luống cuống lắm vì Ngài nào có biết gì.

* * *

Có thánh giá trên lầu chuông gỗ, có thánh giá trong bảo tàng viện.  Thánh giá trên lầu chuông thì có khi phủ bụi mờ, mạng nhện che kín.  Thánh giá không có người săn sóc, nhưng chiều chiều có tiếng chuông phổ nhạc.  Sáng sáng có lời chuông đưa kinh.  Con người bỏ Chúa phủ bụi nhưng có đàn bồ câu bay về, đậu xuống chuyện trò.  Thánh giá trong bảo tàng viện là thánh giá qúy.  Họ canh giữ cẩn thận.  Nhưng khi được con người canh giữ cẩn thận thì Chúa trên thánh giá đó có nhiều lo âu.  Người ta rình mò ăn cắp.  Thánh giá bị đặt trong lồng kính.  Nếu Chúa ở đó chắc ngột ngạt vì bị giam hãm.  Ngày ngày, hàng ngàn con mắt đi qua dòm ngó.  Nếu Chúa ở đó chắc Chúa bối rối lắm.  Chúa trên thánh giá gỗ xấu xí thì lại được tự do.  Chúa trên thánh giá mà được loài người giữ gìn quý hóa lại là một cõi tù đầy.

* * *

Người Kitô hữu nhận thánh giá để phân biệt mình khỏi tôn giáo khác.  Giữa những người Kitô hữu, tu sĩ lại đeo thánh giá để phân biệt họ không là giáo dân.  Giữa tu sĩ, thánh giá cũng được để phân biệt trên nhẫn bạc, trên gậy cầm để nói ai là thầy thượng phẩm chức vị, ai là tu sĩ thường.  Như vậy, thánh giá cũng được dùng để là dấu hiệu phân biệt.  Những ngày còn sống, Chúa lao tác mệt nhọc, nhưng không phải để xây đền thờ.  Chúa vất vả đi mòn lối trên bụi đường Galilêa nhưng không phải để may cờ, dán bích chương hầu loan báo một tôn giáo mới.  Chúa xây dựng Nước Thiên Chúa trong tim con người.  “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các con là môn đệ Ta: ấy là các ngươi có lòng thương mến lẫn nhau” (Yoan 13,35).  Tình yêu vô hình, không nhìn thấy thì Chúa lại bảo lấy làm dấu hiệu cho người ta nhìn.  Còn thánh giá hữu hình, ai cũng nhìn được thì Chúa lại chẳng chọn làm dấu hiệu.

Trên đường từ Jerusalem lên núi sọ có rất nhiều người nhìn Chúa vác thánh giá.  Có nhiều kẻ đã được thừa hưởng ân huệ của Ngài, được Ngài chữa bệnh, được Ngài nuôi ăn nhưng họ không vác thánh giá đỡ Ngài.  Không một môn đệ nào ghé vai gánh cho Thầy mình đỡ mỏi.  Chúa đã nhiều lần qụy ngã vì yếu sức.  Kẻ vác thánh giá đỡ Ngài là Simon, người xứ Kyrene (Lc 23,26).  Phúc Âm không hề nói là ông Simon đã được thừa hưởng đặc ân gì của Chúa cả.  Và có thể ông ta là một người ngoại giáo.  Ðời là vậy, có nhiều kẻ theo Chúa nhưng để Chúa vác thánh giá một mình.  Có kẻ trên danh nghĩa không là người theo Chúa nhưng lại nhờ họ mà Chúa đỡ khổ.

* * *

Thánh giá là gì?

Có quá nhiều loại thánh giá:

– Thánh giá để trang điểm.  Ðiều đó đúng.
– Thánh giá là đơn vị kinh tế tính bằng tiền bạc.  Ðiều đó đúng.
– Thánh giá là phương tiện tranh đấu.
– Thánh giá có thể làm duyên cớ cho lòng thèm muốn tham lam.
– Thánh giá có thể để lôi cuốn, quyến rũ người khác.
– Thánh giá có thể bị quên lãng ngoài cánh đồng.
– Thánh giá cũng được gìn giữ cẩn thận trong tủ sắt khóa kín.
– Thánh giá để phân biệt chức vị trong xã hội.

Một câu hỏi mà có quá nhiều câu trả lời đúng thì câu trả lời thường là sai.  Vì câu trả lời đúng nhất chỉ có một.  Không bao giờ có hai cái đẹp nhất cũng như chẳng bao giờ có hai điều đúng nhất.

Người ta không thể tranh luận về thánh giá.  Kẻ dùng thánh giá làm phương tiện tranh đấu thì không thể chấp nhận thánh giá là để đóng đinh mình.  Kẻ muốn lấy thánh giá để làm dáng thì đối với họ thánh giá chỉ có nghĩa khi dùng để trang điểm.  Ai chọn thánh giá để phân biệt mình với kẻ khác tôn giáo thì thánh giá mang mầu sắc một ký hiệu.  Mỗi người nhìn thánh giá một cách khác nhau.  Giá trị của thánh giá tùy thuộc cái nhìn của họ.

* * *

Ðức Kitô nói về thánh giá như sau: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá của mình mỗi ngày mà theo Ta” (Lc 9,23).  Vác thánh giá để đi theo một người chứ không phải để thỏa mãn tò mò về một người.  Như thế thánh giá không phải là một định nghĩa để hiểu biết bằng trí tuệ mà phải hiểu bằng lối sống.  Bởi đó, kẻ không theo Ngài thì sự hiểu biết tri thức về thánh giá chẳng có ý nghĩa gì.  Kẻ đã theo Ngài thì không cần tìm định nghĩa cho thánh giá.  Vì đã theo Ngài thì biết thánh giá là gì rồi.  “Về phần tôi, ước chi tôi đừng có vinh quang nơi một điều gì, trừ phi nơi thập giá của Chúa chúng ta” (Gal 6,14).

Tôi nói với người ta về thánh giá.  Tôi cũng nghe kẻ khác nói với tôi về thánh giá.  Tôi nhìn thánh giá mỗi ngày mà tôi đâu thấy vinh quang.  Cuộc sống vẫn đầy rẫy trầm luân của nó.  Như vậy thánh giá nào mới cho tôi hy vọng?

Giữa bao nhiêu lọai thập giá, thánh Phaolô chọn có một.  Ðó là thập giá của Chúa chúng ta.

Như thế, không phải thập giá nào cũng có vinh quang.  Ðiều ấy cũng hàm ý là có nhiều thánh giá giả.  Nếu phân biệt được thánh giá thật giữa thánh giá giả thì người ta sẽ hiểu được vấn đề sau đây.

Vấn đề là người ta phàn nàn về thánh giá.  Khi gặp điều bất hạnh, người ta hay nói: Ðời tôi khổ quá! Chúa gửi thánh giá cho tôi!

Phúc Âm kể rằng Chúa bị điệu ra công trường, bị nhổ vào mặt, bị xỉ nhục, bị tát, bị đội vòng gai, bị cười.  Người ta làm thập giá, bắt Ngài vác đi rồi đóng đinh Ngài trên thập giá đó (Mc 15,16-20; Mt 27,27-31; Yn 19,1-3).  Như thế, thập giá trong ý nghĩa bất hạnh là sản phẩm của con người.  Con người đã có sáng kiến chế ra thập giá để đóng đinh Chúa.  Nếu thập giá là sản phẩm của con người thì phải nói con người đã gởi thập giá cho Chúa, chứ Chúa làm gì có thập giá mà gởi cho con người?

LM Nguyễn Tầm Thường S.J trích trong “Nước Mắt và Hạnh Phúc”

SINH NHẬT ĐỨC MARIA

Hôm nay chúng ta mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ.  Giáo Hội cho chúng ta đọc lại những trang đầu của Tin Mừng Thánh Matthêô.  Qua những trang Tin Mừng đặc biệt này chúng ta có dịp suy niệm về Ơn gọi Thiên Chúa dành cho Đức Maria Mẹ của chúng ta.

Thánh Sử Matthêô đã mở đầu chứng từ về Đức Giêsu Con Thiên Chúa với những lời sau đây: gia phả đức Giêsu Kitô, Con Vua Đavit, Con của Abraham…” (Mt l.l).

Đây là những lời loan báo về lòng từ bi Chúa đang và sẽ trải dài từ đời này sang đời khác, “vì lòng từ bi của Ngài tồn tại muôn đời” (Cf Tv 100,5; l36).

Đọc lại đoạn Tin Mừng này hôm nay chúng ta thấy việc Chúa gọi Đức Maria để cộng tác vào chương trình cứu độ của Người thật là một mầu nhiệm.  Mầu nhiệm này đã khởi sự và trải dài qua suốt dòng lịch sử của loài người.

1. Mầu nhiệm của tiếng Chúa gọi

Vâng điều đầu tiên chúng ta gặp khi đọc bản văn này là mầu nhiệm tiếng Chúa gọi.  Sự chọn lựa của Thiên Chúa có tính cách nhưng không và đầy tình thương, không thể hiểu được theo những lý luận của lý trí, và nhiều khi còn là điều gây gương mù nữa.

Chẳng hạn, trong sách gia phả Đức Giêsu Kitô, chúng ta thấy Abraham thay vì chọn trưởng tử Ismael, con của bà Aggar, thì lại chọn Isaac, con của lời hứa, con của bà Sa-ra, vợ của ông.  Rồi, đến lượt Isaac muốn chúc lành cho trưởng nam Esau, nhưng rốt cuộc lại chúc lành cho Gia-cóp, theo một ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Gia-cóp cũng không trực tiếp thông truyền sự nối dõi giòng giống dẫn tới Đấng Messia.  Ông đã không chọn Ruben, con trưởng, hoặc chọn Giuse, người được ông yêu thương nhất, người giỏi giang hơn tất cả các anh em, người đã tha thứ cho anh em mình và cứu họ thoát khỏi nạn đói ở Ai Cập.  Nhưng lại chọn Giuđa, người con thứ tư, người đã cùng với các anh em khác chịu trách nhiệm về việc bán Giuse cho các lái buôn để họ đưa cậu sang Ai Cập.

Nếu việc Thiên Chúa chọn lựa các tiền nhân của Đấng Messia là một mầu nhiệm làm cho chúng ta chú ý thì việc Chúa chọn Đức Maria để cộng tác với Người lại càng làm cho chúng ta ngạc nhiên hơn.  Để chuẩn bị cho Con của Người  nhập thể, Thiên Chúa đã không chọn những bậc cung vương quyền thế, đã không chọn những con người giỏi giang xuất chúng…. nhưng  Người  đã chọn một cô thôn nữ bình thường, một người con gái sống ở một nơi chẳng ai màng tới, một thiếu nữ nhà quê nghèo nàn lạc hậu.  Vâng đó là công việc của Chúa.

Xét như vậy thì chúng ta thấy chẳng ai trên trần gian này xứng đáng để được Thiên Chúa chọn, chẳng ai được chọn vì công trạng của mình, nhưng chỉ vì lòng từ bi của Chúa.  Chúng ta hãy nghe lại lời của tiên tri Giêrêmia như một kinh nghiệm: Chúa đã nói: “Ta đã yêu thương con bằng tình yêu đời đời” (Ger 3,1,3).  Hay như lời tiên tri Isaia “Từ lòng mẹ, Chúa đã gọi tôi” (Is 49,1).  Như vậy điều làm cho một thụ tạo hãnh diện, đó là ý thức mình được gọi và được chọn vì tình thương.

2. Mầu nhiệm của tội lỗi và ân sủng

Rồi nếu chúng ta đi xa hơn một chút nữa: khi xét tên của các Vua ở trong sách gia phả Đức Giêsu, chúng ta lại có thể nhận ra rằng chỉ có hai vị là trung thành với Thiên Chúa, đó là Ezechiel và Geroboam.  Những vua khác đều là những kẻ thờ thần tượng, vô luân, sát nhân…  Cả trong thời kỳ sau cuộc lưu đày, trong số các vua được kể tên, chúng ta chỉ thấy có hai người còn trung thành với Chúa, đó là Salathiel và Zorobabel.  Những vua khác đều là những kẻ tội lỗi hoặc không được biết đến.

Riêng đối với Đavid, người nổi danh nhất trong các vua vì từ dòng dõi này Đấng Messia đã được sinh ra thì sự thánh thiện và tội lỗi xen lẫn nhau: Ngài đã công khai xưng thú các tội ngoại tình và sát nhân trong các Thánh Vịnh do Ngài viết.  Hẳn anh chị em đã có lần nghe những lời được viết trong nước mắt và cay đắng trong Thánh Vịnh 50, một Thánh vịnh đã trở thành kinh nguyện thống hối thường được dùng trong phụng vụ của Giáo Hội.

Cả những phụ nữ, những người mà Mathêu nêu tên trong đầu sách Tin Mừng của ngài như những người mẹ thông truyền sự sống, từ cung lòng phúc lành của Thiên Chúa, cũng gợi lên nơi chúng ta một sự xúc động.

Tất cả họ đều là những phụ nữ ở trong những hoàn cảnh bất hợp lệ: Tamar là một phụ nữ tội lỗi, Racab là một gái mãi dâm, Rut là một người ngoại bang và về người phụ nữ thứ tư, người ta không dám nêu danh, và chỉ nói “đó là vợ của ông Uria.”  Người đàn bà đó chính là bà Betsabea mà vua Đavit đã ngoại tình.

Tuy nhiên, từ dòng lịch sử tràn đầy tội lỗi và tội ác này đã phát sinh ra một nguồn nước trong, và khi càng đến thời gian của Chúa thì giòng nước ấy càng trở nên sung mãn.  Đến Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và đến Chúa Giêsu, Đấng Messia thì  tất cả đã trở nên kỳ diệu đến lạ lùng.

Như vậy danh sách những người tội lỗi mà Mathêu nêu rõ trong gia phả của Chúa Giêsu không được gây gương mù cho chúng ta.  Trái lại, gia phả ấy phải tuyên dương mầu nhiệm từ bi của Thiên Chúa.  Chúng ta thấy trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã chọn Phêrô, người đã chối Ngài, và chọn Phaolô, người đã bách hại Ngài.  Vậy mà các vị lại trở nên những cột trụ của Giáo Hội.  Chúng ta thấy ở thế gian này, khi một dân tộc viết lịch sử chính thức của mình, thì họ thường nói về những chiến thắng đã đạt được, những vị anh hùng nổi danh, hoặc sự cao cả của mình…  Còn đối lịch sử ơn Cứu độ thì đây quả là một trường hợp duy nhất, thật đáng ngưỡng mộ, khi thấy một dân tộc không hề muốn dấu diếm những tội lỗi của tiền nhân trong lịch sự chính thức của mình.

Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa về những công trình kỳ diệu Chúa đã thực hiện giữa chúng ta đặc biệt qua việc tuyển chọn một người phụ nữ ở giữa loài người chúng ta để Người  trở thành Mẹ của Thiên Chúa và Mẹ của cả loài người.

Với biến cố nhập thể, qua Đức Maria, Thiên Chúa đã làm cho Nước của Người hiện diện giữa chúng ta.  Và như Đức Giêsu đã nói Nước ấy đang tăng trưởng từ từ, âm thầm, như một hạt cải…  Giữa sự viên mãn của thời gian và tận thế, Giáo Hội đang hành trình như một Dân tộc hy vọng.  (HY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận)

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Ðức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Ðức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Ðức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Ðường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa

Nguồn: tgpsaigon.net