TRÁCH NHIỆM VỚI THA NHÂN

Con người không sống đơn lẻ trên đời, nhưng sống với, sống cùng, sống nhờ và sống cho người khác.  Khi ý thức được điều này, chúng ta sẽ nhận ra những giới hạn của bản thân, cùng với sự phụ thuộc của chúng ta vào người khác, đồng thời dễ dàng cảm thông với anh chị em, khi họ có điều không phải với chúng ta.  Cuộc sống “công nghiệp” trong xã hội chúng ta như một vòng xoáy, trong đó, mỗi người chỉ sống cho riêng mình, ít quan tâm đến người khác, kể cả những người ruột thịt trong gia đình.  Không ít những người già bị bỏ rơi, người bệnh tật bị quên lãng, và người nghèo phải chìm trong sầu khổ.  Những người này vừa thiếu thốn vật chất vừa thiếu thốn tình cảm.

Khi có trách nhiệm đối với tha nhân, chúng ta có thể giúp họ nên hoàn thiện.  Trên đời này, có ai sinh ra đã hoàn thiện bao giờ?  Tiến trình “thành nhân” là một chuỗi những cố gắng liên lỉ, kèm theo những hy sinh của bản thân, cùng với sự giúp đỡ đồng hành của người xung quanh.  Trong Cựu ước, Đức Chúa trao cho ngôn sứ Ê-dê-ki-en trách nhiệm phải góp ý sửa sai người khác.  Ông là một ngôn sứ sống ở miền Nam (Giu-đê-a) vào thế kỷ thứ VI.  Đối tượng mà ông được trao để sửa sai không chỉ là cá nhân, mà là cả một dân tộc.  Trách nhiệm này nặng lắm.  Nếu vị Ngôn sứ ngậm miệng làm thinh trước sự dữ, thì bao tai họa của dân chúng, một mình vị Ngôn sứ sẽ lãnh hết.  Nếu vị Ngôn sứ trung thành chuyển tải sứ điệp của Chúa, thì ông vô tội, dù người ta không lắng nghe và sửa mình.  Trong thực tế, nhiều khi ông Ê-dê-ki-en nói mà dân chúng đâu có chịu nghe.  Không những thế, có lần họ còn nổi xung và chống lại ông.  Theo truyền thống Do Thái, ông bị kết án tử hình bởi một vị thẩm phán đã từng bị ông khiển trách nặng nề.  Giống như Ê-dê-ki-en, ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng phải trải qua nhiều thử thách và bách hại như thế.  Dù khó khăn, Ê-dê-ki-en vẫn can đảm kiên trung.  Giữa một dân chúng đang hoang mang và lầm lạc, ông vẫn loan báo niềm hy vọng.  Ê-dê-ki-en là một trong bốn vị ngôn sứ mà truyền thống Thánh Kinh gọi là “những ngôn sứ lớn”: I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en.

Chính Đức Chúa đã gọi Ê-dê-ki-en là “người canh gác cho nhà Israel.”  Đây là lối nói tượng trưng.  Với vai trò “Người canh gác,” ông có trách nhiệm phát hiện, cảnh báo và bảo vệ dân Israel khỏi mọi thói tục ngoại lai, đồng thời trung thành với truyền thống của tiền nhân và tuân giữ Lề Luật.  Suốt cuộc đời, Ê-dê-ki-en đã trung thành với sứ mạng Chúa trao, bất chấp những gian nan khốn khổ.

Nội dung Tin Mừng Chúa nhật này như một tổng hợp ba giáo huấn của Chúa Giê-su.  Đó là việc sửa lỗi anh em, lòng quảng đại bao dung đối với mọi người, và tình liên đới hiệp thông trong lời cầu nguyện.  Cả ba giáo huấn này đều có chung một nội dung duy nhất: đó là bác ái.  Góp ý sửa lỗi anh chị em phải được thực hành trong sự bác ái trước hết, để vừa giúp người ấy nên hoàn thiện, vừa không mất đi một người bạn.  Theo văn mạch, ý tưởng “ràng buộc và tháo cởi” ở đây, khác với quyền “ràng buộc và tháo cởi” mà Chúa Giê-su trao cho ông Phê-rô, sau khi ông tuyên xưng đức tin (Mt 16,19), vì khi nói với Phê-rô cùng với việc trao chìa khoá, Chúa trao quyền bính cho ông Phê-rô và cho Giáo hội.  “Ràng buộc và tháo cởi” ở đây, hiểu một cách cụ thể, là cố chấp hay là tha thứ.  Điều này được soi sáng bởi lời kết thúc dụ ngôn liền sau đó về người mắc nợ không biết thương xót: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).  Ý tưởng này cũng là âm hưởng của kinh Lạy Cha: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12).  Giáo huấn thứ ba trong bài Tin Mừng, đó là tình hiệp thông giữa những người tin Chúa.  Hiệp thông vừa là cùng nhau hướng về Chúa để thực thi lời Ngài dạy, vừa là thể hiện tình mến đối với nhau để cùng nhau thực hiện tình mến đối với những người khác.  Hình ảnh hai hay ba người họp nhau cầu nguyện, chính là bằng chứng nói lên sự tâm đầu ý hợp giữa họ.  Lời cầu nguyện xuất phát từ con tim yêu thương và lòng mến chân thành sẽ được Chúa Cha nhận lời.  Chúa Giê-su hứa ngự giữa những người đang cầu nguyện, dù họ ở bất cứ nơi nào và trong bối cảnh nào.  Lời dạy của Chúa giúp chúng ta cảm nhận được tính thiêng liêng của lời cầu nguyện.  Chúa Giê-su hiện diện giữa chúng ta và như thế, mà lời cầu nguyện của chúng ta có hiệu lực mạnh mẽ.  Nhờ Chúa Giê-su hiện diện và cùng cầu nguyện với chúng ta mà lời cầu nguyện ấy được đẹp lòng Chúa Cha và được Chúa Cha nhận lời.

Đức bác ái cũng là lời khuyên của thánh Phao-lô gửi cho tín hữu Rô-ma (Bài đọc II).  “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái, vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật.”  Điều này cho thấy tình yêu thương có sức mạnh kỳ diệu và có giá trị thay thế Lề Luật.  Nói các khác, tất cả Lề Luật đều quy về tình yêu thương, nên khi ta yêu thương, thì chính là ta đang giữ Lề Luật một cách trọn vẹn.  Chúng ta hãy nghe thánh Augustino viết về sức mạnh kỳ diệu của tình yêu“Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo.  Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu thốn.  Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân.”  Sống bác ái, đó là sống có trách nhiệm đối với tha nhân.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

BÀI PHÁT BIỂU CHẤN ĐỘNG THẾ GIỚI CỦA MẸ TERESA

Bài phát biểu nổi tiếng của Mẹ Teresa kêu gọi tình yêu thương, chia sẻ giữa con người với con người, dẫu cho sự sẻ chia đó có gây tổn hại đến lợi ích của cá nhân.

Đứng giữa nước Mỹ, phía dưới là 3.000 khán giả, trong đó có gia đình Tổng thống Mỹ Bill Clinton, các đại biểu quốc hội Mỹ và các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, Mẹ Teresa kêu gọi mỗi con người đều nên “cho đi”, đặc biệt là với những người yếu thế, bắt đầu từ ngay trong chính gia đình mình.

Dưới đây là trích đăng bài phát biểu của Mẹ Teresa vào ngày 3/2/1994 tại Lễ Điểm tâm cầu nguyện toàn quốc (National Prayer Breakfast) diễn ra ở Washington DC.

Những người nghèo về vật chất vẫn có thể là những người rất tuyệt vời.  Một buổi tối, chúng tôi đi ra ngoài và đón 4 người trên đường phố về nhà.  Một trong số họ đang trong tình trạng khủng khiếp nhất.  Tôi đã nói với các nữ tu: “Các chị em hãy chăm sóc 3 người kia, tôi sẽ chăm sóc người này.  Tôi đã chăm sóc cô ấy bằng tất cả tình yêu của tôi . Tôi đặt cô ấy lên giường, và tôi thấy một nụ cười rất đẹp xuất hiện trên khuôn mặt của cô ấy.

Cô ấy nắm lấy tay tôi và nói một từ duy nhất: “Cảm ơn” rồi cô ấy chết.

Tôi không thể không xem lại lương tâm của mình trước cô ấy.  Tôi tự hỏi: “Mình sẽ nói gì nếu ở vị trí của cô ấy?”  Và câu trả lời của tôi rất đơn giản.  Tôi sẽ cố gắng thu hút sự chú ý đến chính bản thân tôi.  Tôi sẽ nói: “Tôi đang đói, tôi đang hấp hối, tôi lạnh, tôi đau đớn,” hoặc một cái gì đó tương tự.  Nhưng cô ấy đã cho tôi nhiều hơn thế – cô ấy đã cho tôi thấy sự biết ơn của cô ấy.  Và cô đã chết với một nụ cười trên khuôn mặt.

Sau đó, chúng tôi đón về một người đàn ông sống trong ống cống.  Anh ta bị sâu bọ ăn mòn da thịt đến một nửa.  Khi được chúng tôi đưa về nhà, anh ấy chỉ nói: “Tôi đã sống như một con vật trên đường phố, nhưng tôi sắp chết như một thiên thần, được yêu thương và chăm sóc.

 Sau khi chúng tôi bắt sâu ra khỏi cơ thể của anh ta, tất cả những gì anh ta nói, với một nụ cười lớn, là: “Sơ ơi, tôi sẽ về nhà với Đức Chúa Trời” và anh ta chết.  Thật tuyệt vời khi nhìn thấy sự vĩ đại của người đàn ông đó – một người có thể nói như vậy mà không đổ lỗi cho bất cứ ai, cũng không so sánh với bất cứ điều gì.  Như một thiên thần – những người giàu có về mặt tinh thần có thể vĩ đại ngay cả khi họ nghèo về vật chất.

Có quá nhiều hận thù, quá nhiều đau khổ và bằng lời cầu nguyện của mình, với đức hy sinh của mình, chúng ta hãy bắt đầu từ gia đình mình.

Tôi muốn các bạn hãy đi tìm những kẻ “nghèo khó” ngay tại nơi đây, ngay trong ngôi nhà của bạn.  Hãy trở thành “tin lành” với người thân của mình trước.  Và hãy tìm những người hàng xóm xung quanh.  Bạn có biết họ là ai không?

Tôi đã chứng kiến một câu chuyện tuyệt vời về tình yêu của những người hàng xóm với một gia đình Ấn Độ giáo.  Một người đàn ông đến nhà chúng tôi và nói: “Mẹ Teresa, có một gia đình đã không có gì ăn trong một thời gian dài.  Hãy làm điều gì đó.  Nghe thấy vậy, tôi đã mang một ít gạo đến đó ngay lập tức.  Tôi thấy những đứa trẻ – đôi mắt chúng sáng lên vì đói.  Tôi không biết các bạn đã bao giờ thấy người đói hay chưa.  Nhưng tôi thấy điều đó thường xuyên.  Người mẹ trong gia đình đã cầm lấy túi gạo và đi ra ngoài.  Khi cô ấy quay trở lại, tôi hỏi cô ấy: “Cô đã đi đâu vậy?  Cô đã làm gì?”  Cô ấy cho tôi một câu trả lời rất đơn giản: “Họ cũng đang đói.  Họ là ai?  Họ là một gia đình Hồi giáo mà cô ấy quen.  Tôi không mang thêm gạo đến vào tối hôm đó vì tôi muốn họ, những người Ấn giáo và Hồi giáo, cùng nhau tận hưởng niềm vui của sự sẻ chia.

Giống như ví dụ về gia đình này, Chúa sẽ không bao giờ quên chúng ta và luôn có điều gì đó mà bạn và tôi có thể làm được.  Chúng ta có thể giữ niềm vui về tình yêu của Chúa trong trái tim mình, và chia sẻ niềm vui đó với những người mà chúng ta gặp gỡ.

Chúng ta hãy đảm bảo một điều rằng – không có đứa trẻ nào không được cần đến, không được yêu thương, không được chăm sóc, hay bị giết chết và vứt bỏ.  Hãy cho đi với một nụ cười ngay cả khi phải chịu tổn hại.

Bởi vì tôi đã nói quá nhiều về việc cho đi với một nụ cười, tôi muốn kể một câu chuyện.  Có lần, một giáo sư từ Mỹ hỏi tôi: “Bà đã kết hôn chưa?”  Tôi đã trả lời: “Rồi, và tôi luôn nhận thấy đôi khi rất khó để cười với người đồng hành của mình, đó là Chúa Giê-su bởi vì đôi khi Ngài có yêu cầu rất cao.  Điều đó thực sự có chút gì đó đúng.

Một trong những yêu cầu cao nhất đối với tôi là đi khắp nơi và đứng trước công chúng.  Tôi đã nói với Chúa rằng nếu tôi không được lên thiên đường vì bất cứ lý do nào, tôi sẽ lên thiên đường nhờ tất cả những lần di chuyển và những lần xuất hiện trước công chúng, bởi vì điều đó đã thanh tẩy tôi, khiến tôi phải hy sinh và khiến tôi sẵn sàng lên thiên đường.

Nếu chúng ta nhớ rằng Chúa yêu thương chúng ta, và rằng chúng ta có thể yêu thương người khác như Ngài đã yêu chúng ta, thì nước Mỹ sẽ trở thành chỉ dấu cho hòa bình của thế giới.

Từ nơi đây, chỉ dấu của việc chăm sóc cho những người yếu thế nhất trong những người yếu thế – những đứa trẻ không được sinh ra – sẽ lan toả ra khắp thế giới.  Nếu các bạn là một ngọn lửa rực cháy cho công lý và hòa bình trên thế giới, thì các bạn sẽ làm đúng với những gì những người sáng lập đất nước này đã đấu tranh vì nó.  Chúa ban phước lành cho các bạn!

Mẹ Teresa, tới từ Calcutta
Ngày 3/2/1994
Nguyễn Thảo (Theo William J.Clinton Presidential Library)

ĐỨC TIN ĐẾN RỒI ĐI

Rumi, nhà thần nghiệm Sufi và thi sĩ người Ba Tư ở thế kỷ 13 từng nói đức tin chuyển động trong đời chúng ta: Chúng ta sống trong một bí mật thâm sâu mà đôi khi chúng ta biết, rồi không biết, rồi lại biết.

Nhà báo David Brooks cũng nói tương tự.  Trong quyển sách Ngọn núi thứ hai (The Second Mountain), ông chia sẻ về cách mình cố sống vừa đức tin Kitô giáo vừa đức tin Do Thái giáo.  Ông cho biết gần như lúc nào cũng hiệu quả.  Xét cho cùng, Chúa Giêsu đã thử chuyện này rồi.  Tuy nhiên có một câu hỏi khó mà thỉnh thoảng ông bị đặt ra là: Ông có tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu, tin rằng thân thể Chúa Giêsu ba ngày sau khi chịu đóng đinh đã ra khỏi mồ không?  Ông đã trả lời: “Niềm tin đó đến rồi đi.  Kẻ đi giữa lằn ranh như tôi vẫn còn mạnh lắm.”

Nếu hầu hết chúng ta, những người nhận mình là tín hữu Kitô chân thành, thì tôi nghĩ chúng ta cũng sẽ trả lời như vậy cho câu hỏi thực tế về việc Chúa Giêsu phục sinh.  Chúng ta có tin chuyện đó đã thực sự xảy ra không?  Niềm tin đó đến rồi đi.  Có lẽ không phải về mặt tri thức, nhưng về mặt hiện sinh.

Tuyên xưng đức tin về mặt tri thức là một chuyện, nhưng tuyên xưng chuyện đó trong đời sống của mình lại là một chuyện khác.  Chính Chúa Giêsu đã đưa ra sự phân biệt này trong dụ ngôn về người cha có hai con trai và ông bảo chúng ra đồng làm việc.  Người con cả thưa vâng, nhưng không đi.  Người con thứ bảo không, nhưng cuối cùng lại đi.  Vậy, chính Chúa Giêsu hỏi, trong hai người, ai là đứa con đích thực?

Câu trả lời của Brooks bao gồm cả hai, kiểu một người đi giữa hai lằn ranh.  Sự thật, chúng ta là cả hai người con đó, nói có rồi lại nói không, rồi lại nói có lại.  John Shea, khi bình luận về sự thăng trầm của các môn đệ đầu tiên của Chúa và sự dao động của họ giữa nhiệt tâm theo Chúa và từ bỏ giấc mơ đức tin của mình, ông gọi đây là cuộc đấu tranh (đối với họ và với chúng ta) giữa lời mời gọi thần thánh và phản ứng của con người, giữa một quả quyết vô cùng và một dao động lớn lao.

Và không đâu cho chúng ta thấy rõ ràng hơn là cách chúng ta dao động giữa liệu mình có thật sự tin vào lời mời gọi trọng tâm của Kitô giáo dành cho tất cả mọi người, cụ thể là chúng ta có xem trọng sự phục sinh của Chúa Giêsu đủ để thật sự tái định hình bản thân, tái định hình ý nghĩa cuộc đời, và biến đó thành một lăng kính để định hình cách chúng ta sống hay không?  Liệu chúng ta có tin đủ mạnh vào sự phục sinh của Chúa Giêsu để đưa ra những quyết định liều lĩnh triệt để và bất chấp thường thức trong đời mình không?  Nếu chúng ta thật sự tin Chúa Giêsu đã phục sinh, thì nó phải tái định hình đời sống chúng ta.

Tôi chắc chắn rằng, hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu nói trứ danh của thánh Julian thành Norwich.  Khi suy ngẫm về ý nghĩa của sự phục sinh của Chúa Giêsu, ngài nói, nếu đúng là thế, nếu Chúa Giêsu thật sự sống lại từ cõi chết, nếu Thiên Chúa thật sự cho một người chết từ mồ trỗi dậy, vậy thì chúng ta có sự bảo đảm tuyệt đối (và đi kèm là sự tự tin) để tin rằng “Cuối cùng, tất cả sẽ tốt đẹp, và tất cả sẽ tốt đẹp, mọi sinh linh sẽ tốt đẹp.”

Phương trình của ngài đúng, nếu sự phục sinh thật sự đã xảy ra, thì những chuyện tiếp theo, cái kết cho câu chuyện đời chúng ta và thế giới đã được viết sẵn rồi, và chúng ta được bảo đảm tuyệt đối rằng đó là một cái kết có hậu.

Nhưng chúng ta có tin như vậy không?  Với đa số chúng ta, nếu thành thật như David Brooks, thì câu trả lời hiện sinh của chúng ta cũng sẽ như ông: niềm tin đó đến rồi đi.  Cứ cho là thừa nhận như vậy là khiêm nhượng, nhưng sự thừa nhận đó có thể giải thoát chúng ta khỏi sự trốn tránh, giúp chúng ta hiểu hơn về động lực của đức tin, và hướng chúng ta đến nơi chúng ta cần đến trong hành trình hoán cải tiếp diễn.

Có lần ở một hội nghị tôn giáo nọ, tôi nghe câu này từ một diễn giả chính, một phụ nữ như Dorothy Day, đã làm việc với người nghèo trên đường phố nhiều năm.  Cụ thể bà nói: “Tôi là tín hữu Kitô và tôi làm việc trên đường phố với người nghèo.  Xét cho cùng, Chúa Giêsu là lý do để tôi làm việc này.  Nhưng tôi có thể làm việc trên đường phố nhiều năm mà không nhắc đến danh Chúa Kitô vì tôi tin rằng Thiên Chúa đủ trưởng thành để không đòi hỏi phải luôn mãi là trọng tâm sự chú tâm có ý thức của chúng ta.”  Bạn có thể hình dung nhận định này gặp phải nhiều phản ứng trái chiều.

Nhưng xét cho cùng, bà nói đúng, và điều mà bà chia sẻ không phải là kiểu hàng hai không lành mạnh, cũng không phải kiểu trải nghiệm của Brooks và Rumi về cách đức tin chuyển động trong đời sống hiện sinh.  Niềm tin đó đến rồi đi.  Điều mà bà chia sẻ có thể giúp chúng ta giải thoát khỏi mặc cảm tội lỗi sai lầm mà chúng ta cảm nhận khi đức tin dường như phải ra đi, và chúng ta cảm thấy hiện thực trần gian của đời mình quá hữu hình và hiện sinh đến nỗi trong khoảnh khắc đó dường như chúng ta không biết bí mật của đức tin, và có vẻ dao động trước một bảo đảm vô cùng.  Niềm tin đó đến rồi đi.  Quả vậy.  Chúng ta sống trong một bí mật thâm sâu mà đôi khi chúng ta biết, rồi không biết, rồi lại biết.

Rev. Ron Rolheiser, OMI