CHỌN PHẦN TỐT NHẤT

Status

Đức Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận bị chính quyền cộng sản bắt khi ngài đang tiến hành những công việc của Giáo phận như mở Đại Chủng viện, các Dòng tu, các khoá huấn luyện…  Ai sẽ là người kế nhiệm để lo những công việc mục vụ quan trọng này?  Ở trong tù, ngài lo lắng và ưu tư từ ngày này qua ngày khác.  Rồi đến một ngày, ngài nhận ra rằng: “Tất cả những gì tôi đang lo lắng là việc của Chúa.  Còn lúc này đây, Chúa muốn cho tôi tìm chính ý Chúa.  Tôi đang làm việc cho Chúa thì tại sao lại lo lắng những công việc của Chúa.  Nếu đã đạt được ý Chúa thì công việc của Chúa khắc có người lo.”  Và từ lúc ấy, ngài tìm được bình an.  Ngài chỉ tìm ý Chúa, còn công việc của Chúa thì người này lo, người khác lo và Chúa quan phòng luôn tiếp tục.  Ngài nhận định: “Không phải Maria ngồi yên dưới chân Chúa vì làm biếng.  Phúc Âm không phong thánh cho người làm biếng.  Maria chọn phần tốt nhất: nghe Chúa nói, để Lời Chúa thấm tận tâm can, lay chuyển mình, làm việc trong mình.  Có gì hoạt động bằng sự lột xác, sự biến đổi ấy?” (ĐHV 147).

Tin mừng hôm nay kể chuyện hai chị em Matta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu, mỗi người mỗi cách.

Maria ngồi bên chân Chúa với tâm thế lắng nghe.  Cô không làm gì, không nói gì, chỉ ngồi nghe.  Cô đón tiếp Chúa Giêsu với một phong cách tốt nhất.

Matta lo việc bếp núc, phục vụ ăn uống.  Có lẽ Matta ganh tị với em nên khiếu nại với Chúa: “Thưa Thầy, em con để một mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao?  Xin Thầy bảo nó giúp con một tay.  Matta trách em, nhưng cũng là một cách kể công và khoe mình quan trọng và có thể coi đó như một lời trách khéo đối với Chúa Giêsu.

Nhưng Chúa nhẹ nhàng đáp lại: “Matta, Matta ơi, con lo lắng bận rộn nhiều chuyện quá!  Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.”  Chúa đã khen Maria biết chọn phần tốt nhất.  Chọn phần tốt nhất không phải là chọn làm nhiều, nhưng là biết nghe, hiểu và làm theo ý Chúa.  Việc lắng nghe để nhận ra thánh ý Chúa nhiều khi đòi hỏi người ta phải biết cầu nguyện, phải giữ một tâm hồn thanh tĩnh và phải biết tập trung cao độ để nhận ra được thánh ý Chúa.

Người ta thường giải thích câu nói của Chúa Giêsu như một sự đề cao chiêm niệm trên hoạt động.  Matta tiêu biểu cho đời sống hoạt động, lo lắng về những nhu cầu vật chất.  Maria tiêu biểu cho đời sống chiêm niệm, lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện.  Trên thiên đàng người ta chỉ còn chiêm ngắm Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc vĩnh cữu.  Như thế, Maria đã đạt tới cùng đích của đời sống Kitô hữu.  “Phần hơn” của cô là ở chỗ đó.  Có Chúa rồi, “chiếm hữu” được Chúa rồi thì còn gì hơn nữa!

Chúa Giêsu đón nhận sự phục vụ ân cần của Matta và đưa ra bậc thang giá trị, cần “chọn phần tốt nhất.  Chọn Lời Chúa và lắng nghe.  Đó chính là “phần tốt nhất” như lời Tv 119: “Lạy Chúa, con đã nói, phần của con là tuân giữ Lời Ngài.”  Lắng nghe Lời chính là xây dựng nhà mình trên đá (Lc 6, 47-49).  Lắng nghe Lời giúp tâm hồn trở thành mảnh đất trổ sinh hoa trái (Lc 8,4-15).  Hạnh phúc của Đức Maria là “lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,27-28).

Đối với Chúa Giêsu, cả hai cách phục vụ của Matta và Maria đều cần thiết và bổ túc cho nhau.  Ðiều Chúa muốn nhắc cho Matta là: việc cốt yếu đối với người môn đệ là “nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.  Nhiều lần, Chúa nói về điều cốt yếu ấy: “Phúc cho ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28); “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21; Mt 12, 46-50; Mc 3, 31-35).  Điều cốt yếu ở đây không phải là ưu tiên về thời gian (làm cái này trước rồi làm cái kia sau) hay số lượng (làm “việc Chúa” nhiều, làm “việc đời” ít)… nhưng ưu tiên về giá trị.  Khi làm việc gì, nếu mình tận tình làm việc cho đẹp lòng Chúa, như Chúa muốn, thì mình vẫn đang chọn phần tốt nhất như cô Maria bởi vì mình vẫn đang qui chiếu về Chúa, đang lắng nghe lời Chúa và thi hành thánh ý Chúa về đời mình.  Thánh Phaolô dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).

Hoạt động và cầu nguyện là nhịp sống đời Kitô hữu.  Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động và hoạt động là kết quả của cầu nguyện.  Cầu nguyện làm nền tảng cho mọi hoạt động.  Nhờ cầu nguyện nên việc phục vụ tha nhân được tốt hơn.  Mẹ Têrêxa Calcutta và các Nữ tu dù bận rộn công việc hằng ngày vẫn luôn dành thời giờ tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể.  Mẹ luôn là gương sáng cho các Nữ tu, cầu nguyện trước khi hoạt động.  Mỗi ngày dành một giờ chầu Mình Thánh Chúa, sau đó mới đến các nơi nghèo nàn ở Calcutta để chăm sóc những người nghèo khổ hoặc đi vào trong các căn nhà tồi tàn giúp những người hấp hối được chết lành.

Tham dự Thánh lễ chính là lúc chúng ta như Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu lắng nghe Lời Ngài.  Đến với Chúa, xin đừng dè sẻn cò kè thời giờ, đừng lật đật vội vã đến trễ về trước, xin đừng dự lễ kiểu “đạo gốc cây,” “đạo vòng vòng” ở ngoài sân nhà thờ.  Xin đừng đến với Chúa chỉ vì bắt buộc, miễn cưỡng, sợ tội.  Hãy đến với Chúa như một người con thảo, đến để gặp Chúa, lắng nghe Lời Chúa, đến là vì lòng yêu mến Chúa và muốn sống hiếu thảo với Ngài mà thôi.

Thánh lễ cũng chính là lúc Chúa đến thăm và ban ơn sủng cho chúng ta.  Hãy quý trọng sự hiện diện của Chúa.  Hãy tham dự tích cực, linh động, cầu nguyện sốt mến, thưa chuyện với Chúa.  Lời Chúa và Thánh Thể ban thêm cho chúng ta đức tin, tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ để chúng ta dấn thân phục vụ anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa.  Amen!

(Mana)
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

MÁU CÙNG NƯỚC CHẢY RA

Status

Hôm đó là ngày áp lễ, người Do thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn.  Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.  Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu.  Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người.  Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người.  Tức thì, máu cùng nước chảy ra.  Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.  Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.  Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.

Muốn nhìn thấy Trái Tim của Thiên Chúa, phải đến với Giêsu.  Muốn nhìn thấy Trái Tim của Giêsu, chúng ta có thể đứng từ nhiều vị trí.  Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu cúi xuống trên những bệnh nhân và tội nhân, trên người thu thuế và gái điếm, trên phụ nữ và trẻ em.  Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu nuôi dân ăn no, hay rửa chân cho các môn đệ.

Nhưng có một chỗ đứng đặc biệt để nhìn thấu Trái Tim của Giêsu, nhìn rõ Trái Tim đó vào lúc yêu bằng tình yêu lớn nhất, chỗ đó là Núi Sọ, lúc đó là buổi chiều thứ sáu, áp lễ Vượt Qua, khi đó Trái Tim ấy đã ngừng đập và bị đâm thâu.  Chỉ riêng Tin Mừng thứ tư kể lại chuyện Đức Giêsu bị đâm vào cạnh sườn, khi Ngài chịu đóng đinh trên thánh giá.  Có Mẹ của Ngài và người môn đệ Ngài thương mến đứng gần bên.  Chính người môn đệ này đã chứng kiến tận mắt và muốn làm chứng một cách nghiêm túc cho các môn đệ tương lai về điều đối với ông thật là quan trọng, để họ cũng tin như ông (c.35).

Câu chuyện xảy ra thật là đơn giản.  Người Do thái muốn hạ xác các người bị đóng đinh xuống, vì chiều thứ sáu là đã bắt đầu ngày sabát, cũng là ngày đầu tiên của tuần lễ Vượt Qua, một đại lễ trong năm.  Thấy Đức Giêsu chết rồi, lính đã không đánh giập ống chân nữa.  “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người.  Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (c. 34).

Làm sao máu có thể chảy ra khi tim đã ngừng bơm máu và xác đã chết?  Làm sao máu và nước có thể chảy ra một cách có vẻ biệt lập như vậy?  Nhiều nhà khoa học đã tìm cách giải thích hiện tượng này, và đối với họ điều này không phải là không có khả năng xảy ra, đối với một người mới chết, đang ở tư thế thẳng đứng.

Người môn đệ được Chúa mến thương đã chứng kiến cảnh tượng ấy, hẳn đã nhận ra và trân trọng ý nghĩa sâu xa của nó.  Giáo Hội vẫn coi các bí tích được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu.  Máu là máu của bí tích Thánh Thể, nước là nước của bí tích Thánh Tẩy.  Từ cạnh sườn Đức Giêsu chảy ra dòng nước mà Ngài đã hứa ban trước đây.  “Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 38-39).  Dòng nước ấy là Thần Khí Ngài ban khi gục đầu tắt thở (Ga 19, 30).

Chính vào giờ Đức Giêsu chịu treo, người ta giết chiên Vượt qua để mừng lễ.  Đức Giêsu mới là Chiên Vượt qua đích thực (Ga 1, 29. 36).  Ngài chết như con chiên hiền lành bị đem đi giết, như người Tôi Trung (Is 53, 7).  Ngài chết như con chiên Vượt qua không bị đánh giập cái xương nào (c. 36).

Lễ Thánh Tâm cũng là ngày thánh hóa các linh mục.  Chúng ta cầu cho các linh mục có trái tim của Thầy Giêsu, trái tim bị đâm thâu, nên đã mở ra để đón mọi người chẳng trừ ai, trái tim yêu đến cùng, yêu bằng tình yêu lớn nhất, yêu đến hiến mạng.

*****************************************

Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa, nên cũng thuộc trọn về con người.  Xin cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng, một trái tim đủ lớn để chứa được mọi người và từng người, nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.  Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện, có tình bạn thân thiết với Chúa để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.  Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện, có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho, tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.  Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục có trái tim của Chúa, say mê Thiên Chúa và say mê con người, hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật.  Amen!

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.