KHI THẾ GIỚI CHÚNG TA SỤP ĐỔ

Thời đương tuổi thanh niên và mới làm linh mục, tôi dạy thần học ở Trường Thần học Newman tại Edmonton, Canada.  Trẻ tuổi, đầy sinh lực, đam mê giảng dạy và đang khám phá niềm vui mục vụ.  Có thể nói thời gian đó là những năm tháng tươi đẹp của đời tôi.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng êm đềm.  Chúng ta ai cũng có lúc rơi vào khắc khoải và rối loạn nội tâm.  Những đòi hỏi của việc mục vụ, những căng thẳng trong cộng đoàn, những ám ảnh cố hữu của tôi, sự ra đi cũng khá thường xuyên của những người bạn thân thương trong cộng đoàn, sự thay đổi thường xuyên những người đi qua đời tôi, tất cả đã làm cho tôi thỉnh thoảng rơi vào rối loạn cảm xúc, khó thở, khó ngủ, không biết mình có tìm lại được tâm hồn như trước nữa không.

Nhưng may là tôi có một công thức nho nhỏ để giúp xử lý chuyện này.  Mỗi khi rối loạn tăng, tôi sẽ lên xe, lái bốn tiếng về nông trại gia đình ở Saskatchewan.  Gia đình tôi vẫn sống trong ngôi nhà tôi lớn lên từ nhỏ, và tôi có thể ngồi bên chiếc bàn thơ ấu, ngủ tại căn phòng thơ ấu và bước đi trên mảnh sân mà tôi đã chập chững đi.  Thường thì mái ấm gia đình sớm hồi phục cho tôi.  Tôi chỉ cần một bữa ăn, một tối ngủ lại là những hỗn loạn và đau lòng sẽ bị dập tắt, tôi lại bắt đầu cảm thấy vững vàng trở lại.

Về nhà không chữa lành nỗi đau trong lòng, nhưng cho tâm hồn sự chăm sóc mà nó cần.  Không hiểu sao, cách đó luôn hiệu nghiệm.

Ngày nay, cũng những hỗn loạn cảm xúc và đau lòng đó vẫn thỉnh thoảng làm cho tôi rối bời và thậm chí bất định về bản thân, bất an về những lựa chọn của tôi trong đời, về người nào hay chuyện gì tôi có thể tin tưởng.  Tuy nhiên, tôi không thể lái xe về lại ngôi nhà thơ ấu như trước nữa, nên tôi cần tìm những phương cách mới để lấy lại sự vững vàng đó.  Không phải lúc nào cũng dễ tìm được, kể cả khi chúng ta ở trong một cộng đoàn tốt, một gia đình biết nâng đỡ, những người bạn yêu thương và có một công việc tốt.  Mái ấm có thể lu mờ trong một đêm rối bời.  Người chúng ta cần có để bình tâm, không phải lúc nào cũng có.  Khi chúng ta rời nhà, đôi khi thật khó để tìm đường về lại.

Vậy giờ tôi làm gì khi cần về nhà, chạm vào gốc rễ của mình để bình tâm?  Có khi, tôi tìm được điều đó nơi một người bạn, có khi là một người thân, có khi là một gia đình đã thân quen với tôi, có khi là cầu nguyện hay ở giữa thiên nhiên, có khi là đắm mình trong công việc, có khi tôi chẳng thể nào tìm được và tôi phải sống trong hỗn loạn, chờ đến khi cơn bão qua.

Qua năm tháng, tôi đã khám phá có một quyển sách đặc biệt có thể đưa tôi về mái ấm hệt như chuyến xe bốn tiếng khi trước.  Mỗi người tìm thấy mái ấm ở những nơi khác nhau.  Một quyển sách đã làm được thế cho tôi, hầu như lúc nào cũng làm được, chính là quyển Câu chuyện Linh hồn của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.  Chẳng lạ gì khi đây là câu chuyện về một hành trình tĩnh, câu chuyện của thánh Têrêxa cố nắm bắt những gì mà mái nhà, mái ấm và gia đình từng cho ngài.  Nhưng hành trình tĩnh này tự nó không phải là điều cho quyển sách này sức mạnh đặc biệt đến vậy.  Nhiều tự thuật gây hoang mang hơn là ổn định.  Còn quyển sách này giúp xoa dịu tâm hồn.

Tuy nhiên, chỉ nhớ lại không hẳn đã chăm sóc được cho tâm hồn và đôi khi ký ức của chúng ta về mái ấm và thời thơ ấu mang lại nhiều nỗi đau, nặng nề hơn là ổn định và chữa lành.  Không phải mái nhà của ai cũng an toàn và nuôi dưỡng được.  Đau lòng là mái nhà đầu tiên cũng có thể là nơi mà sự tin tưởng và bình tâm của chúng ta bị phá tan không thể nào lành lại, đây là chuyện thường gặp trong những gia đình có bạo hành và lạm dụng.  Tôi là người may mắn.  Mái nhà đầu tiên của tôi cho tôi tin tưởng và đức tin.  Với những ai không đủ may mắn, họ cần tìm ra một mái ấm, một nơi chốn hay một người nâng niu trìu mến một tâm hồn bị tổn thương.

Điều gì làm cho mái ấm là nơi có thể nâng niu tâm hồn chúng ta?  Mái ấm là nơi ta an toàn.  Mái ấm cũng là nơi chúng ta cảm thấy được an tâm và tin tưởng, và sự bình tâm giúp chúng ta tin vào những chuyện của đức tin.  Tôi từng lái xe bốn tiếng để ăn một bữa, ngủ một đêm, để tìm lại điều đó.  Hiện giờ, tôi cần thực hiện hành trình tĩnh đó theo những cách khác.

Đó là hành trình chúng ta đều cần thực hiện trong những thời điểm hỗn loạn và bồn chồn thao thức trong cuộc sống, cụ thể là tìm một nơi chốn, một không gian, một người bạn, một gia đình, một mái nhà, một chiếc bàn, một chiếc giường, một quyển sách, một thứ gì đó cho chúng ta lại có được an toàn, tin tưởng, vững vàng và đức tin.

Dĩ nhiên, có những chuyện đau đầu và đau lòng mà không có cách nào chữa được, nhưng tâm hồn không cần được chữa lành, tâm hồn chỉ cần được quan tâm cho đúng.  Nhiệm vụ của chúng ta là về nhà, tìm ra những con người, nơi chốn, lời cầu nguyện và quyển sách nâng niu trìu mến tâm hồn chúng ta vào những lúc thế giới như đang sụp đổ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

“TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ?”

Video

Từ vài tháng nay, trong ngôn ngữ thường ngày hoặc các bài viết trên báo mạng, người ta trích dẫn một câu nói đã trở thành “nổi tiếng”: “Tiền nhiều để làm gì?”  Đây là phát ngôn của một vị đại gia có tiếng tăm trong thương trường, được người ta tôn làm “vua” và sở hữu một tài sản khổng lồ.  Điều đáng nói là vị đại gia ấy, tuy nhiều tiền, mà hạnh phúc lại long đong.  Thế nên, sau nhiều năm chung sống, đôi vợ chồng ấy có nhiều bất đồng và phải ra tòa ly dị.  Báo chí tốn khá nhiều giấy mực về việc ly hôn của cặp vợ chồng này.  Vụ án xem ra chưa có hồi kết thúc, vì còn nhiều bất đồng về việc chia tài sản.

Cùng với vụ ly hôn đình đám vừa nêu, xung quanh chúng ta có biết bao tranh chấp thường xuyên xảy ra và đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện.”  Đó là những xung đột, kiện cáo nhau ra tòa.  Nhiều vụ việc mà đương đơn và bị đơn là những người có mối liên hệ rất gần gũi thiêng liêng, thậm chí là cha mẹ với con cái.  Những điều này cho thấy không phải lúc nào tiền bạc cũng đem lại cho con người hạnh phúc.

“Tiền nhiều để làm gì,” khi mái ấm không còn, tình yêu biến thành thù hận, vợ chồng thành kẻ thù?  Đây là một trải nghiệm cay đắng.  Bởi lẽ tiền bạc rất quý, nhưng không phải lúc nào nó cũng đem cho chúng ta hạnh phúc.

Dù không trực tiếp đặt câu hỏi chính xác như trên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng ngầm hỏi anh phú hộ: “Tiền để làm gì?” qua lời kết án: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”  Anh phú hộ đáng trách không phải vì anh giàu, mà vì anh sống ích kỷ, khép kín và không quan tâm đến người khác.  Anh nghĩ rằng tiền bạc sẽ đem lại cho anh tất cả, và nhất là cho anh được hạnh phúc.  Nhưng thực tế không phải như vậy.  Trong khi anh tự cho mình là giàu có và những người khác trầm trồ khen ngợi anh là khôn ngoan, thì Thiên Chúa lại bảo anh ta là “đồ ngốc.”  Anh mải mê tính toán và quá tự tin vào kho tàng của mình, nhưng điều quan trọng là sự sống con người thì anh lại chẳng giữ được.

Chúa Giêsu đã kết luận câu chuyện: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”  Thông điệp mà Chúa muốn gửi cho chúng ta qua hình ảnh người phú hộ quá rõ ràng: có nhiều người giàu có về của cải mà nghèo nàn về tình người.  Họ cũng sẽ phải chịu số phận như anh phú hộ trên đây.  Nếu chỉ lo tích cóp nhiều của cải, khi chết nào có mang được gì đâu.

Cuộc đời là phù du.  Tác giả sách Giảng Viên có lối hành văn của một lãng tử.  Ông coi mọi sự như rơm rác và cho rằng mọi sự dưới gầm trời này chỉ là “sắc sắc không không.”  Tất cả chi là hư vô.  Trăm năm trước chẳng có ta; trăm năm sau cũng thế.  Cuộc đời sẽ rất nhàm chán và đơn điệu nếu như không có Chúa.  Ngài là lý tưởng của đời sống chúng ta.  Tin vào Ngài làm cho cuộc sống này đậm đà hương vị và ý nghĩa ngọt ngào.  Tin vào Chúa giúp ta mở rộng tâm hồn để chia sẻ và cảm thông với tha nhân, và như thế cuộc đời bớt đi vẻ đơn điệu.  Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy một cuộc sống ích kỷ, khép kín dù có phú túc mà thiếu niềm vui, dù có dồi dào mà không hạnh phúc.  Khi kết luận mọi sự để hư vô, tác giả sách Giảng Viên khuyên chúng ta hãy tìm đến những giá trị bền vững, kiếm tìm những của cải không ai lấy mất được.

Thực ra, ai trong chúng ta cũng cần tiền và ai trong chúng ta cũng phải có tiền mới sống được.  Tiền bạc giúp chúng ta có cuộc sống ổn định và xứng với phẩm giá con người.  Tuy vậy, những ai tham lam và kiếm tiền bằng những phương pháp trái với lương tâm và luật Chúa, sớm hay muộn cũng sẽ thất bại.  Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, cùng với việc kiếm kế sinh nhai để bảo đảm cuộc sống cách lương thiện, chúng ta cũng phải lo lắng cho tâm hồn, để đến lúc Chúa đến gọi, chúng ta sẵn sàng và thanh thản về với Ngài.

“Hãy hướng lòng trí về thượng giới!”  Thánh Phaolô khuyên chúng ta như vậy (Bài đọc II).  Bởi lẽ cuộc sống này chẳng phải là quê hương vĩnh cửu.  Chúa Giêsu đã sống lại, như một bảo chứng của quyền năng Thiên Chúa.  Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới là mặc lấy Đức Kitô.  Ngược lại với thượng giới là hạ giới, tức là những nết xấu đang tồn tại trong con người chúng ta: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam dối trá.  Khi loại bỏ được con người hạ giới, chúng ta sẽ nhẹ nhàng thanh thản để theo Đức Kitô và thuộc trọn về Người.

“Tiền bạc chưa bao giờ và không bao giờ khiến con người hạnh phúc, trong bản chất nó không có gì có thể tạo ra hạnh phúc.  Một người càng có nó nhiều bao nhiêu càng muốn nó nhiều bấy nhiêu” (Benjamin Franklin)

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

ĐỪNG BAO GIỜ ĐÁNH MẤT HY VỌNG

“Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Vương Quốc của Cha họ.”

Charles Read viết, “Gieo một hành động, gặt một thói quen.  Gieo một thói quen, gặt một tính cách.  Gieo một tính cách, gặt một số phận!”  Gieo một điều thiện, gặt một niềm vui; gieo một niềm cậy trông, gặt cả mùa hy vọng! “Đừng bao giờ đánh mất hy vọng!”

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng lạc quan của Charles Read được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay.  Giữa một hoàn cảnh nghiệt ngã, có lúc dường như tuyệt vọng, bạn vẫn ‘Đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’ Giêrêmia nói với dân, ‘Đừng tuyệt vọng!’  Chúa Giêsu nói với chúng ta, ‘Hãy cứ hy vọng!’

Bài đọc Giêrêmia phản ánh mặt tối, cũng là mặt thực, của một dân bị Chúa nghiêm phạt.  “Bước chân ra đồng nội, này kẻ chết vì gươm; quay gót trở về thành, họ bao người đói lả!”  Các nhà lãnh đạo, các tiên tri và các thầy tế lễ cũng đang kiệt lực ở mút cùng của sự hiểu biết; từ vực thẳm, họ thưa lên, “Chớ thì Chúa ruồng bỏ Giuđa sao?  Hay lòng Ngài ghê tởm Sion nữa?”; “Cớ sao Ngài đánh phạt chúng con đến vô phương chữa chạy?”; “Mong đến thời bình phục mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh!”  Ấy thế, giữa những tàn khốc và tăm tối của cuộc khủng hoảng tôn giáo, chính trị như thế, dân Chúa vẫn không mất niềm cậy trông vào lòng thương xót của Ngài, “Lạy Chúa, Chúa là niềm hy vọng của chúng con.”  Thật khó để có thể giữ niềm tin khi con người dường như không còn gì để mất; tuy nhiên, Thánh Kinh vẫn luôn truyền cảm hứng để chúng ta tiếp tục cậy tin và ‘đừng bao giờ đánh mất hy vọng’, cả khi “ở trong vực thẳm khổ đau.”  Cứ kêu cầu Ngài, Thánh Vịnh đáp ca thổ lộ, “Lạy Chúa, để danh Ngài rạng rỡ, xin giải thoát chúng con!”

Với dụ ngôn ‘cỏ giữa lúa’, Tin Mừng thừa nhận, không phải lúc nào công việc tốt lành của Thiên Chúa cũng xuôi thuận và được thế gian đón nhận.  Hạng người mà Chúa Giêsu gọi là “kẻ thù” – luôn chống lại mục đích tốt đẹp của Chủ Mùa, người gieo giống tốt – sẽ tìm cách bóp chết lúa tốt.  Tuy nhiên, Chúa Giêsu bảo đảm, cuối cùng, mục đích của Thiên Chúa vẫn đi đến cùng, “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Vương Quốc của Cha họ.”  Chúa Cha đang làm việc và tiếp tục làm qua Chúa Giêsu, và con cái Ngài; và Ngài sẽ chiến thắng các thế lực của sự dữ, bảo đảm một sự toàn thắng cuối cùng.  Phaolô đã diễn tả niềm xác tín này một cách cô đọng, “Ở đâu tội lỗi đầy tràn; ở đó, ân sủng càng chan chứa!”  Đó là nền tảng niềm hy vọng, một hy vọng không bắt nguồn từ con người nhưng phát xuất từ Thiên Chúa; mà với Phaolô, hy vọng đó “có thể đạt được nhiều hơn những gì chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới!”

Anh Chị em,

“Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Vương Quốc của Cha họ.”  An ủi biết bao, khẳng định của Chúa Giêsu!  Bởi lẽ, bao lâu còn trong thế giới, chúng ta còn phải chiến đấu; và cam go nhất vẫn là cuộc chiến trong lòng mỗi người.  Cái ác dường như đang trên đà chiến thắng; nhưng đừng quên, nó không bao giờ là tiếng nói cuối cùng; cũng như cuộc chiến nội tâm là cuộc chiến trường kỳ nhất!  Nhìn vào Chúa Giêsu, dường như Ngài đã thua cái ác và sự dữ khi chết ô nhục trên thập giá; vậy mà, Chúa Cha đã phục sinh Ngài; để sự dữ, người dữ, và việc dữ dần dần được biến đổi và được cứu.  Vậy, mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, đuối sức vì chiến đấu, chúng ta đừng bỏ cuộc.  Hãy nhìn lên Ngài để ‘đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’  Không có Ngài, chúng ta bất lực.  Vì thế, hãy kiên trì “gieo niềm cậy trông”, tựa nương vào Chúa; Đấng đang rộng mở Vương Quốc Ngài phía trước để chào đón các chiến sĩ Kitô, con cái Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, con biết, cuộc chiến mỗi ngày của con thật đáng quý trong mắt Chúa.  Nên dù phải gian nan thử thách, xin dạy con nhìn lên thánh giá, để ‘đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’ Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ

Thánh Giacôbê, con ông Giêbêdê và bà Salomê, là anh của thánh Gioan và bà con với Chúa Giêsu.  Người ta gọi ngài là thánh Giacôbê tiền, để phân biệt với thánh Giacôbê hậu, cũng là một tông đồ và làm Giám mục Giêrusalem.  Gọi là “tiền” vì ngài được gọi trước hay vì ngài cao lớn hơn, nhất là vì ngài lớn tuổi hơn.

Thánh nhân cùng với em là Gioan được kêu gọi làm tông đồ trong khi họ đang chài lưới bên bờ biển Galilê (Mc 1,19-20).  Trong tường thuật này, chúng ta thấy gia đình ông Giêbêđê xem như cũng khá giả và có thuê những người làm công.

Kể từ khi bỏ cha mẹ, chài lưới và những người làm công, anh em Giacôbê và Gioan luôn sát cánh bên Chúa.  Họ chia sẻ với Người nếp sống “con cáo có hang, con chim có tổ, con người không có chỗ dựa đầu” và trong những buổi tiệc vui như ở Cana (Ga 2,1).  Trong cộng đoàn tông đồ, Giacôbê luôn giữ một chỗ đứng quan trọng sau Phêrô.  Bởi vậy ngài được vào số ba môn đệ trong các biến cố phục sinh cho con gái Giarô (Mc 5,37), biến hình (Mc 9,2), và hấp hối ở Gethsemani (Mc 14,33).

Giacôbê hẳn phải hiểu rõ đặc ân của mình và ông đã đáp trả bằng một nhiệt tình cũng đặc biệt.  Một lần qua Samaria, ông đã bất mãn vì dân làng không tiếp đón Chúa Giêsu một cách nồng hậu.  Ông phát biểu: Thưa Ngài, Ngài có muốn chúng tôi khiến lửa từ trời giáng xuống mà tiêu diệt chúng không?

Nhiệt tình của ông giống như Êlia.  Nhưng Chúa Giêsu lại sửa sai tính nóng nảy ấy của ông: Các ngươi không biết các ngươi ứng theo thần khí nào (Lc 9,52-56).

Và người đặt cho Giacôbê và Gioan biệt danh là Boanerghê, nghĩa là con cái của sấm sét (Mc 3,17).

Dĩ nhiên là con người, khi theo Chúa Giêsu, các ông vẫn còn những yếu đuối, khi nghe loan báo về cuộc hoàn thành sứ mạng sắp tới, Giacôbê và em ông không ngần ngại thưa: Xin cho chúng tôi được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả, trong vinh quang của thầy.

Không hứa sẽ thỏa mãn ước vọng của họ, Chúa Giêsu đã chỉ hỏi: Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy, thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?

Một lần nữa, các ông bày tỏ nhiệt tình của mình: Thưa được (Mt 20,20-23; Mc 10,35-40).

Đã có những phút giây Giacôbê vì yếu đuối như các tông đồ khác, như khi ngủ vùi khi Chúa Giêsu trải qua cơn hấp hối, hay như việc ông trốn chạy trước cuộc khổ nạn của Thầy.  Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh, nhất là sau ngày lễ Hiện Xuống, Giacôbê đã thực hiện lời hứa của ngài.  Ngài sẵn sàng chịu chết dưới lưỡi gươm theo lệnh truyền của Hêrôđê Agrippa (Cv 12,2), có lẽ vào năm 42.  Thế là Giacôbê đã trở thành vị tông đồ đầu tiên lấy máu đào làm chứng đức tin và tình mến của mình vào thế kỷ II, Clêmentê thành Alexandria đã làm chứng rằng, chính kẻ tố cáo thánh nhân lại được ngài cải hóa và lãnh phúc tử đạo cùng lúc với ngài.

Truyền thống cho rằng Giacôbê đã mang Tin Mừng đến Tây Ban Nha.  Tuy nhiên điều này không được chứng thực rõ ràng.  Lần đầu tiên truyền thống này được viết ra vào thế kỷ VII, dựa vào nguồn Hy lạp không đáng tin.  Một thế kỷ sau, khi một ngôi sao chỉ cho thấy ngôi mộ của thánh Giacôbê, niềm tin của quần chúng bắt đầu lan rộng.

Nơi hành hương ở Compostella (có lẽ bởi chữ Campustella : cánh đồng sao) là trung tâm rất nổi tiếng, dầu chúng ta tin rằng thánh Giacôbê có đi Tây Ban Nha đi nữa thì cũng không thể nói được rằng nơi đây có di tích của thánh nhân.

Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý 

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, không phải chỉ có thánh Gia-cô-bê và thánh Gio-an, mà tất cả chúng con đều mơ ước được địa vị, thống trị người khác, được giàu sang, an nhàn.  Có lúc con đã tự hỏi: con theo Chúa và hy sinh cho Chúa, nhưng tại sao đời con vẫn nghèo đói, vất vả, bị chèn ép.

Lạy Chúa, Chúa cho con hiểu rằng theo Chúa là phải chấp nhận uống chén đắng khổ nạn của Chúa, chấp nhận từ bỏ mình chứ không phải để được hưởng thụ, hoặc được đặc quyền đặc lợi.  Chính Chúa đã đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc loài người.  Là môn đệ của Chúa, con không thể sống khác Chúa được.  Con không thể có con đường nào khác ngoài con đường phục vụ dâng hiến một cách vô vị lợi cho tha nhân.

Càng tiến sâu vào con đường thập giá, con càng được sàng lọc để nên giống Chúa hơn.  Nhưng để được điều đó, con phải vật lộn với chính mình, vật lộn với những cám dỗ của thế gian và nhất là phải chấp nhận thiệt thòi.

Lạy Chúa, dù phải trả giá, dù phải hy sinh, con xin sẵn sàng chấp nhận tất cả.  Đường thánh giá này con đã chọn, xin tình yêu Chúa trở nên sức mạnh nâng đỡ con.  Và con tin rằng chính Chúa sẽ làm cho những bước chân con trên đường hy sinh và phục vụ, nở thật nhiều hoa yêu thương, để từ đó nhiều người nhận biết Chúa và sẵn lòng bước theo Chúa cách vô điều kiện.  Amen!

TGM Giuse Nguyễn Năng

TÌNH CHA

Trong cuộc sống thực tế, người cha thường hay nghiêm khắc đối với con cái, nhưng lại dạt dào tình thương.  Nói đúng hơn, cách thể hiện tình cảm của người cha khác với người mẹ.  Tuy vậy, tình cha không kém gì tình mẹ, vừa rộng mở, vừa bao dung.  Nếu có nghiêm khắc, là vì muốn cho con nên người, bởi lẽ “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.”  Cũng trong quan niệm thông thường của người Việt Nam, chữ “tình” rất quan trọng.  “Trăm cái lý không bằng một tý cái tình.”  Vì tình nghĩa, người ta dễ dàng bỏ qua những thiếu sót, “chín bỏ làm mười”, để quên đi quá khứ và sống hài hòa với nhau trong một làng, một xóm hoặc một đại gia đình.

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được xưng tụng là Cha.  Ngài rất khiêm khắc đối với tội nhân, nhưng lại bao dung đối với những ai thành tâm sám hối.  Ngài là Đấng “nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.  Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30,6).  Câu chuyện ông Abraham “mặc cả” với Chúa đã diễn tả lòng nhân từ của Ngài.  Thời đó, dân thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra sống trong tội lỗi và sa đọa, khiến Thiên Chúa bừng bừng nổi giận.  Ngài quyết định sẽ trừng phạt họ.  Ông Abraham đã “năn nỉ” với Chúa và dần dần từng bước hạ thấp điều kiện.  Từ con số năm mươi người công chính, ông đã hạ xuống chỉ còn mười người, nhờ đó mà Chúa thay đổi ý định trừng phạt.  Thiên Chúa đã bớt giận trước lời nài xin của ông Abraham và Ngài đã đồng ý: nếu có được mười người công chính thì Ngài sẽ không tru diệt hai thành này.  Tác giả sách Sáng thế đã dùng lối văn “như nhân” để diễn tả Thiên Chúa.  Ngài nguôi giận trước sự van xin của con người.  Nếu đọc tiếp đoạn Sách thánh này, chúng ta sẽ thấy, điều kiện có mười người công chính cũng không đạt được.  Thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra đã bị lửa diêm sinh từ trời thiêu rụi.  Tất cả đã bị tru diệt, chỉ trừ gia đình ông Lót, là người kính sợ Chúa.  Khi vừa chạy khỏi thành, bà vợ ông Lót, vì tiếc của quay lại, bỗng hoá thành tượng muối.

Nếu Thiên Chúa kiên nhẫn trước sự xúc phạm của con người, thì con người cũng phải kiên nhẫn cậy trông để thoát khỏi trừng phạt.  Người hàng xóm trong Tin Mừng thánh Luca đã kiên trì nhẫn nại để vay bánh vào lúc nửa đêm.  Sự kiên trì đã làm thay đổi lòng chai đá của chủ nhà, mà trỗi dậy lấy bánh cho người hàng xóm.  Chúa Giêsu đã dùng một tình huống đời thường để liên hệ đến lòng thương xót của Thiên Chúa.  Nếu người thường còn làm thế, huống chi Cha trên trời.  Hãy kiên trì cầu nguyện.  Hãy phó thác nơi Thiên Chúa những lo lắng của cuộc đời.  Ba động từ được Chúa Giêsu nhắc tới, đó là: xin, tìm, gõ cửa.  Cả ba hành động này đều diễn tả sự kiên nhẫn, lòng cậy trông và tin tưởng phó thác.  Thiên Chúa là Cha nhân từ.  Ngài luôn lắng nghe những ước nguyện chân thành của chúng ta.

Cầu nguyện làm nên cốt lõi đời sống người tin Chúa.  Vì cầu nguyện chính là than thở với Ngài, để trình bày với Ngài về nỗi niềm nhân thế.  Cầu nguyện cũng là xin Chúa đỡ nâng trên đường đời còn mang nhiều truân chuyên.  Đức Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện.  Lời Kinh “Lạy Cha” diễn tả mối dây thiêng liêng giữa Thiên Chúa và người tín hữu.  Chỉ có Chúa Giêsu mới được gọi Thiên Chúa là Cha, vì Người là Con của Chúa Cha, như Người nhiều lần khẳng định.  Lời cầu nguyện mà Người dạy các môn đệ khởi đầu bằng hai chữ “Lạy Cha”, hoặc “Thưa Cha”, hoặc “Cha ơi.”  Như vậy, Chúa Giêsu đã cho phép chúng ta gọi Chúa là Cha, giống như bản thân Người.  Nói cách khác, nhờ Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu, và với Chúa Giêsu mà chúng ta được gọi Chúa là Cha với tâm tình thân thương trìu mến.

Nếu chúng ta mạnh dạn đến với Chúa và thân thưa với Ngài: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, là nhờ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá.  Thánh Phaolô nói với chúng ta: trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.  Đức Giêsu đã giải phóng chúng ta khỏi mọi chướng ngại ngăn bước chúng ta đến gần Thiên Chúa.

Khác với lối cầu nguyện kể lể dài dòng và nhằm phô trương nơi những người biệt phái đã bị Chúa Giêsu kịch liệt lên án, kinh Lạy Cha ngắn gọn, đơn sơ mà lại mang nội dung rất phong phú.  Đây là tâm tình đơn sơ của người con thảo thân thưa với Chúa.  Điều cầu nguyện ưu tiên là ước mong cho vinh quang Chúa tỏ hiện giữa lòng nhân thế, để mọi người trên thế giới nhận biết Chúa là Cha vinh hiển quyền năng.  Tiếp đó là những ý cầu nguyện xin cho bản thân và cho những người anh chị em bạn hữu.  “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con.”  Lời kinh khiêm tốn nhẹ nhàng, vừa hướng chúng ta về Chúa, vừa liên kết chúng ta với tha nhân.  Lời kinh cũng thể hiện thiện chí sống hài hòa với mọi người nhờ ơn Chúa, để có được trái tim bao dung như Ngài.

Với tâm tình yêu mến, phó thác và cậy trông, chúng ta cùng thưa với Chúa; “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”.  Chắc chắn lời kinh sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an, trong mọi tình huống của cuộc đời.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

BẮT ĐẦU BỞI MỘT ƯỚC MUỐN THAY ĐỔI BÊN TRONG

“Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ!”

C. S. Lewis nói, “Tình yêu là sự hiệp nhất sâu sắc, được duy trì bởi ý chí, được củng cố bởi các thói quen tốt, được nuôi dưỡng bởi ân sủng; nhưng trên hết, nó phải được “bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong!” Từ đó, bạn mới có khả năng nhìn mọi sự với đôi mắt trẻ thơ!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Tình yêu phải được ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong!’”  Lời Chúa hôm nay cho thấy điều C. S. Lewis nói thật chí lý!  Trong tình yêu đối với Thiên Chúa, thay vì đưa ra những đòi hỏi đối với Ngài, chúng ta sẽ đưa ra những đòi hỏi đối với chính mình!  Đòi hỏi trước nhất, quan trọng nhất là đòi hỏi thay đổi một thái độ, một cách nhìn, vốn cho phép mỗi người lớn lên trong khiêm nhường, trưởng thành trong tin yêu và tiến nhanh trên đường nên thánh.

Mặc dù đã chứng kiến bao việc kỳ vĩ Chúa Giêsu làm, các kinh sư biệt phái vẫn đòi Ngài làm thêm một dấu lạ.  Mối quan hệ của họ với Ngài là mối quan hệ một chiều; họ muốn kéo một Thiên Chúa xuống ‘ngang tầm’ một ông bụt!  Một khi họ yêu cầu, ‘Ông Bụt’ đáp ứng thoả đáng; nhờ đó, ‘Ông Bụt’ sẽ ăn mày được sự tôn trọng mà họ bố thí!  Chúa Giêsu không phải là một ông bụt, Ngài là Thiên Chúa!  Thật đáng tiếc, các kinh sư biệt phái đã đóng cửa trái tim họ đối với Chúa Giêsu từ trước; chính lòng kiêu hãnh của họ đã dẫn họ đến những yêu cầu bất khả thi đối với người khác.  Với Chúa Giêsu, lòng kiêu hãnh đó không bao giờ được thoả mãn; vì Ngài biết, tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu đối với sự thật, không có chỗ trong trái tim họ!  Và đích thị, lòng kiêu hãnh nơi họ là nguyên nhân của mọi chia rẽ, oán hận và đắng cay; đang khi mọi sự phải được ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong!’

Và này, câu trả lời của Chúa Giêsu vẫn không nằm ngoài ý muốn thay đổi bên trong tâm hồn những con người kiêu căng này.  Ngài cho biết, như Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba đêm ngày thế nào; rồi đây, Ngài cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy.  Nghe lời Giôna, Ninivê đã thay đổi; nghe lời Ngài, họ cũng phải thay đổi!  Thế nhưng, lòng họ vẫn trơ lỳ, và Chúa Giêsu quyết định không giấu giếm họ một điều nào nữa, Ngài nói, “Ở đây, còn có Đấng cao trọng hơn Giôna!”  Ninivê đã nhận ra sứ điệp Giôna mang đến, họ đã ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’; nhờ đó, họ được giao hoà với Thiên Chúa, gặp được lòng thương xót của Ngài.  Giới kinh sư, biệt phái thì không; họ từ chối Chúa Giêsu và sứ điệp Ngài mang đến; họ không bao giờ hiệp nhất với Thiên Chúa trong tình yêu, chẳng được nuôi dưỡng bởi ân sủng.

Cũng một tâm tình, sách Mikha hôm nay nói, Thiên Chúa không đòi hỏi gì khác, ngoài một việc là Israel phải hạ mình trước mặt Ngài, ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’, “Người hỡi, Ta sẽ chỉ cho ngươi việc phải làm, và việc nào Chúa đòi hỏi nơi ngươi: tức là hãy thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa, và khiêm tốn bước theo Thiên Chúa ngươi.”  Thánh Vịnh đáp ca cũng gợi lên đòi hỏi đó, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!”

Anh Chị em,

“Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ!”  Đòi hỏi của giới kinh sư, biệt phái phần nào nói lên thái độ của chúng ta.  Lắm khi chúng ta chạy tìm khấn vái hết Đức Mẹ ở nơi này, đến Đức Mẹ nơi khác.  Hành động này chẳng khác nào chúng ta buộc Thiên Chúa làm phép lạ đó sao?

Và như thế, vô tình chúng ta thử thách Thiên Chúa và quyền năng của Ngài.  Đang khi Thiên Chúa là tình yêu, Ngài thấu hiểu con cái!  Chính khi chúng ta cầu nguyện, nhỏ to, tỉ tê, chia sẻ buồn vui cùng những khắc khoải âu lo với Ngài lại là lúc Thiên Chúa vui lòng nhất; qua đó, mối thân tình của chúng ta đối với Ngài ngày càng bền bỉ.  Chính qua sự gần gũi này, chúng ta mới nghe được điều Thiên Chúa muốn và nhận ra kế hoạch yêu thương của Ngài.  Như thế, ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên  trong’, chúng ta sẽ nhận ra sự khôn ngoan tuyệt vời trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trên chính mình, và đó là phép lạ đáng ao ước nhất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’; nhờ đó, con lớn lên trong khiêm nhường, trưởng thành trong tin yêu và tiến nhanh trên đường nên thánh!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

VÀI CÁCH CỤ THỂ GIÚP TẬP TRUNG CẦU NGUYỆN

Khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện, có thể có bất kỳ sự xao lãng nào khiến chúng ta không thể trò chuyện thân mật với Chúa của chúng ta.  Điều đó có thể là một sự gì đó bên ngoài chúng ta, như một con chó sủa bên cạnh hoặc một người nào đó trong nhà nguyện đang thờ phượng lại đùa chơi với chuỗi hạt Mân Côi của họ.  Hoặc sự chia trí có thể là một điều gì đó bên trong tâm trí hoặc trong cõi lòng, như những suy nghĩ vẩn vơ, hoặc “danh sách những việc cần phải làm” liên tục hiện ra trong tâm trí chúng ta.

Dù đó là gì đi nữa, chúng ta nhận thấy rằng hầu hết các sự chia trí trong khi cầu nguyện đều thuộc bốn loại:

Địa điểm (ví dụ không thể cầu nguyện tại một địa điểm cụ thể)

Thời gian (ví dụ liên tục nhìn vào đồng hồ)

“Danh sách những việc cần phải làm” (ví dụ liên tục nghĩ về tất cả những việc cần phải hoàn thành)

Suy nghĩ lang thang (ví dụ thấy mình đang nghĩ về bộ phim đã xem hôm qua)

Vì mục đích giúp cầu nguyện đích thực, chúng ta sẽ đề cập đến những thứ gây mất tập trung rơi vào bốn nguồn cơn do “con người” này.  Thông thường những sự xao nhãng này có nguồn gốc từ con người hoặc “tự nhiên”, chứ không phải là nguồn gốc ma quỷ.  Tuy nhiên, ma quỷ có thể lợi dụng những sai lầm của con người chúng ta và sử dụng những điều xao lãng này để làm hại chúng ta.  Chúng ta cũng sẽ cần phải đề cập đến những trở ngại đối với việc cầu nguyện có nguồn gốc siêu nhiên hơn và sẽ xem xét cách phân biệt, liệu điều gì đó đến từ Thiên Chúa hay từ Thần dữ.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nghiên cứu kỹ những phiền nhiễu “do con người” này vì chúng có thật và ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện của chúng ta.  Hầu hết chúng ta gặp khó khăn trong khi cầu nguyện, và rất ít người ngay lập tức được rơi vào trạng thái ngây ngất và bị cuốn hút vào sự hiện diện của Chúa trong nhiều giờ liên tục.

Yếu tố ngoại cảnh đầu tiên giúp ta cầu nguyện đích thực có tầm quan trọng cơ bản đó là “địa điểm.”  Điều ta nhận thấy là nơi cầu nguyện của chúng ta ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng chúng ta mở lòng ra với Thiên Chúa.  Chúng ta nên thường xuyên cầu nguyện ở một số nơi mà chúng ta thấy tốt hơn những nơi khác, và vì vậy điều quan trọng là phải xác định những đặc điểm chính có thể giúp thúc đẩy đời sống cầu nguyện của chúng ta ở những địa điểm khác nhau này.

“Nhà nguyện nhỏ”

Nơi cầu nguyện của chúng ta được gọi là “nhà nguyện của chúng ta.”  Từ “oratory” xuất phát từ từ ngữ “orare” trong tiếng Latinh, có nghĩa là “cầu nguyện” và được sử dụng phổ biến nhất để chỉ một nhà nguyện nhỏ.

Nơi chốn phổ biến nhất để cho một người tín hữu cầu nguyện là tại nhà.  Người ta thường không sống đối diện với nhà thờ hoặc nhà nguyện, và không thích ghé qua nhà thờ hàng ngày.  Điều này có nghĩa là lời cầu nguyện cá nhân thường được thực hiện tại nhà.

Thật không may, việc cầu nguyện trong nhà hoặc “nhà nguyện nhỏ” có thể là một thách thức.  Khả năng có một phòng dành riêng cho việc cầu nguyện là cực kỳ hiếm, có nghĩa là việc cầu nguyện thường diễn ra trong phòng ngủ hoặc phòng khách.

Những thách thức chính của việc cầu nguyện tại nhà là sự tập trung và bắt đầu cầu nguyện như thế nào.  Thật không dễ dàng để cầu nguyện khi bạn ngồi xuống chiếc ghế dài và nhìn chằm chằm vào chiếc TV đã tắt hoặc nhìn loanh quanh, và thấy tất cả đồ chơi trẻ em nằm rải rác trên sàn nhà.

Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải dành một phần của ngôi nhà, của căn hộ hoặc phòng của bạn để cầu nguyện.  Đây thường được gọi là “chỗ cầu nguyện.”  Ngay cả Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo cũng khuyến nghị thực hành này:

Để cầu nguyện riêng, có thể chọn một “chỗ cầu nguyện” trong nhà, có ảnh tượng và Sách Thánh; ở đó chúng ta “đóng cửa lại cầu nguyện cùng Cha, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,6).  Trong các gia đình Kitô hữu, một chỗ cầu nguyện đơn sơ như thế rất thuận lợi cho việc cầu nguyện chung” (GLGHCG 2691)

“Chỗ cầu nguyện” của bạn về mặt vật chất có thể là một góc trong một trong các căn phòng của bạn, hoặc đơn giản là một nơi thoát khỏi sự hối hả và nhộn nhịp của ngôi nhà.  Trên thực tế, các lựa chọn là vô tận và chỉ bị hạn chế bởi sự sáng tạo của chính bạn.  Khi dự định dành một phần cụ thể trong ngôi nhà của bạn để cầu nguyện, hãy tìm cách kết hợp các mục sau:

Bàn thờ tại gia:

Nếu bạn có đủ không gian để dành một chiếc bàn phụ để cầu nguyện, thì việc biến nó thành “bàn thờ tại gia” sẽ rất hữu ích.  Đó là một nơi mà bạn có thể đặt các vật dụng khác nhau, chẳng hạn như nến và một cuốn kinh thánh, để nhắc nhở bạn về bàn thờ ở nhà thờ.  Thậm chí ích lợi hơn khi bạn dùng khăn phủ bàn và có thể thay đổi tùy theo màu của mùa phụng vụ hiện tại.

Tác phẩm nghệ thuật tôn giáo:

Một khía cạnh quan trọng trong góc cầu nguyện của bạn là có tác phẩm nghệ thuật tôn giáo để đưa bạn vào trạng thái cầu nguyện.  Bạn nên sử dụng một hoặc hai tác phẩm nghệ thuật tôn giáo, hoặc biểu tượng truyền cảm hứng cho bạn.  Thông thường, người ta sẽ đặt hình ảnh nổi bật của Chúa Giêsu Kitô ở trung tâm, và đặt hình ảnh các thánh ở hai bên để gây cảm hứng cho người ta sống đời sống thánh thiện.

Nến & Hương;

Tầm quan trọng của nến và hương trong cầu nguyện thường bị bỏ quên.  Bằng cách đó, “mùi hương và ánh nến” của Thánh lễ có thể được mở rộng đến tận nhà và giúp nuôi dưỡng tinh thần cầu nguyện.  Nến rất tốt trong việc giữ sự tập trung của một người và thường được kết hợp với suy niệm.

Khi lập kế hoạch cho “buổi cầu nguyện nhỏ” của bạn, điều quan trọng là phải cân nhắc kỹ lưỡng về điều đó.  Hãy coi đó là cách mời Chúa vào nhà của bạn.  Việc có “chỗ cầu nguyện” này là một khía cạnh phổ biến của các Giáo hội Công giáo Đông phương, và được gọi là “nơi chốn biểu tượng.”

Nếu bạn quan tâm đến những ý tưởng thiết thực hơn về cách sắp xếp thứ tự “buổi cầu nguyện nhỏ” của mình, bạn nên tìm một cuốn sách Kinh Hướng Dẫn Cầu Nguyện: hướng dẫn cho người mới bắt đầu cầu nguyện tại nhà.  Đây là một nguồn tài liệu cần thiết cho những ai đang tìm kiếm sự chọn lựa một chỗ cầu nguyện.

“Nhà nguyện di động”

Bên cạnh việc cầu nguyện tại nhà, một cuộc chiến đấu lớn đối với nhiều người trong chúng ta là cầu nguyện khi đang đi trên đường.  Điều này có thể là bạn đang làm việc trên tàu điện ngầm, trong văn phòng khách sạn, hoặc thậm chí tại nhà của người thân trong kỳ nghỉ.  Chúng ta không thể đoán trước được những nơi này sẽ như thế nào và chúng ta không thể mong đợi sẽ có một “nhà nguyện nhỏ”, như chúng ta vừa nói đến ở trên, ở bất cứ nơi nào chúng ta đến.

Đó là lý do tại sao việc mang theo bên mình một “nhà nguyện lưu động” có thể giúp khơi dậy trong chúng ta một thái độ cầu nguyện là điều có ích.  Kiểu nhà nguyện này có thể bao gồm một cây thánh giá đơn giản mà bạn mang theo trong túi hoặc một số các ảnh về Chúa Giêsu, Đức Mẹ, các thánh mà bạn luôn để kèm theo trong sách cầu nguyện của mình.

Một ý tưởng khác khi nghĩ về “nhà nguyện di động” là:

“Nhà nguyện chung”

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, điều quan trọng là phải tận dụng các “nhà nguyện chung” khác nhau xung quanh chúng ta.  Đây có thể là những nhà thờ hoặc nhà nguyện thờ phượng khác nhau mà chúng ta có thể dừng chân để cầu nguyện.  Dù chúng ta cầu nguyện hầu hết là tại nhà, nhưng thành thật mà nói thì những nơi tốt nhất để cầu nguyện cho chúng ta là trong nhà thờ và nhà nguyện.

Lợi ích rõ ràng của “nhà nguyện chung” là sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.  Đó không phải là thứ chúng ta có thể có được tại nhà.  Hiện nay các nhà nguyện có giờ Chầu Thánh Thể liên lỉ nằm rải rác nhiều nơi trên khắp đất nước, và là những thiên đường cầu nguyện tuyệt vời.  Vấn đề là chúng ta có muốn ghé vào những nơi đó không?

Để bổ sung cho lời cầu nguyện của chúng ta ở nhà, bạn nên dành một giờ (hoặc nửa giờ) chầu thánh thể hàng tuần tại một nhà nguyện, hoặc đơn giản là tại một nhà thờ có mở cửa.  Rất ít người có điều kiện làm việc này hàng ngày, vì vậy bạn nên dành thời gian để cầu nguyện tại một “buổi cầu nguyện chung” ít nhất một lần một tuần.  Có lẽ những khoảnh khắc cầu nguyện mạnh mẽ nhất của chúng ta thường diễn ra trước Thánh Thể.

Tóm lại, tất cả chúng ta đều là con người và nơi chốn cầu nguyện ảnh hưởng đến cách thế chúng ta liên hệ với Thiên Chúa.  Để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc cầu nguyện, chúng ta nên cân nhắc và thiết kế các địa điểm cầu nguyện trong nhà của mình, mang theo “nhà cầu nguyện di động” và đến những nơi cầu nguyện chung cộng đoàn thường xuyên bất cứ khi nào chúng ta có thể.

Đây chỉ là những mẹo đơn giản giúp loại bỏ một số trở ngại ban đầu trong việc chúng ta chuyện vãn với Chúa và lắng nghe những lời Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta.

Phêrô Phạm Văn Trung
dựa theo Aleteia.com

CHỌN PHẦN TỐT NHẤT

Status

Đức Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận bị chính quyền cộng sản bắt khi ngài đang tiến hành những công việc của Giáo phận như mở Đại Chủng viện, các Dòng tu, các khoá huấn luyện…  Ai sẽ là người kế nhiệm để lo những công việc mục vụ quan trọng này?  Ở trong tù, ngài lo lắng và ưu tư từ ngày này qua ngày khác.  Rồi đến một ngày, ngài nhận ra rằng: “Tất cả những gì tôi đang lo lắng là việc của Chúa.  Còn lúc này đây, Chúa muốn cho tôi tìm chính ý Chúa.  Tôi đang làm việc cho Chúa thì tại sao lại lo lắng những công việc của Chúa.  Nếu đã đạt được ý Chúa thì công việc của Chúa khắc có người lo.”  Và từ lúc ấy, ngài tìm được bình an.  Ngài chỉ tìm ý Chúa, còn công việc của Chúa thì người này lo, người khác lo và Chúa quan phòng luôn tiếp tục.  Ngài nhận định: “Không phải Maria ngồi yên dưới chân Chúa vì làm biếng.  Phúc Âm không phong thánh cho người làm biếng.  Maria chọn phần tốt nhất: nghe Chúa nói, để Lời Chúa thấm tận tâm can, lay chuyển mình, làm việc trong mình.  Có gì hoạt động bằng sự lột xác, sự biến đổi ấy?” (ĐHV 147).

Tin mừng hôm nay kể chuyện hai chị em Matta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu, mỗi người mỗi cách.

Maria ngồi bên chân Chúa với tâm thế lắng nghe.  Cô không làm gì, không nói gì, chỉ ngồi nghe.  Cô đón tiếp Chúa Giêsu với một phong cách tốt nhất.

Matta lo việc bếp núc, phục vụ ăn uống.  Có lẽ Matta ganh tị với em nên khiếu nại với Chúa: “Thưa Thầy, em con để một mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao?  Xin Thầy bảo nó giúp con một tay.  Matta trách em, nhưng cũng là một cách kể công và khoe mình quan trọng và có thể coi đó như một lời trách khéo đối với Chúa Giêsu.

Nhưng Chúa nhẹ nhàng đáp lại: “Matta, Matta ơi, con lo lắng bận rộn nhiều chuyện quá!  Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.”  Chúa đã khen Maria biết chọn phần tốt nhất.  Chọn phần tốt nhất không phải là chọn làm nhiều, nhưng là biết nghe, hiểu và làm theo ý Chúa.  Việc lắng nghe để nhận ra thánh ý Chúa nhiều khi đòi hỏi người ta phải biết cầu nguyện, phải giữ một tâm hồn thanh tĩnh và phải biết tập trung cao độ để nhận ra được thánh ý Chúa.

Người ta thường giải thích câu nói của Chúa Giêsu như một sự đề cao chiêm niệm trên hoạt động.  Matta tiêu biểu cho đời sống hoạt động, lo lắng về những nhu cầu vật chất.  Maria tiêu biểu cho đời sống chiêm niệm, lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện.  Trên thiên đàng người ta chỉ còn chiêm ngắm Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc vĩnh cữu.  Như thế, Maria đã đạt tới cùng đích của đời sống Kitô hữu.  “Phần hơn” của cô là ở chỗ đó.  Có Chúa rồi, “chiếm hữu” được Chúa rồi thì còn gì hơn nữa!

Chúa Giêsu đón nhận sự phục vụ ân cần của Matta và đưa ra bậc thang giá trị, cần “chọn phần tốt nhất.  Chọn Lời Chúa và lắng nghe.  Đó chính là “phần tốt nhất” như lời Tv 119: “Lạy Chúa, con đã nói, phần của con là tuân giữ Lời Ngài.”  Lắng nghe Lời chính là xây dựng nhà mình trên đá (Lc 6, 47-49).  Lắng nghe Lời giúp tâm hồn trở thành mảnh đất trổ sinh hoa trái (Lc 8,4-15).  Hạnh phúc của Đức Maria là “lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,27-28).

Đối với Chúa Giêsu, cả hai cách phục vụ của Matta và Maria đều cần thiết và bổ túc cho nhau.  Ðiều Chúa muốn nhắc cho Matta là: việc cốt yếu đối với người môn đệ là “nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.  Nhiều lần, Chúa nói về điều cốt yếu ấy: “Phúc cho ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28); “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21; Mt 12, 46-50; Mc 3, 31-35).  Điều cốt yếu ở đây không phải là ưu tiên về thời gian (làm cái này trước rồi làm cái kia sau) hay số lượng (làm “việc Chúa” nhiều, làm “việc đời” ít)… nhưng ưu tiên về giá trị.  Khi làm việc gì, nếu mình tận tình làm việc cho đẹp lòng Chúa, như Chúa muốn, thì mình vẫn đang chọn phần tốt nhất như cô Maria bởi vì mình vẫn đang qui chiếu về Chúa, đang lắng nghe lời Chúa và thi hành thánh ý Chúa về đời mình.  Thánh Phaolô dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).

Hoạt động và cầu nguyện là nhịp sống đời Kitô hữu.  Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động và hoạt động là kết quả của cầu nguyện.  Cầu nguyện làm nền tảng cho mọi hoạt động.  Nhờ cầu nguyện nên việc phục vụ tha nhân được tốt hơn.  Mẹ Têrêxa Calcutta và các Nữ tu dù bận rộn công việc hằng ngày vẫn luôn dành thời giờ tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể.  Mẹ luôn là gương sáng cho các Nữ tu, cầu nguyện trước khi hoạt động.  Mỗi ngày dành một giờ chầu Mình Thánh Chúa, sau đó mới đến các nơi nghèo nàn ở Calcutta để chăm sóc những người nghèo khổ hoặc đi vào trong các căn nhà tồi tàn giúp những người hấp hối được chết lành.

Tham dự Thánh lễ chính là lúc chúng ta như Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu lắng nghe Lời Ngài.  Đến với Chúa, xin đừng dè sẻn cò kè thời giờ, đừng lật đật vội vã đến trễ về trước, xin đừng dự lễ kiểu “đạo gốc cây,” “đạo vòng vòng” ở ngoài sân nhà thờ.  Xin đừng đến với Chúa chỉ vì bắt buộc, miễn cưỡng, sợ tội.  Hãy đến với Chúa như một người con thảo, đến để gặp Chúa, lắng nghe Lời Chúa, đến là vì lòng yêu mến Chúa và muốn sống hiếu thảo với Ngài mà thôi.

Thánh lễ cũng chính là lúc Chúa đến thăm và ban ơn sủng cho chúng ta.  Hãy quý trọng sự hiện diện của Chúa.  Hãy tham dự tích cực, linh động, cầu nguyện sốt mến, thưa chuyện với Chúa.  Lời Chúa và Thánh Thể ban thêm cho chúng ta đức tin, tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ để chúng ta dấn thân phục vụ anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa.  Amen!

(Mana)
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

VIỆC CHÚNG TA LÀM TRONG RIÊNG TƯ

Không ai là một hòn đảo, thật vậy, không ai thật sự cô độc.  Nếu là một người có đức tin hoặc thậm chí chỉ cần là người có nhạy cảm trực giác sắc bén, bạn sẽ biết trên đời này không hề có hành động riêng lẻ thật sự, dù tốt hay xấu.  Mọi việc chúng ta làm, dù riêng tư đến thế nào, cũng ảnh hưởng đến người khác.  Chúng ta không phải là những đơn tử với những suy nghĩ và hành động không có tác động gì đến bất kỳ ai.  Chúng ta biết như thế, không phải chỉ qua đức tin, mà còn trực cảm được nó qua những gì trong đời mình.

Làm sao chúng ta cảm nhận được những gì ẩn trong riêng tư cuộc đời người khác?  Ngược lại, những chuyện xảy ra trong riêng tư của cuộc đời chúng ta tác động đến người khác như thế nào?

Chúng ta không có khoa siêu hình học, hiện tượng học, hay khoa học nào để xác định rõ ràng chuyện này.  Nhưng chúng ta biết nó là sự thật.  Việc chúng ta làm trong sâu kín riêng tư tâm hồn và tâm trí có thể được người khác cảm nhận theo một cách nào đó.  Mọi tôn giáo thật sự đều dạy như thế, cụ thể là chúng ta đang trong tương giao cộng sinh, huyền bí và thật sự với nhau, hoàn toàn không có cái gọi là riêng tư thật sự.  Mọi tôn giáo lớn trên thế giới, về căn bản, đều tin như thế, bao gồm Kitô giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Lão giáo, và các tôn giáo bản địa ở châu Mỹ và châu Phi.  Không một tôn giáo nào nói rằng tội riêng không ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng.

Và điều này giải thích một vài giáo huấn của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu dạy rằng không chỉ hành động bên ngoài của chúng ta giúp đỡ, hay làm hại người khác, ngay cả những suy nghĩ trong lòng cũng vậy.  Với Ngài, không chỉ là chúng ta không được hại người mình ghét, mà còn không được có những suy nghĩ thù ghét thầm kín về người đó.  Cũng thế, giữ kỷ luật về tình dục để không phạm tội ngoại tình là không đủ, chúng ta còn phải kỷ luật cả những suy nghĩ dâm dục về người khác.

Tại sao lại thế?  Những suy nghĩ riêng tư thầm kín thì có hại gì?  Đó là, nếu chúng ta có những suy nghĩ xấu xa về người khác, cuối cùng chúng ta sẽ thực hiện chúng (và có lẽ đúng là thế).  Vấn đề ở đây là một chuyện sâu sắc hơn, một chuyện nội hàm rõ ràng trong khái niệm Kitô giáo về Nhiệm thể Chúa Kitô.

Là tín hữu Kitô, chúng ta tin rằng hết thảy đều là thành phần của một cơ thể sống, Nhiệm thể Chúa Kitô, và sự hiệp nhất này của chúng ta không chỉ mang tính ẩn dụ.  Nó là thật, thật như vật chất thể lý của một cơ thể sống.  Chúng ta không phải là một đoàn thể, mà là một cơ thể sống, nơi mọi phần đều ảnh hưởng đến nhau.  Do đó, trong một cơ thể sống, các chất xúc tác (enzyme, men tiêu hóa có tác dụng làm chất xúc tác) lành mạnh giúp cho toàn bộ cơ thể khỏe mạnh, cũng như những tế bào ung thư đe dọa sức khỏe của toàn cơ thể, thì trong Nhiệm thể Chúa Kitô cũng vậy.  Việc chúng ta làm nơi riêng tư vẫn nằm trong thân thể này.  Do đó, khi chúng ta làm việc nhân đức, kể cả trong riêng tư, thì cũng như các chất xúc tác lành mạnh, chúng ta giúp tăng cường hệ miễn dịch trong toàn bộ cơ thể.  Ngược lại, khi chúng ta bất tín, ích kỷ, phạm tội, dù là chỉ trong riêng tư, thì như một tế bào bị nhiễm độc hay ung thư, chúng ta góp phần phá hệ miễn dịch của cơ thể.  Cả chất xúc tác lành mạnh và tế bào ung thư có hại đều hoạt động một cách thầm lặng, ẩn kín.

Và quan niệm này có hệ trọng với cuộc sống riêng tư của chúng ta.  Nói đơn giản, không việc gì chúng ta suy nghĩ hay thực hiện trong riêng tư lại không ảnh hưởng đến người khác.  Những suy nghĩ và hành động riêng tư của chúng ta, như chất xúc tác lành mạnh hay tế bào nhiễm độc, đều ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể, hoặc tăng cường hoặc làm suy yếu hệ miễn dịch.  Khi chúng ta thành tín là chúng ta giúp đem lại sức khỏe cho cơ thể, khi chúng ta bất tín, chúng ta là tế bào nhiễm độc gây trở ngại cho hệ miễn dịch trong cơ thể.

Dù chúng ta thành tín hay bất tín trong riêng tư, nó vẫn tác động đến người khác, và đây không phải là một chuyện trừu tượng hay huyền bí.  Ví dụ như, một người vợ sẽ biết khi chồng mình không chung thủy, dù cho chuyện ngoại tình chưa bị bại lộ.  Hơn nữa, người ấy biết chuyện không phải do có những biểu hiện thiếu chung thủy trong hành vi và ngôn ngữ cơ thể người kia.  Không, người ấy biết ở mức độ linh tính, huyền bí, mơ hồ, vì người ấy cảm nhận được sự phản bội đang kìm kẹp sự lành mạnh và toàn vẹn của cuộc hôn nhân.  Chuyện này nghe vẫn có vẻ ẩn dụ hơn là thật, nhưng tôi mong các bạn cứ thử kiểm nghiệm trong đời thực mà xem.  Chúng ta cảm nhận được sự phản bội.

Có chuyện chúng ta biết cách có ý thức và có chuyện chúng ta biết một cách vô thức.  Có chuyện chúng ta biết được nhờ quan sát, và có chuyện chúng ta biết được nhờ trực cảm.  Chúng ta nhận thức bằng cái đầu, trái tim và linh tính, và qua cả ba yếu tố này, đôi khi chúng ta biết được chuyện gì đó bởi vì chúng ta cảm nhận nó đang gây căng thẳng hay xoa dịu linh hồn mình.  Không hề có hành động riêng tư.  Hành động riêng tư của chúng ta, cũng như hành động công khai, sẽ đem lại sức khỏe hoặc bệnh tật cho cộng đồng.

Tôi xin kết lại bài này bằng hai câu thơ góp nhặt:

Nếu thành tín, ta đem lại mối phúc lớn lao. (Parker Palmer)
Nếu bất tín, ta đem lại mối hại lớn lao.  (Rumi)

Rev. Ron Rolheiser, OMI

RẤT AN ỦI NHƯNG CŨNG RẤT ĐÁNG SỢ

“Không có gì che giấu mà không bị thố lộ; không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết!”

Tiến sĩ tâm lý Bernie Zilbergeld nói, “Không chung thuỷ gần như chắc chắn sẽ phá huỷ hoàn toàn sự tin tưởng và thân mật.  Người có một cuộc tình bí mật sẽ lừa dối như một điệp viên.  Người ấy không thể về nhà, kể lại các sự kiện trong ngày; nhưng phải nói điều này, giấu điều kia, sao cho thật an toàn!  Vì vậy, cả khi không chung thuỷ không được phát hiện, nó vẫn thay đổi con người bạn.  Từ một con người thẳng thắn, cởi mở, sang một con người bí mật, lén lút!”

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay mở rộng ý tưởng của Zilbergeld; Chúa Giêsu nói, “Không có gì che giấu mà không bị thố lộ!”  Câu nói của Chúa Giêsu khiến chúng ta phải suy nghĩ!  Đó là một câu nói ‘rất an ủi nhưng cũng rất đáng sợ’; điều này tuỳ thuộc những gì chúng ta che giấu hoặc giữ bí mật trong trái tim mình.  Lương tâm bạn đang giấu giếm điều gì?  Điều mà chỉ một mình Chúa biết!

Trước hết, đó là những người mà bên ngoài xem ra thật tốt lành, nhưng phía sau cuộc sống công khai, họ bí mật sống một cuộc sống rất khác!  Họ sống một nhân cách giả, sống hai mặt, giả hình.  Thật đáng sợ nếu phải sống như thế!  Đáng sợ, vì họ không bao giờ thực sự bình an!  Họ bị cuốn vào những gì người khác nghĩ về họ và lo lắng về hình ảnh công khai của mình trong mắt người khác; đang khi nội tâm của họ phải bị giày vò bởi những nỗi buồn, lo lắng và sợ hãi.

Dạng thức thứ hai, đó là những người sống nội tâm một cách kín nhiệm.  Đây là cuộc sống ẩn giấu của một vị thánh!  Chẳng hạn, Đức Trinh Nữ Maria.  Maria được coi như một phụ nữ ‘hoang thai’ từ rất sớm và “hình ảnh công khai” này của Maria xem ra không thể chấp nhận.  Bằng cách nào khác mà Maria có thể thụ thai?  Nhiều người nghĩ!  Thế nhưng, sự thật, linh hồn Maria là một sáng tạo đẹp đẽ, thuần khiết và thánh thiện chưa từng được thực hiện.  Và bây giờ, vẻ đẹp nội tâm của Maria được thể hiện trước các thần thánh và được ‘biểu lộ cho tất cả sự vĩnh cửu!’

“Không có gì che giấu mà không bị thố lộ” là tất cả những gì trong trái tim và lương tâm chúng ta vốn sẽ ‘được biểu lộ cho tất cả sự vĩnh cửu!’  Do đó, những người thực sự sống một đời sống thánh thiện, khiêm tốn và chân thành đối với các nhân đức ngay bây giờ, sẽ luôn được nhìn thấy trong ánh sáng này, ánh sáng vĩnh cửu; đang khi những cuộc sống đen tối vẫn có thể nhìn thấy vĩnh cửu theo một cách nào đó tuỳ vào lòng thương xót và công lý của Thiên Chúa!

Bài học quan trọng chúng ta rút ra là, hãy đào tạo cho mình một trái tim thực sự thánh thiện và thuần khiết ‘ở đây và lúc này.’  Không thành vấn đề khi không ai nhìn thấy sự thánh thiện của bạn, chỉ cần Thiên Chúa thấy nó!  Mục tiêu là cho phép Ngài hình thành một cuộc sống nội tâm đẹp đẽ cho bạn và cho phép Ngài làm cho tâm hồn bạn thật đẹp đẽ đối với Ngài.  Thật trùng hợp, điều đã xảy ra với Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay!  Một điều gì đó ‘rất an ủi nhưng cũng rất đáng sợ!’  Trước một Thiên Chúa Toàn Thánh, Isaia khiếp sợ vì thấy mình ô uế; thế nhưng, Đấng Toàn Thánh ấy cũng là một Thiên Chúa ủi an, xót thương; Ngài đã sai Thần Sốt Mến gắp hòn than đỏ thanh tẩy lưỡi Isaia, “Lỗi ngươi được xoá bỏ, tội ngươi được thứ tha!”

Anh Chị em,

“Không có gì che giấu mà không bị thố lộ!”  Chúa biết rất rõ tâm hồn chúng ta; cả khi “miệng chưa thốt nên lời, Ngài đã am tường hết.”  Sự thật này ‘rất an ủi nhưng cũng rất đáng sợ!’  An ủi vì Chúa biết hết mọi kín ẩn trong trái tim chúng ta, nhưng Ngài biết để thấu cảm, bao bọc và ngăn ngừa, thay vì tố cáo; đáng sợ, vì tâm hồn chúng ta là đền thờ của Ba Ngôi, là cung điện của Thánh Thần.  Vì thế, sẽ thật bất xứng nếu chúng ta để tâm hồn, lẽ ra phải là “nhà cầu nguyện” hóa thành nơi hoen ố, nếu không nói là “đã trở thành hang ổ trộm cướp!”  Vậy, hãy giữ cho con tim tinh tuyền, giữ cho lương tâm trong sáng, hầu xứng với nơi Thánh Thần và Ba Ngôi ngự trị.  Đừng quên, tâm hồn chúng ta là bình đựng Mình Thánh Chúa và là Nhà Tạm di động; hãy luôn là “một con người thẳng thắn, cởi mở” với Chúa và tha nhân, thay vì “bí mật, lén lút!”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, Đấng ‘rất an ủi nhưng cũng rất đáng sợ’, xin cho con luôn làm vui lòng Chúa với bất cứ giá nào; để từ trái tim con, vinh quang Chúa được ‘biểu lộ cho tất cả sự vĩnh cửu!’ Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế