DÒNG SÔNG YÊU THƯƠNG

Trong chu kỳ của một năm phụng vụ, thông thường, Giáo Hội hướng dẫn chúng ta để hiểu biết và nhận ra những gì Chúa đã làm vì yêu thương chúng ta.  Chúa Nhật hôm nay là lễ Chúa Ba Ngôi, phụng vụ hướng chúng ta đến một chủ đích hoàn toàn khác biệt: đó là chúng ta tìm hiểu xem Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là ai và bản chất của Ngài là thế nào.  Các bài đọc Lời  Chúa tìm cách đưa ra câu trả lời: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Chúa Ba Ngôi.  Ba Ngôi tách biệt nhưng chỉ là một Chúa.  Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Chúa Cha là Đấng Sáng tạo, Chúa Con là Đấng Cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa.  Như thế, mỗi người chúng ta đều là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, tức là được Chúa ban cho hiện hữu làm người, được Chúa cứu chuộc và hôm nay đang được Chúa thánh hóa hướng dẫn, để nhờ Chúa mà chúng ta đạt tới mức hoàn hảo, tức là thánh thiện.

Nói đến Chúa Ba Ngôi, chúng ta thường nghĩ ngay đến một đề tài cao siêu, khó hiểu.  Đối với nhiều người tín hữu, xem ra Chúa Ba Ngôi không có liên quan gì nhiều đến đời sống của họ.  Thực ra, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi tuy vượt trí khôn của con người, nhưng có mối liên hệ mật thiết với đời sống người Kitô hữu.  Trọn vẹn đời sống của người tin Chúa được bao bọc trong mầu nhiệm này.  Nói cách khác, Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và là đích điểm của cuộc đời chúng ta, có nghĩa nhờ Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tồn tại hiện hữu, và rồi lý tưởng mà chúng ta đang cố gắng đạt tới trong tương lai là hạnh phúc thiên đàng cũng là Chúa Ba Ngôi.  Bởi lẽ, hạnh phúc thiên đàng là được sống trong Chúa Ba Ngôi, nơi có hạnh phúc viễn mãn tràn trề.

Giáo Hội dạy chúng ta: Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một trong “ba mầu nhiệm Cả,” cùng với hai mầu nhiệm kia là mầu nhiệm Nhập thể và mầu nhiệm Cứu độ.  Danh xưng “mầu nhiệm Cả” nói lên tầm quan trọng và cốt lõi Đức tin Kitô giáo.  Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một đặc tính làm cho Đức tin Kitô giáo của chúng ta khác với Đạo Do Thái và Đạo Hồi, là hai tôn giáo  cũng được gọi là “độc thần” như chúng ta.  Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đều cùng tôn thờ Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp, tức là Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử qua các vị tổ phụ này.  Tuy vậy, chỉ có Đức tin Kitô giáo mới diễn tả Thiên Chúa Ba Ngôi, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Chính Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta điều ấy.  Trong giáo huấn của Người, Người dạy chúng ta nhận biết Chúa Cha và sống tình con thảo với Người.  Đức Giêsu cũng nhận mình là Đấng Thiên Sai, tức là được Chúa Cha sai đến trần gian để thực hiện thánh ý của Ngài.  Đức Giêsu cũng nói về Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ, Đấng ban sức mạnh và soi sáng các tín hữu để họ can đảm tuyên xưng Đức tin và thực hành những gì Người đã dạy.  Tổng hợp những gì Chúa Giêsu đã dạy, Giáo Hội tuyên xưng: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nói đến Chúa Ba Ngôi là chúng ta đề cập tới một lãnh vực thuần túy trừu tượng thiêng liêng.  Để có thể hiểu được phần nào, chúng ta phải dùng phương pháp “loại suy,” tức là so sánh với những thực tại trong cuộc sống thường ngày.  Hình ảnh dòng sông là một trong số nhiều hình ảnh được dùng để suy tư về Chúa Ba Ngôi.  Hình ảnh này diễn đạt ân sủng phong phú của Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời cho thấy đời sống nội tâm của người tín hữu trong Chúa Ba Ngôi là điều cần thiết như thế nào.

Con sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, làm cho cây cối được tươi tốt và đơm bông kết trái.  Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài.  Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có nước thì cuộc sống sẽ ra sao?  Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người.  Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy.  Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.  Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông, vũ trụ này sẽ không thể tồn tại nếu tách rời khởi tình yêu quan phòng và sáng tạo của Thiên Chúa.  Như cây cối sẽ không thể tươi tốt và đơm bông kết trái, nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông mang lại, con người sẽ không có sự sống nếu khước từ Thiên Chúa.  Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy.  Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lễ Chúa Ba Ngôi nhắc chúng ta về sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài trong vũ trụ và trong đời sống chúng ta.  Chính Thiên Chúa đã khẳng định và tình yêu thương của Ngài, khi Ngài xưng danh với ông Môisen: “Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và lòng thành tín!”  Suốt bề dày lịch sử nhân loại, Thiên Chúa vẫn luôn tỏ lòng từ bi và thương xót con người, mặc dù họ nhiều lần lầm lỗi và bội phản.  Đức Giêsu đã đến trần gian để mạc khải cho chúng ta rõ hơn về Thiên Chúa.  Vì yêu thương nhân loại, Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến trần gian.  Ai tin vào Con Thiên Chúa, sẽ tìm được bình an và sẽ được cứu độ.  Như thế, Chúa Giêsu được trao phó sứ mạng quảng diễn hình ảnh từ bi nhân hậu của Chúa Cha, để hết thảy mọi người đều có thể thân thưa với Chúa Cha với tình con thảo: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”.

Khi thiện chí sống tình con thảo với Thiên Chúa và khi chuyên cần thực thi giáo huấn của Chúa Giêsu, người tín hữu như cây được tưới mát bằng dòng suối yêu thương là Chúa Ba Ngôi.  Hơn thế nữa, họ được hòa mình vào dòng chảy yêu thương của Chúa Ba Ngôi, để chia sẻ sức sống thiêng liêng và tận hưởng hạnh phúc tuyệt vời Chúa ban cho người công chính.  Như thế, khi trọn tình yêu mến và hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, dù còn sống nơi trần gian, chúng ta đã được nếm trước vinh quang nước trời.  Bởi lẽ hạnh phúc đời đời là gì, nếu không phải là được hòa mình vào hạnh phúc của chính Ba Ngôi Thiên Chúa, để tận hưởng tình yêu viên mãn và bất tận nơi thiên quốc?

Sống trong Chúa Ba Ngôi, đòi hỏi người tín hữu phải có Đức tin và niềm xác tín.  Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng Vô Hình, chúng ta chỉ có thể cảm nhận Ngài bằng trái tim và lý trí, tức là bằng tình yêu mến và cậy trông.  Làm thế nào để thể hiện tình yêu mến và cậy trông nơi Chúa Ba Ngôi?  Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em hãy gắng nên hoàn thiện.  Hãy khuyến khích nhau.  Hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa.  Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương, sẽ ở trong anh em” (Bài đọc II).  Thì ra, Thiên Chúa cao sang là thế, lại hiện diện trong tâm hồn chúng ta là những con người nhỏ bé tầm thường.  Để được Ngài hiện diện, chúng ta chẳng phải khó nhọc tìm kiếm đâu xa, hoặc chẳng phải làm những gì to tát, nhưng đơn giản là sống hiền hòa với anh chị em mình.  Thiên Chúa ngự trong tâm hồn những người công chính và gắng tâm chu toàn luật yêu thương, vì “đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời,” như lời của một bài thánh ca chúng ta vẫn thường hát.

Khi suy tư về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta không quên nói đến việc làm dấu thánh giá.  Chúng ta làm dấu thánh giá nhiều lần trong ngày: khi thức dậy, trước khi ra khỏi nhà, trước khi lái xe, trước khi ăn cơm, trước và sau khi cầu nguyện, buổi tối trước khi đi ngủ… Dấu thánh giá đơn sơ là thế, nhưng lại là một nghi thức quan trọng.  Tuy vậy, không ít người vẫn chưa hiểu ý nghĩa của nghi thức làm dấu thánh giá: Đây là lời tuyên xưng Đức tin vào Chúa Ba Ngôi, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần.  Đây cũng là cầu nguyện để xin Chúa ban cho chúng ta những ơn lành, nhất là biết sống ơn gọi của người Kitô hữu.  Dấu thánh giá được phác họa trên thân mình, nhắc cho chúng ta niềm xác tín vào tình thương của Chúa, thể hiện qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Đây cũng là lời kinh của lòng trông cậy, với niềm xác tín Chúa Ba Ngôi là nguồn suối yêu thương sẽ đổ chan hòa ơn thánh cho những ai yêu mến Ngài.  Sau cùng, dấu thánh giá cũng nhắc nhở chúng ta: người Kitô hữu bất kể làm điều gì, bất cứ ở đâu, phải luôn luôn nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa.  Nói cách khác, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải hướng về Chúa, ý thức về những lời mình nói, những việc mình làm, để những lời nói và việc làm ấy không còn là nhân danh cá nhân, nhưng là nhân danh Chúa Ba Ngôi.  Hiểu và sống như thế, chúng ta sẽ thấm đượm chất men Tin Mừng trong mọi hành vi cử chỉ và lời nói của chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta được sống trong dòng sông ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ vậy, đời sống chúng ta sẽ luôn tìm thấy an bình.  Sống trong dòng sông này, chúng ta sẽ “như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2).

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

HAI BÀ MẸ DIỄM PHÚC

Tin mừng ngày Lễ Thăm Viếng cho chúng ta chân dung của hai người mẹ diễm phúc nhất trần gian: Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế và Bà Isave, mẹ Gioan Tiền Hô.

Cụ bà U60 bày tỏ lòng biết ơn trước thiếu nữ 16: “Bởi đâu tôi được Mẹ của Chúa tôi đến viếng thăm.”   Bà Isave tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.  Bà nghe chuyển dạ lạ thường của thai nhi tháng thứ 6 nhảy hip hop trong bụng.  Bà ca tụng Đức Mẹ: “Em thật có phúc hơn mọi người phụ nữ.”

Đức Mẹ hát bài kinh Magnificat với cả tâm tình của mình.  Mẹ hát ca khen Thiên Chúa.  Mẹ hát cho chính Mẹ, cho tổ phụ và dân tộc của Mẹ.  Mẹ hát cho mọi người hết mọi đời.  Không biết bình thường Đức Maria có hay hát không, nhưng chỉ biết rằng, hôm đó Đức Mẹ đã hát rất hay để trở thành ngôi sao tỏa sáng với bài kinh kiểu mẫu tạ ơn, ngợi khen và mãi mãi là bài ca đi cùng năm tháng của mọi kẻ tin.  Mẹ hát ở cửa nhà bà Isave, rồi lưu lại đó ba tháng.  Mẹ hát một lần mà mãi vang vọng ngàn đời.

Một cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ chan chứa niềm vui, diễn ra trong bầu khí của ân sủng.  Thánh Thần tác động trên Maria.  Thánh Thần tràn đầy bà Isave.  Thánh Thần đã hoạt động nơi thai nhi Gioan (Lc 1,15).  Đó là một Lễ Ngũ Tuần đầu tiên, bà Isave và Mẹ Maria nói và hát dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

Suy niệm về cuộc gặp gỡ kỳ diệu của hai bà mẹ cho chúng ta những bài học bổ ích.

Đức Maria đi thăm người chị họ Isave.  Dù đường sá xa xôi, vất vả, qua miền đồi núi, Đức Maria vẫn lên đường viếng thăm vì yêu thương.  Chính tình thương đã thúc đẩy bước chân Mẹ.  “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7).  Như thế, hình ảnh Đức Maria đang cưu mang Đấng Cứu Thế, băng ngàn để loan báo tin vui cũng chính là hình ảnh Isaia đã loan báo.

Cuộc viếng thăm là sự gặp gỡ giữa hai người mẹ, hai người con đang được cưu mang và giữa hai giao ước cũ và mới.

– Giữa hai người mẹ: Đức Maria thăm viếng là đem niềm vui có Chúa cho gia đình người chị họ.  Ở lại phục vụ người chị trong thời gian mang thai sinh con.  Bà Isave được ơn Thánh Thần đã xưng tụng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và đã ca tụng đức tin của Đức Mẹ.

– Giữa hai người con: Nghe lời chào của người mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế, con trẻ Gioan trong lòng mẹ Isave nhảy mừng vui sướng.

– Giữa hai giao ước: Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ là cuộc gặp gỡ giữa hai giao ước.  Thời đại mới mở ra giao ước mới.  Con Thiên Chúa làm người khai mở giao ước của thời đại ân sủng và tình yêu.

Cuộc viếng thăm của Đức Maria là cuộc viếng thăm của tình yêu.

Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra, chứ không giữ kín bên trong.  Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành hành động, không phải là một tình yêu đích thực.  Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ, hy sinh cho người thân, làm cho người thân trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui buồn.  Đức Phật nói: “Yêu nhau mà không được ở gần nhau, mà phải xa cách nhau thì sẽ đau khổ.”  Ngài gọi cái khổ ấy là “ái biệt ly khổ.”  Tục ngữ có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!” (một ngày không gặp nhau thì dài như ba năm).  Do đó, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau.

Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt vời.  Năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến.  Những người bệnh tật, già cả, những người nghèo hèn, đau khổ, những người khô khan thờ ơ, những gia đình rối rắm bất hoà…  Họ rất cần đựơc thăm viếng.  Đến thăm nhau là một phương cách tuyệt vời để biểu lộ tình huynh đệ, tình yêu thương của đạo Chúa.

Khi đến thăm bà Isave, Mẹ đem Chúa đến cho người thân của mình.  Nhờ Mẹ mang Chúa đến, nên không chỉ bà Isave vui mừng, mà hài nhi trong lòng bà cũng vui theo mà “nhảy lên” hân hoan.  Nhảy mừng diễn tả niềm vui.  Đây là niềm vui ơn cứu độ.  Sự hiện diện của Đức Maria mang đến niềm vui và còn có sự biến đổi khiến hai mẹ con bà Isave, được tràn đầy Thánh Thần, và nhờ đó nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Mẹ.  Gia đình Bà Isave là gia đình đầu tiên được Chúa Cứu Thế viếng thăm.  Đây là gia đình diễm phúc đón nhận niềm vui ơn cứu độ.

Đến thăm nhau không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng.  Nhờ ta đem Chúa đến, mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần nhờ sự hiện diện của Chúa do ta mang đến.  Chính Thánh Thần trong ta sẽ thánh hóa, biến đổi họ nên tốt lành, thánh thiện hơn.

Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe.  Đức Maria có nói gì về Chúa với Bà Isave đâu!  Chúa là tình thương, ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân, khi chính ta thật sự yêu thương họ bằng một tình yêu chân thực.  Đến với nhau bằng tình thương, bằng niềm vui là sự gặp gỡ có Chúa hiện diện rồi.  Khi người ta mang hận thù oán ghét, ý nghĩ đen tối đến với nhau thì nảy sinh bất hoà chiến tranh và đau khổ.  Ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân khi ta đến với ý muốn làm hiện thân của Chúa đối với họ, và coi họ cũng là hiện thân của Chúa đối với mình.

Thiên Chúa yêu thương nhân loại nên đã ban tặng Con yêu dấu là Đức Giêsu.  Người đến với con người trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm.  Người đem ơn cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người.  Khi còn tại thế, Đức Giêsu đã đến thăm nhiều người, nhiều gia đình.  Người quan tâm chăm sóc chữa lành những bệnh nhân.  Người giảng dạy và ân cần với những người nghèo.  Người cải hóa nhiều tội nhân.  Người biểu lộ tình yêu thương cho mọi người.  Đức Giêsu muốn chúng ta tiếp nối công việc của Người.

Một trong những vấn đề mục vụ hàng đầu của linh mục là thăm viếng giáo dân.  Khi đến một giáo xứ mới, công việc đầu tiên của linh mục là đi thăm tất cả các gia đình trong giáo xứ.  Như mục tử với đoàn chiên, linh mục biết tình hình chung, biết hoàn cảnh mọi gia đình trong xứ.  Từ đó có kế hoạch mục vụ để mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đoàn.

Các tu sĩ, các hội đoàn trong giáo xứ có những thời giờ thăm viếng mục vụ.  Đến với các bệnh nhân, người già cả, người nghèo, gia đình rối, gia đình bất hoà luôn được coi là việc tông đồ.  Đem Chúa đến với anh chị em của mình là niềm vui và là sứ mạng của người tín hữu.

Đức Maria viếng thăm, phục vụ và đem Chúa đến với gia đình bà Isave.  Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương cho mọi tín hữu noi theo Mẹ.  Dành thời giờ quý báu để thăm nhau.  Chia sẻ tình thương và đem niềm vui có Chúa cho tha nhân luôn là sứ vụ của con cái Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh chúng con.  Xin giúp chúng con biết hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu để năng đến gặp gỡ, thăm viếng nhau, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của anh chị em.  Xin giúp chúng con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để giúp đỡ những nhu cầu chính đáng của họ.  Amen!

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

LỰC AN ỦI SIÊU NHIÊN

Vài năm trước, tôi có dự một hội thảo bàn về cuộc vật lộn cam go về lòng tin của nhiều thanh niên ngày nay.  Một trong những người tham dự hội thảo, một Hiến sĩ trẻ người Canada nói tiếng Pháp, đưa ra bối cảnh này:

“Tôi làm tuyên úy cho sinh viên đại học.  Họ có niềm say mê cuộc sống, với sinh lực và sắc màu mà tôi chỉ có thể ghen tị mà thôi.  Nhưng thẳm sâu trong tất cả niềm say mê và sinh lực này, tôi để ý thấy họ thiếu niềm hy vọng bởi vì họ không có một lực siêu hình.  Họ không có một đường lối lớn, một tầm nhìn  lớn có thể cho họ tầm nhìn vượt lên bối cảnh thăng trầm trong cuộc sống hàng ngày.  Khi họ khoẻ mạnh, khi các quan hệ tốt đẹp và cuộc sống suông sẻ thì họ cảm thấy vui tươi và tràn trề hy vọng, nhưng nếu ngược lại thì họ cũng ngược lại.  Khi mọi việc không được suông sẻ thì cuộc sống của họ đảo lộn.  Họ không có bất kỳ điều gì có thể cho họ một tầm nhìn để vượt lên giây phút hiện tại lúc đó.”

Thực chất, có thể gọi điều anh mô tả là “sự bình an mà thế gian này đem lại cho chúng ta.”  Khi Chúa Giê-su nói lời từ biệt, Người so sánh hai loại bình an: một bình an Người để lại cho chúng ta, và một bình an mà thế gian có thể cho chúng ta.  Hai loại đó khác nhau như thế nào?

Loại bình an mà thế gian có thể đem lại cho chúng ta không phải là bình an tiêu cực hay xấu xa.  Đó là bình an có thực và là tốt, nhưng nó mong manh và không đủ.

Mong manh vì chúng ta có thể dễ dàng bị mất bình an đó.  Bình an, như bình thường chúng ta trải nghiệm trong cuộc sống thường dựa trên cảm giác thấy mình khoẻ mạnh, được thương yêu, được an toàn.  Nhưng tất cả đều mong manh.  Chúng có thể trở nên hoàn toàn khác chỉ sau một lần đi khám bác sĩ, sau một cơn chóng mặt bất ngờ, những cú đau ngực bất thình lình, bị mất việc, quan hệ đổ vỡ, người thương yêu tự tử, hay nhiều những kiểu phản bội có thể khiến chúng ta choáng váng.  Chúng ta gắng hết sức tìm cách bảo đảm sức khoẻ, được an toàn và các mối quan hệ tin cậy của mình, nhưng chúng ta vẫn sống với đầy âu lo vì biết rằng những điều đó luôn luôn mong manh dễ vỡ.  Chúng ta sống trong bình an nhưng đầy lo lắng.

Cũng vậy, bình an mà chúng ta trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày không bao giờ đến với chúng ta mà không kèm theo bóng đen của nó.  Như Henri Nouwen nói, có một tính chất buồn thâm nhập trong mọi giờ phút của cuộc sống chúng ta, vì vậy kể cả trong những giây phút hạnh phúc nhất của mình vẫn còn thiếu điều gì đó.  Trong mọi nỗi hân hoan đều có nhận thức về sự giới hạn.  Trong mỗi một thành công đều có nỗi sợ hãi bị ganh ghét.  Trong từng mối quan hệ bạn hữu đều có một khoảng cách.  Trong từng cái ôm đều có nỗi cô đơn.  Trong cuộc đời này không có cái gì là niềm vui hoàn toàn, nguyên vẹn.  Trong từng mẩu sự sống đều có phớt màu cái chết.  Thế gian này có thể cho chúng ta  bình an, nhưng nó không bao giờ cho chúng ta một cách trọn vẹn.

Chúa Giê-su trao tặng một bình an không mong manh, một bình an vốn đã vượt lên trên sợ hãi và lo lắng, không phụ thuộc vào việc cảm thấy khoẻ mạnh, an toàn và được thương yêu ở thế gian này.  Bình an này là gì?

Vào bữa ăn tối cuối cùng lúc Người sắp chết, Chúa Giê su để lại bình an cho chúng ta.  Đó là gì?  Đó là sự bảo đảm vô điều kiện rằng chúng ta được nối với gốc rễ sự sống theo một cách mà không điều gì, tuyệt nhiên không một điều gì, có thể chia cắt – dù ốm đau bệnh tật, dù bị phản bội, thậm chí kể cả chính tội lỗi của ta.  Chúng ta được thương yêu vô điều kiện và được bao bọc bởi chính nguồn sự sống, và không gì có thể thay đổi điều đó.  Không gì có thể thay đổi tình yêu vô điều kiện của Chúa dành cho chúng ta.

Đó là lực siêu hình mà chúng ta cần có để giữ hướng nhìn vững vàng qua những thăng trầm trong cuộc sống.  Chúng ta giống như các diễn viên trong một vở kịch.  Kết cục của câu chuyện đã được viết sẵn, và đó là một kết cục hạnh phúc.  Chúng ta biết rằng cuối cùng mình sẽ hân hoan thắng lợi, cũng như biết mình sẽ gặp vài màn gập ghềnh gian khổ trước khi tới kết cục đó.  Nếu chúng ta luôn nhớ như vậy, chúng ta có thể bền gan hơn để chịu đựng những thảm kịch chết người đang chờ chúng ta.  Chúng ta được bảo bọc vô điều kiện bởi chính nguồn sống – chính Chúa.

Nếu đó là sự thật, và đúng là như vậy, thì chúng ta được bảo đảm chắc chắn cho cuộc sống, cho sự toàn vẹn và hạnh phúc vượt lên trên mất mát tuổi thanh xuân, mất mát sức khoẻ, mất thanh danh, bạn bè phản bội, người thương yêu tự tử, và kể cả vượt lên trên những tội lỗi và phản bội của chính chúng ta.  Cuối cùng, như Julian vùng Norwich nói, mọi chuyện rồi sẽ ổn, và rồi mọi chuyện đều ổn, mọi cách hiện hữu đều sẽ ổn.

Và chúng ta cần tới sự bảo đảm này.  Chúng ta sống trong nỗi âu lo thường trực vì cảm thấy sức khoẻ, an toàn, các mối quan hệ đều mong manh, rằng bình an của chúng ta dễ dàng biến mất.  Chúng ta cũng sống trong nỗi hối hận về những tội lỗi và phản bội của mình.  Chúng ta sống trong nỗi bứt rứt băn khoăn về những mối quan hệ đã đổ vỡ hay những người thân yêu suy sụp vì cay đắng hay ra đi bằng cách tự tử.  Bình an của chúng ta mong manh và đầy lo lắng.

Chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn món quà của Chúa Giê-su trao tặng cho chúng ta trước khi Người từ biệt: Thầy để lại bình an cho các con, một bình an không ai có thể tước mất của các con: Hãy biết rằng các con được thương yêu và bảo bọc vô điều kiện.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

QUÀ TẶNG BÌNH AN

Theo Tin Mừng Thánh Gio-an, vào buổi chiều của chính ngày Phục sinh, tức là ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giê-su phục sinh đã ban Thánh Thần cho các môn đệ.  Trong lúc các cửa nhà đều đóng kín, Chúa Giê-su hiện đến với các ông, và cùng với lời cầu chúc bình an, Chúa thổi hơi trên các ông kèm theo lời tuyên bố: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (x. Ga 20, 19-23).

Theo tác giả sách Công vụ Tông đồ, thì Chúa Thánh Thần lại đến với các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần, tức là năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua.  Chúa Thánh Thần ngự đến, trong lúc các ông sốt sắng cầu nguyện, với sự hiện diện của Đức Ma-ri-a, Mẹ của Chúa Giê-su.

Thực ra, Chúa Thánh Thần là quà tặng mà Đấng Phục sinh ban cho các môn đệ ngay từ khi Người từ cõi chết sống lại.  Ngày lễ Ngũ Tuần chỉ là sự công khai biểu dương sức mạnh của Ngài, và cũng để chứng minh những gì Chúa Giê-su đã hứa trước đó về việc sẽ xin Chúa Cha sai đến một Đấng Phù trợ.  Đây cũng là ngày Giáo Hội được giới thiệu chính thức với toàn thể thế giới.  Vì vậy mà lễ Hiện Xuống được coi như ngày khai sinh của Giáo Hội.  Giáo Hội đã được thành lập từ khi Chúa Giê-su quy tụ những ai tin vào Người, và cộng đoàn những người tin ấy đã được long trọng giới thiệu với toàn thể thế giới vào ngày lễ Ngũ Tuần.  Tính chất hoàn vũ được thể hiện qua việc thánh Phê-rô rao giảng bằng một thứ ngôn ngữ (có thể đó là tiếng Hipri), mà khách hành hương đến từ khắp nơi đều có thể hiểu được.  Chính Chúa Thánh Thần tác động nơi thánh Phê-rô, đồng thời mở lòng khách hành hương, giúp họ hiểu được Chân lý mà thánh Phê-rô rao giảng, đồng thời chấp nhận gia nhập cộng đoàn mới mẻ này.  Ngay trong ngày hôm ấy, số tân tòng đông đến ba ngàn người (Cv 2,41).

Kể từ giây phút Đấng Phục sinh ban Thánh Thần cho các tông đồ, Chúa Thánh Thần đã luôn hiện diện trong Giáo Hội.  Kể từ ngày lễ Ngũ Tuần năm ấy, Ngôi Ba Thiên Chúa luôn hoạt động nơi các tín hữu.  Ơn ban của buổi chiều ngày Phục sinh cũng chính là Lửa ngự đến trên các tông đồ.  Chúa Thánh Thần là quà tặng bình an của Chúa Giê-su ban cho toàn thế giới.

Những bài giáo lý sơ đẳng nói với chúng ta: Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa.  Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra.  Ngài là Tình yêu.  Ngài cũng là linh hồn của Giáo Hội.  Nhờ Chúa Thánh Thần hoạt động không ngừng, mà Giáo Hội của Chúa Ki-tô đứng vững trước mọi cơn bão táp của lịch sử, để luôn trung thành với giáo huấn của Chúa Giê-su.

Những kiến thức trên đây hoàn toàn chính xác, nhưng mới chỉ là lý thuyết.  Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống vừa nhắc chúng ta sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, vừa mời gọi chúng ta hãy luôn sống theo sự hướng dẫn của Ngài.  “Hãy sống theo Thần Khí!”  Thánh Phao-lô nhắc đi nhắc lại với các tín hữu Ga-lát điều này.  Cuộc sống nơi thế gian là một cuộc chiến không ngừng.  Đó là cuộc chiến giữa tối tăm và ánh sáng, giữa tội lỗi và thánh thiện.  Người tín hữu muốn nên trọn lành, phải lựa chọn sống theo Thần Khí, tức là lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần.  Giữa bao âm thanh hỗn độn ồn ào của cuộc sống xô bồ, cần có tâm hồn thinh lặng và thiện chí lắng nghe.  Chúa Thánh Thần vẫn đang ngỏ lời với chúng ta.  Ngài là “ngôn ngữ” của Thiên Chúa.  Hình lưỡi lửa đậu xuống trên các tông đồ cho thấy Ngài vừa là lửa, vừa là ngôn ngữ.  Lửa để sưởi ấm. Ngôn ngữ để dạy dỗ.

Cuộc sống là cuộc chiến đấu khắt khe và nghiệt ngã.  Để giúp các tín hữu Ga-lát hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu này, thánh Phao-lô đã liệt kê những việc làm của xác thịt và những hoa quả của Thánh Thần.  Có đến 15 nết xấu được liệt kê, trong khi đó chỉ có 9 đức tính được gọi là hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Bài đọc II).  Điều này chứng minh sự nghiệt ngã và cam go của cuộc sống.  Sống trên đời, con người bị giằng xé giữa tội lỗi và ân sủng.  Không ít người đã không thắng nổi chính mình, và đã rơi vào vòng xoáy của những tham vọng trần thế, dập tắt lửa Thánh Thần để buông theo cơn lốc đam mê.

Như thế, đón nhận Chúa Thánh Thần chính là thực thi những hoa trái của Ngài trong cuộc sống cụ thể của chúng ta.  Những hoa trái này được thánh Phao-lô liệt kê như sau: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.  Chúa Thánh Thần vừa là Đấng ban cho chúng ta những hoa trái này, đồng thời Ngài cũng chính là những hoa trái này ở mức độ hoàn hảo nhất.  Ngài chính là quà tặng bình an mà Đấng Phục sinh ban tặng cho thế giới của chúng ta.

Lễ Hiện Xuống năm nay cũng là Chúa nhật cuối cùng của Tháng Hoa kính Đức Mẹ.  Như xưa Mẹ đã hiện diện giữa các môn đệ vào giây phút Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nay xin Mẹ giúp chúng ta đón nhận Quà tặng bình an.  Nhân loại hôm nay đang bị tổn thương trầm trọng do chia rẽ, xung đột và bạo lực.  Xin Chúa ban Thánh Thần bình an của Ngài để nâng đỡ và nối kết chúng ta.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

GIỜ TÔN VINH

“Lạy Cha, giờ đã đến!  Xin Cha tôn vinh Con Cha!”

Oswald Chambers nói, “Lựa chọn đau khổ luôn bao hàm một điều gì đó sai trái; chọn ý muốn của Thiên Chúa, cả khi điều đó có nghĩa là đau khổ, lại là điều hoàn toàn khác!  Không vị thánh nào chọn đau khổ; họ chọn ý muốn của Thiên Chúa, cho dù điều đó có nghĩa là đau khổ hay không.  Chọn ý muốn của Chúa, họ tôn vinh Ngài.  Và như Chúa Giêsu, giờ tôn vinh tột cùng nhất của họ là lúc họ hiến mình vì Ngài cho đến chết!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Giờ tôn vinh tột cùng nhất của họ là lúc họ hiến mình vì Ngài cho đến chết!”  Câu nói của Oswald Chambers giúp chúng ta phần nào hiểu được lời cầu nguyện rất khác thường của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “Lạy Cha, giờ đã đến!  Xin Cha tôn vinh Con Cha!”  Nào có ai cầu xin tôn vinh chính mình?  Vậy ‘giờ tôn vinh’ này phải được hiểu thế nào?

Trước hết, ‘giờ tôn vinh’ Chúa Giêsu nói đây chính là ‘giờ đóng đinh’ của Ngài trên thập giá.  Điều này xem ra mâu thuẫn; vì lẽ, Ngài vừa nói đến tôn vinh vừa ám chỉ một khoảnh khắc chết chóc.  Nhưng, từ góc độ thiêng liêng, Chúa Giêsu coi đó là giờ vinh quang thực sự của Ngài.  Đó là giờ Ngài được Cha Trên Trời tôn vinh vì Ngài đã hoàn thành thánh ý Chúa Cha một cách hoàn hảo khi hoàn toàn chấp nhận cái chết để cứu rỗi thế giới, một cái chết nói lên rằng, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một!”; và Con của Ngài đã thể hiện tình yêu cứu độ đó đối với con người đến mức chết trên thập giá!

Bạn và tôi cũng phải nhìn thấy điều này từ quan điểm con người!  Từ cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải ý thức ‘giờ tôn vinh’ này là điều mà chúng ta cũng có thể liên tục nắm lấy để thánh giá đời mình cũng có thể trổ sinh hoa trái cứu độ.  ‘Giờ tôn vinh’ của Chúa Giêsu là điều mà chúng ta phải thường xuyên sống.  Bằng cách nào?  Bằng cách không ngừng ôm lấy thánh giá đời mình hầu nó cũng là giây phút dâng lên Chúa Cha ngàn vinh quang.  Khi làm điều này, thánh giá của chúng ta mang một chiều kích thiêng thánh; bởi lẽ, nó đã trở nên nguồn ân sủng cứu độ của Thiên Chúa như thánh giá của Con Một Ngài!

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy, chính thánh Phaolô đã sống tâm tình hiến dâng đó; ngài nói với các tín hữu Êphêsô, “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy đến cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng, xiềng xích và gian truân đang chờ tôi.”  Phải!  Thánh giá đang chờ Phaolô, ‘giờ tôn vinh’ của Phaolô đã được chuẩn bị sẵn sàng!

Anh Chị em,

“Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha!”  Như Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa Cha điều này.  Vẻ đẹp của Tin Mừng là mọi đau khổ chúng ta chịu, mọi thập giá chúng ta vác, đều là cơ hội để biểu lộ thập giá của Chúa Kitô.  Chúng ta được Ngài mời gọi không để tìm vinh quang cho mình; nhưng để không ngừng dâng ngàn vinh quang cho Thiên Chúa bằng cách sống sự đau khổ và cái chết của Ngài chính trong cuộc đời mình.  Hãy biết rằng, trong Chúa Kitô, những khó khăn đó có thể thông phần vào tình yêu cứu rỗi của Ngài nếu bạn dám tháp nhập thánh giá đời mình vào thập giá của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không chọn đau khổ; con chọn ý muốn của Chúa!  Đừng để con tìm vinh quang thế gian, một tìm vinh quang Chúa, cho dù phải khổ đau!”  Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

THÁNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ

1. Tên gọi nguyên thủy của tháng 5:

Tháng 5 trong lịch Gregoriana được gọi bằng tiếng La-tinh là Maius.  Các ngôn ngữ có gốc La-tinh cũng đều sử dụng chữ Maius này để đặt tên cho tháng 5 của mình: Mai (tiếng Pháp), May (tiếng Anh), Maggio (tiếng Ý), và Mai (tiếng Đức) v.v…  Nó có nghĩa là Mùa Xuân.

Theo chứng tích của một loạt các tác giả La-tinh, thì Maius là tên của một nữ thần mà người Rô-ma cổ đại rất tôn kính.  Cứ vào đầu tháng 5, tức tháng Maius, thì một vị tư tế của thần Volcanus – tức thần lửa – sẽ dâng cho nữ thần Maius những tế phẩm mới.  Cũng có thể vì thế mà nữ thần Maius còn có một tên gọi khác là “Maia Vulcani,” tức Vợ của thần Volcanus.  Người Rô-ma xưa đã đặt tháng Maius là tháng đầu tiên trong năm canh nông.  Dưới thời hoàng đế Nê-rôn (37- 68), tháng Maius đã được đổi tên thành tháng Claudius, tức tên của chính vị bạo chúa này.  Rồi dưới thời hoàng đế Commodus (161 – 192), tháng này đã bị đổi tên thành Lucius, tức tên của chính ông.  Tuy nhiên, sau khi vị hoàng đế này qua đời, tháng 05 lại được gọi theo tên nguyên thủy là Maius.

Theo lịch của người Rô-ma cổ đại, trước khi lịch Julian xuất hiện, thì tháng Maius là tháng thứ ba.  Còn theo lịch Julian, thì tháng này là tháng thứ năm với 31 ngày.  Điều đặc biệt của tháng 5 là ngày đầu tiên của tháng này luôn luôn trùng Thứ (tức ngày trong Tuần) với ngày mồng 01 của tháng 01 năm sau, ví dụ: ngày mồng 01 tháng 5 năm 2020 rơi vào ngày thứ Sáu, thì ngày mồng 01 tháng 01 năm 2021 cũng là ngày thứ Sáu.  Trong khi các tháng khác, không tháng nào có ngày đầu tiên trùng Thứ như thế.

2. Tháng  5 – Tháng Hoa Kính Đức Mẹ:

Vậy tại sao người ta lại đặt tên cho tháng 5 – tháng Maius – là tháng Đức Maria, hay tháng Hoa Kính Đức Mẹ?  Như đã nói ở trên, tháng Maius là tháng thứ ba theo lịch Rô-ma cổ đại.  Người Rô-ma thời ấy dành riêng tháng này để tôn kính Nữ Thần Mùa Xuân cũng như để mừng kính sự Đâm Chồi Nẩy Lộc sau một mùa Đông héo tàn.  Người Rô-ma xưa cũng gọi nữ thần này là Iupiter Maius.  Cũng có thời gian người Rô-ma coi ngày mồng 01 tháng 5 là ngày Lập Hạ.  Vì sự nở rộ của các loài hoa cũng như vì sức sống của Mùa Xuân, nên tháng 05 đã được coi là tháng đẹp nhất trong năm.

Còn theo truyền thống Công giáo, Đức Maria được coi là “người đẹp nhất trong giới phụ nữ.”  Trong linh đạo Công giáo, Đức Maria luôn được coi là “Đóa hồng của ơn cứu độ,” hay “Mùa Xuân của ơn Cứu Độ.”  Vào đầu thời Trung Cổ, các bức ảnh hay bức tượng của Đức Mẹ thường được đặt ở giữa những bông hoa, vì các loài bông, đặc biệt là bông hồng, chính là biểu tượng cho sự “tràn đầy ân sủng” của Đức Maria.  Và những bông hoa ấy cũng là biểu tượng của Địa Đàng đã mất.  Bên cạnh đó, truyền thống Công giáo cũng thường trình bày Đức Maria là “Bông Hồng không gai”, hay “đóa hoa đẹp nhất.”  Trong khi đó, các bông Đuôi Diều, Hải Quỳ và Cẩm Chướng lại được dùng để làm biểu tượng cho “sự đau đớn của Đức Mẹ,” còn những bông Linh Lan thì được dùng để làm biểu tượng cho sự tràn đầy ân sủng của Người, cũng như là biểu trưng cho ơn cứu độ thế giới.

Người ta đoán rằng, việc dành tháng 5 để tôn kính Đức Maria đã có tại Tây-Ban-Nha và Bồ-Đào-Nha ngay từ hồi thế kỷ XIII.  Hồi ấy, một vài xứ đạo của hai quốc gia trên đã sử dụng tháng 05 để tổ chức những cuộc rước hoa, cũng như để đem những bó hoa đến dâng kính cho Đức Mẹ.  Còn tại Thụy Sĩ, việc dành ngày đầu tháng 5 để tôn kính Đức Mẹ đã có từ đầu thế kỷ XIV với Chân Phúc Heinrich Seuse (Henri Suzo [OP] – 1297-1366): cứ vào ngày đầu tiên của tháng 05, thì Ngài sẽ dành cho Đức Mẹ một sự tôn kính đặc biệt, và dùng những bông hoa để trang hoàng cho những bức tượng của Đức Mẹ.  Ở Ý, vào thế kỷ XVI, Thánh Philiphê Neri (1515-1595) luôn có thói quen là cứ đến ngày mồng 01 tháng 5 hàng năm thì tập trung các em thiếu nhi Công Giáo lại quanh bàn thờ Đức Mẹ để dâng cho Người những bông hoa tươi thắm và đầy sắc hương.  Có tài liệu cho rằng, ngay từ đầu thế kỷ XVII, các nữ tu Dòng Phanxicô tại vùng Napoli của Ý, đã dành cả tháng 05 như là tháng để cử hành việc tôn kính Đức Mẹ cách long trọng trong thánh đường kính thánh Clara của Dòng mình: chiều nào các Nữ Tu ấy cũng đều hát kinh kính Đức Mẹ, kết hợp với việc nhận Phép Lành Mình Thánh Chúa.  Và kể từ đó, tháng kính Đức Mẹ đã nhanh chóng lan rộng ra khắp các Giáo xứ trong vùng.  Tuy nhiên, cũng có tài liệu cho rằng, việc dành cả tháng 5 để làm tháng Hoa kính Đức Mẹ chỉ mãi tới thế kỷ XVIII mới xuất hiện lần đầu tiên tại Ý.  Dù sao thì sang thế kỷ XIX, việc sử dụng tháng 05 như là tháng Hoa Kính Đức Mẹ đã trở nên khá phổ biến tại khắp Âu Châu.  Vào ngày mồng 01 tháng 5 năm 1841, ba Nữ Tu Dòng Chúa Chiên Lành đã cử hành việc dâng hoa kính Đức Mẹ lần đầu tiên tại Tu Viện Haidhausen của họ ở München, Đức Quốc, và đó cũng được coi là buổi tiến hoa kính Đức Mẹ đầu tiên tại Đức.

Ngoài việc tiến hoa kính Đức Mẹ ra thì nội dung của các buổi cử hành này cũng rất phong phú và đa dạng.  Trước khi tiến hoa, người ta thường Lần Chuỗi, đọc các bài suy niệm về Đức Mẹ, cũng như đọc nhiều những lời nguyện cầu cùng Đức Mẹ, và hát những ca khúc khác để mừng kính Người.  Vào ngày mồng 01 tháng 05 năm 1965, Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã công bố Thông Điệp “Mense maio” để chính thức nhìn nhận tháng 05 là tháng kính Đức Mẹ trong Giáo hội Công giáo.  Ngài cho rằng, “quả là một truyền thống quý báu khi các vị tiền nhiệm đáng kính của Cha vẫn luôn chọn tháng 5, tức tháng Kính Đức Mẹ, để mời gọi toàn dân Ki-tô giáo cùng nhau cầu nguyện mỗi khi Giáo hội có nhu cầu, hay mỗi khi có một mối nguy hiểm nào đó đe dọa thế giới” (số 3).

Ngoài ra, tháng 5 không chỉ được gọi là tháng kính Đức Mẹ Thiên Chúa, nhưng đôi khi, tháng này cũng còn được người Công giáo gọi là Vầng Nguyệt Maria.  Việc tôn kính Đức Maria trong tháng này thường được cụ thể hóa bằng việc Lần Chuỗi kết hợp với việc dâng tiến hoa.

3. Tháng Hoa tại Việt Nam

Việt nam là quốc gia có khí hậu nhiệt đới nên hoa nở quanh năm ngày tháng.  Có một số loài hoa chỉ nở theo mùa như hoa Mai, hoa Đào, hoa Gạo, hoa Bằng Lăng hay hoa Phượng v.v…, nhưng cũng có những loài hoa nở mọi lúc, mọi nơi, chẳng hạn như hoa Hồng, hoa Huệ hay hoa Cúc v.v…  Tuy nhiên, có lẽ tháng 5 là tháng đa dạng và phong phú nhất của các loài hoa.  Người Việt nam vốn rất yêu hoa và luôn dành cho hoa một sự trân trọng đặc biệt.  Rất nhiều bậc cha mẹ muốn sử dụng tên của các loài hoa để đặt tên cho con gái của mình, chẳng hạn như Huệ, Phượng, Mai, Đào, Lan hay Cúc v.v…  Khi việc dành tháng 5 như là tháng Hoa để tôn kính Đức Maria được du nhập vào Việt nam, thì các tín hữu Công giáo ở đây đã hưởng ứng với tất cả sự hồ hởi.  Chính vì thế, việc tiến hoa kính Đức Mẹ trong tháng 5 đã mau chóng được tổ chức tại hầu hết các Giáo xứ.  Trước đây, trong các buổi tiến hoa, việc Lần Chuỗi luôn được coi là thành phần quan trọng và không thể thiếu.  Tuy nhiên, ngày nay, một số nơi xem ra đã bỏ qua việc Lần Chuỗi, và chỉ chú trọng tới việc tiến hoa mà thôi.  Bỏ Lần Chuỗi trong các buổi tiến hoa như thế, không biết có nên và có tốt hay không?  Dù gì thì đó cũng là một cách thực hành không sát lắm với truyền thống.  Trước đây, các buổi tiến hoa trong tháng 5 thường được tổ chức khá đơn giản, với 5 cặp tiến hoa đại diện cho năm sắc hoa.  Những thiếu nữ trên dưới 10 tuổi được chọn để làm người tiến hoa được gọi là những “Con Hoa.”  Tuy nhiên, trong nhiều xứ đạo ngày nay, việc tiến hoa đã được tổ chức hết sức cầu kỳ và trang trọng.  Người ta không còn chỉ sử dụng 10 “Con Hoa” để dâng hoa nữa, nhưng đã sử dụng tới cả trăm Con Hoa hoặc hơn nữa.  Các Con Hoa bây giờ không chỉ là các thiếu nữ trên dưới 10 tuổi, nhưng còn là những phụ nữ thuộc đủ mọi lứa tuổi, và thậm chí có cả nam giới nữa.  Những buổi dâng hoa với các Con Hoa thuộc đủ mọi giới và đủ mọi lứa tuổi như thế, được gọi là những buổi Đại Đồng Tiến Hoa.

Kết luận

Để kết thúc bài viết này, xin được nhắc lại nguyên văn những lời sau đây của Đức Thánh Cha Phao-lô VI: “Chính vì tháng 5 luôn khơi lên những lời cầu nguyện thẳm sâu và đầy lòng tín thác, và cũng vì trong tháng 5 này, những lời khẩn xin của chúng ta có thể dễ dàng đến được với trái tim đầy nhân hậu của Đức Nữ Trinh, nên việc chọn tháng 5 này để kêu mời Dân Ki-tô giáo cùng nhau cầu nguyện bất cứ khi nào Giáo hội có nhu cầu, hay bất cứ khi nào thế giới bị đe dọa bởi một mối nguy nào đó, là một thói quen rất quý báu mà các vị tiền nhiệm của Cha đã thực hiện.  Và kể cả chúng ta nữa, hỡi các bậc chư huynh đáng kính, trong năm [mừng kỷ niệm lần thứ 50 ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima – (dg)] này, cũng cảm thấy cần phải đưa ra cho toàn thế giới Công giáo một lời kêu mời tương tự.  Thực ra, khi chúng ta nghĩ tới những nhu cầu hiện tại của Giáo hội, cũng như nghĩ tới sự bình an của thế giới, thì chúng ta sẽ có đủ mọi lý do chính đáng để tin rằng, đây chính là giờ phút đặc biệt nghiêm trọng và khẩn thiết hơn bao giờ hết, đòi buộc chúng ta phải kêu gọi toàn dân Ki-tô giáo cùng nhau cầu nguyện” (Mense maio, 3).

Lm. Đa-minh Trần Tiến Thiệu

HƯỚNG VỀ QUÊ TRỜI

Người Kitô hữu “sống ở thế gian mà không thuộc về thế gian.”  Họ có bổn phận  gắn kết và cộng tác xây dựng cuộc sống trần gian, nhưng họ lại không thuộc về thế gian, cũng như Chúa Giêsu không thuộc về thế gian (x. Ga 17,14).  Cuộc sống trần gian chỉ là cõi tạm, vì quê hương đích thực của người tín hữu là Quê Trời.  Dù được mời gọi gắn bó với cuộc sống trần thế, cùng nhau xây dựng trần gian như “phác thảo đời sau,” nhưng người tín hữu không được quên bổn phận quan trọng là phải luôn hướng về Quê Trời.  Lễ Thăng Thiên là dịp để chúng ta suy tư điều ấy.

Chúa Giêsu về trời, vì Người từ trời mà đến.  Người là Đấng Thiên sai, được Chúa Cha sai đến trần gian để thiết lập vương quốc hòa bình và yêu thương.  Trong ba năm loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn cố gắng thực hành Thánh ý Chúa Cha, dù gặp nhiều chống đối và gian nan thử thách.  Cuộc khổ hình thập giá và nhất là sự phục sinh vinh hiển, chính là chiến thắng của yêu thương trên hận thù, của Thiên Chúa trên thế gian và của ánh sáng trên bóng tối.  Hôm nay, chúng ta mừng Chúa về trời, trong tiếng reo hò của các thiên thần.  Chúa về trời như một cuộc khải hoàn vinh thắng, như một vị vua hồi loan sau trận chiến huy hoàng.  Thánh Phaolô đã trình bày sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu như sự biểu dương mà Chúa Cha dành cho người Con Chí Ái.  Quả thực, Chúa Cha đã tôn vinh Đức Giêsu và đặt người bên hữu.  Đây là cách diễn tả sự ngang hàng giữa Chúa Cha và Chúa Con, và vinh dự mà Chúa Cha ban cho Chúa Con (Bài đọc II).

Nếu Chúa Giêsu đã về trời, thì Người lại không lìa xa chúng ta.  Người đã hứa: “Này đây Thày ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28,20).  Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh lời hứa của Chúa Giêsu.  Nhờ có Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội mà cộng đoàn Kitô hữu ban đầu từ một nhóm nhỏ những người dân chài chất phác đơn sơ đã trở thành một cộng đoàn đông đảo hiện diện trên toàn thế giới.  Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến trần gian để tiếp nối công việc của Chúa Giêsu, nhất là liên kết mọi nền văn hóa, mọi chủng tộc và mọi ngôn ngữ thành cộng đoàn duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.  Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội để củng cố Đức tin và niềm hy vọng của chúng ta vào đời sau.  Chính trong niềm xác tín ấy mà Giáo Hội hôm nay tuyên xưng và cầu nguyện với Chúa Cha: “Người lên trời, không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Ðầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước” (Kinh Tiền tụng lễ Thăng Thiên).

Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, mà là một dân đang lữ hành, tức là đang tiến bước.  Đích điểm mà Giáo Hội đang tiến tới, đó chính là Quê Trời, nơi Chúa Giêsu đã về để hưởng vinh quang với Chúa Cha.  Người tín hữu là thành phần của Giáo Hội, đang tiến bước cùng với anh chị em mình.  Trong cuộc lữ hành này, còn nhiều thử thách gian nan.  Có những người gục ngã vì thất vọng hoặc vì chông gai trên đường.  Cũng như bất kỳ người lữ hành nào, người Kitô hữu phải kiên trì, cố gắng trung tín để đến đích mình mong đợi.  Trong cuộc lữ hành về Quê Trời, chúng ta không đơn lẻ, nhưng có Chúa đồng hành với chúng ta.  “Thầy không bỏ các con mồ côi.  Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng” (Ga 14,13).  Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta còn có Chúa Thánh Thần đồng hành trên mỗi bước đường của cuộc sống.  Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta làm chứng cho Đức Giêsu: “Khi nào Thần Khí Sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.

Vì luôn hướng về Quê Trời như đích điểm và lý tưởng của mình, người Kitô cần có cái nhìn siêu nhiên trong đời sống hằng ngày, nhất là trong những thực hành Đức tin.  Tác giả Luca làm chúng ta ngỡ ngàng, khi ghi lại câu hỏi của một vài môn đệ: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israen không?”  Chúng ta ngỡ ngàng, vì những môn đệ này là những người đã chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa, và đã được gặp Người từ cõi chết sống lại.  Vậy mà lúc này, đầu óc các ông còn đầy những tư tưởng trần gian và những tham vọng thế tục.  Họ vẫn mang hình ảnh một Đấng Thiên sai trần gian, với hy vọng lúc đó họ cũng được hưởng lợi lộc do việc Thầy mình khôi phục một quyền bính trần tục.  Trong thực tế hôm nay, đây đó vẫn còn những tín hữu mang một quan niệm thuần túy trần gian về giáo huấn của Chúa và về ân sủng của Người.  Đó là một đức tin vụ lợi, thích chạy theo những điều ngoạn mục và giật gân.  Đến một lúc nào đó, khi không đạt được những điều họ kỳ vọng, cái mà họ gọi là “đức tin” nơi họ sẽ sụp đổ và thay vào đó là sự bất mãn tiêu cực.

Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời.  Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”  Lời của vị sứ thần muốn nhắn nhủ các môn đệ và nhắn nhủ chúng ta: hãy cố gắng thực thi những gì Chúa đã dạy, trong khi chờ đợi Người đến trong vinh quang.  Hãy trở về với cuộc sống trần thế, với tâm trạng đổi mới, với niềm hân hoan phấn khởi, vì Chúa đang hiện diện giữa chúng ta.  Hơn nữa, hãy thực hiện điều Chúa đã truyền trước khi về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”  Đây chính là bổn phận của chúng ta.  Khi thực hiện những điều này, chúng ta chứng tỏ chúng ta đang hướng về Quê Trời.

Lễ Chúa Giêsu lên trời không phải là kết thúc, nhưng là khởi đầu một chặng đường mới, chặng đường của chứng nhân.  Mỗi chúng ta hãy lên đường, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mạnh mẽ can đảm làm chứng cho Chúa, như Người đang mời gọi chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

ĐỐI DIỆN VỚI THĂNG THIÊN

Một người bạn của tôi, khá yếm thế về Giáo hội, gần đây đã nói: “Thể chế Giáo hội ngày nay đang cố đưa ra bộ mặt tốt nhất trước sự thật nó đang chết dần. Về căn bản, Giáo hội đang cố gắng đối diện với cái chết”.

Điều ông muốn nói, Giáo hội thời nay, như người đang cố đấu tranh để chấp nhận căn bệnh nan y, đang cố tái định hình một hình ảnh của mình để cuối cùng có thể thích nghi với chuyện không thể nghĩ đến nỗi, đó là cái chết của chính mình.

Ông nói đúng khi cho rằng Giáo hội thời nay đang cố tái định hình một hình ảnh của mình, nhưng ông đã sai về chuyện mà Giáo hội đang cố đối diện. Cái mà giáo hội đang cố đối diện thời này, không phải là cái chết, mà là sự thăng thiên. Cái cần tái định hình trong hình dung của chúng ta thời nay cũng giống như điều cần định hình trong hình dung của các tông đồ trong bốn mươi ngày giữa biến cố phục sinh và thăng thiên. Một lần nữa, chúng ta cần hiểu cách để buông bỏ một thân thể của Chúa Kitô để thân thể đó thăng thiên rồi chúng ta có thể cảm nhận sự Hiện xuống. Đâu là điểm quan trọng cấp bách trong chuyện này?

Trong mầu nhiệm vượt qua, thăng thiên là chuyện chúng ta ít hiểu nhất. Rõ ràng chúng ta thấy được ý nghĩa của cái chết và phục sinh của Đức Kitô, cũng như sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần trong lễ Hiện Xuống. Nhưng chúng ta ít hiểu hơn về thăng thiên.

Bốn mươi ngày giữa Phục Sinh và Hiện Xuống, không phải là thời gian thuần vui mừng đối với các tông đồ. Đó là thời gian của vui mừng, đúng, nhưng cũng là thời gian của mơ hồ, nản lòng và mất đức tin. Trong những ngày trước sự thăng thiên, các tông đồ quá đỗi vui mừng mỗi khi họ được gặp Chúa phục sinh của mình, nhưng hầu hết thời gian, họ hoang mang, nản lòng và đầy hoài nghi, vì họ không được thấy sự hiện diện mới của Đức Kitô trong những chuyện xảy ra quanh họ. Có lúc, họ hoàn toàn từ bỏ, như thánh Gioan đã kể lại, họ trở lại với cuộc sống trước đây, đi đánh cá ngoài khơi.

Tuy nhiên, trong thời gian đó, Chúa Giêsu dần dần tái định hình hình dung của họ. Cuối cùng, họ hiểu được sự thật, rằng có một sự đã chết đi, nhưng có một sự khác còn phong phú hơn nhiều đã sinh ra, và giờ họ cần từ bỏ cách thức mà trước đây Chúa Giêsu đã hiện diện với họ ngỏ hầu Ngài có thể hiện diện với họ theo một cách mới. Thần học và linh đạo về thăng thiên, căn bản gói gọn trong những lời này: Từ chối bám chặt vào những gì từng có, buông bỏ nó để có thể nhận ra sự sống mới chúng ta đang sống và đón nhận sinh khí của sự sống ấy. Các phúc âm nhất lãm dạy cho chúng ta điều đó khi mô tả cảnh thăng thiên, khi Chúa Giêsu trong thân xác chúc lành mọi người rồi bay về trời. Thánh Gioan cũng cho chúng ta một thần học như thế, nhưng theo hình ảnh khác. Ngài nêu lên chuyện này khi mô tả cảnh Chúa Giêsu gặp Maria Magdalena vào buổi sáng Phục Sinh, khi Ngài bảo: “Maria, đừng giữ ta!”

Hôm nay, giáo hội đang cố đối diện sự thăng thiên, chứ không phải cái chết. Tôi có thể dễ dàng thấy bạn tôi mơ hồ chuyện gì, bởi vì mọi sự thăng thiên đều bao hàm cái chết và sự sinh ra, mà chuyện đó có thể gây nhiều mơ hồ. Vậy thì, thật sự, hội thánh thời nay là thế nào?

Edward Schillebeeckx từng cho rằng chúng ta đang sống trong cùng sự nản lòng của các tông đồ tiên khởi trong thời gian giữa cái chết của Chúa và lúc họ nhận ra Ngài đã phục sinh. Chúng ta có cùng cảm nhận, hoài nghi và mơ hồ của họ trên đường Ê-mau. Đức Kitô mà chúng ta từng biết đã bị đóng đinh và chúng ta không thể nhận ra Chúa Kitô đang đi giữa chúng ta, đang sống hơn bao giờ hết, dù theo một cách khác. Do đó, cũng như các môn đệ trên đường Ê-mau, chúng ta cũng thường bước đi cúi gầm mặt, mang một đức tin hoang mang, chúng ta cần Đức Kitô xuất hiện trong một hình hài mới để tái định hình những hình dung của chúng ta để chúng ta có thể nhận ra Ngài đang hiện ra với chúng ta.

Tôi nghĩ Schillebeeckx đúng về chuyện này, nhưng tôi lại có cách nói khác. Giáo hội ngày nay đang trong khoảng thời gian giữa phục sinh và thăng thiên, cảm nhận sự nản lòng đáng kể, với những hình dung hợp với một nhận thức cũ về Đức Kitô, không thể nhận ra Đức Kitô rõ ràng trong giây phút hiện tại. Với những ai lớn lên trong một nhận thức đức tin nào đó, thì nhận thức cũ của chúng ta về Đức Kitô đã bị đóng đinh. Nhưng Đức Kitô không chết. Giáo hội không chết. Cả Chúa Giêsu và giáo hội đang rất sống động, bước đi với chúng ta, dần dần tái định hình hình dung của chúng ta, tái diễn giải Kinh thánh cho chúng ta, một lần nữa nói với chúng ta rằng: Không phải Đức Kitô (và Giáo hội) cần chịu nhiều đau khổ sao…

Ngày nay, với nhiều người trong chúng ta, sống trong đức tin chính là ở trong thời gian giữa cái chết của Đức Kitô và sự thăng thiên, dao động giữa niềm vui và nản lòng, cố gắng đối diện chuyện thăng thiên.

Trên con đường đức tin, luôn có tin vui và tin buồn. Tin buồn là nhận thức của chúng ta về Đức Kitô luôn mãi bị đóng đinh. Tin vui là Đức Kitô luôn mãi sống động, vẫn ở với chúng ta theo một cách thâm sâu hơn.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

KHO TÀNG ÂN ĐỨC CỦA TRỜI CAO

Trong dân gian lòng hiếu thảo với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng cùng giáo dục đào tạo con cháu nên người, là nghĩa vụ luân lý nền tảng của con người.

Mỗi người tùy theo khả năng sức lực, hầu như ai cũng cố gắng sống giữ lòng hiếu thảo với cha mẹ mình.  Vì đó là bổn phận lòng yêu mến biết ơn với các ngài.  Những tấm gương sống lòng hiếu thảo tận tình xưa nay có rất nhiều.

Trong 10 Giới răn của Thiên Chúa, điều răn thứ bốn dậy: “Con phải thảo kính cha mẹ con.”  Đây là nếp sống lòng đạo đức.

Cha mẹ là người sinh thành, nuôi dưỡng, đào tạo giáo dục chúng ta nên người.  Nhưng sự sống, hình hài thân xác, tính tình cùng khả năng cơ hội phát triển đường đời sống lại không do cha mẹ ta định đoạt vẽ ra.

Cha mẹ nào, nhất là người mẹ, hằng luôn hướng về con mình, cùng mong muốn cầu xin cho con mình có tương lai đời sống tốt đẹp.  Nhưng sự sống tinh thần cũng thân xác cùng con đường đời sống của mỗi người không do người cha, người mẹ tác tạo làm ra như mong muốn, mà do Đấng Tạo Hóa thảo định phác họa ra.

1. Trong cung lòng mẹ.

Tiên Tri Giêrêmia đã viết thuật lại về chương trình của Thiên Chúa cho đời Ông: “Thiên Chúa phán: Trước khi cho con thành hình trong cung lòng mẹ, Ta đã biết con; trước khi con lọt cung lòng mẹ, Ta đã thánh hóa con.  Ta kêu gọi đặt con làm Tiên Tri cho muôn dân” ( Gr.1,5).

Như đời sống của Tiên Tri Giêrêmia, đời sống mỗi người đã được Thiên Chúa, Đấng tạo Hóa ngay từ lúc khởi đầu sự sống trong cung lòng mẹ, tuyển chọn hoạch định ra rồi.

Với sự thụ thai thành hình sự sống, rồi mở mắt chào đời lọt cung lòng mẹ, đời sống mỗi người khởi đầu một chuỗi dài trong thời gian tiến đi vào những giới hạn không gian cũng như thời gian.  Nhưng con đường đời sống trong thời gian vĩnh cửu nằm trong bàn tay định liệu của Thiên Chúa đã phác họa dự phòng, đã sửa soạn sẵn cho.

Vua Thánh Đavít đã có tâm tình cầu nguyện cùng Thiên Chúa về đường đời sống từ khởi đầu cho đến ngày hoàn thành với lòng thành kính ca ngợi biết ơn:

Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!
Hồn con đây biết rõ mười mươi.
Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn,
được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.
Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con
đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.”
(Thánh Vịnh 139 ( 138) 13-16)

Mỗi người do cha mẹ sinh thành ra ở đời.  Nhưng lại là hình ảnh của Thiên Chúa.  Người mẹ cưu mang (người con) hình ảnh của Thiên Chúa trong trái tim cung lòng bà.

Do vậy, trong dân gian có niềm tin tưởng: Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.

Và khi cưu mang mầm sự sống người con trong cung lòng mình, niềm hy vọng về sự tốt lành thánh thiện đã luôn bừng lên trong tâm hồn người mẹ.

2.  Người mẹ niềm hy vọng

Khi hay tin người mẹ nào đang cưu mang, chờ đợi thai nhi trong cung lòng, dân gian có suy tư: người mẹ đó đang mang chất chứa tràn đầy niềm hy vọng tốt đẹp!

Sự suy nghĩ tin tưởng như thế đặt trên căn bản kinh nghiệm thực tế trong đời sống.  Vì người mẹ nào cũng đều mong muốn cầu xin khấn nguyện cho con mình còn đang thành hình phát triển trong cung lòng mình, một tương lai khỏe mạnh tốt đẹp, một đời sống sáng sủa tốt đẹp thành công.

Và khi người con mở mắt chào đời ra khỏi cung lòng mẹ, người mẹ nào cũng vui mừng hạnh phúc.  Nhưng họ cũng có cảm nhận: Em bé bơi lội trong bóng tối cung lòng mình, bây giờ mở mắt chào đời bước vào vùng trời ánh sáng.  Theo kinh nghiệm từng trải cùng linh tính báo cho biết cảm nhận ra, trong suốt dọc đời sống sau này, con mình sẽ còn vướng gặp không ít bóng tối che phủ đường đời sống nữa!

Trong giây phút vui mừng hạnh phúc cùng cảm nghiệm tư lự đó, người mẹ thầm thĩ đọc lời kinh vừa tạ ơn, cùng vừa cầu xin cùng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa chúc phúc lành gìn giữ che chở đời con mình trước những bóng tối đe dọa trên đường đời sống.  Người mẹ sống niềm hy vọng cho con mình.

Và người con cũng là niềm hy vọng cho cha mẹ, cho con người.  Vì mỗi sự sống mới nơi một em bé là cánh thư từ trời cao nhắn gửi cho trần gian: Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, không quên, không bỏ rơi thế giới, Ngài hằng luôn hỗ trợ tạo dựng sự sống mới cho con người được nối tiếp như một khởi đầu mới.

3. Cánh thư từ trời cao

Cha mẹ nào cũng dạt dào vui mừng khi nhận được tin: sự sống một em bé đang thành hình trong cung lòng mẹ.  Họ chờ đợi tin mừng của cánh thư trong niềm hân hoan cùng trong phập phồng lo âu.

Cha mẹ nào cũng hân hoan khi em bé con mình mở mắt chào đời khoẻ mạnh.  Dòng nước mắt vui mừng hạnh phúc lăn chảy dài trên khoé mắt, trên đôi gò má, lúc cha mẹ tận mắt nhìn thấy em bé con mình, tác phẩm của máu mủ lòng mình, là ngôn ngữ, là hình ảnh sống động của niềm vui mừng hân hoan đó.

Cánh thư từ trời cao trao tặng gửi cho cha mẹ viết bằng hình hài thân xác sống động của em bé, như một bông hoa tươi xinh luôn tươi nở.  Cánh thư sống động tình yêu đó đã trào lên trong tâm hồn, nơi làn da thớ thịt, tận sâu ở tầng thần kinh cảm giác của người mẹ, người cha niềm vui mừng hạnh phúc thần thánh thiên đàng.

Nhưng niềm vui mừng hân hoan đó, nhất là nơi các cha mẹ trẻ, cũng pha lẫn sự suy nghĩ tư lự không ít.  Vì họ không biết phải nuôi dạy con mình như thế nào cho đúng, mới xứng hợp đầy đủ, làm sao có thể chu toàn được bổn phận nuôi con như cha mẹ họ ngày xưa đã làm cho họ…

Trời cao đã gửi cánh thư niềm vui tình yêu cho cha mẹ.  Trời cao cũng trao tặng cha mẹ lời đoan hứa an ủi mong làm dịu nỗi lo âu căng thẳng lo âu của họ.

“Thiên Chúa phán: Ðừng sợ, vì Ta đã cứu chuộc con, đã gọi con bằng chính tên con: con là con của Ta!  Chính Ta là Thiên Chúa con thờ, là Ðức Thánh của Ít-ra-en, Ðấng cứu độ con” ( Isaia 43, 1.3).

Một người mẹ tâm sự như sau: “Tôi biết, tôi bệnh hoạn đau yếu, cùng không có khả năng sức lực gì nhiều.  Nhưng tôi cố gắng lo cho các con của con tôi, sao cho chúng có được đời sống tốt đẹp sau này không bị thiệt thòi, không bị thua kém với đời!  Và tôi cũng không hiểu tại sao Chúa lại trao cho tôi khả năng cùng bổn phận sinh con, nuôi dạy con.”

Vâng, lời tâm sự chân thành này nói lên ơn gọi, vai trò cùng bổn phận cao cả trong đời sống của các người mẹ.  Trong dân gian, khi suy nghĩ về ơn gọi vai trò của người mẹ, đã có câu truyền khẩu, lẽ dĩ nhiên phần nào mang tính cách hơi đưa đẩy lên cao: Vì Thiên Chúa không thể hiện diện khắp mọi nơi, nên Ngài đã tạo thành các người mẹ!

Không, các người mẹ không tự cao tự đại như thế đâu.  Trong tận thâm tâm, họ hiểu chính bản thân mình cũng chỉ là tạo vật do Thiên Chúa dựng nên.  Người con trong cung lòng mình, trong đời sống mình là qùa tặng của Trời cao ban cho.

Và Thiên Chúa muốn thực hiện chương trình ý định của Ngài trong trần gian qua trung gian thứ hai. Thiên Chúa không chỉ muốn trực tiếp trao tặng tình yêu của Ngài cho em bé.  Ngài muốn tình yêu đó được trao tặng qua trung gian người mẹ, người cha em bé.

Em bé, con của người mẹ, là cánh thư tình yêu sống động từ Trời cao gửi trao tặng người mẹ.

Với em bé, mẹ em là chúc lành cho đời em.  Những gì mẹ em làm, nuôi nấng, dạy dỗ, xây dựng cho em là nền tảng cho căn nhà đời sống của em trong mọi giai đoạn đường đời sống hôm nay, và ngày mai.

Trao cho người phụ nữ khả năng cùng bổn phận làm mẹ, nhưng Thiên Chúa không để các người mẹ một mình.  Trái lại, Người hằng chiếu dọi chúc phúc lành xuống trên các người mẹ, như Thiên Chúa phán:  “Trước mặt Ta, con thật quý giá, vốn được Ta trân trọng mến thương.” (Isaia 43,4).

Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

LỜI DẶN DÒ CỦA CHÚA

Khi xa nhau, người ta thường quyến luyến, bịn rịn.  Con cái phải xa nhà đi học đi làm, vợ chồng xa nhau vì công việc.  Lời nhắn nhủ của cha mẹ thường là: con hãy ngoan ngoãn, giữ lời cha mẹ chỉ bảo, cố gắng học hành, nỗ lực làm việc để có một tương lai tốt đẹp, đừng làm mất mặt, chớ phụ lòng hy vọng của cha mẹ nghe con.  Vợ chồng sẽ có những lời dặn dò tâm huyết: hãy trung thành và nhớ tới nhau luôn…

Chúa Giêsu cũng vậy, trước khi đi thật xa về cùng Chúa Cha, Ngài đã chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ.  Ngài đã dặn dò, khuyên nhủ các môn đệ nhiều lần.  Ngài đã nói với các môn đệ với hết tâm tình, hết con tim của mình: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12); “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy“ (Ga 14, 15); “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.  Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.  Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21).

“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”

Người Kitô hữu là người có Đức Kitô nhờ theo Ngài và yêu mến Ngài.  Ai không yêu mến Ngài, không theo Ngài, thì không có Ngài, nên họ không phải là Kitô hữu đích thực.  Khi yêu mến Ngài, ta sống trong Ngài: “Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.”  Người ta chỉ sống trong nhau vì nhau cho nhau khi người ta yêu thương nhau thật sự.  Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Đức Kitô và được Đức Kitô sống trong ta khi ta yêu mến Ngài.  Yêu mến là giữ lời Ngài ” Nếu các con giữ lệnh truyền của Ta thì các con sẽ lưu lại trong lòng mến của Ta” (Ga 15,10).

Nhưng làm sao yêu mến Ngài được khi mà ta không hề thấy Ngài cách hữu hình, không nghe Ngài nói trực tiếp, không động chạm đến Ngài?  Chúa cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.”  Điều răn của Chúa là gì?  Chúa xác định rõ ràng điều răn cốt yếu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 12,34).  Chúa cũng xác định luôn cả mức độ yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”  Như vậy, câu nói “nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” có nghĩa là “nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau.”  Ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa.  Nói cách khác, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa.  Thánh Gioan đã diễn giải điều này: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20).

“Anh em có lòng yêu thương nhau”

 Chúa Giêsu còn đưa ra một tiêu chuẩn để nhận ra ai là môn đệ đích thật của Ngài: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 12,35).  Tiêu chuẩn này dựa trên tình yêu của người ấy đối với đồng loại, cụ thể là những người gần gũi sống chung quanh họ.  Tình yêu cụ thể đối với đồng loại là tính chất đặc trưng nhất của những người theo Chúa Giêsu.  Hễ thấy ai có đặc trưng ấy, ta biết người ấy là môn đệ Chúa Giêsu.  Ai không có đặc trưng ấy, thì dù có mang danh là môn đệ Ngài, họ cũng chỉ là thứ môn đệ “hữu danh vô thực,” giả hiệu mà thôi.

Thánh Gioan sau khi nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Thầy Chí Thánh đã nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Ngài, là sống sự sống của Ngài.  Tình yêu đó là một tình yêu sáng suốt của lý trí.  Tình yêu đó là một tình yêu với những việc làm cụ thể.  Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy, là yêu thương nhau.

Từ nay để gặp gỡ Chúa, để yêu mến Chúa, để sống với Chúa, cần phải có đức tin và tình yêu.  Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh.  Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa.  Sự sống đó là hiệp thông, như Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta như lời Chúa Giêsu nói: “Ngày đó, anh em sẽ biết Thầy ở trong Cha Thầy, Thầy ở trong anh em và anh em ở trong Thầy.  Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy.  Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.  Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ cho người ấy biết Thầy.”

Những người yêu mến Chúa là những người biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.  Trong truyện thánh Tử đạo Martinô Thọ có chép: “Ông Thọ là người rất đạo đức.  Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong một thời gian rồi xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo khó công minh luôn mãi được.  Ông khuyên các con cứ đúng luật Chúa mà làm chứ đừng phạm tội vì muốn đẹp lòng người khác….  Ông làm việc rất siêng năng và cũng rất rộng rãi với người nghèo khó: không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn.  Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng xẻ cơm cho họ.”  Thánh Martinô Thọ đã tuân giữ giới răn Chúa dạy là mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái.  Thánh nhân là người yêu mến Chúa thật và xứng đáng được Chúa trọng thưởng hạnh phúc đời đời.  Chỉ tình yêu biết trao đi mới đem lại niềm vui chân thật và lâu bền.  Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy!  Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thầy!  Lệnh truyền lớn nhất là yêu thương như Thầy đã yêu.  Chúng ta sẽ nếm được thứ niềm vui khôn tả của thiên quốc ngay trong cuộc sống ở đời này.

Lạy Chúa, con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Chúa yêu mến là con tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa.  Xin cho con xác tín rằng tình yêu của con đối với Chúa phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày.  Xin giúp con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn.  Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An