HÃY THEO THẦY LẦN NỮA

Lần đầu tiên Phêrô được nghe giới thiệu về thầy Giêsu là thông qua người anh em của mình là Anrê.  Sau một ngày ở với Giêsu, Anrê về nhà thuật lại với Phêrô là mình đã thấy Đấng Cứu Thế.  Phêrô cũng nghe thế thôi, chứ nào biết Đấng Cứu Thế ấy là ai.  Thế rồi, chuyện xảy ra với ông hệt như một giấc mơ.  Vào một ngày đẹp trời, khi ông cùng gia đình đang giặt lưới sau một đêm đánh cá thất bại thì Giêsu bước đến, xin được ngồi trên thuyền của ông và nhờ ông chèo ra xa một chút để có thể giảng dạy cho dân chúng cả ngàn vạn đang đứng trên bờ.  Phêrô lòng mừng như mở hội, liền làm theo.  Nghe danh tiếng vị Thầy này đã lâu, nay chính Phêrô được ngồi dưới chân Thầy để nghe giảng dạy.  Vị Thầy danh giá kia không chọn cho mình một tòa giảng uy nghiêm để giáo huấn, nhưng lại chọn con thuyền nhỏ bé ọp ẹp của mình.  Giảng xong, Giêsu còn thực hiện ngay trước mắt Phêrô một phép lạ nhãn tiền về mẻ cá, khiến ông vô cùng kinh ngạc.  Trong khi Phêrô còn chưa hoàn hồn vì lời nói và quyền năng của Người, Giêsu đã lên tiếng mời gọi ông hãy theo Người; đồng thời hứa hẹn một tương lai khác sẽ đến với ông.

Bỏ hết mọi sự lại đàng sau, Phêrô cất bước lên đường theo Chúa.  Khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để Phêrô hiểu hơn về con người Giêsu.  Đi đâu, làm gì, bí mật gì, Giêsu cũng tỏ  bày cho Phêrô.  Giêsu đã dành cho Phêrô nhiều ưu ái.  Đặc biệt, một lần nọ, nhờ mặc khải của Chúa Cha, Phêrô đã nhận ra và tuyên xưng căn tính Mêsia của Đức Giêsu.  Giêsu đã không ngần ngại đặt ông đứng đầu nhóm Mười Hai, đồng thời trao cho ông chìa khóa Nước Trời, hứa là sẽ xây dựng trên ông tòa nhà Giáo Hội, tòa nhà này sẽ vững chắc đến độ ngay cả quyền lực của tử thần cũng không thể nào làm chuyển lay.  Phêrô hạnh phúc khi trở thành người thân cận của Thầy và được Thầy mặc khải cho nhiều điều.

Cứ ngỡ là với những đặc ân ấy, hành trình theo Giêsu của ông thêm phần vững chắc.  Ông tưởng rằng với chút tình cảm ông dành cho Chúa và những lời khen Chúa dành cho ông có thể khiến ông xông pha với Giêsu trên đường thương khó.  Nào ngờ, vì một chút yếu mềm, ông thẳng thừng chối bỏ tương quan giữa mình với Chúa.  Tòa nhà ảo tưởng mà ông tự xây nên cho mình sụp đổ ngay trước mắt ông, làm tan vỡ trong ông bao cao ngạo về mình.  Chúa muốn được sát cánh bên ông để ban cho ông biết bao ân sủng.  Còn ông, sau một thời gian dài cất bước theo Chúa, ông vẫn chỉ theo Chúa từ đàng xa, thậm chí có khi quay lưng, không còn muốn theo nữa.

Nhưng trên bãi biển, khi xác tín lại lần nữa tình yêu của mình dành cho Giêsu, Phêrô như được Thầy bổ sung thêm sinh lực.  Lời mời gọi theo Thầy lần đầu tiên cũng đến từ bờ biển, sau mẻ cá lạ.  Giờ đây, cũng trong một khung cảnh tương tự như thế, một lời mời gọi bước theo Thầy lại tiếp tục được cất lên.  Cả hai lần đều là theo Thầy, nhưng lần này là một cuộc bước theo quyết liệt hơn, vì đã trải qua bao vấp ngã.  Bước theo Thầy lần này đồng nghĩa với sứ vụ chăn dắt các con chiên của Thầy, để rồi khi về già, ông sẽ được dẫn đến nơi mà ông chẳng muốn.  Cuộc đời của Phêrô cứ mãi là một sự lặp lại giữa theo Thầy rồi vấp ngã, rồi lại tiếp tục theo Thầy.  Mỗi lần theo Thầy lần nữa là mỗi lần tiếng gọi trong ông thêm mãnh liệt và sự dấn thân có phần thúc bách hơn.

Tiếng gọi của Giêsu mời ta bước theo Ngài luôn vang vọng trong tâm trí ta.  Lúc nào ta cũng được thôi thúc để bước đi trên đường lành, làm điều tốt.  Lúc nào ta cũng được mời gọi để dấn thân phục vụ, để hy sinh và sẻ chia.  Cảm nghiệm được tình yêu Ngài dành cho ta, có khi ta rất hăng hái, cho đi mà không biết mệt mỏi, dấn thân, quên mình.  Nhưng cũng có khi bước chân ta trở nên mỏi mệt và nặng nề.  Ta buông trôi đời sống mình trong những lạc thú.  Hành trình theo Chúa của ta bị khựng lại ở những tật xấu hay những tội lỗi truyền kiếp của ta.  Mỗi lần như thế, ta thường thấy chán nản và không muốn tiếp tục dấn thân.  Ta thu mình về trong góc phòng tăm tối với những cảm xúc u buồn và tiêu cực của ta.

Ngày hôm nay, Giêsu như một lần nữa tiếp tục mời gọi ta lên đường theo Chúa.  Tội lỗi ta có cao như núi, miễn là ta vẫn còn yêu Chúa và muốn dấn thân, Chúa chẳng bao giờ từ chối.  Đừng để tội  lỗi làm ta chùn lòng, nhưng hãy để tình yêu Đức Kitô cuốn hút ta.  Hãy biết đứng lên sau những lần vấp ngã.  Hãy biết chỗi dậy sau những lần ngủ mê.  Hãy để cho tiếng gọi của Giêsu thôi thúc cõi lòng ta.  Giêsu luôn trao ban cho chúng ta những cơ hội mới.  Ngài không đòi hòi điều gì nơi ta, ngoại trừ một tình yêu xuất phát tự trái tim dành cho Người.  Tín thác vào tình yêu của Người, chúng ta hãy  vượt qua những cảm giác chán chường thất vọng, để tiếp tục thưa tiếng xin vâng với Người khi Người cất tiếng mời gọi ta lần nữa.

Pr. Lê Hoàng Nam, S.J.

ĐỂ SỐNG TÂM TÌNH THÁNG HOA VỚI MẸ MARIA

Bước vào tháng 5, theo đạo đức bình dân, chúng ta vẫn gọi là Tháng Hoa Đức Mẹ.  Việc đạo đức này, không chỉ khuyến khích chúng ta dâng cho Mẹ những đoá hoa đượm sắc hương, mà sâu xa hơn, mời gọi chúng ta sống tâm tình của Mẹ, sống theo gương Mẹ, và sống như Mẹ: tận hiến cho Thiên Chúa và phục vụ anh chị em mình ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Sau đây là 5 lời khuyên giúp chúng ta sống tâm tình Tháng Hoa với Mẹ Maria

1. Sống tâm tình của Mẹ: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

Hãy cầu nguyện và suy ngẫm: Làm sao để chúng ta có thể trở thành tôi tớ của Chúa.  Chắc hẳn những hành động của tình yêu thương về thể chất và tinh thần sẽ là một gợi ý tuyệt vời.  Để phục vụ Chúa một cách tốt đẹp, hãy bắt đầu ngay tại chính ngôi nhà của chúng ta.  Một cách cụ thể, bằng việc quyết tâm không bực bội, gắt gỏng khi thường xuyên phải chu toàn những công việc khó khăn, mệt mỏi, và ngay cả những việc không tên khiến chúng ta có cảm giác mình giống như một người đầy tớ trong gia đình, chẳng hạn như sự bộn bề trong việc nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc con cái, lo toan đủ mọi thứ…  Sống tâm tình của người tôi tớ như Mẹ Maria, chúng ta cho mình thêm một khoảnh khắc kiên nhẫn, thêm một lời nói tử tế khi phản xạ tự nhiên là có thể là càu nhàu…  Hãy dâng mỗi khoảnh khắc này như một hành động yêu thương lên cho Chúa.

2. Sống như Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi” (Lc 1, 46-47).

Hãy suy niệm từ “ngợi khen”, và tự hỏi làm thế nào để linh hồn của chúng ta, giống như của Đức Maria, nên như một chiếc kính vạn hoa được biến đổi và phong phú từ những điều nhỏ mọn trở nên rực rỡ trước mặt Chúa.  Chúng ta hãy tự vấn xem:

– Bản thân mình đã được lãnhnhận những hồng ân nào để có thể được tận dụng nhằm vinh danh Chúa, hơn là vì danh tiếng của chính mình?

– Hành động của chúng ta có nói về Thiên Chúa, có giúp người khác nhận ra Ngài và ngợi khen Ngài không?

– Chúng ta cần thêm niềm vui nào vào đời sống thiêng liêng để tránh trở thành điều mà Thánh Têrêsa Avila gọi là “vị thánh buồn rầu?

– Làm saođể, trên hành trình tiến về quê trời, luôn là một hành trình của niềm vui?

Chúng ta được mời gọi để “hớn hở vui mừng” trong Chúa.  Nhưng chúng ta thực hành điều này bằng cách nào?  Có lẽ, hãy tập sống Lòng biết ơn.  Hãy sống tâm tình biết ơn từ những việc nhỏ bé nhất, bình thường nhất, đôi khi vô danh nhất: không khí để thở, một làn gió mát, một tiếng cười của trẻ thơ…  Chúng ta sẽ nhận thấy rằng càng nuôi dưỡng lòng biết ơn bao nhiêu, chúng ta càng dễ có được sự vui mừng bấy nhiêu!

3. Sống theo gương Mẹ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Gn 2, 5).

Hãy tập sẵn sàng từ bỏ ý mình để làm theo ý Chúa.  Hãy suy ngẫm, cầu nguyện và lắng nghe trong sự tĩnh lặng và để nhận ra điều Chúa muốn nơi chúng ta.

Hãy tự vấn làm thế nào để chúng ta có thể thi hành ý Chúa qua lời của Người trong Kinh thánh: tuân giữ các Điều Răn, sống các Mối Phúc, thể hiện lòng thương xót…  Chẳng hạn, Chúa Giêsu nhắc bảo chúng ta giúp đỡ “những người bé mọn,” những người dễ bị tổn thương: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34); và “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).

4. Sống sứ điệp Fatima: Lần hạt Mân Côi cầu nguyệncho hòa bình thế giới

Điều quan trong là sự hòa bình thế giới bắt đầu từ chính tâm hồn và ngôi nhà của chúng ta.  Hãy sắp xếp cuộc sống để có thể lần chuỗi Mân Côi hàng ngày, một lời kinh quen thuộc, gần gũi đơn sơ mà Mẹ Maria rất yêu thích.  Việc lần chuỗi Mân Côi sẽ giúp chúng ta trải nghiệm bình an và thanh thản hơn rất nhiều.

5. Sống khiêmtốn đón nhận những hy sinh trong cuộc sống

Như kinh nghiệm của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Đúng là tôi có những đau khổ.  Nhưng liệu tôi có đón nhận và chịu đựng những đau khổ ấy cách xứng hợp không?”  Chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có sẵn sàng đón nhận những khó khăn, đau khổ xảy đến trong cuộc sống và thánh hoá những thử thách ấy với lòng tin tưởng, khiêm tốn, và phó thác như là cách thế để nên thánh và mưu phần rỗi cho anh chị em mình không?

*************************************

Hy vọng những cách thế tuy đơn giản, âm thầm theo gương Mẹ Maria nhưng sẽ tăng thêm sức mạnh giúp chúng ta sống ý nghĩa, sống trọn vẹn, sống tươi vui mỗi ngày, dù vẫn có đó những khó khăn của cuộc sống, những thách đố của phận người, và những đòi hỏi của ơn gọi Kitô hữu.

Chúng ta hãy đến với Mẹ Maria và hãy để Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, có như vậy, chúng ta sẽ đi đến đích mà hành trình dương thế đang dẫn chúng ta tới: Thiên đàng.

Xin Mẹ Maria, Mẹ của ngàn hoa nhân đức, xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con!

Annabelle MoseleyNt. Anna Ngọc Diệp, OP – Lược dịch từ: aleteia.org (01. 5. 2023)

TÌM MỘT LỐI ĐI

Phụng vụ của mỗi Chúa nhật Phục sinh diễn tả một khía cạnh về sứ mạng của Chúa Giêsu: Chúa nhật thứ nhất, chúng ta cùng với Giáo Hội khẳng định: Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết.  Chúa nhật thứ hai, Chúa phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta, mặc dù chúng ta không thấy Người.  Chúa nhật thứ ba, Đấng Phục sinh đang đồng hành để khơi lên niềm hy vọng nơi những người bi quan, chán chường, cụ thể là hai môn đệ trên đường Emmaus.  Chúa nhật thứ bốn, Đấng Phục sinh đang hướng dẫn chúng ta như một mục tử, để đưa chúng ta đến bến bờ của hạnh phúc.  Chúa nhật hôm nay, tức là Chúa nhật thứ năm, Đức Giêsu là Đường, là Sự thật và là Sự sống.

Đường, Sự thật, Sự sống.  Đó là ba yếu tố quan trọng làm nên căn bản của cuộc sống con người.  Ai trong chúng ta cũng phải tìm cho mình một lối đi.  Đó là định hướng cho một đời người.  Ai trong chúng ta cũng phải sống theo sự thật, vì sự thật giải phóng con người và làm cho con người trở nên quang minh chính đại.  Đi ngược lại với sự thật là sự dối trá mưu mô.  Ai trong chúng ta cũng cần đến sự sống.  Không chỉ sự sống phần xác mà còn sự sống thiêng liêng.  Nhờ sự sống thiêng liêng mà chúng ta có tình yêu, hạnh phúc trong cuộc đời.  Như thế, Đường, Sự thật và Sự sống làm nên vẻ đẹp của cuộc sống chúng ta và làm cho cuộc đời này có ý nghĩa.

“Thầy là Đường.”  Trong lịch sử cũng như trong hiện tại, chưa có ai tuyên bố tự tin như thế.  Hình ảnh con đường mang rất nhiều ý nghĩa đối với cuộc sống chúng ta.

Mỗi người, khi bắt đầu biết suy nghĩ, thì đã lo chọn cho mình một con đường, tức là một định hướng cho tương lai.  Đó là định hướng về nghề nghiệp, về tình yêu, về phong cách sống, về nơi ăn chốn ở, về các mối quan hệ.  Khi xác định được một con đường, họ cứ thế mà bước theo.  Những chuyên viên tâm lý kết luận rằng, ở độ tuổi từ 25 đến 30 là lúc một người trẻ phải xác định được hướng đi cho tương lai cuộc đời.  Nếu ở tuổi 30, tức tuổi “tam thập nhi lập” mà không trả lời được hỏi: đâu là định hướng tương lai của đời bạn thì người đó khó mà có một tương lai tốt đẹp.  Người ở tuổi 30 mà không chủ động chọn cho mình một định hướng, thì sẽ rơi vào lối mòn, bỏ mặc cho cuộc sống đưa đẩy về một tương lai vô định.

Con đường nào cũng có một đích điểm.  Con đường Giêsu dẫn chúng ta đến với Chúa Cha.  “Lòng anh em đừng xao xuyến.  Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thày…. thày đi để dọn chỗ cho anh em.”  Chúa Giêsu đã “đến đích” của con đường, tức là đến với Chúa Cha.  Người đi trước để dọn chỗ cho chúng ta trong nhà Cha trên trời.  Đích điểm của con đường này, cũng là đích điểm của cuộc đời người tín hữu, đó là hạnh phúc viên mãn nơi Ba Ngôi Thiên Chúa.

Con đường nào cũng nhiều thử thách gian nan.  Người đi trên con đường có tên Giêsu phải chấp nhận qua cửa hẹp.  Quả vậy, cửa rộng thênh thang thì dẫn tới hư hỏng.  Chẳng có chiến thắng nào mà lại không trải qua đau khổ.  Chẳng có vành nguyệt quế nào mà không qua tập luyện dày công.  Con đường Giêsu cũng là con đường thập giá.  Tuy vậy, thập giá không phải là chặng cuối của con đường.  Chặng cuối của con đường là Phục sinh.  Đi trên con đường Giêsu là chấp nhận những đề nghị của Người với xác tín “qua thập giá tới phục sinh, qua đau khổ tới hạnh phúc.”  Trong hành trình theo Chúa, có những khó khăn, hạn chế và ràng buộc.  Tuy vậy, như “lửa thử vàng, gian nan thử đức,” những ràng buộc ấy giúp con người trưởng thành và tôi luyện để kiên trung vững vàng hơn.

Trong một cuộc hành trình, người bi quan chỉ nhận ra những vất vả gian nan; người lạc quan lại cảm nhận hạnh phúc dâng trào, vì mỗi bước đi là đang thu ngắn khoảng cách và gần tới đích.  Hành trình theo Chúa cũng là hành trình Đức tin và hành trình cuộc đời.  Chúa Phục sinh đang đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình này.  Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus đã minh chứng cho chúng ta: vào lúc bi quan chán nản và đau thương nhất, Chúa đến để cùng đi và nâng đỡ chúng ta.  Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy nhận ra Đức Giêsu là lý tưởng của chúng ta.  Như viên đá bị thợ xây loại bỏ, Chúa Giêsu đã trở nên đá góc tường, là phiến đá đã chịu lực, đỡ nâng tòa nhà và bảo đảm cho sự vững chắc của tòa nhà ấy.  Vì thế, hãy nhận ra vinh dự tuyệt vời mà Chúa ban cho chúng ta qua Bí tích Thanh tẩy.  Bởi lẽ nhờ Bí tích này mà chúng ta được gọi là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa.  Những khái niệm này thật lớn lao vĩ đại, làm cho chúng ta – những con người trần mắt thịt – trở nên như những thần linh (Bài đọc II).

Nhờ sự hiện diện của Đấng Phục sinh, số người tin Chúa không ngừng tăng trưởng.  Giáo Hội từ thời sơ khai ấy cho đến hôm nay, vẫn đang cố gắng thể hiện hình ảnh của Đấng Phục sinh giữa đời (Bài đọc I).  Không chỉ bảy người được trao sứ vụ phục vụ bàn (sau này được gọi là Phó tế), nhưng mỗi tín hữu đều được trao vinh dự loan báo Đức Giêsu.

“Lòng anh em đừng xao xuyến.”  Chúa nói với chúng ta như thế, trong lúc chúng ta đang hoang mang hoảng sợ vì đại dịch COVID-19.  Quả thật, nếu vững tin vào Chúa thì còn có gì làm chúng ta lo sợ.  Hãy vững tin vào Chúa.  Hãy tìm một lối đi dẫn đưa tới bến bờ hạnh phúc.  Lối đi ấy có tên là Giêsu.  Người là  Đấng Cứu độ chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên