SỐNG THÁNH TRONG ĐỜI THƯỜNG

Khi mừng lễ các thánh Nam Nữ như vậy, trước tiên, Mẹ Giáo Hội muốn nhắc nhở cho con cái biết rằng có một sự hiệp thông rất mật thiết giữa ba thành phần trong Giáo Hội: Giáo Hội Lữ Hành, Giáo Hội Thanh Luyện và Giáo Hội Chiến Thắng.  Nói cách khác, có một mối liên hệ thiêng liêng hỗ tương giữa những người còn đang sống ở trên dương thế này với những linh hồn đang chịu thanh luyện trong Luyện Tội, và với các thánh đang hưởng vinh phúc trên Thiên Đàng (x. GLTYGHCG, số 195 & Lumen Gentium, số 49).

Thứ đến, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì ân sủng của Chúa tràn ngập trên cuộc đời các thánh, để từ ân sủng của Chúa, các ngài đón nhận và tỏa hương nhân đức trong cuộc sống, đồng thời lưu truyền lại cho con cháu hôm nay.  Thật vậy, khi nói về sự ảnh hưởng của các thánh Tử Đạo, Tertuliano nhận xét: “Máu các vị Tử Ðạo là hạt giống trổ sinh nhiều tín hữu.”  Chúng ta có được đời sống đức tin như ngày hôm nay là do ơn Chúa ban và biết bao hy sinh của các bậc tiền nhân.

Tiếp theo là: noi gương các ngài để ngày càng tiến tới sự trọn lành.  Thánh Augustino đã nói một câu thời danh: “Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi, tại sao không?”  Sống thánh và làm thánh là bổn phận, trách nhiệm của chúng ta.  Thánh Giêrađô đã nhất quyết phải làm thánh khi từ giã người mẹ của mình để lên đường theo các cha dòng Chúa Cứu Thế đi tu, ngài đã viết một mảnh giấy để lại rằng: “Mẹ ở lại, con đi làm thánh!”  Như vậy, việc nên thánh là trách nhiệm của chúng ta, và cũng là đòi hỏi của Thiên Chúa: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta  là Đấng Thánh” ( Lêvi  19,2; 1 Tx 4,3 ; 1 Pr 1, 16…).

Cuối cùng, trong một xã hội đang chạy đua với kinh tế thị trường, coi thường đạo lý; một xã hội bất công lan tràn; thượng tôn hưởng thụ và khoái lạc dẫn đến tình trạng vô cảm, vô tâm, vô tình…  Nên thánh trong thời đại của chúng ta ngày hôm nay chính là khẳng khái triệt để không sống theo lối sống sa hoa hưởng thụ, lối sống dẫm đạp lên nhau, lối sống nín thở qua cầu, nói chung lối sống chỉ biết lo cho cái bụng mà quên đi trái tim.  Các thánh khi xưa là những người hoàn toàn khước từ những gì là mau qua chóng hết để tìm cho mình một kho tàng vĩnh cửu trên Trời là niềm vui, bình an và hạnh phúc vĩnh cửu.

Mừng lễ các thánh hôm nay, chúng ta hãy xin với các thánh là những bậc tổ tiên của chúng ta, xin các ngài nâng đỡ, bầu cử cho chúng ta để chúng ta cũng được hạnh phúc như các ngài trên Thiên Quốc.  Và có lẽ không gì làm cho các ngài vui và Chúa được tôn vinh cho bằng chúng ta noi gương các ngài để nên thánh.  Vì thế, trong việc giáo dục con em của mình, mong thay trong mỗi giáo xứ hay gia đình nên có những sách truyện, cuốn phim, tranh ảnh của các thánh, đây là những phương tiện bổ trợ rất hữu ích cho việc giáo dục Kitô giáo và cho đời sống đức tin nơi thế hệ mai sau.

Mong thay lời dốc quyết của thánh Giêrađô khi xưa: “Mẹ ở lại, con đi làm thánh!” cũng là sự quyết tâm của chúng ta.  Tuy nhiên, chúng ta không ngừng xin Chúa ban ơn trợ lực để chúng ta vượt qua được những cám dỗ hầu tiến tới sự trọn lành như các thánh trên Trời.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì quyền năng và tình thương của Chúa trên các thánh.  Vì lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh, chúng con xin Chúa ban cho chúng con cũng được dồi dào ân sủng như các thánh mà hôm nay chúng con mừng kính, hầu mai ngày, chúng con được cùng các ngài xum họp để tôn vinh, thờ lạy và chúc tụng Chúa không ngừng.  Amen!

Jos. Vinc. Ngọc Biển

TỚI NGUỒN SỰ SÁNG

Người mù ngồi ăn xin bên vệ đường.  Cảnh tượng này cho ta thấy đời anh bị bao phủ bởi nhiều thứ bóng tối.

Trước hết là bóng tối thể lý.  Không có đôi mắt, đời anh chìm trong tăm tối.  Không biết thế nào là ánh sáng.  Không biết thế nào là cảnh thiên nhiên.  Không nhìn được khuôn mặt của những người thân.  Không tự mình làm gì được.  Không tự mình sinh sống được.  Chẳng biết có ánh sáng ban ngày.  Đời anh chìm ngập một bóng đêm.  Bóng đêm dày đặc không một chút ánh sáng.  Bóng đêm triền miên không bao giờ chấm dứt.  Tất cả là một màu đen.  Thế giới màu đen.  Quần áo anh mặc màu đen.  Khuôn mặt mọi người đều màu đen.  Cơm anh ăn hằng ngày cũng màu đen.  Một màu đen muôn thưở.

Kế đến là bóng tối xã hội.  Vì tàn tật anh trở thành người dư thừa trong xã hội.  Anh bị loại trừ khỏi xã hội.  Chỉ còn ngồi bên vệ đường mà ăn xin.  Như cây cỏ mọc bên đường thôi.  Thậm chí khi Chúa đến, mọi người nô nức đón Chúa.  Còn anh chỉ kêu lên thôi cũng đã bị người ta cấm đoán, đe nẹt rồi.  Anh không có quyền gì hết.  Vì anh chỉ là thân phận sống nhờ ở đậu.

Sau cùng là bóng tối tâm lý.  Cuộc đời anh không có lối thoát.  Anh bị kết án suốt đời chịu giam cầm trong bóng tối.  Làm sao thoát ra được khi anh không thể tự mình làm gì.  Khi mọi người kể cả những người thân ruồng bỏ anh.  Khi xã hội gạt anh ra bên lề cuộc sống.

Nhưng Đức Kitô đem đến cho anh ánh sáng ngập tràn.

Người chiếu vào đời anh ánh sáng hy vọng.  Tuy chưa được gặp Chúa, nhưng chỉ nghe những lời Chúa giảng, những việc Chúa làm anh đã tràn trề hy vọng.  Chúa có thể giải thoát anh khỏi định mệnh tăm tối vây bọc cuộc đời anh.  Người có thể đưa anh tới miền ánh sáng.  Tương lai anh sẽ thay đổi.  Cuộc đời anh sẽ tươi sáng.  Anh tràn ngập niềm hy vọng.  Niềm hy vọng trở thành ánh sáng chiếu soi cuộc đời anh.

Người chiếu vào đời anh ánh sáng đức tin.  Tuy chưa gặp Chúa nhưng anh đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa.  Không tin sao được vì chỉ có Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu anh khỏi bóng tối.  Vì thế thoạt nghe tiếng Chúa anh đã kêu van lớn tiếng xưng tụng Người là Con Vua Đavít nghĩa là Đấng Cứu Thế.  Có lẽ những người đi đón Chúa hôm ấy đều có đôi mắt sáng.  Nhưng không ai có ánh sáng đức tin.  Vì không ai tin Chúa là Đấng Cứu Thế.  Trừ anh mù.  Mắt anh mù nhưng đức tin của anh sáng.  Nên anh là người duy nhất lớn tiếng tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Thế.  Niềm tin của anh thật mãnh liệt.  Dù bị mọi người chung quanh ngăn cản, niềm tin ấy không những không bị suy yếu mà còn càng trở nên mạnh mẽ hơn.  Bị mọi người đe dọa, cấm cản, niềm tin của anh càng vững vàng không gì có thể lay chuyển được, nên anh càng kêu to hơn.

Người đã chiếu vào đời anh ánh sáng tình yêu.  Chúa là tình yêu.  Chúa không nghe bằng tai nhưng nghe bằng trái tim.  Vì thế giữa đám đông hỗn độn của thành Giêricô phồn hoa, Chúa vẫn nghe được tiếng kêu van của một người con bé nhỏ ngồi bên vệ đường.  Không những Chúa nghe thấy tiếng lòng khốn khổ của anh mà Chúa còn ưu ái gọi anh đến.  Thật là một cử chỉ ưu ái quá sức tưởng tượng.  Giữa đám đông trong một thành phố phồn hoa, Chúa chẳng gọi ai trừ ra người mù ngồi bên vệ đường.  Chúa chẳng chờ đợi ai trừ ra chờ đợi người con nhỏ bé tội nghiệp bị bỏ rơi nhất thành phố đến với Chúa.  Đời anh chưa được ai yêu thương như thế.  Đời anh chưa được ai quan tâm như thế.  Đời anh chưa được ai mời gọi như thế.  Đời anh chưa được ai chờ đợi như thế.  Và Chúa còn hỏi anh muốn gì.  Đời anh chưa được ai âu yếm như thế.  Tình yêu Chúa làm cho đời anh bừng sáng.  Anh tìm thấy tất cả ý nghĩa cuộc đời khi gặp được Chúa.

Chúa đem ánh sáng đến cho anh.  Chúa là tất cả đời anh.  Anh không cần gì khác nữa.  Anh vất bỏ cả áo choàng là tài sản duy nhất.  Vì anh đã khám phá ra kho tàng quý giá nhất đời.  Anh đứng phắt dậy mà đến với Chúa vì tuy mắt chưa nhìn thấy mà lòng anh sáng như sao băng.  Và nhất là anh đi theo Chúa cho đến cùng vì Chúa chính là ánh sáng cho đời anh.  Chúa sẽ dẫn đường anh đi.  Đi đến sự thật và đến sự sống.

Đời sống tôi có nhiều bóng tối vì tôi chưa tin vào Chúa.  Đời sống tôi bế tắc vì tôi chưa đặt niềm hy vọng vào Chúa.  Đời tôi mệt mỏi chán chường vì tôi chưa yêu mến Chúa.  Hãy tin tưởng vào Chúa.  Ánh sáng đức tin sẽ chiếu soi đường đời tôi đi.  Hãy hy vọng vào Chúa.  Niềm hy vọng là ánh sáng ấm áp cho cuộc đời.  Hãy yêu mến Chúa.  Tình yêu Chúa là ánh sáng hướng dẫn mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của tôi.  Hãy noi gương anh mù thành Giêricô bỏ tất cả mà theo Chúa.  Sống bên Chúa đời tôi sẽ ngập tràn ánh sáng.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

ĐÔI MẮT TÂM HỒN Ở GIÊ-RI-KHÔ (Mc 10:46-52)

Tôi là Ba-ti-mê, một người mù từ thưở lọt lòng mẹ, sinh ra và lớn lên ở miền đất Do Thái cằn cỗi nắng cháy, nhưng lại trù phú về những luật lệ khắt khe, dồi dào những thành kiến về con người.  Chẳng biết cha mẹ tôi, ông bà Ti-mê, có phạm tội lỗi gì không mà Thiên Chúa lại trừng phạt tôi thế này.  Tôi không tin vào điều đó vì biết cha mẹ mình là người hiền lương, ngay thẳng.  Tôi cũng không tin đó là hình phạt bởi một Thiên Chúa Nhân Lành.  Nhưng đó là một tín điều mà cả xã hội Do Thái, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia tin tưởng như vậy.  Bởi thế tôi đã bị liệt vào hạng tội lỗi ngay khi cất tiếng khóc chào đời mà không chịu mở mắt nhìn đời.  Cuộc đời vốn đã bị nhiều thiệt thòi vì không được thấy ánh sáng mặt trời, tôi lại bị loại trừ ra khỏi xã hội loài người vì những thành kiến h tục của một xã hội quá “đạo đức.”

Ngày ngày tôi vác bị lê la ra ngồi ăn xin ở cổng thành Giê-ri-khô.  Bữa no, bữa đói tùy vào lòng thương xót của ông đi qua bà đi lại, nói chung cũng đủ để lây lất qua ngày, dù tôi chẳng biết sống qua ngày để làm gì.  Cuộc đời này có gì vui đâu để mà sống?  Vào buổi sáng của một ngày như mọi ngày, khi đang ngồi thơ thẩn chờ đợi ở ngoài cổng thành, tai tôi bỗng nghe được những âm thanh náo nhiệt ở phía trong thành vọng ra.  Tiếng ồn ào lào xào của một đám đông, tiếng người gọi nhau í ới, tiếng chó sủa, tiếng những bước chân chen lấn xô đẩy… đang từ phía trong thành đi ra.  Lạ nhỉ, chắc là một đám đông lớn lắm đây, những âm thanh này khác hẳn với những đám đông khác.  Chuyện gì đang xảy ra thế nhỉ?  Đám đông này là ai?  Họ đi đâu?  Tôi nghểnh tai nghe ngóng!  Vì mất đi thị giác nên thính giác của tôi rất nhạy bén.  Tôi nghe thấp thoáng xen trong tiếng gió lao xao là những tiếng thì thầm: Ông Giêsu, Giêsu thành Nazarét…  Tim tôi bỗng như ngừng đập.  Có thật không?  Là vị Ngôn sứ Giêsu người đã gây nhiều xôn xao trong những ngày gần đây bởi những phép lạ, những lời giảng dạy về một giáo lý mới mẻ…  Tôi đã nghe thiên hạ bàn tán nhiều về con người lạ lùng này, về lòng thương xót của Người đối với những kẻ bần cùng bị bỏ rơi sống bên lề xã hội.  Tôi biết ông ta mà, không những thế, tôi còn biết cả cha mẹ, nghề nghiệp, và dòng dõi xuất thân của ông ấy nữa.  Ông thuộc dòng dõi Vua Đa-vít, một vị Vua Thánh nổi tiếng nhân từ trong lịch sử dân tộc tôi.  Tôi chờ đợi cơ hội này lâu lắm rồi.  Ông Giêsu đi ngang qua đây thật ư?  Lòng tôi bừng lên một tia hy vọng mong manh.

Tôi đứng phắt dậy, chộp cây gậy và quơ quơ trong không trung, rồi quay bên phải, quay bên trái, lúng túng không biết nên đi về hướng nào.  Sợ mất cơ hội ngàn vàng này, tôi lại bỏ gậy xuống đưa tay lên miệng làm loa hướng về đám đông la thật to:

– Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi.

Tôi hét thật lớn, lập đi lập lại nhiều lần đến khàn cả giọng với hy vọng ông Giêsu đang ở đâu đó trong đám đông có thể nghe được tiếng kêu lạc loài của tôi giữa những tiếng bát nháo hỗn độn.  Khoảng cách xa quá, tiếng kêu gào chưa tới được tai vị ngôn sứ thì đã làm cho những người đứng gần bên bực bội khó chịu.  Họ quát tháo nạt nộ bảo tôi im miệng.  Tôi cụt hứng, đang còn e dè chần chừ, bỗng một cái tát nảy lửa giáng vào mặt tôi, kèm theo một lời cục cằn thô lỗ:

– Mày có câm miệng lại không?

Cái tát làm tôi xiểng liểng mất thăng bằng ngã lăn quay ra đất.  Tôi lồm cồm bò dậy, tay run rẩy mò mẫm tìm gậy, người tôi chao đảo làm tư tưởng tôi cũng bị lung lay theo.  Có nên nghe lời mấy người hung dữ này không?  Nếu không nghe họ, tôi có thể tiếp tục ăn thêm mấy cái tát, hay cú đá nữa không chừng.  Rồi sau này họ không bố thí cho tôi nữa thì sao?  Tôi đang sống nhờ lòng thương xót của họ mà!  Sau một lúc dao động, tôi chợt bừng tỉnh!  Không!  Không được, nếu nghe họ, tôi sẽ đánh mất cơ hội ngàn năm một thưở này.  Biết bao giờ ông Giêsu mới đi qua đây lần thứ hai?  Nếu có, tôi đâu dám chắc mình sẽ ngồi ở đây lúc Ngài đi qua?  Hoặc nếu có, ai dám đảm bảo lúc đó lại không có những kỳ đà cản mũi khác?  Tôi không còn gì để mất!  Cuộc đời tôi đã đến tận cùng của bất hạnh rồi, không hoàn cảnh nào có thể tệ hơn.  Bất quá thì đói thôi!  Bất quá thì bị thiên hạ ghét bỏ, hoặc ăn thêm vài cái tát tai nữa là cùng.  Thà đói còn hơn sống kiếp mù loà.  Thà bị ghét mà được sáng mắt, còn hơn được thiên hạ ưu ái mà bị mù.  Lấy hết sức bình sinh tôi lại hướng về phía đám đông tiếp tục gào lên:

– Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương xót tôi.

Tôi gào đến lạc cả giọng, chỉ sợ ông Giêsu đi ngõ khác mà biến mất.  Lần này tiếng tôi kêu gào đã thấu đến tai vị Ngôn Sứ thì phải.  Tôi nghe tiếng dừng lại của đám đông, hồi hộp chờ đợi tôi nghểnh cổ nghe ngóng.  Loáng thoáng trong những tiếng ồn ào hỗn loạn, tôi nghe văng vẳng như có tiếng Người gọi tôi:

– Gọi anh ta lại đây!

Hồi hộp chờ đợi là thế, nhưng khi nghe mình được kêu tên, ngạc nhiên chen lẫn lo sợ làm tôi lại thộn người đứng ì ra đó, không biết phải làm gì, không chắc là mình nghe có đúng không, không dám nhúc nhích, lòng vẫn còn lăn tăn sợ hãi, sợ lại bị ăn thêm mấy cái tát nảy lửa nữa thì khốn.  Như cảm thông với tâm tình rối loạn của tôi, một người đứng bên vỗ nhẹ lên vai tôi như trấn tĩnh, và bảo tôi đừng sợ, rồi một giọng nói thân thiện cất lên:

– Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!

Đúng thế ư?  Ngài gọi tôi thật sao?  Là vị tiên tri Giêsu mà tôi hằng ao ước được gặp mặt?  Tôi đứng phắt dậy, vất ngay cái áo choàng là vật gia bảo trong kiếp ăn xin của tôi lại, quờ quờ quạng quạng tiến về phía phát ra tiếng nói.  Thấy tội nghiệp, một người đưa tay ra dắt tôi đi, được vài bước rồi ra dấu bảo tôi dừng lại.  Biết là đã đến trước mặt Người, Đấng mà lòng tôi hằng ao ước được diện kiến, tôi quỳ thụp xuống bái lạy Người để tỏ lòng tôn kính.

Một thoáng im lặng ngột ngạt, tôi có cảm tưởng như Giêsu và cả đám đông đang chăm chú quan sát nhìn tôi.  Rồi tôi nghe một giọng mạnh mẽ trầm ấm vang lên, phá tan sự im lặng:

– Anh muốn tôi làm gì cho anh?

Xúc động trào dâng khiến tôi nghẹn ngào.  Vị ngôn sứ của dân tộc đang hạ mình xuống hỏi tôi, một kẻ ăn xin thấp hèn, cùng đinh của xã hội.  Tự dưng tôi ấp úng lúng búng gãi đầu gãi tai:

– Thưa Thầy, thưa… thưa… thưa… xin cho tôi nhìn thấy được.

Cung giọng trầm ấm lại vang lên một cách mạnh mẽ quả quyết:

– Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh.

Ngay lập tức cái màng đen dầy đặc che kín cặp mắt tôi từ bao năm qua được vén sang một bên.  Tôi dụi mắt bồi hồi, cặp mắt đã quen với bóng đêm dày đặc chớp liên hồi.  Tôi mở mắt he hé.  Ánh sáng mặt trời rực rỡ ôm choàng lấy tôi bất kể thân phận tôi là ai.  Lòng tôi nghẹn ngào, rạo rực.  Tôi nhắm mắt lại, rồi mở ra, được một lúc lại nhắm lại, rồi mở ra.  Ánh sáng mặt trời là đây ư?  Chói chang quá!  Những tia sáng rực rỡ muôn màu sắc lung linh nhảy múa, lượn qua lượn lại rồi ôm choàng lấy tôi.  Thế giới này nhiều sắc màu quá, mỗi màu mỗi vẻ, màu nào cũng tươi đẹp đang nở nụ cười chào đón tôi.

Đám đông ồ lên xôn xao khi tận mắt chứng kiến phép lạ cả thể đang xảy ra trước mắt.  Người ta dìu tôi đứng dậy, tay tôi vẫn quơ quơ trong không khí theo phản xạ tự nhiên của những ngày mù lòa.  Tôi nhíu mày bắt đầu đưa cặp mắt yếu ớt nhìn dáo dác một vòng những người xung quanh.  Cái nhìn đầu tiên của tôi chạm ngay một cặp mắt nhân hậu đang mở to nhìn tôi với ánh nhìn trìu mến yêu thương.  Trên khuôn mặt rám nắng nở một nụ cười mãn nguyện của một người cha đang thích thú quan sát đứa con nhỏ loay hoay với món quà mới.  Tôi đoán đây chính là Giêsu, con cháu vua Đa-vít, Người chỉ phán một lời mà đôi mắt tôi thoát ra khỏi màn đêm tăm tối.  Ngài nhẹ nhàng cầm lấy tay tôi, dìu từng bước chân tôi tiến về phía trước, như người cha chào đón đứa con thơ, và tập cho con từng bước đi vào thế giới mới.  Cánh tay rắn rỏi của Ngài thay cho cây gậy là một điểm tựa vững chắc cho tôi trước một thế giới sáng mắt phức tạp mà tôi sắp bước vào.

Rồi Ngài đứng lại, buông tay tôi ra.  Tôi đứng im từ từ quan sát những khuôn mặt chập chờn xung quanh.  Có những khuôn mặt rạng rỡ hân hoan cùng chia sẻ niềm hạnh phúc với tôi, họ vẫy tay tươi cười chào đón tôi, đặc biệt là đám con nít.  Chúng la hét reo hò, vỗ tay hoan hô Vị Ngôn Sứ như vị anh hùng dân tộc.  Họ vui vẻ cười nói, chúc phúc cho tôi, và hân hoan cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa đã làm nên những điều kỳ diệu.  Cũng có những khuôn mặt thờ ơ lạnh lùng bàng quan, họ nhún vai nhếch mép cười khẩy, chẳng buồn cũng chẳng vui!  Phép lạ này chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống họ.  Có những khuôn mặt dữ tợn thô lỗ, họ né tránh cái nhìn của tôi bằng ánh mắt tiu ngỉu, ngại ngùng.  Tôi đoán đây là những người đã la lối hiếp đáp, ngăn cản không cho tôi kêu xin Giêsu.  Bên cạnh đó lại có những cặp mắt đỏ ngầu, cau có tức giận trong những khuôn mặt ra vẻ đạo đức đăm chiêu.  Những đôi môi tím tái mím chặt, như đang muốn thốt ra những lời nguyền rủa thay cho lời tạ ơn.

Tôi rùng mình nổi da gà khi cặp mắt non nớt của tôi dừng lại trên những khuôn mặt ngút ngàn chất chứa hờn căm, đầy ánh ghen tị đó.  Đa số họ là Pharisêu, kinh sư, và các vị trưởng lão chức sắc trong dân.  Cuộc đời dưới ánh sáng mặt trời đẹp quá mà, sao lại nhìn nhau bằng ánh mắt như thế?  Sao lại ghen tị?  Họ không quý ánh sáng nơi cặp mắt họ, họ không trân trọng những gì họ đang có, đang nhìn thấy được.  Tự nhiên tôi thấy sợ khi phải đối diện với nhóm người này.  Tâm hồn ghen tương đố kỵ của họ trái ngược với vẻ ngoài đạo mạo.  Thà họ dữ tợn cục cằn như đám người lỗ mãng kia thì tôi lại không sợ.

Tôi bối rối nhắm mắt lại định thần, hít thở thật sâu cho lòng lắng xuống, cho những cảm giác ngỡ ngàng ban đầu qua đi, cho những cảm xúc hồi hộp, hoang mang không còn nữa.  Tuy là kẻ cùng đinh trong xã hội nhưng tôi biết mình có quyền chọn cho mình cái hướng để nhìn, một con đường để đi.  Tôi muốn nhìn ai, muốn thấy gì trong thế giới mới này?  Tôi muốn đi đâu, sống cuộc đời như thế nào sau khi đã được sáng mắt?  Đức Giêsu không chỉ cho tôi sáng mắt để thấy ánh sáng mặt trời, thấy thế giới vật chất này, mà Ngài còn mở mắt linh hồn tôi, cho tôi thấy được những điều thầm kín bên trong trái tim mỗi người qua cửa ngõ tâm hồn.  Vâng, tôi là một kẻ ăn xin dơ bẩn hôi hám về thể xác, nhưng tôi không muốn cửa sổ tâm hồn của mình bị vẩn đục bởi những cái không đáng để nhìn.  Tôi mở mắt ra, quay tìm về hướng Giêsu.

Ngài vẫn còn đó, hiền lành và kiên nhẫn dù các môn đệ đang giục Ngài lên đường!  Ánh mắt nồng ấm tiếp tục chờ đợi, chờ cho tôi cứng cáp, chờ cho tôi hoàn hồn trước một thế giới xa lạ, chờ xem sự chọn lựa và quyết định của tôi.  Một nụ cười cảm thông kín đáo như trấn an tôi đừng sợ trước những cái nhìn nham hiểm đầy mưu mô kia, như khích lệ tôi hãy mạnh dạn can đảm đối đầu với cuộc sống mới.  Ôi ánh mắt nhân hậu, cả một bầu trời mở ra, cả một đại dương yêu thương mà tôi muốn chìm mình trong đó.  Đây là cặp mắt mà tôi muốn ngắm nhìn mãi.  Qua cặp mắt Ngài, tôi thấy đuợc những khát vọng hoài bão thiêng liêng đang ấp ủ trong trái tim nồng cháy, tôi cảm nhận được một con tim sùng sục lửa yêu thương, một tình yêu to lớn ôm ấp không chỉ mình tôi mà cả thế giới.  Nơi Ngài toả lan một sức mạnh vô hình cuốn hút lấy tôi, làm tôi không cưỡng lại được.  Tôi chợt nhận ra rằng ngoài Ngài, không còn một con đường nào khác cho tôi.  Ngoài ánh mắt Ngài ra, tôi không thể tìm thấy được cái nhìn yêu thương ấm áp của một người cha như thế.  Không thể tìm đâu được một tâm hồn tuyệt hảo hơn!  Ôi, Giêsu!  Giêsu chữa lành cho tôi không phải vì lời kêu xin của tôi, nhưng vì lòng thương xót vô biên của Ngài, vì Ngài là tình yêu, chứ Ngài không hề nợ nần gì tôi, hoặc có trách nhiệm bổn phận phải chữa lành cho tôi.  Tự dưng nước mắt tôi trào ra khi cảm nhận được tình yêu vô điều kiện đó, những giọt nước mắt đầu tiên từ khi được nhìn thấy cuộc đời.

Tôi cúi đầu mấp máy vài lời xin cho tôi được đi theo Giêsu và các môn đệ.  Tôi nghẹn ngào không nói được gì nhiều ngoài hai hàng nước mắt tuôn rơi.  Nhưng trong tim tôi thổn thức muốn nói với Ngài bao điều:  “Giêsu ơi, con là người vô dụng, không có tài cán gì ngoài tài ăn xin.  Con là kẻ bị bỏ rơi sống bên lề xã hội, xin hãy đón nhận con người hôi hám dơ bẩn cả về thể xác lẫn linh hồn của con.  Con quên chưa nói lời cám ơn Ngài, vị ân nhân của đời con, nhưng con biết Ngài thấu suốt tâm tư con.  Cuộc đời còn lại của con đây, xin được đặt dưới chân Ngài.  Xin cho con được đi theo Ngài trên mọi nẻo đường Ngài đi.  Cặp mắt con đây, xin dâng lên cho Ngài, xin cho cửa sổ tâm hồn con chỉ nhìn thấy Ngài, thấy những điều tốt đẹp của thế giới, của tình người, những gì mà Ngài muốn con nhìn thấy.  Xin cho con được ở lại trong ánh mắt yêu thương, trong trái tim nhân hậu của Ngài hôm nay, ngày mai và mãi mãi không bao giờ rời xa.”

Lang Thang Chiều Tím
Dư âm những ngày Linh Thao 2017

KHÔNG NGỜ

Sơn Tây, ngày 18-10-1990

Sáng nay mình đến Tuy Lộc dâng thánh lễ đồng tế với cha xứ nhân ngày bổn mạng họ đạo.  Nhà thờ nhỏ xíu, không có phòng thánh.  Áo lễ dọn ngay trên bàn thờ.  Mình đang mặc áo, thì cha xứ ghé tai nói nhỏ:

– Piô giảng nhá.

– … Dạ.

Miệng thì dạ, mà lòng thì băn khoăn: có nên giảng ở đây không?  Điều gì nên nói, điều gì nên suy gẫm một mình?  Nội dung bài Tin Mừng hôm nay là “Lên đường truyền giáo.”  Mình không dám nói chuyện truyền giáo hôm nay, nên chỉ duyệt lại một khúc truyền giáo hôm qua: Vấn đề thờ cúng tổ tiên.

Dẹp bàn thờ ông bà là một sai lầm có tầm mức chiến lược, nhưng là một sai lầm gần như không thể tránh được.  Lý do :

1- Lúc ấy hai nền văn hóa Đông Tây mới gặp nhau, không thể hiểu được nhau.  Bà Pearl Buck minh chứng điều đó bằng câu chuyện sau đây.

Có một ông Tây vào một nhà hàng ở Thượng Hải để “ăn cơm Tàu” sau khi đã được “ở nhà Tây.”  Ông Tây đang ăn ngon miệng, thì bỗng khựng lại, lợm giọng…  Ở bàn kế bên, một thực khách Tàu lâu lâu lại nhổ nước bọt xuống sàn gạch hoa.  Cầm lòng không được, ông Tây bèn lên lớp:

– Người Tàu dơ dáy quá! Nhổ nước bọt xuống đất là bất lịch sự, là làm mất vệ sinh chung.

– Nước bọt bẩn, nên người Tàu phải nhổ xuống đất. Như thế là đúng.  Còn người da trắng các ông lại nhổ nước bọt vào trong khăn, gói lại, rồi cất trong túi quần!  Như thế mới mất vệ sinh…

Các vị thừa sai thời ấy không thể hiểu nổi danh từ ĐẠO và động từ THỜ trong tiếng Việt Nam.  ĐẠO đối với họ chỉ có một nghĩa là TÔN GIÁO.  Động từ THỜ họ chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi.  Còn trong tiếng Việt Nam thì ĐẠO vừa có nghĩa là TÔN GIÁO, vừa có nghĩa là cách đối xử: Đạo vua-tôi, đạo cha-con, đạo vợ-chồng, đạo bằng-hữu…  Động từ THỜ trong tiếng Việt Nam vừa có nghĩa là tôn kính Thượng Đế và Thần Thánh, vừa có nghĩa là trung thành, chung thủy, hiếu thảo… Dân trung thành với vua, vợ chung thủy với chồng, con hiếu thảo với cha mẹ, đều có thể dùng một động từ THỜ.                  Ông Phan Văn Trị đã nhắc nhở Tôn Thọ Tường như sau:

“ Anh hỡi, Tôn Quyền, anh có biết:
Tôi ngay THỜ chúa, gái THỜ chồng?”

Đạo Công giáo là đạo độc thần, nên các vị thừa sai không thể cho thờ ông bà được.  “Chỉ thờ một mình Chúa mà thôi” (Lc 4,8; Đnl 6,13 ).  Các vị thừa sai lầm là thế, mà đúng cũng là thế.

2- Thời ấy người ta tin ông bà về ăn đồ cúng của con cái.  Niềm tin này được thể hiện rõ rệt trong ngày “xá tội vong nhân.”  Có những bà đạo đức nấu một nồi cháo lớn, cho hai đầy tớ khiêng.  Còn bà thì đi theo, múc từng muỗng cháo đổ vào lá mít để hai bên đường.  Đó là phần bố thí bà dành cho những linh hồn mồ côi.

Niềm tin này không phù hợp với giáo lý Công giáo, nên người theo đạo Chúa không được cúng cơm cho người quá cố.

Từ đó sinh ra biết bao hiểu lầm giữa người đạo và người lương.  Người lương trách người đạo là bất hiếu.  Còn người đạo thì không những không bất hiếu mà còn nhờ cả Giáo hội báo hiếu hộ mình bằng cách xin họ đạo dâng lễ cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ…  Lúc ấy cấm cúng giỗ là đúng.

Ngày nay các Giám mục Việt Nam đã điều chỉnh lại toàn bộ việc thờ cúng ông bà.  Thờ cúng ông bà là văn hóa dân tộc và người tín hữu được tích cực tham gia mọi nghi lễ thờ cúng ông bà…

Bài giảng của mình làm mọi người chưng hửng, ngơ ngác…  Mình ở lại ăn cơm với họ đạo.  Cha xứ không nói gì về bài giảng.

Giáo dân cũng chẳng phát biểu gì.  Bài giảng rơi tõm xuống sông…

——————————————————————————–

Sơn Tây, ngày 26-10-1990 .

Mình đang sửa soạn đi ăn cơm, thì bà phước ghé tai, nói nhỏ:

– Cha có khách.

– Ai thế?

– Bốn ông… ở Tuy Lộc

– Chết cha tôi rồi. Chắc là có vấn đề.  Chị có đoán được là họ muốn gì không?

– Con không biết. Họ nói là họ muốn trao đổi với cha về bài giảng của cha đấy.

– Bài giảng của tôi hiền khô à! Chuyện một trăm năm về trước ấy mà.

– Cha ra đi! Con bưng nước ra sau.

Mình đi thật chậm, và muốn có một không gian vô tận, để đi mãi mà không tới…

– Chào linh mục.

– Chào các ông. Bài giảng của linh mục được thu băng, phổ biến khắp xã.  Chúng tôi không đi lễ, mà cũng được nghe.

– Các ông thấy có vấn đề gì không? Ai thu băng thì tôi không hề hay biết.  Nếu tôi biết thì tôi không cho thu băng.

– Bài giảng của linh mục có rất nhiều vấn đề mà từ xưa đến nay chúng tôi chưa được biết.

– Quý ông có thể cho tôi biết những vấn đề đó không? Tôi chỉ chân thành nhắc lại những chuyện hiểu lầm giữa lương và giáo trong quá khứ mà nay thì không còn nữa.  Lương giáo đã hiểu nhau nhiều, mà cũng thương nhau nhiều rồi.

– Chắc linh mục có băn khoăn về việc chúng tôi đến thăm linh mục hôm nay. Tôi xin nói ngay để linh mục an tâm.  Nhờ bài giảng của linh mục, chúng tôi mới hiểu tại sao người Công giáo không thờ cúng tổ tiên.  Bây giờ hiểu rồi, chúng tôi đến đây để xin… học đạo.

– Nghĩa là các ông muốn theo đạo Chúa?

– Nếu đạo Công giáo cho thờ cúng ông bà, thì không có gì thắc mắc nữa.

– Rất tiếc tôi sắp về rồi. Nhưng không sao, tầm đạo với ai mà chả được…

Giã từ bốn ông, lòng thương mến vô vàn.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu trích “Nhật ký Truyền Giáo”

TRUYỀN GIÁO HAY RAO GIẢNG TIN MỪNG

Dầu đã được trực tiếp tham gia vào công tác “truyền giáo” trong thời gian hai năm tại Mongolia, nhưng khi được nhiều bạn gửi ‘mail’ khuyến khích viết bài suy niệm nhân Khánh Nhật Truyền Giáo, tôi vẫn cảm thấy ngại ngùng.  Lý do là vì suy nghĩ của tôi sau thời gian “truyền giáo” trở về đã bị thay đổi nhiều quá; tôi cảm thấy lạc lõng và cô đơn trong suy tư, cũng như hụt hẫng trong truyền đạt về đề tài này.  Cuối cùng thì sáng nay trong thánh lễ, sau khi lắng nghe lời chia sẻ của các tập sinh, tôi đã quyết định viết, nhưng không phải cho ai khác mà là viết cho chính mình đấy thôi.

Tôi nhớ năm 2003, sau khi kết thúc nhiệm kỳ giám tỉnh cuối cùng, tôi vẫn chưa có một định hướng rõ rệt nào cho tương lai phục vụ của mình.  Vì Bề Trên trung ương rộng phép cho tôi được hưởng một năm bồi dưỡng tại bất cứ đâu…, nên tôi đã quyết định xin có một năm trau dồi thêm kiến thức về tu đức, và học hỏi về các tôn giáo thế giới tại đại học Berkeley – California (Hoa Kỳ).  Chính trong thời gian này mà tôi đã đi tới quyết định xin bề trên cho phép đi truyền giáo tại Mongolia (Mông Cổ), nơi mà tôi đã lui tới nhiều lần trong thời gian, với tư cách giám tỉnh, thành lập các cơ sở truyền giáo cho anh em tỉnh dòng Don Bosco Việt Nam.  Hơn nữa, trước khi lên đường đi Mongolia, tôi còn được tham dự một khóa học ba tháng chuyên đề về truyền giáo học tại đại học Universitá Pontificia Salesiana – Roma.  Ấy thế mà khi thực sự tới và làm việc trực tiếp tại một nơi truyền giáo ‘Ad Gentes’ thứ thiệt như Mongolia, cái kinh nghiệm “truyền giáo” tuy còn rất nông cạn và bé nhỏ mà tôi đã thủ đắc được trong thời gian ngắn ngủi này đã đủ để làm đảo lộn mọi suy nghĩ trước đó của tôi về lãnh vực này.

Trước hết, tôi thấy mình dị ứng ghê gớm với cái từ “truyền giáo” thông dụng, vì thấy nó quá mập mờ dễ gây hiểu lầm.  Nếu truyền giáo hàm ý làm cho một người “không có đạo” được rửa tội để gia nhập đạo Công giáo theo nghĩa “cải đạo,” thì rõ ràng là ta đã hiểu sai ẩn ý của Đức Kitô mất rồi.  May mắn thay nội dung này đã chính thức bị Công Đồng Va-ti-can II phế bỏ! “Missio” phải được hiểu là sứ vụ được sai đi (thừa sai) để “rao giảng Tin Mừng,” có nghĩa là để loan báo Tin Mừng cứu độ, để loan truyền tình yêu thương xót của Thiên Chúa đã từng được Đức Kitô Giêsu thực hiện trong cuộc sống của Người, đặc biệt qua cái chết Thập Giá.  Quan niệm cho rằng: ai đó phải gia nhập đạo, phải được rửa tội, thì mới được hưởng nhờ lòng nhân ái cứu độ của Thiên Chúa là một sai lầm lớn.  Lòng thương xót và ơn cứu độ đã được Chúa ban cho hết thảy mọi người cách vô điều kiện (x. Rô-ma 5).  Như thế “Loan báo Tin Mừng” không làm gì khác hơn là mở mắt cho người ta nhận biết rằng họ đã được hưởng ơn cứu độ và lòng thương xót, nhờ vào sự chết và phục sinh của Đức Kitô Giêsu.  Một khi họ đã tin nhận điều đó, ta mời gọi họ gia nhập cộng đoàn tín hữu để cùng chúng ta dâng lời cảm tạ tri ân lên Thiên Chúa về hồng ân vĩ đại đó.

Một suy nghĩ khác mà tôi cảm thấy rất “dội” đó là: nếu không có ai đi truyền giáo thì các dân ngoại sẽ mất linh hồn hết…, rằng nhà truyền giáo là những người mang ơn cứu độ tới cho kẻ ngoại…, rằng ơn cứu độ lệ thuộc vào một lối sống được xây dựng trên nền “luân lý Kitô giáo” mà ta sẽ mở mắt cho họ biết, để rồi, nhờ nắm giữ cặn kẽ các qui định, luật lệ đó, họ sẽ được vào hưởng nước thiên đàng.  Thiết tưởng: khi Đức Kitô sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Người đâu có ám chỉ điều này: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”  Ngay câu nói: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” đâu có nghĩa là, chính phép rửa sẽ ban ơn cứu độ!  Nhìn vào chính Đức Giêsu ta sẽ thấy: Tin Mừng của lòng thương xót cứu độ vẫn có thể được rao giảng và mời gọi ngay cả một người nữ Sa-ma-ri đang sống chung chạ sau năm đời chồng.

Khi còn ở Mongolia, cha sở nhà thờ chính tòa Ulaanbataar, một nhà truyền giáo người Ca-mơ-run, xin tôi dạy giáo lý cho một nhóm sinh viên.  Ngài muốn tôi dạy theo chương trình giáo lý tân tòng mà ngài đã soạn sẵn, khởi đầu bằng nội dung thập giới của Chúa và lục giới của Hội Thánh…  Ngài căn dặn: đó là các điều kiện tiên quyết để gia nhập đạo hầu được rỗi linh hồn…  Tôi đã quyết định không áp dụng chương trình đó, xác tín rằng “truyền giáo” tiên quyết phải là rao giảng Tin Mừng, mà Tin Mừng chính là cho mọi người nhận biết Thiên Chúa xót thương và cứu độ toàn thể nhân loại.  Tôi dọn một chương trình riêng, trong đó tôi phân tích cho các sinh viên Mongolia hiểu ra rằng: Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô yêu thương họ, không như các thần linh đạo Shaman của người du mục, luôn gieo rắc sợ hãi kinh hoàng khắp nơi.  Thế đấy, cái kinh nghiệm rất cụ thể của tôi về sự khác biệt quá lớn giữa “truyền giáo” và “loan báo Tin Mừng” đại loại là như thế.

Từ cái kinh nghiệm “thừa sai” còn rất thô thiển tại Mongolia tôi đã học được một bài học cơ bản: Thiên Chúa, không biết từ thuở nào, đã yêu mến và cứu chuộc các người Mông Cổ du mục sinh sống trên vùng thảo nguyên lạnh giá mênh mông tại Trung Á.  Cuộc sống du mục nay đây mai đó của họ, với văn hóa và các truyền thống từ bao đời, cho dầu có nhiều điểm khác biệt với nền “luân lý Kitô giáo” mang tính định canh định cư của lịch sử, vẫn không hề tách họ ra khỏi lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đã và đang chủ động thực hiện nơi họ nhờ Đức Kitô Giêsu.  Công việc của một “thừa sai” như tôi đích thị phải là rao giảng Tin Mừng, là loan báo cho họ biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ trong chính lối sống và văn hóa của họ…, đồng thời mời gọi họ tin vào Đức Kitô Giêsu Cứu Chúa…, mời gọi họ lãnh nhận phép thánh tẩy… và gia nhập vào Hội Thánh là cộng đoàn những người nhận biết Thiên Chúa từ ái và yêu thương để không ngừng cất cao lời cảm tạ.  Và cũng từ đó tôi nghiệm ra một điều còn quan trọng hơn nữa là: một “người loan báo Tin Mừng” trước hết phải chính mình có cảm nghiệm sâu sắc về lòng thương xót cứu độ của Chúa.  Cảm nghiệm này chính là nền tảng của việc được sai đi, là sức mạnh trong khiêm tốn phục vụ, là hy vọng không hề suy chuyển trước các khác biệt và thách đố, và là chương trình và hành động trong sứ vụ thừa sai.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã cho con được tham gia chút ít vào chương trình cứu độ đầy yêu thương của Chúa đối với dân tộc Mongolia.  Cảm tạ Chúa đã mở lòng cho con nhận biết Chúa yêu thương họ vô cùng, trước cả khi con được sai tới với họ để nói cho họ biết điều đó.  Qua tâm tình tri ân này, xin cho con tiếp tục không ngừng khao khát tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương và cứu độ, và tìm cách làm chứng cũng như loan truyền điều đó cho mọi người con gặp gỡ và tiếp xúc hàng ngày.  Con coi đó chính là công việc “truyền giáo = thừa sai” Chúa đang dành cho con lúc này và trong điều kiện sống này. Amen.

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

ĐẮNG CAY

Một trong những hình ảnh mà Kinh Thánh dùng để chỉ đời sống là cái chén.  Cũng giống như một cái chén có thể đựng một thứ đồ uống vừa đắng vừa ngọt.  Cuộc đời của mỗi người chúng ta có thể nói được là sự pha trộn giữa ngọt ngào và đắng cay.  Đây là một hình ảnh phong phú và mạnh mẽ.

Nếu chén có thể hiểu như cả một cuộc đời thì nó cũng có thể hiểu như một phần cuộc đời.  Vậy thì, có những lúc chén đời sống đầy những điều đắng cay, đắng cay đến nỗi chúng ta không muốn uống hoặc cảm thấy không thể nào uống được.  Nhưng có những lúc khác, chén ấy tràn đầy sự ngọt ngào.  Có lúc chúng ta không có đủ.  Và còn những lúc khác, chén ấy có thể nhạt nhẽo và vô vị.  Sau cùng, có những lúc, chén của đời mình trống rỗng.

Giacôbê và Gioan đến cùng Đức Giêsu với một đòi hỏi rất ích kỷ.  Họ đòi được một người ngồi bên tay phải và người kia ngồi bên tay trái Đức Giêsu trong nước trời.  Rõ ràng họ nghĩ vương quốc của Đức Giêsu cũng theo kiểu mẫu của các nước ở trần gian.  Người ở địa vị cao sẽ được hưởng danh dự, vinh quang và quyền lực.

Đức Giêsu đáp lại bằng một câu hỏi: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”  Họ liền đáp lại: “Thưa được.”  Bởi vì họ nghĩ rằng đó là một chén rất ngọt ngào.

Nhưng điều mà Đức Giêsu thật sự muốn hỏi hai môn đệ là: “Các anh có sẵn sàng đi qua những đau khổ mà Thầy sắp trải qua không?”

Uống chén đau khổ và hy sinh không phải là việc dễ dàng.  Dĩ nhiên khi giờ đã đến để Đức Giêsu phải uống chén đó, Người đã chùn bước.  Ba lần Người xin Chúa Cha cất chén ấy khỏi tay Người: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con.  Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”, và Người đã uống chén đó.

Các tông đồ lúc đó không biết chén của Chúa sẽ là chén rất đắng cay.  Họ cũng không biết sự yếu đuối của mình.  Thế nên khi giờ của Chúa đến, họ không cùng uống chén ấy với Người mà để Người uống chén đắng cay ấy một mình.

Chúng ta không biết trước chén đời sống nào được đưa cho chúng ta.  Chúng ta khám phá dần dần khi chúng ta tiến bước.  Đức Giêsu, Đấng vô tội đã chọn uống chén rất đắng cay.  Nhưng như chúng ta đã thấy, Người không thấy việc đó dễ dàng.  Thế nhưng Người đã uống cạn chén đó và làm thế vì yêu thương chúng ta (sự cần thiết bi thảm cũng thế – hãy nghĩ đến những viên thuốc đắng mà người ta phải uống).

Dù Đức Giêsu vô tội, Người đã cảm nghiệm sự yếu đuối và cám dỗ mà chúng ta cảm nghiệm.  Người biết sự yếu đuối của chúng ta.  Vì thế, chúng ta phải đến gần Người với lòng trông cậy, vì biết rằng Người có thể và sẽ giúp đỡ chúng ta.

Nếu chúng ta thấy chén đời sống cay đắng lạ lùng, thì chúng ta không cần phải cho rằng nó ngọt ngào hoặc nghĩ rằng chúng ta uống nó bởi sức mạnh của riêng mình.  Không giống như hai môn đệ Giacôbê và Gioan, chúng ta không nên sợ hãi hay xấu hổ mà nói rằng: “Không, Lạy Chúa, con không thể uống và không muốn uống.  Nhưng nếu con phải uống thì với sự giúp đỡ của Chúa con sẽ uống được.”

Uống chén đời sống, đặc biệt chén khó khăn được làm bởi một cuộc đời hy sinh và phục vụ người khác, chính là đi theo Đức Kitô.  Những ai chia sẻ với Người chén đắng cay của thập giá, thì Người cũng sẽ chia sẻ sự vinh quang phục sinh của Người cho họ.

Sưu tầm

********************************

Lạy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
Nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
Mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
Và giữa ánh sáng,
Cũng có những bóng mờ đe dọa.
Lạy Chúa Giêsu,
Nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
Xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
Xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?
Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
Dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
Đối diện với những thách đố
Vì biết rằng cuối cùng
Chiến thắng thuộc về người
Có niềm hy vọng lớn hơn. Amen

Rabbouni

THÁNH LUCA -THÁNH SỬ 

Thánh Luca là người Hy-lạp ngoại giáo trở lại, và là môn đệ của Thánh Phaolô.  Người là tác giả sách Phúc Âm thứ ba và sách Tông Ðồ Công Vụ.

Thánh Luca là người học thức, có tài viết văn, có tài kể chuyện, người đề tặng cả hai tác phẩm của mình cho một nhân vật thế giá tên là Tê-ô-phim, mới theo đạo Kitô.  Thánh Luca viết sách Phúc Âm khoảng giữa năm 70 và 75 sau công lịch, nhấn mạnh đến:

  • Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ mọi người, giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Chúa thu hút nhân loại bằng những đức tính cao cả của Ngài.  Ngài luôn cầu nguyện ngợi khen Chúa Cha.
  • Thiên Chúa nhân từ và thương xót.
  • Tinh thần bỏ mình và nghèo khó.

Thánh Luca dùng lời lẽ có ý nghĩa để diễn tả lại những trường hợp Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót các phụ nữ hư hỏng, và phục hồi quyền lợi thế giá cho họ.  Người đã kể lại những câu chuyện có ích lợi đặc biệt cho dân ngoại, như các chuyện bà Ma-đa-lê-na, ông Gia-kêu, người trộm lành, người Sa-ma-ri-a nhân hậu.  Phúc Âm theo Thánh Luca có lẽ là sách Phúc Âm hấp dẫn nhất đối với thế giới mới.

1. Thánh Luca là ai?

Luca bắt nguồn từ danh từ Latin “Lucanus” nói lên nguồn gốc của ngài là dân ngoại.  Theo lá thư Phaolô gởi cho Ti-mô-thê “chỉ mình Luca ở với Cha,” có nghĩa là Luca là bạn đồng hành truyền giáo của thánh Phaolô.  Trong Phi-lê-môn câu 24, Thánh Phaolô liệt kê thánh Luca vào số “những cộng sự viên của ngài”; còn trong Cô-lô-xê ngài được gọi là “lương y.”

2. Luca đã đóng vai trò nào trong Tân Ước?

Ngài không chỉ là tác giả của Phúc Âm thứ ba mà còn là tác giả sách Tông Ðồ Công Vụ nữa.

3. Thánh Luca viết sách Phúc Âm nhằm mục đích gì?

Ngài viết Phúc Âm để minh chứng rằng đạo Chúa Kitô là một đạo giáo toàn cầu qua cách giảng diễn lòng nhân từ của Chúa đối với những người nghèo khổ và bị áp bức; nêu cao lòng thiện cảm của Chúa dành cho dân ngoại.  Phúc Âm ngài đã diễn đạt chân lý mà Thánh Phaolô công bố trong thư Ga-lát chương 3 câu 28 như sau: “Không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì tất cả anh em là một trong Ðức Giêsu Kitô.”

4. Thánh Luca viết Phúc Âm nhằm cho loại độc giả nào?

Là một người dân ngoại, nên ngài viết cho các tín đồ dân ngoại.

5. Thê-ô-phi-lô là ai mà Thánh Luca đề tặng ở đầu sách Phúc Âm của ngài?

Thê-ô-phi-lô là một danh từ Hy Lạp, có nghĩa là “kẻ yêu mến Thiên Chúa.”  Có thể ông là kẻ mới trở lại đạo và đại diện cho nhóm độc giả mà Luca nhắm tới, hầu họ am tường về giáo huấn của đạo mới.

6. Luca đã làm gì để minh chứng đạo Chúa Kitô là đạo phổ quát?

Ngài đã chứng minh gia phả của Chúa Giêsu không chỉ qua dòng dõi vua Ða-vít lên tới Abraham như Thánh Matthêu đã làm, mà còn trở ngược lên tới Adam.  Chủ đích muốn nhấn mạnh rằng: Giêsu không phải chỉ là một người gốc Do Thái, mà Ngài còn là con người của hoàn vũ, mang dòng máu nhân loại.  Hơn nữa Ngài còn đề cập tới cuộc thăm viếng của Chúa tại một làng dân ngoại tên là Sa-ma-ria.  Ngài đã đề cập tới người ngoại tốt lành Sa-ma-ri-ta-nô.  Ngài nhắc tới người ngoại trong số 10 người phong cùi được chữa lành, chỉ mình Luca tường thuật những lời Chúa tuyên bố về sứ vụ của Người.

7. Cho biết vắn tắt nội dung và bố cục của Phúc Âm Thánh Luca?

    • Tin Mừng thời niên thiếu của Chúa (chương 1-2)
    • Sứ vụ của Chúa tại Galilê (chương 3-9)
    • Hành trình lên Giêrusalem (chương 9-18)
    • Sứ vụ tại Giêrusalem (chương 19-21)
    • Thương khó và sống lại (chương 22-24)

8. Phúc Âm của Luca có những đặc tính nào?

    • Là một soạn tác lịch sử được diễn đạt một cách văn chương trau chuốt.
    • Là một Phúc Âm cho những người bị áp bức.
    • Là một Phúc Âm cho dân ngoại.
    • Là một Phúc Âm của cầu nguyện.
    • Là một Phúc Âm của niềm vui.
    • Và là Phúc Âm đặc biệt nói về nữ giới.

9. Tính cách văn chương trong Phúc Âm của Thánh Luca như thế nào?

Vì là một người học thức uyên thâm, nên lối viết của ngài thật chải chuốt, tránh những từ Do Thái; nhưng vì tác giả cố bắt chước lối hành văn Cựu Ước của bản dịch Hy Lạp nên kiểu nói “và xảy ra là…” được lặp đi lặp lại nhiều quá hoá nhàm.  Bù lại tác giả biết bố cục câu chuyện, xếp đặt ý tưởng mạch lạc, đón trước rào sau kỹ lưỡng…  Tóm lại Phúc Âm của Thánh Luca là một soạn tác thật là công phu.

10. Làm sao Phúc Âm của ngài được gọi là Phúc Âm của người nghèo và bị áp bức?

    • Không Phúc Âm nào chúng ta có được một sự lưu tâm đáng yêu mà Chúa dành cho những người thu thuế và tội lỗi như trong Phúc Âm thánh Luca: Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất… một người nữ ngoại tình, một người thu thuế thống hối, một tên trộm ăn năn…
    • Không một Phúc Âm nào diễn tả được tấm lòng tha thiết của Chúa dành cho những người bơ vơ nghèo đói cho bằng dưới ngòi bút điêu luyện của Luca.

11. Tại sao gọi Phúc Âm Thánh Luca là Phúc Âm của niềm vui?

Là Phúc Âm của niềm vui vì ngay từ đầu, và bàn bạc trong Phúc Âm của ngài nhiều chỗ nói về niềm vui như ở đầu Phúc Âm là tin vui loan báo cho Za-cha-ri-a, truyền tin cho Maria.  Những niềm vui liên tục khi Thánh Gioan chào đời, lúc Chúa giáng sinh…

Những niềm vui trong chương 15 khi tìm thấy con chiên lạc, tìm được đồng tiền mất, gặp lại người con hoang và niềm vui hân hoan của các tông đồ khi trở lại Giêrusalem.  Ðúng như Harnack đã nói: “Có những nét vui tươi, can trường và chiến thắng âm vang trong toàn bộ cuốn Phúc Âm của Thánh Luca từ trang đầu cho tới trang chót.”

12. Thánh Luca có những nét cá biệt đặc sắc nào trong tường thuật giáng sinh của Chúa Cứu Thế?

Bằng giọng văn chương, Thánh Luca đã ghi lại cuộc truyền tin cho Ðức Maria, bài hoan ca của Mẹ Maria, bài ca của ông Gia-ca-ri-a chúc tụng Chúa, bài ca vinh danh của các thiên sứ trong đêm Chúa giáng sinh và bài ca của ông Si-mê-on: Giờ đây, lạy Chúa.

13. Lễ của ngài được mừng kính vào ngày nào trong năm phụng vụ?

Ngày 18 tháng 10 với danh tước là Luca thánh sử.

Nguồn:  http://tinmung.net

THÁNH TÊRÊSA AVILA

Thánh nữ Têrêsa sinh ngày 28 tháng Ba năm 1515 tại thành Avila, nước Tây Ban Nha.  Từ khi còn là cô gái nhỏ trong gia đình giàu có, Têrêsa và người anh trai là Rôđrigô đã ham thích đọc truyện các thánh và các đấng tử đạo.  Dường như đối với hai trẻ, các vị thánh tử đạo vào nước trời thật là dễ dàng!  Rồi hai trẻ bí mật trẩy tới một miền đất xa lạ, hy vọng ở đây có thể được chết cho Đức Chúa Giêsu.

Nhưng may thay, chưa đi được bao xa thì hai trẻ đã gặp người cậu!  Lập tức, ông đem các trẻ về cho bà mẹ đang lo lắng của chúng.  Rồi hai trẻ lại quyết định làm hai vị ẩn sĩ trong khu vườn của mình, nhưng việc này cũng chẳng thành công.  Các trẻ không có đủ đá để xây các túp lều cho mình.

Chính Thánh nữ Têrêsa Avila đã viết lại các mẩu chuyện vui này khi kể về cuộc đời thơ ấu của ngài.  Và sự việc là khi bước vào tuổi hoa niên, Têrêsa đã thay đổi hoàn toàn!  Têrêsa Avila ham thích đọc quá nhiều truyện tiểu thuyết và các truyện lãng mạn ngốc nghếch đến nỗi ngài đã giảm lòng ham ước cầu nguyện.  Têrêsa bắt đầu để ý nhiều về cách trang điểm để làm đẹp.  Nhưng sau khi trải qua một cơn bạo bệnh, Têrêsa Avila đọc truyện thánh Giêrônimô.  Và lập tức, Têrêsa Avila quyết định sẽ trở nên hiền thê của Đức Chúa Giêsu.  Têrêsa Avila gia nhập dòng Cátminh năm 1536.

Cả khi đã khấn dòng, Têrêsa Avila vẫn thường cảm thấy khó cầu nguyện.  Thêm vào đó, sức khỏe của Thánh nữ rất yếu kém.  Mỗi ngày, Têrêsa phung phí thời giờ vào những cuộc trò chuyện vô bổ.  Thế rồi một ngày kia, khi đứng trước bức ảnh của Đức Chúa Giêsu, Têrêsa cảm thấy hết sức đau buồn vì đã chưa yêu mến Người cho đủ.  Và thánh nữ bắt đầu tập sống cho riêng một mình Đức Chúa Giêsu dù phải hy sinh khó nhọc đến mức độ nào.  Đáp lại tình yêu của Têrêsa, Chúa Giêsu đã ban cho Thánh nữ đặc ân được nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn.  Têrêsa Avila cũng học biết cầu nguyện cách tuyệt diệu.  Thánh nữ nổi danh vì đã thiết lập thêm mười sáu tu viện Cátminh mới.  Các tu viện này chứa đầy các nữ tu ham ước sống cuộc đời thánh thiện.  Họ làm nhiều việc hy sinh vì lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu.  Chính Têrêsa Avila đã nêu gương sáng cho các nữ tu này.  Thánh nữ cầu nguyện với rất nhiều tình yêu và thi hành các nhiệm vụ hằng ngày cách chăm chỉ.

Thánh nữ Têrêsa Avila là nhà lãnh đạo đại tài cũng như là một người rất mực yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo hội.  Têrêsa Avila về trời năm 1582 và được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh năm 1622.  Đến năm 1970, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tôn nhận Têrêsa Avila làm nữ Tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên của Giáo hội Công giáo.

Bất cứ khi nào cần một chút “sức đẩy tinh thần” để cầu nguyện cách tập trung và yêu mến hơn, chúng ta có thể cầu xin với thánh Têrêsa Avila.  Chúng ta hãy nài xin thánh nữ giúp chúng ta biết tìm những phương thế thực tiễn để có thể trung thành cầu nguyện mỗi ngày. 

**********************************

 CÁC CÂU CHÂM NGÔN THÁNH TÊRÊSA AVILA

–  “Tất cả tội lỗi đều do thiếu đức tin mà ra.”

– “Khi ta chỉ có một tham vọng làm đẹp lòng Chúa, thì chính Chúa sẽ ban cho ta sức mạnh để thắng mọi tình cảm khoe khoang.”

– Cái gì ngăn cản chúng ta dùng con mắt của tâm hồn để nhìn về Chúa? Ngài chỉ chờ đợi cái nhìn của chúng ta mà thôi.

– “Đừng để gì làm bạn xao động, và làm bạn sợ hãi. Mọi sự đều đang qua đi; Thiên Chúa không bao giờ thay đổi.  Sự nhẫn nại chịu đựng đem lại tất cả.  Ai có Thiên Chúa thì không thiếu thốn gì.  Một mình Thiên Chúa đã đủ.”

“Kẻ kiên nhẫn sẽ đạt được tất cả.” 

“Cho dù đang mắc tội trọng đi nữa, anh em cũng cứ cầu nguyện. Tôi xin đảm bảo với anh em rằng anh em sẽ đạt đến bến cảng phần rỗi.”

– “Trong quãng thời gian hai mươi tám năm, tôi đã mất hơn mười tám năm trời trong cuộc chiến giằng co vì tôi đã cố sức dung hoà Thiên Chúa với thế gian.”

– “Đừng bao giờ ngoan cố, nhất là trong những điều quan trọng. Chúa Kitô không cưỡng ép ý chí chúng ta, Người chỉ nhận những gì chúng ta dâng hiến cho Người mà thôi.  Nhưng Chúa cũng không ban mình hoàn toàn cho chúng ta cho đến khi nào Người thấy chúng ta phó mình trọn vẹn cho Người.”

– Thánh Têrêsa Avila, một hôm chịu quá nhiều đau khổ nên trách với Chúa rằng, “Tại sao Chúa lại để cho con nhiều thánh giá thế này.” Chúa liền hiện ra với chị Thánh và nói, “Vì Cha yêu thương con, nên Cha mới gửi đến cho con nhiều đau khổ, thánh giá, ngõ hầu con làm vinh danh Cha và cứu các linh hồn.”

– Trên đường đi thành lập một đan viện Carmelite, thánh nữ Têrêsa Avila đã bị lật xe và người ta nghe ngài kêu lên: “Thảo nào Chúa chẳng có bao nhiêu bạn hữu, vì Chúa đối xử với họ như thế này đây.”

 Sưu tầm

KHÔN NGOAN

Câu chuyện chàng thanh niên giàu có tốt lành có một khởi đầu tốt đẹp.  Đẹp cho đến nỗi Chúa nhìn và đem lòng yêu thương anh.  Nhưng lại có một kết thúc đáng buồn.  Anh thanh niên bỏ đi buồn bã vì không thể theo Chúa.  Chúa Giêsu cũng buồn vì anh gắn bó với tiền bạc hơn yêu mến Chúa.

Câu chuyện người thanh niên có thể là câu chuyện của mỗi người.  Cũng như chàng thanh niên, bình thường ta giữ đạo rất dễ dàng.  Sáng đi lễ, chiều đọc kinh, không làm điều gì gian ác, không bất công tham lam của người khác.  Nhưng khi gặp mâu thuẫn giữa cuộc sống với việc đạo, phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và những giá trị trần gian, nhiều khi ta nao núng và rất nhiều người đã vì những giá trị trần gian mà bỏ Chúa.  Có những người khi còn nghèo túng thì giữ đạo rất tốt.  Nhưng khi đứng trước những cám dỗ của cải thì vì ham mê tiền bạc mà sống gian dối, đánh mất lương tâm Công giáo.  Có những người khi còn nhỏ thì rất ngoan ngoãn đạo đức, nhưng khi đến tuổi trưởng thành thì vì thú vui mà bỏ quên việc đạo.  Nhưng nhất là có những người vốn con nhà đạo gốc rất sốt sắng, nhưng khi gặp cám dỗ về chức quyền thì vì một chút danh vọng, đành bỏ Chúa, bỏ đạo.

Theo suy nghĩ của người đời, những ai tìm được tiền của, đạt được danh vọng, nay lên chức mai lên quyền, là những người tài khéo khôn ngoan.  Nhưng đó chỉ là khôn ngoan nhất thời kiểu trần gian.  Vì cuộc sống trần gian có hạn.  Con người ai cũng phải chết.  Chết rồi có ai mang theo được của cải, danh vọng, chức quyền vào thế giới bên kia đâu.  Thế mà cuộc sống sau cái chết mới là quan trọng, vì là cuộc sống vĩnh cửu không bao giờ phai tàn.

Chúa muốn ta đừng gắn bó với của cải nhưng phải gắn bó với Chúa, không phải vì Chúa muốn con cái phải khổ sở, hèn hạ.  Nhưng vì Chúa muốn cho ta chọn con đường khôn ngoan, để đạt tới hạnh phúc đích thực, vĩnh cửu.

Ta đi đạo để chọn Chúa.  Vì chọn Chúa ta phải từ bỏ tất cả những gì ngăn cản ta đến với Chúa.  Những cản trở có thể là tiền bạc, danh vọng, chức quyền.  Những cản trở cũng có thể là một người mà ta gắn bó, một nơi mà ta không thể dứt bỏ.  Những cản trở đó cũng có thể là một lòng tự ái, một sự ghen ghét, bất mãn.

Nếu ta biết bỏ tất cả những gì cản trở để đến với Chúa ta sẽ đạt được chính Chúa.  Được Chúa là được tất cả.  Vì Chúa là hạnh phúc viên mãn.  Được Chúa rồi ta sẽ không còn khao khát gì khác nữa.

Vì thế khi thánh Phêrô hỏi Chúa: Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Chúa, chúng con sẽ được gì.  Chúa đã trả lời: ai bỏ mọi sự mà theo Chúa, sẽ được gấp trăm và được sự sống vĩnh cửu.

Người khôn ngoan thì phải biết nhìn xa trông rộng.  Biết bỏ những mối lợi trước mắt để tìm những giá trị vĩnh cửu.

Như thế yêu mến Chúa là chìa khóa của sự khôn ngoan.  Chọn Chúa là chọn giá trị tuyệt đối, vĩnh cửu không gì có thể so sánh được.

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự.  Vì Chúa chính là hạnh phúc của con. Amen.

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

KINH MÂN CÔI – LỜI KINH CUỘC ĐỜI

Trình thuật về cuộc gặp gỡ giữa Sứ thần Gabrien với Trinh nữ Maria trong Tin Mừng Thánh Luca đã trở thành điểm khởi đầu cho một chuỗi 20 mầu nhiệm Mân Côi, được chia ra bốn phần: Mùa Vui, Mùa Sáng, Mùa Thương và Mùa Mừng.  Với lời thưa “Xin vâng” của Trinh nữ Maria, Ngôi Lời đã nhập thể làm người và cư ngụ giữa nhân loại.  Đây là khởi đầu của một cuộc sáng tạo mới.  Cuộc sáng tạo thứ nhất đã bị hoen màu tội lỗi do sự bất tuân của Ađam và mọi thế hệ kế tiếp.  Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ canh tân mọi vật mọi loài.  Khởi đi từ mầu nhiệm Truyền tin, Kinh Mân Côi dẫn chúng ta từng bước theo Đấng Cứu thế, chiêm ngưỡng và suy tư từng biến cố của cuộc đời Người.  Từ thời thơ ấu của Chúa ở làng quê Nagiarét, đến tuổi trưởng thành, lên đường thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng.  Từ lời giảng dạy đơn sơ mà đầy khôn ngoan đến những phép lạ kỳ diệu chứng minh quyền năng Thiên Chúa.  Từ cuộc khổ hình thập giá đến sự phục sinh và lên trời vinh quang.  Mỗi mầu nhiệm đều mời gọi chúng ta đón nhận những thông điệp Chúa muốn truyền đạt.  Qua Kinh Mân Côi, dung nhan Chúa Giêsu được phác họa, giáo huấn của Người được chuyển tải và tình thương của Thiên Chúa được thể hiện.

Một nhân vật luôn hiện diện trong suốt hai mươi mầu nhiệm Mân Côi, đó là Trinh nữ Maria thành Nagiarét.  Qua lời Sứ thần truyền tin, Đức Maria được Chúa mời gọi cộng tác với Ngài trong chương trình nhập thể và cứu độ con người.  Trong mọi biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu, Mẹ luôn diện hiện một cách âm thầm, khiêm tốn.  Đó không phải là sự hiện diện thụ động, cam chịu, nhưng là sự đồng hành, cảm thông, cộng tác với Chúa Giêsu.  Nếu mọi hành động của Chúa Giêsu đều có giá trị cứu rỗi nhân loại, thì Đức Mẹ là người cộng tác thiết thân gần gũi vào những hành động ấy.  Vì vậy, Đức Mẹ được tuyên xưng là Đấng Đồng công cứu chuộc.  Từ mầu nhiệm thứ nhất là Truyền tin, cho đến mầu nhiệm cuối cùng là việc Đức Mẹ được Chúa thưởng triều thiên vinh quang, chúng ta thấy chân dung và cuộc đời Đức Mẹ được phác họa một cách đầy đủ và sâu sắc.  Đức Mẹ từng bước chiêm ngắm những giai đoạn khác nhau của cuộc đời Đấng Cứu thế, cũng là con của Mẹ.  Mẹ gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, đến nỗi ta có thể gọi Mẹ là người môn đệ đầu tiên và môn đệ trọn lành của Người.  Thánh Luca đã viết: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51).  Đức Mẹ vui niềm vui của Chúa Giêsu, khi Người được người ta lắng nghe và ca ngợi tôn vinh.  Đức Mẹ chia sẻ sự đau khổ của con mình, khi Người bị xúc phạm, sỉ nhục và nhất là khi Người chịu đóng đinh trên thập giá.  Bốn giai đoạn Vui, Sáng, Thương, Mừng trong kinh Mân Côi, vừa phác họa cuộc đời Đấng Cứu thế, vừa diễn tả hành trình đức tin của Đức Mẹ.  Hai mầu nhiệm cuối cùng, tức là sự chết lành của Đức Mẹ, và việc Người được tôn vinh trên hết các triều thần thánh, là phần thưởng cho một đời trung kiên, đồng thời cộng tác với Chúa Giêsu để mang lại ơn cứu độ cho trần gian.  Suy niệm mỗi mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta đọc mười kinh “Kính Mừng.”  Khi đọc kinh này, chúng ta cùng với Đức Mẹ chiêm ngưỡng và suy tư những biến cố được diễn tả trong Tin Mừng, đồng thời cầu xin cho chúng ta được những ơn cần thiết trong đời sống, để trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Bốn mùa Vui-Sáng-Thương-Mừng của cuộc đời Chúa Cứu thế cũng phác họa những giai đoạn khác nhau của cuộc sống chúng ta.  Lúc sinh ra khỏi lòng mẹ là ta khởi đầu cuộc sống trần gian.  Thế rồi, từng bước ta lớn lên trưởng thành vào đời.  Cuộc đời dạy ta những bài học sâu sắc.  Có những lúc thành công, có những khi thất bại.  Mỗi lần thất bại làm ta già dặn kinh nghiệm hơn.  Chắng có ai sống trên đời này mà không gặp gian nan thử thách.  Từ bậc quân vương vua chúa cho tới thảo dân nô lệ, ai ai cũng phải trải qua những thử thách đau thương để từng bước trưởng thành.  Kinh Mân Côi giúp ta nhìn thấy chính hình ảnh mình qua cuộc đời Chúa Cứu thế.  Kinh Mân Côi cũng khẳng định với chúng ta, Chúa Giêsu đang hiện diện trong cuộc đời này.  Người chia vui sẻ buồn với chúng ta.  Người nâng đỡ chúng ta trên mọi bước đường trần gian.  Người lau khô giọt lệ nơi đôi mắt chúng ta và khích lệ chúng ta trỗi dậy kiên cường trước phong ba bão táp của cuộc đời.  Nếu ngày xưa, Chúa đã chịu khổ hình để dạy chúng ta bài học khiêm nhường và để bày tỏ tình thương của Thiên Chúa, thì hôm nay, Người lại đang đau khổ nơi những mảnh đời bất hạnh.  Người đồng hoá với những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề cuộc sống.  Vì thế, khi giúp đỡ người nghèo là chúng ta giúp đỡ Chúa (x. Mt 25, 31-46).

Cỗ tràng hạt rất gần gũi thân thuộc với người tín hữu chúng ta.  Tràng hạt không phải là một đơn vị đong đếm, nhưng là mối dây liên kết chúng ta với Đức Mẹ với anh chị em mình.  Tràng hạt cũng là chuỗi hoa hồng thiêng liêng, kết lại để dâng kính Mẹ Thiên Chúa.  Mỗi kinh Kính Mừng là một đóa hồng huyền nhiệm, thể hiện lòng yêu mến hiếu thảo và cậy trông của chúng ta.  Truyền thống Giáo hội công nhận Thánh Đaminh là người đã cổ võ lần hạt Mân Côi theo lệnh truyền của Đức Mẹ để đem lại bình an hiệp nhất cho Giáo hội, trong bối cảnh có nhiều rạn nứt, chia rẽ.  Thánh Đaminh cũng là người đầu tiên kết những bông hoa hồng làm thành tràng hạt dâng kính Đức Mẹ, vì thế, chuỗt hạt ngày nay chúng ta sử dụng, dù được làm bằng chất liệu gì, cũng được gọi là “Chuỗi Mân Côi”, có nghĩa là tràng hoa hồng.

Miệng đọc, trí suy, tay lần tràng hạt, Kinh Mân Côi đơn giản mà huyền diệu.  Mỗi kinh Kính mừng, ta lần một hạt, như tiến một bước trên đường đời, giúp ta đến gần Chúa Giêsu hơn.  Qua Kinh Mân Côi, chúng ta gửi gắm nơi Đức Mẹ niềm vui nỗi buồn của cuộc đời nhân thế.  Những chuỗi hạt thiêng liêng nhân lên mãi trong cuộc đời chúng ta, kéo ơn từ trời xuống, giúp ta nên thánh.  Ước chi mỗi người tín hữu cảm nhận dồi dào ân sủng Chúa ban qua Kinh Mân Côi, để cuộc đời chúng ta được biến đổi và nên hoàn thiện.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Lễ Mân Côi 2016