THÁNH ALPHONGSÔ LIGUORI, GIÁM MỤC TIẾN SĨ (1696-1787) (có Youtube)

Thánh Alphongsô Maria Liguori sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marinella gần Naples và là con trưởng trong 7 anh em.  Ngay từ trong nôi, Ngài là giao điểm tập hợp ân huệ đáng mơ ước như trí thông minh, danh giá, tài sản, thiên khiếu nghệ thuật và một tấm lòng đại độ.

Trong khi đó người mẹ rất đạo hạnh nghĩ rằng: “Các ân huệ tốt đẹp nhất sẽ chẳng có giá trị gì nếu không hướng về Chúa.  Người lãnh nhiều phải trả nhiều.”

Như vậy ân phúc kỳ diệu nhất mà Alphongsô nhận được chính là giáo huấn của người mẹ.  Alphongsô học tiếng Hy lạp, tiếng Latinh, tiếng Pháp và toán.  Ngài say mê âm nhạc và hội họa.  Thánh nhân sáng tác thánh ca, chơi đàn và vẽ tranh nữa!

Là một con người có chí, Alphongsô thành công rất sớm trên cùng đời.  17 tuổi Ngài đậu bằng tiến sĩ luật khoa cả về giáo luật lẫn dân luật và đã bắt đầu hành nghề luật sư.  Khả năng hùng biện của Ngài hứa hẹn một tương lai sáng lạn.  Nhưng tuổi trẻ cũng có cớ dẫn Ngài tới lỗi lầm với hậu quả bi thảm, năm 1723 trong một vụ kiện, Ngài biện hộ với một giọng nói hùng hồn.  Lý lẽ vững chắc, làm cho cả tòa án phải ngỡ ngàng tán thưởng.  Nhưng khi vừa dứt lời, đối thủ ôn hoà vạch ra một lỗi nhỏ mà Ngài không nhận thấy.  Chính lỗi nhỏ đó đã tiêu hủy luận chứng lẫn danh tiếng của Ngài.

Thất bại làm Alphongsô rất đau buồn và đã đóng cửa phòng hai ngày liền.  Ngài suy nghĩ và tự hỏi rằng:  “Đây không phải là lời mời gọi của Chúa hay sao…?”  Bỏ nghề, Ngài nói:

–  Ôi thế gian, ta đã biết ngươi. Hỡi pháp đình, ngươi sẽ không còn gặp ta nữa.

Ngài tìm đường sống và dấn thân cho công cuộc bác ái.  Một ngày kia, đang khi thăm viếng các bệnh nhân trong một nhà thương, Ngài nghe hỏi:  “Ngươi làm gì ở thế gian này?”

Nhìn chung quanh Ngài không thấy ai, nhưng Ngài vẫn nghe hỏi một lần nữa.  Vào một nguyện đường dâng kính Đức Mẹ từ bi gần đó, Ngài hứa sẽ gia nhập dòng giảng thuyết và làm linh mục.  Đặt thanh gươm trên bàn thờ Ngài nói: “Lạy Chúa này con đây, xin hãy làm nơi con điều đẹp lòng Chúa.  Con là gì và con có chi, con xin hiến dâng để phụng sự Chúa.”

Nghe tin này cha Ngài giận dữ, Ngài quyết bỏ nghề, bỏ cả vị hôn thê của Ngài sao?  Ngài đã trả lời rằng: đối với Chúa chẳng có hy sinh nào gọi là quá lớn lao cả.  Ngài cương quyết giữ ý định và cha Ngài không thèm nhìn đến Ngài nữa.  Năm 1726, Ngài thụ phong linh mục.

Thánh nhân rao giảng khắp vương quốc Naples.  Cha Ngài giận dữ quyết không chịu nghe.  Ngày kia ông vào một thánh đường, đúng lúc con ông đang thuyết giảng.  Thoạt đầu ông giận dữ, nhưng rồi dần dần ông mềm lòng.  Ơn Chúa đã đến nhờ lời giảng dạy của con ông.  Kết thúc giờ phụng vụ ra về ông nói: “Con tôi đã làm cho tôi được biết Chúa.”

Suốt đời, thánh Alphongsô không những chỉ nỗ lực trong công việc tri thức mà còn lo tiếp xúc với dân chúng.  Ngài chỉ thích việc ngồi tòa hơn là việc nghiên cứu.  Ngài mang đặc điểm của một linh mục truyền giáo.  Thành quả của Ngài thực hiện được chính là dòng Chúa Cứu Thế, thành lập tại Scala tháng 11 năm 1732.  Thánh Anphongsô và các tu sĩ của Ngài, sáng chói nhất có thánh Giêrađô Majella, đã nỗ lực đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng của dân quê nghèo thời đó, bằng các kỳ Đại Phúc thừa sai, các tuần tĩnh tâm, các tuần tái phúc, theo gương thánh Phaolô đã làm.  Dòng Chúa Cứu Thế từ ngày thành lập cho đến nay, đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng Chúa vẫn gìn giữ, ủ ấp để rồi Dòng Thánh vẫn luôn vươn lên, tiếp tục rao giảng Nước Thiên Chúa và giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người, đặc biệt những người bơ vơ, nghèo khổ.

Năm 1548 thánh nhân xuất bản bộ thần học luân lý, được đức giáo hoàng Bênêdictô XIV phê chuẩn và gặt hái nhiều thành quả tức thời.

Thánh Alphongsô Ligôri viết tất cả sáu mươi cuốn sách.  Điều này thật khó tin vì ngài phải chu toàn rất nhiều trách vụ.  Vả lại, Alphongsô Ligôri thường hay đau bệnh.  Ngài thường xuyên mắc chứng đau đầu; và để có thể làm việc liên tục, thánh Alphongsô Ligôri phải quấn một chiếc khăn lạnh trên trán.  Ngài không chỉ nổi tiếng về Thần Học Luân Lý, ngài còn viết nhiều về lĩnh vực thần học tâm linh và tín lý.  Cuốn Glories of Mary (Vinh quang Mẹ Maria) là một trong các tác phẩm lớn của ngài, và cuốn Visits to the Blessed Sacrament (Viếng Thánh Thể) của ngài được tái bản 40 lần ngay khi ngài còn sống, ảnh hưởng nhiều đến việc thực hành sự tận hiến

Mặc dù bản tính tự nhiên rất nóng nảy, song Alphongsô Ligôri đã cố gắng làm chủ tính khí của mình.  Alphongsô Ligôri khiêm nhường đến nỗi khi đức thánh cha muốn đặt ngài làm giám mục vào năm 1762, ngài đã dịu dàng từ chối.  Khi các sứ giả của đức thánh cha đến gặp riêng Alphongsô để nói cho ngài biết ý định của đức thánh cha, và họ gọi ngài bằng tước hiệu “thông thái,” Alphongsô Ligôri đã trả lời: “Xin làm ơn đừng gọi tôi bằng danh xưng đó.  Nó sẽ giết chết tôi mất!”  Đức thánh cha biết rằng Alphongsô sẽ giúp ích được nhiều cho Giáo hội nên ngài đã chỉ định Alphongsô Ligôri làm giám mục giáo phận Agatha của người Goth.  Thánh Alphongsô Ligôri đã cử nhiều nhà giảng thuyết đến làm việc trong giáo phận của ngài.  Họ giúp chia sẻ về tình yêu Thiên Chúa và tầm quan trọng của niềm tin Công giáo.  Alphongsô Ligôri xin các linh mục hãy giảng các bài thật đơn sơ để dân chúng dễ nắm bắt và dễ đem ra thực hành, ngài nói: “Tôi chưa khi nào giảng một bài mà người bình dân nhất trong nhà thờ không thể hiểu được!”

Năm 1775 Ngài được đức giáo hoàng Piô VI cho phép từ nhiệm để về sống trong dòng tại Nocera.

Những năm cuối đời, thánh Alphongsô đã trải qua rất nhiều đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần.  Dầu trong “đêm tối của linh hồn” Ngài vẫn không nao núng và luôn kiên trì cầu nguyện.  Ngài nói: “Ai cầu nguyện sẽ được cứu thoát, ai không cầu nguyện sẽ tự luận phạt.”  Cuối cùng Ngài tìm được bình an và qua đời năm 1787, hưởng thọ 91 tuổi.  Đến năm 1839, đức thánh cha Grêgôriô XVI tôn phong Alphongsô Ligôri lên bậc hiển thánh.  Còn đức thánh cha Piô IX thì tôn tặng ngài tước hiệu Tiến sĩ Hội Thánh năm 1871.

Tổng hợp

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THÁNH INHAXIÔ, TỔ PHỤ DÒNG TÊN (có Youtube)

Từ Lộ Đức (Pháp) đến Burgos (Tây Ban Nha) hơn 400km.  Tại Burgos có Đền Thánh Loyola nổi tiếng.  Từ xa, nhìn Nhà thờ với dáng vẻ cổ kính và khuôn viên rộng lớn.  Bên trong Nhà thờ có nhiều nhà nguyện ở chung quanh với những cột đá cẩm thạch nhiều màu sắc khác nhau thật lộng lẫy, có nhiều tác phẩm nghệ thuật trên cung thánh, trên trần và trên các bức tường.

Chúng tôi viếng thăm những nơi liên hệ đến cuộc hoán cải của Thánh Inhaxiô.  Hướng dẫn chương trình tham quan đã được thu âm bằng nhiều ngôn ngữ.  Chọn phần tiếng Việt, chúng tôi lắng nghe về hành trình hoán cải và nên thánh của Inhaxiô, đi đến những căn phòng giới thiệu về cuộc đời của thánh nhân và đến Nhà nguyện “hoán cải” dâng thánh lễ.

  1. Đôi dòng tiểu sử Thánh Inhaxiô

Thánh Inhaxiô sinh tại Loyola vào năm 1491, trong một gia đình quí tộc xứ Basque của Tây Ban Nha.  Inhaxiô là người em út trong số 13 người con.  Thời niên thiếu, Ignatiô được nhà vua chọn làm người hầu cận, tiếp đến là chiến sĩ trong quân đội hoàng gia.

Năm 1509, Inhaxiô tòng quân Antonio Manrique de Lara, Duke thành Najera và Viceroy thành Navarre với mục đích là được thăng tiến thành một công tước.  Dưới sự lãnh đạo của Duke, Inhaxiô đã tham gia nhiều trận đánh mà không bị thương tích gì.

Ý Chúa thật nhiệm mầu.  Sức mạnh lại bày tỏ qua sự yếu đuối như lời thánh Phaolô:“…vì quyền năng của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối ” (2 Cr 12,9).  Ngày 20 tháng 5 năm 1521, cột mốc ghi dấu đặc biệt.  Quân Pháp đánh chiếm thành Pamplona.  Inhaxiô bị một viên đạn đại bác bắn gãy chân và bị thương nặng.  Bức tượng bằng đồng phía ngoài hành lang kể lại sự kiện này.  Trở về dưỡng bệnh trong lâu đài của gia đình, Inhaxiô giết thời giờ bằng cách đọc những sách kể lại những hành động phi thường và lãng mạng của các hiệp sĩ.  Người chị dâu đã đem đến cho ngài cuốn “Cuộc đời Chúa Kitô” và cuốn “Hạnh các thánh”.  Dần dần, những quyển sách này đã thu hút ngài.  Khi đọc về cuộc đời của thánh Phanxicô Assisi, Thánh Đaminh và nhiều tu sĩ nổi tiếng khác, Inhaxiô quyết tâm noi gương các bậc thánh nhân hiến mình để đi chinh phục Đất Thánh cho Giáo hội.  Sau khi phục hồi, Inhaxiô đến thăm tu viện Santa Maria de Montserrat của dòng Biển Đức.  Tại đây, ngài treo bộ quân phục của mình trước một bức hình Đức Mẹ Maria.  Sau đó, ngài đến thị trấn Manresa, Catalonia và đã dành nhiều tháng sống trong một hang động để thực hành khổ hạnh khắt khe.  Tại Manresa, Inhaxiô bắt đầu thay đổi lối sống và cảm nghiệm sự thay đổi trong tâm hồn xen lẫn niềm vui và nỗi khổ đau.  Được Chúa đánh động, từ đó ngài khởi đầu một hành trình lâu dài và đau khổ khi trở về với Ðức Kitô.  Một lời cầu nguyện cho các hối nhân mà Inhaxiô rất tâm đắc: “Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tất cả tự do, trí khôn và cả ý chí con.  Tất cả những gì con có và đang làm chủ, Chúa đã cho con; nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa xử dụng hoàn toàn theo tôn ý Ngài.  Lạy Chúa, xin hãy ban cho con tình yêu và ân sủng Chúa.  Đối với con, thế là đủ.  Amen!”

Vào năm 1522, được thấy Mẹ Thiên Chúa trong một thị kiến, ngài thực hiện cuộc hành hương đến đan viện dòng Biển Ðức ở Monserrat.  Ở đây, ngài xưng thú tội lỗi, mặc áo nhặm và đặt thanh gươm trên bàn thờ Ðức Maria, thề hứa sẽ trở nên một hiệp sĩ cho Ðức Mẹ.

Trong khoảng thời gian một năm, ngài sống gần Manresa, có khi thì ở với các tu sĩ Ða Minh, có khi thì ở nhà tế bần, nhưng lâu nhất là sống trong một cái hang ở trên đồi để cầu nguyện.  Chính trong thời gian hoán cải này, Linh Thao là con đường thiêng liêng đặc biệt và ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, đó là cuốn “Những Thao Luyện Tâm Linh”.

Vào năm 1523, ngài rời Manresa đến Roma và Giêrusalem, là nơi ngài sống nhờ việc khất thực và hăng say hoán cải người Hồi Giáo ở đây.  Vì lo sợ cho tính mạng của ngài, các tu sĩ Phanxicô khuyên ngài trở về Barcelona.  Tin tưởng rằng, kiến thức uyên bác sẽ giúp đỡ tha nhân cách thiết thực hơn, ngài dành 11 năm tiếp đó trong việc học ở Alcalá, Salamanca và Paris.

Sau khi đi hành hương ở Đất Thánh về, Inhaxiô quyết định trở thành một linh mục.  Việc này đòi hỏi ngài phải bắt đầu lại việc học hành.  Inhaxiô đã cố gắng học tiếng La tinh và ghi tên vào học ở Đại học Paris.  Trong lúc theo học ở Paris, ngài đã thu phục được một nhóm nhỏ sinh viên thành lập một hội đoàn trong đó có Phanxicô Xaviê và Pierre Fabre.

  1. Sáng lập Dòng Tên

Vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15-8-1534, bảy sinh viên Đại Học Paris cùng nhau đến nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre (Crypte du Martyrium de Montmartre) để tuyên khấn.  Chân phước Phêrô Favre, linh mục duy nhất của nhóm, dâng lễ, một lễ dành riêng cho họ.  Trước khi rước Mình Thánh Chúa, mỗi người lần lượt đọc lời khấn đã viết sẵn.  Trong tinh thần này, bảy anh em đã ý thức được một tâm tình: Tất cả là những người Bạn của Chúa Kitô.  Trong số bảy người đó, ngoài Thánh Inhaxiô ra còn có Thánh Phanxicô Xaviê.  Khi viếng thăm nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre, chúng tôi đọc được một bảng bằng đồng viết bằng tiếng La tinh: “Societas Jesu Quae Sanctum Ignatium Loyolam Patrem agnoscit, Lutetiam matrem Hic nata est. – Dòng Tên sinh tại nơi đây.  Cha: Thánh Inhaxiô, Mẹ: Paris”.

Sau thời gian sống ở Paris, Inhaxiô và nhóm bạn bảy người đã nuôi mộng sẽ đi Giêrusalem và dấn thân ở đó.  Tuy nhiên, họ cũng có một ý tưởng thứ hai, là nếu điều kiện không cho phép họ đi Giêrusalem, thì tất cả sẽ xin tự nguyện tùng phục Đức Thánh Cha, và sẽ đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì để phục vụ Giáo Hội.

Khi từng người lần lượt đã đến Roma, họ nhận được sự chúc lành của Đức Thánh Cha, Ngài cũng cho phép họ đi Đất Thánh và Ngài còn cho phép tất cả được chịu chức Linh Mục.

Trong năm đó, năm 1537, vì điều kiện không cho phép, nên việc đi Giêrusalem phải hoãn lại, và với thời gian, Chúa đã muốn hướng đi khác cho những người trẻ này.  Đặc biệt trong thời gian này Inhaxiô đã có được một thị kiến tại La Storta: “Một hôm khi còn cách xa Roma mấy dặm, đang khi cầu nguyện trong một nhà thờ, Inhaxiô nhận thấy một sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn, và thấy rõ ràng Chúa Cha đặt ông cùng Chúa Kitô, con của Ngài.  Inhaxiô không thể nào nghi ngờ điều đó chỉ biết rằng Chúa Cha đặt mình cùng Chúa Con” (Hồi ký I-nhã số 96).  Đó chính là một trong những kinh nghiệm giúp Inhaxiô và các anh em nhận ra được ơn gọi để trở nên những người kết thân với Chúa Kitô, trở nên những môn đệ của Ngài và cùng Ngài lên đường phục vụ Thiên Chúa và các linh hồn.

Trong thời gian này, các anh em tiếp tục sống tinh thần tông đồ, giúp các linh hồn, và đưa mọi người về với Đức Kitô đúng theo tinh thần của Linh Thao.  Đây cũng là một trong những trọng tâm sống của họ.  Các anh em đều tiếp tục xây dựng cuộc sống của mình trên đặc sủng Linh Thao.  Họ cũng nhận định và suy nghĩ về tương lai của mình.  Một trong những điều họ suy nghĩ là: “Nên đặt tên cho nhóm bạn mình là gì đây?”  Với tâm tình “là những người bạn trong Chúa Kitô”, tất cả đều đồng tâm chọn chính tên của Đấng đã làm cho mọi người yêu mến và ao ước phục vụ.  Vì thế, họ đã chọn tên cho nhóm là: “Societatis Jesus – Cộng đoàn Giêsu hữu”.

Sau đó, vào Mùa Chay năm 1539 tại Roma, Inhaxiô và các bạn đã nhất trí xin lập một dòng tu mới.  Đức Thánh Cha Phaolô III đã chính thức phê chuẩn Dòng Chúa Giêsu vào năm 1540, với tên gọi “Cộng đoàn Giêsu hữu”.  Thánh Inhaxiô được bầu làm bề trên đầu tiên.  Ở đây xin mở ngoặc để phần nào trả lời cho câu hỏi: “Tại sao ở Việt Nam lại kêu Dòng Chúa Giêsu là Dòng Tên?”  Vì khi Dòng Chúa Giêsu vào Việt Nam, thì trong bối cảnh xã hội thời đó, ai kêu tên của Ông Bà Cha Mẹ, đặc biệt tên của Chúa, thì rất phạm thượng, nên “Dòng Chúa Giêsu” đã được kêu là “Dòng Tên”, để không phạm húy, để mọi người dễ chấp nhận, và cũng dễ dàng cho anh em Giêsu Hữu thời đó trong việc truyền giáo.

Khi Dòng Tên được phê chuẩn và hình thành, Inhaxiô và các anh em đã quyết định một vài điều liên quan đến đời sống thiêng liêng và phục vụ.  Cộng đoàn Dòng Tên sẽ không có giờ kinh phụng vụ chung, tu sĩ dòng không có áo dòng như các tu viện và dòng Tu thời đó, và Dòng Tên cũng không là một tu viện với một “chỗ gối đầu” êm ấm, được bao quanh bởi bốn bức tường kiên cố.  Nhưng tại sao lại có những quyết định như thế?  Đơn giản là các tu sĩ Dòng Tên cần phải sống ơn gọi tông đồ mà Thiên Chúa đã mời gọi.  Vì thế, họ đã chọn lựa một số cách thức giúp họ dễ dàng thi hành sứ mạng tông đồ hơn.  Vì thế, tu viện của Dòng Tên sẽ là phố phường và thế giới, nơi các tu sĩ Dòng Tên đặt chân tới để giúp các linh hồn và phục vụ anh chị em.  Đó chính là tinh thần sống của Inhaxiô, một người lữ hành, và của những anh em Dòng Tên từ xưa cũng như hôm nay.

Từ đó trở đi, theo gương của Chúa Giêsu, các tu sĩ Dòng Tên đã đi đến từng phố phường, làng mạc…, để đem Tin Mừng của Chúa đến khắp mọi nơi, cùng chia sẻ và giúp đỡ từng tâm hồn nhận ra được tình yêu của Chúa, tin vào Tin Mừng của Ngài, và tập sống theo mẫu gương của Đức Kitô.  Đặc biệt, ở đâu cần giúp đỡ hơn, ở đâu khó khăn hơn, ở đâu Tin Mừng Chúa cần “nở hoa” hơn thì các anh em Dòng Tên quyết tâm lên đường dấn thân nơi đó.  Vì vậy mà Phanxicô Xaviê đã phải xa lánh nhóm bạn, đáp tàu đến một vùng đất xa xôi và lạ lẫm ở Ấn Độ và Nhật Bản, Mattheo Ricci và Adam Schall ở Trung Quốc, Alexandre de Rhode (cha Đắc Lộ) ở Việt Nam, và còn bao tu sĩ Dòng Tên khác đã đặt chân lên Nam Mỹ, Châu Phi.

Ngoài ra, môi trường phục vụ của dòng Tên ngày xưa, cũng như hiện nay với trên 20 ngàn tu sĩ tại 127 quốc gia, không giới hạn ở một chân trời nào cả.  Không chỉ có chân trong triều đình nhà Vua thời xưa, mà còn ở những góc phố dơ bẩn tại Manila thời nay.  Không chỉ ở tại những đại học danh tiếng như Georgetown University – Hoa Kỳ, mà còn tại những vùng hoang vu đất đỏ ở Việt Nam.  Thực vậy, nơi nào Vinh Danh Thiên Chúa hơn, thì các tu sĩ Dòng Tên có mặt ở đó.

  1. Inhaxiô một vị thánh lớn của Giáo hội

Trong khi các bạn đồng hành được Đức Giáo Hoàng sai đi truyền giáo thì Inhaxiô vẫn ở Roma, chăm sóc tổ chức mới của ngài nhưng vẫn dành thời giờ để thành lập các nhà cho cô nhi cho người tân tòng. Ngài thành lập Trường Roma (sau này là Ðại Học Grêgôriô), với mục đích là trường này sẽ trở nên khuôn mẫu cho các trường của Tu Hội.

Trong thị kiến ở La Storta, Inhaxiô xin và đã được “Chúa Cha và Đức Giêsu vác thập giá nhận Inhaxiô làm người phục vụ.”  Đức Giêsu vác thập giá đã nói với Inhaxiô: “Ta muốn con phục vụ chúng ta”.

Thánh Inhaxiô qua đời ngày 31-7-1556, hưởng thọ 65 tuổi.  Đức Giáo hoàng Phaolô V phong chân phước cho ngài vào ngày 27-7-1609.  Đức Giáo hoàng Grêgôriô XV phong thánh ngày 13-3-1622.  Lễ kính Thánh Inhaxiô vào ngày 31-7 hằng năm.

Thánh Inhaxiô đích thực là một nhà thần bí.  Ngài tập trung vào đời sống tâm linh dựa trên các nền tảng thiết yếu của Kitô Giáo như Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðức Kitô, Bí Tích Thánh Thể.  Linh đạo của ngài được tỏ lộ trong châm ngôn của Dòng Tên “ad majorem Dei gloriam” nghĩa là  “để Thiên Chúa được vinh danh hơn”.  Trong quan niệm của ngài, sự tuân phục là một đức tính nổi bật nhằm đảm bảo cho thành quả và sự năng động của tu hội.  Mọi hoạt động phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến Giáo Hội thực sự và tuân phục Ðức Thánh Cha vô điều kiện.  Vì lý do đó, mọi thành viên của dòng phải khấn lời thề thứ tư, đó là phải đến bất cứ đâu mà Đức Giáo Hoàng đã sai đi để cứu rỗi các linh hồn.

Các linh mục Dòng Tên gồm những nhà bác học, thần học, giáo dục, khoa học cho đến những nhà truyền giáo danh tiếng và nhiều đấng tử đạo.  Những thần học gia vĩ đại, con cái của Thánh Inhaxiô như: Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955) và Henri de Lubac (1896-1991) của Pháp, Karl Rahner (1904-84) của Đức, Bernard Lonergan (1904-84) của Canađa và John Courtney Murray (1904-67) của Hoa Kỳ, Hans Urs von Balthasar (1905-88), người Thụy Sĩ… Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng là Tu sĩ Dòng Tên.

Đến ngày 1 tháng 1 năm 2012, tổng số tu sĩ Dòng Tên là 17.637 tu sĩ, trong đó có 12.526 linh mục, 1.470 tu huynh, 2.896 học viên và 745 tập sinh, phục vụ tại 133 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới trong 84 tỉnh dòng, 5 miền độc lập và 10 miền phụ thuộc.  Các tu sĩ của Dòng có mặt trong hầu hết các hoạt động của Giáo Hội (suy tư thần học, giảng thuyết, mục vụ giới trẻ, giúp Linh thao, truyền giáo…) cũng như của xã hội (giáo dục, truyền thông, phục vụ người tị nạn và di dân,…) nhằm phục vụ và thăng tiến con người.  Họ là các thần học gia, các vị linh hướng, giáo sư, kỹ sư, nhạc sĩ, nhân viên xã hội, tâm lý gia, bác sĩ, luật sư, nhà báo, nhà truyền giáo…(x.dongten.net).

Khi dâng lễ ở Nhà nguyện “hoán cải”, tôi suy gẫm về ơn trở lại của thánh nhân.  Nhờ đọc sách thiêng liêng mà Inhaxiô được biến đổi.  Thiên Chúa đã dùng sách thiêng liêng như một khí cụ để hoán cải Inhaxiô.  Việc đọc sách thiêng liêng đã tạo nên nhiều vị thánh.  Nhờ việc đọc sách thiêng liêng, con người trau dồi tri thức về giáo lý Kitô Giáo, đồng thời tìm được những kiến thức cho cuộc thưa chuyện mỗi ngày với Thiên Chúa.  Một cuốn sách thiêng liêng hay có thể được coi như một người bạn tốt.

Thời đại kỹ thuật số hôm nay, các phương tiện truyền thông hằng ngày luôn tấn công con người bằng những âm thanh và hình ảnh thế tục, nó muốn tách lìa từng người ra khỏi Thiên Chúa.  Một quyển sách tốt có thể trở thành một người bạn tuyệt vời, một nhà tư vấn khôn ngoan.  Một quyển sách tốt là một kho tàng tâm linh.  Một vài phút suy niệm về một bài đọc thiêng liêng sẽ giúp chúng ta gần Chúa hơn.

Inhaxiô là một vị đại thánh cho Giáo Hội và một nhân cách lớn cho xã hội.  Ngài là một thiên tài trong lịch sử loài người.  Nơi ngài, ân sủng và tự nhiên hòa hợp cách mỹ mãn để biến đổi một hiệp sĩ đầy tham vọng thế tục thành một vị thánh lớn để bước theo Chúa Kitô xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa và phục vụ mọi người.  Thật khó mà mô tả đầy đủ những đức tính phong phú và có phần đối nghịch của Inhaxiô: hăng hái nhưng biết kềm chế; dũng cảm, quyết tâm, nhưng đơn sơ, cẩn trọng; mạnh mẽ, cương nghị nhưng dịu dàng, yêu thương.  Một con người của những khát vọng lớn lao.  Cả những tham vọng, đam mê thế tục.  Trước khi hoán cải, phục vụ vua chúa trần gian, tìm kiếm danh vọng cho bản thân.  Sau khi hoán cải, cũng với khát vọng và hoài bão lớn lao cố hữu, nhưng được thanh luyện, để không còn tìm kiếm chính mình mà tìm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Mừng lễ kính thánh Inhaxiô, xin Chúa cho mỗi người chúng ta được noi gương ngài luôn sống và làm việc “Để Thiên Chúa được vinh hiển hơn”.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

VIÊN NGỌC QUÝ (có Youtube)

Chuyện kể rằng có một thầy khổ tu vào rừng để hành xác, mong được lên cõi thiên đàng.  Ngày ngày có một cô gái nhân đức tới để cung cấp trái cây và nước suối cho thầy.

Nhiều năm trôi qua, đã đến lúc thầy phải rời bỏ khu rừng vào hang núi sâu, hoàn thành cuộc hành xác khắc nghiệt.  Người con gái chặt củi nước mắt lưng tròng van xin:

– Tại sao thầy không cho con được diễm phúc hầu hạ thầy?

Và thầy tu đã ngồi lại, ở nguyên chỗ cũ.

Thầy ngồi một mình, tháng này qua năm nọ, cho đến khi cuộc hành xác hoàn thành.  Vị chúa tể của những con người bất tử xuống báo cho thầy biết rằng thầy đã được lên cõi thiên đàng.  Nhưng thầy tu nói:

– Đã lâu rồi tôi không cần thiên đàng nữa!

Vị chúa tể kia liền hỏi:

– Vậy thầy muốn được phần thưởng nào quí giá hơn thiên đàng?

Thầy tu chắp tay nhắm mắt điềm nhiên trả lời:

– Tôi muốn được cô gái chặt củi?

***************

“Nước Trời giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.  Tìm được một viên ngọc quý ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,45-46).  Người thương gia rất am tường về ngọc, ông biết rõ viên ngọc quý này là vô giá, mà người bán không hề biết, nên ông đã đánh đổi cả gia tài của mình để mua viên ngọc ấy, vì tất cả những gì ông có so với viên ngọc quý ấy cũng chẳng là gì, chẳng đáng giá chi.

Nước Trời đáng quí, đáng trọng, đáng mơ ước là thế, vậy mà thày tu trong câu chuyện trên đây lại bỏ thiên đàng để ở lại với cô gái chặt củi.  Viên ngọc quý của ông sau bao nhiêu năm hành xác mới có được lại không phải là thiên đàng vĩnh cửu, mà là một xác phàm hay chết, một thụ tạo nay còn mai đã biến tan.  Thật là ngu lắm thay, dại khờ lắm thay!

Chợt nghĩ lại, đâu chỉ mình thày tu này dại khờ, ngu ngơ!  Đâu chỉ mình ông mới “Bỏ hình bắt bóng”.

Những kẻ xem danh vọng, chức quyền là viên ngọc quý, cả đời săn lùng tìm kiếm cho đến hao tâm tổn sức, để rồi nó vỡ tan như bong bóng xà phòng, lại không dại khờ lắm sao?

Những kẻ coi tiền bạc, của cải là kho báu duy nhất trên đời, để bôn ba vất vả thu tích cho thật nhiều mà chẳng nghĩ đến ai, và khi nhắm mắt xuôi tay cũng chẳng mang được một xu về bên kia thế giới, lại chẳng dại khờ lắm sao?

Những kẻ đam mê khoái lạc, ăn chơi cho thỏa thích, họ xem thế gian này là kho báu, là viên ngọc quý, phải thụ hưởng tối đa cho thỏa mãn, cho tràn trề, để rồi khi kết thúc cuộc đời ngắn ngủi, sẽ phải khóc lóc nghiến răng muôn kiếp, lại không phải là kẻ dại khờ lắm sao?

Hãy bỏ đi những chiếc phao thủng mà một lúc nào đó, giữa biển đời lênh đênh chúng ta đã bám víu như một vật cứu sinh an toàn.

Chỉ có những ai sáng suốt nhận ra Đức Giêsu chính là viên ngọc quý, lấp lánh ngời sáng như sao mai trên bầu trời, mới dám bán đi những viên ngọc giả là của cải, danh vọng và khoái lạc trần gian, mà mua lấy mối tình thâm sâu với Người trong cõi đời đời.

Chỉ có những ai xác tín rằng Nước Trời chính là kho báu vô giá, tồn tại vĩnh cửu, mới “vui mừng bán đi tất cả” những kho tàng phù vân đời này, mà mua lấy kho báu bất diệt trên nơi vĩnh phúc.

Đức Giêsu nói với người thanh niên giàu có: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời.  Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21).  Nếu Đức Giêsu là viên ngọc quý, là hiện thân của nước Trời, thì người tín hữu phải bán đi tất cả, phải chấp nhận mất mát tất cả, phải từ bỏ mọi sự để được sống với Người, để chọn Người làm lẽ sống, và để được Người, là được tất cả.

Đó là cái nghịch lý chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng: mất đi để được lại, cho đi để được nhận lãnh, chết đi để được sống mãi.

Baeteman có viết: “Cái đáng giá, không luôn là cái chúng ta hiến dâng cho chúa, nhưng luôn là cái gì chúng ta nhân danh Người mà từ chối”.

***************

Lạy Chúa, nếu có lần nào chúng con cảm nghiệm được hạnh phúc giả tạo mau qua của kho tàng dưới đất, thì xin cho chúng con một chút ngất ngây hạnh phúc của kho báu trên trời.

Xin dạy chúng con biết luôn chọn chúa là gia nghiệp, là cùng đích và là lẽ sống của cuộc đời chúng con.  Amen.

Thiên Phúc (trích trong “Như Thầy Đã Yêu”)

 

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

CHÚA GIÊSU LÀM GÌ TRONG 30 NĂM TẠI THẾ? (có audio mp3)

Thật thú vị khi chúng ta biết nhiều về cuộc đời của Chúa Giêsu trên thế gian.  Giữa các sự kiện xung quanh việc giáng sinh của Ngài và khởi đầu sứ vụ công khai của Ngài khi Ngài “trạc ba mươi tuổi” (Lc 3:23), rất ít chi tiết còn tồn tại.

Nói theo ngôn ngữ nhân loại (nhân ngữ), chịu ảnh hưởng và chịu tác động bởi cuộc đời của Ngài, chúng ta có thể ngạc nhiên thấy rằng chúng ta biết quá ít về thời thơ ấu, thời thiếu niên và thời thanh niên của Ngài – nhất là mối liên quan với những người đi theo Ngài và những người tôn thờ Ngài là Thiên Chúa.  Nghĩa là, nếu nói theo ngôn ngữ thần thánh (thần ngữ), đó là mối quan hệ mà chắc chắn Thiên Chúa có.

Sau câu chuyện Chúa giáng sinh, Phúc Âm thứ nhất cho chúng ta biết về cuộc thăm viếng của các đạo sĩ, các chiêm tinh gia ngoại giáo đến từ Đông phương (Mt 2:1-12), cuộc chạy trốn sang Ai Cập (Mt 2:13-18), và cuộc trở lại sau khi Hê-rô-đê băng hà (Mt 2:19-23).  Thánh Mátthêu chuyển ngay sang sứ vụ tiền phong của Thánh Gioan Tẩy Giả, và thời trưởng thành của Chúa Giêsu – không có gì trong khoảng 30 năm, từ tuổi thơ ấu tới tuổi trưởng thành.

SỰ PHÁT TRIỂN XỨNG ĐÁNG

Phúc Âm thứ ba nói nhiều hơn, nhưng tập trung 30 năm trong cuộc đời con người quan trọng nhất trong lịch sử thế giới bằng các câu đơn giản.  Thánh Luca kể về việc sứ thần báo tin cho các mục đồng (Lc 2:8-21) và Thánh Gia lên Đền Thờ (Lc 2:22-38).

Thánh Luca tóm lược 12 năm đầu đời của Chúa Giêsu rất ít: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2:40).  Sau đó, Thánh Luca cho biết: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua.  Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.  Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết.  Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.  Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.  Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.  Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.  Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?  Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”  Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con?  Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”  Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2:41-51).

Trong khoảng 20 năm cuộc đời Chúa Giêsu, Thánh Luca nói một câu ngắn gọn: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52).

Làm sao biết cuộc đời của Con Trẻ Giêsu?  Cậu Giêsu có hơn các bạn bè về việc học?  Sự vô tội của Ngài có làm người khác tức giận?  Ngài làm việc giỏi như thế nào?  Tay nghề thợ mộc của Ngài có “hoàn hảo,” hoặc có tiếng tốt trong làng xóm trước khi Ngài làm sứ vụ công khai?

Nhưng dễ dàng lạc đề qua cách suy nghĩ và bỏ qua điểm chính về các câu tóm tắt quan trọng trong Phúc Âm theo Thánh Luca.  Thiên Chúa có điều để dạy chúng ta ở đây về các chi tiết đã nói trước.  Ngài sai Chúa Con đến sống, trưởng thành và làm việc trong âm thầm khoảng 30 năm, trước khi thi hành sứ vụ công khai và được người ta nhận biết là bậc thầy uy tín, Ngài có những điều phải nói với chúng ta về phẩm giá của cuộc sống và sự lao động – sự linh thiêng của sự phát triển dần dần và sự trưởng thành.

Thiên Chúa có thể sai đến một Đức Kitô phát triển viên mãn.  Từ đầu, Ngài có thể tạo ngay một thế giới không có những con người sa ngã – trẻ em, người trẻ, những con người trưởng thành và hoạt bát.  Nhưng Thiên Chúa không làm theo cách đó.  Ngày nay Ngài cũng không làm như vậy.  Ngài “thiết kế” chúng ta để hiện hữu mạnh mẽ, phát triển theo từng giai đoạn của cuộc sống, phát triển về thể lý và tinh thần, với nhau và với Thiên Chúa.

CHÚA GIÊSU PHÁT TRIỂN VÓC DÁNG

The ancient creed confesses his full humanity, in both body and inner person.  Chúa Giêsu là “Thiên Chúa thật và là con người thật, có linh hồn và thể xác” (Công Đồng Chalcedon, năm 451). Chúa Giêsu có “thân xác thật” tức là Ngài sinh ra, lớn lên, khát, đói, khóc, cười, ngủ nghỉ, đổ mồ hôi, chảy máu, và chết.

Cả bốn Phúc Âm đều cho biết sứ vụ công khai ba năm của Chúa Giêsu, và gần một nửa khoảng không gian tới một tuần trước khi Ngài chịu chết.  Nhưng Thiên-Chúa-con-người làm gì trong thời gian 30 năm từ sau khi sinh tới lúc khởi đầu sứ vụ?  Ngài bước đi trên những con đường bình thường, không mê hoặc, lớn lên và phát triển như một nam nhi bình thường.

Đức Giêsu Kitô không nổi bật ở hoang địa khi rao giảng Nước Thiên Chúa.  Ngài biết canh phòng và khôn khéo luồn lách khi bước đi và nói chuyện.  Ngài cũng gãi khi ngứa.  Có thể Ngài cũng đã từng bị đứt tay hoặc trật gân.  Ngài cũng bị cảm lạnh lúc thời tiết giao mùa, mệt mỏi vì cảm cúm, cũng lóng ngóng vụng về khi mới lớn.  Ngài cũng được cha mẹ dạy cho biết các kỹ năng xã hội, và học cách làm việc như những người bình thường trong suốt hơn nửa đời làm người trên thời gian này.

CHÚA GIÊSU PHÁT TRIỂN SỰ KHÔN NGOAN

Nhưng Chúa Giêsu phát triển không chỉ về thể lý, mà cả về tâm hồn, giống như mọi phàm nhân khác, về sự khôn ngoan và sự hiểu biết.  Thánh Luca cho biết rằng lúc 12 tuổi, Chúa Giêsu “thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2:40), không phải là Ngài có tất cả một lúc, hoặc luôn luôn như vậy, mà Ngài cũng phải học tập dần dần.

Nhờ nỗ lực và làm việc cần mẫn, Ngài trở nên nhạy bén về trí tuệ và cảm xúc hơn lúc còn là Con Trẻ.  Ngài không nhận tất cả một lúc, nhưng Ngài dần dần phát triển về sự khôn ngoan, qua những va chạm đau khổ hàng ngày.  Trí tuệ và tâm hồn nhân loại nơi Ngài cũng phát triển.  Ngài phát triển về thể lý, đồng thời cũng phát triển về trí tuệ và tình cảm, như Kinh Thánh cho biết: “Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52).  Trong cuốn “The Person of Christ” (Con Người của Đức Kitô), trang 164, tác giả Donald Macleod viết: “Ngài sinh ra với trí tuệ của một đứa trẻ bình thường, trải qua những kích thích bình thường, và trải qua quá trình bình thường của sự phát triển về trí tuệ.”

Thật vậy, chúng ta thấy có những lúc khác thường về kiến thức siêu phàm của Ngài, vì được Chúa Thánh Thần linh hứng.  Ngài biết Nathanael trước khi ông gặp Ngài (Ga 1:47), biết người phụ nữ Samari có năm đời chồng (Ga 4:18), và biết Ladarô đã chết (Ga 11:14).  Ngài còn biết ông Phêrô sẽ tìm thấy đồng tiền trong miệng con cá bắt được (Mt 17:27), và thậm chí còn biết rõ ông sẽ chối Ngài ba lần (Mt 26:30-35; Mc 14:26-31; Lc 22:31-34; Ga 13:36-38).  Tuy nhiên, chúng ta đừng lầm tưởng về kiến thức siêu nhiên như vậy, mặc dù được mặc khải đặc biệt, với việc học hỏi chăm chỉ không ngừng trong quá trình tiếp thu cách giáo dục.

Chúa Giêsu học hỏi từ Kinh Thánh và từ Cha Mẹ, trong cộng đồng và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngài tăng thêm sự khôn ngoan bằng cách luôn cẩn thận quan sát cuộc sống hằng ngày, và cách tiếp cận với thế giới của Thiên Chúa.

CHÚA GIÊSU HỌC BIẾT VÂNG LỜI

Một lĩnh vực chủ yếu trong sự phát triển của Ngài về vóc dáng và sự khôn ngoan là học cách vâng lời – vâng lời cha mẹ dưới đất (Lc 2:51), và vâng lời Chúa Cha trên trời.

Trong thời gian Chúa Giêsu mặc xác phàm, Ngài đã cầu nguyện và van nài bằng tiếng kêu to và đầy nước mắt, để Ngài có thể thoát khỏi cái chết, và Ngài được nhận lời.  Mặc dù là Con, Ngài vẫn học biết cách vâng lời qua những đau khổ Ngài chịu.  Ngài được hoàn hảo và trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai vâng lời Ngài: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết.  Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.  Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:7–9).

Cách nói “Ngài học cách vâng phục” không có nghĩa là Ngài đã không vâng lời, mà Ngài bắt đầu từ sự chưa biết và chưa có kinh nghiệm, và cuộc sống nhân loại làm cho Ngài có kinh nghiệm và biết cách làm.  Ngài “trở nên hoàn hảo” không có nghĩa là Ngài có tội, mà Ngài bắt đầu từ tình trạng chưa-trưởng-thành-vô-tội và phát triển trở nên trưởng thành.

ĐẸP LÒNG THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI

Kinh Thánh Tân Ước cho biết: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52).  Đó là là “tiếng vang” của câu Kinh Thánh Cựu Ước: “Còn cậu bé Samuel thì càng lớn lên và đẹp lòng cả Đức Chúa lẫn người ta” (1 Sm 2:26).  Đó là viễn cảnh của sự phát triển về nhân tính – cả ở Chúa Giêsu và ở nhân loại chúng ta.

Không có phàm nhân hoặc Thiên-Chúa-làm-người nào lại không có thời kỳ phát triển và trưởng thành, cũng chẳng có sự phát triển đích thực nào là sự phát triển một chiều, mà phải là cả hai chiều đối với Thiên Chúa và con người, với mọi thứ đau khổ kèm theo.

Đừng miễn trừ Thiên Chúa vì Ngài có sự vinh quang của tiến trình trưởng thành cam go và lâu dài.  Trong quá trình đó, bạn nếm trải sự cực khổ gia tăng mà Chúa Giêsu biết rất rõ ràng.  Ngài sẵn sàng giúp đỡ bạn kiên trì cho tới lúc tiến trình của Thiên Chúa hoàn tất.

David Mathis – Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ DisiringGod.com

CẦU NGUYỆN – HƠI THỞ CỦA ĐỜI SỐNG KI-TÔ HỮU (có Youtube)

Cuộc sống luôn đặt con người vào những suy tư bất tận về ý nghĩa cuộc đời và các mối tương quan.  Những tâm tư sâu thẳm của con người, những vấn nạn gai góc cuộc đời, những trăn trở bế tắc về cuộc sống thường đưa đẩy người ta đến một hành vi đặc thù, điều mà người ta quen gọi là “cầu nguyện”.  Phải chăng cầu nguyện giúp họ giải quyết được tất cả những gì người ta cần?  Một tác giả thiêng liêng sau những trải nghiệm của mình về đời sống nội tâm đã phải thừa nhận rằng “Cầu nguyện là nhịp cầu nối kết cuộc sống vô thức với cuộc sống ý thức.  Cầu nguyện liên kết tâm trí ta với tâm hồn ta, ý chí với những đam mê của ta, khối óc với cái bụng ta.”[1]  Quả thế, cầu nguyện thực sự đưa ta đến một cảnh vực sâu xa hơn, là sống tương quan với Thượng Đế.  Ki-tô giáo mang trong mình mạc khải tuyệt hảo về cầu nguyện: sống tương quan thiết thân với Thiên Chúa.

Người ta thật khó có thể tìm ra một tôn giáo nào mà cầu nguyện không đóng một vai trò gì trong đời sống của họ.  Cầu nguyện được coi là mối dây liên kết giữa họ và Đấng Siêu Việt mà họ đang hướng tới.  Đối với người Ki-tô hữu, đời sống cầu nguyện được ví như hơi thở của cuộc sống hay là dòng máu chuyển lưu trong cơ thể.  Cầu nguyện là cách thế để hiện thực hoá tất cả chân lý đức tin đầy phong phú mà họ được lãnh nhận.  Sống trong tâm tình cầu nguyện là sống mật thiết với Thiên Chúa và được lớn lên trong tương quan với Người.  Vì thế, cầu nguyện không chỉ dừng lại ở nơi mình nhưng còn trải rộng mình ra với mọi chiều kích, mọi mối tương quan của cuộc sống.  Tương quan cốt yếu là với Thiên Chúa, Đấng đã thông chia cho con người tất cả và mời gọi họ đi vào mầu nhiệm của chính Người.  Dĩ nhiên, tác giả thiêng liêng đã dẫn trên đây không dừng lại ở khía cạnh tâm lý đơn thuần của con người, dẫu rằng đời sống con người nói chung và tinh thần của con người nói riêng gắn liền với niềm tin tôn giáo.  Quả thế: “Cầu nguyện là cách để cho Thần Khí trao ban sự sống xuyên thấu mọi ngóc ngách của hữu thể ta.  Cầu nguyện là công cụ Thiên Chúa dùng để làm cho ta nên toàn diện, hợp nhất và bình an.”  Như vậy, vai trò cầu nguyện là điều không còn bàn cãi.

“Địa hạt” của đời sống cầu nguyện là gì?  Đây là những câu hỏi thường nảy sinh trong những người đi vào đời sống cầu nguyện.  Lẽ thường, người ta đến với Thiên Chúa để nài xin những điều thuộc nhu cầu hiện tại của mình.  Nhưng vấn đề đặt ra là có hay không việc chúng ta đã quá thực dụng trong đời sống cầu nguyện?  Ít nhiều điều này gây nên bối rối khi ta đến với Thiên Chúa.  Dĩ nhiên, những điều rất thiết yếu đối với cuộc sống của họ là phần nào nói lên sự cậy dựa vào Thiên Chúa.  Nhưng nếu bản chất cầu nguyện là một sự thông truyền bản tính của Thiên Chúa cho ta, thì hành vi cầu nguyện cũng phải xuất phát từ chính con tim khát khao Ngài để trở nên giống Ngài.  Và vì thế, khi đi vào tương quan với Chúa trong cầu nguyện, những điều mà ta ao ước cũng nên thiện hảo hơn vì nhu cầu của ta liên kết với sự lôi cuốn của Người.  Vươn lên cùng Thiên Chúa trong cầu nguyện giúp kéo ta ra khỏi những bận tâm về chính mình, khuyến khích ta rời bỏ vùng đất quen thuộc, thách thức ta bước vào một thế giới mới, thế giới không thể bị gồm tóm trong những ranh giới nhỏ bé của tâm trí và tâm hồn ta.  Vì vậy, cầu nguyện, một mặt, là một cuộc phiêu lưu trong Thế giới của Thiên Chúa rộng lớn bát ngát vô tận, đầy thú vị và mới mẻ đang chờ đợi ta khám phá.  Chính trong sự kết hợp thâm sâu với Người, ta không chỉ được mạc khải để biết thêm về Thiên Chúa nhưng về chính mình nữa.  Mặt khác, bước vào một vùng đất rộng hơn với những trải nghiệm mới có nghĩa là đi vào mối tương quan sâu xa với Thiên Chúa với con người mới.  Khi đấy, việc cầu nguyện của ta cũng trở nên phong phú và dồi dào hơn.  Như vậy, “địa hạt” của cầu nguyện hay giới hạn của việc cầu xin không còn dừng lại ở những nhu cầu riêng ta nữa, nhưng trải rộng ra mọi chiều kích, mọi mối tương quan và mọi nhu cầu thiết thực khác.  “Địa hạt” của đời sống cầu nguyện sẽ là không biên giới.

Ở lại trong Đức Giê-su, đó là tất cả ý nghĩa của việc cầu nguyện (x. Ga 15).  Khẳng định này khởi đi từ kinh nghiệm kết hợp mật thiết với con người Đức Giê-su và cầu xin Người với bản tính Thiên Chúa hiện diện.  Lời cầu nguyện đích thực bao giờ cũng ôm trọn thế giới này chứ không phải chỉ nơi ta đang sống.  Quả vậy, hàng ngày chúng ta đối diện với biết bao những vấn đề mang tính nhân sinh mà thường là những nan đề (khủng bố, bất công…).  Tuy nhiên, chúng sẽ trở nên vô cùng nặng nề nếu như ta chỉ tìm sự an toàn cho mình mà không để cho Đức Ki-tô đi vào trong đó.  Cơ sở của điều này chính là sự nhập thể và nhập thế của Đức Giê-su – Con Thiên Chúa một cách trọn vẹn.  Người đã trải qua kiếp sống nhân sinh với những quy luật của một con người vì thế, Người đồng cảm với từng người và với những ưu tư trong cuộc sống.  Như vậy, cầu nguyện là kết hợp đời sống của mình với đời sống và giáo huấn của Đức Giê-su, chính là việc đi vào tương quan mật thiết với Thiên Chúa là Cha.  Vì Đức Giê-su một mặt mạc khải cho ta về Cha, mặt khác, Người chia sẻ cho ta kinh nghiệm gặp gỡ và sống tương quan với Người.

Kiếp sống làm người không ai có thể đứng ngoài kinh nghiệm về những ưu tư và trăn trở của cuộc sống hàng ngày trong các mối liên hệ của đời sống.  Sống tương quan với Thiên Chúa trong cầu nguyện có thể không làm giảm đi những khó nhọc thể xác và những vấn nạn của cuộc đời.  Tuy nhiên, sức mạnh vạn năng của cầu nguyện chính là được kết hợp với Thiên Chúa ngang qua tất cả những biến cố, biến những đau khổ và vấn nạn ấy trở nên những trải nghiệm có ý nghĩa trong cuộc đời.  Cầu nguyện giúp ta đi vào những biến cố với tâm thế của lòng cậy trông và tín thác vào Thiên Chúa Quan Phòng, Đấng luôn yêu thương và chăm sóc từng người.  “Địa hạt” của Người không phải giới hạn chỉ trong sự hạn hẹp của những nhu cầu trước mắt, nhưng đi xa hơn; Ngài mời gọi con người kết hiệp với Ngài trong vinh quang thực sự và bình an vĩnh cửu.  Cuộc sống của con người sẽ phong phú hơn nhiều là điều mà cầu nguyện (một đời sống thân thiết với Chúa) sẽ hứa hẹn.  Hãy cầu nguyện với cả con người mình, xuất phát từ trái tim chân thành, cởi mở…điều kỳ diệu của cuộc sống sẽ đến.

Joseph Trần Ngọc Huynh S.J

[1] Henry M.Nouwen.

***************

Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Dưới bầu trời bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

 Lời Dâng –  (R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN (có Youtube)

Dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng.  Giải thích của Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.

Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sư hiện diện của ma quỷ.  Ma quỷ hiện hữu.  Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu.  Chúa đã chuẩn bị những thửa ruộng tốt.  Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người.  Chúa đã gieo những hạt giống tốt.  Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người.  Nhưng ma quỷ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.

Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hoà bình.  Đẹp biết bao nếu mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người.  Nhưng buồn thay, cánh đồng hoà bình tươi xanh đã bị những ngọn cỏ tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố.  Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn vì không ngày nào không có chiến tranh.

Thế giới sẽ đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần xây dựng.  Nhưng buồn thay, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc huỷ hoại, tha hoá, nô lệ hoá con người.

Ngay trong bản thân mỗi người, không thiếu những sáng kiến, những hoạt động ban đầu xem ra tốt đẹp, nhưng dần dà bị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang, tìm hư danh, tìm lợi lộc.

Đó là những hạt cỏ xấu ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.

Tuy nhiên, dụ ngôn cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa.  Chúa đợi cho đến ngày tận thế mới thu lúa cùng với cỏ lùng.  Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hi vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối.  Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc.  Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt.  Nếu phạt ngay những người tội lỗi thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng ông thánh trộm lành.  Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Madalêna, Tông đồ của các Tông đồ, thánh Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại.  Nếu Chúa chấp tội thì bản thân ta sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những tội lỗi, những sự xấu.  Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.

Sau cùng, dụ ngôn cho ta hiểu tất cả là hồng ân của Chúa.  Có sự lành để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt lành của Thiên Chúa.  Có sự dữ để ta gớm ghét tránh xa và càng thêm gắn bó với sự lành.  Có sự lành để ta được hưởng niềm an ủi ngọt ngào của Chúa.  Có sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng trung tín của ta với Chúa.  Có thuận lợi tiến bước trên đường thánh thiện.  Có khó khăn để ta rèn luyện thêm nhân đức.

Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Thật vậy, việc cấm đạo là sự dữ.  Nhưng nhờ đó mà Giáo hội có được những chứng nhân anh hùng.  Đau khổ và bệnh tật là những khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng lại giúp con người được thông phần đau khổ với Chúa.  Thánh Nữ Têrêsa đã nhìn thấy tất cả là hồng ân của Chúa.  Sự lành cũng như sự dữ.  Hạnh phúc cũng như đau khổ.  Thành công cũng như thất bại.  Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

NGƯỜI TÍN HỮU VÔ THẦN (có Youtube)

Cách nay chừng hai thập kỷ, hai chữ “vô thần” luôn gợi lên trong tâm trí chúng ta một ý thức hệ chính trị đối nghịch với các niềm tin tôn giáo.  Hệ thống chính trị này luôn phê phán, tuyên truyền bóp méo, kỳ thị, thậm chí là tìm cách xóa bỏ các tôn giáo.  Trong bối cảnh xã hội hôm nay, vô thần không chỉ là khái niệm dành cho những người kỳ thị tôn giáo hoặc vô tín ngưỡng, mà còn diễn tả một tình trạng đáng lo ngại nơi người Kitô hữu: đó là những người mang danh là tín hữu, nhưng lối sống của họ ngược lại với những gì họ tuyên xưng.  Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Mátta sáng 23-3-2017 đã nói đến những người tín hữu bịt tai trước lời mời gọi của Chúa và ngài gọi họ là những người tín hữu vô thần.

Đức Thánh Cha nói: “Khi chúng ta không chăm chú nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ lánh xa Ngài và quay lưng lại với Ngài.  Nếu chúng ta không lắng nghe Lời Ngài, chúng ta sẽ tìm nghe những lời khác…  Khi khước từ Lời Chúa và khi cứng lòng, chúng ta sẽ trở thành những người công giáo bất trung, những người dân ngoại, và tệ hại hơn, những người công giáo vô thần, bởi vì chúng ta không yêu mến Thiên Chúa hằng sống” (Nguồn: Zenit, 24-3-2017).  Theo vị Chủ chăn của Giáo Hội, khước từ Lời Chúa (mà ngài gọi là “điếc”) sẽ dẫn đến tình trạng thờ ngẫu tượng, tức là tôn thờ vật chất và những đam mê trần tục.  Việc chối bỏ Lời Chúa cũng dẫn đến hậu quả là lầm lẫn trong nhận định, trong phân biệt giữa điều thiện và điều ác.

Người Kitô hữu có Lời Chúa là kim chỉ nam cho cuộc đời.  Chúa Giêsu đã so sánh những ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, sẽ giống như người xây nhà trên nền đá, luôn bền vững trước bão tố mưa sa.  Ngược lại, những ai không thực hành Lời Chúa giống như người xây nhà trên cát, sẽ sập đổ khi nước lũ dâng tràn (x. Mt 7,24-27).  Thiên Chúa vẫn luôn luôn ngỏ lời với chúng ta, qua Giáo Hội và qua những biến cố xảy đến xung quanh, nhất là qua Lời Chúa trong Thánh Kinh.  Thiếu ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta mất phương hướng và đi trong lầm lạc.

Trong thực tế, tình trạng những tín hữu vô thần khá phổ biến nơi các cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta.

Có những người tin Chúa mà vẫn vô thần, vì họ không gặp gỡ Chúa và tâm sự với Ngài trong lời cầu nguyện.  Vì thế, trong đời sống của họ thiếu những “khoảng lặng” để suy tư về hạnh kiểm của mình.  Đối với họ, Thiên Chúa chỉ giống như một khái niệm.  Đức Giêsu chỉ thuần túy là một nhân vật lịch sử xa xưa và giáo huấn của Người cũng chỉ là một mẫu gương luân lý.  Người tín hữu không cầu nguyện giống như xác không hơi thở.  Thánh Gioan Maria Vianey đã viết: “Lời cầu nguyện cần thiết cho người tín hữu, giống như mưa cần thiết cho đất trở nên màu mỡ”.  Quả vậy, lời cầu nguyện là cầu nối giúp ta gặp gỡ Chúa, tiếp nghị lực siêu nhiên từ Ngài.  Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI khẳng định: “Tin là sự gặp gỡ với một biến cố, một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó, một định hướng dứt khoát” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 1).  Sự gặp gỡ này thể hiện qua lời cầu nguyện.  Đời sống nội tâm giúp ta càng ngày càng gắn bó với Chúa, nhận ra sự hiện diện của Ngài mọi nơi mọi lúc.  Cảm nhận được sự hiện diện cao quý ấy, chúng ta sẽ mở rộng con tim, chăm chú lắng nghe và thực hiện lời Ngài.  Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong đời, chúng ta sẽ sống cao thượng hơn đối với những người xung quanh, sẽ dễ dàng tha thứ cho những xúc phạm.  Xác tín có Chúa đồng hành trên mọi nẻo đường của cuộc sống, chúng ta sẽ nhìn mọi sự việc, mọi con người với cái nhìn mới, bao dung quảng đại và kiên nhẫn vị tha.  Như thế, khi sống ở đời này, dù còn nhìn thấy Chúa mờ mờ như trong gương, lòng chúng ta đã kiên vững và được sưởi ấm, vì chúng ta tin vào sự hiện diện và tình thương yêu của Ngài trong giờ phút hiện tại.  Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 3).

Có những người tin Chúa mà vẫn vô thần, vì ngôn hành của họ trong cuộc sống đời thường không tương ứng với đức tin mà họ tuyên xưng.  Đối với họ, giáo lý Kitô giáo rất cao đẹp và đầy tính nhân văn, nhưng chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà không được thể hiện trong cuộc sống.  Nói cách khác, đời sống của họ không được xây dựng trên nền tảng đức tin, cũng không được đức tin soi dẫn.  Lời Chúa mà họ nghe thường xuyên, chỉ giống như những thông tin trên các phương tiện truyền thông.  Hậu quả là có những người mang danh công giáo mà vẫn gian dối, vẫn chia rẽ bè phái.  Khi không ưng ý trong Giáo Hội thì họ phản ứng theo kiểu thế gian.  Với một đức tin hời hợt và bề ngoài, khi phải lựa chọn, họ sẵn sàng nghiêng về phía lợi lộc vật chất và từ bỏ Luật Chúa; sẵn sàng gạt bỏ tiếng nói của lương tâm để nghe theo tiếng gọi của tiền bạc.  Đây đó, vẫn có trường hợp cha mẹ công khai chối bỏ đức tin để con mình được vào học tại một số trường chuyên ngành hay làm việc ở một số cơ quan của nhà nước.  Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Không phải tất cả những ai nói với Thầy: “Lạy Chúa, Lạy Chúa”, là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).  Do ảnh hưởng của quan niệm xã hội ngày nay, nhiều cá nhân và hội đoàn có khuynh hướng phô diễn đời sống đức tin qua những sinh hoạt tôn giáo sầm uất, nhưng tiếc thay, chỉ dừng lại bề ngoài.  Vì thế, họ coi nhẹ việc học giáo lý để củng cố đức tin và tình hiệp nhất giữa các thành viên của một hội đoàn đạo đức.  Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nghiêm khắc lên án những người biệt phái và luật sĩ.  Người ví họ như những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì đẹp đẽ, bên trong thì thối tha.  Chúa Giêsu đã nhắc lại giáo huấn của ngôn sứ Isaia, lên án những người chỉ tôn thờ Chúa bề ngoài như sau: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệngcòn lòng chúng thì lại xa Ta (Mc 7,6).

Trong phần kết thúc bài giảng tại nhà nguyện thánh Mátta, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người hãy kiểm điểm lương tâm trước mặt Chúa qua những câu hỏi: “Tôi có chuyên tâm nghe Lời Chúa không?”; “Tôi có cứng lòng trước lời dạy của Chúa không?”; “Tôi có đánh mất lòng trung tín với Chúa và chạy theo tôn thờ những ngẫu tượng đang tràn lan trong cuộc sống hôm nay không?”; “Phải chăng tôi đã đánh mất niềm vui của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu?”  Thiết tưởng mỗi chúng ta cần suy tư nghiêm túc để trả lời những câu hỏi này.

Mến Chúa, yêu người, đó là hai điều răn trọng nhất của Kitô giáo.  Nói đúng hơn, đó chỉ là một giới răn duy nhất, tức là tình yêu.  Tình yêu ấy hướng về Thiên Chúa và hướng về tha nhân.  Người tín hữu đúng nghĩa là người thực thi tình yêu, yêu Chúa và yêu người.  Chúa Giêsu đã đưa ra tiêu chí cho tình yêu này: Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như mình ta vậy.  Thực hành được những tiêu chí này, chúng ta sẽ là người Kitô hữu đích thực.  Thiếu những điều kiện trên, chúng ta có nguy cơ trở thành vô thần.

“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!  Người phán: “Các ngươi chớ cứng lòng”” (Tv 94, 8).  Ước gì mỗi chúng ta hãy để cho Lời Chúa thẩm thấu tâm can, trở nên con người mới, để hình ảnh của Chúa luôn tỏa rạng nơi cuộc đời tín hữu chúng ta.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Hải Phòng, ngày 31-3-2017

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

NHU CẦU PHẢI CHIA SẺ SỰ GIÀU CÓ (có Youtube)

Chúng ta cần phải cho đi của cải của mình để có thể sống lành mạnh.  Của cải tích trữ luôn luôn làm hủ bại những người khư khư giữ nó.  Bất kỳ tặng vật nào không được chia sẻ đều sẽ lên men chua thối.  Nếu chúng ta không quảng đại với những ơn ích của mình thì rồi chúng ta sẽ trở nên ghen tỵ trong cay đắng và cuối cùng là trở nên chua chát và đố kỵ.

Những châm ngôn trên đều nói lên cùng một lời cảnh báo là chúng ta chỉ có thể lành mạnh nếu biết chia sẻ của cải giàu có của mình với người khác.  Điều này nhắc cho chúng ta biết mình phải biết trao tặng cho người nghèo, không phải vì lý do đơn giản là họ cần chúng, dù họ cần thật, nhưng là nếu không làm thế, chúng ta sẽ không thể sống lành mạnh được.  Khi trao tặng cho người nghèo, thì đó là lúc chúng ta thực thi cả lòng nhân lẫn công lý, nhưng đó cũng mang lại lợi ích riêng lành mạnh cho mình, cụ thể chúng ta sẽ không sống lành mạnh hay hạnh phúc nếu không chia sẻ sự giàu có, dưới mọi hình thức, của chúng ta với người nghèo.  Sự thật này ghi đậm bên trong cảm nghiệm của mỗi người và trong tất cả mọi truyền thống đức tin và đạo đức đích thực.

Ví dụ: Từ kinh nghiệm, chúng ta biết rằng khi trao tặng những gì mình có cho người khác, chúng ta cảm nghiệm được một niềm vui trong cuộc sống, còn khi ích kỷ thu tích hay canh giữ các sở hữu của mình thì chúng ta sẽ ngày càng lo lắng và bồn chồn đến hoang tưởng.  Văn hóa của người da đỏ ở Mỹ luôn luôn đề cao nhận thức này, thể hiện trong lễ Potlatch của họ, nghĩa là dù họ tin rằng tất cả mọi người đều có quyền tư hữu, nhưng có một giới hạn thực tế cho mức độ tư hữu đó.  Một khi tài sản của mình đạt đến một mức độ nhất định, chúng ta cần phải bắt đầu trao tặng nó đi, không phải vì người khác cần nó, nhưng vì sự lành mạnh và hạnh phúc của chúng ta sẽ bắt đầu lụi tàn nếu chúng ta cứ khư khư tích trữ tất cả của cải đó cho riêng mình.

Linh đạo Do Thái giáo cũng có quan niệm tương tự:  Nhiều lần lặp đi lặp lại trong Thánh Kinh Do Thái, nói rằng khi một lãnh đạo tôn giáo hay một ngôn sứ nói cho dân Do Thái biết rằng họ là dân được chọn, là một quốc gia được chúc phúc đặc biệt, thì đều luôn luôn đi kèm lời nhắc nhở rằng, phúc lành này không chỉ cho riêng dân Do Thái mà thôi, nhưng là, qua họ, mà cho tất cả mọi dân trên mặt đất nữa.  Trong linh đạo Do Thái, phúc lành luôn luôn là để tuôn đổ qua người nhận mà làm phong phú cho những người khác nữa.  Đạo Hindu, Phật giáo, và Hồi giáo, theo cách riêng của mình, cũng xác nhận quan niệm này, cụ thể là chỉ khi trao tặng một số ơn ban của mình, chúng ta mới có thể giữ cho mình được lành mạnh.

Chúa Giêsu và Tin Mừng, tất nhiên cũng dạy chân lý này, hết lần này đến lần khác và không nhân nhượng.  Ví dụ như trong Tin mừng theo thánh Luca, với lời dạy của Chúa Giêsu là con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời, Ngài cũng khen ngợi những người giàu biết sống quảng đại và chỉ lên án những người giàu bủn xỉn.  Với thánh Luca, lòng quảng đại là mấu chốt để sống lành mạnh và là chìa khóa vào thiên đàng.  Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, khi đưa ra các câu hỏi trong cuộc phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một tiêu chuẩn trọn vẹn về những gì chúng ta phải trao ban cho người nghèo:  Con có cho kẻ đói ăn?  Con có cho kẻ khát uống?  Con có cho kẻ trần truồng áo mặc?  Cuối cùng, và thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa, trong chuyện bà góa bỏ hai đồng cuối cùng của mình vào hòm tiền, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta không chỉ đem cho người nghèo những của dư thừa, nhưng là cho những gì là thiết yếu sinh nhai của chúng ta.  Các Tin Mừng và trọn cả Thánh Kinh đều mạnh mẽ lên tiếng đòi hỏi chúng phải trao tặng cho người nghèo, không phải vì họ cần của từ thiện của chúng ta, dù họ cần thật, nhưng là vì trao tặng là cách duy nhất để chúng ta giữ mình được lành mạnh.

Chúng ta cũng thấy cùng một thông điệp này, kiên quyết và lặp đi lặp lại, trong huấn giáo xã hội của Giáo hội Công giáo.

Từ Tông thư Tân Sự (Rerum Novarum) của giáo hoàng Lêô XIII năm 1891, cho đến tông thư Niềm vui Tin mừng (Evangelii Gaudium) mới đây của giáo hoàng Phanxicô, chúng ta đều nghe cùng một điệp khúc.  Trong khi chúng ta có quyền về mặt luân lý để tư hữu, thì quyền đó không phải là tuyệt đối và nó chịu ảnh hưởng bởi một số điều khác, cụ thể là, chúng ta chỉ có quyền dư dả khi tất cả mọi người khác đều có được những gì thiết yếu cho cuộc sống.  Vì thế, khi nhìn đến người nghèo luôn luôn phải đi kèm với nhìn lại của dư dả của chúng ta.  Hơn nữa, Huấn giáo Xã hội Công giáo cũng cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa tạo thành địa cầu cho tất cả mọi người và sự thật này cũng giới hạn cách chúng ta xác định những gì thực sự là của sở hữu riêng của mình.  Nói cho đúng, chúng ta là những người quản lý của cải của mình, hơn là chủ nhân của chúng.  Và tất nhiên, ẩn bên trong tất cả những điều này là một nhận thức rằng chúng ta có thể sống đạo đức và lành mạnh chỉ khi biết đặt quyền tư hữu của mình liên đới với bức tranh lớn hơn bao gồm cả những người nghèo nữa.

Chúng ta, luôn luôn, cần phải cho đi của cải của mình để có thể sống lành mạnh.  Người nghèo cần chúng ta, nhưng chúng ta cũng cần họ nữa.  Và như Chúa Giêsu đã nói rất rõ ràng rằng chúng ta sẽ được phán xét dựa theo những gì đã làm với người nghèo, thì như thế họ chính là giấy thông hành cho chúng ta vào thiên đàng.  Và họ cũng là giấy thông hành cho chúng ta có được sự lành mạnh.  Sự lành mạnh của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta chia sẻ của sung túc của mình như thế nào.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

*********

Lạy Chúa Giêsu,

Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho tất cả nhân loại.

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

HẠT GIỐNG LỜI CHÚA (có Youtube)

Ông Chirgwin, trong quyển sách mang tựa đề: “Thánh Kinh trong thế giới truyền giáo”đã kể câu chuyện sau đây:

Tokichi Ishi-I, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế không thể tưởng tượng nổi.

Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, đàn bà, kể cả trẻ con.  Với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết.  Nhưng cuối cùng, hắn cũng bị bắt và bị kết án tử hình.

Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ đi công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ không làm cho hắn mảy may cảm lòng, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với cặp mắt dữ tợn như một hung thủ.

Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về.  Hai bà chỉ để lại cho hắn quyển Thánh Kinh Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động nơi mà tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực.

Niềm hy vọng của họ đã trở thành hiện thực, Ishi-I đã đọc những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt, khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.  Lời Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.”  Lời ấy đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn.  Sau đó Ishi-I thuật lại:

“Đọc đến lời ấy “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”, tôi mới dừng lại.  Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài.  Tôi có thể gọi đó là lòng thương xót của Ngài?  Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin.”

Cuối cùng, ông Chirgwin, tác giả câu chuyện này, kết thúc câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn Ishi-I đi hành quyết.  Họ đã không gặp một tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hoà nhã, lễ độ.  Ishi-I, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.

(Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến một chuyện phim video mới đây được giải thưởng Oscar, mang tựa đề: “Dead man walking” (Người chết biết đi).  Ở các quầy cho thuê băng video, mang tựa đề: “Tên tử tội”).

Anh chị em thân mến,

Lời Chúa có sức mạnh vạn năng.  Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn một tên giết người không gớm tay như anh Tokichi Kshi-I và bao tâm hồn sa ngã khác.  Lời Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ và giáo dân đang dấn thân phục vụ những trẻ em bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội.  Đúng như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng hôm nay: “Lời Chúa như hạt giống được gieo vào đất tốt.  Nó sẽ nẩy sinh một mùa gặt phong phú, một thành một trăm.”

Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn “Người gieo giống” để mô tả số phận Lời Chúa được tung ra giữa nhân loại và đem lại kết quả như thế nào: Có hạt rơi xuống bên vệ đường, chim trời ăn mất.  Có hạt rơi xuống trên sỏi đá, không đâm rễ được, bị khô héo.  Có hạt rơi vào bụi gai, bị chết nghẹt.  Chúa không chú trọng đến phần mất mát đó cho bằng đến sự phát triển mạnh mẽ của hạt giống khi rơi vào phần đất tốt.  Nó sẽ nẩy sinh một mùa gặt phong phú, một thành ba mươi, sáu mươi hay một trăm.  Vậy thì chúng ta đừng ai nản lòng vì mất mát, thiệt thòi.  Người gieo giống cứ thẳng tay tung vãi khắp nơi một cách quảng đại, không dè xẻn.  Bên ngoài xem ra như mọi sự chống lại việc triển nở của hạt giống Lời Chúa.  Nhưng hãy chờ mùa gặt đến, kết quả sẽ vượt mức tưởng tượng, vì đây là công việc của Thiên Chúa.  (Một tên giết người không gớm tay như Ishi-I, thế mà Lời Chúa đã từ từ thấm nhập vào tâm hồn, đã cải hoá anh thành một con người mới, một người hoà nhã, lễ độ, sám hối và đã tin).

Thánh Justinô tử đạo vào năm 150, khi suy niệm về dụ ngôn người gieo giống này đã khuyên bảo những người rao giảng Tin Mừng, đừng bao giờ thất vọng: “Chính Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa đã được gieo vào cánh đồng thế giới chúng ta.  Ngài cũng đã bị hiểu lầm, bị chống đối, đã gặp bao thất bại…  Nhưng sau khi bị chôn vùi vào lòng đất như hạt giống, Ngài đã nẩy sinh bao hoa trái sự sống dồi dào.”

Ngày nay Giáo Hội không ngừng rao giảng Lời Chúa qua các thế hệ trên khắp thế giới.  Giáo Hội cũng gặp nhiều khó khăn, thất bại như: thiếu phương tiện, bị bách hại, đời sống kém cỏi của một số giáo sĩ và giáo dân, số người rửa tội ngày càng ít đi trong một thế giới duy vật và trần tục hoá.  Thật đáng buồn khi thấy đời sống đạo ngày càng sa sút.  Lời Chúa như rơi vào sỏi đá, vào bụi gai hay ngoài đường lộ.  Tuy nhiên, như lời Thánh Justinô: đứng thất vọng, người gieo cứ việc gieo và để cho Lời Chúa âm thầm hoạt động.  Không có gì được phép làm cho chúng ta phải nghi ngờ hay chán nản.  Hạt giống Lời Chúa có thể là bé nhỏ, có thể bị đối xử tàn tệ, bị chà đạp, bị lấn át, nhưng năng lực của nó là vô hạn (x. Is 55,10-11).

Bổn phận của chúng ta là thành tâm đón nhận Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa trong cuộc sống giữa lòng đời.  Không phải chỉ nghe suông mà còn tìm hiểu ý Chúa muốn chúng ta phải làm gì.  Có bao nhiêu chướng ngại chống lại việc tìm hiểu và thực thi Lời Chúa: nào là những quyến rũ của đời sống trần tục, nào là những lo lắng việc đời, ham mê của cải.  Chúng như chim trời sà xuống cướp lấy hạt giống vừa rơi xuống, hoặc như sỏi đá, như bụi gai cản trở, bóp nghẹt Lời Chúa.

Mỗi Chúa Nhật, chúng ta họp nhau dự Tiệc Thánh, gồm có Lời Chúa và Thánh Thể của Chúa.  Hãy đón nhận với niềm tin yêu để Lời Chúa và Thánh Thể trở nên sức sống và ánh sáng, niềm vui và hy vọng cho cuộc đời chúng ta.  Rồi đến lượt chúng ta lại trở thành người ra đi gieo giống, người Tông đồ rao giảng Lời Chúa, góp phần vào mùa thu hoạch của Giáo Hội cho Nước Trời vào ngày sau hết.

Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THẺ CĂN CƯỚC TÂM LINH (có Youtube)

Trong cuộc sống đời thường, ai cũng có giấy tờ tùy thân, đơn giản nhất là giấy khai sinh để biết “tông tích” của một con người.  Khi đến tuổi trưởng thành, người ta có thêm nhiều loại giấy tờ khác, cơ bản nhất là Thẻ Căn Cước.  Còn về tâm linh, chúng ta cũng có vài thứ giấy tờ khác, nhưng chúng ta có Thẻ Căn Cước tâm linh hay không?  Có.  Cũng tương tự đặc điểm riêng để nhận dạng ghi trên thẻ căn cước xã hội, đặc điểm nhận dạng riêng về tâm linh cũng khác nhau ở mỗi người.

Chúa Giêsu đã căn dặn chúng ta phải “hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48), học Ngài về “lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29).  Chúa Giêsu nói chúng ta phải “coi chừng các ngôn sứ giả đội lốt chiên” (Mt 7:15) và “cứ xem quả thì biết cây” (Mt 7:16-20).  Vâng, rất rõ ràng, không cần nói nhiều, không cần biện minh hoặc phân bua chi ráo trọi!

Đây là 10 đặc điểm riêng để nhận dạng một Kitô hữu đích thực, và được “ghi” trong Thẻ Căn Cước tâm linh:

  1. ĐƯỢC TẠO NÊN – “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1:27).
  1. KIỆT TÁC CỦA CHÚA – “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2:10).
  1. ĐƯỢC TUYỂN CHỌN – “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2:9).
  1. TIN VÀO ĐỨC KITÔ – “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:11-12).
  1. NÊN CON NGƯỜI MỚI – “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4:22-24).
  1. KHÔNG BỊ KẾT ÁN – “Những ai ở trong Đức Kitô Giêsu thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8:1).
  1. CÔNG DÂN NƯỚC TRỜI – “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3:20).
  1. ĐƯỢC CÔNG CHÍNH HÓA – “Khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 5:1-2).
  1. ĐƯỢC LINH HỨNG – “Khi người ta nộp anh em thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10:19-20).
  1. KHÔNG XÉT ĐOÁN – “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em” (Mt 7:1-2; Lc 6:37-38).

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết sống đúng với những “đặc điểm” mà Ngài đã ghi trên Thẻ Căn Cước Tâm Linh của chúng con.  Đó là chúng con tuyên xưng Danh Thánh Ngài và vâng lời Đức Kitô loan báo Tin Mừng để Nước Cha trị đến.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu
CĂN CƯỚC nước trời

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.