CHÚA GỌI TRONG ĐÊM TỐI (có Youtube)

Chúa đã gọi trong những đêm tăm tối.  Chúa đã gọi trong những hoàn cảnh tối tăm như tăm tối hãi hùng.  Đó là vấn đề đang làm tôi suy nghĩ, để sống ơn gọi hôm nay.

Đời tôi tương đối đã khá dài.
Suốt dọc chuyến đi dài đó trong lịch sử, tôi đã trải qua nhiều chặng đường tăm tối. Tăm tối như đêm.
Đêm có nhiều sợ hãi khủng khiếp.
Đêm có những cô đơn nặng nề.
Đêm có những thao thức dằn vặt.
Đêm có những trăn trở lăn mình vào thất vọng.
Nhưng chính trong một số đêm tăm tối đó, Chúa đã gọi tôi.

Không phải chỉ có tôi được Chúa gọi. Số người được gọi là khá đông. Họ khích lệ tôi. Ở đây, tôi  nhớ lại cách riêng một số nhỏ trường hợp Chúa gọi trong đêm đã được ghi trong Kinh Thánh, để tôi thêm vững tin vào Đấng đã gọi tôi.

Tôi nhớ tới Samuel. Hồi đó, Samuel còn nhỏ, giúp việc trong đền thờ cho thầy cả Êli. Một đêm, khi Samuel đang ngủ, thì Chúa gọi cậu. Cậu không thấy ai, chỉ nghe thấy tiếng. Tiếng gọi đến ba lần. Samuel được ơn gọi trong đêm ấy, để đi vào lịch sử với rất nhiều gian nan, nhưng luôn tin vào Chúa (x. 1Sm 3,1-18).

Tôi nhớ tới Thánh Giuse. Ngài được sứ thần Chúa đến với Ngài trong lúc Ngài ngủ ban đêm tăm tối, để yêu cầu Ngài an tâm nhận Maria làm bạn trăm năm (x. Mt 1,20).  Thánh Giuse, một đêm tăm tối đang ngủ, thì được sứ thần Chúa đến, bảo Ngài hãy đem gia đình trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13). Thánh Giuse, cũng một đêm tăm tối đang ngủ, thì lại được sứ thần Chúa đến, bảo Ngài hãy đưa thánh gia trở về Israel (x. Mt 2,19). Thánh Giuse nhận được ơn gọi trong những đêm tăm tối, để đi vào lịch sử với rất nhiều gian nan, nhưng luôn tin vào Chúa.

Tôi nhớ tới Chúa Giêsu. Đêm thứ Năm, trước cuộc thương khó, Người đã cầu nguyện ở vườn Cây Dầu. Tại đây, Người đã trải qua một cơn xao xuyến, như một cơn hấp hối đau đớn tột độ. “Bấy giờ có thiên sứ từ trời hiện đến tăng sức cho Người” (Lc 22,43). Chúa Giêsu đã nhận được sức mạnh từ Chúa Cha, trong đêm hãi hùng đó, để bước vào cuộc thương khó đầy khổ đau, với niềm tin phó thác vào Chúa Cha. Cũng Chúa Giêsu, sau khi được an táng trong mồ đá, thì đêm đó là đêm đầy hãi hùng cho các môn đệ Chúa.  Nhưng chính trong đêm tăm tối ấy, Chúa Giêsu đã sống lại, đúng như lời Chúa đã báo trước.  Ơn gọi phục sinh cũng đã xảy ra trong một đêm đầy sợ hãi, buồn phiền, hầu như thất vọng.

Chúa đã gọi trong những đêm tăm tối. Chúa đã gọi trong những hoàn cảnh tối tăm như tăm tối hãi hùng. Đó là vấn đề đang làm tôi suy nghĩ, để sống ơn gọi hôm nay.

Một hôm, khi đang đi trong một xóm dân nghèo. Cảnh nghèo, cảnh khổ, cảnh lầm than của họ là hình ảnh một đêm tăm tối. Bỗng, tôi nhìn thấy mấy nữ tu đang ôm vào lòng những em bé nghèo, và đang âu yếm chăm sóc những người già yếu cô đơn. Tôi chợt nghe tiếng Chúa gọi tôi qua những nữ tu đó, trong cảnh nghèo như đêm tăm tối ấy.

Một hôm, khi tôi đang sống trong sự sợ hãi, như mất niềm tin đối với một số những người quen biết. Chính lúc đó tôi lại bị đau bệnh. Tình trạng trên đây đưa tôi vào một đêm tăm tối trong tâm hồn. Ngay hôm đó, một người đến thăm tôi. Họ đem đến cho tôi tình thương chân thành, khiêm tốn, tế nhị. Họ giúp tôi thoát khỏi đêm tăm tối trong tâm hồn. Tôi nhận ra Chúa nơi họ. Chúa gọi tôi qua họ.

Những kinh nghiệm trên đây cùng với những gì Chúa đã làm cho tiên tri Samuel, cho Thánh Giuse, cho Chúa Giêsu, qua những sứ thần của Chúa trong những đêm tăm tối xưa đã dạy tôi hai điều:

Điều thứ nhất là tôi phải hết lòng cảm tạ Chúa, vì ơn Người đã cứu tôi bao lần khỏi những cảnh tăm tối như đêm hãi hùng. Người đã sai một số người tốt đến với tôi. Tôi nhận ra họ là người của Chúa. Họ cứu tôi bằng tình thương tế nhị, khiêm nhường. Họ như những sứ giả được Chúa sai đến với tôi, để cứu tôi, chứ không để kết án tôi.

Điều thứ hai là tôi phải hết sức khôn ngoan, khi muốn cứu cá nhân nào hay cộng đoàn nào khỏi những cảnh tối tăm như đêm giữa ban ngày. Khôn ngoan là phải được Chúa sai đi.  Khi đến nơi, thì phải đem tình thương của Chúa đến. Một tình thương khiêm tốn, chân thành, nhẹ nhàng, tế nhị. Nếu người ta đón nhận tình thương đó, thì rất tốt. Nếu người ta chối từ, thì tôi vẫn đợi chờ cũng bằng tình thương khiêm tốn kiên trì.

Khi thực hiện hai điều trên đây, tôi thấy tôi cần phải rất bé nhỏ. Bé nhỏ và trở nên bé nhỏ, đó là một điều Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Nước Trời thuộc về những ai giống như trẻ nhỏ” (Lc 18,16). Mấy ngày nay, khi nghĩ về lời Chúa trên đây, tôi liên tưởng đến ba trẻ nhỏ ở Fatima đã được xem thấy Đức Mẹ hiện ra, và đã được đón nhận các sứ điệp của Đức Mẹ Maria, để chuyển lại cho Đức Thánh Cha và cho toàn thế giới. Tôi muốn được trở nên bé nhỏ như ba trẻ nhỏ ở Fatima, nhưng mong muốn của tôi sẽ chỉ được thực hiện nhờ ơn Chúa và theo ý Chúa mà thôi.

Trở nên bé nhỏ như trẻ nhỏ đã là điều khó. Trở nên bé nhỏ như một chút men, lại càng khó. Thế mà Chúa Giêsu lại muốn tôi trở thành nắm mem, để vùi vào thùng bột. Chúa phán: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả bột dậy men” (Mt 13,33).

Khi tôi cầu nguyện xin Chúa cho tôi được trở nên bé nhỏ, tôi cảm thấy bình an và hạnh phúc. Cũng lúc đó, tôi nhìn về tương lai Hội Thánh tại Việt Nam, tôi được Chúa cho thấy: Truyền giáo tại Quê Hương tôi sẽ rất thành công với những ai bé nhỏ như men âm thầm, và sẽ thất bại với những ai tỏ mình như một quyền lực cạnh tranh ồn ào.

Đúng là Chúa đang gọi tôi trong đêm tối. Vâng lời Chúa, tôi lên đường. Chuyến đi sẽ gian nan. Nhưng tôi tin Chúa đồng hành với tôi. Tôi bé nhỏ phó thác mình cho Chúa. Đó là hạnh phúc của tôi. Ánh sáng trong đêm tối chính là Chúa.

Gm GB Bùi Tuần

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

MANG LẤY ÁCH (có Youtube)

Báo Văn Học số 193 tháng 5 năm 2002, trong mục Tin Văn do Thế Quân phụ trách, đăng tin về em bé Mattie Stepanek 11 tuổi, hiện sống với mẹ ở Upper Marlboro, bang Maryland.  “Mới sinh ra, em đã mang một căn bệnh di truyền quái ác có tên là “dysautonomic mitochondrial myopathy”, một hình thức khá hiếm hoi của bệnh yếu cơ – muscular dystrophy.  Bệnh này đã giết chết ba anh chị em của Mattie, còn bản thân em thì đời sống bị dính liền vào chiếc xe lăn với một bình oxygen thường xuyên bên cạnh.  Nhỏ nhắn, yếu ớt, thiếu sức khỏe và mang một căn bệnh vô phương cứu chữa như thế, nhưng em luôn vui vẻ, lạc quan.  Em rất ham học và sáng tạo.  Em bắt đầu làm thơ và viết văn vào lúc 3 tuổi.  Em đọc và mẹ em đánh máy lại.  Lúc 5 tuổi, em đã có mấy trăm bài thơ và đến nay đã có hàng ngàn bài thơ.”

“Em có ba ước mơ: thứ nhất là xuất bản một tập thơ của riêng em, thứ hai là được diện kiến với “model” của em là cựu tổng thống Jimmy Carter, và cuối cùng là được xuất hiện trong chương trình truyền hình của Oprah.  Năm 2001, cả ba ước mơ của em không những đã thành đạt mà còn thành đạt ngoài ý muốn.  Tháng 7 năm 2001, hai nhà xuất bản “VPS Books” và “Hyperion Books” hợp tác nhau xuất bản thi tập đầu tiên của em, tựa đề là “Heartsongs.”  Ngay lập tức, nó trở thành “bestseller” trên toàn quốc.  Tháng 10 năm 2001, em được diện kiến cựu tổng thống Carter trong chương trình truyền hình “Good Morning America.”  Và ngày 19 tháng 10 năm 2001, em xuất hiện trong chương trình truyền hình Oprah.

Tối ngày 17 tháng 4 năm 2002, Mattie xuất hiện trong chương trình “Lary King Live” của hệ thống truyền hình CNN.  Trong cuộc trò chuyện này, bằng một giọng nói lưu loát, cử chỉ sống động, em trả lời nhiều câu hỏi về cuộc sống, việc học, việc làm thơ và những mơ ước của em một cách thông minh, chân thành và đôi khi còn pha chút dí dỏm.  Trả lời câu hỏi liên quan đến căn bệnh nan y của em, Mattie nói: “Các bác sĩ không tin rằng cháu sẽ sống nổi một ngày.  Nhưng cháu đã sống được.  Rồi họ lại bảo “OK, thằng nhỏ sống đến 6 tháng là cùng.”  Cháu đã sống… Khi cháu lên 2, họ nói “OK, 10 tuổi thôi.”  Bây giờ đây cháu đã được 11 tuổi.  Họ sẽ có thể nói “đến mười mấy thôi, quá lắm là đến hết tuổi thiếu niên, nhưng cháu dự tính sẽ sống đến 101 tuổi lận”.

Đề cập đến sự kiên trì phấn đấu của mình để tồn tại và sáng tác, em phát biểu: “Đôi khi, cháu tự hỏi: Tại sao lại là cháu?  Tại sao cháu lại có một đời sống khó khăn như thế này?  Tại sao mấy anh chị em của cháu lại chết?  Tại sao bệnh không lành?  Nhưng rồi cháu nghĩ lại và tự hỏi: Tại sao không phải là cháu chứ?  Cháu có thể chịu đựng được tốt hơn một đứa trẻ khác đã phải chịu những khó khăn trong đời của nó.  Hoặc là cháu có thể chịu đựng tốt hơn một đứa nhỏ chẳng hiểu gì chuyện đó cả và có thể còn đau khổ hơn”.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mang lấy ách của Người trên đôi vai chúng ta.  Phải chấp nhận những nhọc nhằn vất vả, bệnh tật ốm yếu, khổ đau buồn sầu, và tất cả những ngang trái ngoài ý muốn như là cái ách phải mang lấy trong cuộc đời.

Người Do Thái dùng thành ngữ cái ách để chỉ sự vâng phục, phục tùng.  Họ nói về cái ách của lề luật, cái ách của các giới răn, cái ách của Vương Quốc, và cái ách của Thiên Chúa.  Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cụ thể này để diễn tả lời mời gọi của Người.

Theo William Barclay, Chúa Giêsu nói, “Ách của Ta thì êm ái.”  Chữ “êm ái”, tiếng Hy Lạp là “chrestos” có nghĩa là vừa vặn.  Trong xứ Palestine những cái ách của con bò được làm bằng gỗ; con bò phải được dẫn đến tiệm thợ mộc để đo kích thước phù hợp với từng con.  Sau đó cái ách phải được thợ mộc đẽo gọt, điều chỉnh, sửa chữa cẩn thận cho thật vừa vặn để không làm trầy da hay tổn thương đến con vật.

Có một huyền thoại cổ kể lại rằng Chúa Giêsu là người thợ mộc sản xuất ra những cái ách vừa vặn vào loại hạng nhất ở xứ Galilêa, và trong khắp cả nước người ta ùn ùn kéo đến với Người để mua những cái ách hạng nhất do Người làm ra.  Thời ấy, các cửa tiệm cũng có những nhãn hiệu dán trên cửa, và cái nhãn hiệu của tiệm thợ mộc ở Nagiarét nổi tiếng với hàng chữ: “My yokes fit well” – “Ách Ta rất vừa vặn”.

Chúa Giêsu nói: “Ách của Ta thì êm ái”, có nghĩa là: “Cuộc sống Ta ban cho con không phải là gánh nặng làm tổn hại đến con; bổn phận của con đã được đo lường thích hợp với con rồi.”  Bất cứ điều gì Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta đã được làm để phù hợp chính xác với những nhu cầu và khả năng của chúng ta.

Chúa Giêsu nói: “Gánh của Ta thì nhẹ nhàng.”  Đúng như lời của một thầy Rabbi đã nói: “Gánh của tôi đã trở nên bài ca của tôi.”  Điều này không có nghĩa là gánh nặng thì dễ dàng mang vác; nhưng có nghĩa rằng nó được đặt trên vai chúng ta bằng tình yêu.  Nó sẽ được mang vác trong tình yêu.  Và tình yêu sẽ làm cho những gánh nặng nề nhất cũng trở nên nhẹ nhàng như thánh Augustinô đã nói: “Ở đâu có tình yêu, ở đó hết khó nhọc.”

Sưu tầm

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THẢO THINH LẶNG MỘT NÉT HỌA (có Youtube)

Khi đến tu viện, nhà tĩnh tâm, nhà thờ, chùa chiền, một trong những điều làm cho mọi người cảm thấy ấn tượng nhất là sự thinh lặng.  Tại những nơi này, bầu không khí thinh lặng giúp cho mọi người có được sự thanh tịnh, một tâm hồn nhẹ nhàng, thoát khỏi không khí ồn ào và náo nhiệt ở bên ngoài.

Thinh lặng tạo nên những điều mới mẻ

Giống như một khu rừng tĩnh mịch nổi bật âm thanh sống động của thiên nhiên với tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng… rỉ rang, khi tâm hồn càng tĩnh lặng, càng rộn lên những âm thanh mà trước đó người ta không hề chú ý đến.

Đây là điều mà John Cage, một nhạc sĩ chuyên soạn các bản nhạc Piano đã sử dụng trong khi trình diễn.  Những bản nhạc của ông gồm ba phần.  Bắt đầu là việc mở nắp đàn Piano, đến phần cuối, nắp của cây đàn được đóng lại.  Sau đó là một bầu không khí thinh lặng, khán giả được mời gọi đắm chìm trong sự thinh lặng để lắng nghe những âm thanh đang khơi gợi trong tâm hồn, những điều họ đang được mời gọi khám phá.

Cũng có lẽ vì thế, sự thinh lặng cũng là bối cảnh cho những sáng tạo nghệ thuật.  Trong bầu không khí yên ắng tĩnh mịch, người nghệ sĩ tìm ra những phát kiến nghệ thuật đầy mới lạ.  Bầu không khí của sự tĩnh mịch là điều mà nhà thơ người Mỹ Adrience Rich đã nói là bầu không khí thôi thúc cho sáng tạo bắt đầu.

Nhà văn và nhà phê bình Susan Sontag trong tác phẩm “The Aesthetic of Silence” (Tạm dịch: “Tính thẩm mỹ của Sự Thinh Lặng”) đã mời gọi các nghệ sĩ dành thời gian trầm mặc tư tưởng, nhằm thoát khỏi thế giới náo động khiến họ ngột ngạt, để cho sự sáng tạo không bị bóp nghẹt, nhưng được thăng hoa.

Dường như sự thinh lặng cần thiết cho một sự khởi đầu, trở thành phương tiện để người ta có thể kiểm soát, sắp xếp, làm tươi mới cho nghệ thuật, nhưng sự thinh lặng chưa phải là bản chất của nghệ thuật.  Có lẽ, người ta có thể thưởng lãm nghệ thuật dù không có thinh lặng.  Khi có một sự đánh động trong tâm hồn, người ta cần nói và chia sẻ.  Thiết tưởng, mối liên hệ sâu xa giữa con người với thinh lặng không phải ở nghệ thuật, nhưng chính là trong tôn giáo.

… và cho tôn giáo

Đối với nhiều tôn giáo, thinh lặng là cách thức để tự chất vấn và lắng nghe những điều thánh thiêng, là những điều đôi khi không thể diễn tả hết bằng lời.

Người Kitô hữu tin rằng, trong thinh lặng, Thiên Chúa nói với bản thân.  Cần giữ thinh lặng để có một khoảng không cho Thiên Chúa.

Không chỉ giới hạn trong Kitô giáo, thinh lặng cũng hiện diện trong các tôn giáo khác như một phương thức để cải hóa con người.

Người Hồi giáo tin rằng con người tạo nên vẻ đẹp cho bản thân với hai thói quen: cư xử tốt lành và thinh lặng lâu dài.

Trong Phật giáo, phật tử hướng đến thinh lặng như một cách thức để diệt thoát những đam mê.  Tham, sân, si nơi kiếp người trở về với hư vô.  Trầm mình trong thinh lặng, lắng nghe từng nhịp thở, hóa giải từng vọng tưởng trong phương pháp thiền định (Zen) không chỉ giúp con người tiêu diệt những hỉ, nộ, ái, ố nhưng còn có thể giúp thiền sinh đạt đến cõi niết bàn.

Có thể nói thinh lặng giúp người ta thoát khỏi thế giới trần tục và giả hiệu, đưa con người đến với những điều thiêng liêng và huyền bí khó có thể giải thích và phân tích.  Trong thinh lặng, người ta tìm kiếm sức mạnh để thoát khỏi những quyến luyến lệch lạc và phóng tầm nhìn lên những điều thánh thiêng.

… nhưng không phải là không nói

Ludwig Wittgenstein, một triết gia người Áo, đã nói đến việc không nên nói những điều người ta không biết.  Có lẽ điều này không phải là buộc người khác im lặng, nhưng trong giao tiếp cần có một sự hiểu biết đầy đủ, để có thể nói và diễn đạt cho đủ mức.

Đây có vẻ như là “sự thinh lặng cao thượng” (noble silence) mà nhà Phật đã nói đến khi thực hành samma vaca có nghĩa là nói đúng.  Điều mà kinh phật định nghĩa như là tránh lời nói sai sót, phỉ báng, cay nghiệt và vô ích.

Trong các cuộc tĩnh tâm theo phương pháp của thánh Inhã, người ta được mời gọi sống bầu khí thinh lặng trong suốt cuộc tĩnh tâm, để nhìn lại và phản tỉnh những chuyển biến nội tâm khi nhìn về quá khứ đời mình và chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu.  Phải chăng đây có thể xem như một tiếng nói ở trong lòng?

Hình thức giữ sự thinh lặng cũng có thể được thấy ở các đan viện Biển Đức, Xitô.  Các đan sĩ sống đời trầm mặc, lao động và cầu nguyện.  Trong chương trình sống, có những giờ giấc được xem như là thinh lặng tuyệt đối.  Đây có thể như một hình thức thinh lặng không nói, chứ không phải là thinh lặng không nghe.  Trong bầu khí của sự thinh lặng cô tịch, người đan sĩ trầm mình để có thể tiếp tục lắng nghe những tiếng nói thổn thức từ Đấng mà họ thờ phượng như lời thánh vịnh: “Hãy lặng thinh trước mặt Chúa và đợi trông người”. (Tv 37,7)

Cuộc sống thường nhật dường như khó tìm thấy cho mình một khoảng thời gian thinh lặng thực sự để ở đó trong cõi “ta với ta.”  Tuy nhiên, cũng có không ít người mong trốn tránh sự thinh lặng. Người ta có thể làm việc 8-12 tiếng một ngày trong những ồn ào náo nhiệt của cuộc sống đô hội, nhưng thinh lặng 15 phút để lắng nghe dường như là bất khả.  Có lẽ vì vậy, việc trải qua một cuộc tĩnh tâm 5 đến 8 ngày trong một nơi cô tịch, xa cách với cuộc sống bên ngoài là điều không dễ dàng cho nhiều người.

Tuy vậy, nếu cố gắng khám phá ra ranh giới giữa thinh lặng và ồn ào, người ta có thể đánh giá được những chao đảo và khó chịu đang diễn ra trong tâm hồn.  Biết đâu nhờ thế, mà lại đem đến sự khao khát thinh lặng và làm lộ diện nhiều thứ về chính họ, như lời nhận định của ông Gordon Hempton, người đã xây một khoảnh đất nhỏ dành cho sự thinh lặng trong National Olympic Park, một công viên ở tiểu Bang Washington, “Thinh lặng không có nghĩa là vắng mặt mọi thứ, nhưng là trình diện mọi thứ.”

Nhẫn
nguồn: dongten.net

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.