ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU

Ngày xưa còn bé, lúc vào Tiểu Chủng Viện, người ta đã trao đến tôi cuốn “Một tâm hồn” của thánh Têrêsa như là cuốn sách phải đọc, để học đời sống thiêng liêng.  Thú thực, trong mắt nhìn của tôi lúc ấy, cuốn “Một tâm hồn” quả là một cuốn truyện vui với những trò chơi truyệt vời.  Từ truyện chui qua bụng ngựa đến truyện ngắm mãi không chán ống kính vạn hoa, từ truyện nhìn trời buổi tối bỗng thấy sao kết tên mình, đến truyện nhìn đất lượm lên một cọng rác cũng vòi Chúa giải thoát cho một linh hồn.  Tất cả đều là truyện vui của một cô bé ưa được nuông chiều.

Nhưng lớn lên, tôi mới ngộ ra rằng: đàng sau những trò tưởng là trẻ con “mít ướt” ấy lại là cả một tâm tình tự nhiên của trực giác tuổi thơ, cộng thêm những thao thức vươn lên của ước mơ xuân trẻ, và đi đi về về trên nẻo đường vừa thơ vừa trẻ ấy là nhấp nhô những cây Thánh giá của hy sinh đong đầy hy vọng.  Đó là đường nên thánh của Têrêsa.

  1. Đường nên thánh của Têrêsa được dệt bằng những tâm tình tự nhiên tuổi thơ.

zzNgười ta vẫn quen gọi đây là “đường thơ ấu thiêng liêng,” nghĩa là đường nên thánh khởi đi từ những tâm tình tuổi nhỏ.  Rất đẹp và rất thơ.  Một phương cách tuy không mới tuyệt đối, vì Chúa Giêsu đã gợi lên từ xưa:“Ai không nên như trẻ nhỏ sẽ chẳng được vào Nước Trời,” nhưng chính Têrêsa đã đem đến cho phương cách này một nét hấp dẫn mới và một độ rộng mới phù hợp trong tầm  với của mọi người, dù là giáo sĩ hay tu sĩ hoặc giáo dân, dù là trí thức bụng đầy chữ nghĩa hay là bình dân ít học.  Hết thảy đều có thể sử dụng phương cách này hoặc đi trên con đường này.  Người Mỹ gọi xa lộ của họ là freeway nghĩa là đường tự do ra vào, không phải thuê bao, không cân mua vé.  Đường thơ ấu thiêng liêng cũng thế, là freeway mở ra cho hết mọi người.

“Nên như trẻ nhỏ” là phương cách của Phúc Âm, nhưng nên như thế nào lại là điều thuộc về phong cách của Têrêsa.  Thật vậy, qua truyện “Một tâm hồn,” thánh nữ đã vận dụng rất tự nhiên mọi biến cố xảy đến trong đời để, phải nói là, nũng nịu và vòi vĩnh Chúa dẫn mình trên đường nên thánh.

Ai trong chúng ta cũng biết tình yêu là điều đáng giá nhất trên đời, và chẳng cần ai bảo ai người ta vẫn cứ thi nhau làm những việc càng lớn càng tốt để diễn tả tình yêu ấy. “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.”  Có biết đâu tình yêu xét cho cùng lại là điều thuộc về trật tự của tấm lòng, thế nên, khi có tấm lòng lớn thì dù việc làm có khiêm tốn đến đâu đi nữa, cũng vẫn là một tình yêu đầy đặn vuông tròn.  Nhất là khi tấm lòng ấy xin dành cho Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.  Đó là nét đầu tiên của đường thơ ấu Têrêsa.

  1. Đường nên thánh của Têrêsa cũng được ghi dấu bằng những ước mơ tươi trẻ.

Nếu “giống như trẻ thơ,” Têrêsa đã tham lam ôm lấy mọi biến cố trong đời, dù vui hay buồn dù lớn hay bé dù hữu ý hay vô tình dù được người khác biết đến hay không, để làm thành vốn liếng sinh lời trong tình yêu Chúa thì độ bền của nẻo đường thiêng liêng ấy lại ngày từng ngày làm bằng những thao thức rất trẻ trung táo bạo.

Trẻ trung ở chỗ thánh nữ luôn bị thiêu đốt bởi những ước mơ, nói theo kiểu Sea Games, là mơ “cao hơn xa hơn và nhanh hơn” trên đường thánh đức.  Có lần Têrêsa muốn yêu Chúa thật nhiều như chưa bao giờ Chúa được yêu như thế.  Lần khác thánh nữ lại muốn lên đường truyền giáo thật dài như đường đi của loài người mọi thời gom góp lại.

Táo bạo ở chỗ thánh nữ dù sống trong một đan viện kín cổng cao tường, như Đan Viện Cát Minh Sàigòn đây, ngài cũng không chịu dừng lại đôi cánh ước mơ, mà còn vươn lên những đỉnh cao thao thức, như khi một mình dưới ánh sáng Lời Chúa trong thư thứ nhất Côrintô chương 12, Têrêsa đã reo lên vì khám phá ra rằng: từ nay trong Giáo Hội mình sẽ là trái tim, trong trái tim mình sẽ là tình yêu, và trong tình yêu mình được ở trong lòng Thiên Chúa là Cha.

Thế đó, ước mơ trẻ trung và táo bạo, như con ốc nhỏ mơ uống cả đại dương tình thương Thiên Chúa, để dù phận ốc phải chôn vùi ở đáy sâu thầm lặng, cũng vẫn hiên ngang có Chúa gần kề, và dù có phải chết trong kiếp người đi nữa, cũng vẫn tin yêu phó thác, vì như Têrêsa đã quả quyết lúc lâm chung: “Tôi không chết, nhưng tôi đi vào cõi sống”.

  1. Đường nên thánh của Têrêsa còn là đường ngả nghiêng bóng cây Thánh giá.

Đẹp như tuổi thơ, đẹp như ước mơ, nhưng trên nẻo thiêng liêng ấy, Têrêsa đã gặp không ít khó khăn.  Có điều là ngài chủ động tiếp nhận như Thánh giá gieo mầm cứu độ.

Chín tháng đầu tiên trong Nhà kín Lisieux, Têrêsa cảm nghiệm thật nhanh hương vị Thánh giá, tức là cái giá phải trả cho sự thánh đức.  Đó là những muộn phiền về gia cảnh cha già neo đơn (nhớ nhà); đó cũng là những chịu đựng trước ánh nhìn của người khác, và đó còn là những vật lộn với chính bản thân khi phải trút bỏ tất cả để thích ứng được với cuộc sống chung.  Về giai đoạn này, Têrêsa tâm sự là ngài đã gặp nhiều gai nhọn hơn hoa hồng.  Ngài viết: “Đau khổ dang tay đón tôi và tôi đã gieo mình vào khổ đau với lòng yêu mến.”

Nhưng Thánh giá thường xuyên hơn cả trong suốt chín năm tu trì của ngài chính là những nỗi đau âm ỉ trong tâm hồn kìa, như thấy mình bất toàn kiểu Phêrô “Tinh thần thì mau lẹ nhưng xác thịt lại yếu đuối,” như thấy mình bị bỏ rơi không niềm an ủi kiểu “con tim vô tình,” như thấy mình bị mỏi mệt nản lòng kiểu “hai môn đệ trên đường Emmaus.”  Song cũng khởi đi từ những Thánh giá trong lòng vốn nhiều thao thức ấy, thánh nữ khám phá ra tâm tình phó thác làm thành ý tưởng chủ đạo giúp ngài nên thánh, đó là “muốn những gì Chúa muốn”.

Đã đành, ai cũng có thể gặp đau khổ cách này cách khác, nhưng biết đón nhận đau khổ theo phong cách Têrêsa bằng niềm đam mê dâng hiến nguyện cầu truyền giáo, thì quả là đã nhận lấy Thánh giá một cách hiệu quả nhất.  Đó là đường Thánh giá của hy sinh và cũng là đường Thánh giá của hy vọng.

Tóm lại, đường nên thánh của Têrêsa là một tâm tình tuổi thơ, là một ước mơ xuân trẻ, và cũng là chia sẻ tình yêu Thánh giá.  Đó là trực giác một thời, nhưng cũng là bền bỉ một đời, và trên hết là hồng ân Thiên Chúa.  Nẻo đường ấy rất thênh thang hôm nay được đặt vào tầm tay của mọi người.

Sống tâm tình con thảo trước Chúa là Cha yêu thương gần gũi, để reo vui trước thành công, cảm thông khi thất bại và quảng đạo dâng hiến chẳng tiếc với Chúa bất cứ sự gì.  Đó là khởi đầu tập đi trên đường thơ ấu.  Vẫn biết rằng “dòng đời không êm ái như dòng sông,” như dòng tu, nhưng đẩy ước mơ lên những đỉnh cao lành thánh như góp phần hy sinh cầu nguyện cho thế giới hoà bình hơn, cho người người thương yêu hơn, cho thị trường công bình hơn, cho chân lý toả sáng hơn, cho mình cho gia đình cho cộng đoàn được nên thánh hơn.  Đó cũng là những bước chân âm thầm trên đường thơ ấu.  Và với tình yêu phó thác sẵn sàng đón nhận tất cả như hồng ân, cho dẫu là hồng ân vinh quang hay Thánh giá, thể xác hay tâm hồn, cá nhân hay Giáo Hội, đó chính là tuyệt chiêu trẻ trung trên đường thơ ấu Têrêsa.

Đường nên thánh của Têrêsa như chiếc “thang máy tình yêu” rộng mở.  Ai vào, thang sẽ tự động nâng lên.  Vấn đề là ta có thích bước vào hay không?  Câu trả lời xin dành cho riêng từng người hôm nay.  Còn bây giờ là chứng từ của cô Linsay Younce người đóng vai chính trong một cuốn phim mới về thánh Têrêsa thành Lisieux.  Cô đã trở lại đạo sau khi cuốn phim được hoàn thành.  Được hỏi: điều gì hấp dẫn nhất nơi Têrêsa?  Cô trả lời: việc nên thánh ở ngay trong tầm tay của mọi người.  Mong rằng đó cũng là điều hấp dẫn chúng ta.

Vũ Duy Thống, Gm

 

XIN THÊM NIỀM TIN CHO CHÚNG CON

“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.”  Đây là lần duy nhất, các tông đồ xin Đức Giêsu một điều như thế.  Tại sao các Tông đồ không xin quyền cao chức trọng, giàu có mà lại xin đức tin?  Đối với các Tông đồ, đức tin là điều quan trọng nhất, không có đức tin, các ông không thể là tông đồ, không hoàn thành sứ mạng.  Bởi lẽ, sứ mạng của các tông đồ là rao truyền cho mọi người biết: Giêsu Nagiaret bị đóng đinh, chết, đã sống lại vì Người là Thiên Chúa.  Điều đó ngược với trí khôn của con người không bao giờ xảy ra trong lịch sử, muốn chấp nhận thì phải có Đức tin.  Đức tin là ân ban của Thiên Chúa.  Dĩ nhiên cũng cần có sự cộng tác của con người.  Tựa như muốn có ánh sáng vào nhà, bạn phải mở cửa, muốn có Đức tin, bạn phải mở cửa lòng mình.  Ơn Chúa được ban nhưng không, nhưng phải cầu xin.  Lời cầu nguyện là cánh cửa của đức tin, phải được mở ra để đón nhận ơn Thiên Chúa.

zzĐể nói về đức tin, Đức Giêsu dùng một kiểu nói của người Palestin, kiểu nói nghịch lý.  Hạt cải là loại nhỏ nhất trong các loại hạt, nó chỉ bằng mũi đinh ghim.  Cây dâu là cây đại cổ thụ sống tới 600 năm, rất khó bật rễ.  Thế mà, Đức Giêsu bảo: “Chỉ cần có đức tin bằng hạt cải, có thể bảo cây dâu bật rễ mọc dưới biển.”

Dĩ nhiên, Đức Giêsu không khuyên ta cầu xin những phép lạ lẫy lừng.  Người không bao giờ dời cây dâu xuống biển.  Nhiều lần Người đã từ chối các dấu chỉ kỳ diệu người Do Thái yêu cầu.  Nhưng bằng hình ảnh hạt cải và cây dâu, cũng như hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim, Đức Giêsu mạnh mẽ nói với ta, điều con người không thể, đức tin mở cho ta thấy lại dễ dàng với Thiên Chúa.

Chỉ cần một đức tin nhỏ xíu, ta có thể làm được những việc lớn lao cả thể, con người không làm được, bởi ta được tham dự vào sức mạnh của Thiên Chúa.  Thật vậy, ta hãy nhìn xem, chỉ một chút đức tin, bà Sara già nua 90 tuổi, bỗng sinh con hồng hào khỏe mạnh.  Chỉ một chút đức tin, Đavít thắng Gôliát. Chỉ một chút đức tin, Maria một trinh nữ, sinh con.

B. Bessière kể: Tôi biết một người nhờ ngọn cỏ mà sống. Một cô gái đã bị tai ương hoạn nạn đè bẹp cô. Trước mặt cô chỉ là một tương lai xám xịt, dễ chịu nhất đối với cô là được ra đi cho rảnh nợ đời.  Những bước chân vô hồn vô định trên hè phố, đã tình cờ dẫn cô đến một cọng cỏ.  Cọng cỏ xanh non đang cố trổi lên khỏi kẽ nứt bê tông để vươn lên ánh sáng.  Sự sống nhỏ nhoi yếu ớt nhưng xanh tươi có vẻ mạnh hơn cả tấm xi măng nặng nề, đã cho cô một dấu chỉ.  Cô lấy lại can đảm, để đương đầu với những năm tháng lê thê đầy khó khăn.  Hỏi rằng trong số nhan nhản những người qua đường, có bao nhiêu người đã trông thấy cọng cỏ ấy.  Chắc hẳn chỉ có cô là người duy nhất nhận ra từ cọng cỏ ấy một sứ điệp.  Cọng cỏ đã cứu sống cô.

Trong các nhân đức đối thần: Đức tin, đức cậy, đức mến, Thánh Phaolô dậy: đức mến là cao trọng hơn cả, bởi lẽ về thiên đàng, không có đức tin và đức cậy chỉ còn đức mến.  Nhưng trong cuộc sống trần thế, đức tin lại cần thiết, bởi không có đức tin thì không có đức cậy và đức mến.  Đức tin khai mở cho người ta được lãnh các bí tích, là căn cước để vào được Thiên đàng.  Bởi thế, khi ban bí tích rửa tội, linh mục chủ sự hỏi người dự tòng: “Con xin sự gì cùng Hội thánh?”  Người dự tòng thưa: “Con xin đức tin.”  Linh mục hỏi tiếp: “Đức tin sinh ơn ích gì cho con?”  Người dự tòng đáp: “Thưa đức tin đem lại cho con sự sống đời đời.”

Thật may mắn cho ta, được sinh ra trong đức tin từ nhỏ.  Đức tin không phải là tĩnh tại, đức tin cần phát triển.  Để lớn mạnh trong đức tin, người tín hữu cần phải nuôi dưỡng, bằng việc làm, cầu nguyện, học hỏi lời Chúa, đặc biệt với người trí thức trình độ văn hóa và giáo lý phải cân xứng.  Họ phải có khả năng biện bạch đức tin của mình cho người khác, cũng như cho chính mình.  Họ cũng cần có khả năng đó khi mỗi ngày phải chạm trán nhiều hơn với thuyết vô thần và thái độ dửng dưng đối với tôn giáo. Họ buộc lòng phải lý giải niềm tin đối với Thiên Chúa của mình.

Bởi thế, đức tin không chỉ được khẳng định suông, nó đòi lý lẽ.  Đức tin có lý lẽ là một đức tin vững mạnh.  Đức tin đó giúp ta giải đáp những vấn nạn sâu xa nhất của cuộc sống, nó cho ta thấy mọi sự trở thành có ý nghĩa, kể cả đau khổ và cái chết, nó cũng đem lại niềm mơ ước.  Cuộc sống không có mơ ước, khác nào đêm tối không có trăng sao.  Cuộc sống cần hy vọng, ta cần có hy vọng, như cần thức ăn.  Nhưng không thể có hy vọng nếu ta không có niềm tin.  Niềm tin dẫn đến niềm vui.  Phúc cho những ai khám phá ra niềm vui trong niềm tin.  Niềm vui sướng mê li của lòng tin vào Thiên Chúa, sự ngất ngây hướng theo lời mời gọi và nắm chặt bàn tay của Chúa chìa ra khi nhắm mắt lìa đời.

Tuy nhiên, ta đừng mong rằng, đức tin làm sáng tỏ mọi điều.  Ta sống trong một thế giới có biết bao cuộc tìm kiếm hão huyền, nhằm tìm ra mọi lời giải đáp.  Ta có đức tin, không có nghĩa ta hiểu biết mọi điều.  Mà ta cũng không cần biết mọi lời giải đáp.  Một điều cần, ta phải vững niềm tin.  Và như các Tông đồ đã xin: “Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con!”

Lm. Giuse Nguyễn An Khang

LỄ KÍNH CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng lễ kính các tổng lãnh thiên thần Micaen, Gabrien và Raphaen. Xin được gợi ý suy niệm ba điểm sau đây: Sự hiện diện của các thiên thần; sứ mạng của các ngài; nhiệm vụ của chúng ta đối với các thiên thần.

  1. Sự hiện diện của các thiên thần

zzLà người Kitô hữu, chúng ta xác tín về sự hiện diện của các thiên thần.  Có vô số các thiên thần. Có các tổng lãnh thiên thần.  Có các thiên thần bản mệnh. Đó là chân lý đức tin.  Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 328 dạy rằng: “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thân xác mà Thánh Kinh thường gọi là các thiên thần, là một chân lý đức tin.  Chứng từ của Thánh Kinh cũng rõ ràng như toàn thể Thánh Truyền.”

Thật vậy, từ Cựu Ước sang Tân Ước, nơi này nơi khác làm chứng cho chúng ta về sự hiện diện của các Thiên Thần.  Xin được đơn cử một vài dẫn chứng: Thánh vịnh 103 diễn tả:

“Chúng tụng Chúa đi, hỡi muôn vì thiên sứ
Bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người
Luôn sẵn sáng phụng lệnh” (Tv 103,20)

Các Thiên Thần hát mừng Chúa trong đêm Giáng Sinh: “Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2,13-14)

Trong ba năm giảng đạo, Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc đến các Thiên Thần.  Ngài cho biết rằng, dù là kẻ bé mọn thì cũng có các Thiên Thần đồng hành, gìn giữ: “Anh em coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các Thiên Thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10).  Ngài cho biết thêm: trong cuộc phán xét chung, khi Con Người đến trong vinh quang, có các thiên thần theo hầu (x. Mt 25,31).  Và Sau khi sống lại, con người giống như các thiên thần (x.Lc 20,36).  Và trong đoạn tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với ông Nathanaen rằng: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người (Ga 1,51).

Thỉnh thoảng các tông đồ cũng nhắc tới sự hiện diện của các thiên thần.  Thánh Phêrô nhắc đến các thiên thần dữ: “Thiên Chúa sẽ không dung thứ cho các thiên thần có tội, nhưng đã đẩy họ vào hố địa ngục tối tăm giữ họ để chờ chuộc phán xét” (2 Pr 2,4).  Trong bài đọc thứ nhất, sách Khải huyền nói đến sự giao chiến giữa thiên thần Micaen với Con Mãng Xà (Kh 12,17).  Thánh Phaolô nhắc đến tên tổng lãnh thiên thần, Ngài nói: “Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên” (1Tx 4,16).

Như vậy, niềm tin vào sự hiện diện của các thiên thần là niềm tin chắc chắn, vì có nền tảng từ Thánh Kinh và Thánh Truyền.

  1. Sứ mệnh của các thiên thần
    “Ngay từ khi Chúa sáng tạo trời đất, các thiên thần luôn có mặt, và suốt lịch sử cứu độ, các ngài đã hoặc xa hoặc gần loan báo ơn cứu độ và phục vụ việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa” (x.Giáo lý HTCG số 332).

Thánh Augustinô nói rằng: “Tên các thiên thần là danh xưng chỉ các chức phận chứ không chỉ bản tính.”  Thường chúng ta nghe kể đến ba Tổng lãnh thiên thần mà Giáo Hội mừng kính hôm nay: Micaen, Gabrien và Raphaen.  Tổng lãnh thiên thần Micaen với danh hiệu là “Ai bằng Thiên Chúa.” Tổng lãnh Thiên thần Gabrien với danh hiệu là “Sức mạnh của Thiên Chúa.”  Tổng lãnh thiên thần Raphaen với danh hiệu là “Linh dược của Thiên Chúa.”  Ngoài ra, còn có vô số các thiên thần: “Các Ngài đã đóng lại vườn địa đàng, bảo vệ ông Lót, cứu chữa Agar và con bà này, ngăn lại bàn tay của ông Abraham, Lề Luật cũng đã được thông ban nhờ thừa tác vụ của các ngài.  Các ngài đã dẫn đưa Dân Thiên Chúa.  Các ngài đã loan báo những sự sinh con, và những ơn gọi, đã trợ tá cho các tiên tri” (x. Giáo lý GHCG số 332).

Sách Isaia diễn tả các thiên thần Xê-ra-phim đứng chầu: “Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu.  Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay” (Is 6,2).

Các thiên thần luôn luôn chiêm ngưỡng thánh nhan của Cha Thầy trên trời (x. Mt 18,10).  Các thiên thần là những người làm theo lời Thiên Chúa, luôn chú ý nghe lời Ngài, sẵn sàng để chờ lệnh của Thiên Chúa.

Các thiên thần là những sứ giả của Thiên Chúa.  Thiên thần Gabrien truyền tin cho Đức Mẹ (x.Lc 1,26-38) và ông Giacaria (Lc 1,5-25).  Thiên thần Raphaen được sai đến với ông Tôbia để thi hành nhiệm vụ: dẫn đường, cưới vợ, chữa mắt và dâng những lời cầu nguyện của ông Tôbia và cô Sara lên trước nhan Thiên Chúa (x. Tb 12,12).  Thiên Thần Micaen giao chiến với con Mãng Xà.

Các thiên thần có sứ mạng bảo vệ Chúa Giêsu và thờ lạy Ngài.  Từ khi sinh ra ở hang đá Bêlem, các thiên thần hát lời ngợi khen “Vinh danh Thiên Chúa trên trời” (Lc 2,14).  Các thiên thần đã bảo vệ tuổi thơ của Chúa Giêsu, phục vụ Ngài trong hoang địa, an ủi Ngài trong lúc hấp hối.  Cũng chính các thiên thần đã “loan báo tin mừng” (Lc 2,10) khi đưa tin mừng của việc Nhập thể và của sự Sống lại của Chúa Kitô.  Và cũng các thiên thần sẽ loan báo cuộc trở lại của Chúa Kitô, phục vụ cho cuộc thẩm phán (x. Giáo lý HTCG số 333).

Các thiên thần không những có sứ mạng phục vụ Chúa mà còn có sứ mạng phù hộ loài người. “Từ tuổi thơ cho đến chết, cuộc sống con người được các ngài bảo vệ và được các ngài cầu bầu cho.  Mỗi tín hữu có bên cạnh mình một thiên thần như vị bảo vệ và như mục tử để hướng dẫn mình tới sự sống” (x. Giáo lý HTCG số 336).  Các Giáo phụ không ngừng lặp lại rằng: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường nào, Ngài sai các thiên thần là một loài cao cả hơn chúng ta, để giúp đỡ chúng ta trên đường lữ hành.  Các thiên thần biểu lộ lòng thương yêu săn sóc của người Cha đối với từng người chúng ta”.

Nói tóm lại, sứ mệnh của các thiên thần là phụng thờ Thiên Chúa và phù hộ loài người.

  1. Nhiệm vụ của chúng ta đối với các thiên thần

Từ nhỏ tôi rất ấn tượng về bức tranh “chết lành.”  Trong bức tranh đó: zzKẻ hấp hối là một người chồng đang âu yếm nhìn vào thánh giá Chúa.  Có linh mục đang ban các bí tích sau hết.  Có vợ con bên cạnh.  Có Chúa ngự trên cao đang chờ đón.  Đặc biệt, có các thiên thần.  Một thiên thần đang ở bên cạnh giường để an ủi.  Một thiên thần đang xua đuổi ma quỷ.  Còn bức tranh “chết dữ”: Kẻ hấp hối cũng là một người chồng.  Ông không nhìn thánh giá, không chịu lắng nghe linh mục khuyên bảo, không để ý đến người vợ yêu quý của mình.  Ông chỉ nhìn vào bức hình của một cô gái đang còn trong tay ma quỷ  (có lẽ là người tình).  Vợ khóc lóc.  Ma quỷ vây xung quanh giường, rắn rết, lửa hoả ngục… Còn thiên thần đang khóc và bỏ đi.

Sứ điệp của hai bức tranh đó mời gọi chúng ta: Hãy nghe theo sự hướng dẫn, thúc giục của các thiên thần.  Hãy liên kết với các thiên thần, nhất là tổng lãnh thiên thần Micaen để đẩy lùi quỹ dữ dưới mọi hình thức đang vây bủa chúng ta: Vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé (x.1Pr 5,8).  Hãy xin thiên thần Gabrien giúp chúng ta biết mau mắn thưa xin vâng những sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gửi đến trong cuộc sống hằng ngày.  Hãy xin thiên thần Raphaen đồng hành với chúng ta, nhắc nhở chúng ta làm nhiều việc thiện.  Xin Ngài dâng lên trước toà Chúa tất cả các việc lành chúng ta làm.

Ước gì, chúng ta luôn biết cộng tác với các thiên thần sống lành để được chết lành, đừng để thiên thần phải khóc khi nhìn thấy chúng ta sa hoả ngục như trong bức tranh “chết dữ” kia. Amen

Lm. Anthony Trung Thành

 

THIÊN CHÚA MUỐN TÔI LÀM GÌ BÂY GIỜ?

zzAi muốn bắt chước Ðức Mẹ luôn luôn tìm Thánh Ý Chúa và “xin vâng”. “Hãy thành sự cho tôi theo ý Ngài”.

Khi Chúa Kitô sống trong tôi, tôi cũng tìm lương thực nội tâm trong Thánh Ý Thiên Chúa.  Sống theo Thánh Ý Chúa mang ích lợi cho tôi bởi vì Ngài che chở tôi và Ngài muốn làm vinh hiển cho tôi.  Nhưng theo vết chân Chúa Kitô tôi không tìm Thánh Ý Chúa vì “ích lợi” này mà vì tôi yêu thương Ngài.

Ðây là một trái tim mới, là một con người mới trong tôi.  Vì thương yêu Thiên Chúa, thánh I-Nhã muốn biết Thiên Chúa kêu mời ngài làm gì.  Từ từ qua kinh nghiệm nhiều năm trời tìm Thánh Ý Chúa, thánh I-Nhã được Chúa ban một khả năng đặc biệt để tìm kiếm Thánh Ý Chúa.

Ðây cũng là khả năng đặc biệt Thiên Chúa ban cho nhà Dòng thánh I-Nhã sáng lập và cho những ai muốn kết thân với Chúa Kitô dưới sự hướng dẫn của ngài: “Luôn luôn phục vụ Thiên Chúa vì tình yêu”.

Cách Tìm Thánh Ý Chúa

Chúng ta không có thể tìm Thánh Ý Thiên Chúa cách trực tiếp, ngay trong trái tim Ngài bởi vì trong đời này chẳng ai có thể gặp gỡ Thiên Chúa cách trực tiếp.

Chúng ta cũng không có thể tìm hiểu Thánh Ý Chúa như một kế hoạch Ngài soạn thảo sẵn và dành cho chúng ta.  Thánh Ý Chúa cũng không phải là một chương trình gồm có những biến cố sẽ xảy ra cho mình và những hành động Ngài mong muốn chúng ta thực hiện.

Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta có quyền mở trái tim mình cho những ý muốn, niềm hy vọng và tình yêu chúng ta muốn lựa chọn.  Chính Ngài là Ðấng tôn trọng quyền tự do đó.

Chúng ta tìm Thánh Ý Chúa trong các kinh nghiệm sống.  Khi giữa Thiên Chúa và chúng ta có một tình thân mật, một mối liên hệ sống động, chúng ta sẽ nhìn nhận những tác động vui buồn nội tâm.  Qua những tác động nội tâm đó chúng ta sẽ nhận ra Thiên Chúa mong chúng ta làm gì, làm như thế nào.

Không biết Thiên Chúa dành cho chúng ta những gì trong tương lai, nhưng mỗi lần chúng ta tuân theo các tác động của Chúa có một kết quả . Nhìn lại các năm trời vừa qua chúng ta sẽ khám phá ra một đường hướng, một kế hoạch kỳ lạ, đầy khôn ngoan, lòng nhân từ và vinh quang.  Chúng ta tin rằng đó là kế hoạch Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Chúng ta tìm những “tác động” nội tâm.  Có thể là tác động vui, cũng có thể là tác động buồn.  Khi chúng ta bước theo Thánh Ý Chúa thường Ngài ban cho chúng ta bình an và niềm vui nội tâm.  Khi chúng ta theo ý mình và từ chối tiếng kêu mời của Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy u buồn như thanh niên giàu có không dám “nghe” tiếng kêu mời của Chúa Kitô.

Tìm Thánh Ý Chúa là luôn luôn mở lòng cho Ngài, là sống trong tình thân mật với Ngài.  Như Ðức Mẹ, Ðức Mẹ chẳng biết Thiên Chúa dẫn Mẹ đi đến đâu.  Nhưng trong mỗi hoàn cảnh và biến cố, Ðức Mẹ lắng nghe và đón nhận ý muốn Thiên Chúa.  Ðức Mẹ giữ trong lòng các biến cố để tìm hiểu đường lối và Thánh Ý Chúa.

Chúng ta tìm Thánh Ý Chúa trong các liên hệ với anh em, trong cách chúng ta tiếp xúc với họ. Trong tình thân mật với Chúa chúng ta sẽ tìm cách phục vụ, cách tiếp xúc với họ theo Thánh Ý Ngài.

Những kẻ biết nhận ra Thánh Ý Chúa, như thánh Gioan, sẽ nhận ra Ngài trước.  Trong các ngã ba, trong các xung đột, lúc phải tìm một hướng đi, có kẻ nhận ra Thánh ý Chúa trước, giúp người khác cũng nhận ra Ý Ngài.

Xác Ðịnh Thánh Ý Chúa

Làm sao chúng ta có thể xác định chúng ta thực sự theo Thánh Ý Chúa chứ không phải theo ý mình?

Thiếu tình thân mật với Thiên Chúa chúng ta dễ suy luận và nhận định các vấn đề theo ý riêng, do quan niệm bản thân.  Tưởng rằng đang phục vụ Thiên Chúa thực sự chúng ta có thể âm mưu ích lợi và danh vọng riêng.

Khi gặp sóng gió và thử thách chúng ta mới có thể biết đường lối chúng ta đang theo và động lực đang thúc đẩy chúng ta là do tình yêu Thiên Chúa hay do tự ái riêng.

Khi gió thổi mạnh và nước tuôn đến chúng ta mới có thể biết ngôi nhà được xây dựng trên cát hay trên tảng đá.

Lúc thành công, mọi người đứng vững, hăng hái hoạt động.  Nhưng lúc gặp hiểu lầm, thất bại và bị sỉ nhục những kẻ muốn phục vụ một mình Thiên Chúa mới tiếp tục hoạt động và bình tĩnh dấn thân tiếp.

Chúa hỏi các môn đệ: “Bạn muốn gì?”

Phúc cho môn đệ có thể đáp trả lại: “Con mong muốn nhận biết Chúa Kitô, và sức mạnh phục sinh của Người, con mong muốn thông phần vào sự thương khó của Người và nên giống Người trong sự chết với niềm hy vọng con cũng sẽ được sống lại từ các kẻ chết”. (Phil 3:10-11)

Julian Elizalde, SJ
Trích báo Ðồng Hành

LIÊN ĐỚI

zzToàn cầu hóa đã giúp nhân loại phát triển tình liên đới.  Nhân loại trở nên một cộng đồng sinh mệnh.  Sự an nguy không còn của riêng ai mà là của tất cả mọi người.  Cứu người chính là cứu mình.  Vì một thảm họa nếu không sớm được ngăn chặn, sẽ mau chóng lan tràn khắp thế giới.  Liên đới đang trở thành đức tính không thể thiếu được trong đời sống hiện tại.  Nó không chỉ là một việc làm thiện nguyện mà còn là một nhiệm vụ cấp bách của mọi công dân trên hành tinh.  Biết sống liên đới, nhân loại đang đi vào con đường Phúc Âm.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc đến tình liên đới.  Phải liên đới vì mọi người đều là anh em với nhau.  Phải liên đới vì đó là điều kiện vào Nước Trời.

Bài Phúc Âm hôm nay cho ta thấy điều đó.  Có lẽ khi đọc bài dụ ngôn này, có nhiều người bất mãn tự hỏi: “Ông nhà giàu đâu có tội gì mà phải xuống hỏa ngục.  Ông không gian tham, trộm cắp, bóc lột. Tiền của do công sức mồ hôi nước mắt ông làm ra, ông có quyền ăn xài chứ?  Giàu có đâu phải là tội?”

Vâng, giàu có đâu phải là một tội.  Tuần trước Chúa Giêsu đã cho ta thấy giá trị tích cực của tiền bạc khi dạy ta hãy dùng tiền của mua lấy bạn hữu để họ đưa ta vào cuộc sống vĩnh cửu.  Tiền bạc, nếu biết sử dụng, sẽ có giá trị tích cực.  Nhưng nếu không biết sử dụng, sẽ trở thành nguy cơ.

Nguy cơ thứ nhất: Tiền bạc có thể mê hoặc tâm hồn.

Khi đó tiền bạc sẽ trở thành sợi dây trói buộc.  Tâm hồn mê tiền bạc giống như con chim bị cột, không cất cánh bay cao, bay xa được.  Đó là trường hợp chàng thanh niên đạo đức trong Phúc Âm.  Anh đến hỏi Chúa Giêsu làm thế nào để được sống đời đời.  Anh muốn vươn lên, muốn tiến bộ trên đường đức hạnh.  Nhưng tiền bạc đã ngăn cản bước tiến của anh.  Chúa Giêsu cất tiếng gọi anh.  Nhưng tiền bạc đã trói buộc bước chân.  Và anh bỏ cuộc quay về.  Đành cam chịu với nếp sống tầm thường xưa cũ.

Nguy cơ thứ hai: Tiền bạc dễ làm cho trái tim thành xơ cứng, chai đá.

Người có nhiều tiền bạc dễ rơi vào tình trạng tự mãn.  Tự mãn với những gì mình có, người giàu sẽ không cần tới ai khác và vì thế sẽ không chú ý đến những người chung quanh.  Đó là trường hợp ông nhà giàu trong bài Phúc Âm hôm nay.  Ông có nhà cao cửa rộng, mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình.  Chỉ mải mê hưởng thụ, ông không có thời giờ nghĩ đến người khác.  Ladarô nằm thoi thóp bên cửa nhà mà ông không nhìn thấy.  Ladarô có rên rỉ vì đau đớn, đói khát ông cũng không nghe thấy.  Tự mãn đã khiến trái tim ông khép chặt lại, biến ông thành vô cảm trước những đau khổ của tha nhân.  Những mẩu bánh dư thừa, ông đâu có tiếc gì.  Thế nhưng ông chẳng có thời giờ nghĩ đến Ladarô.  Và người ta vất những mẩu bánh dư thừa vào thùng rác trong khi Ladarô mơ ước được những mẩu bánh dư ăn cho đỡ đói.  Tự mãn đã biến ông nhà giàu thành ích kỷ, thiếu tình liên đới.

Nguy cơ lớn nhất mà tiền bạc có thể dẫn tới: Đó là làm cho ta mất hạnh phúc đời đời.

Hạnh phúc trên Nước Trời là một cuộc sống hiệp thông trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.  Tình yêu của Chúa Ba Ngôi là một tình yêu dâng hiến trọn vẹn.  Cho đi tất cả để nhận lãnh được tất cả.  Những người ích kỷ không biết cho đi, không biết chia sẻ, không thể tham dự vào sự sống hiệp thông này.  Vì thế, người ích kỷ là người tự chọn con đường xuống hỏa ngục.  Kẻ khép cửa lòng trước nỗi khốn cùng của tha nhân, là người tự đào huyệt chôn mình.  Người sống thiếu tình liên đới là người tự trục xuất mình ra khỏi Nước Trời.

Bây giờ thì chúng ta hiểu tại sao ông nhà giàu lại bị đày đọa trong hỏa ngục.  Ông nhà giàu không có tội gì.  Ông chỉ có tội thiếu sót: Thiếu sót tình liên đới, thiếu sót sự chia sẻ.  Trước đây ông đóng kín cửa để tự ngăn mình với Ladarô.  Nay cánh cửa đó biến thành vực sâu thăm thẳm chia cắt hai người. Trước kia ông chỉ cần xoay nắm mở cửa là gặp được Ladarô.  Nay ông không tài nào vượt qua được vực thẳm ngăn cách.  Trước kia ông nghĩ sẽ không bao giờ cần tới Ladarô.  Nay ông biết mình cần Ladarô cho mình một giọt nước thì đã trễ.  Tình liên đới nếu không tạo lập ở thế gian, khi chết rồi sẽ không còn cơ hội nữa.

Qua dụ ngôn này, Chúa muốn dạy ta biết: Ta sống trong cuộc đời không đơn lẻ, nhưng sống với người khác.  Người ta không phải là những đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau.  Trái lại vận mệnh chúng ta đan xen vào nhau.  Vì thế trách nhiệm liên đới là không thể thiếu được.  Do đó cần phải quan tâm đến những người chung quanh mình.  Sự quan tâm này không phải tự nhiên có được, nhưng phải tập luyện hằng ngày.  Phải rèn luyện một trái tim nhạy bén biết cảm thương những cảnh ngộ bất hạnh.  Phải rèn luyện một trái tim quảng đại sẵn sàng chia sẻ với những anh em thiếu thốn.

Lạy Chúa, xin mở mắt con để con nhìn thấy Chúa trong những anh em sống chung quanh con.  Xin mở tai con để con nghe được tiếng họ đang than van đau khổ.  Xin mở trái tim con để con biết chia sẻ với mọi người những niềm vui, nỗi buồn của họ. Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

TIỂU SỬ CHA PADRE PIO, NGƯỜI Ý (1887-1968)

I. Cậu Phanxicô con ông bà Horace làm nghề nông nghèo khó, sinh tại Pietrelcina, tỉnh Benevento, miền nam nước Ý, ngày 25.05.1887. Ông bà có 8 con, chết 3 còn 5 (2 trai 3 gái).

Vì không muốn Phanxicô vất vả nơi đồng áng, ông Horace đã sang New York, Hoa kỳ làm việc để kiếm tiền cho con đi học, đi tu.

zzNgày lễ Ba Vua năm 1903, Cậu vào Nhà Tập Dòng Phanxicô nhánh Cappucins tại Morcone, nhận tên Dòng là Piô.  Nhánh Capucins là nhánh không ngặt cũng không rộng.  Nhánh ôn hòa này cũng có Bề trên Cả như hai nhánh kia.  Nhánh Capuchins có khác chút ít bên ngoài như cho tu sĩ để râu và mặc áo dòng màu đen.  (Dương Liên Mỹ, ofm, Padre Pio, Sài gòn 1968, tr 16-19).

Trong thời gian Tập, vì hãm mình quá, 3 tuần không ăn uống gì, nhà Dòng tưởng thầy sẽ chết, nên cho về nhà ba má bổ dưỡng, không bao lâu thầy phục sức.  Trở về nhà dòng học thần học, nhiều lần anh em gặp thầy Pio quì gối để học bài.

Năm 15 tuổi vào Dòng Capucins.  Ngày 10.08.1910, (23 tuổi) thầy Piô được thụ phong linh mục trong nhà nguyện của nhà thờ chính tòa Benevento.  Bảy ngày sau khi chịu chức linh mục, cha Piô được in 5 Dấu Thánh ẩn kín (chưa xuất hiện).

Tháng 9 năm 1916, Cha Pio được thuyên chuyển về Tu Viện Ðức Mẹ Ban Ơn (Santa Maria delle grazie), ở San Giovanni Rotondo, trong giáo phận Foggia.

Năm 31 tuổi (ngày 20.09.1918), sau khi Rước Mình Máu Thánh Chúa, các dấu thánh xuất hiện.  Cha đã chịu đau đớn mang 5 dấu thánh trong 50 năm.  Sau khi cha tắt thở, các dấu thánh này liền biến mất, không để lại vết tích nào.

II. Tôn sùng Đức Mẹ: Lần hạt suốt ngày:

Cha Piô rất sùng kính Đức Mẹ và ngài thường lần chuỗi hàng ngày.
Trong tu viện, một thầy hỏi ngài:
– Cha lần bao nhiêu chuỗi kinh Mân côi mỗi ngày?
– Khoảng 40.
– 40 lần 50 mươi, nghĩa là 2 ngàn kinh Kính Mừng mỗi ngày sao?
– Sao?  Chuỗi Mân côi chỉ có 5 chục thôi sao?  Một chuỗi Mân côi đầy đủ phải gồm 150 kinh Kính mừng và 15 kinh Lạy Cha.

Có lần ngài nói với một người con thiêng liêng:

“Luôn luôn nắm chặt lấy vũ khí của Đức Mẹ trong tay, nó sẽ giúp con chiến thắng kẻ thù.”
– Vũ khí đó là gì?
– Nó trên áo dòng của cha.
– Con đâu có thấy vũ khí nào đâu?  Con chỉ thấy xâu chuỗi Mân côi.
– Đó không phải là vũ khí sao? (Cuộc đời cha Piô, Người Tín hữu xb, 2000, tr 267)

Khi được hỏi di sản ngài muốn trối lại cho các con thiêng liêng của ngài là gì, Cha Thánh Piô đã trả lời:

“Lần chuỗi Mân Côi!”  Ngài cho rằng việc Đức Mẹ hiện ra ở mọi nơi kêu mời người ta đọc kinh Mân Côi là điều chắc chắn khiến ta phải chuyên cần đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày.

Ngài còn nói: “Còn kinh nguyện nào đẹp hơn Kinh Mân Côi, kinh chính Mẹ dạy ta.  Hãy luôn lần chuỗi Mân Côi.”

Hai ngày trước khi qua đời ngài còn nói: “Hãy yêu Đức Mẹ và làm cho Đức Mẹ được yêu.  Hãy lần chuỗi Mân Côi và lần luôn luôn và lần càng nhiều càng tốt.”

Một lần Đức Mẹ cũng nói với thánh nữ Mectinđa rằng: “Khi sống con đọc bao nhiêu kinh Kính Mừng, khi chết con được bấy nhiêu ơn”.

Nhờ chuyên chăm sốt sắng lần chuỗi Mân Côi, Cha Thánh Piô đã kéo được biết bao ơn xuống cho bản thân ngài và cho những ai đến với ngài.

Hãm mình cao độ: Năm 1925, cha bị bệnh sa ruột, thường làm cha đau buốt, khi bước lên bàn thờ cha phải gắng hết sức để khỏi ngất đi, ngã xuống đất.  Bác sĩ Festa đã quyết định mổ ngay cho ngài tại Tu viện, vì trong thời gian này Tòa thánh hiểu lầm những báo cáo về ngài, nên  không cho ngài ra ngoài, không được liên lạc với người ngoài và không cho ai coi 5 dấu, cũng không được cử hành thánh lễ nơi công cộng.

Bác sĩ muốn đánh thuốc mê cho khỏi đau, nhưng ngài không đồng ý, sợ ông ta lén coi 5 dấu thánh. Cha bằng lòng mổ sống.  Cuộc mổ kéo dài 1 giờ 45 phút, mà cha không kêu ca.  Tới lúc gần xong, cha mới tràn nuớc mắt và kêu: “Xin Chúa Giêsu tha cho con, vì con không biết chịu khó như con phải chịu.”  Sau đó cha ngất đi vì kiệt sức.

Năm 1935, nhân dịp mừng kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục, Đức Piô 11 cho cha được trở lại giúp các linh hồn.

Cha thức dậy từ 3 giờ sáng để dọn mình dâng lễ tại phòng riêng để khỏi phiền anh em, Ngài dâng lễ cách sốt sắng như diễn lại cuộc tử nạn của Chúa trên núi Calvê xưa.  Thánh Lễ kéo dài từ 1g30 phút tới 2 giờ.  Có khi Thánh Lễ kéo dài đến 4 tiếng vì xuất thần, Sau lễ là giải tội từ sáng đến tối.

Ăn uống không bao nhiêu.  Người ta nói, ngài ăn không hơn một em bé đang trong nôi.

III. Giải tội cho người thập phương:

Ngài giải tội tùy theo tình trạng mỗi tâm hồn, chỉ cốt sao cho họ thành thực, được ơn tha thứ và cải thiện đời sống, nên nhiều khi ngài có những cư xử khác thường:

1/ Một người viết báo ở Rôma kể: Trước khi cha Piô ban phép giải tội, ngài nói với tôi cách gắt gỏng là hãy cẩn thận với vài khuyết điểm.  Lời ngài nói như xuyên qua linh hồn tôi.  Trong một dịp khác, ngài vạch rõ những khuyết điểm ăn sâu trong lòng, và tôi dần dà cải đổi.  Lần thứ ba, ngài hỏi: từ bấy lâu nay có xưng tội không?  Tôi mỉm cười và trả lời tự tin: Ngày nào con cũng dự lễ và rước lễ mà. Cha Piô nhăn mặt và gay gắt nói:

– Con đến đây để xưng tội chứ không để ca ngợi mình.  Thế con có nóng giận với các em gái con không?
– Dạ có.
– Đó là điều con phải xưng.  Và đừng làm thế nữa.

2/ Một bà kia xưng tội phạm đức trong sạch.  Bà biết rõ khi trở về bà sẽ bị cám dỗ và sa ngã lại.  Cha Piô từ chối ban phép giải tội.  Lần sau bà đến nữa, ngài cũng không giải tội.  Lần thứ 5, khi xếp hàng, bà nghĩ: Tôi thà chết không phạm tội này nữa.  Khi bà xưng, cha Piô lắng nghe, và ngài đã ban phép giải tội cho bà.  Ngài biết được nội tâm người ta.

3/ Một bà khác xưng rằng:
– Con đọc sách báo xấu.
– Con có xưng tội này rồi phải không?
– Dạ phải.
– Cha giải tội nói gì với con?
– Cha giải tội bảo con không được phạm tội này nữa.
– Không nói một lời, cha Piô đóng sầm cửa sổ, quay sang giải tội cho người bên kia.  Người phụ nữ ấy khóc lóc và đi xưng tội với một linh mục khác, sau đó rước lễ từ tay cha Piô.  Trước khi ra về bà khóc lóc, nói: “Tôi muốn đốt hết tất cả những sách báo xấu xa trên toàn thế giới.”
Cha Piô thật hài lòng, ngài muốn tội nhân thay đổi khi ra khỏi tòa giải tội.

4/ Ngày kia, có một anh thanh niên đến xin xưng tội với cha Piô.  Ngài nhìn anh với đôi mắt nghiêm nghị, ngài la lên “đồ con heo!”  Mọi người quay về phía anh, thật nhục nhã, anh ta vội vã rời phòng giải tội.  Một linh mục kinh ngạc, đăm đăm nhìn cha, nói:
– Sao cha dùng những lời lẽ thậm tệ đến thế?

– Cha Piô nhún vai: nếu tôi không la vào mặt hắn, hắn sẽ phải án phạt đời đời.  Hắn sống với vợ lẽ, và đây là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.  Sự nhục nhã đó có lợi cho hắn, vài ngày nữa hắn sẽ trở lại. Nếu tôi ban phép giải tội cho hắn bây giờ, hắn sẽ không sám hối và không sửa đổi.

Anh ta đã không thể ngủ nghỉ, ăn uống khi nghĩ tới mối liên hệ bất chính.  Anh ta đã trở lại, quì gối xuống ăn năn khóc lóc trước mặt cha Piô.  Ngài cúi xuống khoác tay lên người anh, ngài ôn tồn nói:

– Con thấy không, bây giờ Chúa Cứu Thế rất hài lòng về con.

5/ Một hôm, ngài đang nói chuyện với một bà có ông chồng vừa qua đời.  Trước đây chồng bà đã bỏ bà và 2 con nhỏ để sống với một phụ nữ khác trong 3 năm.  Bất thình lình ông bị bệnh ung thư.  Trước khi ông chết, bà vợ này khẩn khoản xin ông lãnh nhận các Bí tích cuối cùng.  Ông nhận lời.

Người đàn bà nhỏ nhắn và đơn sơ này đưa tay sửa lại chiếc khăn vuông trên đầu và hỏi cha Piô:
– Thưa cha, linh hồn chồng con bây giờ ở đâu?
– Cha Piô nhìn bà ta với đôi mắt lo ngại.  Hình như ngài cảm được nỗi buồn phiền trong tâm hồn của bà, Ngài nói khẽ:
– Linh hồn chồng bà đã bị án phạt đời đời.

Người đàn bà lắc đầu khổ sở, nước mắt tuôn tràn.

Cha Piô nói tiếp cách buồn bã:
– Khi nhận các Bí tích sau cùng, ông ta đã giấu nhiều tội.  Ông không ăn ăn hối hận, cũng không quyết tâm chừa cải.  Ông vẫn là tội nhân đối với lòng thương xót Chúa, vì ông muốn hưởng hết lợi lộc của cõi đời này, rồi sau đó mới quay về ăn năn, thống hối…, nhưng không còn thì giờ cho ông nữa!

Trước khi bà ra về, ngài hết sức an ủi bà, nhưng suốt ngày những điều ấy chờn vờn trong tâm trí ngài, vì một người đã bị hư mất.

(Cuộc đời Cha Piô, Người Tín Hữu xb, 2000, trang 188).

Năm 1956, Cha khánh thành một Trung Tâm Xã Hội có tên gọi là “Nhà an ủi kẻ đau khổ,” và nay là bệnh viện lớn và tối tân, thuộc quyền Tòa Thánh.

Cha Pio qua đời lúc 2:30 sáng ngày 23.09.1968.

Tháng 11 năm sau, tức năm 1969, Tổng Cáo Thỉnh Viên của Dòng Cappucin xin phép làm án phong Chân Phước và Hiển Thánh cho Cha Pio.  Giai đoạn làm án phong thánh cho cha ở cấp giáo phận, đã được hoàn tất năm 1990 và tất cả các hồ sơ được chuyển đến Bộ Phong Thánh Roma.  Trong khoảng thời gian từ năm 1983 đến năm 1990, Tòa Án giáo phận đã thu lượm các tài liệu đóng thành 23 pho sách.

Yếu tố nổi bật trong linh đạo của Cha Pio chắc chắn là đời sống bí tích: các tín hữu tham dự các cuộc hành hương tại San Giovanni Rotondo hầu hết đều đến tòa giải tội lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, tham dự thánh lễ và rước lễ.

Sau khi ngài qua đời ngày 23/9/1968, (81 tuổi) có đến hơn một 100,000 người tham dự lễ an táng của ngài.  Ba vị Giáo Hoàng đã kết án cha là người giả hình đóng kịch.  Nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng cất nhắc cha lên hàng Hiển Thánh.  Lễ phong thánh cho ngài vào đúng Ngày của Cha (Father’s Day) 16/06/2002 là một lễ phong thánh có đông người tham dự nhất xưa nay, với con số gần nửa triệu người!  Thi hài thánh Padre Piô hiện quàn tại San Giovanni Rotondo, miền nam nước Ý.

Sưu tầm

Xin coi thêm: https://suyniemhangngay.net/2016/09/02/cuoc-doi-cha-pio/

TRĂNG VÀNG MÙA THU

Mùa thu đã về!  Vẻ đẹp của mùa thu được ghi dấu bởi những chiếc lá vàng rơi lãng đãng, trong làn sương mù bàng bạc và làn gió se se lạnh đầu ngày.

Vẻ đẹp của mùa thu còn đi liền với ánh trăng.  Mặc dù mặt trăng xuất hiện quanh năm, nhưng trăng mùa thu mới mang một vẻ đẹp huyền bí, tạo nên một nét đẹp vừa thanh tao vừa lãng mạn, nhất là ở miền quê, là nơi không có nhiều ánh sáng của đèn điện.  Ánh trăng thu dịu êm và tươi mát, tạo cho ta một cảm giác thư thái thanh bình.  Sau một ngày lao động mệt nhọc, vầng trăng thu giúp ta lấy lại sức khỏe thể xác và tinh thần.  Trăng thu đã gợi hứng cho các thi sĩ tạo nên những áng thơ bất hủ.  Hàn Mặc Tử, một thi sĩ công giáo, đã gắn bó cả cuộc đời mình với trăng và với thơ.  Trong cuộc đời và sự nghiệp của người thi sĩ này, trăng là bạn và là nguồn cảm hứng để ông sáng tác.  Ông không thể thiếu trăng trong cuộc đời.  Đối với ông, trăng gợi hứng để cầu nguyện, trăng giúp ông nâng tâm hồn lên với Chúa và giúp ông trở về với đời sống nội tâm.  Trăng còn là người bạn tri kỷ, là nơi ông trút bầu tâm sự những lúc ông bị căn bệnh phong quái ác hành hạ.  Trăng như một người tình vừa hư vừa thực, vừa trần tục vừa thanh tao.  Trăng là nơi gửi gắm yêu thương và cũng là nơi ông thể hiện sự dỗi hờn.  Yêu trăng đến mức say trăng và nhìn đâu cũng thấy trăng, có lẽ điều này chỉ có nơi Hàn Mặc Tử.  Cũng như thi sĩ, thiên nhiên vũ trụ đều ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của trăng:

“Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, Chị Hằng ơi”
 (Bẽn lẽn)

Ở nước ta và ở Trung Quốc, tết Trung thu được tổ chức vào rằm tháng 8 âm lịch.  Ngày tết này cũng được gọi là tết Trông Trăng.  Từ thành phố tới thôn quê, mỗi nơi mỗi vẻ, những cuộc múa lân được tổ chức rộn ràng, với tiếng trống thùng thình vang dội, thu hút nhiều trẻ em và người lớn tham gia.  Những bài hát mang nội dung ca ngợi mặt trăng mà người ta gọi với cái tên rất thân thương là “Chị Hằng.”  “Chị Hằng” được coi như người thân của mọi người, rất xinh đẹp và thân thiện, lại là người tốt bụng hay tặng quà cho các bé ngoan.  Người ta tổ chức cỗ trung thu gồm bánh, kẹo và trái cây các loại.  Các em thiếu nhi thì vui mừng nhảy múa ca hát, tới khuya thì cùng “phá cỗ,” tức là mọi người cùng thưởng thức mâm cỗ đã chuẩn bị.  Tết Trung thu là tết của người lớn cũng như của trẻ em.  Đây là dịp biểu lộ sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với con cái, là ngày hội ngộ gia đình trong bầu khí thân thương, hài hòa.

Nếu người Việt Nam và người Trung Hoa tổ chức lễ Trung thu vào ngày rằm tháng Tám âm lịch để ca ngợi vẻ đẹp của vầng trăng, thì người công giáo cũng tôn vinh Đức Mẹ Maria vào ngày 15 tháng 8 dương lịch.  Trong thi ca công giáo, Đức Mẹ được sánh ví như vầng trăng tuyệt vời.  Đức Mẹ không chỉ là vầng trăng cho một số dân tộc mà là vầng trăng cho cả nhân loại.  Nơi Mẹ, chúng ta tìm thấy tất cả những ưu điểm của vầng trăng như sự dịu mát, thanh bình, hướng tâm, thánh thiện:

“Mẹ là suối mát trinh nguyên giữa sa mạc hoang.
Mẹ là trăng thanh đêm về chiếu sáng mênh mang.
Mẹ là tiếng hát ru êm giữa đêm hè vắng.
Mãi mãi Mẹ là mây trời biển rộng thênh thang” 
(Dao ca Mẹ dịu hiền – Văn Chi)

zzHơn thế nữa, Mẹ Maria còn là Đấng che chở và phù giúp chúng ta trong cuộc sống dương thế đầy gian nan vất vả.  Chúng ta đều biết, mặt trăng là một tinh tú ở gần trái đất.  Nó không có khả năng phát sáng, mà nó tiếp nhận ánh sáng từ mặt trời giống như bao vì tinh tú khác.  Nhờ việc tiếp nhận này, mặt trăng được sưởi ấm và tích tụ ánh sáng để chiếu soi ban đêm, khi mà mặt trời bị khuất dạng bởi trái đất xoay vần.  Vì thế mà ánh trăng luôn dịu dàng, thanh thoát và chiếu sáng vào ban đêm.  Mẹ Maria là một thụ tạo hoàn hảo của Thiên Chúa.  Mẹ nhận ánh sáng Chân Lý từ Đức Giêsu Kitô, là Mặt Trời Công Chính để rồi Mẹ thông truyền cho thế gian.  Ánh sáng của Chúa Giêsu là tình yêu, lòng nhân hậu, sự từ tâm, tình huynh đệ, lòng bao dung tha thứ, lòng trung thành và khiêm nhường…  Đức Giêsu là Ánh Sáng Thật, Ánh Sáng Bởi Ánh Sáng, tức là nơi Người phản ánh hình ảnh của Chúa Cha là cội nguồn ánh sáng.  Ánh Sáng này đã đến thế gian để phá tan tăm tối mịt mù, để xóa bỏ hận thù ghen ghét, và khai mở một thế giới yêu thương.  Tất cả giáo huấn của Chúa trong Tin Mừng đều nhằm đến nội dung căn bản này.  Như thế, đón nhận Đức Giêsu là đón nhận ánh sáng từ trời, nhờ đó ta nhận ra con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực.

Là người Kitô hữu, chúng ta cũng được tiếp nhận ánh sáng thiêng liêng từ Chúa Giêsu, qua Giáo Hội. Trong nghi thức rửa tội, vị linh mục chủ sự trao cho thụ nhân một cây nến sáng và nói: “Con đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, con hãy luôn sống như con cái của sự sáng, để được bền vững trong đức tin, khi Chúa đến, con xứng đáng ra nghinh đón Người với toàn thể các thánh trên trời” (Nghi thức Rửa tội).  Cũng như Đức Maria, Vầng Trăng Thu tuyệt hảo, đã đón nhận ánh sáng từ Đức Giêsu là Mặt Trời Công Chính để giãi ánh vàng êm dịu cho trần gian, chúng ta, các Kitô hữu, cũng được đón nhận ánh sáng từ Đấng Cứu độ, để thông truyền cho cuộc đời, góp phần đẩy lui bóng tối là sự hận thù ghen ghét và dối gian.

Chúng ta đang chuẩn bị đón tết Trung thu, bầu khí rộn ràng của ngày hội vui này đang lan tỏa trong cộng đồng xã hội.  Ước chi mỗi tín hữu biết ca tụng quyền năng Thiên Chúa khi ngắm vầng trăng vàng mùa thu, đồng thời nhận ra sự che chở yêu thương của Đức Mẹ, Vầng Trăng Vĩnh Cửu.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

 

LÀM TÔI CHO CHÚA

Mạnh Thường Quân nuôi hơn 3000 thực khách nên chi phí rất nhiều, bổng lộc không đủ chi dụng, phải dựa vào tiền cho thuê đất đai ở Bích Thành do vua phong, nhưng có một năm không thu được tiền về, mới cử Phùng Hoan đi đòi.  Trước khi đi Phùng Hoan hỏi rằng: “Khi tôi trở về, ông có muốn tôi đem quà gì về không?”  Mạnh Thường Quân ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: “Thì ông cứ xem ở đây thiếu thứ gì thì đem về,” Phùng Hoan đến Bích Thành mới biết năm đó bị thiên tai mất mùa, nông dân thiếu lương thực ăn khổ cực hết chỗ nói.  Phùng Hoan bèn tập họp họ lại, rồi đốt hết mọi giấy tờ vay nợ, khiến mọi người vô cùng cảm động. Phùng Hoan trở về nói lại đúng sự thực. Mạnh Thường Quân nổi giận: “Trước khi đi ông nói sẽ đem quà về, nay ở đâu?”  Phùng Hoan đáp: “Ông đã nói ở đây thiếu gì thì mua về, nhưng tôi thấy ở đây chẳng thiếu gì cả, chỉ thiếu có tình nghĩa mà thôi, nay tôi đã đem tình nghĩa về đây.”  Mạnh Thường Quân nghe vậy khóc cười không được, liền phất tay áo đi ra.

Hai năm sau, Tề Dẫn Vương tin nghe lời bịa đặt của hai nước Tần, Sở, rất lo lắng Mạnh Thường Quân công cao lấn chúa, gây uy hiếp tới vương vị của mình, bèn thu ấn tể tướng của Mạnh Thường Quân.  Các môn khách thấy vậy, đều theo nhau bỏ đi, duy chỉ có Phùng Hoan là còn ở lại.  Mạnh Thường Quân đành trở về cố cư ở Bích Thành.  Dân trong thành nghe tin ông trở về, liền dắt già cõng trẻ ra ngoài 100 dặm để đón.  Mạnh Thường Quân nhìn thấy cảnh tượng này, rơm rớm nước mắt nói với Phùng Hoan: “Tình nghĩa mà ông đã đem cho tôi, nay tôi đã thực sự cảm nhận được rồi”.

Trong Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, Đức Giêsu kể dụ ngôn người quản gia bất lương khôn khéo, biết dùng tiền của gian lận để mưu cầu chốn nương thân.  Sau cùng Người cảnh báo, không ai có thể làm tôi hai chủ được, vừa làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của.

Làm tôi cho bản ngã

Trong cuộc mưu sinh, nhiều khi tiền của bỗng dưng trở thành ông chủ cai quản cuộc đời.  Cho nên thi sĩ Horace từ xa xưa đã cảnh báo không thừa: “Tiền bạc là đầy tớ tốt và là ông chủ xấu.”  zzNếu lệ thuộc vào nó, coi nó là ông chủ, là cứu cánh cuộc đời, kể như đánh mất nhân tính tốt lành, mà trở nên biển lận và tham lam.

Tuy nhiên, xã hội bao đời vẫn không hề phủ nhận sức mạnh, lẫn tầm ảnh hưởng vô song của nó. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền.”  Hay là “Nén bạc đâm toạc tờ giấy.”  Nếu không có sẵn quyền cao chức trọng, mà lắm tiền nhiều của, thì người ta cũng vẫn được nể nang, trọng vọng, cũng có thể ngoi dần lên vị thế cao, lên hàng khanh tướng. “Có tiền mua tiên cũng được” kia mà!

Thực ra, người ta mê tiền bạc, vì nó không chỉ giúp nuôi sống bản thân và gia đình, mà còn có thể củng cố, biến đổi cơ cực, gian lao, vất vả, thành nhàn hạ, sung túc, biến đổi thân phận tầm thường thành người danh giá, biến sự rủi ro, yếu đuối thành may mắn và quyền lực.

Chung quy, người ta làm nô lệ cho tiền của, vật chất, vì chúng phục vụ lại cho chính bản thân. Có nghĩa là con người làm tôi mọi cho chính bản ngã, cho ngay chính mình.  Con người tự tôn thờ mình, chứ chẳng cần đoái hoài, tôn thờ thần thánh nào khác.

Vì thế, Đức Giêsu muốn giải thoát con người khỏi ách nô lệ tiền của, thoát ra khỏi cái tôi vị kỷ, khi khuyên nhủ đem nó phục vụ tha nhân: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí” (Lc 12, 33).  Chính là của để dành cho đời sau.

Làm tôi cho Chúa

Người quản lý bất lương khôn khéo dùng tiền của bất chính mua cho mình sự bảo hiểm an cư sau này.  Còn Phùng Hoan đổi tiền bạc, của cải lấy tình nghĩa cho Mạnh Thường Quân.  Cả hai người đều có thể giúp cho người Kitô hữu, cảnh tỉnh và nhận thức hơn về sự chọn lựa giữa cái bấp bênh, hư nát với cái ổn định, bền bỉ, giữa phù vân và vững chãi, giữa nhất thời và vĩnh cửu.

Thông thường, ai cũng đều mong muốn, ưa chuộng tự do, đều muốn tự mình quyết định mọi việc, mọi tình huống, mọi nơi, mọi lúc.  Nhưng lại cũng rất dễ mù quáng trở nên nô lệ vào vật chất, thói quen, đam mê, nô lệ vào tiện nghi, nô lệ vào quan niệm và dư luận xã hội, nô lệ vào khuynh hướng hưởng lạc, duy vật, hay rõ ràng là nô lệ vào nền văn minh sự chết.

Thoát ra khỏi vòng kiểm tỏa, nô lệ tiền tài, của cải vật chất, cũng là thoát ra khỏi cái vỏ ốc ích kỷ, vô cảm, bất khoan nhượng, bất nhân, bất nghĩa, để có thể yêu thương, tha thứ và phục vụ tha nhân, thì mới có thể làm tôi cho Chúa, theo Chúa và thờ phượng Ngài.

Do vậy, điều kiện tiên quyết theo Chúa, chọn Chúa làm sản nghiệp, là phải từ bỏ mọi sự, vật chất danh lợi, thậm chí bỏ cả chính mình, chấp nhận đau thương, khổ ải, vác thánh giá bổn phận, trách nhiệm, lý tưởng để theo Đức Giêsu.

– Làm tôi cho Chúa có nghĩa thoát khỏi xiềng xích nô lệ vật chất, thế gian, từ bỏ con đường bằng phẳng, dễ dãi, trơn tru, từ bỏ những gì thân xác ham muốn, thích thú, hay thỏa mãn, mà đi theo con đường chông gai, thử thách, nhọc nhằn, đau đớn, bầm dập, tả tơi cả thân xác lẫn tinh thần.

– Làm tôi cho Chúa cũng còn có nghĩa xả kỷ vị tha, quên mình giúp người, sống cho người, sống vì người, tìm thấy Chúa hiện diện trong người khốn cùng, nghèo nàn, bênh hoạn, bơ vơ bị bỏ rơi.

– Làm tôi cho Chúa nhất thiết cần trở nên chứng nhân đích thực của Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh, trở nên đồng dạng, đồng hình và cùng đồng hành với Người trong sứ vụ Đi Gieo Tin Mừng.

“Con đừng lấy làm lạ, lúc theo Chúa, con nghe tiếng gọi của khoái lạc, của danh vọng, của cả bản thân, cha mẹ, quyến rũ con bỏ đường theo Chúa.  Cứ tiến lên, Chúa đã nói trước: “Ai cầm cầy còn ngoảnh mặt lui, không đáng làm môn đệ Ta!” (Đường Hy Vọng, số 71)

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thoát khỏi xiềng xích của cải, tiền bạc, danh lợi, chức quyền, từ bỏ tất cả để theo Chúa.  Xin giải thoát khỏi những đòi hỏi, cám dỗ, đam mê của thân xác, khỏi những quan niệm, thành kiến thế gian. Xin giải phóng con khỏi cái tôi ích kỷ, vị kỷ, để con biết nhìn đến tha nhân, yêu thương và phục vụ những nhu cầu cấp bách của anh chị em.

Lạy Mẹ Maria, xin cải hóa tâm hồn chúng con, xin cứu chúng con  khỏi sa chước cám dỗ, khỏi say mê những thứ phù phiếm, giúp chúng con biết khước từ tất cả những chướng ngại vật, để có thể hiến dâng theo Chúa. Xin cho chúng con được hiệp thông cùng Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, hầu xứng đáng làm tôi tớ Chúa luôn mãi. Amen.

AM Trần Bình An

 

LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

zzThánh Gioan Thánh Giá nói rằng: “Nơi thập giá, Thiên Chúa đã nói hết tất cả những gì cần phải nói với con người.” Vậy thì, thập giá Đức Kitô nói với chúng ta điều gì? Thập giá là chữ T, nói với chúng ta về ba chữ T khác đó là: Tình Yêu, Tội Lỗi và Tha Thứ.

1. Thập giá nói về chữ T thứ nhất, Tình Yêu của Thiên Chúa

Trước hết, thập giá nói với chúng ta về Tình Yêu lớn lao của Thiên Chúa: Thánh Gioan nói rằng: “Quả thế, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 15).

Khi yêu ai thì muốn thuộc về và nên một với người đó. Vì chúng ta nên Đức Kitô bước vào đời, nói như thánh Phaolô là “Người hủy bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người.” Thiên Chúa đảm nhận, cưu mang và chia sẽ mọi nỗi vui buồn, sướng khổ của kiếp người, từ tiếng khóc oa ao chào đời, từ mồ hôi, nước mắt và nụ cười của cuộc sống chúng ta.

Và vì yêu chúng ta nên Đức Kitô bước lên thập giá. Thiên Chúa đau nỗi đau của chúng ta như người mẹ đau nỗi đau của đứa con mình. Nên Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Quả thế, cái chết trên thập giá tột đỉnh của việc Thiên Chúa quay ra đối nghịch với mình, trong đó Ngài trao ban chính mình để nâng con người dậy và cứu rỗi con người. Đây là tình yêu ở dạng thức cao nhất. (x. Thông Điệp Deus caritas est, s. 12), một tình yêu dám hiến mạng vì người mình yêu.

2. Thập giá nói về chữ T thứ hai, đó là tội lỗi chúng ta

Khi người Do Thái phạm tội chống lại Thiên Chúa, họ bị rắn cắn. Thiên Chúa truyền cho ông Môisê hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được lành. Việc treo con rắn là nhắc nhở cho họ nhớ lại tội lỗi mà họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa (bài đọc I).

Cũng thế, Thập giá Đức Kitô nhắc nhở chúng ta ý thức rằng, tất cả chúng ta là tội nhân. Tội lỗi của con người thật lớn lao và nặng nề. Thánh Catarina thành Siena chiêm ngắm thập giá và thốt lên rằng: “Thập giá của Chúa không phải là một sự đùa giỡn.” Tuy không mắc tội tình gì nhưng Ngài đã phải chết trên Thập giá, một cái chết nhục nhã, đau đớn và tức tưởi. Theo như lời Kinh thánh (1Cr 15, 3), Đức Kitô đã chết thay, chết vì tội chúng ta. Mọi tội lỗi người đã gánh trên vai người. Mọi đau khổ người đã hứng chịu thay cho chúng ta!

3. Nhưng thập giá nói với chúng ta về chữ T thứ ba, sự tha thứ

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ và oán thù, thì thập giá của Đức Kitô là biểu tượng của lòng tha thứ và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho chúng ta.

Thập giá không có Đức Kitô trở thành khổ giá, nhưng thập giá có Đức Kitô trở thành thánh giá, là nguồn ơn cứu độ, là công cụ hòa giải giữa Thiên Chúa với loài người và giữa loài người với nhau. Qua thánh giá Đức Kitô chứng tỏ rằng tình yêu chiến thắng tất cả, lòng tha thứ lớn lao hơn sự hận thù và khỏa lấp mọi tội lỗi. Nhờ thánh giá mà chúng ta được tha thứ, được cứu độ và được làm con cái của Thiên Chúa.

Thánh Edit Stein trong đêm tối lao tù của đế quốc xã, suy ngắm thập giá Chúa và thốt lên rằng: “Tôi thấy bình minh của thế giới đang bắt đầu ló dạng qua thập giá Đức Kitô.”

Như vậy, việc suy tôn thánh Giá, chính là suy tôn chính Đức Kitô và suy tôn con đường Chúa đã đi, vì “yêu ai yêu cả đường đi” (ca dao). Nhưng việc suy tôn thánh giá ở trong nhà thờ phải được kéo dài trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Nghĩa là tất cả chúng ta được mời gọi trở thành những nhân chứng tình yêu của Chúa, trở thành chứng nhân của lòng tha thứ, trở thành công cụ cứu độ của Chúa cho những người xung quanh mình, nhất là những người đau khổ, bệnh tật và nghèo đói. Amen!

LM Phêrô Nguyễn Hương
Nguồn: http://www.vietcatholic.net

ĐI ĐẠO…

Cha ông ta đã khéo vận dụng từ ngữ để diễn tả những thực tại tâm linh.  Từ ngữ xem ra bình dân mà nội dung phong phú, sâu sắc.  Khi Tin Mừng được truyền giảng tại quê hương, các ngài đã gọi đó là ĐẠO.  ĐẠO là “tôn giáo”, “đạo giáo” mà cũng là ĐƯỜNG phải đi để đạt ĐẠO.  Như thế, ĐẠO là ĐƯỜNG mã cũng là ĐÍCH, vì người có ĐẠO cần phải sống cho phải ĐẠO, sống theo ĐẠO lý, sống có ĐẠO đức để đạt tới ĐẠO làm người, ĐẠO làm con Chúa.  ĐẠO là ĐÍCH mà cũng là CỘI NGUỒN.  Ai sống tốt lành đạo đức được coi như người ĐẠO gốc, ĐẠO dòng, người sinh ra trong gốc gác, dòng dõi của ĐẠO.  Ai đón nhận Tin Mừng và rửa tội thì được gọi là THEO ĐẠO.  Rồi khi ĐẠO đã thành nếp sống thì gọi là ĐI ĐẠO.  Ai không đi ĐẠO thì được gọi là ĐI LƯƠNG (sống theo LƯƠNG TÂM?)  Người nào sống ngược với đạo đức, lễ giáo, luân thường thì bị coi là “quân VÔ ĐẠO.”  Ai chống đối, phá rối, ngăn cản, làm cho tục hóa đạo giáo thì bị gọi là “quân PHẢN ĐẠO, RỐI ĐẠO, BÁNG ĐẠO…”

Khi suy nghĩ về đời sống Đạo Chúa Kitô tại Việt Nam, có lẽ chúng ta cũng thử bàn qua về ba từ mấu chốt trong một chuỗi từ ghép liên quan đến ĐẠO trên đây: Giữ đạo, sống đạo, truyền đạo.

Giữ Đạo

Đạo đã được truyền vào nước ta khoảng 500 năm trước.  Cha ông chúng ta đã đón nhận Đạo với niềm tin đơn thành, sốt mến.  Liền sau khi theo Đạo, cha ông chúng ta đã tích cực đi Đạo, nghĩa là tin nhận và sống theo đạo lý mới.  Đạo lý mới được cụ thể hóa bằng những điều phải tin và phải giữ.  Vậy theo Đạo, đi Đạo đồng nghĩa với tin Đạo và GIỮ ĐẠO.  Nhưng rồi việc theo Đạo không phải là thuận lợi mà đã gặp những chống đối, bắt bớ, cấm cách, bách hại…  Chân lý của Đạo bị xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ…  Các nhà truyền giáo bị cấm giảng Đạo, các tín hữu bị buộc phải bỏ Đạo, chối Đạo… Lúc này đi Đạo vẫn mang nghĩa là GIỮ ĐẠO, nghĩa là giữ gìn bảo vệ sự tinh tuyền giáo lý của Đạo, giữ gìn lòng hăng say và can đảm truyền Đạo, giữ gìn lòng trung thành với Đạo, dù có phải máu chảy đầu rơi, thây phân trăm mảnh…

Sống Đạo

zzĐạo cần phát triển về chiều sâu, cần thấm nhập vào đời sống, cần trở thành thịt thành máu, thành tim thành óc của mỗi tín hữu, cần bén rễ sâu vào mọi ngóc ngách của môi trường sống… Đi đạo lúc này không chỉ dừng lại ở việc giữ Đạo mà cần phải sống Đạo, làm cho Đạo trở thành cuộc sống, và làm cho cuộc sống chuyên chở Đạo.  Đạo không chỉ là một loạt những điều cần tin, cần giữ, cũng không chỉ đóng khung trong khuôn viên nhà thờ nhà thánh, mà Đạo đi sâu vào mọi góc cạnh, như hơi thở của linh hồn, linh hồn của thể xác…  Tinh thần Đạo được thể hiện không chỉ trong kinh nguyện mà cả trong cuộc sống hàng ngày nơi phố xá, làng mạc, trường học, công sở, chợ búa, đồng nương, nghệ thuật, văn hóa, chính trị…

Truyền Đạo

Đạo là kho tàng, kho báu.  Người đi Đạo như tìm được ngọc quý, bỏ mọi sự để theo Đạo, để có Đạo.  Nhưng Đạo không phải là một kho tàng quý báu để chôn cất giấu giếm.  Đạo cần được chi ra, lan rộng.  Đi Đạo, thấm nhuần Đạo, thì không thể không tìm thấy niềm vui hạnh phúc “có Đạo,” không thể không thấy được trách nhiệm cần phải chia Đạo cho người khác, vì cốt lõi của Đạo là Bác Ái, một tình yêu rộng rãi, sẻ chia, vô điều kiện.  Đạo là Lửa từ trời, càng chia càng cháy, càng loan càng sáng.  Ngọn lửa chia ra, bay xa không tắt đi, yếu đi mà cháy thêm, sáng thêm.  Nếu nó chỉ cháy mình nó, có lẽ nó sẽ vụt tắt một ngày, vì dầu của nó thì hữu hạn, gỗ của nó cũng có chừng.  Đi Đạo là Truyền Đạo, vì không Truyền Đạo là ngược lại với bản tính của có Đạo, đi ngược với ơn gọi lãnh nhận trong Bí Tích Rửa Tội, đi ngược với điều răn Bác Ái Kitô giáo.

Suy nghĩ về cuộc sống Đạo, ta thấy thực ra giữ Đạo, sống Đạo hay truyền Đạo không phải là những khía cạnh tách rời hoặc loại trừ nhau.  Sống Đạo không có nghĩa là bỏ giữ Đạo, truyền Đạo cũng chẳng phải là xao lãng việc giữ Đạo và sống Đạo.  Đó là ba khía cạnh như kiềng ba chân của việc đi Đạo.  Sống Đạo làm cho việc giữ Đạo đi vào chiều sâu, và truyền Đạo làm cho việc sống Đạo lớn lên về chiều rộng.  Càng sống Đạo thì việc giữ Đạo càng sốt sắng, nhiệt thành và càng truyền Đạo thì việc sống Đạo càng khởi sắc, hăng say.  Đi Đạo là giữ Đạo, sống Đạo và truyền Đạo vậy.  Đạo là Đường nên cần phải lên đường, cần phải đi…

Dominic Trần

***********************************************

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con tin bằng trái tim, tuyên xưng bằng miệng, và bày tỏ bằng việc làm, rằng Chúa ngự trong chúng con ngõ hầu nhân loại thấy rõ những việc lành chúng con làm mà tôn vinh chúc tụng Cha chúng con trên trời.  Vì Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Đấng muôn đời vinh hiển.

 

Origênê (Trích Lời Kinh Từ Cuộc Sống – p.110)