MẪU GƯƠNG LAO CÔNG: GIUSE THỢ

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tay làm hàm nhai.”  Tay lao động mới có của ăn, như ca dao nhấn mạnh: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần tới cho.”

Chúng ta có tồn tại được là do sự lao động cần cù, lao động trong tương quan với cuộc sống gắn chặt sâu sắc như được diễn tả: “Lao động là đổ thêm dầu vào cây đèn cuộc sống.”

429Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa lao động sáu ngày trong sáng tạo vũ trụ vạn vật, khi Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người, Thiên Chúa đã muốn tháp nhập lao động vào trong chương trình của Ngài sau khi thiết định vũ trụ: “Thiên Chúa đã đặt họ trong vườn Eđen để họ canh tác và giữ vườn” (St 2, 15).  Con người làm việc hoà hợp với ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời phản ánh hành động của Tạo Hoá: Đặt lao động vào tay con người với quyền chiếm hữu và cai trị trái đất (x. St 1, 28). Trong ý nghĩa đó, Công Đồng Vatican II dạy: “Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện, và khi nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài, họ quy hướng chính bản thân mình cũng như vũ trụ về Ngài.  Như thế khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu” (GS, 34).

Thiên Chúa nói với con người “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có ăn” (St 3, 19).  Kinh thánh nghiêm khắc với người lười biếng không có gì ăn (x.Cn 13, 4) và có nguy cơ chết đói (x. Cn 21, 25), Kinh Thánh chế nhạo kẻ lười biếng: “Kẻ lười biếng lăn trở trên giường khác nào cánh cửa xoay trên bản lề” (Cn 26, 14).  Thánh Phaolô nói trực diện sự sai lầm của những người lười biếng lao động: “Ai không làm việc thì đừng ăn” (2 Th 3, 10).

Con người từ cổ chí kim, luôn coi trọng lao động, bất cứ ở dưới hình thức nào: Lao động chân tay, hay lao động trí óc, giá trị của chúng đều như nhau.  Nếu như lao động chân tay trực tiếp làm ra sản phẩm phục vụ đời sống con người, thì lao động trí óc là nhân tố giúp lao động chân tay có hiệu quả.

Chính vì thế, lao động là thánh thiêng, qua lao động con người được kêu gọi cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa (x. St 1, 26).  Qua lao động chúng ta góp phần cứu rỗi chính mình và thế giới (x. Lc 19, 13).  Ngôi Lời nhập Thể không bao giờ loại trừ lao động ra khỏi cuộc sống “nhập thể” của Người, Ngài lao công trong gia đình thợ mộc tại Nazareth.  Đồng hương của Người đã không lầm lẫn khi gọi Người là “con bác thợ” (Mt 13, 35), “ông thợ mộc” (Mc 6, 3).  Người đã sống cái “nghiệp” ấy trong 30 năm trời tại Nadarét.  Lao động là cách hằng ngày diễn tả tình yêu trong cuộc sống của Gia đình Nazareth.  Nghề thợ mộc của Chúa Giêsu học từ cha nuôi Giuse trong những năm tháng ở nhà Nagiaret.  Sách Tin Mừng nói rõ loại công việc mà thánh Giuse làm để nuôi sống gia đình mình: Người là một thợ mộc.

Giọt mồ hôi đổ trên vầng trán
Đôi tay sần chai bởi đục, cưa
Nhọc nhằn hai buổi sớm, trưa
Chu toàn bổn phận nắng mưa chẳng màng… (*)

Giuse người thợ mộc cần cù lao động, âm thầm thinh lặng và làm việc, đã truyền lại cho con Thiên Chúa nhập thể nghề thợ mộc.  Cả hai cha con thợ mộc Giuse và Giêsu đã đưa lại cho lao động một ý nghĩa cao sâu linh thánh.  Sau này khi rao giảng Tin Mửng, Đức Giêsu dạy cho con người chăm chỉ làm việc, Ngài bắt chước Chúa Cha: “Cha Ta làm việc liên lỉ Ta cũng vậy” (Ga: 17).  Trong các dụ ngôn về nước Trời, Đức Giêsu luôn nói về lao động: Dụ ngôn người Mục tử (x. Ga: 1-16); người nông dân (x. Mc 12, 1-12) người gieo giống (x. Mc 4, 1-9)… Thánh Phaolô làm nghề may lều, và Ngài tự hào về nghề này, vừa có thể làm tông đồ, vừa có thể phục vụ cho vấn đề mưu sinh: “Ngày đêm chúng tôi làm việc vất vả lam lũ, để không phải phiền toái đến ai trong anh em”(2Tx 3,8).

Giuse là người thợ lao công, người thầy và là người cha, dạy dỗ và đưa Chúa Giesu vào nghề mộc, Đức Giáo Hoàng Piô XII kể từ 1955 đã chọn Thánh Giuse làm bổn mạng của giới cần lao và truyền lễ hàng năm vào ngày Quốc tế Lao Động.  Đức Thánh Cha nói tới ý nghĩa của lễ thánh Giuse thợ: “Chắc hẳn chúng ta phải hân hoan vì Người thợ vô danh ở Nazareth chẳng những là hiện thân cho giá trị lao động tay chân trước mặt Chúa và Giáo hội mà còn là vị Giám hộ mẫn tiệp của mọi người và của các gia đình các bạn lao động nữa”.

Tuy là người lao công bình thường giản dị nhưng thánh Giuse lại là Đấng Bảo Trợ đầy thế giá trước Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Piô XII khẳng định về quyền năng của Giuse Đấng bảo trợ cho nhân loại, cách riêng cho giới lao động: “Không có vị Giám hộ nào có đủ khả năng linh nghiệm truyền thông Phúc âm cho đời sống thợ thuyền hơn bằng thánh Giuse thợ.”

Thật thế, chính Ngài là một mẫu gương lao động cho chúng ta sống với công việc mà chúng ta trách nhiệm lao động ở trần thế.  Hơn thế nữa, chính vì thánh nhân là người lao động đã kinh qua trong cuộc sống trần thế, ngài cảm nghiệm được nhu cầu được đỡ nâng của những con người lao công vất vả “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, vì thế Ngài trở nên Đấng bảo trợ giới lao công.

Chúng ta những người lao động, vất vả với cuộc sống mưu sinh hàng ngày:

Lao động là đường…
đưa tới cõi trường sinh
Hy sinh trót cả đời mình
Mẫu gương Thánh Cả trọn tình hiến dâng (*)

Chúng ta xin thánh Giuse nâng đỡ cầu bầu cùng Thiên Chúa tuôn đổ mọi ân thánh, như thánh Têrêsa Avila khẳng định trong Kinh Khấn Thánh Giuse: “Xưa nay không ai kêu cầu cha thánh Giuse mà vô hiệu.  Cha có thần thế trước mặt Đức Chúa Trời đến nỗi người ta có thể nói rằng: “Trên trời, Thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin…”  Cho nên mừng lễ thánh Giuse lao động, chúng ta hãy nhớ lời Đức Thánh Cha Piô XII nhắn nhủ trong ngày lễ thánh Giuse thợ đầu tiên vào ngày 1 tháng năm 1955:

“Nếu các con muốn được gần Chúa Kitô, Cha nhắc nhớ các con hôm nay: Ite ad Joseph – Hãy đến với Giuse” (St 41: 55)

LM Vinh Sơn scj, Sài Gòn 1/5

(*) thơ của Mặc Trầm Cung

ĐỀN THỜ CAO QUÝ NHẤT

Một hôm, đang lúc đùa vui với các thiên thần, Thiên Chúa ra cho họ câu đố vui có thưởng.  Ngài nói: “Ta muốn chơi trò chơi cút bắt với loài người.  Các con nghĩ xem đâu là nơi ẩn trốn tốt nhất mà con người khó tìm ra Ta được?”

Thế là các thiên thần tranh nhau trả lời.  Vị thì nói là Chúa hãy ẩn trốn ở đáy biển khơi, khó tìm lắm! Vị khác lại nói là Chúa hãy ẩn mình trên những đỉnh núi cao, chẳng ai leo tới đó được!  Vị thì nói là Chúa hãy ẩn khuất giữa những lớp mây trời, loài người không ai nghĩ tới…”  Thế nhưng Chúa chỉ cười và cuối cùng, Ngài nói: “Sai bét hết.  Chỗ ẩn nấp tốt nhất Ta có thể chọn để loài người không phát hiện được Ta, đó là ngay trong tâm hồn của họ!”  (phỏng theo Cha Anthony de Mello)

******************************************

Ngày xưa thánh Augustino cũng khắc khoải đi tìm Chúa suốt ba mươi
428năm đầu đời.  Ngài miệt mài tìm Chúa trong văn chương, trong triết lý, trong những học thuyết sai lầm và cả trong những đam mê thế tục… nhưng chẳng gặp được nên cảm thấy khắc khoải buồn sầu.  Mãi đến tuổi ba mươi, ngài mới được ánh sáng chân lý chiếu soi và được đón nhận Chúa.  Bấy giờ ngài cảm thấy an bình hạnh phúc nhưng đồng thời cũng lấy làm hối tiếc vì biết Chúa quá muộn: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng.  Chúa vẫn ở trong con, đang khi con mải lo tìm Chúa bên ngoài”.

Chúa ở trong con, còn con thì đi tìm Chúa bên ngoài!  Thật là trớ trêu và trái khoáy, giống như ta đang để chùm chìa khoá trong túi mà lại lục lọi tìm kiếm khắp nơi.

Cũng như thánh Augustinô xưa, nhiều lần trong cuộc đời, chúng ta lại đi tìm Chúa bên ngoài đang khi Chúa vẫn ở trong chúng ta.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy ta biết có Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chúng ta: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.  Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.  Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23); lại có cả Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ cũng luôn hiện diện trong ta cùng với Chúa Cha và Chúa Con: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại những gì Thầy đã nói với anh em”

Thế là thân xác hèn mọn của chúng ta đã được nâng lên hàng vương cung thánh đường thiêng liêng cao trọng vì đã được Ba Ngôi Thiên Chúa chọn lựa làm nơi cư ngụ của Ngài.

Đây là ngôi đền thờ thật cao cả, thật quý giá, cao vượt hơn hết mọi đền thờ khác trên thế gian.

Đem đền thờ bản thân người Kitô hữu so sánh với các đền thờ nổi tiếng do bàn tay con người xây dựng ngót hai ngàn năm qua, thì những đền thờ vật chất kia triệu lần thua kém.

Đền thờ nầy rất cao cả vì đây là đền thờ sống, được chính Thiên Chúa thiết kế và thi công, được dựng nên theo hình ảnh của Ngài; còn những đền thờ kia chỉ là gạch đá vô tri.

Đền thờ nầy rất cao cả vì được Chúa Giê-su đổ máu ra mà cứu chuộc.  Không đền thờ vật chất nào được diễm phúc như thế.

Đền thờ nầy rất cao cả vì được Chúa Giê-su hiến thánh bằng bí tích rửa tội, được Chúa Thánh Thần xức dầu qua bí tích thêm sức…

Và mai đây, ngôi đền thờ nầy sẽ được đưa lên cõi thiên đàng vinh hiển, trong khi những đền thờ bằng vật chất nguy nga đồ sộ và nổi tiếng trên mặt đất nầy, cho dù được xây bằng đá quý, được nạm bằng vàng ngọc kim cương sẽ tàn lụi với thời gian.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho con biết quý trọng thân xác con là ngôi đền thờ uy linh cao cả có Ba Ngôi Thiên Chúa hằng ngự trị.

Xin cho con biết thanh tẩy đền thờ đáng quý trọng nầy nếu nó bị ra nhơ uế vì tội lỗi và thói hư.

Xin cho con biết tôn tạo, nâng cấp đền thờ nầy bằng các nhân đức và phẩm chất cao đẹp.

Và nhất là xin cho con hằng biết đến gặp gỡ và kết hợp với Chúa đang hiện diện trong ngôi đền thờ là chính bản thân con.  Amen.

LM Ignatio Trần Ngà

VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI ĐỨNG MỘT MÌNH

“Chúa Trời đứng một mình – nhưng quỷ sứ thì trái lại, nó tìm tới hội đoàn, nó nhiều vô kể” Henry David Thoreau

 Đứng một mình không dễ.  Không những nó có thể làm ta không được ưa thích, khi một mình, nhà văn Đan Mạch Dorthe Nors viết, chúng ta phải đối diện với cảm xúc của ta, quá khứ của ta, cuộc đời của ta, những vấp váp, sai lầm của ta, ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé.  Cần lòng dũng cảm để không lẩn tránh chúng.  Đổi lại, điều ta nhận được là một sự vững vàng mà không phải bám víu vào sự tung hô của người khác.  Một mình nhưng không cô đơn.  Triết gia thế kỷ 19 Henry David Thoreau viết: “Tôi không cô đơn hơn một cây mao nhị hay bồ công anh trên một đồng cỏ, hay một lá đậu, hay một cây chua me đất, hay một con mòng, hay một con ong nghệ.  Tôi không cô đơn hơn ngôi sao Bắc Đẩu, hay một ngọn gió nam, hay một cơn mưa tháng Tư, hay băng tan tháng Giêng.”

“Mọi vấn đề của con người xuất phát từ chỗ họ không thể ngồi yên một mình trong phòng” – nhà toán học và triết học Pháp Blaise Pascal đã nói vậy vào giữa thế kỷ 17…

Căn nguyên của các rắc rối, theo ông, là chúng ta luôn tìm cách chạy trốn bản thân.  Không muốn đối diện với chính mình, tâm trí con người luôn lùng sục điều kích thích tiếp theo, như một con khỉ không thể ngừng văng mình tới cành cây trước mặt.  Từ cãi vã với hàng xóm tới xung đột giữa các quốc gia, nhiều điều tệ hại bắt nguồn từ lý do này.

Chạy trốn bản thân

Năm ngoái, câu nói của Pascal được khoa học xác nhận.  Trong một thí nghiệm của Trường đại học Virginia (Mỹ), những người tham gia được yêu cầu ngồi một mình 15 phút trong một căn phòng trống trơn, không có gì cả, ngoài một cái nút.  Nếu bấm nút, họ sẽ bị điện giật.

Lẽ ra khoảng thời gian yên tĩnh này là cơ hội để người ta dừng lại, suy nghĩ, hồi tưởng, mơ màng.  Nhưng với nhiều người, đó là một cực hình, đến nỗi họ tự nguyện bấm nút giật điện bản thân chỉ để có cái gì đó để làm, mặc dù trước khi thí nghiệm bắt đầu, họ đã được thử mức độ điện giật và ai cũng xác nhận là có được trả tiền cũng không muốn bị vậy.

Nếu sống ở đầu thế kỷ 21, chắc hẳn Pascal đã diễn tả khác đi một chút: “Mọi cái tệ hại của con người tới từ chỗ họ không thể rời cái điện thoại thông minh để ngồi yên một mình.”

Chưa bao giờ người ta lại dễ dàng chạy trốn bản thân như bây giờ.  Không cần phải đợi về tới nhà để bật tivi lên nữa, bất cứ lúc nào và ở đâu, chỉ cần một cái gõ lên màn hình điện thoại là người ta sẽ được cuốn ra cái biển âm thanh hỗn độn của mạng xã hội.

Trong các quán cà phê, trên taxi, ở công viên, đâu đâu cũng là những con người toàn thân bất động, trừ một ngón tay cái đẩy lên đẩy xuống, mắt nhìn xuống, mặt vô hồn.  Xác họ ở đó, nhưng hồn họ thì đang xô đẩy trong đám đông nhốn nháo trên mạng.

Túc trực từ sáng tới tối, đám đông này làu bàu, gầm gừ, lê lết từ tường nhà này tới tường nhà kia, từ trang tin này tới diễn đàn nọ, giật status, like, share, còm, kết bạn, theo dõi, block.  Trên mạng, con khỉ tâm trí có vô vàn cành cây để nhảy nhót.

Con người hiện đại không biết phải làm gì với chính mình, và nếu người ta sẵn sàng giật điện bản thân chỉ vì buồn chán thì chúng ta có thể hình dung họ có thể làm những gì với người khác.  Đám đông ưa thích hai trạng thái, một là dạy dỗ, chỉ bảo, ban phát lòng thương; hai là chê bai, giễu cợt, phẫn nộ.

Lúc nào cũng đắc thắng, họ luôn tin rằng mình đúng và thế giới cần phải biết tới các phát ngôn của mình.  Không trực tiếp làm chết người như đánh trộm chó ở ngoài đời, họ truy lùng và dồn các nạn nhân của mình vào chân tường cho tới khi những người này phải tự tử như cô bé bị lộ video clip, hay phải van xin như cậu thanh niên Hào Anh: “Đừng cho tôi thêm gì nữa.  Xin mọi người cho tôi được sống tự nhiên.”

Năm 2012, một nghiên cứu của Đại học Chicago cho thấy cưỡng lại thèm khát truy cập mạng xã hội còn khó khăn hơn khước từ thức ăn và tình dục.  Sức hấp dẫn của mạng xã hội tới từ chỗ nó cho người ta một không gian để trình diễn.  Ai cũng có công chúng.

Câu của Andy Warhol – một họa sĩ Mỹ nổi tiếng về nghệ thuật đại chúng (pop art): “Trong tương lai, mỗi người sẽ nổi tiếng 15 phút” có thể được bổ sung thêm: “Mỗi người sẽ nổi tiếng với 15 người.”  Mỗi cái like, chia sẻ, bình luận tán thưởng là thêm một mơn trớn cho cái tôi của người đăng tin, một lần nữa khẳng định giá trị, trí thông minh, sự hóm hỉnh của họ, dù đó chỉ là bức ảnh chụp bát bún thang buổi trưa.

Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong công cuộc xây dựng hình ảnh cá nhân.  Chúng ta trở nên kỳ quặc mà không hề biết.

Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ôtô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm, lên bàn – chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại.  Trên Facebook, ái kỷ không những được khuyến khích, nó là mục tiêu chính.

Căn bệnh tâm lý mới nhất của xã hội hiện đại là bệnh “sợ bị bỏ lỡ.”  Qua một đêm, sau một cuộc họp, thậm chí khi vừa làm tình xong, điều đầu tiên người ta làm là vồ lấy cái điện thoại.  Biết đâu vừa có chuyện gì mới xảy ra, ta không thể vắng mặt.

Mà những chuyện như vậy thì vô vàn: Học giả thơm hoa hậu, người mẫu ngủ dạng chân, nguyên thủ quốc gia không cài áo vest, các án mạng ly kỳ nối đuôi nhau.

Chiếc điện thoại thông minh đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn.  Nhưng càng kết nối, càng online thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn.

Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã.  Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp.

Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt rứt và ghen tị với cuộc sống của người khác như một kẻ đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi.

Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái newsfeed để hòng tìm được một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.

Bình tâm ở giữa đời thực

425Mê man với nhau trên mạng, chúng ta đang có nguy cơ đánh mất khả năng kết nối với những cái lớn hơn trong cuộc sống, khả năng cảm nhận thế giới.  Thay vì bình tâm ngắm buổi hoàng hôn lộng lẫy, chúng ta điên cuồng tìm những cái lọc khác nhau để chụp mấy chục cái ảnh, rồi bận rộn chọn một cái “đạt” nhất để post lên, băn khoăn nghĩ một lời tựa hấp dẫn.

Thay vì sống trong thế giới thật, người ta bị ám ảnh bởi thế giới ảo.  Không có hình tượng nào thể hiện điều này rõ hơn hình ảnh một bà mẹ trẻ vừa cho con bú vừa lướt web.  Việc post ảnh đứa bé sơ sinh lên mạng trở nên quan trọng hơn việc ngắm nhìn nó bú mẹ và cảm thấy được kết nối với vũ trụ.

Trong tiểu thuyết The Circle, tác giả Dave Eggers vẽ ra một xã hội mà mọi chi tiết, dù nhỏ nhất, của cuộc sống con người đều được chia sẻ trên mạng, và mọi người phấn đấu để trở thành các công dân mạng tích cực nhất.

Họ thức cả đêm để like, bình luận, post, tweet, càng hăng hái thì càng được nhiều điểm, nhiều “bạn”, nhiều lời khen.  Thực tế không quá xa xôi với câu chuyện viễn tưởng này.

Đứng trước bức Mona Lisa ở Bảo tàng Louvre, Paris, tất cả du khách đều nhìn kiệt tác này qua màn hình điện thoại của mình.  Dường như họ chỉ có thể trải nghiệm thế giới thông qua một lớp màng điện tử.  Cái gì không được ghi vào bộ nhớ điện thoại, cái đó không tồn tại.

Người ta đánh đổi mọi riêng tư thầm kín để chạy theo một quá trình tự trình diễn vô tận, không có thời điểm hạ màn, với mục tiêu tạo tối đa sự chú ý của người khác.

Sự chú ý là ôxy, và mỗi cái post là một cố gắng để người ta ngoi lên mặt nước chốc lát, để rồi lại bị làn sóng mới của newsfeed tràn qua nhấn chìm.  Mỗi lần ngoi lên là một lần chống lại cảm giác bị bỏ rơi, bị nằm ngoài cuộc.

Ý nghĩa và sự thành công của một ngày nghỉ, của một chuyến đi, rộng hơn là của cả cuộc đời, được đo bởi số lượng like.

Đã tới lúc chúng ta cần tách ra khỏi đám đông, khước từ chuyên chế của nó.  Người ta chỉ có thể lắng nghe tiếng nói bên trong mình nếu bỏ được ra ngoài sự ồn ào xung quanh.

Chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm.  Triết gia Soren Kierkegaard coi đám đông là tập hợp những người lẩn tránh sự nhọc nhằn của quá trình phát triển bản thân.  Ma lực của đám đông đã được nhắc tới từ rất sớm.

“Không đi theo đám đông để làm điều xấu” là một câu trong Kinh Thánh.  Không chỉ đơn giản là “không làm điều xấu”, mà cụ thể là “không đi theo đám đông để làm điều xấu.”  Trong một loạt thí nghiệm nổi tiếng của Solomon Asch cách đây 60 năm, người tham gia thí nghiệm ngồi cùng với một số người khác (thực chất là những người đồng mưu với Asch).  Mọi người trong nhóm được yêu cầu so sánh độ dài của một số đường thẳng – một bài tập cho trẻ con.

Tuy nhiên, nếu những người đồng mưu nhất loạt cùng chọn một câu trả lời rõ ràng là sai thì tới 30% trường hợp người tham gia thí nghiệm sẽ từ bỏ đánh giá cá nhân của mình để vào hùa với đám đông.

Trạng thái một mình là cần thiết để phát triển bản sắc và nuôi dưỡng sự sáng tạo.

Ralph Waldo Emerson, nhà thơ lớn của Mỹ thế kỷ 19, viết: “Người gây cảm hứng và dẫn đường cần tách khỏi những người khác, để không phải sống, thở, đọc và viết hằng ngày dưới gông cùm của những ý kiến của họ.”

Một mình không có nghĩa là phải tách khỏi người khác một cách vật lý.  Một mình là một quan điểm sống, một trạng thái tinh thần độc lập, nó không được đo bởi khoảng cách vật lý giữa một cá nhân và những người xung quanh.

Các ẩn sĩ hiện đại không cần thiết phải lên núi.  Họ vẫn ở trong xã hội, yên lặng, quan sát và tìm hiểu thế giới.  Họ tự do trước các con sóng của đám đông để có thể quan tâm tới cộng đồng một cách sâu sắc hơn, đóng góp cho cộng đồng một cách hiểu biết hơn.  Vẻ đẹp của người đứng một mình là vẻ đẹp tự tại, với một niềm vui tự thân.  Một niềm vui mà như nhà tu hành David Steindl-Rast diễn tả, không phụ thuộc vào những điều đang xảy ra.

Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần

 

KHÔNG

Không!  Không!  Tôi không còn yêu em nữa.
Không!  Không!  Tôi không còn yêu em nữa.
Không!  Không!  Tôi không còn yêu em nữa em ơi.

Tình đời thay trắng đổi đen.  Tình đời còn lắm bon chen.
Tình đời còn lắm đam mê.  Nên tình còn lắm ê chề.

Tình mình có nghĩa gì đâu.  Tình mình đã lắm thương đau.
Tình mình gian dối cho nhau.  Thôi đành hẹn lại kiếp sau.

Không!  Không!  Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa.
Không!  Không!  Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa.
Không!  Không!  Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa em ơi…..

Nguyễn Ánh 9

****************************************

Có lẽ không người Việt nào sống ở Sài gòn vào những năm 1969-1970 mà không biết đến nhạc phẩm “Không” của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.  Bản nhạc ra đời như một câu trả lời cho thắc mắc của Khánh Ly: “Ông có còn thương người ấy?”  Người ấy là mối tình đầu khi nhạc sĩ mới 18 tuổi.  Hai người tình thơ trẻ bị cuốn vào niềm đam mê choáng váng và mãnh liệt.  Nhưng dường như là số phận, những mối tình quá đẹp, thường khó vẹn toàn.  Gia đình cô gái không đồng ý cho con mình yêu anh nhạc sĩ nghèo, sống lang bạt kỳ hồ.  Ngăn không được lòng đôi trẻ, cha mẹ cô dùng kế ly gián, gây nghi ngờ hờn giận cho hai người, rồi đưa cô gái sang Pháp sống, hòng ngăn cản mối tình “rồ dại” với chàng nhạc sĩ.

Năm 1965, người nhạc sĩ lập gia đình và tin tưởng những giông bão của mối tình đầu sẽ ngủ yên.  Nhưng thực tế, trái tim ông đã không còn cảm giác sau mối tình đầu, bởi tình yêu đã vĩnh viễn câm lặng.  Năm 1974, ông gặp lại người tình xưa khi cô về Sài Gòn, cô vẫn một mình, vẫn yêu ông và chẳng oán trách gì.  Đã lỡ làng, có xót xa thì cũng đành sống cho hết bi kịch một kiếp người.  Họ lại xa nhau, lần này là mãi mãi, để vùi chôn những dấu yêu xưa cũ vào đáy lòng mình, nhức buốt, cho tới hơi thở cuối cùng.

Ca khúc “Không” được Khánh Ly thu lần đầu trên đĩa nhựa Tình ca quê hương và cũng chính nhạc phẩm “Không” đã đưa Elvis Phương “lên sao” ở thập kỷ 70, sau đó nổi tiếng đến mức công chúng gọi Nguyễn Ánh 9 là ông “Không”.

****************************************

Ở hải ngoại, tôi thường được nghe bài“Không” đã được hòa âm (remix) lại sau này với điệu nhạc Disco giật gân, nhanh vui và dồn dập.  Trong đĩa video ca nhạc Asia, ca sĩ Mai Lệ Huyền đã lột tả tận chân chữ “không” của bài nhạc với khuôn mặt lạnh lùng, một cái ngoắt đầu qủa quyết, cái khoát tay mạnh mẽ, đôi môi mím chặt, thêm với ánh mắt hờn căm của kẻ bị tình phụ.  Tất cả được phụ họa thêm bằng những pha ánh sáng trắng đen chớp tắt liên hồi, tiếng trống chát chúa từng nhịp một.  “Không”, dứt khoát là không!  Không còn yêu thương, luyến tiếc!  Cũng chẳng tiếc thương chi mối tình đã lắm thương đau.  Dù chẳng biết ai gian dối với ai?  Dù chẳng hiểu mối tình đang đẹp sao trở thành “có nghĩa gì đâu?”  Ai là kẻ bon chen và gây ra lắm ê chề?  Chẳng hiểu vì sao, người nghe chỉ cảm nhận được một âm điệu “không” dứt khoát và rõ ràng.  Một tiếng “không” chát chúa chói tai!  Một tiếng “không” lạnh lùng bẽ bàng!  Không là không!  Trăm lần không, ngàn lần không!  Đừng hy vọng đợi chờ!  Đừng năn nỉ luyến lưu….  Nếu có chăng, chỉ là kiếp sau!  Nghe tiếng “không” mạnh mẽ quyết liệt này, thì dù chưa muốn chia tay, dù còn vấn vương, người yêu cũng đành phải ngậm ngùi ra đi…

Trong một dịp tình cờ tôi được đọc một bài phỏng vấn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về tác phẩm “Không” bất hủ này.  Thật ngạc nhiên khi khám phá ra cả một tâm tư thầm kín của tác giả gởi gắm trong hồn thơ nốt nhạc.  Đó không phải là một chữ “không” dứt khoát quyết liệt, bẽ bàng như người ta thường được nghe và hiểu sau này.  Bản nhạc nguyên thủy được soạn với điệu Slow Rock lả lướt, tình tứ du dương, tiếng nhạc réo rắt nhẹ nhàng diễn tả một chữ “không” đầy ẩn ý mời gọi.  Hiểu chữ “không” này như thế nào, điều đó tùy thuộc vào độ rung cảm của tâm hồn và nhịp đập của con tim.  Tim tôi và tim em, hai kẻ trong cuộc đã từng một thời yêu thương!  Với tác giả, đó là một chữ “không” giận lẫy, đầy trách móc nhưng không dứt khoát.  Một chữ “không” để hở!  Nói “không” nhưng không phải là “không!”  “Không” đó nhưng đầy hàm ý chờ đợi, đẩy em đi nhưng lại muốn kéo em về.  Mấy nốt cuối cùng của điệp khúc “tôi không còn yêu em nữa, em ơi…..” được kéo dài ra, luyến láy nói lên cái tâm tình xao xuyến chờ đợi, như dằng co, như muốn kéo áo người đừng đi.  Nếu tình đã gian dối, lắm thương đau, nhiều ê chề thì hẹn chi đến kiếp sau?  Mâu thuẫn!  Gian dối một kiếp, một đời chưa đủ hay sao?  Lúc giận nói thế, nhưng không phải thế!  Bởi còn yêu mới giận.  Nói “không” để lòng bớt đau, nói giận để lòng bớt thương, nói hận để lòng bớt nhớ!  Phủ định để tự khẳng định!  Người yêu có hiểu lòng kẻ nói “không”?  Người đi có hiểu lòng kẻ ở?  Nghĩa chữ “không” vời vợi đầy đau khổ, tuyệt vọng nhưng vẫn chờ đợi, oán trách nhưng vẫn yêu đậm sâu.  Ai kia nếu có hiểu mới gọi là yêu!

Chữ “không” bí ẩn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong ca khúc “Không” đã được thế hệ sau hòa âm lại, hiểu theo nghĩa trắng đen của thời đại, nhưng lại lệch lạc với tâm tình của tác giả gởi gắm trong đó.  Cả một con tim sôi sục yêu thương được diễn tả bằng giọng hờn giận nhẹ nhàng của điệu nhạc Slow Rock tình tứ, trách đó nhưng yêu đó, giận đấy nhưng vẫn đợi đây đã được chuyển sang nhịp giật gân, dồn dập như hối thúc người ta đi cho lẹ, như muốn thanh toán mối tình cho xong để còn tính chuyện khác.  Cả một trời ẩn ý được che dấu dưới chữ “không” ai oán não nùng, nào có ai thấu hiểu nỗi lòng của kẻ nói chữ “không” nếu không được nghe chính tác giả tâm sự?

****************************************

Chữ “không” huyền bí nhiều ý làm tôi liên tưởng đến chữ “không” của Thiên Chúa.  Thưở ban sơ, Ngài đã nói “không”, con người sẽ phải chết và đuổi ra khỏi vườn địa đàng sau khi loài người phạm tội bất tuân.  Nhưng sau đó, Con Một của Thiên Chúa lại chết để con người được sống.  Quả là một chữ “không” mâu thuẫn!  Một cái chết ô nhục khổ đau trên thập tự đồi Golgotha năm xưa của Chiên Thiên Chúa đã nói lên bao điều.  Không những thế, Người Con Một đó đã đến thế gian truyền rao một thông điệp về tình yêu thâm sâu vô biên của Thiên Chúa Cha.  Rằng Thiên Chúa đã yêu thương loài người đến nỗi đã ban Người Con Duy Nhất cho thế gian.  Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã dám thí mạng sống mình vì bằng hữu.  Ôi, một chữ “yêu” nhiệm mầu!  Một Thiên Chúa quyền năng sáng tạo muôn loài muôn vật từ hư không, nhưng lại bó tay “không” thể cứu chuộc con người nếu “không” có sự hợp tác của con người.  Một chữ “không” khó hiểu!

Thật không dễ dàng để đối diện với chữ “không” phũ phàng của Đấng mà mình đã đặt trọn tin yêu!  Đã bao lần, Thiên Chúa nói “không” với tôi trong cuộc sống này, mỗi khi tôi xin nhưng không được, tìm nhưng không thấy, gõ cửa nhưng không được mở.  Tôi phải hiểu nghĩa chữ “không” này như thế nào đây?  Xin thành công chỉ gặp toàn thất bại, xin Chúa chữa lành bịnh tật thì thấy bịnh nặng thêm, xin hạnh phúc lại gặp toàn khổ đau.  Xin cho đường đời êm ả bên những đứa con ngoan hiền thì gia đình tan tác, con cái vô đạo nghĩa.  Tại sao và tại sao?  Ngay cả khi tôi xin những điều tốt lành cho phần hồn mình và của những người thân thương, Thiên Chúa vẫn nói: “Không, chưa phải lúc!”

Thật không dễ dàng để thông hiểu chữ “không” đầy cay đắng của Thượng Đế quyền uy.  Tôi cần phải nhìn lên thập giá Chúa Giêsu, ngước mặt lên trời cao để nhìn thẳng vào ánh mắt của Đấng đã nói “không”, để hiểu tâm tình của Ngài đằng sau chữ “không” đáng ghét kia.  Thiên Chúa cũng đã từng nói “không” với Người Con duy nhất của Ngài trong vườn Cây Dầu.  Ngài đã “không” cất chén đắng cho Giêsu nhưng Ngài ban thêm sức mạnh và nguồn an ủi thiêng liêng cho Giêsu.

Trong phút giây đối đầu với sự chết, Chúa Giêsu cũng đã từng có tâm tình bị bỏ rơi bởi Người Cha yêu dấu, nhưng Ngài đã không bỏ cuộc và sau cùng Ngài đã chiến thắng.  Trong men cay chua chát của thất bại, lạ thay tôi nhận ra đức khiêm nhường trổ sinh hoa trái.  Trong thể xác ốm yếu bịnh hoạn, tôi thấy linh hồn mình tỉnh thức sống gần Chúa hơn.  Dãy dụa trong bể khổ, tôi thấy mình chán ghét thế gian hào nhoáng, lòng hướng về một hạnh phúc viên miễn hơn.  Đi trên đường đời gập ghềnh sóng gió, người mang đầy thương tích, tôi thấy mình bám chặt vào Chúa hơn và ngỡ ngàng nhận ra đức tin cậy mến của mình sáng rực như bó đuốc trong đêm đen.  Phải chăng qua chén đắng của chữ “không”, Thiên Chúa đang dạy dỗ tôi nhiều điều.  Ngài giúp tôi lớn hơn trong đời sống thiêng liêng và mở mắt tâm hồn tôi để nhìn thấy được những điều cao cả thuộc về thượng giới hơn?

Có lẽ khi chữ “yêu” kết hợp với chữ “không” sẽ giúp người trong cuộc hiểu rõ nghĩa từ thâm sâu huyền nhiệm của chữ “không” hơn.  Tùy theo mức độ “yêu” để hiểu nghĩa chữ “không”.  “Không” đi một mình thì thuần túy chỉ là “không” đúng nghĩa trắng đen, chẳng cần phải“yêu” cũng có thể hiểu.  Nhưng “không” đi với hơi thở của con tim, với ánh mắt tha thiết yêu thương, với độ rung cảm của linh hồn, chữ “không” chắc hẳn không còn là “không” nữa.  Người trong cuộc sẽ hiểu tại sao Thiên Chúa lại nói “không” với mình, khi Thiên Chúa đã dám cho đi cái qúy nhất của Ngài.  Chắc hẳn phải có lý do ẩn khuất đằng sau chữ “không” đắng chát kia.  Nghĩa chữ “không” vời vợi khó hiểu!  Có lẽ cần phải “yêu” nhiều hơn nữa mới có thể hiểu được chữ “không” của Thiên Chúa Tình Yêu.

Phêrô và Giuđa, cả hai cùng theo Thầy ròng rã ba năm trời, trực tiếp nghe những lời giáo huấn từ miệng Thầy, hiểu rõ tấm lòng yêu thương vị tha của trái tim Thầy.  Đến giây phút thử thách, cả hai cùng phản bội tình yêu của người Thầy yêu dấu.  Một người bán Thày cho các tư tế, còn một thì leo lẻo chối Thày giữa đám đông.  Với tình yêu, sự phản bội nào cũng xấu xa như nhau.  Cuối con đường, cả hai đã hoà âm lại chữ “không” theo hai nghĩa khác nhau.  Giuđa hiểu rằng Thầy đã nói “không” với mình.  Thế là hết, là xong mối tình thầy trò ba năm!  Không còn con đường nào khác cho kẻ phản bội, và ông đã tự mình đi đến ngõ cụt của chữ “không” lối thoát đó bằng cách tự tìm đến cái chết oan nghiệt.  Phêrô thì can đảm hơn để nhìn lên ánh mắt của Thầy và đọc được một sứ điệp trái ngược.  “Không, cho dù con xấu xa phản bội, Thầy vẫn yêu thương con.  Không, đừng bỏ đi, con ơi!  Cho dù con vấp ngã chối Thầy nhưng Tình Yêu chấp nhận cái tốt lẫn cái xấu.  Không, con phải đứng lên bằng chính đôi chân của mình!  Cho dù con phản bội nhưng Thầy vẫn thứ tha và chờ đợi…  Không, con không được bỏ cuộc!  Thầy và anh em vẫn cần con và mong con quay về….”  Thế là Phêrô cất bước trở lại với anh em, với sứ mạng Thầy đã giao phó và cuối cùng đã chết vì người Thầy mình đã một thời chối bỏ.  Phải chăng vì Phêrô yêu Thầy hơn Giuđa yêu Thầy, nên ông hiểu nghĩa chữ “không” đúng với tâm tình của Thầy hơn?

Hai cách hiểu chữ “không” khác nhau dẫn đến hai kết cục khác nhau.  Dù hai cách hiểu hay nghìn cách hiểu, ý tưởng của tác giả cũng chỉ có một.  Thiên Chúa là Đấng trung thành với lời hứa, với những gì Ngài đã nói.  Ngài hằng mong muốn nhân loại nhìn lên cái chết ô nhục đau thương của Người Con Một trên thập giá, để hiểu cho đúng ý nghĩa yêu thương của trời cao, để mỗi khi gặp phải chữ “không” lạnh lùng trong cuộc sống thì đừng vội tuyệt vọng chán nản, đừng vội bỏ cuộc và đừng bao giờ diễn dịch chữ “không” cao siêu nhiệm mầu của Thiên Chúa theo ý phàm tục riêng mình.  Tác giả Nguyễn Ánh 9 trong bài phỏng vấn đã kêu gọi ca sĩ khi trình bày nhạc phẩm “Không”, hãy tôn trọng tâm tình của người viết nhạc và linh hồn bài hát.  Ca sĩ là người dùng nghệ thuật âm nhạc, giọng hát, cách diễn đạt để lột tả cho trọn vẹn ý tưởng của tác giả gởi gắm trong ca khúc đó chứ không phải phiên dịch lại theo ý mình.  Cùng là một thân phận nghệ sĩ, chắc hẳn Thiên Chúa cũng có một tâm tình như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.  Mong sao thế nhân hiểu cho đúng, diễn tả cho trọn cái tâm tình của Thiên Chúa gởi gắm trong những tác phẩm nghệ thuật của Ngài, mà đỉnh cao của những tác phẩm nghệ thuật đó chính là cây thánh giá cheo leo trên đồi Golgotha năm xưa và Lời Yêu Thương được gói ghém trong cuốn Thánh Kinh.

Qua tình khúc “Không” của điệu Slow Rock, người nghe cảm nhận được nỗi đau, vị chát, men cay, sự thất bại ê chề của người nói chữ “không,” hơn là kẻ được nghe chữ “không.”  Mâu thuẫn thay, tôi lại cảm nhận được nỗi tuyệt vọng cay đắng của người nghe chữ “không,” nhưng chưa bao giờ tôi thử tìm hiểu xem cõi lòng của Thiên Chúa ra sao khi Ngài phải nói chữ “không” với tôi!  Đến bao giờ tôi mới hiểu được tâm sự của người nói chữ “không?”  Chẳng biết tôi có thể hiểu được hay không, khi tôi cứ mãi gục xuống trong cơn đau của mình?

****************************************

422Lạy Thiên Chúa là Đấng thấu hiểu mọi sự, con viết bài này cho vơi bớt cơn đau,  cho quên nỗi ưu phiền vì Chúa cũng đang nói “không” với con trong lúc này đây.  Linh hồn con đang bên bờ tuyệt vọng vì không hiểu sao Chúa cứ mãi nói “không!”  Con không muốn xin gì thêm nữa vì đã quá mỏi mệt, vì dư âm đắng ngắt của chữ “không” vẫn còn đọng nơi đầu môi.  Con chỉ xin một điều duy nhất là cho con biết luôn cậy trông và phó thác vào tình yêu thẳm sâu nhiệm mầu của Chúa.  Gọi là nhiệm mầu vì đôi lúc con không hiểu được tình yêu đó.  Phần còn lại, Chúa muốn cho gì thì cho, vì Chúa đã trao ban Người Con duy nhất của Ngài cho con rồi thì chắc Chúa chẳng tiếc gì những thứ khác nữa.  Amen!

Lang Thang Chiều Tím

 

 

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI

Thiên Chúa là Đấng luôn mới, Ngài luôn có những chương trình và sáng kiến tuyệt vời để can thiệp và cứu độ con người trong những tình huống khác nhau.  Ngài vẫn tiếp tục làm mới tất cả và đặc biệt con người.  “Này đây Ta làm mới tất cả”

“Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu tuổi, vẫn là núi non!”

Một đồ vật, cũ theo thời gian.  Một cái máy, không làm cái gì “mới” vì người ta biết cái gì sẽ xảy ra.  Làm một cách “máy móc”, nghĩa là người ta có thể biết những hành động tiếp sau.

Con vật không có tự do, thế nên người ta có thể kiểm soát và chi phối chúng, bắt chúng làm theo ý người ta; chẳng hạn những con vật được dùng để làm xiếc.  Khi một người nô lệ tiền bạc, người khác có thể dùng tiền bạc để chi phối hay điều khiển họ.  Một người ham sắc, có thể bị điều khiển bởi người nữ.  Chuyện Bao Tự – Kỷ vương là một thí dụ.  Những người như vậy, tuy tự do mà chẳng tự do.  Ai mà không thể cưỡng lại điều gì, e rằng người đó không còn tự do nữa.

Con người luôn luôn mới vì con người luôn tự do.  Con người, có thể thay đổi.  Đổi thành tuyệt hơn hoặc tệ hơn.  Tốt hơn và tuyệt hơn, không phải là chuyện “đã qua”, nhưng luôn là chuyện “hiện tại.”  Vấn đề không là “quá khứ tôi tốt,” nhưng chính yếu là “lúc này tôi có tốt không?”  Vấn đề không là “hôm qua nó xấu,” nhưng chính yếu là “bây giờ người đó thế nào?”  Con người, luôn luôn có thể mới.  Không ai biết được!  Những lần trước, họ như vậy, nhưng không có nghĩa họ như vậy lần này.  999 lần trước, họ như vậy, nhưng lần này, có thể họ khác.  Con người có thể mới, con người luôn luôn có thể mới.

Con người có tự do, không ai bắt họ “đổi” được.  Cha mẹ, anh em, những người thân, muốn điều tốt cho họ, thế nhưng tất cả đều bất lực.  “May ra Thiên Chúa có thể làm gì được chăng!”  Thiên Chúa có thể làm được, nhưng Ngài lại cho con người “tự do,” nên dường như Ngài cũng “bất lực!”

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể biến đổi con người mà con người vẫn tự do.  Thiên Chúa có thể làm điều đó, vì Ngài yêu con người vô cùng.  Ngài có cách làm con người biến đổi.  Dường như chỉ Thiên Chúa mới có thể làm con người biến đổi, vì “dường như” chỉ Thiên Chúa mới yêu thương “ai đó” vô cùng!  Tình yêu có sức biến đổi con người mà con người vẫn tự do.

Thiên Chúa vẫn đang làm mới tất cả, qua Đức Giêsu chết và phục sinh.

421Yêu nhau như Thầy yêu anh em

“Thầy để lại cho anh em một giới răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau.  Như Thầy yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau. Cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau.”

Luật Cựu Ước dạy: “yêu thương tha nhân như chính mình” (Lv.19, 18).  Chúa Giêsu dạy: “Yêu thương tha nhân như chính Chúa yêu thương chúng ta.”  Chúa đã yêu thương chúng ta đến độ Ngài sẵn sàng chết để chúng ta được sống, và Ngài mời gọi mỗi người hãy yêu thương người khác như Ngài yêu họ.

Yêu thương người khác như chính mình, đã là một điều khó; phương chi bây giờ Ngài mời gọi yêu thương đến hiến mạng sống cho tha nhân.  Ai dám nói yêu thương là điều dễ?  Yêu, phải hy sinh quên mình, và làm tất cả những gì là tốt lành cho người mình yêu.

Dấu chỉ để nhận ra một người là môn đệ Chúa, không là “được rửa tội,” không là “có đi lễ Chúa Nhật,” cũng không là “mặc áo dòng,” mà là “yêu thương nhau!”  Không yêu thương nhau mà nhận mình là người theo Chúa, là phản chứng.  Không yêu thương mà nói mình biết Thiên Chúa, là nói dối; vì “ai yêu thương thì biết Thiên Chúa; ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga.4, 7-8).  Cái biết ở đây, không là biết nói “như con vẹt,” nhưng là biết bằng hành động, bằng con tim, bằng cảm nhận.

Thiên Chúa đang làm mới tất cả qua những trung gian

Thánh Thần Thiên Chúa đã dùng các Kitô hữu sai gởi Phao-lô và Barnaba đi rao giảng Tin Mừng.  Thiên Chúa đã dùng Phao-lô và Barnaba để rao giảng và củng cố đức tin của các tín hữu.

Thiên Chúa vẫn đang dùng những con người hôm nay, những Ki-tô hữu, để làm con người đương thời tin vào Tin Mừng, tin vào Thiên Chúa, tin vào con người.  Thiên Chúa đang làm mới tương quan giữa con người và Thiên Chúa qua các chứng nhân rao giảng Tin Mừng, qua thừa tác viên bí tích hoà giải.  Thiên Chúa đang làm mới tương quan giữa người với người qua việc làm con người tin vào nhau, khi Thiên Chúa làm cho con người biến đổi, khi Thiên Chúa làm cho con người tin vào Thiên Chúa để có thể tin vào nhau.

Thiên Chúa vẫn đang làm mới con người, trái đất này, vũ trụ này qua những trung gian và phương tiện khác nhau.  Khi tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Kitô, chúng ta trở thành con người mới, tạo vật mới.

Tạ ơn Chúa, và cám ơn tất cả mọi người – những trung gian của Chúa cho tôi.

LM Jos. Phạm Thanh Liêm

 

*************************************

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày đón nhận những người khác là điều vượt quá sức con,
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày con không thể nào kính trọng kẻ khác được,
vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
có những ngày mà yêu mến người khác làm cho tim con đau nhói,
vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau và những giới hạn của bản thân con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
trong những ngày khó khăn đó,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng tất cả chúng con đều là con cái Chúa
và đừng để con quên lời Chúa nói :

“Ðiều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta.”

(Trích trong PRIER)

 

ĐỂ LINH HỒN BẮT KỊP MÌNH

Đôi khi, không có gì hữu ích cho bằng một ẩn dụ tốt.

Trong quyển sách Bản năng Thiên Chúa (The God Instinct) của mình, Tom Stella đã chia sẻ câu chuyện này: Một ngày nọ, vài phu khuân vác được thuê vận chuyển một khối lượng lớn hàng tiếp tế cho một nhóm thợ săn.  Các gói hàng này nặng bất thường và đường mòn qua rừng già lại rất khó đi.  Sau vài ngày đi đường, họ dừng lại, dỡ hàng xuống và không chịu đi nữa.  Không một lời nài nỉ, đe dọa nào có thể thuyết phục họ tiếp tục hành trình.  Khi được hỏi vì sao không thể đi tiếp, họ trả lời:

419

“Chúng tôi không thể đi tiếp, chúng tôi phải chờ cho linh hồn mình bắt kịp đã.”

Chuyện này cũng có xảy ra trong cuộc sống chúng ta, ngoại trừ việc hầu như không bao giờ chúng ta chờ đợi cho linh hồn bắt kịp mình.  Chúng ta cứ tiếp tục mà không có linh hồn, có khi là suốt nhiều năm ròng.  Vậy nghĩa là gì?  Gần như là chúng ta nỗ lực để ở trong thời khắc hiện tại, để thoải mái với chính mình, để ý thức được sự phong phú trong cảm nghiệm của bản thân.  Gần như là các cảm nghiệm của chúng ta không thuộc phần hồn cho lắm, bởi chính chúng ta không hiện diện với nó.  Ví dụ như:

Trong 20 năm vừa qua, tôi viết hằng ngày, kiểu như nhật ký vậy.  Ý tôi là muốn giữ thói quen này để ghi lại những sự thâm sâu mà tôi nhận thức ngày qua ngày, nhưng cuối cùng, những gì tôi thực sự viết ra lại giống như một biên niên sử đơn giản của ngày sống, một quyển đơn thuần kể lại những gì tôi đã làm hết giờ này đến giờ khác mà thôi.  Nhật ký của tôi chẳng giống gì với nhật ký Anne Frank, quyển Marking của Dag Hammarskjold, quyển Một cuộc đời rối loạn của Etty Hillesum, hay Nhật ký Genesee của Henri Nouwen.  Bút ký của tôi giống với những gì mà một cậu bé trung học viết ra mô tả một ngày ở trường hơn.  Nhưng khi lật giở và đọc lại một bài, tôi luôn luôn kinh ngạc thấy ngày sống hôm đó thật phong phú và trọn vẹn, ngoại trừ một việc là lúc viết ra nó tôi đã không nhận ra điều này.  Trong khi đã thực sự sống qua những ngày như thế, vậy mà hiện nay tôi vẫn vất vả cố gắng để hoàn thành công việc, để được lành mạnh, để theo kịp các kỳ vọng, để có được những thời khắc thân ái và sáng tạo giữa các áp lực thường nhật, và để đi ngủ cho đúng giờ giấc.  Trong phong cách này, không có nhiều phần hồn cho bằng một đống lịch trình, công việc và vội vã.

Tôi ngờ rằng điều này không phải là không điển hình chung.  Tôi ngờ rằng hầu hết chúng ta, sống hầu hết ngày sống mà không nhận ra cuộc sống của mình phong phú biết bao, và như thế cứ luôn mãi để cho linh hồn bị tụt lại phía sau.  Ví dụ như, nhiều phụ nữ mất 10 hay 15 năm cho việc nuôi dạy con cái, luôn mãi chăm lo cho nhu cầu của một người khác, nửa đêm thức giấc để lo cho đứa con, 24 tiếng một ngày luôn trong tình trạng túc trực, hy sinh hết thời gian vui thú của mình và tạm gác sự nghiệp cùng sáng tạo của mình qua một bên.  Và cũng rất thường là người phụ nữ đó, khi nhìn lại những năm tháng này và mong mỏi có thể lấy lại.  Nhưng khi nhìn theo một cách xúc cảm phần hồn hơn, người đó nhận thức rõ rệt rằng thật tuyệt vời và đặc ân khi được làm những gì mình từng làm với sự chán chường và bức xúc.  Nhiều năm về sau, nhìn lại, cô sẽ thấy cảm nghiệm này của cô thật phong phú và quý báu, và cũng sẽ thấy thời đó cô đã để quá ít phần hồn vào những gì mình đã thực sự trải qua.

Điều này có thể có hàng ngàn ví dụ.  Chúng ta tất cả đều từng đọc đâu đó những chia sẻ về việc mình sẽ sống khác đi nếu được sống lần nữa.  Hầu hết câu chuyện như thế để có cùng một môtíp chung.  Nếu có cơ hội khác, tôi sẽ cố gắng tận hưởng cuộc đời hơn, nghĩa là tôi sẽ cố gắng để hồn hơn và ý thức hơn vào chuyện đó.

Tôi e là với hầu hết chúng ta, linh hồn sẽ chỉ bắt kịp chúng ta khi tuổi già, khi sức khỏe sinh lực và cơ hội làm việc dần tan biến.  Có vẻ như trước hết chúng ta cần phải mất đi điều gì đó trước khi trân trọng nó cho trọn vẹn.  Chúng ta có khuynh hướng xem sức khỏe, sinh lực và công việc là chuyện mặc định, cho đến khi chúng xa rời chúng ta.  Chỉ sau khi đó, chúng ta mới nhận ra cuộc sống của mình thật phong phú biết bao, và nhận ra rằng thời đó, chúng ta đã kín múc sự phong phú đó ít ỏi dường bao.

Linh hồn của chúng ta cuối cùng cũng bắt kịp chúng ta, nhưng sẽ thật tốt nếu chúng ta không để cho đến khi vào viện dưỡng lão mới có được điều này.  Cũng như các phu khuân vác đã để các thùng hàng xuống và dừng bước, thì chúng ta cũng cần đều đặn dừng lại và chờ cho linh hồn bắt kịp mình.

Khi mới làm linh mục, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đảm trách một trường học.  Và mỗi ngày, một thời điểm nào đó, ngài lại có một vài lời qua loa phóng thanh, chen ngang vào những việc đang diễn ra trong từng lớp học: Hãy biết ơn.  Định hình tầm nhìn của mình. Hãy dùng ngày sống của mình.

Tất cả chúng ta, ai cũng cần để cái gánh nặng xuống trong một phút, để cho linh hồn có thể bắt kịp mình.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THẬP GIÁ VÀ THÁNH GIÁ

415     Thập giá ở khắp nơi, trên mộ bia trong nghĩa trang, trên tháp cao nhà thờ, trên bàn dâng lễ, trên ngực áo, bên vành tai, trên tường đá.  Nhiều thập giá quá.  Ðức Kitô bị đóng đanh trên thập giá.  Thập giá đã mặc nhiên được coi như biểu tượng của Kitô hữu.  Nơi nào thấy thập giá, người ta nghĩ ngay nơi ấy có đạo Chúa.  Vậy có thể nói nơi nào có thập giá, nơi ấy có Ðức Kitô không?

Tôi không nghĩ như vậy.

Trước khi Ðức Kitô bị đóng đanh đã có thập giá rồi.  Người Rôma dùng thập giá để lên án tử hình cho các tội nhân.  Bấy giờ, ở đâu có thập giá là có sự chết.  Người ta sợ hãi thập giá.  Bóng thập giá là tử thần.  Thập giá tới đâu có khóc than ở đó.  Bởi thế, nếu nói đâu có thập giá là có Chúa thì kiểu nói ấy e rằng rất hàm hồ.  Hôm nay, nếu nói nơi nào có bóng thập giá là nơi ấy có vết chân người Kitô hữu thì có thể đúng.  Nhưng làm sao dám khẳng định nơi nào có Kitô hữu là có Chúa hiện diện?  Người ta có thể dùng thập giá để đấu tranh.  Ðã chẳng có những xứ đạo mất bình an chỉ vì xây cất nhà thờ đó sao.  Không phải cứ có bóng thập giá là có sự hiện diện của Chúa.

Biểu tượng và ngẫu tượng

Những gì tôi thấy hôm nay, thập giá trên tháp chuông cao, thập giá trên bàn thờ nhà tôi, thập giá ở cổng giáo đường, nhiều khi rất là vô nghĩa.  Tôi quá quen thuộc với biểu tượng nên biểu tượng có thể dễ trở thành ngẫu tượng.  Khi tôi mặc nhiên cho rằng nơi nào có thập giá là có Chúa thì tôi có thể chỉ nỗ lực xây dựng nhiều thập giá.  Ðiều này dễ rơi xuống hố sâu nguy hiểm.  Biểu tượng bao giờ cũng mang hai đặc tính.  Ðặc tính thứ nhất của biểu tượng là cần nhìn thấy.  Vì thế, thập giá có thể bằng xi măng, bằng đá, bằng đồng, bằng vàng.  Ðặc tính thứ hai là biểu tượng ấy phải diễn tả một thực tại không nhìn thấy ở đàng sau.  Ðiều này gian nan chứ không đơn giản.  Một thực tại vắng mặt thì có thể diễn tả bằng một biểu tượng.  Nhưng không phải cứ có biểu tượng là có thực tại vắng mặt.  Và bi đát hơn nữa là người ta có thể đánh lừa bằng biểu tượng.  Gởi tặng cánh hoa là gởi biểu tượng để chuyển ngữ một tình cảm không nhìn thấy.  Biểu tượng ấy chỉ đúng nghĩa khi có tình yêu ở phía sau.  Như thế phải có tình yêu trước.  Biết bao người tặng hoa nhưng không tặng tình yêu.  Biết bao người nhận hoa mà trao lầm trái tim vì ngỡ rằng có tình yêu ở đàng sau cánh hoa.

Ðiều đó cũng đúng với thập giá.  Thập giá là biểu tượng thì tôi phải đi tìm thực tại đàng sau biểu tượng.  Nếu tôi gọi thập giá là biểu tượng hiện diện của Chúa mà thật sự không có Chúa thì lòng yêu mến biểu tượng ấy thành ôm giữ ngẫu tượng.  Quá quen với não trạng thập giá là biểu tượng hiện diện của Chúa, nên ta ít tự hỏi nếu không có sự hiện diện của Chúa thì tôi đang ôm giữ gì.  Không còn là biểu tượng hiện diện của Chúa, nếu không là ngẫu tượng thì ta gọi là chi?

Lý do các thượng tế đưa ra để kết tội Chúa là vì Ðức Kitô nhận mình là Con Thiên Chúa.  Theo họ, Ðức Kitô đã phạm thượng vì xúc phạm đến Thiên Chúa.  Còn họ thì phải bảo vệ Thiên Chúa (Mc 14:60-64).  Chính trong hành động nhân danh Thiên Chúa để bảo vệ Thiên Chúa họ đã kết án Thiên Chúa.  Chính hành động họ nói Ðức Kitô phạm thượng, họ đã phạm thượng.  Gian nan là ở đấy.  Quá gần Thiên Chúa nên ngỡ Thiên Chúa ở rất xa.  Càng đợi trông một Thiên Chúa ở xa mà Ngài lại ở gần thì sự xa cách ấy lại càng xa hơn nữa.

Do đấy, kẻ ôm giữ thập giá là biểu tượng chứ chưa chắc có sự hiện diện của Chúa mà họ cứ khăng khăng tin rằng họ đang ôm giữ Chúa thì làm sao mà nhận ra sự xa cách ấy.  Cho nên họ tưởng rất gần Chúa mà thật sự rất xa.  Từ biểu tượng đến ngẫu tượng, họ tưởng rất xa, mà lại hóa quá gần.

Từ thập giá đến THÁNH giá

Ba cây thập giá dựng lên trong chiều ấy.  Ðức Kitô ở giữa hai tội nhân.  Trong ba cây thập giá ấy chỉ có cây ở giữa là THÁNH giá.  Khi Ðức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Ngài đi vào Phục Sinh thì cây thập giá khốn khó ấy thành cây cứu rỗi và trở nên THÁNH.  Chất THÁNH ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết, là vinh quang.  Không có tình yêu thì thập giá không là THÁNH giá.

Nhìn lại những bến bờ đã đi qua của thập giá và THÁNH giá, ta thấy ngay khi thập giá trở thành THÁNH giá rồi cũng không có nghĩa cứ thoáng nhìn là nhận ra THÁNH giá.  Vẫn có một khác biệt rất lớn.  Câu chuyện hai người trộm bị đóng đanh cùng với Chúa chứng minh điều đó.  Một người nhục mạ Chúa:

“Ông không phải là Ðấng Kitô sao?  Hãy tự cứu mình đi, và cứu chúng tôi với.” Một người thì nói: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!  Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm.  Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Ðức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi.” Ðức Giêsu nói với anh: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng” (Lc 23:39-43)

Một người nhìn thấy thập giá là THÁNH giá.  Một người nhìn thấy THÁNH giá chỉ là thập giá.

Phân biệt thập giá và THÁNH giá không đơn giản.  Lại càng không giản đơn khi ta quá quen biểu tượng trong một não trạng mù mờ.  Trước THÁNH giá thật mà còn không nhận ra THÁNH giá thì trước những THÁNH giá giả vấn đề còn gian truân tới đâu.  Nếu không biết yếu tố làm nên chất THÁNH, nếu không tìm yếu tố làm nên chất THÁNH, nếu không sống yếu tố làm nên chất THÁNH thì ta không có THÁNH giá.  Cả một bến bờ cuộc sống chỉ là ngẫu tượng.

Trong xã hội hôm nay, từ tâm lý quảng cáo đến các tổ chức chính trị, văn hóa, thể thao, nghệ thuật, từ cá nhân đến tập thể, chỗ nào cũng thấy có những biểu tượng cho sinh hoạt của tổ chức đó.  Mặc dầu Chúa bảo: “Cứ dấu này mà người ta nhận ra chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con hãy thương yêu nhau (Ga 13:34-35).  Nhưng chúng ta cũng vẫn có một biểu tượng cho sự hiện diện của đạo Chúa, đó là THÁNH giá.

Biểu tượng là để người khác nhìn.  Tôi sống trên quê hương tôi thì biểu tượng là ngôn ngữ nói với những người cùng một quê hương ấy.  Tôi phải dùng ngôn ngữ nào dễ hiểu và chính xác cho thực tại là Chúa ở sau biểu tượng?  Trên một quê hương nghèo đói thì biểu tượng để nói về Chúa là bác ái, chia xẻ cảnh khốn cùng.  Giữa cảnh các bé thơ thất học không có trường lớp, thầy cô thiếu lương, thì sự hiện diện của Chúa không là biểu tượng thập giá to hay nhỏ, mà phải là THÁNH giá có tình yêu, dấn thân cho Tin Mừng bằng con tim tận tụy như chính một rung cảm chiều nọ bên đồi vắng: “Ta thương đoàn dân này… Ta không muốn để họ đói… Ta sợ rằng họ lả dọc đường” (Mt 15:32).

**************************

Lạy Chúa, không có bác ái, không có THÁNH giá, chỉ có thập giá thì con chẳng nói gì về Chúa cho những người cùng một dân tộc mà Chúa sai con tới cả.  Một biểu tượng sai về Chúa sẽ làm cho Chúa còn khổ tâm hơn nữa.  Có khi người ta càng nhìn thấy thập giá mà càng xa Chúa.  Có khi càng nhiều bóng thập giá càng làm người ta khó chịu những kẻ xây dựng nên nó.  Ðiều đó cũng đúng thôi, vì thập giá không là THÁNH giá.  Có THÁNH giá phải có bác ái.

            Lạy Chúa, nhưng nếu con không hiểu rõ con đang có THÁNH giá hay chỉ có thập giá trong giáo xứ, trong gia đình, trong đời sống của con thì làm sao con biết nói với dân tộc con về Chúa qua biểu tượng THÁNH giá.

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ – trích trong “Viết Trong Tâm Hồn”

ĐỂ KHỎI BỊ DIỆT VONG

Trong các loài thú thì chiên cừu là con vật hiền lành nhất và cũng yếu đuối nhất.  Những loài mãnh thú như sư tử, hổ báo… là những con thú hung tợn, có nanh, có vuốt lại có sức mạnh và sự lanh lẹ phi thường nên có thể dễ dàng quật ngã những loài thú yếu đuối hơn và biến những con thú nầy thành mồi ngon cho chúng.

Có những loài thú khác tuy không mạnh mẽ, hùng dũng bằng sư tử, hổ báo… nhưng ít ra cũng có nanh, có vuốt, có sừng, có quai hàm mạnh mẽ… để săn bắt, vồ xé những con thú khác, hay ít ra cũng để tự bảo vệ mình, như con trâu có sừng để báng; con ngựa, con bò có chân để đá, con dê có đầu cứng như đá để húc, để tự bảo vệ mình khỏi bị địch thủ tấn công.

Chỉ riêng có loài cừu, loài chiên là hiền lành yếu đuối, chẳng có sừng để báng, chẳng có móng vuốt để tấn công, chẳng có răng nanh để cắn xé, chẳng có sức mạnh hay sự lanh lẹ để đối lại địch thù.  Đã vậy, khi bị tấn công, nó cũng không có cánh để bay lên ngọn cây cao thoát thân như loài chim, không thể chui xuống hang ẩn trú như loài chuột, cũng chẳng có thể cao chạy xa bay lánh thoát địch thù như loài hươu nai…

 Ngoài ra, nó cũng không thể cậy dựa vào những bạn cừu khác, vì những con cừu kia cũng yếu đuối, cũng hiền lành, cũng vô phương tự bảo vệ mình như nó.  Cả hàng trăm con cừu không hơn một con chó sói!  Thế là nó dành đứng chịu trận cho kẻ thù vồ xé, giết hại, tàn sát…  Thật tội nghiệp, thật đáng thương!  May ra chỉ có người chăn chiên mới là người duy nhất có thể bảo vệ và cứu nguy cho nó, giúp nó sống còn.

**********************************************

Xét về một số phương diện, con người chúng ta tuy cao cả nhưng cũng rất yếu đuối, lại phải thường xuyên đương đầu với thù trong giặc ngoài rất độc hại, chẳng khác gì con chiên hiền lành đối mặt với cả bầy ác thú.

 Kẻ thù bên trong chúng ta chính là những xu hướng xấu nằm trong huyết mạch mỗi người. Đó là óc kiêu căng, là lòng tham vô đáy, là tính ích kỷ, là những ham muốn xấu xa, những khao khát tội lỗi… vẫn luôn nằm vùng, luôn ẩn trú trong ruột gan, trong tim óc con người và có thể chỗi dậy bất cứ lúc nào để xui khiến, thúc đẩy người ta làm điều xằng bậy, xô đẩy con người vào con đường gian ác tội lỗi.  Mấy ai dám bảo rằng mình đủ sức chiến thắng những kẻ nội thù nầy.  Napoléon là một vị 413tướng lừng danh trong lịch sử nhân loại, đã lập nên nhiều chiến công oanh liệt vang dội châu Âu… vẫn phải thú nhận rằng: “chiến thắng cả châu Âu không khó bằng chiến thắng chính bản thân mình.”

Còn kẻ thù bên ngoài chúng ta thì không kể xiết. Có vô vàn cạm bẫy rải rác khắp nơi có thể làm cho con người sa đọa bất cứ lúc nào.  Vô số phim ảnh khiêu dâm và bạo lực đang xô đẩy thanh thiếu niên vào con đường sa đọa.  Đếm không xuể sách báo, văn hoá đồi truỵ dưới đủ mọi hình thức… đang huỷ diệt tâm hồn cao đẹp của con người.  Các tụ điểm ăn chơi đồi bại mọc lên như nấm khắp mọi nơi.  Rượu bia, ma tuý và rất nhiều hình thức kinh doanh xác thịt con người rộ lên khắp chốn…  Đó là những chiêu thức rất hiểm độc được tung ra để huỷ diệt phẩm chất con người, nô dịch con người.

Đối mặt với thù trong giặc ngoài rất nguy hại như thế, chúng ta là những con người vốn mang xác thịt hư hèn yếu đuối, khác nào những chiên non… làm sao chống cự nổi?

Trong mặt trận nầy, chúng ta không thể hoàn toàn trông cậy người khác, vì họ cũng yếu đuối như chúng ta, họ cũng là chiên hiền như chúng ta.  Cả trăm con chiên cũng không thắng được một con sói.  Người duy nhất có thể bảo vệ chiên là người chăn chiên.  Còn Đấng duy nhất có thể bảo vệ chúng ta chính là Đấng chăn chiên lành, là Chúa Giêsu.

Hạnh phúc cho chúng ta vì có Chủ Chiên nhân lành bảo vệ.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cam kết bảo vệ chúng ta là chiên của Ngài: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.”

Để được sống đời đời, để khỏi bị diệt vong, chúng ta phải tuân theo hai điều kiện do Ngài đưa ra:

Một là vâng nghe Chúa Giêsu: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi.”   Nghe tiếng Chúa Giêsu tức là để cho lời của Ngài soi dẫn, để khỏi sai đường lạc lối.

Hai là bước theo Chúa Giêsu: “Tôi biết chúng và chúng theo Tôi.”  Bước theo Chúa Giêsu là đi theo con đường mà Ngài đã đi, chủ yếu là vâng theo thánh ý Chúa Cha như Ngài đã nêu gương.

Nguyện xin Chúa Giêsu giúp chúng ta ý thức thân phận chiên non yếu đuối của mình để chúng ta đặt trọn vẹn niềm cậy trông nơi Ngài, vâng nghe tiếng Ngài và bước theo vết chân Ngài để khỏi bị diệt vong ở đời nầy và được hưởng sự sống đời đời do Ngài tặng ban.

LM Ignatio Trần Ngà

HỒNG ÂN LÃNH BÍ TÍCH RỬA TỘI THEO ĐẠO CÔNG GIÁO

411  Một buổi chiều mùa hè năm 1992, nơi một tiệm hớt tóc ở thành phố Dreux (Bắc Pháp), một thanh niên bước vào tiệm.  Trong tiệm lúc bấy giờ có cô thợ Valérie Baptiste và cô chủ Pascale.

Thanh niên – khách lạ đến tiệm lần đầu – có mái tóc quăn và dài.  Đến tiệm hớt tóc vào ngày thứ ba trong tuần hẳn chàng phải là công nhân của một hãng xưởng nào đó!  Khi tò mò hỏi thăm thì thanh niên cho biết chàng tên Patrick và là cha Sở mới về nhậm chức!

Nghe vậy, Valérie vui mừng kêu lên:

– May quá, con đang muốn đến gặp cha!

Dĩ nhiên cha Sở vui vẻ ghi nhanh một cuộc hẹn.

Cuộc đời Valérie Baptiste là chuỗi dài những biến cố đau thương.  Valérie chào đời năm 1968. Năm lên 4 tuổi, ông thân sinh ra đi vui sống với tình nhân mới, một phụ nữ khác, bỏ rơi vợ trẻ với ba đứa con thơ.  Bà mẹ trẻ quá buồn nên lâm cảnh nghiện rượu và không còn khả năng chăm sóc ba đứa con nhỏ dại nữa.  Người ta liền giao ba đứa trẻ cho một gia đình săn sóc.  Nhưng gia đình này không khá giả mà cũng không tốt.  Valérie lại được giao cho một gia đình khác và sau cùng được giao cho một ký túc xá do các nữ tu trông coi tại thành phố Chartres, cách thủ đô Paris khoảng 100 cây số.  Nơi đây Valérie may mắn gặp những con người tốt có trái tim quảng đại và có đức tin Công Giáo chân chính.

Suốt thời gian sống xa mẹ ruột, Valérie không bao giờ quên hình ảnh mẹ và vẫn giữ nguyên tình thương dành cho mẹ, một người mẹ kém may mắn!

Valérie luôn luôn bênh vực mẹ tránh khỏi những lời trách cứ.  Mỗi khi hoàn cảnh cho phép, Valérie đều đặn đến thăm mẹ.

Hơn 10 năm sau ngày bị chồng bỏ rơi và bị nghiện ngập, bà mẹ đáng thương từ trần, để lại nơi Valérie một nỗi niềm đau đớn không kể xiết.

Điều đáng nói là trong quãng đời thơ trẻ bơ vơ này, Valérie vẫn nuôi dưỡng tâm tình tôn giáo tự nhiên.  Lúc mẹ còn sống cũng như sau ngày mẹ từ trần, Valérie luôn luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho hiền mẫu dấu yêu.

Rồi đến ngày Valérie kết hôn với Éric, chàng thanh niên sống cạnh nhà và là tín hữu Công Giáo.  Valérie không ngờ rằng từ đây cuộc đời nàng chuyển sang khúc quanh mới.  Khúc quanh trên cả hai bình diện tâm lý và tôn giáo.

Thật thế.  Mẹ đỡ đầu của Éric chồng nàng là tín hữu Công Giáo sống đạo chân thành.  Bà tỏ dấu mong ước trông thấy đôi vợ chồng trẻ được kết hôn theo phép đạo Công Giáo.  Mong ước đồng nghĩa với việc Valérie phải lãnh bí tích Rửa Tội và gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Valérie vui vẻ chấp thuận đề nghị vì hai lý do.  Trước tiên vì nàng muốn làm vui lòng mẹ đỡ đầu của chồng.  Khi yêu, người ta muốn làm vui lòng người mình yêu.  Thứ hai, vì nàng linh cảm rằng, bí tích hôn phối sẽ mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống vợ chồng.  Tận thâm tâm Valérie vẫn luôn tin tưởng vững chắc nơi tình yêu Thiên Chúa.

Và những ước nguyện trên đây được thực hiện khi cha Sở mới bất ngờ xuất hiện vào một buổi chiều thứ ba nơi tiệm hớt tóc mà Valérie Baptiste đang làm việc.  Sau khi trình bày và được cha Sở đồng ý, Valérie vui vẻ nhập cuộc.  Con đường chuẩn bị đưa nàng đến việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội kéo dài hai năm.

Tiếp xúc đầu tiên của Valérie với Kitô Giáo là học hỏi Lời Chúa cùng với các tín điều buộc phải tin.  Nhưng Valérie không đơn độc.  Nàng thuộc về nhóm dự tòng, được hướng dẫn và được tháp tùng.  Valérie rất thích đọc Phúc Âm và sung sướng khám phá ra Cuộc Đời của Đức Chúa Giêsu Kitô nơi dương thế.

Sau cùng, ngày chờ mong đã đến.  Nghi lễ rửa tội diễn ra vào một Chúa Nhật tháng 5 trong Thánh Lễ nơi nhà thờ xứ đạo.  Mọi người thân thuộc gia đình nhà chồng đều hiện diện, đặc biệt là mẹ đỡ đầu của chồng.

Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ của ngày trọng đại này, Valérie Baptiste tâm sự:

– Một Người nào đó, một sức mạnh nào đó đã đi vào cuộc đời tôi, đi vào trái tim tôi.  Tôi không còn tỉ-tê khóc cho riêng mình nhưng tự chủ hơn và can đảm hơn.  Tôi cũng hiểu người khác hơn.  Tôi cầu nguyện cùng Thiên Chúa thường xuyên hơn.  Tôi không đợi Chúa Nhật mới đến nhà thờ.   Trái lại, bất cứ lúc nào cần hoặc mỗi khi gặp khó khăn, tôi tức tốc chạy đến nhà thờ.  Nhà thờ là nơi nương ẩn vững vàng nhất cho tôi.  Tôi thân thưa mọi sự cùng Thiên Chúa.  Không có Ngài, tôi cảm thấy thật bơ vơ và thật đáng thương!

“Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.  Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.  Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện, để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.  Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống, miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.  Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.  Lòng thỏa thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.  Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ, suốt năm canh con thầm thĩ với Ngài.  Quả thật Ngài đã thương trợ giúp, nương bóng Ngài con hớn hở reo vui.  Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó, giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì” (Thánh Vịnh 63, 2-9).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

CHUYỆN TÌNH BUỔI BÌNH MINH

Các bạn trẻ thân mến,

Sau một đêm vất vả nhưng không bắt được con cá nào, các tông đồ chèo thuyền vào bờ trong tâm trạng u buồn về tinh thần, đói lả về thân xác.  Nghe theo lời khuyên của một người lạ, họ quyết định thử thả lưới lần cuối với chút hy vọng mong manh.  Ai ngờ, chỉ một mẻ lưới tình cờ đã có thể bắt được rất nhiều cá.  Nhạy cảm trước sự kiện lạ này, Gioan đã nhận ra Thầy chính là người lạ đã đưa ra lời chỉ dẫn kia.  Thế rồi họ cũng vào bờ, mang ít cá mới bắt được đến bên bếp lửa đã được Thầy nhóm sẵn.  Cùng với chút bánh Thầy mang tới, tất cả dùng chung với nhau bữa ăn sáng đạm bạc nhưng chan chứa niềm vui.

Trời lúc ấy mới hừng đông.  Ánh mặt trời con non nớt, chiếu qua những hạt sương long lanh. Tiếng sóng vỗ rì rào theo chiều gió thổi.  Có lẽ đã lâu lắm rồi, Thầy với trò mới có được một bữa ăn nhẹ nhàng và an bình như thế.  Từ sau khi Thầy bị bắt, ngày nào họ cũng phải sống trong lo sợ và u ám.  Cái chết kinh khiếp của Thầy như vẫn còn đâu đây.  Tiếng la hét, tiếng khóc than, tiếng búa gõ vào đầu đinh sắt… những hình ảnh thê lương ấy sao dễ có thể phai nhạt được.  Nhưng giờ đã qua hết rồi, những khoảnh khắc u sầu tăm tối.  Phút yên bình bên bếp lửa đỏ, với miếng cá nồng vừa bắt được và chút bánh thơm phức hương men, Thầy và trò cùng chia sẻ với nhau sự ung dung tự tại, hệt như những ngày vừa gặp gỡ.

Ăn sáng vừa xong, mỗi người một việc.  Chỉ còn lại Phêrô và Giêsu bên bếp lửa.  Khoảng không gian thanh tịnh đến lạ kỳ.  Phêrô hẳn là nghẹn ngào lắm.  Vui vì được nhìn thấy Thầy, bình an vô sự; nhưng cũng buồn vì nhớ lại lầm lỗi của mình chỉ vài ngày trước đây thôi.  Nhớ lại đêm cuối cùng trước khi Thầy chịu khổ nạn, Phêrô luôn mồm khẳng định yêu Thầy, yêu hơn hết mọi người, yêu đến nỗi sẵn sàng chết vì Thầy.  Ấy vậy mà khi sự cố xảy đến, ông đã thề độc, chối bỏ mối tương quan gắn bó sâu sắc giữa mình với Thầy.  Sợ mạng sống của mình bị đe dọa, ông đã gạt Giêsu ra khỏi cuộc đời mình. Cái nhìn của Giêsu đã thấu chạm đến tim ông, gợi nhớ lại trong ông những ân tình đã có.  Bất chợt, bao cảm xúc ùa về, ông đã khóc như chưa từng được khóc, những ngọt nước mắt của hối lỗi, của ăn năn.  Ông khóc cho thân phận kém cỏi của mình, khóc cho những lần kiêu ngạo của mình, khóc cho một cuộc tình bị ông chối từ vì sợ hãi.

48Giờ đây, chỉ còn hai người – Thầy và ông – trên một bãi biển hồ vắng.  Ông nghẹn ngào chẳng biết nói điều chi.  Ông tự cảm thấy mình phải thu nhỏ người lại trước Thầy, không còn dám vỗ ngực xưng tên, không còn tự cho mình là người thánh đức nữa.  Nhưng dẫu sao, ông vẫn thấy mình có lỗi với Giêsu, ông nợ Giêsu một lời xin lỗi.  Là một người Thầy thấu cảm tâm tư của trò, Giêsu đã lên tiếng trước. Giêsu không muốn nghe từ ông lời xin lỗi, vì những giọt nước mắt kia đã nói lên tất cả rồi.  Giêsu cũng không cần nghe từ ông lời cam kết sẽ không tái phạm, vì phận người yếu đuối, có ai biết được ngày sau.  Giêsu chỉ muốn ông cho Giêsu biết, chỉ một điều duy nhất thôi: Sau biết bao những biến cố ấy, ông có còn yêu mến Giêsu không?  Ba lần hỏi của Giêsu là ba lần làm ông nghẹn ngào khó tả.  Phêrô không còn dám nói là mình yêu Chúa hơn các anh em khác nữa.  Phêrô thú thật với Thầy là Thầy biết con yêu mến Thầy; chỉ có điều tình yêu ấy còn mong manh quá, còn yếu đuối quá, nên đã bao lần khiến Thầy thất vọng và buồn phiền.  Nhưng thật sự là có, có một tình yêu dành cho Thầy, có một sự lôi kéo trái tim hướng về Thầy.  Tình yêu dành cho Thầy và sự yếu đuối đi song đôi trong trái tim của Phêrô, Phêrô nhận ra điều đó.

Các bạn trẻ thân mến,

Tâm trạng của Phêrô cũng là tâm trạng của mỗi người chúng ta mỗi khi chúng ta phạm tội.  Ta thấy hổ thẹn với bản thân, vì dù đã nhiều lần ta đã nỗ lực không muốn phụ tình yêu Giêsu dành cho mình, nhưng sao ta vẫn chứng nào tật ấy, không sao chừa được.  Sự yếu đuối và tội lỗi cứ đeo bám ta, khiến ta thấy mình như bất lực trong cuộc chiến chống lại chúng.  Nhưng Thầy Giêsu của chúng ta là một người thầy rất tuyệt vời.  Ngài không bao giờ hạch họe ta, không bao giờ khoét sâu trong trái tim ta những nỗi đau vốn đã sẵn có.  Ngài biết ta yếu đuối, Ngài biết ta mỏng dòn, Ngài biết là sẽ có ngày ta bội phản Ngài, bội phản lại tình yêu Ngài dành cho chúng ta.  Nhưng không bao giờ Ngài đối xử với ta một cách tồi tệ.  Điều duy nhất là Ngài muốn ta trả lời khi đến với Ngài là “con có còn yêu mến Thầy không?”  Chỉ một câu hỏi ấy thôi.  Ngài muốn biết trong ta có còn tình yêu dành cho Ngài hay không, muốn biết trái tim ta có còn chỗ cho Ngài không.  Chỉ cần ta trả lời có, bấy nhiêu cũng đủ rồi.

Vâng, tình yêu của Chúa vượt trên những tội lỗi của ta.  Mỗi khi ta vì yếu đuối và vấp ngã, ta đừng tra tấn mình bằng những cảm xúc tiêu cực, hãy tự vấn mình: Ta có còn yêu mến Giêsu không, ta có còn vì Ngài mà cố gắng sống tốt hơn không.  Giêsu chỉ cần ta yêu mến Ngài.  Mọi sự khác, Ngài chẳng quan tâm, vì Ngài biết, tình yêu của Ngài sẽ giúp ta chiến thắng.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ