CON CÓ YÊU MẾN THẦY KHÔNG?

Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi.  Có thể chia đời ông ra làm hai giai đoạn.  Cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy.  Phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Rôma.

Trong cuộc đời phần một của ông, Phêrô đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác.  Cuối đời của Chúa, Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14, 66-72).

Gom nhặt những đoạn phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mảnh đời của ông có nét chân dung thế này: Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.

Mắng lần đầu tiên: Quân yếu tin (Mt 14, 31)

Lần thứ hai: Ngu tối (Mt 15, 16)

Lần thứ ba: Satan (Mc 8, 33)

Chúa chỉ khen có một lần khi Phêrô tuyên xưng: Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa “Này anh Simon, con ông Gioana, anh có phúc vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy nhưng là Cha của Thầy” (Mt 16:16-17).

Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy ba lần.  Phêrô chối Chúa vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy.  Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường chạy trốn.  Thế nhưng trước yếu đuối ấy, Phêrô đã khóc lóc nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông đã oà khóc nức nở như một đứa bé với dòng lệ sám hối.  Chúa đã nhìn ông bằng ánh mắt thứ tha trìu mến.  405Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mãnh, giữa trọn vẹn và dang dở, giữa xa và gần, giữa trời và đất.  Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng.  Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Trong sự vấp ngã yếu đuối cuộc đời phần một của người môn đệ này vẫn luôn có một tâm hồn chân thành.

Phần hai cuộc đời Thánh Phêrô là một thiên anh hùng ca.  Thiên anh hùng ca bắt đầu từ trang Tin mừng Chúa Nhật hôm nay.  Câu chuyện kể về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria.  Chúa Phục Sinh đã đưa đời ông từ đêm đen mờ mịt ấy đi về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời.

Sứ mạng theo Đức Kitô khởi đầu từ đây.  Bảy anh em ra đi đánh cá, vất vả cả đêm mà không được gì. Đức Giêsu Phục sinh đến với họ ban cho họ mẻ cá lạ lùng.

Sau mẻ cá, Đấng Phục sinh đã hỏi ông: Phêrô, con có yêu mến Thầy không?  Phêrô đáp: Thưa Thầy, Thầy biềt rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.  Chúa hỏi ba lần.  Phêrô xác định cả ba lần lòng yêu mến Thầy, càng về cuối càng cương quyết hơn.  Ba lần chối Chúa đi từ chối nhẹ đến nặng thì hôm nay Phêrô ba lần xác định tình yêu từ nông đến sâu.  Ba lời xác định ấy là bình minh rửa tội quá khứ.  Chúa trao đàn chiên cho Phêrô: con hãy chăm sóc đoàn chiên của Thầy.  Rồi Chúa nói với ông rằng: Thầy bảo cho anh biết lúc còn trẻ anh tự thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý.  Nhưng khi về già, anh phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi anh chẳng muốn.  Phúc âm Gioan cắt nghĩa rõ con đường này là: Người nói như vậy có ý ám chỉ ông phải chết cách nào.  Thế rồi Chúa bảo ông: Hãy theo Thầy.  Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao.  Từ đây “trên tảng đá này, Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được.”  Từ đây, những trang sử vẻ vang của giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.

Ba lần được hỏi và thưa về tình yêu của Phêrô đối với Thầy Giêsu cũng là ba lần Phêrô được giao phó việc chăm sóc đoàn chiên.  Đó là vai trò mục tử của Phêrô.  Bằng tất cả trải nghiệm về đức ái mục tử theo gương Mục Tử Tối Cao, Phêrô đã dạy cho các mục tử trong giáo hội tinh thần: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: Lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèm, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy.  Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.  Như thế khi Vị Mục Tử Tối Cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.” (1Pr 5:2-4).

Phêrô trở thành một người lãnh đạo tốt.  Người lãnh đạo tốt là người biết tự cảnh giác về sự yếu đuối của mình.  Kinh nghiệm sa ngã đã giúp Phêrô thoát khỏi tính tự phụ và tin tưởng mù quáng vào khả năng của mình, đồng thời giúp ông thông cảm với yếu đuối của người khác.  Như thế Phêrô còn học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giêsu.  Ông học được rằng mặc dù ông đã chối Ngài nhưng Ngài vẫn yêu thương ông.  Chính tình thương của Ngài đã mang ông trở về cuộc sống.  Cái cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt.  Được yêu trong cái tốt của mình là chuyện bình thường.  Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là sửng sốt.  Chính đó là ân sủng.

Ân sủng của Chúa đối với Thánh Phêrô là tình yêu cứu độ.

Cuộc đời Phêrô đầy lỗi lầm nhưng ông được Chúa yêu thương, chọn lựa một cách đặc biệt.  Sao Chúa không trao Giáo hội cho một Tông đồ trí thức, có tài lãnh đạo, có tài hoạch định?  Chúa không đòi hỏi nơi Phêrô sự tài năng, thông thái, khôn ngoan mà chỉ đòi hỏi lòng mến Chúa.  Sau ba lần hỏi “con có yêu mến Thầy không.”  Sau ba lần Phêrô xác định tình yêu ấy, Chúa trao Giáo hội cho ngài.

Yêu mến chính là điều kiện nền tảng để có thể chu toàn sứ mệnh mà Chúa trao phó.  Không có lòng yêu mến, công việc của người mục tử hay tín hữu dù thành công cũng chỉ là điểm tô, đánh bóng cho cá nhân mình.

Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau?  Thích chở nhau đi chơi?  Thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau?  Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm để mua một món đồ đưa cho người khác thì quả là dại!  Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngu!  Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ!  Phải không?  Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác: Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một niềm vui sướng, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha!  Cho nên thánh Augustinô đã nói rất đúng: Khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc.

Đối với Chúa cũng thế.  Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thánh giá là một cực hình.  Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì ta thích cầu nguyện, ta thấy hạnh phúc khi đến nhà thờ.  Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa.  Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực, yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, làm những bổn phận trong đạo không khác nào con trâu kéo cày.

Tình yêu Giêsu có sức mạnh cảm hóa con người và đối với bất cứ ai nếu họ biết đặt niềm tin nơi Ngài. Tình yêu Giêsu sẽ mở ra tương lai cho tội nhân, khép lại quá khứ để họ trở thành thánh nhân.  Tình yêu Giêsu, một khi ta đã yêu Ngài thật sự, ta sẽ không còn hững hờ nữa mà dấn thân trọn vẹn cả cuộc đời cho tình yêu Giêsu.

Chúa hỏi Phêrô: Con có yêu mến Thầy không?  Đó cũng là câu hỏi mỗi ngày Chúa hỏi tôi: Con có yêu mến Thầy không?

LM Giuse Nguyễn Hữu An

LỄ TRUYỀN TIN

403Trong ngày lễ Truyền Tin, Hội Thánh kính nhớ một biến cố quan trọng.  Thiên thần báo tin cho Ðức Mẹ rằng: Thiên Chúa muốn chọn Ðức Mẹ làm Mẹ Ðấng Cứu Thế.  Tin đó quá bất ngờ, vượt mọi suy nghĩ, mọi tưởng tượng, mọi đợi chờ.  Phản ứng của Ðức Mẹ bắt đầu là bỡ ngỡ bàng hoàng lo sợ, nhưng tiếp đó là xin vâng (Lc 1:38).

Xin vâng là xin tuân phục ý Chúa.  Xin vâng là xin cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, với sự từ bỏ mình, với sự tuyệt đối phó thác đời mình trong tay Chúa.

Lập tức sau lời “xin vâng” của Ðức Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng Ðức Mẹ.  Tất cả đều diễn tiến một cách âm thầm, khiêm tốn.  Từ đó “xin vâng” đã được coi như một giao ước mới, một bài ca mới, một con đường mới, của con người mới.

Khi nói xin vâng được coi như một giao ước mới, tôi nhớ lại việc Ðức Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-da-bét (Lc 1:39-45).  Ði thăm để chia sẻ, để phục vụ, để nâng đỡ khích lệ bà Ê-li-da-bét.  Theo Ðức Mẹ, thì mình được Chúa thương, là để mình biết thương người khác.  Mình được Chúa chọn cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, thì mình phải quyết tâm dấn thân góp phần cứu độ người khác.  Mình nhận ơn Chúa ban, thì mình sẽ cố gắng chia sẻ ơn đó cho người khác.

Thiết tưởng đó là một giao ước mới về bác ái liên đới phát sinh từ lời xin vâng.

Khi nói xin vâng được coi như một bài ca mới, tôi nhớ lại tâm tình Ðức Mẹ trong kinh Tạ Ơn “Linh hồn tôi tung hô Chúa” (Lc 1:46-55).  Tâm tình Ðức Mẹ là lời nói chân thành của người con bé nhỏ, đầy khiêm tốn, ngỡ ngàng biết ơn và phó thác đối với Chúa.  Tâm tình Ðức Mẹ là khát vọng cứu độ tỏa ra sức nóng của tình yêu thương xót, nhưng lại khiêm nhường tế nhị đối với đồng bào, nhân loại.  Tâm tình Ðức Mẹ là cái nhìn tiên tri sâu sắc của trái tim khiêm nhường về tương lai dành cho những kẻ khiêm tốn.

Thiết tưởng đó là một bài ca mới về khiêm tốn khởi đi từ lời xin vâng.

Khi nói xin vâng được coi là một con đường mới, tôi nhớ lại biến cố Ðức Mẹ sinh Chúa Giêsu tại hang đá Bê-lem (Lc 2:1-7).  Ðang khi hầu hết mọi người đều coi giàu sang chức quyền danh vọng là những bậc thang giới thiệu giá trị con người, thì Ðức Mẹ đã không nghĩ như vậy, đã không vận động chút nào để được như vậy.  Trái lại, Ðức Mẹ đã lặng lẽ đi vào con đường khó nghèo.  Con đường đó đã khởi đi từ hang đá Bêlem và kéo dài từng ngày, từng tháng, từng năm, suốt cả cuộc đời Ðức Mẹ.  Trên con đường đó, Ðức Mẹ đã cầu nguyện, đã suy gẫm trong lòng, đã lắng nghe Chúa, đã thông hiệp với sự sống Chúa.

Thiết tưởng đó là một con đường mới về sự nghèo khó được vạch ra từ lời xin vâng.

Con đường mới đó, bài ca mới đó, giao ước mới đó đều nói lên Ðức Mẹ là con người mới.  Mới về nhiều phương diện, nhưng nhất là về phương diện Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ðức Mẹ, để đổi mới con người của Mẹ (Lc 1:35).

Qua việc Ngôi Hai xuống thai trong lòng Ðức Mẹ, Chúa Thánh Thần đã đưa tình yêu thương xót của Thiên Chúa vào nhân loại, đã mạc khải Thiên Chúa là tình yêu, đã khai mở một nguồn mạch ơn thánh cứu độ vô cùng phong phú cho mọi người thiện chí.

Do đó, Ðức Mẹ là con người mới, là tác phẩm tuyệt vời của Chúa Thánh Linh.  Với đặc điểm là Ðức Mẹ có một trái tim giống trái tim Chúa Giêsu, trong sạch, hiền lành, khiêm nhường, cháy rực lửa tình yêu thương xót.

Những chia sẻ vắn tắt trên đây có thể giúp chúng ta phần nào, để chuẩn bị mừng Lễ Truyền Tin một cách sống động sát với thời sự.

Thời sự hiện nay, nếu nhìn về góc độ xin vâng ý Chúa, thì đó là cả một vấn đề đáng phải lo ngại.  Bởi vì có những người coi trọng ý Chúa và xin vâng ý Chúa.  Cũng có những người coi thường ý Chúa và chống lại ý Chúa.  Có những người hiểu sai ý Chúa, vô tình hoặc cố tình.  Có những người gán cho ý Chúa những ý riêng của mình.  Có những người muốn ý Chúa hợp theo ý riêng mình, cho dù ý riêng mình là quái gở.

Thời sự hôm nay là Ít-ra-en, quê hương của Ðức Mẹ, đang là mảnh đất diễn ra vòng xoáy hận thù và đổ máu.  Vòng xoáy kinh hoàng này càng ngày càng mở rộng trên đất, đồng thời càng xoáy sâu vào lòng dân.  Từ mảnh đất này hằng ngày truyền đi khắp năm châu những tin đau đớn, gây nên băn khoăn nặng nề cho hòa bình thế giới.  Thời sự này làm cho rất nhiều người phải khóc, phương chi Ðức Mẹ.

Nhưng theo tôi, thời sự hiện nay quan trọng nhất chính là chuyện của bản thân ta.  Ta có lắng nghe ý Chúa không?  Và ta có xin vâng ý Chúa thực không?  Ðoạn Phúc Âm sau đây sẽ gợi ý cho ta thấy rõ ý Chúa về ta trong thời sự hôm nay:

“Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng.  Ðức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác, bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao?  Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu.  Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”  “Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?  Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu.  Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13:1-5).

Suy gẫm đoạn Phúc Âm trên, tôi có cảm tưởng là Chúa muốn báo tin cho từng người chúng ta biết rõ ý Chúa.  Ðó là đừng quá bận tâm xét đoán người khác, nhưng hãy ưu tiên lo phần rỗi của mình.  Lo bằng cách sám hối ăn năn, đổi mới chính mình.  Cách đó là cách tốt nhất để góp phần vào việc cứu độ người khác.

Chúa báo tin cho chúng ta ý Chúa là như thế đó.  Rất rõ ràng.  Ở Fatima Ðức Mẹ cũng báo cho chúng ta tin đó.  Cũng rất rõ ràng.  Chúng ta hãy đáp lại bằng lời xin vâng.

Xin vâng của chúng ta là một hành trình dài đi về với Chúa.  Hãy bước đi với những bước nhỏ.  Như hằng ngày cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng và chuỗi Mai Khôi.  Như hằng ngày đến bên trái tim Ðức Mẹ, để xin trái tim Ðức Mẹ chia sẻ cho ta bầu khí thinh lặng, chiêm niệm, lửa bác ái nồng nàn và sức mạnh lạ lùng của khiêm nhường nghèo khó.  Như hằng ngày thực hiện đôi ba việc bác ái, thương cảm liên đới với những người nghèo, bệnh tật, xa Tin Mừng, bị xã hội loại trừ.  Như hằng ngày tập nói và làm những gì mang tính cách phục vụ hoà bình hiệp nhất trong yêu thương và tế nhị.  Như hằng ngày dùng lòng tin mến biến những mệt mỏi khổ đau của mình thành của lễ đền tội tạ ơn, và xin ơn an bình cho gia đình quê hương và thế giới.

Nếu lời xin vâng của chúng ta được hiệp thông sâu sắc với lời xin vâng của Ðức Mẹ, thì đây sẽ là một hy vọng mới cho tương lai bản thân ta, cho Hội Thánh ta, cho quê hương Việt Nam chúng ta, và cho tất cả nhân loại.

GM JB. Bùi Tuần

 

GẶP CHÚA TRÊN ĐƯỜNG

41Các bạn trẻ thân mến,

Không biết có điều gì thay đổi về vẻ bề ngoài của Chúa Giêsu hay không, nhưng rất nhiều người, dù có một tương quan gắn bó rất chặt chẽ với Ngài cũng không thể nhận ra Ngài sau khi Ngài sống lại từ cõi chết.  Đầu tiên là bà Maria Madalena.

Buổi sáng ngày đầu tuần, bà cùng một số phụ nữ khác kéo nhau ra mộ, dự định là sẽ dùng dầu thơm để xức xác Chúa, nhưng không thấy xác Chúa đâu.  Bà đứng bên ngoài mà khóc, vì ngỡ là người ta đã nhẫn tâm mang xác Chúa đi giấu ở đâu rồi.  Thầy Giêsu hiện ra đứng sau lưng gọi tên bà, bà cứ ngỡ là người làm vườn.  Mãi đến khi Chúa Giêsu gọi bà bằng cái tên thân thương, bà mới thật sự nhận ra đó chính là Chúa.

Hai môn đệ Emmaus cũng vậy.  Họ đang lê bước về quê nhà sau một thời gian rong ruổi theo Chúa. Cái chết của Thầy dường như là một cú sốc rất lớn với họ.  Họ liên hồi bàn thảo với nhau những chuyện liên quan đến Ngài.  Chúa Giêsu bước tới, giả vờ hỏi han.  Họ chẳng hề nhận ra, còn trách “người khách lạ” sao vô tâm với những chuyện động trời vừa xảy ra ở Giêrusalem trong những ngày vừa rồi.  Thấy họ vẫn còn mê muội chưa hiểu chuyện gì, Chúa Giêsu lên tiếng dạy dỗ họ, giải thích cho họ hiểu ý nghĩa của Thánh Kinh và những lời tiên tri nói về Đấng Mesia.  Lòng họ như bừng cháy, nhưng vẫn chưa nhận ra.  Cho đến khi Chúa Giêsu được họ mời vào nhà và làm những cử chỉ hệt như trước kia là bẻ bánh trao cho mọi người, họ mới nhận ra người đã đồng hành với mình từ chiều đến giờ là Thầy Giêsu chí thánh.

Tại bờ hồ Tiberia cũng vậy.  Suốt một đêm cực nhọc đánh cá, các tông đồ, dù là những tay ngư phủ cừ khôi một thời, chẳng bắt được con cá nào.  Khi ngày vừa lên, họ mỏi mệt chèo chiếc thuyền vào bờ trong tâm trạng của những người thất bại.  Bỗng đâu xuất hiện trên bãi biển một người đàn ông lạ mặt, hỏi han các ông về thành tích lao nhọc của đêm qua.  Họ thật thà trả lời là mình tay trắng mà không hề nhận ra người hỏi đó là ai.  Nghe theo lời chỉ dẫn của người này, họ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền như một hy vọng cuối cùng, vớt vát được chút đỉnh.  Quả nhiên, mẻ cá thu được mới kinh khủng làm sao.  Mọi người tất bật lo kéo lưới để thu lượm cá bắt được, thì chỉ có một người trong số đó nhận ra chính Thầy là người đang đứng trên bãi biển kia.

Các bạn trẻ thân mến,

Nhận ra Chúa hiện diện bên chúng ta là điều không dễ tí nào.  Ngay cả các môn đệ, những người đã từng sống chung với Chúa một khoảng thời gian dài cũng không ngay lập tức nhận ra Ngài khi Ngài hiện đến, huống gì những con người xa lạ như chúng ta.

Chúa Giêsu đã phục sinh, và chắc là sau khi phục sinh, Ngài vẫn là Ngài, nhưng cũng có gì đó khác trước.  Cuộc sống với biết bao khó khăn che khuất đôi mắt của ta bằng những giọt lệ buồn như Madalena, những tranh luận như hai môn đệ Emmaus, hay những chán chường, thất vọng như các tông đồ, khiến ta không còn nhìn thấy Chúa hiện diện ngay bên chúng ta.  Những tư tưởng buồn lại nối tiếp tư tưởng buồn.  Hễ cứ gặp một chuyện không vui là ta tiếp tục suy diễn ra những hoàn cảnh khác tệ hại hơn, khiến cho tâm trí ta chỉ toàn những hố sâu của u buồn và chán nản.  Chúa ở ngay đó, nhưng có mấy khi ta nhận ra Ngài.

Maria Madalena đã được Chúa gọi đích danh mình bằng giọng nói thân quen ngày nào.  Nhờ thế mà bà như bừng tỉnh và được giải thoát khỏi những giọt nước mắt tang thương.  Các môn đệ Emmaus thấy nơi Chúa những lời giáo huấn tuyệt diệu thiêu đốt tâm tư và cử chỉ bẻ bánh mà Ngài vẫn hay làm.  Còn các tông đồ thì nhận ra Ngài qua phép lạ mẻ cá.  Ngày đầu tiên khi Giêsu kêu gọi Phêrô, Ngài cũng thực hiện một phép lạ tương tư như vậy.  Làm từ không ra có, hóa ít ra nhiều, chỉ có thể là Thầy Chí Thánh của mình mà thôi.  Chúa sẽ để lại những dấu chỉ để người ta nhận ra Ngài.  Hai người yêu thương nhau luôn có những ký ức về nhau mà chỉ cần nhìn hay nhớ đến ký ức ấy, là trọn vẹn hình ảnh của người kia sẽ được nhận ra.

Đối với chúng ta, có lẽ Chúa cũng để lại muôn vàn dấu ấn như thế để ta có thể nhận ra Ngài.  Hình ảnh về Ngài là hình ảnh của những người nghèo đang cần hơi ấm, cần chút cơm.  Hình ảnh về Ngài là hình ảnh của những người đi tha hương cầu thực, của những ông già bà lão bơ vơ, hình ảnh của những em bé ngây thơ thiếu thốn tình cảm, nơi những bệnh nhân hay những người bị gạt ra bên lề cuộc sống.  Người ta sẽ nhận thấy Chúa trong ta khi ta cũng biết gọi tên người khác bằng một giọng ấm áp yêu thương, khi ta biết dùng những lời dịu ngọt để vỗ về những con tim khô cứng, biết sống một cuộc đời sẻ chia, nâng đỡ, biết an ủi người khác và làm gia tăng những niềm vui nho nhỏ của mọi người.

Các bạn thân mến, giữa các bạn và Chúa Giêsu có dấu hiệu gì của riêng nhau không để khi bạn nhìn vào đó, bạn có thể gặp được Chúa Giêsu?  Có một ký ức nào về Chúa Giêsu hằn in trong trái tim bạn không?  Chúa Giêsu vẫn đang ở đó, chờ đợi bạn đến gặp Ngài.

Pr. Lê Hoàng Nam, S.J.