Ngày xửa ngày xưa… tại một đất nước Do thái xa xôi, nơi mà thân phận người phụ nữ bị đối xử rẻ mạt coi khinh trong một xã hội với bao phong tục tập quán khắc nghiệt. Trong vô số mớ luật lệ của Môise để lại, có một luật định dành cho những vụ án ngoại tình, người đàn ông và người đàn bà có chồng bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình thì cả hai sẽ bị ném đá cho đến chết (Lv 20:10; Ðnl 22:22). Và theo sách Đệ Nhị Luật những ai bắt được quả tang sẽ là người phải ném viên đá đầu tiên khai mào cuộc xử tử kẻ có tội.
Bình minh vừa ló dạng nơi Đền Thờ ở Giêrusalem, người ta đã thấy một đám đông đang vây quanh một vị kinh sư đến từ Galilee. Họ đã nghe đồn thổi về tiếng tăm của vị này với bao phép lạ lẫy lừng, và những lời giảng dạy đầy quyền uy. Vị kinh sư Giêsu ngồi xuống giữa đám đông và bắt đầu giảng dạy về Nước Trời, về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Dân chúng đổ xô kéo đến ngày càng đông hơn, họ im lặng chăm chú lắng nghe như muốn nuốt lấy từng lời, từng chữ đầy nghĩa yêu thương của Ngài.
Bỗng một đám đông khác ồn áo náo nhiệt, với những tiếng la hét ầm ĩ từ đâu ùn ùn kéo lại, phá tan bầu không khí thánh thiêng. Chuyện gì thế? Họ ngơ ngác nhìn nhau dò hỏi… À, thì ra đám đông ồn ào đó đã bắt được quả tang một người phụ nữ đang ngoại tình, những kẻ chiến thắng hớn hở kéo lê nàng trên đất như kéo một chiến lợi phẩm, lăm lăm tiến về phía vị Ngôn sứ Giêsu. Người thiếu phụ tội nghiệp ghì người lại như muốn dùng chút hơi tàn yếu đuối, chống lại sức mạnh của đám đông đang lôi mình đi sềnh sệch. Nhưng sức nàng cự sao được với sức mạnh của bao thanh niên trai tráng. Khi tới trước mặt Giêsu, họ thảy nàng ra lăn long lóc giữa đám đông nhờ Ngài xét xử. Một vị Pha-ri-sêu đứng tuổi với chòm râu dài nghiêm nghị bước ra giữa đám đông, hất hàm cao giọng hỏi:
– “Thưa Thày, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môise truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
Họ nói thế chỉ nhằm thử Người thôi, đám đông ai ai cũng biết số phận hẩm hiu của người phụ nữ kia đã được định đoạt rồi. Chẳng phải đám đông đang háo hức hùa nhau đi xem thi hành án tử, như đi trẩy hội đó sao? Chẳng phải ai ai cũng đang lăm le trên tay những hòn đá đó ư? Họ lôi nàng về đây như một con mồi, để câu thêm một con nhạn sa lưới. Biết đâu một mũi tên lại bắn được hai con chim. Lại trừ khử được cái gai nhọn dưới con mắt của các vị kinh sư đạo hạnh, và những người Pha-ri-sêu đức độ. Để coi, phen này một người nổi tiếng hay xót thương cho những mảnh đời bất hạnh như ông Giêsu này, có dám lên tiếng bênh vực cho người phụ nữ tội lỗi đó không? Nếu tha cho nàng thì ông đã chà đạp và chống lại luật lệ của Môise, và họ sẽ dùng nó để tố cáo kẻ phản bội cha ông. Còn nếu Giêsu đồng ý kết án nàng. À…, ra thế… thiên hạ phen này sẽ sáng mắt ra để thấy ông ta cũng tầm thường như bao nhiêu người khác mà thôi. Những lời giáo huấn của ông về lòng nhân từ xót thương chỉ là sáo rỗng, giả hình và đầy mâu thuẫn.
Vị Ngôn sứ đang rao giảng về Nước Trời bỗng dưng trở thành vị quan tòa bất đắc dĩ. Ngài ngao ngán nhìn đám đông xung quanh như dò hỏi vì lý do nào mà mình lại được đặt vào vị trí này, rồi Ngài lại hướng tia nhìn về phía người nữ tử tội! Trông nàng thật thê thảm, áo quần tang thương rách nát quấn vội quanh người, như chỉ vừa đủ để che những chỗ cần phải che. Mái tóc dài xoã tung rũ rượi, chân tay, mặt mày lem luốc trầy trụa. Nàng ngồi co rúm lại như một con chó con, mặt cúi gằm xuống đất, những sợi tóc dài lấm đầy cát, bê bết đầy nước mắt quyện lẫn mồ hôi. Có lẽ nàng xấu hổ lắm! Nhìn nàng sợ hãi và cô đơn trước đám đông hung dữ, như muốn ăn tươi nuốt sống nàng, chẳng ai buồn thắc mắc người đàn ông cùng nàng phạm tội ngoại tình đâu? Sao không thấy đám đông kéo người đàn ông đó ra đây để cùng xử luôn? Luật định rằng phải xử tử cả hai mà? Chẳng lẽ nàng phạm tội ngoại tình một mình sao?
Đám đông phấn khích hò la vang dội, như khán giả trước hai đội không cân sức đang thi đấu đến hồi gây cấn. Một đội chỉ có một người với khuôn mặt bình thản, hơi thở đều đặn, ánh mắt vẫn không ngừng nhìn chăm chú xót thương người phụ nữ, đang cúi gằm mặt giữa đám đông. Cũng là phận người mà! Sao nỡ đày đọa nhau? Có ai chưa từng bao giờ phạm tội trong kiếp người yếu đuối không? Xen lẫn trong tiếng hò reo, người ta nghe ra một tiếng thở dài xót xa! Đối đầu là một đội quân hùng hậu, phất phới những tà áo đen rộng thùng thình của các vị đạo sĩ, với những khuôn mặt dương dương tự đắc đang chờ câu trả lời. Có vẻ như phen này, họ nắm chắc phần thắng trong tay rồi.
**********************
Mời các bạn ngắm nhìn trong đám đông những khuôn mặt giận dữ đằng đằng sát khí, với những cặp mắt đỏ ngầu, miệng đang la hét hò reo, tay lăm lăm cầm viên đá đang chờ…., chờ gì? Đợi gì? Chờ một viên đá được ném ra khai mạc án tử, đợi một hiệu lệnh nổi lên là những hòn đá lớn bé sẽ được tung ra ào ào…
Tôi là ai trong đám đông đang la hét reo hò ầm ĩ đó? Là người đạo đức giữ đúng những luật lệ, luôn ăn ngay ở lành, ghét sự ác nên thấy sự phản bội, tôi muốn kết án? Là người công chính, chưa bao giờ phạm tội, nên thấy sự tội lỗi xấu xa, tôi muốn diệt trừ?
Tôi là ai khi cùng đám đông gào thét hò la? Là một người đàn ông từng theo đuổi và muốn chiếm đoạt nàng nhưng không được, nay thấy nàng ngoại tình với người khác, tôi giận dữ căm ghét, không ăn được thì đạp đổ, thương tiếc gì hạng người đàn bà đó? Là một người phụ nữ từng ghen ghét vì sắc đẹp của nàng, từng hậm hực tức tối khi thấy ong bướm lả lơi quanh nàng, với tôi đây là cơ hội tốt nhất để diệt trừ hạng người đàn bà lẳng lơ như nàng?
Tôi là ai đang trong cơn cuồng nộ giận dữ? Là một người chồng chung thủy bị phản bội, tôi căm hận người vợ lăng loàn và muốn nàng phải trả giá cho tội lỗi của mình dù đám con sẽ bị mất mẹ? Là một người cha gương mẫu, người chủ của một gia đình danh gia vọng tộc, tôi không thể chấp nhận đứa con gái hư hỏng mất nết làm nhục gia phong của gia đình, nó cần phải chết để danh dự gia đình được bảo toàn, sĩ diện của tôi vẫn được coi trọng?
Tôi là ai mà tay lăm lăm hòn đá chỉ chực chờ ném ra? Là một người vợ hiền đảm đang của một gia đình tan nát chỉ vì những người thứ ba vô đạo đức như ả này, nên bây giờ tôi muốn nàng phải chết một cách đau thương nhục nhã cho hả cơn giận? Hay tôi cũng giống như chị ta, từng ngoại tình, gian dâm… chỉ khác là chưa ai biết được, nên tôi phải la thật to, hét thật lớn, để đám đông tưởng rằng tôi vô tội, để bạn bè nghĩ tôi cũng ghét phường tội lỗi vô liêm sỉ đó. Ồ, tôi phải hét lớn hơn nữa chứ nhỉ!
Tôi là ai mà đang hí hửng vui thích với hòn đá trong tay? Ồ, không! Tôi chỉ đi theo đám đông thôi, đám đông ném đá thì tôi ném đá, đám đông bỏ đá xuống, thì tôi cũng quăng cục đá đi. Phải chăng tôi là một người không ý thức, chỉ a dua theo người khác, thiếu sự hiểu biết, và không có quan niệm sống đúng đắn. Vậy tôi có phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình không? Ồ, không! tôi không biết. Có lẽ là đám đông phải chịu trách nhiệm, tôi chỉ làm theo thôi mà!
Tôi là ai trong vụ án xử tử hình lưu động này? Phải chăng chỉ là khách qua đường thấy chuyện hay hay thì đứng lại xem, và khi vở kịch vãn tuồng thì tôi bỏ đi? Không chút xót thương với người bị kết án, cũng chẳng buồn quan tâm đến vị quan toà bất đắc dĩ Giêsu là ai? Sẽ xét xử bản án này ra sao? Ai là đối tượng chính mà các nguyên cáo kinh sư và Pharisêu muốn khử trừ trong vụ án này?
Tôi là ai trong đám đông cuồng điên đó? Tôi có phải chịu trách nhiệm cho hành động của tôi không? Xin mời các bạn tự hỏi lòng mình và tự tìm cho mình câu trả lời.
**********************
Vị thẩm phán bất đắc dĩ Giêsu nhẹ lắc đầu thở dài lặng im cúi xuống, lấy ngón tay di di viết trên đất những dòng chữ ngoằn ngoèo khó hiểu. Chẳng ai hiểu Ngài muốn viết gì? Cũng chẳng ai đọc được những dòng chữ đó. Và cũng chẳng ai hiểu Ngài đang muốn làm gì hay nói gì với đám đông? Câu giờ chăng? Đang ở thế bí không lối thoát chăng? Các vị kinh sư và Pharisêu bắt đầu sốt ruột. Một vị bô lão bước ra giữa, bắt đầu tằng hắng và gằn giọng lập lại câu hỏi lần nữa:
– “Thưa Thày, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môise truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
Đức Giêsu từ từ ngước mắt nhìn lên một vòng những khuôn mặt chung quanh. Từ những khuôn mặt giận dữ mất bình tĩnh của đối phương, đến những khuôn mặt phấn khởi hí hửng chờ đợi màn kịch kết thúc của những kẻ vô tình, xen lẫn là những khuôn mặt căng thẳng lo âu sợ hãi của người thân và bạn bè tội nhân. Cả đám đông im phăng phắc nín thở chờ đợi. Ngài nhắm mắt, nhẹ lắc đầu chán nản. Họ muốn có một câu trả lời cụ thể. Tha hay giết, thế thôi! Bởi tha hay giết, đều là con đường chết của vị quan tòa bất đắc dĩ trong vụ án này. Hít một hơi dài, Ngài từ tốn cất tiếng nói:
– “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”
Cả đám đông bỗng đứng ngây ra như phỗng, lặng im phăng phắc. Họ không chờ câu trả lời này. Đó là tha hay giết? Không rõ ràng! Không dứt khoát! Câu trả lời lại không nhắm vào tội nhân đang chờ bản án, mà lại nhắm vào họ, những người đang có quyền kết tội, nhắm vào trái tim chai đá của họ, như muốn khơi dậy lương tâm đã ngủ quên nhiều năm của họ. Chẳng ai bảo ai tất cả đều cúi xuống đất né tránh cái nhìn của người mà họ đã trót dại đặt vào vị trí thẩm phán. Chẳng ai có đủ can đảm để cất tiếng hoạnh hoẹ nữa, bởi ai là người dám tự xưng mình là sạch tội? Vị quan tòa bất đắc dĩ lẳng lặng cúi xuống và tiếp tục ngón tay nguệch ngoạc trên đất những nét chữ ngoằn ngoèo.
Từng hòn đá, từng hòn đá rơi xuống đất, những bàn tay trước đây nắm chặt cục đá bao nhiêu, giờ từ từ thả lỏng ra, những viên đá vô hồn rơi loảng xoảng xuống nền đất, hết viên này… đến viên khác… tiếng đá chạm vào nhau lách cách… nghe như một khúc nhạc reo vui. Những bước chân nặng nề, giằng co, lôi kéo trước kia, giờ đây nhẹ nhàng lặng lẽ rút lui… từng bước…, từng bước chân bỏ đi… Những bước chân chậm chạp và tiếng gậy lóc cóc của những vị cao niên bỏ đi trước, rồi đến bước đi chầm chậm vững chắc của tuổi trung niên, rồi bước chân thoăn thoắt của đám thanh niên và sau cùng đến những bước chân chim của những em bé tò mò đi theo đám đông coi xử án cho vui. Đám đông bỏ đi với những khuôn mặt, và những tâm sự ngổn ngang khác nhau trong tâm hồn mỗi người, kẻ buồn người vui, kẻ khóc người cười. Họ bỏ đi mang theo những nỗi niềm ăn năn hay những tính toán khác cho bàn cờ sắp tới. Không ai biết được họ đang suy nghĩ gì!
Trái tim người nữ tử tội bật lên khúc nhạc hoan ca khi bước chân cuối cùng bỏ đi… Chỉ còn lại một đôi chân trần duy nhất trên nền đất đen sần sùi! Nàng bò lết lại dưới đôi chân người cuối cùng đó! Mạng sống nàng lệ thuộc vào người này! Nàng sẽ được tha bổng hay lại là một bản án khác? Trái tim nàng đập loạn xạ, căng thẳng chờ đợi. Nàng luống cuống không biết phải làm gì, nói gì hay xin gì. Thời gian như kéo dài ra. Bỗng một giọng nói trầm bổng cất lên trong không gian, đưa nàng về với thực tại:
– “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”
Với ánh mắt lo sợ hồi hộp người nữ tử tội từ từ nhìn lên. Bốn mắt chạm nhau, hai tâm hồn khác biệt, một tội lỗi xấu hổ ăn năn, một thánh thiện rộng lượng nhìn nàng tha thứ, như khích lệ trấn an nàng đừng sợ, ánh mắt như muốn ôm nàng vào lòng để ủi an, để xoa dịu nỗi đau thể xác cũng như tâm hồn nàng! Ánh mắt như xót xa cho thân phận con người yếu đuối, dễ sa ngã! Ôi, ánh mắt nhân từ của vị quan tòa bất đắc dĩ! Sao không một lời trách móc? Ngài có quyền đó mà. Nàng bối rối lắp bắp trả lời:
– “Thưa…. ông, thưa…. Không có ai cả.”
Rồi nàng lại thổn thức xấu hổ cúi gằm mặt xuống đất. Nàng không đủ can đảm để tiếp tục nhìn vào ánh mắt của vị thẩm phán nữa, không đúng hơn là vị Ngôn sứ được dân chúng kính trọng. Nàng không biết gì nhiều về con người ông Giêsu này. Nàng nhớ loáng thoáng xóm giềng nói ông ta là một người nhân từ, chữa lành nhiều người, hay ăn uống chung với những người thu thuế, không kết án những người tội lỗi. Nhưng có thể đó là tại ông chưa gặp trường hợp một người bị bắt quả tang phạm tội tày trời như nàng. Nàng biết tội mình, chỉ vì một phút yếu lòng nhẹ dạ, bởi một lòng tin đặt không đúng chỗ, tại một tình yêu hoang tưởng ngây ngô nghe theo những lời đường mật, bởi chạy theo những phù phiếm xa hoa của thế gian. Nàng không dám biện hộ, cũng chẳng dám xin ơn tha thứ, hay lòng cảm thông. Nhưng lòng nàng khao khát nóng bỏng, muốn xin ơn tha thứ dù biết mình chẳng xứng đáng. Nàng muốn có một cơ hội để làm lại cuộc đời, để chuộc lại lỗi lầm đã qua, liệu có quá muộn màng hay không? Lòng thì đã mở ra, nhưng làm sao để có thể mở miệng xin ơn tha thứ được? Khó quá Chúa ơi!
Người nữ tử tội ngại ngùng sợ hãi cúi mặt xuống đất thầm thì: “Giêsu ơi! Con không xứng đáng với ánh mắt bao dung đó, con không đáng để được hưởng ơn tha thứ, nhưng… nhưng…. con rất cần sự thứ tha… để trở về với gia đình, trở về với chính con, trở về với cuộc đời mà con đã trót lỡ đánh mất!”
– “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
Một phút bàng hoàng ngỡ ngàng, lời xin tha thứ vẫn chưa thoát ra khỏi cửa miệng mà! Rồi niềm vui vỡ oà, nàng bật lên khóc nức nở, gục mặt xuống trên đôi chân vị thẩm phán đã cứu mạng mình!
Nước mắt xối xả tuôn rơi trên bàn chân vị ân nhân, len lỏi qua những ngón chân trần, chảy xuống trên nền đất. Vui quá sao tôi lại khóc? Nàng khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc. Những giọt nước mắt bị cầm nín bấy lâu vì sợ hãi xấu hổ, vì lo lắng cho cái chết oan nghiệt của chính mình, vì sợ không có cơ hội gặp lại những người thân yêu giờ có dịp tuôn trào. Nàng vội vàng lấy mái tóc lòa xòa lau đi những giọt nước mắt trên đôi chân trần ấy. Giọt nước mắt của sám hối ăn năn, giọt nước mắt xót xa cho quá khứ tội lỗi, giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi khi được cứu sống. Qua màn lệ nhòe nhoẹt, nàng thấp thoáng thấy cuộc đời mới đang mở ra trước mắt. Vâng, lạy Thầy Chí Thánh Giêsu, con sẽ nhất quyết làm lại cuộc đời, sẽ từ bỏ cuộc đời tội lỗi để trở về với gia đình, về với đường ngay nẻo chánh. Con không biết người ta gọi Ngài là ai, nhưng riêng con qua cuộc gặp gỡ này, con gọi Ngài là Thiên Chúa nhân từ, Thiên Chúa của lòng tha thứ xót thương, Thiên Chúa của Tình Yêu.
Vị thẩm phán nhân từ chậm rãi đứng lên cởi áo khoác ngoài của mình ra, Ngài nhẹ nhàng cúi mình xuống choàng lên tấm thân rách nát đang run lẩy bẩy, như choàng lên người nàng một tấm áo nhân phẩm mới. Rồi Ngài dìu nàng đứng lên, nàng vịn vào đôi bàn tay đó, như một điểm tựa vững chắc để lấy thêm sức mạnh, rồi loạng choạng đứng lên, chới với như trong mơ với những gì xảy ra quá nhanh ngoài sức tưởng tượng của nàng. Đức Giêsu đưa tay nhẹ lau những giọt máu đang rỉ ra từ những vết trầy xước trên đôi tay gầy guộc. Không nghe thấy tiếng trách móc, không tiếng hạch hỏi tại sao, cũng không một lời kết án! Nàng lắc đầu, hoa mắt, đôi tai ù lên, lờ mờ nửa tin nửa ngờ. Vị Ngôn sứ đưa tay vén những lọn tóc nhớp nhúa dính đầy cát, và nước mắt trên khuôn mặt xanh lè của nàng, như người cha vỗ về an ủi đứa con thơ trong cơn sợ hãi. Ngài dìu nàng đi về hướng thôn xóm và ôn tồn lập lại:
– “Con về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
Dòng nước mắt lại xối xả lăn xuống như mưa, người nữ tử tội trẻ lại nức nở quỳ sụp xuống hôn lên đôi chân của vị ân nhân lần cuối như thay cho lời tạ ơn. Bỗng nàng đưa tay bụm lấy miệng chặn tiếng nấc thoát ra từ đáy lòng, rồi chạy ù về phía cuối chân trời, không một lời giã biệt. Nàng không đủ can đảm để nói lời xin lỗi, càng không đủ sức để nói hai chữ cám ơn. Ngôn từ không đủ để diễn tả hết tâm tình tạ ơn và lòng xấu hổ ăn năn vì tội lỗi nhơ nhuốc của nàng. Nhưng nàng biết, vị ân nhân Giêsu nhìn xuyên thấu tâm hồn nàng. Nàng chỉ biết tạ ơn trời đất đã cho nàng cơ hội sống sót để chuộc lại lỗi lầm của mình. Cám ơn tấm lòng quảng đại đầy yêu thương của vị thẩm phán bất đắc dĩ Giêsu đã cho con một cơ hội để làm lại cuộc đời mình. Cám ơn Đức Chúa Cha đã gởi Người Con Dấu Yêu xuống thế gian này để làm ấm lại tình người. Cám ơn những người anh em đã không kết án con. Cám ơn những bàn tay đã buông bỏ những viên đá vô tri xuống. Xin cám ơn tất cả! Con xin ghi khắc trong tim câu dặn dò đầy yêu thương của Chúa Giêsu Kitô:
“Con hãy về đi và đừng phạm tội nữa!”
Vâng con sẽ về trong bình yên và sẽ cố gắng không bao giờ vấp phạm nữa!
Lang Thang Chiều Tím
Mùa Chay Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016