CÓ NÊN TRỞ VỀ KHI CHA KHUẤT BÓNG?

“Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.” (Lc 15:17-19)

Đang lúc soạn bài diễn văn trong đầu để nói với cha trong ngày trở về, nó lặng người đi khi nghe dân làng truyền tai nhau tin cha nó mới mất chiều qua. Cái chết đến thật bất ngờ, người cha đã qụy ngã ngay trước cổng nhà khi ánh hoàng hôn tắt sau đồi, nơi ông thường ra đứng mỗi ngày mong ngóng đứa con đi hoang trở về. Tuổi già sức yếu đã cắt đứt nguồn hy vọng mong manh, ngày ông có thể dang rộng vòng tay nhân ái để đón thằng con nghịch tử về với ông, về dưới mái nhà thân thương. Dân làng không biết người cha tội nghiệp chết vì kiệt sức trong mỏi mòn đợi trông, hay chết vì cơn đau tim, họ chỉ truyền tai nhau tin ông mới mất.

Nó hụt hẫng như người vừa bị ai giằng lấy cái phao cứu sinh cuối cùng giữa dòng nước chảy cuồn cuộn. Thẫn thờ, nó thả người ngồi phịch xuống đất, há miệng ra thở dốc từng hồi như có ai đang bóp nghẹt lấy trái tim. Hai dòng nước mắt lã chã tuôn rơi trên khuôn mặt gầy hốc hác sạm nắng. Nó không hiểu là nó đang khóc thương cha, hay khóc thương cho cái bao tử xẹp lép không còn đường về. Nó mệt mỏi đưa tay quệt nước mắt gục đầu xuống, kéo theo cái thân xác tiều tụy gầy dơ xương rũ xuống đất trong tiếng kêu ọc ọc của cái dạ dày trống không. Nó không hiểu sao số phận lại nghiệt ngã với nó như vậy. Sao cha lại chết ngay lúc nó muốn trở về.

W13Phải mất một lúc lâu nó mới lồm cồm ngồi dậy, chống cặp mắt ngây dại thẫn thờ nhìn về hướng thôn làng xa xa trong bóng chiều tà. Nó bối rối đưa hai tay vò cái đầu rối bù mà vẫn không biết nên làm gì trong lúc này. Có nên mang cái thân tàn ma dại, đầy vết lở loét về để chịu tang cha hay không? Hay có gan chơi thì có gan chịu, lỡ đi hoang rồi thì đi luôn? Nhưng nếu đi luôn thì đi đâu? Nó đã từng đi ở đợ, chăn heo với mong ước là ăn những thức ăn của heo mà vẫn không ai cho. Nếu về, thiên hạ có chửi rủa, chê cười nó không? Trở về để ở lại trong ngôi nhà đó khi người cha đã ra đi, hay về để rồi tiếp tục đi hoang? Ai sẽ chấp nhận nó trở về trong ngôi nhà đó? Về với cương vị gì? Đầu óc nó rối bung lên với một mớ những câu hỏi không lối đáp. Nó không lạ gì người anh cả hay ghen tương, tị nạnh của nó. Nó đã lấy hết sạch phần gia tài của nó rồi, nó đâu còn phần gì trong căn nhà và ruộng nương nữa. Sợi dây cuối cùng là người cha rộng lượng phóng khoáng chia gia tài cho nó cũng đã không còn. Vậy thì có nên cất bước trở về hay không?

Cơn đói hoành hành bao tử khiến đầu óc nó không đủ minh mẫn để suy nghĩ tiếp và không biết phải quyết định ra sao. Bóng tối ập xuống trong đầu nó. Nó không sợ những lời khinh chê hay cái nhìn dè bỉu của làng xóm. Nó chỉ sợ phải đối đầu với ông anh cả hẹp hòi ích kỷ. Sợ ông sẽ triệt con đường sống cuối cùng của nó. Lo rằng ông sẽ đày đọa nó cho bõ ghét, sẽ hành hạ nó như đứa đầy tớ, sẽ đay nghiến nó vì cái tội phá gia chi tử. Nó biết cũng giống như nó, anh cả cũng chẳng thương yêu gì người cha già tội nghiệp đâu, nhưng ông sẽ chì chiết nó vì cái tội bất hiếu, gián tiếp gây nên cái chết đau khổ mòn mỏi của người cha. Ông có thể ngược đãi dồn nó vô bước đường cùng để nó phải ra đi một lần nữa, hoặc tệ hơn ông có thể đối xử tàn ác, bức tử nó đến chết. Nó rùng mình khi nghĩ đến ngày mai đen tối ở với ông anh cả.

Mắt nó hoa lên vì đói, nó thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn, trong đầu nó hiện lên những thước phim đẹp của những ngày dĩ vãng xa xưa bên người cha nhân ái. Những bữa cơm ấm cúng đầy thịt, nghi ngút khói của ba cha con. Khuôn mặt phúc hậu của cha, những lời giáo huấn chứa chan yêu thương, những lời khuyên bảo anh em nó cách sống ở đời, dạy cách làm việc đồng áng, cách quản lý nhà cửa gia nhân…. Cha không những chỉ yêu thương hai anh em nó, mà ông yêu thương cả những người đày tớ, làm công trong nhà. Ông sống chan hòa với làng giềng, già trẻ lớn bé ai ai cũng thương mến. Trong đầu nó lại hiện lên hình ảnh của nó ngày xưa, thưở nhỏ mặc quần áo đẹp, hay chạy lon ton thả diều bên cạnh cha khi đi thăm đồng, nghe những lời dạy dỗ của cha chữ được chữ mất, tai này lọt qua tai kia. Nó thấy trước đây khi còn ở với cha, nó cũng đâu tới nỗi nào. Chỉ từ khi nghe lời bạn bè xấu xúi giục đòi chia gia tài. Khi có tiền trong tay, xa gia đình, bạn bè xấu vây quanh, nó bắt đầu một cuộc sống đua đòi phóng đãng, không làm ăn, chỉ biết ăn chơi đàng điếm thì núi cũng phải lở. Nó bị phá sản, ra thân tàn ma dại như ngày hôm nay là một kết quả đương nhiên. Chỉ xui xẻo cho nó là ngay lúc nó trắng tay thì vùng nó đang ở lại xảy ra một nạn đói khủng khiếp. Nó thấy tiếc nuối hình ảnh ngày xưa của chính nó. “Nhân chi sơ, tính bản thiện,” nếu nó chịu lắng nghe lời cha, nếu nó vẫn sống bên cạnh cha nó, nếu nó không nghe lời đám bạn xấu đòi chia gia tài, nếu nó không ăn chơi đàng điếm, nếu… và nếu…! Bên tai nó cứ văng vẳng nuối tiếc chữ “nếu…” oái oăm.

Nó bỗng choàng tỉnh dậy, người vốn đã mệt lả vì đói, giờ lại thêm hai luồng tư tưởng xâu xé nhau dữ dội như muốn vắt kiệt sức tàn của nó. Về hay không về? Về với ông anh cả cũng chết, mà không về cũng chết đường chết chợ. Nó chợt nhớ tới bài diễn văn nó đang soạn dở trong đầu: “Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.” Ừ, nó chỉ xin coi nó như một người làm công thôi mà. Thay vì làm công cho cha, thì giờ đây làm công cho anh cả. Cũng là làm công, chỉ khác nhau người chủ thôi, có gì đâu mà phải tính toán. Khuôn mặt hiền lành phúc hậu của người cha hiện lên trong tâm trí như khích lệ ý tưởng đó. Mái nhà thân yêu ngày xưa của ba cha con, căn phòng nhỏ với cái bàn học xinh xắn góc tường và cái giường thơm mùi gỗ lim, làn khói nghi ngút sực nức mùi thức ăn trong chái bếp sau hè… tất cả như đang vẫy tay mời gọi nó trở về. Ừ, cha đã khuất nhưng về với mái nhà xưa sẽ cho nó có cơ hội tìm lại chính mình, tìm lại con người mà nó đã đánh mất trong chuyến đi hoang vừa rồi. Về để tìm lại con người “nhân chi sơ, tính bản thiện” mà cha nó, ngày qua ngày đã dày công dạy dỗ, giáo dục anh em nó với tất cả tình thương và tấm lòng nhân hậu của người cha.

Thế là nó quyết định trở về, dù cái bụng đói trống rỗng thôi thúc, nhưng đầu óc khôn lanh ranh mãnh mách bảo cho nó biết không nên về trong lúc ma chay nhộn nhịp này. Bà con láng giềng, họ hàng sẽ qưở trách nó, nó sẽ trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Thôi, nó sẽ ráng sống lây lất đợi thêm vài ngày nữa, chờ cho những ngày chôn cất cha qua đi, cho họ hàng thân thuộc ra về, khi mọi sự trở lại nhịp sống bình thường, để không còn ai chú ý vào sự trở về không kèn không trống của nó nữa.

Đúng như nó dự đoán, người anh cả tuy không vui, không muốn nhưng ông vẫn lạnh lùng chấp nhận sự trở về của nó như một người làm công. Ông không hạch tội, không trách mắng, chẳng hỏi han, cũng chẳng tỏ chút xót thương cái thân tàn ma dại, đầu bù tóc rối, và áo quần tả tơi của nó. Giao ước được ký kết rõ ràng giữa hai anh em, nó không còn phần gì trong nhà này, đày tớ làm việc gì, nó sẽ làm việc đó, họ ăn cái gì, nó ăn cái đó. Ông trả cho họ bao nhiều tiền công, cũng sẽ trả cho nó y như vậy, không hơn không kém. Nó vui vẻ chấp nhận, miễn sao có cái gì lấp cho đầy bụng, có chỗ tá túc qua ngày, có cái mặc cho ra hồn một con người, lại còn được thêm tiền công. Còn gì hơn nữa?

Sau vài ngày ăn uống nghỉ ngơi cho lại sức, nó bắt đầu công việc của một đứa làm thuê. Những ngày đầu làm việc ngoài đồng, nó ngạc nhiên khi thấy đám đầy tớ âm thầm làm giúp nó nhiều công việc nặng nhọc của đồng áng, mà nó vẫn còn lúng túng chưa quen. Đến bữa ăn, nó lạ lùng khi thấy người hầu len lén đưa thêm phần thịt cá trong bữa cơm của nó. Quần áo mới thay ra, mắt trước mắt sau đã thấy họ đem đi giặt và đưa cho nó bộ quần áo gấp ngay ngắn đã được giặt sạch sẽ. Cái giường nó nằm đã được ai đó kín đáo lót thêm những lớp vải dày để nằm cho êm. Buổi tối trời trở lạnh, bọn gia nhân lén đưa thêm cho nó tấm chăn bông mượt mà. Những lúc tay nó phồng rộp lên vì phải cầm cái cuốc cái cày, họ đã giành làm hết phần việc của nó, đưa thuốc cho nó xức, bảo nó nghỉ ngơi cho khỏe. Người tớ gái còn dấm dúi đưa cho nó cái nón rơm rộng vành để đội dưới ánh nắng trưa hè chói chang ngoài đồng. Đến ngày lãnh lương, nó nhận được phần lương đầy đủ từ người anh cả như những người làm công khác, vì nó đã hoàn thành xuất sắc công việc đồng áng mà nó được giao. Nó ngạc nhiên không hiểu tại sao nó lại được sự ưu đãi kín đáo đặc biệt như thế. Nó không biết từ đâu, nhưng có điều chắc chắn là không phải từ người anh cả lạnh lùng hay ghen tị, vẫn nhìn nó với ánh mắt đố kỵ, và chẳng bao giờ thèm nói chuyện với nó. Nó chẳng màng điều đó, nó chỉ thắc mắc và muốn tìm hiểu nguyên nhân.

Ngày qua ngày, nó đã từ từ lại sức và lấy lại phong độ của một thanh niên đang tuổi trưởng thành. Căn nhà xưa không thay đổi gì nhiều so với lúc trước khi nó đi hoang, gợi nó nhớ lại hình ảnh của người cha và những lời dạy dỗ của cha như vẫn còn văng vẳng đâu đây trong không gian thân thương này. Bọn gia nhân trong nhà, những kẻ làm thuê ngoài đồng vẫn nhìn nó với ánh mắt kính nể, vẫn lễ phép thưa gởi nhẹ nhàng như nó vẫn còn là cậu chủ trong nhà, đã phần nào giúp nó lấy lại sự tự tin và phong thái của một cậu chủ. Đôi khi nó cũng lúng túng không biết mình là ai trong căn nhà này. Một cậu chủ hay một kẻ làm thuê? Dưới cái nhìn khinh ghét và miệt thị của ông anh cả, thì nó đúng là một kẻ làm thuê, ngày ngày sắp hàng lãnh nhận tiền công. Nhưng dưới con mắt của bọn gia nhân, nó thấy mình vẫn là một cậu chủ ngày xưa.

Thôi mặc kệ, cậu chủ hay kẻ làm thuê không quan trọng. Những tháng ngày qua đã dạy cho nó biết rằng giá trị và nhân phẩm của một con người không phụ thuộc vào giai cấp hay tiền bạc. Điều nó muốn là giải tỏa những khúc mắc trong lòng từ bao lâu nay. Một hôm nó chặn một đứa gia nhân đang mang phần cơm ngon nóng hổi ra cho nó, hỏi tại sao nó lại được sự ưu đãi như thế. Đứa gia nhân luống cuống ấp a ấp úng, gãi đầu gãi tai:

– Thưa cậu, thưa… vì trước khi chết, ông chủ có dặn…., ông chủ có lo… có… để lại phần tiền để lo cho cậu khi cậu trở về.

Nói xong tên gia nhân lẩn nhanh đi mất như sợ bị tóm lại hỏi thêm. Nó ngạc nhiên đến thẫn thờ, cha dặn…? Sao cha biết có ngày nó trở về mà dặn dò như thế? Hôm sau ra đồng, nó hỏi một đứa đầy tớ đang cày cho phần ruộng của nó. Đứa đầy tớ sau một lúc lúng túng ấp úng, rồi cũng cho nó câu trả lời giống tên kia. Buổi tối nó hỏi người quản gia, bà bếp… thì ai ai cũng bối rối và sau cùng thì cũng một câu trả lời như nhau. Họ không nói rõ là cha dặn những gì, để lại phần tiền bao nhiêu để lo cho nó. Họ cứ lắp bắp mãi câu: “Ông chủ dặn… ông chủ lo… ông chủ đưa tiền trước….. cậu không cần phải bận tâm!” Tất cả là một sự lo lắng khôn ngoan đầy yêu thương của cha nó, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ như bà mẹ chăm con thơ, từ đầu đến chân, từ khi nó còn đang đi hoang ở mãi tận chân trời nào.

Nó nghẹn ngào, từ từ nó mới nhận ra được tình yêu sâu thẳm của cha dành cho nó. Ông vẫn ấp ủ niềm hy vọng có ngày nó sẽ trở về. Ông cũng lo sợ ngày đó ông không còn sống để đón nó trong vòng tay, để ôm ấp xoa dịu những vết thương của nó, để sai gia nhân đưa áo đẹp nhất cho nó mặc, xỏ nhẫn vào tay cho nó, mang dép vào chân cho nó. Ông đã lo lắng cẩn thận trước mọi sự, mọi ngõ ngách, tính toán trước những tình huống có thể xảy cho đứa con dấu yêu. Những sự chăm sóc, quan tâm chu đáo của đám gia nhân, càng làm nó cảm thấy nao nao nghèn nghẹn trong tim. “Cha ơi…!” Nó buột miệng khẽ gọi! Trái tim nó thổn thức bồi hồi, hai dòng nước mắt lặng lẽ tuôn rơi trong bóng đêm. Đến bây giờ nó mới nhận ra được tình yêu thương vô bờ bến của cha. Đến bây giờ nó mới hiểu được tấm lòng bao la, ẩn sau khuôn mặt nghiêm nghị mà đôi khi nó cảm thấy khó gần gũi. Muộn mất rồi! Nó gục đầu xuống ôm mặt nức nở! Cha đã không còn sống để nó có thể qùy xuống, nói lên lời tạ lỗi chân thành từ trái tim thống hối ăn năn, chứ không phải là một bài diễn văn được soạn trước vì cái bao tử. Cha đã ra đi trước để nó không thể nói lên lời yêu thương, mà hình như chưa bao giờ nó nói với cha. Từ lúc nào đó, trái tim chai sạn của đứa con nghịch tử đã bắt đầu biết yêu cha mình.

Ngày tháng trôi qua, những cử chỉ chăm sóc ưu đãi của đám gia nhân không lọt qua được ánh mắt quan sát khắt khe của người anh cả, nó trở thành cái gai nhọn trong mắt ông anh. Ông hậm hực xốn xang chỉ muốn bứng nó đi cho khuất mắt, nhưng hình như lại không dám. Ông có vẻ còn e dè lưỡng lự, có lẽ như ông cũng đang vướng vào một lời hứa nào đó với cha.

Một ngày đẹp trời, người anh cả kêu hết đám thợ làm công, gia nhân, những người giúp việc trong nhà, và nó ra bàn chuyện. Ông nói muốn bán hết tất cả những thưở ruộng và căn nhà của cha để lại để đi làm ăn phương xa. Ông sẽ cho tất cả mọi người trong nhà nghỉ việc kể cả nó, không giữ lại ai hết, và cũng không giữ lại một cái gì. Mọi người xôn xao bàn tán, người thì bất bình, kẻ thì hậm hực tỏ vẻ phản đối trước quyết định không thu phục lòng người này, còn nó thì lặng thinh không chống đối. Nó cúi mặt xuống tư lự, di di ngón chân trần trên đất, nơi nó đã được sinh ra và lớn lên, nơi đã chứng kiến ngày nó đi hoang và trở về. Số phận thật trớ trêu với nó, khi nó cất bước trở về, thì cha lại bỏ nó ra đi, khi nó bắt đầu chớm nở tình yêu với căn nhà thân thương và mảnh đất quê cha đất tổ này, thì người anh lại muốn bán đi tất cả. Nó đâu còn cổ phần gì trên số gia tài này để nói lên ý kiến của mình. Nó lấy quyền gì để khuyên răn hay ngăn cấm người anh cả? Nó chặc lưỡi xót xa, cha dưới suối vàng chắc sẽ buồn lắm nếu anh nó bán đi ngôi nhà tổ và ruộng nương từ bao đời để lại. Nó cảm thấy tiếc nuối và cay đắng trong lòng. Đứa đi hoang thì muốn ở lại. Kẻ ở nhà thì lại muốn đi hoang! Thôi, đành chịu vậy! Nếu nó đã từng gom góp tất cả phần gia tài của nó để trẩy đi phương xa, bây giờ đến phiên người anh cả, thì tại sao lại không được chứ? Công bằng thôi mà! Nó nhún vai, không sao, chỉ sợ cha buồn! Phần nó cũng chẳng lo, cũng may mà nó đã để dành được vài tháng tiền làm công, tích góp được một số kinh nghiệm sống trong những tháng ngày qua.

Vì cần bán nhà và ruộng nương nên một vài vị cao niên trong làng và trưởng tộc trong dòng họ được mời tới để mở di chúc của cha nó để lại. Láng giềng và họ hàng ai cũng biết chuyện nó lấy nửa phần gia tài bỏ đi hoang, nên chắc chắn phần gia tài còn lại trong nhà, đương nhiên sẽ thuộc về người anh cả thôi. Họ tới và làm như một nghi thức chiếu lệ để chứng thực tính hợp pháp của căn nhà, và những cánh đồng bao la bát ngát. Di chúc được mở ra, ai ai cũng kinh ngạc sững sờ khi biết phần gia tài được chia đều cho hai người con, người anh cả một nửa và người con út một nửa, hai phần bằng nhau không hơn không kém. Tất cả nhà cửa và ruộng vườn khi muốn bán thì phải có sự đồng ý của cả hai anh em. Đứa con út đã từng bỏ nhà đi hoang phải được cư xử và kính trọng như một người con trong gia đình, một cậu chủ trong nhà, chứ không phải là một người làm công, một kẻ thất bại hay ăn bám. Người con thứ cũng có đầy đủ quyền hành trong nhà để tham gia vào những việc ma chay, hay những quyết định quan trọng trong gia đình và dòng tộc.

Nó mở to mắt kinh ngạc, miệng há hốc ú ớ cứ như đang ở trong mơ. Nó bàng hoàng tưởng mình nghe lầm, hay người ta đọc lộn. Nó không chắc cha có tỉnh táo, có đủ trí nhớ không khi viết bản di chúc này? Chắc ông đã quên là đã chia cho nó phần nửa gia tài rồi mà. Chắc ông không nhớ nó là đứa con phá gia chi tử hay sao? Ông không sợ nó lại đi hoang lần nữa sao? Nếu không vì lo buồn trông mong nó thì liệu ông có mất sớm như vậy không? Nó cảm thấy như nghẹt thở, mắt hoa lên, nó đưa tay đè lên trái tim thổn thức rồi òa lên khóc như đứa trẻ thơ, miệng mếu máo: “Cha ơi!”

Người anh cả sau giây phút bàng hoàng trước sự thật phũ phàng, ông nhắm mắt, lắc đầu, bịt tai la to lên: “Không, không thể như thế được!” Ông giận dữ bắt đầu la hét, đập phá, chửi rủa mọi người là giả dối, bất công rồi ông hét to lên ôm đầu chạy ù ra cửa, hung hăng như một người điên. Đám gia nhân và những người làm công nãy giờ đứng xớ rớ trong góc nhà, giờ thì ôm nhau vui mừng nhảy múa, có người sung sướng đến chảy nước mắt như chính họ được hưởng phần gia tài vậy. Họ biết chắc một điều là họ sẽ được giữ lại trong ngôi nhà này, với những công việc cũ, với người chủ cũ, và sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Họ hân hoan hạnh phúc với niềm vui của cậu chủ nhỏ, mà giờ đây chính thức trở thành chủ của họ. Họ vui mừng vì từ bây giờ họ có thể phục vụ, chăm sóc cho cậu chủ trong công khai, như lời dặn dò của người cha, chứ không phải là trong lén lút như những tháng ngày qua.

Mọi người còn chưa hết ngạc nhiên, người quản gia già đi vô nhà trong một lúc rồi khệ nệ bưng ra chiếc áo đẹp nhất mà người cha đã chuẩn bị sẵn để mặc cho nó. Đại diện cho người cha đã khuất, ông xỏ vào tay nó chiếc nhẫn ấn tín tượng trưng cho quyền bính của người con, và xỏ vào chân nó đôi giầy, dấu hiệu của người con trong gia đình. Hôm đó, bê béo được giết và một yến tiệc linh đình được khai mạc để chính thức chào đón đứa con đi hoang trở về trong cương vị một người con, một cậu chủ, theo lời dặn dò của người cha nơi chín suối. Họ vui mừng nhảy múa, đàn ca hát xướng đến tận đêm khuya. Trăng đêm nay sáng quá, vầng trăng tròn trên bầu trời mang dáng dấp khuôn mặt của người cha nhân hậu nở nụ cười, tuy nụ cười chưa được trọn vẹn mãn nguyện vì buổi tiệc vắng bóng người anh cả. Ánh trăng lung linh như cõi lòng bao la của người cha chiếu sáng cả một dải đất hiền hòa, để niềm vui của những người dự tiệc được kéo dài mãi. Những vì sao lấp lánh trên bầu trời như đang nắm tay nhau nhảy múa, hòa chung với niềm hân hoan của mọi người trong gia đình xóm làng.

***********************

“Có Nên Trở Về Khi Cha Khuất Bóng?” không chỉ là mối ưu tư trằn trọc, một sự dằng xé quyết liệt của người con đi hoang trước hai ngã rẽ cuộc đời, mà đó cũng là sự đấu tranh nội tâm, sự lựa chọn sống chết của mỗi người trong cuộc sống. Hình ảnh người cha đã khuất là những lúc khô khan nguội lạnh trong đời sống thiêng liêng, là đêm tối của tâm hồn, những lúc bị thử thách không cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, là khi Thiên Chúa ẩn mặt, khi tình yêu im tiếng, khi tôi bị bỏ rơi trong tuyệt vọng…. trong những lúc khó khăn như thế, tôi có nên trở về với Người Cha Nhân Hậu, về với nhà thờ, và về với chính lòng mình không?

Người con hoang đàng đã chọn câu trả lời và có một kết qủa bất ngờ, còn bạn thì sao?

Lang Thang Chiều Tím
Mùa Chay Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016

NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

Ta thường gọi là dụ ngôn “Người con hoang đàng.”  Cách gọi này không được chính xác.  Trước hết vì sự trở về của đứa con không đáng làm khuôn mẫu cho ta.  Hơn nữa, xét theo bối cảnh và nội dung, Chúa Giêsu, khi kể dụ ngôn này, có ý đề cao tình yêu thương, lòng khoan dung nhân hậu của người cha.

Bối cảnh: Nhóm Pharisêu và các Kinh sư chê trách Chúa Giêsu vì Người ngồi ăn với những kẻ tội lỗi. Để trả lời họ, Chúa Giêsu kể một chuỗi 3 dụ ngôn: Con chiên đi lạc, Đồng bạc bị mất và Người cha nhân hậu.

Nội dung: Có thể coi đây là một vở kịch 2 màn.

test1NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON ÚT
Đứa con ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân.
Sự ích kỷ được biểu lộ trước hết trong việc xin chia gia tài, ở nhà chung mà chỉ nghĩ đến vun quén riêng.  Không đóng góp mà chỉ muốn rút tỉa.  Không làm việc mà chỉ muốn hưởng thụ.  Sự ích kỷ đạt đến mức tồi tệ đáng kinh tởm khi nó dám mở miệng xin chia gia tài.  Theo truyền thống phương đông, gia tài chỉ được chia sau khi cha mẹ đã qua đời.  Xin chia gia tài lúc cha mẹ còn sống có khác nào cầu mong cha mẹ mau chết đi!

Có tiền bạc trong tay, nó bắt đầu ăn tiêu phung phí.  Cách ăn tiêu nói lên tính ích kỷ của đứa con.  Nó tiêu tiền mà không nghĩ gì đến mồ hôi nước mắt của cha mẹ.  Nó tiêu tiền chỉ để thoả mãn dục vọng.  Nó dùng tiền bạc để cung phụng bản thân.  Khi có tiền nó chẳng nghĩ đến ai, nên khi hết tiền, chẳng còn ai gắn bó, sẵn sàng giúp nó qua cơn túng thiếu.  Túng cùng quá mới phải trở về.
Sự ích kỷ vẫn còn đó trong toan tính trở về.  Nó không hề nghĩ đến cha mẹ.  Nó không hề nghĩ đến tình thương.  Nó chỉ nghĩ đến cái bụng.  Về nhà để được ăn no.  Chỉ có thế.
Người cha hoàn toàn quên mình vì con.

Khi đứa con xin chia gia tài, ông đã chia ngay, không so đo tính toán, không hạch sách khó khăn.  Ông không nghĩ đến bản thân, không tự ái, chỉ mong sao con cái được vui lòng.
Khi con đã ra đi, ông ngày đêm thương nhớ, ngày nào cũng ra ngõ đứng chờ.  Thật tội nghiệp, con ra đi chẳng nhớ nhung gì đến cha mà cha không phút giây nào ngừng thương nhớ con.  Con chỉ biết tìm vui cho bản thân trong khi cha mỏi mòn trông đợi.  Con chỉ biết đến tiền bạc, còn cha chẳng quan tâm gì đến tiền của, nhưng chỉ cần có con.

Cảm động nhất và cũng chan chứa tình thương nhất là phút giây gặp gỡ.  Một phút giây vắn vỏi mà nói lên bao nhiêu điều về tình thương của cha.  “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy.”  Khi con chưa nhìn thấy cha thì cha đã nhìn thấy con.  Mắt chàng trai trẻ hẳn phải tinh anh hơn mắt ông cụ đã nhoà dòng lệ vì thương nhớ chứ.  Thế mà cha đã nhìn thấy con trước.  Vì cha không nhìn bằng mắt nhưng nhìn bằng trái tim.  Trái tim yêu thương có đôi mắt tinh tường giúp nhận ra ngay bóng người yêu dấu.  Trái tim con không còn yêu thương nên nhìn chẳng thấy cha.  Trái tim con khô cằn nên mắt vẫn sáng mà chẳng khác mù lòa.  Trái tim cha đầy ắp yêu thương nên đã lòa rồi mà vẫn thấy rõ con ngay từ đàng xa.

“Ông chạnh lòng thương.”  Trái tim dạt dào yêu thương quên hết tất cả lầm lỗi của đứa con.  Tình cảm đầu tiên dâng lên trong tim ông không phải là tiếc xót nửa gia tài đã mất, cũng không phải là tức giận thằng con phá gia chi tử, nhưng lại là chạnh lòng thương.  Yêu quá nên người cha chẳng còn nhìn thấy gì khác hơn là đứa con tiều tuỵ rách rưới.  Yêu quá nên người cha chẳng nhìn thấy lầm lỗi mà chỉ nhìn thấy nỗi khổ của con.  Trong trái tim ông, chỉ có tình thương dành cho con, nên vừa gặp con là tim đã rộn ràng xúc động.

“Chạy lại ôm cổ con.”  Lại một cử chỉ lạ lùng.  Cha không chờ con tới theo đúng lễ phép mà đã vội vàng chạy lại ôm con.  Tình yêu thương thúc đẩy, niềm vui dâng dạt dào khiến người cha không chần chờ được nữa.  Bất chấp thân phận cao quý của mình, ông chạy đi như một đứa trẻ được quà.  Bất chấp tuổi tác của mình, ông nhanh nhẹn như một thanh niên sung sức.  Đứa con tuổi còn trẻ mà sao chẳng nhanh nhẹn bằng ông già?  Vì trong tim nó thiếu tình yêu.  Trái tim không tình yêu cũng giống như cơ thể không sức sống.  Ông già mà nhanh nhẹn vì ông không chạy bằng sức lực của đôi chân.  Ông chạy bằng trái tim.  Ông bay bằng tình yêu.  Tình yêu chắp cánh cho ông.

“Hôn lấy hôn để.”  Chẳng còn bút nào tả xiết niềm vui của người cha khi gặp lại đứa con.  Những nụ hôn không ngớt đủ nói lên tình cảm dạt dào ông dành cho nó.  Ông ôm chặt như để giữ không cho nó ra đi nữa.

Trong một thoáng, khi đứa con chưa có một động tác nào thì người cha đã có 4 động tác: nhìn thấy, chạnh lòng thương, chạy đến, ôm hôn.  Trong một thoáng ngắn ngủi, khi chàng trai tuổi trẻ còn bất động thì ông lão già nua đã thực hiện 4 động tác rất nhanh nhẹn.  Ông thật là người cha phung phí.  Ông đã phung phí sức lực trong cuộc gặp gỡ với đứa con trở về.  Ông đã phung phí tiền bạc khi chia gia tài một cách dễ dãi.  Ông đã phung phí khi đem áo mới, giầy mới, nhẫn vàng, lại còn tổ chức một bữa tiệc mừng có bê béo, có cả đàn hát múa nhảy để đón đứa con đi hoang trở về.  Làm thế chẳng sợ hàng xóm cười cho!  Nói tóm lại ông đã phung phí tình yêu thương.  Yêu thương quá độ.  Yêu thương đến vô lý.  Mà có lý lẽ nào giải nghĩa được yêu thương?  Chỉ có tình yêu thương mới giải nghĩa được những điều vô lý đó.

MÀN 2: NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON CẢ
Đứa con cả đi hoang trong tâm hồn.

Đứa con cả vẫn ở nhà, nhưng thực ra chỉ có thân xác ở nhà, còn tâm hồn nó đã đi hoang từ lâu.  Tuy ở trong gia đình, nhưng tâm hồn nó không thuộc về gia đình.  Nó làm việc không phải với tâm tình của một người con hiếu thảo coi “mọi sự của cha là của con.”  Nó muốn vun quén riêng tư.  Nó làm việc với tinh thần nô lệ, mong được trả công, chỉ nghĩ đến con “bê nhỏ,” đến “bạn bè” riêng của nó.

Sống bên cha mà tâm hồn nó xa tâm hồn cha biết bao.  Nó không sao chia sẻ được những tình thương, những ưu tư, hoài bão của cha.  Cha là tình thương nhưng con chỉ là ích kỷ.  Cha là bao dung nhưng con chỉ là hẹp hòi.  Tâm hồn cha rộng mở bao nhiêu thì tâm hồn con khép kín bấy nhiêu.  Cha chỉ biết tha thứ trong khi con chỉ biết kết án.  Thật là khác biệt ngàn trùng.
Cha đi tìm con

Một lần nữa, người cha lại phải bỏ nhà ra đi, bỏ dở bữa ăn để tìm đứa con đi hoang trong tâm hồn.  Vẫn với cử chỉ dịu dàng cố hữu; vẫn với những lời lẽ ôn tồn; vẫn với ánh mắt chan chứa cả một trời bao dung, cha cố gắng thuyết phục đứa con cả trở về.
Nếu đứa con út cần một cuộc trở về thì đứa con cả cần tới hai cuộc trở về: về với cha và về với em.  Đi hoang trong tâm hồn xa xôi diệu vợi thế!

Qua dụ ngôn này Chúa cho thấy dù tôi là con út hay con cả, tôi vẫn cần trở về.  Vì nếu tôi chưa đi hoang trong đời sống, chắc chắn đã rất nhiều lần tôi đi hoang trong tâm hồn: suy nghĩ và hành động của tôi khác hẳn với đường lối của Thiên Chúa là Cha; tôi vẫn không muốn chấp nhận anh em tôi.

Nhưng dụ ngôn cũng cho tôi an tâm trở về.  Hình ảnh người cha hiền đứng đợi mời gọi tôi mau bước. Chúa là người Cha yêu thương tôi trước khi tôi yêu Người, đi tìm tôi trước khi tôi đi tìm Người, tha thứ cho tôi trước khi tôi xin lỗi Người.
Lạy Chúa là Cha nhân từ, con cảm tạ tình yêu thương vô vàn của Cha.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

BIỂN MÙA NÀY LẶNG SÓNG

testTìm đến biển vào một ngày cuối xuân, dường như cái nắng nhẹ vàng đang nhuộm màu biển cả, làm làn nước ấy thêm xanh.  Nhưng lạ một nỗi, sóng biển hôm nay đã bớt rì rào, và có lúc lắng lặng.

Người ta thường tìm đến biển để cảm được một chút nào đó sự bé nhỏ của phận người.  Quả thật không sai.  Khi đứng trước biển bao la kia, con người chỉ còn là một chấm phết, chẳng đủ lớn lao để có thể góp phần vào bức tranh kỳ vĩ xanh một màu mang tên biển cả.  Nhỏ bé vô cùng!

Có người lại tìm đến biển để mong bắt gặp một cõi bình yên.  Giữa biển chiều vắng, thả bộ thong dong, nghe làn gió mát, để hồn phiêu diêu theo từng nhịp sóng vỗ bờ; bình yên.  Hay đơn giản chỉ là nhìn ngắm, trông về phía xa ngoài khơi nơi những con tàu ẩn hiện, nơi ngọn hải đăng chốc chốc vụt sáng rồi tắt đi, nơi đôi mắt chẳng còn nhìn thấy bờ; bình yên đơn giản là thế.  Nhưng liệu biển đất trời kia có thể mang bình yên vào hồn người đang mong ngóng?

Thật ra, sóng biển kia chỉ vỗ theo nhịp sóng trong lòng kẻ ngắm nhìn.  Hãy để ý mà xem, khi lòng người xô bồ nhộn nhịp, họ chẳng thể đụng chạm được cái nhẹ êm của biển, dù chỉ với những con sóng lăn tăn.  Còn nếu lòng tịnh lắng, sóng biển kia dù vồn vã xô nhau vẫn chỉ là những cú vỗ êm đềm.  Vậy ra, biển của trời đất kia lặng hay nổi sóng chẳng phải vì tự nó vốn thế, nhưng vì sóng trong lòng người đang lắng hay đang mãi xô bờ, từ đó hòa điệu với nhịp vỗ của tự nhiên.

Và biển mùa này lặng sóng.  Thật ra sóng biển cả vẫn vỗ, nhưng sóng lòng đang lắng để có thể khắc khoải trong một mùa thánh thiêng, mùa sám hối, mùa trở về.

Nói cho cùng, nếu biển của đất trời lặng sóng, nó sẽ chẳng còn là biển.  Nhưng còn lòng người, nó vẫn mãi là nơi mà ta gọi là tâm hồn, và tâm hồn ấy sẽ tĩnh hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn, nếu những cơn sóng ở đó tan đi.  Bạn mệt mỏi và quay quắt với bài vở, công việc, bạc tiền; sóng lên.  Bạn ngập chìm trong cảm giác cay đắng của thất bại, của tổn thương; bạn tức tối, hận thù, kiệt sức vì mãi tranh giành, để tìm chỗ đứng; lòng bạn nổi sóng.  Bạn yêu, bạn ghét, bạn nhớ thương đợi chờ trong những mối tình nhân loại; lòng bạn yên được sao?  Đôi khi sự giả trá và cả những đổ vỡ bất công nơi môi trường bạn sống cũng khiến lòng bạn sóng lên.

Mùa Chay đã qua nửa chặng đường, bạn có muốn lòng mình lắng một chút với những con sóng thế gian?  Mời bạn ngồi xuống, ngồi trước biển lòng bạn trong cõi riêng tư, và nghe những tiếng sóng vỗ vào hồn.  Chúng sẽ lặng đi trong cõi tĩnh mịch của riêng bạn.  Chính khi để những cơn sóng ngủ yên là khi bạn trở về.  Và lúc đó bạn sẽ nghe rõ tiếng tình yêu Thiên Chúa đang ngỏ cùng bạn, từ muôn thuở.

Mùa Chay 2016,

Nguyễn Minh Vương, S.J.