CHỈ LÀ MỘT

ZZ“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly”

Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.  Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng?  Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các kitô hữu vẫn tăng.  Sống với nhau suốt một đời trở thành ước mơ khó đạt.

Trong xã hội Do thái giáo thời Đức Giêsu, người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới. Người vợ là một thứ tài sản của người chồng, nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ, có khi ly dị vì một lý do cỏn con.  Trước câu hỏi: “Chồng có được rẫy vợ không?”  Đức Giêsu kiên quyết nói không.  Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế.  Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần.

Lập trường của ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo của thời đó cũng như thời nay.  Điều này khiến các môn đệ của Đức Giêsu có lần bị sốc.  Họ nói: “nếu vậy thì thà đừng lấy vợ thì hơn” (Mt 19, 10).  Hóa ra các ông vẫn cho mình có quyền bỏ vợ nếu muốn.

Khi người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật để biện minh cho việc ly dị đúng theo luật Môsê, Đức Giêsu lại trích sách Sáng Thế, để nhấn mạnh đến sự hiệp nhất vĩnh viễn của vợ chồng.  Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.  Điều này nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.  Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời.  Đức Giêsu đến để hoàn chỉnh luật Môsê và khai mở trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa.

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp…”  Vậy trong Lễ Cưới, không phải chỉ có hai người yêu nhau, lấy nhau và cam kết suốt đời sống cho nhau.  Hôn nhân không chỉ là bản hợp đồng giữa hai bên.  Còn cần một bên thứ ba là Thiên Chúa, Đấng phối hợp và làm cho hai bên kia nên vợ nên chồng.  Thiên Chúa có mặt trong mỗi Lễ Cưới, và tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người muốn bỏ cuộc.

Chung thủy chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.  Khi thịnh vượng, lúc gian nan; khi bệnh tật, lúc mạnh khỏe.  Còn nhiều tình huống khác đe dọa hôn nhân: Khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối vấp ngã, khi đổ vỡ quá lớn và vết thương quá nặng, khi đời sống vợ chồng trở thành như hỏa ngục…  Những khi ấy, yêu thương và kính trọng nhau thật khó.  Con người bị cám dỗ tìm giải pháp chia tay.

Chúng ta cầu cho những ai đã và sẽ kết hôn.  Xin cho họ bớt một chút ích kỷ, thêm một chút khiêm tốn, bớt một chút tự ái, thêm một chút phục vụ, bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…  Nhờ đó họ cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ và tưới bón tình yêu.

*****************************************

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao, xin Cha nhìn xuống những gia đình sống trên mặt đất trong những khu ổ chuột tồi tàn hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến những gia đình thiếu vắng tình yêu hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu, những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình; nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ hạnh phúc luôn ở trong tầm tay của từng người chúng con.  Amen.

LM Nguyễn Cao Siêu

THẦY GIÊSU VÀ TÔI

ZZTôi nổi giận thì Thầy lại bảo: Hãy nhịn nhục và thứ tha.
Tôi run sợ thì Thầy lại bảo: Hãy can đảm.
Tôi hoài nghi thì Thầy lại bảo: Hãy tín thác.
Tôi bồn chồn không ngơi thì Thầy lại bảo: Hãy tĩnh lặng đi.
Tôi thích đi con đường riêng mình thì Thầy lại bảo: Hãy theo Ta.
Tôi muốn lập kế hoạch riêng cho mình thì Thầy lại bảo: Hãy quên đi.
Tôi nhắm tìm của cải vật chất thì Thầy lại bảo: Hãy bỏ lại đằng sau.
Tôi muốn được bảo đảm ở đời này thì Thầy bảo: Phần Ta, Ta chẳng hứa hẹn gì đâu.
Tôi thích sống cuộc đời riêng của mình thì Thầy bảo: Hãy từ bỏ chính mình đi.
Tôi nghĩ rằng mình tốt lành thì Thầy bảo: Tốt lành thôi thì chưa đủ đâu con.
Tôi thích làm ông chủ thì Thầy bảo: Hãy quỳ xuống mà phục vụ lẫn nhau.
Tôi muốn ra lệnh cho người khác thì Thầy bảo: Thôi, hãy vâng lời đi.
Tôi đi kiếm tìm tri thức thì Thầy bảo: Hãy tin.
Tôi thích sự rõ ràng thì Thầy lại dạy tôi bằng ngụ ngôn.
Tôi thích thi ca mơ mộng thì Thầy lại nói toàn chuyện hiện thực.
Tôi yêu sự yên tĩnh của mình thì Thầy lại muốn tôi bị quấy rầy.
Tôi thích bạo lực thì Thầy lại bảo: Bình an ở cùng các con.
Tôi rút gươm ra thì Thầy bảo: Vứt nó ngay lập tức.
Tôi nghĩ chuyện trả thù thì Thầy bảo: Đưa má bên kia cho người ta đánh luôn đi con.
Tôi nói về một trật tự thì Thầy bảo: Ta đến đem gươm giáo.
Tôi căm ghét thì Thầy bảo: Thôi, hãy yêu thương cả kẻ thù nhé.
Tôi muốn gieo sự hòa hợp thì Thầy nói: Ta đem lửa xuống thế gian.
Tôi muốn làm người lớn thì Thầy nói: Hãy trở nên trẻ nhỏ.
Tôi muốn ẩn thân, Thầy bảo: Ánh sáng thì phải chiếu rọi.
Tôi đi tìm chỗ nhất trong hội đường, Thầy lại bảo: Xuống chỗ chót hết mà ngồi.
Tôi thích được quan tâm, Thầy nói: Đóng cửa lại mà cầu nguyện.

Không, tôi không thể hiểu nổi ông Thầy Giêsu này. Ông khiêu khích tôi, ông làm tôi bối rối.
Cũng giống như nhiều học trò khác, tôi rất muốn đi theo Thầy Giêsu này. Thế nhưng, khổ quá, chắc là phải đi tìm ông thầy khác thì sẽ khá hơn, Ít đòi hỏi hơn và lại có nhiều quyền lợi hơn.

Nhưng cuối cùng, tôi đã cảm nhận như anh trưởng Phêrô đã thốt lên:
“Tôi không biết ai khác lại có được Lời ban Sự Sống đời đời như Thầy Giêsu của tôi.”  Amen.

Khuyết danh,
Theo Ephata

LỜI TRẦN TÌNH ĐÁNG SUY TƯ CỦA MỘT CỰU LINH MỤC

Trên tờ Records của giáo phận Perth, Australia, có đăng lời tâm sự của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh mục, nay đã hoàn tục.  Bài tâm sự này là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta không nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện hằng ngày.

“Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô.  Tôi xác quyết rằng dù sống hay dù chết, dù tù đày, bắt bớ, dù khốn cùng, quẫn bách.  Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô”.

Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát trên.  Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy thì tôi sẽ đời đời sống trong lòng mến của Thiên Chúa.

ZZThật ra, cũng không hoàn toàn là vô lý.  Thật sự, đúng là tù đày, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa.  Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy không xảy ra trên đất nước tự do này.  Ai dám bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược đãi tôi vì tôi là người Công giáo, tôi kiện họ lên tới Tối Cao Pháp Viện chứ chơi à.

Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là “bứng” tôi hoàn toàn khỏi lòng mến của Thiên Chúa: Một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay “Tiếng thở dài.”  Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong kiếp nhân sinh này, đã được bề trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt.

Có những người viết thư cho tôi cho biết họ tìm lại được đức tin sau khi đọc cuốn sách đó.  Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở các ý kiến của tôi.

Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn sách, họ cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con.  Con phó thác mọi sự trong tay Chúa.  Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa muốn nói với con điều gì?”

Khốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện.  Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa.  Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học, cho nên tôi xao lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết hằng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi.  Có lẽ, tôi đã cho rằng cầu nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người bình dân.  Siêu đẳng như tôi thì không cần.  Càng ngày tôi cũng càng ít có giờ cho giáo dân và càng ngày tôi càng bướng bỉnh và kiêu căng với các đấng bề trên.  Chuyện gì đến cũng đã đến.  Tôi không muốn sa vào những phân tích vụn vặt.  Điều tôi muốn nói với các bạn sau nhiều năm suy tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân thành của tôi là sự thật đơn giản này:  Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài.  Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Chẳng vậy, mà trong Phúc âm biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu này: “Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện.”  Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý Chúa Cha.  Chúng ta là ai, tư cách gì, mà đòi có thể biết được ý Chúa qua trí khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt, bận rộn của cuộc sống quay cuồng chung quanh.

Chẳng vậy, tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao.  Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các Thánh mà chúng ta hằng tôn kính.  Chính sự cầu nguyện đã giúp các Ngài nên Thánh.

Tôi đặc biệt mong muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”: Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa.  Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí “dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn.

Trong việc cầu nguyện, trước hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tới gặp con người đau khổ.  Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng.

Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi.

Trích “Nên thánh trong thời đại mới”, KILIAN Mc GOWAN, C.P

Người dịch LM JBM Trần Minh Cương

 

CHẶT TAY BẠN ĐI

ZZNgày xửa, ngày xưa, một đoàn thám hiểm từ lục địa Châu Âu đi tìm đất mới.  Bạn biết gì về hòn đảo Ireland ngày nay – Nhà lãnh đạo của họ là một người phiêu lưu với số mệnh.  Ông tuyên bố: Ai dựng lều đầu tiên, sẽ là chủ toàn thể lãnh thổ.  Một người trong nhóm tên là O’Neil quyết tâm dành được đất mới.  Ông rán sức chèo, nhưng một chiếc thuyền đối thủ rượt theo ông, bắt kịp ông rồi qua mặt ông.  Ông có thể làm gì?  Người đàn ông tinh thần mạnh mẽ, ý chí sắt đá này buông mái chèo, cầm lấy búa và chặt bàn tay trái liệng lên bờ.  Như thế ông là người đầu tiên đụng vào đất mới, và nó là của ông.

Tôi kể câu chuyện đẫm máu và rùng rợn này để giúp chúng ta hiểu được những lời đẫm máu và rùng rợn của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Nếu tay bạn làm cớ cho bạn phạm tội, hãy chặt nó đi.  Thà bạn tàn tật mà được vào cõi hằng sống hơn là có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục.  Chúa Giêsu muốn nói điều chi?

Người nói rằng những ai theo Người phải sẵn sàng hy sinh những cái gần gũi nhất, thân yêu nhất hơn là bất tuân luật Chúa bởi phạm tội.  Cắt tay, chặt chân, hay móc mắt không hiểu theo nghĩa đen.  Chúa Giêsu không nói rằng chúng ta phải thật sự chặt tay, chặt chân.  Đó chỉ là cách nhấn mạnh của Người và gây ấn tượng mạnh mẽ trên chúng ta, để chúng ta hiểu rằng Nước Thiên Chúa, đất vĩnh cửu của chúng ta muốn đạt được, xứng đáng mọi hy sinh.

Để chiếm được Nước Trời, chúng ta phải sẵn sàng làm một vài việc quyết liệt và đau đớn như chặt chân, cắt tay.  Với một số người, xa lìa một vài món đồ vật chất cũng có thể đau đớn như cắt một bàn tay.  Tuy nhiên Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: Nếu chúng ta cho người đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người không nhà ở trọ, chúng ta sẽ chiếm được Nước Trời. Chúng ta phải làm một vài hy sinh để nâng đỡ Giáo Hội Chúa, công cuộc của Chúa là truyền bá đức tin.  Cái đó thường cũng đau đớn.

Hy sinh để đẹp lòng Chúa và chiếm đoạt Nước Trời có thể cũng đau đớn như cắt một bàn tay.  Với một người nghiện rượu, bỏ một chai rượu hay chỉ một ly thôi cũng có thể gây khổ sở cho anh.  Nhưng để làm đẹp lòng Chúa, anh phải bỏ.

Chúng ta thích ngủ nướng trên giường vào sáng Chúa Nhật hơn là đi lễ.  Cố gắng chiến đấu để vượt thắng tính lười biếng, có thể gây phiền phức, khó chịu ở một mức độ nào đó.  Nhưng đó là phương cách để chúng ta chiếm đoạt Nước Thiên Chúa.

Thường dễ ngồi chăm chú nhìn màn kính truyền hình đến phút chót, hơn là dành chút thời giờ cầu nguyện hay đọc vài dòng Kinh Thánh, hoặc đọc báo chí Công giáo, và ngay cả nói chuyện với người thương.

Hầu chuyện với Chúa là một đặc ân lớn lao, một niềm vui tuyệt diệu nhưng nó đòi hỏi cố gắng cắt bớt một vài việc không quan trọng và gặp gỡ Chúa.  Chúa Giêsu đã cố gắng, Chúa Giêsu đã hy sinh.  Người không chỉ cắt tay, Người hiến cả thân mình, chúng ta tưởng niệm sự dâng hiến đó nơi đây trên bàn thờ này.  Hãy xin Chúa Giêsu sức mạnh để từ bỏ chính mình.

Xin Chúa chúc lành bạn.

GM Arthur Tonne

CHA THÁNH PIÔ

ZZCha thánh Piô sinh ngày 25-05-1887 tại Pietrelcina, được gọi tên là Francesco Forgione. Ngài lớn lên trong một gia đình Công giáo đạo đức. Lúc khoảng 6, 7 tuổi, ngài đã có được sự liên kết rất đặc biệt với Thiên Chúa. Ngài thường trò chuyện với Thiên Chúa ở nơi đồng vắng. Từ thuở nhỏ, ngài có thói quen rất tốt lành là sốt mến cầu nguyện. Ngài nhìn ngắm Chúa Giêsu trên Thánh giá và thân thưa cùng Chúa cho mình được chia sẻ những đau đớn với Chúa.

Năm 1903, ngài vào dòng Phanxicô. Một năm sau nhận tu phục Dòng Phanxicô Capucinô và có tên mới là Piô.
Ngài được phong chức linh mục và được chuyển đến một số nơi. Đến năm 1916, ngài được chuyển đến San Giovanni Rotondo và đã ở đây suốt 52 năm. Cha được mọi người ngưỡng mộ vì lòng yêu mến nhiệt thành đối với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và được coi như là một nhà thần bí vĩ đại thời hiện đại.

Cha Pio xuất thân từ nhà nghèo nên ngài rất yêu mến người nghèo. Cha ao ước có được bệnh xá để sau cuộc chiến sẽ cứu chữa những thương binh trở về, và cha cũng đã được toại nguyện do tin tưởng mãnh liệt vào Đức Maria ban ơn cứu giúp.

Cha Pio có nhiều kinh nghiệm về những khả năng siêu nhiên với các phép lạ kèm theo: Nhìn thấu suốt tâm hồn con người, nói tiên tri, ở hai nơi cùng một thời điểm, hương thơm đời sống thánh thiện, biết biện phân các thần khí, ngủ ít nhưng vẫn sống được, chữa người ta khỏi bệnh cách lạ lùng, được Chúa Giêsu và Mẹ Maria đến thăm, nhất là hằng ngày được rước lễ với Thiên thần bản mệnh của mình.

Một trong những ân huệ siêu nhiên nổi tiếng nhất của ngài là được Chúa ghi Năm Dấu Thánh trên thân xác vào năm 1918 khi ngài cầu nguyện trước Thánh giá. Những vết thương đã gây cho ngài rất nhiều đau đớn và cũng rất nhiều ân ban kỳ diệu. Trong cuốn sách “Cuộc đời cha Piô” có kể lại rằng:

“Cái yên tĩnh của ban đêm đã bao trùm tu viện khi Cha Piô còn ngồi giải tội cho các thầy. Đó là ngày 5 tháng Tám 1918, là ngày ngài không thể quên được vì nó bắt đầu sự thống khổ đặc biệt của ngài.

Ngài giật mình kinh hãi khi thấy một người lạ tay cầm thanh kiếm dài và mỏng đứng ngay trước mặt. Thân thể như tê liệt, ngài không thể cựa quậy và mắt trừng trừng theo dõi mũi kiếm mà từ đó phát ra những tia lửa. Đột nhiên, ngài thất thanh kêu lên một tiếng lớn khi thanh kiếm như xuyên qua linh hồn ngài. Không biết làm sao mà ngài lấy lại được bình tĩnh và giải tán các thầy đang chờ xưng tội. Suốt đêm đó và qua một ngày và một đêm hôm sau, thân thể ngài yếu dần vì như có lưỡi kiếm bằng lửa đang cắt thân thể ngài ra từng mảnh.

Hơn một tháng trôi qua, sau khi làm lễ vào sáng thứ Sáu, ngày 20 tháng Chín, sự kinh hoàng và thống khổ của ngài đến tột đỉnh ngoài sức chịu đựng của con người. Tuy nhiên, cơn ác mộng đó bắt đầu trong một giây phút thật bình thản và yên lặng. Ngài cảm thấy buồn ngủ, như thể ngài ngủ say đến độ không còn biết gì cả. Cái cảm giác kỳ lạ thấm dần qua từng sớ thịt và hầu như làm ngài mê đi.

Và rồi, vị khách bí ẩn đã đến trong giấc mộng êm đềm, và chính lúc đó các giọt máu từ tay, chân và cạnh sườn của vị khách bắt đầu chẩy ra và đọng lại thành vũng trên sàn nhà. Ngay lập tức cái êm đềm của Cha Piô tan biến và tim ngài bắt đầu đập mạnh như muốn vỡ tung lồng ngực trong cái thân thể bất động. May mắn thay, tất cả dịu lại một cách thật bất ngờ cũng như khi xuất hiện, và thân thể mềm nhũn của ngài khụy xuống vũng máu.

Ngài mở mắt, những giọt nước lăn dài trên khoé mắt. Cơ thể ngài bắt đầu có cảm giác và ngài nhận thấy tay trái của mình đang run rẩy. Ngài cố nhấc chân lên và ngay lập tức cái đau âm ỉ trở thành nhói buốt đâm vào tay, chân và cạnh sườn ngài. Ngài chống khủy tay ngẩng đầu dậy và nhìn vào đôi tay run lẩy bẩy. Hai bàn tay đầy máu. Nhìn vào thân thể, ngài thấy một bên áo dòng ướt đẫm. Đôi mắt ngài tiếp tục nhìn xuống. Và đôi chân ngài cũng đỏ máu. Toàn thân ngài run lên vì sợ hãi. Ngài muốn cất tiếng kêu cứu nhưng cổ họng như nghẹn lại, và ngài há hốc mồm để thở.

Cơn ác mộng tiếp diễn. Có một động lực nào như giục ngài đứng dậy, đi về phòng trước khi các linh mục trong tu viện trở về và có thể bắt gặp. Ngài cố nhấc mình lên, và thân thể quặn đau theo từng bước. Không hiểu làm sao mà ngài có thể lết qua cái hàng lang dài để về đến phòng. Ngài ngã vật xuống giường trong đau đớn và sợ hãi.
Ngài rên rỉ, “Xin giúp con. Xin Chúa giúp con để hiểu.”

Hơi thở ngài đã đều hòa, nhưng cơn đau vẫn mãnh liệt. Khi đưa tay sờ vào cạnh sườn, ngài cảm thấy vết máu trên áo dòng ngày càng lan rộng, như bị xuất huyết tự bên trong. Đôi mắt mở to vì sợ hãi, ngài ngồi dậy và xem xét vết máu trên áo, tự hỏi không biết mình có chết vì vết thương này hay không.

Ngài cầu xin, “Xin đừng để con khiếp sợ.”

Những giây phút chậm chạp trôi qua. Từ từ ngài lấy lại bình tĩnh và xem xét các vết thương. Không nghi ngờ gì cả, đó là những vết thương thật. Đó không phải là ác mộng hay ảo giác. Bắt đầu ngài nhận ra sự thật. Ngài được in năm dấu thánh là những vết thương có hình dạng và vị trí giống như các vết thương của Đức Kitô.

Tâm trí ngài từ từ mở ra với thực tại, và cảm thấy khuây khỏa khi biết rằng các vết thương đó không nguy hiểm đến tính mạng. Nước mắt ngài tuôn tràn, và cảm tạ Thiên Chúa…

Giáo Hội ghi nhận có khoảng 290 người được Chúa ban cho năm dấu thánh. Vị thánh nổi tiếng của thời đại là Thánh Phanxicô Assisi, sáng lập dòng Phanxicô. Thánh Phanxicô, khi là thầy sáu, được in năm dấu thánh vào ngày 17 tháng Chín 1224, trên núi Alvernia trong rặng Appenine, hai năm trước khi ngài chết.

Những vết thương của cha Piô có mùi thơm nồng nàn của hoa tím, hoa huệ tây và hoa hồng. Trong lịch sử các thánh, sự kiện có mùi thơm thì không gì mới mẻ. Tay Thánh Đa Minh phát ra mùi thơm khi dân chúng hôn tay ngài, và Thánh Helena phát ra mùi thơm khi ngài rước lễ. Một số thân thể các thánh phát ra mùi thơm sau khi chết, như trường hợp của Thánh Coletta, Thánh Joseph Cupertino, và Thánh Martin de Porres. Bất cứ ai đang trong tình trạng mắc tội trọng, Thánh Philip Rôma đều ngửi thấy mùi hôi thối khi ngài đến gần, mặc dù thân thể người đó rất sạch sẽ.

Trong trường hợp của Cha Piô, mùi thơm nói lên sự hiện diện an ủi của cha. Đó là để khuyến khích, chú ý đến điều nguy hiểm ngay lập tức, hay nhớ đến sự hiện diện, sự khuyên bảo và sự hướng dẫn của cha. Nhiều người nhận ra mùi thơm đó một cách riêng biệt, không phải ai ai cũng nhận thấy cùng một lúc.”

Vì sự thánh thiện và ân huệ lớn lao Chúa ban cho cha Piô, nên ma quỷ đã huy động cuộc chiến dữ dội chống lại cha thánh trong suốt cuộc đời của ngài. Chúng tấn công thân xác ngài bằng những vết cắt, vết thâm tím và những dấu bị thương hữu hình khác.

Tất cả những ai được cha Piô giúp đỡ đều tôn kính ngài. Cha thánh hết sức tận tâm đối với các linh hồn trong luyện ngục, có lần ngài nói: “Nhiều linh hồn đã chết ở trong luyện ngục hơn những linh hồn còn đang sống. Họ đã đến ngọn đồi này để chờ được tham dự thánh lễ và xin tôi cầu nguyện.”

Cả đời cha Piô tận tụy giải tội cho các tín hữu và xin được nhiều ơn lành cho nhiều người.

Cha thánh qua đời lúc 2 giờ 30 sáng ngày 23-9-1968, đang khi tay vẫn nắm chặt chuỗi Mân Côi và thốt lên tên cực trọng “Giêsu Maria”, trong phòng số một của tu viện San Giovanni Rotonodo, phía nam Italia. Xác cha Pio được bỏ trong một hòm bằng kẽm bọc gỗ sau đó được thay thế bằng một hòm bằng kim loại và có gắn tấm kính để cho giáo dân có thể trông thấy ngài.

Chiều ngày 26-9-1968, quan tài cha Pio đã được rước qua các đường chính của thị trấn San Giovanni Rotondo với sự tham dự của 100.000 người.

Ban tối quan tài được đưa xuống hầm nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn để an táng trong huyệt đào ngay trong nền nhà thờ. Phía dưới chiếc quan tài có đề “Francesco Forgione sinh tại Pietrelcina ngày 25-5-1887, qua đời tại San Giovanni Rotondo ngày 23-9-1968.”

Từ ngày đó trở đi, cứ vào ngày 22 tháng 9 hằng năm tín hữu khắp nơi lại hành hương về thị trấn San Giovanni Rotondo để tham dự đêm canh thức kỷ niệm ngày cha Pio qua đời.

Ngày 23-9-1969, Đức Cha Cunial, Tổng Giám Mục Manfredonia cho phép dòng Capucino hèn mọn mở cuộc điều tra liên quan tới vị tôi tớ Chúa.

Tiến trình án phong chân phước được khởi sự ngày 20-3-1983.

Trong dịp hành hương San Giovanni Rotondo ngày 25-5-1987, Đức Gioan Phaolô II đã giới thiệu cha Piô với thế giới như là mẫu gương của linh mục. Từ đó trở đi tín hữu đến hành hương đông một cách ngoại thường. Người ta phổ biến sách báo viết về cha Pio, lấy tên cha Pio đặt cho các đài kỷ niệm và đường phố, hay trường học hoặc nhà thương. Năm 1990, kết thúc các tìm hiểu cuộc đời cha Pio.

Năm 1997, các cố vấn của Bộ Phong Thánh đồng thanh chấp nhận các nhân đức anh hùng của vị tôi tớ Chúa. Và sau khi có phép lạ được thừa nhận, ngày 2-5-1999, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã phong chân phước cho cha Pio, trong thánh lễ trọng thể cử hành tại thềm đền thờ thánh Phêrô, với sự tham dự của gần 400.000 tín hữu.
Vào năm 2001, ủy ban bác sĩ thừa nhận phép lạ khỏi bệnh tức khắc của em Matteo Coltella, bị sưng màng óc cấp tính là hiện tượng không thể giải thích được trên bình diện khoa học.

Năm sau đó, Giáo Hội thừa nhận đó là phép lạ và ngày 16-6-2002, Đức Gioan Phaolo II đã chủ sự lễ phong hiển thánh cho cha Pio. Hai năm sau đó đền thánh mới được khánh thành tại San Giovanni Rotondo.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

THÁNH MAT-THÊU TÔNG ĐỒ

ZZGhi nhận lịch sử – phụng vụ

Việc tôn kính thánh Matthêu ở Roma lên tới thế kỷ V.  Hồi đó người ta mừng lễ Ngài trong nhà thờ lớn đường Merulana, và đến thế kỷ VIII lễ kính được thiết lập, có cả lễ vọng.  Lễ ngày 21 tháng 9 như hiện nay là theo sổ tử đạo của thánh Jérôme, nhưng ở phương Đông mỗi nơi định mỗi khác tùy theo họ thuộc nghi lễ Byzance và Syrie (16 tháng 9) hay Coptes (9 tháng 9).

Các sách phúc âm trình bày thánh Matthêu như một nhân viên thuế vụ hay người thu thuế (Mt 9,9), con ông Alphée (Mc 2,14), có lẽ gốc người Capharnaum (Mc 27,14 ; Lc 5,27) và là anh em với Giacôbê, vì ông này cũng là “Con ông Alphée”.  Tên Matthêu (tiếng Hy lạp là Matthaios) có nguồn gốc Hébreu, có nghĩa là “Ơn của Chúa”.  Ngài cũng được gọi là Lévi (Mc 2,14 ; Lc 5,27).  Trong danh mục Nhóm Mười Hai, Ngài xếp thứ bảy hoặc thứ tám (Mc 3,18 ; Lc 6,15 ; Cv 1,13).  Lời thú nhận của Mat-thêu trước khi được Đức Giêsu gọi, cho mình là một người “Không sạch”, bị phạt theo luật đạo Do Thái.  Lời gọi của thầy, Đấng không đến kêu gọi người công chính, nhưng kêu mời người tội lỗi để họ cải hối (Lc 5,22) đã tạo nên nơi Lévi một câu trả lời tức thì và quảng đại: Bỏ tất cả, ông đứng dậy, đi theo thầy (Lc 5,28).  Lòng quảng đại và lương thiện của người môn đồ mới được Luca đề cao:

Lévi dọn đại tiệc trong nhà để đãi Chúa Giêsu, tới dự có rất đông những người thuộc nhóm thuế vụ (5,29).

Đức giám mục Hiérapolis (ở Tiểu Á) tên là Papias, vào khoảng năm 125 kể lại rằng Matthêu đã xếp đặt các “ngôn từ” (Logia) của Chúa bằng thể ngữ Hébreu (tiếng Araméen) còn theo Eusêbe, Origène (+khoảng 254), xác nhận Matthêu là tác giả phúc âm thứ nhất, viết gửi đến những Kitô hữu gốc Do Thái.  Thánh Irénée (tiền bán thế kỷ III) viết rằng Matthêu đã viết phúc âm nơi nhà những người Do Thái bằng ngôn ngữ của họ.

Theo một số truyền thuyết, thánh Matthêu đã rời Palestine sang truyền giáo nhiều miền khác nhau, ở Ba Tư, Syrie, Macédoine và Ethiopie, rồi tử đạo tại đây.  Từ Éthiopie hài cốt Ngài được đưa về Paestum (Campanie), rồi Salerne, thế kỷ X, như Đức Giáo Hoàng Grégoire VII làm chứng, năm 1080.  Theo một truyền thuyết khác, di hài Ngài được thánh nữ Hêlêna chuyển từ Jérusalem về Trèves (Đức) tại tu viện thánh Matthêu.

Ảnh tượng thường diễn tả thánh Matthêu dưới dạng một thiên thần có cánh, tượng trưng cho phả hệ Đức Kitô ở đầu phúc âm Ngài. Các giai thoại về cuộc đời thánh Matthêu, ngoài những nơi khác, còn thấy nơi một loạt các bức họa của Caravage trong nhà thờ thánh Louis des Francais ở Roma.

Thông điệp và tính thời sự

Các kinh nguyện thánh lễ lấy từ sách lễ Paris năm 1738.

  1. Lời nguyện trong ngày ca tụng lòng “Nhân từ sâu thẳm” của Chúa đã chọn “Matthêu người thu thuế đã làm thành tông đồ Chúa.” Trong phụng vụ bài đọc, thánh Bêđa khả kính nhận định rằng Chúa nhìn thấy Matthêu ngồi bàn thu thuế “Không phải bằng con mắt phần xác cho bằng cái nhìn nội tâm của lòng thương xót.”  Giải thích ơn gọi dành cho Lévi, thánh nhân khẳng định ý nghĩa và bản chất lời gọi của Đức Kitô: “Khi yêu cầu ông theo Chúa, Chúa không kêu gọi ông đi theo Người cho bằng sống như Người.”
  1. Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh đề tài chính theo phúc âm Matthêu là Giáo hội: “Lạy Chúa xin yêu thương nhìn đến Giáo hội Chúa, vì Giáo hội đã được chính Chúa nuôi dưỡng đức tin bằng lời giảng dạy của các tông đồ.” Từ Giáo hội (Ekklèsia) được sử dụng từ một trăm lần trong Tân ước, đặc biệt là trong các thư thánh Phaolô, nhưng trong các phúc âm chỉ ba lần, chỉ có trong phúc âm Matthêu (16,18; 18,17).  Trong 16,18: “Con là Phêrô, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy.”  Từ Hội Thánh ở đây chỉ cộng đồng Chúa sắp thành lập xây dựng trên Phêrô.  Trong 18,18 : “Nếu kẻ ấy chối không chịu nghe họ, hãy nói với Giáo hội,” ở đây từ Giáo hội chỉ nghị viện của các tín hữu tức là đoàn tông đồ.  Giáo hội cũng là cộng đoàn mới do Chúa Giêsu thiết lập, được xây dựng quanh Phêrô và các tông đồ, được mời gọi rao giảng phúc âm khắp thế giới (24,14; 26,13) và mọi dân tộc (28,19)

    Nước Trời (thành ngữ xuất hiện có tới năm mươi lần trong Matthêu) là điều mới lạ do Chúa Giêsu lập nên.  Đây là nước Thiên Chúa hiện hữu “Trên trời,” nhưng thực hiện ở trần gian bằng hình ảnh và việc tham dự, và sẽ kết thúc “Trên trời” vào ngày thế mạt.  Hiến chương của Nước Trời là “Bài giảng trên núi” (5, 3-11).

  1. Thánh Matthêu vui mừng được đón Chúa vào nhà (lời nguyện tạ lễ) không ngần ngại mời nhiều bạn hữu, thu thuế, người tội lỗi cùng đến dự tiệc với Chúa Giêsu và các đồ đệ của Chúa (9,10). Trong thế giới Palestine, bữa ăn là giây phút cao điểm của lễ hội và gặp gỡ.  Đức Giêsu khi nhận lời mời đến nhà một người “không sạch” muốn nhấn mạnh lời mời gọi nhân từ của Thiên Chúa đang mở cửa Vương Quốc của Chúa cho người tội lỗi.

Sau hết chúng ta hãy nhớ lời thánh Bêđa khả kính trong một bài giảng về thánh Matthêu: “Đấng sau này sẽ là Tông đồ và thầy dạy lương dân, lúc cải hối, đã kéo theo mình, cả một đám đông những người tội lỗi trên đường cứu rỗi” (Phụng vụ bài đọc).

Enzo Lodi
LM hạt Xóm Chiếu dịch

ĐỜI TÔI TIẾN BƯỚC NHƯ MỘT CON LỪA

Nhà văn Bossuet đã viết: “Ai trong chúng ta không có thói tự kiêu, người đó là thượng đế.”  Câu nói của nhà văn ngụ ý rằng, tự bản chất con người chúng ta ai cũng có cái tôi ích kỷ, thích được người khác nể trọng và thán phục.  Trong xã hội ngày nay, chúng ta thấy nhan nhản những khẩu hiệu, như “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân” hoặc sống “Yêu thương để phục vụ”… nhưng trong thực tế, nhiều khi đó chỉ là những khẩu hiệu lý thuyết, và lắm lúc những khẩu hiệu xem ra đao to búa lớn ấy chỉ là những sáo ngữ rỗng tuếch.  Tuy nhiên, nếu can đảm và thẳng thắn nhìn lại cách sống của chính chúng ta là các Kitô hữu, đặc biệt nơi các anh em linh mục, chúng ta sẽ thấy rất rõ cái tôi của mình, qua cung cách trịch thượng hoặc qua lối hành xử hách dịch mà chúng ta rất hay biểu tỏ ra bên ngoài.

Lời Chúa hôm nay nhắc lại cho chúng ta tiêu chí căn bản để trở nên môn đệ Đức Giêsu: “Ai muốn làm đầu phải làm người rốt hết, và làm kẻ phục vụ mọi người” (Mc 9, 35).  Khiêm tốn để phục vụ là bài học căn bản mà chúng ta phải học, học mãi, học cho tới suốt đời, để sao chép lại cách sống của chính Đức Giêsu như Ngài đã từng nói: “Anh em hãy học nơi tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29).

Khiêm nhường, khởi đầu của mọi nhân đức.

Thánh Tôma Aquinô diễn tả có vẻ hơi cường điệu.  Ngài nói: “Khi chúng ta chết đi, cái tôi của chúng ta sau 15 phút mới chết hẳn.”  Cái tôi ích kỷ và kiêu căng vẫn luôn đeo bám dai dẳng nơi tất cả mọi người.  Tội đứng đầu trong bảy mối tội chính là tính kiêu ngạo.  Đây chính là tội đầu tiên đã du nhập vào trần gian, và đó cũng là tội mà Thiên Chúa ghét bỏ nhất.  Adam đã sa ngã vì kiêu ngạo muốn trở nên ngang bằng với Thiên Chúa.  Tháp Babel cũng là biểu tượng của sự kiêu căng khi con người muốn nổi loạn chống lại Thiên Chúa.  Luxiphe là một thiên thần biến chất cũng chỉ vì quá tự phụ.  Quả thật, khuynh hướng kiêu ngạo đã ăn sâu nơi bản tính con người, và trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn phải đấu tranh liên lỉ để vượt thắng.  Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô đã viết: “Vì một người duy nhất đã không vâng phục Thiên Chúa mà muôn người trở nên tội nhân” (Rm 5, 19). Con người đó chính là Adam.  Tội Adam hay gọi là tội nguyên tổ, khởi đầu của các giống tội, chính là kiêu ngạo và bất tuân.  Tính kiêu ngạo đã ăn sâu vào bản tính nhân loại nơi chúng ta.

Có một câu ngạn ngữ tây phương đã viết: “Cái tôi thì đáng ghét” (le moi est haissable).  Ai trong chúng ta cũng biết điều này, nhưng không phải giản đơn nếu chúng ta muốn khuất phục cái tôi đáng ghét đó.  Thánh Phêrô cũng khuyên dạy các tín hữu: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho ai khiêm nhường.  Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa (1P 5, 5-6).  Qủa thật, khiêm nhường chính là cửa ngõ dẫn đưa chúng ta đi vào sự thánh thiện, bởi vì khiêm nhường chính là mẹ sản sinh các nhân đức khác (tư tưởng của Tennyson).

Khiêm nhường: Linh đạo Thập giá.

Sự khiêm nhường mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay không chỉ đơn thuần là một đức tính nhân bản, nhưng đây chính là linh đạo Thập giá.  Đó là con đường trọn lành mà Đức Giêsu đã gợi mở để mời gọi chúng ta dấn bước vào: “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34).

Hai ngàn năm trước, Đức Giêsu đã đến trần gian để thực hiện sứ mạng cứu thế.  Ngài đã khởi đầu cuộc hành trình tại máng cỏ Bêlem và kết thúc sứ mạng nơi đỉnh cao Thập giá.  Bêlem và Golgôtha là hai thông số của một thực tại duy nhất: Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.  Để diễn bày tình yêu, Thiên Chúa cao cả đã tự nguyện mang lấy kiếp người hèn hạ.  Một Thiên Chúa đầy uy ZZquyền và dũng lực lại ẩn dấu trong dáng dấp của một bé thơ mỏng manh và yếu ớt.  Một đứa trẻ mới sinh ra chưa có thể làm được điều gì.  Nó cần đến vòng tay che chở của cha, cần những giọt sữa yêu thương của mẹ để được lớn lên.  Trẻ Giêsu còn cần đến cả những hơi thở của những con bò con lừa giữa đêm khuya lạnh giá.  Vì thế, trong bài Tin mừng hôm nay, để nói về sự khiêm tốn, Chúa mượn lại hình ảnh của một đứa bé như một chuẩn mẫu: “Ai tiếp đón một em bé như em này vì danh thầy, là tiếp đón chính thầy” (c.37).  Một đứa trẻ trong xã hội Do thái khi xưa hoàn toàn không có một giá trị gì về mặt xã hội.  Nhưng Đức Giêsu luôn yêu quý trẻ thơ.  Ngài còn đề cao các em nhỏ và mời gọi các môn đệ phải nên giống trẻ thơ.  “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở nên như trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào nước trời.  Vậy ai tự hạ và nên như trẻ nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong nước trời” (Mt 18, 2-4).  Đứa bé còn là hình mẫu về sự nghèo khó mà Chúa nói đến.  Một đứa con nít không có vị thế gì trong xã hội.  Chúng chẳng bao giờ dám mơ tưởng sẽ làm ông này hay bà nọ.  Chúng cũng nghèo xác nghèo xơ, không có tài sản hay tiền bạc trong túi.  Tinh thần nghèo khó chính là mối phúc đầu tiên trong tám mối phúc mà Chúa Giêsu đã công bố trong bài giảng trên núi, và đây cũng chính là linh đạo thập giá, đi đôi với sự khiêm tốn nội tâm mà Chúa nói tới trong Tin mừng hôm nay.

Viễn ảnh thập giá xem ra rất mù tối đối với các học trò của Chúa Giêsu.  “Con người sẽ bị nộp vào tay người đời.  Họ sẽ giết chết Người, và sau ba ngày Người sẽ sống lại.”  Thánh Marcô xác nhận: “Các ông không hiểu lời nói đó (Mc 9, 32), bởi vì con đường theo Đức Giêsu còn rất nhiều trầy truột và gian nan.  Đối diện trước cái chết, Đức Giêsu đã bị người đời chửi rủa, mạt sát, và coi khinh.  Ngài vẫn không cự cãi một tiếng, không chống trả một câu.  Sự thinh lặng của Ngài không phải là một sự câm nín thụ động, nhưng đó là ngôn ngữ phong phú nhất để dạy chúng ta bài học khiêm tốn.  Trong bài đọc thứ nhất, tác giả sách Khôn ngoan cũng phác vẽ trước viễn ảnh Thập giá này: “Ta sẽ hạ nhục nó và tra tấn nó để biết nó hiền hòa làm sao, và để xem nó nhẫn nhục tới mức nào.  Nào ta sẽ kết án cho nó chết một cách nhục nhã” (Kn 2, 19-20).  Mầu nhiệm Thập giá hàm ngậm sự tự hủy luôn luôn là một thách đố đối với các học trò của Chúa Giêsu năm xưa cũng như đối với mọi người chúng ta hôm nay.  Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Philip cũng vạch dẫn con đường này, và Ngài mời gọi chúng ta nhìn vào linh đạo Thập giá như là khung căn bản định hình sự khiêm tốn nội tâm: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên Thập tự (Phil 2, 6-8).

Vì vậy, sự khiêm tốn không chỉ đơn thuần là một đức tính nhân bản, nhưng chính là linh đạo Thập giá.  Chúng ta học sống khiêm nhường không phải theo gương của vị vĩ nhân này hay lối sống của nhà hiền triết nọ, nhưng chúng ta được mời gọi nhìn vào chính Đức Giêsu chịu đóng đinh để sao chép lại lối sống và tiếp bước dấu chân của Ngài.  “Anh em hãy học nơi tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Đời tôi tiến bước như một con lừa.

Đây là tựa đề một quyển sách Đức Hồng y Etchegarey đã viết khi suy tư về hành trình ơn gọi của mình.  Ngài vay mượn hình tượng một con lừa để mô tả.  Người đời vẫn thường nói: “Ngu như bò và dốt như lừa.”  Nhưng bò và lừa lại là hai vị thượng khách được ưu tuyển để đến cung chiêm Vua Trời đất khi Ngài mới hạ sinh.  Đức Hồng y cũng mượn lại hình ảnh con lừa chở Chúa tiến vào Giêrusalem để nói về hành trình ơn gọi của Ngài.  Người dân hai bên đường vỗ tay reo hò, trải áo và cầm cành lá trên tay để nghinh đón.  Con lừa vẫn không vênh mặt lên để tự mãn, vì những lời tung hô đó dành cho Chúa chứ không phải cho nó.  Nó mãi mãi cũng chỉ là một con lừa mà thôi.  Đường vào Giêrusalem đầy sỏi đá làm chân nó đau nhức, nó vẫn không một lời kêu than.  Con lừa vẫn cứ âm thầm lặng lẽ mang Chúa trên vai, và tiến bước một cách ngoan thuần.  Nó khiêm tốn bước đi để Chúa hướng dẫn, và suốt đời nó mãi mãi vẫn chỉ là một con lừa mà thôi.  Cuộc hành trình ơn gọi của mỗi người chúng ta cũng phải giống như vậy.  “Đời tôi tiến bước như một con lừa” chính là như thế.  Thái độ căn bản chúng ta cần phải có là khiêm tốn để Đức Giêsu hướng dẫn đời mình.  Chính Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta, như Ngài đã thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, này con xin đến để thi hành thánh ý Cha.” Khi đi vào trần gian, Ngài đã đến “không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến ban mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).

Chủ nghĩa ‘cha chú’ (paternalism)

Thánh Phanxicô Assisi là gương mẫu cho chúng ta về tinh thần khiêm tốn và nếp sống khó nghèo.  Ông Stalin, một lãnh tụ vô thần, cho dù không tin vào Thiên Chúa, nhưng  khi đọc tiểu sử của thánh nhân đã thốt lên: “Nếu tôi có trong tay 10 người như Phanxicô, tôi sẽ làm thay đổi cả bộ mặt thế giới.”  Con người chúng ta ít nhiều ai cũng có bệnh sỹ diện, thích phô trương cái tôi của mình.  Căn bệnh trầm kha này không phải chỉ có nơi giáo dân, nơi các ông trương ông trùm, nhưng có ngay cả nơi các anh em linh mục.  Một Cha già đã chia sẻ rằng, khi các linh mục được mọi người kính trọng và gọi bằng cha, rất dễ quên đi ơn gọi làm con nơi mình.  Ngài nói tiếp “Nhiều cha lại cứ thích ‘chơi cha’ thiên hạ, qua lối hành xử trịch thượng và hống hách, thậm chí còn dùng tòa giảng để chửi bới giáo dân.  Đó là lối sống theo chủ nghĩa cha chú (paternalism) mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết án rất mạnh mẽ khi Ngài nói với giáo triều Rôma dịp Noel năm ngoái (ngày 22/12/2014).  Điều nhận xét trên không phải mang tính cách vơ đũa cả nắm, nhưng rất cần thiết cho mọi người, nhất là các anh em linh mục, để chúng ta biết can đảm và thẳng thắn nhìn lại chính mình khi thi hành tính năng mục tử.

Kết luận : Tôi tớ của các tôi tớ

Sau hết, chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria như là khuôn mẫu nội tâm để chúng ta học nơi Ngài bài học khiêm nhu.  Mẹ vẫn luôn coi mình chỉ là “tôi tớ” của Thiên Chúa.  Bí quyết duy nhất của Đức Maria khi thực hành sự khiêm tốn và vâng phục là luôn thưa lời “xin vâng”, tuyệt đối để Thiên Chúa hướng dẫn đời mình.  Mẹ đã cảm nghiệm rất sâu lắngsự khiêm tốn ấy khi cất lên bài ca Magnificat: “Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng, Người nâng dậy những ai khiêm nhu.”  Bắt chước Đức Maria, người nữ tỳ (serva) của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Gioan 23 và Đức Phaolô đệ lục khi chuẩn nhận các văn kiện công đồng Vatican II luôn luôn đặt bút ký tên của mình với hàng chữ “servus servorum” (tôi tớ của các tôi tớ).  Còn các Kitô hữu, cách riêng các anh em linh mục, chúng ta đã hành xử và thực thi quyền bính được trao phó cho chúng ta, “những tôi tớ của các tôi tớ” như thế nào?

Văn Hào, SDB

 

ĐỨC MẸ SẦU BI

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ nhớ “Đức Mẹ Sầu Bi”.  Như thế, trong đời sống của Đức Mẹ, cũng có những điều sầu bi, như trong đời sống của tất cả mọi người chúng ta.  Trong suốt năm phụng vụ, chúng ta có nhiều lễ tôn vinh Đức Maria, Mẹ của chúng ta, nhưng hầu như luôn luôn là vì những ân huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho Mẹ (chẳng hạn ơn vô nhiễm, ơn lên trời, ơn làm Nữ Vương…), hay vì những biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Mẹ (Sinh Nhật, Truyền Tin, Thăm Viếng…)  Chính vì thế mà, lễ Đức Mẹ Sầu Bi là một ngày lễ rất đặc biệt, bởi vì lễ này mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Mẹ, với một khuôn mặt rất đời thường, và vì thế rất gần gũi với chúng ta: Đức Mẹ Sầu Bi, và chúng ta cũng sầu bi, không phải một lần, nhưng nhiều lần trong cuộc đời!

Vậy chúng ta đã có và đang có những sầu bi nào?  Tuy nhiên, trong ngày lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi hướng về Đức Mẹ và “suy chiêm” những đau khổ của Mẹ.  Bởi vì, những đau khổ của Mẹ sẽ làm cho chúng ta hiểu biết Mẹ hơn và như thế, yêu mến Mẹ nhiều hơn.  Ngoài ra, những đau khổ của Mẹ còn soi sáng và dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống đầy khổ đau này.

Bảy sự đau khổ của Đức Mẹ

Như chúng ta đều đã biết, Truyền Thống của Giáo Hội thích dựa vào các Tin Mừng, để kể ra những đau khổ của Đức Mẹ, và Giáo Hội kể ra được bảy đau khổ; vì thế, ngày lễ hôm nay, còn được gọi là lễ “Đức Mẹ Bảy Sự”.  Con số “bảy” cũng thật là ý nghĩa, bởi vì số 7 đối với người Do Thái, là con số hoàn hảo, cũng giống như số 9 ZZđối với chúng ta.  Điều này làm cho chúng ta nhớ lại các con số bảy của bài một Tin Mừng theo thánh Mát-thêu: Bảy lần; bảy mươi lần bảy (x. Mt 18, 21-35); bảy giỏ (x. Mc 8, 8).  Sau đây là “bảy sự” của Đức Mẹ:

  1. Lời của cụ ngôn sứ Simêon về Đức Maria (Lc 2, 25-35), là bài Tin Mừng chúng ta có thể đọc trong ngày lễ hôm nay, theo sách Phụng Vụ các bài đọc.
  2. Trốn sang Ai-cập (Mt 2,13-15)
  3. Lạc mất Đức Giê-su (Lc 2,41-52)
  4. Đức Mẹ nhìn Đức Giê-su vác thập giá (Lc 23,27)
  5. Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá (Ga 19, 25-27), là bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay.
  6. Đức Mẹ đón nhận thân xác đã chết của Đức Giê-su (Ga 19,38-40)
  7. Đức Mẹ ở bên mộ Đức Giê-su (Ga 19,41-42)

Điều phải đánh động chúng ta, khi đọc qua danh sách bảy sự đau khổ của Đức Mẹ, đó là mọi sự đau khổ của mẹ đều có liên quan đến Đức Giê-su, con của Mẹ; một cách cụ thể, những đau khổ của Mẹ đến từ biến cố Giáng Sinh, đến từ đời sống ẩn dật, đến từ sứ mạng rao giảng Nước Trời, đến từ cuộc Thương Khó, đến từ Thập Giá, và sau cùng đến từ cái chết của Ngài.

Như thế, chính khi Đức Mẹ thưa “xin vâng”, đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, để đón nhận Đức Giê-su, Con Thiên Chúa vào trong cuộc đời của mình, và chính khi Đức Mẹ sống lời xin vâng của mình mỗi ngày và sống cho đến cùng, đến tận chân Thập Giá và cho đến hết cuộc đời, thì tất yếu đau khổ xẩy ra cho Mẹ.  Bởi vì, như chúng ta có thể nhận ra trong bảy đau khổ của Mẹ: Đức Mẹ sinh ra Đức Giê-su, nhưng Đức Mẹ lại được mời gọi không nuôi nấng và dưỡng dục Ngài theo ý riêng của mình, theo chương trình hay kế hoạch riêng của mình, nhưng là để cho Ngài lớn lên theo chương trình của Thiên Chúa; Đức Mẹ đón nhận Đức Giê-su vào cung lòng và vào cuộc đời mình, nhưng Mẹ lại được mời gọi, như tất cả chúng ta cũng được mời gọi, đi theo Đức Giê-su trên con đường của Ngài; mà con đường của Đức Giê-su là con đường dẫn đến Thánh Giá.

Những đau khổ của Mẹ đến từ việc Mẹ đi theo Đức Ki-tô, Mẹ gắn bó thiết thân với Đức Ki-tô, Mẹ trở nên một với Đức Ki-tô, nhất là với “Đức Ki-tô chịu đóng đinh”.  Và tất cả chúng ta đều có cùng một kinh nghiệm này, giống như Đức Mẹ.  Thật vậy, từ khi chúng ta trở thành Ki-tô hữu, và nhất là từ khi chúng ta đáp lại tiếng gọi đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay trong ơn gọi dâng hiến, và cố gắng sống ơn gọi của chúng ta mỗi ngày, chúng ta phải cho đi chính mình, cho đi thời gian, cho đi tất cả những gì rất thiết thân đối với chúng ta, đó là quyền làm chủ, giới tính và tình cảm, ý muốn…, thì tất yếu sẽ có nhiều đau khổ.  Nhưng tại sao chúng ta lại mang vào mình những đau khổ, nếu không phải là muốn noi gương Đức Mẹ?

Thật vậy, như Đức Mẹ, vì tình yêu đối với Đức Ki-tô, chúng ta ước ao trở nên nữ tì, trở nên tôi tớ của Ngài, chúng ta ước ao sống theo Lời của Ngài.  Và chính tình yêu và lòng ước ao này làm cho chúng ta hạnh phúc bất chấp những đau khổ, và ngay trong những đau khổ, bởi vì có một niềm hạnh phúc đặc biệt, đó là hạnh phúc đau khổ vì tình yêu.  Như thánh Augustino nói: “Trong tình yêu không có đau khổ, và nếu có đau khổ, thì đau khổ này đã được yêu rồi.”

Đau khổ thứ năm: Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá

Hình ảnh Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá, mà bài Tin Mừng mời gọi chúng ta chiêm ngắm trong ngày lễ hôm nay, nói lên sự nghịch lí này của Tin Mừng và của mầu nhiệm Vượt Qua.

Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững chứ không ngã quị.  Chúng ta nên đi lại hành trình của Mẹ Maria, từ biến cố truyền tin, để hiểu được tại sao Mẹ đứng vững.  Chúng ta cũng cần đi theo Đức Kitô như Mẹ, để có thể đứng vững dưới chân thập giá.  Và không cần phải đợi đến biến cố phục sinh, nhưng ở tột đỉnh của sự trao ban, nghĩa là trao ban đến không còn gì, chúng ta được mời gọi nhận ra sự sống mới phát sinh, phát sinh thật dồi dào, phát sinh từ Lời sự sống của Đức Giêsu được thốt lên ngay nơi chết chóc và lúc Ngài đang chết đi.  Thật vậy, ngay trong đau khổ của sự chết, một Gia Đình mới phát sinh: Đức Giê-su, nhìn Mẹ, và nói:

  • Thưa Bà, đây là con của Bà.

Như thế, chính lúc Mẹ đang mất đi người con này, mẹ trở thành Mẹ của người con khác; và từ người con này, dưới sức mạnh của Đấng Phục Sinh, sẽ trở thành đông đúc, trong đó có cả con trai lẫn con gái.  Chính lúc Mẹ bình an dâng hiến người con Duy Nhất, Mẹ nhận lại gấp trăm, nơi Người Môn Đệ Đức Giê-su thương mến.  Và Mẹ cũng không mất đi Người Con Duy Nhất của Mẹ, vì Ngài sẽ hiện diện ở nơi anh chị em mới của Ngài.

Từ hy sinh thập giá, giữa cơn thử thách, ngay trong sự chết, một nhân loại mới phát sinh: Những gì của con là của Mẹ; những gì của Thầy là của anh.  Cái chết của Đức Giêsu đã làm phát sinh sự sống:  Mẹ trở thành Mẹ của Người Môn Đệ Đức Giêsu yêu mến, đại diện cho tất cả các môn đệ thuộc mọi thời; khi dâng hiến người con duy nhất, Mẹ không mất đi, nhưng nhận lại Ngài nơi các môn đệ, nơi cả một đàn con đông đúc.  Bởi vì, Đức Giêsu sẽ đi vào sự sống mới và hiện diện bên cạnh, ở giữa và bên trong các môn đệ nam nữ.

Xin Chúa cũng ban cho chúng ta có cùng một kinh nghiệm của Đức Mẹ: Dưới chân thập giá đau thương của cuộc đời, của hành trình ơn gọi, xin chúng ta cảm nhận với niềm vui và hạnh phúc, sự sống mới của Đức Ki-tô đang phát sinh ngay hôm nay, và phát sinh thật dồi dào.

LM Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.

 

BA CUỘC ĐỜI – BA CÁCH CHẾT

Trên đồi Golgotha cách đây hơn hai ngàn năm, có 3 tử tội trên thập giá.  Ba con người đều chết trên thập giá với ba thái độ khác nhau.  Đó chính là Thầy Giêsu ở giữa.  Một người bên hữu được gọi là trộm lành.  Một người bên tả truyền thống vẫn gọi là trộm dữ.  Tại sao cùng một hoàn cảnh mà cách thức đón nhận lại khác nhau?  Đâu là điểm khác biệt giữa ba con người?

Trước hết đó là Thầy Giêsu, một con người đã tự nguyện vác thập giá để cứu độ chúng sinh.  Ngài chấp nhận đi vào cái chết không phải do tội của mình mà vì tội của nhân gian.  Ngài đã chết để thí mạng vì bạn hữu.  Cả cuộc đời của Ngài đã sống vì người khác.  Ngài đã sống một cuộc đời để yêu thương và yêu thương cho đến cùng.  Ngài đã đi đến tận cùng của yêu thương là thí mạng mình vì bạn hữu.  Cái chết của Ngài là bằng chứng cho tình yêu.  Đau khổ Ngài chịu cũng vì yêu thương nên Ngài không than vãn, không uất hận vì đời đen bạc. ZZ Không nguyền rủa cuộc đời vì những gánh nặng đang đè trên vai.  Vì yêu đối với ngài không chỉ là tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, mà còn dám chết cho người mình yêu được sống và sống dồi dào. Thế nên, đau khổ đối với Ngài là niềm vui.  Và ngài đã đi vào cái chết trong thanh thản vì đã hoàn thành sứ mạng đời mình: “yêu thương và phục vụ cho” người mình yêu.  Ngài không hối tiếc về cuộc sống đã qua.  Ngài không hối hận vì việc mình đã làm.  Ngài rất vui vì đã đi trọn con đường của tình yêu.  Ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong an bình khi Ngài nói cùng nhân loại “mọi sự đã hoàn tất” và nói cùng Chúa Cha “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn trong tay Cha.”

Người thứ hai là anh trộm lành.  Anh là một tội nhân.  Anh đón nhận hình phạt và cái chết vì chính tội của mình.  Nhưng anh là một con người biết phải trái.  Anh biết việc mình làm là đáng tội, là đáng phải chịu hình phạt.  Cuộc đời anh chưa làm điều gì tốt cho tha nhân . Anh đã sống một cuộc đời chỉ làm hại người khác.  Thế nên, anh đã nói với Chúa: “Tôi đã bị như thế này là xứng đáng với tội của tôi.”  Anh đón nhận thập giá để đền bù những lầm lỗi đã qua.  Anh chấp nhận cái chết nhục nhã như là hình phạt đích đáng vì tội của mình.  Anh đã tìm được bình an trong giờ phút cuối cùng của đời người.  Anh cũng biết rằng anh không xứng đáng chung phần hạnh phúc thiên đàng với Thầy Giêsu, anh chỉ mơ ước Thầy Giêsu nhớ tới anh khi Thầy về thiên đàng.  Đối với anh thập giá là cơ hội để anh để anh đền bù lầm lỗi.  Thập giá là nhịp cầu đưa anh vào thiên đàng.  Thế nên, anh đón nhận thập giá với lời xin vâng theo mệnh trời.  Anh không oán trời, oán đất.  Anh đi vào cái chết với tâm hồn thanh thản vì anh đã đền bù những lầm lỗi của quá khứ cuộc đời.

Người thứ ba là anh trộm dữ.  Anh lao vào cuộc đời như con thú đang tìm mồi.  Cuộc đời anh chỉ tìm hưởng thụ cho bản thân.  Vì ham muốn danh lợi thú anh đã sẵn sàng hạ thấp nhân phẩm mình và chà đạp phẩm giá của tha nhân.  Anh đang có nhiều toan tính để hưởng thụ.  Thế nên, anh không chấp nhận thập giá trên vai anh.  Anh không chấp nhận kết thúc cuộc đời bằng cái chết bi thảm trên thập giá.  Anh đòi quyền sống.  Sống để hưởng thụ.  Anh nổi loạn vì đời anh còn quá trẻ, còn quá nhiều tham vọng nên anh không thể chấp nhận cái chết đến với mình.  Thế nhưng, anh vẫn phải chịu hình phạt vì tội của mình.  Công lý đòi buộc anh phải thi hành, dầu anh không muốn.  Thập giá làm cho anh đau khổ.  Cái chết làm cho anh nổi loạn.  Anh nguyền rủa trời, nguyền rủa đất và xúc phạm cả đến Thầy Giêsu, một con người đang phải chịu cái chết vì đã liên đới với anh.  Anh đã chết trong sự hoảng loạn và khổ đau.

Mỗi người chúng ta đang sống một cuộc đời cho chính mình.  Mỗi người chúng ta đang đón nhận thập giá với thái độ khác nhau.  Có người chấp nhận thập giá để đền tội.  Có người chấp nhận thập giá vì lòng yêu mến tha nhân.  Và cũng có người đang từ chối thập gía trong cuộc đời.  Hạnh phúc hay đau khổ tuỳ thuộc vào việc chọn lựa sống của chúng ta.  Nhưng dù con người có muốn hay không?  Thập giá vẫn hiện diện.  Thập giá của bổn phận.  Thập giá của hy sinh từ bỏ những tham lam bất chính, những ham muốn tội lỗi, những ích kỷ tầm thường.  Đón nhận thập giá sẽ mang lại cho ta tâm hồn bình an vì đã sống đúng với bổn phận làm người.  Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta đền bù những thiếu sót trong cuộc sống của mình và của tha nhân.  Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta tiến tới vinh quang phục sinh với Chúa trên thiên đàng.

Nguyện xin Chúa là Đấng đã vui lòng đón nhận thập giá vì chúng ta, nâng đỡ và giúp chúng ta vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa.  Xin giúp chúng ta biết sống một cuộc đời hy sinh cao thượng để chúng ta không hối hận vì quá khứ, nhưng luôn bình an vì đã sống chu toàn bổn phận của mình với lòng mến Chúa, yêu người.  Amen.

LM Giuse Tạ Duy Tuyền

 

THIÊN HẠ NÓI THẦY LÀ AI?

Năm 1904, Hàn lâm viện Hoàng gia Anh đã tổ chức một cuộc triển lãm, và họa sĩ Cô-xê (Smith Kosse) đã trưng bày một bức ảnh tựa đề: “Người bị khinh chê chối bỏ.”  Họa sĩ vẽ Chúa Giêsu đứng trước nhà thờ chính tóa Thánh Phaolô, trong một khu phố đông đúc ở trung tâm Luân đôn, nhưng không một ai để ý tới Chúa.  Một người đàn ông vừa đi vừa đọc báo, suýt đâm thẳng vào Chúa.  Một khoa học gia bận bịu với những ống nghiệm, không nhìn lên Chúa.  Một chức sắc trong hàng giáo phẩm hiên ngang ngẩng đầu tiến bước, nhưng không thấy Đức Kitô.  Có một nhà thần học đang hăng say thuyết minh về Đức Kitô mà không nhìn về Người.  Duy chỉ có một nữ tu nhìn về Chúa, nhưng vẫn tiếp tục đi con đường của mình.

Ông Barclay (William Barclay), một học giả Kinh Thánh nổi tiếng đã bình luận về bức họa: “Những hoàn cảnh này thường xảy ra trong cuộc sống hôm nay.  Nếu Đức Kitô tái xuất hiện, có lẽ cũng chả ai chú ý tới.  Người ta còn bận tâm về đủ thứ chuyện cao sâu hơn là việc lưu tâm tới Chúa hoặc theo dõi Lời Chúa.  Chuyện ZZđó lạ đời, nhưng lại thực sự xảy ra ngay lần Chúa xuống trần gian hai ngàn năm trước.  Sau một thời gian Chúa xuất hiện rao giảng Tin Mừng Cứu độ.  Người đã làm bao phép lạ sôi nổi, gây chấn động trong dân chúng, rồi Chúa hỏi các môn đệ xem người ta bảo Chúa là ai, thì mỗi người lại nói mỗi khác.  Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả Phục Sinh, người nói là Êli, người khác bảo là một ngôn sứ…  Tất cả nói đúng nhưng chưa đủ.  Chỉ có Phêrô mới có thể nói đúng và đầy đủ về Chúa: “Thầy là Đấng Cứu Thế.”

Lời tuyên bố của Phêrô là câu trả lời Chúa Giêsu muốn có.  Nhưng Chúa cũng nói ngay đó là do Cha trên trời tỏ bày cho, chứ không phải nhờ học hỏi hay nghiên cứu.  Phêrô và các Tông đồ được ơn soi sáng, được dạy dỗ và hướng dẫn để hiểu biết sự thật về Đức Kitô, vì các ông là môn đệ Chúa, sẽ tiếp tục sự nghiệp Chúa nơi trần thế.  Lời tuyên bố này rõ ràng là một ơn mạc khải, vì chính Phêrô nói ra mà cũng không hiểu tường tận về lời mình nói.  Ngay lúc đó Chúa Giêsu đã nói cho các môn đệ về số phận của Người.  Chúa nói sẽ chịu đau khổ nhiều, bị bắt, bị hành hạ, bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại.  Nghe vậy, các môn đệ khó chịu, các ông đã không để ý tới việc Chúa sẽ sống lại, và cho là Chúa thất bại, thua kẻ thù.  Vì thế, Phêrô kéo Chúa ra một chỗ và can ngăn Chúa đừng nói vậy, đừng để chuyện đó xảy ra.  Vì thế, Chúa Giêsu nổi giận mắng ông: “Satan, hãy lui đi!”

Chúa Cứu Thế sẽ cứu chuộc trần gian bằng thập giá.  Đó là điều quan trọng vì Chúa đòi buộc các môn đệ của Người cũng đi con đường này: “Ai muốn theo Thầy hãy bỏ mình đi, vác thập giá mà theo. Vì ai muốn cứu mạng mình thì sẽ mất.  Còn ai sẵn sàng bỏ mạng sống vì Thầy và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được sự sống mình.”

Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu biết Chúa hơn để chúng con biết vác thập giá đi theo Chúa và được vào hưởng vinh quang với Chúa.

Noel Quesson.