TĨNH LẶNG – QUÀ TẶNG CHO CUỘC SỐNG

Một chàng trai trẻ chiều nào đi làm về ngang qua con sông cũng thấy một người đàn ông trung niên chăm chỉ ngồi câu cá.  Anh đến gần và hỏi chuyện:

–   Chào bác, bác câu cá mỗi ngày có được nhiều không?
–   Cám ơn cậu.  Cũng được khá nhiều – người đàn ông đáp.
–   Sao bác không bán cá mua lưới để có thể bắt được nhiều cá hơn – cậu thanh niên gợi ý.
–   Bắt được nhiều cá hơn, rồi làm gì? – người đàn ông thắc mắc.
–  Bác có thể bán cá để có tiền mua tàu và lưới đánh cá, để đánh bắt được nhiều cá hơn nữa – chàng thanh niên nhiệt tình dẫn ý.
–   Bắt được nhiều cá hơn nữa, rồi làm gì? – người đàn ông hỏi tiếp.
–   Để bác trở nên giàu có, để đời sống nhẹ nhàng và hạnh phúc – cậu thanh niên đáp với vẻ tâm đắc.
–   Thế cậu không thấy hiện tại tôi đang sống rất nhẹ nhàng và hạnh phúc với cái cần câu này sao? – người đàn ông hỏi gợi ý cách bình thản.

***********************************

Cậu thanh niên cứ tưởng mình đang đề xuất một cao kiến cho người đàn ông đang câu cá, ai ngờ đề xuất đó chỉ là một con đường lòng vòng để tìm cái ông đang sẵn có: Nhẹ nhàng và hạnh phúc.  Tại sao?  Phải chăng cậu không đủ tĩnh lặng để nhận ra điều đó?

ZZRời bỏ câu chuyện, ta trở về với đời sống thường ngày.  Đường đi xe cộ ào ào; về đến gần nhà tiếng ca hát, loa phát thanh inh ỏi; vào trong nhà cũng rầm rộ vì người lớn lo công việc, trẻ con chơi giỡn la hét; ngồi trong phòng một mình vẫn ồn ào bởi bao tính toán lo toan việc nhà, việc công ty, việc nọ, việc kia kéo đến trong đầu; thậm chí khi đi ngủ cũng vẫn ồn ào bởi những chộn rộn của ngày sống xâm nhập cả vào trong giấc mơ!  Đã bao giờ bạn rơi vào tình cảnh như thế chăng?  Tại sao lại có những vội vã ồn ào quá sức như vậy?

Do môi trường sống và làm việc thay đổi?  Trước đây nhịp sống chậm rãi, yên ả hơn.  Giờ học có, giờ làm có, giờ nghỉ ngơi có, giờ giành cho người thân bạn bè có, giờ phút giành riêng cho mình cũng có.  Thời nay, mọi thứ cứ tất bật trong vòng xoáy của sự thay đổi chảy trôi, khiến đời sống trở nên quá vội vàng gấp gáp.  Đâu đâu cũng có sự xuất hiện của công việc.  Làm việc ở công ty đã đành, làm việc ở nhà, làm việc lúc chuyện trò, lúc xem tivi, trong bàn ăn, thậm chí trước khi ngủ cũng tranh thủ làm thêm chút việc.  Tất cả ưu tiên dành cả cho công việc đến nỗi đôi khi quên mất mình làm việc là để làm gì.  Do vậy, náo động ồn ào cũng nhiều hơn.  Đôi khi quá mệt cũng đành thở vội một hơi để rồi tiếp tục công việc, tiếp tục cuộc sống, nếu không sẽ bị ‘tụt hậu’ so với nhịp sống hiện đại.  Có người chơi chữ cách hóm hỉnh: Hiện đại nên hại điện, môi trường hiện đại ấy ngốn hết thời gian tâm trí con người.  Nhưng đâu phải ai cũng nghĩ thế.

Phải chăng do tính cách mỗi người?  Người thiên về hoạt động, ưa thích náo nhiệt thì cho đó là bình thường, thế mới là cuộc sống hiện đại, phải biết tranh thủ thời gian.  Người có đầu óc trầm tư suy tưởng, thích nhẹ nhàng trầm lắng thì cho đó là xô bồ ồn ào.  Thế nhưng, dù thích hoạt náo, dù ưa trầm lặng, ai rồi cũng có lúc thấy mình bị cuốn sâu vào vòng xoáy của môi trường sống hiện đại quá náo nhiệt, vội vã ấy, để rồi có lúc chợt nhận thấy mình bị mất hút trong cơn lốc công việc, cơn lốc thị trường sản xuất và tiêu thụ.  Đến lúc nhận ra thì đã bị cuốn vào quá sâu và quá lâu; mệt nhoài, kiệt quệ, quay trở ra còn tốn công tốn sức hơn, thôi thì “đành theo lao” vậy!  Điều gì khiến họ lâm vào tình cảnh ấy?

Phải chăng họ thiếu những giây phút tĩnh lặng?  Tĩnh lặng đủ để biết mình cần giành thời gian cho những mối tương quan thân tình với con người, với bạn bè, tĩnh lặng đủ để hiện diện cùng người thân, tĩnh lặng đủ để đối diện với chính mình, với cõi lòng của mình.  Tĩnh lặng đủ để nhận ra mình đã hành xử thế nào trong các tương quan, để biết mình đã ưu tiên điều gì trong các chọn lựa, và để thấy đâu là ý nghĩa đích thực của những gì mình đang nỗ lực thực hiện hầu mong mang lại cho đời sống của bản thân, gia đình, người thân, bạn hữu sự ấm êm hạnh phúc.

Nếu bạn thấy nhịp sống của mình quá vội vã, đây là lúc bạn cần giây phút tĩnh lặng; nếu bạn chưa nhận thấy mình đang sống ra sao, hơn lúc nào hết bạn cần giây phút tĩnh lặng để nhìn biết mình đang sống thế nào.  Vì lẽ đó, tĩnh lặng là cần thiết và ích lợi cho đời sống.

Chẳng ai có thể bắt bạn tĩnh lặng được, cũng như bạn chẳng thể tĩnh lặng nếu bạn không muốn, và đôi khi dẫu rất muốn bạn cũng chẳng thể tĩnh lặng.  Vì lẽ đó, tĩnh lặng là một quà tặng.

Thế nhưng, dù bạn có muốn nhận nhưng không được trao, bạn cũng chẳng thể nhận được; trái lại, dù người trao muốn trao nhưng bạn không muốn nhận, bạn cũng chẳng có.  Vì lẽ đó, hãy nhận khi được trao và hãy biết xin để được trao và bạn có thể nhận được.

Bạn đã nhận được món quà tĩnh lặng chưa?  Nếu chưa, vậy hãy mau mắn xin đi.  Nếu đã xin mà vẫn chưa có, hãy mở lòng ra để đón nhận.  Mở lòng bằng cách hãy giành một vài phút giây mỗi ngày để tĩnh lặng, nhìn lại ngày sống của mình, xét xem những gì bạn đã nghĩ, đã nói và đã làm có thực sự mang lại ý nghĩa cho đời sống của bạn, của người thân, bạn bè.  Chúc bạn có được những giây phút tĩnh lặng đủ để giúp bạn nhận ra đâu là ý nghĩa của việc mình đang làm, cách mình đang sống và đâu thực sự là hạnh phúc của đời mình.  Chúc bạn gặp được cơ hội để nhận ra ý nghĩa và giá trị đích thực của lối suy nghĩ và cách hành động của mình, như người đàn ông trong câu chuyện trên.

Vinh Sơn Phạm Văn Đoàn, S.J.

http://dongten.net

ỨNG NGHIỆM LỜI KINH THÁNH

ZZ“Tôi đã luôn mong muốn là một người Kitô Hữu không chỉ sống bên những ánh đèn cầy, nhưng được sống ở dưới ánh nắng mặt trời”
Lm. Chính Thống Giáo Alexander Men
Đây là một lời tuyên xưng của một vị linh mục người Nga sống dưới thời đại Stalin, ông không chỉ là một Kitô Giáo trong lời cầu nguyện, nhưng với chính cuộc sống hằng ngày của mình. Mỗi giây phút trong đời, vị linh mục này đã miệt mài đi tìm Chúa Giêsu. Ông đi tìm Chúa Giêsu nơi chính kinh nghiệm của mình, trong sách vở, nơi những hội trường, và nơi chính đất nước Nga đang đẫm máu của nhân dân ông. Khi làm công việc mục vụ, ông đã nhiều lần bị chính quyền gọi vào để điều tra, và ông cũng đã có nhiều cơ hội để đi ra khỏi nước, nhưng ông vẫn kiên trì ở lại với đất nước thân yêu của mình và ông đã bị đổ máu trong một vụ ám sát. Đây là cuộc đời của một vị linh mục Chính Thống Giáo miệt mài đi tìm Đấng mà đã mời gọi ông “hãy đến mà xem” (Ga 1:46) mà các tiên tri, các thánh, và những người đi trước ông đã nói đến.

Câu chuyện về Chúa Giêsu trong bài phúc âm được thuật lại bởi Thánh Sử Luca khi Ngài công khai tuyên báo giữa hội trường về chính Ngài là người mà bao nhiêu ngôn sứ đã nhắc đến, người mà người dân Do Thái đang mong đợi:

Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.
Ngay từ nhỏ Chúa Giêsu luôn tỏ cho mọi người xung quanh biết Ngài là ai (cf. Lc 2:41-52), và sứ mạng của Ngài là làm theo ý Thiên Chúa Cha. Bởi thế cuộc sống của Ngài là một cuộc sống luôn được hướng dẫn bởi Thần Khí. Nhưng Chúa Giêsu không vì vậy mà bắt buộc mọi người phải tin vào Ngài, thấy những gì Ngài thấy, hoặc cảm nhận được những gì Ngài cảm nhận, Chúa Giêsu chỉ mời gọi chúng ta “đến mà xem” để biết và cảm nhận thật sự Ngài là ai. Như khi xưa Chúa Giêsu đã mời gọi Nathaniel hãy đến mà xem, và qua thế hệ này đến thế hệ khác Ngôi Lời Nhập Thể vẫn mời gọi bao tâm hồn đến để cảm nhận cho chính mình Ngài là ai. Vì chỉ khi chúng ta thật sự cảm nhận bằng con tim Chúa Giêsu là ai, lúc đó chúng ta mới thật sự mở tâm hồn để cho Ngài ngự trị, chúng ta mới biết buông thả những bám víu của mình để đưa tay cho Ngài dẫn dắt. Những bám víu ở đây không phải là những tánh hư tật xấu cần phải bỏ, nhưng là những lo sợ, những sự bảo đảm không tồn tại chẳng hạn như sức khoẻ, công danh, tiền tài, v.v. Không phải là chúng ta không cần sức khoẻ hoặc tiền bạc, nhưng chúng ta đón nhận chúng như những món quà Thiên Chúa ban cho hôm nay, và chúng ta sống trong hiện tại với Ngài qua những món quà ấy. Những món quà ấy Thiên Chúa ban không phải để cho chúng ta giữ cho chính mình, nhưng để giúp chúng ta sống và làm sáng tỏ hình ảnh của Ngài trong ta.

Như Linh Mục Alexander, chúng ta hãy dành một chút thời gian trong ngày để đến mà xem Đấng mà Thiên Chúa đã xức dầu tấn phong, Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến để làm một với con người và đi loan báo Tin Mừng, Đấng mà giúp ta gỡ bỏ những xiềng xích của lo sợ, ganh tị, kiêu căng, mê muội, đau khổ, hầu giúp chúng ta sống tự do, và trong sự tự do đó chúng ta cùng Ngài công bố hồng ân của Thiên Chúa. Nhưng để thật sự được cùng Ngài đi công bố hồng ân, chúng ta không thể chỉ gặp Chúa Giêsu bằng cách nghe người khác nói, hay kinh nghiệm của những người xung quanh, nhưng hãy để những kinh nghiệm và lời nói của người khác làm cho chúng ta biết tìm hiểu hoặc xác thực kinh nghiệm của chính mình. Như Linh Mục Alexander tâm sự:

Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu là một cái gì đó mà mỗi người phải trải qua, như toán học không có thể chứng minh vẻ đẹp âm nhạc của Beethoven hoặc một bức hoạ. Bạn chỉ có thể đến trước là để nghe, để nhìn thấy nó, và để những gì bạn thấy và nghe đi sâu vào tâm hồn mình – cũng thế chúng ta cũng cần cố gắng đi tìm và gặp Đức Giêsu Kitô. Nếu chúng ta không có cuộc gặp gỡ này, chẳng có gì có thể thuyết phục được chúng ta, những gì chúng ta nghe và thấy bởi những kinh nghiệm của người khác sẽ vẫn chỉ là một cái gì đó mông lung và thiếu sức sống. Chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô không vì một ai đó nói với chúng ta, nhưng bởi vì những lời này mời gọi chúng ta đến và tìm hiểu.

Đức tin đến từ nghe Lời của Ngài, như Thánh Phao-lô nói. Nhưng hãy nhớ những gì đã xảy đến với những người Sa-ma-ri khi người phụ nữ đến nói với họ về Chúa Giêsu, Đấng đã “nói với tôi mọi việc tôi đã làm.” Họ ngạc nhiên, nhưng khi tự bản thân họ đi và đã nghe Chúa Giêsu, họ đã kết luận: Bây giờ chúng tôi mới thật sự gặp Đấng mà chị đã nói đến, “không còn phải vì lời chị kể lại mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4:39-42).

Vậy chúng ta hãy đi tìm gặp Đấng mà qua Ngài lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm ở đâu và bằng cách nào? Chúng ta có thể đi tìm Ngài qua những lời kinh nguyện và bằng cuộc sống của mình như vị Linh Mục Alexander Men, như Nathanaen qua lời giới thiệu của Philípphê, hoặc như những người thành Sa-ma-ri đã không khinh chê người phụ nữ có năm đời chồng nhưng đã tin và đi tìm kiếm “Đấng cứu độ trần gian.” Chúng ta hãy đi tìm gặp Ngài nơi những hàng cây trụi lá của mùa đông, ở những bãi cỏ phủ đầy sương trắng của những đêm giá lạnh, ở những lời nguyện cho những anh chị em vô gia cư vào những ngày mưa dầm dã, ở những em bé bán vé số trên đường phố Việt Nam với khuôn mặt lấm bụi, ở những chiếc bánh chưng xanh đang mong chờ ngày tết đến… chúng ta hãy cầu xin cho tìm được Đấng ban cho chúng ta sức sống mọi nơi và mọi lúc.

Ước gì chúng ta mang trong con tim nỗi mơ ước được gặp Đức Giêsu, Đấng đã được xức dầu và tấn phong. Trong khi mong chờ cho giây phút gặp gỡ huyền diệu ấy, xin cho chúng ta biết sống bằng những lời chứng của những người khác và kiên trì đi tìm kiếm Ngài qua những sinh linh đang sinh hoạt dưới ánh nắng mặt trời, những người ta gặp gỡ hàng ngày, trong lời kinh nguyện, những người gieo cho ta vết thương lòng, và đặc biệt là chính trong con người của chúng ta. Amen!

Củ Khoai

THÍCH ĐIẾC, MUỐN NGỌNG?

ZZAnh Chị em thân mến,

Các phương tiện truyền thông đang nói nhiều đến sự ô nhiễm: ô nhiễm môi trường sinh thái, ô nhiễm nguồn lương thực, ô nhiễm âm thanh.  Bên cạnh đó, các nhà giáo dục còn nói đến ô nhiễm những mặt trái của văn minh phương tây, ô nhiễm tinh thần tục hoá của một xã hội tiêu thụ và hưởng thụ.  Hơn lúc nào hết, chúng ta có quá nhiều cái để nghe và cũng có quá nhiều điều để nói đang khi biết bao điều phải nghe mà chưa nghe được, bao nhiêu điều phải nói mà nói không được. Phải chăng, một cách nào đó, chúng ta cũng không hơn chi anh chàng vừa điếc vừa ngọng trong bài Tin Mừng hôm nay khi anh phải nhờ người khác dẫn mình đến với Chúa Giêsu.

“Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi…”  Bài hát của một tác giả như là một lời nhắc nhở chúng ta; hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa còn nói với chúng ta nhiều hơn.

Trình thuật Tin Mừng kể chuyện Đức Giêsu chữa lành một người điếc và ngọng.  Phép lạ không chú trọng đến việc chữa lành thể chất nhưng đúng hơn, chú trọng đến việc chữa trị tâm hồn.  Đức Giêsu mở tai anh, để anh có thể nghe Lời Chúa; mở miệng anh, để anh có thể tuyên xưng niềm tin vào Ngài, chính Ngài là Đấng Thiên Sai đã được Isaia loan báo trước đó hơn tám thế kỷ, Ngài là Đấng mở mắt người mù, mở tai người điếc và mở miệng người câm như bài đọc thứ nhất và bài đáp ca hôm nay nhắc lại.

Vậy thì Lời Chúa hôm nay nói gì với chúng ta?

Hơn bao giờ hết, chủ đề điếc và ngọng thật hấp dẫn và cũng dễ đụng chạm.  Nguyên chuyện khoái  điếc, thích ngọng và kể cả muốn mù như căn bệnh mãn tính lâu ngày hoá quen và coi như chuyện nhỏ không thành vấn đề đã là một cái gì đụng chạm ghê gớm.

Anh Chị em, chúng ta sẽ đụng ai khi nói đến những căn bệnh mãn tính nầy?  Và một loạt câu hỏi được đặt ra: Đụng ai trước nhất?  Vì sao phải đụng?  Tại sao chúng ta khoái điếc khi không còn muốn nghe?  Tại sao chúng ta thích ngọng khi chẳng còn buồn nói?  Ai tập cho chúng ta điếc?  Ai dạy cho chúng ta câm?

Có lẽ nhiều người đang nín thở, nhưng dường như tất cả chúng ta đã hiểu lầm hết với câu trả lời của mình.  Còn đây mới là câu trả lời đúng nhất, chính xác nhất.  Đề cập đến việc khoái điếc, thích ngọng và giả mù của chúng ta sẽ đụng chạm đến chính linh hồn, đụng chạm đến bản thân chúng ta trước nhất.

Chúng ta điếc đặc trước Lời Chúa, ù loà trước tiếng lương tâm, lãng tai trước những nhu cầu của anh chị em chung quanh khi chúng ta thoả hiệp với tội lỗi, nhân nhượng với ích kỷ và sống chung với hèn nhát.  Chính lúc đó, chúng ta vô tình chuốc lấy cái bệnh trụt lưỡi và cái khiếm thính mãn tính.  Chúng ta sợ đối diện với Lời Chúa nên ngại đặt mình trước mặt Ngài.  Vì Lời Chúa là gươm hai lưỡi, thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can.  Lời Chúa thẳng băng, luôn mới mẻ, sẵn sàng phanh phui, không nể vì, cũng chẳng thoả hiệp.  Chúng ta sợ những phút trầm tư, run rẩy, khi phải lặn sâu xuống lòng mình, bởi lẽ ở đó, tiếng Chúa đang mời gọi, tiếng lương tâm đang kêu réo ới ời.

Không chỉ khoái điếc, chúng ta còn thích ngọng.  Trước bao gương mù gương xấu, chúng ta ú ớ không nói được chi, không dám sửa bảo cũng không còn tự tin để chấn chỉnh con cái, bạn bè và đồng nghiệp… vì lẽ chúng ta chưa làm gương tốt đủ, ngôn hành bất nhất, chúng ta không hơn chi các người khác; chúng ta giống hệt các biệt phái ham chuộng bề ngoài mà quên mất nội tâm: miệng thì nam mô, bụng thì mưu mô; lời thì bác ái, lòng thì bái ác; ngoài thì thương yêu nhưng dạ thì ưa thiêu; hết lòng với kẻ ở xa mà đoạn tình với người ở gần, rất gần, ngay trong nhà mình, trong cộng đoàn mình.  Vì thế, chúng ta ù ù cạc cạc trước bao điều chướng tai gai mắt.  Bên cạnh đó, chúng ta sợ liên luỵ, ngại dấn thân và thích an phận…

Thế nhưng, thưa Anh Chị em,

Làm sao một người làm cha làm mẹ, làm sao một mục tử, một thầy cô giáo hay một chứng tá của Chúa Kitô trong môi trường mình đang sống lại có thể yên thân?  Làm sao chúng ta lại hoá như bao người khác?  Mà tại sao lại phải yên thân?  Đến đây, có người sẽ nói: Cuộc đời phức tạp lắm, các linh mục không biết đâu!  Không, tôi biết.  Vì nếu không tỉnh thức, chúng ta sẽ vô tình đánh mất sự hồn nhiên, đánh mất cả sự tự do và đánh mất chính mình.  Phải, chúng ta mù loà điếc lác và ngọng miệng, một căn bệnh cần được Đức Giêsu chữa lành.

Đức Hồng Y Gracias nói: “Gương mù cho thế kỷ hôm nay là chúng ta y hệt mọi người khác”, dửng dưng như người khác, thờ ơ như người khác và lạnh lùng như người khác.

Không, mỗi ngày, mỗi người chúng ta đều được mời gọi hướng thượng: nhanh hơn, cao hơn và xa hơn.  Chúng ta là con cháu Hồng Bàng, là đại bàng sải cánh giữa lồng lộng trời cao; chúng ta không thuộc họ nhà gà lệt đệt.  Bùn càng tanh, sen càng phải thơm tho.  Bùn càng đặc, sen càng phải toả ngát.  Cắm sâu giữa bùn nhưng sen vẫn mãi là sen vì chỉ có sen mới được quyền nói về bùn, cũng như chỉ có bùn mới được quyền nhắm mắt không thừa nhận sen.  Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn là vậy.

Chuyện ngày xưa kể rằng, Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề thăm nhà bạn cũ.  Người bạn cũ trách Mặc Tử: “Bây giờ thiên hạ còn ai biết đến việc nghĩa, quan lớn cũng như quan bé, mạnh ai nấy sống, lấy cái công làm cái tư, ông tự khổ thân một mình làm việc nghĩa chi cho nhọc xác?”  Mặc Tử trả lời: “Tôi hỏi ông, nhà có mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn, thì chẳng phải đứa cày phải cày chăm hơn sao?  Bởi vì đứa cày thì ít đứa ăn thì nhiều.  Thiên hạ bây giờ không ai chịu làm việc nghĩa, ông phải khuyên tôi cần làm việc nghĩa nhiều hơn mới phải chứ, sao lại ngăn tôi?”

Ngày xưa cũng như ngày nay, cám dỗ mạnh ai nấy sống luôn luôn hiện diện.  Khoái điếc, thích ngọng từ đó cũng là căn bệnh của chúng ta.  Hôm nay, Đức Giêsu cũng sẵn sàng chữa lành nếu chúng ta biết đó là bệnh và ước được chữa lành.  Mỗi chúng ta có thể cầu nguyện:

Lạy Chúa, có nhiều bức tường ngăn chặn làm tai con điếc.  Có nhiều sợi dây trói buộc làm lưỡi con ngọng.  Xin cũng nói với con:“Ephata, Hãy mở ra,” để con nghe được tiếng Chúa, tiếng lương tâm mà hoán cải tâm hồn, đổi mới con tim.  Xin hãy phá đi bức tường định kiến, bức tường ích kỷ để con mở rộng cõi lòng đón nhận Lời Chúa, đón nhận anh em.  Xin hãy mở miệng lưỡi con, cắt đứt sợi dây ích kỷ, sợi dây sợ sệt, sợi dây ươn hèn để con mạnh dạn nói lời chân lý, lời thứ tha, những lời ca ngợi tình Chúa, những lời chúc khen tình người, Amen.

LM Minh Anh (Gp. Huế)