VIẾNG MỘ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ

Theo Giáo luật, cứ 5 năm một lần, mỗi Giám mục phải về viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô.  Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự cuộc viếng mộ cùng với đông đủ các vị Giám mục và Giám quản của hầu hết các Giáo phận.

Cuộc viếng mộ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 24.  Trong suốt 10 ngày đã có 22 cuộc gặp gỡ chính thức. 18 cuộc gặp gỡ với các Bộ và các Hội đồng Toà Thánh.  4 cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha.  Tuy nhiên cao điểm vẫn là 2 thánh lễ ở bên mộ hai Thánh Tông đồ.  Đối với tôi, đây chính là hai cuộc gặp gỡ quan trọng nhất, để lại trong tôi những cảm nghiệm sâu xa.

Cảm nghiệm thứ nhất là về ơn đức tin.

523Đức tin không ai tự mình có được, nhưng là ơn Chúa ban.  Điều này được thấy rõ trong cuộc đời hai Thánh Tông đồ.  Không thể nói hai Thánh Tông đồ đã không có đức tin.  Các ngài đã có một đức tin nào đó.  Nhưng đó là thứ đức tin sai lầm, giả hiệu.

Thánh Phaolô tin sai lầm nên đã trở thành cuồng tín.  Chỉ tin vào Lề Luật nên ngài ra sức bảo vệ Lề Luật.  Không chỉ công kích mà còn đích thân lùng bắt những người tin Chúa.  Ngài trở thành cơn ác mộng của các Kitô hữu tiên khởi.  Để cảm hoá Ngài, Chúa đã quật ngã Ngài xuống khỏi lưng ngựa.  Thay thế lòng cuồng tín bằng một đức tin chân thật.

Thánh Phêrô, vì đức tin non nớt, đã trở thành tự mãn.  Khi mới tin Chúa, Ngài nghĩ rằng có thể làm được tất cả: đi trên mặt nước, trung thành hơn những người khác.  Nhưng không ngờ Ngài đã bị chìm xuống, đã phản bội.  Nhờ ơn Chúa thương yêu dìu dắt, dậy dỗ, đức tin của thánh nhân mới vững mạnh và trở thành người nâng đỡ đức tin của anh em.

Chúa đã thương ban cho các Ngài đức tin chân chính.  Chúa đã huấn luyện cho đức tin của các Ngài nên trưởng thành.  Đó là ơn của Chúa.  Đó là sáng kiến của Chúa.  Nếu không có ơn Chúa, các Ngài sẽ mãi mãi xa lạc.  Trước mộ các ngài, tôi tha thiết cầu xin ơn đức tin.  Tôi sợ đức tin của mình non nớt dễ trở thành tự mãn.  Tôi sợ đức tin của mình sai lạc dễ trở thành cuồng tín.

Cảm nghiệm thứ hai là về ơn sám hối.

Hai vị Tông đồ Cả đã có thời lầm lạc.  Không chỉ phạm những sai lầm nhỏ mọn nhưng là những sai lầm nghiêm trọng.

Thánh Phaolô đã là kẻ thù của Chúa, đi tìm bắt giết những người theo Chúa.  Thánh Phêrô là môn đệ của Chúa, nhưng đã phản bội, công khai chối Thày.

Nhưng các Ngài đã được ơn ăn năn sám hối.  Một cú ngã ngựa đã làm thay đổi cuộc đời thánh Phaolô. Một ánh mắt của Thày Chí Thánh đã hoán cải thánh Phêrô.

Thật lạ lùng sự hoán cải của tâm hồn con người.  Đang cứng cỏi bỗng trở nên mềm mại.  Đang hung hăng bỗng trở nên hiền lành.  Đang chống đối bỗng trở nên kính mến.  Đang thù ghét bỗng trở nên tin tưởng.

Tâm hồn các Ngài biến chuyển nhanh chóng không nhờ sức thuyết phục của lí trí con người, nhưng nhờ ơn Chúa.  Ơn Chúa tác động làm cho tâm hồn các Ngài nhạy bén nhận biết lỗi lầm và mau mắn trở về.  Không có ơn Chúa tâm hồn tội lỗi không thể biết ăn năn.

Trong đền thờ có tượng thánh Phêrô bằng đồng đen nhánh.  Nhưng bàn chân Ngài sáng bóng và mòn khuyết một nửa, vì mỗi khách hành hương đi qua đều chạm vào.  Bàn chân ấy được yêu mến vì lầm đường nhưng đã biết quay trở lại.  Xếp hàng rồng rắn theo đoàn hành hương, tôi cũng đến chạm vào bàn chân Ngài, lòng thầm cầu xin ơn sám hối.

Cảm nghiệm thứ ba là về ơn khiêm nhường.

Khi viếng mộ hai thánh Tông đồ, phải cúi mình rất sâu, vì phần mộ của các Ngài nằm sâu dưới lòng đất.  Bước xuống những bậc thang sâu hun hút, rồi nhìn lên các Vương Cung Thánh đường đồ sộ cao thăm thẳm, tôi có cảm tưởng các Ngài bị chôn vùi thật sâu, đang phải oằn lưng gánh lấy sức nặng của những phiến đá khổng lồ.  Chính những ngôi mộ chìm sâu trong lòng đất đã trở thành nền móng cho những ngôi thánh đường đồ sộ vươn lên.  Hội Thánh được xây dựng trên những nền tảng khiêm nhường.  Đó là nền tảng vững chắc nhất.

Việc xây dựng như thế phản ảnh đúng đời sống khiêm nhường của các Ngài. Sau khi được ơn sám hối, thánh Phêrô rất mực khiêm nhường.  Theo lời truyền, Ngài đã ăn năn khóc lóc tội lỗi suốt cả đời. Trong những hầm mộ ở ngoại ô Rôma, nơi các Kitô hữu đầu tiên ẩn trú có khắc nhiều hàng chữ “Xin Chúa thương xót con.”  Truyền thống cho đó là lời của thánh Phêrô.

Còn thánh Phaolô thì không ngại xưng mình là “phân bón thế gian, cặn bã của mọi người.”  Các ngài giống như hạt lúa chịu chôn vùi dưới lòng đất, chịu mục nát đi để sinh bông hạt phong phú.  Các Ngài tự nguyện làm nền móng cho những ngôi nhà đẹp đẽ vươn lên.  Các Ngài tự nguyện làm gốc rễ nằm sâu dưới lòng đất hút chất bổ dưỡng nuôi cho thân cây Hội Thánh được xanh lá, tươi hoa, trĩu quả.

Sau cùng là cảm nghiệm về tình yêu.

Tất cả những ơn đức tin, ơn sám hối, ơn khiêm nhường các Ngài nhận được đều do tình yêu thương của Chúa.  Chính Chúa chủ động đi tìm, ban ơn và dìu dắt các Ngài.  Chúa đã bao phủ các Ngài bằng một tình yêu thương không gì so sánh được.  Và các Ngài cũng đã mở lòng ra đón nhận, cảm nghiệm và đáp đền ơn tình yêu bằng một đời sống quảng đại, theo gương Thày Chí Thánh.  Tình yêu kêu gọi tình yêu.  Tình yêu đền đáp tỉnh yêu.  Tình yêu đã biến những con người bất tín trở thành tin tưởng, lầm lạc biết quay trở về, tự mãn trở nên khiêm nhường, cứng cỏi trở nên chan chứa yêu thương.

Đứng bên mộ, tôi cảm thấy các Ngài thật gần gũi.  Gần gũi trong thân phận làm người với tất cả những yếu đuối mong manh.  Gần gũi trong ơn gọi Tông đồ tôi được hân hạnh cùng các Ngài chia sẻ.  Gần gũi trong thao thức được Chúa thương hoán cải, hướng dẫn.  Nhất là gần gũi vì được ấp ủ, được tan hoà vào cùng một tình yêu của Thiên chúa.

Được gần gũi các Ngài, tôi cảm thấy mình được đưa đi rất xa trong hành trình nội tâm.  Hành trình ấy dài hơn cả 10 nghìn cây số đường bay tôi đã trải.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

523Nhờ hồng ân Thiên Chúa, ngày 29 tháng 6 hằng năm, cả Giáo Hội vũ hoàn kính nhớ đặc biệt và mừng trọng thể cùng lúc lễ hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô, những cột trụ của Giáo Hội phổ quát Chúa Kitô.  Theo truyền thống, Giáo Hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính với lòng biết ơn hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, và đồng thời tuyên xưng long trọng về một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, và tông truyền.

Phêrô có tên gốc là Simon, người Galilê làm nghề chài lưới, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria.  Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma.  Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô.

Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Kitô, đã xứng đáng nghe lời này: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16, 18).  Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng.  Phêrô lấy từ “tảng đá”, chứ không phải tảng đá lấy từ Phêrô.  Phêrô, ngư phủ miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa (x. Mt 16, 13-19).  Còn thánh Phaolô, người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu tại thế, ông bách hại những người tin Chúa Kitô.  Nhưng khi gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, ông trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin, là “dụng cụ ưu tuyển” để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc (x. Cv 9, 1-22).

Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi lúc ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con.  Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22).  Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Chúa.  Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp.  Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang.  Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã.  Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình.  Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.  Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai mờ.  Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.  Phaolô là chiếc bình được tuyển chọn, Phêrô giữ chìa khóa Nước Trời; cho dù người này là ngư phủ, người kia là kẻ bách hại.  Phaolô đã bị đánh cho mù, cuối cùng thấy rõ hơn; Phêrô đã chối Chúa, sau tin vững vàng.  Phaolô đã chọn tin vào Chúa Kitô sau khi phục sinh.  Phêrô vị dân chài thay vì thả lưới bắt cá, nay trở thành kẻ lưới người ta.

Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Mt 16, 17).  Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả Dân Chúa.

Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa.  Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma.  Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô.  Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng: “Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến.” (2Tm 4, 17-18)

Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến.  “Này anh Simon, anh có mến Thầy không?  Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là “Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20).  Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: “Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô” ( Rm 8, 35.39).

Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau.  Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28); “Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu” (Gl 6, 1-7).

Cả hai hạnh phúc trong việc giữ gìn giáo lý tinh tuyền, nhưng cái phúc tử đạo còn hạnh phúc hơn.  Nơi dương gian, vinh quang chỉ là ước muốn; chốn thiên đàng mọi sự thật nhãn tiền.  Tiếng các ngài đã vang đến tận cùng trái đất, và thông điệp loan đi tới chân trời góc bể.  Khắp nơi vang tiếng ngợi khen các ngài; các tín hữu nhẩm đi nhắc lại chiến thắng khải hoàn của các đấng.

Thật là hữu ích khi nhắc lại cho chúng ta vinh quang tử đạo của các hai đấng.  Phaolô bị chặt đầu, Phêrô bị đóng đinh cắm đầu xuống đất.  Hình thức tử đạo thật mầu nhiệm.  Phêrô không dám chịu đóng đinh giống Thầy mình.  Đó không phải là ông từ chối tử đạo, nhưng ông sợ nhận lấy cái chết giống Đấng Cứu Thế.  Cả hai vị đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).  Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng.  Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.  Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

Lạy Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, cầu cho chúng con.

Thánh Phêrô và thánh Phaolô, cầu cho chúng con.  Amen.

LM Antôn Nguyễn Văn Độ

http://vietcatholic.com/News/Html/140116.htm

ĐỤNG ĐẾN ÁO

 

Giữa đám đông chen lấn chung quanh Đức Giêsu, có những người đụng vào áo Ngài.  Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý, đụng lén như sợ bị bắt quả tang.  Đó là cái đụng của một người phụ nữ, mười hai năm mắc bệnh băng huyết, mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi, mười hai năm bị coi là ô nhơ: không được đụng đến người khác, không được tham dự nghi lễ ở Đền thờ.

Người phụ nữ đụng vào áo Đức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin, một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ.  “Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.”  Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.

Trong đời sống Kitô hữu, chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa.  Đụng đến Lời Ngài, đụng đến Mình Máu Thánh Ngài.  Đụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái tim.

Có những lần đụng chạm hời hợt vì thói quen, không để lại một âm vang nào, không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống.  Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ, ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình ô nhơ tội lỗi.  Hay nói đúng hơn, vì biết mình ô nhơ tội lỗi mà ta cả dám đụng vào Ngài.  Đụng vào Đấng Thánh để được nên trong sạch.

Chúng ta cần đụng đến Đức Giêsu mỗi ngày và chúng ta cũng cần được Ngài đụng đến.

523Ông trưởng hội đường xin Ngài đặt tay trên con mình.  Ngài đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết.

Như con gái của ông trưởng hội đường, chúng ta cần được Chúa cầm tay và bảo: “Hãy chỗi dậy.”

Chỗi dậy khỏi bệnh tật và cái chết.  Chỗi dậy và đi lại, ăn uống như người bình thường.  Chỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.

Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin.

Đức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (c.34).

Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Gia-ia: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (c.36).

Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu.  Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Ngài.

Khi đụng vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể, ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ của anh em, là những chi thể của Nhiệm Thể Ngài.

Khi đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng, ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa nơi mọi biến cố.

Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi, đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.

*************************************

Lạy Chúa Giêsu,

Dân làng Nazareth đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.  Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.  Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người.

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê bỏ, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Trích trong “Manna”

LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Từ thế kỷ thứ IV, Giáo hội đã mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả.  Đây là một lễ rất lâu đời xét về mặt thời gian.  Nếu như câu hỏi mà những người đương thời để bụng suy nghĩ “con trẻ này rồi sẽ nên thế nào?”  Thì ngày nay người ta vẫn không ngừng đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như: Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6?  Và lý do gì mà Giáo hội lại mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan cách trọng thể như thế?

Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6?

523Lý do lấy ngày 24 tháng 6 thay vì ngày 25 tháng 6 là vì theo cách tính ngày xưa, tức là theo calends (ngày mùng 1), ides (ngày 15) và nones (ngày thứ chín).  Dĩ nhiên, những niên hiệu này có một giá trị phụng vụ và biểu trưng hơn là một giá trị lịch sử.  Chúng ta không biết chính xác ngày và năm Chúa Giêsu sinh ra, nên khi nào Gioan sinh ra chúng ta cũng không hay.

Dựa vào trang Tin Mừng, thánh Luca cho biết, khi loan báo sự sinh hạ của Chúa Kitô cho Đức Maria, thiên thần cho ngài biết bà Isave chị họ của ngài đang có thai trong tháng thứ sáu.  Cho nên, Gioan Tẩy Giả phải được sinh ra sáu tháng trước Chúa Giêsu và như vậy bảng niên đại được tôn trọng cho đến ngày nay.

Giáo hội mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan

Thánh Augustinô nói: “Giáo hội có thói quen lấy ngày qua đời của các vị thánh để mừng kính, vì đó là ngày sinh nhật của các thánh trên Trời.  Riêng thánh Gioan Baotixita được miễn trừ khỏi qui luật bình thường đó, vì ngài đã được thánh hiến ngày từ trong lòng mẹ trước khi sinh ra, nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô trong lòng Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh khi thăm Bà Thánh Isave, từ đó Giáo hội tin rằng Gioan Tẩy Giả đã được thánh hoá trong dạ mẹ nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô.  Đó là lý do Giáo hội cử hành lễ sinh nhật của ngài.”

Bài Tin Mừng chính ngày lễ nói về sự chọn tên Gioan.  Bài đọc thứ nhất trích sách Ngôn sứ Isaia và Thánh vịnh nói về giá trị cao cả của con người trước mặt Thiên Chúa: “Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.  Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người.  Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-3).  Thánh vịnh trở lại với ý niệm này, tức là, Chúa biết chúng ta từ trong lòng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con…  Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 138, 13).  Như thế Thiên Chúa đã an bài sắp đặt mỗi người chúng ta ngay từ khi còn trong dạ mẹ.

Lời mời gọi bảo vệ sự sống các thai nhi

Theo Kinh Thánh, con người là kẻ được Thiên Chúa nhận biết, gọi tên; và Thiên Chúa biết chắc chúng ta từ khi còn trong lòng mẹ.  Mắt Ngài thấy chúng ta: “Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy ” (Tv 138, 16).

Chúng ta có một ý niệm rất hẹp hòi và có tính pháp lý về con người, gây nhiều hoang mang trong sự bàn cãi về nạn phá thai.  Xem ra một đứa bé chỉ được sở hữu phẩm giá con người khi nó được các thẩm quyền con người thừa nhận.

Khoa học nói với chúng ta rằng trong phôi thai, toàn diện hữu thể nhân bản đang thành hình, được phản chiếu trong mỗi chi tiết rất nhỏ; đàng khác, đức tin chúng ta thêm rằng, điều chúng ta có không phải là công trình vô danh của tạo vật, nhưng một công trình tình yêu của đấng Sáng tạo.  Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76).

Vấn đề nghiêm trọng ngày nay là hàng triệu trẻ em chết vì phá thai mà không được rửa tội.  Chúng ta phải nói gì về chúng?  Chúng có được thánh hoá cách nào đó trong bụng mẹ chúng không?  Chúng có được cứu rỗi không?

Câu trả lời không do dự: Chắc chắn chúng được cứu rỗi.  Theo một ý kiến đã trở nên phổ thông từ Trung Cổ, những trẻ con không được rửa tội thì xuống lâm bô, một nơi trung gian trong đó không có đau khổ cũng không được thấy mặt Chúa.

Chúa Giêsu đã thiết lập các bì tích như những phương tiện bình thường của việc cứu rỗi.  Do đó, các bí tích là cần thiết, và những ai dầu có khả năng nhận lãnh bí tích, mà từ chối hay lười biếng nhận lãnh bí tích, đi nghịch lại với lương tâm của mình, gây lâm nguy trầm trọng cho sự rỗi muôn đời của mình.  Nhưng Thiên Chúa không bị ràng buộc bởi những phương tiện này.  Ngài có thể cứu rỗi bằng những phương tiện bất thường, khi con người, không do lỗi mình, không được lãnh bí tích rửa tội.  Chúa làm như vậy đối với các thánh Anh Hài, những em bé đã chết không được rửa tội.

Giáo hội đã luôn luôn công nhận khả năng của một phép rửa tội bằng ý muốn và một phép rửa tội bằng máu, và nhiều em bé chắc chắn đã biết một phép rửa tội bằng máu, dầu thuộc về một bản tính khác.

Khi làm sáng tỏ vấn đề trên sẽ mang lại một sự thoải mái cho những kẻ tin, những kẻ mất bình thản trước số phận khủng khiếp của rất nhiều em bé trong thế giới ngày nay.

Chúng ta hãy trở lại ngày sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả.  Khi loan báo sự sinh của con trẻ cho Giacaria, Thiên Thần nói với ông: “Isave vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai ông sẽ gọi là Gioan.  Ông sẽ được vui mừng hớn hở và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời” (Lc 1, 13-14).  Quả thật, nhiều người đã hỷ hoan vui mừng khi con trẻ sinh ra, bước sang thế kỷ XXI, chúng ta ở đây đang mừng vui nói về con trẻ này.

Xin Chúa cho tất cả những người cha và bà mẹ, như bà Isave và ông Giacaria, đang chờ đợi hay kinh nghiệm sự sinh con, có được niềm vui và hớn hở trong đứa con Chúa đã trao ban, và niềm vui sinh con, vì sự sống đã bừng lên nơi con cái.  Xin cho mọi người tôn trọng các thai nhi ngay từ trong lòng mẹ.  Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

KHỎI CHỨNG BẠI LIỆT NHỜ TÌNH PHỤ TỬ BAO LA

Bà Alessandra York là phụ nữ Hoa Kỳ.  Với mái tóc vàng óng ánh, với đôi mắt tinh anh và với dáng đi uyển chuyển, bà là biểu tượng cho mẫu phụ nữ tự tin, yêu đời và thành công trong cuộc sống.  Nhưng sỡ dĩ bà được như thế là nhờ đức kiên nhẫn, lòng can đảm và tình thương bao la của hiền phụ.  Sau đây là chứng từ của bà về người Cha đáng kính.

Mùa hè năm 1949 – tôi lên 8 tuổi – Hoa Kỳ trải qua thời kỳ đau thương.  Đây đó trên toàn nước bị bệnh dịch tê bại trẻ con hoành hành.  Tại nhiều thành phố, nhà thương không còn chỗ để tiếp nhận các trẻ em đáng thương.  Người ta phải đặt thêm giường trên các hành lang.

Tôi là một trong số các trẻ em bị bệnh này.  Chứng bệnh ban đầu làm cho tôi không nuốt được.  Tiếp đến: cổ, hai chân và cánh tay phải hoàn toàn bị tê liệt.  Tôi được chở đến nhà thương.  Các bác sĩ nói với Cha Mẹ tôi là tôi không thoát ra được chứng bệnh hiểm nghèo này.

Bệnh tê bại từ từ lan rộng sang các phần thân thể khác.  Nhưng phần bị nặng nhất là các đốt xương nơi cổ, khiến tôi không thể nào nhấc đầu lên khỏi chiếc gối.

Các bác sĩ giải thích cho Cha Mẹ tôi hiểu rằng, nếu theo một lối chữa trị thích hợp, có lẽ tôi sẽ đi đứng và sử dụng được cánh tay phải, nhưng tôi phải mang một vòng bao quanh cổ và phải theo học nơi trường dành cho các trẻ em tàn tật.

Ý nghĩ rồi đây tôi sẽ trở thành một đứa trẻ tàn tật, luôn luôn tùy thuộc người khác và là đối tượng cho lòng xót thương, khiến thân phụ tôi không thể nào chấp nhận được.  Ba tôi lục lọi tìm đọc tất cả sách nói về chứng bại trẻ em.  Ba tôi cũng thăm dò ý kiến các bác sĩ và y tá.  Sau cùng, Ba tôi thấy rằng, cần phải đưa tôi ra khỏi nhà thương càng sớm càng tốt để bắt đầu các buổi thực tập hầu tôi có thể sử dụng lại tứ chi.  Trong khi chờ đợi, Ba nói với tôi:

– Con phải làm tất cả những gì các bác sĩ và y tá bảo con làm, và phải làm cho tận lực!

“Phải làm cho tận lực”, là điều Ba vẫn hằng nhắn nhủ tôi, và hôm nay, Ba tôi trịnh trọng nhắc lại.

523Thời gian sau đó, tôi thấy các trẻ gái lần lượt rời nhà thương trên xe lăn.  Ba nói với tôi:

– Con cũng sẽ rời nhà thương, nhưng không phải trên xe lăn mà bằng hai chân của con!

Ba tôi không bao giờ nói:

– Nếu con được khỏi bệnh,

nhưng luôn luôn nói:

– Khi nào con khỏi bệnh.

Từ tuổi lên 3, tôi theo học các khóa dạy vũ cổ điển.  Nhớ lại các bài học, tôi tận dụng các hiểu biết để tìm ra phương pháp giúp tôi ngồi yên trên giường được hai ba phút.  Tôi cũng tìm cách giữ cho đầu thăng bằng.  Các bác sĩ không thấy gì là đặc biệt, nhưng Ba tôi thì thật vui mừng, như thể là tôi sắp lành bệnh đến nơi!

Tôi rời nhà thương, nhưng vẫn chưa đi được.  Thay vì đẩy tôi trên xe lăn, Ba tôi quyết định bồng tôi trên đôi tay người.

Tôi học đánh dương cầm từ tuổi lên năm.  Khi về đến nhà, Ba tôi ngồi trước đàn và đặt tôi ngồi trên đầu gối của người.  Giữ cho tôi được thăng bằng xong, Ba tôi để hai bàn tay tôi trên các phím đàn.

Nhưng tay phải của tôi cứ buông thõng xuống, trượt ra khỏi các phím đàn.  Thấy thế Ba tôi nói:

– Không sao cả.  Thế nào con cũng chơi đàn trở lại.  Rồi con sẽ thấy!

Ba tôi mời bác sĩ đến tận nhà tập cho tôi sử dụng các bắp thịt.  Chính Ba tôi cũng bỏ bớt việc làm để đứng ra tập luyện cho tôi.  Từ từ tôi có thể đi đứng được, giữ cho đầu thăng bằng và chơi được vài nốt đàn.

Mùa thu năm sau, tôi trở lại trường học và trở lại với môn dương cầm và môn vũ cổ điển.

Khi bước vào bậc trung học, tôi là thiếu nữ bình thường như bao thiếu nữ khác.  Ba nói với tôi:

– Con sắp gặp số đông học sinh không biết gì về chứng bệnh của con.  Vậy con đừng nói với ai cả.  Bệnh tật đã qua rồi.

Tôi tuyệt đối nghe theo lời khuyên của Ba.  Ngay cả giờ đây, chỉ trừ ít người thân và bạn bè, còn lại không ai biết tôi từng bị bệnh tê liệt.

Ba tôi qua đời vào năm 61 tuổi.  Nhưng trước đó, Ba hãnh diện đưa tôi vào nhà thờ ngày tôi lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối.  Sau đó, Ba sung sướng khi thấy tôi xuất hiện trên màn ảnh truyền hình.  Rồi Ba cảm động đọc các tác phẩm tôi viết về sức khoẻ và về sắc đẹp.  Nói tóm lại, Ba chứng kiến tất cả thành công của tôi, và nhất là Ba tôi biết rằng, tôi là phụ nữ tự tin, hạnh phúc và ngẩng cao đầu khi góp mặt với đời.

Tất cả thành công tôi đạt được là nhờ công ơn trời biển của hiền phụ tôi.  Người không đầu hàng trước căn bệnh hiểm nguy của tôi và cùng tôi chiến thắng căn bệnh.  Suốt đời, tôi ghi ơn Ba tôi.

… “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông chúng ta qua các thế hệ. THIÊN CHÚA đã sáng tạo nên nhiều người con hiển hách là các vĩ nhân từ những thưở xa xưa: Có những người cai trị đất nước mình và là những con người nổi danh về quyền lực.  Có những người lãnh đạo dân bằng các lời chỉ dẫn, bằng tài dạy dỗ dân chúng và những lời giáo huấn khôn ngoan.  Có những người sáng tác những điệu nhạc du dương, viết ra những bài thơ bài phú.  Có những người giàu sang, lắm quyền nhiều thế, sống bình an hòa thuận trong nhà.  Hết thảy đều được người đương thời khen ngợi, được vẻ vang trong lúc sinh thời. Trong các vị, có những người lưu danh hậu thế cho người đời ca ngợi tán dương” (Sách Huấn Ca 44, 1-8).

Sr.Jean Berchmans Minh Nguyệt

(”Reader’s Digest SELECTION”, Juin/1992, trang 49-53). (radio V

THỬ THÁCH TRONG CUỘC ĐỜI

Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu.  Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm.  Và khi thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện.  Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết.  Và nó càng yêu mến, càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.

Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế.  Lần giả vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên đường Emmaus.  Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại.  Khi Người ở lại, các môn đệ vui mừng khôn xiết.  Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh.

523Hôm nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng ta có thể đoán biết Chúa Giêsu đang giả vờ.  Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho thuyền chòng chành nghiêng ngả, nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm đắm, trong khi đó các tông đồ xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm cách tát nước ra.  Giữa khung cảnh như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành được.  Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.

Vì yêu thương ta, Chúa muốn ta đáp lại tình yêu thương của Chúa.  Đó là định luật thông thường trong tình yêu.  Khi yêu ai cũng muốn được đáp trả.  Chúa không đi ra ngoài định luật thông thường đó.  Người tha thiết yêu ta.  Người mong ta yêu mến gắn bó với Người, nên đôi khi Người giả vờ lãng quên để ta nhớ mà chạy đến với Người, gắn bó với Người hơn.  Như bà mẹ muốn đứa con tỏ ra cần đến mẹ, tha thiết đi tìm mẹ, hốt hoảng khi không thấy mẹ, Chúa cũng mong ta cần đến Chúa, tha thiết đi tìm Chúa và hốt hoảng lo âu khi thấy vắng bóng Chúa.

Vì yêu thương ta, Chúa muốn rèn luyện ta nên người.  Để rèn luyện ta, Chúa gửi những thử thách tới.  Cuộc đời ví như mặt biển cả mênh mông.  Mỗi người là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời.  Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta trưởng thành ở ba phương diện.

Những thử thách giúp ta biết mình hơn.  Bình thường ta nghĩ mình chẳng kém thua ai.  Nhưng khi gặp thử thách mới biết mình thật yếu đuối.  Thánh Phêrô thấy Chúa đi trên mặt nước thì tưởng mình cũng đi được.  Nhưng chỉ được mấy bước đã chìm xuống.  Các tông đồ là những bạn chài đã quen với sóng nước.  Thế mà vẫn kinh hoảng trước bão tố.  Đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, nhưng khi gặp gió bão vẫn hoảng kinh.  Thử thách giúp ta biết mình.  Biết mình để thêm khôn ngoan, thêm trông cậy và nhất là để biết rèn luyện bản thân cho tiến bộ hơn.

Thử thách giúp ta biết yêu mến, cậy trông vào Chúa hơn.  Có thử thách ta mới biết sức mình, biết có những việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có thể giúp mình ngoài Chúa.  Vì thế gặp nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa hơn.  Gặp thử thách ta mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa.  Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa hơn.

Thử thách giúp đức tin vững mạnh.  Chẳng có thử thách nào kéo dài mãi mãi.  Chúa chỉ cho thử thách một thời gian.  Rồi Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng.  Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn.  Để từ nay các ngài không còn cuống quít lo sợ mỗi khi gặp gian nan nữa.  Đời sống mỗi người chúng ta cũng thế.  Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng.

Đời sống không thể thiếu thử thách.  Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người.  Hơn nữa Chúa luôn ở bên ta.  Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh.  Thử thách rồi sẽ qua đi.  Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta.  Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng cậy và lòng mến Chúa.

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

CHÚT CẢM NGHIỆM TUỔI VỀ CHIỀU

Khi đã bước chân vào trần gian, không ai không thoát khỏi cái định luật của con người: sinh – lão – bệnh – tử.

Cái cửa tử là cái cửa chắc chắn nhất mà ai trong chúng ta dù muốn dù không, dù sớm dù muộn đều phải bước qua.  Nhưng, bước qua như thế nào và bước qua đi về đâu mới là chuyện quan trọng.

Thật ra mà nói, ai cũng mong cho mình sống lâu; thế nhưng chuyện sinh tử là chuyện của Thiên Chúa. Sống ngày nào trên trần gian chính là quà tặng mà Thiên Chúa trao ban cho con người.  Con người không ai có quyền định đoạt được thời gian sống của mình.

523Có những người đang dệt ước mơ đời mình nhưng bỗng chốc lại ra đi.

“Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình”
 (Tv 103, 15-16)

Hay là:

“Lạy Chúa, con như người thợ dệt
đang mãi dệt đời mình,
bỗng nhiên bị bàn tay Chúa
cắt đứt ngang hàng chỉ” (Is 38,12).

Nhiều biến cố, nhiều sự kiện diễn ra hằng ngày bên đời ta để ta thấy điều đó rõ hơn ai hết.  Và, khi nhìn lại đời sống của mình, mỗi ngày còn thức giấc là mỗi ngày tạ ơn cũng như xin Chúa gìn giữ ta trong quãng đời còn lại:

“Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90, 12).

Nhiều lần nhiều lúc cũng vui vẻ với bạn bè, choáng váng với những hào nhoáng chóng qua… đến khi chợt tỉnh giấc nhận ra rằng tuổi của mình đã xế chiều.

Những ngày tháng xế chiều này, Chúa cho tôi thời gian nhìn lại con người tội lỗi của mình.  Thật sự mà nói là quá tội lỗi trong một thời gian quá dài.  Chẳng dám ví đời mình như Thánh Augustino nhưng quả thật, tội lỗi của tôi sao chồng chất.

Tỉnh ra mới thấy mình đã đi sai đường Chúa dạy.  Chính trong cái giật mình đó, tôi lại chìm đắm trong cầu nguyện, trong lời kinh, đặc biệt Kinh Mân Côi.

Đến với Kinh Mân Côi, tôi tìm được sự bình an cũng như chuyển những ơn lành mà Chúa và Mẹ hứa dành cho các linh hồn đã ra đi.

Những năm dài lăn lộn với thương trường mà như người ta nói còn hơn cả chiến trường nữa.  Ở đó, người ta tranh giành và sẵn sàng đánh đổi tất cả để đi tìm cái lợi cho mình.  Vì nguồn lợi cho mình, người ta có khi tán tận lương tâm của mình.

Tạ ơn Chúa đã cho tôi thấy và tôi dừng.

Có thể người này người kia sẽ bảo tôi bất bình thường, tôi chơi nổi, tôi đánh bóng tên tuổi của tôi khi tôi viết ra đây những cảm nghĩ của mình.  Có thể khi suy nghĩ này đến với quý vị tôi sẽ bị chỉ trích, lên án và sẽ được những thúng… gạch đá…  Chẳng sao cả, có gạch đá để chuyển đến những nơi nghèo cần xây nhà tình nghĩa.

Tuổi đang dần chiều, nhìn lại và tôi cảm thấy thấm với tâm tư của anh chàng nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh: Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt!

Thật sự là như thế, đôi khi ta cứ mãi loanh quanh đi tìm cái gì đó cho mình là danh, là tiền, là quyền, là địa vị…  Thế nhưng, tất cả những thứ mà người ta mãi đi tìm đó sẽ là con số không thật khổng lồ khi con người ta nhắm mắt xuôi tay.

Những câu chuyện thật mà tôi cũng như nhiều người đã đọc như mẩu chuyện “Bao nhiêu tấc đất cho vừa” đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ.   Con người ta mải miết tham miếng đất như anh chàng trong câu chuyện đó để mãi đi tìm, tìm cho bằng nhiều nhưng khi chiều đến do tham quá không nghỉ ngơi ăn uống nên khi lấy được miếng đất thật to thì cũng là lúc mà anh ta kiệt sức.  Cuối cùng, những người hầu của ông địa chủ bán đất cho anh ta chỉ còn có việc duy nhất là chôn anh ta.

Chuyện là ông địa chủ bán đất cho anh với giá 1 đồng bạc.  Chủ nói là anh cứ đi từ sáng cho đến chiều, đến khi nào mệt nghỉ thì số đất mà anh đi qua sẽ thuộc về anh.  Vì tham lam nên bỏ ăn, bỏ uống, bỏ nghỉ để chạy cho thật nhiều, để mảnh đất mình mua được dài nhất.  Thế nhưng, vì tham quá nên đã chết sau khi chạy con đường dài không ngơi nghỉ.

Bài học thực tiễn trong cuộc đời chúng ta đó!  Có khi cứ mải miết đi tìm và đi tìm cho thật nhiều để rồi không bao giờ thấy mình đủ.

Ngày hôm nay không phải là ở cái thời bao cấp nữa, không phải cái thời đói kém nữa để rồi phải dùng cái từ chạy ăn chạy mặc.  Ngày hôm nay không ai còn chết vì thiếu ăn thiếu mặc nữa mà chết vì ăn nhiều quá và chết vì tốn nhiều tiền cho chuyện mặc của mình quá.

Và vì thế, tôi có cái cảm giác là cuộc sống của những người lớn tuổi như tôi đây nên chăng phải cảm thấy mình đủ.  Khi cảm thấy đủ mình sẽ được bình an và sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa để kết hợp mật thiết với Chúa, để dọn lòng thanh thản ra trình diện trước mặt Chúa.

Có một chuyện mà tôi cảm thấy nực cười đó là ông bà và cha mẹ quá khéo lo cho con cháu đến độ con cháu bực mình.  Hay là lo cho chúng cho đã để rồi nhận lại thái độ lạnh lùng bất hiếu.  Sau đó, lại oán trách chúng bởi lẽ suy nghĩ giữa hai thế hệ khác nhau.

Cứ như phương Tây, 18 tuổi đủ trưởng thành và ta cho nó tự lập.  Có chăng ta đứng sau lưng để dõi theo và nhắc nhở.  Phần của ta, ta cứ lo phần của ta để sao ta có thời gian nhiều để cầu nguyện, để gắn bó với Chúa.

Có nhiều bậc cha mẹ đổ lỗi vì lo cho con cái đến độ không có thời gian dành cho Chúa!  Nhưng thử hỏi có cha mẹ nào lột da để sống đời bên cạnh lo cho con cái đâu?  Cuối cùng, đời cũng chẳng ra đời mà đạo cũng chẳng giữ cho suông vì cứ viện lý do này lý do nọ.

Tôi trộm nghĩ tuổi già là cái tuổi đẹp để ta có nhiều thời gian gần Chúa hơn, và khi gần Chúa, ta sẽ thấy mình thật thư thái, bình an và có thời gian nhiều để cầu nguyện cho con cháu nữa.

Vấn đề chính tôi cảm và tôi chia sẻ ở đây đó là thời gian dành cho Chúa ở cái độ tuổi về chiều.  Đôi khi vì lý do nào đó ta cứ biện minh là lo cho con cho cháu đến độ không còn thời gian.  Hay là lo cho cơm áo gạo tiền đến độ không còn giờ cho Chúa nữa.

Nếu suy nghĩ như thế và hành xử như thế, ta nên nhìn lại để quân bình đời sống tâm linh và đời sống thể xác của ta.  Có khi mãi cứ chăm chút vào thể xác mà quên đi phần hồn của ta là điều quan trọng hơn cả.

Chính vì lẽ đó nên ở cái tuổi về chiều, xin mọi người hãy nhìn lại cuộc đời của mình, xin nhìn lại phần tâm linh mà suốt thời gian còn trẻ mình đã quên phần nuôi dưỡng.

Cuộc đời qua đi quá vội và rất vội!  Xin hãy dành nhiều thời gian cho Chúa bằng kinh nguyện và những hy sinh.  Sống như thế, khi Chúa gọi ta về, lòng ta sẽ nhẹ nhàng và thanh thản, và khi đó ta vui vẻ hát rằng: “Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ, miệng tôi nức vui tiếng cười, lưỡi tôi ngàn lời ca hát, ngàn dân tung hô tôi thật vinh phúc”.

Micae Bùi Thành Châu

NÊN GIỐNG TRÁI TIM ĐỨC MẸ

Khi nói đến trái tim thì mọi người không chỉ nghĩ đấy là một cơ phận của thể xác con người, nhưng còn nghĩ ngay đến chiều sâu bên trong là ý hướng, tình cảm, tâm trạng, nỗi niềm…. JesusTriết Đông còn dùng chữ “tâm” (心: trái tim) để chỉ thế giới tinh thần (tâm linh) của con người.  Có thể nói “trái tim” là biểu tượng nói lên cái cốt yếu của con người đích thực.  Chính vì thế mà Đại Thi hào Nguyễn Du từng bảo:

“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Truyện Kiều).

Cũng vì ý nghĩa và tầm quan trọng của biểu tượng trái tim mà chúng ta có lễ trọng “Thánh Tâm Chúa Giêsu” và lễ “Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ” liền kề nhau.

Câu chuyện có thật về người đàn bà “hủi”, mẹ thằng Chiền (Tú Anh) trong phim “Chuyện Tử Tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy cũng để lại cho ta nhiều suy nghĩ.  Trong phim chỉ cho biết mẹ thằng Chiền bị hủi, bị xua đuổi khỏi làng, bị chồng bỏ, đi xin ăn, đêm đêm lén về nhào đất đúc được 18 vạn (180.000) với ước mơ con có một mái nhà… đã làm cho khán giả xúc động.  Nhưng khi đọc những bài báo viết sau đó mười mấy hay hai chục năm, nhất là bài “Chuyện cổ tích về số phận kỳ lạ của một người đàn bà” của tác giả Phùng Nguyên (2005) cho ta biết thêm nhiều thông tin hơn về người đàn bà “hủi” có tên Trần Thị Hằng, mẹ thằng Chiền.  Bài báo đã tạo một cơn sốt ngưỡng mộ nơi độc giả.  Chị Hằng đã từng nung dao nóng đỏ để chặt lần lượt mười ngón tay bị cho là “hủi’ của mình, phải làm bè sống trên ao, ban ngày đi gánh nước hoặc cát thuê, đêm về gánh đất lấp ao để có một nền nhà….  Chị còn thảm thương hơn cả chị Dậu trong “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố, vì Chị Dậu còn có bầy chó để bán.

Chính trái tim thương con của người mẹ đã giúp chị Hằng vượt qua tất cả.  Từ đôi bàn tay bị cho là “hủi” phải chặt cụt từng ngón cùng với trái tim người mẹ luôn yêu thương thao thức vì con, sau mười mấy năm lăn lộn với khổ đau cùng tận, chị Hằng đã thành công trong cuộc sống, đã trở thành triệu phú, có ngôi biệt thự lớn nhất xã Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình (năm 2005).

Cả ba bài đọc phụng vụ hôm nay đều mời gọi chúng ta có trái tim vâng phục Thiên Chúa như Đức Maria.

Bài đọc 1, sách 2Sm mời gọi mọi người sống tâm tình của người con luôn tùng phục Thiên Chúa: “Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?…  Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con.”

Bài đọc 2, thánh Phao lô xác tín với giáo đoàn Rôma: “Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.  Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí.”

Bài Tin Mừng, bằng vài nét chấm phá, thánh sử Luca phác họa chân dung Đức Maria: là người thôn nữ bình thường như mọi thôn nữ khác (c 27), là người nữ “đầy ơn sủng” và được “Đức Chúa ở cùng” (c 28), là người được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Messia Con Thiên Chúa (c 30-33)…  Tuy nhiên câu kết của Tin Mừng đã làm bừng sáng cả bức chân dung Đức Mẹ là một con người bình thường nhưng thật vĩ đại vì trái tim đã vâng phục Thiên Chúa cách triệt để: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Chiêm ngắm cuộc đời Đức Mẹ, chúng ta không chỉ thấy Trái tim Đức Mẹ thốt lên hai tiếng “xin vâng” trong biến cố Truyền tin, khi chứng diện trước Sứ thần của Thiên Chúa; mà cả cuộc đời Đức Mẹ, trái tim vẫn luôn rung nhịp vâng theo thánh ý Thiên Chúa giữa bao nghịch cảnh.  Mẹ vâng phục Thiên Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, mọi biến cố, mọi phút giây.  Trong biến cố hạ sinh con nơi hang bò lừa giữa cánh đồng hoang vu đêm khuya gió rét, biến cố trốn sang Ai Cập, dâng con trong Đền thờ, ẩn cư tại Nazareth… ở mọi thời khắc Đức Mẹ đều thinh lặng, nhưng con tim ghi nhớ và suy niệm (x. Lc 2, 19).  Cả biến cố dưới chân thánh giá, Mẹ chứng diện trước cái chết của người con dấu yêu.  Có nỗi đau nào sánh ví!  Thế mà Mẹ vẫn thinh lặng, vâng phục và phó thác, trao phó con tim mình cho Thiên Chúa.

Ngay từ thời xa xưa, các Giáo phụ và những vị đại thánh đã ca ngợi Trái Tim Đức Mẹ:

Thánh Giêrônimô:  Không trí khôn thụ tạo nào, không trái tim thụ tạo nào, không sức lực nhân loại nào có thể biết được Trái Tim Mẹ Maria yêu mến Chúa chúng ta đến mức nào.

Thánh Bênađô:  Tình Chúa yêu thương chiếm trọn Trái Tim Mẹ Maria, đến nỗi Trái Tim Mẹ đầy tràn tình yêu, vì Thiên Chúa không làm bùng lên tình yêu trong trái tim nào khác như trong Trái Tim Rất Thánh Nữ Trinh.  Và vì Mẹ thoát khỏi mọi dính bén thế tục để Mẹ lãnh nhận được ngọn lửa thánh này.

Thánh Bênađinô:  Đức Nữ Trinh hiển vinh không lặp lại những tác động yêu mến như các thánh, vì trọn cuộc đời Mẹ là một tác động yêu mến liên lỉ do một đặc ân Mẹ luôn luôn yêu mến Thiên Chúa.

Thánh Phanxicô Salêsiô:  Mẹ Maria trung thành yêu mến Thiên Chúa trong những giờ phút đen tối nhất và tuyệt vọng nhất, đặc biệt trên đồi Canvê.  Mẹ tới một mức độ yêu mến hoàn hảo nhất, cao cả nhất.  Điểm căn bản là tâm hồn Mẹ tan hòa kết hợp với Chúa và chỉ yêu mến duy một Thiên Chúa trong mọi sự và mọi nơi.

Thánh Gioan Maria Vianney:  Chúa Con có đức công bình của Người, Mẹ không có gì, chỉ có tình yêu là Trái tim của Người.  Không có ơn nào từ trời xuống mà không qua tay Mẹ.

Thánh Eymard:  Ai muốn hiểu biết những bí nhiệm thẳm sâu tình yêu Thiên Chúa, và những nhân đức kín nhiệm Thiên tính Chúa Giêsu, thì phải học trong tấm gương trong suốt Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.

Lời mời gọi của thánh Eymard, cũng là lời mời gọi của Lời Chúa hôm nay:  Hãy nên giống trái tim Đức Mẹ.

Có lẽ chúng ta sẽ bảo rằng: thật khó để thanh luyện trái tim mình nên giống Trái tim Đức Mẹ.  Quả là khó chứ không phải là điều không thể.  Điều quan trọng là tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa có tinh tuyền và mãnh liệt như Đức Mẹ hay không.  Nếu có tình yêu thì chúng ta sẽ làm được tất cả, vượt qua tất cả mọi gian nan hay đam mê lôi cuốn.  Cha ông ta đã từng bảo: “yêu nhau mấy núi cũng trèo” mà!  Mẹ thằng Chiền chẳng phải đã thắng vượt tất cả vì yêu con sao?

Chính trái tim yêu mến Thiên Chúa cách trọn vẹn và mãnh liệt đã làm nên một Maria vâng phục thánh ý Thiên Chúa suốt cả đời.  Cũng thế, nếu trái tim chúng ta luôn thao thức qui hướng về Thiên Chúa, rung nhịp với Tin Mừng tình yêu vĩnh cửu của Ngài thì mỗi người chúng ta cũng có thể vượt qua tất cả mọi trở ngại để vâng phục Thiên Chúa cách hoàn toàn và suốt cả đời như Đức Mẹ.  Các Vịnh gia từng thốt lên: “Tim thét gào thì miệng phải rống lên” (Tv 38, 9) (xem bài diễn giải rất hay của thánh Augustinô về câu Thánh vịnh này ở Bài đọc 2 Kinh Sách, thứ 6 tuần 3 mùa vọng).

Nếu chúng ta không thanh luyện trái tim mình nên giống trái tim Đức Mẹ, tức để cho tim mình rung nhịp theo những xúc cảm tầm thường, nhất thời, thì trái tim chúng ta không chóng thì chày cũng dễ bị lạc nhịp theo những xu hướng của thế tục, của sự ích kỷ vụ lợi cá nhân.

Ước mong Lời Chúa hôm nay soi dẫn, mỗi người chúng ta thanh luyện chính mình để trái tim chúng ta trở nên máng cỏ yêu thương nơi Hài Nhi Giêsu ngự trị và để chúng ta có thể mang Chúa đến cho tha nhân.

Thomas Nguyễn Văn Hiệp

HẠT GIỐNG ĐỨC TIN

65

Khi được xem cuốn phim về cái chết của Đức cha Oscar Romero, Tổng giám mục El Salvador, nó làm cho tôi có nhiều cảm xúc và cảm phục về vị Giám mục đã hy sinh mạng sống của mình, để đứng lên bảo vệ, bên vực cho lẽ công bằng, cho người nghèo, cho những người bị áp bức bất công. Ngài như là hạt giống được gieo vào lòng đất để trổ sinh ra những bông hạt khác.

Biến cố xẩy ra vào lúc 6 giờ 25 chiều, ngày 24/3/1980, tại nguyện đường của Bệnh Viện khi Tổng giám mục Romero cử hành Thánh Lễ cầu hồn cho thân mẫu của một người bạn thân vừa mới qua đời.  Đức cha đọc cho cộng đoàn nghe đoạn Phúc âm Thánh Gioan:“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh… Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Gioan 12, 23-24), rồi ngài áp dụng Lời Chúa vào tình cảnh khốn cùng của người dân nước El Salvador, họ phải cam chịu dưới ách thống trị của độc tài quân phiệt.  Ngài tâm sự với cộng đoàn nhỏ bé đang dự lễ:Điều quan trọng là đừng yêu mình đến nỗi không dám dính líu vào những việc liều lĩnh mà lịch sử đòi hỏi nơi chúng ta.  Kẻ nào tránh né sự nguy hiểm, kẻ ấy sẽ mất sự sống mình.  Nhưng bất cứ ai vì lòng yêu mến Chúa Kitô hiến thân phục vụ tha nhân, kẻ ấy sẽ được sống giống như hạt lúa mì chết, nhưng thật ra chỉ chết về mặt bề ngoài. Ngài nói thêm:Tôi tin trong sự chết có sự sống lại.  Nếu người ta giết tôi, tôi sẽ được sống lại trong lòng người dân El Salvador của tôi.

Kết thúc bài giảng, Đức Cha Oscar Romero tiến lên giữa bàn thờ chuẩn bị dâng thánh lễ thì có tiếng súng nổ, và một loạt đạn từ dưới cuối nhà nguyện bay vèo lên.  Tổng Giám Mục Romero trúng đạn, máu chảy lai láng và tắt hơi thở cuối cùng dưới bàn thờ.  Ngày nay, không chỉ người dân El Salvador mà cả những người công giáo trên toàn thế giới gọi Ngài là vị Giám mục của người nghèo.

Giáo hội ngày hôm nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy, cần có những hạt giống tốt gieo vào thế gian thì Giáo hội mới có thể gặt hái được mùa bội thu, điều đó được tìm thấy trong dụ ngôn hạt giống của Chúa Giê-su.  Ngài diễn giải Nước Trời giống như hạt cải nhỏ bé âm thầm gieo xuống đất. Dù đêm hay ngày thì hạt giống ấy vẫn mọc lên thành cây to.

Nếu chúng ta áp dụng cái chết đau thương của vị Giám mục đáng kính vào bài Tin mừng hôm nay, thì chúng ta hiểu rõ hơn về những gì Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hạt giống để nói về Nước Trời, giống hạt giống đó phải chấp nhận tự hủy chính bản thân mình thì mới sinh ra nhiều bông hạt khác.

Chính nơi Đức Chúa Giêsu, Ngài đến trần gian để gieo hạt giống Tin mừng bằng chính đời sống và bằng cái chết của Ngài.  Hạt giống của Chúa là bằng lời rao giảng, bằng sự yêu thương, bằng lời an ủi, chia sẻ và cảm thông, bằng giọt máu để cứu rỗi nhân loại.  Hạt giống ấy dành cho những ai biết lắng nghe và đón nhận Lời Chúa.

Đức Giám mục Oscar Romero là dấu chỉ hạt giống cho Tin mừng, hạt giống đức tin hôm nay, ngài là chứng nhân cho Đức Kitô tự hủy, sống cho chân lý, cho lẽ công bằng, cho người nghèo bị áp bức…  Ngài nằm xuống để cho bao người khác được ngẩng đầu bước đi, cho Nước Chúa được lan tỏa khắp nơi.

LM John nguyễn, Utica, New York

THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

63“Chỉ có Tình Yêu mới đáp đền Tình Yêu” – Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Trong một cuộc phỏng vấn, Mẹ Têrêsa Calculta đã phát biểu như sau:

Trong 20 năm phục vụ người nghèo, càng lúc tôi càng ý thức rằng: Cô đơn là căn bệnh khủng khiếp nhất của con người. Ngày nay, người ta đã tìm ra được thuốc chữa bệnh phong cùi. Bệnh nào cũng có thể có thuốc để chữa. Nhưng nếu người ta không biết chìa bàn tay ra để phục vụ và không có được một quả tim biết yêu thương thì con người sẽ không bao giờ chữa lành được căn bệnh khủng khiếp này.

Ai cũng đã hơn một lần hiểu được thế nào là cô đơn: Một đứa bé rời gấu áo mẹ để cắp sách đến trường, một người ngoại quốc đặt chân đến một xứ sở xa lạ, một người bệnh nằm liệt giường lâu năm, một người tàn tật bị hạn chế trong các quan hệ với người khác v.v… Có lẽ không ai thoát khỏi sự cô đơn.

Chính Chúa Giêsu cũng cảm nghiệm sâu sắc niềm đau ấy. Mang lấy thân phận con người, chia sẻ khổ đau với con người, Ngài cũng không thoát khỏi cô đơn. Nỗi niềm ấy đã dâng cao trong nhiều giờ phút cuối đời Ngài khi bị treo lơ lửng trên không, làm trò cười cho những người xung quanh, Chúa Giêsu lại còn cảm thấy như bị chính Chúa Cha bỏ rơi. Ngài đã đi đến tận cùng sự cô đơn của con người. Nhưng cũng chính trong những giờ phút ấy, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta chân lý tối hậu của Kitô giáo. Chân lý đó là “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Qua thái độ tin phục và tín thác, Chúa Giêsu đã tỏ bày cho chúng ta thấy rằng: Chỉ trong Thiên Chúa Tình Yêu, con người mới tìm gặp được bản thân và thắng vượt được sự cô đơn.

***********************

Qúy vị và các bạn thân mến,

Hôm nay lễ Trái Tim Chúa Giêsu.  Năm 1698 – Tám năm sau ngày Thánh nữ Magarita Maria Alacoque, một nữ tu thuộc Dòng Thăm Viếng tại Pháp quốc qua đời, người ta khám phá được một tập sách có tựa đề: Tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu.  Tập sách đã khơi dậy những tâm tình sốt sắng của nhiều người Pháp đương thời đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Năm 1765, theo nhu cầu của hàng giáo sĩ, Giáo Hội tại pháp đã cho thiết lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.  Điều đáng ghi nhận là lễ này được phát sinh vào thời kỳ được mệnh danh là Thế kỷ của Ánh sáng.  Ánh sáng mà các triết gia của thế kỷ 18 đề cao chính là ánh sáng của khoa học và lý trí.  Nhiều người nhân danh lý trí để bác bỏ mọi tình cảm đạo đức và ngay cả niềm tin.  Do đó, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là một nhắc nhở cho con người thời đại về Tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vượt qua mọi lý giải của khoa học và lý trí của con người.  Triết gia Pascal đã nói như sau: “Chính trái tim cảm nhận được Thiên Chúa, chứ không phải lý trí.”  Đức tin là thế đó!  Thiên Chúa cho anh trái tim chứ không phải lý trí để cảm nhận được Ngài.  Phép lạ của Con Một Thiên Chúa chính là trở thành người anh em của chúng ta, với một trái tim nhạy cảm đối với nỗi khổ đau của chúng ta.  Sự mới mẻ mà Chúa Kitô đã mang đến cho nhân loại là đã tỏ bày cho chúng ta một Thiên Chúa với một trái tim biết đập bằng những nhịp đập của trái tim con người.

Đó là tất cả lý do tại sao Giáo Hội không ngần ngại khẳng định trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng rằng: “Vui mừng và hy vọng, khổ đau và thử thách của con người cũng chính là vui mừng và hy vọng, khổ đau và thử thách của Giáo Hội.”  Giáo Hội chỉ có thể trung thành với Chúa bằng cách chia sẻ hoàn toàn cuộc sống của con người mà thôi.  Chỉ bằng một sự cảm thông và chia sẻ như thế, Giáo Hội mới có thể tỏ bày Trái Tim của Chúa Giêsu, hình ảnh trọn hảo của Thiên Chúa.  Trái Tim của Chúa Giêsu là một trái tim biết rung lên những nhịp của lắng nghe và cảm thông.

Với trái tim ấy, Ngài mời gọi chúng ta chờ đợi và nhận biết gương mặt của Thiên Chúa trong mỗi người anh em chúng ta, nhất là những người mà khổ đau làm cho biến dạng.

Với một trái tim ấy, Ngài cho chúng ta hiểu được rằng: Chính Thiên Chúa là Tình Yêu.

Với trái tim ấy, Ngài ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để đáp trả lại Tình yêu của Thiên Chúa bằng chính Tình yêu của chúng ta dành cho người anh em.

Với trái tim ấy, Ngài mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng và phó thác vào Tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

***********************

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu, Ngài đã cho chúng con một quả tim mới, một Thần khí mới, xin dạy con biết yêu như Ngài đã yêu để đền đáp lại tình yêu mà trái tim Ngài đã dành cho con.

Sưu tầm