Ở LẠI TRONG THẦY

Thế giới hôm nay tiến bộ nhanh chóng về nhiều mặt: Nghiên cứu sự sống trên sao Hỏa, nối mạng Internet, thành công trong phương pháp sinh sản vô tính…  Tưởng như chẳng có gì con người không làm được.  Nhưng thế giới vẫn lo âu vì chất thải ở khắp nơi, môi trường sống bị hư hoại, chênh lệch giữa giàu nghèo, nạn tham nhũng ở châu Á, sự hư hỏng của các bạn trẻ.  Cái vòng luẩn quẩn: Ma túy, tình dục, AIDS, tội phạm dẫn đến cái chết bi đát cho nhiều thanh thiếu niên.

Con người đủ thông minh để tạo ra sản phẩm nhưng lại không đủ bản lãnh để làm chủ chúng, nên chúng quay trở lại làm chủ con người.

Khoa học vừa giải quyết, vừa gây thêm rắc rối.  Con người hôm nay bơ vơ, loay hoay, 413không cứu nổi mình.  Thế giới bế tắc, cần đến ơn cứu độ.

Đoạn Tin Mừng mời ta nhìn lại sự cằn cỗi của mình, của Hội Thánh, của cả thế giới.

Đức Giêsu phục sinh như cây nho, các Kitô hữu là cành.  Cây và cành có cùng một sự sống, cùng một dòng nhựa.  Sự sống từ cây, làm cho cành sinh trái.  Cụm từ sinh hoa trái được nhắc đến 6 lần.  Cụm từ ở lại trong Thầy được nhắc đến 5 lần.

Không ở lại trong Thầy thì không thể sinh hoa trái.

Cứ nhìn hoa trái thì biết mức đo “Gắn bó” của cành.  Có cành chỉ vờ gắn liền với cây nên không có trái.  Có cành đã sinh trái, nhưng cần sinh hoa trái hơn (c.2), sinh hoa trái nhiều (c.8), sinh hoa trái bền vững (c.16).

Chúng ta vẫn chưa sinh trái như lòng Chúa mong vì chúng ta không chịu để Ngài cắt tỉa.

Vinh quang của Thiên Chúa là chúng ta sinh nhiều hoa trái.  Thất bại của Thiên Chúa là sự cằn cỗi của con người.

Hoa trái là ước mơ của người trồng nho, và cũng là sự triển nở của cây và cành nho.

Chẳng hề có sự xung đột giữa vinh quang Thiên Chúa và vinh quang đúng nghĩa của con người.  Chỉ trong Chúa, con người mới thực sự triển nở, hạnh phúc.  Một sự độc lập khờ khạo sẽ dẫn đến héo khô.

Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Một lời mời gọi gần như là một lời nài van. Sự ở lại chỉ hoàn hảo khi có đủ hai chiều.
Con người mãi mãi có tự do khước từ nguồn sống. Ở lại trong Chúa không phải là lối nói văn chương. Để ở lại cần phải trả giá.

Muốn được hưởng nguồn sống của Đấng Phục Sinh, ta cũng phải chia sẻ thập giá của Ngài.

Chính Đức Giêsu cũng được cắt tỉa qua khổ đau và cái chết.

Hãy đón lấy sự sống của Chúa Phục Sinh, như dòng nhựa nguyên tươi mới.  Hãy đóng góp những hoa trái tốt lành cho nhân loại, để nhân loại nhận ra Cây Nho thật là Đức Kitô, và Người Trồng Nho là chính Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả, để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa. – Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa, để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa. – Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà, để cây đời con sinh thêm hoa trái. – Chúa cương quyết chinh phục con, cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu.  Amen!

Trích trong “Manna”

ƯỚC MƠ CỦA CHÚA

412“Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17:24).

Trong tình yêu, gần là thương, xa là nhớ.  Những người yêu nhau, họ không chấp nhận ngăn cách của không gian.  Họ mơ ước người yêu ở đâu thì họ ở đấy.  Như cánh bướm, họ đi tìm.  Ngay lá rừng, không cất cánh đi tìm mùa thu được, thì lúc thu đến, rừng lá cũng chuyển màu như í thầm nói lên nỗi mong, nỗi muốn bỏ quê cũ của mình mà đi tìm thu.  Vũ trụ đi tìm vũ trụ.  Con người đi tìm con người.  Tình yêu thúc đẩy họ tìm nhau.  Sao Đức Kitô không nói: “Lạy Cha, con muốn rằng những người Cha ban cho con ở đâu thì con cũng ở đấy.”  Tại sao Ngài lại mơ ước ngược chiều là Ngài ở đâu thì tôi ở đấy, chứ không là tôi ở đâu thì Ngài theo đến đó với tôi.

Lạy Chúa, khi mến thương ai thì hay mang hình ảnh người ấy.  Không phải ấp ủ trong giấc mơ mà thôi mà trong cuộc sống thực.  Người hạnh phúc là người có nhiều kẻ thương mến, có hình bóng trong nhiều ước mơ.  Con hạnh phúc vì trong ước mơ của Chúa có bóng hình con.  Khi con nghĩ về một người thì trong mơ ước, con có cả một đường dài, một khung trời, một lối đi cho người ấy, chứ không phải chỉ là một hình ảnh có thể tan trong sương, bay theo nhẹ của khói.  Vậy, khi Chúa mơ về con, Chúa có một khung trời cho con không?  Chúa dùng ngôn ngữ rung cảm của xác thân là đau khổ, là tiếng khóc, là niềm vui, là hy vọng, là ước mơ mà nói với con, thì con cũng lấy ngôn ngữ tự nhiên ấy để cố hiểu về Chúa.  Và, lạy Chúa, chiều nay, con muốn hiểu về ước mơ của Chúa cho con như thế nào.

Rẽ nhánh đôi bờ, trong tình yêu của con, tình yêu có cả hai, một bờ mong rằng mình ở đâu thì người mình thương ở đó.  Và ngược lại, một bờ mong rằng người tôi thương ở đâu, tôi sẽ sẵn sàng đi tới nơi ấy.  Trong mơ ước của Chúa có bóng dáng con.  Chúa có khung trời nào  cho con khi nói rằng Chúa ở đâu thì con ở đấy?

Trên thập giá, con thấy  trong mơ ước của Chúa, Chúa đem con đi trong cả hai bến bờ của ước mơ.  Ước mơ thứ nhất là con ở đâu thì Chúa tìm đến nơi ấy với con.  Đó là Chúa đã sinh ra và ngồi chung ngưỡng cửa căn nhà nhân loại với con.  Trong căn nhà nhân loại, Chúa đến bằng bước chân trần đi trên đường bụi cát.  Có gió lạnh ở biển hồ đêm khuya.  Có trưa mỏi bên giếng nước Samaria. Trong căn nhà nhân loại, Chúa ghé thăm những cánh buồm rất mệt trên dòng đời.  Chúa an ủi những mảnh hồn rất lạnh, rất đơn côi trong cuộc sống, như Mađalêna, như người thiếu nữ bị kết tội phải ném đá cho chết.  Trong căn nhà nhân loại, Chúa dẫn người mù lên đường, Chúa nâng người què đứng dậy, Chúa bào chữa cho những người nghèo khổ rằng “lề luật được dựng nên cho con người chứ không phải con người cho lề luật” (Mc. 2:37).  Lời ca đêm Giáng Sinh nói cho con rất rõ về mơ ước này của Chúa: Một Con Trẻ sẽ sinh ra, tên gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi (Mt. 1:23).

Trong căn nhà nhân loại ấy, Chúa đã đến với con.  Cả cuộc đời Chúa trong Tin Mừng là hình ảnh của một người đi tìm người mình thương mến.  Có thể là rưng màu gai, có thể mệt ở một chân đồi, người chăn chiên vẫn đi tìm chiên cuả mình (Lc. 15:4-6).  Chúa đi tìm con như tìm mảnh hồn của chính Chúa.  Bỏ trời cao xuống căn nhà của con, gõ cửa linh hồn khi con đau ốm, đấy không phải là con ở đâu thì Chúa ở đó hay sao.  Vậy mà lời nguyện của Chúa hôm nay sao lại khác thế.  Chúa mơ ước rằng Chúa ở đâu thì con ở đấy.

Lạy Chúa, cũng nhìn lên thập giá, con suy niệm về ước mơ của Chúa.  Chúa nói Chúa ở đâu thì mong con ở đấy là lúc Chúa sắp bước vào cuộc thương khó.  Chúa sắp bị căn nhà nhân loại lên án tử hình.  Cánh cửa đó sắp công bố một chối từ. Và trong xa cách ấy, Chúa vẫn muốn gần con.  Rồi sẽ xa. Thập giá sẽ dựng nên.  Căn nhà nhân loại sẽ đóng cửa.

Những gì chưa có thì mới là mơ ước.  Đã mơ ước thì lúc nào cũng nghĩ tới điều mình mong.  Khi Chúa mơ ước Chúa ở trên trời thì con cũng ở đó, có nghĩa là ngày nào con chưa về trời với Chúa thì trong hồn Chúa luôn có bóng hình con.  Chúa không muốn mất con.  Lạy Chúa, xin cho con suy niệm lời ước mơ này của để con thấy mình hạnh phúc.

Trong hai bến đỗ của liên hệ yêu thương, đến với người mình thương và ước ao người mình thương đến với mình, thì Chúa đã đến với con rồi.  Đấy không còn là ước mơ của Chúa nữa.  Bến đỗ ấy Chúa đã đi qua.  Bến còn lại, Chúa chỉ biết ước mơ thôi, căn nhà nhân loại của con đóng cửa không cho Chúa ở.  Con có đến với Chúa hay không là tuỳ con.

Người ta có thể giữ mơ ước trong hồn thing lặng.  Người ta có thể kín đáo nuôi ước mơ.  Trong ước mơ này, Chúa không giữ bóng hình con im lặng, Chúa dâng lời nói với Chúa Cha.  Trong tâm hồn Chúa, hình ảnh con được Chúa gìn giữ rất quý, rất thương.  Khi nói với ai về một ước mơ, có thể là mình sung sướng nhiều về mơ ước ấy, cũng có thể là mình muốn người khác giúp mình đạt được ước mơ.  Đó là trường hợp của con trong ước mong của Chúa.

Có những mùa lá rụng rơi bên ngõ, hoàng hôn xuống dần, đưa đêm đến.  Tự nhiên trong im lặng, con nghĩ tới ngày biệt ly.  Rồi cũng như cuống lá xuôi đất về cội nguồn.  Con sẽ đi về đâu khi tắt nắng trên dòng đời?  Băn khoăn hỏi mình, con không khỏi những suy tư mà có lúc sợ đối diện.  Sự Chết.  Những bóng tối của tội lỗi, những lầm lỡ của yếu đuối, những xám hối không trọn vẹn, còn có tất cả những tiếng nói ấy trong lương tâm.  Có những giây phút trăn trở, lương tâm lên tiếng hỏi linh hồn,  nhất là trong những lúc đơn côi, nhìn hoàng hôn tắt dần.  Rồi bên kia cuộc đời?

Không ai có kinh nghiệm về sự chết.  Có những biệt ly không ngờ.  Có những ra đi không sửa soạn.  Chiếc lá không có hơi thở thế mà khi ngọn gió vẫy nó lìa đời, con vẫn cảm thấy một  nỗi tiếc. Huống chi một cuộc sống, bởi đó, nhìn ngày mình ra đi, con thấy bâng khuâng.

Lòng Chúa tha thiết con về trời với Chúa nói cho con biết trước một hạnh phúc đang chờ.  Ước mơ của Chúa như dòng suối mát, rất dịu và rất êm trong hồn con, cho con một niềm vui như những chồi non tiềm ẩn nhắc cành cây khô về nắng xuân đang tới.  Trong ước mơ ấy, con thấy tình thương của Chúa rộng lắm, nó trải dài kín trong cuộc đời của Chúa, gìn giữ kín cuộc đời của con.  Trong ước mơ ấy, Chúa cho con một đường dài vững chắc, một khung trời bảo đảm, một lối đi sẽ tới.  Lúc nào Chúa cũng mong con có mặt ở nơi Chúa ở thì không một lẽ gì con lại không có mặt ở đó, lạy Chúa, con nguyện xin cho ước mơ ấy thấm sâu trong hồn con.

Con muốn suy niệm về ước mơ của Chúa để con không còn bâng khuâng về màu hoàng hôn, để con tin vui đi trong cõi đời vì con biết con luôn luôn là hình ảnh trong ước mơ thánh của Chúa.

Nguyễn Tầm Thường, SJ

ĐIỂM HẸN

411“Như một giấc mơ buổi sáng, càng sống cuộc đời của chúng ta sẽ trở nên tươi sáng hơn, và lý lẽ của mọi sự tỏ ra rõ ràng hơn.  Những gì lúc trước làm cho chúng ta khó hiểu trở nên ít bí ẩn hơn, và những con đường quanh co trở thành những đường lộ thẳng.”  (Jean Paul Richter)

Câu nói của nhà văn Jean Paul Richter dường như nói lên kinh nghiệm sống của chính bản thân ông cũng như các môn đệ lúc xưa và nhiều người trong chúng ta.  Trong cuộc sống, có lẽ chúng ta đã từng trải qua những giai đoạn đen tối hoặc khó hiểu, những giai đoạn làm cho chúng ta hoang mang khi không biết đời mình sẽ đi về đâu.  Chúng ta cũng có những kinh nghiệm “được cứu vớt”, “được dẫn ra” khi chúng ta lướt qua được những thử thách.  Trong những trải nghiệm đó, nếu chúng ta đừng vội lướt qua những kinh nghiệm đáng quý ấy, nhưng biết lắng đọng và nhìn lại những bài học và những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho ta, chúng ta sẽ thấy rằng Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta.  Mỗi Ngôi Vị của Thiên Chúa Ba Ngôi luôn tác động trong cuộc sống của mỗi người và giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta chẳng bao giờ cô đơn một mình.

Tuy nhiên trong thân phận con người, mỗi lần cuộc đời chúng ta đi vào ngõ cụt, chúng ta lại luẩn quẩn trong vòng xoay của lo sợ.  Lắm lúc cái khó khăn nhất cho chúng ta không phải là những gì đã xảy đến, nhưng là chúng ta không biết dừng lại để dò xem mình đang đi đâu, hoặc chúng ta không đủ kiên nhẫn để chờ xem những gì sẽ đến, hoặc chúng ta không bình tĩnh đủ để nhận ra và nhắc nhở chính mình về hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho ta trong quá khứ.  Chúng ta quên rằng ngay cả trong những mất mát lớn lao, những cuộc chia tay như cắt ruột, những thất bại như dìm ta xuống lòng đất thẳm sâu, nếu chúng ta biết dừng lại và nhìn lên Chúa, biết bám vào Chúa Con, và biết lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ tìm ra được một sức mạnh siêu nhiên phát xuất từ trong tâm hồn chúng ta.  Và sức mạnh ấy sẽ làm cho chúng ta ngỡ ngàng vì chúng ta biết nó không tự chúng ta mà có.

Khi Chúa Giêsu nói lời chia tay với các môn đệ, Ngài chuẩn bị cho các ông một điểm hẹn vững chắc đó là ở trong tình yêu và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.  Có lẽ Chúa Giêsu cũng biết rõ bản tánh con người nơi các môn đệ cho nên Ngài dặn các ông rất kỹ.  Nếu chúng ta để ý nghe từng lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu với các môn đệ, chúng ta sẽ nhận ra được tâm trạng của Chúa Giêsu lúc ấy như thế nào.  Chúng ta sẽ nhận ra lòng gắn bó, sự xót xa, cũng như một cái gì đó thánh thiêng của sự chia tay, như nhà văn Jean Paul Richter nói: “Cảm xúc của con người luôn luôn tinh tuyền nhất và rực rỡ nhất trong lúc hội ngộ và chia tay.”

Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy… anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi… “Thầy ra đi và đến cùng anh em.”  Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Thiên Chúa Cha, bởi vì Thiên Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.

Dù các môn đệ đã được Chúa nhắn nhủ nhưng khi khó khăn xảy đến các ông lại quên hết những giáo huấn của Thầy mình và quên mất Thầy mình là ai.  Nếu chúng ta nhìn lại hành trình của các môn đệ từ lúc Chúa Giêsu bắt đầu đi vào cuộc tử nạn cho đến giai đoạn sau khi Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta thấy các môn đệ đã thay đổi rất nhiều.  Trước khi Chúa Giêsu đi vào cuộc tử nạn, các ông đã từng là những người làm phép lạ khi Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng.  Các ông đã mạnh bạo tuyên xưng luôn theo Thầy của mình, nhưng khi Thầy Giêsu bị bắt các ông đã quên hết tất cả và đã bỏ trốn.  Và ngay khi Chúa Giêsu sống lại, các ông lại không tin và tưởng rằng đó chỉ là chuyện hão huyền và Thầy Giêsu thật sự đã bỏ rơi các ông, và dường như các ông đã thất vọng – người thì trở lại làng Emmau, kẻ thì trở về với công việc đánh cá.  Và khi Chúa đến với các ông, có lẽ vì đang mải mê trong sự hoang mang sợ hãi, các ông đã không nhận ra Thầy mình.  Tuy nhiên, dần dần Chúa Giêsu đã đánh thức các ông ra khỏi sự sợ hãi hoang mang và giúp các ông vững tin hơn, và từ đó các môn đệ trở nên nhạy bén hơn và nhận ra Ngài là ai khi Ngài đến với họ.

Qua hành trình đức tin của các môn đệ, chúng ta thấy Chúa luôn luôn dẫn dắt và chuẩn bị cho mỗi một người.  Ngài để lại cho các ông Chúa Thánh Thần để chăm sóc và dẫn dắt các ông trong mọi sự và qua đó các ông trở nên những con người mới và nhạy bén trong hành trình tâm linh với Chúa Thánh Thần.  Cũng vậy, chúng ta xin được ơn để học hỏi nơi các ngài ơn biết nhạy bén để nhận ra sư hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống, nhất là những lúc chúng ta gặp thử thách.  Xin Chúa Thánh Thần giúp ta biết nhìn ra những dấu chỉ tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa trong những tháng ngày qua và trong giây phút hiện tại qua tất cả mọi tạo vật của Ngài.  Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết dừng lại để lắng nghe niềm vui Phục Sinh đang rạo rực trong tâm hồn và biết ôm chặt niềm vui này trong con tim vì đó là bảo chứng tình yêu và là điểm hẹn của Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho nhân loại.

Củ Khoai

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

410Dân Do Thái là dân du mục.  Cuộc đời họ gắn liền với đoàn vật và những đồng cỏ.  Nên khi Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người mục tử và đoàn chiên, người Do Thái hiểu ngay tức khắc.  Đức Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc ấy để nói lên mối liên hệ của ta với Người và của Người với ta.  Người là Mục tử nhân lành.  Ta là đoàn chiên của Người.  Người lãnh đạo đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết.  Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: Hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hiểu biết.  Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí, do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu.  Khi yêu, trái tim trở nên vô cùng nhậy bén đến độ hiểu được hết những âm thanh của tâm hồn và tai người thường không nghe thấy, nhìn thấy hết những gì ẩn kín trong tâm hồn mà mắt thường không nhìn thấy, cảm nhận được hết những chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn mà không một nhà tâm lý học nào có thể cảm được.  Khi Đức Giêsu nói: “Ta biết chiên Ta” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta.  Người không chỉ hiểu rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, mà còn thấu rõ tâm tư tình cảm của ta.  Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh.  Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu.  Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta.  Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta.  Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc.  Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc.  Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu.  Có yêu mới quan tâm.  Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu.  Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc.  Đức Giêsu yêu thương ta nên Người quan tâm đến ta.  Người biết rõ những nhu cầu của ta.  Người chăm sóc ta.  Có những tình yêu muốn chiếm hữu.  Đó là thứ tình yêu ích kỷ.  Có những chăm sóc khiến ta trở nên ấu trĩ, yếu ớt, không lớn lên được.  Đó là thứ chăm sóc độc đoán ràng buộc.  Đức Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do.  Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhưng là để giúp ta trưởng thành.  Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên yếu ớt nhút nhát, nhưng là để giúp ta mạnh mẽ, tự tin.  Vì thế, Người cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh.  Người đưa ta đến những đồng cỏ non, đến những giòng suối trong.  Lương thực Người mang đến, đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha.  Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh.  Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu.  Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều.  Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được. Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).  Chính Người đã thực hiện điều ấy.  Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên.  Người đã tự hiến mạng sống vì ta.  Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.

Hạnh phúc cho ta được là đoàn chiên của Người.  Ta được an ủi vì Người hiểu ta.  Ta an tâm vì Người hằng quan tâm chăm sóc ta.  Ta sung sướng vì Người yêu thương đến nỗi chết vì ta.

Người muốn ta chia sẻ hạnh phúc ấy cho mọi người.  Người muốn ta lớn mạnh để đến lượt ta, chính ta trở thành mục tử nhân lành theo gương Người.  Cha mẹ là mục tử của con cái.  Thày cô giáo là mục tử của học sinh.  Giám đốc là mục tử của công nhân.  Y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân.  Anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ.

Nhưng đặc biệt hơn hết, Người muốn có những người tiếp tục công việc của Người, chăm sóc đời sống tâm linh nhân loại.  Chính vì thế, Giáo Hội dành ngày hôm nay để cầu nguyện cho ơn kêu gọi làm linh mục.  Nhìn tình hình chung trên toàn thế giới, và riêng trong Giáo phận, ta thấy còn thiếu rất nhiều linh mục.  Giáo dân cần linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ.  Giáo dân cần linh mục như học sinh cần thầy cô giáo.  Giáo dân cần linh mục như một người bạn sẵn sàng cảm thông, chia sẻ vui buồn trong đời sống và như một người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.

Hãy cầu nguyện cho có nhiều thanh niên sẵn sàng hiến thân làm linh mục.  Hãy khuyến khích con cháu dâng mình cho Chúa, làm linh mục để phục vụ anh em.  Nhất là hãy cầu nguyện cho các linh mục được trở nên những mục tử như Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đoàn chiên.

Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa.  Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong khu phố, trong xã hội.  Amen!

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG CỨU CHUỘC

Trước khi nghiêm túc suy nghĩ về Chúa Giêsu, trước hết bạn hãy xem thử mình kỳ vọng đến đâu!

Câu nói trên của Daniel Berrigan đã đúng đắn cảnh báo chúng ta rằng đức tin vào Chúa Giêsu và sự phục sinh sẽ chẳng cứu chúng ta khỏi những nhục nhã, đau đớn và cái chết trong đời này.  Đức tin không phải là phương tiện để làm vậy.  Chúa Giêsu không cho bằng hữu mình có ngoại lệ, cũng như Chúa Cha cũng không cho Chúa Giêsu có ngoại lệ.  Dù điều này thể hiện rõ ràng nhất trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng nó cũng xuyên suốt cả Tin Mừng.  Để hiểu được, chúng ta nên so sánh sự phục sinh của Chúa Giêsu với điều mà chính Ngài đã làm khi đưa Ladarô từ cõi chết sống lại.

Câu chuyện về Ladarô đặt ra rất nhiều chất vấn.  Thánh Gioan Tông đồ thuật lại như sau: Câu chuyện giới thiệu gia đình Ladarô, hai chị em Mácta và Maria rất thân thiết với Chúa Giêsu.  Vì thế chúng ta dễ thấy sốc khi Chúa Giêsu gần như lơ là trước bệnh tật của Ladarô và lời mời Ngài đến chữa bệnh cho ông.  Câu chuyện như thế này:

49Chị em của Ladarô, Mácta và Maria nhắn Chúa Giêsu rằng “người Ngài thương đang lâm bệnh,” ngụ ý xin Chúa đến  chữa lành cho ông.  Nhưng Chúa Giêsu hành động thật kỳ lạ.  Ngài không vội lên đường, thay vào đó, Chúa vẫn ở lại chỗ cũ thêm hai ngày nữa, trong khi Ladarô đang chết dần.  Sau khi ông đã chết, Ngài mới dự định đến thăm ông.  Khi đến làng nơi Ladarô ở, Ngài gặp Mácta rồi Maria.  Cả hai chị em đều lần lượt hỏi Ngài: “Tại sao lại vậy?”  Nếu Ngài yêu thương người này, sao Ngài không đến để cứu anh ấy khỏi chết?  Thật sự, câu hỏi của Maria còn ngụ ý nhiều hơn nữa: “Tại sao lại vậy”  Tại sao Thiên Chúa dường như luôn luôn vắng mặt khi những người tốt gặp hoàn cảnh khó khăn?  Tại sao Thiên Chúa không giải cứu những người Ngài yêu mến và cứu họ thoát khỏi đau đớn và cái chết?

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không biện giải một lý thuyết nào.  Thay vào đó Ngài hỏi xác Ladarô ở đâu, họ đưa Ngài đến, và ở đó, bên phần mộ, Chúa khóc thương và rồi cho người bạn đã chết của mình được sống lại.   Vậy tại sao lúc đầu Ngài lại để cho ông chết đi?  Câu chuyện này đưa ra một chất vấn: Tại sao lại vậy?  Tại sao Chúa Giêsu không vội vàng đến cứu Ladarô dù Ngài rất thương ông?

Lời đáp cho câu hỏi này dạy cho chúng ta một bài học rất quan trọng về Chúa Giêsu, về Thiên Chúa, và đức tin, cụ thể rằng Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa giải cứu chúng ta, nhưng đúng hơn là một Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta.  Thiên Chúa không thường can thiệp để cứu chúng ta khỏi những sỉ nhục, đau đớn, cái chết, nhưng đúng hơn, Ngài chuộc lại những sỉ nhục, đau đớn và cái chết đó về sau.

Nói đơn giản, Chúa Giêsu đã hành động với Ladarô chính xác theo cách mà Thiên Chúa, Cha Ngài hành động với Ngài.  Chúa Cha yêu thương Chúa Giêsu sâu đậm và mật thiết, nhưng Chúa Cha không giải cứu Ngài khỏi sỉ nhục, đau đớn và cái chết.  Trong giờ cùng cực nhất, khi chịu sỉ nhục, thống khổ, và chết trên cây thập giá, Chúa Giêsu bị đám đông chế nhạo: “Nếu Thiên Chúa là cha ngươi, hãy để Ngài cứu ngươi đi!”  Nhưng chẳng ai đến giải cứu Ngài cả.  Thay vào đó, Chúa Giêsu đã chết trong sỉ nhục và đau đớn.  Thiên Chúa Cha chỉ cho Ngài sống dậy sau khi đã nhận lấy cái chết.

Đây là một trong những mặc khải mấu chốt của biến cố phục sinh: Chúng ta được Thiên Chúa cứu chuộc, chứ không phải giải cứu.

Thật vậy, câu chuyện cho ông Ladarô sống lại trong Tin Mừng theo thánh Gioan, ngụ ý trả lời cho câu hỏi nhức nhối của thế hệ Kitô hữu đầu tiên: Họ biết Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, họ đã thân thiết gần gũi với Ngài, đã tận mắt thấy Ngài chữa lành cho dân chúng và còn cho cả kẻ chết sống lại, vậy tại sao Ngài để cho họ phải chết?  Tại sao Chúa Giêsu không giải cứu họ?

Phải mất một thời gian, các Kitô hữu tiên khởi mới hiểu được rằng Chúa Giêsu không dành ngoại lệ cho bằng hữu của mình, cũng như Chúa Cha đã không cho Ngài ngoại lệ nào.  Vậy, cũng như chúng ta, họ đấu tranh với sự thật rằng có thể một người có đức tin sâu sắc chân thật, và được Thiên Chúa yêu thương, vẫn phải chịu đựng sỉ nhục, đau đớn và cái chết như mọi người khác.  Thiên Chúa không cất đau khổ và cái chết khỏi Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu cũng không cất những đau khổ này cho chúng ta.

Đó chính là một trong những mặc khải chính yếu của phục sinh và là một trong những điều mà chúng ta thường hiểu lầm nhiều nhất.  Chúng ta luôn mãi xác định trong đức tin, và cứ rao giảng về một Thiên Chúa giải cứu, một Thiên Chúa hứa sẽ ban ngoại lệ đặc biệt cho những ai có đức tin chân thật: Tin thật vào Chúa Giêsu, rồi bạn sẽ không còn phải chịu những sỉ nhục và đau khổ đời này nữa.  Tin thật vào Chúa Giêsu, mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với bạn!  Tin vào sự phục sinh, và cuộc đời của bạn sẽ đầy ánh rực rỡ cầu vồng!

Là thế ư!  Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ hứa giải cứu chúng ta, cho chúng ta ta được ngoại lệ, được miễn nhiễm với ung thư, hay không phải chết.  Đúng ra, Ngài hứa rằng, đến cuối cùng, từ đau khổ sẽ xuất hiện sự cứu chuộc, bào chữa, miễn xá, và rồi sẽ là sự sống bất diệt.  Nhưng đó là đến cuối cùng, còn bây giờ, trong những chương đầu và giữa của đời mình, chúng ta vẫn phải có những sỉ nhục, đau đớn, và cái chết hệt như những gì mà mọi người khác chịu.

Cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu mạc khải một Thiên Chúa cứu chuộc chứ không phải một Thiên Chúa giải cứu.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

BÌNH AN CHO CÁC CON

Trên những chuyến xe khách, xe buýt, các bến xe… người ta thường thấy những hàng chữ “chúc quý khách thượng lộ bình an.”  Người tài xế Công giáo treo hình Đức Mẹ trên xe có kèm theo hàng chữ “Nữ Vương ban sự bình an.”  Người tài xế Phật giáo treo hình Đức Phật, dù có hay không có hàng chữ nào, trong lòng họ vẫn cầu mong Đức Phật ban bình an.

Theo Hán tự, chữ “bình” có nghĩa là bằng phẳng, đều hòa, hòa hợp, thoải mái, chữ “an”, theo cách viết là “người nữ ở trong nhà”, có nghĩa là được bảo vệ, an toàn.  Như vậy, bình an nói lên trạng thái tâm hồn, trạng thái nội tâm thư thái, an hòa, vui tươi, bình thản, vững chắc.  Do đó, bình an khác với hòa bình.  Hòa bình nói lên trạng thái bên ngoài: Không còn cạnh tranh, không còn chinh chiến, xô xát, súng đạn, gươm đao.  Cho nên có khi có hòa bình nhưng không có bình an.  Nhân loại thì khao khát hòa bình, còn mỗi người thì khao khát bình an.

Chúa Giêsu sống lại từ ngày thứ nhất trong tuần đã hiện ra với các môn đệ và ban bình an cho các ông.  Lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh là: “ Bình an cho anh em” (Ga 20,19-21).  Bình an là hồng ân của Chúa Phục Sinh ban cho các môn đệ (Ga 20, 26; Lc 24, 36).

Các sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: Mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến đều thấy các môn đệ hội họp trong nhà, cửa đóng then cài vì sợ người Do thái.  Khi Chúa hiện diện, sự sợ hãi của các môn đệ tan biến và các ông có được niềm vui, bình an, can đảm.

“Thầy ban bình an của Thầy cho anh em… anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi” (Ga14, 27). Có một sự khác biệt cơ bản giữa bình an “thế gian ban tặng” và “bình an Đức Giêsu ban tặng.”

  1. Bình an Chúa Giêsu là bình an trong tâm hồn

48Chúa Giêsu Phục sinh là niềm vui lớn lao nhất của các Tông Đồ và của các phụ nữ đạo đức.  Niềm vui nhân lên gấp bội khi Chúa trao quà tặng Bình an.

“Bình an cho các con.”  Khi tâm hồn của các Tông Đồ hoang mang lo lắng buồn vui lẫn lộn về sự việc Chúa chết và sống lại, thì lời chúc lành của Chúa Giêsu rất đúng lúc để củng cố đức tin và đem lại an bình cho tâm hồn của các ông.

“Bình an cho các con.”  Sự bình an này không giống bình an của người đời ban tặng.  Sự bình an của người đời là tạm bợ và sẽ không tồn tại, bởi vì người đời chỉ dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đầy bất an.  Người ta chúc nhau được bình an, nhưng không ai tìm được bình an trong cuộc sống.  Người giàu có thì cảm thấy bất an khi đêm về vì sợ kẻ trộm.  Người có địa vị thì sợ kẻ khác chiếm đoạt, lật đổ.  Người mạnh khoẻ thì sợ đau ốm.v.v… tất cả đều ở trong trạng thái mất bình an.

Có câu chuyện kể rằng: Trong triều của một vua nọ có hai họa sĩ rất tài ba nhưng luôn ganh ghét đố kỵ nhau.  Một hôm nhà vua phán: “Ta muốn phán quyết một lần dứt khoát ai trong hai ngươi là người giỏi nhất.  Vậy hai ngươi hãy vẽ mỗi người một bức tranh theo cùng một đề tài, đó là bình an.”

Hai họa sĩ đồng ý.  Một tuần sau họ trở lại, mỗi người mang theo bức vẽ của mình.  Bức họa của người thứ nhất vẽ một khung cảnh thơ mộng: Những ngọn đồi nhấp nhô bao quanh một cái hồ rộng với mặt nước phẳng lì không một gợn sóng.  Toàn cảnh gợi lên một cảm giác thanh thản, thoải mái.  Sau khi xem xong, nhà vua nói: “Bức họa này rất đẹp, nhưng trẫm chưa hài lòng.”  Bức họa của người thứ hai vẽ một thác nước.  Hình ảnh rất sinh động đến nỗi nhìn nó người ta như nghe được tiếng nước đổ ầm ầm xuống vực thẳm.  Nhà vua nói: “Đây đâu phải là một cảnh bình an.”  Họa sĩ thứ hai bình tĩnh đáp: “Xin bệ hạ nhìn kỹ hơn một chút nữa xem.”  Nhà vua nhìn kỹ và khám phá một chi tiết mà ông chưa chú ý: Trong một nhành cây nép mình sau dòng thác lũ, có một tổ chim. Trong tổ, chim mẹ đang ấp trứng, đôi mắt nửa nhắm nửa mở.  Chim mẹ đang bình thản chờ các con mình nở ra.  Nhà vua nói: “Ta rất thích bức tranh này.  Nó đã chuyển tải được một ý tưởng độc đáo về bình an, đó là vẫn có thể sống bình an ngay giữa những xáo trộn của cuộc đời.”  Và nhà vua đã trao giải nhất cho tác giả bức họa này.

Bình an không phải giống như yên ổn, vì yên ổn là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong.

Bình an là tình trạng của một tâm hồn đang có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân.  Thành tố quan trọng của bình an là sự công chính.  Bởi thế, không có bình an cho kẻ dữ.

Bình an là kết quả của lòng trông cậy vào Chúa và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều quan trọng bậc nhất trong đời.  Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được.

Chỉ có Bình An của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc.  Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa.  Chúa Giêsu đang hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa nên Ngài vẫn có thể nói về bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài.

“Bình an cho các con.”  Thế giới như đang sống trên một lò lửa.  Chiến tranh, khủng bố, thiên tai, động đất…  Thế gian chưa có bình an.  Cho nên sự Bình An của Chúa Giêsu vẫn luôn có giá trị đích thực cho nhân loại, cho những tâm hồn khắc khoải tìm kiếm bình an trong cuộc sống.

  1. Hoa quả của Bình An

Có nhân thì có quả.  Có tranh chấp thì sinh ra hận thù, có ghét ghen thì sinh ra mưu mô thủ đoạn. Đó chính là chuyện nhân quả mà hằng ngày chúng ta đều thấy và biết.  Việc lành cũng như việc xấu, mọi thứ đều có nhân quả của nó.

Hoa quả của Bình An là: Yêu thương, tha thứ,  bao dung,  quảng đại,  khiêm tốn,  nhẫn nại, nhịn nhục…

Khi trong tâm hồn có sự bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh, thì chúng ta biết thông cảm với người làm ta bực mình, dễ dàng cảm thông với những người không yêu mến, sẽ khiêm tốn hơn trong lời nói trong cử chỉ thái độ của mình…  Hoa quả của bình an chính là tình yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta làm việc thiện, thúc bách chúng ta vì anh em mà phục vụ như Chúa Kitô đã phục vụ, như các thánh Tông Đồ đã phục vụ Giáo Hội.

Hoa quả bình an thể hiện bằng tiếng cười, niềm vui, hạnh phúc trong gia đình, an hòa thư thái trong tâm hồn.

Hoa quả bình an cũng chính là sự thật.  Ta cảm thấy bình an khi mình sống ngay thẳng, sống theo sự thật.

Con người ta ai cũng muốn có bình an trong tâm hồn, nên luôn cầu chúc cho nhau được bình an.  Nhưng sẽ không có bình an thật, nếu tâm hồn không có tinh thần Phục Sinh của Chúa Kitô, tinh thần đổi mới con người cũ trở nên con người mới sống theo hướng dẫn của Thánh Thần.

Con người ta ai cũng cần sự bình an, có khi còn cần hơn cả cơm ăn áo mặc nữa.  Chúa luôn muốn ban bình an cho chúng ta.  Giáo hội cũng mong muốn như vậy.  Cho nên mỗi khi tham dự thánh lễ, linh mục thay mặt Chúa và Giáo hội cầu chúc: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em,” rồi linh mục nói với chúng ta: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau.”  Có bình an của Chúa ở nơi mình, chúng ta mới có bình an để chia sẻ cho nhau.

Bình an là một hồng ân Chúa ban và cũng là một trách nhiệm.  Không phải chúng ta chỉ cầu khẩn và tìm kiếm bình an cho mình mà còn phải là “khí cụ bình an của Chúa,” góp phần tạo nên bình an cho mọi người và cho toàn xã hội.

Ước gì cuộc đời của tôi của bạn, trong mọi nơi mọi lúc, nhất là lúc cam go sợ hãi thử thách luôn nghe được lời chúc bình an của Chúa Phục Sinh: Bình an cho anh em.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

CÁCH HIỆN DIỆN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

Một trong những địa danh được nhắc đến nhiều nhất vào Mùa Phục Sinh, đó là ngôi làng Emmaus.  Mặc kệ các nhà khảo cổ với những công trình tìm kiếm xem ngôi làng đó nằm ở đâu trên thực tế địa lý.  Mặc kệ các nhà chú giải với những phân tích chi li xem địa danh Emmaus hợp bởi chữ gì và có nghĩa gì.  Mặc kệ các nhà hội họa với những cảm hứng khơi nguồn đã khéo tô điểm Emmaus nên một kiệt tác như bức họa nổi tiếng của Rembrandt.  Mặc kệ tất cả.  Người tín hữu chỉ có một cảm tình tốt đẹp là xem Emmaus như một địa chỉ tinh thần không thể quên được.  Bởi lẽ khởi đi từ đó, Đấng Phục sinh đã ưu ái cho thấy Ngài luôn có mặt bên cạnh con người và vẫn muốn hiện diện thường xuyên cho cuộc sống con người.  Khởi đi từ địa chỉ tinh thần ấy, người ta thấy ít ra có ba cách hiện diện của Đấng Phục sinh:

1) Đấng phục sinh có mặt trong những bước đồng hành chia sẻ

Bối cảnh của bài Phúc Âm là những ngày tiếp theo biến cố Phục sinh.  Hoàn cảnh của các môn đệ thật là bi đát.  Họ là người theo Chúa từ những ngày đầu cuộc sống công khai, những mong được tả hữu vinh quang khi Đấng Messia chinh phạt thế giới.  Nào ngờ Thầy mình lại chọn lấy con đường khác để cứu độ.  Ngài đã bị giết, bị chôn vùi trong huyệt đá.  Và lưu ảnh cuối cùng họ có về Thầy mình, đó chính là ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng.  Vỡ mộng, thất vọng, cô đơn, họ như những môn sinh “chữ thầy lại trả cho thầy, trở về làng cũ học cầy cho xong”.

Mà đâu có xong.  Chính lúc tưởng chừng trống vắng không gì có thể lấp đầy được, Đấng Phục sinh đã âm thầm hiện diện bên họ, trong dáng dấp của một người khách lạ, trong thân quen của những bước đồng hành và trong ân cần của những lời thăm hỏi rất đỗi bình thường.  Ngay trong Phúc Âm hôm nay, liền sau biến cố Emmaus, khi hai môn đệ đang kể lại Chúa Giêsu ở ngôi thứ ba, thì Ngài đã tự bao giờ “đứng giữa” câu chuyện ở ngôi thứ hai để chào hỏi đối thoại ủi an.

Vâng, Đấng Phục sinh là như thế.  Tưởng vào trong vinh quang là bắt đầu nẻo đời xa cách, nào ngờ lại là lúc Ngài la cà thân thiện với con người hơn cả bao giờ.  Thiên Chúa đã gần gũi với đời người, cho con người trở nên phần đời của Thiên Chúa.  Chính khi đời người xem ra trống vắng nhất, Đức Kitô vẫn hiện diện đồng hành chia sẻ, để rồi khi con người biết chia sẻ cuộc sống cho nhau thì Ngài vẫn có đó trong sức mạnh đồng hành.

2) Đấng phục sinh có mặt bằng những lời củng cố tin yêu

Tâm trạng của các môn đệ hôm nay trong Phúc Âm cũng vẫn là thất vọng ê chề.  Sau lưng họ là Giêrusalem đen tối, trước mặt họ là những nơi xa cũng chẳng sáng sủa gì.  Quá khứ vừa mới khép lại, tương lai chưa kịp mở ra.  Chới với, chao nghiêng.  Nhưng chính lúc ấy, Đấng Phục sinh có mặt, bằng lời Thánh Kinh sống động và hóa giải, Ngài thanh luyện các môn đệ khỏi những tình cảnh thất vọng sợ sệt và đặt họ vào một đà sống mới.

Lời Chúa chính là lời hiện diện của Đấng Phục sinh.  Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào cách đón nhận của ta.  Sẽ không có mặt của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ coi lời Chúa như vật phẩm điểm trang, dẫu có kính cẩn ghi chép, trân trọng giữ gìn, đeo chặt trên trán như thói quen của mấy ông biệt phái.  Sẽ không có mặt của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ xem lời Chúa như thứ lá chắn bung xung cho một mưu đồ, nghĩa là coi lời Chúa như phương tiện để tô vẽ lên mưu lợi riêng tư.  Nhưng sẽ là một hiện diện thường xuyên ở bất cứ đâu cho bất cứ ai, nếu lời Chúa được thực thi chân thành trong đời sống.

Hai môn đệ đi làng Emmaus đã thấy ấm lòng khi nghe lời Chúa.  Các môn đệ ở lại Giêrusalem trong Phúc Âm hôm nay cũng thấy phấn khởi khi được Chúa soi sáng củng cố và đặt vào tin yêu hy vọng của đời chứng nhân.  Nếu mỗi tín hữu hiểu và sống lời Kinh Thánh, họ cũng sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Đấng Phục sinh như những ý lực trong ngày sống, như một sức mạnh để vươn lên, cho dẫu sống chứng nhân cũng là sống với Đức Kitô trên đường thương khó.

3) Đấng phục sinh có mặt giữa những tấm bánh bẻ ra cho đời

Nếu có phút giây nào để lại ấn tượng mạnh nhất trong bài Phúc Âm, đó phải là lúc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem có gì ăn không, rồi Ngài lại tự nhiên ăn cá và mật ong trước bao cặp mắt sững sờ của họ.  Ngài hỏi thức ăn không phải vì Ngài đói và Ngài ăn không phải vì cơ thể Ngài cần.  Đấng Phục sinh mà không một định luật vật lý nào có thể ngăn cản được như trong việc Ngài thoắt hiện thoắt đi đâu cần phải có thực phẩm nhân gian để mà tồn tại.  Đấng Phục sinh có 47mặt giữa con người không giống như kẻ hồi sinh sau tai nạn để cần phải bổ dưỡng bù trừ theo kiểu “ăn giả bữa.”  Nhưng, nếu qua việc Chúa Giêsu bẻ bánh, hai môn đệ đi làng Emmaus đã nhận ra Thầy mình, thì qua việc ăn uống này Đấng Phục sinh đã củng cố lòng tin vốn đang chao đảo hoang mang của họ.

Đấng Phục sinh ăn trước mặt các môn đệ.  Đó là một khoảnh khắc đầy ấn tượng, nhưng đã làm nên lý chứng phục sinh và ý nghĩa cuộc đời, bởi có Ngài hiện diện, nên thôi hết buồn sầu để mở ra một lối sống mới trong niềm vui.  Thảo nào các môn đệ hôm đó đã nhận lệnh lên đường làm chứng về những gì các ông đã thấy đã hiểu đã tin.

Nếu có lần nào ta chiêm ngắm Chúa Kitô như tấm bánh bẻ ra để xây dựng một thế giới mới, thì có lẽ một cách vô thức ta đã quy chiếu vào khoảnh khắc bất ngờ này.  Và nếu đúng như thế thì qua việc rước Mình và Máu Đức Kitô hôm nay, ta cũng được mời gọi để trở nên những tấm bánh, những mẩu cá, những tảng mật ong sống động biết chia sẻ nâng đỡ, vun đắp chung xây cuộc sống tốt lành tại địa bàn dân cư nơi mình sinh sống.

Ba cách hiện diện nghe như quen mà vẫn cứ lạ, nghe như gần gũi mà vẫn cứ rời xa.  Cảm tưởng quen quen lạ lạ gần gần xa xa ấy có là vì Đức Kitô Phục sinh có mặt, nhưng không hữu hình như xưa để dễ dàng mắt thấy tai nghe nữa, mà đã hiện diện vô hình chỉ gặp được bằng tin yêu hy vọng.  Và thường thì vì ta quá vô tình không nhận ra Ngài trong những khuôn mặt cuộc đời, tình huống của ta và của những người quanh ta.  Nhưng hiện diện của Đấng Phục sinh không phải là một hiện diện thụ động chỉ để ta tìm gặp, mà còn là một hiện diện chủ động khi ta biết tích cực đồng hành chia sẻ, cũng như gieo lời Chúa vào môi trường sống, rồi từng ngày nỗ lực âm thầm trở nên những tấm bánh “ăn được” cho người lân cận.

Qua thánh lễ này, ta được đồng hành bên nhau, được chia sẻ lời Chúa và được rước lấy Thánh Thể. Xin cho đời ta được đổi mới nơi địa chỉ Emmaus tinh thần này, để tới phiên ta cũng sẽ trở thành địa chỉ tinh thần mới cho cuộc sống hôm nay.

GM Vũ Duy Thống

KINH NGHIỆM GẶP CHÚA

Tôi không viết “Tiểu Sử”, vì tiểu sử của tôi không có gì đáng nói.  Tôi chỉ viết Lời Tâm Sự.

Tuổi mới lớn: NỖI BUỒN THỨ NHẤT:

Một ngày đưa Mẹ vào Bệnh Viện
Nghe người ta nói: “Mẹ cô điên”
Mẹ ơi, nhát búa đập vào đầu
Mẹ biết lòng con bao đớn đau

                        NỖI BUỒN THỨ HAI:

Đám cưới Heo quay với Rượu vàng
Nhà trai trổi nhạc đón dâu sang
Bao nhiêu long trọng và Nghi Lễ
Mà một cuộc đời phải nát tan

Vợ chồng tôi có 3 con.  Năm tôi 36 tuổi, chồng tôi bỏ nhà theo vợ bé bằng nửa tuổi tôi. Tôi không có đạo.  Là con gái út của một gia đình nho phong, tôi ngơ ngác nhận ra rằng bằng cấp không làm nên đạo đức, vì chồng tôi đậu Cử Nhân Văn Khoa và Luật Khoa. Tôi choáng váng, đất trời sụp đổ?  Nhưng:

 “Thà không tri giác như cây cỏ
Lỡ có tâm hồn với nước non

Tôi vận dụng tất cả ý chí để đương đầu với hoàn cảnh.  Tôi luôn luôn nhớ tôi là cây cột duy nhất của nhà nầy, là Xương Sống của gia đình.  Ba con chỉ có tôi là nơi nương tựa. Tôi tâm niệm phải nuôi con nên người.  Chúng phải no cơm ấm áo, học hành thành đạt.  Tôi không nhìn thấy tôi ở đâu cả, tôi chỉ thấy ba cuộc đời ấu thơ trước mắt và trong tim mình.

Anh làm xô lệch gối chăn xưa.
Tôi tiếc đời tôi phấn hương thừa,
Một mình, tôi nuôi đàn con dại
Lầm lũi bước đi tháng, năm dài.
Nước mắt chảy vào trong,
không để mình sầu mộng,
tôi nuốt hết đơn côi.
Tránh nhìn cả gương soi
tôi chối bỏ nhan sắc mình còn đó

Đi làm, săn sóc con, mỗi ngày tôi chỉ “thở” khi ngồi trên Cyclo đến sở và về.  Người cô phụ nhìn thời gian trôi qua, năm nầy rồi năm khác, từng năm, lại từng năm.

Thế gian vẫn lắm nẻo mòn
Đường qua phố vắng vẫn còn đọng mưa

                       NỖI BUỒN THỨ BA:

Con gái chết, 7 tuổi, sau 3 ngày mắc bệnh sốt xuất huyết.  Mặc dầu cháu ở với mẹ, (ba cháu đã bỏ mẹ con tôi từ năm năm qua) trong giờ hấp hối, 4:00 AM, cháu quay mặt qua bên phải hỏi, “Ba đâu?” và quay bên trái, “Ba đâu?”  Lòng tôi đau như muối xát.  (Chú thích: Tình huyết nhục thiêng liêng dường ấy, xin đừng phá thai!)  Cháu trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi, 4:05 AM, chỉ có hai mẹ con trong bệnh viện.  Chính đau thương nầy, sau này, với Ơn Chúa, đã thúc đẩy tôi đi làm thiện nguyện để xoa dịu đau thương của người khác.

Thương con trong huyệt lạnh
Nhớ con dưới mồ sâu
Con ơi, sầu tử biệt
Bao giờ còn thấy nhau?

 Tôi khóc ngất:

Khi đặt con nằm lòng đất lạnh
Mẹ muốn thét lên đến tận trời!

 Những ngày Việt Nam khói lửa, tôi không dám ngủ riêng, tối nào cũng kéo tấm nệm mỏng nằm ngủ dưới đất cạnh giường hai con, đề phòng nếu có bom đạn thì mẹ con sống cùng sống, chết cùng chết theo nhau.

Một thân vò võ, vừa làm mẹ, vừa làm cha, mỗi ngày, tôi cắm cụi sống với bổn phận, trách nhiệm, công việc.  Phải thú nhận tôi bám vào đó mà sống, không dám buông lơi, sợ mình sực nhớ đến nỗi cô đơn của đời cô phụ.

Nỗi khó khăn nhất của người thiếu phụ tóc hãy còn xanh, phải một mình đảm nhận trọng trách nuôi các con không phải là đời sống vật chất, mà là đời sống tinh thần.  Thiên nan vạn nan, con đường dài hiu quạnh.  Nhưng không phải là không vượt qua được.  Khi có một Lý Tưởng cao hơn sự mưu ích cho riêng mình, con người có thể quên mình.  Vì sao?  Vì Thượng Đế không bao giờ bỏ quên con người.  Giữa vũ trụ, vẫn có một sức thiêng làm đòn bật, giúp con người vượt thắng hoàn cảnh, dù đen tối đến đâu.  Chứng cớ là có một ngày đời sống tâm linh của tôi bắt đầu.

GIÂY PHÚT TRÙNG PHÙNG

Quá bận bịu với nhiệm vụ nuôi con, với đau thương chất ngất tháng ngày, tôi không nhận ra Thiên Chúa, mặc dù Ngài luôn luôn có mặt.  Không biết nguyện cầu, tôi không hiểu rằng Ngài vẫn có chương trình giải thoát cho mỗi thương đau thế trần.

Không bao giờ bỏ kẻ khổ đau, Thiên Chúa tìm mọi cách mời gọi tôi đón nhận Ngài để Ngài bước vào đời tôi, giúp tôi thoát khổ.  Trong dịp cùng hai con đi nghỉ mát – thật ra là đi tìm quên – tôi nằm trên thảm cỏ nhìn thác nước rơi trong bóng đêm.  Từ ánh đèn dưới chân thác, những luồng nước phun lên cao, với nhiều màu sắc khác nhau.  Một gợi ý từ đâu hiện ra trong trí tôi: Như mỗi luồng nước có một vẻ đẹp riêng, một màu sắc riêng, tôi có thể dùng tình cảm, tâm trí, năng lực của mình để phục vụ một Lý Tưởng khác:  Đổi Tình Yêu ra Tình Nhân Loại, lấy Tình Thương làm Hạnh Phúc .

Tôi không đủ sức, cũng không đủ lời để mô tả giờ phút ấy!  Giờ phút gặp gỡ Đấng Tạo Dựng nên mình, Người đã dùng chính hơi thở của Ngài để chuyền cho tôi sức sống!  Màn mây như thấp xuống.  Tôi nghe toàn thân mình mất trọng lượng, trở thành nhẹ tênh.  Không một tiếngđộng, không một bóng hình, mà tôi biết chắc một thân thương gần gũi đang bao trùm tâm hồn tôi, che phủ tôi.  Ràn rụa nước mắt, tôi ngước nhìn trời xanh.  Bầu trời im vắng, như chính tôi không thốt nên lời.

Khổ Đau càng nặng, thì Lòng Biết Ơn lại càng sâu.
Như người vừa tỉnh cơn mê, tôi bàng hoàng thổn thức:

“Tình Cha sâu lắng, mênh mông quá
Con lặng cúi đầu, nước mắt dâng.”

            Tôi quyết định rửa tội để theo Người đã yêu tôi, đã chết cho tôi, đồng hành với tôi trong vui buồn cuộc sống.

46Linh Mục đổ nước trên đầu tôi, và đọc những lời kinh.  Tôi không biết kinh gì, vì tôi đang bận đọc “Lời Kinh” của lòng mình: “Cha ơi, hôm nay, con mang trong mình Dấu Ấn của Cha.  Cha ơi, con sẽ là con Cha mãi mãi.” Ngẩng đầu lên, tôi mỉm cười một mình, giọt nước mắt rơi xuống bàn tay

Lạc loài từ độ năm nao
Tìm về với Chúa trăng sao sáng ngời
Biển ơi, biển có bồi hồi
Có nghe rộng mở một Trời Yêu Thương?

Hết rồi, những năm tháng “chết lịm hồn, vì thiếu vắng Đức Tin.”

Tình Cha như phép Nhiệm Mầu
Như hoa nở muộn trên đầu mái hiên,
Tình Cha là chiếc đ
a tiên
Mang con trở lại với niềm an vui

Biệt tài của Thiên Chúa là đổi Nguy thành An, biến Họa thành Phúc.

Chồng tôi vẫn biền biệt, con gái đã qua đời, nhưng đời tôi có một ý nghĩa mới: Tôi sống trong Tình Yêu Thiên Chúa, một Tình Yêu bất diệt, không đổi thay.  Một Tình Yêu sống động mỗi ngày. Ngài lắng nghe, dịu dàng, tha thiết, cảm thông và tha thứ, che chở và phù trợ, an ủi và đỡ nâng.  Lòng tôi ấm áp.

Tôi vẫn nhớ con gái mỗi ngày nhưng tôi tin con đang ở bên Chúa, và Mẹ con tôi sẽ gặp lại nhau, sau này. Tôi vui và hay khôi hài.  Biết ơn Ngài quá đỗi, tôi muốn làm một cái gì cho Cha mình.

Bởi lẽ Phúc Âm là Ngọn Nến
Lửa hồng xin đốt ở trong con

Từ khi về hưu, và con cái trưởng thành, tôi ở một mình, đi làm thiện nguyện.  Lửa hồng của Tình Yêu Thiên Chúa dùng tôi như chiếc thuyền nan bé nhỏ chuyên chở Tình Thương của Ngài đến những người khổ đau, người bệnh hoạn nơi Bệnh Viện, tù nhân nơi Khám Đường, những kẻ Khốn Khó nơi xóm nghèo.  Tôi say sưa với công việc này vì qua họ, tôi thấy Chúa, Thiên Chúa của lòng tôi, và tôi thấy tôi ngày trước, bơ vơ, cô đơn, thèm khát tình thương, một Tình Thương, không phải lời Ân Ái.

            Đức Kitô là ai?

Bây giờ, các Bạn đã thấy Đức Kitô là ai, đối với tôi.

Ngài là Tình Yêu, là Lẽ Sống, là tất cả của lòng tôi trìu mến, gắn bó, tin yêu.

Tuy nhiên, yêu Thầy thiết tha là thế – vì rất dễ hiểu: Không có Thầy, chắc chắn tôi không tài nào sống nổi đời mình, tôi vẫn nhiều vấp phạm.  Từ ngày theo chân các sơ Têrêsa, tôi hiểu Bác Ái không biên giới.  Tôi cũng nhận ra rằng những tội tôi phạm thường là tội thiếu lòng Bác Ái.  Vì thiếu lòng Bác Ái, đời sống tôi chưa đẹp lòng Chúa như tôi ao ước.

Một trong các điều luật của Hội “Giáo Dân Thừa Sai Bác Ái” (Lay Missionary of Charity, thành lập bởi Mẹ Teresa Calcutta) mà tôi theo là Cầu Nguyện với sách: “Giờ Kinh Phụng Vụ”.

Lần đầu mở sách GIỜ KINH PHỤNG VỤ tôi chỉ thấy chán nản.  Dài quá.  Kinh sáng, kinh trưa, kinh chiều.  Thánh Vịnh, Kinh Sách, Lời Chúa, Đáp Ca, Thánh Ca, thôi thì đủ thứ.  Tôi nghĩ thầm: “Thứ nào cũng tương tợ nhau, viết gì mà lắm thế.”  Tôi ngồi đếm có ngày 14 trang luôn.  Tính làm biếng trong tôi nổi dậy và tôi thấy ngại ngùng.

Nhưng tôi hiểu đọc Thánh Vịnh là cùng cầu nguyện với Giáo Hội, nên tôi ráng thử.  Tôi đọc chút chút xem sao.  Mỗi sáng đi lễ, tôi nói với Chúa: “Xin Chúa cho con siêng năng đọc Giờ Kinh Phụng Vụ, sao con ngán quá.”

Từ từ, tôi đọc nhiều lên và dần dần bị lôi cuốn.  Càng đọc, tôi càng yêu thích lối cầu nguyện sâu xa này.  Tôi ham mê, thích thú đọc, có khi còn tiếc sao đã đến trang cuối rồi.  Đọc Thánh Vịnh, con người gần gũi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa hiện diện trong các mẫu chuyện sống động, vì Thánh Vịnh mô tả tâm trạng con người trong đời sống thực tế.

Những lời ca ngợi Thiên Chúa toàn năng và nhân từ, lời than vãn phận mình, lời tha thiết ăn năn, lời thành khẩn xin ơn, tất cả là hình ảnh thiết thực của cuộc sống hôm nay, ngay trong đời này. Chẳng những người đọc cảm thấy chính mình trong đó, mà còn cảm thấy Chúa đang lắng nghe, đang nói với mình từng lời.

Tôi quên mất ngày xưa, dân Do Thái cầu nguyện với những Thánh Vịnh này, tôi chỉ còn thấy chính tôi với Thiên Chúa mặt đối mặt, qua những lời Thánh Vịnh than vãn và ngợi khen.

Đặc biệt nhất là Thánh Vịnh rất có ích: Khi buồn khổ, bối rối, Thánh Vịnh 51 giúp lòng tôi lắng dịu.  Ngày bão Katrina, tôi đọc Thánh Vịnh 29 và tìm lại được Bình An.  Có những câu tôi thuộc lòng, vì chúng là chính tiếng nói của lòng tôi: “Muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn Tình Thương.”  Không ai ngờ được Thánh Vịnh có mặt từ ba ngàn năm trước, mà giờ đây đọc lên nghe như chính tâm can mình thốt ra bằng lời: “Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại, đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn.”

Có hai câu mà tôi đắc ý nhất: “Xin bác ái là mưa sa tưới gội, cho lòng con hoa thắm nở bình an.”  Tôi mê hai câu này vì, như trên đã nói, tội tôi phạm thường là vì thiếu bác ái, nên tôi coi hai câu này là phương thuốc chữa bệnh cho mình.

Cứ thế, tôi đi vào đi ra, làm việc gì cũng nhẩm đi nhẩm lại hai câu này suốt ngày.

Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài, – dù bác ái trong con, vẫn chưa phải là đủ – nhưng vì Tình Yêu Chúa bao dung, Ngài đã bù đắp, và cho con Bình An.

Đông Khê

http://www.donghanh.org/baodh/2007/2007-03/2007-03_kinh_nghiem_gap_chua.htm

GẶP GỠ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục sinh tới hôm nay, Chúa nhật II Phục sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô phục sinh hiện ra.  Từ những lần thấy Đức Kitô phục sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:

  1. Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.

Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn trong không gian.  Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau.  Người xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người.  Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới.  Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài.  Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp.  Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo. 45 Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài.  Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài.  Đức Kitô phục sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Đức Kitô phục sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian.  Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya.  Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng.  Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày.  Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối.  Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt.  Không có thời gian nào Người không ở bên ta.

Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định.  Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.  Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá.  Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa.  Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi.  Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.

  1. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dậy niềm bình an, tin tưởng.

Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: “Bình an cho các con.”  Người còn thổi hơi vào các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.”

Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo.  Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình.  Rồi Thần Linh Chúa bay là là trên mặt nước.  Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.

Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình.  Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần.  Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến.  Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.

  1. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa.

Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ.  Các môn đệ tuyệt vọng.  Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường.  Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy.  Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi.  Đức Kitô là linh hồn của họ.  Linh hồn đã ra đi.  Xác sống sao được.

Khi Đức Kitô phục sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.

  1. Cảm nghiệm cuối cùng là Đức Kitô phục sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh.

Đức Giêsu Phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ.  Đức Kitô phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời.  Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó.  Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống.  Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bất chấp trời đã tối đen.  Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh.  Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.

Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.”

Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh.  Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng.  Vì Đức Kitô phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ.  Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng.  Như Thánh Phaolô sau này đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.”

Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta.  Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên.  Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.

Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: Trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.

Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời.  Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú mẹ.  Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách.  Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ.  Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường.  Người ở bên những cuộc đời bế tắc không lối thoát.

Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người.  Hãy khao khát đón chờ Người.  Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người.  Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào.  Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người.

Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn.  Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

NỖI OAN TÔMA

44Đối với phần đông tín hữu Việt Nam, danh xưng Tôma khơi gợi về một thái độ, rất riêng tư nhưng cũng rất điển hình, chẳng những không tích cực mà xem ra còn để lại nhiều tai tiếng.  Gặp một tâm hồn cứng cỏi trước những biểu cảm của niềm tin, người ta đã khéo ví von “cứng lòng như Tôma;” thấy ai biểu lộ do dự hoặc nghi ngờ trước những sự kiện tôn giáo, người ta đã vội đưa vào gia phả “con cháu thánh Tôma.”  Kể cũng oan.

Thật ra, đi liền với danh xưng Tôma lại là một bài học dẫn đến niềm tin, và cũng còn đó lời gọi sống sao cho mối phúc thứ chín, như người ta gọi về lời Chúa Giêsu kết thúc trang Tin Mừng hôm nay “Phúc cho kẻ không thấy mà tin,” được trở thành hiện thực trong đời mỗi Kitô hữu.

  1. Lạy Chúa Tôi, Lạy Thiên Chúa Của Tôi

Niềm tin của Tôma vào Đấng Phục Sinh là cả một chặng đường trong đó yếu tố trước hết chính là cộng đoàn: “Chúng tôi đã được thấy Chúa.”  Chính vì chứng từ của cộng đoàn này mà Tôma đã tự đặt vấn để rồi sau đó mới đi tới đức tin.  Ngay việc các môn đồ hội họp vào ngày thứ nhất trong tuần cùng với lời chúc bình an của Đấng Phục Sinh, làm bối cảnh hình thành truyện Tôma, cũng cho thấy vai trò của cộng đoàn trong việc khai sinh đức tin nơi một người.

Nhưng yếu tố chủ động hơn phải được tìm thấy trong phản tỉnh của cá nhân ông.  “Nếu tôi không thấy… tôi không tin.   Câu nói tự phát ấy đã trở thành tai tiếng khiến nhiều người nghĩ rằng Tôma là một kẻ cứng đầu cứng cổ, đòi hỏi, nghi ngờ.  Nhưng thực ra, ông là người thực tiễn.  Chính nhờ ông lên tiếng mà ta mới thấy rõ hơn thế nào là trăn trở của đức tin thuở ban đầu và thế nào là nỗ lực cá nhân làm cho niềm tin có được bản sắc riêng không thể lẫn với người khác.  Nếu hôm trước Tôma đòi thấy mới tin, thì tám ngày sau, qua tiếp xúc cá nhân với Đấng Phục Sinh, ông đã tuyên xưng không phải bằng công thức chung nữa, mà bằng một cách rất riêng làm thành đỉnh cao tuyên tín Phục Sinh: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi.

Và niềm tin chỉ có thể đạt được kết quả khi có yếu tố quyết định chính là hồng ân Thiên Chúa, như một bao trùm từ khởi sự cho đến hoàn thành.  Nguyện vọng của Tôma xem ra ngược ngạo, nhưng đã được Đức Giêsu thanh luyện, để cuối cùng khi dâng lời tuyên tín, cũng là lúc ông được dẫn vào một nhận thức mới mẻ hoàn toàn.  Thay vì phải thấy mới tin, ông nhận ra rằng phải tin mới thấy trọn vẹn: Thấy Đấng Phục sinh và con người Giêsu cũng là một, thấy Đấng Phục sinh rốt cuộc là Chúa và là Thiên Chúa của mình, và thấy niềm tin vượt lên tất cả sẽ trở thành hạnh phúc.

  1. Đừng Cứng Lòng, Nhưng Hãy Tin

Chuyện lòng riêng của Tôma cũng là chuyện lòng chung của muôn lòng tín hữu.  Từ nỗi oan Tôma, ngày nay người ta hiểu hơn rằng niềm tin không phải là một yếu tố đơn thuần, mà là một tổng hợp giữa ơn thánh và nghị lực con người, trong đó có cộng đoàn và mỗi cá nhân.

Chỉ dựa vào ơn thánh, người ta có nguy cơ rơi vào thái độ coi mọi sự là bởi Chúa nên không cần phải đào sâu tìm hiểu nữa.  Có biết đâu tin như thế là không còn tin nữa, mà một cách nào đó đã là cả tin.  Vì tin tất cả nên cả tin, hay vì cả tin nên tin tất cả?  Chỉ dựa vào lý trí, người ta lại có nguy cơ khác là thái độ muốn giới hạn tri thức về thực tại và tiêu chuẩn của kinh nghiệm khả giác hoặc khả năng suy luận: Những gì không hiểu, không đo lường sờ chạm, đều bị chối từ.  Có biết đâu tin như thế cũng không còn là tin nữa, mà xem ra lại gần với sự bất tín!  Nếu chỉ dựa vào cộng đoàn thôi, người ta còn có thêm một nguy cơ nữa là thái độ tiêu cực.  Bên ngoài có vẻ ngoan ngùy, nhưng thực chất là dấu hiệu của một niềm tin hời hợt.  Lúc đạo giáo hưng thịnh xem ra không có vấn đề, nhưng khi sự đạo phải bước vào thầm lặng thì biết đâu bởi vì dễ tin nên cũng dễ bỏ niềm tin trước bất cứ ai?

Thành ra, phải xem trường hợp Tôma như một kinh nghiệm, và cần xem chặng đường niềm tin của ông như một kinh điển cho niềm tin đang dấn bước đi trong cuộc sống.  Đừng cứng lòng!  Phải chăng là lời gọi hãy xa đi những thái độ không phù hợp, để chẳng những tránh được khủng hoảng, mà dường như còn nghe lại từng ngày lời ân cần đã một lần ngỏ với Tôma ở cuối chặng đường gặp gỡ: “Nhưng hãy tin!”

  1. Phúc Cho Kẻ Không Thấy Mà Tin

Cũng từ nỗi oan Tôma, tín hữu hôm nay cảm nhận hơn niềm vui trong đức tin của mình.  Niềm vui của Tôma là được thấy Chúa nên tin, còn niềm vui của đời tín hữu lại là tin để được thấy Chúa.  Tin như thế là một hạnh phúc.

Trong hạnh phúc ấy, sau này các tông đồ đã qui tụ cho Chúa những kẻ tin, và những kẻ tin sơ khai đã vui mừng cử hành niềm tin của mình một cách sống động, không những qua nghi thức phụng vụ, mà còn qua cách sống cộng đoàn biết chia sẻ và phục vụ lẫn nhau, và niềm hạnh phúc, cuối cùng, sẽ là sức mạnh chiến thắng.

Nhưng với kẻ tin hôm nay, tất cả vẫn còn ở phía trước.  Bổn phận của ta là phải khổ công vun đắp niềm tin của mình sao cho thắm đượm hồng ân Thiên Chúa mà vẫn không quên nỗ lực đóng góp của con người, sao cho chan hòa với nhịp sống cộng đoàn mà vẫn không triệt tiêu bản sắc cá nhân.  Và một khi niềm tin muốn khơi dậy niềm tin, thì cái bổn phận kia đã trở thành trách nhiệm loan báo hạnh phúc cho những người đồng thời.

Tuy nhiên, phải thú nhận rằng niềm tin hạnh phúc ấy còn lắm nhạt nhòa.  Đó đây trong nhịp sống chung Giáo Hội cũng như trong nếp sống riêng mỗi tín hữu, vẫn có thể có những lúc ngại tin hoặc chậm tin vào điều mình không thấy.  Nhất là phải hy sinh những hạnh phúc chính đáng thấy được để vươn đến một thứ hạnh phúc ở ngoài tầm nhìn khả giác.  Quả là vất vả.  Nhưng chính lúc ấy, Tôma xuất hiện như một người bạn tri âm, như một người thầy đã từng trải nghiệm.  Và lời Đức Giêsu nói với ông lại trở thành lời vỗ về đem lại sức mạnh.  Nghe trong mối phúc thứ chín có lời dặn dò: Muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy; và chừng như cũng có lời ước hẹn: Tin điều mình không thấy sẽ được thấy điều mình tin.

Ngày nay nỗi oan Tôma vẫn còn đó.  Một mình ông chịu tai tiếng để sau này người ta biết đường mà tránh.  Một mình ông chịu quở là cứng lòng tin để tín hữu hiểu rằng phải vượt trên những điều nhìn thấy mới gặp được lối đi hạnh phúc của niềm tin.  Và như thế, liệu ta có thể bảo rằng nỗi oan Tôma là một nỗi oan hạnh phúc?  Cùng với mầu nhiệm đức tin khi bánh rượu được truyền phép hôm nay, ta sẽ lặp lại lời tuyên xưng của Tôma.  Để xin thêm đức tin cho những tấm lòng còn nghi ngại, củng cố đức tin cho những người đang yếu đuối, và xin được hạnh phúc cho mọi kẻ tin.

GM Vũ Duy Thống