NIỀM VUI PHỤC SINH

Những ngày u ám đã qua.  Những đòn roi, tiếng hò hét đòi đóng đinh, những tranh luận gay gắt, tiếng chửi rủa, sỉ vả, tiếng búa chan chát, những giọt máu, vòng gai… chỉ qua một đêm là đã trở thành dĩ vãng.  Người thỏa mãn với quyền lực của mình thì vui tươi vì đã loại trừ được một cái gai trong mắt. Người sợ hãi thì giam mình trong những gian phòng tối.  Những cao trào hay ồn ào của sự kiện một người nổi tiếng bị đóng đinh cũng qua đi.  Mọi người lại trở về với cuộc sống bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy đến.  Lịch sử của cuộc đời Giêsu tưởng là đã chấm hết với những khăn liệm và ngôi mộ lạnh lẽo thê lương.  Ai ngờ, chính từ nơi cõi chết ấy, Thiên Chúa đã biểu dương quyền năng của Người.  Từ lòng đất âm u, Người đã cho bừng dậy muôn nơi những phúc ân rạng rỡ.

Sáng sớm hôm ấy, có một số người phụ nữ yêu mến Giêsu lặn lội chạy ra mồ khi trời còn chưa tỏ.  Trên đường đi, các bà còn lo lắng không biết phải đẩy tảng đá lấp mồ như thế nào, để có thể vào trong xức dầu thơm cho xác Chúa.  Trong nhãn quan của các bà, rõ ràng là Giêsu đã chết.  Nhưng vừa ra đến mồ, các bà kinh hãi vì tảng đá đã được dịch sang chỗ khác.  Lại còn có các Thiên Sứ sáng chói ánh hào quang cho biết là Đức Giêsu đã sống lại rồi.  Các bà vội chạy về 43báo cho các môn đệ.  Hai ông Phêrô và Gioan cũng vội vã chạy ra và chứng thực những gì mà các bà kể lại.  Bà Maria Madalena chưa kịp hoàn hồn, cứ ngỡ ai đánh cắp xác của Thầy mang đi.  Bà đứng đó mà khóc.  Sau khi được tiếng gọi của Đức Giêsu lay động, bà vui mừng hớn hở, chạy về loan tin khắp nơi.  Một niềm vui khác hẳn chợt bừng lên trong bà và những ai chứng kiến, một niềm vui có âm vị chưa từng có trong đời.  Niềm vui ấy là niềm vui do cảm nghiệm được sự sống thần linh, niềm vui được cảm nếm trước hạnh phúc Thiên Đàng, nếm được một sự sống thật, sự sống của chính Thiên Chúa.

Các bạn trẻ thân mến,

Sự kiện Chúa chết và sống lại đã xảy ra cách đây khá lâu xét về mặt lịch sử.  Nhưng ơn phục sinh của Ngài vẫn luôn có đó và tuôn tràn khắp nơi, trong con tim và khối óc của mỗi người.  Có một hạt giống bị chôn vùi vào lòng đất, nay trổ sinh thành một chồi non mơn mởn, chứa đựng bên trong bao sức sống khác.  Mùa đông đã qua đi, mùa xuân đến kéo theo muôn chim vui ca hót tưng bừng, ngàn hoa đua nhau khoe sắc.  Xã hội có thể có những lúc khủng hoảng, nhưng rồi mọi chuyện cũng tốt lên.  Cuộc sống của chúng ta có thể có những khoảng thời gian u ám, tưởng như không sao vượt qua được, nhưng rồi một tia hy vọng chợt đến, giúp ta lấy lại thế quân bình, và tiếp tục sống những ngày tháng vui và hạnh phúc.  Thánh Thần chưa bao giờ thôi hoạt động.  Những sự sống mới lúc nào cũng nảy sinh.  Nơi góc đá khô cằn bên sườn núi, ta vẫn thấy có những cành hoa dại cố gắng vươn ra.  Nơi những triền dốc chơ vơ giữa trời, thấp thoáng vẫn có nhành cây nhỏ uốn mình theo gió.  Nơi sa mạc khô cháy và hoang vu, vẫn có những ốc đảo xanh rì rợp bóng mát.  Những dấu hiệu tự nhiên như thế cũng tỏ lộ phần nào quyền năng mãnh liệt của Thiên Chúa vượt lên trên sự chết rợn người.

Sự phục sinh của Giêsu cho chúng ta thấy những gì mà trước kia Ngài nói với chúng ta không sai chút nào.  Rằng nếu con người chịu chết đi cho những lụy tục của mình, con người sẽ được sống.  Rằng muốn đi đến vinh quang, con người phải đi qua thập giá.  Rằng niềm tin và tình yêu sẽ chiến thắng tất cả.  Rằng quyền năng của Thiên Chúa là vô đối vô song.  Rằng chỉ cần ta một lòng tín thác vào Chúa và vâng nghe Lời Người thì Người sẽ cho ta thấy Người tuyệt diệu biết bao khi dẫn ta qua những màn đêm của chết chóc.  Dẫu có khi đứng trước những hy sinh, ta có phần sợ hãi, buồn phiền, thậm chí là chùn chân, nhưng nếu ta tiếp tục tín thác và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp trong tay Chúa, ta sẽ được Người thưởng công bội hậu.

Để có thể trở thành một con bướm xinh, con sâu phải chịu đau đớn chui ra khỏi cái kén.  Để có thể trở thành một con chim sải cánh giữa trời bao la, những mệt mỏi khi cố gắng thoát ra khỏi cái vỏ là điều không thể tránh đối với nó.  Thành công nào cũng đòi phải có hy sinh.  Phục sinh nào cũng đòi phải bước qua thập giá.  Ước gì Chúa Phục Sinh ban thêm sức cho chúng ta, để chúng ta dám vượt thắng con người ù lì và nhát đảm của mình, dám hy sinh vì công lý, vì đạo nghĩa, vì Đức Kitô ngõ hầu chúng ta có thể được cùng Người sống lại trong vinh quang.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

ĐÓN NHẬN ƠN PHỤC SINH

42Sau khi Đức Kitô phục sinh, các môn đệ biến đổi lạ lùng.  Maria Mácđala buồn sầu ảm đạm trở nên phấn khởi vui tươi.  Tô-ma cứng cỏi trở nên tin tưởng.  Hai môn đệ Emmau lạnh lùng trở nên sốt mến.  Tất cả các môn đệ hèn yếu trở nên vững mạnh, từ ích kỷ nhỏ nhen chỉ biết lo cho quyền lợi bản thân trở nên quảng đại hiến thân cho Nước Chúa, từ chia rẽ tranh dành địa vị trở nên đoàn kết yêu thương, từ khép kín trở nên cởi mở đi đến với mọi người.

Chúa Phục sinh đổ vào tâm hồn các ngài một nguồn sống mới.  Tâm hồn các ngài được ơn phục sinh.  Ơn phục sinh được tóm tắt trong một câu ngắn gọn: “Ông đã thấy và ông đã tin.”  Nhờ đâu các ngài đã thấy?

Các ngài đã thấy nhờ gắn bó với Chúa.  Thương nhớ Thày, nên khi ngày Sabbat vừa chấm dứt các ngài đã vội vã ra thăm mộ Thày.  Các ngài không đi, nhưng chạy.  Các ngài chạy vì muốn thu ngắn quãng đường.  Các ngài chạy vì muốn thu ngắn mọi khoảng cách ngăn các ngài với Chúa.  Các ngài muốn ở sát bên Chúa.  Các ngài muốn kết hiệp với Chúa.

Các ngài đã thấy vì đã biết dứt bỏ quá khứ.  Khi nhìn vào mộ, các ngài thấy gì?  Các ngài không thấy gì hết!  Ngôi mộ trống rỗng.  Không có gì, nhưng các ngài thấy tất cả.  Nếu xác Chúa còn đó thì thật đáng buồn.  Xác còn có nghĩa là Chúa vẫn còn trong thế giới kẻ chết.  Ngôi mộ còn xác là ngôi mộ gieo niềm tuyệt vọng.  Ngôi mộ trống là ngôi mộ chứa đầy niềm hi vọng.  Ngôi mộ trống là một khởi điểm mới, là khối hỗn mang để Chúa làm nên một trời mới đất mới.  Các ngài hiểu rằng không nên gắn bó với xác chết nhưng nên gắn bó với Đức Kitô đang sống.  Không nên gắn bó với quá khứ chết chóc, nhưng nên gắn bó với tương lai tràn đầy sự sống.

Các ngài đã thấy vì đã có thái độ khiêm nhường.  Tin mừng thuật lại: Các ngài đã “cúi xuống nhìn vào ngôi mộ.”  Khi cúi xuống nhìn vào ngôi mộ, các ngài không thấy Chúa.  Nhưng càng cúi xuống sâu các ngài thấy rõ mình.  Chìm xuống đáy lòng như chìm xuống đáy đại dương, xa mọi sóng gió xôn xao.  Càng nhìn vào đáy lòng mình, càng bắt gặp niềm bình an.  Bình an là quà tặng Chúa Phục sinh rộng rãi ban phát cho các môn đệ sau khi Người sống lại.

Các ngài đã thấy vì đã nhìn với ánh mắt tin yêu.  Thánh Gioan quan sát kỹ hiện trường nên đã miêu tả rất cặn kẽ: Khi ở ngoài mộ nhìn vào “Ông thấy những băng vải còn ở đó.”  Khi đã bước vào trong mộ, Ông “thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giêsu.  Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.”

Là người gần gũi, quen biết các thói quen của Thày, thánh Gioan lập tức nhận ra dấu vết Người để lại.  Khăn liệm được xếp đặt gọn gàng chứng tỏ bàn tay Người tự xếp đặt.  Người tự xếp đặt tức là Người đang sống.  Người bỏ khăn liệm vì Người không còn trong thế giới kẻ chết.

Trái tim yêu mến đã làm cho thánh Gioan nhạy bén cảm nhận được mầu nhiệm phục sinh.

Hôm nay, Đức Kitô phục sinh đang tuôn đổ ơn lành xuống cho ta.  Để đón nhận được ơn lành của Người, ta hãy học tập nơi các môn đệ, biết tha thiết gắn bó với Người trong lúc vui cũng như lúc buồn, biết dứt khoát với quá khứ tội lỗi lười biếng, trì trệ, biết khiêm nhường chìm vào đáy sâu tâm hồn, biết nhìn thế giới bằng ánh mắt tin yêu.

Với những phấn đấu như thế, ta sẽ đón nhận được ơn Chúa Phục sinh.  Chúa sẽ tuôn đổ Ơn Phục Sinh tràn ngập tâm hồn ta, biến đổi ta nên người mới, tràn đầy niềm vui, tràn đầy niềm hi vọng, tràn đầy sự quảng đại, tràn đầy tình yêu mến.

Lạy Đức Kitô phục sinh, xin cho linh hồn con được sống lại thật. Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

THÔI ĐỪNG GIẾT CHÚA

 41            “Khi đến gần Chúa Giêsu và thấy Ngài đã chết, họ không đánh giập ống chân Ngài.  Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài.  Tức thì, máu cùng nước chảy ra.”  Chiêm ngắm dòng nước và máu tuôn chảy ra cả sau khi đã tắt thở, ta hiểu được tình yêu của Chúa.  Yêu cho đến chết.  Yêu cho đến cả sau khi chết.  Chết rồi vẫn còn tuôn chảy dòng máu và nước.  Như muốn vắt hết tất cả những gì còn lại để dâng hiến đến cùng.  Yêu không còn giữ lại chút nào.  Đúng như lời thánh Gioan diễn tả: “Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài thì Ngài yêu thương họ đến cùng.”  Yêu cho đến cùng tận của bản thân Ngài.  Tất cả những gì có thể làm để yêu thương thì Chúa đã làm hết.  Không còn có thể làm thêm gì được nữa.  Yêu cho đến tận cùng con người.  Không có con người nào ở ngoài tình yêu của Chúa.  Yêu cả người tội lỗi.  Yêu cả kẻ phản bội.  Yêu cả người thù địch làm hại mình. Nếu Chúa đã nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hi sinh tính mạng vì bạn hữu.”  Thì còn hơn thế nữa, Chúa đã hi sinh tính mạng cả vì người phản bội, người thù ghét, người làm hại Chúa nữa.

Yêu thương như thế nhưng Chúa lại nhận được sự phản bội, sự thù ghét, sự thay đổi, sự dửng dưng và bị giết chết.  Nhìn lại cuộc xử án Chúa ta thấy những thái độ sau đây đã góp phần giết chết Chúa.

– Thái độ thù ghét của các Thượng tế và Biệt phái.  Vì ghen tương, thù hận họ đã bày mưu, xúi giục dân chúng và quan quyền lên án Chúa.

– Thái độ nhập nhằng của Philatô.  Biết Chúa là người vô tội.  Muốn cứu Chúa nhưng lại sợ mất chức quyền, nên đã kết án Chúa.

– Thái độ phản bội của Giuđa.  Đã theo Chúa nhưng lại ham mê tiền bạc đến nỗi bán Chúa.

– Thái độ hay thay đổi của dân chúng.  Ngày Lễ Lá thì phấn khởi, tưng bừng đón rước Chúa vào thành, nhưng đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh lại hò hét kết án Chúa.

Nếu chúng ta có mặt hôm xử án Chúa, có lẽ chúng ta cũng đã kết án Chúa.  Vì tuy chúng ta không thù ghét Chúa như các Thượng tế và Biệt phái, nhưng chúng ta có thể giống như Philatô nhập nhằng trong thái độ.  Philatô vì sợ mất quyền lợi nên đã kết án Chúa.  Chúng ta cũng thế, trong đời sống hiện tại, biết bao lần chúng ta đã đặt địa vị của mình lên trên sự thật, đặt quyền lợi của mình lên trên công lý.  Không bảo vệ sự thật và công lý nhưng chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân và gia đình mình.

Chúng ta cũng có thể giống Giuđa, coi trọng tiền bạc hơn đạo nghĩa.  Biết bao lần chúng ta đã vì tiền bạc mà đánh mất tình nghĩa, vì tiền bạc mà bán rẻ lương tâm, vì tiền bạc mà tha hóa gian giáo, lừa đảo.

Chúng ta cũng có thể giống đám đông luôn thay lòng đổi dạ.  Không có lập trường nên sợ dư luận, chỉ biết chạy theo đám đông.  Sống giữa những người không tin nên không dám bày tỏ đức tin của mình. Thay đổi đức tin, thay đổi tình nghĩa như thay đổi quần áo.  Sống hời hợt theo hình thức bên ngoài, thiếu chiều sâu và nền tảng bên trong.

Với lối sống như thế, ta chẳng khác gì Philatô, Giuđa và đám đông.  Sống như thế, ta đang tiếp tục giết Chúa hằng ngày hằng giờ ở khắp nơi.

Hôm nay trên Thánh Giá tất tưởi, Chúa đang nài van chúng ta thôi đừng giết Chúa nữa.  Đừng tiếp tục lối sống cũ theo Philatô, theo Giuđa, theo đám đông.  Hãy sống đời sống mới theo Chúa Giêsu.  Sống theo Chúa Giêsu luôn yêu thương, yêu thương cho đến cùng.  Sống theo Chúa Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, tìm ích lợi của Hội Thánh.  Sống theo Chúa Giêsu luôn tìm quên mình, tìm những giá trị thiêng liêng cao quí.  Sống theo Chúa Giêsu luôn trung thành với lựa chọn của mình, trung tín đến hi sinh cuộc đời mình, trung tín cho đến chết.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con. Amen!

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt