NHIỆM TÍCH TÌNH YÊU

Thứ Năm Tuần Thánh được bắt đầu bằng Thánh lễ Truyền Dầu, và ban chiều, khởi đầu Tam Nhật Vượt qua, Phụng vụ đưa mỗi người đến bữa Tiệc Ly của Đức Giê-su, diễn tả việc Người rửa chân cho các môn đệ, tưởng niệm việc Chúa lập phép Thánh Thể và chức vụ Linh mục.  Như vậy có quá nhiều đề tài cho người ta khai thác, học hỏi.  Tuy nhiên, giờ đây mỗi người được mời đi sâu vào cội rễ của các tưởng niệm trên, đó là tình yêu của Chúa Kitô đối với loài người.

z12Nhiều người đặt vấn đề, có cần Chúa phải làm việc hèn hạ, là rửa chân cho các môn đệ không?  Có phải đây là kiểu xu nịnh, như nhiều người thường đi bằng hai đầu gối để đạt mục tiêu không?  Liệu Chúa có đối xử gì tệ bạc với Giuđa không, mà sao ông lại có hành vi tồi tệ và đê hèn, đến nỗi bán Thầy của mình với giá bèo bọt 30 đồng bạc?

  1. Trong bữa Tiệc Ly

Đức Giêsu đã cùng ăn bữa tối quan trọng với các môn đệ, để chuẩn bị cho việc ra đi của Người.  Tất cả những sự kiện báo trước đang diễn ra trong bữa Tiệc Ly này, đó là Giuđa phản bội bán Thầy với giá 30 đồng bạc, đó là Phêrô môn đệ thân tín nhất sẽ chối Chúa 3 lần.  Đề tài chủ yếu trong Phụng vụ chiều nay cũng như tuần Tam Nhật Vượt qua là tình yêu.  Tất cả việc Chúa lập phép Thánh Thể, bí tích Truyền Chức Thánh, đặc biệt là cử chỉ khiêm nhường rửa chân cho môn đệ, đều xuất phát từ tình yêu cao vời của Thiên Chúa.

Đức Kitô đã thiết lập Bí tích Thánh Thể:  Chúa đã nhập thể để đến với nhân loại, Chúa đã sinh ra trong nghèo hèn để cảm thông cuộc sống với con người, Chúa đã giảng dạy để kêu gọi và mở ra con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực, Chúa chịu chết để cứu độ tất cả mọi người.  Nhưng như thế chưa đủ, Chúa muốn làm hơn thế, để chứng tỏ tình yêu của Người: Đó chính là phép Thánh Thể, mà Chúa lấy chính Máu Thịt mình để nuôi loài người.  Tình yêu của Người luôn được tiếp tục bằng việc cung cấp thức ăn thiêng liêng cho nhân loại.  Chúa muốn đi sâu vào thân xác, thấm vào máu thịt, để biến dòng máu đen ngòm tội lỗi của con người, thành dòng máu tươi hồng trong sạch của Chúa, Chúa muốn con người có sức mạnh phi thường, để họ có đủ sức vượt dặm trường, chống lại những vật cản tiến về Nước Chúa.

Đức Kitô đã lập ra chức vụ linh mục:  Ôi lạ lùng huyền nhiệm, Chúa đã nên lương thực qua đôi tay linh mục thừa tác viên để phục vụ, để ban phát hồng ân, để tha thứ lỗi lầm, để giải hòa với Chúa và với nhau.  Qua tác vụ linh mục, người tín hữu được lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, làm của ăn tinh thần, được giao hòa với Thiên Chúa tình yêu, được ánh sáng và sức mạnh để thăng tiến cuộc sống con người.

  1. Rửa chân cho các môn đệ

Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu còn thể hiện cử chỉ rất đặc biệt:  Rửa chân cho các môn đệ.  Bỏ qua mọi rào cản,  những kinh nghiệm đau thương, và những mất mát sẽ diễn ra, Đức Giêsu đã đứng dậy, cởi áo ra, lấy chậu nước và rửa chân cho các môn đệ.  Người ta rất ngạc nhiên, cũng như Phêrô đã rất ngạc nhiên, tại sao Chúa làm như vậy?  Đây là một việc làm của một tên nô lệ theo thói quen người Israel. Mỗi người có thể hiểu được việc làm này của Chúa vì nhiều lý do:

Trước hết là để ứng nghiệm những gì đã viết về Đức Kitô:  Chúa là Người Tôi Tớ Thiên Chúa trong sách Isaia, Đấng đã chuộc lại loài người bằng những hy sinh của Người.  Việc Chúa tự động đứng dậy rửa chân cho họ, cũng để chứng tỏ rằng Người tự nguyện chịu chết để cứu độ nhân loại.  Những từ “cởi ra” “mặc vào” nói lên việc Người chịu chết và sống lại, việc con người đánh mất Hồng Ân Chúa khi phạm tội, và Đức Kitô đã chuộc lại ơn làm nghĩa tử của Chúa.

Việc rửa chân là bài học giáo dục, Đức Giêsu muốn nêu cao tấm gương trong cách sống mà các môn đệ phải noi theo: Sống để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, “Thầy nêu gương cho anh em, để anh em hãy làm cho nhau” (Ga.13, 15).

Rửa chân bằng nước còn nói lên việc thanh tẩy; Đức Giêsu muốn nói với con người rằng, Chúa đến để làm mới lại con người, thanh tẩy tội lỗi họ, để không những thân xác, chân tay, mà cả tâm hồn cũng nên trong sạch, loại bỏ những hiềm khích, đam mê, tội lỗi…

Việc rửa chân dạy loài người bài học khiêm nhường: Con người muốn làm lớn thống trị người khác, như hai anh em con ông Giêbêđê muốn chỗ nhất nhì trong Nước Trời.  Quyền lực vẫn là cái gì làm cho người ta cuồng nhiệt tranh giật, ngoài xã hội cũng như trong tôn giáo, xưa cũng như bây giờ, Đức Giêsu dạy các môn đệ muốn làm lớn, hãy trở nên đầy tớ trước đã.

Cuối cùng, Đức Giêsu muốn chứng tỏ tình yêu trổi vượt của Người với nhân loại:  Chúa muốn làm tất cả vì yêu.  Một thứ tình yêu mãnh liệt không đắn đo tính toán, đã khiến Người có thể làm những điều người ta không tưởng, đó là việc quỳ xuống rửa chân cho môn đệ của mình.

3. Tình yêu đáp trả

Qua những hành vi trên đây, Đức Giêsu kêu gọi mọi người hãy đáp trả tình yêu của Người dành cho họ:

Trước hết là hãy đón nhận:  Qua việc cúi xuống rửa chân cho đầy tớ, Đức Giêsu muốn nhắc con người: Những gì là trịch thượng, quyền thế, là cái tôi, là hạ cố, cần phải loại trừ:  Một Thiên Chúa quỳ xuống, để ngước mắt nhìn lên loài người, nhằm dạy người ta phải khiêm nhường đón nhận những ân sâu tận Trời của Chúa.  Chỉ khi con người biết khiêm nhường, họ mới gặt hái thành công, mới có thể đạt mục tiêu Nước Trời.  Thế gian chỉ biết hưởng thụ, chờ mong người khác hầu hạ.  Người ta thường bị cám dỗ bởi tiền bạc vật chất, ăn trên ngồi trốc.  Chúa không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ, vậy con người là ai, mà chỉ muốn người khác hầu hạ mình?

Hãy tôn vinh Thánh Thể Đức Kitô: Thánh Thể là kết quả tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Qua Thánh Thể, con người được nên một với Người, sống với Người.  Chính vì thế, Thánh lễ trở thành trung tâm Phụng vụ.  Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội để tận hưởng lương thực thần hiệu này, hãy để Chúa sống với mình hằng ngày, hãy lắng nghe tiếng Chúa mời gọi:  Hãy đến mà ăn.  Đừng để Chúa cô đơn và nhục mạ bằng việc từ chối của mình.

Xin Chúa cho chúng con biết noi gương Người sống khiêm nhường, hy sinh và phục vụ để xứng đáng làm môn đệ Đức Kitô.

Lm Jos. Trần Xuân Chiêu

VIẾT LẠI CUỘC XỬ ÁN CỦA CHÚNG TA

Khi kể về cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, Thánh Kinh tập trung rất nhiều vào cuộc xử án Ngài, mô tả dài và chi tiết.

Và mô tả đó thật vô cùng sâu cay.  Chúa Giêsu bị xử án, nhưng lại được viết ra như thể, tất cả mọi người đang bị xử án, chứ không phải Ngài.  Các nhà cầm quyền Do Thái, những người đã lên kế hoạch bắt Ngài đang bị xử án vì lòng ghen tức và bất z11lương của họ.  Nhà cầm quyền Rôma, những người nắm quyền quyết định trong vụ này, đang bị xử án vì sự mù quáng về đạo của họ.  Các đồng bạn và những người đương thời của Chúa Giêsu đang bị xử án vì sự yếu đuối và phản bội của họ.  Những người thách Chúa Giêsu thể hiện quyền năng thiêng liêng của mình để xuống khỏi thập giá, họ bị xử án vì đức tin thiển cận của họ.  Và, cuối cùng nhưng không phải nhẹ tội, là chính mỗi chúng ta đang bị xử án vì sự yếu hèn, ghen tương, mù quáng tôn giáo và đức tin thiển cận của mình.  Đoạn viết về cuộc xử án Chúa Giêsu đọc ra như một bản kể tội phản bội của chúng ta.

Gần đây, Giáo hội đã cố để giúp chúng ta nắm bắt được điều này bằng cách đọc các đoạn Thương khó trong ngày Lễ Lá và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.  Ngày nay, trong nhiều nhà thờ, bản Thương khó được đọc theo cách phân vai, một người kể chuyện, một người đóng vai Chúa Giêsu, vài người khác đóng vai những người tham dự trong việc bắt giữ và xử án Chúa, và cả cộng đoàn đọc to lời của đám đông. Làm thế này không thể nào hợp lý hơn được nữa, vì một cộng đoàn trong bất kỳ giáo hội Kitô nào, và chúng ta, từng người trong cộng đoàn đó, bằng hành động hay lời nói, theo vô số cách khác nhau, đang họa lại hoàn hảo những hành động và lời nói của những người đương thời với Chúa Giêsu cùng với sự yếu hèn, phản bội, ghen tức, mù quáng tôn giáo, và đức tin sai lầm.  Chúng ta cũng vô số lần lên tiếng buộc tội Chúa Giêsu bằng chính lối sống của mình.

Ví dụ như, đây là cách chúng ta làm thế trong lời nói: Trong trình thuật theo thánh Matêô, trong cuộc xử án, Philatô ra trước mặt dân, những người chỉ mới năm ngày trước đã tung hô Chúa Giêsu là vua, nói với họ rằng, theo thông lệ vào ngày lễ Vượt qua, ông sẽ thả một tù phạm Do Thái.  Lúc đó, trong tù có một tên sát nhân hết sức bỉ ổi là Barabbas.  Philatô hỏi đám đông: “Ta sẽ tha cho ai, Giêsu thành Nazareth hay Barabbas.”  Đám đông la lên: “Barabbas!”  Philatô mới hỏi họ: “Vậy ta sẽ làm gì với Giêsu thành Nazareth?”  Đám đông đáp lời: “Dẫn hắn đi.  Đóng đinh hắn!”  Chúng ta có thể làm một phép ngoại suy rất rõ ràng thế này: Trong mọi lựa chọn luân lý của mình, lớn hay nhỏ, xét cho cùng, câu hỏi mà chúng ta phải đối diện cũng là câu mà Philatô đã hỏi đám dân: Ta sẽ thả ai cho các người, Giêsu hay Barabbas?  Lòng nhân từ hay thói bạo lực?  Bỏ mình hay quy kỷ?

Cũng đám dân đó đã nói với Philatô rằng: “Chúng tôi chẳng có vua nào cả, ngoại trừ Ceasar!”  Khi nói thế, họ đang chối bỏ niềm hi vọng của mình về Đấng Messiah để đổi lấy sự an toàn tạm thời.  Chúng ta cũng nói như thế, mỗi khi, vì lợi lộc của mình, chúng ta bán rẻ những lý tưởng cao hơn, và chọn lấy cái thứ yếu.

Cũng vậy, quá thường xuyên, chúng ta lặp lại những lời của đám dân đang thách Chúa Giêsu bị treo trên thập giá bằng những lời: “Nếu ngươi là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá, cứu lấy chúng ta, và cứu cả ngươi nữa.”  Chúng ta cũng nói như thế bất cứ lúc nào chúng ta cầu nguyện như thể đang thẩm xét sự hiện hữu và tốt lành của Thiên Chúa, nếu chúng ta có một câu trả lời theo ý mình thì đó là Chúa yêu chúng ta, còn không, chúng ta sẽ bắt đầu hoài nghi Ngài.

Dĩ nhiên, cũng như vậy với hành động của chúng ta:  Như các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có xu hướng ở bên Ngài khi mọi chuyện tốt đẹp, khi cám dỗ không quá mạnh, và không phải đối diện với những đe dọa thực sự, trực tiếp đến mình.  Nhưng cũng như môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có khuynh hướng chối bỏ và phản bội khi mọi chuyện trở nên khó khăn và nguy hiểm.  Hơn nữa, như các người có quyền đến bắt Chúa Giêsu với đèn đuốc sáng, chúng ta cũng thường thích soi rọi ánh sáng của mình lên Đấng là Ánh sáng của mọi Ánh sáng, và như những người đến bắt Chúa Giêsu, chúng ta có khuynh hướng mang theo gậy gộc và gươm giáo, sẵn sàng giao tranh, khi đến gặp Vua Hòa bình.

Nói chung, khi đọc trình thuật về Cuộc Thương khó và Cái chết của Chúa Giêsu, khuynh hướng bộc phát của chúng ta là lên án gay gắt những người dự phần trong việc bắt giữ, xử án, và kết án Ngài: Làm sao họ không nhìn ra được mình đang làm gì?  Tại sao họ quá mù quáng và ghen tức như thế?  Làm sao họ chọn lấy một bảo đảm sai lầm thay vì chốn nương ẩn vĩnh hằng bên Chúa?  Làm sao họ chọn một kẻ sát nhân thay vì Đấng Messiah?  Làm sao mà các môn đệ quá dễ dàng chối bỏ Chúa?

Đã qua hơn 2000 năm, nhưng chẳng có nhiều thay đổi đâu.  Chọn lựa của những người trong cuộc xử án và kết án Chúa Giêsu, cũng chính là những chọn lựa mà chúng ta đưa ra ngày hôm nay.  Và gần như mọi ngày, chúng ta chẳng làm gì tốt đẹp hơn họ, vì, với sự mù quáng và tư lợi, chúng ta vẫn và quá thường xuyên, nói rằng: Dẫn hắn đi.  Đóng đinh hắn vào thập giá!  Thế đó.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

NHỮNG NGÃ RẼ NGUY HIỂM

 

Lễ Lá có một khởi đầu vui và một kết thúc buồn.  Ðức Giêsu long trọng vào thành thánh Giêrusalem trong lời hoan hô chúc tụng và sau đó chịu kết án, chịu khổ hình và chết trên thập giá.

Con đường vào thành Giêrusalem vinh quang vương giả với đám đông ngưỡng mộ, cành lá và quần áo trải thảm đường đi.  Con đường lên Núi Sọ với thân kẻ tội đồ vác thập giá, những lời nhục mạ, roi đòn tơi tả và hai tội nhân đồng hành.

Tiến bước theo Chúa trên đường thương khó để chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của lòng người.

Từ Chúa Nhật Lễ Lá đến Thứ Sáu Tuần Thánh thời gian không dài, nhưng biết bao người đã thay lòng đổi dạ.  Từ cổng z10thành đến Núi Sọ đường đất không xa, nhưng biết bao người đã rẽ lối khác.  Tại sao như thế?

Theo dấu vết của những người bỏ cuộc để nhận diện những ngã rẽ trên hành trình cuộc đời.  ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt suy tư về ba ngã rẽ tiêu biểu, của Giuđa, Phêrô và đám đông.

  1. Ngã rẽ của đám đông

Dân thành Giêrusalem nô nức phấn khởi, trải áo choàng, chặt những cành lá cây rải trên đường để Chúa đi qua, tay cầm cành lá, miệng reo hò tung hô Chúa, họ dành cho Chúa một nghi lễ đón rước như cho một vị vua của họ.  Họ vừa đi vừa tung hô: “Hoan hô con vua Đavít,” “Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến.”  Thế mà sau đó không lâu, nghe lời xúi giục của tư tế, kinh sư, pharisiêu, họ lại biểu tình đả đảo, chống đối, hò la, gào thét đòi “đóng đinh nó đi!”  Hàng vạn người đã theo Chúa, mê mệt nghe đến mấy ngày quên ăn, quên về.  Biết bao người reo mừng nghênh đón Chúa ngày long trọng vào thành.  Thế mà trên Núi Sọ chỉ thấy những người đến sỉ vả, chê bai, nhạo cười.

Đám đông đã rẽ sang lối nào?  Thưa họ rẽ sang lối dư luận.  Thiếu lập trường, chạy theo đám đông.  Thấy người ta đi nghe Chúa thì cũng đi.  Thấy người ta nhạo cười Chúa thì cũng cười nhạo.  Thấy người ta kết án Chúa thì cũng kết án.  Đám đông thật nông nổi nhẹ dạ.  Đám đông thường dễ bị lôi cuốn, người ta làm gì mình làm nấy mà nhiều khi chẳng biết tại sao.  Có nhiều người trong đám đông đó không hề thù ghét Chúa Giêsu.  Có lẽ còn có nhiều người đã từng nhận ân huệ của Chúa Giêsu!  Thế nhưng, họ đã bị đám đông lôi cuốn vào việc kết án người công chính.  Giữa cuộc đời hôm nay, biết bao người công chính, thanh liêm, trung trực, chính nghĩa đã chịu vu vạ cáo gian dẫn đến tù tội do đám đông nông nổi bị lừa dối, bị tuyên truyền!

  1. Ngã rẽ của Giuđa

Giuđa là môn đệ trung tín theo Chúa trong suốt ba năm.  Ông còn được Chúa tin cẩn trao phó cho công việc quản lý.  Một ngày kia Chúa Giêsu đang cùng các môn đệ dùng bữa tại nhà ông Simon, bỗng có một phụ nữ đem đến một chai dầu thơm quí giá, rồi chị lấy dầu xức lên chân Chúa.  Giuđa phản đối “Sao lại phí thế!  Đem chai dầu bán cũng được hơn 300 đồng bạc, lấy số tiền đó đi giúp người nghèo có phải thực tế hơn không?”  Giuđa có đầu óc biết tính toán và thực tế của người quản lý tài chánh.

Ngày Lễ Lá chắc chắn ông có mặt.  Nhưng khi Chúa chịu chết thì ông biệt vắng.  Ông đã rẽ sang lối khác.  Lối rẽ theo tiền bạc vật chất.  Theo tiếng gọi của tiền bạc, ông đã đưa chân đi những bước xa lạ. Ông đi vào con đường khác.  Ông trở thành con người khác.  Ông bỏ Chúa vì tiền.  Tệ hơn nữa ông bán Chúa để lấy tiền.  Một con người bạc bẽo, vô tình vô nghĩa.  Trong tình yêu có gì đẹp bằng nụ hôn!  Vậy mà Giuđa dùng nụ hôn làm dấu hiệu nộp Thầy.  Trong tình yêu, tội phản bội làm tổn thương và đau đớn vô cùng.  Tình yêu càng lớn lao bao nhiêu, khi bị phản bội càng đau đớn bấy nhiêu.  Ngã rẽ Giuđa biểu tượng cho những người quá say mê của cải vật chất ở đời này đến mức quên tình quên nghĩa, phản bội người khác, kể cả ân nhân của mình.

  1. Ngã rẽ của Phêrô

Phêrô là môn đệ thân tín của Chúa.  Là người đứng đầu tông đồ đoàn.  Ông thề rằng dù mọi người có bỏ Chúa thì ông vẫn trung thành với Chúa.  Ngày Lễ Lá, Phêrô ở bên Chúa.  Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chẳng thấy bóng ông đâu. Phêrô đã rẽ sang lối khác: Lối rẽ lười biếng, thích hưởng thụ và sợ bị liên lụy.  Lười biếng vì khi vào vườn Giêtsimani, Chúa kêu gọi ông hãy thức cầu nguyện với Chúa, vậy mà ông cứ ngủ.  Hưởng thụ vì trong sân tòa án, thay vì theo dõi cuộc xét xử Thầy thì ông lại vào tìm hơi ấm nơi đống lửa giữa sân.  An nhàn hưởng thụ đã kéo ông xa Chúa.  An nhàn hưởng thụ đã đẩy ông đến chỗ chối Chúa.  Phêrô chối Chúa cũng vì ông sợ bị liên lụy.  Nếu những người hỏi ông không phải là những người của vị Thượng Tế đang xét xử Chúa Giêsu thì chắc Phêrô vẫn mạnh dạn nhìn nhận mình là môn đệ Ðức Giêsu.  Nhưng vì họ là người của Thượng Tế nên ông phải chối, kẻo họ báo cáo rồi ông cũng bị bắt luôn.

Phêrô đã theo Chúa Giêsu suốt ba năm.  Phêrô nếm trải biết bao gian khổ, ông đón nhận tất cả mà không kêu ca nề hà gì.  Nhưng hôm nay ông chối Chúa vì sợ bị liên lụy, vì an toàn của sinh mạng.  Ông chấp nhận từ bỏ và hy sinh, nhưng chỉ đến một giới hạn nào đó thôi.

Phêrô là người được Chúa Giêsu yêu thương, chăm sóc, lo lắng, và được Ngài ban cho biết bao là ân huệ.  Nào là vai trò thủ lãnh của Nhóm Mười Hai, nào là nhiệm vụ cầm giữ chìa khóa Nước Trời: “Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19); và còn được gọi là Kêpha, nghĩa là đá… vậy mà khi đối mặt với một đứa hầu gái vô danh tiểu tốt, đá lại mềm ra như bún, ông chối phăng không biết Giêsu là ai, ông lại còn dám cả gan thề độc: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó!” (Mc 14, 71).  Ông là người nhiệt tình nhất với Chúa Giêsu, thế mà cuối cùng cũng chối Thầy.  Thế mới biết, bất cứ ai cũng yếu đuối và cũng có thể sa ngã nặng nề.  Phêrô đã sa ngã.  Vậy mà ông cứ luôn tưởng rằng mình mạnh mẽ.

Để tự nhiên, chắc chắn không ai nỡ nhẫn tâm bán Chúa, chối Chúa, lên án Chúa.  Người ta thay lòng đổi dạ do tác động của tiền bạc, của hưởng thụ, sợ bị liên lụy và của theo hướng của dư luận.  Đó là những ngã rẽ nguy hiểm.

Nếu có mặt trong ngày Chúa chịu khổ nạn, tôi và bạn có rẽ sang lối nào không?  Tôi và bạn sẽ rẽ sang con đường phản bội của Giuđa?  Tôi và bạn sẽ rẽ sang con đường chối Chúa của Phêrô?  Tôi và bạn sẽ rẽ sang những con hẻm in dấu chân trốn chạy của các môn đệ?  Tôi và bạn sẽ phụ hoạ với đám đông kết án Chúa?  Hay tôi và bạn cũng theo quân lính đánh đập Chúa?  Tôi và bạn có kết án bất công như Philatô không?  Tôi và bạn có hùa với kẻ mạnh đàn áp bắt nạt người thấp cổ bé miệng như đám đông dân chúng không?  Tôi và bạn phải dứt khoát lựa chọn một con đường.

Con đường theo Chúa không êm ái nhẹ nhàng và thênh thang đâu.  Đó là con đường thập giá: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Lc 9, 23).  Đường thập giá là đường một chiều.  Đường thập giá là đường lên dốc.  Và đường thập giá là đường có nhiều ổ gà dằn xóc.  Vì thế mà có nhiều người bỏ cuộc nên rẽ sang một hướng đi khác.  Nhận diện những ngã rẽ nguy hiểm của tiền bạc dẫn lối, thích an nhàn hưởng thụ, sợ liên lụy bản thân và hùa theo dư luận để chúng ta tỉnh táo mà bước đi trên hành trình đức tin cuộc đời.  Vác thập giá hôm nay chính là đón nhận những bệnh tật, thất bại, đau khổ, bất công… như những thử thách của lòng tin để vững bước theo Chúa đến cùng.

Tuần Thánh, chúng ta cùng dõi bước theo con đường thập giá của Chúa Giêsu.   Đó là con đường đau khổ, nhưng cũng là con đường tình yêu và là con đường cứu độ.

Lạy Chúa, xin cho con luôn mạnh mẽ và kiên trì tiến bước theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa dẫn con đi.  Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

VƯỜN CÂY DẦU

Cách đây vài năm, diễn viên Mel Gibson đạo diễn và sản xuất một bộ phim được công chúng đặc biệt hưởng ứng.  Với tựa đề, Cuộc Thương khó của Chúa Kitô, bộ phim khắc họa lại cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, từ vườn Cây Dầu cho đến cái chết trên Núi Sọ, tác giả nhấn mạnh đến các đau đớn thể xác của Ngài.  Bộ phim thể hiện sống động từng chi tiết các đau đớn mà một người bị đóng đinh thập giá phải chịu, khi bị đánh, bị tra tấn, và bị sỉ nhục.

Trong khi hầu hết các phái trong Giáo hội tán thưởng bộ phim, cho rằng cuối cùng thì cũng có người làm một bộ phim khắc họa thật về những đau đớn của Chúa Giêsu, thì nhiều học giả Kinh thánh và nhiều ngòi bút thiêng liêng khác lại lên tiếng chỉ trích.  Tại sao lại thế?  Có gì sai khi chiếu một bộ phim dài với chi tiết sống động, những máu me của việc đóng đinh thập giá, vốn thực sự rất hãi hùng?

Có gì sai (hay nhẹ hơn là không hợp) khi đây chính là những gì mà Kinh thánh đã không ghi lại về cái chết của Chúa Giêsu.  Tất cả bốn Tin mừng đều cố gắng không tập trung vào đau đớn thể xác của Chúa Giêsu.  Các mô tả trong Tin Mừng về những đau đớn thể xác của Ngài đều hết sức ngắn gọn: “Họ treo ngài giữa hai phạm nhân.”  Philatô cho “đánh đòn Đức Giêsu rồi giao ngài cho người ta đem đi đóng đinh.”  Tại sao lại rút gọn như thế?  Tại sao không mô tả chi tiết?

Lý do mà các tác giả tin mừng không tập trung vào những đau đớn thể xác của Chúa Giêsu là họ muốn chúng ta tập trung z9vào một điều khác, cụ thể là những đau đớn trong cảm xúc và tinh thần của Ngài.  Cuộc thương khó của Chúa Giêsu, xét theo chiều sâu thực sự, là một tấn kịch tinh thần, chứ không phải tấn kịch thể lý, là đau khổ của một người đang yêu, chứ không phải đau đớn của một vận động viên.

Do đó, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu tiên liệu cuộc khổ nạn của mình, những gì Ngài lo lắng không phải là đòn roi hay mũi đinh đóng vào tay mình.  Mà Ngài đau đớn và lo lắng cho sự cô độc mình sẽ phải đối diện, cho kết cuộc bị những người đã nói yêu mến Ngài phản bội và bỏ rơi, và cho tình cảnh, theo cách diễn đạt của Gil Bailie là, “bị tất cả loại bỏ.”

Như thế cuộc thương khó của Chúa Giêsu rõ ràng là một tấn kịch tình yêu.  Nó bắt đầu với mồ hôi máu đổ ra trong vườn Cây Dầu, và kết thúc với việc mai táng Ngài trong vườn.  Chúa Giêsu đang đổ mồ hôi máu trong vườn, chứ không phải trên đấu trường.  Vậy, việc ở trong vườn, có gì đặc biệt?

Về mặt tượng hình, vườn không phải là nơi trồng rau và dĩ nhiên cũng không phải là nơi trồng hoa.  Vườn là nơi của những người yêu nhau, là nơi cảm nhận hạnh phúc, nơi uống rượu, nơi Adong và Evà đã trần truồng mà chẳng biết, nơi người ta yêu nhau.

Và các tác giả Phúc Âm đặt khởi đầu và kết thúc cuộc thương khó của Chúa Giêsu trong vườn để nhấn mạnh rằng, Chúa Giêsu, một người đang yêu (chứ không phải Chúa Giêsu Vua, Pháp sư, hay Ngôn sứ), đang trải qua tấn kịch này.  Và chính xác tấn kịch này là gì?  Khi Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong vườn và van xin Chúa Cha đừng bắt Ngài “uống chén này,” thì lựa chọn thực sự của Ngài không phải là: Ta sẽ để mình phải chết hay sẽ dùng đến sức mạnh thần thiêng để cứu mạng mình? Nhưng đúng hơn, lựa chọn của Ngài là: “Ta sẽ chết cách nào?  Ta sẽ chết trong giận dữ, cay đắng, và không tha thứ, hay Ta sẽ chết với một tấm lòng nồng ấm thứ tha?”

Tất nhiên, chúng ta biết Chúa Giêsu đã đi qua tấn kịch này như thế nào, Ngài đã chọn lấy lòng bao dung và tha thứ cho những người hành hình mình, và trong toàn bộ những u ám đó, Ngài vẫn giữ vững những gì Ngài đã giảng dạy trong suốt đời rao giảng, chính là tình yêu, tình thương, và tha thứ sẽ tuyệt đối chiến thắng.

Hơn nữa, những gì Chúa Giêsu đã làm trong tấn kịch tâm hồn này là những gì chúng ta phải noi theo hơn là đơn thuần ngưỡng mộ, vì tấn kịch này cũng hoàn toàn là tấn kịch tình thương trong đời chúng ta với vô vàn cách thể hiện khác nhau.  Cụ thể là:

Đến cuối đời, chúng ta sẽ chết thế nào đây?  Lòng chúng ta sẽ giận dữ, bám víu, bất dung, và cay đắng vì sự bất công của cuộc đời?  Hay, lòng chúng ta sẽ khoan dung, biết ơn, cảm thông, nồng ấm, như tấm lòng Chúa Giêsu khi Ngài thưa với Chúa Cha là xin theo ý Cha đừng theo ý Con?

Hơn nữa, đây không phải là chọn lựa cốt yếu và duy nhất mà chúng ta phải đối diện trong giờ chết, nhưng là chọn lựa chúng ta phải đối diện hằng ngày, nhiều lần mỗi ngày.  Biết bao lần khi va chạm hàng ngày với người khác, với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, và cả xã hội nói chung, chúng ta đã phải chịu những lạnh lùng, hiểu lầm, bất công, và cả bạo hành chủ ý nữa.  Từ sự lãnh đạm của một thành viên trong gia đình trước lòng tốt của chúng ta, cho đến một lời bình luận ác ý chủ tâm làm tổn thương chúng ta, đến một sự bất công hết sức ở nơi làm việc, đến việc bị thành kiến và xúc phạm, và bàn ăn, nơi làm việc, phòng họp, và cả trên đường, tất cả đều là những nơi chúng ta cảm nghiệm hàng ngày, ít hay nhiều, những gì Chúa Giêsu đã trải qua trong vườn Cây Dầu, cảm giác, bị tất cả loại trừ.  Trong bóng đêm đó chúng ta có đi theo ánh sáng của mình?  Đối diện với những thù ghét đó, chúng ta có theo tiếng gọi của tình yêu hay không?

Đó đích thực là tấn kịch trong Cuộc Thương khó của Chúa Kitô, và ở đó những đòn roi, đinh nhọn không phải là tâm điểm.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

SÓNG VÀ BỜ….

Thầy kính mến!

Con đang sống trong tâm tình của mùa chay.  Con đang suy niệm về tình yêu cao cả mà Thầy đã và còn đang ban tặng cho con.  Tình yêu của Thập Tự đã chưa một lần kết thúc, bởi vì tình yêu ấy vẫn còn dở dang.  Tại sao tình yêu ấy vẫn còn dang dở ư?  Cũng bởi vì mối duyên tình sâu thẳm ấy vẫn đang được trao ban từng giây, từng phút trong cuộc sống của con đây.  Một mình lang thang dọc bên bờ biển dài, tâm tư con ngẫm suy về mối tình thiêng liêng cao quý ấy.  Con thấy mình bỗng dưng hạnh phúc dâng trào.

Con ngắm nhìn kỳ công của Đấng Tạo Hoá, con xin thú nhận rằng con chẳng có thể tìm nổi từ ngữ nào để diễn tả hết sự thán phục của con về vẻ đẹp của tạo hóa.  Còn đẹp hơn biết bao nhiêu Người đã tạo ra chúng.  Chưa bao giờ con thấy vốn từ của con lại nghèo nàn như bây giờ.  Nhưng con biết chắc một điều, Chúa tạo z8nên tất cả  vạn vật cho chúng con được làm chủ.  Một tình yêu cho đi một cách nhưng không.

Con viết vài chữ trên mặt cát trắng.  Có con sóng kia sô bờ, xoá sạch mọi tì vết.  Rồi sóng ra xa, chỉ còn lại một bãi cát trắng tinh tuyền không để lại bất kỳ một dấu tích nào của những gì con vừa viết lên cát.  Con chợt ngộ ra, mối tình giữa Thầy và con cũng như sóng và bờ cát trắng vậy.

Con – Chúa tạo nên con tinh tuyền như bờ cát trắng.  Năm tháng dài, con quên mất mối tình xưa.  Con đeo bám theo những đam mê của xác thịt con.  Con làm cho bờ cát tinh tuyền ấy trở nên ố mờ.  Bờ cát trắng nay đã vẩn đục.

Thầy – như là những ngọn sóng yêu thương vẫn ngày đêm chung thuỷ vỗ về, mời gọi con gội sạch tội đời.  Rồi ngày kia khi con đến bên toà giải tội.  Thầy, như một con sóng lớn ôm trọn lấy, không phải để huỷ diệt nhưng là để thanh tẩy, để ôm lấy con – bờ cát trắng đã uế màu vì tội lỗi.

Thầy yêu mến!  Dù bờ cát trắng như con có bị hoen úa vì tội lỗi, mặc dầu con đã viết lên bờ cát trắng ấy đủ các thứ tội, nhưng tình yêu của Thầy cao cả và bao dung như đại dương đã hoá thân thành những ngọn sóng để ôm lấy, để thanh tẩy, để xoá đi mọi ngăn cách, để mặc lại cho con chiếc áo tinh tuyền của thuở ban đầu.  Con xin cảm tạ mối tình sâu thẳm từ muôn thuở ấy.  Xin cho con trong mùa chay này nhận ra rằng tình yêu không bờ bến của Chúa như là những con sóng lớn đang dang rộng để ôm lấy con, để yêu con, để tha thứ tội lỗi con.   Xin ban cho con luôn dìm mình trong bể lớn tình yêu của Thầy.

Gửi Thầy Giêsu yêu mến của lòng con,

Com Dom Stone

 

GIỜ PHÚT CAO QUÝ

Stephen Roche là một trong những tay đua xe đạp vĩ đại nhất của Ailen.  Giây phút tuyệt vời nhất của anh là trong ngày anh chiến thắng giải đua vòng quanh nước Pháp vào năm 1980.  Tuy nhiên, khi suy nghĩ về giây phút tuyệt vời nhất của một người, chúng ta nghĩ gì về giây phút đó trong những điều kiện rất phổ biến.  Chúng ta nhận thấy đó là giây phút chiến thắng và vinh quang.  Và chúng ta có khuynh hướng nói về điều đó một cách khá thoải mái.  Chúng ta chỉ tập trung vào giây phút vinh quang, mà quên đi nhiều giây phút khác đưa đến giây phút vinh quang này, đó là những giây phút của mồ hôi, máu và nước mắt.  Vinh quang không thể tách rời khỏi lao nhọc.  Vậy thì lao nhọc là một phần của vinh quang.

Đức Giêsu cũng nói về “Giờ của Người.”  Người nói về giờ này đến mấy lần, trong suốt sứ vụ công khai của Người.  Nhưng Người luôn luôn nói như thể giờ đó chưa xảy đến.  Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Người lại nói rằng cuối cùng, giờ đó sắp diễn ra.  Ý Người muốn đề cập đến loại giờ gì vậy?  Đó là giờ chết của Người.  Đó là giờ mà Người tự trao ban chính bản thân Người, như một sự hy sinh trọn vẹn thân mình Người vì chúng ta.  Theo quan điểm trần thế, thì đó là một giờ phút của thất bại.  Tệ hại hơn, người ta còn coi như đó là giây phút của ô nhục và đáng khinh miệt.  Nhưng bằng cách cho Người sống lại từ cõi chết, Thiên Chúa đã biến chuyển thành giây phút của chiến thắng đối với Đức Giêsu, và một giây phút của ân sủng đối với chúng ta.  Đây là giây phút cao quý nhất của Đức Giêsu.  Đây là giây phút mà tất cả những gì Người đã thực hiện trên trần thế đều được hoàn tất.  Tất cả cuộc đời của Người đều đưa dẫn và chuẩn bị cho Người đến với giây phút này.

z7Thời điểm xuống thấp nhất lại chứng tỏ rằng đó là một thời điểm biến chuyển.  Đây là một nghịch lý lớn lao.  Giây phút chết đi là giây phút xuống đến tận cùng, tối tăm nhất và đau đớn nhất trong cuộc sống của một hạt giống.  Tuy nhiên, đây chính là giây phút sự sống mới được nảy sinh.

Đối với chúng ta, cũng tương tự như vậy.  Những khi tinh thần của chúng ta xuống đến mức thấp nhất, vẫn có thể chứng tỏ rằng đó là những thời điểm biến chuyển.  Những giây phút thành công vĩ đại sẽ sớm phai tàn, và thường để lại nỗi trống trải trong tâm hồn con người.  Trái lại, những giây phút tối tăm, yếu đuối và thất bại lại có thể chứng tỏ rằng đó là những giây phút của sự thay đổi và phát triển lớn lao – chẳng hạn như một người nghiện rượu bị sa đọa đến tận cùng rồi, nhờ ơn Chúa đã được biến đổi cuộc đời.

Khi suy niệm về giây phút tuyệt vời nhất đối với Đức Giêsu, sẽ giúp chúng ta biết đánh giá cuộc sống của mình một cách khác hẳn.  Nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta sẽ nhận thấy rằng những sự kiện dường như thất bại lớn, lại đều là những lúc hình thành nên cuộc sống mà chúng ta có hiện nay.  Chúng ta không thể tách rời những điều đụng chạm đến chúng ta với những điều giúp ích cho chúng ta.

Để có thể tồn tại được trong lúc tinh thần bị sa sút, đòi hỏi chúng ta phải có nhiều lòng tin.  Lòng tin bao hàm việc gieo trong nước mắt.  Chúng ta sẽ không thể chịu đựng nổi, trừ phi có một niềm hy vọng âm thầm pha lẫn trong nỗi buồn của chúng ta: Đó là niềm hy vọng rằng sau những năm tháng phấn đấu, mùa gặt sẽ đến.  Vào một lúc nào đó, chúng ta không thể nhận thấy được điều này.  Chúng ta chỉ có thể thấy được khi hồi tưởng lại mà thôi.

Van Gogh nói “Việc hội họa đòi hỏi phải có nhiều lòng tin, bởi vì ngay từ lúc đầu, người ta không thể biết được rằng công việc đó sẽ thành công.  Trong những năm đầu phấn đấu đầy gian khổ, công việc này thậm chí còn có thể là một việc gieo trong nước mắt.  Nhưng chúng tôi sẽ kềm chế những giọt nước mắt đó, bởi vì chúng tôi có một niềm hy vọng âm thầm về một mùa gặt trong một tương lai xa xôi.”

Không chỉ công việc hội họa mới đòi hỏi người ta phải có nhiều lòng tin; cuộc sống cũng đòi hỏi phải có nhiều lòng tin, bởi vì cuộc sống thường bao hàm việc gieo trong u sầu, trong cảnh tối tăm, và đôi khi, hầu như trong thất vọng nữa.  Nhưng nếu biết gieo vãi điều thiện hảo, thì chúng ta sẽ được hưởng một mùa gặt, và được gặt hái trong niềm vui, một niềm vui khiến cho tất cả nỗi đau biến thành ngọt ngào, giúp chúng ta chịu đựng được trong suốt thời gian gieo vãi.  Tác giả Thánh Vịnh nói “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.  Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126, 5-6).

Cuối cùng, điều tốt sẽ chiến thắng.  Sự sống sẽ chiến thắng.  Thiên Chúa có tiếng nói sau cùng.

Sưu tầm

THƯ CỦA MẸ MARIA GỬI CHO THÁNH GIUSE

Anh thân mến,

Em hằng cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã thực thi bao điều điều kỳ diệu trên gia đình chúng ta.  Giữa biết bao sóng gió của cuộc đời, lòng chung thủy và tín trung vào Chúa của anh và em đã giúp chúng ta vượt qua biết bao cơn thử thách.  Về phần em, em thật hạnh phúc khi có một người bạn trăm năm tuyệt vời như anh.  Nhờ anh mà cuộc đời em được thành toàn trong kế hoạch của Thiên Chúa.  Hay đúng hơn, nhờ Giêsu đã nối kết chúng ta nên những thụ tạo tuyệt vời trong công trình cứu độ của Người.  Hôm nay, cả Giáo hội hướng về anh với lòng kính tôn và ngưỡng mộ, muốn bắt chước nhân đức sáng ngời của z6anh.  Em gửi đến anh đôi dòng tâm sự để gợi nhớ lại những kỷ niệm thật đẹp của gia đình chúng ta khi còn dưới thế.

Anh biết không, sau cuộc truyền tin của sứ thần, lòng em vô cùng hồi hộp và lắng lo.  Em không biết phải giải thích làm sao cho anh hiểu.  Em không biết hài nhi mà em cưu mang như lời sứ thần nói sẽ như thế nào.  Nếu như anh nhất mực chối bỏ em cùng bào thai này, em không biết phải đối diện ra sao với thực tế.  Nếu người con này không có cha, thì theo lẽ thường tình, người ta sẽ ném đá để cướp đi sinh mạng của hai mẹ con em. Nhưng Chúa đã lo liệu tất cả.  Anh cũng đã mau mắn thưa tiếng “xin vâng” với Người.  Anh đồng ý đảm nhận trọng trách là người cha nuôi của con trẻ Giêsu.  Là một người chồng chung thủy, một người cha nuôi mẫu mực, anh đã giúp gia đình mình vượt qua những chặng đường chông gai.

Thách đố đầu tiên phải kể đến là đoạn đường dài chúng ra đi xuống miền Giuđê để khai tên tuổi.  Nhớ lại thấy thương anh biết chừng nào, vì phải vất vả hộ tống một thai phụ sắp tới ngày mãn nguyệt khai hoa.  Trên hành trình ấy, anh chẳng càm ràm cũng không than trách gì cả.  Anh đã xem mẹ con em như mạng sống của mình.  Anh quan tâm và lo lắng cho em.  Dù đường xá gập ghềnh xa tít, lòng anh vẫn an vui, nhẫn nại để đón nhận tất cả.  Điều này đã nâng đỡ em biết bao nhiêu.

Còn nhớ chiều hôm ấy, anh vất vả hỏi từng chủ quán trọ, quýnh lên vì trời gần tối mà chưa tìm được chỗ nương thân.  Em lo một, anh lo mười.  Anh thì nằm nghỉ ở đâu cũng được, thân trai nằm gai nếm mật có xá gì!  Nhưng vì anh lo cho em và con, nên lòng anh càng rối bời biết mấy!  Cũng vì kiếp nghèo nên không một chủ nhà trọ nào chào đón chúng ta.  Thay vào đó, một chuồng bò ngoài đồng lại trở nên chỗ cư ngụ cho gia đình mình.  Rồi chính nơi đây, em và anh đã hát khen mừng Chúa giáng sinh.  Chiêm ngắm Con nằm trong máng cỏ, lòng em và anh đã ngập tràn niềm vui hạnh phúc.

Vui mừng chẳng được bao lâu, anh lại phải hối hả đưa hai mẹ con em trốn sang Ai cập giữa đêm hôm khuya khoắt.  Bao nhiêu ngày qua, anh đã vất vả khá nhiều . Nằm chợp mắt một tí, anh cũng chẳng thể nghỉ yên.  Vì vợ và vì con, anh chẳng màng chi mệt mỏi.  Mạng sống và sự an toàn của Hài Nhi là quan trọng hơn hết, quan trọng hơn cả phút an nhàn và thoải mái của chính mình.  Thật hạnh phúc cho em và con vì có được một người chồng và người cha tuyệt vời như thế.

Rồi ở bên Ai Cập, anh cũng phải vất vả tìm chỗ ở, rồi hành nghề để lo cho gia đình.  Khi nghe tin nhà vua tìm giết Hài Nhi đã băng hà, anh lại đưa gia đình về sống êm đềm nơi xóm nghèo Nazarét.  Chính nơi ấy anh đã cần lao trong âm thầm và khiêm tốn.  Anh cố gắng làm mọi sự để chăm sóc cho hai mẹ con em.  Còn nhớ, những công việc nặng trong nhà anh luôn là người gánh vác.  Kinh tế thiếu trước hụt sau anh là người trăn trở, và tìm cách vượt qua.  Gian khổ là thế, túng nghèo là vậy, nhưng em chưa thấy anh một lời than thở, thoái lui.  Ngược lại, anh càng nỗ lực làm việc nhiều hơn.  Cần cù và nhẫn nại là sở trường của anh.  Bởi lẽ, anh tin rằng làm việc cũng là cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa.  Do đó, sau này Giêsu nhà ta đã nhiệt tâm lao tác để loan báo Tin Mừng Nước Trời, vất cả từ sáng tới đêm.  Đúng là “xem quả thì biết cây”!

Tuy đời sống trăm bề thiếu thốn, nhưng chính đời sống thiêng liêng, gắn kết với Thiên Chúa đã giúp gia đình chúng ta có được như ngày hôm nay.  Em chẳng quên được biến cố cả nhà trẩy hội đền Giêrusalem khi Con mình lên 12 tuổi.  Con ở lại Đền thờ.  Anh và em khổ tâm vất vả đi tìm.  Là một con người có trách nhiệm và là trụ cột của gia đình, hẳn là anh đã lo lắng nhiều lắm vì chăm sóc cho Giêsu là sứ mạng Chúa giao cho anh mà.  Tuy anh không diễn tả ra, nhưng em biết là lòng bừng lửa đốt vào lúc ấy.  Ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì cho cả nhà ta được đoàn viên sau ba ngày xa cách.

Từ ngày ấy trở về sau là chuỗi thời gian em và anh chứng kiến Hài nhi lớn khôn trước mặt Thiên Chúa và người đời.  Dưới mái nhà Nazarét, anh khiêm nhu hoàn thành nhiệm vụ của mình trong niềm vui của một người chồng và người cha.  Anh dạy cho Giêsu những bài học làm người.  Ngày từng ngày, Giêsu lớn lên cũng là anh dần dần nhỏ lại.  Một đời anh hy sinh cho Con, mong chờ đến ngày Con thực thi sứ mạng cứu thế.  Nhưng chờ hoài, chờ mãi, chờ đến khi nhắm mắt xuôi tay, Giêsu vẫn là chàng thanh niên hành nghề mộc giản dị nơi thôn quê.  Được sống và được chết cho Giêsu, anh xem đó là phúc phần to lớn hơn bất cứ điều gì trên cõi đời này rồi.  Được Chúa Tể muôn loài gọi mình một tiếng “cha”, liệu có niềm vui sướng nào to lớn hơn thế?  Sau khi hoàn thành trách vụ cao cả của mình, anh mỉm cười lìa thế.  Giêsu cũng lên đường thực thi sứ mạng.  Chỉ còn mình em cô đơn nơi góc nhà.  Gia đình chúng ta mỗi người mỗi ngả, nhưng luôn mãi hiện diện trong lòng nhau.

Anh thân mến,

Nơi dương thế hôm nay, Giáo Hội của Chúa Giêsu đặt mình dưới sự bảo trợ của anh.   Ước gì các gia trưởng, những người lao động vất vả mưu sinh, luôn biết noi gương anh để họ có được nguồn sức mạnh mà vượt thắng những thách đố của cuộc đời.

Thủ Đức, Lễ mừng kính Thánh Giuse 19.3

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

http://dongten.net

(Bài viết này không có ý nói đến phương diện thần học, con chỉ xin mượn hình ảnh của Đức Mẹ và dùng trí tưởng tượng để tâm sự với Thánh Cả Giuse.)

 

 

TẨY TRẦN VÀ THĂNG HOA

ZZĂn mừng là một chuyện mâu thuẫn, là do có sự tác động lẫn nhau giữa nỗi mong chờ và thành tựu, nỗi khát khao và việc dang dở chưa thành, cái tầm thường và điều đặc biệt, công việc và vui chơi.  Cuộc sống và tình yêu phải được ăn mừng theo một nhịp điệu “nhịn đói – tiệc tùng” nào đó.  Thời vui chơi sẽ có lợi ích nhất khi đi sau những giây phút làm việc, thời hưởng thụ sẽ càng được tôn lên bởi những thời khát khao, còn thời thân mật sẽ nảy nở từ những thời cô độc.  Sự có mặt là tùy thuộc vào sự vắng mặt, sự thân thiết tùy thuộc vào sự cô độc, vui chơi tùy thuộc vào công việc.  Kể cả Chúa cũng chỉ nghỉ ngơi sau khi đã làm việc sáu ngày!

Ngày nay chúng ta chật vật vì điều này.  Nhiều hội hè tiệc tùng của chúng ta trở nên nhạt nhẽo vì trước đó chưa có thời nhịn đói.  Ngày xưa, thường có một kỳ nhịn đói dài trước khi diễn ra một buổi hội hè, và sau đó là một lễ mừng vui vẻ.  Ngày nay, chúng ta làm ngược lại, có ăn mừng kéo dài trước khi diễn ra hội hè và sau đó là nhịn đói.

Lấy Giáng sinh làm ví dụ:  Mùa Vọng khởi sự cho việc ăn mừng Giáng sinh, thực thế.  Các bữa tiệc bắt đầu, đèn hoa trang trí sáng lên, và nhạc Giáng sinh trỗi dậy.  Khi cuối cùng lễ Giáng sinh đến, thì chúng ta đã phát ngấy với những điều thích thú của kỳ lễ này, mệt mỏi, bão hòa với những thứ của Giáng sinh, và đã muốn chuyển ngay sang lễ tiếp theo.  Vào đúng ngày Nô-en thì chúng ta đã trở lại cuộc sống bình thường.  Mùa Giáng sinh trước đây thường kéo dài đến tháng Hai.  Bây giờ, thực tình mà nói, nó hết hẳn vào ngày 25 tháng 12.

Từ trước đến nay không phải lúc nào cũng như vậy.  Trước đây, quá trình từ khởi sự chuẩn bị là hướng tới tiệc tùng, sau đó mới đến ăn mừng.  Bây giờ thì tiệc tùng trước, nhịn đói sau.  Vì điều đó mà chúng ta nghèo nàn đi.  Nếu trước đó không có nhịn đói thì chẳng có được bao nhiêu tính chất thăng hoa trong tiệc tùng ăn mừng.

Một đồng nghiệp của tôi thích nói rằng xã hội chúng ta ngày nay biết cách mong đợi/thúc đẩy một sự kiện mà không biết cách làm sao để duy trì nó.  Điều này cũng chỉ đúng một phần.  Rất đúng là chúng ta không biết cách duy trì một điều gì đó; mà chúng ta cũng không biết làm thế nào để mong đợi/thúc đẩy nó.  Chúng ta lẫn lộn giữa mong đợi và lễ mừng bởi vì chúng ta thấy khó mà sống trong trạng thái dang dở và căng thẳng của sự chưa xong nếu không tiến tới giải quyết nó.  Chuyện mong chờ và nhịn đói không phải là những điểm mạnh của chúng ta; ăn mừng cũng không phải nốt.  Bởi vì chúng ta không thể chuẩn bị cho đúng đắn để hướng tới một lễ mừng, nên chúng ta cũng không thể ăn mừng một cách đúng đắn.

Lễ mừng tồn tại được là nhờ vào mâu thuẫn: Để mừng lễ, trước hết chúng ta phải nhịn đói; để đạt đến sự viên mãn thật sự, chúng ta trước hết phải sống trong khiết tịnh; và để nếm mùi vị đặc biệt, trước hết chúng ta phải hiểu vị bình thường.  Một khi việc nhịn đói, chuyện đợi chờ dang dở, và nhịp điệu thông thường của cuộc sống bị đi tắt bỏ qua, thì sự mệt mỏi của tinh thần, sự chán nản và thất vọng sẽ thay thế lễ mừng và chúng ta chắc chắn chỉ còn lại cảm giác trống rỗng: “Tất cả là thế thôi sao?”  Nhưng đó là vì chúng ta đã đi tắt, đã bỏ qua cả một quá trình.  Đôi điều chỉ có thể thăng hoa nếu, trước tiên, có sự tẩy trần.

Tôi đã lớn tuổi để biết về một thời đại khác.  Giống như thời đại của chúng ta, thời đại đó cũng có những sai lầm của nó, nhưng cũng có những mặt mạnh.  Một trong những mặt mạnh của nó là niềm tin, và người ta sống, thực hành theo niềm tin đó, rằng lễ mừng là tùy vào việc nhịn đói trước đó, và cái thăng hoa đòi hỏi phải có sự tẩy trần trước đó.  Tôi nhớ rất rõ những mùa chay thời thơ ấu.  Mùa chay đó mới nghiêm ngặt làm sao!  Nhịn đói và từ bỏ: Không lễ cưới, không nhảy nhót, rất ít tiệc tùng, rất ít đồ uống, đồ ăn tráng miệng chỉ có vào Chủ nhật, và nói chung là tất cả những thứ tạo nên sự đặc biệt và lễ mừng đều ít hơn.  Các nhà thờ trang hoàng toàn bằng màu tím.  Sắc màu thì tối thẫm ảm đạm và tâm trạng thì ăn năn hối lỗi, nhưng lễ mừng theo sau đó, Lễ Phục Sinh, thì thật sự là đặc biệt!

Có lẽ đây là nói theo kiểu hoài cổ; xét cho cùng, hồi đó tôi còn nhỏ, ngây thơ và chẳng có gì, và tôi có thể gặp gỡ Phục sinh cũng như những lễ mừng khác với tinh thần háu đói hân hoan.  Có thể như vậy, nhưng tính chất đặc biệt quanh những lễ mừng đã chết vì một lý do khác, đó là, chúng ta đã không còn mong đợi chúng một cách đúng đắn nữa.  Chúng ta bỏ qua chuyện nhịn đói, sự đợi chờ dang dở, và nỗi mong mỏi bắt buộc phải có trước.  Nói nôm na như sau – làm sao Giáng sinh có thể đặc biệt cho được nếu khi chúng ta bước qua ngày 25 tháng 12 với trạng thái kiệt sức sau bao nhiêu tiệc tùng liên hoan hàng tuần trước đó?  Làm sao lễ Phục sinh lại đặc biệt cho được khi chúng ta sống mùa chay cũng như bất kỳ mùa nào khác?  Thật sự là, làm sao có chuyện bất cứ cái gì cũng có thể thăng hoa khi chúng ta đã đánh mất khả năng tẩy trần?

Ngày nay, tình trạng thiếu vắng sự đặc biệt và thích thú trong đời sống chúng ta một phần lớn là do nhịp điệu này đã gãy đổ.  Nói ngắn gọn, Giáng sinh không còn đặc biệt nữa vì chúng ta đã ăn mừng Giáng sinh suốt cả mùa Vọng; đám cưới không còn đặc biệt nữa vì chúng ta đã ngủ với cô dâu, và tất cả các trải nghiệm thường đều nhàm chán nhạt nhẽo, không thể nào làm chúng ta phấn khởi lên được vì chúng ta đã nếm chúng khi chưa đến độ.  Trải nghiệm lúc chưa chín mùi là dở chỉ bởi vì nó chưa chín mùi, chẳng vì lý do nào khác.  Ăn mừng Giáng sinh suốt mùa Vọng, ăn mừng Phục sinh mà không nhịn đói trước, bỏ qua cái độ chờ mong trong bất kỳ điều gì lĩnh vực gì, thì cũng giống như đã ngủ với cô dâu trước đám cưới, một lỗi về sự khiết tịnh.  Tất cả những trải nghiệm chưa chín mùi đều có tác động là vắt kiệt nhiệt tình và những kỳ vọng lớn lao của chúng ta (mà chỉ có thể được dồn từ từ và tăng dần lên thông qua tẩy trần, căng thẳng và đợi chờ đau đớn khó chịu).

Bây giờ là tuần chay.  Nếu chúng ta dành mùa này để nhịn đói, để tăng cường độ nỗi chờ mong, để tăng nhiệt độ tâm lý của chúng ta, và để học biết được những điều gì có thể ấp ủ hoài thai trong lò rèn khiết tịnh, thì lễ mừng theo sau sẽ có cơ hội thăng hoa.

Rev. Ron Rolheisher, OMI

RON

NHÌN LÊN ÁNH SÁNG

Trong sa mạc, dân Israel kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê.  Thiên Chúa cho rắn độc ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết.  Dân chúng xin ông Môsê khẩn cầu Thiên Chúa.  Thiên Chúa truyền cho ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống (Ds 21, 4b-9).

Hôm nay, khi nói Người sẽ bị treo lên như con rắn đồng của Môsê, Đức Giêsu mời gọi ta cũng hãy biết nhìn lên Thánh giá để được sống.  Việc nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên Thánh giá mở ra cho ta những nhận thức sau:

1) Nhận thức về tội lỗi của ta

Dân Do thái phản nghịch với Chúa, nên họ đã bị rắn lửa cắn chết.  Chính tội lỗi làm người ta phải đau khổ.  Chính tội lỗi đã gây ra tai họa cho toàn dân.  Chính tội lỗi đã gây ra chết chóc.  Nhìn lên con rắn đồng là nhận biết mình tội lỗi.  Cũng vậy, vì tội lỗi của ta mà Đức Giêsu đã chịu treo trên Thánh giá. Người nào có tội tình gì mà phải chết đau đớn, tủi nhục như thế.  Không một mảnh vải che thân.  z5Chết lúc tuổi thanh xuân.  Chết như một tội nhân.  Chết như một người nô lệ.  Trước khi chết đã bị sỉ nhục, bị hành hạ đến tan nát hình hài, đến chẳng còn hình tượng con người.  Tất cả chỉ vì tội lỗi của ta.  Tội lỗi đã làm ta phải chết.  Tội lỗi làm linh hồn ta bị biến dạng, méo mó, xấu xa.  Tội lỗi khiến ta tủi nhục chẳng dám ngẩng mặt nhìn lên.  Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của ta.  Người chịu nhục nhã cho ta được vinh quang.  Người chịu thương tích để chữa lành vết thương của ta.  Người chịu chết như nô lệ để ta được tự do.  Người chịu chết cho ta được sống.  Người chịu treo lên để kéo ta khỏi vũng bùn nhơ tội lỗi.  Nhìn ngắm Người chính là nhìn ngắm tội lỗi của ta.  Hiểu được cái chết đau đớn tủi nhục của Người là ý thức được tội lỗi nặng nề của ta.

2) Nhận thức về tình yêu thương của Chúa

Nhận thức về tội lỗi đưa ta đến nhận thức về tình yêu thương của Chúa.  Ta tội lỗi đáng phải chết.  Nhưng Chúa thương yêu không bỏ rơi ta.  Người tìm hết cách cứu ta.  Tình yêu Chúa dành cho ta thật bao la tha thiết.  Tình yêu đã khiến Chúa ra như điên dại.  Còn ai điên dại hơn người dám hy sinh con một mình để cứu người khác.  Thế mà Chúa Cha đã “yêu ta đến nỗi đã ban Con Một” của Người cho ta.  Còn ai điên dại hơn kẻ dám liều mạng chết vì người yêu.  Thế mà Đức Giêsu đã tự nguyện chết cho ta.  Người đã dậy ta: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15, 13).  Chính Người đã hy sinh mạng sống để làm chứng tình yêu Người dành cho ta.  Ta có xứng đáng gì đâu?  Ta chỉ là một hạt bụi.  Ta ngập trong yếu đuối tội lỗi.  Thế mà Người yêu thương đến điên dại, đến chết vì ta.  Càng nhìn lên Thánh giá, ta càng thấy mình tội lỗi.  Càng thấy mình tội lỗi, ta lại càng thấy tình yêu thương của Chúa dành cho ta thật là bao la, tha thiết, mênh mông khôn tả.

3) Nhận thức về ơn cứu độ của Chúa

Trong sa mạc họ chẳng tìm ra người có thể cứu chữa họ.  Chẳng có thuốc nào cứu họ khỏi chết.  Chỉ mình Thiên Chúa có thể cứu họ.  Thế nên họ phải nhìn lên con rắn đồng để được Chúa cứu.  Ta cũng thế.  Biết thân phận mình tội lỗi yếu hèn, ta càng cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa.  Ta ngập chìm trong tội lỗi, chẳng thể nào vươn lên được nếu không có ơn cứu độ của Chúa.  Ta yếu đuối, chẳng thể nào tự sức mình đứng lên nếu không có ơn Chúa nâng đỡ.  Ta bị giam cầm trong ngục tù sự chết, chỉ có Chúa mới có thể tháo bỏ xiềng xích, đưa ta tới miền sự sống.  Linh hồn ta ngập ngụa nhơ uế, chỉ có Chúa mới có thể rửa sạch tội tình.  Linh hồn ta bị bóng tối tội lỗi phủ vây, chỉ có ánh sáng của Chúa mới soi chiếu cho ta biết đường ngay lẽ phải.

Nhìn lên Thánh giá chính là từ nơi tối tăm nhìn lên ánh sáng.  Ánh sáng tình yêu thương từ Thánh giá chiếu toả sẽ giúp ta an tâm trở về với Chúa là Cha, người Cha nhân hiền lúc nào cũng chờ đón đứa con hoang đàng trở về, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta.  Ánh sáng cứu độ từ Thánh giá chiếu toả sẽ giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi, đưa ta trở về làm con cái Thiên Chúa Sự Sáng.  Ánh sáng tình yêu và ánh sáng cứu độ sẽ nâng ta lên, để từ nay ta vượt thoát lên khỏi bóng tối tội lỗi, sống thanh sạch công chính, luôn mơ ước những điều cao thượng, xứng đáng là con cái sự sáng.  Trong mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh, ta hãy năng chiêm ngắm Thánh giá, để Chúa nâng tâm hồn ta lên với Chúa.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12, 32), xin hãy lôi kéo hồn con lên với Chúa.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

VÂNG LỜI TIẾNG LƯƠNG TÂM

 

z4Mùa Chay, nếu chỉ nhìn bề ngoài thì khó ai có thể nói là vui thích được, bình thường đó là bốn mươi ngày chúng ta phải từ bỏ những gì chúng ta ưa thích, cho dù điều đó là do chúng ta tự ý làm hay do một sự ép buộc nào đó.  Chung qui, chúng ta cũng phải từ bỏ một điều chúng ta thích.  Và ngay cả trên bình diện đức tin, chúng ta tự ý để cho mình phải chịu một chút hy sinh, từ bỏ những tiện nghi và có thể những đau đớn một chút với mục đích là chúng ta muốn thanh luyện, thánh hóa toàn thân và canh tân tinh thần, canh tân tâm hồn.

Lý do nền tảng của những việc mà chúng ta làm trong tinh thần sám hối của mùa Chay là vì chúng ta chiêm ngắm những đau khổ của Chúa Giêsu đã chịu vì yêu thương chúng ta.  Vì thế mà Ngài đã bị hành hạ đau khổ đến mức tột cùng để cứu chuộc chúng ta và Ngài đã chết trên thập giá vì chúng ta. Chúa Giêsu đã mang lấy tất cả những đau khổ đó vì nhân loại và vì bản thân của mỗi chúng ta.  Người không phải chịu đựng những đau khổ đó nhưng Người đã phải cưu mang tất cả vì chúng ta.  Chính nhờ sự cứu chuộc của Người mà chúng ta được chung hưởng vinh phúc trên thiên đàng, niềm vinh phúc mà Ađam và Eva đã đánh mất khi sa ngã phạm tội và cắt đứt tình nghĩa với Chúa.

**********************************

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta gặp những người phải chịu nhiều đau khổ.  Chúng ta muốn giúp họ nhưng chẳng biết phải nói làm sao, cũng chẳng biết phải làm gì để gúp họ vơi đi những khổ đau.  Ðứng trước những hoàn cảnh như thế, chúng ta cảm thấy mình vừa bất lực vừa lo âu, nhất là khi chúng ta đối diện với sự qua đời của một người thân.  Có lẽ lúc đó điều chúng ta có thể làm là khóc với họ.

Có lần tôi đã chứng kiến cảnh người mẹ trẻ quá bối rối vì không thể làm gì hơn là cứ phải đứng nhìn đứa con nhỏ của cô đang khóc lóc, vì bàn tay bị bỏng phỏng giộp lên.  Cô không biết làm cách nào để xoa dịu nỗi đau của con.  Cô đã lấy hòn đá đập bị thương ngón tay của mình rồi cô khóc tức tưởi hơn cả đứa con của cô.  Có lẽ chúng ta không hiểu được hành động của người mẹ, nhưng có thể nói chính vì yêu mà người mẹ đã có thể làm như vậy.  Và trong hoàn cảnh cụ thể của cô, có thể đó là giải pháp, là cách thức để cô chia sẻ với nỗi đau của người con mà cô yêu thương.

Tình thương không cho phép người ta chứng kiến cảnh người mình yêu bị đau khổ, người ta phải làm đủ mọi cách trong khả năng của họ để làm sao giúp người mình yêu thoát khỏi khổ đau.  Có thể nói đó chính là những ý tưởng định hình cho những công việc hy sinh của chúng ta trong mùa Chay một cách nào đó, để tỏ bày lòng sám hối.  Ðó cũng là những cách thức, những việc làm cụ thể, để chúng ta bày tỏ tâm tình yêu mến và chia sẻ những khổ đau của chúng ta với Chúa Giêsu.  Ðó là bước đầu chúng ta đi vào con đường của tình yêu tự hiến, con đường mà Chúa Giêsu đã đi.  Ðó là yêu thương trọn vẹn, hy sinh cho tất cả, trao hiến tất cả cho người mình yêu.

Ðể được như thế, trước hết chúng ta phải tập sống từ bỏ vì yêu thương, từ bỏ một chút tiệc ly, một chút của cải vật chất, từ bỏ một chút gì là của riêng mình: sở thích, tư tưởng, lập trường.  Cụ thể hơn nữa, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc vâng lời.  Vâng lời cha mẹ, bề trên, anh chị em trong gia đình, vâng lời thầy cô giáo, những người có bổn phận trách nhiệm dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta bằng việc chúng ta sẽ tập trung lo chu toàn những công việc bổn phận, những nhiệm vụ được trao một cách trọn vẹn.

Xa hơn một chút, chúng ta thực hành những luật lệ chính đáng và công bình, nhằm đem lại lợi ích cho tha nhân chẳng hạn như giữ nghiêm ngặt luật giao thông, bảo vệ cảnh quan những nơi công cộng cho sạch đẹp, giữ luật vệ sinh chung, v.v… việc hy sinh của chúng ta có thể đi xa hơn bằng việc thực thi bác ái vào những việc làm cụ thể để giúp đỡ những người khác, đó cũng là một hình thức chúng ta vâng lời, vâng lời tiếng lương tâm của chúng ta cũng chính là tiếng Chúa.  Ðây chỉ là một vài điều được nêu lên trong khi mỗi chúng ta có thể làm vì vâng lời, vì tiếng nói cũng là mệnh lệnh sau cùng chúng ta tuân theo là tiếng nói yêu thương của Thiên Chúa.  Ðồng thời, chúng ta đáp trả lại bằng những hành động diễn tả tình yêu dưới nhiều hình thức khác nhau, để chúng ta chia sẻ với Ngài, tỏ bày tình thương và sự cảm thông của chúng ta với nỗi đau mà Ngài đã chịu vì yêu thương.  Thánh giá là dấu hiệu đánh động chúng ta nhất để chúng ta luôn nhắc nhớ mình hãy làm một điều gì đó để xoa dịu nỗi đau của Chúa Giêsu và thân thể của Người là anh chị em chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin ban ơn trợ lực để chúng con can đảm bước theo con đường Ngài đã đi.

R. Veritas