MÙA CHAY, MÙA ĐỔI MỚI

 

z3Mùa Chay là thời gian thuận tiện nhất để mỗi người kitô hữu đổi mới con người và đời sống của mình. Đổi mới là quy luật của sự phát triển và tiến bộ.  Chúng ta quan sát thiên nhiên trong những ngày mùa đông giá lạnh, cây cối trở nên cằn cỗi, trơ trụi và xem ra như không còn sức sống.  Nhưng khi mùa xuân về, khí trời ấm áp, cây cối bừng dậy sức sống, chúng đâm chồi nảy lộc, trổ hoa muôn màu sắc trông thật đẹp mắt.  Thiên nhiên và sự sống xung quanh chúng ta thật kỳ diệu!  Qua sự kiện này, chúng ta nhận thấy rằng đổi mới là quy luật của phát triển nơi thiên nhiên.

Đối với người kitô hữu, đổi mới là quy luật của sự nên thánh.  Vì thế, Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải đổi mới mỗi ngày, đổi mới liên lỉ, đặc biệt khi chúng ta bước vào một năm mới và nhất là bước vào Mùa Chay thánh.  Tuy nhiên, chúng ta thử hỏi rằng chúng ta cần phải đổi mới như thế nào?

Thiên Chúa không muốn chúng ta chỉ đổi mới ở bên ngoài như thay đổi dáng dấp, cách ăn mặc, hay nơi chốn sinh sống, nhưng Ngài mời gọi chúng ta phải đổi mới triệt để từ bên trong, đổi mới toàn bộ con người và đời sống của chúng ta.

Để thực hiện được điều đó, thánh Phaolô trình bày về sự đổi mới triệt để và toàn vẹn mà chúng ta có thể tóm tắt qua 3 bước sau đây:

1/ Bước thứ nhất, đổi mới là cởi bỏ con người cũ

Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham hố lừa dối” (Eph 4, 22).  Theo thánh Phaolô, cởi bỏ con người cũ là cởi bỏ “con người thuộc hạ giới,” con người sống theo xác thịt với những hành vi: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống vậy.  Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: Những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5, 20-21).

Danh sách các thói xấu mà thánh Phaolô đưa ra ở đây chỉ có tính cách tượng trưng, nhưng các tính hư tật xấu này cũng đủ để cản ngăn con người tiến lên với Thiên Chúa.  Chúng là các dây xích cầm buộc con người trong vòng tục lụy và gây ra biết bao nhiêu hậu quả khổ đau cho cuộc sống mỗi người.

Mùa Chay là cơ hội quý báu để chúng ta cởi bỏ con người cũ, từ bỏ các thói hư tật xấu này trong chúng ta.  Nếu không từ bỏ chúng, sẽ không có sự tiến bộ về nhân đức, và như thế chúng ta sẽ không được thừa hưởng hạnh phúc Nước Trời.  Chính vì thế, Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải lột bỏ con người cũ với các tội lỗi và đam mê xấu xa nguy hại ấy để mặc lấy đời sống mới theo Thánh Thần hướng dẫn.

2/ Bước thứ hai là “phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” (Ep 4, 23)

Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba quyền năng và cùng một bản tính như Ngôi Cha và Ngôi Con.  Ngài là Đấng đồng hành với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế.”  Ngài hoạt động trong chúng ta trong mọi trạng huống: Như cuồng phong biến đổi, như nước thanh tẩy, như hơi thở ban sự sống, như lửa “đốt cháy” tâm can, như dầu tăng sức mạnh.

Chúng ta cần Chúa Thánh Thần biến đổi con người yếu hèn của mình, đổi mới tâm trí của chúng ta. Bởi vì mọi sai lầm bắt nguồn từ suy nghĩ sai và thiếu hiểu biết của chúng ta đối với đường lối của Thiên Chúa.  Chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần biến đổi tâm trí, nghĩa là biến đổi cái nhìn, tư tưởng, quan điểm, nghĩ suy của con người cũ, để có cái nhìn và suy nghĩ của Thiên Chúa, hướng tới sự thật và tình yêu, để thăng hoa trở nên người mới mạnh mẽ, hăng say, đầy tràn nhiệt huyết hơn.

3/ Bước thứ ba là mặc lấy con người mới trong Chúa Kitô

“Anh em hãy mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Eph 4, 24). Thánh Phaolô quả quyết rằng: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được Rửa tội để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3, 27). Ngài cũng mời gọi: Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (Rm 13, 14).

Quả thế, Đức Giêsu là con người mới và kiểu mẫu cho chúng ta.  Mỗi người kitô hữu được tạo dựng và tiền định để trở nên giống Chúa Kitô.  Nếu cởi bỏ con người cũ là lột bỏ những thói hư tật xấu, thì trở nên con người mới là mặc lấy Chúa Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, mặc lấy trong mình những tâm tình của Chúa Kitô, đó là lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và tha thứ cho nhau (x. Cl 3, 12-14).

Vì thế, chúng ta được mời gọi từ bỏ đời sống cũ, mặc lấy đời sống mới bằng cách rèn luyện các nhân đức, thực hành những giá trị Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã dạy, sống như Chúa đã sống.  Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể được biến đổi toàn bộ con người chúng ta theo khuôn mẫu là Chúa Kitô, từ suy nghĩ, phán đoán, tình cảm, con tim, động lực sống và cả cách hành xử của chúng ta.  Đó là con người mới, nhân cách mới, đời sống mới trong Chúa Kitô.

Kết luận

Cha Anthony de Mello trong cuốn “The Song of the Bird” có kể câu truyện về Sufi Bayazid, ông nói về chính mình như sau: Tôi là nhà cách mạng, khi tôi còn trẻ và tất cả lời cầu nguyện của tôi với Chúa là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con thay đổi thế giới.”   Khi tôi tới tuổi trung tuần và nhận thấy rằng nửa đời người đã qua đi mà không đổi thay được một tâm hồn nào.  Tôi đã thay đổi lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để thay đổi những người liên hệ và gặp gỡ con, như gia đình và bạn bè của con và con sẽ được an lòng.”  Bây giờ, tôi đã già và ngày giờ sắp hết, lời cầu của tôi: “Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để thay đổi chính con.”  Nếu tôi cầu nguyện điều này ngay từ khởi đầu, tôi đã không phí uổng cuộc đời của mình.

Câu chuyện trên đây muốn nói với chúng ta rằng: Sự thay đổi chính mình là sự thay đổi quan trọng nhất.  Nếu muốn thay đổi thế giới, chúng ta phải bắt đầu từ sự thay đổi chính mình.  Mùa Chay là mùa đổi mới.  Hội Thánh kêu gọi các tín hữu canh tân cuộc sống, từ bỏ lối sống cũ, con người cũ, để sống đời sống mới, công chính và thiện hảo hơn theo mẫu gương Chúa Kitô.

Ước mong mỗi người kitô hữu biết sử dụng và sống thời gian Mùa Chay thánh này như là cơ hội để đổi mới chính mình trở nên thành con người mới trong Chúa Kitô.


LM Phêrô Nguyễn Văn Hương

Mùa chay 2015

THANH TẨY ĐỀN THỜ

z2Một trong những vấn đề lớn của thế giới hiện nay là nạn ô nhiễm môi sinh.  Các giòng sông đang bị ô nhiễm vì biết bao chất thải dơ bẩn, độc hại.  Không khí ta hít thở đang bị đe dọa vì bụi bặm, vì khói xe, khói nhà máy.  Nước biển bị ô nhiễm vì nạn dầu nhớt rò rỉ, vì chất thải của những lò phản ứng nguyên tử.  Tầng khí quyển bị những chất khí độc chọc thủng đang làm thay đổi khí hậu và gây ra những căn bệnh nguy hiểm.  Để con người có thể sống và phát triển được, thế giới cần phải được thanh tẩy khỏi các nguồn ô nhiễm.

Sự ô nhiễm không chỉ trong môi trường vật lý.  Nhiều môi trường khác như môi trường văn hóa, môi trường đạo đức cũng đang bị ô nhiễm trầm trọng.  Tôn giáo không tránh khỏi nạn ô nhiễm.  Muốn cho bầu khí đạo đức được trong sạch, muốn cho đời sống tâm linh tồn tại và phát triển, tôn giáo cũng cần được thanh tẩy.  Hôm nay Đức Giêsu vào Đền thờ và đã thanh tẩy Đền thờ.  Người đã làm 3 cuộc thanh tẩy.

1) Người đã thanh tẩy Đền thờ khỏi ô nhiễm vì súc vật.  Trong nghi lễ của đạo Do Thái, cần có súc vật để dâng cho Thiên Chúa.  Khi dâng lễ hy sinh, người ta mổ một con thú, đặt trên bàn thờ rồi đốt lửa thiêu con vật.  Mùi mỡ cháy quyện khói xông lên nghi ngút.  Người giầu thì dâng một con bò hay một con chiên.  Người nghèo có thể dâng một cặp chim bồ câu hoặc một đôi chim gáy.  Để đáp ứng nhu cầu của tín đồ, dịch vụ cung cấp lễ vật mau chóng thành hình ngay trong khuôn viên Đền thờ.  Ta hãy tưởng tượng một chợ trâu bò ngay trong Đền thờ.  Thật là dơ bẩn, ồn ào và chướng tai gai mắt.  Nhưng nhu cầu đã biện minh cho sự ô nhiễm.  Và dân Do Thái mặc nhiên chấp nhận để cho súc vật nghễu nghện ngự trị ngay trong khuôn viên Đền thờ rất nguy nga, rất lộng lẫy, rất cao sang mà họ từng ca tụng là “đền vàng,” là “nơi thánh.”  Thấy nhà Chúa bị xúc phạm, Đức Giêsu không kiềm chế được cơn giận, đã lấy roi xua đuổi hết súc vật và cả đám con buôn ra khỏi Đền thờ.

2) Khi xua đuổi các con buôn ra khỏi Đền thờ, Đức Giêsu đã thanh tẩy thói tôn thờ ngẫu tượng.  Theo Đức Giêsu, ngẫu tượng nguy hiểm nhất là tiền bạc, tức là thần “Mammon.”  Đã có lần Người lên tiếng cảnh báo: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của,” và “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào nước Thiên đàng.”  Những con buôn đưa súc vật vào Đền thờ không do lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng vì lợi nhuận.  Đưa súc vật vào nơi tôn nghiêm, họ đã coi trọng tiền bạc hơn Chúa.  Để cho súc vật làm ô uế Đền thờ cao trọng, họ đã dùng Đền thờ làm phương tiện phục vụ túi tiền của họ.  Các tư tế coi sóc Đền thờ có lẽ cũng được chia phần nên đã cho phép con buôn được tự do họp chợ trong Đền thờ.  Họ cũng như con buôn, coi tiền bạc trọng hơn Thiên Chúa.  Họ đã rơi vào thói tôn thờ ngẫu tượng: thờ tiền bạc, dùng Chúa và Đền thờ để phục vụ tư lợi.

3) Khi đuổi súc vật ra khỏi Đền thờ, Đức Giêsu muốn thanh tẩy cung cách thờ phượng của ta. Trước kia người ta dâng súc vật làm của lễ.  Lòng đạo đức được đo lường bằng sức nặng của con vật. Dâng con vật to sẽ được nhiều ơn phúc.  Nay, Đức Giêsu cho thấy Chúa đã chán thịt bò, mỡ dê. Chúa đã ghê sợ mùi khói mùi khét lẹt, mùi máu tanh tưởi (cf. Is 1, 11).  Thánh vương Đavít đã hiểu: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận” (Tv 50, 16).   Chúa muốn ta đến với Người bằng chính bản thân ta.  Lễ dâng đẹp lòng Chúa là thái độ khiêm nhường thống hối như lời Thánh vịnh: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn thống hối.  Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50).  Lễ dâng đẹp lòng Chúa là phó thác trót cả tâm hồn thân xác trong tay Chúa như Đức Giêsu đã làm trên Thánh giá: “Lạy Cha, con dâng phó hồn con trong tay Cha.”  Lễ dâng được Chúa vui lòng chấp nhận là sát tế chính bản thân mình để làm theo ý Chúa: “Máu chiên bò Chúa không ưng.  Của lễ toàn thiêu Chúa không nhận.  Thì này con đến để làm theo ý Chúa (Tv).  Ta sát tế chính bản thân mỗi khi ta từ bỏ ý riêng, chiến đấu chống lại những cơn cám dỗ của dục vọng, tiền bạc, thói gian tham, tính tự ái kiêu căng, sự chia rẽ bất hòa.

Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ.  Người muốn ta hãy tiếp tục công việc của Người.  Giữ gìn cho nhà thờ luôn sạch đẹp, có bầu khí tôn nghiêm là điều cần thiết.  Nhưng cần hơn vẫn là giữ gìn ngôi Đền thờ thiêng liêng là chính bản thân ta.  Tâm hồn chính là cung thánh nơi Chúa ngự.  Ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn để xứng đáng với Chúa.  Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói tôn thờ tiền bạc, coi trọng tiền bạc hơn Chúa.  Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi những dục vọng đam mê làm ô uế cung thánh của Chúa.  Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói gian tham, bất công.  Hãy thanh tẩy tâm hồn ta khỏi những kiêu căng đố kỵ. Thân xác ta là Đền thờ của Chúa.  Hãy kính trọng thân xác của mình và của người khác.  Hãy tu bổ những Đền thờ thân xác đã xuống cấp, suy tàn, bị xúc phạm, bị bán rẻ.  Hãy sửa chữa những Đền thờ thân xác đang bị bào mòn vì bệnh tật, vì đói khát, vì thương tích.  Hãy kính trọng thân xác của người khác vì đó là Đền thờ của Chúa.

Trong mùa Chay này, ta hãy cố gắng thanh tẩy bản thân, để tâm hồn và thân xác ta trở thành một Đền thờ xứng đáng cho Chúa ngự.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

SỐNG TRONG THINH LẶNG

Thinh lặng!  Một điều rất cần thiết cho đời sống nội tâm con người, không riêng gì là người Kitô hữu.  Bất cứ ai, ở địa vị nào, thuộc thành phần nào, bỏ qua sự phân biệt… thì đều cần đến những phút giây trầm tĩnh đi từ khung cảnh bên ngoài cho tới chiều sâu nội tâm.  Cách riêng với người tín hữu, với những ứng sinh hướng tới đời sống hiến dâng cho ơn gọi tu trì, thinh lặng là điều cần được đặt ra, không chỉ như một sự z1ràng buộc hay một cái gì đó phải có và phải thực hiện, nhưng là một trong những phương thế có thể nói là tương đối tốt để gặp gỡ Đức Kitô, người mục tử mẫu mực, khuôn mẫu để chúng ta vươn tới.

“Giữa ồn ào con tìm kiếm Chúa
Trong thing lặng con tìm thấy Ngài.”

Cuộc sống là chuỗi ngày dài mà mỗi người chúng ta chỉ có thể sống tốt giây phút hiện tại mà không thể biết trước hay là dự đoán trước được tương lai, bởi đó nhiều người vẫn không ngừng nói rằng: “Tương lai là một ẩn số.”  Điều đó có nghĩa là cuộc sống đi ngang qua với giây phút hiện tại.  Nếu ai đó quá chú tâm, lo lắng cho những tháng ngày phía trước thì cũng có những lúc, sự thinh lặng đòi hỏi họ quay về với lòng mình, với chính con người của mình.  Giữa dòng đời được pha tạp hỗn độn với những thứ ồn ào náo động, tâm hồn cũng có những lúc chạy theo vòng xoáy của sự biến động ấy và một khi đã bị cuốn hút bởi muôn vàn tiếng nói khác nhau thì việc giữ cho cõi lòng mình một khoảng lặng là vấn đề phải được lưu tâm trong một sự tự do đích thật.

Vậy thì cốt lõi của sự thinh lặng là gì và vì sao nó trở nên quan trọng đến vậy?
Một người không theo bất cứ một tôn giáo nào đã có lần thốt lên: “người công giáo thật là may mắn, vì lẽ những lúc gặp nghịch cảnh trong cuộc đời vẫn còn chỗ tựa nương.”  Thoáng qua có thể nhận thấy, điểm tựa mà họ muốn nói tới không đâu khác ngoài Thiên Chúa, Đấng mà những ai mang danh xưng Kitô hữu tôn thờ và không ngừng mỗi ngày vươn tới, chiêm ngưỡng Ngài là cội nguồn chân lý, là đường, là sự thật và là sự sống, đồng thời là nguồn gốc của mọi cái chân, thiện, mỹ.  Vậy thì nhờ đâu những người vốn không thuộc tôn giáo nào lại nói lên được điều đó nếu như họ không trải qua những phút giây của tiếng nói đi ra từ tận cõi lòng.  Điều này thật đáng cho chúng ta suy nghĩ!

Thật vậy, ngay từ sâu thẳm con tim thì mỗi người luôn ý thức được tầm quan trọng và giá trị cốt lõi khi để cho cõi lòng tìm về ý nghĩa cao quý khởi đi từ sự tĩnh lặng nội tâm.  Theo đó, các môn đệ Chúa Kitô khi lắng nghe tiếng nói trong bức tường của tòa nhà được xây dựng bằng một thứ chất liệu đặc biệt là Lời Chúa, hẳn nhiên tâm hồn dễ dàng đọc được ý nghĩa cuộc đời mình.  Chỉ có vậy, người tín hữu mới nhận ra rằng, căn nguyên của con người mình phát xuất từ đâu và rồi sẽ đi về đâu, để từ đó luôn sống trong tâm tình cảm tạ, rằng được hiện hữu trong thế giới này với muôn ngàn vẻ đẹp là nhờ tình yêu của Thiên Chúa chí tôn, một Thiên Chúa đích thân đi tìm và gặp gỡ, khơi nguồn đối thoại với con người.  Cảm nghiệm như vậy, thì không khó để lý giải lý do vì sao người ngoại giáo vẫn có cái nhìn khách quan và thiện chí về điểm tựa của ngưới tín hữu Chúa Kitô như đã nói trên đây.  Điều đó đòi hỏi phải khơi dậy và phát huy nơi con người mình, từ chính nội tâm của mình một sự trưởng thành về mặt tâm linh, nghĩa là tâm hồn phải đi từ chiều sâu đi lên, để mỗi ngày một thêm tiến triển về lòng mến cũng như sự hòa hợp các nhân đức một cách tiệm tiến, quy hướng mọi sự về với Thiên Chúa.  Hiểu theo cách khác, con người không có sự tĩnh lặng nội tâm thực sự (theo nghĩa tự do nội tâm) thì thật khó để họ nhận ra những vẻ đẹp vốn dĩ luôn tiềm ẩn mà không phải lúc nào cũng khám phá ra được một cách dễ dàng.  Hướng về Đấng tác thành vũ trụ, với người tín hữu chúng ta:

Sự thinh lặng đưa con người trở về với căn nguyên đích thật của mình, nơi xuất phát điểm của mình, nguồn gốc của vũ trụ, của muôn loài… để không ngừng ngắm nhìn một Đấng thánh là Thiên Chúa duy nhất, chân thật và hằng sống, luôn yêu thương con người bằng một tình yêu trên mọi thứ tình yêu.  Đấng tạo dựng trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.

Sự thinh lặng dẫn con người đi vào sa mạc của tình yêu huyền nhiệm, tiếp tục khám phá những nét đẹp tuyệt hảo, những công trình kỳ diệu, những hiện tượng lạ lùng…mà giữa một thế giới biến đổi liên tục thì chỉ trong sự thinh lặng mới giúp chúng ta nhận ra các điều ấy.

Sự thinh lặng giúp con người nhận thấy bản thân mình được tạo dựng một cách “đơn giản nhưng phức tạp,” bởi lẽ con người là một bộ máy hoạt động tinh vi hơn bất cứ loài nào và nơi con người có nhiều nét độc đáo mà càng khám phá thì càng thấy mới lạ, như triết gia công giáo Pháp Gabriel Marcel đã định nghĩa: “Con người là một huyền nhiệm.”  Cùng với đó, chúng ta biết được mình là một thụ tạo thấp hèn, nhưng lại được đặt để hàng đầu trong các tạo vật mà Chúa đã dựng nên, đúng như lời Thánh vịnh:

“Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo
Muôn trăng sao Chúa đã an bài,
Thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm
…”

Với bản chất mỏng giòn, yếu đuối thường hay sa ngã.  Con người cảm thấy như mình đang thiếu đi một điều gì đó có thể giúp cho bản thân vững vàng hơn trong cuộc chiến đấu “một mất một còn.”  Sẽ là mất tất cả khi cõi lòng buông xuôi sau mỗi lần gục ngã, sau mỗi lần thất bại.  Sẽ còn lại chính mình khi nội tâm, khi con tim của mình còn giữ lại một tia sáng của niềm tin, của niềm hy vọng, rằng có yếu đuối thì có thêm ý thức được về mình, lại càng phải cậy đến lòng xót thương của Thiên Chúa, cũng như phải xác tín: “Nơi đâu tội lỗi đã ngập tràn, nơi ấy ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20).  Ngạn ngữ La tinh cũng nói: “Sai lầm là chuyện thường tình của con người.”  Tại sao vậy?  Sự thinh lặng sẽ giúp người tín hữu tìm ra câu giải đáp cho mình về điều đó, khi để cho Lời và ánh sáng của Chúa thúc đẩy họ tìm ra được giải đáp thích đáng nhất, hợp lý nhất.  Vẫn còn đó nhiều điều phải nghĩ tới, nhiều ý nghĩa mà chỉ có trong thinh lặng, trong nội tâm, con người mới khám phá ra hết được.  Mỗi người sẽ đọc được giá trị của sự tĩnh lặng, giữa một bầu khí êm đềm, khi xung quanh mình được bao quát bởi Thần khí Thiên Chúa, đấng mà ngay từ thuở ban đầu đã “bay là là trên mặt nước” (St 1, 2).

Cuộc hành trình của mỗi ứng sinh Linh mục cũng trải qua những cảm nghiệm thực thù trong đời sống với những phút giây thing lặng.  Thinh lặng sẽ giúp họ vươn tới gần Thiên Chúa, vươn cao trong sự trưởng thành và vươn xa trên con đường mà họ đang nhịp bước.  Cùng với những nét riêng biệt mà đời sống dâng hiến mang lại, hy vọng rằng lời cầu nguyện trong thinh lặng xuất phát từ thẳm sâu tâm hồn mỗi ngày được nảy nở thêm lên, được phát huy và thăng tiến không ngừng… để từ đó giúp cho mỗi ứng sinh nhận thấy rõ ràng hơn tiếng gọi của Chúa thực sự đang vang vọng, cũng khởi đi từ chính trong bầu khí đó, họ quảng đại đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Thầy chí thánh Giêsu.  Điều đó góp phần làm nên hành trang cho họ tiến những bước dài hơn nữa trong tương lai, một tương lai vẫy gọi và chan chứa niềm hy vọng, một tương lai đầy những điều hứa hẹn…

Để rồi trên hết, thinh lặng giúp trở về với chính mình để cảm nếm nguồn hồng ân chan chứa, niềm vui mừng khôn xiết khi biết rằng ơn gọi là một huyền nhiệm, một sáng kiến đến từ Thiên Chúa, một lời mời gọi trong sự tự do tuyệt đối của Ngài.

Cuộc sống quanh ta luôn xoay vần, rung chuyển với muôn hình vạn trạng.  Vẻ đẹp hiển lộ và tiềm ẩn luôn song hành.  Nhận biết chúng với tâm tình cảm tạ để quy hướng hết thảy về Thiên Chúa, người Kitô hữu và cách riêng là với những ai đang theo đuổi ơn gọi tu trì cần tập sống và duy trì một đời sống nội tâm sâu xa, để dù sống trong hoàn cảnh nào, môi trường nào, tất cả đều có thể thưa lên: “Trong thinh lặng con tìm thấy Ngài.”

Một vài cảm nghiệm đơn sơ nhưng chân thành, muốn được nói lên để cùng chia sẻ với nhau trong hy vọng giúp nhau thăng tiến qua mỗi ngày sống.  Qua đây, rất mong quý độc giả tiếp tục đóng góp thêm nhiều ý kiến, những sẻ chia đầy ý nghĩa hơn nữa, vì mong muốn bản thân cũng như cho mọi người có được những cảm nghiệm thực thù khởi đi từ sự thinh lặng trong tâm hồn…

Làng Bàu TCV Xã Đoài