NGUỒN NƯỚC MẮT

Trí nhớ của tôi lưu giữ nhiều hình ảnh.  Trong số đó, có một thứ hình ảnh rất thầm lặng, nhưng thường gây trong tôi nhiều cảm xúc và suy nghĩ.  Thứ hình ảnh đó là các nghĩa trang.

Tôi đã viếng nhiều nghĩa trang.  Tại Việt Nam, tại Ý, tại Đức, tại Pháp, tại Nga, tại Vaticăng.

Tôi đến viếng các nghĩa trang, chủ ý để suy gẫm, cầu nguyện, và cũng để tìm cảm nghiệm.  Có thứ cảm nghiệm chỉ tìm được ở nghĩa trang.  Tôi đã nghĩ như vậy và đã làm như vậy, khi tôi viết luận án: “Đau khổ của tình yêu”.

Đã có những cảm nghiệm độc đáo in rất sâu vào lòng tôi từ các nghĩa trang.  Đặc biệt là từ những dòng nước mắt ở nghĩa trang.

ZZCó những nước mắt của tình yêu dạt dào.
Có những nước mắt của nỗi buồn, nhung nhớ.
Có những nước mắt của lòng hối hận khôn nguôi.
Có những nước mắt của tấm lòng tha thứ muộn màng.
Có những nước mắt của ân tình, hiếu nghĩa.
Có những nước mắt của niềm tin sâu sắc mong chờ.

Khi đi sâu hơn một chút giữa các dòng nước mắt, tôi có thể cảm nghiệm được một số khám phá quan trọng:

Khám phá ra những chân lý nhân sinh.
Khám phá ra những hy vọng ứu độ.
Khám phá ra chính mình.

Khám phá ra chân lý

Những nước mắt ở nghĩa trang là những tiễn biệt thân thiết.  Tiễn biệt người đã chết, người vĩnh viễn ra đi.  Sự chết là một sự thật không cần bàn tới.  Nhưng đó lại là một chân lý cực kỳ quan trọng.

Bất cứ ai, rồi cũng phải chết.  Cái chết đáng sợ.  Nhưng đáng sợ hơn lại là cái gì đàng sau cái chết. Đáng sợ, vì nó quá bất ngờ.  Biết đâu, trong số mồ mả, cũng có những hồn vì thế mà đang khóc ròng rã đêm ngày.

Ở đây, tôi chỉ xin trích dẫn một đoạn Phúc Âm: “Có một ông nhà giàu nọ, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.  Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu đó.  Anh thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho đỡ đói.  Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.

Thế rồi, người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Apraham.

Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.  Dưới địa ngục, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Apraham ở trên đàng xa, và thấy Ladarô trong lòng tổ phụ.  Bấy giờ ông ta kêu lên: Lạy tổ phụ Apraham, xin thương xót con, xin sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm.

Ông Apraham đáp: Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con đã nhận phần phước của con rồi.  Còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh.  Bây giờ Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.  Hơn nữa, giữa chúng ta đây và con đã có một vực thẳm quá lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16,19-26).

Với dụ ngôn trên, Chúa dạy ta những chân lý quan trọng.  Ai cũng phải chết.  Nhưng sự Chúa đánh giá từng người sau khi chết thường vượt quá sự con người suy nghĩ.  Người phú hộ đó sống đời này được đầy đủ, sung sướng, an nhàn, xét mình chẳng thấy gì là xúc phạm Chúa, chẳng thấy gì là làm hại ai.  Nhưng người phú hộ đó đã bị rơi vào hoả ngục.  Chỉ vì sống thiếu thương cảm, thiếu liên đới, thiếu chia sẻ, thiếu xót thương.  Trái lại, người ăn mày kia đã được lên thiên đàng.  Vì dù bị chìm trong cảnh khổ, anh đã sống nêu gương về đức khiêm nhường, hiền lành và chân thật.  Không được người dư dật chia sẻ, anh phải sống đói khổ, nhưng anh vẫn chia sẻ với mấy con chó đói ăn.

Nhờ ơn Chúa, những sự thực như trên đã được nhiều người nhận ra một cách sâu sắc trong những dòng nước mắt tại nghĩa trang.  Những chân lý đó đã thay đổi đời họ.

Ngoài ra, biết bao người nằm trong nghĩa trang và khóc tại nghĩa trang cũng đã tìm được hy vọng cuộc đời qua một ngả khác.

Khám phá ra hy vọng

Không thiếu trường hợp, tôi đã chứng kiến những cuộc trở về.  Họ đã trở về từ những dòng nước mắt của một người nào đó.  Người đó cầu nguyện cho họ.  Người đó khóc với họ thay vì nói với họ.

Một lúc bất ngờ, lời Chúa Giêsu phán xưa trở thành chuyện đời họ.  Chúa an ủi họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc.  Người đau ốm mới cần.  Hãy về học biết ý nghĩa của câu này: Cha muốn lòng nhân, chứ đâu cần của lễ.  Vì Cha đến, không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,12-13).

Những lời dịu dàng đó đã đi sâu vào lòng họ.  Cõi lòng vốn đóng kín, khoá chặt, chất chứa những u uất, thất vọng, nay mở ra để hy vọng tràn vào.

Họ cảm thấy mình được xót thương, được yêu thương.  Họ sám hối.  Họ cảm thấy mình được tha thứ.  Và chính họ cũng dễ dàng tha thứ.  Một sự bình an lạ lùng trùm phủ tâm hồn họ.  Họ ra đi bình an trong sự tin tưởng phó thác tuyệt đối ở Chúa giàu lòng thương xót.  Họ khóc vì xúc động, đây là những dòng nước mắt đầy tình cảm tạ.

Những người chứng kiến cũng không cầm được nước mắt.  Những dòng nước mắt ấy không nói nên lời, nhưng ngọt ngào niềm hy vọng cứu độ.

Khám phá ra chính mình

Tại những nghĩa trang, thấy người ta khóc, nhất là khi chính mình khóc, tôi như nghe được tiếng Chúa Giêsu nói: Cha thương con, Cha thương mọi người.  Cùng với lời Chúa trao ban tình yêu, tôi khám phá ra chính mình tôi, với những vết thương, với những tang tóc đau buồn.  Khám phá ra chính mình trong sự thực trần trụi.

Khám phá để giúp trút bỏ những cái nhìn ảo.  Nhìn ảo về mình.  Nhìn ảo về những công việc của mình.  Nhìn ảo về người khác.  Nhìn ảo về cuộc đời.

Để cũng nhận ra rằng: dù với những yếu đuối, tội lỗi, mong manh, tôi vẫn được Chúa gọi với tình xót thương:

Gọi hãy cảm thương.
Gọi hãy chia sẻ.
Gọi hãy trở về.
Gọi hãy hiến dâng.
Gọi hãy cầu nguyện và đền tạ.
Gọi hãy sám hối và tín thác.
Gọi hãy vượt qua sự chết và mọi nghĩa trang, để bay vào cõi phúc đời đời.

Ơn gọi đó sẽ thực hiện được, miễn là tôi biết nhờ ơn Chúa, ở lại trong tình Chúa yêu thương.  Như lời Chúa kêu gọi: “Hãy ở lại trong Cha, như Cha ở lại trong các con” (Ga 15,4).

ĐGM Gioan B. Bùi Tuần

LỄ CÁC LINH HỒN

Theo truyền thống của người dân Hoa Kỳ, hằng năm, vào tối ngày 31 tháng 10 dương lịch, trẻ nhỏ rủ nhau chơi “Đêm Halloween” cũng gọi là trò “Trick or Treat”.  Các em từng tốp mang mặt nạ, đến gõ cửa  mỗi nhà và nói “Trick or Treat” (cho chúng tôi quà bằng không chúng tôi sẽ phá phách)…  Trò chơi này làm cho chúng ta có cảm tưởng như là các linh hồn của những người ở thế giới bên kia hiện về xin bố thí hoặc nhắn nhủ điều gì đó cho những người còn sống trên trần gian.

Tục lệ tối Halloween nầy là dấu vết thời xa xưa còn sót lại của người La-mã dùng để tưởng nhớ người quá cố.  Thuở ấy người La-mã có thói quen đúc mặt nạ của người thân mới qua đời để cất làm kỷ niệm.  Mỗi khi trong gia đình có người chết thì người nhà phải mang tất cả các mặt nạ hiện có trong gia đình, sắp hàng dài đi trước quan tài, để dẫn đưa người vừa quá cố tới nơi an nghỉ cuối cùng.

Nguyên tiếng Halloween, theo truyền thống Công giáo, bởi 3 tiếng  ALL HALOWS’ EVE  hoặc EVE OF ALL HALLOWS ghép lại, có nghĩa là “buổi tối áp lễ các thánh”…  tuồng như các Thánh trên trời đi diễn hành trước mặt chúng ta để nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến các ngài, nhớ đến công ơn các ngài và thúc giục chúng ta noi gương các ngài trong việc làm con cái Chúa, và một mặt khác nữa là kêu xin chúng ta dâng lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

ZZThật vậy, hằng năm Hội thánh Công giáo Hoàn vũ dâng ngày 01 tháng 11 dương lịch để kính mừng Các Thánh Nam Nữ trên trời và dành riêng trọn tháng 11 dương lịch, bắt đầu từ ngày mồng 02, để cầu nguyện cho Các Linh Hồn trong Luyện ngục.

Công Đồng Trentô dạy rằng các linh hồn ở Luyện ngục là thành phần của Hội Thánh cần nhờ đến lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta, những người còn sống.  Giáo lý của Hội Thánh về Luyện ngục là điều có sức yên ủi lòng ta và tỏ bày lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa đối với chúng ta.  Việc cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục là một việc làm do tình thương thúc đẩy để bù đắp phần nào mối tình và bổn phận phải có đối với các kẻ đã qua đời mà có lẽ khi các ngài còn sống chúng ta đã không chu toàn.

Chứng Tích Về Luyện Ngục:
Những chứng tích về việc các Linh hồn ở Luyện ngục hiện về được Tòa Thánh công nhận thì nhiều lắm.  Ở đây, chúng tôi chỉ xin đơn cử một ít chứng tích, trong nhiều chứng tích, đang được trưng bày tại Thánh đường Đức Mẹ Mân Côi, Nữ Vương Luyện Hình tại Rôma.  Khi có dịp hành hương về Rôma, kính mời quí vị đến kính viếng Vương cung Thánh đường này và ghé thăm phòng triển lãm.

Chứng tích 1: Bạn bè hiện về với nhau
Chúa nhật ngày 05 tháng 3 năm 1871, bà Palmira Rastelli, chị ruột của linh mục Santelli, chánh xứ Thánh Anrê tại Rimini, qua đời ngày 20-11-1870 đã hiện về với bà bạn là Maria Zelanti cũng thuộc giáo xứ Thánh Anrê để xin cầu nguyện và xin nhắn với ông anh linh mục dâng lễ cho mình.  Để cho người còn sống vững tin thì linh hồn hiện về đã in dấu 3 ngón tay của mình trên cuốn sách nguyện của bà Zelanti.  Dấu lửa in 3 ngón tay trên trang sách đã không thiêu hủy tờ giấy và cũng không làm mất các hàng chữ trên trang giấy.

Chứng tích 2: Vợ hiện về với chồng
Bà Louise Sénéchal, qua đời ngày 7 tháng 5 năm 1878, đã hiện về với chồng là Louis Sénéchal xin cầu nguyện và xin dâng cho bà 5 thánh lễ.  Bà đã in 5 ngón tay lửa của mình lên chiếc mũ trùm đầu của chồng bà như là một dấu hữu hình để chồng và các con tin.

Chứng tích 3: Nữ tu hiện về với chị em trong tu viện
Nữ tu Clara Schoelers, Dòng Bênêđitô ở Vinnemberg, Westphalie, qua dời năm 1637 đã hiện về với nữ tu Maria Herendorps ngày 30 tháng 10 năm 1696 (59 năm sau).  Để làm bằng chứng, linh hồn hiện về đã in dấu cháy hai bàn tay của mình trên áo khoác làm việc của  nữ tu Maria Herendorps và trên một tấm vải trắng.

Chứng tích 4: Mẹ hiện về với con trai
Bà Leleux, trong đêm 21-6-1789, đã hiện về với người con trai là Joseph Leleux ở Wodecq (Bỉ).  Bà hiện về 11 đêm liên tiếp để nhắc nhở con bà phải xin lễ cho bà, đồng thời bảo con bà phải sửa mình lại vì anh ta đang sống bừa bãi, khô khan nguội lạnh.  Bà cầm tay con và in dấu cháy cả bàn tay bà vào ống tay áo của con.  Kết quả là anh đã trở lại sống thánh thiện, lập một hội đạo đức dành cho giáo dân; các hội viên trong hội này đã thi đua nên thánh.  Anh đã qua đời cách thánh thiện ngày 19-4-1825.

Chứng tích 5:  Mẹ chồng hiện về với con dâu
Nhạc mẫu của bà Magarita Demmerlé thuộc giáo xứ Ellinghen, giáo phận Metz, qua đời năm 1785, và 30 năm sau, năm 1815 đã hiện về với con dâu.  Bà buồn bã nhìn con dâu như có ý xin điều gì.  Bà Magarita Demmerlé lên tiếng hỏi thì được mẹ chồng cho biết là mình về để xin con (dâu) cầu nguyện cho, bằng cách đi hành hương lên Đền Đức Mẹ ở Mariental.  Người con dâu đã làm y như lời mẹ chồng xin.  Sau cuộc hành hương ấy bà mẹ chồng hiện về với con dâu một lần nữa và báo cho biết là mình đã được ra khỏi Luyện ngục mà lên Thiên đàng.  Bà Magarita xin một bằng chứng thì bà mẹ chồng liền in cả bàn tay mình lên trang sách Gương Phước đang để mở trên bàn.  Và từ đó bà không còn hiện về nữa.

Hôm nay là dịp để chúng ta nhớ đến linh hồn những người thân yêu mà Chúa đã gởi đến trong cuộc đời như: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái, cháu chắt, bằng hữu…  Ta cũng nhớ đến những linh hồn bị quên lãng không có ai nhớ đến để cầu nguyện cho.

Bà Thánh Monica khi còn sống đã căn dặn con mình là Thánh giám mục Augustinô rằng: “Con ơi, khi mẹ chết rồi, con có thể chôn cất mẹ ở đâu cũng đươc.  Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ mà cầu nguyện cho mẹ mỗi ngày khi con bước lên bàn thờ tế lễ Chúa”.  Bà Monica khi còn sống đã đạt tới sự thánh thiện trọn hảo mà còn lo lắng cho thân phận mình sau khi chết như vậy.

Nơi một nghĩa trang ở Rôma, bên nước Ý-đại-lợi, ta đọc thấy hàng chữ này bằng tiếng La-tinh: “Hodie Tibi, Cras Mihi” có nghĩa là HÔM NAY BẠN (Hodie Tibi), NGÀY MAI TÔI (Cras Mihi)… nhắc chúng ta nhớ đến Sự Chết.  Sự Chết không tha cho một ai cả.  Có nhớ đến sự chết, có suy gẫm về sự chết mới biết phải sống thế nào cho đẹp để được chết lành.

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho người, ngày mai người khác sẽ lại cầu nguyện cho ta: Một sự vay trả, trả vay rất hữu lý.  Hôm nay ta cầu nguyện cho các Linh hồn trong Luyện ngục, ngày mai khi được về hưởng nhan thánh Chúa trên trời, các Linh hồn người lành sẽ đền đáp lại cho chúng ta bằng lời chuyển cầu thần thế của các ngài trước mặt Chúa.

Lm Giuse Châu Xuân Báu, CSsR

NIỀM HY VỌNG HẠNH PHÚC

ZZNhững lời Chúa nói hôm nay thật lạ lùng.  Khác hẳn với những gì người đời thường nói.  Nhưng đem đến cho ta biết bao niềm hy vọng.

Trước hết là niềm hy vọng hạnh phúc.  Cuộc sống trần gian có nhiều khổ đau đến nỗi nhiều người gọi trần gian là thung lũng nước mắt.  Ai cũng mơ ước được hạnh phúc.  Nhưng hầu như hạnh phúc luôn ở ngoài tầm tay con người.  Với những lời chúc phúc hôm nay, Chúa cho ta biết Chúa đã dựng nên con người để được hạnh phúc.  Dù hiện nay ta còn phải chịu nhiều đau khổ, ưu phiền, khốn khó, nhưng những đau khổ, ưu phiền khốn khó đó sẽ qua đi.  Vì cuộc sống này chỉ là tạm bợ.  Hạnh phúc Chúa hứa sẽ vĩnh cửu vì cuộc sống đời sau không bao giờ tàn úa.

Tiếp đến là niềm hy vọng Nước Trời.  Hạnh phúc ta được không ở tại đời này, nhưng ở trên Nước Trời.  Trên Nước Trời ta được hạnh phúc vì được làm chủ nhân Nước Trời.  Và trên Nước Trời, ta sẽ được an ủi, được thương xót, được làm con Chúa, được thấy mặt Chúa.  Đó là hạnh phúc tuyệt đối không gì có thể so sánh được.

Sau cùng là niềm hy vọng được chính Chúa.  Qua những lời chúc phúc.  Chúa cho ta hiểu rằng Chúa chính là nguồn mạch sự sống của ta, là tất cả ý nghĩa đời ta, là hạnh phúc của ta.  Được Chúa là được tất cả.  Chúa là sản nghiệp lớn lao sẽ khiến ta trở nên giàu có.  Chúa là niềm an ủi khiến ta không còn sầu khổ.  Chúa là hạnh phúc tuyệt đối khiến ta thỏa chí toại lòng không còn khao khát gì nữa.  Còn gì hạnh phúc hơn khi ta được chiêm ngưỡng Chúa tỏ tường, được làm con Chúa, được Chúa yêu thương.

Tuy nhiên để đạt được Chúa, bản thân ta phải được thanh luyện theo con đường Tám Mối Phúc.  Chính Chúa Giêsu đã đi vào con đường đó.  Người đã sống nghèo, đã sống hiền lành khiêm nhường, đã chịu giết hại vì rao giảng Tin Mừng.  Người đã mở đường đi về hạnh phúc.

Các thánh là những người đã đi theo Chúa Giêsu trên con đường thanh luyện.  Các ngài đã giặt áo trong máu Con Chiên nên áo của các ngài trắng như tuyết.  Các ngài được hưởng hạnh phúc Nước Trời vì các ngài đã chịu thanh luyện trong cuộc sống trên trần gian.  Các ngài được chính Chúa vì các ngài đã từ chối không ham mê dính bén những của cải trần gian.

Vì thế, lễ các thánh là lễ của niềm vui.  Chúng ta vui mừng vì các thánh chính là thân nhân của chúng ta, là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè chúng ta.

Lễ các thánh là lễ của niềm hy vọng.  Các thánh là người như chúng ta với tất cả những thiếu thốn, những yếu hèn.  Các ngài đã đạt tới hạnh phúc Nước Trời.  Như thế chúng ta hy vọng cũng sẽ được hạnh phúc Nước Trời như các ngài.  Chúng ta còn hy vọng hơn nữa, vì Chúa đã hứa cho ta được hạnh phúc Nước Trời làm sản nghiệp.  Lời hứa của Chúa là niềm hy vọng của chúng ta.

Nhưng lễ các thánh cũng là lễ của phấn đấu.  Con đường dẫn ta tới Nước Trời là con đường Tám Mối Phúc.  Đó là con đường phấn đấu từ bỏ mình, từ bỏ những ham hố tranh dành, chiếm hữu, thống trị.  Phấn đấu sống khiêm nhường và nhất là yêu thương xây dựng hòa bình.  Khi phấn đấu sống như thế, ta xây dựng Nước Trời từ trần gian, biến trần gian thành nơi hạnh phúc, biến mọi người thành anh em. Khi phấn đấu xây dựng Nước Trời như thế, ta góp phần xây dựng hòa bình trên trần gian.

Lạy các thánh nam nữ ở trên trời, xin cầu cho chúng con.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

MẸ MARIA – MỘT CON NGƯỜI LUÔN TÍN THÁC

Như bao thiếu nữ khác đang ở độ tuổi xuân thì, cô Maria ở ngôi làng Nazaret xứ Palestin năm xưa chắc hẳn cũng ôm ấp cho mình những mộng ước tương lai.  Cô đã đính ước với một trai trẻ tên là Giuse. Chàng không giàu có và phong lưu, nhưng lại là người tốt lành tử tế.  Cuộc đính ước này hứa hẹn cho hai người một gia đình tuy nghèo nhưng hạnh phúc.  Maria sẽ trở thành một người vợ và một người mẹ như bao phụ nữ khác.  Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi, êm đềm và ngập tràn hơi ấm.  Nhưng Thiên Chúa đã chen vào kế hoạch ấy, khiến cho cuộc đời cô thiếu nữ thôn quê này như được mở sang trang.  Cô vẫn là cô thôn nữ Maria, nhưng cô được mời gọi mang trên người một trọng trách có một không hai trong lịch sử.  Cô sẽ là Evà mới, là mẹ của công trình tạo dựng mới mà Thiên Chúa sẽ thực thi.

Ngày Thiên Sứ truyền tin, cả vũ trụ và muôn loài trong trời đất đợi chờ lời đáp của Mẹ.  Hai tiếng “Xin Vâng” đơn sơ ấy của Maria không phải chỉ liên can giữa Mẹ và Chúa, nhưng là với tất cả mọi loài thụ tạo, vì nó quyết định việc công trình cứu độ của Thiên Chúa có được thực thi lúc ấy hay không.  Lời đáp ấy cũng mở đầu cho một hàng loạt những tiếng Xin Vâng khác trong cuộc đời Mẹ, có khi đau khổ đến vô cùng.  Mẹ chấp nhận rủi ro có thể bị ném đá như hình phạt dành cho những người phụ nữ chưa ăn ở với chồng mà có thai, nếu bị Giuse tố giác.  Ai sẽ tin rằng Mẹ thụ thai do quyền năng Thánh Linh?  Ai tin rằng bào thai ấy là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa nhập thể?  Mẹ đánh liều sự sống mình để theo Chúa, vì Mẹ tin Chúa sẽ có cách của Người.  Cuộc đời có lắm trớ trêu, sở dĩ Mẹ có thể nói được lời Xin Vâng liên lỉ, ấy là nhờ niềm tin của mẹ vào Chúa luôn kiên vững không lay.

Thiên sứ nói với Mẹ rằng Mẹ sẽ cưu mang Con Chúa Trời.  Một vinh dự vô cùng lo lớn.  Nhưng rồi suốt mấy mươi năm làm mẹ Giêsu, Mẹ có được hưởng chút vinh quang nào đâu.  Mẹ làm mẹ của một Thiên Chúa tự hạ và khó nghèo, Mẹ gắn chặt cuộc đời mình với vị Thiên Chúa ấy, nên đời Mẹ cũng luôn là một hành trình đi xuống và khiêm nhu.  Có ai ngờ Chúa lại muốn hạ sinh khi đang lữ hành trên đường, nơi chuồng súc vật hôi tanh, ngoài trời đông lạnh lẽo.  Vinh dự gì đâu chuyện một người phụ nữ lâm bồn trong hoàn cảnh bị xua đuổi ra ngoài đường, chứ không phải nơi chăn ấm nệm êm, có người chăm nom hầu hạ.  Có ai ngờ Con Thiên Chúa quyền uy đến thế, lại cúi mình trước bạo quyền Hêrôđê, chấp nhập tị nạn sang Ai Cập.  Mẹ cũng chịu cùng số phận như Con mình.  Giữa đêm khuya lạnh lẽo, thân người phụ nữ vừa mới sinh con, còn yếu ớt, đã phải vội vã cất bước ra đi.

Ngày truyền tin, Thiên Sứ nói với Mẹ rằng người mà Mẹ cưu mang sẽ là một đấng anh hùng, sẽ ra tay cứu con người khỏi ách nô lệ tội lỗi.  Nhưng đợi chờ mãi, 10 năm, 20 năm, 30 năm, tóc Mẹ có lẽ cũng đã pha sương, nhưng chẳng thấy nơi con trai của mình dấu hiệu gì của một đấng quân vương, ra tay giải phóng.  Rồi ngày kia, con mình nghe được tiếng gọi của Cha, cất bước lên đường, rong ruổi khắp thôn này xứ nọ, truyền rao chân lý Tin Mừng.  Mẹ vẫn an vui với cuộc sống lẻ loi một mình nơi làng nhỏ.  Giuse lúc ấy có lẽ đã qua đời, Giêsu cũng bỏ Mẹ lên đường thực thi sứ mạng.  Mẹ cô đơn nơi góc nhà quạnh vắng.  Yêu con lắm, nhưng Mẹ biết Mẹ không nên làm điều gì níu kéo bước chân con.  Mẹ lại trở về trong lặng thinh và cầu nguyện.  Mẹ tiếp tục thưa tiếng “Xin Vâng”.

ZZRồi ngày kia, Mẹ như đau buốt con tim, ngàn lưỡi gươm như xé nát lòng Mẹ khi chứng khiến cảnh người con dấu yêu bị xử tử như một tên tội đồ.  Trên đồi cao u ám, trước mặt Mẹ đây, không còn là một thân hình cường tráng, mạnh khỏe và đáng yêu như ngày nào, nhưng là một thân xác tả tơi vì dặm trường sương gió ba năm dong dủi trên đường, vì những đòn roi vô tâm, bội phản, vì những sỉ nhục của ganh ghét bạo quyền.  Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của một người mẹ chứng kiến cảnh con yêu của mình bị giết chết nhưng không thể làm được gì?  Đây là Đấng Cứu Thế ư?  Đây là Con Thiên Chúa sao?  Đây là Đấng dựng nên muôn loài, Đấng thống trị muôn dân, Đấng trỗi vượt trên các tầng trời sao?  Trong giờ phút ấy, Mẹ mới hiểu được thế nào là xin vâng, Mẹ mới thấu được đâu là cái giá phải trả khi thưa tiếng Xin Vâng.  Chính tại giây phút đau đớn nhất này, Mẹ đã sống hai chữ Xin Vâng trọn vẹn nhất.

Mẹ Maria trở thành một người cao cả không phải vì Mẹ đã làm được những chuyện phi thường to tát kinh thiên động địa, chuyển núi dời non.  Nhưng như bà Elisabet từng nói, Mẹ diễm phúc là vì Mẹ đã tin.  Chính thái độ đón nhận và vui sống một cuộc sống bình thường mới làm cho người ta trở nên phi thường hơn hết.  “Xin Vâng” có nghĩa là trao phó hoàn toàn cho Chúa, là đón nhận lấy tất cả những gì xảy đến cho mình mà không ta thán hay hận đời, cả khi phải chạy trốn, khi bị xua đuổi, khi sống trong cảnh nghèo, khi đưa tay vẫy chào Con đi xa thi hành sứ vụ, khi tận mắt chứng kiến cảnh Con bị đánh đập và treo trên thập giá.  Mẹ chẳng hiểu vì sao Con Mẹ lại phải chịu đựng một cái kết thảm thương đến vậy.  Mẹ không hiểu tại sao một đời phụng sự Chúa của Mẹ lại mang đến cho Mẹ những khổ đau đến vậy.  Mẹ không hiểu nhưng Mẹ tin vào sự công chính, tin vào chân lý, tin vào Chúa, Đấng mà Mẹ đã luôn kính yêu và tôn thờ.  Mẹ vui lòng đón nhận hết vì Mẹ không bao giờ nghi ngờ Chúa, Mẹ không bao giờ đánh mất niềm hy vọng, không bao giờ chịu để cho những bất trắc ấy đánh gục ý chí và con tim tràn đầy cảm mến của Mẹ.

Vinh dự sinh ra Đấng Cứu Thế không cất khỏi Mẹ những phiền não lo âu.  Trái lại, dường như chính vinh dự ấy còn khiến cho Mẹ phải đối đầu với những bất trắc nhiều hơn nữa.  Nhìn vào gương của Mẹ, chúng ta như thấy được tiếp thêm sức mạnh vì chúng ta tin rằng Mẹ sẽ hiểu cho những tâm tư và muộn phiền mà ta đang trải qua.  Ngước nhìn lên Mẹ, chúng ta được mời gọi để vui lòng đón nhận lấy tất cả những gì mà cuộc sống gửi đến với một niềm tín thác và mến yêu.  Đêm đen rồi cũng sẽ qua đi, sóng gió rồi cũng sẽ không còn…  Chắc chắn Chúa sẽ không bao giờ phụ lòng những ai luôn đặt trọn niềm tin vào Ngài.  Thiên Đường chẳng ở đâu xa.  Thiên Đường ở ngay trên cây thập giá, khi ta dám liều mình để bám vào ý Cha.  Ngay trong những khi bế tắc đường cùng, mọi sự đều trở nên có thể với kẻ có lòng tin.  Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa sẽ được minh chứng ngay lúc chúng ta như bị rơi vào bóng tối đớn đau của kiếp người.  Sống giữa cuộc đời, tránh sao được những lúc có sự cố bất ưng xảy đến với ta khiến ta như muốn ngã gục.  Nhưng ta có đủ sức chịu đựng nó hay không là tùy thuộc ở việc niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa có đủ lớn hay không.

Các bạn thân mến, cũng giống như Mẹ, trí óc ta không thể nào hiểu thấu được mọi chuyện phi lý xảy ra giữa cuộc đời này.  Nhưng chúng ta có noi gương Mẹ, cố gắng đón nhận hết mọi điều với một niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa toàn năng không?  Cứ tin vào Chúa đi, bạn sẽ không bao giờ thấy mình thiệt thòi đâu.  Mẹ Maria đã chứng minh cho chúng ta thấy điều đó.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

 

GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/8/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ tại Nhật, đó là “Sư máy”.  Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: Đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi đưa lên, một tay thì gõ mõ.  Mỗi vị sư máy có thể cầu kinh không biết mỏi mệt, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật.  Sáng kiến này được đưa ra nhằm đáp ứng cho nhu cầu ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật.  Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận: Những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương.

ZZYêu thương là đặc điểm của con người.  Thú vật có thể có cảm giác, nhưng đó không hẳn là yêu thương.  Chỉ có con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu mới thực sự được mời gọi yêu thương mà thôi.

Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta ơn gọi cao cả của con người.  Trả lời cho thắc mắc của luật sĩ, Chúa Giêsu đã thu tóm tất cả lề luật thành một giới răn duy nhất là mến Chúa và yêu người.  Hai mệnh lệnh này là một giới răn duy nhất, bởi vì không thể kính mến Chúa mà lại ghét bỏ hình ảnh của Ngài là con người, cũng như không thể yêu thương con người mà lại không nhận ra và yêu mến Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu chân thật.  Tách biệt hai mệnh lệnh ấy là chối bỏ tình yêu.  Các luật sĩ và các biệt phái thời Chúa Giêsu quả là những người đạo đức: Họ ăn chay, cầu nguyện và tỏ ra yêu mến Thiên Chúa hơn ai hết; thế nhưng Chúa Giêsu đã điểm mặt họ là những kẻ giả hình, bởi vì lòng yêu mến Chúa nơi họ không được thể hiện bằng tình yêu đối với tha nhân.  Chúa Giêsu còn gọi họ là những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì bóng loáng, nhưng bên trong thì thối rữa.  Có thể so sánh thái độ giả hình ấy với một người máy: người máy có thể làm được nhiều cử chỉ ngoạn mục, nhưng không có một tâm hồn để yêu thương thực sự.

Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi, là linh hồn của Đạo.  Đi Đạo, sống Đạo, giữ Đạo, xét cho cùng chính là yêu thương; không yêu thương thì con người chỉ còn là một thứ người máy vô hồn.  Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm gọn tất cả thành một công thức: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, và ngài dẫn giải: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Đấng nó không thấy”.

Nguyện xin cho cuộc sống của chúng ta ngày càng được thanh luyện và gần gũi hơn với cốt lõi của Đạo là Yêu Thương.

Đ.Ô Phêrô Nguyễn Văn Tài

**********************************************

Lạy Chúa,

Ước gì con có thể yêu Chúa
Bằng một trái tim sốt mến,
Dứt khoát hiến dâng!
Ước gì con biết yêu Chúa vì Chúa
Và ở lại trong tình yêu Chúa
Như những nhà thần bí lớn đã biết yêu Chúa…
 
Chớ gì con có thể đồng thời yêu anh em
Bằng một trái tim nhân từ, niềm nở thủy chung,
Vì Chúa, vì anh em,
Mà vẫn đơn sơ, chân thành,
Ân cần săn sóc, hoà mình với họ,
Luôn sẵn sàng yêu mỗi người,
Yêu mọi người, xem tất cả là Dân Chúa.
 
Chớ gì con biết yêu anh em
Như Chúa yêu họ, như Chúa yêu con….
Song lạy Chúa, đâu có dễ như vậy
Đối với trái tim phàm hèn con,
Bao giờ cũng chứa đầy tự ái,
Có lúc lạnh lùng như sắt đá,
Có lúc quá trớn bồng bột…
 
Jean Dozolme

KHI NGƯỜI KHÔNG ÐÁP TRẢ

Ai trong các con có bạn hữu nửa đêm đến nhà mình nói:  Bạn ơi, cho tôi mượn mấy tấm bánh, vì bằng hữu ở xa tới mà tôi hết đồ ăn rồi.  Người kia ở trong trả lời:  Ðừng quấy rầy người ta, cửa đóng rồi, trẻ nhỏ ngủ hết, ai dậy mà lấy cho ông được.  Nhưng nếu họ cứ gõ hoài.  Ta bảo thật, người ấy không dậy mà cho vì tình bạn bè thì ít ra vì họ quấy rầy nên cũng ráng dậy mà lấy cho họ.  Nên Ta bảo cho các con rõ: Vì hễ ai xin, sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ sẽ mở cho (Lc. 11: 5-10).

Chúa bảo tôi đến gõ cửa, ở đấy có chờ đợi.  Ðó là lời xác định của Chúa.  Như vậy, chắc chắn tôi sẽ bắt gặp nếu tôi kiếm tìm, tôi sẽ tìm thấy nếu tôi van xin.

*****************************

Nhưng trong đời, tôi đã kinh nghiệm một nỗi bận tâm khó hiểu.  Tôi gọi mà Chúa không đáp trả.  Tôi xin mà Chúa không cho.  Có những vực sâu của tâm hồn, có những đêm dài bất an, tôi hướng về Chúa nhưng tôi không gặp.  Tôi không ước mơ những ước mơ lớn.  Tôi chẳng xin sang giàu.  Tôi chỉ xin cho tôi nhẹ bớt khổ đau tâm hồn.  Tôi chỉ xin cho đỡ kéo dài bệnh tật của thân xác.  Tôi chỉ xin Chúa soi cho tôi một ánh đèn khi tôi phải quyết định những vấn đề quan trọng.  Tôi chỉ xin Chúa giữ tôi lại trước đêm đen mịt mùng cám dỗ.  Nhưng tiếng tôi từ vực sâu lại vọng về với tôi trong nỗi vắng. Những lúc tôi cần Chúa nhất thì Ngài lại bỏ tôi đi xa.  Vì sao Người im tiếng?

*****************************

Ngài im tiếng.  Hay có phải Ngài đang nói mà tôi không nghe?  Ngài chối từ.  Hay có phải cánh cửa đã mở mà tôi không vào vì có vũ tiệc của mùa xuân trần thế ở chung quanh?  Ngài im lặng.  Hay có phải Ngài bảo tôi: Hãy vào sa mạc, hãy ra bờ đá lặng thinh, hãy khép lại bớt cửa lòng rồi con sẽ nghe thấy tiếng Cha.  Nhưng tôi chán những bờ đá vắng vẻ, và tôi đã yêu những vũ tiệc của mùa xuân trần thế ở chung quanh.  Làm sao tim tôi nghe được tiếng con họa mi đang hót khi mà bầy ve sầu đam mê đang kêu inh ỏi trong hồn?

Ngài thờ ơ.  Hay có phải Ngài không đáp trả vì tôi bất xứng với ân sủng của Ngài.  Chẳng ai có thể trách vì sao không có mặt trời nếu họ cứ sống dưới hầm tối, vực sâu.  Chẳng ai có thể trách vì sao không có bình an nở giữa khu vườn tham lam.  Người cha tốt là người cha đóng cửa nhà mình để đứa con khỏi ngày ngày về lấy gia tài đi hoang đàng, phung phí.

Vì sao Chúa không cho tôi điều tôi xin?  Ðã bao lần Chúa bắt tôi đi.  Gian nan.  Mỏi.  Tôi muốn ghé tạm xuống đường ngồi nghỉ.  Nhưng Chúa biết để tôi ngồi nghỉ, dần dà tôi sẽ nghe theo tiếng nói của đất thấp, tôi sẽ lười biếng đối với tiếng gọi của trời cao.  Tôi trách vì sao Người không cho tôi lập nghiệp trên những ước mơ của tôi, xin làm quê hương trên những ý nghĩ riêng tư của tôi.  Ngài chẳng đáp trả, vì Ngài biết đường dễ dãi sẽ dẫn đến hư đi.  Trong những đêm đen như mù mịt, tôi gõ nhưng cánh cửa chẳng mở.  Phải chăng chỉ có Ngài, Ngài mới biết những gì là tốt nhất cho phần rỗi của tôi. Như vậy, không đáp trả có là dấu chỉ của tình thương?

*****************************

Khi không đáp trả, đấy cũng là một cách trả lời.  Trả lời bằng lặng im nhiều khi lại là câu trả lời thâm sâu và hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Tôi không đến với ai mà tôi biết chắc rằng tôi không thể tin cậy.  Khi đến xin Chúa trợ giúp là tôi đặt niềm tin nơi Ngài.  Nếu đã đặt niềm tin thì sao lại có thể phân vân.  Khi Ngài im lặng như không đáp trả, tôi lo âu, thì đấy là dấu hiệu niềm tin đó không vững vàng.

Niềm tin là lời cầu nguyện để xin được biến đổi.  Như thỏi đất sét tin mình nằm trong tay người thợ lành nghề.  Người thợ gốm biết loại đất sét nào có sức chịu đựng để đúc gạch lót đường, loại nào có thể tạc tượng.  Niềm tin vững vàng là phó thác trong tay người thợ gốm vì tin rằng mình được yêu thương và săn sóc.  Tin vững vàng hệ tại phó thác rằng Chúa là người thợ gốm khôn ngoan và không lầm lẫn trong công trình sáng tạo.  Chứ tin vững vàng không có nghĩa là tin mình sẽ biến đổi được ý định của Chúa để đạt được điều mình xin.  Có những lời xin chẳng bao giờ được đáp trả nhưng lại là một ân sủng thật lớn lao.

*****************************

Ngày còn bé tôi không biết cầu nguyện thế nào. Những ngày bom nổ nhiều là những ngày mẹ tôi càng lo.  Mỗi tối, mẹ tôi bảo tôi ngồi lần hạt cầu nguyện cho cha ngoài trận tuyến.  Trong trí óc non dại, tôi cầu nguyện cho cha tôi được bình yên.  Một lằn đạn hiểm nghèo.  Một trái mìn kín đáo.  Ðời sống bếp bênh như treo bằng sợi chỉ.  Chỉ một giấy báo tin thôi, tôi sẽ là đứa mồ côi.  Mẹ tôi sẽ là góa phụ.  Tôi đã thấy nhiều lá cờ trải lên mộ đất.  Tôi đã thấy nhiều chuyến xe nhà binh chở đơn độc một quan tài, người thiếu phụ đội nón trắng ngồi lặng lẽ không còn nước mắt để khóc.

Rồi chuyện một đêm đã đến.  Chiến tranh đổ xuống trên mảnh đất quê tôi.  Tôi còn bé, nhưng tôi hiểu những nghẹn ngào của người có thân nhân vừa mới vĩnh biệt.  Mưa ướt lẹp xẹp, tôi nghển cổ nhìn qua cửa sổ đông chật người.  Một chiều mưa ảm đạm, lạnh lẽo làm sao.  Mái lá thấp đổ những dòng mưa thảm não.  Tôi vẫn còn nhớ cái buổi chiều xám nặng nề ấy cho tới hôm nay.  Ðôi chân của cậu X.  chết nằm sóng sượt trên cái phản gỗ.  Bùn dính lem luốc.  Mợ X. khóc thảm thiết bên xác chồng mới chết trận.  Ai đã bắn chết cậu?  Có phải kẻ mà cậu chưa kịp bắn?

Tò mò, tôi theo những đứa trẻ khác ra ven rừng xem xác chết.  Những hố bom cày tung đất còn mới nguyên.  Vải băng trắng còn lẫn với xác người chưa kịp thu.  Giữa những xác người ấy, tôi thấy một người nằm chết cong queo, cụt chân vì bom nổ, máu bầm khô bết vào áo đầm đìa.  Mặt cháy đen.  Nhìn kỹ trên khuôn mặt ấy, tôi không quên được là chuỗi tràng hạt vẫn quàng vòng quanh cổ.  Kẻ chết là một bộ đội miền Bắc.  Ðiều làm tôi ngỡ ngàng là bộ đội cộng sản cũng tin vào Chúa như tôi sao?

ZZTừ ngày đó, mỗi lần giúp lễ, nhìn lên thánh giá mà hồn tôi bâng khuâng.  Tôi thấy Chúa buồn.  Quỳ đây, tôi cầu nguyện xin Chúa chở che cha tôi ngoài chiến trận.  Nhưng người cán binh bộ độ ấy, có thể cũng có một đứa con trai bằng tuổi tôi ở ngoài miền Bắc.  Nó cũng là cậu bé giúp lễ.  Cứ mỗi sáng, mẹ nó cũng đánh thức nó dậy thật sớm để giúp lễ, cầu nguyện cho cha đang ở mãi trong miền Nam heo hút.  Năm tháng bặt tin, chắc chiều chiều, tối tối, mẹ nó cũng rối bời lòng trí, thẫn thờ nhìn về phương Nam, dục nó đọc kinh.  Chúa nghe lời tôi để cha tôi giết họ?  Chúa nghe lời cậu bé kia để cha cậu giết cha tôi?  Cả hai cậu bé đều cầu nguyện, Chúa biết nghe lời ai?

Tôi không tin là Chúa có câu trả lời.  Tôi chỉ cảm thấy rằng Chúa khó xử ghê gớm lắm.  Chúa trên thập giá như càng thêm đau đớn.  Mỗi lời cầu của tôi là một vết thương cho Ngài.  Mỗi nỗi lo âu của cậu bé ngoài miền Bắc kia làm Ngài thêm khổ tâm.

Tôi hình dung Chúa như một người cha.  Ðứa con thứ nhất chạy đến: Cha ơi, đưa con dao cho con để con chém nó.  Ðứa con kia chạy lại, sợ hãi: Cha ơi, đừng đưa!  Cha có biết rằng con cũng là con của cha sao?  Và người cha chỉ còn biết đớn đau mà thôi, vì cả hai con đều là con của mình.

Từ đó, mỗi buổi sáng giúp lễ, tôi thấy Chúa trên thập giá như ngậm ngùi.  Tay giang rộng cứ thêm mãi khổ thương.  Từ ngày đó, trong cái trí óc non nhỏ của tôi, tôi hiểu mơ màng rằng bất cứ hành động nào gây thương tích cho nhau cũng là làm khổ cho Cha trên trời.

*****************************

Lạy Chúa,  

Mỗi khi con cầu nguyện thì cho con biết xin được biến đổi, chứ đừng biến đổi Chúa.  Làm sao con có thể biến đổi sự khôn ngoan của Chúa thành sự vụng về của con.  Khi con nài Chúa làm theo ý con là con muốn đem sự hoàn hảo của Chúa thành những bất toàn giống như của con.

Con ngỡ tiếng sói sủa là vui tai.  Con ngỡ lời mời của Satan là tha thiết.  Con ngỡ trái táo hồng có hương thơm, nào ngờ đâu con có biết sâu độc làm tổ ở bên trong.  Những lời con xin nhiều khi rất đẹp, nhưng chỉ là đẹp theo cái nhìn của con mà thôi.

Lạy Chúa,

Xin cho con hiểu rằng có những lời xin mà Chúa chẳng thể đáp trả được.  Và chính lúc Chúa im lặng lại là lúc Chúa đang nói với con bằng ngôn ngữ nhiệm mầu nhất.

LM Nguyễn Tầm Thường

CON NGƯỜI – HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA

Trong Phật giáo có một câu chuyện nổi tiếng:

Có một người đàn ông cao ngạo chẳng biết sợ ai, luôn coi thường đạo lý. Nghe Đức Phật dạy rằng đừng bao giờ lấy ác báo ác và một ngày kia, hắn đến gặp Đức Phật và dự tính xem Phật có sống được điều Ngài giảng không.  Hắn bắt đầu tuôn ra đủ mọi lời thóa mạ Ngài và gọi Ngài là tên đần độn.  Trong khi hắn liên tục xổ ra đủ thứ lời lăng mạ thì Đức Phật vẫn kiên nhẫn lắng nghe.  Chờ hắn mỏi miệng không nói thêm lời nào nữa, Ngài mới lên tiếng: “Này con, nếu một người không chịu nhận món quà mà kẻ khác biếu cho thì món quà ấy sẽ đi về đâu?”  Gã cay cú đáp: “Thằng điên nào mà chẳng biết, dĩ nhiên là món ấy sẽ trở về lại với người đem cho.”  Đức Phật liền nói: “Hỡi con, con vừa tặng ta rất nhiều lời thóa mạ nhưng ta chẳng nhận đâu nhé.”  Gã kia câm miệng không thốt ra lời nào nữa.  Đoạn Đức Phật nói tiếp: “Kẻ nào lăng mạ một người thánh thiện thì cũng giống như hắn ta khạc nhổ lên trời.  Những thứ hắn khạc nhổ ra khôntg làm nhơ bẩn bầu trời, trái lại sẽ rơi xuống làm nhơ bẩn gương mặt của chính hắn.  Cũng thế kẻ nào thóa mạ một người nhân đức thì khác nào tung bụi ngược chiều gió, bụi sẽ chỉ bay vào mắt hắn mà thôi.” (Trích tuyển tập chuyện hay, Giấc mộng vàng trang 167)

Câu chuyện trên là một minh họa cho cuộc tranh luận nổi tiếng giữa các Pharisiêu, Luật sĩ và Chúa Giêsu qua bài Tin mừng hôm nay.

ZZNhóm Biệt phái bàn mưu để làm cho Đức Giêsu lỡ lời mắc bẫy.  Họ hợp tác với phe Hêrôđê để chất vấn Người về vấn đề nộp thuế.  Nhóm Biệt phái ghét cay ghét đắng người Rôma đang đô hộ Israel, còn phe Herôđê thì lại nịnh bợ các quan bảo hộ để được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi.  Dù không ưa nhau nhưng họ lại liên kết với nhau để chống lại Đức Giêsu. Một mình đối nghịch với Đức Giêsu trong lãnh vực tôn giáo, nhóm Biệt phái không làm được gì đến Người, họ muốn nhờ bàn tay chính quyền là phe Hêrôđê để gài bẫy Người trong vấn đề chính trị. “Chúng tôi có được nộp thuế cho Xêda hay không?”  Câu hỏi đặt Đức Giêsu trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, bẫy gài sắc như con dao hai lưỡi.  Trả lời có cũng mắc bẫy, không có cũng mắc bẫy.  Nếu Đức Giêsu bảo không thì nhóm Hêrôđê tố cáo là không trung thành với Hoàng đế.  Còn nếu Người bảo có thì Người sẽ bị nhóm Pharisiêu tố cáo là không trung thành với dân tộc.  Hai đàng, đàng nào cũng trọng tội.  Trước gọng kềm đang siết chặt, Đức Giêsu rất bình tĩnh, rất tự chủ, không ngạo mạn khiêu khích nhưng cũng không khúm núm sợ sệt.  Người bảo họ đưa cho xem đồng tiền và hỏi: hình va danh hiệu này là của ai?  Khi được trả lời là “của Xêda” Đức Giêsu liền tuyên bố “thế thì của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.”  Câu trả lời của Người làm cho 2 phe nhóm bẽ bàng hụt hẫng.  Đức Giêsu phân biệt đâu ra đó: của Hoàng đế hãy trả cho Hoàng đế, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.  Đức Giêsu không dùng miệng lưỡi mình để kết án họ, nhưng bắt chính họ phải tự tuyên án cho mình như có lời chép rằng: Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án (Mt 12, 37).

Sứ mạng của Đức Giêsu khi đến trần gian là sứ mạng tôn giáo, là đưa nhân loại về với Thiên Chúa chứ không phải là chính trị.  Chính Người đã từ chối làm vua, làm Messia đánh đông dẹp bắc theo mong đợi của người Do Thái.  Câu trả lời của Đức Giêsu làm nổi bật chân lý ấy.  Với sứ mạng tôn giáo, Đức Giêsu nhắc cho họ nghĩa vụ phải trở về với Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa những gì là của Thiên Chúa.  Những kẻ chất vấn muốn nhìn Đức Giêsu dưới gốc độ chính trị thì Người làm cho những kẻ có lập trường chính trị phải thấy Người là con người tôn giáo.

Một cuộc đối thoại giữa thần quyền và thế quyền, giữa Thiên Chúa và Xêda.  Cũng như sau này trong cuộc đối thoại với Philatô, Đức Giêsu trịnh trọng tuyên bố: Nước tôi không thuộc về thế gian này.  Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi sẽ chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này.  Qua lời tuyên bố này Đức Giêsu có vẻ như khẳng định vương quyền của mình, một vương quyền mà Philatô chưa có thể hiểu thấu.

Mối tranh chấp giữa thần quyền và thế quyền, giữa đạo và đời đã xảy ra từ thời Chúa Giêsu cũng như từ muôn thưở.  Đức Giêsu không muốn được coi như vị cứu tinh chính trị theo ý của người Do thái.  Người không đến để nắm lấy chính quyền, thống trị như một vị hoàng đế Xêda hay như vua Hêrôđê.  Trong thực tế Người phân biệt rõ thần quyền và thế quyền, tuy công nhận quyền hành chính trị như một điều tất nhiên nhưng Người tự đặt mình vào mức độ khác. Nước Trời mà Người đang rao giảng, đang thể hiện hoàn toàn khác biệt và không cạnh tranh với đế quốc của Xêda, vì Nước Trời là vương quốc trường tồn của Thiên Chúa dành cho tất cả, nơi đó không có áp chế, không có thống trị, chỉ có niềm vui, bình an và hạnh phúc miên trường.

Những gì của Xêda hãy trả cho Xêda.  Xêda là hiện thân cho một đế quốc hùng mạnh và giàu có của một thời lịch sử đã qua.  Xêda cũng còn là biểu tượng cho thế lực tiền bạc, tham vọng quyền bính và danh lợi dưới mọi hình thức trong xã hội ngày nay đối với mọi người.

Những gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.  Đức Giêsu đã khéo léo nhắc đến bổn phận của con người đối với Thiên Chúa.  Có cái gì ngoài Thiên Chúa mà lại không phải là thụ tạo của Ngài?  Phải trả cho Thiên Chúa những gì mang hình ảnh Ngài, những gì được khắc ghi tên Ngài trên đó.  Hình ảnh nổi bật nhất là con người (St 1, 26).  Toàn bộ con người mang dấu ấn Thiên Chúa và cả vũ trụ cũng tiềm tàng dấu ấn của Thiên Chúa.  Trả con người lại cho Thiên Chúa là dâng nó cho Ngài, là nhìn nhận chủ quyền của Ngài.  Trả vũ trụ trong lành cho Thiên Chúa cũng là trả lại cho con người món quà lớn lao mà Ngài đã trao tặng.

Mỗi người Kitô hữu luôn hãnh diện vì mang trong bản thân mình hình ảnh cao quý của Thiên Chúa và luôn sống phong cách của Ngài: quảng đại chia sẻ, yêu thương trao hiến, bao dung tha thứ, khiêm tốn phục vụ.  Được như thế, mỗi người chúng ta sẽ luôn làm cho hình ảnh Thiên Chúa ngày càng rõ nét trong cuộc đời mình.

LM Nguyễn Hữu An

HÃY ĐI KHẮP THẾ GIAN

ZZ“Hãy đi khắp thế giới, loan báo Tin Mừng…”

Lời Đức Giêsu mời gọi làm chúng ta nhức nhối.

Thế giới chẳng phải ở đâu xa.  Thế giới là quê hương tôi với gần 80 triệu dân.  Thế giới là những người tôi vẫn gặp, những nơi tôi vẫn sống.  Thế giới ấy, chân tôi chưa một lần đi hết, miệng tôi chưa một lần loan báo tin vui.

Tôi có lòng tin không?  Tôi có dám tin Lời Chúa không?  Chúa hứa cho những ai tin được khả năng trừ quỷ, nghĩa là giải phóng con người khỏi mọi hình thức nô lệ, khả năng chữa bệnh để xoa dịu nỗi đau của trần gian, khả năng nói những ngôn ngữ mới để đem lại hiệp nhất.

Các tông đồ đã tin và thấy Chúa cùng làm việc với mình.  Họ chẳng bao giờ cô đơn trên bước đường rao giảng.  Có nhiều cách loan Tin Mừng, nhiều cách truyền giáo.

Cách thứ nhất là bằng chính cuộc sống bản thân.  Nếu các Kitô hữu đều siêu thoát danh lợi, sống trung thực, thanh khiết, sống chung thủy, yêu thương…  Một Kitô hữu nghèo mà vui tươi, hạnh phúc, thì đó là một lời chứng đáng tin cậy.  Làm cho xã hội được tốt đẹp hơn, đó cũng là một cách loan báo Tin Mừng rất hiệu quả.  Kitô giáo phải góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và huynh đệ, công bằng và ấm no, nơi nhân phẩm của từng người được tôn trọng, nơi bóng tối của sự ích kỷ tàn nhẫn bị đẩy lui.

Mẹ Têrêxa Calcutta đã âm thầm loan báo Tin Mừng bằng những cử chỉ nhân ái với bao người cùng khổ.  Mẹ đã đi nhiều nơi trên thế giới để lập các cộng đoàn.  Còn thánh Têrêxa nhỏ đã truyền giáo tại chỗ bằng lời cầu nguyện và những hy sinh nhỏ bé.  Chị là nữ tu dòng Kín, sống trong bốn bức tường, nhưng lại được phong làm bổn mạng các xứ truyền giáo.  Chị đã đi khắp thế giới, không phải bằng đôi chân, nhưng bằng lòng ước ao của một trái tim cháy bỏng.

Phải sống sao để người ta thắc mắc, đặt câu hỏi.  Nhưng cũng phải sẵn sàng trình bày câu trả lời.  Dù bạn chẳng uyên thâm về giáo lý nhưng hãy bập bẹ nói về Chúa bằng kinh nghiệm của bạn.  Truyền giáo là giới thiệu cho người khác Đấng tôi đã quen.  Có thể người ấy đã biết Đấng này từ lâu rồi.

Anrê đã gọi Simon, Philipphê đã gọi Nathanaen đến gặp Chúa.  Cần tập đến với người khác như Đức Giêsu đã đến với người phụ nữ Samari.  Hãy xin nước uống, trước khi nói về Nước Hằng Sống.  Hãy tìm hiểu người đối diện trước khi loan báo Tin Mừng.  Chúng ta cần thấm nhuần văn hóa dân tộc thì mới biết cách nói về Chúa Cha cho đồng bào mình.  Nếu cả đời, mỗi Kitô hữu mời được một người theo đạo, thì nguyện ước của Đấng Phục Sinh được thành tựu.

Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con, nếu Hội Thánh được ví như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.  Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.  Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.  Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu, thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình…

Lạy Chúa Giêsu, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con, ơn gọi của con chính là tình yêu.  Con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội Thánh: Nơi Trái Tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu, và như thế con sẽ là tất cả, vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.  Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con, mọi ước mơ của con được thực hiện.

(dựa theo lời của thánh Têrêxa)

Trích trong “Manna”

KHÍA CẠNH NHÂN LOẠI NƠI THÁNH TÊRÊXA AVILA

Thánh Têrêxa Avila là một nhà chiêm niệm vĩ đại, đã đạt tới một trình độ thần hiệp rất cao và đã dựa vào kinh nghiệm thiêng liêng của mình viết nên những tác phẩm tu đức rất giá trị, đến nỗi đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tôn lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh ngày 27-9-1970.  Nhưng tôi không muốn nhấn mạnh khía cạnh cao siêu này vì không biết nhiều và cũng vì cảm thấy mình khó lòng noi theo.  Điều đánh động tôi hơn cả là khía cạnh con người nơi thánh nhân, chắc hẳn vì thấy “vừa tầm” với mình hơn.

  1. Không Bao Giờ Quá Muộn Để Trở Lại Với Chúa:

Trước tiên, tôi thấy thánh Têrêxa vào dòng Cát Minh ở Avila năm 1536 lúc 21 tuổi, nhưng trong suốt gần 20 năm dài, Bà đã sống đời tu một cách tầm thường, ươn ái như đa số các đồng bạn thời ấy, mặc dù Bà vẫn cố gắng phấn đấu để khỏi quá sa đà.  Mãi đến lúc đã ngoài 40 tuổi, Bà mới hoán cải và thực sự nghiêm chỉnh sống đời tận hiến cho Chúa.

ZZLà một nữ tu kín, nhưng Têrêxa lại rất thích tiếp xúc với bên ngoài, mất nhiều thời giờ cho những cuộc tiếp khách, trò chuyện vui vẻ, phù phiếm.  Bà nổi tiếng là rất có duyên, nói chuyện hay, thông minh, dí dỏm, nên giới quí tộc cả thành phố Avila không ngớt tìm đến gặp.  Năm tháng trôi qua, và cuộc sống Bà cũng cứ tà tà trôi qua như thế, tưởng chừng như không sao thay đổi được nữa.  Thật ra, thời gian 20 năm dài dặc ấy là 20 năm Bà “kéo co” với Chúa.  Về sau nhớ lại giai đoạn này, thánh Têrêxa đã viết :

“Một đàng, Thiên Chúa mời gọi tôi, đàng khác tôi lại đi theo thế gian.  Tất cả mọi sự thuộc về Chúa đều làm tôi hài lòng, nhưng các sự thế gian lại ràng buộc tôi.  Có thể nói: Tôi muốn dung hoà hai thái cực này, muốn kéo hai kẻ thù này xích lại gần nhau, đó là đời sống thiêng liêng theo Thần Khí và những vui thú, tiêu khiển xác thịt”.

Cuộc chiến đấu dằng co ấy kéo dài đến lúc Têrêxa ngoài 40 tuổi, và cuối cùng ơn Chúa đã toàn thắng.

Đọc giai đoạn đầu cuộc đời tu của thánh nữ Têrêxa, tôi thấy Chúa thật là kiên nhẫn.  Người kiên nhẫn với những tập thể lớn như một dân tộc, một hội dòng, đến những tập thể nhỏ hơn như một giáo xứ, một cộng đoàn tu trì, một gia đình, và cả với từng cá nhân chúng ta nữa.  Chúa chấp nhận chơi trò chơi kéo co với ta tuy Người là Đấng toàn năng, bởi vì Người tôn trọng tự do của ta; nói là kéo co, nhưng thật ra Người mời gọi, nài nỉ chúng ta đi theo Người thay vì dùng sức mạnh áp đảo chúng ta.

Truyện thánh Têrêxa cũng gợi cho tôi ý nghĩ rằng không bao giờ quá muộn để hoán cải.  Thánh Augustino trở lại vào khoảng 30 tuổi, chưa lấy gì làm già lắm.  Thế mà Ngài đã hối hận: “Lạy Chúa, con biết Chúa quá muộn!”  Còn thánh Phanxicô Assisi đến khi gần chết vẫn còn nói với anh em: “Anh em ơi, ta hãy bắt đầu lại phụng sự Chúa vì cho tới nay, ta chưa làm được gì đáng kể”.

  1. Một Con Người Thực Tế:

Điểm thứ hai đánh động tôi: Thánh Têrêxa là bậc chiêm niệm cao cả, nhưng không sống trên mây gió, ngoài thực tế, trái lại bà thực tế cách lạ lùng.  Cuộc đời Bà không thiếu những sự kiện chứng minh.

Trong vòng 20 năm, Bà đã lập ra 17 nhà dòng cải cách theo Luật nguyên thủy nhiệm nhặt.  Đó hoàn toàn không phải là việc của một người ngây thơ, mơ mộng.  Nào là xin phép, nào là chọn địa điểm, vẽ đồ án, mua bán, giám sát công việc, rồi còn xếp đặt, tổ chức.  Chưa kể phải chạy tiền nữa – một việc không nhỏ.  Lúc này là lúc Bà trổ tài “ngoại giao”, sự lịch lãm và cả duyên dáng của mình!

Bà quan tâm tới từng chi tiết nhỏ nhặt nhất.  Chỗ này nên đặt một cái bình lọc nuớc để chị em có nước trong mà uống, chỗ kia nên dùng những cái vại đất đựng nước để giữ cho nước mát mẻ.  Cái lò nấu ăn tốn củi quá, thì phải dẹp đi, liệu cách khác.

Thánh Têrêxa thực tế không những trong các vấn đề vật chất mà cả trong quan niệm tu trì nữa.  Không bao giờ Bà là nạn nhân của ảo tưởng.  Bà nói: “Chúng ta không phải là thiên thần”.  Bà khuyên các chị bị kích động thần kinh nên ăn cá, còn những chị thiếu máu cứ đinh ninh mình có thị kiến cao siêu, thì nên ăn thịt.  “Nên săn sóc mình một chút còn hơn là để mình bị đau”, Bà bảo thế.  Bà ấn định các chị em phải cắt tóc ngắn không vì lý do hãm mình, những để khỏi mất thì giờ chải chuốt…..

Một vị đại thánh mà lại bình thường như mọi người, như thế mới thật là hay.

  1. Một Vị Thánh Rất Quân Bình Và Rất Người:

Cuộc đời Thánh Têrêxa chứng minh rằng ân sủng không huỷ diệt tự nhiên, nhưng nâng cao tự nhiên lên.  Bà đã đi đến với Chúa với tất cả con người mình.  Bà không bỏ mất chút gì trong những đức tính trời phú bẩm cho: Trí thông minh, lòng cương nghị, sự tế nhị và can đảm.  Dù đạt tới độ kết hợp với Chúa phi thường, Bà vẫn là một người phụ nữ dễ thương.  Bà đã thuyết phục được phe chống đối đường lối cải cách của mình nhờ ơn Chúa và sự thánh thiện đã đành, nhưng cũng nhờ tính tình tự nhiên, tế nhị, dễ thương, khéo léo.  Tôi thích những mẫu chuyện nho nhỏ người ta hay kể về Thánh nữ nói lên óc hài hước của Bà.

Bà nói với chị em: “Trong đời mẹ, người ta chỉ thực sự vu khống mẹ có ba lần, và lần thứ nhất là khi mẹ còn trẻ, người ta nói mẹ đẹp”.  Một chị được bàu làm bề trên, nhưng có lẽ do hiểu đức khiêm nhường không đúng cách nên không muốn nhận chức, thánh Têrêxa đã dí dỏm nói: “Chẳng sao cả, con bất xứng mẹ biết rồi, nhưng rế rách cũng vẫn đỡ nóng tay mà”.

Người ta nói đùa trong các nhà dòng chúng ta: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con nhiều vị thánh, nhưng xin đừng cho nhà dòng con vị thánh nào cả”.  Ngụ ý: Sống với các thánh khó lắm, họ thường kỳ quặc, khó tánh, lập dị (?).  Nhưng những ai nghĩ rằng phải hủy diệt con người tự nhiên bình thường và lành mạnh của mình mới nên thánh, người ấy lầm to.  Thiên Chúa đã nhập thể làm người, đảm nhận lấy trọn vẹn thân phận con người chúng ta.  Có lần Thánh nữ khuyên chị em: “Các con chớ buồn vì đức vâng lời buộc các con phải quan tâm tới những sự vật bên ngoài.  Nếu làm bếp, các con nên biết rằng Chúa ở ngay giữa nồi niêu xoong chảo”.

Đời sống đạo đức của thánh Têrêxa là một nền đạo đức nhập thể.

  1. Hoạt Động Và Chiêm Niệm Gắn Bó Với Nhau:

Điều vừa nói đưa tôi đến một điểm chót mà tôi muốn chia sẻ:  Chiêm niệm và hoạt động không đối nghịch nhau, nhưng gắn bó chặt chẽ với nhau.  Một người đàn bà ngồi trên xe bò đi đây đi đó, phải đối phó với đủ mọi thứ chống đối và nghịch cảnh để lập ra 17 nhà dòng trong vòng 20 năm: Ai “hoạt động” hơn Têrêxa?  Thế mà đồng thời ai nói tới đời sống chiêm niệm, đời sống thần bí mà lại có thể bỏ qua vị thánh này được?  Bà là gương mẫu và bậc thầy hàng đầu trong lãnh vực này.  Đối với những tâm hồn đã để cho Chúa chiếm đoạt, đã dành trọn tình yêu cho Chúa như Thánh nữ, thì không còn phân chia hoạt động và chiêm niệm cách gò bó, giả tạo nữa.  Tình yêu Chúa là nam châm thu hút tất cả, tập trung tất cả.  Họ tràn ngập thiên Chúa như người hôn phu tràn ngập hình ảnh người hôn thê yêu dấu.  Bởi thế, dù là hoạt dộng hay cầu nguyện, dù là nói năng hay im lặng, họ luôn luôn được tình yêu chi phối.  Thánh Têrêxa vừa là Matta vừa là Maria.

Trong Giáo Hội có những người sống cuộc đời chuyên lo chiêm niệm, với những điều kiện thuận lợi cho việc cầu nguyện, hy sinh hãm mình, tìm kiếm Chúa và kết hiệp với Người.  Nhưng điều đó không có nghĩa là những kẻ ấy đương nhiên đã là những nhà chiêm niệm rồi và những nguời khác không phải và không thể chiêm niệm được.   Chiêm niệm, trước hết là một thái độ tâm hồn.  Xét về nếp sống bên ngoài thì quả thực thánh Têrêxa hơi kỳ quặc.  Một nữ tu kín mà “đi lang thang”, cho dù để làm việc cải tổ lại dòng Cát Minh, dù sao cũng là một ngoại lệ.  Nhưng vì Bà là một tâm hồn đã được Chúa làm chủ hoàn toàn, nên đi đây đi đó, Bà vẫn là một nhà chiêm niệm thực thụ.  Tâm hồn Bà luôn luôn qui hướng về với Chúa, gắn chặt mọi sự vào với Chúa, nhìn mọi sự trong kế hoạch của Người và tìm kiếm cái bền vững trong cái hay đổi thay.

Vậy chiêm niệm không dành riêng cho một số tu sĩ ở trong nhà dòng, nhưng hết mọi người Kitô hữu đều được mời gọi chiêm niệm (theo nghĩa đã mô tả trên đây).  Đời sống người Kitô hữu đã được ẩn dấu cùng với Đức Kitô trong Thiên Chúa, và cùng đích của người đi tu cũng như kẻ ở đời đều như nhau, đó là trực tiếp nhìn ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi trong cõi hồng phúc đời đời.  Nhưng sự chiêm ngắm hòng phúc ấy không phải là cái gì đột xuất mà một ngày nào đó, sau cuộc sống trần gian, chúng ta sẽ bỗng chốc được Chúa ban cho.  Trái lại ngay bây giờ chúng ta cũng đã bắt đầu được nếm cảm, dĩ nhiên một cách lờ mờ và thường là thoáng qua.  Nói cho cùng, cuộc sống Kitô hữu ở trần gian là một cuộc thực tập cho sự chiêm ngắm Thiên Chúa tỏ tường và vĩnh cữu mai sau.  Một cách nào đó có thể nói Bà đã đem lý tưởng chiêm ngưỡng xuống gần với mọi người, mọi bậc sống.

LM Nguyễn Hồng giáo
Trích: Nguyễn Hồng Giáo, Đạo trong Đời, Học viện Phanxicô, SG 2005
 

NIỀM TIN TRÊN MẶT ĐẤT

Câu chuyện Cây Biết Cho Đi của tác giả Shel Silverstein viết vào thập niên sáu mươi, nói về tương quan giữa một cậu bé và cái cây.  Lúc còn nhỏ, cuộc sống của cậu bé được quây quần bên cây và cậu rất hài lòng, và cây rất thương cậu bé.

Cậu lấy lá làm vương miện, hái trái ăn, và đu đưa trên cành cây lúc chiều về.  Khi cậu bé lớn lên, cây và những gì nó có không có đủ để thoả mãn những ước muốn của cậu và cậu bắt đầu xa dần nó.  Thế nhưng, ngày này qua tháng nọ cây vẫn lặng yên đợi chờ, và rất vui khi thấy cậu trở về.  Nhưng lần trở về ấy, cậu chỉ  muốn có tiền để mua những thứ khác có thể làm cho cậu vui hơn.  Cây thú thật với cậu là nó không có tiền nhưng chỉ có trái, cậu có thể hái trái mang đi bán.  Cậu đã làm như thế và cây rất vui khi nó giúp cậu.  Khi hái hết trái và bán lấy tiền, cậu bé lại vắng bóng một thời gian dài và lần nữa cây đứng đó lẻ loi một mình chờ cậu.

Một hôm, cậu bé ngày nào giờ đây đã trưởng thành trở về.  Cây rất vui và muốn cậu trèo lên cây và vui với nó như ngày nào.  Nhưng cậu nói không thích trèo cây vì bây giờ cậu đã lớn, nhưng cậu muốn lập gia đình và muốn có một ngôi nhà.  Cây lại một lần nữa thú thật rằng nó không có nhà, nhưng cậu có thể cắt những cành cây để mà dựng nhà.  Cậu đã làm như thế, và cây rất vui khi nó giúp được cậu.  Lại một lần nữa, cậu ra đi một thời gian dài.  Một hôm cậu bé ngày nào bây giờ đã thành một người đứng tuổi trở về.  Cây rất vui và thầm thì với cậu hãy đến và vui chơi với nó như ngày nào.  Cậu nói bây giờ cậu đã già rồi và cậu chỉ cần một chiếc xuồng để đưa cậu đi xa thật xa để quên hết tất cả.  Cây nói nó không có xuồng để đưa cậu đi nhưng cậu có thể đốn thân cây của nó để làm xuồng, và cậu đã làm như thế.  Cây lần này cảm thấy buồn nhưng vẫn vui khi được giúp cậu bé.

Ngày qua tháng lại, cây ngày nào bây giờ chỉ còn lại gốc, nhưng nó vẫn đứng chờ cậu bé ngày xưa.  Sau một thời gian dài, cậu bé ngày nào bây giờ đã trở thành một ông lão gần đất xa trời và trở về bên cây.  Cây rất vui khi thấy cậu trở về và nó thầm thì với cậu bây giờ thì nó chẳng còn lá cho cậu làm vương miện, cũng chẳng có trái cho cậu ăn, và thân cây cũng chẳng còn để cho cậu leo trèo.  Cậu bé trả lời bây giờ cậu mệt mỏi lắm và cũng chẳng còn sức để trèo và cũng chẳng có thú để lấy lá làm vương miện.  Cậu không còn muốn gì nữa nhưng chỉ muốn có một chỗ để được nghỉ ngơi.  Cây bây giờ chỉ còn lại gốc, vươn mình ngồi dậy và nói với cậu bé, “Lại đây con trai, ngồi và nghỉ ngơi.”  Thế là cậu bé ngồi trên gốc cây và nghỉ ngơi.  Cây rất vui khi nó có thể cho cậu những gì cậu cần, và bây giờ nó được ở bên cậu và cậu được ở bên nó như thuở nào.

Câu chuyện giữa cây và cậu bé có lẽ khơi dậy trong ta hình ảnh của một tương quan quen thuộc giữa con người với Thiên Chúa.  Cây tượng trưng cho Chúa Giêsu đang ngự trong ngôi thánh đường luôn giang tay chờ đón tất cả các con cái của Ngài, và mỗi một người chúng ta là cậu bé nọ.  Khi còn nhỏ, chúng ta biết đi cùng cha mẹ đến với ngôi giáo đường hàng tuần để dâng lễ, học giáo lý, hoặc sinh hoạt trong các đoàn thể.  Chúng ta biết vui đùa với bạn bè và tham gia vào những ngày vui của cộng đoàn và giáo xứ, chẳng hạn như Tết, Trung Thu và Lễ Tạ Ơn.  Chúa Giêsu rất vui khi chúng ta biết tìm đến niềm vui trong Ngài và quây quần trong lòng Giáo Hội nơi mà Ngài đã lập để nuôi dưỡng chúng ta. Nhưng khi chúng ta lớn lên và bắt đầu biết lái xe, có tự do đi đây đi đó, niềm vui thuở bé ở ngôi thánh đường bây giờ chẳng còn đủ thể thu hút những sở thích riêng tư đang réo gọi.  Thế là chúng ta để mặc Chúa Giêsu giang tay chờ đợi.  Một tuần chỉ một giờ thôi, chúng ta cũng chẳng buồn để đến.  Thế nhưng Chúa vẫn một mực yêu thương chờ đợi.

Khi tiền đã cạn thì niềm vui cũng dần tan biến, chúng ta trở lại với ngôi thánh đường quen thuộc và nhìn vào cây thập tự quen thuộc ngày nào cùng ta lớn lên, và một lần nữa chúng ta tìm lại được tổ ấm ngày xưa, nhưng lòng thì vẫn còn thao thức chưa nguôi với bao nhiêu vui thú đang đợi chờ bên ngoài. Chúng ta ngồi đó tâm sự với Chúa xin Ngài thấu hiểu hoàn cảnh và tâm can của mình.  Chúa lắng nghe và hiểu.  Vì thương nên Ngài ban cho ta những gì ta cần, và cũng mong ta đến bên Ngài thường xuyên hơn.  Thế nhưng quyến rũ bên ngoài có sức mạnh lôi kéo ta đến đỗi chúng ta không có đủ can đảm để bỏ chúng mà đến với Chúa Giêsu trong ngôi thánh đường dù chỉ là một tiếng mỗi tuần.  Nhưng Chúa Giêsu trên cây thập giá vẫn một mực yêu thương chờ đợi vì Ngài biết chúng ta sẽ trở lại.

ZZKhi tuổi tác đã cao niên và sức đã cạn, chúng ta lại tìm đến với Ngài nơi ngôi thánh đường trong những bước chân run rẩy.  Ngôi thánh đường xưa nay nhìn sao như mờ đi.  Chúa Giêsu vẫn dang tay chờ đón, nhưng khuôn mặt của Ngài và những vết máu trên năm dấu đanh nay chẳng còn rõ nét.  Tuy nhiên, điều đó không quan trọng vì hình ảnh của ngôi thánh đường và khuôn mặt quen thuộc của Chúa Giêsu đã được in đậm trong con tim của chúng ta rồi.  Như cậu bé kia, chúng ta nay chỉ muốn nghỉ ngơi trong Chúa, và Chúa vẫy tay mời gọi ta ngồi cạnh và Ngài ôn tồn nói: “Con trai, con gái của Cha, hãy ngồi bên cạnh Cha mà nghỉ ngơi.”

Mặc dầu lắm lúc chúng ta xa Chúa khi quyến rũ bên ngoài réo gọi nhưng niềm tin và nỗi nhớ về ngôi thánh đường và cây Thập Tự luôn là một cái gì đó mà chúng ta vẫn nuôi giữ nó trong tâm hồn.  Khi chuyện đời không như ta muốn, chúng ta lại chạy đến Chúa Giêsu với hai hàng nước mắt và một tâm hồn thống hối . Ngài dịu dàng xoa hết nỗi đau và ban cho chúng ta những điều cần thiết để ta vững bước trên con đường đời.  Cuộc đời có nhiều bon chen và quyến rũ.  Điều mỗi người chúng ta cần ghi nhớ là không có gì có thể tách ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.  Vì thế, chúng ta nên xin ơn để sống trọn và trở lại bên Chúa Giêsu, người luôn mong đợi ta từng giây phút, vì tình yêu Ngài dành cho ta là một tình yêu chân thật vĩnh viễn.

Mong sao chúng ta luôn biết đến với Chúa Giêsu qua cầu nguyện và các phép Bí Tích thường xuyên hơn.  Chúng ta xin ơn để được nhớ đến Ngài khi mọi người như muốn bỏ rơi chúng ta và biết vững tin đủ để xin những điều cần thiết, không chỉ cho phần xác nhưng còn cho phần hồn nữa.  Hãy đặt niềm tin trong Đấng đã cho chúng ta tất cả, vì đó là điều mà Chúa Giêsu mong đợi khi Ngài nói: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Luca 18:8).

Củ Khoai