TIỆC CƯỚI ĐÃ SẴN SÀNG

Dụ ngôn hôm nay nói về một tình yêu bị từ chối.
Chẳng có gì long trọng và tưng bừng cho bằng tiệc cưới của hoàng tử.
Tiệc cưới này do chính nhà vua khoản đãi với sự chuẩn bị chu đáo.
Vua đã mời các quan khách từ trước, và còn mời nhiều lần sau đó.
Trước những lời mời trân trọng của nhà vua, họ đã chối từ.
Thái độ của quan khách thật không sao hiểu nổi.
Họ chẳng sợ xúc phạm đến nhà vua khi coi chuyện đi buôn và chăn nuôi
quan trọng hơn chuyện dự tiệc cưới hoàng tử (c. 5).
Thậm chí có kẻ còn bắt các đầy tớ, hành hạ và giết đi (c. 6).
Những khách quý bây giờ trở thành kẻ sát nhân.
Họ sẽ phải chịu cơn thịnh nộ ghê gớm của nhà vua về sự xúc phạm đó.
Như thế tiệc cưới cho hoàng tử sẽ đi về đâu?
Ai là người sẽ được mời tiếp theo, khi những người trước tỏ ra bất xứng?
Nhà vua đã đưa ra một quyết định rất bất ngờ.
“Hãy đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (c. 9).
Như thế phòng tiệc bây giờ vẫn đầy người được mời, có cả tốt lẫn xấu.
Dụ ngôn trên đây lại được kết nối với một dụ ngôn khác.
Chúng ta ngạc nhiên khi thấy nhà vua đi vào phòng tiệc
để quan sát cách ăn mặc của những vị khách đến từ đường phố (c. 11).
Có người không mặc y phục lễ cưới và đã bị trừng phạt nặng nề (c. 13).
Tại sao lại phạt anh, khi anh bất ngờ được đưa vào ăn cưới?
Nhưng đừng quên các người khác đều mang y phục lễ cưới đầy đủ,
nên anh chẳng nói được gì để tự biện minh (c. 12).
Lịch sự với Thiên Chúa là điều ta dễ quên.
Ngài vẫn trân trọng mời ta dự tiệc chung vui với Ngài, với Con của Ngài.
“Mọi sự đã sẵn, mời quý vị đến dự tiệc cưới” (c. 4).
Đối với Ngài, sự hiện diện của chúng ta đem lại niềm vui lớn.
Khi đa số dân Do-thái, những khách quý được mời trước, từ chối Ngài,
Ngài đã không muốn phòng tiệc bị trống, tiệc cưới bị đình hoãn.
Thiên Chúa chấp nhận mở cửa phòng tiệc cho mọi người.
Họ đến từ muôn phương, có người tốt người xấu, để làm nên Giáo hội.
Giáo hội gồm những người được mời và được gọi một cách nhưng không.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần lịch sự với Thiên Chúa, người chủ tiệc,
cần mặc y phục lễ cưới một cách đàng hoàng.
Y phục ấy chính là một đời sống nghiêm túc theo giáo huấn của Đức Giêsu.
Các kitô hữu chúng ta đã được ngồi trong phòng tiệc của Thiên Chúa.
Chúng ta đã được mời và được gọi để sống trong Giáo hội,
nhưng chưa chắc chúng ta nằm trong số những người được tuyển chọn.
Số người được chọn bao giờ cũng ít hơn số người được gọi.
Để vào số những người được chọn, chúng ta phải biết trân trọng ơn ban.
Có khi chúng ta cũng coi chuyện buôn bán làm ăn của mình
quan trọng hơn những lời mời khẩn thiết đến từ Thiên Chúa.
Làm thế nào để chúng ta giữ được ơn cứu độ Chúa đang ban hôm nay?

**************************************ZZ

Lạy Chúa Giêsu,

xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên.  Amen.

LM Antôn Nguyễn Cao Siêu

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA ĐỨC MARIA

Khi nhìn ngắm các tượng ảnh Đức Mẹ, ta dễ có cảm tưởng rằng Đức Mẹ đã sống một đời bình an thư thái.  Vì các nghệ nhân thường tạo ra những hình ảnh về Đức Mẹ đẹp đẽ, hiền từ, dường như siêu thoát mọi cảnh khổ đau ở trần gian.  Khi ngợi ca Đức Mẹ là tuyệt mỹ, đầy ơn phúc, vô nhiễm nguyên tội, ta thường nghĩ rằng: Đức Mẹ đã được tạo dựng đặc biệt, hoàn hảo ngay từ đầu, thánh thiện từ khi sinh ra và mãi mãi là như thế, không tiến, không lùi, đẹp như một pho tượng đúc sẵn.

Nhưng nếu đọc Phúc Âm kỹ lưỡng, ta sẽ thấy hành trình đức tin của Mẹ không phải luôn luôn bằng phẳng, êm xuôi, dễ dàng.  Vì yêu thương, Thiên Chúa đã thanh luyện Mẹ, uốn nắn Mẹ.  Và vì thế đã để Mẹ trải qua những kinh nghiệm đớn đau khi tin nhận và bước theo Chúa.

ZZCuộc thanh luyện thứ nhất: Thiên Chúa mời gọi Mẹ bỏ chương trình riêng để sống theo chương trình của Thiên Chúa.  Maria, một thôn nữ bình dị sống thầm lặng trong một làng quê nhỏ bé.  Cô muốn cuộc đời mãi mãi bình thản êm xuôi như thế.  Nhưng Thiên Chúa đã đến khuấy động đời cô.  Khi đề nghị Maria làm mẹ, Thiên Chúa đã mở ra trước mặt cô một lý tưởng cao đẹp, nhưng cũng đầy gian khổ chông gai.  Maria đã ngoan ngoãn thưa “Xin vâng.”  Lời thưa “xin vâng” của Maria làm ta nhớ đến tổ phụ Abraham.  Như Abraham đã từ bỏ quê hương, gia đình đi vào một tương lai bấp bênh theo tiếng Chúa mời gọi, Maria cũng đã từ bỏ chương trình riêng trong nếp sống bình dị, để đi vào chương trình của Thiên Chúa trong một tương lai bất ổn, hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa.

Cuộc thanh luyện thứ hai: Thiên Chúa gửi đến cho Đức Mẹ nhiều đau khổ.  Vì nhận lời làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria phải gánh chịu nhiều đau khổ.

Đau khổ thứ nhất là bị Giuse nghi ngờ.  Làm sao giải thích cho Giuse hiểu.  Làm sao tránh được búa rìu dư luận.  Không những bị nghi ngờ, mà còn nguy hiểm đến tính mạng nữa.  Thời ấy, những cô gái chửa hoang sẽ bị ném đá cho đến chết.  Nhưng vững tin vào Thiên Chúa, Đức Maria đã để mặc Thiên Chúa lo liệu dàn xếp mọi chuyện.  Ngài chỉ biết cúi đầu, thinh lặng vâng phục và phó thác.

Đau khổ thứ hai là Đức Maria đã sinh hạ Chúa Giêsu trong cảnh cơ bần: Không nhà cửa, không giường chiếu, không mùng mền.  Thiếu thốn mọi phương tiện.  Chung số phận với súc vật.

Đau khổ thứ ba là bị vua Hêrôđê tìm giết nên phải trốn sang Ai Cập.  Con trẻ sơ sinh yếu ớt.  Sản phụ chưa được nghỉ ngơi lại sức đã phải đi lên đường trốn chạy.  Tuy nhiên, nỗi cực nhọc phần xác không sánh được với nỗi đau đớn trong tâm hồn: Tại sao lại mang lấy thân phận tội đồ?  Tại sao lại bị người đời thù ghét, săn đuổi?

Đối diện với những đau đớn ấy, chắc chắn niềm tin của Đức Maria phải lung lay, nghi hoặc:  Con Thiên Chúa mà phải chịu nghèo khổ, khốn cùng đến thế sao?  Tuy có chao đảo, nhưng Đức Maria vẫn phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa.

Cuộc thanh luyện thứ ba: Đức Maria bị dứt lìa khỏi Chúa Giêsu.  Niềm vui và hạnh phúc của người mẹ là đứa con, nhất là con một.  Con là tất cả của mẹ.  Con quý giá hơn chính mạng sống của mẹ.  Tách con ra khỏi mẹ khác nào lấy gươm đâm vào tim mẹ.  Thế mà Chúa Giêsu đã tách lìa Đức Maria rất sớm.  Phúc Âm ghi lại hai lần Chúa Giêsu từ chối Đức Mẹ.

Lần thứ nhất: Khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, cả nhà đi lên Giêrusalem dự lễ.  Tan lễ, Chúa Giêsu đã tự tiện ở lại, để thánh Giuse và Đức Maria đi tìm mất ba ngày.  Trong ba ngày đó, Đức Maria đã trải qua biết bao lo âu, sợ hãi, đau đớn, cực nhọc.  Vậy mà khi gặp cha mẹ, Chúa Giêsu đã nói: “Cha mẹ tìm con làm gì.  Cha mẹ không biết con phải lo việc cho Cha con ư?”  Lời này khiến cho Đức Maria buồn phiền không ít vì thấy đứa con từ nay thoát khỏi vòng tay của Mẹ.

Lần thứ hai: Khi Chúa Giêsu đi rao giảng, Đức Maria và mấy người bà con đến tìm Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu không ra tiếp, lại còn nói những lời như chối từ liên hệ huyết thống: “Kẻ nghe lời Cha ta và thực hành, người ấy là anh chị em và là Mẹ ta”.

Những lời nói và thái độ của Chúa Giêsu như thế chắc chắn khiến cho Đức Maria buồn phiền. Nhưng những lời nói và thái độ ấy cũng giúp thanh luyện Đức Maria khỏi những tình cảm riêng tư, những liên hệ sinh học tự nhiên để bước vào tình yêu rộng lớn của Thiên Chúa và tạo lập những dây liên hệ siêu nhiên với Ngài.

Cuộc thanh luyện cuối cùng: Đức Maria phải chứng kiến cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá.  Còn gì buồn hơn khi mẹ mất con.  Còn gì đau đớn hơn khi mẹ thấy con chết đau đớn, tủi nhục giữa tuổi thanh xuân.  Ở đây ta cũng nhớ lại tổ phụ Abraham.  Để thử thách ông, Thiên Chúa đã truyền cho ông sát tế Isaác, đứa con trai duy nhất.  Đức Maria cũng được mời gọi hy sinh người con duy nhất của mình.  Đau đớn hơn tổ phụ Abraham vì Đức Maria phải chứng kiến hy lễ đó hoàn tất.  Khi mọi người trốn chạy, chối bỏ Chúa Giêsu, Đức Maria vẫn ở lại dưới chân cây thập giá đau nỗi đau của Chúa Giêsu, nhục nỗi nhục của Chúa Giêsu.  Và khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng thì Đức Maria như bị mất tất cả, bị tước đoạt tất cả những gì yêu quý nhất.  Đứng dưới chân thánh giá, Đức Maria trở nên một người nghèo nhất.  Mẹ chẳng còn gì cho riêng mình.  Chẳng còn điểm tựa nào để bám víu, Mẹ chỉ còn biết phó thác trông cậy vào Thiên Chúa.

Như vậy Thiên Chúa đã dẫn đưa Đức Maria từ bỏ chương trình riêng tư, từ bỏ chính mình, từ bỏ những gì thân thiết nhất của mình, để đi vào chương trình của Thiên Chúa, để trọn vẹn phó thác cho Thiên Chúa.

Ngày nay khi lần chuỗi Mân Côi là ta ôn lại hành trình đức tin của Mẹ.  Hành trình đầy thử thách gian khổ nhưng cũng đầy chiến thắng vinh quang.

Xưa kia lễ Mân Côi được mừng để kỷ niệm cuộc thắng trận ở Lepante.  Ngày nay, khi mừng lễ Mân Côi ta mừng Đức Mẹ Maria đã chiến thắng chính bản thân, đã vượt qua hết những thử thách và đạt tới đích điểm của hành trình đức tin.

Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết noi gương Mẹ, biết từ bỏ ý riêng mình để thực hiện ý Thiên Chúa. Xin giúp con can đảm vượt qua mọi thử thách và giữ vững niềm tin tưởng phó thác trong tay Chúa.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

THÁNH PHANXICÔ ASSISI, SỨ GIẢ HÒA BÌNH

Ngày 04-10 hàng năm, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được nhắc nhớ, yêu mến và tôn kính nhiều nhất, đó là Thánh Phanxicô Assisi, vị sứ giả hoà bình.  Cuộc sống của ngài thật đơn sơ thanh thoát, sống hòa bình, thực thi hòa giải, đã trở thành lý tưởng cho con người của mọi thời đại.ZZ

  1. Thánh Phanxicô chọn nếp sống nghèo khó

Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi phía bắc Rôma.  Cha của ngài là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len dạ.  Mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức.  Cậu Phanxicô rất hào hoa, lại được gia đình giàu có nuông chiều, nên mặc sức ăn chơi phung phí.  Mộng công danh thôi thúc, Phanxicô theo bá tước Gauthie de Brienneur đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi.  Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương.  Lần này, tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất hết ý nghĩa.  Thế rồi Phanxicô đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn.  Một hôm, lúc đang cầu nguyện trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé, Phanxicô nghe tiếng Chúa phán ra từ cây Thánh Giá: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của ta đang đổ nát!”  Phanxicô hiểu câu nói này cách nông cạn, nên tình nguyện đi xin từng viên đá đem về sửa lại các Nhà thờ cạnh Assisi.  Trong hai năm, ngài đi hành khất, sống ẩn dật và sửa sang ba nhà thờ đổ nát trong miền Assisi: Nhà thờ Thánh Đamianô, nhà thờ Thánh Phêrô và nhà thờ Đức Bà Porziuncula.  Phanxicô chưa hiểu rằng, ngôi đền thờ mà Chúa muốn nói chính là Hội Thánh.

Ngày 24-2-1208, đang dự lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng… Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy…” (Mt 10, 10).   Phanxicô nhận ra tiếng gọi của Chúa, nên quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường Thập Giá (Mt 19, 21 ; Lc 9, 1-6 ; Mt 16, 24).   Phanxicô công khai từ bỏ cha ruột của mình để thuộc trọn về Chúa.  Ngài từ bỏ những cuộc vui chơi tiệc tùng với bạn bè để đi giúp những người phung cùi, những kẻ vô gia cư và những người bị xã hội khai trừ.  Với tình yêu sự khó nghèo, Phanxicô yêu những người nghèo, những bệnh nhân.  Ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ.  Ngài chỉ muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ.

Lối sống của ngài thu hút trước tiên hai anh bạn đồng hương: Anh Bernađô Cantavalê giàu có và anh Phêrô Catanê, nhà giáo luật.  Tiếp đó có 9 anh khác nhập đoàn.  Họ trở thành 12 “người đền tội” và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định.  Lúc đầu Phanxicô soạn một ít quy luật sống và đã được Đức Giáo Hoàng Innôxentê III chấp thuận bằng miệng; cuối cùng, ngài viết ra bản Luật Dòng Anh em Hèn mọn và đã được Đức Giáo Hoàng Hônôriô III phê chuẩn năm 1223 bằng sắc dụ.

Phanxicô bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng.  Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội.  Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tàu và đau nặng.  Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.

Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng.  Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài. Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, “Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần.”  Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô.  Ngài qua đời vào tối ngày 3-10-1226.  Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16-7-1228.

  1. Thánh Phanxicô được nhận Năm Dấu Thánh

“Sáng tinh sương ngày 14 tháng 9 năm 1224, tức là ngày lễ Suy tôn Thánh giá, trên đỉnh Alverna đã xảy ra một phép lạ tân kỳ.  Lúc mặt trời gần dãi lên nền trời những tia sáng vàng tươi, Phanxicô quì tựa lưng vào một tảng đá, hướng về phương đông, mắt tuôn đôi hàng lệ, ngài than thở: “Lạy Chúa, trước lúc qua khỏi đời này, con chỉ xin Chúa ban cho con hai ơn: Một là, xin Chúa cho tâm hồn cũng như thể xác con cảm thông hết nỗi đau đến thê thảm Chúa chịu trong giờ tử nạn; hai là, xưa kia khi Chúa tử nạn, Chúa yêu loài người tội lỗi chúng con đến độ nào, thì xin cho lòng con cũng được yêu Chúa đến độ ấy.”  Bỗng vụt như làn chớp, một thiên thần Chí ái tự trời bay xuống.  Sáu cánh chói loà.  Hai cánh phủ đầu, hai cánh dương bay và hai cánh khép che toàn thân.  Thiên thần hiện xuống đứng trên phiến đá, rõ hình một người chịu đóng đinh vào thánh giá.  Thiên thần ấy chính là Chúa Giêsu tử nạn, mặc hình người hiện đến với Phanxicô.  Ngài nhìn Phanxicô, đôi mắt như thiết tha, như thiêu cháy cả tâm hồn rồi vụt biến.  Phanxicô quỵ xuống, ngất đi.  Khi bừng tỉnh dậy, ngài thấy tay chân đã bị đinh đóng thâu qua.  Đầu đinh tròn và đen nổi rõ giữa lòng bàn tay và trên mặt bàn chân.  Đinh đóng thâu qua tay chân, mũi đinh quắp lại trên lưng bàn tay và giữa gan bàn chân.  Ngực bên phải, cạnh trái tim, dấu một lưỡi đòng đâm qua còn nguyên nét, máu chảy rìn rịt thấm ướt đến tận lớp áo ngoài.”

Phép lạ Năm Dấu là lời đáp trả ân cần của Chúa cho bao nỗi khao khát và bao nỗ lực của Phanxicô để được nên giống với Người trong cuộc thương khó.

Nhìn lên huy hiệu và khẩu hiệu của Dòng Anh Em Hèn Mọn, người ta có thể biết phần nào nền linh đạo Phan sinh.  Khẩu hiệu đó là: Caritas (Tình yêu) và huy hiệu là một thập giá với hai cánh tay bắc chéo nhau, một của Chúa Kitô và một của Thánh Phanxicô sau ngày lãnh Năm Dấu.  Nghèo khó, khiêm hạ, phục vụ vô điều kiện, yêu mến cách riêng những người nghèo khổ bé mọn … là hậu quả tất nhiên của việc thường xuyên chiêm ngưỡng thánh giá và lòng yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh. (Lm Nguyễn Hồng Giáo. ofm)

  1. Phanxicô, sứ giả hoà bình

Khi thánh Phanxicô cư ngụ tại Agodio, có một con chó sói hung dữ đã xuất hiện, quấy nhiễu và gieo rắc tai họa cho mọi người.  Mỗi lần đi ra ngoài, ai ai cũng phải trang bị khí giới sẳn sàng giao chiến với con thú dữ, có người sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà.  Thấy vậy, ngày nọ thánh nhân quyết định đến chạm trán với con thú dữ, Ngài làm dấu thánh giá, đặt tất cả tin tưởng vào Chúa, rồi tiến thẳng đến trước mặt con vật.  Vừa thấy thánh nhân, con vật nhe răng và chuẩn bị tấn công, nhưng thánh nhân không lùi bước.  Ngài tiến lại gần, làm dấu thánh giá và gọi nó lại.  Ngài nói với nó như trò chuyện với một con người: Này anh sói, anh lại đây, nhân danh Chúa Kitô tôi truyền cho anh đừng hãm hại ai nữa.”

Như một phép lạ, con chó sói hung dữ ngoan ngoãn khép miệng lại và quấn quýt bên thánh nhân, thánh nhân lại tiếp tục bài giảng: “Này anh sói, anh đã gây ra không biết bao thiệt hại cho vùng này, anh giết hại những tạo vật của Chúa mà không có phép Ngài, anh không những sát hại súc vật mà còn giết hại cả loài người là hình ảnh của Thiên Chúa nữa, anh đáng bị trừng phạt vì tội giết người, ai cũng ca thán kêu ca vì anh.  Nhưng tôi, tôi muốn giảng hoà giữa anh và họ để anh không còn hãm hại ai nữa.”

Thánh nhân vừa nói xong những lời đó thì con sói vặn mình ra chiều sám hối và chấp nhận đề nghị của Ngài, thánh nhân nói tiếp:  “Này anh sói, hẳn anh thích được làm hoà với mọi người.  Tôi hứa rằng, bao lâu anh còn sống anh sẽ không bị đói khát nữa, anh có hứa với tôi là sẽ không hãm hại bất cứ người và vật nào nữa không?  Con vật cúi đầu như đoan hứa, thánh nhân đặt tay trên nó và đại diện cho thị dân Agodio long trọng cam kết những lời Ngài vừa hứa với con chó sói.”

Con chó sói đã được sống 2 năm tại Agodio, ngày ngày ra vào bất cứ nhà nào như chính nhà của nó, nó không làm hại ai mà cũng chẳng ai hãm hại nó, sau 2 năm, con vật qua đời giữa tiếng thương khóc của dân Agodio.

Giai thoại về con chó sói Agodio và bài ca vạn vật của thánh Phanxicô chứng minh ngài là hiện thân của hoà bình, là sứ giả của bất bạo động.  Ngài giao hòa với vạn vật, với thiên nhiên, với chim trời, với núi rừng, với không khí, với nước non.  Chỉ với một tâm hồn thanh thản và hài hoà với thiên nhiên với con người như thế mới có thể xây dựng hoà bình.  Thánh Phanxicô chính là vị sứ giả hoà bình.

Tình huynh đệ của Phanxicô không dừng lại nơi loài người, nhưng còn nới rộng ra tới mọi tạo vật, sống động cũng như vô tri vô giác trong vũ trụ.  Ngài không coi tạo vật là xấu xa, nguy hiểm phải đề phòng.  Ngài cũng không có thái độ chủ nhân ông, nhìn tạo vật chỉ là đối tượng cho mình khai thác tùy thích.  Nhưng ngài thiết lập một mối quan hệ thân ái, hài hòa với mọi vật.  Ngài đã sáng tác “Bài ca vạn vật” để ca ngợi mọi công trình tạo dựng của Thiên Chúa: Mặt trời, mặt trăng, tinh tú, gió, nước, lửa, trái đất với ngàn hoa, cây cỏ và trái trăng.  Ngài gọi tạo vật là anh, chị, anh Cá, anh Chim, chị Trăng, chị Nước… không chỉ theo nghĩa thi phú, mà theo một cảm nghiệm sâu xa rằng tất cả đều là công trình của Cha trên trời và mang dấu ấn của tình thương.

Phanxicô muốn người ta quí chuộng thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên; ngài dạy các môn đệ mình khi đốn cây sử dụng theo nhu cầu, thì đừng chặt tận gốc, để cây còn có thể đâm chồi mới.  Con người thời đại chúng ta có thể học biết bao nhiêu điều nơi thái độ của thánh nhân.  Chắc chắn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nghĩ như thế khi ban Tông Thư ngày 29-9-1979 công bố thánh Phanxicô là bổn mạng các nhà môi sinh học.  Suốt cuộc đời, Thánh Phanxicô luôn quan niệm sống là sống với, sống chung chan hòa với con người và muôn tạo vật.

Lạy Chúa, nhờ lời cầu bầu của thánh Phanxicô, xin cho chúng con biết yêu chuộng hoà bình, hòa bình với mọi người và nhất là với những người đối nghịch với chúng con.  Xin cho lời kinh Hoà Bình mà thánh Phanxicô để lại được thấm vào tim, vào phổi, vào khối óc của chúng con biến chúng con thành người sứ giả hoà bình của Chúa. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

 

CÂU CHUYỆN VƯỜN NHO – CÂU CHUYỆN ĐỜI TA

ZZVườn nho là một hình ảnh quen thuộc đối với người Do Thái.  Chúa đã dùng hình ảnh quen thuộc này để thính giả dễ hiểu điều Chúa nói về Nước Trời.  Ý nghĩa dụ ngôn này như sau. Thiên Chúa là chủ vườn nho. Vườn nho thoạt tiên được dùng để chỉ dân Do Thái.  Dân Do Thái được Chúa chọn là dân riêng.  Lịch sử dân Do Thái là lịch sử tình yêu thương của Chúa. Vì yêu thương Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.  Vì yêu thương Chúa đã dành sẵn cho họ một đất nước.  Vì yêu thương Chúa bảo vệ họ khỏi sự quấy phá của các nước lân bang. Vì yêu thương Chúa đã sai khiến các tiên tri đến dạy dỗ họ.  Quả thật dân Do Thái là một vườn nho được Chúa trồng, chăm sóc từng li từng tí.  Từ rào dậu chung quanh đến xây tháp canh giữ.  Từ xây bồn ép nho đến tưới bón cắt tỉa.  Nhưng sự thương yêu của Chúa được đáp lại bằng sự phản bội.  Người Do Thái không công nhận quyền làm chủ của Chúa.  Họ giết các tiên tri được sai đến dạy dỗ họ.  Họ còn giết cả Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa để chiếm lấy vườn nho làm của riêng họ.  Nhưng họ có biết đâu rằng nếu để Chúa là chủ thì vườn nho còn được bảo vệ, được chăm sóc và họ còn được hưởng hoa lợi.  Nhưng từ chối quyền làm chủ của Chúa, vườn nho rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát, không còn hoa trái.  Và vì thế cuộc đời họ cũng bị diệt vong.

Câu chuyện vườn nho không chỉ nói với người Do Thái mà còn nói với tất cả chúng ta, đặc biệt các sinh viên học sinh nhân dịp đầu năm học mới.  Sinh viên học sinh là những cây nho được Chúa ưu ái trồng trong vườn nho của Chúa.  Vườn nho đó là Nước Chúa, là Giáo Hội, là gia đình, là trường học.  Các cháu thiếu nhi, các bạn thanh niên, học sinh, sinh viên trẻ trung là những cây nho non mơn mởn được Chúa chăm sóc tưới bón trong tình thương bao la của cha mẹ, trong sự tận tâm của thày cô giáo, trong sự nhiệt thành quên mình của các linh mục, tu sĩ nam nữ.  Chúa đặt lương tâm như tháp canh để cảnh báo những nguy cơ đe dọa tàn phá vườn nho.  Để ngăn chặn thú dữ tàn phá, trẻ con nghịch ngơm, kẻ thù quấy phá, Chúa cẩn thận rào dậu vườn nho.  Rào dậu là đặt ra những quy tắc luật lệ.  Kỷ luật là phên dậu vững chắc bảo vệ những cây nho còn non yếu, bảo vệ hoa lợi khỏi kẻ thù đến phá hoại.  Kỷ luật giúp bảo vệ cuộc đời của các con.  Không chỉ bảo vệ sự sống mà còn tất cả những hoa trái tốt đẹp của sự sống. Bảo vệ tương lai của các con.  Chúa xây bồn ép nho.  Bồn ép nho là nơi làm việc.  Quả nho phải trải qua quá trình ép, lọc, ủ mới lên men thành thứ rượu nho thơm lừng làm đẹp cho xã hội.  Cũng vậy các con phải lao động vất vả qua nhiều công đoạn mới trở nên hữu ích cho Giáo Hội và cho xã hội.  Có thể nói cuộc đời của mỗi người các con là một kỳ quan về tình yêu thương của Chúa.  Chúa tạo dựng nên các con để các con được hạnh phúc.  Chúa đã định sẵn cho các con một định mệnh tốt đẹp cao quý trong thánh ý Chúa.

Tiếc là có nhiều người không hiểu được điều đó, nên đã chối bỏ quyền Chúa làm chủ đời mình.  Vì xua đuổi Chúa nên ma quỷ đã xâm nhập cuộc đời họ.  Có nhiều người đã bỏ tháp canh lương tâm nên không còn tỉnh thức trước những nguy cơ đe dọa tàn phá sự sống.  Có nhiều người đã phá đổ những phên dậu kỷ luật, biến vườn nho tâm hồn thành bãi đất hoang mặc cho mọi người chà đạp, tàn phá.  Có nhiều người đã bỏ quên bồn ép nho, không chịu làm việc, chỉ rong chơi ngày tháng nên cả cuộc đời tiêu tốn biết bao sự thương yêu, tiền bạc, công sức của cha mẹ, thày cô giáo, các bề trên trong Giáo Hội mà không sinh được hoa trái gì cho cuộc đời.

Các con, sinh viên học sinh thân mến,

Đầu năm học mới là dịp các con chỉnh đốn lại vườn nho tâm hồn các con.  Hãy để Chúa làm chủ cuộc đời các con.  Hãy tin tưởng định mệnh Chúa dành cho các con là định mệnh tốt đẹp nhất.  Tương lai Chúa dọn sẵn cho các con là tương lai tươi sáng không gì có thể so sánh được.  Hãy đón nhận tình yêu thương của cha mẹ, thày cô giáo, và các bề trên trong Giáo Hội.  Tình yêu thương chăm sóc của các ngài là nước mát tưới cho cây đời các con xanh tươi.  Hãy tuân theo sự hướng dẫn của tháp canh lương tâm để các con biết phân biệt thật giả, trắng đen, thiện ác giữa lúc vàng thau lẫn lộn, biết chọn lựa con đường tốt đẹp cho tương lai.  Hãy sống theo sự hướng dẫn của luật lệ, luật xã hội, luật học đường, luật sự sống, luật Giáo Hội.  Đó chính là cách tự bảo vệ trước những lực lượng xấu, trước những cơn cám dỗ ngọt ngào đang rình chờ trói chặt những cuộc đời ẻo lả, mềm yếu, buông tuồng.  Hãy làm việc trong bồn ép nho.  Sự siêng năng chăm chỉ, lòng say mê học tập chính là chìa khóa của sự thành công.

Năm học mới là một ân huệ nhưng cũng là một trách nhiệm.  Các con được ban nhiều, các con sẽ bị đòi hỏi nhiều.  Năm học mới được ban tặng để các con sinh lợi.  Sinh lợi để xứng đáng với tình thương của Chúa.  Sinh lợi để xứng đáng với xã hội, quê hương đất nước.  Sinh lợi chính là thăng tiến bản thân, làm lợi cho chính các con trước hết.

Xin Chúa ban phúc lành cho năm học mới để các thày cô giáo, các học sinh sinh viên thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần thăng tiến bản thân, gia đình, Giáo Hội và xã hội. Amen!

ĐTGM Ngô Quang Kiệt