ĐỨC MẸ ĐI THĂM VIẾNG

ZZ Phụng vụ Hội Thánh định ngày 31 tháng 5, để kính nhớ biến cố Đức Mẹ Maria đi thăm viếng bà thánh Isave.

Hằng năm, đến lễ này, tôi thường làm ba việc sau đây:

1/  Cảm tạ Mẹ đã đi thăm bà thân mẫu của Gioan Baotixita.  Nhờ cuộc viếng thăm này, Gioan Baotixita được thánh hoá, sau này trở thành người dọn đường cho Đấng Cứu thế.

2/ Cảm tạ Mẹ đã đi thăm bà mẹ già Isave.  Nhờ đò Mẹ làm gương cho muôn đời: Về sự người trẻ, dù chức cao quyền trọng, nên biết cộng tác với người già, trong chương trình cứu độ.

3/ Nguyện cầu Mẹ vẫn tiếp tục đi thăm các con cái Mẹ, nhất là thăm những đứa con nghèo túng, bệnh tật, lầm lạc, thiếu mọi phương tiện để hành hương đến những nơi Mẹ hiện ra..

Tôi xin phép triển khai đôi chút ba việc kể trên.

Thánh hoá Gioan Baotixita.

Phúc Âm thánh Luca thuật lại: “Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa.  Bà vào nhà ông Giacaria, và chào bà Isave.  Bà Isave vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng bà Isave như nhảy lên và bà được tràn đầy Thánh Thần.  Bà liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.  Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này.  Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng chị nhảy lên vui sướng.  Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,39-45).

Rõ ràng, bà Isave đã được Chúa soi sáng cho biết người em họ còn rất trẻ của mình mới nhận một vai trò hết sức quan trọng trong kế hoạch cứu độ của Chúa.  Chúa soi sáng cho bà qua một dấu chỉ.  Dấu chỉ đó là bào thai bà đang mang bỗng nhảy mừng, khi Đức Mẹ vừa cất tiếng chào.

Tôi thấy các dấu chỉ trên đây đều xảy ra một cách rất âm thầm.  Sự hiểu được ý nghĩa các dấu chỉ này cũng rất âm thầm.  Tất cả diễn ra trong bầu khí thanh vắng của nội tâm.  Nếu nội tâm không có sự thanh vắng, chắc chắn những ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần sẽ không thể được nội tâm đón nhận.

Xin cảm tạ Chúa đã cho Đức Mẹ và bà thánh Isave một thanh vắng êm đềm trong nội tâm sâu thẳm và nhạy bén.

Xin cảm tạ Chúa vẫn ban cho thời này những nội tâm như thế theo gương Đức Mẹ và bà thánh Isave.

Những việc thánh hoá như thánh hoá Gioan Baotixita vẫn được Chúa làm trong thời nay, cũng vẫn một cách âm thầm lặng lẽ như xưa.

Thế nhưng, thời nay, tại nhiều nơi, việc thánh hoá, thánh hiến, đang có vẻ đóng khung vào những cơ chế mang nặng hình thức, như lễ nghi rườm rà, y phục nhất định, kinh sách dài dòng, hát xướng huyên náo. Thêm vào đó là những tổ chức đón tiếp, trình diễn, mừng chúc, tiệc tùng, tặng quà, trong bầu khí náo động nhộn nhịp, ồn ào.  Những khung cảnh như vậy có thể tốt với nhiều điều kiện.  Nhưng xem ra đang có chiều hướng phát triển theo tinh thần thế tục.  Nếu cứ vậy, thì sẽ không còn sự thanh vắng nội tâm cần thiết.  Thay vào đó sẽ là một “sự thánh hoá, thánh hiến” ồn ào, hội nhập vào sự ồn ào của một thế giới hướng ngoại rất xa lạ với sự thánh hoá thực chất của Phúc Âm.

Cộng tác giữa trẻ với già.

Kinh Thánh tả việc Đức Mẹ đi viếng bà Isave là một cuộc “lên đường vội vã” (Lc 1,39).  Người vội vã lên đường chính là một người phụ nữ rất trẻ, mới mang thai Chúa Cứu thế bởi phép Chúa Thánh Thần.

Với niềm tin như thế, Đức Mẹ có thể tự hào, tự đắc, tự tin.  Nhưng không.  Đức Mẹ đã vội vã lên đường.  Hướng đi là tìm đến người chị họ Isave.  Bà Isave là người đàn bà mà chính thiên sứ Gabriel gọi là “đã già rồi” (Lc 1,36), nhưng mới được thụ thai con trai nhờ ơn Chúa thương ban.

Khi nhìn những bước đi thầm lặng, vất vả, vội vã của người phụ nữ trẻ Maria, Mẹ Đấng Cứu thế, tôi rất xúc động.  Mẹ băng qua bao nhiêu dặm đường, để lên vùng núi, tìm thăm người chị họ đã già. Những bước đi vội vã đó đáng trân trọng hơn muôn vàn quà tặng.

Nhưng khi thấy trong giây phút vừa gặp nhau, người chị họ già lại là người chúc khen người em họ còn trẻ, tôi bàng hoàng bỡ ngỡ.  Thánh Isave đã mở lòng Maria, để từ đó trào ra những lời tạ ơn Chúa.

Hình ảnh cuộc gặp gỡ thân thiết giữa một bà mẹ trẻ và một bà mẹ già là một gợi ý.  Đối với tôi, đó là một gợi ý về sự cộng tác giữa trẻ và già.  Hai bên cùng tự do cộng tác, không do áp lực nào.  Nhưng cả hai cùng được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.  Hai bên nói đây không phải chỉ hiểu về hai cá nhân. Nhưng cũng được hiểu về cả một thế hệ đi sau và thế hệ đi trước.

Sự cộng tác này hiện nay trở nên cần thiết, khi nhiều tổ chức xem ra đang có nguy cơ phá sản về kỷ cương, và các giá trị đạo đức truyền thống.

Mẹ tiếp tục đi thăm.

Để cứu nguy, nhiều nơi đang phát động việc hành hương đến những nơi Đức Mẹ hiện ra.  Người ta vẫn tin những nơi đó linh thiêng.  Vì những nơi đó được Đức Mẹ viếng thăm.  Tôi rất hoan nghênh những cuộc hành hương đó.

Nhưng, khi suy gẫm về biến cố Đức Mẹ đi thăm viếng bà thánh Isave, tôi vẫn nghĩ rằng: Đức Mẹ có tấm lòng muốn chia sẻ Tin Mừng, muốn hướng về những người khác, muốn lên đường, ra đi cứu độ.  Vì thế, tôi thường cầu xin Đức Mẹ thương đến thăm tôi, khi tôi không thể đi hành hương đến những nơi Mẹ hiện ra.  Tôi cũng xin điều đó cho mọi người, không phân biệt họ là ai.

Tôi rất xác tín sự Đức Mẹ có lòng thương xót đặc biệt đối với những người nghèo khổ, bệnh tật, bị trói buộc vào những hoàn cảnh éo le không sao gỡ được.  Tôi xin Mẹ đoái thương đến thăm họ.

Hiện nay, nhiều người không công giáo và công giáo, hoặc công giáo bê bối, vẫn thích mang giữ ảnh tượng Mẹ trong nhà và trong mình.  Hiện tượng đó cho phép tôi nghĩ rằng: Đức Mẹ đang tìm cách đến thăm từng gia đình và từng người.  Thăm một cách lặng lẽ, nhưng thân mật.  Từ đó, nhiều người nhận thức dần dần về một thế giới thiêng liêng.  Đồng thời họ khát mong gặp được một Đấng thiêng liêng, để đời mình khỏi mất hướng.

Tôi hy vọng những con cái Mẹ cảm nhận được điều đó, để biết bước theo Mẹ và thay Mẹ đến thăm cứu giúp những người đang chìm dần xuống cảnh khổ nguy.

Để kết, tôi xin phép kể một câu chuyện nhỏ:

Một bà mẹ đi chợ, một tay xách giỏ, một tay ẵm đứa con nhỏ . Ở một góc chợ, có một bà lão ăn mày, hai tay giơ lên, miệng nài khẩn kẻ qua người lại.  Bà mẹ bồng con đứng lại, rút ở giỏ ra chiếc bánh và ít tiền.  Bà không đưa trực tiếp cho bà ăn mày.  Nhưng trao cho đứa con đang bồng trên tay.  Bà ngồi xuống, bảo con đưa bánh và tiền cho bà lão ăn mày.  Đứa bé vâng lời thực hiện từng chi tiết mẹ dạy. Làm xong, đứa bé tỏ vẻ vui mừng hớn hở.  Nó làm thay cho mẹ nó.

Bà mẹ đó đã nói với tôi: Bé của con làm thay cho con.  Nhưng con cũng làm thay cho Đức Mẹ.  Lời đơn sơ đó đủ nói cho tôi sứ mạng mà Mẹ Maria đang trao cho con cái Mẹ trong cuộc sống hôm nay.  “Hãy thay Mẹ đi thăm viếng những người khốn khó”.  Việc thăm viếng này có thể thực hiện được bằng nhiều cách.  Yếu tố quan trọng nhất của mọi cách thăm viếng theo gương Mẹ là tấm lòng tế nhị, nhạy bén và thương cảm trong Chúa Giêsu.

GB Bùi Tuần

THẦY Ở CÙNG ANH EM MỌI NGÀY

62Nếu trời là nơi Chúa ngự thì chẳng có gì gần ta bằng trời.  Trời ở quanh ta, trời ở trong ta…  Trời vượt xa đất muôn trùng, nhưng nếu đất trở thành nơi Chúa ngự thì đất cũng mang dáng dấp của trời.

Thiên Chúa không phải là Đấng chỉ thích ở trên trời.  Ngài thích con người, Ngài thương trái đất, nên Ngài đã sai Con Ngài làm người ở đời.

Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã đặt chân lên trái đất.  Đất chẳng xa lạ gì với Ngài, vì nhờ Ngài mà nó được tạo dựng.

Đất đã bắt đầu thành trời từ khi Con Thiên Chúa đến dựng lều ở đó.  Đất vẫn luôn thuộc về trời vì Đức Giêsu luôn ở với ta cho đến tận thế.

Trời là mẫu mực của đất: Ý Cha phải được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.  Chỗ nào vâng theo ý Cha, chỗ đó thành trời.

Trái tim của chúng ta cũng phải trở thành trời, phải đầy ắp yêu thương, đầy ắp Thiên Chúa.

Rốt cuộc, nhiệm vụ của người Kitô hữu là xây dựng trời cao ở ngay nơi đất thấp, là cho thấy rằng trời cao thật gần, chứ không phải là sản phẩm của hoang tưởng.

Trời cao đã gần bên, chỉ người Kitô hữu biết sống cho nhau chân tình, chia sẻ cho tha nhân tất cả những gì mình có, không bị mê hoặc bởi của cải lợi danh, không bị kéo ghì bởi những đam mê xác thịt, cũng không chùn bước trước cái chết, khổ đau.

Chúng ta phải làm chứng về thiên đàng có thực bằng cuộc sống vui tươi hạnh phúc ở đời này.

Hạnh phúc khi hy sinh, tự hiến, khi chịu thua thiệt, mất mát, lãng quên.

Hạnh phúc cả khi tưởng như không thể nào hạnh phúc được.  Hạnh phúc như thế gợi mở về hạnh phúc viên mãn đời sau.

Chúng ta không thể làm chứng về thiên đàng mai hậu bằng một cuộc sống ủ rủ, buồn phiền.

Thiên đàng mai sau chớm nở từ bây giờ.  Tôi chỉ được hạnh phúc sống đời sau bên Chúa, nếu tôi đã bắt đầu sống bên Chúa từ đời này.

Có một thiên đàng nho nhỏ ở trong tôi: “Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và dựng nhà nơi người ấy” (Ga 14, 24).

Tôi muốn xây những thiên đàng nho nhỏ ở quanh tôi, nơi gia đình, bè bạn; nơi phố chợ, học đường… mong có ngày cả trái đất này ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa.

 **********************************

 Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bị đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh để xây dựng trái đất này, và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời không làm chúng con quên trời cao; và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

Trích trong “Manna”

 

SỰ SỐNG MỚI – HIỆN DIỆN MỚI

ZZCó lẽ nhiều người ngạc nhiên tự hỏi: Sao trong bài Phúc Âm lễ Thăng Thiên hôm nay, chẳng thấy nói gì đến trời, đến bay lên?  Thắc mắc như vậy là hợp lý.  Ta vẫn quen gọi hôm nay là lễ Chúa Giêsu lên trời.  Và theo quan niệm bình dân, không gian chia làm ba tầng.  Tầng dưới đất là âm ty, địa ngục, dành cho người chết.  Tầng mặt đất mà ta đang sống là dương gian.  Và tầng trên mặt đất là trời.  Chúa Giêsu đã sống trên mặt đất, khi chết Người bị chôn trong lòng đất, đi vào cõi âm ty.  Sống lại, Người trở lại mặt đất.  Và hôm nay Người được đưa lên trời, bay lên đám mây, ngự bên hữu Chúa Cha.

Đó chỉ là một lối diễn tả bình dân.  Thực ra, trời đâu phải là một nơi chốn.  Con người có thân xác, bị giới hạn trong không gian, cần một nơi chốn để cư ngụ.  Thiên Chúa không bị giới hạn trong không gian thì đâu còn bên tả bên hữu gì nữa.

Vậy, tại sao ta nói Chúa Giêsu lên trời?  Lên trời ở đây có ý nghĩa gì?

Trời không phải là một nơi chốn, nhưng là một trạng thái, trong đó Ba Ngôi Thiên Chúa sống chan hoà yêu thương.  Sự sống của Thiên chúa không giống sự sống của cây cỏ.  Cũng không giống như sự sống của động vật hay loài người.  Đó là sự sống thần linh.  Sự sống vượt không gian, vượt thời gian, không còn bị lệ thuộc vào điều kiện vật chất.  Sự sống không còn bị hao hụt, giảm thiểu bởi đau đớn, bệnh tật, đói khát.  Đó là sự sống viên mãn tràn đầy.  Được tham dự vào sự sống ấy là một hạnh phúc vô song. Đó chính là thiên đường.  Lên trời hay lên thiên đàng như vậy không phải là thay đổi nơi chốn nhưng là thay đổi sự sống.  Đó là chuyển đổi sự sống hữu hạn của con người sang sự sống vô hạn của Thiên Chúa.  Đó là rời bỏ thế giới hữu hạn của loài người để bước vào thế giới vô hạn của Thiên Chúa.  Đức Giêsu lên trời có nghĩa là Đức Giêsu về với Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa, sống cuộc sống Thiên Chúa.  Lên trời không phải lên theo chiều cao trong không gian vật lý.  Nhưng là lên theo cấp độ sự sống, là sống cao hơn, mạnh mẽ hơn, tràn đầy hơn.

Chính vì thế, Chúa Giêsu lên trời không phải giã từ thế giới, để đi vào xa vắng mịt mù.  Nhưng Người không đi vào một hiện hữu mới để hiện diện mãnh liệt hơn.  Không còn bị kềm chế trong không gian, giờ đây Người hiện diện ở khắp mọi nơi . Không còn bị lệ thuộc vào một thân xác, giờ đây Người có thể hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Người ở đó trong những trang Sách Thánh đầy lời lẽ nhiệm mầu để dạy cho ta biết con đường về với Thiên Chúa. Người ở đó trong bí tích Thánh Thể huyền diệu để nuôi linh hồn ta, để kết hợp với ta, để giúp ta đủ sức mạnh đi hết con đường trần gian khổ.  Người ở đó trong những người anh em đồng tâm nhất trí cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha.  Người ở đó trong những anh em bé nhỏ nghèo hèn đang chờ chúng ta mở rộng trái tim, mở rộng vòng tay nhân ái.  Người ở đó trong những người hiến thân phục vụ anh em, trong những người hy sinh bản thân mình cho công bình, cho chân lý, cho một thế giới tươi đẹp hơn.  Người có mặt trên khắp mọi nơi nẻo đường, trong tất cả mọi cảnh ngộ của cuộc đời.  Người có mặt trong mọi thời gian đúng như Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Bây giờ thì chúng ta đã hiểu: Trời không phải là một nơi chốn xác định, là một không gian vật lý có thể cân đo đong đếm.  Nhưng trời là Thiên đàng, là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bây giờ chúng ta đã hiểu lên trời không phải là bay bổng lên không gian.  Nhưng là chuyển đổi cấp độ sự sống, hay là bước vào sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.

Bây giờ thì chúng ta đã hiểu, lên trời không phải là vắng mặt, là xa vắng nhưng lại là một hiện diện vô cùng phong phú, vô cùng mãnh liệt, ở bên cạnh tất cả mọi người, ở mọi nơi và ở mọi thời.

Chúa Giêsu là người mở đường cho nhân loại.  Người tiến về một thế giới sự sống viên mãn, cao cả để cho ta thêm niềm tin tưởng rằng: Vận mệnh của Người cũng sẽ là vận mệnh của ta.  Ta cũng sẽ được cùng Người bước vào sự sống thần linh vĩnh cửu, miễn là ta đi vào con đường của Người: Con đường khiêm nhường phục vụ.  Miễn là ta vâng giữ lời Người truyền dạy: Hãy yêu tha nhân như chính bản thân mình.

Lạy Đức Giêsu, xin hãy nâng lòng con lên khao khát những sự trên trời.  Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt

NIỀM ĐAU KHỔ & LÒNG KHOAN DUNG

Trên trang trực tuyến của CNN ngày Thứ Năm 17 tháng Tư 2014, bản tin kèm hình ảnh tựa đề “The images tell a story of anguish and forgiveness” do hai phóng viên Josh Levs và Azadeh Ansari của CNN tường thuật đã gây nhiều xúc động.

Bộ ảnh này của nhiếp ảnh gia Arash Khamooshi của Hãng tin Ba Tư ISNA chụp được tại một cuộc xử tử bằng cách treo cổ vừa diễn ra lúc bình minh vào vài ngày trước đây tại thành phố Noor, tỉnh Maznadaran, miền Bắc Ba Tư, gần biển Caspian.  Hình thức trừng phạt này vẫn còn được chấp nhận và phổ thông ở Ba Tư.

Theo tin của ISNA, kẻ tử tội tên là Balal.  Năm 2007, Balal 19 tuổi, đã đâm chết Abdollah Hosseinzadeh 17 tuổi, trong một trận ấu đả ngoài đường phố.

Nhiếp ảnh gia Arash Khamooshi kể rằng khi tử tội Balal được lôi ra pháp trường, ông thấy bà Koukab, mẹ của tử tội, đang đứng bám tay vào rào ngăn, đã quỵ xuống và ngồi bẹp trên mặt đất vì quá đau lòng khi chứng kiến cảnh đứa con trai sắp bị hành quyết.

Khamooshi nói: “Bà ấy dường như đã kiệt sức vì đau khổ trước thực tế sắp mất con. Thật thương tâm.”

Tử tội Balal bịt mắt được nhân viên công lực dìu ra, bắt đứng lên ghế và tròng thòng lọng vào cổ.  Tử thần gần kề, Balal hét lớn lời cầu nguyện sau cùng rồi im lặng chờ mạng sống kết liễu.

Gia đình của nạn nhân bước ra.  Maryam Hosseinzadeh, người mẹ mất con đã 7 năm, được cho phép phát biểu cảm tưởng trước đám đông.  Bà cho biết bà đã sống một cơn ác mộng kể từ khi đứa con trai của bà bị đâm chết và khó có thể nào tự cho phép để tha thứ cho kẻ sát nhân.

Thế nhưng sau đó, bà đi về phía Balal và xin một chiếc ghế để đứng.  Bước lên ghế cho ngang tầm với tử tội Balal, bà vung tay tát mặt kẻ đã giết con mình và tuyên bố “Tha tội!”  Sau đó, Abdulghani, chồng bà cùng với bà đã tháo thòng lọng ra khỏi cổ kẻ tử tội.

Gia đình của Balal vui mừng vội vàng chạy lại ôm chầm lấy họ và cảm ơn họ đã tha mạng cho Balal.

Nhiếp ảnh gia Khamooshi tâm sự: “Tôi không biết làm thế nào tôi đã ngăn xúc động để chụp được những bức ảnh này.

Tôi đoán đó là sức mạnh của chiếc máy ảnh đã khiến tôi phải tập trung.  Đó là lý do duy nhất giúp tôi khỏi gục xuống và bật khóc.”

ZZ

  1. Chuẩn bị pháp trường

ZZ

  1. Tử tội bị bịt mắt được nhân viên công lực dìu ra

ZZ

  1. Tử tội được bắt đứng lên ghế trước thòng lọng

ZZ

  1. Mẹ của tử tội khuỵu xuống

ZZ

  1. Cha mẹ nạn nhân

ZZ

  1. Mẹ nạn nhân tát tai tử tội để phạt tượng trưng thay cho tội chết

ZZ

  1. Cha mẹ nạn nhân tháo thòng lọng ra khỏi cổ của tử tội

ZZ

  1. Mẹ nạn nhân tuyên bố chính thức tha tội cho kẻ sát nhân

ZZ

  1. Hai người mẹ chia sẻ niềm đau khổ và khoan dung

Phan Hạnh lược dịch

Nguồn: http://www.cnn.com/2014/04/17/world/meast/iran-execution-photos-mother-forgives/

MỐI TÌNH CHÂU LONG

ZZChuyện cổ tích Việt Nam kể rằng: Có đôi bạn chí thân là Lưu Bình và Dương Lễ.  Lưu Bình cùng họ với Lưu Linh.  Ham chơi hơn ham học.  Dòng dõi giầu sang phú quý nhưng lêu lổng ăn chơi trác táng.  Dương Lễ nhà nghèo nhưng ham học. Lấy đèn sách làm thú vui.  Nhờ chí thú học hành mà Dương Lễ đã đỗ trạng nguyên làm quan lớn triều đình.  Ngược lại, Lưu Bình vì ham chơi nên công không thành và danh thì bại.  Thân xác tiều tuỵ và đói khổ bần hàn.  Dương Lễ nhìn cảnh bạn sa cơ thất thế nên động lòng trắc ẩn, dầu vậy, bên ngoài ông vẫn làm như không nhìn nhận tình bạn.  Ông đã ngầm cho vợ là Châu Long giả dạng là người con gái đến giúp Lưu Bình làm lại cuộc đời.  Châu Long đã theo lời chồng đến ở với Lưu Bình để động viên, giúp đỡ Lưu Bình.  Nhờ đó mà Lưu Bình đã cố gắng ăn học và sau này cũng thành tài.  Về phần Châu Long tuy sống với Lưu Bình nhưng lại không thuộc về Lưu Bình. Nàng vẫn thuộc về Dương Lễ.  Nàng vẫn phải trung thành tuyệt đối với Dương Lễ.  Cho dù Lưu Bình đã nhiều lần đề nghị nàng kết mối duyên tình, nhưng nàng đã khéo léo từ chối.  Nàng khuyên nhủ Lưu Bình hãy chuyên chăm học hành để công thành danh toại mới tính đến chuyện trăm năm.  Cho đến khi Lưu Bình thi đỗ mới vỡ lẽ ra: Châu Long chính là vợ của bạn được gởi đến để giúp đỡ mình.

Cuộc đời Kitô hữu chúng ta cũng giống như nàng Châu Long.  Sống giữa thế gian để canh tân đổi mới thế gian nhưng không thuộc về thế gian.  Sống giữa thế gian nhưng phải trung thành với thầy Chí Thánh Giêsu.  Không để lòng mình buông theo những cám dỗ tội lỗi, những thói đời điêu ngoa, những đam mê thấp hèn.  Trong kinh lạy Cha, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: Hãy xin cùng Chúa Cha gìn giữ chúng ta khỏi sa chước cám dỗ và gìn giữ chúng ta khỏi mọi sự dữ.  Chúa không bảo chúng ta xin cùng Chúa Cha cất nhắc chúng ta ra khỏi thế gian, nhưng vẫn ở giữa thế gian, đồng thời vẫn phải trung tín với Chúa.  Như Châu Long sống với Lưu Bình để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Dương Lễ đã trao.

Có thể nói, Châu Long phải có một tình yêu thật cao cả, thật thủy chung lắm mới có thể sống với Lưu Bình mà vẫn giữ trọn giao ước với Dương Lễ.  Người Kitô hữu cũng phải có một tình yêu thật thâm sâu với Thiên Chúa mới có thể tuân giữ giới răn Chúa khi sống giữa thế gian đầy mời mọc hấp dẫn luôn lôi kéo con người bất trung, phản bội với Chúa.  Vâng, chúng ta đang ở giữa một thế gian đầy gian tà, một thế gian sa đọa, tội lỗi, người Kitô hữu phải có một tình yêu sắt son trung kiên mới có thể giữ lòng thanh khiết như đóa sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Lời Chúa hôm nay cũng căn dặn chúng ta: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy.”  Như thế, tuân giữ giới răn Chúa là dấu chỉ cho lòng yêu mến Chúa.  Tuân giữ giới răn Chúa còn là dấu chỉ sự trung tín và chu toàn bổn phận của Chúa giữa thế gian.  Không thể nói rằng mình yêu mến Chúa mà lại không dám thực thi lời Chúa.  Nếu chúng ta nói yêu mến Chúa mà không dám sống đạo và giữ đạo, đó chỉ là sự giả tạo vì Chúa đã từng trách rằng: “Dân này chỉ thờ Ta bằng môi bằng miệng mà lòng chúng lại xa cách Ta.”  Tuân hứa giới răn Chúa không chỉ dừng lại trên môi miệng mà còn là một dấn thân để ý Chúa được thể diện trong cuộc đời chúng ta.  Như Chúa Giêsu, ngài đã vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự.  Người Kitô hữu cũng phải vâng phục theo giáo huấn của Chúa, cho dẫu có phải chịu thiệt thòi, mất mát hay phải hy sinh cả tính mạng vì lòng yêu mến Chúa.

Nhìn vào thế gian hôm nay với bao nhiêu cám dỗ mời mọc, bao nhiêu cạm bẫy rình chờ, khiến đức tin của chúng ta đã nhiều lần chao đảo, muốn buông xuôi theo cám dỗ của cải, tiền tài, danh vọng và thú vui thể xác.  Giữa một thế giới có quá nhiều cám dỗ hưởng thụ, làm sao chúng ta có thể trung thành với Chúa?  Có lẽ vì nguyên nhân đó, mà Chúa Giêsu đã hứa ở cùng chúng ta, đồng thời, ngài còn ban Thần Khí đến cho chúng ta.  Ngài sẽ an ủi khi chúng ta gặp u buồn.  Ngài sẽ soi sáng khi lòng trí chúng ta gặp hoang mang, lo lắng.  Ngài sẽ nâng đỡ khi bước đường chúng ta gặp gian nan.  Ngài sẽ ban sức mạnh khi chúng ta cần sức mạnh để vượt qua cám dỗ tội lỗi và làm lại cuộc đời.  Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta hoàn thành sứ mạng cuộc đời như một tôi tớ trung tín và khôn ngoan, vì Chúa đã hứa hằng: “Ơn Ta đủ cho người và quyền năng Ta hiển trị nơi sự yếu hèn của con”.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục sinh luôn đồng hành với chúng ta và chúc lành cho cuộc đời chúng ta luôn bình an để chúng ta mãi trung thành với Chúa.  Amen!

LM Giuse Tạ Duy Tuyền

 

KHU VƯỜN THÁNG NĂM KÍNH ĐỨC MẸ MARIA

Nếp sống đạo đức trong Hội Thánh Công giáo dành tháng Năm mỗi năm mừng kính Đức Mẹ Maria.

Tập tục đạo đức mang đậm mầu sắc rộn ràng tình cảm lòng yêu mến như có hiện nay đã bắt đầu thành hình từ thế kỷ thứ 18.  Năm 1784 Dòng Kamillino ở thành phố Ferrara bên Ý đã tổ chức lần đầu tiên giờ thánh kính Đức Mẹ Maria vào tháng Năm.

Khuôn mẫu hình thức mừng kính Đức Mẹ từ đó theo dòng thời gian từ mấy thế kỷ qua được duy trì phát triển trong nếp sống đạo đức Hội Thánh Công Giáo trên hoàn vũ.

Tập tục nếp sống đạo đức này ăn rễ sâu trong lòng người giáo hữu Chúa Kitô khắp nơi.  Vì thế, hằng năm ZZvào tháng Năm nơi các thánh đường Công giáo bàn thờ kính Đức Mẹ Maria được sửa soạn trang hoàng với nhiều bông hoa tươi thắm, những hàng nến cháy sáng rực rỡ.

Nhiều nơi, như tập tục nếp sống đạo đức bên Việt Nam còn có những giờ thánh kính Đức Mẹ, chầu Thánh Thể và các em nhỏ dâng hoa kính Đức Mẹ nữa.

Tên gọi tháng Năm – Mai (Đức) , May (Anh), Mai (Pháp) – có nguồn gốc từ vị Thần cổ xưa ở bên Ý “Maius.”  Vị Thần nầy được sùng bái là người bảo vệ gìn giữ sự sinh sôi nẩy nở.  Cũng theo thần thoại Hy Lạp “Maia” là một người mẹ nhỏ. “Maia” là vị Thần đất, là người mẹ của mọi sự sinh sản phát triển.

Tháng Năm theo quan niệm chung là tháng của thảo mộc cây cối.  Vì trong tháng này mọi loài thảo mộc cây cối mọc phát triển cành lá tươi xanh, nụ hoa bung nở vươn mình ra ngoài từ trong thân cây. Tháng Năm vì thế theo tuần hoàn của thời tiết là tháng chào mừng thiên nhiên.

Theo thời tiết bốn mùa tuần hoàn xoay chuyển bên xứ Âu Châu cùng vùng bắc Mỹ Châu, bắt đầu từ cuối tháng Ba sang tháng Tư hằng năm cây cối đã bắt đầu thức dậy sau mùa Đông lạnh giá, nhú nụ lộc lá xanh nhỏ như y phục ra bên ngoài.  Sang tháng Năm bộ y phục quần áo của chúng phát triển xanh tươi phủ kín khắp cành nhánh cùng tỏa bóng râm rợp mát mặt đất.  Vào tháng này chim chóc đến đó làm tổ, sinh con bay chuyền lượn kêu hót inh ỏi vang trời, ong bướm bay lượn hút mật.

Các cánh hoa đã bung nở vươn mình ra ngoài thiên nhiên khoe hương sắc tươi thắm hấp dẫn.  Các loài cỏ chui mọc lên từ dưới mặt đất ở khắp các đường đi, nơi các bãi cỏ.  Bức tranh thiên nhiên mầu xanh tràn đầy sức sống là một phép lạ của thiên nhiên.  Nó hướng tâm trí chúng ta tới Đấng Tạo Hóa đã làm nên bức tranh phép lạ thiên nhiên này.

Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên mọi sự ban cho có sức sống.  Con người chúng ta ngắm nhìn chiêm ngưỡng và cúi đầu xin dâng lời cảm tạ Ngài.

Khu vườn đầu tiên Thiên Chúa tạo dựng cho con người được hưởng dùng là vườn địa đàng.  Nhưng con người đã đánh mất nó.  Vì Ông Bà nguyên tổ Adong Evà đã phạm tội không vâng lời Thiên Chúa.  Và do đó, Ông Bà bị đuổi ra khỏi khu vườn địa đàng này.  Hậu quả là sự đau khổ, tội lỗi và sự chết xâm nhập vào đời sống con người.

Tháng Năm khi khu vườn phép lạ thiên nhiên phát triển bung nở rộ vẻ đẹp thần thánh làm con người chúng ta tưởng nhớ tới khu vườn địa đàng đầu tiên ngày xưa Thiên Chúa đã tạo lập cho Ông Bà nguyên tổ chúng ta, mà giờ đây đã bị mất.  Dẫu vậy Thiên Chúa đã vì tình yêu thương mở ra một con đường cho con người.  Con đường này không dẫn đưa trở lại khu vườn địa đàng, nhưng hướng đưa lên trời cao.  Bắt đầu con đường này có Đức Mẹ Maria đứng đó rồi.  Đức Mẹ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ sinh hạ cùng nuôi dưỡng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Mẹ Maria đã nói lời xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa muốn cho mình.  Và trong suốt dọc đời sống, Đức Mẹ đã phải sống trải qua những thử thách, những hy sinh đau khổ.  Mẹ Maria đã cùng đồng hành với Chúa Giêsu con mình đến giờ phút cuối cùng lúc Chúa Giêsu bị đóng đinh chết trên thập giá.  Và sau khi qua đời Đức Mẹ Maria đã được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn thân xác.

Hội Thánh Công giáo ca tụng Đức Mẹ Maria không chỉ là người tôi tớ Chúa, nhưng cũng là Nữ Vương trời đất, là người được ân đức cao trọng trong mọi loài thụ tạo của công trình sáng tạo thiên nhiên.

Trong kinh cầu Đức bà, Đức Mẹ Maria được ca ngợi tôn vinh là Nữ Vương các Thiên Thần, Nữ Vương các Thánh Tổ Tông, Nữ Vương các Thánh Tiên Tri, Nữ Vương các Thánh Tông đồ, Nữ Vương các Thánh Tử vì đạo, Nữ Vương các Thánh Hiển tu, Nữ Vương các Thánh đồng trinh…

Ngoài ra người giáo hữu Chúa Kitô còn xưng tụng Đức Mẹ Maria là “Nữ Vương tháng Năm” vì tháng Năm, tháng hoa nở rộ là tháng đẹp nhất trong năm.  Và qua đấy muốn liên kết nối liền mối tương quan sự đẹp tươi thắm cây cối bông hoa là sự sống thiên nhiên với cuộc đời Đức Mẹ Maria, là mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa cho trần gian.

“Theo nếp sống Phụng vụ của Hội Thánh, tháng Năm còn trong mùa Phục Sinh mừng kỷ niệm mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại, và cũng là thời gian chờ đợi mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Hai khía cạnh này ăn với khớp truyền thống của Hội Thánh dành tháng Năm mừng kính Đức Mẹ Maria.

Đức Mẹ Maria là bông hoa tươi đẹp nhất trong khu vườn sáng tạo thiên nhiên.  Đức mẹ là bông hoa “Rosa – hoa hồng” bung nở rộ trong thời gian, khi đức mẹ hạ sinh Chúa Giêsu, như món quà tặng mùa xuân mới cho trần gian.  Và đồng thời Đức Mẹ Maria là người có trái tim tâm hồn chan chứa lòng khiêm nhường đã đón nhận Chúa Giêsu vào trong cung lòng mình, và là người mở lòng mình ra sẵn sàng đón nhận ân đức Chúa Thánh Thần ban xuống cho mình.”  (Đức Giáo hoàng Benedicto XVI, Kinh truyền tin ngày 9.5.2010.)

“Hoa muôn sắc con dâng trước tòa, mầu tươi thắm hương ngát tốt xinh.
 Hoa muôn sắc con dâng trước tòa, còn thua kém nhan Mẹ Chúa thiên đình.”

LM Đaminh Nguyễn ngọc Long
Tháng hoa kính Đức mẹ Maria, 01.05.2014

 

CHỖ Ở CỦA TA

ZZ“Anh em đừng xao xuyến!  Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.  Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.  Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” — Gioan 14:1-3

Bài đọc này của Phúc Âm Gioan thường được dùng ở đám tang để nói lên sự hy vọng của mỗi một người có một chỗ ở trong tình thương của Thiên Chúa khi nhắm mắt lìa trần vì đó là lời hứa của Đấng đã Phục Sinh, một chỗ ở được hứa hẹn vì công nghiệp của Ngôi Lời Nhập Thể.  Tuy nhiên, bài đọc này không chỉ dành cho người quá cố mà cho tất cả mọi người chúng ta.  Như vậy đối với chúng ta là những người còn sống, Thánh Sử Gioan muốn nhắc nhở gì qua bài đọc này và Con Một Thiên Chúa hứa hẹn gì với mỗi người chúng ta?  Hơn nữa, “chỗ ở” mà Chúa Giêsu nhắc đến là chỗ nào?  Nó có chiếm một phần nào trong không gian, và chúng ta có được chạm đến “chỗ ở” đó khi còn sống, hay nó là một nơi mơ hồ mà chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến và để mặc cho linh hồn chúng ta tự đi tìm lấy khi nó lìa trần?

Trước hết, là Kitô Hữu chúng ta được mời gọi tham dự vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu và sống niềm vui Phục Sinh trong tâm tình tin, cậy, và mến.  Chúng ta cũng đừng để tâm hồn ta xao xuyến nhưng hãy tin rằng chúng ta sẽ có một chỗ ở ngay khi còn sống.  Phải chăng “chỗ ở” mà Chúa Giêsu ám chỉ ở đây chính là tâm hồn của mỗi người.  Có lẽ đây là điều mà Thánh sử Gioan muốn nhắm tới và là điều Chúa Giêsu ao ước cho mỗi người chúng ta.  Chúng ta sẽ có một chỗ trong con tim của những người mà chúng ta gặp hàng ngày; cũng thế, trong con tim của chúng ta sẽ có chỗ cho những người chúng ta gặp trong cuộc sống.

Trong tâm tình sống mầu nhiệm Phục Sinh, tâm hồn chúng ta sẽ là chỗ nương tựa cho nhau, nơi chúng ta cùng nhau chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của hành trình làm người, nơi mà chúng ta thật sự đón tiếp người thân cũng như kẻ qua đường với một con tim rộng mở và bao dung.  Chúng ta sẽ không nhìn họ với thành kiến riêng tư, với những hờn giận, với những  ý nghĩ so sánh và ích kỷ, với những thèm muốn nhục dục và sắc diện ngoại hình, hoặc với những ham muốn thoả mãn bản thân.  Nhưng trước tiên chúng ta sẽ biết dành một chỗ trong con tim của mình cho người chúng ta gặp và tôn trọng phẩm giá con người của họ.

Chúa Giêsu đã hứa là Ngài sẽ đi dọn chỗ cho chúng ta, và đúng vậy, qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa Con sẽ đến và chính Ngài sẽ dọn sạch tâm hồn của mỗi người hầu chúng ta biết nhận ra hồng ân của Thiên Chúa nơi mỗi người.  Mặc dầu được dọn sạch tâm hồn của chúng ta là điều mà Chúa Giêsu hằng mong ước, Ngài cần sự hợp tác của chúng ta qua sự tự do lựa chọn của mỗi người.  Có lẽ câu hỏi cấp bách mà chúng ta nên tự hỏi chính mình đó là “Chúng ta có thật sự muốn cho tâm hồn chúng ta được sạch không?” (cf. Lc 5:12-13).

Chúng ta có muốn gạt đi thành kiến của mình để biết nhìn mọi sự như nó cần được nhìn không?  Chúng ta có muốn đón nhận bạn bè trong tâm tình tha thứ mặc dầu chúng ta chưa quên đi điều mà chúng ta chưa hài lòng không?  Chúng ta có muốn đón nhận hành trình thiêng liêng của con cái trong tâm tình tri ân hay còn muốn bám lấy thất vọng trong sự ích kỷ vì chọn lựa của chúng không như ta mong muốn? Chúng ta có muốn quên đi chính mình để đón nhận tài năng và vẻ đẹp của kẻ khác hay lòng chúng ta còn ham muốn những gì không thuộc về mình? Chúng ta muốn nhìn người khác trong hồng ân tạo dựng hay chúng ta còn muốn dùng họ để thoả mãn chính mình cho dù đó là những khao khát thầm kín bên trong?

Thật vậy, khi lòng chúng ta chưa sẵn sàng để được dọn sạch vì một lý do nào đó thì Chúa Giêsu luôn bên cạnh trông chờ ngày chúng ta cho ánh sáng Phục Sinh len vào hầu Ngài có thể dọn tâm hồn chúng ta.  Vì ngày nào chúng ta chưa muốn Đấng Phục Sinh giải phóng chính mình thì ngày đó chúng ta còn xiềng xích chúng ta và người khác vào những thành kiến, ganh tị, so sánh, dục vọng của mình, và tâm hồn chúng ta chẳng có chỗ cho người mà đang cần sự đón nhận đích thực của chúng ta.

Nguyện xin niềm vui và ánh sáng Phục Sinh len lỏi vào tâm hồn và giải thoát chúng ta hầu tâm hồn của chúng ta trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa, nơi mà lời hứa của Chúa Giêsu trở thành hiện thực. Tâm hồn chúng ta sẽ là chỗ mà Thiên Chúa gặp gỡ người khác, là nơi hẹn hò giữa Chúa Giêsu và những ai khao khát được tìm thấy và ở bên Ngài. Amen!

Củ Khoai

NIỀM TIN VÀO ĐỜI SAU

ZZChúa Giêsu đã hứa rằng: “Thầy đi trước để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy.”  Đây là một lời hứa thật đẹp.  Đẹp vì nó mở ra cho chúng ta một khung trời hy vọng vì ngày mai tốt đẹp hơn.  Đẹp vì cuộc sống của chúng ta không đi vào ngõ cụt.  Cuộc sống của chúng ta từ nay đã có một lối đi về.  Cuộc sống của chúng ta không dừng lại ở cái chết là hết một kiếp người.  Cuộc sống vẫn tiếp diễn.  Cuộc sống được nối dài vĩnh viễn trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa là Cha, là cội nguồn sự sống.

Người ta kể rằng: Có một gia đình kia.  Chồng là người ngoại đạo.  Ông không tin vào Chúa.  Ông còn luôn miệng nhạo báng, khinh miệt những hành vi thờ phượng kính mến Chúa.  Ngược lại, bà vợ thì rất sùng đạo, luôn dạy con giữ đạo sốt sắng.  Ngày nào bà cũng dắt con đi lễ cầu nguyện.  Dù sống giữa hai niềm tin trái ngược nhau, nhưng đứa con trai duy nhất của họ vẫn hiếu thảo với cha mẹ.  Cho tới một hôm, em lâm bệnh hiểm nghèo.  Em biết rằng mình chẳng còn sống được bao lâu ở dương gian.  Em đã mạnh dạn hỏi bố rằng: “Bố ơi, trong ít ngày nữa con sẽ không còn sống ở dương gian nữa!  Con xin bố hãy dạy cho con biết, con phải tin theo ai?  Theo bố hay theo mẹ?  Tin theo bố thì chẳng có thiên đàng để tiếp tục sự sống, chẳng có Chúa hay có Mẹ để yêu thương và bảo vệ cho con được hạnh phúc đời đời?  Còn tin theo mẹ, thì có Thiên Chúa là cha nhân lành sẽ ban thưởng hạnh phúc thiên đàng vĩnh cửu và có Mẹ Maria luôn bầu cử chở che.”

Ông bố nghe mà tái tê lòng.  Ông ôm con vào lòng và nói: “Con hãy tin theo mẹ”.  Đứa bé lại nói tiếp: “Nhưng nếu bố không tin theo mẹ, thì làm sao con có thể chờ đợi bố ở trên thiên đàng được?”  Trước lời nói đơn sơ và chân thành của em bé, ông bố đã không kiềm nổi những giọt nước mắt ứ tràn nơi khoé mắt, và để mặc cho nó tuôn tràn trên gò má già nua của ông.  Kể từ ngày đó, ông đã đổi đời, ông chọn Chúa là lẽ sống và là cùng đích của đời mình.

Vâng câu nói: “Con hãy tin theo Mẹ” của người cha là câu nói hay nhất trong cuộc đời của ông.  Câu này đã giúp cho con ông cảm thấy thanh thản khi bước vào đời sau.  Câu này cũng giúp ông thay đổi đời sống mà từ trước tới nay ông đã cố tình không sống theo.  Ông biết rằng phải có đời sau.  Ông biết rằng là người thì hơn muôn loài muôn vật, vì con người có sự sống thần linh, con người có hồn thiêng bất tử.  Thế nhưng, vì lười biếng và cố chấp ông đã không dám nhìn nhận sự thật từ trong sâu thẳm lòng mình là tin có Trời, có thần thánh, có hồn thiêng và cả đời sau.  Ông lừa đối chính mình và lừa dối tha nhân.  Hôm nay, ông đã phải nuốt những giọt nước mắt mặn đắng để nói lên sự thật của lòng mình trước mặt đứa con yêu dấu, sắp sửa từ giã ông tiến vào đời sau.

Thực vậy, là người ai cũng tin có đời sau.  Là người ai cũng tin có quả phúc.  Có thưởng có phạt đời sau.  Từ trong sâu thẳm tâm hồn luôn có tiếng nói của Thượng Đế nhắc nhở con người phải sống ngay lành, sống thánh thiện như tình trạng ban đầu là “nhân chi sơ tính bản thiện.”  Sống đúng theo lề luật tối thượng của Thượng Đế, con người mới được bình an và hạnh phúc.  Người khôn ngoan phải biết sống thuận theo ý trời mới được trời chúc phúc cho cuộc sống an khang hạnh phúc.  Đạo lý đó đã được cha ông ta gom lại thành đạo lý tam tài: “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa.”

Chúa Giêsu trong tư cách là một con người.  Ngài đã luôn tìm kiếm ý Cha trên trời để thực thi.  Cuộc sống của Ngài luôn mang hai chiều kích: Hướng về Thiên Chúa và hướng về tha nhân.  Ngài phục vụ tha nhân để tôn vinh Thiên Chúa.  Ngài phụng sự Thiên Chúa qua việc phục vụ nhân loại theo thánh ý Chúa Cha.  Có thể nói, Ngài đã sống cả cuộc đời vì yêu thương nhân loại và tôn vinh Chúa Cha.  Vì Chúa Cha mà Ngài đã nhập thể làm người.  Vì Chúa Cha mà Ngài đã hy sinh chịu chết cho con người được sống dồi dào.

Là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi bước theo con đường Chúa Giêsu đã đi.  Đó là con đường đi tìm thánh ý Chúa và thực thi đến hơi thở cuối cùng.  Đó không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang mà là con đường hẹp, đầy chông gai giăng kín hành trình.  Đó là con đường từ bỏ, đường thập giá, đường hiến tế đẫm máu trên đỉnh đồi Calve.  Đó là con đường của tình yêu, tận hiến và hy sinh như thầy Chí Thánh Giêsu.  Và như thế, đó chính là con đường duy nhất để chúng ta tiến vào nhà Cha, nơi đó, Chúa đã đi trước để dọn chỗ cho chúng ta.

Nguyện xin Chúa Giêsu Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống.  Xin Người nâng đỡ những yếu đuối của chúng ta.  Xin Người chỉ đường dẫn lối để chúng ta luôn tiến bước về nhà Cha trong an bình và thanh thoát với những bận rộn của cuộc sống bon chen hôm nay Amen!

LM Giuse Tạ Duy Tuyền

BỔN MẠNG NHỮNG NGƯỜI MẸ

Người Công giáo tôn kính các thánh là những Anh Hùng Đức Tin.  Chúng ta noi theo gương sống thánh thiện của các thánh, và chúng ta cầu xin các thánh nguyện giúp cầu thay, tin tưởng các thánh chuyển lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa.  Người Công giáo luôn có một hoặc hai thánh bổn mạng. Chính vị thánh đó làm gương cho chúng ta noi theo để sống tốt hơn.  Dưới đây là 5 thánh nữ là những người mẹ.  Mỗi vị đều có cách làm mẹ để nuôi dạy các con sống nhân đức và thánh thiện.

Đức Maria: Người mẹ nhân đức

Đức Mẹ là mẫu gương hoàn hảo về việc làm mẹ.  Đức Mẹ luôn theo kế hoạch của Thiên Chúa, và Đức Mẹ nhận những ơn đặc biệt vì được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.  Nhưng Đức Mẹ cũng vẫn phải đối mặt với những khó khăn.  Đức Mẹ sống nghèo khó và phải lánh nạn sang Ai Cập, xa gia đình và bạn bè khi là một người mẹ trẻ.  Đức Mẹ cũng phải chịu đau khổ khi nhìn Con Yêu bị hành hình.  Đức Mẹ hiểu những khó khăn mà chúng ta phải trải qua, lời cầu bầu của Đức Mẹ rất hiệu quả vì Đức Mẹ luôn gần gũi với Chúa Giêsu.  Có nhiều lễ kính Đức Mẹ trong năm, nhưng đặc biệt nhất là lễ Mẹ Thiên Chúa, ngày 1 tháng Một.

ZZThánh Gianna: Người mẹ hy sinh

Chúng ta thường nghĩ về các thánh là những người sống xa xưa lắm rồi, thế nhưng Thánh Gianna là một vị thánh của thời đại chúng ta, chỉ là một người mẹ và là bác sĩ khoa nhi, là người hoạt động không mỏi mệt.  Bà hy sinh mạng sống để con được sống.  Được chẩn đoán bị khối u ở tử cung, nhưng bà nhất định không chịu phá thai hoặc cắt tử cung, bà chịu đựng đau đớn để sinh con bình thường.  Bà chết sau khi sinh đứa con thứ tư, người con này ngày nay vẫn sống và tích cực hoạt động để bảo vệ sự sống.  Lễ Thánh Gianna là ngày 28 tháng Tư.

Thánh Monica: Người mẹ kiên trì

Thánh Monica là mẹ của Thánh Augustinô, nhưng bà phải chịu nhiều đau khổ vì con trai.  Hồi trẻ, Thánh Augustinô sống xả láng và tội lỗi, bỏ ngoài tai mọi lời mẹ khuyên trở về với các giá trị Kitô giáo.  Thánh Monica quyết tâm không bỏ con, theo con đi khắp nơi, cầu nguyện cho con và năn nỉ con bỏ đường tội lỗi.  Cuối cùng, sự kiên trì của bà được Thiên Chúa đền đáp.  Thánh Augustinô trở về, làm linh mục, rồi làm giám mục, và viết nhiều sách giá trị.  Lễ Thánh Monica là ngày 27 tháng Tám.

Thánh Elizabeth Ann Seton: Người mẹ chịu đựng

Thánh Elizabeth là vị thánh đầu tiên là người Mỹ.  Bà lớn lên trong sự giáo dục của Tân giáo (Episcopal church), kết hôn với một thương gia giàu sang và có năm người con.  Nhưng công việc kinh doanh của chồng bị phá sản, rồi chồng chết vì bệnh lao.  Bà góa bụa và nuôi con, rồi bà gia nhập Công giáo và mở trường để có tiền nuôi con.  Bà chịu đựng đủ thứ, kể cả cái chết của hai đứa con gái, nhưng bà luôn vui vẻ và hy vọng.  Cuối cùng, bà cũng bị lao phổi như chồng và qua đời lúc 46 tuổi.  Lễ Thánh Elizabeth Ann Seton là ngày 4 tháng Một.

Thánh Judith: Người mẹ giản dị

Thánh Judith sinh trưởng trong một gia đình giàu có tại một vùng mà ngày nay thuộc Đức quốc.  Bà kết hôn với một nhà quý tộc và có bảy người con.  Chồng bà thích sống hoang phí, nhưng bà nhẹ nhàng giúp chồng sống giản dị để có tiền giúp người nghèo.  Bà cũng dạy các con sống giản dị và quan tâm những người kém may mắn hơn mình.  Sau khi chồng mất và các con trưởng thành, bà bán tài sản rồi vào dòng tu, dành phần đời còn lại để giúp người nghèo và người bệnh.  Lễ Thánh Judith là ngày 5 tháng Năm.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ beliefnet.com)
Mùa Hoa Đức Mẹ – 2014

TÚI GẠO CỦA MẸ

ZZCái nghèo cái đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng dường như nỗi cơ cực bần hàn ấy không buông tha họ.  Cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đổ ập xuống đầu họ.  Cha qua đời vì cơn bạo bệnh.  Hai mẹ con tự tay mình mai táng cho người chồng, người cha vắn số.

Người mẹ góa bụa ở vậy, chị quyết không đi bước nữa.  Chị biết, bây giờ chị là chỗ dựa duy nhất cho con trai mình.  Chị cặm cụi, chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp, tài sản quý giá nhất của hai mẹ con chị.  Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi nham nhở.  Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước mắt bỗng lăn trên gò má chị.

Học hết cấp hai, cậu thi đậu vào trường cấp ba trọng điểm của thành phố.  Gánh nặng lại oàn lên vai người mẹ.  Thế nhưng không may thay, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh.  Căn bệnh quái ác làm chị liệt nửa chi dưới.  Vốn là lao động chính của gia đình, giờ chị chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa nói chi đến chuyện làm nông.  Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu xin nghỉ học:

– Mẹ này, con nghỉ học thôi, ở nhà làm ruộng thay mẹ.  Đi học, tiền đâu mà đóng học phí, tiền sinh hoạt phí, lại còn một tháng nộp 15 cân gạo nữa, nhà mình biết lấy đâu ra.

– Có thế nào con cũng không được bỏ học.  Con là niềm tự hào của mẹ.  Chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm.

Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ mình khổ.  Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm.  Phải đến khi nóng nảy quá không kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người lại.  Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai mười sáu tuổi. Mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nở…

Nghe mẹ, cậu khăn gói vào trường nhập học.  Lòng cậu nặng trĩu.  Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn bóng con trai khuất dần…

Ít lâu sau, có một người mẹ lặc lè vác bao tải dứa, chân thấp chân cao đến phòng giáo vụ.  Chị nộp gạo cho con trai.  Chị là người đến muộn nhất.  Đặt bao gạo xuống đất, chị đứng thở hổn hển một hồi lâu rồi nem nép đi vào.  Thầy Hùng phòng giáo vụ nhìn chị nói:

– Chị đặt lên cân đi.  Mở túi gạo ra cho tôi kiểm tra.

Chị cẩn thận tháo túi.

Liếc qua túi gạo, hàng lông mày của thầy khẽ cau lại, giọng lạnh băng:

– Thật chẳng biết nên nói thế nào.  Tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích mua thứ gạo rẻ tiền đến thế cho con mình ăn.  Đấy, chị xem.  Gạo của chị lẫn lộn đủ thứ, vừa có gạo trắng vừa có gạo lức lẫn gạo mốc xanh đỏ, cả cám gạo nữa, đây còn có cả ngô nữa… Thử hỏi, gạo thế này, chúng tôi làm sao mà nấu cho các em ăn được.  Thầy vừa nói vừa lắc đầu: Nhận vào.  Thầy nói, không ngẩng đầu lên, đánh dấu vào bảng tên của học sinh.

Mặt người mẹ đỏ ửng lên.  Chị khẽ khàng đến bên thầy nói:

-Tôi có 5 đồng, thầy có thể bổ sung vào thêm cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thưa thầy?

-Thôi, chị cầm lấy để đi đường uống nước.  Thầy nói và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ tội nghiệp đang loay hoay, khổ sở, mặt đỏ ửng lên, chân tay thừa thãi vì chẳng biết làm thế nào.  Chị chào thầy rồi lại bước thấp bước cao ra về.

*********************

Đầu tháng sau, chị lại đến nộp gạo cho con trai.  Thầy lại mở túi gạo ra kiểm tra rồi lại cau mày, lắc đầu.  Thầy có vẻ lạnh lùng, ác cảm:

– Chị lại nộp loại gạo như thế này sao?  Tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì, chúng tôi cũng nhận, nhưng làm ơn phân loại ra, đừng trộn chung như thế này.  Chúng tôi làm sao mà nấu cơm cho ngon để các em ăn được?  Chị nghĩ thử xem, với loại gạo hổ lốn thế này, liệu chúng tôi có thể nấu cơm chín được không?  Phụ huynh như các chị không thấy thương con mình sao?

 Thầy thông cảm.  Thầy nhận cho, ruộng nhà tôi trồng được chỉ có thế!  Người phụ nữ bối rối.
– Thật buồn cười cái nhà chị này! Một mảnh ruộng nhà chị có thể trồng đến hàng trăm thứ lúa thế sao? Nhận vào!  Giọng thầy gằn từng tiếng và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn chị.

Người mẹ im bặt, mặt chị trở nên trắng bệch, nhợt nhạt.  Chị lí nhí cảm ơn thầy rồi lại lặng lẽ bước thấp, bước cao ra về.  Dáng chị liêu xiêu, đổ vẹo trong cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa.

*********************

Lại sang đầu tháng thứ ba của kỳ nộp gạo.  Chị lại đến.  Vẫn dáng đi xiêu vẹo, mồ hôi mướt mải trên trán, ướt đẫm lưng áo của người mẹ trẻ.  Bao gạo nặng dường như quá sức với chị.

Thầy lại đích thân mở túi gạo ra kiểm tra.  Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt thầy.  Thầy rành rọt từng tiếng một như nhắc để người phụ nữ ấy nhớ:

– Tôi đã nói với chị thế nào.  Lần này tôi quyết không nhân nhượng chị nữa.  Chị làm mẹ mà sao ngoan cố không thay đổi thế này.  Chị mang về đi.  Tôi không nhận!

Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất.  Dường như bao nỗi ấm ức, đau khổ và bất lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bừng phát.  Chị khóc.  Hai hàng nước mắt nóng hổi, chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn.  Có lẽ, chị khóc vì tủi thân và xấu hổ.  Khóc vì lực bất tòng tâm.

Thầy Hùng kinh ngạc, không hiểu đã nói gì quá lời khiến cho người phụ nữ trẻ khóc tấm tức đến thế.
Chị kéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng.  Một bên chân quắt queo lại.

– Thưa với thầy, gạo này là do tôi… Tôi đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới có được.  Chẳng giấu gì thầy, chân cẳng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được nữa.  Cháu nó sớm hiểu chuyện, đòi bỏ học ở nhà giúp mẹ làm ruộng.  Thế nhưng tôi kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi thất học.  Có học mới mong thoát khỏi cảnh cơ cực này. Nhà chỉ có hai mẹ con, cha cháu mất sớm…  Thầy thương tình, thầy nhận giúp cho.  Không nộp gạo, con tôi thất học mất !

Người mẹ trẻ này đều đặn ngày nào cũng thế.  Trời còn tờ mờ, khi xóm làng còn chưa thức giấc, chị lặng lẽ chống gậy, lê mình rời khỏi thôn.  Chị đi khắp hang cùng, ngõ hẻm xóm khác xin gạo.  Đi mãi đến tối mịt mới âm thầm trở về.  Chị không muốn cho mọi người trong thôn biết.

Lần này người bị xúc động mạnh lại là thầy Hùng.  Thầy đứng lặng hồi lâu rồi nhẹ nhàng đỡ chị đứng lên.  Giọng thầy nhỏ nhẹ:

– Chị đứng lên đi, người mẹ trẻ!  Chị làm tôi thực sự bất ngờ. Tôi đã có lời không phải với chị.  Thôi thế này, tôi nhận.  Tôi sẽ thong báo với trường về hoàn cảnh của em học sinh này, để trường có chế độ học bổng hổ trợ cho học sinh vượt khó.

Người mẹ trẻ đột nhiên trở nên cuống quýt và hoảng hốt.  Chị gần như chắp tay lạy thầy.  Giọng chị van lơn:

– Xin thầy. Tôi có thể lo cho cháu, dù không đủ đầy như các bạn nhưng tôi lo được.  Khổ mấy, vất vả mấy tôi cũng chịu được.  Chỉ xin thầy đừng cho cháu hay chuyện này.  Đây là bí mật của tôi, mong thầy giữ kín giùm cho.

Chị kính cẩn cúi đầu chào thầy như người mà chị mang một hàm ơn lớn, đưa tay quệt mắt rồi lại nặng nhọc, liêu xiêu ra về.  Lòng thầy xót xa.

Thầy Hùng đem câu chuyện cảm động này báo với hiệu trưởng.  Ban giám hiệu trường giữ bí mật này tuyệt đối.  Nhà trường miễn phí toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này.  Ngoài ra, học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn nhận được học bổng của trường.

Cuối cấp, cậu dẫn đầu trong danh sách những học sinh xuất sắc của trường.  Cậu thi đậu vào trường đại học danh tiếng nhất của thủ đô.  Trong buổi lễ vinh danh những học sinh ưu tú, khi tên cậu được xướng lên đầu tiên, mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một góc khuất, mỉm cười sung sướng.

Có một điều rất lạ rằng trên sân khấu hôm ấy, có ba bao tải dứa sù sì được đặt trang trọng ở một góc phía ngoài cùng, nơi mọi người có thể dể dàng nhìn thấy nhất.  Ai cũng thắc mắc, không hiểu bên trong ấy chứa thứ gì.

Trong buổi lễ trang nghiêm ấy, thầy hiệu trưởng rất xúc động và kể lại câu chuyện người mẹ trẻ đi ăn xin nuôi con học thành tài.

Cả trường lặng đi vì xúc động. Thầy hiệu trưởng ra dấu cho thầy Hùng phòng giáo vụ đến mở ba bao tải ấy ra.  Đó là ba bao gạo mà người mẹ với đôi chân tật nguyền lặn lội khắp nơi xin về.

Thầy nói:

– Đây là những hạt gạo mang nặng mồ hôi và nặng tình của người mẹ yêu con hết mực.  Những hạt gạo đáng quý này, tiền, vàng cũng không thể mua nổi.  Sau đây, chúng tôi kính mời người mẹ vĩ đại ấy lên sân khấu.

Cả trường lại một lần nữa lặng người đi vì kinh ngạc.  Cả trường dồn mắt về phía người phụ nữ chân chất, quê mùa đang được thầy Hùng dìu từng bước khó nhọc bước lên sân khấu.

Cậu con trai cũng quay đầu nhìn lại.  Cậu há hốc miệng kinh ngạc.  Cậu không thể ngờ rằng người mẹ vĩ đại ấy không ai khác chính là người mẹ thân yêu của cậu.

– Chúng tôi biết, kể ra câu chuyện này sẽ khiến cậu học sinh ưu tú nhất trường bị chấn động rất mạnh về tâm lý.  Thế nhưng, chúng tôi cũng mạn phép được nói ra vì đó là tấm gương sáng, tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ.  Điều đó hết sức đáng quý và đáng được trân trọng vô cùng. Chúng tôi muốn thông qua câu chuyện cảm động này, giáo dục các em học sinh thân yêu của chúng ta về đạo đức và lối sống, về tình người và những nghĩa cử cao đẹp.  Hôm nay, một lần nữa chúng ta vinh danh những người cha, người mẹ đã cống hiến, hy sinh cả đời mình vì tương lai con em…

Giọng thầy hiệu trưởng đều đều, ấm áp và hết sức xúc động.  Tai cậu ù đi, cậu chẳng nghe thấy gì nữa cả, mắt cậu nhòe nước.  Mẹ cậu đứng đó, gầy gò, khắc khổ, mái tóc đã sớm điểm bạc, mắt bà cũng chan chứa niềm hạnh phúc và ánh mắt ấm áp, yêu thương ấy đang hướng về phía cậu với cái nhìn trìu mến.

Người phụ nữ ấy run run vì chưa bao giờ đứng trước đám đông.  Run run vì những lời tốt đẹp mà thầy hiệu trưởng đã giành cho mình.  Với chị, đơn giản, tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu bao la mà chị giành cho con trai.  Chị không nghĩ được thế nào là sự hy sinh hay đạo lý lớn lao ấy.

Cậu con trai cao lớn đứng vụt dậy, chạy lên ôm chầm lấy mẹ mà mếu máo khóc thành tiếng:

– Mẹ ơi! Mẹ của con…

Linh Đan (dịch từ truyện ngắn khuyết danh của Trung Quốc)