CỬA CHUỒNG CHIÊN

Cửa có hai công dụng.  Để đóng vào và để mở ra.  Có những cánh cửa như cửa tù ngục để giam kín phạm nhân.  Có những cánh cửa giam hãm, bưng bít con người không cho thông giao với thế giới bên ngoài.  Có những cánh cửa lò sát sinh nhốt thú vật để giết chết.  Đó là những cánh cửa đóng kín chết chóc, huỷ hoại.  Có những cánh cửa mở ra đón gió mát, đón khí trong lành, đón ánh sáng mặt trời tươi vui.  Có những cánh cửa mở ra những chân trời xa tắp, khơi lên trong tâm hồn mơ ước cao xa.  Có những cánh cửa mở ra đón nhận anh em trong tình huynh đệ thân mến.  Đó là những cánh cửa mở ra sự sống.

ZZHôm nay, Chúa Kitô nói: “Ta là cửa chuồng chiên”, Người đã tự nhận mình là cánh cửa.  Chúa Giêsu là cánh cửa không phải để đóng kín giam hãm đàn chiên.  Nhưng là cánh cửa mở ra.

Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra những chân trời vô tận.

Thỉnh thoảng ta nghe có dư luân xôn xao về ngày tận thế.  Tất nhiên đó là một tin đồn thất thiệt, nhảm nhí, đượm mầu sắc mê tín dị đoan.  Nhưng tin đồn đó cũng nói lên một sự thực là: Thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới hạn hẹp, sinh mạng con người là bèo bọt, kiếp sống con người là mong manh.  Thật đáng buồn nếu con người chỉ có thế, bị kết án chung thân vào một thân xác mau tan rã, bị giam hãm trong một thế giới vật chất mau tàn tạ.

Chúa Giêsu Phục sinh đã phá vỡ vòng vây giam hãm đó.  Khi tảng đá lấp cửa mộ lăn ra, Chúa Giêsu đã mở ra cho nhân loại một cánh cửa.  Cánh cửa đó dẫn vào một không gian vô tận.  Từ nay con người không còn bị kết án chung thân vào thân xác mau tan rã nữa, vì Chúa Giêsu phục sinh đã mặc lấy thân xác vinh hiển không bao giờ chết.  Từ nay con người không còn bị giam hãm trong thế giới vật chất mau tàn tạ nữa, vì Chúa Giêsu Phục sinh đã mở lối ra thế giới thần linh, trong đó con người sống trong tự do, không còn bị ràng buộc trong không gian.  Đó là một thế giới mới, thế giới vĩnh hằng, không bao giờ tàn tạ, thế giới vô biên chẳng có giới hạn.

Khi mở cánh cửa vào thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã đẩy lùi ranh giới của thế giới vật chất đến vô hạn.  Khi mở cánh cửa vào thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã chắp cánh cho ước mơ của con người. Ước mơ ấy chẳng còn hạn hẹp trong những hạn chế của vòng vây thế giới, nhưng bay lên ngang tầm trăng sao để mơ những giấc mơ thần thánh.  Khi mở cửa và thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã giải phóng con người khỏi cảnh ngộ nô lệ vật chất hư hèn, nâng con người lên cuộc sống tự do của con Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra suối nguồn sự sống
Thật là vô lý nếu con người sống chỉ để chết.  Thật là vô lý nếu chết là hết.  Nếu định mệnh con người là như thế, thà không sống còn hơn.  Mỗi khi vào bệnh viện, ta không khỏi suy nghĩ khi nhìn những bệnh nhân rên xiết, quằn quại đau đớn hoặc thấy những tấm thân gầy còm, những khuôn mặt hốc hác.  Đó là cái chết đang sống hay là một sự sống đang chết?  Đời sống như thế còn có ý nghĩa gì không?
Chúa Giêsu đã bước vào thế giới kẻ chết để chiến đấu chống lại thần chết.  Người đã chiến thắng.  Và khi Người mở cửa mộ bước ra, Người đã mở cánh cửa dẫn vào một cuộc sống mới.  Cuộc sống mới là một cuộc sống trọn vẹn bởi vì không còn bóng dáng Thần chết.  Cuộc sống mới là một cuộc sống sung mãn bởi vì chẳng còn vết tích của đau khổ, bệnh tật, đói khát.  Cuộc sống mới là một cuộc sống siêu nhiên trong đó con người được nâng lên làm con Thiên Chúa, được tham dự vào chính sự sống của chúa.  Cuộc sống mới là một cuộc sống hạnh phúc vì được kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong một tình yêu trọn hảo.

Như thế cuộc sống con người vẫn có một hướng đi lên, để được nâng cao, để được phong phú, để được hoàn hảo.  Chính vì thế mà dù biết cuộc sống khổ đau, người ta vẫn vui mừng khi một em bé chào đời. Chính vì thế người ta vẫn ăn mừng sinh nhật, coi đó là ngày trọng đại trong đời người.

Chính Chúa Giêsu đã biến đổi thân phận con người.  Con người sinh ra không phải để chết, nhưng để sống, sống sung mãn, sống trọn vẹn, sống vĩnh viễn trong suối nguồn sự sống.

Nhưng để mở ra cho ta những chân trời vô tận của con Thiên Chúa, chúa Giêsu đã chịu nhận lấy kiếp sống mong manh, phù du, bèo bọt của con người.  Để mở ra cho suối nguồn sự sống, Người đã phải đón nhận cái chết đau đớn.  Người chính là vị Mục tử chân chính đã thí mạng vì đàn chiên.

Chúa Giêsu quả thật là cánh cửa mở ra cho đàn chiên đi đến những chân trời xa rộng, đi đến những đồng cỏ xanh tươi, đi đến những dòng suối trong lành.

Chúa Giêsu quả là vị mục tử tốt lành luôn chăm sóc đoàn chiên, luôn nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực bổ dưỡng.  Chúa Giêsu đã đến cho ta được sống và được sống dồi dào.

Đó là cánh cửa duy nhất dẫn đến sự sống, ta hãy theo sát gót Người.  Đó là người mục tử duy nhất, ta hãy nghe tiếng Người.  Hãy đến với Người để Người đưa ta đến những chân trời xa rộng.  Hãy đến với Người để Người băng bó vết thương, xoa dịu nỗi đau và phục hồi sự sống.  Hãy đến với Người để Người đổ tràn tình yêu và sự sống vào tâm hồn ta.

TGM Ngô Quang Kiệt

MẸ KẾ

Đôi khi trong cuộc sống có những sự thực không như chúng ta vẫn nghĩ.  Bởi vậy, khi bạn đã trao yêu thương và coi mình là một phần quan trọng của người khác thì hãy cứ an tâm rằng bạn chắc chắn sẽ là một phần quan trọng với họ…

Tôi thường nghĩ rằng “cha mẹ kế” là từ dùng để chỉ những người đàn ông và đàn bà lấy nhau khi đã có con cái riêng, lý do đơn giản là chúng ta cần phải gọi họ bằng một cái tên gì đó.  Chắc chắn từ “kế” rất quan trọng nhưng người ta thường không nghĩ thế, với họ “cha mẹ” mới có ý nghĩa thực sự.  Đó là những gì tôi cảm thấy khi trở thành mẹ kế của bốn đứa con chồng tôi.

Chúng tôi kết hôn đã sáu năm, khi các con anh vẫn còn nhỏ và bây giờ đang ở tuổi vị thành niên.  Dù sống chủ yếu với mẹ ruột, chúng vẫn có nhiều thời gian sống cùng chúng tôi.  Nhiều năm qua, chúng tôi đã học cách thích nghi với nếp sống mới của gia đình và đối xử tử tế với nhau.  Chúng tôi đi nghỉ cùng nhau, dùng những bữa cơm gia đình, cùng làm bài tập, chơi bóng chày và xem phim bên nhau. Tuy nhiên tôi cứ cảm thấy mình giống như kẻ ngoài cuộc, tệ hơn là một kẻ xâm phạm gia đình riêng của người khác.  Có một lằn ranh ngăn cách rõ ràng mà tôi không thể nào vượt qua được.  Tôi không có riêng cho mình một đứa con nào, những kinh nghiệm làm mẹ của tôi chỉ giới hạn trong bốn đứa con của chồng và tôi thường tội nghiệp mình không bao giờ có được sợi dây liên kết thiêng liêng giữa mẹ và con.

Khi đám trẻ phải dời đến một thành phố khác cách năm giờ xe chạy, chồng tôi rất buồn và nhớ chúng.  Nhờ có internet chúng tôi có thể gởi thư cho nhau, kể cả trò chuyện với nhau mỗi khi chúng tôi cùng vào mạng.  Mỉa mai thay, những dụng cụ liên lạc hiện đại này cũng là những dụng cụ làm người ta dễ xa nhau hơn.  Chúng tôi cần biết bao sự tiếp xúc trực tiếp giữa người và người không qua máy móc.  Những khi bức thư trên màn hình chỉ đề “Ba” tôi thấy như bị bỏ quên, không ai nhớ đến mình.  Còn khi tên tôi cùng xuất ZZhiện với anh ấy, niềm vui không thể diễn tả được, tôi cảm thấy mình cũng là một thành viên trong gia đình họ.  Tuy vậy cũng còn khoảng cách nào đó cần phải vượt qua, ngay cả trên đường dây điện thoại.

Một buổi tối cũng khá khuya, chồng tôi ngủ gà gật trước tivi, còn tôi đang kiểm tra mình có thư hay không, máy tính báo tôi có một tin nhắn.  Đó là của Margo, con gái kế lớn nhất của tôi.  Con bé cũng thức khuya, cũng đang ngồi trước máy tính ở một nơi cách năm giờ xe chạy.  Giống như đã làm nhiều lần trước đây, chúng tôi trò chuyện qua lại, chia sẻ cho nhau những tin tức mới nhất.  Khi chúng tôi tán gẫu như thế này, con bé không cần biết tôi hay là ba của nó ngồi phía bên kia bàn phím – nếu như nó không hỏi.  Tối nay con bé cũng không hỏi và tôi cũng không cần nêu đích danh mình.  Sau khi nghe xong kết quả thi đấu bóng chuyền, chi tiết về buổi khiêu vũ sắp tới ở trường, bài tập lịch sử phải nộp, tôi nói đã khuya rồi và nên đi ngủ.  Margo trả lời: “Vâng ạ, lần sau chúng ta sẽ nói tiếp!  Thương nhiều”.

Khi đọc dòng chữ này, cảm giác buồn bã xâm chiếm khắp người tôi.  Hẳn là con bé nghĩ nãy giờ mình viết cho ba.  Con bé và tôi chưa bao giờ dùng những từ thương yêu, đầy tình cảm như thế.  Cảm thấy tội lỗi vì đã không làm sáng tỏ, nhưng cũng không muốn làm con bé xấu hổ, tôi gửi lại đơn giản: “Thương con!  Chúc con ngủ ngon!”

Tôi lại nghĩ về gia đình họ, về không gian riêng tư mà tôi là một kẻ xâm phạm.  Một nỗi đau trống rỗng nhói lên trong tim tôi.  Sau đó, ngay khi những ngón tay tôi chạm vào nút bấm, ngay khi màn hình chuẩn bị chuyển sang màu đen, tin nhắn cuối cùng của Margo xuất hiện: “Chúc ba ngủ ngon dùm con.”  Nước mắt ràn rụa, tôi với tay tắt máy tính.

Sưu tầm
 

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

Chúa đem con vào đời, nhưng mục đích chính yếu của cuộc sống lại là chờ đợi một chuyến đi.  Sân ga không phải là quê hương của con để con bám víu và xây đắp, nhưng chỉ là bến tạm để đợi chờ con tàu. Khi nào thì con tàu sẽ đến để đem con đi?  Khi nào con từ giã cuộc sống?  Con chẳng biết được thời giờ định mệnh này.  Thưa Chúa, có điều con muốn nói là trong khi chờ đợi, trong lúc nhìn thời gian tiến về điểm mốc trọng đại ấy, con luôn luôn cần hạnh phúc.

* * *

ZZCon đã cảm nghiệm được nhiều thứ hạnh phúc.  Hạnh phúc khi nhận được tin vui.  Hạnh phúc đến từ một tâm hồn biết thông cảm.  Hạnh phúc đến từ sự thành công trong công ăn việc làm.  Nhưng, những hạnh phúc ấy vẫn chẳng làm con an lòng.  Con vẫn lo âu.  Những hạnh phúc ấy vẫn là bấp bênh.  Quá khứ minh chứng rằng nhiều lần con đã mất hạnh phúc ấy.

Vì những hạnh phúc ấy có thể mất nên cũng có những ngày tháng con sống không niềm vui, chung quanh con là sa mạc.  Mà đời người thì chẳng thể sống không niềm vui.  Nên con đi tìm niềm vui mới. Có khi con oán giận Chúa, bỏ đời sống đức tin để tìm bất cứ một an ủi nào đó.  Trong những giây phút ấy con thường tìm hạnh phúc trong tội lỗi.  Con không nhìn thấy những tàn phá của tội mà con chỉ thấy những hứa hẹn và bóng mát của tội mà thôi.  Thật sự con chẳng muốn bỏ Chúa bằng con đường chủ tâm sống trong tội.  Con vẫn biết con không thể sống thiếu Chúa, nhưng trong yếu đuối của đời mình, con đã thấy quyến rũ nơi tội mạnh hơn hạnh phúc do đời sống đức tin đem lại.

Hạnh phúc thật thì chỉ có một định nghĩa.  Nếu con đi tìm bất cứ hạnh phúc nào ngoài thứ hạnh phúc thật đó, con sẽ hoang mang và hụt hẫng.  Hạnh phúc thật đó chỉ có Chúa mới cho con được mà thôi. Chúa là nguyên ủy của tất cả, thì hạnh phúc cũng phải do Chúa là nguyên nhân.  Bởi đấy, khi con đi tìm niềm vui ngoài nguyên nhân tối thượng là Chúa, con sẽ gặp thất vọng.

* * *

Khi con phạm tội, tội cũng cho con một chút “niềm vui”.  Nhưng tội làm con xa Chúa.  Niềm vui hay hạnh phúc là lúc trầm mình thưởng thức trong dòng nước chảy của dòng sông.  Mức độ và sắc thái khác nhau của hạnh phúc tùy thuộc vào nguồn gốc của dòng sông ấy.  Chúa là nguyên nhân của một thứ hạnh phúc.  Tội cũng sinh ra một dòng hoan lạc.  Nguyên nhân khác nhau thì hạnh phúc hay hoan lạc đến từ các nguyên nhân đó phải khác nhau.  Từ sự khác nhau ấy, con chọn lựa cho mình một dòng sông.  Dòng sông hạnh phúc của Chúa hay đôi bờ hoan lạc của tội.

Con là một tạo vật hữu hạn.  Thứ hạnh phúc của tội cũng là một sản phẩm hữu hạn, bởi vì chính con tạo nên nó.  Vì con tạo nên nó, do đấy, nó chẳng bao giờ thỏa mãn con được.  Hạnh phúc của con hệ tại bám vào hạnh phúc tự thể là Chúa.  Nên khi con mất cái tự hữu để ký sinh thì con chênh vênh và hao hụt ngay.

Tội làm con xa Chúa.  Chúa xa con không phải vì Chúa bực mình, ghen tức.  Dù con thánh thiện tới đâu đi nữa thì cũng chẳng vì thế mà sự trọn hảo của Chúa thêm trọn hảo hơn.  Dù con có cầu nguyện thiết tha đến đâu đi nữa thì chẳng vì thế mà Chúa được cao cả hơn.  Tự Chúa đã tràn đầy tất cả.  Chúa chẳng cần gì.  Nếu con cầu nguyện là con bám vào sự trọn hảo của Chúa để được thương ban mà thôi.

Tội là thái độ tự do để lựa chọn một đối tượng ngoài Chúa.  Khi phạm tội là con nghe theo một tiếng gọi khác, chấp nhận một đối tượng khác.  Khi con chấp nhận một đối tượng khác rồi thì lẽ dĩ nhiên là Chúa phải xa con.  Chúa không áp bức con bằng sức mạnh, bằng quyền năng, nhưng Chúa kính nể sự tự do của con.  Khi con phạm tội, khi con lựa chọn một đối tượng rồi thì Chúa muốn ở với con cũng không được vì con đã dành khoảng trống của lòng mình cho một chủ khác rồi.

Khi con kiếm tìm niềm vui nơi tội là con tạo nên cơn bão táp cho chính vườn rau của mình.  Càng để tội lỗi làm chủ con tim mình thì Chúa càng phải ở xa.  Mà Chúa càng xa thì hạnh phúc thật càng mù tăm, khuất bóng.  Lý tưởng cuộc đời con là kiếm tìm và quy về nguồn cõi hạnh phúc thật đó.  Do vậy, càng xa nguồn hạnh phúc thật thì con càng đánh mất ý nghĩa cuộc sống.  Mà không còn ý nghĩa thì cuộc sống trở nên man dại, tính toán, lo âu, giành giật, hận thù và chán chường.

* * *

Khi con phạm tội là con phá hủy hết tất cả tự do của con.  Cơn bão táp ấy xóa nhòa nhân phẩm của con.  Tội là điều xấu.  Con không muốn để người khác biết những điều xấu xa của con.  Từ đó, con có hai khuôn mặt.  Một khuôn mặt thật và một khuôn mặt để “show up”, trình diễn để tha nhân nhìn vào.  Khi con giấu kín khuôn mặt thật tội lỗi để phô bày khuôn mặt giả cao thượng là con xây dựng giá trị của mình trên sự lầm lẫn của tha nhân.  Con lừa dối kẻ đối diện.  Nếu con còn may mắn để nhìn thấy rằng mình có hai khuôn mặt mỗi khi xét mình thì con còn lương tri để biết rằng mình chỉ lừa gạt người chứ không lừa dối mình.  Nhưng ngày nào đó, con lẫn lộn giữa thực và hư.  Ngày nào đó, con người để trình diễn kia rợp bóng đến nỗi con chỉ thấy nó là chính mình và con tin nó là khuôn mặt thật của mình, con không còn thấy bóng khuôn mặt thật của con đâu nữa thì ngày đó con chẳng còn gì.  Con đã là nạn nhân của sự giả tạo.  Gian dối với tha nhân đã nên lừa đảo chính mình.

Khi tha nhân tưởng con là gương mẫu của đời mà con không là gương mẫu thì con sẽ lo âu cho cái ngưỡng mộ kia bị đổ vỡ nếu tha nhân nhận ra con người thật tội lỗi của con, cho nên con lại càng phải cất giấu con người đó kỹ hơn.  Bởi đấy, tội cướp mất tự do.  Sống trong tội, con phải sống trong hồi hộp, gian dối, lo âu.

Chẳng có người cha nào không mủi lòng khi thấy đứa con mình sắp xuống tắm trong dòng sông ngầu vẩn rác đục.  Vì kính trọng tự do Chúa đã ban cho con, nên Chúa biết con xa Chúa là đời con sẽ chán chường, Chúa cũng đau khổ, nhưng Chúa chẳng thể cưỡng bách con chọn Chúa được.  Mà thật sự con cũng không muốn mất tự do.  Hành vi chọn lựa là một thú vui chan chứa của tự do.  Không có tự do sẽ là gỗ đá.  Nếu con không phải là gỗ đá, nếu con có tự do, thì con phải biết lo âu biết bao về sự tự do của mình.

LM Nguyễn Tầm Thường