CỤC TẨY VÀ BÚT CHÌ

Có người hỏi: vì sao bút chì có tẩy? Chẳng phải câu trả lời đã quá rõ ràng rồi sao: để xóa đi những chữ viết sai, viết chưa đẹp hoặc để xóa hoàn toàn một đoạn văn nào đó! Vậy có bao giờ bạn tự hỏi mình: phải chăng trong cuộc sống này, chúng ta cũng cần có một cục tẩy cho riêng mình? Để xóa đi những sai lầm của người khác và của chính bản thân ta!  Có lúc chúng ta keo kiệt, không dùng đến cục tẩy đó khiến cho những trang giấy cuộc đời nhem nhuốc những dòng gạch và xóa!

Bất cứ ai cũng có lúc gặp sai lầm, bất cứ ai cũng gây ra những lỗi lầm khắc sâu trong lòng người khác! Có người ghi nhớ để rồi mãi mãi khắc khoải vì vết thương đó!  Có người để nó bị thời gian xóa đi, trống trơn phẳng lặng để viết lên những bài viết cuộc đời đặc sắc hơn, ý nghĩa hơn!

Người ta nói rằng cuộc đời là một trang giấy trắng, và chính chúng ta sẽ quyết định viết nó như thế nào!  Khi một đứa trẻ mới vào lớp một, cô giáo không cho chúng viết bằng bút bi, mà viết bằng bút chì!  Bởi vì sao bạn nhỉ?  Vì bàn tay yếu ớt của các bé nhất định sẽ có lúc viết những nét nghuệch ngoặc, sai từ này từ khác!  Và khi đó, bé sẽ dùng tẩy để tẩy đi những chữ viết chưa đúng, chưa đẹp của mình!  Chúng ta cũng vậy, không ai sinh ra đã có thể viết lên những bài ca cuộc đời một cách  hoàn chỉnh!  Có lúc chúng ta vì vội vã mà đi sai phương hướng dẫn đến những hậu quả khôn lường, có lúc vì chủ quan mà mắc sai lầm không thể sửa chữa!  Làm thế nào đây?  Ngồi trách móc bản thân và hứng chịu những lời trách móc của người khác?  Như vậy có giải quyết được gì không?

Lúc ấy chúng ta cần biết tẩy đi những sai lầm mắc phải, và làm lại từ đầu với những bước đi thận trọng hơn!  Không ai có thể trưởng thành mà chưa một lần vấp ngã hay mắc sai lầm!

Mỗi em bé trước khi biết đi cũng trải qua quá trình chập chững với không ít lần vấp ngã!  Đừng tự trách bản thân mình quá nhiều bạn ạ!  Cũng như đừng trách móc những người khác, khiến họ cảm thấy mình kém cỏi, mà mất hết niềm tin vào chính bản thân họ!  Hãy biết chấp nhận sai lầm như một điều tự nhiên trong cuộc sống, để đối mặt với sai lầm và thất bại một cách nhẹ nhàng hơn!  Bạn biết đấy, cục tẩy sinh ra để xóa đi những chữ viết chưa được tròn trịa, chưa được chính xác, thì chúng ta cũng hãy dùng cục tẩy của mình – sự bao dung và thứ tha –  để tẩy đi những sai lầm của mình và người khác mắc phải!

Đừng quá khắt khe với người khác, cũng đừng chỉ nhìn vào những sai lầm của họ mà đánh giá con người họ!  Bất kỳ ai cũng có lúc mắc phải sai lầm, quan trọng là họ biết mình sai để sửa.  Còn chúng ta đừng chỉ biết nhìn vào những sai lầm đó, mà hãy nghĩ đến những gì họ đã cố gắng, đã nỗ lực để làm tốt công việc của mình!

Có câu chuyện về chiếc bánh bị cháy, bạn đã nghe bao giờ chưa nhỉ?  Một người phụ nữ phải làm việc 8h/ngày, lại còn chăm sóc gia đình và làm hết mọi công việc của một người nội trợ!  Một ngày nọ cô mệt nhoài với hàng tá công việc ở cơ quan khiến cô có cảm giác như kiệt sức!  Về nhà cô còn phải dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn cho chồng và con của cô!  Khi người chồng đón con từ trường về, cũng là lúc cô nướng xong mẻ bánh quy trong lò!  Thế nhưng vì quá mệt nên cô đã để quên nó một lúc, khiến cho một vài chiếc bị cháy!

Lúc ăn tối, đứa con quan sát xem có ai nói gì về những chiếc bánh cháy đó không, nhưng chẳng có ai lên tiếng cả!  Khi dọn bát đĩa, người vợ ngỏ ý xin lỗi về những chiếc bánh cháy nhưng người chồng dịu dàng nói: có gì mà em phải xin lỗi chứ, hơn nữa mùi vị những chiếc bánh ấy rất ngon!  Người vợ mỉm cười hạnh phúc!

Khi đưa con đi ngủ, nó thì thầm hỏi bố nó: có thật bố thích ăn bánh quy cháy không?  Không con ạ, anh ta nói với con!  Nhưng hôm nay mẹ con rất mệt, mà vẫn phải chuẩn bị bữa ăn cho bố con chúng ta! Không nên làm mẹ buồn, mà một vài chiếc bánh cháy có ảnh hưởng đến ai đâu chứ!

Thế đấy, có bao nhiêu người không để ý đến một vài chiếc bánh cháy trên đĩa bánh?  Không nhiều lắm phải không bạn!  Cũng như vết mực đen trên tờ giấy trắng!  Có lúc chúng ta chỉ biết nhìn vào những sai lầm, khuyết điểm của người khác để rồi lên tiếng chỉ trích mà quên rằng họ đã cố gắng rất nhiều!

Hãy sống bao dung hơn bạn nhé, để cục tẩy của bạn mòn dần theo năm tháng, đừng bao giờ để cục tẩy của bạn mãi mãi như mới xuất xưởng!  Bởi vì nếu không sử dụng đến nó cuộc đời của chúng ta sẽ chi chít những vết gạch xóa sau những lần mắc sai lầm!  Một tờ giấy như vậy có đẹp đẽ gì không?  Hãy để nó là một tờ giấy được viết nên bởi những trải nghiệm, những thử thách, quyết tâm và cả sự tha thứ và bao dung nữa, bạn nhé!

Sưu tầm

**********************************************

zz Chúa ơi,
Tha thứ cho con,
và dạy con biết cách tha thứ
chính con
và những người khác.

Mong những vì sao
làm đầy bầu trời
làm đầy con.  Amen!

 

ĐÁP TRẢ LẠI TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

“Lắm lúc chúng ta nhầm lẫn và đi tìm những chứng cứ của tình yêu Thiên Chúa trong hạnh phúc.  Thay vào đó, chúng ta cần đi tìm những chứng cứ ấy trong sự trung thành và kiên trì hầu giúp
chúng ta được trở nên giống Đức Kitô” — Nhà văn Jerry Bridges

Thiên Chúa nói: “Ta mến thương ngươi bằng một tình yêu vĩnh cửu”, và Chúa Giêsu đã đến để loan báo cho ta Tin Mừng ấy.  Khi Chúa Giêsu được thanh tẩy, Ngài nghe thấy một tiếng nói với Ngài: “Con là con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng”.  Đó là một tuyên bố quan trọng Chúa Giêsu muốn cho ta nghe.  Ta là con yêu dấu, không phải vì ta đã làm được một cái gì đó, không phải vì ta đã khẳng định được chính mình.  Cách căn bản, Thiên Chúa yêu thương ta bất kể những việc ta làm. Nếu đây là sự thật, thì những năm vắn vỏi ta sống trên trần gian này, ta đã được sai đi, để giữa cuộc sống này, ta nói với Thiên Chúa: “Vâng lạy Thiên Chúa, con cũng yêu mến Ngài”.

zzNếu như Thiên Chúa săn sóc ta, thì điều rất quan trọng là ta cũng phải săn sóc Thiên Chúa trên trần gian này.  Nếu Thiên Chúa đã được sinh hạ như một trẻ thơ, thì Thiên Chúa không có thể biết đi hoặc biết nói trừ phi có một ai đó dạy cho Ngài.  Đó là cuộc đời của Chúa Giêsu, Đấng cần đến con người để lớn lên.  Thiên Chúa nói: “Ta muốn trở nên yếu đuối để các con có thể yêu mến Ta.  Còn con đường nào khác tốt hơn để giúp các con đáp trả lại tình yêu mến của Ta, bằng con đường trở nên yếu đuối để các con săn sóc Ta?”  Thiên Chúa trở nên một Thiên Chúa vấp ngã, đã ngã gục trên thập giá, đã chết cho ta, và đã hoàn toàn cần đến tình yêu nhân loại.  Thiên Chúa đã là như thế để ta có thể gần gũi với Ngài.  Thiên Chúa Đấng yêu thương ta là một vị Thiên Chúa trở nên mỏng dòn, lệ thuộc trên thập giá, một vị Thiên Chúa đã nói: “Các con có ở đó vì Ta không?”

Bạn có thể nói, Thiên Chúa đang chờ đợi câu trả lời của ta.  Cách mầu nhiệm, Thiên Chúa lệ thuộc vào ta.  Thiên Chúa nói: “Ta muốn trở nên mỏng dòn, ta cần đến tình yêu của con.  Ta ước mong con nhận biết tình yêu của Ta”.  Thiên Chúa là một Thiên Chúa ghen tương (jealous God) vì Ngài mong muốn tình yêu của ta và muốn ta thưa vâng với Ngài.  Đó là lý do tại sao vào cuối Tin Mừng theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?”  Thiên Chúa đang chờ đợi ta trả lời.  Sự sống cho ta vô vàn cơ hội để ta đáp lại câu trả lời ấy.  (The Road to Peace)

Chúa Giêsu có thể bước đi cách trung thành suốt đời.  Ngài được ca ngợi và cũng bị chỉ trích, được ngưỡng mộ và cũng bị khinh khi, Ngài được người ta xin làm vua và cũng bị người ta đóng đinh vào thập giá.  Nhưng Ngài vẫn trung thành với Tiếng nói hôm xưa.  Đó là ý nghĩa của việc cầu nguyện.

Chúa Giêsu đi thẳng tới việc cầu nguyện, lắng nghe Tiếng nói ấy, công nhận mình là Con Yêu dấu.  Ngay sau đó, Ngài lại nghe một tiếng khác.  Ma quỷ nói: “Ông phải chứng minh ông là Con Yêu dấu.  Biến đá thành bánh hoặc nhảy xuống khỏi đền thờ và thiên thần sẽ đỡ lấy ông – hãy chiếm lấy một ít quyền lực và ảnh hưởng”  Chúa Giêsu đáp: “Tôi không cần phải chứng minh tôi là Con yêu dấu, tôi đã là Con Yêu dấu rồi.”

Đối với chúng ta, làm việc cho công lý và hòa bình, và trở nên những người hoạt động đích thực theo nghĩa tốt của từ ngữ ấy, chính là làm mà không phải vì ta cần chứng minh cho mình hoặc cho ai khác rằng ta đáng yêu.  Nhưng chính vì ta đụng chạm được tư cách là con yêu dấu mà ta tự do hành động theo sự thật, ta hoạt động cho công lý và hòa bình bất cứ khi nào ta thấy cần và khước từ bất công.

Tôi cảm thấy rằng một khi ta đụng chạm được với tư cách người con yêu dấu, ta sẽ thấy rõ hơn những ơn ta có nhờ những người đã phát hiện ra chúng nơi ta.  Vì thế mà trở ngại lớn nhất cho hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi ta chính là việc chối bỏ mình.  Trở ngại lớn nhất cho hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi ta chính là việc ta nói với mình rằng ta vô dụng, ta chỉ là không.

Một khi ta biết, ta là con yêu dấu, một khi ta bắt đầu khám phá ra điều ấy nơi ta, thì khi ấy Chúa Thánh Thần có thể hoạt động trong ta và trong những người khác; khi ấy ta có thể làm được những việc kỳ diệu.  Nay, vì ta bảo rằng: “Không, Thiên Chúa không thương tôi, tôi không tốt như những người khác” nên một cách nào đó ta không nhìn nhận sự thật Chúa Giêsu đã đến công bố.

Henry M. Nouwen

 

 

ĐIỀU RĂN MỚI

zzGandhi được coi là bậc đại thánh của dân Ấn Độ.  Ông say mê Kinh Thánh, nhất là bài giảng trên núi. Ông nghĩ rằng Kitô giáo sẽ là câu trả lời thích đáng cho những xung đột giữa các giai cấp ở Ấn.  Một ngày nọ ông đến dự lễ tại một nhà thờ.  Nhưng người giữ cửa ngăn ông lại, và bảo ông nên đến dự lễ ở một nhà thờ khác dành cho người da đen.  Ông đã bỏ đi và không bao giờ quay trở lại.

Có thể chúng ta đã mất một Kitô hữu tốt như Gandhi chỉ vì có sự phân biệt màu da nơi nhà thờ.  Biết đâu thế giới này lại chẳng có nhiều Gandhi, họ sống tinh thần Đức Kitô còn hơn cả các Kitô hữu.

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Lời trăn trối của Đức Giêsu vẫn làm chúng ta nhức nhối.

Ở đây Ngài không nhắc chúng ta yêu thương người ngoài, nhưng Ngài đòi buộc các môn đệ Ngài yêu thương nhau.  Yêu thương nhau trở thành điều răn mới, mới vì Ngài đòi họ phải yêu nhau như Ngài đã yêu họ.  Vấn đề cốt lõi là cảm nhận được tình yêu của Ngài.

Trước khi công bố điều răn mới này, Đức Giêsu đã rửa chân cho môn đệ, trong đó có Giuđa.  Ngài cúi xuống bên chân Giuđa để bày tỏ một tình yêu.  Sau đó Ngài còn chấm miếng bánh đầu tiên trao cho Giuđa như đưa ra một vẫy gọi thân thương cuối cùng. (x. Ga 13,26)

Nhưng vô ích, Giuđa không đổi ý.  Anh vẫn ra đi để làm điều mình muốn (x. Ga 13,31).  Đức Giêsu biết rõ số phận đang chờ mình.  Ngài sẽ yêu đến cùng bằng việc hiến mạng trên thập giá.

Đức Giêsu đã yêu trước khi truyền cho ta yêu nhau. Nếu ta không cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho ta, thì ta cũng chẳng thể yêu nhau như Ngài muốn.

Có nhiều dấu hiệu để người ta nhận ra một Kitô hữu: đeo thánh giá nơi cổ, làm dấu thánh giá trước khi ăn… Nhưng theo Đức Giêsu, dấu hiệu đặc trưng của nhóm môn đệ là tình yêu thương mà họ dành cho nhau: cảm thông, tha thứ, cộng tác, hy sinh, chia sẻ, đối thoại…

Giữa các môn đệ, có bao dị biệt, bao hàng rào.  Nếu không vượt qua được những hàng rào dị biệt này thì coi như việc truyền giáo bị đổ vỡ.  Tiếc thay, vẫn chưa có sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu khác màu da, khác văn hóa, khác quan điểm chính trị… Có bất đồng giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo ở Nga, giữa người Công Giáo và người Tin Lành ở Bắc Ailen.  Đến bao giờ mọi Kitô hữu có thể đọc chung kinh Lạy Cha, mừng chung với nhau lễ Phục Sinh trong một ngày, cử hành chung với nhau một phụng vụ.

Thế giới hôm nay như sa mạc thiếu vắng tình yêu.  Ước gì thế giới Kitô trở thành một ốc đảo xanh tươi mời mọi người đặt chân tới.

**************************************

Lạy Cha, xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.

Xin cho chúng con đến với nhau không chút thành kiến, và tin tưởng và thiện chí của nhau.  Khi cộng tác với nhau, xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện, nhờ đó chúng con vượt qua những tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ và những định kiến cằn cỗi.

Ước gì chúng con dám từ bỏ mình, để tìm kiếm chân lý ở mọi nơi và mọi người, nhất là nơi những ai khác quan điểm.

Lạy Cha, xin sai Thánh Thần đến trên chúng con, để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim, và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.  Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác, xin cho chúng con được triển nở không ngừng và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen!

Trích trong ‘Manna’

 

THIÊN TÀI THOMAS EDISON

zzMột ngày kia, một cậu bé bị tật điếc 50% cầm về cho cha mẹ lá thư báo tin của nhà trường là cậu bị đuổi học vì trí khôn quá kém.

Đọc qua lá thư, mẹ cậu không những không nổi giận mà còn bênh vực cậu và bà trả lời cho nhà trường như sau: “Con tôi không quá ngu muội đến độ không còn học được gì nữa, từ nay tôi sẽ đích thân dạy cho con tôi”.  Và cậu bé có tật lãng tai bị nhà trường đuổi không cho học nữa đó là thiên tài Thomas Edison, người đã phát minh ra nhiều kỹ thuật khoa học còn được xử dụng cho tới ngày nay, chẳng hạn như phát minh ra bóng đèn điện, máy chiếu phim, dĩa ghi âm. Khi ông chết rồi người ta còn đếm được ông đã có hàng trăm bằng cấp thị thực phát minh về công lao của ông.

“Con tôi không quá ngu muội đến độ không còn học được nữa. Tôi sẽ đích thân dạy học cho con tôi”. Tình thương và thái độ của người mẹ đối với con mình là Thomas Edison có thể nhắc chúng ta về tình thương và thái độ của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta.  Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta mặc dầu chúng ta là những tội nhân.  Thiên Chúa không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta dù chúng ta sống xa Ngài.  Ngài đã so sánh tình yêu của Ngài như tình yêu của một người mẹ hiền và còn hơn tình yêu của người mẹ hiền nữa “Giả như người mẹ có thể quên con cái mình, thì Ta, Ta sẽ không bao giờ quên con”.  Và Chúa Giêsu khi rao giảng Tin Mừng đã dùng hình ảnh vị chủ chăn đi tìm chiên lạc để mạc khải cho chúng ta tình thương của Thiên Chúa đối với con người.  Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn phải hư mất.

*******************************

Qúy vị và các bạn thân mến,

Những lời dạy của Chúa Giêsu gia tăng niềm hy vọng nơi mỗi người trong chúng ta.  Ngài tận dụng những gì Ngài có thể làm để biến đổi chúng ta, để giúp chúng ta phát triển những tài năng mà Ngài ban cho chúng ta.  Nếu không có tình thương của người mẹ thì Thomas Edison bị nhà trường đuổi kia sẽ không phát triển được hết tài năng của mình.  Cũng vậy, nếu Thiên Chúa không yêu thương và kiên nhẫn nâng đỡ thì có lẽ chúng ta không làm được gì.  Nhưng chúng ta cũng đừng ỷ lại, đừng lạm dụng tình thương của Chúa, đừng dừng lại trong những tật xấu ươn hèn của chúng ta.  Hơn nữa, chúng ta cũng được mời gọi noi gương Chúa đối xử với chúng ta như thế nào để đối xử với anh chị em xung quanh như vậy.  Thiên Chúa kiên nhẫn yêu thương chúng ta thì chúng ta cũng kiên nhẫn yêu thương anh chị em xung quanh như vậy.  Thiên Chúa không thất vọng về chúng ta thì chúng ta cũng đừng thất vọng về người anh chị em.

Tình yêu thương là phương thế duy nhất Thiên Chúa dùng để phát triển tài năng nơi chúng ta thì tình yêu của chúng ta với nhau cũng giúp nhau thăng tiến cuộc sống mỗi người anh em chúng ta.  Hãy để cho Thiên Chúa yêu thương mình và xin Thiên Chúa giúp mình yêu thương anh chị em xung quanh như Ngài đã nêu gương để đừng ai bị loại bỏ ra ngoài khi Ngài ngự đến.

*******************************

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì phẩm giá, vì tài năng Chúa ban cho mỗi người chúng con.

Xin giúp chúng con sống trong tình yêu Chúa và hăng say đóng góp phần của mình vào việc thăng tiến anh chị em xung quanh, thăng tiến xã hội, môi trường chúng con đang sống hàng ngày.

Xin cho chúng con được luôn tin tưởng vào tài năng Chúa ban cho chúng con để làm sinh sôi nén vàng Ngài đã giao cho. Amen!

R. Veritas

 

SỐNG HY VỌNG TRONG ĐỨC KITÔ

zz“Hãy đừng để điều gì làm [tâm hồn] bạn phiền muộn,
hãy đừng để điều gì làm [con tim] bạn sợ hãi,
vì tất cả sẽ trôi qua: chỉ trừ một mình Chúa.
Hãy kiên nhẫn trong mọi sự.

Những ai có Chúa sẽ không thấy thiếu một điều gì,
vì một mình Chúa là đủ.” –
Thánh Têrêsa Thành Avila

Hy vọng là một trong ba món quà cao quý mà Thiên Chúa ban tặng cho con người (tin, cậy, mến), và Giáo Hội gọi ba món quà thiêng liêng này là những nhân đức đối thần (theological virtues).  Những món quà thiêng liêng này được gieo vào tâm hồn của mỗi người từ khi linh hồn và thân xác chúng ta được thành hình vì không có hy vọng chúng ta sẽ chẳng bao giờ trở thành “nhân”, và ngược lại chúng ta sẽ trở thành những con người tuyệt vọng hướng vễ cõi âm ty.  Chúng ta đang bước vào tuần thứ tư của mùa Hy Vọng (hy vọng ở đây khác với mùa Vọng của sự mong chờ) – mùa mà mọi tạo vật hoan hỉ vì một biến cố lạ lùng mà Thiên Chúa Cha đã làm cho Con Một của Ngài cách đây hơn hai ngàn năm. Đó là sự Phục Sinh khải hoàn của Đức Giêsu Kitô, và trong sự Phục Sinh ấy ba món quà thiêng liêng tin, cậy, mến của chúng ta được nuôi dưỡng trong lòng Giáo Hội.

Có lẽ ai trong chúng ta đều biết đến biến cố đau thương vừa mới xảy đến trên đất nước yêu thương của chúng ta, nơi mà đã và đang cưu mang chúng ta trong những ngày tháng qua và những tháng ngày còn lại, nơi mà chúng ta chọn làm quê hương thứ hai của mình.  Chúng ta đã nghĩ gì khi đọc báo chí hay nghe tin tức về biến cố này?  Hãy lắng đọng trong giây lát để nghe những biến chuyển trong con tim khi mà chúng ta nghe những đau thương, nhìn những vũng máu, chứng kiến cảnh hủy hoại, và những tiếng rên xiết đau lòng của những người bị tàn phế.  Chúng ta đang cảm nhận được những gì? Sợ hãi hay mất niềm tin?  Giận dữ hay oán ghét?  Đen tối hay tuyệt vọng?  Vô cảm và không muốn biết đến? Hay là bạn thắc mắc không biết Thiên Chúa đang ở đâu khi những điều này xảy đến?  Hay là bạn suy tư không biết sự Phục Sinh khải hoàn của Đức Giêsu Kitô có thay đổi được gì bộ mặt thế giới ngày hôm nay không?  Làm sao mà mình có thể sống niềm hy vọng khi những biến cố đau thương đang đầy dẫy xung quanh ta?

Đây chính là lúc chúng ta cần sống niềm hy vọng giữa những đen tối và đau thương, sống niềm hy vọng mà các tông đồ, các thánh, và bao nhiêu người đã và đang sống.  Các ngài đã không tách rời thế giới loài người và thế giới của Thiên Chúa nhưng đã sống giữa thế giới này trong niềm hy vọng.  Các tâm hồn ấy đã chọn lối sống bình an trong hy vọng nhưng đó không phải là lối sống vô cảm vì nếu đó là lối sống vô cảm thì các ngài và bao nhiêu người đã chẳng dấn thân và chịu mất mạng sống mình.  Họ đã sống bình an giữa biển đời và mang lại an bình cho những ai đang cần đến vì họ đã để niềm vui Phục Sinh làm chủ tâm hồn họ.  Không một đen tối nào có thể làm cho con mắt họ mù quáng vì họ luôn hướng về ánh sáng của Thiên Chúa.  Không một sự giận dữ bạo tàn nào có thể làm cho tâm hồn họ giao động vì tâm hồn họ luôn bám chặt vào Đấng mà họ đã chọn làm Thành Trì.  Không có một sự ác nào có thể đánh bại họ vì họ đã vững tin vào Đấng đã chiến thắng sự dữ và đã chỗi dậy từ cõi chết.  Các thánh và bao nhiêu người đã sống được như vậy vì họ đã chọn để Thần Khí Chúa nung đúc và duy trì hạt giống hy vọng trong con tim họ, và qua đó họ là những nhân chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này.

Chúng ta là những Kitô hữu và chúng ta được mời gọi làm chứng nhân để mang niềm hy vọng và sự hiện diện của Thiên Chúa đến ngay trong thế giới hôm nay.  Chúng ta cũng được mời gọi để Thần Khí Chúa nuôi dưỡng hạt giống hy vọng trong ta.  Nếu Chúa Giêsu là ánh sáng mặt trời, thì mỗi chúng ta hãy xin ơn để làm một tia nắng; như vậy thì thế giới mới nhận ra hơi ấm, sức mạnh và sự phong phú vô tận của Đấng Phục Sinh.  Làm sao chúng ta biết làm cách nào để sống chứng nhân cho Thiên Chúa và tia nắng mặt trời nào Ngài muốn chúng ta trở thành?  Nếu chúng ta sống cuộc sống cầu nguyện, tập tĩnh lặng và biết lắng nghe, Thần Khí Thiên Chúa sẽ hướng dẫn và dạy dỗ cho chúng ta phải sống cách nào để có tương quan mật thiết với Chúa Giêsu.  Vậy trước hết, chúng ta hãy xin ơn để cảm nghiệm được Chúa Giêsu là ai với mỗi người chúng ta, và khi gặp được Ngài rồi, chính Ngài sẽ dạy cho chúng ta công việc sứ giả nào Ngài đã chọn cho ta đồng hành với Ngài.  Muốn được như vậy thì mỗi một ngày hãy dành riêng cho ta và Ngài nửa tiếng trong thinh lặng, và trong thời gian thánh thiêng ấy hãy để Thần Khí dẫn ta đi gặp Đấng mà chúng ta tôn thờ là Thầy và là Chúa, không chỉ bằng môi miệng nhưng bằng tất cả tâm trí của chúng ta.  Là nhân chứng và sống với Thần Khí Chúa trong niềm hy vọng, chúng ta hãy tuyên xưng niềm hy vọng ấy trong cuộc sống hằng ngày như lời dạy của Thánh Phêrô:
Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em.  Hãy luôn luôn sẵng sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.  Nhưng phải trả lời cách hiền hoà với sự kính trọng.

Ước gì mỗi người chúng ta biết dành thời gian mỗi ngày để đến với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, qua hình bánh rượu hoặc rước Ngài cách thiêng liêng, hầu chúng ta lãnh nhận sức sống của Đấng đã phó mình để nuôi sống chúng ta.  Vì nếu chúng ta không biết đến với Ngài và để Ngài duy trì chúng ta qua cầu nguyện và thánh lễ, chúng ta sẽ là những nhân chứng thiếu dinh dưỡng và chúng ta sẽ ngã quỵ khi gặp những điều ngoài ước muốn.  Hãy luôn để bình an của Chúa làm chủ tâm hồn hầu chúng ta luôn thấy những tia nắng ấm áp của Ngài đang bao trùm chính ta và thế giới, khi mọi sự như đảo chao và bóng đêm che phủ, khi sự dữ đang muốn nuốt sống chửng mọi sự xung quanh, khi sự bạo tàn đang hành hung như muốn cuốn chúng ta vào cõi hư không của chúng.

*********************************************

Niềm tin trong Đức Kitô khơi dậy trong ta niềm hy vọng,
Niềm hy vọng trong Đức Kitô mang lại cho ta ánh sáng,
Ánh sáng trong Đức Kitô đưa ta đến sự sống.
Hãy sống với Ngài trong niềm Tin, Cậy, Mến
Hãy yêu mến vì Ngài là Thầy và là Chúa
Hãy yêu mến vì Ngài là Đấng chúng ta tôn thờ.  Amen!

Củ Khoai, 4/2013

 

MỤC TỬ TỐT LÀNH HÔM NAY

zzHình ảnh chiên cừu dễ gây ngộ nhận vì người ta cho rằng chiên cừu chẳng biết làm gì hơn là ngoan ngoãn vâng lời.  Nhưng con chiên trong bài Tin mừng ta vừa nghe hoàn toàn không có tính cách thụ động như thế.  Trái lại phải tích cực, chủ động.  Sự tích cực chủ động của đoàn chiên được Chúa Giêsu diễn tả bằng những từ “nghe” và “theo”: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta.  Ta biết chúng và chúng theo Ta”.

1. Nghe.
Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, nên ta phải nghe Người.  Nhưng nghe được Lời của Thiên Chúa không phải dễ.

Không dễ, vì Lời Thiên Chúa nhẹ nhàng như lời thì thầm của mây gió, sâu thẳm như tiếng nói của đáy đại dương, im lặng và bí hiểm như tiếng vỗ của một bàn tay.  Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỉ lại ồn ào như một ngày hội, gào thét như cuồng phong và điên loạn như chiến tranh.
Không dễ, vì Lời Thiên Chúa mời gọi người ta vào con đường chật hẹp của từ bỏ mình, dẫn ta lên ngọn đồi gai góc của thập giá hi sinh và thách thức ta phục vụ đến hi sinh cả mạng sống.  Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỉ mở ra đại lộ thênh thang của danh vọng, dẫn ta đến dìm mình trong đại dương hưởng thụ và hứa ban tặng cho ta tất cả vinh hoa phú quí trên đời.

Vì thế, để nghe được Lời Chúa, ta phải có một đôi tai thật bén nhạy, được hướng dẫn bởi trí phán đoán sáng suốt và một trái tim yêu mến nồng nàn.  Nghe Lời Chúa với một thái độ như thế sẽ dẫn ta đến chỗ theo Chúa.

2. Theo.
Theo ai là quyến luyến, gắn bó và ràng buộc đời mình vào đời người đó.  Như thế theo ai là từ bỏ chính mình, cuộc đời mình để chia sẻ cuộc sống với người khác.

Theo tâm lý học, trong tình yêu có ba mức độ.  Mức độ thứ nhất: Thích nhìn, nghe người mình yêu. Mức độ thứ hai: Trong mọi chương trình, tính toán của đời mình đều có bóng dáng của người yêu. Mức độ cuối cùng: Chia sẻ tất cả những gì mình có, kể cả cuộc sống vì người yêu.

Như thế, theo tức là yêu thương ở cao độ.  Con chiên đi theo Chúa như thế phải hoàn toàn chủ động và nhất là thiết lập một quan hệ mật thiết với Chúa là Chủ đoàn chiên.  Hành động của Chúa chiên tốt lành được Đức Giêsu tóm gọn trong hai động từ: “biết” và “cho”.

3. Biết.
Người chăn chiên tốt lành biết rõ từng con chiên.  Ông biết tên từng con.  Ông biết tình trạng sức khoẻ cũng như nhu cầu của từng con chiên.  Tương tự như thế, Chúa Giêsu biết rõ mỗi người chúng ta. Người không chỉ biết mà còn thông cảm với mọi hoàn cảnh của ta.
Ta buồn vì bị người yêu phụ bạc ư?  Người cũng đã biết thế nào là nỗi đau của người bị phản bội.

Ta cay đắng với kiếp nghèo đeo đẳng ư?  Chúa Giêsu cũng đã sinh ra không nhà, sống ngoài đường và chết trần truồng trên thập giá.
Ta tuyệt vọng vì cuộc đời không lối thoát ư?  Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút đen tối trong vườn Giết-si-ma-ni và trên thánh giá.
Ta cô đơn vì bị mọi người xa lánh ư?  Chúa Giêsu cũng đã bị mọi người chối bỏ, và Người cảm thấy như Đức Chúa Cha cũng từ bỏ Người.
Ta bị sỉ nhục mất hết uy tín ư?  Chúa Giêsu đã bị nhục nhã và mất hết uy tín khi phải chết như kẻ tội đồ nô lệ.

Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt lành, hiểu biết mọi ngõ ngách u ẩn trong đáy lòng người, nên có thể chăm sóc an ủi từng người chúng ta.

4. Cho.
Chúa Giêsu là mục tử tốt lành vì đã tặng ban cho tất cả đoàn chiên món quà quí giá nhất là sự sống đời đời, sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, sự sống của chính bản thân Người.  Sống sự sống của Thiên Chúa rồi, đoàn chiên sẽ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.  Không ai cướp được đoàn chiên khỏi tay Người, vì Người dùng chính mạng sống mình mà bảo vệ.  Người ràng buộc đời mình vào sinh mạng của đoàn chiên.  Từ nay đoàn chiên và chủ chiên trở thành một cộng đồng sinh mệnh, sống chết có nhau, kết hợp với nhau trong một tình yêu thương không có gì có thể tách lìa được.

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thay đổi.  Cuộc sống đang mở ra những chân trời mới đầy quyến rũ nhưng cũng đầy nguy hiểm cho đời sống tâm linh chúng ta.  Những giá trị bị đảo lộn.  Những con chiên đang bị lôi kéo rời xa đoàn chiên.  Nhu cầu cuộc sống xô đẩy chúng ta ra khỏi cộng đoàn khiến nhiều người trở thành những con chiên bơ vơ không người chăn dắt.

Trong một hoàn cảnh mới mẻ như thế, chúng ta rất cần có những vị mục tử thực sự hiểu rõ nhu cầu của đoàn chiên và thực sự hiến mình phục vụ đoàn chiên.  Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều người trẻ biết đáp lời Chúa mời gọi, hiến mình cho Chúa để phục vụ anh chị em trong nhiệm vụ mục tử.  Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta trở thành những mục tử tốt lành noi gương Vị Mục Tử duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Lạy Chúa là Mục Tử chăn giữ đời con, xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa và bước theo Chúa. Amen.

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

 

CÙNG XÁC TÍN VỚI MẸ

zz“Lạy Chúa Giêsu Đấng Phục Sinh Khải Hoàn, để ngợi khen lòng thương xót của Chúa cho xứng đáng, chúng con xin được kết hiệp với Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, như vậy thì lời ca khen của chúng con làm đẹp lòng Chúa hơn, bởi vì Mẹ là Đấng đã được chọn giữa nhân loại và các thiên thần.

Qua Mẹ, là một tinh thể tinh khiết, lòng thương xót của Chúa đã được chuyển đến chúng con.  Qua Mẹ, chúng con trở thành những con người làm đẹp lòng Thiên Chúa; Qua Mẹ, dòng ân sủng của Thiên Chúa tuôn trào trên chúng con.” – Thánh Nữ Faustina.

Lời nguyện trên là tâm tình và hình ảnh thiêng liêng mà Thánh Nữ Faustina đã dành cho Đức Trinh Nữ Maria.  Đó là một ân sủng lớn lao mà Thiên Chúa đã ban tặng cho Thánh Nữ là được cảm nhận và thấy hồng ân mà Thiên Chúa dành cho nhân loại qua Mẹ.  Thật vậy, hồng ân và hương hoa của Mẹ vượt trên các tầng mây, vượt trên tất cả các tạo vật kể cả các thiên thần.  Qua Mẹ, chúng ta hãy cùng nhau xin ơn để được xác tín vào tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho con người – Đức Maria là một vẻ đẹp vượt trên tất cả mọi tạo vật, và vẻ đẹp của sự sáng tạo không có thể chứa đựng được vẻ đẹp mà Thiên Chúa dành cho Người Phụ Nữ Do Thái đơn sơ thánh thiện ấy, và đó cũng là vẻ đẹp của một tình yêu vô tận, lạ lùng mà Thiên Chúa dành cho con người qua sự Phục Sinh khải hoàn của Đấng Thánh.

Nếu chúng ta nhìn lại cuộc đời của Mẹ qua Kinh Thánh, từ một cô gái người Do Thái mới lớn cho đến khi Mẹ là một phụ nữ, Thiên Chúa đã thử thách Mẹ nhiều lần và Ngài cũng đã nhiều lần củng cố đức tin và lòng xác tín của Mẹ.  Qua những thử thách và xác tín, Thiên Chúa đã tô đậm nét đẹp của người con mà Ngài đã chọn từ muôn thuở để rồi qua Mẹ, nhân loại được ơn cùng chết và sống lại với Đức Kitô.  Nhưng còn chính bản thân Mẹ, Mẹ đã làm gì khi Thiên Chúa thử thách, và tâm hồn Mẹ cảm nhận được gì khi Ngài củng cố đức tin của Mẹ?  Khi mới chịu thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần có lẽ Mẹ cũng đã trải qua những biến cố bên ngoài về việc xin vâng của mình, nhưng sau đó Mẹ cũng đã được xác tín khi gặp người chị họ Ê-li-sa-bét.  Khi Mẹ và Thánh Giuse trải qua cảnh đi tìm một nơi để sinh hạ Con Một Thiên Chúa, thì Mẹ cũng đã được xác tín bởi tiếng hát của các thiên thần.  Rồi trước khi gia đình Thánh Gia phải cực nhọc bỏ lại tất cả để đi lánh nạn ở Ai-Cập, Mẹ cũng đã được xác tín qua sự nhận ra Con Trẻ là ai của ba nhà thông thái.  Cứ như vậy, mỗi lần thử thách Mẹ lại được một lần xác tín.

Có lẽ sự thử thách lớn lao nhất của một đời làm Nữ Tỳ của Mẹ là khi Mẹ ôm xác con Mẹ vào lòng và chôn Ngài trong ngôi huyệt, và cái đen tối lạnh lùng của những ngày con Mẹ nằm bất động trong ngôi huyệt ấy.  Nhưng có lẽ đó cũng là sự xác tín lớn lao nhất của cuộc đời sống trọn hai tiếng Xin Vâng của Mẹ.  Nếu chúng ta đọc lại Kinh Thánh, Mẹ đã không đi tìm Chúa Giêsu nơi huyệt mộ.  Bốn thánh sử đều nhắc đến sự tìm kiếm Chúa Giêsu của những người phụ nữ và các tông đồ, mặc dầu cũng có thánh sử chỉ có nhắc đến tên Maria, nhưng chắc chắn đó không phải là Maria Mẹ của Chúa Giêsu.  Cũng vậy, bốn thánh sử đều nói đến sự hiện ra của Chúa Giêsu cho các môn đệ, và những phụ nữ đi tìm kiếm Ngài, nhưng không thánh sử nào nhắc về việc Chúa Giêsu đến viếng thăm Đức Mẹ.  Phải chăng, Mẹ đã được viếng thăm và xác tín rằng Con Một Thiên Chúa đã Phục Sinh trước khi tất cả mọi tạo vật dưới đất được viếng thăm và xác tín?  Theo Thánh I-nhã, sau khi Ngài hoàn tất công việc cứu độ, Ngài “xuống ngục tổ tông và mang các người thánh lên”, và Mẹ là người mà Chúa Giêsu đến viếng thăm đầu tiên:

219. TIỀN NGUYỆN I: Lịch sử.  Ở đây là sau khi Chúa Kitô tắt thở trên thập giá, xác Ngài ở trong tình trạng tách rời khỏi linh hồn, nhưng vẫn luôn kết hợp cùng bản tính Thiên Chúa, linh hồn đầy hạnh phúc của Người xuống ngục tổ tông, vẫn luôn kết hiệp cùng thiên tính. Người đưa linh hồn các thánh ra khỏi ngục, đoạn trở lại mồ, và khi đã sống lại, Người hiện ra cùng Mẹ diễm phúc của Người, bằng cả xác và hồn.

Một điểm khác nữa mà Kinh Thánh không nhắc đến là Mẹ đang ở đâu khi các môn đệ, kể cả người môn đệ Chúa yêu và các bà khác đi tìm xác Chúa Giêsu?  Thánh Sử Gioan chỉ nhắc đến sự trăn trối của Chúa Giêsu cho người môn đệ Ngài yêu mến và người môn đệ ấy đã rước Mẹ về nhà mình, “Kể từ đó, người môn đệ rước người về nhà mình” (Ga 19:27).  Như vậy thì có lẽ Mẹ cũng đang ở với các môn đệ khi rạng sáng Phục Sinh khi các ông bôn ba đi tìm xác Thầy Giêsu.  Theo Thánh I-nhã, thì Mẹ đã được hưởng niềm vui ơn Phục Sinh, nhưng tại sao Mẹ lại không báo cho các môn đệ và những ai đang miệt mài theo Ngài?  Hay là Mẹ đã báo nhưng vẫn để cho họ đi tìm gặp Đấng đã Phục Sinh để cả họ nữa cũng hưởng được niềm xác tín ấy cho trọn vẹn?  Có lẽ đây là điều để chúng ta suy niệm và cầu nguyện.

Niềm vui Phục Sinh là niềm vui mà Thiên Chúa ban cho tất cả các thọ tạo, và trong niềm vui ấy Con Một Thiên Chúa sẽ đích thân đi gặp gỡ từng người mà Ngài đã được Thiên Chúa Cha giao phó như lời đã hứa, “Thế là ứng nghiệm lời Đức Giêsu đã nói: ‘Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai’” (Ga 18:9).  Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã đi gặp những ai mong mỏi tìm kiếm Ngài, ngay cả Tôma, người môn đệ kém lòng tin.  Qua sự gặp gỡ cá nhân đó, Chúa Giêsu cho ta hưởng trọn niềm vui ơn Phục Sinh như Ngài đã cho Đức Mẹ, các môn đệ, và những ai theo Ngài.  Và cũng như các môn đệ xưa, để tìm gặp được Chúa Giêsu, chúng ta cũng cần bôn ba đi tìm Ngài và có sự khao khát để gặp được Ngài, vì nếu chúng ta không bôn ba đi tìm Ngài thì chúng ta cũng chẳng tìm thấy Ngài.  Như người môn đệ Chúa yêu khi xưa, chúng ta cũng cần có con tim nhạy bén để nhận ra Ngài khi Ngài xuất hiện bên biển hồ Ti-bê-ri-a và thốt lên “Chúa đó” (Ga 21:7), vì Chúa Giêsu Phục Sinh là một Thiên Chúa biến hình.

Hành trình đi tìm Mầu Nhiệm Phục Sinh của mỗi người cũng sẽ chẳng khác gì hành trình đi tìm Mầu Nhiệm Phục Sinh của Mẹ, vì mỗi người chúng ta đều cần có những gặp gỡ cá nhân riêng tư, mặt đối mặt với mầu nhiệm ấy.  Và đó cũng là một hành trình được thử thách để rồi được xác tín, được từ bỏ chính con người mình để được đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, được làm trống rỗng (empty) để rồi được lấp đầy hồng ân, được nghèo khó để hưởng được sự phong phú nước trời.  Ước gì chúng ta luôn biết đồng hành với Mẹ trong mùa Phục Sinh này trong lòng khao khát tìm kiếm Chúa Giêsu Phục Sinh và trong mọi thử thách hàng ngày để qua đó chúng ta được gặp gỡ Ngài và nhận ra Ngài khi Ngài đồng hành bên ta trên đường đời và nhất là khi Ngài bẻ bánh trong mỗi Thánh lễ và trong cuộc sống của ta (c.f. Lc 24:15,30).

Củ Khoai, 4/2013

 

CÂU CHUYỆN TÌNH BÊN BỜ HỒ

zz“Sự vinh dự của tình bạn không phải là đưa tay ra để đón nhận, không phải là nụ cười làm vui lòng, cũng không phải là niềm vui của sự đồng hành; nhưng nó chính là nguồn cảm hứng thiêng liêng khi mà bạn khám phá ra rằng một người nào đó tin tưởng bạn và họ sẵn sàng tin tưởng bạn với một tình bạn.”Ralph Waldo Emerson

Câu chuyện tình bên bờ hồ của Chúa Giêsu và Phêrô là câu chuyện bất hủ vì khi nào sứ mạng của Giáo Hội chưa được hoàn tất thì câu chuyện đó vẫn được tồn tại và tiếp diễn.  Câu chuyện tình bạn ấy không chỉ dựa trên sự “đưa tay ra để đón nhận”; nếu như vậy thì tình bạn giữa Chúa Giêsu và Phêrô đã bị lãng quên khi Phêrô đã không “thức được một giờ” với Thầy mình.  Tình bạn ấy cũng chẳng dựa vào “nụ cười làm vui lòng”, vì khi mọi người ruồng bỏ Chúa Giêsu, Phêrô cũng như mọi người đã chẳng cho Ngài một ánh mắt nhìn cảm thông.  Và nó cũng chẳng là “niềm vui của sự đồng hành”, vì Chúa Giêsu đã bước đi con đường Gôn-gô-tha trong sự cô đơn tĩnh mịch.  Nhưng tình bạn giữa Chúa Giêsu và Phêrô là một tình bạn Phục Sinh, một thứ tình bạn thiêng liêng mà mặc cho bao nhiêu lần bị chối từ, Thầy Giêsu vẫn tin tưởng vào người mà Ngài và Thiên Chúa Cha đã chọn, và Ngài đã khôi phục tình bạn ấy bên biển hồ Ti-bê-ri-a ngày hôm đó.

Theo Phúc Âm Gioan, đây là lần thứ tư Chúa Giêsu hiện ra khi Ngài từ cõi chết sống lại, và riêng với các tông đồ, đây là lần thứ ba.  Cả ba lần hiện ra với các ông, Chúa Giêsu đã chẳng một lần nhắc đến sự hững hờ của các ông khi Ngài đi qua cuộc khổ nạn.  Lần thứ nhất Ngài hiện ra với các ông và nói “Bình an cho anh em!”, và Chúa Giêsu lại nói lần thứ hai sau khi Ngài cho các ông xem các dấu đanh ở tay và cạnh sườn, “Bình an cho anh em!  Như Thiên Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:19-21).  Chúng ta nghĩ gì khi đọc đến đoạn Phúc Âm này?  Không biết các môn đệ nghĩ gì khi thấy Thầy mình chẳng nhắc đến chuyện của các ông bỏ Ngài trong tuần vừa qua, mà còn chúc bình an và còn lại giao cho các ông sứ mạng thiêng liêng của Ngài nữa?  Không biết các môn đệ có nghĩ gì về cách Thầy Giêsu đối xử với các ông như vậy?  Vì theo cách hành xử thông thường của con người, chúng ta thường nhìn vào quá khứ để đánh giá và xem mình có thể tin tưởng được người đó trong tương lai.  Nhưng còn Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài đã chọn để làm một Thiên Chúa ngoài lối hành xử và sức tưởng tượng của con người.  Ngài mời gọi và ban cho chúng ta tình bạn cao thượng mặc dầu khi chúng ta còn rụt rè nhút nhát, khi chúng ta còn chần chờ lo ngại, vì Ngài biết sức mạnh của Đấng Phục Sinh sẽ che lấp hết tất cả bất toàn của con người.

Chúa Giêsu Phục Sinh là một con người hoàn toàn khác cho nên các môn đệ kể cả các bà theo Ngài đã không nhận ra Ngài khi Ngài đến với họ.  Nhưng họ chỉ nhận ra Ngài khi Ngài gọi tên họ như bà Maria Mác-đa-la đã nhận ra Thầy Giêsu khi Ngài gọi “Maria” trong khu vườn nơi chôn cất Ngài, hoặc như khi Ngài bẻ bánh với hai môn đệ đi Em-mau, hoặc như mẻ cá lạ lùng ở bên bờ hồ Ti-bê-ri-a.  Đối với bà Maria Mác-đa-la, cái gì tỏ lộ trong tiếng gọi ấy và Thầy Giêsu đã gọi bà với tâm tình nào mà đã thức tỉnh một tâm hồn đang trĩu nặng trong đau xót?  Phải chăng ấy là tiếng gọi của một Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta và Ngài gọi ta bằng cái tên mà Ngài đã chọn cho ta từ muôn thuở?  “Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là riêng của Ta” (Is 43:1).  Và cũng trong hai chữ “Đừng sợ” ấy, Chúa Giêsu đã làm tan biến nỗi đau xót của bà Mác-đa-la và đong đầy tâm hồn bà với niềm vui ơn cứu độ.

Tám ngày sau khi sống lại, Ngài lại đến với các tông đồ, và cũng một câu chúc bình an đầy thương mến “Bình an cho anh em!”  Trong lần hiện ra này, Ngài nhấn mạnh cho các tông đồ cách nhận diện Ngài qua các dấu đanh.  Thật vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh là một Thiên Chúa của các dấu đanh, vì qua các dấu đanh mà chúng ta nhận ra Ngài.  Tại sao Chúa Giêsu lại chọn các dấu đanh để làm dấu chứng cho Ngài, vì Ngài có thể chọn để trở lại với thân xác trước khi Ngài bị tử nạn, để các tông đồ và những ai yêu mến Ngài có thể nhận diện ra Ngài một cách dễ dàng hơn?  Phải chăng khi Chúa Giêsu quyết định lên Giêrusalem để chịu tử nạn, Ngài cũng đã chọn để buông thả một con người Giêsu có quyền bính theo cái nhìn của con người, một Giêsu có thể làm phép lạ cho người chết sống lại, cho người què được đi, cho người mù được thấy, diệt trừ quỷ ám, một Giêsu mà các kinh sư không thể đối đáp lại ngay cả lúc Ngài mới lên mười hai tuổi.  Phải chăng ngay từ lúc này, Ngài đã nói cho các tông đồ và những ai yêu mến Ngài về hành trình theo Ngài như thế nào.  Điều Ngài chọn là Giêsu của các dấu đanh vì các dấu đanh nói lên một hành trình hoàn toàn cho đi, và phó thác để trong tình trạng hoàn toàn trống rỗng của con người Giêsu, Thiên Chúa Cha hồi phục và tôn vinh Người Con Một của Cha trong tình trạng của thuở ban đầu: “Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17:5).  Phải chăng Chúa Giêsu đang muốn mời gọi những ai theo Ngài hãy mang lấy các dấu đanh của Ngài, để qua những dấu đanh ấy chúng ta cũng được mời gọi để lột trần, hầu Ngài có thể phục hồi chúng ta lại tình trạng trống rỗng khi chúng ta được tạo dựng từ muôn thuở, để trong tình trạng ban đầu ấy chúng ta cùng được hưởng vinh quang mà trước khi có thế gian.

Sau khi sống lại và sau khi Ngài đã đến và chúc bình an cho các tông đồ hai lần, Chúa Giêsu đã chọn nơi biển hồ Ti-bê-ri-a để phục hồi lại tình bạn giữa Ngài và Phêrô.  Giả sử Chúa Giêsu và Phêrô có sự gặp gỡ này ngay sau khi Chúa Giêsu sống lại, khi mà Phêrô còn ngỡ ngàng chưa thật sự nhận ra Thầy Giêsu Phục Sinh là ai, không biết Phêrô có đủ nhận thức và can đảm để đón nhận sự vinh dự của tình bạn này không: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”, “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”, “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”?  Một sứ mạng quả là lớn lao.  Có lẽ Chúa Giêsu đã biết sự sợ hãi, tánh tình rụt rè, và cái mặc cảm của Phêrô sau khi chối Thầy, cho nên những lần găp gỡ trước Ngài đã đến chúc bình an, hầu củng cố cũng như xoa dịu nỗi sợ hãi và băng bó các vết thương lòng của các môn đệ nói chung và Phêrô nói riêng.  Qua những lần gặp gỡ ấy, Chúa Giêsu chuẩn bị cho tâm hồn Phêrô hầu ông có thể hưởng trọn niềm vinh dự của một tình bạn bất hủ, mà Ngài dành cho ông ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Đối với chúng ta cũng vậy, trong hành trình làm người, Chúa Giêsu cũng sẽ đến gặp gỡ, củng cố và chuẩn bị cho chúng ta trong mỗi bước đường trên hành trình làm bạn với Ngài.

Ước gì mỗi một người chúng ta biết nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh đang đồng hành với ta, và biết bám lấy Ngài vì với sức mạnh của Đấng Phục Sinh, không ai có thể làm cho tâm hồn ta lung lay.  Hãy vững tâm đi sâu vào tình bạn với Ngài, và trong tình bạn cao quý ấy, Ngài sẽ chuẩn bị cho ta từng bước một. Ngài sẽ dạy cho ta biết cho đi, và Ngài sẽ đích thân lột bỏ chúng ta như Thiên Chúa Con đã đích thân lột bỏ chính Ngài trên ngọn đồi Can-vê, để qua sự lột bỏ trọn vẹn ấy chúng ta được cùng hưởng sự vinh quang mà Thiên Chúa Cha ban cho Ngài trước khi mọi sự được tạo thành.

Củ Khoai 4/2013

CHÚA ĐÓ

zzBảy môn đệ trở về với nghề xưa, trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm thầy trò.  Dù đã chối Chúa, Phêrô vẫn được coi là thủ lĩnh.  Ông không ra lệnh, nhưng đưa ra lời mời kín đáo: “Tôi đi đánh cá đây.”  Các bạn khác hiểu ngay và mau mắn đáp lại: “Chúng tôi cùng đi với anh”.  Có một bầu khí dễ chịu, đầm ấm trong nhóm.  Đây quả thực là một nhóm bạn lý tưởng.  Họ ở với nhau, làm việc với nhau cả đêm, và lặng lẽ cùng nhau chia sẻ một thất bại.

Tuy nhiên, họ cũng là những người có tính tình khác nhau.  Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến thì nhạy cảm hơn, nhận ra Chúa Phục Sinh đứng trên bờ.  Nhưng sau đó, ông cứ điềm nhiên ngồi lại trong thuyền.  Còn Phêrô thì nồng nhiệt hơn, vội vã mặc áo, nhảy tùm xuống nước bơi vào, vì nóng lòng muốn gặp Chúa.

Hai phản ứng khác nhau nhưng cùng diễn tả một tình yêu.  Có thể coi nhóm môn đệ trên là hình ảnh của Hội Thánh.  Hội Thánh hiệp nhất ngay giữa những khác biệt.  Sự hiệp nhất lại làm nổi bật bản sắc mỗi người.

Đây không phải là một nhóm bạn khép kín, nhưng là nhóm bạn được Chúa Phục Sinh sai ra khơi. Chính sự hiện diện và lệnh truyền của Ngài là bảo đảm cho thành công của những lần buông lưới.

Hội Thánh là một nhóm nhỏ được sai vào thế giới. “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).  Nhưng có Thầy, anh em sẽ được những mẻ cá lớn.

Nhóm bạn được sai đi cũng là nhóm bạn được quy tụ, được sai đi bởi Chúa và được quy tụ bên Chúa. Chúa Phục Sinh trở thành người dọn bữa ăn sáng.  Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông.  Cử chỉ này gợi cho ta về những thánh lễ.

Chúng ta thường quên thánh lễ là một bữa ăn, qua đó Chúa Phục Sinh nuôi ta bằng con người Ngài.  Chúng ta được mời dùng bữa trong niềm hân hoan vui sướng.

Hội Thánh truyền giáo phải được nuôi bằng Thánh Thể.  Hội Thánh vừa lan rộng khắp nơi, vừa tập trung nơi thánh lễ.  Đó là nhịp thở đều đặn và cần thiết cho Hội Thánh.  Hội Thánh cũng là Hội Thánh được lãnh đạo bởi Simon Phêrô.

Phêrô tưởng tự mình có thể theo Thầy và chết vì Thầy, nhưng ông đã chối Thầy như lời Thầy tiên báo. Ba lần chối được hàn gắn bởi ba lần tuyên xưng tình yêu: “Thầy biết rõ mọi sự.  Thầy biết con yêu mến Thầy”.  Ba lần tuyên xưng tình yêu đi với ba lần giao sứ mạng: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”

Phêrô được chia sẻ sứ vụ mục tử của Thầy chí thánh, cũng là chia sẻ thập giá của người hiến mạng vì đoàn chiên.  Hãy theo Thầy để đến nơi anh không muốn đến.  Có lẽ bây giờ Phêrô mới thật sự bước theo Thầy.

 ******************************************

 Lạy Chúa Giêsu phục sinh lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt, xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc, xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi, xin hãy đến và đứng giữa chúng con như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em, xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì, xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Trích trong ‘Manna’

 

TÔI LÀ NỮ TỲ CỦA CHÚA

zzChín tháng trước khi mừng lễ Giáng Sinh, Giáo hội mừng lễ Truyền Tin.
Lễ Truyền Tin là lễ trọng, lễ Con Thiên Chúa xuống thế giới này làm người.
Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm lớn, đã bắt đầu từ giây phút này đây.
Nhưng sự trọng thể và lớn lao ấy lại diễn ra rất đỗi bình thường và bé nhỏ.

Galilê là vùng đất của dân ngoại, Nadarét chỉ là một tỉnh nhỏ ít danh tiếng.
Đây là nơi sinh sống của Chị Maria, một thiếu nữ đã đính hôn với ông Giuse.
Sứ thần Gáprien được Thiên Chúa sai đến với người trinh nữ Do-thái ấy
vào lúc Chị đang sống đời sống thường nhật như các cô gái khác.
Chị sống bên cha mẹ, chờ ngày về nhà chồng.
Chị có biết đời mình sắp bước vào một khúc quanh mới không ?
Thiên Chúa cần Chị Maria cho công trình cứu độ thế giới của Ngài.
Lễ Truyền Tin là lễ Thiên Chúa hỏi ý một thụ tạo, một thiếu nữ nhỏ bé.
Ngài tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho Chị, Ngài cần sự ưng thuận của Chị.
Qua trung gian sứ thần Gáprien, Thiên Chúa muốn Chị làm Mẹ của Con Ngài.
Người Con ấy là Vua thuộc dòng Đavít, là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa.

Chị Maria đã hết sức bối rối trước lời chào của sứ thần.
Lời chào ấy khiến Chị phải suy nghĩ và sợ hãi (c. 29, 30).
Và khi được báo tin mình sẽ thụ thai,
Chị đã hỏi lại : “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào?”
vì cho đến nay Chị vẫn còn là trinh nữ, chưa về chung sống với Giuse (c. 34).
Trước khi nói tiếng Xin Vâng, Chị Maria đã suy nghĩ cầu nguyện nhiều.
Chị biết mình được Thiên Chúa mời gọi bước vào cuộc phiêu lưu.
Cuộc hôn nhân với Giuse, người mà Chị yêu mến, hẳn sẽ không như cũ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Chị mang thai bây giờ?  Giuse sẽ nghĩ sao?
Ai sẽ tin chuyện Chị được thụ thai bởi Thánh Thần (c. 35)?

Maria đã nói tiếng Xin Vâng không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn.
Xin Vâng là mềm mại, buông mình để Chúa dẫn đi giữa đêm đen,
yên tâm không phải vì mình làm chủ được tương lai,
nhưng vì tin nó nằm trong tay Chúa.
Xin Vâng là để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ.
Chị Maria đã dám chấp nhận mọi hậu quả khi nói tiếng Xin Vâng.
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” (c. 38).

Tiếng Xin Vâng của Chị Maria đã cho Con Thiên Chúa có chỗ trong thế giới.
Nhờ những tiếng Xin Vâng của tôi, Đức Giêsu đi vào được thế giới hôm nay.
Tôi có kiên nhẫn cưu mang ngài trong đời tôi, để cho ngài lớn lên cứng cáp,
trước khi sinh ra ngài cho môi trường tôi đang sống không ?

***********************************

 Lạy Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ
tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.
Xin ban cho con quả tim đơn sơ,
mau quên những nỗi buồn phiền.
Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,
dịu dàng để cảm thông.
Một quả tim trung thành và quảng đại,
không quên ơn, không báo oán.

Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.

Một quả tim vĩ đại và bất khuất,
không khép lại trước những kẻ vô ơn,
không chán nản trước người lạnh nhạt.
Một quả tim khắc khoải
lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,
quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,
vết thương chỉ lành
khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.