NIỀM VUI VÀ CHÂN LÝ PHỤC SINH

zzLễ Phục Sinh là lễ quan trọng nhất trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội.  Nó quan trọng nhất bởi vì niềm tin vào sự sống lại của Chúa Kitô là nền tảng bất biến của Kitô giáo.  Nó quan trọng nhất bởi vì nó đánh dấu khúc quanh có một không hai của lịch sử cứu độ.  Không có sự phục sinh khải hoàn thì không có Giáo Hội Công Giáo.

Không có biến cố phục sinh thì con người mãi mãi bị khống chế bởi sự đe dọa của cái chết.  Biến cố phục sinh cũng là cái gạch nối giữa thế gian tội lỗi chóng qua và cuộc sống Nước Trời thênh thang vô hạn.  Nước Trời đã hiện hữu giữa thế gian và sẽ tỏ lộ vinh quang trọn vẹn trong ngày Chúa Giêsu quang lâm.  Nói một cách đơn giản, biến cố phục sinh đem Nước Trời vào lòng người.

Biến cố phục sinh cũng gói ghém một chân lý căn bản nhưng cũng đầy mâu thuẫn của tư tưởng Kitô giáo: Đức Kitô chết đi để sự sống thật nảy nở, hay, qua cái chết vì tội lỗi Đức Kitô tiêu diệt chính sự chết.  Nói một cách gọn ghẽ thì cái chết sinh ra sự sống, hay, cái chết tiêu diệt sự chết.  Hoặc nói theo chiến thuật Á đông là “dĩ độc trị độc.”  Khi thần chết chiếm hữu thân xác Chúa Kitô cũng là lúc quyền năng Thiên Chúa hủy diệt thần chết và thăng hoa thân xác hay chết cũ đó, thành thân xác sáng láng của sự sống lại.

Chính vì thế biến cố phục sinh phải vừa là biến cố vui mừng nhất vừa là trọng tâm của suy tư nghiền ngẫm trong đời sống tâm linh.  Trong mọi nghi thức phụng vụ của mùa Chay, nhất là những sinh hoạt phụng vụ của Tuần Thánh, và cực điểm là biến cố Canh Thức Vượt Qua, tức lễ Vọng Phục sinh, đều là sự chuẩn bị cho niềm vui vô tả của con người khi Tin Mừng Phục Sinh được long trọng công bố khắp hoàn vũ.  Đây là niềm hứng khởi vững bền nhất và sâu xa nhất của con người.  Đây là niềm hoan hỉ trọn vẹn nhất và to lớn nhất của nhân loại.  Khi cái tối tăm vô tận của sự chết được gắn chung với cái thánh thiện chói ngời của Thiên Chúa thì cái va chạm của hai đối cực ấy phải là một sự tương phản vô hạn, phải là một tiếng sét rền vang phá tung cả thời gian và không gian.

Niềm vui phục sinh phải chiếm hữu cả con tim và khối óc của chúng ta, nếu chúng ta thực sự sống kinh nghiệm của mùa Chay.  Tất cả những hy sinh hãm mình, những việc từ thiện bác ái, những lần cầu nguyện riêng và chung, những nghi thức phụng vụ trang trọng, đều nhằm một mục đích duy nhất là chuẩn bị tâm hồn và thể xác chúng ta để niềm vui phục sinh có thể ngự trị và thẩm thấu qua mọi khe ngách của giác quan và cảm xúc.  Khi chúng ta để nỗi buồn của sự thương khó, để nỗi khổ của nhục hình mà Chúa Giêsu phải chịu, hay để cái độc hại ghê gớm của tội lỗi, lôi kéo chúng ta vào sự buồn thảm ê chề là chúng ta chuẩn bị một cách sai lầm cho biến cố phục sinh. Khi đó, chúng ta đã để những gì thuộc về con người – yếu đuối, gian tham, và độc ác – xóa mờ đi những gì thuộc về Thiên Chúa – can trường, hy sinh, và yêu thương vô hạn.

Ánh sáng phục sinh phải là trọng tâm của cái nhìn con người.  Chiến thắng vinh hiển của sự sống thần linh phải là sức lôi cuốn con người.  Tối tăm đã bị đẩy lùi.  Chết chóc đã bị đánh bại.  Trước mặt chỉ còn là con đường thênh thang sống trong thần khí và sự thật, chan hòa bình an và tin tưởng.  Thân xác chúng ta vẫn bất toàn và yếu đuối, tội lỗi vẫn rình rập và cám dỗ, nhưng chúng ta không còn ngu muội tối tăm mà dựa vào chính bản thân mình để bước tới và chiến đấu.  Ngược lại, chúng ta phải bám chặt vào sức sống thần linh phát sinh từ sự phục sinh làm nguồn trợ lực chính cho phần còn lại của cuộc lữ hành trần thế.  Con người cũ của chúng ta phải chết đi với cái chết của Chúa Giêsu để con người mới đầy Thần khí và sự thật, được sinh ra và lớn mạnh.

Niềm vui và sự bình an đến từ sự phục sinh của Đức Giêsu chỉ có thể tồn tại và ngày một thăng tiến khi tâm tưởng của chúng ta phải tiếp tục xuyên thủng cái chân lý đầy mâu thuẫn của vấn nạn tìm sự sống trong cái chết.  Sự mâu thuẫn của chân lý này sẽ giảm thiểu rất nhiều nếu chúng ta ý thức được rằng mỗi bản thể con người bao gồm hai chiều kích riêng biệt nhưng không thể tách rời.  Đó là chiều kích tự nhiên và chiều kích siêu nhiên.  Chiều kích tự nhiên sắp xếp con người vào loài động vật có vú và đi bằng hai chân.  Chiều kích siêu nhiên nhìn nhận một linh hồn bất tử và được tạo dựng trong yêu thương bởi một Đấng Hóa Công toàn năng từ ái.  Chiều kích tự nhiên chú trọng thỏa mãn những nhu cầu nội tại tiềm tàng trong con người: ăn, uống, ngủ, nghỉ, và giao hợp.  Chiều kích siêu nhiên hướng về Đấng Tạo Hóa để nên một với Người và chia sẻ sự sống vô hạn của Người.  Chiều kích siêu nhiên cũng hướng về tha nhân và tạo điều kiện cho họ lớn lên trong đời sống siêu nhiên.

“Tìm sự sống trong cái chết” có nghĩa là nhận ra những gì trong chiều kích tự nhiên mà nó có thể thỏa mãn những nhu cầu nội tại, nhưng lại đẩy chúng ta xa rời Thiên Chúa và tha nhân.  Những thứ đó cần được chết đi mỗi ngày, có nghĩa là được thanh tẩy từ từ.  Dĩ nhiên, không phải lúc nào những nhu cầu tự nhiên cũng đối chọi với đời sống siêu nhiên, mà nó tùy thuộc vào hoàn cảnh, thời gian và không gian.  Có những trường hợp thỏa mãn một nhu cầu tự nhiên của chính mình hay của người khác cũng là làm đẹp lòng Chúa và làm thăng tiến con người.  Thí dụ, trước khi đi lễ mà cảm thấy mệt mỏi và có cơ hội ngủ một lúc, thì đáp ứng nhu cầu tự nhiên đó sẽ giúp chúng ta tham dự thánh lễ chăm chú và sốt sắng hơn.

Nói tóm lại, để hiệu quả của biến cố phục sinh là niềm an vui sung mãn có thể ở lại và lớn lên trong con người của chúng ta từ năm này qua năm khác, chúng ta cũng phải tái diễn những gì Chúa Giêsu đã phải trải qua trong cuộc thương khó: Chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.  Những gì trong con người chúng ta làm cản trở sự sống siêu nhiên phải được nhận ra và chết đi mỗi ngày.  Mỗi ngày, chúng ta phải xét mình coi trong ngày qua những hành động, tư tưởng và lời nói nào của mình trái ngược với chiều kích siêu nhiên, chúng ta xin Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan can đảm để từ bỏ chúng.  Chúng ta nhận ra những tác động nào nuôi dưỡng đời sống siêu nhiên, chúng ta cảm tạ Chúa cho chúng và cố gắng tiếp tục thực hiện.

Nếu chúng ta thực hành được châm ngôn “Tìm sự sống trong cái chết” đó từng tháng từng ngày, chúng ta sẽ thấu hiểu được những gì thánh Phaolô tuyên xưng, “Không phải là con sống mà là Chúa sống trong con.”  Khi đó, sự sống phục sinh không còn là một ước mơ xa vời nữa, mà đã thành mỗi hơi thở và nhịp đập của con tim mình.  Mắt sẽ rực sáng.  Khuôn mặt sẽ tràn niềm vui.  Và không có gì mà không thể thực hiện được.

Lm. Tô-ma Vũ Minh Đức, S.J.

LẠY CHÚA LÀ THIÊN CHÚA CỦA CON

zzTrong tạp chí Guidepots, bác sĩ Scott Harrison, một chuyên viên phẫu thuật bàn tay có viết rằng: lần nào giải phẫu ông cũng đều kêu lên vào một lúc nào đó: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”.  Ông có thói quen lạ lùng nầy từ hồi ông còn ở Việt Nam.  Một đêm nọ, vừa mới rời trường Y, ông được kêu đi gắp một viên đạn bị kẹt trong tay một người lính.  Đã vậy, ông còn phải giải phẫu dưới ánh sáng của ngọn đèn pin.  Cuộc giải phẫu ấy khiến ông cảm xúc sâu xa đến nỗi sau khi cuộc chiến kết thúc, ông đã quyết định đi chuyên ngành giải phẫu bàn tay.  Nhờ đi sâu vào lãnh vực chuyên môn nầy, ông đã thẩm định được cách sâu sắc cơn đau khủng khiếp do một vật gây ra, chẳng hạn như một viên đạn, khi vật ấy xuyên thủng lớp xương, lớp gân và những sợi dây thần kinh nơi bàn tay con người.  Nhà phẫu thuật ấy kể rằng ông thường giật thót người mỗi lần nghĩ đến cơn đau kinh khiếp Chúa Giêsu phải chịu khi đôi tay Ngài bị đóng đinh vào thập giá.

Khi chia sẻ bài Tin Mừng hôm nay, ông nói rằng theo ông, tiếng kêu “lạy Chúa là Thiên Chúa của con” của Thánh Tôma không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin, mà còn là tiếng kêu đầy rung động khi vị tông đồ nhìn thấy dấu vết của đôi bàn tay bị xé toạc ra của Chúa Giêsu.  Chỉ đến lúc đó, Tôma mới hoàn toàn nhận thức được cơn đau đớn Chúa Giêsu đã phải chịu trên thập giá.  Theo nhận định của nhà phẫu thuật, khám phá nầy hầu như vượt quá mức chịu đựng của Tôma.  Và ông đã kết thúc bản văn đầy cảm động đó với lời chứng sau đây: “Mỗi lần giải phẫu mà nhìn phía dưới làn da của bàn tay con người, tôi luôn nhớ tới Chúa Kitô đã hy sinh đôi tay toàn hảo của Ngài cho tôi, và cũng như Tôma, tôi thốt lên: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con”.

********************************************

Câu chuyện trên làm nổi bật một điểm thuộc về đức tin mà chúng ta rất thường hay quên.  Đó là mỗi người chúng ta phải tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giêsu qua đức tin.  Không phải vì cha mẹ, họ hàng, bạn hữu chúng ta tin nên chúng ta tin theo.  Đức tin của họ giúp ích cho chúng ta rất nhiều, nhưng chỉ như thế mà thôi thì chưa đủ.  Chúng ta phải tiếp xúc trực tiếp bằng đức tin với Chúa Giêsu giống như nhà phẫu thuật trong câu chuyện, hoặc giống như Thánh Tôma trong Tin Mừng hôm nay.  Ông nghĩ mình có quyền được xem thấy Chúa sống lại như các anh em khác.  Các tông đồ kia lúc đầu cũng chẳng ai tin Chúa đã sống lại.  Các ông chỉ tin sau khi được tiếp cận với Chúa Giêsu, được sờ đến thân xác Ngài, được ăn uống với Ngài.  Vì thế, Tôma thấy mình thiệt thòi và thua kém.  Cho nên ông cương quyết không chịu tin lời anh em kể lại và ông đòi phải được sờ vào những dấu đinh ở tay Ngài.

Ông Robert Cleath, một tác giả viết sách đã trở lại với đức tin khi ông suy niệm về sự biến đổi kỳ diệu đã đến với các môn đệ Chúa Giêsu vào dịp lễ Phục Sinh.  Trước biến cố nầy, họ là đám người thất vọng thảm bại, thế mà sau biến cố nầy, họ đã được biến đổi kỳ diệu và còn có năng lực làm phép lạ nữa.  Ông nói: “Không có cách giải thích nào hữu lý về sự biến đổi của họ hơn là sự giải thích của chính họ: đó là vì họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu hiện đang sống”.

Blaise Pascal, nhà thiên tài toán học, được hấp dẫn đến với đức tin khi ông suy niệm về sự kiện, không có sự đe dọa giết chóc nào có thể ngăn cản các môn đệ Chúa Giêsu nói thật to cho thế giới biết rằng, Chúa đã sống lại.  Pascal nói ông tin chắc chắn vào kẻ nào dám sẵn sàng chịu “chém đầu” vì lời rao giảng của mình.

Trong cuốn sách mang tựa đề “Ngang qua thung lũng sông Kwai”, Ernest Gordon đã kể lại câu chuyện hai ngàn tù binh đã bị chết vì bệnh tật và vì bị đối xử tàn tệ.  Thế nhưng, họ được lôi cuốn đến với đức tin qua cảm nghiệm riêng tư về quyền năng Chúa Giêsu đang hoạt động trong cuộc sống của họ.  Chúng ta hãy nhớ lại những tù binh nầy từng lao động đầu trần chân đất dưới cơn nóng cháy da miền nhiệt đới.  Trong chỉ vài tuần lễ, từ những người đàn ông lực lưỡng, họ đã biến thành những bộ xương biết đi.  Tinh thần họ bị xuống đến mức tệ nhất.  Người ta lo sợ sắp có điều gì xảy ra.  Thế nhưng vào ngay thời điểm ấy, hai tù nhân đã đứng lên tổ chức nhóm tù còn lại thành những nhóm tìm hiểu Kinh Thánh.  Nhờ suy tư tìm hiểu Kinh Thánh, các tù nhân đã học biết rằng Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở giữa họ.  Họ chỉ việc tiếp xúc với Ngài.  Và sau khi tiếp xúc với Ngài, các tù nhân đã được biến đổi kỳ diệu trong cuộc sống từng người.  Chính cảm nghiệm thiêng liêng nầy khiến họ quỳ gối xuống thưa Chúa Giêsu “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con”.

Chúng ta cũng phải biểu lộ niềm tin trực tiếp vào Chúa Giêsu như thế.  Chúng ta cũng phải tìm được lý do riêng tư thôi thúc chúng ta quỳ gối xuống thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”.  Dĩ nhiên chúng ta không thể leo lên cỗ máy thời gian, bay ngược dòng lịch sử cách đây hơn 2000 năm để dự lễ Phục Sinh đầu tiên.  Chúng ta cũng không thể đặt ngón tay vào lỗ đinh nơi tay Chúa Giêsu giống như Thánh Tôma.  Vậy thì chúng ta có thể làm gì?

Chúng ta có thể làm như những tù nhân ở bờ sông Kwai.  Chúng ta có thể tin vào Tin Mừng, có thể tiếp xúc với Chúa Giêsu bằng đức tin, có thể cảm nghiệm được Chúa Giêsu Phục sinh đang ngự giữa chúng ta: Ngài sẵn sàng giúp đỡ chúng ta như Ngài từng giúp đỡ đám tù binh nọ.  Đây là lời mời gọi mà Tin Mừng hôm nay dành cho chúng ta.  Đây là lời mời gọi Chúa Giêsu ngỏ với chúng ta như Ngài nói với Thánh Tôma: “Tôma, vì con đã thấy nên con mới tin, nhưng phúc cho kẻ nào không thấy mà tin”.

Khi Chúa Giêsu nói với Thánh Tôma: “Phúc cho ai không thấy mà tin” là Ngài đang ngỏ lời với chính chúng ta, cũng như với triệu triệu Kitô hữu trong suốt dòng lịch sử.  Phúc cho chúng ta nếu chúng ta tin vào Tin Mừng.  Phúc cho chúng ta nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa Giêsu bằng đức tin.  Thật vậy, phúc cho chúng ta, vì cũng như các tù binh nọ, chúng ta sẽ khám phá được Chúa Giêsu đã sống lại, và hiện đang sống ngay lúc nầy đây giữa chúng ta, và luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.

Cuối cùng, đức tin còn phải được nuôi dưỡng bằng những dấu hiệu, dấu chỉ.  Không có các bí tích, không có Thánh Thể, chúng ta sẽ tìm đâu ra cơ hội để gặp thấy sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh? Một khi đức tin của chúng ta đã được các dấu hiệu, các bí tích nầy thức tỉnh rồi, thì mọi sự sẽ có thể trở thành dấu hiệu về sự hiện diện của Chúa Kitô: các biến cố, các hoàn cảnh, tha nhân…  Mỗi giây phút đưa chúng ta đến với một cuộc gặp gỡ và chúng ta lại có thể tuyên xưng như Thánh Tôma tông đồ: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”.

Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’

 

MẤT

Có một phụ nữ vừa mất con trai, bà tìm đến một nhà hiền triết và nói:

“Có lời cầu nguyện nào mà ông biết có thể đem con trai tôi sống lại?”

Nhà hiền triết bảo:

“Hãy đem về đây cho ta một hạt giống cây mù tạt được trồng từ gia đình nào chưa từng bao giờ biết đến đau khổ”.

Người phụ nữ ngay lập tức lên đường đi tìm hạt giống thần kỳ.  Đầu tiên bà đến gõ cửa một ngôi nhà lớn sang trọng và hỏi:

“Tôi đang tìm hạt giống cây mù tạt từ gia đình chưa bao giờ biết đến đau khổ, có phải nơi này không?”

Họ trả lời bà đã đến nhầm chỗ và bắt đầu kể những tai họa đã xảy đến với gia đình họ.  Bà ngồi lại an ủi họ rối tiếp tục lên đường đi tìm hạt giống thần kỳ.

Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, dù ở những ngôi nhà tồi tàn hay sang trọng, bà đều được nghe những chuyện đau buồn này đến chuyện bất hạnh khác.  Bà trở nên quan tâm và rất muốn chia sẻ nỗi buồn của người khác đến nỗi bà đã quên đi nỗi buồn của chính bà và quên câu hỏi về hạt giống cây mù tạt thần kỳ mà bà tìm kiếm.

****************************************

zzTin mừng hôm nay thuật lại chuyện Maria Macđala bị mất.  Nhưng không phải mất con, mà là mất Chúa.  “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi”.  Bà nói với hai Thiên Thần.

Giống như người mẹ trên, Maria Macđala cũng đau buồn nên đã hỏi thăm hai Thiên Thần xem có biết Chúa đâu không?  Chỉ cho bà biết.

Bà cũng hỏi Chúa đang hiện ra với bà xem, cách nào tìm lại Chúa? (vì tưởng Chúa là người làm vườn).

Chúa phục sinh gọi đúng tên bà “Maria!”.  Bà vui mừng khôn tả vì nhận ra Chúa.  Chúa phục sinh bảo: đừng giữ Chúa lại cho riêng mình nữa, nhưng hãy ra đi để gặp gỡ và chia sẻ về những điều mà mình đã thấy.  Đó như là bí quyết giúp Maria Macđala quên hết những nỗi đau buồn, để rồi vui mừng ra đi loan báo niềm vui.

Giống như Maria Mađala, ai trong chúng ta cũng có những nỗi buồn.

Buồn vì cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn và bất hạnh.

Buồn vì những bệnh tật, tội lỗi mà mình đang mang nặng không thể vượt qua.

Buồn vì phải chứng kiến những nỗi đau và cái chết của người thân…

Để vượt qua những nổi đau buồn đó, Chúa phục sinh mời gọi chúng ta: “Thôi, đừng giữ Thầy lại”, nghĩa là  đừng sống theo ý mình mà sống theo ý Chúa; đừng giữ đạo theo cách của mình mà theo cách Giáo Hội hướng dẫn; đừng ích kỉ giữ Chúa cho riêng mình mà ngại đem Chúa đến cho người khác.

Chúa Phục sinh còn mời gọi chúng ta ra đi “gặp gỡ anh em thầy” để chia sẻ cho họ biết về niềm tin và niềm vui phục sinh mà mình có được khi gặp gỡ Chúa.  Đó cũng là cách chúng ta gặp gỡ Chúa phục sinh trong đời sống hằng ngày.  Nhờ thế ta thấy cuộc sống thật có ý nghĩa mà quên đi những nỗi đau buồn, vì Chúa phục sinh đang hiện diện nơi chúng ta qua anh em.

****************************************

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con thật vui sướng và hạnh phúc vì Chúa luôn ở bên cạnh chúng con.  Chúa hiện diện bên cuộc đời chúng con như lời Chúa đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.  Chúa biết rõ từng người chúng con như người mục tử biết rõ từng con chiên.  Chúa gọi tên từng người chúng con như Chúa đã gọi tên Maria Madalena khi bà ra thăm mồ Chúa.

Lạy Chúa, thế giới hôm nay đầy náo nhiệt và bận rộn.  Tâm hồn chúng con bị chao đảo bởi biết bao những huyên náo của thú vui trần thế.  Có biết bao cám dỗ mời mọc chúng con vào con đường tội lỗi. Có biết bao đam mê khiến chúng con lầm đường lạc lối.  Có biết bao con đường dẫn chúng con xa lìa sự sống đời đời.  Xin Chúa hãy thứ tha và giúp chúng con tin rằng:  Chúa đang đứng bên cạnh chúng con và gọi tên chúng con.  Xin hãy gọi chúng con ra khỏi bến mê tội lỗi và biết thức tỉnh trước những cạm bẫy của thế gian.  Xin cho chúng con biết nhận ra tiếng Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin giúp chúng con luôn nhiệt tâm tìm kiếm Chúa như thánh nữ Maria Madalena, nhờ đó chúng con cũng trở thành sứ giả loan báo tin vui Chúa Phục sinh cho trần thế. Amen!

Sưu tầm