CHẶNG ĐƯỜNG

zzChặng đường anh đã đi
Nơi đó anh đã đến
Chặng đường tôi đang đi
Mong luôn đi cùng Ngài

Tất cả đều là những chặng đường mà mỗi người chúng ta phải trải qua, các Thánh nam nữ của Ngài đã đi và đã đến, và các Thánh vẫn tiếp tục dìu dắt chúng ta đi quãng đường còn lại với Ngài và trong Ngài.  Con đường duy nhất dẫn chúng ta đến nơi chúng ta mong mỏi đến là qua Chúa Giêsu.  Có ai đi quãng đường đời có nhiều ngóc nghách mà không bị lạc bao giờ?  Có ai mà đi qua đoạn đường có nhiều thú vui mà lại không muốn dừng chân?  Có lẽ phần đông chúng ta cũng đang đi con đường như người phụ nữ thành Samari, và mong muốn được đến nơi mà cô đã đến.

Câu chuyện của người phụ nữ thành Samari là câu chuyện đi tìm Đấng Sinh Thành của mỗi một người chúng ta, vì chỉ trong Đấng Sinh Thành chúng ta mới tìm được cội nguồn thật, và chỉ có nơi đó chúng ta mới thật sự tìm được chính mình.  Hành trình đi tìm của mỗi người khác nhau, và chỉ có trong sự tĩnh lặng riêng tư của tâm hồn, chúng ta mới biết được mình đã gặp được Đấng đó chưa, và nếu đã gặp rồi chúng ta đang có ở trong Ngài không.  Chặng đường này là chặng đường của mỗi người, dầu là của những cụ già tóc bạc, hay là của các em mới lớn lên, dầu là người đã lập gia đình, hay là đang sống độc thân, hay trong bậc tu trì, tất cả chúng ta cần phải đi chặng đường này với Ngài.  Nếu ai trong chúng ta sống gần gũi với Ngài và để cho Ngài dìu dắt thì Ngài sẽ dẫn chúng ta vào bậc sống mà Ngài chọn cho mỗi một người chúng ta, bậc sống nào cũng ở trong Ngài và bậc sống nào cũng thánh thiện và tốt đẹp.  Và trong mỗi bậc sống, chúng ta tiếp tục đồng hành với Ngài, không phải chỉ một vài ngày nhưng đi với Ngài mọi ngày trong suốt con đường còn lại của ta, vì khoảnh khắc nào chúng ta đi ra khỏi Ngài, chính lúc đó chúng ta đã lạc lối.

Người phụ nữ thành Samari cũng đã trải qua chặng đường tìm kiếm.  Mỗi đời chồng là mỗi lần tìm kiếm.  Cứ mỗi một đời chồng đi qua có lẽ sự tìm kiếm của cô khẩn trương và sâu xa hơn, và chắc cũng đã nhiều lần cô cảm thấy tuyệt vọng vì sau những lần tưởng mình đã tìm được nhưng sao tâm hồn vẫn thấy còn trống vắng.  Thế nhưng cô đã không bỏ cuộc và vẫn cứ đi tìm.  Có lẽ tâm hồn của cô thôi thúc cô tiếp tục đi tìm vì nó mong muốn được gặp Đấng Sinh Thành.  Những tìm kiếm mà người phụ nữ này đã trải qua không xa lạ gì với chúng ta.  Có người cũng giống như cô và đã đi tìm kiếm trong tình người.  Có người đi tìm trong tiền tài danh vọng.  Có kẻ đi tìm qua những chai rượu.  Có người mải mê trong những vật trang sức và đồ hiệu mắc tiền, và có kẻ đi tìm trong sự hiểu biết trí tuệ.  Đã biết bao nhiêu lần chúng ta đi tìm Đấng Sinh Thành không phải ở chính nơi Ngài nhưng ở những thụ tạo của Ngài.

Cũng vì muốn được thoả mãn những ao ước bên trong, người phụ nữ thành Samari chẳng ngại cái nắng gắt của buổi trưa ở miền sa mạc, và đã lên đường đi tìm một cái gì đó mà tâm hồn của cô luôn khát khao.  Có lẽ Gioan đã mượn hình ảnh “mười hai giờ trưa” để nói lên sự khát khao tột đỉnh của cô, và vì không thể chần chờ được nữa, cô đã ra đi.  Cô đi đến nơi mà tổ phụ Gia-cóp đã từng đến, uống nước mà tổ phụ của cô đã từng uống, và mong sao bên bờ giếng và trong giòng nước này cô tìm kiếm được một chút cội nguồn mà tâm hồn của cô hằng khắc khoải mong chờ.  Chính bên bờ giếng này, cô đã gặp được Đấng Sinh Thành của cô, của tổ phụ Gia-cóp, và của mọi loài tạo vật.  Ngài đã ở đó chờ cô.  Một cuộc đối thoại giữa Ngài và cô đã xảy ra, và Ngài là người khởi đầu câu chuyện .  Thoạt đầu, cô đã có những dị nghị và thắc mắc, nhưng Chúa Giêsu đã ôn tồn nhẫn nại giúp cô nhận ra Ngài là ai, và dạy cho cô con đường dẫn đến sự thật, “Nhưng giờ đã đến –và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.  Thiên Chúa là thần khí và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Jn 4:23-24).

Con đường đi tìm Đấng Sinh Thành là vậy đó, cũng có lúc tâm hồn chúng ta cũng nóng bỏng lên vì sự trống vắng khi chưa tìm được cội nguồn, khi chúng ta còn lang thang bên những thụ tạo của Ngài.  Trong những lúc trống vắng nóng bỏng của tâm hồn, chúng ta hãy đến với Ngài trong tâm tình của một người đang đi tìm kiếm, và thưa với Ngài những khao khát trong tâm hồn của chúng ta.  Chúng ta hãy khiêm nhường đến với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể vì đó là cội nguồn của chúng ta.  Ngài luôn ở đó chờ ta, và trong tình yêu thương của một người Cha, Ngài cũng sẽ khởi đầu câu chuyện và dẫn ta về với Ngài.  Như người phụ nữ thành Samari, chúng ta cũng sẽ có những lo âu dị nghị khi cuộc sống của chúng ta thay đổi.  Chúng ta cũng sẽ có những thắc mắc khi cái nhìn và đường lối của Ngài khác với cái nhìn của ta và những gì chúng ta thường làm, và có lẽ cũng như người phụ nữ kia, chúng ta cũng lắm lúc dám thách thức Ngài khi chúng ta chưa hiểu con đường Ngài dẫn chúng ta đi.  Khi đó Ngài cũng sẽ ôn tồn kiên nhẫn dạy cho chúng ta biết Ngài là Đấng Sinh Thành, và Ngài chắc cũng chẳng ngại về những thách thức của ta, vì qua những thắc mắc và thách thức Ngài dạy cho ta biết rõ ta là ai và Ngài là ai.  Khi gặp được Ngài chúng ta sẽ tìm được cội nguồn, và khi chúng ta luôn ở trong Ngài, tâm hồn chúng ta sẽ không còn nóng bỏng lên vì sự trống vắng nữa.  Khi “giờ đã đến,” Ngài cũng sẽ dạy cho chúng ta thờ phượng Ngài trong ánh sáng và sự thật, trong yêu thương đồng loại và sự khiêm nhường của loài thụ tạo.

Trong cuộc đối thoại giữa Ngài và người phụ nữ, Chúa Giêsu đã nhắc lại hành trình đi tìm kiếm của cô, những khắc khoải mà cô đã phải chịu trong bao năm và người phụ nữ đã nhận ra Ngài là Đấng Kitô.  Đây là giây phút huyền nhiệm khi tâm hồn của cô cảm nhận được sự cảm thông của một người Cha luôn dõi theo con cái của Ngài.  Không phải Ngài đã biết được những gì đã xảy ra trong đời của cô vì Ngài là một đấng tiên tri như cô đã hiểu lúc ban đầu, nhưng Ngài biết vì trong đời của cô luôn có sự hiện diện của Đấng Sinh Thành.  Cũng vậy, mỗi bước hành trình của ta đều có Ngài.  Ngài luôn bước đi bên ta trong âm thầm và chờ đợi sự trở về của ta với Ngài.  Đã bao nhiêu lần trong đời ta, Ngài đã đến và chạm vào bờ vai và ta đã nhún vai phủ nhận sự hiện diện của Ngài và rồi tiếp tục đi con đường ta đang đi mặc cho những thôi thúc khắc khoải trong tâm hồn?  Dầu chúng ta có đối xử lạnh nhạt với Ngài thế nào đi nữa, Ngài luôn ở bên ta vì “Ngài không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2:13).  Làm sao Ngài có thể bỏ ta được khi ta mang lấy hình ảnh của chính Ngài và sức sống của ta chính là sức sống của Ngài?

Mùa Chay là mùa Giáo Hội nhắc nhở mỗi một người chúng ta bất kỳ đang ở trong bậc sống nào biết nhìn lại chặng đường của mình đang đi và xem xét lại đã bao lần Ngài đã đến và chạm lấy bờ vai ta nhưng ta vẫn làm ngơ hoặc biết nhưng vẫn chối từ.  Có lẽ đây là dịp chúng ta ngồi lại với chính mình trong cõi riêng tư và xin Ngài cho chúng ta được một lần gặp gỡ Ngài như Ngài đã cho người phụ nữ thành Samari gặp gỡ Ngài bên bờ giếng, để rồi mỗi một người chúng ta cũng sẽ chứng kiến được giây phút huyền nhiệm khi tâm hồn ta gặp được Đấng Sinh Thành, và chúng ta sẽ trở nên những người thờ phượng Thiên Chúa Cha đích thực như tâm hồn chúng ta hằng mong muốn.

Củ Khoai 3/2013

HẠT BỤI MÙA CHAY

zzMùa Chay khởi đi với thứ Tư Lễ Tro, người người tín hữu trên khắp năm châu cúi đầu nhận hình thánh giá bằng dấu tro ghi trên trán. Mùa Chay cũng nhắc nhở người tín hữu, dưới lăng kính màu tím, thân phận tro than của con người, có đó rồi mất đó, tương tự như hoa Quỳnh Hương khuya nở sớm tàn. Nhưng nhìn dưới lăng kính màu hồng, Mùa Chay cũng gợi nhớ mối liên hệ phụ mẫu tử giữa trời cao và đất thấp, bởi vì “Chúa ơi, con chẳng là chi, chỉ là hạt bụi, mà sao Chúa lại yêu con vô cùng?”. Mùa Chay, hơn thế nữa, kêu gọi người tín hữu bóc lột miếng vỏ cũ, khoác vào tấm áo mới, một dạng thay đổi, một cuộc đổi thay để thôi không làm trứng, làm sâu, làm nhộng, nhưng vươn mình triển nở hóa ra cánh bướm tô thêm đậm đặc màu xanh thiên đàng ngay trên cõi trần gian.

Những hạt bụi tro của Mùa Chay ghi trên trán có thể được ví với những vị thuốc diệu kỳ có khả năng chữa trị những căn bệnh của nhân loại. Từ những thời kỳ đầu tiên khi trái đất cất tiếng khóc oe oe chào đời, kéo xuống tới ngày người ta chà đạp đá sỏi kinh thành kéo vào Vườn Cây Dầu trói chặt Đức Giêsu mang đi, cho tới những ngày tháng của bây giờ và hôm nay, đã bao nhiêu bàn chân bước đạp giẫm lên trên mặt đất đen của trái địa cầu, đã bao nhiêu linh hồn từng ghé xuống cõi trần rong chơi một khoảng, đã bao nhiêu hình hài nghiêng đổ bóng dài xuống cõi nhân gian? Ai ngồi tính toán cho ra? Cuộc sống tiếp tục xoay vần, Sinh! Bệnh! Lão! Tử! Con người nhịp nhàng xoay tròn quỹ đạo trăm năm. Tiếp nối trăm năm vẫn chưa là gì ngoại trừ tro bụi. Trong vòng quay cuốn hút của sinh, bệnh, lão, tử, người người vẫn cứ thường thường quên đi là một ngày sẽ tới, khi đó tôi sẽ hóa ra tro bụi của hình hài nguyên thủy mà tôi đang mang trên vầng trán vào ngày thứ Tư của Mùa Chay. Khi nhớ lại thân phận con người là hữu hạn, là tro bụi, tôi sẽ bớt, thôi, không khóc lóc, hoặc là bớt, thôi, không than thở, hoặc là bớt, thôi, không khó chịu với cuộc đời, những khi phiền toái của cuộc sống đè nặng trên đôi vai nhỏ bé của tôi. Khi nhận ra cuộc sống đang được đếm từng ngày từng tháng, cho nên một giây không nên bỏ phí, một phút chớ nên lãng quên, tôi sẽ dễ dàng gạt bỏ đi, bớt, thôi, không dõi nhìn những lăng kiếng khá tiêu cực của thường tình nhân gian.

Những hạt bụi màu đen của Mùa Chay cũng nhắc nhở tôi về liên hệ phụ mẫu tử của thiên đàng và trần gian. Thiên Chúa biết tôi là hạt cát, hạt bụi, thế mà tại sao Ngài lại yêu hạt cát, hạt bụi là tôi đến thế nhỉ? Đã bao nhiêu lần khi tôi bước chân lên bãi cát dài vô tận của đại dương, bao nhiêu hạt cát đã lọt qua những kẽ chân hoặc bị tôi dẵm dí, chà đạp lên trên, nhưng có hạt cát nào đủ sức mời gọi tôi dừng bước kiên nhẫn cúi nhìn tìm kiếm sắc hình? Đã bao nhiêu lần khi tôi bước dẵm đạp lên trên những hạt bụi của sàn nhà, hạt bụi nào đủ ma lực kêu mời để tôi cúi xuống phân biệt bụi này bụi đỏ, bụi kia bụi tro? Hạt bụi nào? Chẳng có hạt bụi nào cả. Thế mà thiên đàng xa thẳm vẫn cứ tiếp tục từ trên trời cao vén mây kiếm tìm hạt bụi lạc loài trên trần gian là tôi. Đã từ bao lâu nay, vĩnh hằng vĩnh cửu vẫn cứ loay hoay đi ra đi vô than ngắn thở dài bên song cửa, bởi vì Phụ Mẫu thiên đàng vẫn chưa nhìn thấy bóng dáng hạt bụi trần gian quay về nơi căn nhà xưa. Lạ nhỉ? Hay ghê? Nhìn tôi trong kiếng, ngắm mình trong gương, tôi vẫn thấy mình nguyên vẹn hình hài của một hạt cát, hạt bụi. “Thế mà vĩnh hằng thiên đàng ơi, con vẫn không hiểu tại sao Ngài lại yêu con đến như thế?”.

Mùa Chay cũng gợi lại trong tôi nhạc phẩm, “Kìa con bướm vàng, xòe đôi cánh” của một thời ấu thơ. Đã có một thời của lớp Mẫu Giáo, lớp Một, tôi mê nhìn những cánh bướm màu sắc rực rỡ bay lượn trên những cánh đồng. Vào một khoảng của thơ ấu, đã biết bao lần tôi mơ làm bướm vàng bay xa bay cao vào trong bầu trời rực rỡ. Thời của ngây thơ đơn giản hóa vấn đề không bao giờ đặt trong tôi câu hỏi về mối tương quan và sợi giây liên hệ giữa trái trứng lốm đốm trên mặt lá xanh với con sâu lông lá xấu ơi là xấu, với con nhộng nằm chết héo khô lặng lẽ treo trên nhánh cây, và với chú bướm vàng đẹp đẽ bay lượn trong bầu trời. Thơ ấu trôi xa vào quá khứ để lại giọng khàn vỡ đục của tuổi bắt đầu làm người lớn cho tôi lại thêm một lần nữa hiểu biết và kinh nghiệm về đổi thay của trứng bướm, của con sâu, của con nhộng, và của con bướm. Nếu không thay đổi, tôi sẽ tiếp tục nằm chết trong quả trứng bướm, một quả trứng hư, trứng ung, trứng thối. Nếu tôi đổi thay chuyển động lắc mình, mầm trứng nhúc nhích biến hình đổi dạng, khiến tôi nứt vỏ trứng, mở mắt ngỡ ngàng hé nhìn thế gian. Nhưng thay đổi từ trứng sang sâu vẫn chưa đủ, bởi nếu tôi vỡ trứng hóa ra con sâu lông lá xấu xí, khắp cùng thiên hạ đều sẽ gớm ghét, tránh xa khi họ đối diện tôi. Mà có quý chi một kiếp sâu, bởi con sâu cũng chỉ làm tôi nổi bật hóa ra mồi thơm cho chim trời bay lượn trên không dừng lại một nhịp cánh, bay xuống nuốt trôi tôi vào vực thẳm tối tăm. Là con sâu, tôi cũng chỉ tiếp tục cong người trườn bò đi dưới mặt đất. Nếu thiên hạ giơ chân đạp xuống, thế là thân phận con sâu cái kiến biến dạng trên mặt đất. Nhưng thay đổi từ sâu sang nhộng vẫn chưa đủ, bởi nếu tôi chịu nhả tơ làm kén, hóa thành nhộng, thì tôi cũng vẫn tiếp tục lặng lẽ chết đi trong kén. Nếu vậy, cuộc đời cũng chẳng có chi gọi là khá hơn. Đáng giá gì một sợi tơ tằm? Lụa nào kết nối chỉ bởi một đường tơ? Con nhộng, hình hài của thây ma xác chết, ai xót thương, ai nhỏ lệ cho một chú nhộng?

Đổi thay, thương hải biến vi tang điền, biển cả (đổi thay) biến thành ruộng dâu.

Thay đổi, hạt lúa gieo vào đất đen đổi thay nảy mầm vươn cao biến thành cây mạ xanh non.

Đổi thay, thay đổi, khi vươn vai phá rách bốn bức tường bao bọc phận kén, tôi nhẹ mình bay bổng vào cõi trời xanh trong của rực rỡ hương hoa thiên đàng.

Mùa Chay, mùa để tôi thay đổi, tôi không dự tính, lên kế hoạch, vẽ họa đồ đổi thay ai khác nhưng chính tôi, hạt bụi trần gian.

Tôi đang ngồi đếm trứng bướm trên mặt lá của cuộc đời vào những ngày đầu tiên của Mùa Chay. Tôi thắc mắc không biết trái trứng nào cần phải chuyển mình nứt vỏ nhường lại cho tôi một đời sống mới của con bướm vàng. Nếu chưa biết, tôi sẽ hỏi,

– Chúa ơi, xin hãy chỉ cho con biết con sẽ phải chết đi thói hư tật xấu nào trong Mùa Chay này?

LM Nguyễn Trung Tây, SVD

LANG THANG CHIỀU TÍM

(x. Lc 23:39-43)

ZZHắn thường lang thang ra đây mỗi khi chiều tím dần buông trên khu Đồi Sọ hoang vắng, đầy mùi tử khí này.  Thường vào giờ đó chẳng còn ai dám lai vãng gần ngọn đồi ma quái, đã được binh lính La Mã sử dụng để thi hành án tử với các tội nhân Do Thái. Mùi xác chết sình lên chưa kịp đem chôn, tiếng quạ gọi nhau đi ăn đêm rúc lên từng hồi, quyện lẫn trong những tiếng côn trùng rả rích đó đây nghe thật rợn người.  Tên tướng cướp ngồi đó, lặng im chiêm ngắm cảnh hoàng hôn trên Đồi Sọ đang trải dài trên mấy cây thập tự xa xa.  Khi nào đến phiên hắn bị treo lên như đồng bọn?  Ngày nào sẽ là buổi hoàng hôn cuối cùng trong cuộc đời tướng cướp này?  Sau đó thì hắn sẽ đi đâu, về đâu?  Hắn tự hỏi và cũng như mọi khi: chẳng bao giờ có câu trả lời!

Dù chưa có câu trả lời nhưng hắn biết rồi cũng sẽ có một ngày đến phiên mình.  Đi đêm có ngày gặp ma.  Đã liều thân lao vào nghiệp trộm cướp để kiếm ăn, thì ai dám mơ về một mái ấm gia đình, bên bếp lửa hồng có vợ ngồi khâu áo, cạnh đám con đang í a í ới đọc bài.  Tuy không dám ước mơ, nhưng lòng tên gian phi cũng nao nao khi hình dung, mình đang ngồi trong khung cảnh gia đình hạnh phúc đó.  Đã nhiều lần hắn muốn dứt bỏ nghiệp chướng này để làm ăn sinh sống đàng hoàng, nhưng lại không đủ can đảm.  Biết làm gì khi quay lại đời sống hiền lương?  Xã hội có chấp nhận không?  Bạn bè xấu có buông tha không?  Bản thân hắn có chấp nhận một cuộc sống lương thiện đủ dùng, hay lòng còn mãi vấn vương lối sống buông thả với những đồng tiền dễ kiếm?  Và liệu rồi Thiên Chúa của cha ông có tha thứ cho quá khứ kinh tởm của một tên tướng cướp không?  Càng nhiều nghi vấn, bước chân càng ngập ngừng!  Nhớ đến những khuôn mặt đạo đức khó chịu của các thầy tư tế, các vị kinh sư, Pharisêu trong đền thờ Giêrusalem, với những tua áo dài lụng thụng, tay cầm bản văn nhịp nhịp đưa lên cao, như lúc nào cũng chực chờ hạ xuống kết án những người tội lỗi, hắn chợt rùng mình.  Nghiệp chướng này đường vào thì có, ngõ ra thì không.  Phóng lao đành phải theo lao thôi.  Hắn thở dài ngao ngán vì biết chẳng còn con đường nào khác cho một tên cướp muốn hoàn lương.

Rồi cái gì phải đến đã đến!  Tên gian phi và đồng bọn bị lính La Mã tóm cổ trong một vụ cướp của giết người.  Vài tên chạy thoát, hắn và một tên đàn em bị sa lưới, và bị kết án thập giá tử hình.  Răng đền răng, mắt đền mắt, mạng đền mạng!  Chẳng có gì là oan uổng, chẳng có gì để than thân trách phận cả!  Hắn chấp nhận bản án đó một cách bình thản chua chát.  Chỉ có chút ngạc nhiên hụt hẫng, vì tấm màn bi kịch cuộc đời hắn hạ hồi sớm quá, sớm hơn dự định.  Nhưng có hề chi, đã biết trước màn cuối của vở bi kịch sẽ phải là như thế, thì kết thúc sớm hay muộn có gì khác nhau đâu!

Lại một buổi hoàng hôn buồn bã buông xuống trên đồi Canvê như ngày nào.  Khác chăng là giờ đây tên cướp không còn lang thang trong chiều tím thơ mộng, để chiêm ngắm cảnh hoàng hôn dần buông nữa, mà đang đau đớn thoi thóp trên cây thập giá, đang đếm từng giây, từng phút cuối cùng cuộc đời mình.  Cảnh vật còn đó nhưng phận người đã đổi thay!  Câu hỏi: “Ngày nào sẽ là buổi hoàng hôn cuối cùng trong cuộc đời tôi?” giờ đã có câu trả lời.  Một câu trả lời chát chúa và phũ phàng!  Còn sau cái chết oan nghiệt này hắn sẽ đi về đâu?  Hắn vẫn không biết!

Mang thân phận tướng cướp, lúc no phủ phê, lúc đói quắt queo, không yêu ai và cũng chẳng ai dám yêu, không mái ấm gia đình, lúc nào cũng bị lương tâm dày vò bởi lối sống sa đọa tội lỗi, cuộc sống đầy ắp những hồi hộp lo âu không biết lúc nào sẽ bị bắt, bị giết thì cuộc sống đó nào có sướng gì?  Khi cất tiếng khóc chào đời, chẳng ai muốn mang thân phận một tên cướp, một con điếm, hay một thằng giết người?  Hắn không chọn cửa để sinh ra, chẳng qua là số phận hẩm hiu đẩy đưa, và hắn lại không đủ can đảm để dứt ra một khi đã bước chân vào.  Hắn đã khổ một đời rồi, hắn không muốn đời sau, nếu có, lại bị khổ ải trầm luân mãi thế.  Nghiệp chướng này mang một đời chưa đủ hay sao?

Thời gian tích tắc chậm chạp trôi! Rướn người hít lấy những hơi thở ngắn, rồi nặng nhọc thở dốc ra trên cây thập giá, mắt tên cướp lóe lên tia hy vọng héo hắt khi thấy ánh bình minh lấp ló nơi chân trời xa xa.  Hắn rùng mình thở phào nhẹ nhõm khi thoát khỏi bóng đêm tử thần.  Lại sống sót qua một đêm nữa!  Để làm gì cơ nhỉ?  Hắn không biết, nhưng sâu xa trong con tim nguội lạnh đang ngập tràn những hối hận ăn năn.  Tên cướp vẫn mong mỏi được sống, được có cơ hội làm lại cuộc đời.  Hắn không muốn chết trong tình trạng tâm hồn nhơ nhuốc thế này.  Hắn tiếc nuối, giá gì ngày đó hắn đủ mạnh dạn, giá gì ngày đó hắn gặp được một người nâng đỡ tinh thần, ban thêm cho hắn nghị lực và can đảm, giá gì ngày đó.…  Nhắm mắt thở dài xót thương cho thân phận mình, tên cướp cay đắng nhủ thầm: “Muộn mất rồi!”

Tiếng ồn ào la thét của đám đông từ dưới chân đồi đang ùn ùn tiến lên Đồi Sọ kéo hắn ra khỏi giấc mộng.  Là gì thế?  Tên gian phi chau mày tự hỏi.  Phải chăng lại một tên cướp khác sa lưới pháp luật?  Là đồng bọn hắn hay là người thuộc băng đảng khác?  Có bao nhiêu mạng người đổ máu trong vụ cướp đó mà kẻ bị bắt phải bị mang đi hành quyết thế này?  Hắn giật mình kinh hãi khi nhìn thấy bóng dáng quen quen, máu me be bét của người đang vác thập giá.  Cặp mắt lờ đờ mỏi mệt cố căng ra thật to để nhìn cho rõ hơn.  Là ông Giêsu sao?  Hắn không tin vào thị giác mình nữa.  Là vị Tiên Tri nhân từ đã từng làm bao phép lạ, trừ quỷ, và chữa lành bao bệnh tật đây sao?  Là Đấng Ngôn Sứ của dân tộc đã từng rao giảng về Nước Trời, về Tám Mối Phúc Thật mà giờ đây lại bị kết án tử hình như một tên cướp thế này hay sao?  Hắn còn lạ gì ông Giêsu này nữa.  Hắn cũng đã từng theo gót chân ông Giêsu này ngược xuôi khắp nẻo đường đất nước Do Thái mà.  Hắn không theo để nghe giảng dạy như đám đông, hay để xin làm môn đệ Người mà theo để… “làm ăn.”  Phải, ông Giêsu ở đâu thì kéo theo đám đông ở đó, và ở đâu có đám đông thì ở đó có cơ hội cho hắn làm ăn: móc túi, rạch bóp, cướp giật…

Nhưng… chẳng lẽ nào?  Tên cướp ngỡ ngàng nhìn đám đông dữ tợn đang chen lấn gào thét theo sau chân người tử tội Giêsu tạo nên một lớp bụi mịt mù.  Ngạc nhiên quá đi!  Những bàn tay đã từng đưa ra nhận bánh và cá trong buổi chiều tím bên bờ hồ Ga-li-lê hôm nào, giờ đang giận dữ nắm lại dứ dứ đưa lên cao, đòi giết cho bằng được người đã cho họ bánh ăn.  Những cái miệng mới hôm nao còn tung hô vạn tuế con Vua Đavít, giờ lại đang lớn tiếng thóa mạ sỉ nhục Người!  Những bước chân một thời theo đuổi kiếm tìm Giêsu để tìm về chân lý, giờ đang sục sạo săn đuổi bức tử Người đến cõi chết.  Những khuôn mặt đạo đức của các vị tư tế, kinh sư luôn miệng rao giảng về Mười Điều Răn chớ giết người, giờ đây lại thoả mãn hả hê, chiêm ngắm đối thủ đang lê lết ôm cây thập giá tiến lên Đồi Sọ lãnh án tử.  Thấp thoáng trong đám đông, có cả những người đã từng được ông Giêsu chữa lành nữa.  Lạ thật, tên cướp lắc đầu thở hắt ra, gian ác như hắn đến gần chết mà vẫn không hiểu nổi lòng người, và những con người thuộc thế giới lương thiện kia!

Sau khi đóng đinh Người vào thập giá như bao tử tội khác, thấy còn một khoảng cách khá xa giữa hai tên gian phi, binh lính La Mã cho dựng cây thập giá của tử tội Giêsu ở giữa.  Hắn không ngớt chăm chú quan sát người láng giềng mới.  Trông ông ta thật thểu não đáng thương!  Khuôn mặt ông phảng phất nét hiền lành thánh thiêng.  Thân thể trần truồng rách nát, máu me đầm đìa mà không một tiếng trách móc, không một lời kêu ca ai oán, tử tội Giêsu chỉ cúi đầu lặng câm giữa những tiếng la ó chửi rủa.  Hòa trong những tiếng cười nhạo báng đó, chợt tên cướp nhận ra được giọng cười ngạo nghễ, và tiếng nói đầy khinh bỉ giễu cợt của tên đồng bọn đang bị đóng đanh cạnh bên Giêsu:

–     “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23:39).

Hắn nghe mà giận quá!  Giận cái tên đàn em ngu lâu, đến giờ chết mà vẫn còn ngoan cố không nhìn thấy tội lỗi của mình, còn dám lớn tiếng xúc phạm đến Thiên Chúa.  Chưa bao giờ tên cướp thấy mình giận dữ như lúc này, bản chất vốn phóng khoáng rộng lượng với bạn bè em út, vậy mà đến gần giờ chết, hắn lại đùng đùng nổi giận với một thằng đã từng chia cơm sẻ áo khi sống, và cùng chung số phận lúc chết.  Hắn lớn tiếng mắng nó:

–     “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ sao?” (Lc 23:40).

Rồi tên cướp ngậm ngùi nhìn xuống thân thể đầy những vết roi đòn của mình đang bị treo tòng teng trên thập giá, hắn tự hỏi: Có oan không?  Không!  Chẳng oan uổng một tí nào cả.  Bàn tay này đã từng cướp của, dính máu người vô tội.  Trái tim này đã từng chai đá, đóng chặt cửa lòng trước những tiếng khóc lóc van xin của ZZnhững nạn nhân vô tội.  Đôi tai đã từng bưng bít trước những tiếng la hốt hoảng của họ.  Không!  Cả hai hình phạt dành cho hắn, và đồng bọn không oan uổng tí nào cả.  Rồi như một quan tòa trong phiên xử chung thẩm, mà bị cáo chính là mình, tên tướng cướp ngậm ngùi tuyên cáo:

–     “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, là xứng với việc chúng ta đã làm” (Lc 23:41).

Quay sang Giêsu, hắn thấy Ngài vẫn im lặng gục đầu trên thập giá mà không một lời oán than.  Loáng thoáng bên tai hắn còn vang vọng những lời cuối cùng của tử tội Giêsu khi bị quân lính La Mã đóng đinh vào thập giá:Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).  Cha ông Giêsu này là ai thế nhỉ?  Hắn không biết, cũng chẳng nhớ những gì ông Giêsu đã rao giảng, nhưng chắc Cha ông ta lớn lắm, và quyền phép lắm nên ông ta mới xin như thế.  Và câu nói ấy ắt phải xuất phát từ một tấm lòng nhân từ độ lượng, với một trái tim bao dung tha thứ.  Dưới nhãn quan của tên cướp, hắn chưa từng thấy ông Giêsu này làm một điều gì sai trái.  Có chăng là hắn từng chứng kiến bao phép lạ của Ngài, từng nghe những lời giáo huấn của Ngài.  Tiếc thay, lúc đó hắn lại quá mải mê với của cải phù du ở đời!  Tên cướp thấy những con người được mệnh danh là lương thiện sao ác tâm và vô lý quá!  Rồi vẫn như một quan tòa mà bị cáo giờ đây chính là Giêsu, tên gian phi mạnh dạn lớn tiếng tuyên bố:

–     “Người này không làm một điều gì sai trái cả!” (Lc 23:41).

Giọng tên cướp lạc đi giữa những tiếng la ó cười nhạo của đám đông.  Cho dù chẳng ai nghe tiếng hắn nói, cho dù cánh cửa tòa đã khép lại sau lưng, bản án trước đã có hiệu lực, cho dù tiếng nói của hắn chẳng cứu được người tử hình vô tội, nhưng hắn thấy mình có bổn phận cần phải lên tiếng.

Giêsu vẫn lặng im trước lời minh oan đó!  Đôi cánh tay đầy thương tích đang dang rộng trên thập giá phải gánh chịu những gì không do Ngài làm ra.  Những giọt máu ở đầu xuyên qua kẽ gai chảy dài xuống má.  Những vết thương toang hoắc há miệng để lòi cả da thịt bên trong.  Tên cướp xót xa thương cảm, chắc hẳn Ngài phải đau khổ lắm!  Nỗi đau thể xác cùng nỗi đau của tâm hồn hợp lại mà hành hạ Ngài.  Cùng là một thân phận tử tội như nhau, cùng một cách hành quyết giống nhau, nhưng hắn chỉ cảm thấy đau chứ không khổ!  Còn ông Giêsu này, trái tim chai lì của tên cướp chùng xuống như có ai bóp nghẹn, bỗng dưng hắn thấy thương người tử tội hiền lành này quá!  Ông ta có làm gì nên tội đâu!

Trong đầu hắn mang máng nhớ lại những gì Ngài đã giảng dạy: về Nước Thiên Chúa, về sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc viên mãn….  Hắn không hiểu gì cả, và cũng không nhớ rõ hết.  Mang thân phận tướng cướp, hắn biết mình chẳng xứng đáng để được hưởng bất cứ phần thưởng nào: ở đời này cũng như đời sau.  Nước của ông Giêsu ở đâu?  Hắn không biết.  Nơi Giêsu sẽ tới?  Hắn không rành.  Hạnh phúc là gì?  Hắn không có khái niệm.  Tên cướp chỉ ao ước được ở gần con người nhân hậu này, được là người láng giềng của Giêsu mãi mãi.  Hắn ngại ngùng lúng túng muốn xin một điều gì đó, nhưng chẳng biết lời mình xin có được chấp thuận hay không.  Thôi kệ, lấy hết can đảm hắn ấp úng thưa với Giêsu:

–     “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23:42).

Giêsu ngước mắt nhìn lên.  Bốn mắt bất ngờ chạm nhau, dù đã chuẩn bị nhưng tên cướp vẫn giật mình hoảng hốt vội quay phắt mặt đi tránh tia nhìn của Giêsu như mọi lần, mà không kịp nhận biết đó là tia nhìn giận dữ hay tha thứ.  Lòng hắn thổn thức xúc động, đã bao lần hắn trốn chạy ánh mắt của Giêsu rồi.  Chẳng lẽ trong những giây phút cuối đời này hắn cũng phải lẩn trốn ánh mắt đó nữa sao?  Giờ thì còn gì nữa đâu mà phải sợ hãi tránh né chứ?  Lòng nhủ lòng và lấy hết can đảm, hắn từ từ quay lại nhìn thẳng vào ánh mắt Giêsu, hồi hộp chờ đợi một lời từ chối, một tiếng quở mắng, hay một bản án khác.

Ánh mắt Giêsu vẫn còn đó như mòn mỏi đợi mong, đôi môi sưng to bầm dập như vẫn còn mấp máy với dư âm hai chữ “Ta khát!” (Ga 19:28).  Tên gian phi ngạc nhiên trợn to cặp mắt xếch khi bắt gặp ánh mắt âu yếm đầy yêu thương của Giêsu.  Ôi, cái nhìn sao ấm áp quá!  Cái nhìn tha thứ đầy lòng cảm thông, cái nhìn thấu suốt tâm can như muốn ôm trọn thân thể nhơ nhuốc của hắn vào lòng.  Ngọt ngào và êm dịu làm sao cái nhìn trìu mến của người cha nhân từ!  Trong ánh mắt đó, hắn thấy phản chiếu lại, không phải là hình ảnh một tên cướp hung hãn từng giết người, mà là hình ảnh một bé trai ngây thơ hồn nhiên đang ngủ vùi trong vòng tay người cha.  Chưa ai ban phát cho hắn cái nhìn như thế bao giờ!  Hắn lặng người ngất ngây!  Gió ngừng thổi, mây ngừng bay, đất trời như nín thở lặng im chiêm ngưỡng giây phút gặp gỡ của hai tâm hồn.

Không một tiếng hạch hỏi, không một lời kết án. Giêsu thấu hiểu tấm lòng hoang mang đầy những lo âu của hắn, Ngài nhân từ chớp mắt gật đầu, rồi bằng chút hơi tàn còn lại, Giêsu âu yếm nói:

–     “Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43).

Hai dòng lệ nóng trào ra khoé mắt, lăn dài trên khuôn mặt gân guốc chai lì của tên cướp.  Hắn khóc, những giọt lệ đầu tiên trong cuộc đời tướng cướp mà hắn đa mang.

Chẳng ai biết hắn chết lúc nào, trước hay sau Đấng Cứu Thế, chỉ biết những người tốt bụng khi xin hạ xác hắn đem chôn, người ta thấy khuôn mặt tên cướp thật bình thản hạnh phúc, đôi môi nhợt nhạt không che giấu được một nụ cười mãn nguyện, giọt lệ vẫn còn đọng lại nơi khoé mắt, lóng lánh như hạt kim cương trong nắng chiều dương.  Đôi ống chân bị đánh giập nát giờ thôi không còn lang thang trong chiều tím buồn nữa.  Đôi chân đó đã có nơi để về!  Thôi, xin giã từ những chiều tím lang thang vô định!

Lang Thang Chiều Tím
April 2006