THÁNH INHAXIÔ LOYOLA

zzBị bệnh gan nặng nhưng tâm hồn đầy thanh thản, bình yên, cha thánh I Nhã lìa đời ngày 31 tháng 7 năm 1556 trong căn phòng tĩnh lặng chỉ có chính cha với Thiên Chúa.

Lúc sinh thời, cha I Nhã Loyola tha thiết ước mong đem đến cho mọi người tin mừng về Thiên Chúa và để mọi người nhận biết rằng Thiên Chúa thương con người, đã sai Con Một yêu dấu của Ngài làm người.  Tin Mừng về Chúa Kitô bị đóng đinh chết và sống lại để giải thoát, kêu gọi loài người trở về sự thánh thiện nguyên thủy và mời gọi con người sống mãi với Thiên Chúa.  Giáo Hội cũng chỉ loan báo tin mừng này, nhưng cha I Nhã, dựa vào kinh nghiệm bản thân, có một phương thế đặc biệt để giúp nhiều người nhận thấy Tin Mừng như một kinh nghiệm bản thân.

Chính cha I Nhã có kinh nghiệm nhận thấy Thiên Chúa một cách sống động, thân tình, không thể nghi ngờ được.  Kinh nghiệm của cha I Nhã không phải là hình ảnh Chúa hiện ra, hoặc nước mắt sốt sắng hay là một cảm giác lạ lùng khác mà là kinh nghiệm nhận thấy Thiên Chúa hiện diện một cách yên lặng và thật gần gũi.  Một kinh nghiệm khác hẳn với lối suy tư và lý thuyết sâu xa về Thiên Chúa.  Cũng khác với lòng hăng hái dấn thân làm việc tông đồ, kinh nghiệm của cha là một sự gặp gỡ giữa chính mình và Thiên Chúa, trong sâu xa thanh tịnh của cõi lòng, nơi chúng ta cảm thấy bình an, vui sướng, tràn đầy sức sống và tình yêu, là kinh nghiệm gặp Thiên Chúa và bắt đầu từ bỏ chính mình để nhường chỗ cho Thánh Ý và Tình Yêu của Ngài.

Kinh nghiệm này của thánh I Nhã bắt nguồn từ một vết thương ngài bị nơi đầu gối trong một cuộc chiến xảy ra ở thành Pamplona vào năm 1521 giữa quân Pháp và quân Tây Ban Nha.  Lúc ấy, I Nhã là một sĩ quan rất trẻ và anh dũng của hoàng đế Tây Ban Nha.  I Nhã đã đôn đốc, nâng đỡ tích cực tinh thần binh sĩ của mình, một lực lượng bé nhỏ, để kháng cự và đương đầu với quân Pháp đang bủa kín, bao vây thành.  Bị thương nặng, I Nhã trở về Loyola, nơi mà 30 năm trước, I Nhã, con út của một đại chủ vùng Loyola (miền bắc Tây Ban Nha) chào đời.  Trong suốt 6 tháng trời dưỡng thương, I Nhã rất yếu, thập tử nhất sinh nhiều lần.  Trôi theo tháng ngày dưỡng bệnh, các kế hoạch cũ của I Nhã bắt đầu lung lay.  I Nhã là một chàng thanh niên hào hoa, khoáng đạt, tràn tinh thần hiệp sĩ, đầy tham vọng.  Mặc dù song thân muốn I Nhã trở thành linh mục nhưng I Nhã lại có kế hoạch khác: tham vọng của I Nhã lớn lắm: I Nhã thích ăn chơi hơn là đọc kinh, lãnh nhận các bí tích hoặc tuân giữ các giới răn của Chúa.

Ở Loyola và Manresa, năm 1521 và 1522, I Nhã bắt đầu kết thân với Thiên Chúa.  Tình thân mới đã mở mắt I Nhã và, nhờ kinh nghiệm nội tâm, I Nhã bắt đầu hiểu giá trị của các bí tích, lòng sùng kính Ðức Mẹ, mục đích các diều răn Thiên Chúa.  Ngay từ bước đầu trên đường về nhà CHA, Chúa Giêsu là hình ảnh vẹn toàn của Chúa CHA đã giúp I Nhã hiểu tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian và chính mình.  Suốt cuộc sống, cha I Nhã luôn luôn biết tìm hiểu và cảm mến Thiên Chúa mênh mông, bao la qua cử chỉ nho nhỏ, đơn sơ trong cuộc sống Chúa Giêsu.  I Nhã tìm thấy Thiên Chúa bằng cách tìm hiểu và thương mến bước theo chân Chúa Giêsu Nazareth, con của Mẹ Maria.  Ðức Mẹ dẫn I Nhã đến với Chúa Giêsu.  Ðể kết thân với Chúa Giêsu cũng như mỗi lần muốn đạt tới một ơn tối quan trọng (ba lời tâm sự trong Tuần 1, lời tâm sự Hai Cờ Hiệu…) cha I Nhã đã khẩn cầu với Ðức Mẹ trước.

Năm 1524, I Nhã ngồi chung lớp với các trẻ em để học La ngữ và can đảm bắt đầu bước trên đường trở thành linh mục.  Muốn có một căn bản vững chắc về thần học, I Nhã sang Ba-Lê là trung tâm văn hoá nổi danh nhất Âu Châu thời ấy và học đến năm 1535, I Nhã tốt nghiệp hai cấp bằng cử nhân triết học và cao học thần học.  Sau một năm chuẩn bị sốt sắng, ngài thụ phong linh mục và làm lễ mở tay năm 1536.  Cha I Nhã xác tín rằng mọi người đều có thể gặp Thiên Chúa một cách thân tình.  Cha dùng các khoá cấm phòng theo phương pháp Linh Thao để hướng dẫn các vị giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân nam nữ.  Trong các khoá Linh Thao, cha giúp họ mở lòng lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa.  Trong Linh Thao, họ trở về với Thiên Chúa và bắt đầu bước theo Chúa Giêsu như người bạn đường chí ái.

Trong số các thầy cùng học tại đại học Ba-Lê, có một nhóm nhỏ dấn thân theo cha I Nhã.  Năm năm sau, nhóm này thành lập dòng Tên (dòng Chúa Giêsu).  Người thanh niên hiệp sĩ, tự ái cao ngạo I Nhã xưa, nay bắt đầu theo chân Thầy, nghèo và khiêm nhường.  Dòng của cha I Nhã cũng theo nếp sống nghèo, khiêm nhường, xa quyền thế ngoài đời và quyền thế trong Giáo Hội.  Sinh ra trong một gia đình giàu có, quý phái, quen biết với nhiều người có địa vị cao sang, cha I Nhã có thể được phong chức cao trong Giáo Hội, nhưng ngài không bị ảnh hưởng của quyền thế cao trọng, chức bậc giàu sang lôi cuốn. Cha luôn luôn theo Chúa Giêsu: nghèo và khiêm nhường.  Ðây là một nét của dòng Tên, hiện tại xem ra hơi thiếu.  Có rất nhiều hình thức quyền thế: tiền bạc, bằng cấp cao, thế lực chính trị, ảnh hưởng. .. Chúng ta dễ bị tham quyền và lấy cớ cần một chút phương tiện và quyền thế mới để có thể rao giảng Tin Mừng.  Trong khi Chúa Giêsu chỉ xử dụng quyền của sự thật và tình thương, và đã cứu chuộc chúng ta nhờ sự yếu đuối của thập giá.

Cha I Nhã kính nể và thương mến Hội Thánh.  Ngài luôn luôn phục vụ và bênh vực Hội Thánh, nhất là trong thời các giáo phái Tin Lành cảm thấy bất mãn và tách khỏi Giáo Hội Công Giáo.  Năm 1540, Ðức Giáo Hoàng Phaolô III chuẩn nhận dòng Tên để phục vụ Giáo Hội dưới quyền chỉ huy của Ðức Thánh Cha.  Cha I Nhã luôn luôn muốn phục vụ và sống trong lòng Giáo Hội (xem các nguyên tắc sống trong lòng Giáo Hội) nhưng cha không chịu nịnh bợ những người cầm quyền trong Giáo Hội.  Cha phục vụ và thương mến Giáo Hội được Chúa Giêsu lựa chọn và sai đi để mang Tin Mừng cứu rỗi đến mọi người.  Ðối với cha I Nhã, các giáo dân, cũng như chủ chiên là nhiệm thể của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu là đầu.  Như thánh Phaolô, cha I Nhã tin rằng Giáo Hội, nhờ Chúa Thánh Thần, là cô dâu duyên dáng, tinh tuyền, chung thủy của Chúa Giêsu.

Vì mến Giáo Hội và mong Giáo Hội chu toàn sứ mệnh đem Tin Mừng đến với nhân loại, cha I Nhã luôn luôn mang tinh thần canh tân đến các cộng đoàn.  Cha bị nhiều linh mục và giáo sĩ nhìn với cặp mắt nghi ngờ, ghen ghét.  Cha bị đại diện của Giáo Hội bắt giam tù ở Alcala và Salamanca.  Tại La Mã cha cũng bị vài giáo phẩm cao cấp ghét thậm tệ.  Trong tinh thần canh tân, cha I Nhã có nhiều sáng kiến mới.  Cha luôn luôn muốn đáp ứng những nhu cầu cấp bách của đồng loại: năm 1538 cha mở phòng ăn tại La Mã cho hàng trăm người nghèo ăn mỗi ngày để thoát nạn đói.  Mở một cư xá đặc biệt để đón nhận các cô gái hoang đàng, muốn trở về xây dựng lại cuộc sống.  Cha mở lớp huấn nghệ ngay trong thành phố và giúp họ chuẩn bị trở về với đời để trở nên người đàng hoàng hữu ích.  Cha mở cư xá cho người Do Thái và Hồi Giáo muốn học đạo Công Giáo.

Cha I Nhã có tinh thần uyển chuyển, đầy óc sáng tạo để đáp ứng với nhu cầu mới, đồng thời ngài có một tinh thần sâu xa, vững chắc: nuôi dưỡng phát triển đời sống nội tâm; xét mình, nguyện ngắm Kinh Thánh, sùng kính Ðức Mẹ, vâng phục Ðức Giáo Hoàng, có tinh thần khó nghèo, lòng khiêm nhường. Trên hết, ngài muốn là bạn đồng hành của Chúa Giêsu, phục vụ Chúa và đáp lại các nhu cầu tinh thần của tha nhân. (Trích ĐH 7-8/ 1984)

LM Julian Élizaldé Thành, SJ

NƯƠNG TỰA

Một buổi chiều vàng trong khu vườn sau nhà, chuyện xảy ra là: Gió hôn hoa, hoa hôn gió, cùng vui đùa múa hát, rồi chúng cảm ơn nhau thắm thiết.  Cô bướm vàng nghe thấy dịu dàng hỏi:

–  Giữa hai bạn, ai chịu ơn ai?

Hoa cười thật tươi, chỉ tay vào gió và nói:

–  Nhờ gió mà hương thơm của tôi đến được với mọi người.

Gió cũng lên tiếng:

–  Còn tôi, nhờ có hoa nên đã thành ngọn gió thơm.

(Sưu tầm)

***

zzChúa ơi! Như hoa nhờ gió và như gió nhờ hoa… Con cũng phải trông nhờ cậy dựa vào những người xung quanh.  Con không thể sống lẻ loi một mình trong cuộc đời này, và con càng không thể trở nên “thánh” một mình.

Cám ơn Chúa vì biết bao người, biết bao việc tốt lành Chúa đã gởi đến cho con trong cuộc sống:

…cho con sự sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cho con tình yêu thương bao bọc của anh chị em trong gia đình.

…cho con “hơi ấm” của người bạn đời, cho con “vòng tay ôm” của những đứa con trong gia đình. Nhờ đó con có những chuỗi ngày hạnh phúc, êm ấm và bình an.

…cho con sự hướng dẫn từ  thầy cô, cho con sự khuyến khích nâng đỡ của bạn bè, cho con những vị linh mục; nữ tu để giúp con trong đời sống thiêng liêng.

Và quan trọng hơn cả…Chúa đã cho con chính Chúa, để con có nơi chốn nương tựa trong cuộc sống này…để con có đích điểm trở về trong cuộc sống mai sau.

Chúa ơi! Xin tạ ơn Chúa đến muôn muôn đời, Amen.

Linh Xuân Thôn

BẺ RA, TRAO ĐI RỒI SẼ HÓA RA NHIỀU

Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê.(Mt.14:19)

Bạn thân mến! Trên đây là tường thuật việc Chúa Giêsu thấy dân chúng vất vả, đói khát. Chạnh lòng thương, Ngài làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng.

Tin Mừng thuật lại rằng: Sau một ngày đi theo Chúa, dân chúng đã bắt đầu đói khát. Khi trời đã ngả về chiều, các môn đệ xin Đức Giêsu cho đám đông được giải tán để dân chúng đi vào các làng mạc mua đồ ăn. Nhưng Ðức Giêsu đã nhắc nhở các ông về trách nhiệm của người môn đệ trước những nhu cầu của dân 12chúng . Ngài nói với các ông: “Anh em hãy cho họ ăn.” Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá trong tay, làm sao các Môn Đệ có thể cho đám đông 5 ngàn người ăn no đủ? Kiếm đâu ra thức ăn cho đám đông dân chúng này đây ? Quả thật, đây là một khó khăn thiếu thốn khó gỉải quyết.

Nhưng Chúa đã ra tay, Ngài đã lấp đầy những khó khăn của con người, đã biến những thiếu thốn của con người thành dư đầy … Chúa đã ra tay, nhưng Ngài không muốn làm việc một mình, Ngài chỉ làm phân nửa và Ngài tế nhị mời gọi con người cộng tác trong phân nửa còn lại. Ngài để công việc còn phân nửa cho chúng ta tiếp tục. Cái “phân nửa” là chỗ trống để cho tôi bước vào tham dự. Cái “phân nửa” của Chúa thật là huyền nhiệm, sâu thẳm. Thiếu cái “phân nửa” này tôi thiệt thòi biết bao!!!

“Hãy đem lại đây cho Thầy.” Ngài cầm lấy bánh và cá từ tay các môn đệ, nâng lên cao để dâng lên Thiên Chúa Cha, rồi bẻ ra trao cho các môn đệ, các môn đệ cũng bẻ ra trao cho dân chúng, và cuối cùng, chính dân chúng cũng bẻ ra và trao cho nhau. Chúng ta tự hỏi phép lạ đã xảy ra ở trên tay ai? Bánh và cá hoá ra nhiều trên tay người nào? Tin Mừng không nói Ðức Giêsu đã làm phép lạ để có một đống bánh và một đống cá thật to, rồi các môn đệ cứ đến lấy đi mà phân phát. Tin Mừng chỉ nói Ngài bẻ bánh trao cho các môn đệ, rồi các môn đệ bẻ ra trao cho dân chúng. Chẳng mấy chốc, ai cũng có bánh ăn, và được ăn no nê . Như thế, những tấm bánh từ tay Ðức Giêsu đã được “bẻ ra, trao đi rồi hoá ra nhiều”. Ðó là cốt lõi của phép lạ, trong đó có sự cộng tác của con người là việc mang đến cho Chúa sự khó khăn thiếu hụt của mình là năm cái bánh và hai con cá, và nhất là việc con người nhận lấy bánh “bẻ ra và trao đi”

Vậy đừng sợ phải bẻ ra và trao đi sẽ làm hao hụt, sẽ bị thiếu thốn. Nếu giữ lại thì 5 chiếc bánh vẫn chỉ là 5 chiếc bánh, và 2 con cá vẫn chỉ là 2 con cá. Nhưng hãy “bẻ ra, trao đi rồi sẽ hoá ra nhiều.” Đó là lời mời gọi mà Chúa Giêsu gởi đến tôi và bạn trong bài Tin Mừng hôm nay.

Xin mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy nhìn đến những người xung quanh, họ đang đói: đói cơm bánh, đói sự thật, đói tự do, đói công bằng, đói yêu thương, đói cảm thông và tha thứ… Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy “bẻ ra, trao đi rồi sẽ hoá ra nhiều” để mọi người được no đủ.

Hiến trao chẳng những không làm ta nghèo đi, mà còn làm ta được thêm giàu có, phong phú và trưởng thành. “Bẻ ra, trao đi rồi sẽ hoá ra nhiều”. Hãy luôn tin tưởng như vậy bạn nhé !

***

Suy niệm về phép lạ hoá bánh ra nhiều. Tôi tự hỏi lòng mình: – Tôi là ai trong bài Tin Mừng hôm nay ? Là khách bàng quang trong đám đông? Là người dân khát khao lời Chúa? Là môn đệ lãnh nhận bánh từ tay Đức Giêsu để trao lại cho dân chúng? – Thực phẩm nào đã và đang nuôi dưỡng tôi ? Là tiền bạc cơm bánh? Là danh vọng chức tước? Là Lời Chúa và các Bí tích? – Và thực phẩm nào đã giúp tôi được no thỏa, không còn đói khát nữa ?

Lạy Chúa! Ước gì con biết lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Ngài truyền dạy: “Bẻ ra, trao đi rồi sẽ hoá ra nhiều”. Amen

(Tổng hợp từ R. Veritas)

 

QỦA BÓNG TUNG LƯỚI

Trong trận chung kết bóng đá Âu Châu vừa rồi, đội tuyển Tây Ban Nha đã thắng đội tuyển Ý với tỷ số 4-0.  Mỗi lần quả bóng tung lưới, hàng ngàn, hàng vạn khán giả đứng bật dậy, vừa hò hét vừa giơ cao tay hoan nghênh nhiệt liệt.

Quả bóng vui mừng nhẩy múa vì được tung lưới, mặt nó vênh váo, mũi nó phồng to, miệng nó thì thầm:

–  Ôi! Ta thật quan trọng …Ta quả thật là thiên tài.

Nó tin như vậy vì không còn nhớ đến bàn chân của người cầu thủ tài danh đã đưa nó tung lưới, đã mang nó đến đỉnh vinh quang.

***

zzLạy Chúa! Giống như qủa bóng, đã nhiều lần mặt con cũng vênh váo, mũi con phồng to, miệng con thì thầm lẩm bẩm: Ta thật quan trọng… Ta quả thật là thiên tài.

Chúa ơi! Xin giúp con biết khiêm nhượng để nhận ra con chẳng là gì, nhưng Chúa là tất cả.  Tất cả là của Chúa, tất cả là ơn ban từ trời cao, tất cả là qùa tặng nhưng không Chúa dành cho con trong cuộc sống .

Lạy Chúa! Tất cả là của Chúa.  Nay con xin dâng lại Chúa . Xin ban cho con tình yêu và ân sủng Chúa. Như thế là đủ cho con.  Amen .

 

 

VỊ QUỐC VƯƠNG LIÊM CHÍNH

Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19, các dân tộc thuộc vùng núi Cô-ca-dơ ở phía nam nước Nga được cai trị bởi một vị quốc vương Hồi giáo nổi tiếng là thanh liêm chính trực.  Ưu tiên hàng đầu trong việc chấn hưng đất nước của ông là quét sạch mọi tham những, hối lộ.

Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó thì tất cả những ai bị bắt quả tang phạm tội tham nhũng và hối lộ sẽ bị phạt đánh 50 roi trước mặt công chúng.

Ðiều không may xảy ra cho ông, đó là, người đầu tiên bị bắt quả tang phạm tội này lại chính là mẹ ông.  Sự kiện này làm cho ông đau đớn vô cùng.  Không có một luật trừ hay châm chước nào cho sắc lệnh mà chính ông đã ban hành.

Liên tiếp ba ngày liền nhà vua giam mình trong lều của ông.  Sang ngày thứ tư ông xuất hiện trước công chúng cùng với thân mẫu.  Ông ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay mẹ ông và bắt đầu xử lý theo qui luật.

Thế nhưng khi chiếc roi đầu tiên vừa quất xuống trên người mẹ ông thì nhà vua liền chạy đến bên cạnh bà.  Ông mở trói cho bà.  Rồi ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay ông, lột áo ông ra và bắt đầu cuộc đánh roi.  Ðúng 50 roi đã quất xuống trên thân mình nhà vua.

Với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, nhà vua quay về phía dân chúng và nói:

– Bây giờ thì các ngươi có thể ra về.  Luật đã được thi hành.  Máu của vua các ngươi đã chảy ra để đền bù cho tội ác này.

Kể từ đó, trong vưong quốc này, người ta không còn bao giờ nghe nói đến tội tham nhũng, hối lộ nữa.

*************************************

Hình ảnh của ông vua trên đây có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào điều mà Giáo hội gọi là mầu nhiệm nhập thể cứu độ.

ZZChúa Giêsu Kitô chính là Thiên Chúa hóa thân làm người để cứu độ con người.  Cũng như vị quốc vương Hồi giáo trên đây đã chịu đòn thay cho mẹ và diệt trừ tham nhũng, hối lộ khỏi đất nước.  Thiên Chúa đã mang lấy thân phận con người, trải qua tất cả những cảnh huống của con người, kể cả cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu độ con người.

Thiên Chúa là đấng cứu độ.   Ðó là tước hiệu quen thuộc nhất mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho dân Do thái.  Biến cố quan trọng nhất qua đó người Do thái nhận ra Thiên Chúa là đấng cứu độ của mình chính là cuộc giải phóng cha ông họ khỏi ách nô lệ bên Ai cập.  Biến cố ấy cũng được người Do thái xem như là một hình ảnh tiên báo một cuộc giải phóng chung cục mà Thiên Chúa sẽ thực hiện.

Qua tiếng nói của không biết bao nhiêu trung gian thường gọi là ngôn sứ, Thiên Chúa luôn hướng niềm hy vọng của người Do thái đến cuộc giải phóng chung cục ấy.  Và Chúa Giêsu đã đến thực hiện cuộc giải phóng đó, cuộc giải phóng không chỉ dành riêng cho người Do thái, mà còn cho toàn thể nhân loại nữa.

Tên Giêsu của Ngài trong tiếng Do thái có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ.  Duy chỉ một mình Ngài, đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người mới có thể cứu độ con người.

R. Veritas

*************************************

Lạy Chúa Giêsu con tin vào mầu nhiệm nhập thể cứu độ, tin rằng Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ con nhưng Chúa chỉ cứu được con khi có sự hợp tác của chính con.  Chúa không thể cứu được con nếu con không muốn.  Xin cho con biết mở lòng đón nhận ơn Cứu Độ đó, Amen!

NGÀI CHẠNH LÒNG THUƠNG

Sau một cuộc hành trình truyền giáo, các tông đồ phấn khởi trình bày cho Đức Giêsu những gì mình đã làm và đã giảng dạy cho dân chúng.

Đức Giêsu có vẻ quan tâm đến con người hơn là công việc.  Ngài biết các tông đồ giờ đây cần gì.  Họ cần một chút nghỉ ngơi cho thân xác.  Họ cần một chút riêng tư, trầm lắng cho tâm hồn, để nhìn lại phía sau, để nhìn về phía trước, để tách mình ra khỏi công việc bề bộn nơi đám đông, để sống tình thầy trò thân mật ấm áp.

Hãy đi riêng ra, đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút.” (Mc.6:31).  Chỉ cần một chút thôi, năm phút, mười phút…

Ai trong chúng ta cũng cần một chút lặng lẽ mỗi ngày, để trở lại chỗ sâu thẳm của lòng mình, để lắng nghe tiếng lòng mình và lời mời gọi của Thiên Chúa.

Cần tìm một chỗ lặng lẽ trong nhà, để tôi có thể ngồi với tôi, trước nhan Chúa.  Cuộc sống bận rộn trong thế giới hôm nay không để cho ta một chút nghỉ ngơi.  Các tông đồ cũng bị cuốn vào cơn lốc của công việc.  Cần phải phấn đấu để có được một chút lặng lẽ  mỗi ngày.

Một chút lắng sâu đủ nuôi cả ngày. Một chút êm ả khi ta đã làm mình trống rỗng  khỏi bao điều đã nghe và thấy, đã nói và ước mơ.

Phải xuống thuyền để đi đến nơi nghỉ ngơi. Phải ra khỏi chỗ mình đang sống. Thầy trò đã lên thuyền, nhưng kế hoạch bất thành.  Có lẽ vì ngược gió nên thuyền đi chậm.  Một số người đã chạy đến trước nơi Thầy trò sắp ghé vào.  Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông.  Ngài sững sờ khi nhìn thấy họ.  Những bước chân nôn nao, hối hả của họ đã khiến Ngài rung động tận cõi lòng.  Ngài biết họ cần Ngài và Ngài dạy dỗ họ nhiều điều

zzĐức Giêsu mang trái tim của người mục tử nhân hậu, Ngài nhói đau trước sự bơ vơ của đoàn chiên…Ngài chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.

Bơ vơ là tâm trạng của con người trong mọi thời đại, nhất là của người trẻ hôm nay.  Bơ vơ khi bị ném vào cuộc đời lọc lừa, xảo trá.  Bơ vơ khi bị nghiền nát bởi những thủ đoạn gian manh.  Bơ vơ khi bị vấp ngã, không sao đứng lên được. Bơ vơ khi những thần tượng lần lượt tan vỡ.

Bị bơ vơ dẫn đến chán chường và buông trôi, mặc cho mình bị lôi kéo vào những cạm bẫy nghiệt ngã.

Làm thế nào để người bạn trẻ gặp được Giêsu, để lấy lại niềm tin, để tìm được hướng đi cho cuộc sống, để vững vàng bình an giữa sóng gió cuộc đời.

Tôi phải giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, nhưng tôi cũng phải trở thành một Giêsu gần gũi để đến với những ai bơ vơ quanh tôi.

***

Giữa những ồn ào của đám đông, giữa những sôi nổi của thành công và ê chề của thất bại… Xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa những đam mê quay cuồng, giữa những khát khao thèm muốn và những trói buộc của sợ hãi, âu lo… Xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa lúc bị cuộc đời từ khước, giữa lúc bơ vơ đi trong đêm đen mênh mông, chẳng có ai để cậy dựa… Xin trở về với cõi riêng bên Giêsu, để một mình ở đó, trầm lắng và bình an.

Trích trong “Manna”

CĂN CƯỚC

Phúc Âm thánh Yoan, phần phụ chương, chương 21:

Sau đó, Ðức Yêsu lại tỏ mình ra lần nữa cho môn đệ ở ven biển Tibêria. Ngài tỏ mình ra như thế này: Tề tựu với nhau có Simon Phêrô và Tôma, nghĩa là sinh đôi, Nathanael người Cana xứ Galilê, các con ông Zêbêđê, và hai môn đệ khác nữa, Simon Phêrô nói với họ: “Tôi đi đánh cá đây”. Họ nói với ông: “Chúng tôi cũng đi với ông”. Họ ra đi, lên một chiếc thuyền; nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả (Jn. 21:2-3).

******************************

Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi.  Gồm lại những sôi nổi, ta có thể chia đời của ông làm hai: Cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy.  Phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Roma.

Tôi chọn những lời Phúc Âm trên đây để vẽ căn cước cho ông vì trong cuộc đời phần một của ông, ông đi từ lỗi lầm này qua lỗi lầm khác.  Cuối đời của Chúa, Chúa đã bị ông chối từ thê thảm (Mc. 14:66-72).  Nhưng phần thứ hai trong đời ông là một thiên anh hùng ca.  Thiên anh hùng ca được mở đầu bằng những lời chứng của Yoan trên đây.  Lời chứng nói về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria, rồi đưa đời ông từ đêm đen mờ mịt ấy về một cõi trời phiêu bạt mịt mùng sương gió cho Nước Trời.

******************************

zzTrên biển hồ Tibêria, thẻ căn cước của ông được viết bằng một hàng chữ ngắn: Tôi đi đánh cá.  Ông mở đầu cuộc đời anh hùng ca của ông bằng mấy chữ ấy.  Với thẻ căn cước đó ông vẽ chân dung của ông bằng những mảng màu độc đáo.  Ðời ông ra sao về sau này, tuỳ thuộc ở tấm căn cước mà ông xác định trên biển hồ hôm nay: Tôi đi đánh cá.  Vậy chúng ta hãy “xét” căn cước của ông để tìm một chút thành tố căn bản cho thiên anh hùng ca đời ông.

Chấp nhận cô đơn sương gió

Trên biển hồ hôm đó, ta thấy Yoan kể về một nhóm bạn hữu.  Ðếm ra ít nhất cũng bẩy người, nếu tính cả Phêrô, biết đâu còn nhiều hơn.  Thầy của họ vừa mới chết.  Cái tang chế u buồn như còn chít vòng khăn sô trong tim họ.  Mất Thầy rồi, giờ này biết đi đâu?  Tương lai chúng ta ra sao?  Chắc chắn họ vọng về những ngày quá khứ đi đâu cũng có Thầy với nỗi sầu muộn u hoài.  Chắc chắn họ nhìn về tương lai với nỗi lo băn khoăn.  Bởi đó, họ cần nhau.  Ði đâu họ cũng muốn có nhau.  Cho nên cái thường tình, họ ngồi chụm với nhau một đám đông là thế.

Trời xuống đêm nặng nề.  Ngoài kia biển cứ mênh mông vô tâm.  Họ hỏi nhau.  Chúng ta sẽ đi về đâu? Chúng ta phải làm gì?  Những câu hỏi ngắn thôi mà câu trả lời sao mịt mờ quá.  Trong cái bơ vơ mệt mỏi để tìm một định hướng, Phêrô lên tiếng: Tôi đi đánh cá.

Ông dại dột quá, tại sao ông không nói: Chúng ta hãy đi đánh cá.  Ông lỡ lời mất rồi.  Ông chỉ nói: Tôi đi đánh cá.  Nếu không ai đi với ông thì sao?  Khi ông nói, Tôi đi đánh cá, mà không ai đi với ông thì ông phải đi một mình.  Chúng ta hãy nhìn mảng màu mà ông tự vẽ cho ông.  Ông đã nhìn thấy một đêm đen mờ mịt, ngoài kia gió lạnh buông theo sương.  Mênh mông một mái chèo.  Lặng lẽ trong khuya khoắt một nhịp sóng cô độc, lẻ loi.  Nếu không ai đi, một mình một mái chèo, một mình một biển rộng hoang vu, một mình một bão tố thăm thẳm.  Nếu không ai đi, gió đưa về từng con sóng bung vạt áo, một tay đỡ nhịp, một tay chống.  Chắc chắn ông đã nhìn thấy ra khơi trong đêm nay là thế. Nhưng tiếng lòng của ông là căn cước của riêng ông.  Nếu không ai đi ông vẫn ra đi một mình.

Từ nay, bước đường căn cước ơn gọi làm Kitô hữu của tôi là thế . Là ngược gió mà đi, là ngược theo dòng đời mà tới.  Tôi chọn hàng chữ Phêrô viết trên tấm căn cước của ông: Tôi đi đánh cá.  Vì tôi thấy ông có một lựa chọn dứt khoát cho một ơn gọi.  Không có ai đi, tôi vẫn đi. Trên cuộc đời, có người đi ngược, có kẻ về xuôi.  Nhưng đâu là con đường của tôi.  Phêrô, ông đã không để đời ông nhiễm lạnh vì cái ấm cúng của một đám đông.  Ông không để đời ông sợ hãi vì không có kẻ đồng hành mà ngần ngại với ơn gọi.  Tôi đang nhìn thấy một Phêrô khác cũng đang vẽ căn cước cho đời mình bằng thiên anh hùng ca của biển hồ Tiberia năm xưa, đó là Yoan-Phaolô II.  Người ta chống đối Giáo Hội, vì Ngài dám nói thẳng về những tệ trạng thiếu luân lý, công bình của xã hội hôm nay.

Trong ơn gọi làm Kitô hữu của mình, tôi cần viết một hàng chữ cho căn cước của tôi.

Ðặc tính của lửa

Khi Phêrô nói: Tôi đi đánh cá.  Các ông khác cùng nói: Chúng tôi cũng đi với ông.  Chúng ta giả sử đêm ấy Phêrô không ra khơi, chắc hẳn chẳng có ai muốn xuống thuyền.  Nhưng giờ đây, ta hãy nhìn những mảng màu táo bạo Phêrô đổ xuống biển hồ.  Trong cái đêm đen mênh mông ấy, khi mà thế giới say ngủ, nhóm chài lưới bẩy người ra khơi.  Họ tiến vào mù mịt gió sương, họ đập chèo vào mặt sóng không sợ hãi, họ dứt khoát đi thẳng vào mịt mùng nước mênh mông.  Ðẹp làm sao trong cái u hoài sầu muộn, giờ đây bừng bừng lửa, đốt thành bẩy ngọn hải đăng thiêng liêng.  Mỗi con sóng đập là toé lên từng mảng mầu dũng cảm long lanh.  Mỗi ào ào gió tạt là vung tay gạt thách đố.  Tôi có thể nhìn thấy Phêrô đứng ở mũi thuyền, mỗi lần sóng trào lên, mắt ông ngời sáng nhìn về phía trước.  Tóc ông rối bay ẩm ướt gió sương.  Không phải biển hồ đe dọa nuốt ông, mà là ông đe dọa sẽ nuốt cả biển hồ.

Lửa.  Một lần Ðức Kitô đã nói: “Ta đã đem lửa xuống thế gian và ta muốn lửa ấy cháy lên” (Lc. 12:49).  Ðặc tính của lửa là đốt cháy.  Cái mệnh đề: “Tôi đi đánh cá” của Phêrô dẫn đến mệnh đề thứ hai: “Chúng tôi cùng đi với ông”.  Họ đã bị Phêrô đốt cháy.

******************************

Lạy Chúa,
Cuộc đời con có nhiều khúc đường mà kẻ đi xuôi, người về ngược, kẻ bảo dừng, người phân vân. Trong cái hoang mang đó con rất dễ đánh mất căn cước ơn gọi của con.  “Xét” căn cước của Phêrô, con thấy đời ông có một lý tưởng.  Thiên anh hùng ca đời ông đã bắt đầu bằng thái độ dứt khoát đó. “Xét” căn cước của Phêrô, con thấy ông đã đốt cháy đời kẻ khác chung quanh ông.  Dựa vào căn cước của ông con cần xét căn cước của mình:

Trong cuộc sống, nếu con không dám trung thành với giáo huấn của Giáo Hội, nếu con tự nhủ lối sống dễ dãi của con chẳng có gì phàn nàn vì tất cả kẻ khác cũng sống như vậy.  Ðấy là dấu chỉ con bỏ căn cước ơn gọi Kitô hữu của con, con đang cầm căn cước của người khác rồi.

Lý tưởng của Phêrô đã làm thay đổi ngoại cảnh chung quanh ông.  Chỉ có lửa giả mới không đốt cháy. Nếu trong bổn phận Chúa trao cho con, mà chung quanh con mọi thứ đều tà tà, chẳng có gì thay đổi, đấy là dấu hiệu con phải “xét” kỹ lại căn cước thiêng liêng của mình.

Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ

CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU

Vào ngày 13 tháng 11 năm 2009, theo tờ Dallas Morning News đã đưa tin, bà Carrie Gehling, 45 tuổi, đã bị mất cả hai chân vì bệnh tiểu đường, đau tim, và cần được ghép thận sau nhiều năm lọc thận.  Bác sỹ cho biết bà đang gặp nguy cơ đến tính mạng.  Trong lúc bệnh tật và khó khăn, Bà Gehling chạy đến Đức Ông và cũng là cha xứ Mark Seitz tại nhà thờ Saint Rita ở Dallas, tiểu bang Texas, để nhờ ngài tìm kiếm quả thận cho bà.  Khi nhận được tin này, Đức Ông Seitz đã suy nghĩ, tại sao không phải là tôi?  Sau đó, ngài quyết định tặng quả thận của mình cho bệnh nhân, ngài coi việc hiến tặng này là biểu lộ tình yêu và nhiệm vụ của linh mục.  Ngài nói rằng: “Tôi noi gương Chúa Giê-su vì Ngài đã hy sinh mạng sống cho tôi, thì tôi cũng có thể cho đi một quả thận cho người đang cần được sống”.

Hơn nữa, ngài rất ngưỡng mộ lòng dũng cảm của bà Gehling khi phải đối phó với căn bệnh khủng khiếp này, nhưng bà ấy luôn vẫn tin tưởng vào lòng nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa khi tiếp cận với những người khác.  Để có được đức tin mạnh mẽ như thế, thì bà ta cũng đã trải qua một kinh nghiệm về quá khứ của tuổi trẻ.  Như lời bà Gehling nói với Dallas Morning News rằng: Khi được 20 tuổi, bà đã bị mất niềm tin một thời gian sau khi người cha qua đời vì căn bệnh đau tim.  Một ngày kia, tôi tỉnh dậy và nghĩ rằng, mình thật là điên khùng.  Bà nói tiếp: Nếu cha tôi còn sống sau cơn đau tim, thì ông ta chỉ sống như một loài thực vật.  Vậy những gì Chúa đã làm là tốt nhất.  Lời sau cùng, bà Gehling nói rằng: Không có từ ngữ nào có thể nói lên lời cảm ơn.  Làm thế nào để có thể nói lời cảm ơn với một người đã cho bạn một cuộc sống mới!  Bà đã gọi đây là quả “thận thánh”, trong khi đó vị linh mục Seitz nói, món quà ấy chỉ là một cố gắng sống theo gương của Chúa Kitô.

Gương mục tử hiến tặng quả thận có thể dẫn đưa chúng ta đến gần với trang Tin mừng hôm nay về sự từ bỏ, quên mình và làm chứng cho Tin mừng, cho tình yêu Thiên Chúa một cách sống động và thiết thực hơn.  Cha Seitz đã chia sẻ sự sống của mình cho bà Gehling, một người đang khát khao để được sống.

Khi Chúa Giê-su sai các Tông đồ đi rao giảng, thì Ngài ban cho các ngài được quyền chữa trị trên các thần ô uế, và chỉ thị đầu tiên của Ngài đối với các Tông đồ là không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không mang lương thực, bao bị, tiền bạc v.v… Khi nghe những lời căn dặn này, chúng ta nghĩ rằng, nó không thực tế trong bối cảnh của xã hội ngày nay.  Bởi vì, chung quanh chúng ta đâu có ai nghèo đến nỗi không có hai áo, giày dép, bao bị, tiền bạc, ngay cả các linh mục, tu sỹ cũng ăn mặc đàng hoàng, và có những điều kiện tối thiếu để sinh hoạt hàng ngày, đằng khác có người còn dư thừa không chỉ có hai bộ mà có cả tủ quần áo thì sao!  Chúng ta có lý do để cho rằng, lời dặn của Chúa Giê-su không phù hợp với những gì con người đang có, sử dụng và hưởng thụ.

Cho nên, chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn trong bối cảnh của đoạn Tin mừng.  Lúc bấy giờ dân chúng đang sống trong cảnh lầm than, đói khổ, bệnh tật và hoạn nạn, bị áp bức và thống trị, cho nên họ cũng mong được giải thoát khỏi cảnh khốn khổ lầm than.  Chúa Giê-su là nhà cách mạng cho công lý, cho sự thật, cho hòa bình trước khổ đau của con người.  Lời căn dặn và chỉ thị của Ngài mang ý nghĩa nhân sinh hơn, bởi vì lời rao giảng đó phải được gắng liền với việc làm.  Nếu các Tông đồ không sống, không thực hiện đời sống khó nghèo thì giáo lý của Chúa Giê-su rao giảng cho ai?  Khi Chúa trao cho các ông có quyền trong tay, rồi chuyện gì sẽ xảy ra, vì lòng tham của con người là vô tận.  Đằng sau lời căn dặn đó, Chúa Giê-su muốn các Tông đồ đừng bám víu vào của cải vật chất, phải siêu thoát và từ bỏ, thì mới có thể rao giảng và làm chứng cho Thiên Chúa giàu lòng từ bi và nhân ái.  Ấy thế mà vẫn có Giu-đa bán Thầy vì tham tiền.

Có lẽ bài học được rút ra từ Lời Chúa cho chúng ta hôm nay, bài học đó không chỉ dừng lại trên phương việc sử dụng của cải vật chất sao cho hợp lý, mà còn là bài học của cái tâm biết thương ZZngười.  Giáo hội cần có tấm lòng quảng đại của những vị mục tử tốt lành dám hy sinh vì đoàn chiên bệnh tật, nghèo nàn, đau khổ, và tất cả mọi người kitô hữu mang danh Chúa Kitô dám sống và làm chứng cho tình yêu.  Nếu chúng ta nhận ra khuôn mặt của Chúa Giê-su đang hiện diện trong những người nghèo khổ, bệnh tật, bị áp bức là lúc chúng ta sống với giá trị của Tin mừng.

Cho dù, những lời chỉ thị của Chúa Giê-su cho các Tông đồ ngày xưa trong hoàn cảnh khác xa với hiện tại ngày nay, nhưng lời đó vẫn tiếp tục mời gọi mọi người chúng ta thực hiện trong cuộc sống hôm nay.  Như lời cha Seitz nói: “Việc làm của tôi là cố gắng theo gương Chúa Giê-su”. Và Mẹ Têrêxa Calcutta thì nói: “Không ai nên Thánh một mình, và không ai lên Thiên Ðàng một mình”.

Lạy Chúa, mọi người chúng con được Chúa sai đi làm chứng nhân tình yêu Thiên Chúa giữa dòng đời, thì xin cho chúng con biết sống yêu thương, chia sẻ, cảm thông, và biết tìm kiếm Nước Trời là cùng đích của cuộc đời chúng con.

Lm. John Nguyễn, New York.

NGÀI  GỌI VÀ CHỌN

Đức Giêsu đã gọi và chọn Nhóm Mười Hai.

Sau một thời gian ở với Ngài (Mc.3:14), các tông đồ thuộc Nhóm Mười Hai đã được Ngài sai đi rao giảng Tin Mừng.  Người được sai đi phải là người có đời sống gần gũi thiết thân với Chúa.

zzĐức Giêsu sai họ lên đường.  Ngài trao cho các ông những quyền năng mà Ngài có: Quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ.  Đó là hành trang lên đường của các ông.  Mọi hành trang khác chỉ là phụ thuộc: Một chiếc áo đang mặc, một cây gậy và đôi dép khi đi đường.

Đức Giêsu cấm các ông không được mang theo lương thực, bao bị, tiền bạc… Không lương thực đi đường nên có thể bị đói.  Không bao bị nên không thể để dành.  Không tiền bạc nên không thể mua sắm.  Ngài muốn các ông hoàn toàn nương tựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa và lòng tốt của con người.

Ra đi mà không có một chút bảo đảm.  Các môn đệ đã đi từ nơi này đến nơi kia, lê gót qua các làng mạc và thành phố.  Họ không đóng đô ở một nơi, dù gặp thành công, vì họ nhớ lời của Thầy: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (Mc.1:38)

Đặc tính của người tông đồ là sẵn sàng đi đến và cũng sẵn sàng ra đi. Các môn đệ loan báo về Nước Thiên Chúa đang đến.  Đó là một tin vui, nhưng đòi buộc con người phải hoán cải.

Hoán cải là điều chẳng ai ưa. Người tông đồ cần can đảm nói điều phải nói. Không làm nhẹ đi những đòi buộc của Tin Mừng, không bóp méo Tin Mừng để tìm thành công cá nhân, cũng không mỵ dân để vuốt ve dư luận.  Người tông đồ phải chấp nhận được tiếp đón một cách nồng hậu hay lạnh nhạt.  Bởi vì họ chỉ là những người phục vụ cho Tin Mừng.

Chúng ta cần cảm nghiệm niềm vui của các môn đệ.  Những người đánh cá nay trở thành nhà rao giảng.  Những người ít học, bình dân, nay trừ quỷ và chữa bệnh.  Họ đem đến cho con người niềm vui, sự giải phóng toàn vẹn cả hồn lẫn xác.

Hôm nay Đức Giêsu vẫn sai ta đến trong thế giới.  Đi từng hai người hay từng nhóm để nâng đỡ nhau.  Chúng ta có thể mang theo nhiều đồ trang bị hơn xưa, nhưng không vì thế mà bỏ rơi cậy dựa vào Chúa. Thế giới hôm nay vẫn có nhiều bệnh tật: Bệnh tuyệt vọng chán chường, bệnh hoài nghi khép kín… Ước gì chúng ta chữa lành những nỗi đau hôm nay.

***

Lạy Chúa Giêsu!  Xin sai chúng con lên đường;  nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: Rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.

(Tổng hợp từ R. Veritas)

KHIÊM TỐN VÀ HIỀN LÀNH ĐÍCH THỰC

zz* Con chỉ hiểu được đức khiêm nhường khi suy niệm cả cuộc đời Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hạ mình chịu moi sự ngớ ngẩn, dốt nát, hiểu lầm, sâu độc, suốt 33 năm vì yêu chúng ta (DHV 510).

* Chỉ người khiêm nhường thật mới được an vui như Chúa Giêsu dạy:  Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng và các con sẽ tìm thấy bình an trong tâm hồn? (DHV 516).

* Không thể tránh căng thẳng, nhưng giảm bớt căng thẳng được.  Trước hết Chúa không buộc con làm tất cả moi sự.  Thứ đến việc gì Chuá giao con làm, Chúa ban thời giờ và phương tiện.  Nếu với tất cả cố gắng và thiện chí, con không thực hiện được là Chúa không muốn.  Tại sao con căng thẳng ngã lòng? Cứ bình an (DHV 522).

Thánh Phanxico Salesio có bẩm tính rất nóng nảy, họ hàng bè bạn ai cũng biết thế …

Một hôm, có người đến Toà Giám Muc Annecy để thăm thánh nhân.  Trong câu chuyện trao đổi hai bên, ông ta nhiều lần lớn tiếng cãi vã, đấm bàn đấm ghế, chỉ trích phê bình và mắng nhiếc thánh nhân thậm tệ. Thế nhưng, thánh Phanxicô vẫn cứ ngồi nghe cách thinh lặng, thỉnh thoảng lai nhã nhặn mời ông khách xơi trà, hút thuốc.  Trước những câu nói nặng nề xấc láo, thánh nhân vẫn đáp lại bằng những lời lẽ hết sức dịu dàng, khiến ông khách qúy bắt đầu cảm thấy thẹn thùng rồi từ từ rút lui.

Người anh của thánh nhân ngồi ở phòng sau chăm chú theo dõi câu chuyện hai bên.  Khi người khách vừa ra khỏi cổng, ông phóng ngay ra phòng thánh nhân và lạ thay….  Phanxicô vẫn tươi cười bình tĩnh! Ông liền nói:

– Nè, chú Phanxicô, xưa nay chú tính nóng như lửa, sao độ này lại hiền từ nhịn nhục đến thế????  Tôi ở phòng sau nghe lão ta nói mà sốt ruột lộn gan, muốn nhào ra đánh một trận cho vỡ mặt hắn ra.  Ðồ lếu láo mất dạy!

– Anh à, ai cũng có máu Adong cả.  Em cũng bực tức xung giận lắm, nhưng em cố gắng theo gương Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường trong lòng.  Cứ mỗi dịp như vừa rồi, em lại tập thêm được một chút ít bằng cách tự bảo: này hỡi Phanxicô, hãy đậy kỹ vung, đừng mở, đừng nói gì ráo!  Cuối cùng em thấy rằng: lấy một giọt mật, bắt được cả bầy ruồi; chứ lấy cả thùng giấm, chẳng tóm được một con.

ĐHY Nguyễn Văn Thuận